BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


NƠI ẤY CŨNG LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ÐÂY 
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are. 
Tác giả: Jon Kabat-Zinn -  Dịch giả: Nguyễn duy Nhiên. 
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày" 
Nhà Xuất Bản Sinh Thức


- 3.b - 

TINH THẦN CHÁNH NIỆM
(tiếp theo)

16.- CÁI GÌ ÐÂY? 

Tinh thần quan sát là nền tảng của một lối sống chánh niệm. Nhưng sự quan sát không chỉ là một phương cách để giải quyết vấn đề. Nó là một phương tiện giúp ta tiếp xúc được với sự bí mật của sống và sự có mặt của ta ở nơi này. Ta thật sự là ai? Ta đang đi về đâu? Nó có nghĩa lý gì? Thế nào là người... đàn ông, đàn bà, trẻ thơ, cha mẹ, một người học trò, một công nhân, một ông chủ, một tội nhân, một kẻ không nhà? Nghiệp quả của tôi là gì? Tôi đang ở đâu. Con đường nào là của tôi? Công việc của tôi trên trái đất này là gì? 

Quán sát không có nghĩa là ta đi tìm một câu trả lời, nhất là những câu trả lời hời hợt có được từ một suy tư nghèo nàn. Nó có nghĩa là hỏi mà không cần được giải đáp, chỉ cần suy nghẫm và cân nhắc, cưu mang sự thắc mắc đó trong ta, để cho nó được thấn nhuần, sủi bọt, nấu chín và soi sáng bởi chánh niệm, như mọiviệc khác. 

Bạn không nhất thiết cần phải ngồi yên mới có thể quán sát được. Sự quán sát và chánh niệm có thể xảy ra cùng một lúc trong cuộc sống thường ngày của ta. Thật ra,sự quán sát và chánh niệm chỉ là một, chúng tùy theo góc cạnh nhìn của ta. Bạn có thể suy ngẫm về những câu hỏi như là "Tôi là ai?", "Cái này thật sự là gì đây?", "Tôi đang đi về đâu?", hoặc là "Công việc nào là của tôi?" trong khi bạn đang sửa xe, đi dạo, rửa chén, đi xin việc làm, ngồi xem những đứa con của mình đùa giởn trong một buổi tối sáng trăng. 

Trong cuộc sống ta sẽ phải đối diện với mọi thứ vấn đề: lớn nhỏ, tròn méo... Chúng có từ những việc rất nhỏ nhen cho đến lớn lao, và vĩ đại có thể đàn áp ta. Sự tu tập là làm sao ta có thể đối diện với chúng bằng sự quan sát, trong chánh niệm. Nó có nghĩa là ta cần đặt những câu hỏi như: "Ý nghĩ này, cảm thọ này, khó khăn này, thật sự là gì?", "Tôi sẽ đối phó với nó ra sao?" hoặc là tôi có dám đối diện với nó không hay là chấp nhận nó không?" 

Bước đầu tiên là chấp nhận rằng ta có sự khó khăn, có nghĩa là ta đang có một sự căng thẳng hoặc bất an nào đó. Có khi phải mất đến bốn mươi năm, năm mươi năm ta mới có thể tạm công nhận được một vài vấn đề mà mình đang cưu mang. Sự quán sát không có một thờigian nhất định. Nó cũng giống như một cái nồi đang để trên ngăn giá. Nó sẵn sàng để xử dụng khi nào bạn cần mang nó xuống, bỏ đồ vào và nấu lên. 

Quán sát có nghĩa là ta đặt câu hỏi và lập đi lập lại nhiều lần. Ta có can đảm để đối diện với vấn đề không, bất cứ đó là một việc gì, và đặt câu hỏi nó thật sự là gì? Việc gì đang thật sự xảy ra? Nó đòi hỏi ta phải biết nhìn cho thật sâu sắc và duy trì sự quán chiếu ấy trong một thời gian, với chánh niệm. Nó sai lầm chỗ nào? Gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu? Bằng chứng đâu? Chúng liên hệ nhau ra sao? Thế nào là một giải pháp tốt đẹp? Ta hãy tiếp tục quán sát, quán sát và quán sát. 

Nhưng bạn nên nhớ quán sát không phải là suy nghĩ để tìm tòi một sự giải đáp, mặc dù nó sẽ khơi lên rất nhiều ý nghĩ có thể giống như những câu trả lời. Quán sát có nghĩa là ta biết lắng nghe những tư tưởng của mình, mà câu hỏi ta đã khơi dậy. Việc ấy cũng giống như ta đang ngồi bên cạnh dòng suối tư tưởng của mình, lắng nghe tiếng nước chảy qua những khe đá, lắng nghe, lắng nghe và theo dõi, thỉnh thoảng có một vài chiếc lá hoặc cành khô nhỏ trôi qua. 

17.- LẬP NÊN MỘT CÁI NGà

Giá trị thật sự của một con người, được xác định bằng sự đo lường và cảm nhận nơi người ấy, đã giải thoát ra khỏi được cái Tôi của mình bao nhiêu? - Albert Einstein, "The World As I See It". 

"Tôi" và "của Tôi" là những sản phẩm của tư tưởng chúng ta. Larry Rosenberg, một người bạn của tôi tại thiền viện Cambridge Insight Meditation Center, gọi đó lập Ngã. Ông ta nói rằng, chúng ta có một khuynh hướng không thoát được cũng không thay đổi được, là từ bất cứ một sự việc gì, một hoàn cảnh gì, ta cũng có thể lập nên từ đó một cái "Tôi" và "của Tôi", và ta sinh hoạt trong cuộc đời với ý niệm hạn hẹp ấy, phần lớn chỉ là mộng tưởng, và sự tự vệ. Không có một giây phút trôi qua nào lại không có việc đó xảy ra. Nhưng vì quá thông thường, nó đã trở thành một phần của cơ cấu cuộc đời, hoàn toàn không ai để ý đến, cũng như một con cá không hề biết tới nước, mặc dù nó đang chìm đắm trong đó. Bạn cũng có thể tự mình nhận xét được việc này, dù bạn đang ngồi thiền trong yên lặng hay là sống trong cuộc đời chừng dăm ba phút. Bất cứ trong một giây phút nào, một kinh nghiệm nào, tư tưởng của ta sẽ xây dựng từ đó thành một giây phút "của tôi", kinh nghiệm "của tôi", con "của tôi", ước muốn "của tôi", ý kiến "của tôi", đường lối "của tôi", thẩm quyền "của tôi", tương lai "của tôi", kiến thức "của tôi", thân "của tôi", tâm "của tôi", nhà "của tôi", đất "của tôi", cảm thọ "của tôi", xe "của tôi", hoặc vấn đề "của tôi". 

Nếu bạn quan sát quá trình lập ngã ấy trong chánh niệm, bạn sẽ thấy rằng cái mà ta gọi là Ngã, là Tôi, thật ra chỉ là một cấu tạo của tâm, và nó không thường hằng. Nếu bạn nhìn cho sâu thử tìm kiếm một cái Tôi vững vàng, không thể phân chia, một cái "Tôi" đứng sau những kinh nghiệm "của Tôi", bạn sẽ khám phá ra rằng chúng chỉ là những tư tưởng. Bạn có thể cho rằng ta là cái tên gọi của mình, nhưng việc ấy cũng không đúng. Tên của ta chỉ là một nhãn hiệu. Và tuổi tác, ý kiến của ta, nam hay nữ... thì cũng chỉ có thế thôi. Không có cái nào có thể làm nền tảng cho cái Tôi. 

Khi bạn quán sát cho thật sâu sắc, dò theo những đường mối dẫn và để thử xem ta là ai hoặc là gì, chắc chắn bạn sẽ khám phá ra rằng không có một nơi nào thật sự là vững chắc. Giả sử bạn đặt câu hỏi: "Ai là người hỏi tôi là ai?", cuối cùng câu hỏi ấy sẽ dẫn đến câu trả lời là : "Tôi không biết". Cái Tôi ấy dường như là một cấu trúc được biết đến bằng những thuộc tính của nó, mà không có một thuộc tính nào, dù riêng rẽ hoặc cùng chung lại với nhau, lại có thể cấu tạo nên một con người. Hơn nữa, cái cấu trúc "Tôi" ấy lại có một khuynh hướng tan rã và kết tụ lại hầu như trong mỗi giây mỗi phút. Ngoài ra nó cũng còn có một khuynh hướng cảm thấy mình thua sút, nhỏ bé, bất an và bất định, vì tự chính hiện hữu của nó đã quá mong manh. Việc ấy tạo nên những khổ đau cho ta, vì thiếu chánh niệm ta không ý thức được rằng mình đang bị dính mắc vào cái "Tôi" và "của Tôi" sâu đậm đến chừng nào. 

