Câu Kệ Ngôn 221 - Kinh Pháp Cú, ngày 2 tháng 10, 2003
Kinh Pháp Cú kệ 221 Phẩm Phẫn Nộ.
Bứng Tận Gốc Sân Hận
Vượt qua mọi thằng thúc
Lìa phẫn nộ kiêu mạn
Không chấp trước danh sắc
Khổ không bám vô cầu
Kodha.m jahe vippajaheyya maana.m
Sa~n~nojana.m sabbamatikkameyya
Ta.m naamaruupasmi.m asajjamaana.m
Aki~ncana.m naanupatanti dukkhaa.

Duyên sự:
Quận chúa Rohini là em của Tôn giả Anuruddha. Khi Tôn giả về thăm cố hương không thấy quận chúa đến thăm liền hỏi nguyên do được biết là vì cô em bị một chứng bệnh ngoài da nên diện mạo trở nên khó nhìn. Tôn giả bày cho người em cách tạo phước xây chùa để tiêu tai bạt nghiệp. Nhờ thế mà quận chúa hồi phục dung sắc ngày xưa. Khi hoàn tất, ngôi tịnh xá được dâng lên Đức Phật và chư Tăng. Trong dịp nầy Đức Thế Tôn đã cho biết về một ác nghiệp do sân tâm quá khứ tạo nên quả hiện tại mà Rohini đã gánh chịu trong thời gian dài. Nghe xong nàng chứng sơ quả.
Thảo luận
1. Tại sao bốn phúc quả: sống lâu sắc đẹp, an vui, sức mạnh thường phát sanh với người làm phước bằng tịnh tín ?
2.Phải chăng theo nghiệp báo tâm sân và tâm từ ảnh hưởng nhiều đến dung mạo của chúng sanh?
3.Một người sửa sắc đẹp bằng môn giải phẩu thẩm mỹ có thể gọi là cách chuyển nghiệp không?

TT Giác Ðẳng: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kính Bạch Chư Tôn Ðức và thưa Quí Phật tử, hôm nay chúng ta học về kệ ngôn 221 trong phẩm Phẫn nộ của Kinh Pháp Cú, ở trong kệ ngôn này qua duyên sự về một người bị chứng bịnh lớn và người này đã đi chùa và túc nghiệp lớn này đã chuyển hoá được cái nghiệp của quá khứ. Có thể nói đây là một trong những câu chuyện rất gần với niềm tin nhân gian của chúng ta.  Ý nghĩa rất đặc biệt của bài kệ này là nói lên những cái cội rễ mà có thể nói rằng toàn diện của phiền nảo liên quan đến tham, liên quan đến sân, liên quan đến mạn.
Có thể nói rằng ít khi nào chúng ta nhìn thấy một sự việc rộng như vậy ở trên căn để phiền não, khi mình bực bội điều gì mình chỉ nhắm vào đối tượng A, đối tượng B, ai làm bực. Và nếu ai làm cho mình bực thì mình qui trách cho người đó.  Nhưng cái nhìn của Ðức Phật thì Ngài nói đến những trạng thái tham sân, kiêu mạn. Trạng thái sân đó nó lại đến từ nhiều căn để, mà chúng ta rất khó có thể tưởng tượng, nếu chúng ta không phải là người hiểu Phật Pháp hay là chúng ta tự thường giác ngộ.
Thật ra thì những phiền não trong lòng chúng ta không phải nó tự phát mà do nhân do duyên, thông thường những phiền não này cấu kết với nhau. Hiện tượng mình thường rất thích điều này và tự nhiên nó làm mình không thích điều khác, đó là điều đương nhiên và rất thường thấy. Ví dụ như chúng ta xem một cuốn phim, chúng ta hết sức là tán thưởng một nhân vật, thì trong sự tán thưởng một nhân vật trong cuốn phim đó, chúng ta lại đem tâm bực ghét, không ưa thích những người làm ngược lại, đối nghịch lại người đó. Chúng ta càng thương người nào nhiều, chúng ta lại càng ghét người khác nhiều, ít khi nào cái thương và cái ghét hiện diện như một chiều và thông thường nó là một mặt của đồng tiền hai mặt.
