BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
(tiếp theo) Ðức rộng lượng cũng như những đức tính khác, như là kiên nhẫn, buông bỏ, không phê phán và tin tưởng, nó cung cấp một nền tảng vững chắc cho sự tu tập chánh niệm của ta. Chúng ta có thể kinh nghiệm đức rộng lượng như là một phương tiện tự quán chiếu sâu sắc hoặc là một bài tập bố thí. Và bài tập về đức rộng lượng ấy, chúng ta nên bắt đầu từ chính ta. Thỉnh thoảng, bạn có thể tự tặng cho mình những món quà thật sự là quý báu, như là một thái độ tự chấp nhận, hoặc là một ngày không cần có chương trình và mục đích. Bạn cũng nên tập cảm thấy mình xứng đáng nhận lãnh những món quà ấy - chỉ cần giản dị tiếp nhận tự chính ta, và từ vũ trụ. Bạn có thể tiếp xúc được với bản chất của con người mình không, nơi ấy giàu có và phong phú hơn tất cả những gì bạn có thể tìm kiếm được! Hãy để nơi ấy tỏa chiếu năng lượng của nó ra bên ngoài, tràn ngập thân thể ta, và tỏa phát ra chung quanh ta. Bạn hãy thí nghiệm sự ban phát năng lượng này - ban đầu một chút thôi - hướng nó về chính mình và cho những người khác mà không cần mong cầu được lại một cái gì hết. Hãy cho nhiều hơn là bạn nghĩ mình có thể, và tin rằng ta giàu có hơn là mình tưởng. Ăn mừng sự giàu có này của ta, hãy ban cho như là ta có một kho tàng vô tận. Ðó chính là con đường "bố thí theo vương đạo" trong nhà Phật. Tôi không phải chỉ nói về vấn đề tiền bạc hay của cải, mặc dù sự chia xẻ giàu có vật chất cũng rất lợi ích, có thể làm tăng trưởng, nâng cao tâm hồn ta rất nhiều. Nhưng điều tôi muốn nói là ta nên thực tập chia xẻ sự toàn vẹn của con người mình, một cái tôi tốt đẹp nhất, nhiệt tình của ta, sức sống của ta, tâm hồn ta, niềm tin tưởng, sự cởi mở và trên hết tất cả, là sự có mặt của ta. Hãy chia xẻ nó với chính ta, với gia đình ta, và thế giới chung quanh ta. Thực tập: Hãy ghi nhận sự thúc đẩy lại ý muốn bố thí, những lo âu về tương lai, cảm tưởng rằng có lẽ ta đã cho quá nhiều, không được ai tán thưởng, hoặc giả ta sẽ bị đuối sức, không được lợi lộc gì hết, hay là mình sẽ không còn lại một cái gì. Bạn hãy xét lại những lo nghĩ ấy, vì rất có thể chúng không thực chút nào hết. Chúng có thể chỉ là những hình tướng của một sự lười biếng, nhỏ nhen hoặc ích kỷ, bắt nguồn từ một sự sợ hãi. Cái ý nghĩ và cảm giác này là những góc cạnh của thô thiển, gồ ghề của tính tự lợi. Chúng va chạm với thế giới chung quanh và thường đem lại khổ đau cho ta cũng như cho kẻ khác, một cảm giác ngăn cách, cô lập và suy tổn. Ðức bố thí sẽ dùi mài và làm phẳng láng những góc cạnh còn thô ấy và giúp ta trở nên có ý thức hơn về sự giàu có trong nội tâm của mình. Bằng sự thực tập chánh niệm về đức rộng lượng, bằng sự bố thí và quan sát ảnh hưởng của chúng trên chính ta và kẻ khác, ta sẽ bắt đầu tự chuyển hóa, tự thanh lọc và khám phá được một con người mới của ta rộng lớn hơn. Có thể bạn phản đối rằng, bạn không còn đủ năng lượng hoặc nhiệt tình để ban bố bất cứ một cái gì hết, rằng bạn đã quá mệt mỏi và nghèo túng lắm rồi. Hoặc có thể bạn cảm thấy cả đời mình chỉ có ban cho và ban cho, mà không ai biết ơn hay để ý gì đến cả. Cũng có thể bạn xử dụng sự bố thí như là một phương tiện để đi trốn tránh một nỗi đau và sự sợ hãi, hay vì muốn kẻ khác ưa thích và chịu lệ thuộc vào mình. Bạn nên chú tâm và quán chiếu những loại bố thí ấy cho thật cẩn thận. Vì bố thí mà thiếu chánh niệm sẽ không bao giờ lành mạnh, hoặc rộng lượng. Ðiều quan trọng là bạn phải hiểu được động cơ thúc đẩy mình bố thí, và ý thức được khi nào sự bố thí của mình bắt nguồn từ sự sợ hãi và thiếu tự tin, thay vì từ một lòng độ lượng. Trong sự thực tập bố thí với chánh niệm, ta không cần thiết phải cho tất cả những gì mình có, mà thật ra ta không cần phải cho bất cứ một cái gì hết. Và trên hết, đức rộng lượng là một sự bố thí trong nội tâm, một sự cảm biết, một ý muốn chia xẻ con người và sự sống của chính ta với thế giới chung quanh. Ðiều quan trọng nhất là bạn phải biết tin tưởng và tôn trọng trực giác của mình, nhưng cùng một lúc, bao giờ cũng dám mạo hiểm, dám liều lĩnh để thử nghiệm. Có thể là bạn cần nên bớt ban cho lại một chút, hoặc tin nơi trực giác của mình về những sự lạm dụng hay những động cơ thúc đẩy mờ ám. Cũng có thể bạn cần phải biết cho nhiều hơn nữa, nhưng bằng một lối khác, hoặc cho những hạng người khác. Và cũng rất có thể, bạn cần phải biết bố thí cho chính mình trong một thời gian trước đã. Rồi sau đó bạn mới tập bố thí cho người khác, một chút xíu nhiều hơn là bạn nghĩ bạn có thể, ghi nhận trong chánh niệm và buông bỏ hết bất cứ một ý nghĩ hoặc mong cầu nào về sự trả ơn. Hãy tự động bố thí. Bạn không cần phải chờ người khác hỏi. Thử xem việc gì sẽ xảy ra - nhất là cho bạn. Có thể bạn sẽ khám phá ra rằng, bạn đạt được một cái nhìn sáng tỏ hơn về mình và về những mối tương quan của mình, cũng như bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn, thay vì bị giảm bớt đi. Cũng có thể bạn sẽ cảm thấy thay vì trở nên đuối sức hoặc nghèo túng, bạn lại được nuôi dưỡng và giàu có thêm lên. Vì đó là năng lực của sự bố thí vị tha trong chánh niệm. Bạn nên nhớ rằng, ở một bình diện thâm sâu nhất, thật ra không hề có người cho, không có người nhận và cũng không có quà tặng... tất cả chỉ là một vũ trụ này, và nó tự sắp xếp lại mà thôi. 23.