Người Cư Sĩ [ Mục Lục ] [ Trang chủ] Sống là diễn trình sinh hoạt nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Sinh hoạt do tác động của nhu cầu đáp ứng thiết thực. Đó là bản năng sinh tồn. Nếu thiếu các nhu yếu ấy tất không sống được.
Thực tại và Chí đạo
***
Phần Một : Tri KiếnTrong đời sống, tâm lý được biểu hiện bằng tình cảm, lý trí và hoạt động. Kinh qua học hỏi, va chạm trong cuộc sống, tâm chúng ta đã chứa đựng trong tàng thức những tri kiến hỗn tạp. Sáu thức ra vào sáu căn, nhân đó có tham trước muôn cảnh tạo thành nghiệp dữ, che khuất bổn thể chơn như. Do ba độc (Tham Sân Si) sáu giặc (lục thức hay sanh lục tặc), nên chúng ta bị mê hoặc và rối loạn thân tâm, trôi giạt trong sanh tử luân hồi, lăn lóc trong sáu đường (lục đạo: Thiên, Nhơn, A Tu La, Súc Sanh, Ngạ Qủy và Địa Ngục), chịu cảnh khổ đau.
Nghiệp thức như có hấp lực, lôi kéo thân khẩu ý chạy theo tâm viên ý mã của mình. Tâm thức theo thời gian kết nạp. Tâm vốn không thiện không ác, chỉ vì có Hành nên có thức qua trung gian của Tâm mà ta gọi Tâm thiện tâm ác. Gọi như thế là ta gọi cái trạng thái của thức mà thôi. Biến thể của chơn tâm là vọng Tâm. Biến thể ấy gồm có 5 trạng thái:
-Hiểu biết chơn thật do tri thức, do suy luận, do sự điêu luyện (kinh nghiệm) là những tiêu chuẩn của chơn lý;
-Vô Minh (Không phân biệt phải trái, chánh tà) là sự hiểu biết sai lầm, không phải thực trạng của Tâm;
-Vọng ngữ là nói những điều không có thực để thoả mãn vọng tâm;
-Giấc ngủ thường sanh chiêm bao, là điều hư vọng không căn cứ. Mộng mị do vọng tâm hiện ra, những điều ấy là phản ảnh của sự ước muốn hay lo sợ, hậu qủa của những tội ác;
-Trí nhớ là vọng tâm ghi lại những điều đã trải qua mà còn luyến ái.
Bóng tối mờ mịt của vọng tâm (vô minh) phải được soi sáng, quét sạch, lắng đọng, sàn sẩy, thanh lọc thì chơn tâm hiển bày. Muốn làm việc đó phải có Ánh Sáng, cái hiểu biết sâu sắc căn cơ tột cùng của Lý-Sự. Cái biết đó là Tri Thức. Vậy tri thức là gì? Vai trò tri thức ra làm sao? Hậu quả.
Mỗi lần nhìn một trần cảnh là có một thức qua sự ghi nhận của Tâm. Hiện thức ấy chỉ xuất hiện lúc ấy và dứt liền ngay, thức đó là chơn thức; qua một sát-na thức ấy lập lại mà ta xem như là còn lưu lại, đó là vọng thức chứ không phải là cái thức đầu tiên. Thấy một hình ảnh một chiếc dép quăng trên cao rơi xuống, sau nhớ lại, ảnh thức (dép) sau là vọng là giả. Nếu cái hiện hữu ấy khi mới thấy liền biến mất ngay, nó sẽ hiện hữu (trong tàng thức) không bao giờ chấm dứt. Hiện tượng vô thường không phải đột biến, nó nối liền nhiều điểm li ti của sát na biến diệt liên tục. Những điều mà Phật gọi là vọng chấp mê lầm, với Thuyết Tánh không, chúng chỉ là những hiện tượng như huyển như mộng. Nhận thức mà ta gọi là cụ thể, được đi đôi với một tên gọi nào đó, không có tên gọi thì đối tượng không là gì cả. Đối tượng được đặt tên không phải là đối tượng trực quán của chân trí. Như thế đối tượng của tri thức không là gì khác hơn là giả tượng. Bản chất của tri thức đã được cấu tạo bằng nhiều giả tượng như thế - chỉ khi những giả tượng nầy bị hủy diệt, bản chất tri thức mới trở thành chân trí. Lúc ấy sự thể mới xuất hiện như là đối tượng hiện quán. Do vậy kết cấu của Tri Thức được hình thành bằng những cảm giác, kinh nghiệm, va chạm ý thức theo thời gian lập đi lập lại, chúng ta mới có tri thức rõ rãng. Cái tri thức chủ động nầy bao gồm cả những điều chúng ta kinh nghiệm (tri nhận) mà còn những kiến thức của tha nhân nữa. Gọi chung tất cả là tri kiến.