Và rồi lại có những vấn đề của các sư việc xảy ra chung quanh ta nữa. Cái "Tôi" của ta sẽ cảm thấy sung sướng khi hoàn cảnh chung quanh ủng hộ cho một niềm tin rằng nó là tốt, và cảm thấy chán nản khi bị chỉ trích, gặp khó khăn, cản trở hoặc thất bại. Có lẽ đây cũng là một nguyên do chánh cho những thương tích trong lòng tự trọng của nhiều người. Thật ra chúng ta không quen với quá trình cấu tạo này của sự lập ngã. Vì thế ta rất dễ bị mất quân bình và cảm thấy bị tổn thương, thua sút, khi nhu cầu được chấp thuận, được cảm thấy quan trọng của ta, không được cung cấp hoặc ủng hộ đầy đủ. Và ta lại đi tìm sự an ổn của nội tâm qua những phần thưởng ở bên ngoài, qua sự chiếm hữu vật chất và nương tựa vào những người thương. Thế nhưng, dù bận rộn cố gắng để thực hiện những việc ấy, ta vẫn không bao giờ cảm thấy được thật sự yên ổn trong lòng. Ðạo Phật dạy rằng, thật ra không có một cái Tôi nào riêng rẽ và cô lập hết, chỉ có một tiến trinh xây dựng cái Tôi đang tiếp diễn liên tục mà thôi. Nếu ta ý thức được rằng, quá trình lập ngã ấy là một tập quán thâm căn cố đế và ta tự cho mình một ngày nghỉ, thôi cố gắng trở thành một nhân vật nào đó, chỉ cần giản dị kinh nghiệm, những gì đang thật sự xảy ra, thì có lẽ ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn và thảnh thơi hơn. 

Trong thời đại mới này ở Tây phương, người ta thường hay nói "Trước hết bạn phải là một người nào đó (somebody), rồi bạn mới có thể trở thành không là ai hết (nobody) được", đó là một quan niệm theo tôi nghĩ là hết sức sai lầm. Nó có hàm ý là ta cần phải có một cảm nhận vững vàng về một cái ngã, rồi ta mới có thể khám phá được tính chất trống vắng của "vô ngã". Nhưng vô ngã không hề có nghĩa là "không là ai hết". Nó chỉ có nghĩa là mọi việc trên cuộc sống này đều có tương quan liên hệ mật thiết với nhau và không có một cái "Tôi" nào riêng biệt và độc lập. Tôi chỉ có thể là tôi trong sự tương quan với những sự việc và biến cố khác trong đời sống - như cha mẹ, tuổi thơ, tư tưởng, cảm thọ, những sự kiện bên ngoài, thời gian... Hơn thế nữa, ta bao giờ cũng là một nhân vật nào đó rồi, bất cứ là gì đi nữa. Ta là người mà ta đang là. Những người ấy không phải là tên gọi của ta, tuổi tác của ta, tuổi thơ của ta, niềm tin của ta, nỗi sợ của ta. Những sự kiện ấy chỉ là một phần nhỏ, chứ không toàn vẹn. 

Vì vậy, khi ta nói rằng mình không nên cố sức để trở thành một nhân vật nào đó, mà chỉ cần kinh nghiệm trực tiếp những gì đang thật sự xảy ra, có nghĩa là ta nên bắt đầu bây giờ và ở đây, với những gì mình đang có. Thiền tập không có nghĩa là ta cố gắng để trở thành một nhân vật nào khác, và cũng không phải là để biến ta trở nên một xác chết vô tri, không có khả năng sống trong cuộc đời và đối phó với những khó khăn của cuộc sống. Thiền tập là để nhìn thấy được thực tại như nó là, không bị bóp méo bởi ý niệm và tư tưởng của ta. Một phần của quá trình đó là ta nhận thấy rằng, mọi vật đều có một sự liên hệ mật thiết với nhau, và mặc dù cảm nhận về cái Tôi cũng không phải là thật, là bền vững và thường hằng. Vì vậy, nếu ta thôi không cố gắng bắt mình trở thành những gi mình không phải, vì một nỗi sợ thua sút nào đó, thì con người của ta sẽ được nhẹ nhàng hơn, an lạc hơn và dễ thở hơn. 

Phương cách xử sự của chúng ta sẽ ít có tính cách cá nhân hơn. Khi có việc gì xảy ra, cố đừng nhìn nó dưới ánh mắt của một cái tôi, thử xem sao. Có thể là nó chỉ xảy ra, thế thôi. Có thể nó không hề nhắm gì tới ta hết. Hãy quan sát tâm ta trong những lúc ấy. Nó có dính mắc gì đến những cái "Tôi" và "của Tôi" không? Hãy tự hỏi mình "Tôi là ai?" hoặc "Cái Tôi cho là của mình đó, nó thật sự là gì?" 

Chánh niệm có thể giúp ta quân bình được quá trình lập ngã và làm giảm ảnh hưởng của nó. Bạn hãy nhớ rằng, cái Tôi cũng vô thường như mọi thứ khác. Bất cứ một cái gì ta cố nắm bắt mà có dính líu đến cái tôi, sẽ vuột khỏi bàn tay ta. Ta không thể nào bắt được vì nó luôn luôn thay đổi, tan hoại rồi sinh hợp trở lại, nhưng lúc nào cũng khác đi một chút, tùy theo hoàn cảnh của giây phút ấy. Nó cũng giống như trong thuyết hỗn loạn (Chaos theory), có diễn tả một tình trạng mà trong đó có tàng chứa một trật tự, nhưng chính nó lại không theo một trật tự nào. Và nó không bao giờ tái lập lần thứ hai. Bất cứ khi nào ta nhìn, nó cũng sẽ có một chút khác biệt. 

Tự tánh của cái Tôi là vô thường, luôn biến đổi và không bền vững. Nhưng nhờ vậy, nó đem lại cho ta một niềm hy vọng. Nó có nghĩa là ta không cần phải quan trọng hóa mình quá đáng, và biết rằng, những tiểu tiết trong đời sống cá nhân của ta, không nhất thiết phải là trung tâm vận hành của vũ trụ. Khi ta nhìn nhận và buông bỏ những ý tưởng chấp ngã ấy, là ta ban cho vũ trụ này thêm một chút không gian để cho sự việc có thể xảy ra. Và cũng vì ta thể nhập vào vũ trụ và tham dự vào sự biểu lộ của nó, nên những hành động tự kỷ, tự hoại, bất an, lo lắng quá mức của ta, cũng có thể làm trì trệ sự biểu lộ ấy, và khiến cho thế giới mộng tưởng của một cái Tôi có thể được nhìn thấy và cảm nhận như là thật. 

18.- GIẬN DỮ 

Cái nhìn tuyệt vọng và sự im lặng van xin tôi đừng nổi giận, hiện rõ trên gương mặt mười một tuổi của đứa con gái tôi, khi tôi bước xuống xe tại nhà đứa bạn nó, một buổi sáng sớm chúa nhật. Lời van xin thầm lặng ấy thấm sâu qua ý thức của tôi, nhưng không hoàn toàn chế ngự được sự bực dọc và tức giận, mà nó nhận thấy đang bộc phát trong tôi. Ðứa con gái sợ tôi sẽ làm một trận và làm xấu hổ trước mặt bạn bè nó. Trong lúc ấy, tôi cảm thấy có một sức đẩy quá mạnh để có thể hoàn toàn dừng lại, mặc dù sau này tôi ước gì đã làm được việc đó. Tôi ước gì mình đã để cho cái nhìn của đứa con gái trong giây phút ấy xúc chạm và chuyển hướng cho tôi thấy được cái gì thật sự quan trọng - là cảm thấy rằng nó có thể nương tựa vào tôi và tin ở tôi, thay vì phải lo sợ tôi sẽ phản bội hoặc đe dọa mối giao du của nó. Nhưng lúc ấy tôi quá bực tức vì cảm thấy mình bị lợi dụng bởi đứa bạn gái của nó, đã hẹn trước nhưng lại không sửa soạn có mặt đúng giờ. Tôi không còn đếm xỉa gì đến hoàn cảnh khó xử của đứa con gái mình. 

Tôi bị cuốn xoay trong cơn lốc của sự tức giận, cho rằng mình đã bị khinh thường. Cái "Tôi" của tôi không thích bị bắt chờ đợi hoặc bị lợi dụng. Tôi bảo nó là tôi sẽ không làm trận gì với ai cả, nhưng tôi muốn nói chuyện cho ra lẽ ngay bây giờ, vì tôi cảm thấy mình đã bị lạm dụng. Ngay buổi sáng sớm ấy, tôi bực tức hỏi má của đứa bạn con tôi về sự trễ nải, trong khi cơn giận đang sôi sục. Thế nhưng, thì ra má của nó đã ngủ quên, và cơn giận của tôi cũng tan biến thật mau chóng. 