- CÁI DŨNG CỦA SỰ YẾU ÐỐI Nếu bạn là một người có ý chí mạnh mẽ và thành đạt trong xã hội, có lẽ bạn thường biểu lộ là mình không khi nào cảm thấy bất an, tổn thương hoặc sút kém bao giờ. Sự kiện này có thể rất là cô đơn và cuối cùng sẽ đem lại cho ta cũng như người chung quanh những khổ đau rất lớn. Những người chung quanh sẽ không ngần ngại gì mà không chấp nhận thái độ ấy của bạn, và họ sẽ cùng thông đồng đem gán cho bạn có một cá tánh vững như bàn thạch, và từ đó không cho phép bạn được thật sự biểu lộ ra một cảm tình nào nữa. Thật ra chúng ta rất dễ dàng bị tách rời với những cảm xúc thật sự của mình, nhất là qua những tấm áo địa vị và sự hào nhoáng bề ngoài. Sự cô lập này rất thường xảy đến cho những người chủ trong gia đình và cho bất cứ những ai giữ một chức vụ nào có chút ít quyền lực, bất cứ ở đâu. Và khi ta chấp nhận rằng thiền tập sẽ làm cho ta trở nên vững mạnh hơn, việc ấy cũng có thể tạo nên một hoàn cảnh khốn khó tương tự. Ta có thể bắt đầu tin thật sự và đi đóng vai một người hoàn toàn bất lay động, không gì có thể xúc phạm tới, một thiền sinh chân chánh - là người biết giữ mọi việc trong sự kiểm soát của mình, có trí tuệ đủ để đối với mọi chuyện mà không bị mắc kẹt vào những phản ứng cảm xúc. Nhưng trong quá trình ấy, ta có thể vô tình đi ngăn chận chính sự phát triển của mình một các khéo léo mà không hề hay biết. Chúng ta ai cũng có một đời sống tình cảm. Chối bỏ nó chỉ tự đem lại hiễm họa cho mình mà thôi. Vì thế, mỗi khi bạn cảm thấy mình đang xây dựng một hình ảnh của sự bất lay chuyển, của sức mạnh, của một kiến thức sâu rộng hay là một tuệ giác, dựa trên kinh nghiệm thiền tập của bạn, cho rằng có lẽ mình đã đạt đến một trình độ nào đó rồi và bạn bắt đầu thích bàn nhiều về thiền theo chiều hướng tự đề cao, tự thổi phồng, những lúc ấy bạn nên đem chánh niệm trở về để ý thức được những tâm ý ấy của mình. Bạn hãy tự hỏi, có phải ta đang trốn chạy những yếu đuối của mình hay không, hay có lẽ vì một nỗi khổ đau, hoặc cũng có thể là vì một sự sợ hãi nào đó trong tâm. Vì nếu bạn thực sự vững mạnh, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cần thiết phải chứng tỏ điều ấy với chính mình hoặc người khác. Cách hay nhất là hãy chọn lựa một con đường hoàn toàn khác hẳn, là hướng sự chú ý của mình vào nơi nào mà mình cảm thấy sợ hãi nhất. Bạn có thể thực hiện được việc ấy bằng cách cho phép mình dám cảm xúc, dám khóc nếu muốn, rằng ta không cần phải có ý kiến về mọi vấn đề, không cần phải làm ra vẻ như mình là vô song hoặc không có một cảm xúc gì đối với người khác. Thay vào đó, bạn hãy tập tiếp xúc và cởi mở, một cách thích hợp với những cảm xúc của mình. Những gì bề ngoài có vẻ như yếu đuối thường thường lại ẩn tàng một sức mạnh thật sự. Và những gì dường như là sức mạnh nhiều khi lại là một sự yếu đuối. Chúng chỉ là những bộ mặt và hành động giả tạo bề ngoài mà thôi, cho dù đối với ta và người khác chúng có vẻ đáng tin đến đâu đi chăng nữa. Thực tập: Ghi nhận đường lối gay gắt của mình mỗi khi ta đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Hãy thử kinh nghiệm, giữ cho mình được mềm dịu mỗi khi ta cảm thấy muốn cứng rắn, rộng rãi khi ta cảm thấy muốn ích kỷ, cởi mở ra mỗi khi ta cảm thấy muốn đóng kín, khép chặt tình cảm lại. Khi nào ta có những buồn khổ hay sầu muộn, cố gắng cho phép nó có mặt. Hãy cho phép ta cảm xúc những gì mình đang cảm xúc. Chú ý đến những danh hiệu ta dán cho những giọt nước mắt và cảm giác dễ bị thương tổn. Buông bỏ hết đi những danh hiệu ấy, chỉ cần cảm giác những gì mình đang cảm giác, và luôn duy trì chánh niệm trong từng giây phút, cởi trên đầu những ngọn sóng "thăng" và "trầm", "tốt" và "xấu", "mạnh" và "yếu", cho đến khi bạn thấy rằng chúng không hề có khả năng diễn tả trọn vẹn được hết những kinh nghiệm của mình. Sống với chính kinh nghiệm ấy. Hãy đặt niềm tin nơi sức mạnh thâm sâu nhất của ta: có mặt trong giờ phút hiện tại, sống tỉnh thức. 24.- ÐỨC ÐƠN GIẢN TỰ NGUYỆN Trong tôi bao giờ cũng có một sự thúc đẩy muốn dồn nhét thêm một điều này hoặc việc nọ trong trong giây phút hiện tại. Chỉ cần một cú điện thoại nữa thôi, dừng lại thêm một chỗ này thôi trên đường đi đến chỗ kia. Cho dù có ngược đường đi chăng nữa cũng mặc kệ. Tôi đã học cách nhận diện được những cảm xúc thúc đẩy này và bất tin nơi chúng, tôi cố gắng tập cách từ chối chúng. Ðôi khi tôi bắt gặp mình đang ngồi ăn sáng, trong khi mắt dính chặt vào hộp bánh ngũ cốc (Cereal), đọc đi đọc lại có lẽ hằng trăm lần tấm bảng liệt kê những chi tiết về dinh dưỡng, hoặc tờ quảng cáo đồ biếu không của công ty thực phẩm. Sự thúc đẩy này không cần biết là nó đang được cấp dưỡng từ những gì, hễ được cung cấp là đủ rồi. Báo chí cũng là một sự hấp dẫn đặc biệt khác, hoặc là những sách quảng cáo hàng hóa, hay bất cứ những gì chung quanh mà ánh mắt tôi có thể bắt gặp. Sự thúc đẩy ấy bươi móc tìm kiếm để giết thì giờ, nó đồng lõa với tâm ý để giữ tôi trong thất niệm, ru ngủ tôi trong sương mù của sự tê lặng, đủ để làm cho tôi đầy bụng hoặc tức bụng trong khi hoàn toàn bỏ lỡ mất buổi ăn sáng. Nó khiến tôi không hề thật sự có mặt với những người chung quanh, không biết đến ánh sáng bình minh loáng thoáng trên bàn, những mùi hương thơm trong gian phòng, những năng lượng trong giây phút hiện tại, kể cả những tranh cải và thảo luận, khi chúng tôi cùng ngồi lại với nhau trong ngày trước khi mỗi người phải đi một nơi. Tôi muốn tự nguyện tập cho mình một đức giản dị để đối trị những cảm xúc thúc đẩy ấy, và muốn đoan chắc rằng sự dinh dưỡng phải được bắt nguồn từ một bình diện sâu sắc. Tôi thực tập có ý thức, cố ý bao giờ cũng chỉ làm một việc thôi, và thật sự có mặt ở đó. Có biết bao nhiêu cơ hội để tôi luyện tập như khi đi dạo chẳng hạn, hay khi đùa chơi với con chó của mình, tôi thực sự có mặt với nó. Ðức đơn giản tự nguyện có nghĩa là trong một ngày tôi ít đi đây đó hơn, tôi nhìn ít lại để có thể thấy được nhiều hơn, làm ít lại để tôi có thể hoàn tất nhiều hơn, thu thập ít lại để được giàu có hơn. Tất cả mọi việc điều dính liền với nhau. Là một người cha của mấy đứa con còn nhỏ dại, là một trụ cột của gia đình, một người chồng, một người con trưởng, một người rất yêu công việc của mình, tôi không thể nào chọn con đường bỏ đi đến hồ Walden hay một nơi hẻo lánh nào đó, và ngồi dưới gốc cây trong vài năm, lắng nghe tiếng cây cỏ đổi thay và bốn mùa chuyển hóa, mặc dù sự thúc đẩy ấy đã vẫy gọi tôi biết bao nhiêu lần. Nhưng sống giữa những hỗn loạn có trật tự này, giữa những phúc tạp của đời sống gia đình và việc làm, với mọi đòi hỏi cũng như trách nhiệm của chúng, những sự nản lòng và niềm vui vô tận, vẫn có dư thừa cơ hội để ta thực tập sự giản dị bằng những đường lối nho nhỏ. Chậm rãi lại trong mọi việc là một phần rất lớn của sự thực tập. Biết bao nhiêu lần tôi đã phải bảo thân tâm mình ở với đứa con gái thay vì phóng đi trả lời chuông điện thọai, không phản ứng theo dự thúc dục gọi điện thoại cho một người nào