Ngài Budditasa là một trong những vị danh Tăng cận đại của Phật Giáo tại Thái Lan, Ngài đả nói chuyện rất nhiều về trường hợp về một con chó hay cắn. Tương tự như là hạnh phúc trong đời sống của mình, có những thứ mình nghĩ rằng hoàn toàn đáng hoan hỷ, đáng thỏa thích. Nhưng ngược lại thì chúng ta quên rằng có những dị ứng, những biến chứng.  Những biến chứng này đã khiến chúng ta căm ghét đối với những thứ khác và cả hai trường hợp đều đưa chúng ta vào tình trạng quá thích thứ này và quá ghét thứ khác.
Trong câu chuyện nói về quận chúa Robini em của Tôn Giả Anuruddha.  Khi Ðức Phật và Chư Tăng về lại cố hương Ca Tỳ La Vệ, Ngài ngự tại công viên rất đẹp của dòng họ Thích Ca, nhiều người đến thăm Ðức Phật và Chư Tăng, trong lúc đó Tôn Giả thấy vắng mặt em tức là quận chúa Robini, một người rất thân thiết với Tôn Giả thuở thiếu thời. Tôn Giả hỏi thì mới biết rằng quận chúa Robini đang bị một chứng bịnh ngoài da trong nhiều tháng nhiều năm rồi không chữa được và dung mạo không còn đẹp đẽ như ngày xưa, những mụn lở loát đã làm cho quận chúa Robini cảm thấy hết sức là xấu hổ khi đi ra bên ngoài gặp người khác. Tôn giả Anuruddha nhắn quận chúa Robini đến và Tôn Giả đã gặp quận chúa Robini với một bức voan che mặt. Tôn Giả đã dạy cho người em của mình cách nào để chuyển hóa cái nghiệp.
Tôn Giả Anuruddha không ai khác hơn là Tôn Giả A-Nậu-Ðà-La của chúng ta thường nghe trong kinh Phật. Ngài là đệ nhất về thiên nhãn thông và trong sự hiểu biết của Ngài là một vị Thánh, thì Ngài thấy rằng đây là cái bịnh do nghiệp nên đã dạy em bán đi một số tư trang của mình để xây dựng một tịnh xá và đem tịnh xá này cúng dường đến Ðức Phật và Chư Tăng. Theo trong kinh nói thì sau khi nàng hoàn tất ngôi tịnh thất này thì dung mạo nàng đã trở lại bình thường vì hoán chuyển được cái nghiệp.  Và khi Ðức Phật đến ngự, Ngài đã dạy câu chuyện quá khứ trước kia tiền thân của quận chúa Robini. Nguyên là một vị hoàng hậu đem tâm đố kỵ óan ghét một vũ nữ tài nhân trong cung và cũng là câu chuyện rất thường xảy ra ở trong cung đình, vị vũ nữ này có lẽ được nhà vua sủng ái nên hoàng hậu đã dùng một lọai phấn bột độc ở trong đó chứa vi khuẩn của bịnh ghẻ lở và đã ném vào ngừơi vũ nữ này, nên người vũ nữ này đã bị một chứng bịnh ngoài da rất là đau đớn, và khuôn mặt nhan sắc vô cùng ghê sợ. Vì nghiệp đó nên kiếp này đã xảy ra như vậy, tuy rằng cái nghiệp đó đã xảy ra từ nhiều kiếp trước dai dẳng cho đến kiếp này.