Những tri kiến nầy rất quan trọng trong đời sống của con người. Nó là lối sống cảm nghĩ và hành động. Thiếu nó con người trở nên vô tích sự không những cho bản năng sinh tồn mà còn là con người mất trí. Tri kiến bao gồm cái chánh cái tà, cái đúng cái sai hay cái thiện cái ác. Chúng ta, trong đời từng lăn lóc qua cảnh tình của thế sự tất phải gặp nhiều cái đúng, tốt cũng như cái sai cái xấu. Có thực nghiệm hai mặt của vấn đề ta mới phân biệt chọn lựa thích hợp cái thực chất vấn đề đó. Cũng như thế, muốn thực hành bát chánh đạo, chúng ta phải trải qua tư duy rèn luyện ta mới có cái nhìn đầy đủ, rõ ràng hầu chọn lựa, thực hành đúng chánh đạo được. Vai trò của Tri Thức thiết yếu như vậy, chúng ta làm thế nào sử dụng tốt trong dòng đời, trong cuộc sống đạo của mình?
Dùng một con dao thì sự ích lợi của nó không ai phủ nhận, nhưng tai hại của nó cũng không ít, khi lơ đảng đứt tay ngay. Tri kiến cũng vậy. Một kho tàng chứa nhiều Tri Kiến hỗn độn, khi muốn cần dùng khó tìm được ngay cái cần ích, chỉ lẩn quẩn quanh co tốn mất thời gian. Hậu quả, những nhà trí thức, học giả, triết gia vv... có những nhận thức đa dạng hay bất mãn với những hiện tượng vô thường, rồi cảm thấy lạc lõng giữa dòng đời vô nghĩa, tất khao khát muốn thoát ly những ràng buộc chằng chịt, những bứt rứt xao xuyến tuyệt vọng của hố thẳm tư tưởng. Cái Tri Kiến vô tận, cái trí khôn không đáy, tham cầu không bao giờ thỏa mãn đó, là những dòng biến đổi và lưu chuyển của Tâm viên, ý mã mà thôi.
Muốn tháo gở rối rắm đó, đồng thời cũng là tìm đường chấm dứt cuộc đời trầm luân oan nghiệp, Phật là người giác ngộ, đã dùng những phương cách để tự mình thực chứng, thoát khỏi mọi ràng buộc của nghiệp thức, nên phổ biến giáo pháp của ngài. Pháp học thì mênh mông, pháp hành cũng khá phức tạp. Minh tâm kiến tánh là diễn tả sự thực chứng tự tại vô ngại. Bước vào đạo là làm sao thực hành cho được minh tâm là điều không phải đơn giản. Tám vạn bốn ngàn pháp môn là những phương cách Phật đưa ra qua qúa trình thực chứng và giác ngộ để độ chúng sanh tùy căn cơ trình độ. Tâm đeo nặng nhiều tri kiến mà tri kiến là trạng thái của Vọng Tâm, cho nên nếu ta dẹp bỏ hết gánh nặng đó đi thì tâm còn gì ràng buộc? Giải thoát tri kiến là phương pháp để được minh tâm vì chơn tâm không còn dính dáng gì đến biến thể (vọng: tri kiến) của nó nữa - Trước khi bàn đến giải thoát tri kiến, chúng ta thử bàn sơ vấn đề thực tại qua các học thuyết Đông Tây.
[ Mục Lục ]