đó đang "cần gọi" ngay bây giờ, không thu mua những món đồ mới, và ngay cả những tạp chí, truyện hình, phim chuyện theo một sự thúc dục nhất thời. Ðó là một trong những cách có thể giúp ta làm đơn giản hóa cuộc sống của mình một chút. Cũng còn những cách khác nữa như: một buổi chiều chỉ ngồi nghỉ không cần phải làm gì hết, hoặc đọc sách, hoặc đi dạo một mình, với một em bé hay một người thân thương, chất thêm đống củi cho đầy, nhìn trăng, cảm giác gió mát trên mặt khi đứng dưới gốc cây, hoặc là đi ngủ sớm... Tôi tập nói "không" để giữ cho đời sống mình được giản dị và tôi thấy rằng mình không bao giờ có thể làm đủ. Sự tu tập ấy tự nó là một kỷ luật rất cam go nhưng vô cùng đáng giá. Tuy vậy cũng rất là tế nhị. Trong cuộc sống bao giờ cũng sẽ có những nhu cầu và cơ hội đòi hỏi sự đáp ứng tức thì của ta. Sự cương quyết sống đơn giản giữa cuộc đời là một hành động giữ quân bình rất tinh tế. Chúng ta bao giờ cũng phải biết quay trở về, tìm hiểu thêm và có ý thức hơn. Nhưng tôi thấy rằng, quan niệm về sự đơn giản tự nguyện giúp cho tôi ý thức được những gì thực sự quan trọng, về một môi sinh (Ecology) của thân, tâm và thế giới chung quanh, trong đó mọi sự đều có một tương quan mật thiết với nhau và mỗi sự chọn lựa của ta đều có những hậu quả rất sâu xa. Ta không bao giờ có thể kiểm soát được tất cả mọi chuyện. Nhưng chọn sự đơn giản, mỗi khi được, sẽ đem lại cho sự sống của ta một yếu tố tự do rộng lớn, mà cũng rất có thể bị đánh mất thật dễ dàng. Và tôi đã khám phá ra rằng "ít" đôi khi mới thật sự là "nhiều". Ðơn giản, đơn giản, đơn giản! Tôi nói rằng một số công việc của bạn phải là hai hay ba, chứ đừng để là trăm hay ngàn; thay vì là một triệu hãy đếm chừng nửa tá thôi... Giữa đại dương sóng vỗ bập bềnh của đời sống văn minh, có mây đen và giông bão và vùng cát lầy và một ngàn lẻ một món đồ cho phép mang theo, nếu một người muốn sinh tồn, nếu người ấy không về đến bến bị đắm chìm dưới lòng đại dương sâu thẳm, xem như là đã chết, và chỉ có những ai là bậc tính toán đại tài mới có thể thành công. Hãy giản dị hóa và giản dị hóa. -- Thoreau, Walden. 25.- ÐỊNH Ðịnh là nền tảng của sự tu tập chánh niệm. Năng lực chánh niệm của ta hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng tĩnh lặng, mặt hồ chánh niệm sẽ bị gợn sóng và lao chao, nó không thế nào phản ảnh được sự thật một cách rõ ràng và chính xác. Ðịnh có thể được thực tập chung với chánh niệm hoặc riêng rẽ. Bạn có thể nghĩ đến định như là khả năng của tâm, giúp ta duy trì sự chú ý của mình vào một đối tượng quan sát mà không xao lãng. Ðịnh có thể được thực tập bằng cách chú tâm vào một vật mà thôi, thí dụ hơi thở chẳng hạn, và giới hạn sự chú ý của ta vào nơi đó. Trong tiếng Phạn, định được gọi là Samadhi hay là "nhất điểm". Samadhi của ta sẽ được phát triển và trở nên sâu sắc hơn, mỗi khi ta đem sự chú ý của mình trở về với hơi thở những khi nó suy nghĩ lan man. Trong những phương pháp chuyên về thiền định, chúng ta không cần phải quán sát và theo dõi, ví dụ tâm ý ta lang thang đi đâu, hoặc hơi thở ta thay đổi như thế nào? Ngược lại, chúng ta dồn hết nỗ lực của mình vào một việc kinh nghiệm hơi thở này vào, hơi thở này ra, hay một đối tượng duy nhất nào đó. Sau một thời gian dài thực tập, tâm ta sẽ có thể ở với hơi thở càng lúc càng dễ dàng hơn. Nó sẽ ghi nhận được ngay những lơ đãng, lo ra của ta vì bất cứ một nguyên nhân nào đó và ta có thể chống lại sự lôi kéo ấy hoặc là nhanh chóng đem sự chú ý của mình trở về với hơi thở. Sự tĩnh lặng đạt được bằng sự tu tập thiền định chuyên cần, có một phẩm chất vững vàng rất đặc biệt. Nó kiên cố, thâm sâu và không thể suy chuyển vì bất cứ một lý do gì. Nếu thỉnh thoảng bạn có thể thực tập thiền định trong một thời gian, thì đó là một món quà rất quý giá, nhất là trong những khóa tu thinh lặng nhiều ngày, khi ta có cơ hội để tạm xa lánh cuộc đời như ông Thoreau vậy. Sự vững vàng và tĩnh lặng do thiền định đem lại, sẽ làm nền tảng cho sự tu tập chánh niệm. Nếu thiếu định (Samadhi), chánh niệm của ta sẽ không thế nào vững mạnh. Ta chỉ có thể nhìn sâu vào một đối tượng nào đó, nếu tâm ta không bị xao động, hoặc đi lang thang từ nơi này đến nơi khác. Ðịnh của ta càng thâm sâu đến đâu, thì niệm của ta mới có thể được thâm sâu đến chừng ấy. Kinh nghiệm của một trạng thái định thâm sâu rất dễ chịu. Khi ta nhất tâm chú ý vào hơi thở của mình, mọi việc khác sẽ biến mất - kể cả tư tưởng, cảm xúc và thế giới chung quanh. Samadhi thường được tiêu biểu bằng một sự hội nhập vào một trạng thái tĩnh lặng và một niềm an lạc bất chuyển. Mùi vị của sự tĩnh lặng này có thể vô cùng quyến rũ, đôi khi làm cho ta đê mê. Vì thế, chúng ta thấy mình thích đi tìm cảm giác an tịnh này, cũng như sự đơn sơ của một trạng thái yên ổn và vui sướng. Nhưng thiền định, dù mạnh mẽ và thỏa mãn đến đâu, cũng không thế nào trọn vẹn nếu thiếu chánh niệm để hỗ trợ và làm cho nó được sâu sắc hơn. Nếu tự mình nó, định cũng giống như một trạng thái rút lui khỏi thế giới chung quanh vậy. Năng lượng tiêu biểu của nó là đóng kín thay vì cởi mở, thu rút thay vì sẵn sàng, mê ngủ thay vì tỉnh thức. Cái nó thiếu là một năng lượng của sự tò mò, thắc mắc, quán sát, rộng mở, sẵn sàng và tiếp xúc với bất cứ một hiện tượng nào được kinh nghiệm bởi loài người. Và tất cả những cái đó thuộc về lãnh vực của Niệm. Sự nhất tâm và khả năng đem lại sự an tịnh, vững vàng trong giây phút hiện tại, sẽ hỗ trợ giúp cho ta có thể quán chiếu, và hiểu được được những mối tương quan duyên khởi của mọi hiện tượng trong cuộc sống này. Ðịnh có thể có một giá trị rất lớn, nhưng có thể rất giới hạn nếu ta bị cám dỗ bởi phẩm chất dễ chịu của nó, và xem đó như là một nơi trú ẩn, để trốn tránh cuộc đời đôi khi có nhiều khổ đau và bất mãn. Ta sẽ có thể tìm cách tránh né sự xô bồ của cuộc sống hằng ngày, để đi tìm một sự tĩnh lặng và an lạc. Lẽ dĩ nhiên đó cũng là một dính mắc vào sự tĩnh lặng, và giống như một sự dính mắc mạnh mẽ nào khác, nó sẽ dẫn đến sự si mê, và từ đó sẽ ngăn chận sự phát triển, cũng như làm chết hạt giống tuệ giác trong ta. 26.