Và từ đó vấn đề cũng đã được giải tỏa theo. Nhưng trong ký ức của tôi thì không, nó vẫn còn gìn giữ, và hy vọng rằng sẽ là mãi mãi, cái nhìn ấy trên gương mặt của đứa con mình, mà tôi không thể đọc kịp để có thể có mặt trọn vẹn trong giây phút ấy. Phải chi tôi có thể làm được việc đó thì có lẽ cơn giận đã chấm dứt ngay khi ấy và ở đó rồi. 

Chúng ta thường phải trả một giá rất đắt cho quan điểm nhỏ hẹp của mình, cho rằng mình là "phải". Nỗi bực tức tạm thời của tôi thật ra đâu có gì quan trọng so với lòng tín cẩn của con gái tôi. Nhưng trong giây phút ấy sự kỳ vọng của nó cũng vẫn bị dẫm đạp lên như thường. Thiếu sự chăm sóc và chánh niệm, những cảm thọ của một tâm ý nhỏ nhen sẽ hoàn toàn khống chế giây phút hiện tại. Việc ấy xảy ra luôn luôn. Nỗi đau mà ta tạo nên cho chính chúng ta. Mặc dù ta ít khi nào chịu chấp nhận, nhất là về mình, nhưng buồn thay, những cơn giận nhỏ nhặt lại thường là những việc ta hay dễ duôi và bị lôi cuốn theo rất dễ dàng. 

19.- MỘT BÀI HỌC VỀ ÐỒ ĂN CỦA MÈO 

Nhà tôi có nuôi những con mèo. Và tôi rất ghét nhìn thấy dĩa đồ ăn của chúng nằm trong bồn rửa chén, chung với đám chén bát của chúng tôi. Tôi không hiểu vì lý do gì chuyện ấy đối với tôi rất là quan trọng. Có lẽ vì tôi không quen nuôi thú vật trong nhà từ nhỏ. Hoặc tôi nghĩ đó là một vấn đề vệ sinh tối thiểu cần phải có. Khi nào tôi phải rửa dĩa đồ ăn của chúng thì bao giờ tôi cũng rửa hết chén, dĩa, ly, tách của chúng tôi trong bồn, rồi sau đó mới tới phiên chúng. Dù sau đi nữa, mỗi khi tôi bắt gặp dĩa đồ ăn của chúng trong bồn là tôi rất bực mình, và tôi phản ứng ngay. 

Trước hết là tôi nổi giận. Rồi sau đó cơn giận trở nên có tính cách cá nhân hơn, tôi chỉa hướng nó về bất cứ ai mà tôi nghĩ là thủ phạm, thường thường là vợ tôi. Tôi cảm thấy bị tổn thương vì nhà tôi không tôn trọng ý muốn của tôi. Tôi bảo nhà tôi biết bao nhiêu lần và yêu cầu thật nhẹ nhàng, nhưng chuyện ấy vẫn xảy ra. Vợ tôi nghĩ rằng hành động của tôi tức cười và hơi quá lố, và khi nhà tôi xin thêm chút thì giờ để giải quyết, thì nàng cứ để cho dĩa đồ ăn của mèo nằm ngâm trong bồn rửa chén. 

Mỗi khi tôi bắt gặp đồ ăn của mèo trong bồn là cuộc tranh luận leo thanh nhanh chóng thành một cuộc cãi vã dữ dội. Phần lớn vì tôi cảm thấy tức giận và tổn thương, và trên hết cơn giận "của tôi" và cái đau "của tôi" rất là chánh đáng, vì tôi biết rằng "tôi" đúng. Ðồ ăn của mèo không thể nào để chung trong bồn rửa chén được! Mỗi khi việc ấy xảy ra, cái Ngã ở trong tôi trở nên mạnh vô cùng. 

Lúc sau này tôi để ý thấy ràng, vấn đề ấy không còn chi phối tôi nhiều như xưa nữa. Mặc dù tôi không hề cố gắng thay đổi cách xử sự của mình đối với việc ấy. Tôi vẫn có cùng một cảm nghĩ đó đối với đồ ăn của mèo, nhưng tôi cũng đã nhìn sự việc dưới một ánh mắt khác, với một ý thức rộng lớn hơn và một tinh thần cởi mở hơn. Bây giờ mỗi khi nó xảy ra, vẫn còn làm tôi bực mình, nhưng tôi thấy có chánh niệm về phản ứng của mình trong giây phút ấy và theo dõi nó. "Thì chỉ có vậy thôi", tôi tự nhắc nhở mình! 

Tôi quan sát cơn giận mỗi khi nó bắt đầu khởi lên trong tôi. Tôi thấy rằng thường thường nó bắt đầu bằng một cảm giác bất mãn nhẹ. Sau đó tôi nhận thấy có một cảm tưởng bị phản bội khuấy động lên khá mạnh. Người trong gia đình đã không tôn trọng lời yêu cầu của tôi, và tôi thấy cá nhân mình bị xúc phạm. Dù sau đi nữa tình cảm của tôi phải được người trong gia đình để ý đến chứ, phải không? 

Tôi đã thử nghiệm với những phản ứng của mình lúc đứng bên chậu rửa chén, bằng cách theo dõi chúng cẩn thận, mà không để bị sai xử. Tôi có thể nói rằng, cảm giác bất mãn ban đầu không đến nỗi tệ lắm và nếu tôi ở với nó, thở với nó, và cho phép mình thật sự cảm nhận, nó sẽ biến mất trong vòng đôi ba phút. Tôi cũng ghi nhận rằng, chính cảm giác bị phản bội, và ước muốn của tôi bị ngăn trở, những việc ấy đã làm tôi tức giận hơn là chuyện đồ ăn của mèo. Vì vậy, tôi khám phá là thật ra không phải đồ ăn mèo là nguồn gốc của cơn giận. Vì tôi cảm thấy mình không được người khác lắng nghe và tôn trọng. Buồn cười thay, nó không có liên hệ gì đến đồ ăn của mèo như tôi nghĩ! 

Và tôi nhớ rằng vợ con tôi nhìn vấn đề này dưới một ánh mắt rất khác. Họ cho là tôi chỉ làm lớn chuyện chẳng ra gì. Họ sẽ có gắng tôn trọng ước muốn của tôi khi nào họ cảm thấy nó hợp lý, còn những khi khác họ cứ việc làm theo ý họ, có lẽ chẳng nghĩ gì đến tôi. 

Và tôi cũng thôi xem đó là một việc có tính cách cá nhân. Khi nào tôi thật sự không muốn thấy đồ ăn của mèo trong bồn, thì tôi xắn tay áo lên và rửa hết chén bát ngay lúc ấy. Còn bằng không tôi cứ bỏ đó và đi nơi khác. chúng tôi không còn phải cãi lẫy về vấn đế ấy nữa. Sự thật là nhiều khi tôi còn mỉm cười mỗi khi bắt gặp chuyện ấy xảy ra. Dù sao đi nữa, nó cũng đã dạy tôi rất nhiều. 

Thực tập: Hãy quan sát phản ứng của bạn trong những trường hợp làm bạn bực mình hoặc nổi cơn giận. Ghi nhận rằng, ngay cả khi ta nói về một việc gì có thể làm mình nổi giận, là ta đã giao quyền hành của mình cho kẻ khác. Những trường hợp đó là một cơ hội rất tốt để ta kinh nghiệm chánh niệm như là một cái nồi, ta có thể bỏ mọi cảm tình của mình vào và có mặt với chúng, để cho chúng được nấu từ từ, tự nhắc nhở là ta được chín hơn, dễ tiêu hóa hơn, dễ hiểu hơn, ta chỉ cần giữ yên chúng trong chiếc nồi của chánh niệm. 

Quan sát những trường hợp mà cảm thọ ta là sản phẩm của quan điểm của mình về sự vật, và rất nhiều khi quan điểm ấy lại không được trọn vẹn. Bạn có thể nào để cho một vấn đề được tự nhiên, không cần bắt buộc mình phải là đúng hoặc sai? Bạn có kiên nhẫn và can đảm đủ để thử bỏ những cảm thọ mạnh hơn rồi mạnh hơn nữa vào nồi, giữ chúng yên trong đó và nấu cho chin, thay vì phóng chiếu chúng ra bên ngoài và bắt thế giới này phải giống như là mình muốn bây giờ? Bạn có thấy rằng sự tu tập này có thể giúp bạn tự hiểu mình qua những lối khác nhau, và giải thoát ta ra được khỏi những quan điểm nhỏ hẹp và cũ kỹ? 

20.- LÀM CHA MẸ LÀ MỘT SỰ TU TẬP 

A.- Tôi bắt đầu học thiền vào năm mình được hai mươi mấy tuổi. Những ngày ấy tôi có nhiều thời giờ, tôi có thể tham dự đều đặn những khóa tu thiền kéo dài mười ngày hoặc hai tuần. Trong những khóa tu này, mỗi ngày các thiền sinh chỉ biết lo ngồi thiền và đi kinh hành trong chánh niệm, xen vào bằng những buổi ăn chay, hoàn toàn trong thinh lặng. Chúng tôi được hướng dẫn bởi những vị thiền sư nhiều kinh nghiệm, mỗi tối các ngài ban cho những bài pháp thoại, giúp thiền sinh đào sâu và mở rộng thêm sự tu tập của mình. Và thỉnh thoảng các vị ấy cũng gặp gở riêng mỗi người để xem sự tu tập của chúng tôi tiến triển ra sao? 

