Người Cư Sĩ          [ Mục lục         [Trang chính]

 
Tâm lý học Phật giáo trong đời sống hàng ngày
Nina Van Gorkhom
Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt


 
Chương 2

Ngũ uẩn

-ooOoo-

Ðức Phật đã khám phá chân lý. Ngài biết đặc tính của mỗi pháp do bởi kinh nghiệm riêng của Ngài. Vì lòng từ bi Ngài dạy cho chúng sinh nhận chân được sự thật bằng nhiều phương pháp khác nhau, để cho chúng sinh có được sự hiểu biết uyên thâm về nội pháp và ngoại pháp. Khi chân lý được phân tích bằng những pháp chân đế, chúng là:

Tâm.
Sở hữu tâm.
Sắc pháp.
Níp bàn.
Tâm, Sở hữu, Sắc pháp là pháp hữu vi (Sankhàra). Chúng sinh vì duyên diệt; chúng vô thường. Níp bàn là pháp chân đế vô vi; nó không sinh không diệt. Tất cả 4 pháp chân đế đều vô ngã.

Tâm, Sở hữu và Sắc pháp là pháp hữu vi, người ta có thể phân tích thành 5 uẩn. Uẩn có nghĩa là khối, nhóm. Những gì được phân tích thành 5 uẩn thì nó sinh và diệt. Năm uẩn không khác với 3 pháp chân đế là tâm, sở hữu và sắc pháp. Chân lý có thể được phân tích thành nhiều cách khác nhau và như vậy những tên gọi khác nhau được người ta đặt cho chúng. Năm uẩn là:

Sắc uẩn (Rùpakhandha) bao gồm tất cả sắc pháp.
Thọ uẩn (Vedanàkhandha) bao gồm các cảm thọ.
Tưởng uẩn (Sannàkhandha) bao gồm tưởng.
Hành uẩn (Sankhàrakhandha) bao gồm 52 sở hữu.
Thức uẩn (Vinnànakhandha) bao gồm tất cả tâm (89 hoặc 121 tâm) [1].
Ðối với 52 loại tâm sở, nó có thứ sinh cùng với tâm, chúng được phân thành 3 uẩn: sở hữu thọ được phân thành một uẩn, gọi là thọ uẩn; sở hữu tưởng được phân thành một uẩn, gọi là tưởng uẩn; đối với 50 sở hữu khác chúng được phân chia cùng với nhau thành một uẩn gọi là hành uẩn. Ví dụ, trong hành uẩn bao gồm có những tâm sở đi theo sau: tư (Cetanà), tham (Lobha), sân (Dosa), si (Moha), từ (Mettà), Vô tham (Alobha) và trí tuệ (Pannà). Tất cả những đặc tính thiện và bất thiện được bao gồm trong hành uẩn, chúng là vô thường, không có bản ngã. Hành uẩn đôi khi được dịch là tạo tác [2].

Ðối với tâm, tất cả tâm là một uẩn: gọi là thức uẩn. Những danh từ Pàli là thức (Vinnàna), ý (Mano) và tâm (Citta) ba từ này thì có cùng ý nghĩa: chúng đều biết cảnh. Khi tâm được phân chia thành uẩn thì danh từ thức được sử dụng . Như vậy 1 uẩn là sắc uẩn và 4 uẩn khác là danh uẩn. Ba danh uẩn là tâm sở và 1 danh uẩn là tâm.

Bất cứ điều gì gọi là uẩn thì không bền vững; ngay khi nó sinh thì lập tức nó diệt. Mặc dù các uẩn sinh diệt, nhưng chúng là sự thật; chúng ta có thể biết chúng khi nó hiện diện. Níp bàn là pháp vô vi, nó không sanh không diệt, không phải là một uẩn.

Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga XX, 96) có giải thích về sự sinh diệt của danh sắc như sau:

"Không có sự dung chứa nào của danh sắc chưa sinh (có mặt) trước khi nó phát sinh; và khi nó hoại diệt, nó không đi đến bất kỳ phương hướng nào. Không có nơi nào là kho tàng để tích trữ những gì đã diệt. Không có một nơi tích lũy nào của tiếng đàn khi cây đàn được đánh lên, âm thanh trổi lên không đến từ một kho chứa nào, khi nó dứt cũng không đi về hướng nào, và không lưu trữ vào kho nào, nhưng trái lại từ không trở thành có, nhờ nỗ lực thích nghi của người chơi đàn và cây đàn, âm thanh phát sinh, sau đó nó trở thành không. Cũng thế, tất cả danh pháp và sắc pháp từ diệt đi đến sinh, khi hiện diện chúng lại hoại diệt".
Uẩn là những sự thật mà ta có thể biết được. Chúng ta biết được sắc uẩn khi chúng ta cảm nhận sự cứng. Hiện tượng này không tồn tại, nó sinh và diệt. Sắc uẩn là vô thường. Không những có sắc thân mà còn có những sắc pháp khác nữa được bao gồm trong sắc uẩn. Ví dụ, âm thanh là sắc uẩn, nó sinh và diệt, nó vô thường.