- Ý HƯỚNG Chúng ta không thể nào, mà cũng rất là điên rồ, nếu ta cương quyết thực tập thiền quán mỗi ngày, mà không hề có một ý niệm nào về lý do tại sao mình lại làm việc ấy, nó có giá trị gì cho cuộc sống của mình, và vì sao đó là con đường của mình mà không phải chỉ là một ảo giác nào đó! Trong những xã hội ngày xưa, quan niệm về thiền tập đã được cung cấp cũng như nuôi dưỡng bởi một nền văn hóa. Nếu bạn là một Phật tử, có thể bạn tu tập là vì nền văn hóa của bạn đánh giá thiền quán rất cao, nó là con đường dẫn đến sự tỉnh thức, từ bi, giác ngộ, con đường của một tuệ giác giúp ta diệt hết mọi khổ đau trong cuộc sống. Nhưng trong văn hóa của Tây phương, bạn sẽ khó tìm thấy được một sự hỗ trợ nào cho con đường tu tập kiên định có tính cách cá nhân này. Nhất là khi nó có những quan niệm như là, cố gắng nhưng lại vô hành, xử dụng năng lượng nhưng không mang lại một "sản phẩm" nào rõ rệt. Và hơn nữa, những ý tưởng nông cạn và thơ mộng mà ta đang ôm ấp về việc trở thành một con người tốt đẹp hơn - tĩnh lặng hơn, sáng suốt hơn, từ bi hơn - sẽ không kéo dài được bao lâu, khi trực diện với sóng gió của cuộc đời, của thân tâm hay ngay cả cái viễn tượng của việc thức dậy mỗi sáng sớm, khi trời còn mờ tối và lạnh căm căm, để ngồi một mình và sống với hiện tại. Những lúc ấy ta sẽ rất dễ dàng cho nó không còn là quan trọng nữa, có thể dời lại một khi khác, để ta ngủ thêm một chút xíu hoặc được nằm yên trong giường ấm. Nếu bạn muốn, có thể mang thiền tập vào cuộc đời mình, một cách cương quyết và lâu dài, bạn sẽ cần phải có mộ ý hướng nào thật sự là của mình - nó phải sâu xa và cương quyết, nhất là gần gũi với con người thật của ta, với những gì ta tin là có giá trị trong cuộc sống cũng như đường hướng của mình. Chỉ có sức mạnh của một quan điểm linh động như vậy và động cơ thúc đẩy phát xuất từ nó, mới có thể giữ ta trên con đường tu tập hết năm này sang năm khác. Từ đó, ta mới có nghị lực để thực tập mỗi ngày, và mang chánh niệm soi sáng trên bất cứ những gì đang xảy ra. Nó sẽ giúp cho ta cởi mở với bất cứ những gì ta nhận thức và chỉ cho ta những nơi nào mình còn bị mắc kẹt, và nơi nào cần phải có một sự buông thả hoặc cần được phát triển thêm. Sự tu tập thiền quán không có chút gì thơ mộng và lãng mạn hết. Những chỗ ta cần phải tu sửa thường khi lại là những nơi ta rất bảo thủ, và ít khi nào chịu chấp nhận rằng chúng có thật, chứ đừng nói chi đến chuyện quán sát chúng mà không phán xét để sửa đổi. Thế cho nên, sự tu tập sẽ không thế nào đứng vững được lâu dài, nếu chỉ vì ta có một ý nghĩ ngây ngô rằng mình là một thiền giả, hoặc cho rằng thiền tập sẽ có lợi cho mình vì nó đã giúp ích cho người khác, hay vì triết lý Ðông phương nghe có vẽ thâm sâu, hoặc vì ta đang có một thói quen thích ngồi thiền. Ý hướng ta đang đề cập ở đây, cần phải được cải tiến mỗi ngày, lúc nào cũng phải rõ ràng ở trước mặt, bởi vì chánh niệm tự nó cũng đòi hỏi một ý thức về chủ đích và ý định phải được rõ rệt như thế. Còn bằng không, thà rằng ta cứ nằm trên giường ngủ tiếp cho xong chuyện. Sự tu tập tự nó phải là hiện thân của ý hướng ta mỗi ngày, và chứa đựng những gì ta tôn quý nhất. Nó không có nghĩa là ta phải cố gắng thay đổi hoặc trở nên khác biệt với con người thật của mình, như là an tịnh khi ta cảm thấy không an ổn, hoặc vui vẻ khi ta đang tức giận. Nhưng lúc nào ta cũng ý thức được điều gì thật sự quan trọng nhất đối với mình, để nó khỏi bị đánh mất hoặc bị phản bội trong một phút giây cảm xúc mạnh nào đó. Nếu chánh niệm thật sự là quan trọng nhất đối với bạn, thì mỗi giây phút sẽ là một cơ hội để ta tu tập. Ví dụ, trong ngày có một lúc nào ta cảm thấy tức giận chẳng hạn. Nếu bạn ý thức được rằng mình đang giận và đang biểu lộ nó ra, thì bạn cũng sẽ có thể quan sát, theo dõi sự biểu lộ đó và ảnh hưởng của nó trong mỗi giây phút. Nhờ vậy bạn sẽ có thể tiếp xúc được với cơn giận như là một cảm giác có thật, có lai lịch với nguyên nhân cơn giận ấy, và nó ảnh hưởng đến cử chỉ, điệu bộ của bạn như thế nào, trong giọng nói của bạn ra sao, qua sự xử dụng ngôn ngữ và lý lẽ của bạn, cũng như ấn tượng nó để lại trên những người chung quanh. Chúng ta có thể bàn rất nhiều về việc biểu lộ cơn giận của mình một cách có ý thức. Và trong y học cũng như trong phân tâm học, ai cũng đồng ý rằng, đè nén cơn giận trong tâm bằng cách nội hóa nó, có một tác dụng rất là nguy hại, nhất là khi nó trở thành tập quán. Nhưng ngược lại, nếu ta cứ tự do bộc lộ cơn giận của mình mà không kiểm soát, như là một thói quen hoặc phản ứng, cho dù nó có "chính đáng" tới đâu đi nữa, thì sự nguy hại cũng không kém. Ta có thể thấy được cơn giận làm mờ mịt sự suy nghĩ của mình. Nó nảy sinh ra một cảm giác gây hấn và bạo động - dù cho cơn giận ấy là để sửa sai một việc gì hoặc giúp một sự kiện nào đó được xảy ra - vì thế tự trong bản chất của nó đã bị méo mó rồi, dù cho bạn đúng hay sai. Chúng ta có thể cảm nhận được những việc ấy, mặc dù đôi khi mình không ngăn chận lại được. Chánh niệm sẽ giúp ta tiếp xúc được với độc tố của lòng sân hận đối với mình và với người khác. Bao giờ sau một cơn giận, tôi cũng cảm thấy có một cái gì đó không thỏa đáng, dù tôi có đúng lý tới đâu chăng nữa. Ðộc tố bẩm sinh của lòng sân hận làm ô nhiễm bất cứ những gì nó sờ đến. Nên năng lượng này có thể được biến đổi thành một nghị lực và tuệ giác, mà không còn bóng dáng của tự ái hoặc tự thị thì sức mạnh của nó sẽ gia tăng theo cấp số nhân, và khả năng chuyển hóa được nguyên nhân cũng như đối tượng của cơn giận, cũng sẽ tăng trưởng theo. Thế cho nên, khi bạn có ý thức muốn thực tập mở rộng bối cảnh của cơn giận ngay lúc nó đang dâng lên cao độ, bạn nên nhớ rằng phải có một cái gì đó vĩ đại hơn và cơ bản hơn, mà ta đã quên đi trong cơn sôi nổi của của cảm xúc. Chừng ấy, bạn sẽ có thể tiếp xúc được với một ý thức sáng suốt bên trong ta, và nó không hề bị dính mắc hay ảnh hưởng bởi cơn giận. Ý thức ấy thấy được cơn giận, biết được chiều sâu của cơn giận, và nó vĩ đại hơn cơn giận. Nó có thể dễ dàng chứa đựng được cơn giận, như một cái nồi đựng đồ ăn bên trong vậy. Cái nồi ý thức ấy sẽ giúp ta nâng niu cơn giận, và thấy được rằng nó có thể gây nên