Tôi rất yêu thích những khóa tu này, vì nó giúp tôi gác lại hết những việc khác trong đời sống, đi đến một nơi tươi mát và thanh tịnh ngoài miền quê, được chăm sóc, và sống một cuộc đời vô cùng giản dị và trầm lặng. Nơi đây chương trình chánh của tôi chỉ có tu tập, tu tập và tu tập. 

Nhưng bạn đừng nghĩ rằng nó là dễ. Thường thì tôi phải chịu đựng nhiều cơn đau ở thân vì phải ngồi yên trong nhiều giờ, và không có gì có thể so sánh được với cái đau tinh thần mà đôi khi khởi lên những lúc tâm và thân mình trở nên yên lặng và ít bận rộn. 

Khi chúng tôi quyết định có con, tôi biết rằng tôi phải gác chuyện đi tu tập lại, ít nhất là trong một thời gian. Tôi tự dặn lòng, lúc nào tôi cũng có thể trở lại khung cảnh thanh tịnh tu học ấy, khi con tôi trưởng thành đủ để không cần đến mình nữa. Hình ảnh một ông già trở về đời sống tu viện bao giờ cũng mang một nét rất thơ mộng. Viễn tượng là mình sẽ từ giả những khóa tu, hay ít nhất cũng sẽ phải bớt lại nhiều, không làm tôi phiền muộn gì, mặc dù tôi rất yêu quý chúng. Tôi quyết định rằng mình có thể xem việc có con như là một khóa tu thiền vậy, mà thật ra thì nó có đủ hết những yếu tố của một khóa tu, trừ ra sự thinh lặng và giản dị. 

Ðối với tôi thì như thế này: Ta có thể xem mỗi đứa bé như là một em bé Phật hay một vị thiền sư, một vị thầy chánh niệm dạy riêng cho mình. Vị thầy ấy xuất hiện vào cuộc đời ta, mà sự hiện diện và hành động của ngài bảo đảm sẽ thử thách cũng như thử thách hết mọi niềm tin và giới hạn của ta, mang lại những cơ hội giúp ta thấy được những vướng mắc của mình để buông bỏ. Mỗi đứa bé sẽ ban cho ta một khóa tu kéo dài ít nhất là mười tám năm, mà không thể nào bỏ về ngang được. Chương trình của khóa tu thì rất là nghiêm khắc và luôn luôn đòi hỏi ở ta một thái độ hy sinh và từ ái. Cuộc đời của tôi trước khi có con chỉ cần lo cho những nhu cầu và ước muốn cá nhân, hoàn toàn bình thường đối với một thanh niên. Trở thành bậc cha mẹ rõ ràng là một thay đổi lớn lao nhất trong cuộc đời tôi cho đến ngày hôm nay. Làm tròn bổn phận cha mẹ của mình đòi hỏi một cái thấy sáng suốt nhất, biết để cho những sự việc như - là, cũng như một sự buông bỏ lớn lao nhất mà tôi chưa bao giờ bị thử thách. 

Ví dụ, những đứa bé lúc nào cũng cần và đòi hỏi sự chăm sóc của ta. Những nhu cầu của chúng phải được thỏa mãn đúng theo chương trình của chúng, không phải của ta, và mỗi ngày, chứ không phải chỉ khi nào ta cảm thấy thích. Quan trọng hơn hết, những đứa bé và trẻ thơ rất cần sự có mặt trọn vẹn của ta để có thể phát triển và lớn lên mạnh mẽ. Chúng cần sự bồng ẵm càng nhiều càng tốt, ru hát, đùa giởn, vỗ về của ta, đôi khi trong những đêm khuya khoắt hay sáng sớm, khi ta cảm thấy mệt nhoài, kiệt sức chỉ muốn ngả lưng xuống giường, hoặc khi ta có những bổn phận, công việc gấp rút và quan trọng khác cần đến sự chú ý của mình. Những nhu cầu sâu xa và luôn thay đổi của đứa bé là những cơ hội tuyệt vời để cho bậc cha mẹ tập có mặt trọn vẹn trong chánh niệm, thay vì hoạt động như một người máy. Chúng ta phải biết cảm nhận được sự sống của mỗi đứa bé, và để cho sự linh hoạt, sống động và ngây thơ của chúng khơi dậy những điều ấy ở nơi ta. Tôi cảm thấy rằng, làm cha mẹ là một cơ hội tuyệt vời để tu tập chánh niệm thâm sâu, nếu tôi có thể cho phép gia đình và con cái tôi trở thành những vị thầy của mình, cũng như biết học hỏi và lắng nghe cẩn thận những bài học của cuộc sống, mà chúng sẽ đến rất nhanh và rất mãnh liệt. 

Cũng như những khóa tu nhiều ngày, ta sẽ có những thời gian thoải mái và những thời gian khó khăn, những giây phút kỳ diệu và những giây phút đau đớn. Cuối cùng, cái nguyên lý đem đời sống làm cha mẹ như một khóa tu, và tôn trọng những đứa bé và hoàn cảnh gia đình như là vị thầy của mình đã tự chứng minh được giá trị cũng như địa vị của nó, hết lần này đến lần khác. Làm cha mẹ là một công việc rất cực nhọc. Ngày xưa, đó là một công việc đủ cho mười người làm, mà thường thì chỉ có hai người, hoặc nhiều khi chỉ có một để cáng đáng mà thôi, và không có sách vở nào kèm theo với đứa bé để hướng dẫn ta cách săn sóc. Ðây là một công việc khó nhất trên trái đất này, để ta có thể làm cho đúng, cho hay. Mà phần nhiều ta cũng không biết mình có làm đúng không, hoặc làm đúng, làm hay có nghĩa là thế nào! Và chúng ta cũng không có một ai được chuẩn bị trước hoặc huấn luyện để làm cha mẹ hết, chỉ có sự tự học trong khi thực hành, khi phải đối diện với chuyện này chuyện kia xảy ra. 

Ban đầu chúng ta cũng còn có được một vài cơ hội quý báu để tạm nghỉ ngơi trong chốc lát. Nhưng rồi công việc sẽ đòi hỏi sự đối phó thường xuyên của ta. Những đứa bé lúc nào cũng thử thách mức giới hạn của ta, để học hỏi, tìm hiểu thế giới chung quanh cũng như về chính nó. Và còn thêm nữa, khi những đứa bé phát triển và tăng trưởng, chúng sẽ thay đổi. Khi ta vừa tìm ra phương cách tốt đẹp để đối phó với một hoàn cảnh nào đó, thì chúng cũng đã thay đổi, chuyển sang một trường hợp mới mà ta chưa từng gặp bao giờ. Vì vậy lúc nào ta cũng phải giữ chánh niệm và có mặt để tránh khỏi bám víu vào một quan điểm đã không còn thích hợp nữa. Và dĩ nhiên, không có một quy tắc hay công thức đơn giản nào là duy nhất để xử sự cho "đúng" trong thế giới làm cha mẹ. Nó có nghĩa là lúc nào ta cũng phải đối diện với những hoàn cảnh thử thách và hoàn toàn mới lạ, và cùng một lúc, ta cũng sẽ đối diện với những việc làm lập đi lập lại hết lần này sang lần khác. 

Công việc làm cha mẹ sẽ còn nhiều thử thách hơn nữa, khi những đứa bé trưởng thành và phát triển ý kiến cũng như ý muốn riêng của chúng. Chăm sóc cho những nhu cầu của đứa bé là một chuyện rất là đơn giản, nhất là khi chúng chưa biết nói và thật dễ thương đáng yêu. Còn đối phó với những đứa lớn hơn một chút, không còn mấy dễ thương và đáng yêu, là một chuyện khác hẵn. Trong trường hợp này ta phải biết nhìn cho rõ và đáp ứng bằng một sự thông minh, vì dù sau đi nữa ta cũng là người lớn, và lúc nào cũng sẽ có một sự va chạm giữa hai ý muốn, chúng có thể tranh luận loanh quanh, chọc ghẹo nhau, đánh lộn, chống đối, cãi lời, đối phó với những hoàn cảnh cần sự hướng dẫn của ta, mặc dù có thể chúng sẽ không thèm nghe theo. Nói tóm lại, nó cần một sự đối phó thường xuyên mà ta sẽ không còn thì giờ cho chính mình nữa. Những trường hợp ta cảm thấy sự điềm tĩnh cũng như sự sáng suốt của mình bị "đảo lộn" thì nhiều vô số. Không có một lối thoát nào, một chỗ trốn nào, một sự che dấu nào có thể giúp ích cho mình hoặc cho chúng được. Những đứa con sẽ nhìn thấy hết tất cả những gì là của ta, từ sát bên trong và rất cận kề, như là những nhược điểm, cách cư xử, lỗi lầm, mâu thuẫn và những thất bại của ta. 