Thọ uẩn là sự thật; chúng ta có thể biết những cảm thọ. Thọ uẩn bao gồm tất cả các loại cảm tho. Cảm thọ có thể được phân tích thành nhiều cách khác nhau. Ðôi khi cảm thọ được phân tích thành 3 cách:

Thọ lạc.
Thọ khổ.
Thọ xả.
Ðôi khi chúng còn được phân tích thành 5 loại. Ngoài 3 loại thọ trên còn thêm thân thọ lạc và thân thọ khổ.

Thân thọ là cảm thọ của thân căn, sắc có khả năng tiếp nhận do duyên thân xúc chạm; chính cảm thọ là danh, nhưng nó có sắc (thân căn làm duyên). Khi cảnh tiếp xúc với thân căn, cảm thọ vừa lạc vừa khổ; không có thân thọ vô ký. Khi thân thọ khổ nó là quả bất thiện, và khi thân thọ lạc nó là quả thiện.

Bởi vì có nhiều khoảnh khắc sanh diệt khác nhau của cảm thọ, để phân biệt chúng thì thật là khó. Ví dụ chúng ta dễ nhầm lẫn thân thọ lạc là quả và cảm thọ có thể phát sanh sau đó cùng với sự tham đắm đối với thân thọ lạc. Hoặc chúng ta có thể nhầm lẫn thân thọ khổ với cảm thọ bất lạc mà có thể phát sinh cùng với sự sân hận. Lúc có thọ khổ là quả, nó đi cùng với tâm quả mà biết cảnh bất lạc do ảnh hưởng với thân căn [3]. Sau đó cảm thọ bất lạc có thể phát sinh, nó không phải là quả, nhưng nó đi cùng với tâm sân và như vậy nó là bất thiện. Tâm sân bất thiện phát sinh bởi vì sự sân hận ngấm ngầm của chúng ta. Mặc dù thân thọ và tâm thọ cả hai là danh pháp, chúng hoàn toàn là những cảm thọ khác nhau, phát sinh vì nhân duyên khác nhau. Khi một người không còn sân hận thì vị ấy vẫn còn thân thọ khổ, nhưng không có tâm thọ bất lạc. Bậc A La Hán, Chánh đẳng giác, đã đoạn tận tất cả phiền não, chừng nào các Ngài chưa nhập Níp bàn các Ngài vẫn có tâm quả bất thiện, nhưng các Ngài không có tâm sân hận.

Chúng ta xem trong Tương Ưng Bộ Kinh (I, Sagàthà-vagga, Màrasuttas, chương II , 3, phiến đá):

"Tôi nghe như vầy, một thời Thế Tôn cư ngụ tại Vương xá thành ở Maddakucchi, vườn Nai. Lúc bấy giờ chân của ngài bị thương do phiến đá chạm phải. Thế Tôn cảm thấy vô cùng đau đớn, nhức nhối mãnh liệt toàn thân. Ngài thật sự không buồn chán, chánh niệm, tĩnh giác mà không ngã lòng".
Khi phân tích bằng cách tiếp xúc xuyên qua sáu môn thì cảm thọ có sáu loại: cảm thọ phát sinh vì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Tất cả những cảm thọ này thì khác nhau; chúng phát sinh bởi vì những điều kiện khác nhau. Cảm thọ sinh diệt cùng với tâm sinh diệt và do đó mỗi khoảnh khắc của cảm thọ thì khác nhau.

Chúng ta xem Tương Ưng Bộ Kinh (IV, Sanàyatana-vagga, phần II, Tương Ưng Bộ Kinh về cảm thọ và bịnh hoạn) mà Ðức Phật đã dạy cho chư Tỳ khưu:

"...Nầy chư Tỳ khưu, nếu vị Tỳ khưu nào an trú tập trung, tỉnh thức, nhiệt tâm, tinh cần và nỗ lực, lúc đó thọ lạc sinh khởi, và vị ấy biết như vậy: cảm thọ lạc này phát sinh nơi ta. Bây giờ thọ ấy có duyên chứ không phải không duyên. Do duyên xúc này. Bây giờ xúc này là vô thường, hữu vi, phát sinh do duyên. Do duyên xúc phát sinh thì cảm thọ phát sinh: làm sao cảm thọ đó thường hằng được? Như vậy vị ấy quán vô thường về xúc và lạc thọ, quán sự tiêu vong, hoại diệt, biến hoại của chúng và từ bỏ chúng. Như vậy do vị ấy an trú quán vô thường ... cho nên khuynh hướng ngủ ngầm đối với tham ái về xúc và lạc thọ được đoạn diệt".
Ðối với xúc và cảm thọ khổ ...xúc và cảm thọ xả cũng giống như trên.