những hậu quả nguy hại hơn là có ích, mặc dù ta không hề muốn. Từ đó, ta có thể nấu chín cơn giận và tiêu hóa nó, để ta có thể xử dụng cho có hiệu quả hơn, như là đổi từ một phản ứng hoàn toàn máy móc sang một phản ứng có ý thức, hay đôi khi có thể vượt thoát ra hoàn toàn. Sự lựa chọn này phát sinh từ một thái độ thận trọng lắng nghe tiếng nói của hoàn cảnh, một cách trọn vẹn. Ý hướng của ta tùy thuộc vào những giá trị đạo đức của mình và những gì ta cho là quan trọng nhất trong cuộc sống. Nếu bạn tin vào tình yêu, bạn sẽ thể hiện nó ra hay là chỉ nói suông cho nhiều rồi thôi? Và nếu bạn tin vào từ bi, không sát sanh, tuệ giác rộng lượng, an tĩnh, vắng lặng, vô hành, công bằng và minh bạch, thì bạn có biểu lộ chúng ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn không? Ðây là một mức độ có chủ tâm mà chúng ta cần phải có, để duy trì sự sinh động trong thiền tập của mình, giúp cho nó khỏi bị khuất phục, trở thành một bài tập máy móc, điều khiển bởi năng lực của tập quán và đức tin. "Hãy tự hoàn toàn đổi mới mình mỗi ngày, một ngày một mới, luôn luôn đổi mới". -- Tục ngữ Trung Hoa. Thực tập: Hãy tự hỏi vì sao bạn tập thiền hay vì sao bạn muốn tập thiền. Ðừng tin vào những câu trả lời đầu tiên của mình. Hãy ghi xuống hết những gì bạn nghĩ trong đầu. Cứ tiếp tục hỏi. Xét xem những gì tôn quý nhất. Xét xem những gì là tiêu chuẩn đạo đức của ta, những gì mà ta tôn quý nhất trong cuộc sống. Lập một danh sách liệt kê hết những gì mình thật sự cho là quan trọng. Tự hỏi: Ý hướng của tôi là gì, bản đồ của tôi nơi đang ở và nơi tôi muốn đến, chúng là gì? Ý hướng này có phản ảnh được giá trị đạo đức và ý định của tôi không? Tôi có nhớ để thể hiện những giá trị ấy trong cuộc sống không? Tôi có thực hiện những ý định của mình không? Tình trạng của tôi trong công việc của mình bây giờ như thế nào? Trong gia đình, trong những mọi tương quan, và với chính mình thì sao? Tôi muốn chúng phải được như thế nào? Tôi sẽ sống theo ý hướng, giá trị đạo đức của mình bằng cách nào? Tôi đối xử với khổ đau, của chính mình và của kẻ khác ra sao? 27.- THIỀN TẬP PHÁT TRIỂN MỘT CON NGƯỜI TOÀN VẸN Tôi nghe nói rằng trong tiếng Pali, ngôn ngữ nguyên thủy được xử dụng trong thời đức Phật không có danh từ nào tương đương với chữ "Meditation" của người Tây phương bây giờ. Mặc dù Meditation, ở đây ta tạm dịch là thiền tập, có thể nói rằng đã được cải tiến đến trình độ rất cao trong nền văn hóa cổ Ấn Ðộ. Danh từ được người ta xử dụng thường xuyên là Bhavana. Bhavana được tạm dịch là "phát triển bằng sự luyện tâm". Ðối với tôi thì nghĩa đó lại chính xác vô cùng, vì thiền thật ra là nói về sự phát triển của con người. Nó là một phần tiếp nối của sự thay đổi tự nhiên trong ta như là thay răng, thân thể trưởng thành, làm việc và thành đạt trong xã hội, xây dựng gia đình, vay mượn nợ bằng cách này hoặc cách khác,(bất cứ một sự mặc cả nào làm giam hãm tâm hồn ta, cũng đều là một hình thức mượn), và ý thức rằng mình rồi cũng sẽ già chết và chết. Rồi có một lúc nào đó, ta sẽ bị bắt buộc phải ngồi xuống chiêm nghiệm lại đời mình, tự hỏi ta thật sự là ai và ý nghĩa của cuộc đời này - cuộc đời của chính ta - là gì? Những truyện cổ tích thường thường là những tấm bản đồ xưa, chúng chỉ cho ta thấy đường lối phát triển một con người toàn vẹn. Sự minh triết của những câu chuyện này được truyền xuống thời đại ta từ một thời mà chữ viết chưa có. Chúng được kể cho nhau nghe trong bóng đêm mập mờ ánh sáng, quanh những đóm lửa hồng, qua mấy nghìn năm nay. Những câu chuyện đời xưa ấy, ngoài tính chất lý thú và hấp dẫn ra, chúng còn là những biểu tượng cho những vở tuồng, chúng ta sẽ gặp trên con đường đi tìm sự toàn vẹn, hạnh phúc và an lạc. Những ông vua, bà hoàng, cậu hoàng tử và cô công chúa không phải chỉ là những nhân vật "ngoài kia". Bằng trực giác, ta biết rằng chúng cũng là những phương tiện khác nhau của tâm hồn mình, những sợi tơ kết cấu nên con người của ta, đang dò dẫm đi tìm hạnh phúc. Ta có trong ta đầy đủ hết, những ông khổng lồ hung dữ, bà phù thủy gian ác, và chúng phải được trực diện và tôn trọng, bằng không ta sẽ tiêu diệt ta. Những chuyện cổ tích là những lời chỉ dẫn xa xưa, ẩn tàng một sự minh triết, được cô động lại qua hàng ngàn năm truyền khẩu. Chúng giúp cho sự sinh tồn, trưởng thành của ta và một sự hội nhập khi đối diện với những con ác quỷ, những con rồng hung dữ, những khu rừng rậm và đầm lầy tối tăm, bên trong cũng như bên ngoài ta. Những câu chuyễn ấy nhắc nhở ta về giá trị của việc cưới hỏi, một sự hợp nhất giữa những phần tử lẻ loi, cô độc trong nội tâm khi chúng tìm được nhau, sẽ đem lại một mức độ hòa hợp và ý thức mới trong cuộc sống. Ta có thể nói rằng, mình có khả năng sống hạnh phúc mãi mãi được, hay nói một cách khác, trong khoảng thời gian muôn thuở của bây giờ và ở đây. Những truyện cổ tích này rất là minh triết, xưa cũ và vô cùng tinh tế, chúng là một tấm bản đồ cho sự phát triển toàn vẹn con người của ta. Những chuyện cổ tích của Tây phương đa số được xây dựng quanh chủ đề về một đứa trẻ, thường là một vị hoàng tử hay cô công chúa. Dầu nam hay nữ, trẻ hay già, mỗi người trong chúng ta đều có ẩn tàng một vị hoàng tử và một cô công chúa. Và cuộc đời của ta cũng đã từng tỏa sáng một sự ngây thơ và những hứa hẹn vô tận của tuổi trẻ. Sự tỏa sáng ấy vẫn còn tiếp tục, nếu chúng ta biết đừng để cho sự sống của mình bị ngăn ngại. Trong quyển Iron John, Robert Bly cho rằng chúng ta đánh mất trái châu bằng vàng của mình vào khoảng tám tuổi, và đến khi người ta bắt đầu tìm cách khôi phục lại hoặc ý thức được rằng mình đã đánh mất đến ba, bốn chục năm. Trong truyện người ta chỉ nhắc đến thời điểm ấy như là một "ngày xưa", nó nằm ngoài ý niệm thông thường về thời gian của ta, và chỉ mất có đôi ba ngày mà thôi. Nhưng trong trường hợp nào cũng vậy, trước hết ta cần phải có một sự mặc cả, thương lượng. Ta cần phải thương lượng với những năng lượng còn bị đè nén trong bóng tối của mình, chúng được biểu tượng hóa bằng một con ếch hay có thể là một người rừng lông lá sống dưới ao hồ trong rừng vắng, theo câu chuyện của ông Bly. Trước khi ta