Chúng ta thấy rằng ở trong đời sống đôi khi có những chứng bịnh bình thường, chứ không phải chỉ có bịnh sida và bịnh aids mới là bịnh tuyệt chứng nan y , hoặc giả là không phải những chứng bịnh như người ta nói rằng bịnh sars hiện tại mới là bịnh tuyệt chứng, là bịnh nan y. Nhưng lại có vô số chứng bịnh hết sức tầm thường, nhưng không có thuốc nào chữa hết , chúng tôi vẫn nghĩ là do nghiệp. Chúng tôi gặp số người mang chứng bịnh ngoài da, mặc dầu họ được sự chữa trị tận tình của một số bác sĩ tận tình. Tuy chứng bịnh ngoài da không là những chứng bịnh lớn, nhưng cũng không cách nào chữa khỏi, không có cách gì kể cả thay đổi chỗ ở cũng không chữa được bịnh.  Chúng ta thấy vô số chứng bệnh như vậy được tìm thấy trong xã hội ngày hôm nay, mặc dù nền y khoa đã có sự tiến bộ rất lớn.  Có những bịnh dĩ nhiên thì do thân, có thân thì phải có bịnh, thí dụ như có thân thì chúng ta phải già, có thân khi trái gió trở trời chúng ta bị đau do tự nhiên của thân, nhưng rồi cũng có những chứng bịnh bất thường lẽ ra thì nó không có mặt ở trong một người như vậy, nhưng nó lại xảy ra chứng bịnh đó dù không phải là bịnh lớn, nó là bịnh đơn giản như bịnh ngoài da chẳng hạn, nhưng lại không trị đuợc, thì trong những trường hợp này không thể làm cho chúng ta không tin vào những lời dạy trong kinh điển, đó là nghiệp quá khứ đã chi phối. Tôn Giả A-Lậu-A-Ða đã dạy Robini là đó là do túc nghiệp, trong cái túc nghiệp này nó lại trở lại vấn đề là căn bản của Đạo Phật .
Theo trong kinh Phật nếu chúng ta tạo những công đức về phước thí , mang lại những phương tiện cho những người khác thí dụ như xe thuyền, thực phẩm , y phục v.v... thì nó trực tiếp thay đổi đời sống của người đó, và đặc biệt nếu đối tượng đó là đối tượng khả kính, đối tượng có giới đức tu hành, ví dụ như trong trường hợp này nàng Robini đã làm một tịnh xá cúng dường Ðức Phật và Chư Tăng, thì nàng đã làm được 4 phước rất là rất là xung mãn đó là sống lâu, có sắc đẹp an vui và có sức mạnh. Những phước nghiệp nó đến bởi vì cung cấp tiện nghi cho những vị tu hành như vậy thì được cái phước.  Chúng ta nói điều này là bởi vì đây là một trong truyền thống làm phước rất quan trọng xưa nay mà ít có ai để ý chuyện này.  Thí dụ trong kinh có câu nói rằng 4 thí đèn là cho mắt, 4 thí xe thuyền là cho sự an vui.  Chúng tôi nghĩ rằng ngày hôm nay người Phật tử làm phước ít có khi nghĩ đến chuyện này, bởi vì chúng ta sống trong xã hội đôi khi  đời sống của Chư Tăng đã khác ngày xưa và tiền bạc nó cũng đã là một đơn vị trao đổi, lâu ngày người Phật tử không còn nhớ nhiều đến việc phước sự đã được dạy tường tận ở trong kinh điển.