Nhưng những khó khăn ấy không phải là chướng ngại cho việc làm cha mẹ hoặc sự tu tập chánh niệm của ta. Chúng chính là sự tu tập chánh niệm, nếu ý thức được điều đó. Bằng không, đời sống làm cha mẹ có thể trở nên một gánh nặng mệt mỏi, và vì thiếu sức mạnh và mục tiêu rõ rệt, ta có thể không thấy được và tôn trọng những cái hay đẹp trong con cái mình cũng như là trong ta. Những đứa trẻ có thể dễ bị thương tích và mất đi tuổi thơ, nếu nhu cầu và tâm hồn đáng yêu của chúng bị chối bỏ liên tục và không được biết đến. Những thương tích ấy sẽ tạo thêm vấn đề cho chúng và cho cả gia đình, như là sự thiếu tự tin, thiếu tự trọng, không có khả năng truyền thông và tranh đua. Những khó khăn ấy sẽ không biến mất khi chúng lớn lên mà nhiều khi lại còn gia tăng thêm. Và là bậc cha mẹ, chúng ta lại không biết cởi mở để thấy những dấu hiệu của sự thương tích ấy, và vì vậy ta không thể nào chữa lành những vết thương xuất phát từ hành động thiếu ý thức của ta. Cũng có khi nó rất là tinh tế, ta có thể dễ dàng trốn tránh và đổ thừa cho một nguyên do khác, rồi từ đó không chịu nhận lãnh những trách nhiệm thật sự là của mình. 

Rõ ràng là khi bấy nhiêu năng lượng của ta tuôn ra bên ngoài, chắc chắn phải có một nguồn năng lượng nào đó thỉnh thoảng đổ vào bên trong, thì mới có thể nuôi dưỡng và làm hồi sinh lại những bậc cha mẹ. Nếu không thì quá trình ấy sẽ không thể nào duy trì lâu dài được. Nhưng nguồn năng lượng ấy phát xuất từ đâu? Tôi nghĩ nó đến từ hai nơi: nhờ sự giúp đở ở bên ngoài từ người thân, bạn bè, nhà giữ trẻ và thỉnh thoảng từ những việc làm mà mình ưa thích; và nguồn năng lượng từ bên trong mà ta có thể có được nhờ thực hành thiền tập, nếu ta có thể bỏ ra chút thì giờ trong cuộc sống để giữ thanh tĩnh, để có mặt, để ngồi lại, hoặc tập Yoga, để tự nuôi dưỡng mình. 

Tôi ngồi thiền vào mỗi sáng sớm, vì đây là thời gian tất cả nhà đều yên tĩnh và tôi không bị ai quấy rầy, và cũng vì nếu tôi không ngồi thiền lúc ấy, thì có thể tôi vì quá bận rộn hoặc mệt mỏi mà sẽ không muốn ngồi nữa. Tôi cũng còn khám phá ra rằng, ngồi thiền vào buổi sáng sớm sẽ quyết định cho phẩm chất của trọn ngày. Nó sẽ là một sự nhắc nhở cũng như một sự xác nhận cho những gì thật sự quan trọng trong đời sống, và nó sắp đặt cho chánh niệm có thể lan rộng sang những lãnh vực khác trong ngày. 

Nhưng khi chúng ta có con nhỏ trong nhà thì buổi sáng sớm cũng chỉ như mọi thời gian khác mà thôi. Ta không thể cố chấp vào bất cứ một chuyện gì, vì việc nào ta muốn làm dù đã sắp đặt chu đáo đến mấy, cũng sẽ bị gián đoạn và đôi khi còn phải hoàn toàn bị bỏ dỡ. Những đứa con nhỏ của tôi ngủ rất ít. Dường như lúc nào nó cũng thức rất khuya và lại dậy thật sớm, nhất là nếu hôm ấy tôi quyết định sẽ ngồi thiền. Hình như chúng rình xem nếu tôi dậy thì chúng cũng sẽ thức dậy theo. Có ngày tôi phải thức dậy vào bốn giờ sáng mới có thể yên ổn ngồi thiền hoặc tập Yoga. Có những hôm tôi quá mệt mỏi, bỏ hết và thấy rằng chỉ có giấc ngủ mới quan trọng hơn cả. Và cũng có khi tôi ngồi thiền với đứa con trong lòng mình, và để cho chúng quyết định tôi sẽ ngồi được bao lâu. Chúng nó rất thích được quấn mình trong chiếc mền ngồi thiền, chỉ có cái đầu nhỏ lú ra, nhiều khi chúng ngồi yên rất lâu, trong khi tôi theo dõi hơi thở vào ra không phải của riêng tôi mà là của cả hai đứa. 

Ngày ấy tôi tin rằng, và bây giờ cũng thế, sự chánh niệm về thân và hơi thở của tôi, và sự xúc chạm trong khi ôm đứa con trong lòng, giúp nó cảm nhận được sự an ổn, cũng như khám phá được sự tĩnh lặng và một cảm giác được chấp nhận. Và sự thanh thản của chúng, chắc chắn là trong sạch và chân thật hơn tôi nhiều, vì tâm chúng chưa bị bận rộn bởi những ý nghĩ, lo lắng của người lớn, giúp tôi trở nên an ổn hơn, thanh thản hơn và có mặt hơn. Khi chúng lớn hơn một chút, tôi có thể tập Yoga trong khi chúng cởi trên lưng, leo lên vai hoặc đu đưa trên tay tôi. Có khi đùa giởn trên sàn nhà, chúng tôi tình cờ khám phá ra thêm những tư thế Yoga mới cho cả hai cùng tập. Sự đùa giởn thực tập không ngôn từ và trong chánh niệm này là một nguồn vui và hạnh phúc lớn cho tôi, một người cha, và là một mối liên hệ sâu sắc mà chúng tôi cùng chia xẻ. 

Khi những đứa con của mình càng lớn bao nhiêu, chúng ta lại càng quên đi rằng chúng là những vị thiền sư bấy nhiêu. Sự thực tập giữ chánh niệm, không phản ứng, và thấy rõ phản ứng của mình, sẽ càng lúc càng trở nên khó khăn hơn, khi ta dần dà mất đi tiếng nói của mình trong cuộc đời của chúng. Những thói quen, tập quán xa xưa lại bừng sống dậy thật mạnh mẽ, trước khi tôi kịp có ý thức về chúng. Kiểu mẫu về một người đàn ông trong gia đình,về thẩm quyền, làm sao thể hiện được quyền hành của mình, hạnh phúc của tôi trong gia đình ra sao, những mối tương quan giữa mọi người của mọi lứa tuổi và nhu cầu của họ... Mỗi ngày là một sự thử thách mới. Có lúc tôi cảm thấy mình bị tràn ngập, nhưng cũng có lúc rất là cô đơn. Chúng ta cảm thấy có một hố sâu càng lúc càng mở rộng. Dù biết rằng sự cách biệt ấy là cần thiết cho sự trưởng thành và khám phá của đứa bé, dù biết rằng sự kiện ấy là lành mạnh, nhưng ta vẫn cảm thấy đau đớn. Ðôi khi tôi quên rằng mình là người lớn và hành động như một đứa con nít. Mấy đứa con của tôi đã nhắc nhở và đánh thức tôi dậy rất nhanh, những khi chánh niệm của mình bị lơ là. 

Làm cha mẹ và đời sống gia đình là một môi trường tuyệt vời cho sự thực tập chánh niệm. Nhưng nó không phải dành cho những người yếu đuối, ích kỷ, lười biếng hoặc mơ mộng không thực tế. Làm cha mẹ là một tấm gương bắt ta phải tự soi lấy chính mình. Nếu bạn có thể học được từ những gì mình thấy, bạn sẽ có một cơ hội rất tốt để tiến triển. 