có thể bắt đầu thương lượng, ta phải ý thức rằng tất cả những nhân vật ấy là có thật, hoàng tử và công chúa, con ếch và người rừng. Biết tiếp xúc với những khía cạnh tăm tối của tâm hồn, mà trong quá khứ ta đã từng dồn nhét vào tiềm thức theo bản năng tự nhiên, là một điều kiện tiên quyết. Ta có thể sẽ có một sự sợ hãi, mà đó cũng là cảm giác tự nhiên, khi ta bắt đầu đi vào những vùng đen tối, bí mật mà mình chưa từng biết tới. Truyền thống Phật giáo Tây Tạng, bắt nguồn từ thế kỷ thứ tám cho đến hiện đại, có lẽ đã phát triển được một sự diễn đạt rất nghệ thuật và tinh tế về những khía cạnh đáng sợ này trong tâm thức của con người. Phật giáo Tây Tạng có nhiều tranh ảnh và hình tượng của những nhân vật rất quái dị và hung tợn, mà họ đều là những vị thánh đáng kính của dòng cổ thần. Nhưng ta nên nhớ rằng, những vị thần này không phải là những vị thần linh có quyền lực theo nghĩa thông thường. Thật ra họ biểu tượng cho những trạng thái tâm thức khác nhau, mỗi trạng thái có một năng lượng thiêng liêng cá biệt mà chúng ta cần phải đối diện, kính trọng và tiếp nhận, nếu ta muốn trưởng thành và được phát triển trọn vẹn như một con người, dù là nam hay nữ. Những vị thần hung tợn này không được coi là xấu, mặc dù bề ngoài của họ rất kinh dị và ghê tởm, họ đeo những xâu chuỗi đầu lâu và mang một bộ mặt dữ dằn. Các biểu tượng bề ngoài ấy thật ra chỉ là những sự cải trang, trá hình của những vị thần đầy lòng từ bi và trí tuệ. Họ muốn xử dụng những hình tướng ấy để giúp ta đạt được một sự hiểu biết về tình thương rộng lớn hơn, đối với chính mình cũng như với người khác, vì tất cả chúng ta đều không khác gì nhau. Trong đạo Phật, một phương tiện giúp cho sự tu luyện phát triển nội tâm này là thiền tập. Ngay trong những truyện huyền thoại, như ông Bly đã kể, muốn tiếp xúc được với người rừng sống dưới đáy hồ cũng đòi hỏi chúng ta phải tát hết nước trong hồ ra. Việc ấy cần một công phu dài lâu và phải được lặp đi lặp lại nhiều lần. Không có gì là quyến rũ hoặc hấp dẫn trong công việc tát hết nước hồ, hoặc làm việc trong một lò rèn, hay dưới cơn nắng như thiêu ngoài đồng ruộng, ngày này sang ngày khác, năm này sang năm nọ. Nhưng chính ở sự kiên trì thực hành, để thấy được những năng lực trong tâm mình, tự nó là động lực thúc đẩy ta tiếp tục. Ðây là một quá trình tôi luyện và nó có tàng chứa nhiệt lực trong đó. Muốn chịu đựng được sức nóng và được bền gan, đòi hỏi một sự tự chủ. Nhưng đìều có thể giúp chúng ta giữ vững sự tu tập của mình là một sự tinh thông, một trật tự trong nội tâm mà ta không bao giờ có nếu thiếu kỷ luật, nhiệt lực và nếu ta không dám bước vào bóng tối và sự sợ hãi của chính mình. Trong sự tu tập, những thất bại của ta cũng sẽ phục vụ rất nhiều cho sự trau luyện này. Ðây là điều mà những nhà phân tâm học thuộc trường phái Jung gọi là công phu tâm linh, sự phát triển chiều sâu của nhân cách qua sự nhận biết sâu sắc và mở rộng tâm thức. Nhiệt lực sẽ trui rèn, sắp xếp lại mọi nguyên tử trong con người tâm linh của ta và rất có thể, chính con người thể chất của ta nữa. Sự kỳ diệu của thiền tập là ta có thể dựa trên chính sự tu luyện ấy để dẫn dắt mình qua những mê hồn trận. Nó giúp ta bước vững vàng trên con đường mình di, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất, khi ta phải đối diện với những tình cảnh hoang mang trong nội tâm cũng như ngoại cảnh. Nó nhắc nhở với ta rằng, mình bao giờ cũng có một sự chọn lựa. Sự tu tập ấy là một kim chỉ nam cho sự phát triển con người, một bản đồ dẫn ta đến bản thể chiếu sáng của mình, và đó không phải là thời hoàng kim của một tuổi thơ đã qua, mà là của tuổi thành niên trọn vẹn. Nhưng nếu ta muốn thiền tập làm phận sự của nó, thì ta phải biết làm tròn phận sự của mình trước đã. Chúng ta phải dám đối diện với những sự tối tăm và nỗi thất vọng mỗi khi chúng khởi lên, hết lần này đến lần khác, mà không chạy trốn hoặc tự làm tê liệt bằng ngăn cách khác nhau, để tìm cách tránh né những gì không thể tránh được. Thực tập: Hãy cỡi mở ra với những hoàng tử và công chúa, ông vua và bà hoàng, ông khủng lồ và bà phù thủy; người rừng, chú lùn và bà lão xấu xí; vị lương y và kẻ gian manh trong ta. Khi ngồi thiền, bạn nên trải chiếu ra mời đón hết những nhân vật ấy. Hãy tập ngồi vững vàng như một ông chúa, bà hoàng, một dũng sĩ hay một thánh nhân. Trong những hoàn cảnh rối loạn hoặc tăm tối nhất, bạn hãy nhớ xử dụng hơi thở của mình như là một sợi dây dẫn dắt ta ra khỏi mê cung. Giữ vững chánh niệm ngay trong những lúc đen tối nhất, bạn nên nhớ rằng, sự chú ý không phải là một phần của bóng tối hay nỗi đau. Chánh niệm có khả năng ôm ấp được nỗi đau và soi sáng nó. Vì vậy, chánh niệm phải căn bản hơn, gần gũi hơn với những gì là lành mạnh, vững vàng và tỏa sáng trong ta. 28.- CON ÐƯỜNG TU TẬP Trên con đường mà ta gọi là
cuộc đời, Trong hầu hết mọi truyền thống văn hóa, người ta thường dùng hình ảnh hành trình để làm một ẩn dụ biểu tượng cho cuộc đời và việc đi tìm một ý nghĩa. Ở phương Ðông, ta dùng chữ Ðạo có nghĩa là con đường, để nói lên ý nghĩa này. Trong Phật giáo, thiền tập thường đường nhắc đến như là một con đường - một trong tám chi phần của Bát chánh đạo, như là chánh niệm, chánh kiến, chánh định. Ðạo và Dharma cũng có nghĩa là thực tại của sự sống, định luật chi phối tất cả những gì hiện hữu cũng như những gì bất hiện hữu. Tất cả mọi sự kiện trên đời này, dù bề ngoài đối với ta có là tốt hay xấu, trên cơ bản đều hợp với đạo. Bổn phận của ta là làm sao nhận thức được nền tảng của sự hòa hợp này, và sống cũng như hành động cho phù hợp với nó. Tuy vậy, nhiều khi ta không hề biết được con đường nào đúng. Trong cuộc sống, có một khoảng trống rất lớn dành cho sự tự do chọn lựa và hành động theo nguyên tắc của ta, cũng như cho những sự căng thẳng và bất đồng ý kiến, đó là chưa nói đến đôi khi ta cảm thấy hoàn toàn lạc lối. Khi thực hành thiền tập, ta thành thật thừa nhận rằng trong lúc này mình đang đi trên con đường của sự sống. Con đường ấy đang trải rộng ra ngay trong giờ phút này và trong bất cứ một giây phút nào ta đang thật sự sống. Thiền tập đúng ra là một con