Chúng tôi đã được nhiều dịp gặp các vị Phật tử kỳ cựu lão thành ngày xưa, đã được gần cận các Ngài Trưởng Lão như Ngài Hộ Tông, Ngài Tịnh Luật v.v... Những vị khai sanh ra Phật Giáo Nam Tông khi Việt Nam ở trong thời kỳ chấn hưng Phật Giáo, thì những vị cư sĩ đó kể rằng các Ngài rất kiên nhẫn. Qúi Ngài thường thường đọc lại từng trang kinh và hướng dẫn cho các người Phật tử về ý nghĩa của cách làm phước. Ví dụ như chúng ta nói rằng bố thí xe thuyền là cho sự an vui, và ít có ai hiểu được rằng bố thí xe thuyền là cho sự an vui (có nghĩa là phương tiện di chuyển) Ngày hôm nay những người Phật tử họ lấy một ít tiền bạc rồi họ cúng dường cho quí Thầy, rồi Quí Thầy muốn làm sao đó thì làm, việc làm đó rất là tự tại, nhưng rồi mình có tác ý tốt, có tâm niệm tốt trong việc làm phước.  Ví dụ như một vị Thiền Sư, một vị Pháp Sư trong lúc đi đó đây hoàng pháp mà có được phuơng tiện đi lại tiện nghi thỏai mái và nó có nhiều cái lợi lạc,  cái lợi này mang lại cho sự khinh an, thì những sự tiện nghi nó mang lại cho mình sự khinh an, và sự khinh an mang lại cho mình 4 pháp, 4 quả phúc rất lớn, đó là thọ mạng sống lâu hơn, nói về dung sắc thì thù thắng hơn, nói về sự an vui của tâm thì tâm thanh thản hơn và nói về thể lực sức mạnh thì nó nhiều hơn, những ảnh hưởng liên quan đến những phước quả như vậy được nói nhiều trong truyền thống taọ phước của Phật tử, thì trong trường hợp này Tôn Giả Anuruddha đã hướng dẫn cho người em của mình để làm phước để hoán chuyển nghiệp quá khứ và có lẽ những câu chuyện này đã trở thành những câu chuyện vô cùng quen thuộc với chúng ta.
Bài kệ này có một số điểm chúng ta cần thảo luận về kệ ngôn chúng ta đã được nghe, không phải chỉ đề cập đến sân hận và phẫn nộ, được nhắc đến ở tại đây, nhưng mà rồi "Vượt qua mọi thằng thức, lìa phẫn nộ kiêu mạn, không chấp trước danh sắc, khổ không bám vô cầu, kẻ vô cầu không khổ " đó là cái câu mà chúng ta được chuyển dịch sang tiếng Việt ở tại đây.
Ðây không phải là một nguyên nhân đơn giản, mà nói lên cả một cái hệ lụy của kiếp nhân sinh chúng ta sống ở trong cuộc đời này, thì thưa quí vị cái thái độ mà chúng ta bị cột trói nó là một thái độ ,mà mặc dù chúng ta kêu gào rằng mình là một con người tự do, nhưng cái sự tự do chúng ta nói đó là một sự tự do rất tương đối, nhưng với Ðạo Phật thì mỗi chúng ta có sợi dây xích, những cái phiền nó kiềng chúng ta lại, Ðạo Phật gọi là những kiết sử.  Chúng ta cứ thử hỏi như thế này, có những lần chúng ta rất lo sợ về một điểm gì đó nó trĩu nặng trên vai của mình, và muốn vuợt ra khỏi điều đó thì chúng ta không vượt được.  Hoặc giả là bỗng nhiên nhất thời có ai nói một câu gì mà làm cho chúng ta tự ái, thì chúng ta sẽ trở về trăn trở trằn trọc với câu nói đó, thì quả thật lúc đó chúng ta thấy rằng có một sợ dây vô hình nó cột chúng ta lại, cái kiết sử hay thằng thúc mà Đức Phật Ngài đề cập đến ở tại đây, là những sợi dây kiết sử đến từ nội tâm của chúng ta, và sân phẫn nộ nó là một trong những cái gây ra kiết sử đó, và cái hiện tướng của nó ở bên ngoài thì chúng ta thấy rằng ở đó có kiêu mạn, ở đó có phẫn nộ ,con người cảm thấy rằng mình như thế này, mình như thế kia ,và mình phải được như thế này, mình phải được như thế khác, và mình là ai, mình thường tự nhận mình qua một nhãn hiệu nào và mình khổ với nhãn hiệu đó.