Vẫn còn nhiều cách nữa để phân tích các cảm thọ. Nếu chúng ta biết nhiều phương pháp phân tích khác nhau của cảm thọ, nó sẽ giúp cho chúng ta hiểu rằng cảm thọ chỉ là danh pháp mà phát sinh vì nhân duyên. Chúng ta có ý muốn dính mắc vào cảm thọ đã diệt, thay vì cảm nhận sự thật của giây phút hiện tại khi nó xuất hiện do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Trong một đoạn văn của Thanh tịnh đạo đã được trích ở phần trên (XX, 96), danh và sắc được so sánh với âm thanh của cây đàn mà nó không xuất phát bất kỳ một kho nào khi phát sinh, hoặc không đi đến phương hướng nào khi nó diệt, hoặc không tồn tại như một "kho chứa" khi nó hoại diệt. Tuy nhiên chúng ta dính mắc vào cảm thọ quá nhiều đến nỗi chúng ta không nhận thức rằng cảm thọ đã hoại diệt không tồn tại nữa, nó hoàn toàn đã hoại diệt. Thọ uẩn là vô thường.

Tưởng uẩn là sự thật; nó có thể cảm nhận được bất cứ khi nào chúng ta nhớ điều gì. Mỗi sát na tâm đều có tưởng. Mỗi tâm phát sinh nó đều biết cảnh và tưởng phát sinh với tâm chú ý và nhớ cảnh đó để nó có thể nhận biết. Thậm chí ngay khi người ta không biết điều gì, tâm vẫn biết cảnh vào lúc đó và tưởng phát sinh cùng với tâm "ghi nhận" cảnh đó. Tưởng sinh và diệt với tâm; tưởng là vô thường. Miễn là chúng ta không biết tưởng như thật: nó chỉ là danh pháp diệt ngay khi nó phát sinh, chúng ta sẽ chấp tưởng là bản ngã.

Hành uẩn (gồm có tất cả tâm sở ngoại trừ thọ và tưởng) là sự thật; người ta có thể cảm nhận được nó. Khi những sở hữu tịnh hảo phát sinh như vô tham và bi mẫn, hoặc khi sở hữu bất thiện phát sinh như sân và bủn xỉn, chúng ta có thể biết được hành uẩn. Tất cả hiện tượng này sinh diệt; hành uẩn là vô thường.

Thức uẩn (tâm) là sự thật; chúng ta có thể biết nó khi thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, hoặc suy nghĩ. Thức uẩn sinh và diệt; nó thì vô thường. Tất cả pháp hành (tức là 5 uẩn) là vô thường.

Ðôi khi Ngũ uẩn còn được gọi là Thủ uẩn (Upàdànakhandha). Những vị chưa phải là A La Hán vẫn còn chấp 5 uẩn. Chúng ta cho thân là bản ngã; như vậy chúng ta chấp sắc uẩn. Chúng ta cho tâm là bản ngã; như vậy chúng ta chấp thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Nếu chúng ta chấp Ngũ uẩn và không thấy chúng như thật, chúng ta sẽ sầu khổ. Chừng nào chúng ta còn chấp vào Ngũ uẩn, chúng ta giống như bịnh nhân.

Chúng ta xem trong Tương Ưng Bộ Kinh (III, phẩm Ngũ uẩn, 50 kinh căn bản, đoạn 1, Nakulapità) gia chủ Nakulapità là người già, bịnh, đi đến gặp Phật ở núi Cá sấu, vườn Nai. Ðức Phật dạy ông ta rằng ông ta phải học tập như vầy:

"Mặc dù thân của tôi bịnh nhưng tâm tôi không bịnh".
Sau đó Ðại đức Sàriputta (Xá Lợi Phất) giải thích thêm lời Phật dạy cho ông ta:
Ở đây, này gia chủ, kẻ phàm phu ... họ không thiện xảo, không tu tập trong Giáo pháp - những người này cho thân là bản ngã, họ cho bản ngã là thân, thân có trong bản ngã, "tôi có xác thân", họ nói "xác thân là của tôi", vì có suy nghĩ này; cho nên khi thân biến hoại, đổi thay, họ bị sầu, bi, khổ, ưu não. Họ chấp thọ là bản ngã họ chấp tưởng là bản ngã ... họ chấp hành là bản ngã ... họ chấp thức là bản ngã. Này gia chủ, đó là thân bịnh hoạn và tâm cũng bịnh hoạn.