đường, hơn là một phương pháp. Một con đường của hiện thực, con đường của sự sống, con đường của sự lắng nghe, con đường dẫn đến một lối sống và hiện hữu hài hòa với một thực tại. Nó cũng có nghĩa là chúng ta đôi khi công nhận, thường thường vào những giờ phút nghiêm trọng nhất, rằng mình thật sự không biết là đang đi về đâu, hoặc con đường ấy đang nằm ở một nơi nào. Nhưng cùng lúc đó, ta bao giờ cũng ý thức được tình trạng của mình trong giờ phút hiện tại, mặc dù đó có thể biết rằng ta đang lạc lõng, bối rối và vô vọng. Trong cuộc sống, chúng ta nhiều khi bị mắc bẫy và tưởng rằng biết mình đang đi đâu, nhất là những khi ta đang bị thúc đẩy bởi một tham vọng cá nhân, hoặc mong muốn một việc gì quá mức. Khi chúng ta đang ôm ấp một hoạch định riêng tư nào đó, nó thường làm cho ta mù quáng, ngĩ rằng mình biết hết, mặc dù ta không thật sự biết như là mình nghĩ. "Dòng nước của sự sống", một câu chuyện cổ tích Tây phương nói về ba anh em nhà nọ, đều là những vị hoàng tử. Hai người anh thì tham lam và ích kỷ. Người em út thì rất tốt và biết thương người. Vua cha lúc ấy đang đau nặng. Một hôm có một ông lão bí mật xuất hiện nơi vườn thượng uyển, thấy mọi người có vẻ mặt ưu sầu, ông hỏi thăm sự tình. Sau khi nghe kể về căn bệnh của vua, ông bảo họ rằng, liều thuốc chữa bệnh cho vua hiện đang nằm nơi dòng nước của sự sống: "Nếu hoàng thượng uống nước này, ngài sẽ phục hồi sức khỏe, nhưng khó ai có thể tìm được dòng nước ấy". Nghe vậy, người anh cả xin phép được đi tìm dòng nước của sự sống cho phụ hoàng, trong tâm anh thầm mong rằng nếu thành công thì ngôi báu chắc chắn sẽ thuộc về mình. Người anh cả phi ngựa ra khỏi thành, đi vừa được một đoạn, anh gặp một người lùn đứng bên đường, chặn lại và hỏi anh vội vã đi đâu. Không đếm xỉa gì đến lời thăm hỏi của người lùn, anh hét lớn, chửi mắng và quát bảo ông tránh qua một bên. Người anh cả tự cho là mình biết là mình đang đi đâu, chỉ vì anh nghĩ rằng mình biết cái gì mình đang tìm kiếm. Nhưng thực tế không bao giờ là vậy. Người anh cả đã không làm chủ được tánh ngạo mạn của mình, cũng như vì ngu muội không thấy được nhiều ngỏ lối khác nhau của sự sống đang mở ra trước mắt anh. Lẽ dĩ nhiên, người lùn trong những huyền thoại không phải là một nhân vật xa lạ nào bên ngoài ta, mà đó là biểu tượng cho một quyền lực nội tại thâm sâu trong ta. Ở đây người anh cả ích kỷ đã không có khả năng tiếp xúc được với những năng lực ấy trong tâm, cũng như cảm nhận được tình thương và tuệ giác tiềm ẩn trong anh. Vì sự kiêu ngạo ấy, người lùn đã sắp đặt cho anh đi theo một con đường, dẫn vào một khe núi nhỏ hẹp và cuối cùng anh không thể nào quay lui trở lại được; nói một cách khác anh bị mắt kẹt. Và người anh cả kẹt bị cứng nơi này trong khi câu chuyện tiếp tục. Chờ đợi mãi không thấy người anh cả trở về, người anh thứ hai xin phép được lên đường. Người cũng gặp người lùn, cũng đối xử với ông ta cùng một thái độ ấy, và cuối cùng lại cũng bị mắc kẹt như người anh cả. Hai người anh trong câu chuyện tượng trưng cho những khía cạnh khác nhau của cùng một con người, vì vậy ta có thể nói rằng, có những kẻ không bao giờ chịu học bài học của mình. Vẫn không nghe tin tức của hai người anh, cuối cùng người em út xin phép lên đường đi tìm nước của sự sống cho phụ hoàng. Vừa ra khỏi thành, anh cũng gặp người lùn hỏi anh đang vội vã đi đâu. Khác với hai người anh, người em út dừng lại, xuống ngựa và kể cho ông nghe về bệnh tình của cha, và mình đang đi tìm dòng nước của sự sống. Anh thú thật với người lùn rằng anh không biết phải tìm kiếm nơi nào. Nghe vậy ông ta nói: "Ồ, ta biết chỗ ấy nằm ở đâu", rồi ông chỉ phương hướng để đi đến đó, con đường rất quanh co, phức tạp. Người em út lắng nghe thật cẩn trọng và ghi nhớ từng lời ông dặn. Và câu chuyện còn tiếp diễn với nhiều chi tiết hấp dẫn. Ý trong truyện muốn nói là đôi khi chúng ta cần phải biết chập nhận sự thật rằng mình không biết, và cởi mở ra để tiếp nhận sự giúp đở trong những trường hợp bất ngờ nhất. Ðược vậy, chúng ta mới có thể tiếp xúc với những năng lượng và đồng minh trong ta cũng như ngoài ta, chúng phát sinh từ một tâm linh phong phú và vô ngã của chính mình. Lẽ dĩ nhiên, hai người anh ích kỹ kia cũng là những phương diện khác của tâm thức ta. Thông điệp của câu chuyện, nhắc ta hay bị mắc kẹt vào những thói quen tự kỷ, tự đại thường tình của con người và quên đi cái trật tự chung lớn lao của mọi vật, cuối cùng ta sẽ bị dẫn vào một ngỏ cụt của cuộc đời. Và nơi đó ta không còn có thể tiến tới, lui về hay quay trở lại được nữa. Câu chuyện kể rằng, ta sẽ không bao giờ tìm được nước của sự sống bằng một thái độ ấy, và ta sẽ bị mắc kẹt, rất có thể là vĩnh viễn. Sự tu tập chánh niệm đòi hỏi ta phải biết kính trọng và để tâm đến năng lượng của "người lùn" trong ta. Chứ không phải chỉ biết lao đầu vào vào công việc với một tâm thức nhỏ nhen, bị thúc đẩy bởi những tham vọng và sự ích kỷ, không biết gì đến phần lớn lao còn lại của con người mình. Câu chuyện kể tiếp rằng, chúng ta chỉ có thể thành công nếu ta biết tiến bước với một ý thức rõ ràng về thực tại của mình, kể cả việc sẵn sàng chấp nhận rằng mình đang đi đâu. Trong câu chuyện, vị hoàng tử út phải mất một thời gian dài mới ý thức được những gì xảy ra, chẳng hạn như việc hai người anh đang bị mắc kẹt trong khe núi. Và anh cũng đã phải trải qua biết bao nhiêu sự lừa đảo, phản bội vì sự ngây thơ của mình, trước khi đạt đến một sức mạnh và tuệ giác hoàn toàn. Cuối cùng, anh đã cỡi trên lưng ngựa đi giữa một con đường lát vàng, cưới một nàng công chúa thật đẹp và trở thành vua - một con người toàn vẹn, không phải cho giang san của vua cha mà là cho chính anh. Thực tập: Hãy xem cuộc đời của bạn trong ngày hôm nay như là một hành trình và một cuộc mạo hiểm. Bạn đang đi về đâu? Bạn đang tìm kiếm những gì? Bây giờ bạn đang ở đâu? Bạn đang ở vào giai đọa nào trên hành trình của bạn? Nếu cuộc đời bạn là một quyển sách, hôm nay bạn sẽ đặt nó tên là gì? Bạn sẽ đặt tựa gì cho chương mà bạn đang sống đây? Bạn có đang bị kẹt ở nơi này bằng một lối nào đó không? Bạn có thể cởi mở ra với tất cả những năng lượng cần xử dụng trong giờ phút này không? Nên nhớ rằng hành trình này độc nhất của bạn, chứ không phải của bất cứ một ai khác. Vì vậy con đường này phải là của chính bạn. Bạn không thể nào bắt chước hành trình của một người khác, và vẫn có thể tự thành thật với mình được. Bạn có sẵn sàng tôn trọng sự cá biệt của mình bằng cách đó không? Bạn có thấy được thiền tập là một phần rất thân thiết với lối sống chân thật này không? Bạn có cương quyết soi sáng con đường của mình bằng chánh niệm và ý thức không? Bạn có thấy được những chỗ mà mình đang còn bị mắc kẹt không, hoặc là trong thời gian qua? 29.- THIỀN TẬP: ÐỪNG LẦM LẪN VỚI TƯ TƯỞNG LẠC QUAN Chính khả năng suy nghĩ của chúng