Một khi ta đã hiểu và chấp nhận rằng dù giữa hai người gần gũi nhau nhất cũng đang có mặt những khoảng cách vô tận, chúng ta sẽ có thể có một cuộc sống kỳ diệu bên nhau, nếu ta biết yêu quý cái khoảng cách giữa hai người ấy, vì nó giúp mỗi người có thể nhìn thấy được người kia một cách toàn vẹn trên nền trời. -- Rainer Maria Rilke, Letters 

Muốn đạt được một sự trọn vẹn đòi hỏi ta phải bỏ ra cả con người của mình. Không có thể ít hơn thế được, không có một điều kiện nào dễ hơn, không có một sự thay thế nào, cũng không có thể mặc cả được C. G. Jung 

Thực tập: Nếu bạn là bậc cha mẹ, hoặc ông bà, hãy thử tập xem con cháu mình như là những vị thầy. Ðôi khi nên quan sát chúng trong thinh lặng. Lắng nghe chúng cẩn thận hơn. Ðọc những tác động của chúng.Ðánh giá tính tự trọng của chúng bằng cách theo dõi thái độ của chúng, chúng vẽ những hình ảnh gì, nhìn thấy gì, xử sự như thế nào. Nhu cầu của chúng trong giây phút này là những gì? Trong thời gian này trong ngày là gì? Ở giai đoạn này của cuộc đời chúng là những gì? Hãy tự hỏi: "Ta có thể giúp ích gì cho chúng được?". Rồi theo sự hướng dẫn của con tim mình. Và bạn nên nhớ rằng, lời khuyên răn của bạn là điều cuối cùng mà chúng muốn nghe, trừ khi đúng lúc, đúng thời và nếu bạn khéo léo. Bạn hãy lúc nào cũng có mặt trọn vẹn, cởi mở và có mặt, những điều đó là món quà rất lớn cho chúng. Và ôm chúng trong chánh niệm cũng rất là bổ ích. 

B.- Lẽ dĩ nhiên, ta cũng là một vị thầy rất quan trọng trong cuộc đời của những đứa con mình như chúng là thầy của ta vậy. Và ta nhận lãnh trách nhiệm này bằng cách nào sẽ ảnh hưởng rất lớn cho cuộc đời của chúng, cũng như là của chính ta. Tôi nghĩ rằng làm cha mẹ là làm một người giám hộ, theo nghĩa rộng, nhưng chỉ tạm thời mà thôi. Khi ta xem con cái như là "của mình", và hành xử chúng như là những sở hữu, để kiểm soát và uốn nắn theo nhu cầu của ta, thì tôi tin rằng chúng ta đang có một vấn để rất lớn. Dù muốn dù không thì những đứa trẻ bao giờ cũng vẫn chính là chúng, mặc dù chúng cần tình thương và sự hướng dẫn của ta để có thể trở thành một con người toàn vẹn. Một người giám hộ hoặc người hướng dẫn giỏi cần rất nhiều trí tuệ và kiên nhẫn để có thể trao lại cho thế hệ kế tiếp những gì thật sự là quan trọng. Có một số người - trong đó có tôi - cần phải có một chánh niệm liên tục và sự thương yêu, để có thể bảo vệ và nuôi dưỡng những đứa bé trong khi chúng phát triển sức mạnh, quan điểm và tài năng của chúng, trên một con đường mà sau này tự chúng có thể khám phá thêm thâm sâu hơn. 

Có những người rất ham thích phương pháp thiền tập, và họ rất muốn dạy cho con mình cách ngồi thiền. Ðiều này cũng có thể là một lỗi lầm lớn. Ðối với tôi thì phương pháp hay nhất để truyền trao tuệ giác, phương pháp thiền tập, hay bất cứ cái gì cho con mình, nhất là khi chúng còn bé thơ, là tự mình phải sống đúng như thế: tự thể hiện những gì mình muốn truyền trao và im miệng lại. Vì khi ta càng nói về thiền tập bao nhiêu, càng ca tụng bao nhiêu, hoặc là khăng khăng bắt chúng phải làm theo, là ta càng khiến cho chúng ghét bỏ nó bấy nhiêu, có khi là trọn đời. Những đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự vướng mắc của ta, một thái độ ép buộc và muốn thực hiện những niềm tin của riêng ta, chứ không phải là của chúng. Chúng biết con đường ấy là của ta chứ không dính dáng gì đến chúng. Và khi lớn lên, chúng có thể sẽ nhận thấy nơi đó một sự giả tạo, một khoảng cách rất xa giữa những gì ta nói và những gì ta làm. 

Nếu bạn thật sự thực hành thiền tập, chúng sẽ ý thức và nhận thấy điều ấy, và sẽ chấp nhận đó như là một phần của cuộc sống, như một sinh hoạt thường ngày. Ðôi khi những đứa bé cũng sẽ tập tành và bắt chước những hành động khác của cha mẹ mình. Ðiều quan trọng là sự ham muốn học hỏi và thực hành thiền tập phải được bắt đầu phần lớn từ nơi chúng, và được thực hiện theo mức độ ưa thích của chúng. 

Một sự truyền dạy chân thật thường thường không cần đến ngôn ngữ. Những đứa con tôi đôi khi tập Yoga chung, vì chúng thấy tôi tập đều đặn. Nhưng nhiều khi chúng có những công chuyện khác quan trọng hơn và cũng chẳng thèm ngó ngàng gì đến. Chuyện ngồi thiền cũng thế. Nhưng chúng biết về thiền tập. Chúng có ý niệm thế nào là thiền tập. Chúng cũng biết tôi tôn trọng và chính mình thực hành việc ấy. Và khi nào muốn, chúng cũng sẽ biết cách ngồi thiền vì đã từng ngồi với tôi từ thuở còn bé. 

Nếu thật sự tu tập, bạn sẽ khám phá ra rằng, đôi khi cũng có những lúc thích hợp để ta khuyên dạy con mình về chuyện thiền tập. Những lời khuyên ấy có thể có hiệu quả, cũng có thể là không, nhưng chúng sẽ gieo trồng những hạt giống cho sự đâm hoa kết trái sau này. Một trong những trường hợp tốt là khi con chúng ta đang gặp chuyện sợ hãi hoặc cảm thấy khó ngủ. Ðừng bao giờ làm quá lố, nhưng bạn có thể dạy cho chúng quan sát hơi thở, chậm lại một chút, tưởng tượng như đang thả trên một chiếc thuyền nhỏ trôi trên những ngọn sóng, theo dõi nỗi sợ hoặc cái đau, dùng trí tưởng tượng để "đùa chơi" với hoàn cảnh, rồi nhắc nhở chúng rằng đó chỉ là những hình ảnh trong đầu mà thôi, cũng giống như một cuộn phim vậy. Và chúng có thể thay đổi truyện phim, ý nghĩ, hình ảnh, màu sắc, và có thể sẽ cảm thấy vui vẻ trở lại nhanh chóng hơn và tự tin hơn. 

Ðôi khi phương pháp này có hiệu quả đối với những đứa trẻ chưa đến tuổi đi học, đến lúc năm, sáu hoặc bảy tuổi, có thể chúng sẽ cảm thấy mắc cở hoặc cho đó là vớ vẩn. Nhưng giai đoạn ấy cũng sẽ qua, và rồi có lúc chúng sẽ cảm thấy thích hợp trở lại. Dù sau đi nữa thì những hạt giống cũng đã được gieo trồng, dạy cho chúng biết rằng có những con đường nội tâm để đối phó với sự sợ hãi và đau đớn, và thường khi chúng sẽ trở lại với sự hiểu biết này sau khi đã lớn lên. Chúng học được từ một kinh nghiệm trực tiếp là mình không phải chỉ là ý nghĩ và cảm thọ mà thôi. Và điều ấy sẽ giúp cho chúng có được thêm nhiều sự chọn lựa, để tham dự và ảnh hưởng đến kết quả của những hoàn cảnh khác nhau. Chúng hiểu rằng, vì tâm người khác náo động, nó không có nghĩa là tâm của ta cũng sẽ phải giống như thế. 

21.- MỘT VÀI CẠM BẪY TRÊN ÐƯỜNG 

Nếu bạn đi theo con đường tu tập chánh niệm, trở ngại lớn lao nhất trên đường hành trình ấy chắc chắn sẽ là cái tâm suy nghĩ của bạn. 

Ví dụ, sẽ có những lúc bạn nghĩ rằng mình đã đạt đến một trình độ nào đó, nhất là khi bạn có được những giây phút an lạc, có thể đã vượt quá những kinh nghiệm thông thường. Bạn có thể mang trong đầu ý nghĩ, hoặc đôi khi phát biểu rằng, mình đã đạt được cái gì rồi, rằng phương pháp thiền tập đã có hiệu quả. Cái Tôi của ta bao giờ cũng cũng muốn xác nhận và tuyên dương những cảm giác đặc biệt và sự hiểu biết mới ấy, bất cứ chúng là gì. Khi việc ấy xảy ra,ta không còn thực hành thiền tập nữa, mà ta đang trưng bày, quảng cáo. Chúng ta rất dễ bị dính mắc vào nơi đây lắm, xử dụng thiền tập để nuôi dưỡng cái tánh tự kiêu của mình. 