Con người ở trong xã hội ngày hôm nay vẫn thường cảm thấy tự hào khi mình có một cái học vị, hay có một địa vị , mình thuộc giai cấp trung lưu, mình thuộc giai cấp thượng lưu, mình là vị trụ trì , mình là một người nhân sĩ trong xã hội, mình là một nhà lãnh đạo, mình là thế này thế kia v.v... đó chính là niềm hãnh diện, nhưng chính niềm hãnh diện đó nó cũng là cái thước đo cho sự phẫn nộ của mình, khi chúng ta có một quan niệm mà càng cao trọng về bản thân của mình, khi mình bị xúc phạm thì quan niệm cao trọng đó trở thành một tầng cao, một giai tầng cao của sự phẫn nộ, vì nếu chúng ta là một con người bình thường thì chúng ta đã không phẫn nộ.
Có một câu chuyện rất thú vị là người ta kể rằng có một vị hoàng tử ở trong hoàng gia Anh đi học ở trong một trường tư, trường tư này đặc biệt dành cho những người trong hoàng gia ,cùng với một số học sinh thuộc các gia đình quí tộc khác tại Anh Quốc, và trong số các sinh viên nhỏ thì có một em học sinh rất nghịch ngợm thường đá vào mông của vị hoàng tử nước Anh, và vị hoàng tử đó đã lên mét với vị giám thị, vị giám thị đã kêu lên thì em nhỏ kia nói rằng, bởi vì em nghĩ rằng khi mà em nhỏ lớn lên vị bạn học của mình sẽ làm vua, và lúc đó mình cũng sẽ tự hào nói rằng mình đã từng đá đít nhà vua, và thưa quí vị ông giám thị đó đã quay sang dạy cho vị hoàng tử thấy rằng sở dĩ người ta ăn hiếp mình, sở dĩ người ta có thái độ bất khả với mình như vậy là bởi vì họ coi trọng mình, nếu mình là một kẻ bình thường thì không có ai quan tâm đến chuyện đó, nhưng mà họ nghĩ mình là hoàng tử sau này sẽ làm vua thành ra họ mới làm như vậy, và vị giám thị này đã dạy một bài học cho người hoàng tử đó là không có ai đá đồ chó chết, nếu một kẻ mà không ra gì thì không ai đụng chạm đến, rằng phải có cái gì thì người ta mới đụng chạm đến, thì vị hoàng tử cảm thấy cái tự ái được vuốt ve là vì mình quan trọng, do mình quan trọng nên người ta mới xúc phạm được mình.
Chúng ta thường có thái độ như vậy ở trong đời sống chúng ta để tự thấy mình quan trọng, chuyện đó thì quả thật đó là sự thật, nếu ở trong thế gian này mình là kẻ không có nhà cửa.  Chúng tôi lấy ví dụ như tại Hoa Kỳ có một số rất lớn không có nhà gọi là homeless họ sống vô gia cư. Khi những người này phạm tội cảnh sát ít khi bắt tội họ, và cảnh sát ít khi muốn đem họ vào trong tù, bởi vì phạt vạ họ cũng như không, họ đã không còn có cái gì hết thì phạt họ cái gì, và quí vị thấy rằng ít có ai kiện những người homeless.  Nhưng nếu những công ty lớn hay cá nhân giàu có, những người có thế lực thì thường bị kiện tụng rất nhiều, và những cá nhân này tự bảo vệ lấy chính họ bởi vì họ có tiền, và khi người ta kiện tụng mình thì người ta xét thấy rằng mình có khả năng để đền bồi hay không thì người ta mới kiện tụng mình, và cũng có một số người họ dùng điều này như là một cái sự an ủi trong đời sống của họ.