ta đã giúp phân biệt loài người với những loại sinh
vật khác, và nó vô cùng mầu nhiệm. Nhưng nếu không cẩn
thận, sự suy nghĩ ấy có thể dễ dàng lấn áp những khía
cạnh quý báu khác của con người mình. Sự tỉnh thức thường
lại là những nạn nhân đầu tiên. Tư tưởng của ta nhiều khi rất vụn vỡ. Thật ra nó bao giờ cũng vậy. Vì đó là bản chất của tư tưởng. Nhưng nhờ có một cái biết phát khởi trong giây phút hiện tại với một ý định, giúp ta nhận thức rằng mặc dù giữa những vụn vỡ này, bản chất nguyên thủy của ta bao giờ cũng vẫn là hợp nhất và toàn vẹn. Không những nó không bị giới hạn vì sự rời rạc của tư tưởng, mà cái biết ấy cũng chính là cái nồi nấu, chứa đựng hết những mảnh vụn đó, cũng giống như một nồi canh chứa hết những rau, đậu, bầu, bí, hành, cà... cho phép chúng được nấu chín, hòa hợp nhau thành một bát canh thơm ngon. Nhưng đây là một cái nồi thần, giống như nồi luyện phép vậy, bởi vì nó không cần ta phải làm gì hết, ngay cả việc nhóm lửa bên dưới. Cái biết, nhận thức, tự nó nấu lấy, miễn là được duy trì. Ta cứ để yên cho những mảnh vụn đó khuấy động lên, trong khi có chánh niệm về chúng. Ðược như vậy, bất cứ những gì khởi lên trong tâm hay thân sẽ được bỏ vào nồi, và trở thành một phần của bát canh thơm. Thiền tập không phải là cố gắng thay đổi sự suy nghĩ của ta bằng cách suy nghĩ thêm. Mà thiền là quan sát chính sự suy nghĩ ấy. Sự quan sát đó là cái nồi mà ta vừa nói. Khi ta theo dõi ý nghĩ của mình, không bị dính mắc vào chúng, ta sẽ học được những điều rất sâu sắc và khai phóng về sự suy nghĩ. Việc ấy sẽ giúp ta bớt là một tù nhân của những tập quán suy nghĩ của mình hơn - mà chúng thì vô cùng kiên cố. - như là nhỏ nhen, không chính xác, tự lợi, và đôi khi là hoàn toàn sai lầm. Một cách khác để nhìn thiền tập là xem tiến trình suy nghĩ như một thác nước, những dòng tư tưởng liên tục đổ xuống. Khi ta thực tập chánh niệm, chúng ta vượt ra bên ngoài hoặc là phía sau tư tưởng của mình. Nó cũng giống như khi ta khám phá ra đưọc một hang động hoặc một chỗ lõm nào trong vách đá phía sau thác nước này. Ðứng nơi đây ta vẫn có thể nhìn thấy và nghe được tiếng thác đổ, nhưng không hề bị lôi cuốn bởi dòng nước. Qua sự thực tập chánh niệm, những khuôn mẫu suy nghĩ của ta tự chúng sẽ thay đổi. Chúng sẽ trở nên hòa hợp hơn và từ bi hơn trong cuộc sống. Nhưnng không phải vì ta cố gắng thay thế một tư tưởng xấu bằng những gì tốt lành hơn, mà là ta hiểu được tự tánh của tư tưởng chỉ là tư tưởng mà thôi, và mối tương quan của ta với chúng. Nhờ vậy, chúng ta có thể sai xử được chúng dễ dàng hơn, thay vì ngược lại. Nếu bạn muốn suy nghĩ lạc quan, tích cực, việc ấy cũng tốt, nhưng đó không phải là thiền. Nó chỉ là sự suy nghĩ thêm mà thôi! chúng ta cũng rát có thể dễ dàng trở thành một tù nhân của những tư tưởng tiêu cực. Vì những ý nghĩ ấy có thể rất hạn hẹp, vụn vặt, không chính xác, ảo huyền, tự lợi và sai lầm. Cái mà ta cần là những gì có thể đem lại cho đời ta một sự chuyển hóa, và giúp ta vượt ra được khỏi phạm vi trù hạn của tư tưởng. 30.- QUAY VÀO BÊN TRONG Chúng ta thường nói rằng, thiền tập có nghĩa là quay vào trong nội tâm, hoặc trụ ở bên trong ta. Nhưng "bên trong" và "bên ngoài" là những ý niệm phân biệt có giới hạn. Trong sự tĩnh lặng của thiền tập, chúng ta quay năng lượng của mình hướng vào bên trong, để rồi khám phá ra rằng, ta chứa đựng hết hoàn toàn vũ trụ này trong thân và tâm của mình. Quay vào bên trong một thời gian, chúng ta sẽ nhận thức được rằng, bấy lâu nay mình quá nghèo nàn vì đã hướng ngoại để tìm kiếm những hạnh phúc, hiểu biết và trí tuệ đâu đâu. Không một ai - thượng đế, môi trường hay bất cứ một người nào - có thể đem lại hạnh phúc hoặc tìm cho ta một sự thỏa mãn nào hết. Vì hạnh phúc và sự hiểu biết của ta, sẽ không thể nào sâu sắc hơn khả năng tự biết của mình, khả năng đối phó với thế giới chung quanh, chúng phát xuất từ sự an trú trong nội tâm, từ một sự am tường về hiện thực của thân và tâm mình. Mỗi ngày, thỉnh thoảng, nếu ta biết sống trong tĩnh lặng và quay vào bên trong, chúng ta sẽ tiếp xúc được với những gì chân thật và đáng tin cậy trong ta. Chúng rất dễ dàng bị bỏ sót và thiếu phát triển. Khi ta có thể an trú nơi ta, dù chỉ trong phút chốc giữa cơn lốc xoáy của cuộc đời, không phải đi tìm kiếm một cái gì khác để được đầy đủ, được hạnh phúc, thì ta sẽ có an lạc ở bất cứ nơi nào mình đến, chấp nhận được thực tại trong từng giây phút một.
Thực tập: Lần tới, nếu bạn thấy có một cảm giác bất mãn, một cái gì đó mất mát hay là thiếu an lạc, bạn hãy thí nghiệm quay vào bên trong mình để thử xem. Xem bạn có thể nắm bắt được năng lượng của giây phút ấy không. Thay vì tìm đọc một tạp chí, đi xem hát, gọi điện thoại cho một người bạn, hoặc đi tìm một cái gì để ăn, hay một sự bận rộn nào đó, bạn hãy dành cho mình một khoảng trống. Hãy ngồi xuống và theo dõi hơi thở của mình, dù chỉ trong vài phút thôi. Ðừng mong chờ gì hết - bông hoa, ánh sáng hay bất cứ một hình ảnh đẹp nào. Ðừng ca tụng cái hay, cái tốt của bất cứ một sự việc gì, hay bài bác cái xấu, cái dỡ của chúng. Cũng đừng tự nghĩ rằng: "À, bây giờ mình đang hướng vào nội tâm đây!" Chỉ ngồi yên đó. An trú nơi trung tâm của vũ trụ này. Mọi việc ra sao cũng được. (Hết Phần Một) -ooOoo- Ðầu trang | Phần 1.a | Phần 1.b | Phần 2 | Phần 3.a | Phần 3.b | Mục lục |
Source: Thư viện Hoa Sen, www.thuvienhoasen.org
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 16-05-2003