Một khi bị vướng mắc, ta sẽ không còn nhìn thấy sự vật được rõ ràng. Dù là một tuệ giác trong sáng, một khi đã bị ảnh hưởng bởi thứ suy nghĩ tự kỷ này, nó sẽ bị lu mờ thật mau chóng và mất đi tính chân thật. Thế cho nên, ta lúc nào cũng phải tự nhắc nhở rằng, mọi thứ tô màu cho cái "Tôi" và "của Tôi" chỉ là những dòng nước lũ của tư tưởng, chúng có thể cuốn ta trôi xa con tim mình và sự tinh khiết của một kinh nghiệm trực tiếp. Sự nhắc nhở này sẽ giữ cho chánh niệm luôn có mặt với ta, vào nhất lúc ta cần đến nó và có thể đang sống trong quên lãng. Nó giữ cho ta nhìn thật sâu, với một tinh thần quán xét và tò mò chân thật, lúc nào cũng tự hỏi: "Ðây có nghĩa là gì?" 

Và cũng có thể đôi khi ta nghĩ rằng, sự tu tập của mình chẳng đi đến đâu. Không có việc gì ta mong muốn xảy ra, mà lại xảy ra. Nó có một cảm giác vô vị và chán chường. Và ở đây cũng thế, vấn đề là ở sự suy nghĩ của ta. Thật ra không có gì là sai với chuyện ta cảm thấy vô vị, chán chường hoặc chẳng đi đâu hết. Cũng như không có gì sai với cảm nghỉ là ta đã đạt được một cái gì, mà thật ra có thể là sự tu tập của ta đã có những dấu hiệu vững vàng và thâm sâu hơn. Cạm bẫy là ở chỗ khi ta đem thổi phồng những kinh nghiệm và ý nghỉ ấy lên, và bắt đầu tin chúng là đặc biệt. Chỉ khi nào ta bị vướng mắc vào kinh nghiệm của mình thì sự tu tập của ta mới bị đứng dừng lại và sự sống của ta cũng sẽ bị khô cứng theo. 

Thực tập: Khi nào bạn nghĩ rằng mình đang tiến bộ hoặc mình chẳng đi đến đâu, bạn có thể tự hỏi những điều này: "Tôi phải đạt được đến đâu?", "Ai là người phải đạt được một điều gì?", "Tại sao lại có những trạng thái tâm thức mà ta khó có thể chấp nhận và có mặt hơn những trạng thái tâm thức khác?", "Tôi có thật sự thực tập chánh niệm trong giây phút hiện tại không, hay chỉ là bị dính mắc trong hình thức tu tập, rồi nhận lầm hình tướng với thực chất của nó?". "Tôi có xử dụng thiền tập như một phương tiện không?" 

Những câu hỏi này có thể giúp bạn cắt xuyên qua được những trạng thái bị dính mắc ấy, những thói quen vô ích, và những cảm xúc mạnh khống chế sự tu tập của ta. Chúng có thể đem ta trở lại với sự tươi mát và cái đẹp chân thật của mỗi giây phút. Có lẽ bạn đã quên hoặc không hiểu được rằng, thiền tập là một hoạt động của con người mà trong đó ta không cần phải đạt đến một nơi nào hết, chỉ đơn giản cho phép ta được có mặt ở tại đây và như ta đang là. Ðây là một liều thuốc đắng, nhất là khi bạn không hài lòng với những gì đang xảy ra hoặc nơi chốn mình đang có mặt. Nhưng đôi khi ta cần phải uống toa thuốc đắng ấy. 

22.- CHÁNH NIỆM CÓ PHẢI LÀ TÂM LINH KHÔNG 

Nếu bạn tra chữ tâm linh (spirit) trong tự điển, bạn sẽ thấy nó bắt nguồn từ tiếng Latin, Spirare, có nghĩa là thở. Hơi thở vào là sự khởi đầu và hơi thở ra là sự chấm dứt. Từ đó chúng ta có vô số những hình ảnh liên kết tâm linh với hơi thở, như là năng lượng chủ yếu, tâm thức, linh hồn, ơn phước bề trên, một cái gì thần thánh, thiêng liêng và không thể diễn tả được. Nhưng chúng ta đã nhận thấy, sự quý giá và to tát của món quà ấy có thể sẽ không bao giờ được biết tới, nếu sự chú tâm của ta bị lôi kéo đến một nơi chốn nào khác. Tác dụng của chánh niệm là để đánh thức ta dậy với tính chất linh động của sự sống trong mỗi phút giây mà ta đang có. Với chánh niệm, mọi việc khởi đầu. Thật ra không có một việc nào lại không nằm trong lãnh vực của tâm linh. 

Tôi luôn tránh xử dụng danh từ tâm linh được chừng nào tốt chừng ấy. Tôithấy nó không cần thiết và cũng chẳng thích hợp trong công việc của mình ở nhà thương, đem sự thực tập chánh niệm vào môn y khoa và sự trị liệu, cũng như trong những môi trường hoạt động khác của tôi, như là với các cộng đồng thiểu số, ở nhà tù, trương học và với những tổ chức chuyên nghiệp, thể thao gia... Tôi cũng không thấy danh từ tâm linh thích hợp gì lắm đối với dường lối tu tập, phát triển và đào sâu của chính tôi. 

Nhưng ta cũng không hề chối bỏ rằng, thiền tập có thể được xem như là nền tảng của một phương pháp "tu tập tâm linh". Chi có điều tôi không hài lòng với sự thiếu chính xác, không hoàn toàn, và nhiều khi là lối giải nghĩa sai lầm của danh từ ấy. Thiền tập có thể là một con đường uyên thâm để tự phát triển, để tinh luyện quan điểm, cũng như tri giác và tâm thức của mình. Nhưng theo tôi thấy, danh từ tâm linh đã tạo nên nhiều vấn đề hơn là nó có thể giải quyết. 

Có người nói về thiền tập như một "kỷ luật của tâm thức". Tôi thích lối diễn tả đó hơn là tu tập tâm linh, vì danh từ tâm linh có thể khơi dậy những ý niệm khác nhau tùy theo mỗi người. Những ý niệm này dù muốn dù không, cũng đã quấn bện vào trong niềm tin và những ước muốn nằm sâu trong tâm thức của mình, ít khi nào ta chịu khảo sát chúng cho kỹ. Ta đã để cho chúng ngăn cản không cho mình phát triển hoặc tin rằng rằng mình thật sự có khả năng ấy. 

Thỉnh thoảng cũng có những người đến gặp tôi trong nhà thương, họ nói rằng thời gian ở trong bệnh viện chuyên khoa về làm giảm sự căng thẳng, là một kinh nghiệm tâm linh lớn nhất mà họ đã từng có. Tôi rất mừng khi họ cảm thấy như vậy, vì nó xuất phát trực tiếp từ kinh nghiệm của chính họ về thiền tập, chứ không phải từ một lý thuyết, niềm tin hoặc một hệ thống tư tưởng nào. Tôi cho rằng mình hiểu người ấy muốn nói gì, nhưng tôi cũng biết rằng họ đang cố gắng diễn tả bằng ngôn từ những kinh nghiệm nội tâm vượt ra ngoài mọi nhãn hiệu. Và tôi cũng mong ước rằng bất cứ một kinh nghiệm hoặc tuệ giác nào, nó sẽ tiếp tục sống, mọc rễ và tăng trưởng trong họ. Hy vọng họ ý thức được sự tu tập không phải là để ta đi đâu hết, dù dó là những kinh nghiệm tâm linh an lạc và thâm sâu chăng nữa. Hy vọng họ sẽ hiểu rằng chánh niệm vượt ra ngoài mọi ý thức, mong ước và ghét bỏ, rằng bây giờ và ở đây là một sân khấu mà sự việc đang khai triển không ngừng nghỉ. 

Ý niệm về tâm linh có thể giới hạn tư tưởng của ta thay vì mở rộng nó ra. Chuyện ấy rất thông thường, vì từ đó ta sẽ phân biệt cái này là tâm linh còn cái kia thì không. Khoa họa có thuộc về tâm linh không? Làm cha mẹ có là tâm linh không? Con chó có tâm linh không? Thân ta có tâm linh không? Tâm ta có tâm linh không? Sanh con thì sao? Chuyện ăn uống có tâm linh không? Vẽ, chơi nhạc, đi dạo, nhìn một đóa hoa thì sao? Thở có thuộc về tâm linh không, hay là leo núi? Câu trả lời rõ ràng là nó hoàn toàn tùy thuộc vào phương cách tiếp xúc của ta, có chánh niệm và ý thức hay không! 

Chánh niệm cho phép mọi vật chiếu tỏa sáng như là danh từ "tâm linh" đã gọi lên. Einstein có nói về một "cảm giác vũ trụ tôn giáo" mà ông đã kinh nghiệm được, khi suy tư về sự kết cấu cơ bản của thế giới vật lý. Nhà di truyền học nổi tiếng Barbara McClintock, công trình của bà đã từng bị khinh thường và bỏ qua trong nhiều năm, cho đến khi bà được công nhận bằng giải thưởng Nobel vào tuổi tám mươi,có nói về "một cảm giác đối với các sinh vật" trong một cố gắng khám phá và tìm hiểu sự phức tạp của tính di truyền trong cây bắp. Tôi nghĩ, cuối cùng thì tâm linh có nghĩa là kinh nghiệm được trực tiếp sự toàn vẹn và sự liên hệ mật thiết của mọi vật, thấy được cái một và tất cả thể nhập vào nhau, không có một cái nào là riêng rẽ và dư thừa. Nếu bạn có thể thấy được điều ấy thì mọi việc đều là tâm linh theo nghĩa sâu xa nhất. Phát triển khoa học cũng là tâm linh. Sự rửa chén cũng vậy. Chính kinh nghiệm nội tâm mới đáng kể và bạn phải thật sự có mặt. Những cái khác chỉ là tư tưởng mà thôi. 