Ví dụ như bỗng nhiên mình bị người khác họ chỉ trích mình, thì mình nghĩ rằng có lẽ mình phải quan trọng như thế nào đó thì người ta mới chửi mắng người ta mới công kích mình, chứ nếu mình không có ra gì thì người khác đã không có làm như vậy.  Như vị giám thị đã nói chuyện với vị hoàng tử, ở trong trường hợp của vị hoàng tử thì vị giám thị đã nói rằng, tại vì Ngài là một người rất quan trọng lớn lên sẽ làm vua và không ai đá đồ chó chết hết, vì chính Ngài quan trọng cho nên người ta mới làm như vậy.
Những phương thuốc đó nhất thời thì xem nó hiệu nghiệm nhưng về lâu về dài thì nó rất tai hại, và chúng ta vẫn thường nhận được những lời an ủi tương tự ở trong đời sống. Nhưng với cái nhìn của Đức Phật thì quả thật cái sự phẫn nộ và kiêu mạn, cả hai cái nó đều là hai mặt của đồng tiền hết, chúng ta càng đánh giá mình càng cao thì tự mình càng chuốt lấy khổ nhiều, mình nghĩ rằng mình phải là thế này mình phải là một như thế khác, thì khi mình không gặp những thứ đó mình cảm thấy rất buồn, buồn nhiều lắm.
Chúng tôi nhớ có một lần chúng tôi đi dự đại hội với một số các vị Hoà Thượng ở hòn đảo Binang Mã Lai, lúc bấy giờ họ khánh thành một ngôi chùa Cực Lạc Tự một trong những danh lam thắng cảnh lớn của Binang và của Đông Nam Á .  Tất cả Chư Tăng về phó hội đều được mời lên để tham dự buổi khánh thành.  Có một vị Tôn Túc rất lớn nhưng trong lúc sự xắp sếp của ban tổ chức họ vụng về sao đó mà họ không chuẩn bị xe riêng để đưa vị này lên trên, và họ lại đưa vị này vào con số đông còn lại để đi bằng xe bus lên núi, tức là những chiếc xe nhỏ thì dành cho những vị quan trọng vị Tôn Túc, còn xe bus thì dành cho tất cả Chư Tăng, thì khi vị này lên xe bus thì vị này cảm thấy rất là buồn, rất là phiền, mình cũng là vị Tôn Túc lớn mà họ đã không có xe cộ để đưa mình lên núi riêng như vậy mà phải đi bằng xe bus, thì lúc đó chúng tôi học được bài học lớn ở trong cuộc đời rằng nếu mình sống như một kẻ vô danh và đặc biệt là mình không có gì hết, mình không là ai hết thì mình đỡ là khổ hơn rất nhiều.
Thì thưa quí vị có thể nói rằng cái nhìn của Đức Phật về điểm này là điểm nhắc nhở đặc biệt trong đời sống của chúng ta,  niềm hãnh diện nó đến từ đâu thì cái nhục nhã nó đến từ đó, đa thọ thì đa nhục.  Tại sao đa thọ đa nhục ? mình sống lâu thì địa vị của mình  phải lớn, lớn trong gia đình, trong xã hội.  Chúng ta là ông này bà kia.  Trong nhà là bậc niên trưởng nhưng bị xúc phạm đến thì chúng ta càng khổ.  
Sự phẫn nộ và mạn nó lại đi chung với nhau. Nhưng không những thế Đức Phật đã cho chúng ta một bài học khác quan trọng hơn, bài học đó nói về các căn để của tất cả phiền lụy, ở trong đó kể cả sự phẫn nộ, mà qua câu chuyện quá khứ Đức Phật đã dạy đó là cái sự chấp trước vào danh sắc.
Chấp trước vào danh sắc, danh sắc ở đây được nói là thân tâm, và khi đạo Phật nói về danh sắc về thân tâm, là chúng ta có thể chấp vào hình tướng của mình và có thể chấp vào những cái vui cái buồn ở trong lòng mình.  Đây là ta đây là của ta, đây là tự ngã của ta.  Và ở đâu có sự dính mắc có cái vương mang như vậy thì ở đó có phiền lụy.  Nếu trong cuộc sống của chúng ta, mà là cuộc sống vượt ngoài sự đối đãi thì chúng ta cảm thấy thảnh thơi hơn nhiều, bài học này là bài học lớn của những bậc Mâu Ni, bài học lớn của các bậc đại sĩ, bài học lớn của những bậc minh triết mà chúng ta rất là khó tiêu hóa.