Và thế nào là thân bịnh mà tâm không bịnh?

Ở đây, này gia chủ, Vị Thánh đệ tử khéo tu tập và không chấp thân là bản ngã, không chấp bản ngã là thân, không chấp thân có trong bản ngã, không chấp bản ngã có trong thân. Vị ấy không tuyên bố "tôi có xác thân", "xác thân là của tôi", vì quán như vậy; cho nên khi thân biến hoại, đổi thay, chư vị không bị sầu, bi, khổ, ưu, não phát sinh trong các ngài. Vị ấy không quán thọ là bản ngã... vị ấy không quán tưởng là bản ngã... vị ấy không quán hành là bản ngã... vị ấy không quán thức là bản ngã... Này gia chủ như vậy là thân bịnh hoạn mà tâm không bịnh hoạn.

Chừng nào chúng ta còn chấp Ngũ uẩn, lúc đó chúng ta giống như người bịnh, nhưng nếu chúng ta quán Ngũ uẩn như thật, chúng ta có thể chữa lành căn bệnh. Ngũ uẩn là vô thường như vậy chúng khổ não. Chúng ta xem Tương Ưng Bộ Kinh (III, phẩm Ngũ uẩn, 50 kinh sau, 104, khổ não) Ðức Phật dạy Tứ Thánh Ðế cho chư Tỳ khưu: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Ngài dạy:
Này chư Tỳ khưu, Như Lai sẽ dạy Tứ thánh đế cho các thầy. Các thầy hãy lắng nghe:

Và này chư Tỳ khưu, khổ là gì? Khổ được người ta gọi là năm thủ uẩn. Thế nào là năm thủ uẩn? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này chư Tỳ khưu, đây là khổ.

Và này chư Tỳ khưu, thế nào là tập đế? Nó là ái dục ... dẫn đến tái sinh, tức là tham ái vào dục lạc, tham ái vào sự tái sinh, và tham ái vào sự không tái sinh. Này chư Tỳ khưu, đây gọi là tập đế.

Và này chư Tỳ khưu, thế nào là diệt đế? Chính là sự đoạn diệt hoàn toàn, ly tham, dứt bỏ, thoát khỏi những ham muốn ... Này chư Tỳ khưu, đây gọi là diệt đế.

Và này chư Tỳ khưu, thế nào là đạo đế? Ðó là Bát Thánh Ðạo... Này chư Tỳ khưu, đây là đạo đế.

Chừng nào chúng ta còn chấp Ngủ uẩn thì chúng ta vẫn còn tái sinh, và như vậy có nghĩa là đau khổ. Nếu chúng ta tu tập Bát chánh đạo, phát huy chánh kiến đúng mức, chúng ta sẽ thấy Ngũ uẩn là gì. Lúc đó chúng ta đang hoàn thành đạo đế, điều này có nghĩa là: không còn sanh, già, bịnh, chết nữa. Những ai đạt đến giai đoạn giác ngộ, cuối cùng sẽ trở thành bậc thánh A La Hán, đời sống của chư vị đã chấm dứt, giải thoát Ngũ uẩn.
 
 

CÂU HỎI:

1/- Pháp chơn đế nào là danh?
2/- Pháp chơn đế nào là pháp hữu vi?
3/- Pháp chơn đế nào là pháp vô vi?
4/- Pháp hành nào là danh?
5/- Tất cả sở hữu tâm là hành uẩn phải không?
6/- Sở hữu thọ là uẩn chăng?
7/- Sở hữu tưởng là uẩn chăng?
8/- Thân thọ khổ là quả phải chăng?
9/- Tâm thọ khổ là quả phải chăng?
10/- Những uẩn nào là danh?
11/- Nhãn thức là uẩn chăng?
12/- Ý niệm về chúng sinh là uẩn phải không?
13/- Âm thanh là uẩn phải chăng?
14/- Những pháp chơn đế nào là uẩn?
Chú thích:

[] Xem chương I.

[2] Hành có ý nghĩa trong từng ngữ cảnh khác nhau. Pháp hành bao gồm tất cả pháp hữu vi. Hành uẩn bao gồm 50 tâm sở.

[3] Sự nhận thức xuyên qua các căn là nhãn, nhỉ, tỷ, thiệt và thân thức là những tâm quả. Khi những tâm này bắt cảnh lạc, chúng là quả thiện, khi chúng bắt cảnh bất lạc chúng là quả bất thiện.

-ooOoo-
 Trang trước | Mục lục | Ðầu trang | Trang kế
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh, Chùa Kỳ Viên, Quận 3, Sài Gòn,
đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 05-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
update: 01-05-2001