Nhưng cùng một lúc bạn cũng phải cẩn thận, coi chừng khuynh hướng tự dối lừa, tự mê hoặc, tự kiêu của mình, và những sự thúc đẩy đi lợi dụng và sự tàn nhẫn đối với kẻ khác. Thời đại nào cũng đã có quá nhiều khổ đau gây nên bởi những kẻ bị dính mắc vào một quan điểm duy nhất về cái "chân lý" tâm linh. Và còn bao nhiêu nữa được gây ra bởi những kẻ núp sau tấm áo choàng tâm linh, sẵn sàng hại người khác cho tham vọng của mình. 

Hơn thế nữa, ý hướng về tâm linh của ta thường bao giờ cũng mang một màu sắc thiêng liêng hơn mọi điều khác. Những quan điểm nhỏ nhoi còn kẹt trong chữ nghĩa này, lại hay đặt để tâm linh lên trên những tính chất "thô lậu", "ô nhiễm", "mê lầm" của thân, tâm và vật chất. Bị rơi vào quan điểm ấy, người ta có thể lợi dụng danh nghĩa của tâm linh để đi trốn tránh cuộc đời. 

Trong lãnh vực thần thoại, ý niệm về tâm linh có mang một đặc tính hướng thượng và bốc lên, như James Hilmman và các nhà đề xướng môn Archetypal Psychology có đề cập đến. Năng lượng của tâm linh thăng hoa, vượt lên trên những tính chất trần tục của thế giới này, để tiến tới một thế giới vô sắc, đầy ánh sáng và tỏa chiếu, một thế giới không có nhị nguyên, nơi đó mọi vật thể nhập lại làm một, thành một vũ trụ đồng nhất. Nhưng vì sự đồng nhất không phải là một kinh nghiệm thông thường của con người, nên câu chuyện không hề chấm dứt ở đó. Thường thì đó gồm có chín phần là mơ tưởng và chỉ có một phần là kinh nghiệm trực tiếp mà thôi. Hoài bảo của một sự đồng nhất về tâm linh, đạc biệt là ở tuổi trẻ, thường bị thúc đẩy bởi sự ngây thơ và mơ mộng, một khao khát muốn thoát khỏi mọi khổ đau và trách nhiệm của cuộc đời, mà trong đó có cả sự ẩm thấp và tối tăm. 

Ý tưởng về sự siêu việt (transcendence) có thể là một sự vượt thoát rất lớn. Ðó là lý do trong nhà Phật, đặc biệt là Thiền tông, có nhấn mạnh về sự trở về với đời sống thường ngày, hoàn tất một vòng tròn, hay còn được gọi là "thỏng tay vào chợ". Nó có nghĩa là ta đứng vững vàng ở bất cứ một nơi nào, trong một hoàn cảnh nào, không trên cũng chẳng dưới, chỉ đơn giản có mặt nhưng thật trọn vẹn. Trong nhà thiền có câu "Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ", là nếu ta có gặp Phật hay Tổ trên đường thì cứ thẳng tay giết các ngài. Nó có nghĩa là bất cứ một sự dính mắc nào trong khái niệm về Phật, về giác ngôi cũng đều còn cách xa mục tiêu. Bạn còn nhớ bài tập về thiền núi không? Hình ảnh ngọn núi mà ta xử dụng không phải chỉ là một đỉnh cao cách xa mọi nền tảng của sự sống. Nhưng nó ăn sâu vào nền tảng, đâm rễ vào đất đá, một thái độ sẵn sàng ngồi yên và chịu đựng mọi tình trạng thời tiết, sương mù, mưa gió, nóng, lạnh, tuyết đá, hoặc nói theo từ ngữ của nội tâm là sự thất vọng, buồn lo, giận dữ, bối rối và đau khổ. 

Theo tôi nghĩ, đất đá là một biểu tượng cho linh hồn (soul) hơn là cho tâm linh (spirit). Chiều hướng của nó là đi xuống, và hành trình của linh hồn là một biểu tượng trở xuống, đi vào lòng đất. Nước cũng thế, là một biểu tượng của linh hồn, thể hiện yếu tố hướng hạ như trong bài thiền tập về mặt hồ, nước tích chứa ở những chỗ trũng thấp, có tính cách tiếp nhận, thường là lạnh lẽo và ẩm thấp. 

Cảm nhận của linh hồn được mọc rễ trong cái nhiều hơn là trong cái một, nó phát xuất từ một tự thể phức tạp và mơ hồ. Nhưng câu truyện về linh hồn là những câu truyện của một hoài bảo, của sự liều chết, của sự chịu đựng tăm tối và đối diện với bóng đêm, của sự bị chôn vùi dưới lòng đất hoặc đáy nước, của sự lạc lõng và đôi khi hoàn toàn bối rối, nhưng lúc nào cũng kiên trì và bền gan. Và chính nhờ sự bền gan ấy, cuối cùng ta cũng tiếp xúc lại được với tự thể châu báu của mình, ta bước ra từ bóng đêm và lòng đất tối tăm mà ta rất sợ hãi, nhưng phải đối diện. Tự thể quý báu ấy của ta lúc nào cũng có mặt ở đây, nhưng nó phải được khám phá lại một lần nữa, mới tinh, qua sự trầm mình trong bóng tối và khổ đau. Thật ra nó bao giờ cũng là của ta, cho dù người khác hoặc chính ta có nhận thấy được hay không. 

Những câu truyện thần tiên trong mọi nền văn hoá phần nhiều là truyện về linh hồn hơn là về tâm linh. Như người lùn trong câu truyện "Dòng nước của sự sống" là một hình ảnh của linh hồn. Câu truyện Cô Bé Lọ Lem cũng là truyện về linh hồn. Trong suốt câu truyện, có một sự chuyển hóa diễn biến trong nội tâm của nhân vật chánh, một sự trưởng thành, một sự tôi luyện và sau đó một con người mới toàn vẹn hơn xuất hiện. Ðó là một con người đã được phát triển hoàn toàn, thể hiện được sự đồng nhất của linh hồn và tâm linh, của thăng và trầm, sắc và vô sắc. 

Thực hành thiền tập tự nó là một tấm gương phản chiếu hành trình tiến hóa và phát triển này. Nó phải trải qua biết bao nhiêu những thăng trầm. Không những bắt ta đối diện mà phải còn ôm chặt lấy nỗi đau và bóng tối, cũng như hạnh phúc và ánh sáng. Nó nhắc nhở chúng ta nên xử dụng bất cứ những gì xảy đến trong bất cứ một trường hợp nào, như là một cơ hội để quán chiếu, để mở rộng, để phát triển trong sức mạnh và tuệ giác, và để đi theo con đường của chính mình. 

Ðối với tôi, những danh từ "linh hồn" và "tâm linh" là những cố gắng để diễn tả kinh nghiệm làm người của mình, trong khi ta cố tự tìm hiểu và đi tìm một chỗ đứng cho mình trong cái thế giới kỳ lạ này. Không có một công trình tâm linh chân thật nào lại có thể thiếu phần linh hồn, cũng như không một công trình linh hồn nào lại không có phần tâm linh. Những con quỷ dữ, con rồng hung tợn, người lùn, bà phù thủy, hoàng tử và công chúa, ông vua, bà hoàng... trong truyện thần tiên, tất cả những nhân vật ấy, đều đang có mặt nơi đây, trong giờ phút này, để sẵn sàng chỉ dạy ta. Nhưng chúng ta phải biết lắng nghe, và phải có thái độ của bậc anh hùng, dám mang một hoài bảo lớn. Nhưng thật ra, dù ta có ý thức được hay không, nó cũng đã thâm nhập sâu xa vào trong cơ cấu của cuộc đời này, vì đó là sự sống của một con người toàn vẹn. Có lẽ một việc làm tâm linh nhất mà mỗi người chúng ta có thể làm, là nhìn bằng chính con mắt của mình, thấy được sự toàn vẹn và hành động với một nhân phẩm và lòng từ ái. 

- HẾT -

-ooOoo-

Ðầu trang | Phần 1.a | Phần 1.b | Phần 2 | Phần 3.a | Phần 3.b | Mục lục

Source: Thư viện Hoa Sen, www.thuvienhoasen.org  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 16-05-2003