Ai trong chúng ta đi vào trong cuộc đời cũng mong rằng mình bước lên những nấc thang của xã hội, và mình được trở thành con người thế này và con người như thế khác, trong lúc thì chúng ta quên rằng những điều đó sẽ dẫn chúng ta trả một cái giá quá lớn, cái giá lớn nhất không phải là chúng ta bị đưa đẩy vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, mà giá quá lớn là chúng ta phải khổ sở với nó nhiều hơn và chúng ta cứ dùng những điều đó như là cái được, nhưng Đạo Phật nói là cái đó không phải là cái được mà cái đó là cái khổ.
Chúng tôi có thể nói rằng không có thì không khổ, có nhiều thì khổ nhiều, thuyền to thì sóng lớn đó là cái ý nghĩa.  Hoặc giả trong một ý nghĩa khác chúng ta nói rằng có vợ thì khổ vì vợ, có con khổ vì con, có trâu bò khổ vì trâu bò, có tài sản khổ vì tài sản , hễ chúng ta có nhiều thì chúng ta khổ nhiều và nếu chúng ta dính mắc vào những thứ đó. Chúng ta dính mắc vào cái gì mà chúng ta có kể cả danh kể cả lợi, chúng ta dính mắc bao nhiêu thì cường độ của cái tâm khổ càng nhiều. 
Ở đây phẫn nộ được xem như là khổ, đôi lúc chúng ta xem phẫn nộ là một thái độ của cuộc sống. Nhưng thật sự phẫn nộ ở đây được hiểu như là dukkha. Dukkha là khổ rõ ràng lắm, khi chúng ta bày tỏ thái độ của mình, sự giận dữ với người khác khi bị sự xúc phạm. Mình nghĩ rằng đó là thái độ của chúng ta, và khi chúng ta nói đến thái độ thì dường như chúng ta đang chủ động, nhưng thật ra sự phẫn nộ là một cái khổ mà ở trong đây chúng ta là kẻ bị động hoàn toàn.  Nên chi khi Đức Phật Ngài nhìn sự việc, Ngài nhìn phiền não, Ngài nhìn nó vào phương diện căn để, Ngài nhìn vào cái nguồn gốc sâu xa chứ Ngài không nhìn đơn giản như chúng ta.
Trong duyên sự thì nói rằng một người có thể bị một số cái nghiệp ở trong quá khứ gây cho mình một số phiền lụy ở trong đời sống hiện tại, và trong trường hợp này đối với quận chúa Robini là thân bị một chứng bịnh ngoài da, và trong duyên sự này cho biết là có một số phước hạnh tức là việc làm thiện có thể hoán chuyển được cái nghiệp quá khứ. Đây cũng là cái gì ảnh hưởng lớn đến văn hoá của Đạo Phật khi người Phật tử tin rằng  việc tạo phước có khả năng để hoán chuyển đời sống.  Bên cạnh này thì chúng ta lại tìm thấy được một lời dạy của Đức Phật hết sức đặc biệt, hết sức rõ nét về ý nghĩa của cái nguyên nhân sâu xa mà chúng ta khổ lụy ở trong cuộc đời này về cái có, và về cái không có, về cái được, và về cái không được, và về cái gì đã làm cho mình phẫn nộ, mà phẫn nộ đến cực kỳ bi phẫn, bởi vì chúng ta đã không đạt được cái gì mình nghĩ rằng mình xứng đáng có, mình phải là và mình phải được nên chi chúng ta khổ. Và thưa quí vị chúng tôi xin được kết thúc ý nghĩa bài kệ này ở nơi đây. Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật.