Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]
Giáo lý Phật giáo về sự Tái Sanh

Ðại Ðức Narada Maha Thera
Bác sĩ Nguyễn Trạch Thiện dịch
PL 2546 - TL 2002


Mục Lục

1. Quan niệm về tái-sanh
2. đâu là nguồn gốc tường tận của sự sống?
3. Do đâu chúng ta tin có sự tái-sanh?
4. Nghiệp-báo và tái-sanh biện minh những chi?
5. Triều lưu diễn tiến của sự tái-sanh.
6. Hình thức của sanh-tử .
7. Sự tái-sanh xuất hiện cách nào?
8. Cái gì đi tái-sanh? 
9. Có người nào tạo tác trong đời này, và một người khác phải gặt quả trong kiếp sống sau chăng?
10. Nếu không có linh hồn, như vậy có một trách nhiệm nào về tinh thần đạo đức chăng?
11. Có thể nào một người kia sẽ tái-sanh lại làm thú vật không?

-ooOoo-

Từ đây ta sẽ đi về đâu ?... nào biết!
Chừng nào đi ?... nào biết!

Ta chỉ biết một điều và biết chắc như vậy,
là ngày nào đây nhất định ta phải ra đi.

1. Quan niệm về tái-sanh

Giáo lý về sự Tái-Sanh chẳng phải là một lý thuyết, người Phật-tử xem nó như là một sự thật, không chối cãi được. Nó là căn-bản của Phật-Giáo.

Hạnh nguyện của chư vị Bồ-Tát và chủ trương tự do tiến hóa đến nơi tận thiện, tận mỹ đều căn cứ trên giáo lý Tái-Sanh này.

Sách vở có ghi chép rằng Chúa Jésus, nhiều bậc hiền triết như Pythagore, Platon, nhiều thi-sĩ như Shelly, Tennyton, Wordsworth và một số người Âu-Châu, Á-Châu đều thừa nhận và tin tưởng có sự Luân-Hồi, hoặc có linh-hồn đi đầu thai.

Giáo lý về sự Tái-Sanh của Phật-Giáo khác hẳn với quan niệm Luân-Hồi và đầu thai của linh-hồn bởi Phật-Giáo không nhìn nhận có một linh-hồn trường tồn bất diệt để chuyển sanh từ kiếp này qua kiếp khác, dầu là linh-hồn do Thượng Ðế sanh ra, hay từ trong cái Ðại-Hồn (Paramàtama) tách ra.

Chỉ có nghiệp quả mới cấu tạo được sự Tái-Sanh. Do nghiệp quá khứ mới có sự Tái-Sanh hiện tại. Do nghiệp hiện tại hiệp với nghiệp quá khứ mới có sự Tái-Sanh vị lai. Hiện tại là con đẻ của quá khứ và trở thành thân sinh của vị lai.

Hiện hữu của hiện tại không cần có bằng chứng vì nó rất rõ rệt.

Hiện hữu của quá khứ căn cứ trên trí nhớ và tục truyền.

Hiện hữu của vị lai căn cứ trên tiên đoán và suy luận.

Nếu có sự sống quá khứ, hiện tại và vị lai, thì tức nhiên phải đương đầu với một nan đề: Ðâu là nguồn cội của sự sống? 

Có tôn giáo cho rằng sự sống sanh ra bởi một bản nguyên, một năng lực thiêng liêng hay một đấng Toàn-Năng. Có tôn giáo khác thì lại nói rằng trong vòng nhân sanh quả, quả sanh nhân, không thể biết được nhân nào là nhân đầu tiên.

Theo giới hạn hiện thời của khoa-học, con người sanh ra do tinh trùng và noãn bào của cha mẹ; nhưng khoa học lại không giải rõ rệt được sự phát triển của tinh thần, là phần quan-trọng hơn thể-xác. Các nhà khoa học vừa nói rằng sự sống sanh ra bởi sự sống mà cũng vừa xác nhận rằng tinh thần và sự sống sanh ra từ chỗ không có sự sống. Khoa-học chỉ biết nội cái giới-hạn cha mẹ sanh ra con, nghĩa là trước phải có sự sống của cha mẹ rồi sau mới có sự sống của con. Khoa-học chưa tìm ra cái khởi thủy của sự sống.

Vài tôn-giáo khác cho rằng bản chất của con người là linh-hồn sanh ra bởi Ông Trời. Cha mẹ chỉ giúp phần cấu tạo cái bọc thô sơ bên ngoài cho linh-hồn mà thôi.

Theo Phật-Giáo thì chúng ta sanh ra từ cái khuôn đúc (kammayoni) của các hành động của chúng ta, cha mẹ chỉ cho ta cái nền tảng vật chất mà thôi. Như thế ấy thì trước phải có chúng sanh (cha mẹ), rồi sau mới có chúng sanh (con). Lúc thọ thai, nghiệp tạo ra cái thức đầu tiên, thức tái sanh, để dưỡng sanh thai bào. Năng lực vô hình của nghiệp đã tạo ra trong kiếp quá khứ sanh ra một hiện tượng tinh thần kết hợp hiện tượng sinh khí trong một hiện tượng thể xác đã sẵn có, để có đủ ba yếu tố Thức, Sinh-Khí và Thai. Chính ba yếu tố này tạo thành con người.

Nói đến quan niệm về chúng sanh, Ðức Phật có thuyết trong bộ Kinh MAJJHIMA NIKAYA, quyển AHATANHAKHAYA, số 38, như vầy: ở nơi nào Tam-Nguyên được cấu tạo chung thì mầm sống được gieo trồng nơi ấy. Trong sự giao hợp của cha mẹ, nếu không nhằm lúc thọ thai của người mẹ, và không có chúng sanh đầu thai (Gandhabba), thì mầm sống không thể gieo trồng được. Nếu nhằm lúc thọ thai của người mẹ mà không có chúng sanh đầu thai thì mầm sống cũng không gieo trồng được. Nếu nhằm lúc thọ thai của người mẹ và chúng sanh đi đầu thai cũng có mặt trong lúc giao hợp, nếu hội đủ ba nhân: tinh-trùng, noãn bào và thức, thì mầm sống được gieo trồng.

Danh từ Gandhabba hay Gantabba không phải tên của Mụ Bà hay Ðức Thầy chi chi đó có phận sự bảo hộ thai bào, theo sự tin tưởng của nhiều người. Ðây chỉ nói về một chúng sanh đủ điều kiện, sẵn sàng đến thọ sanh trong bụng của một chúng sanh. Danh từ Gandhabba chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt này thôi, chớ nên lầm tưởng là một linh hồn bất diệt.

Nếu có một chúng sanh sắp thọ sanh nơi đây, thì phải có một chúng sanh sắp chết ở một nơi nào khác. Sự sanh của một chúng sanh, tức là sự kết hợp (Khandaman Patubhavo) hai cái hiện tượng về tinh thần và vật lý, tương hợp với sự diệt của một chúng sanh trong quá khứ, giống như sự xuất hiện của mặt trời vậy. Mặt trời mọc một nơi nào, có nghĩa là mặt trời lặn một chốn khác. Muốn cho dễ hiểu hơn, chúng ta tưởng tượng đời sống như một lượn sóng. Sanh và diệt là hai giai đoạn của sự diễn tiến sống chết, chết sống. Sự liên tục tiếp nối mãi của sống chết, chết sống và nguồn sinh lực của mỗi cá nhân, được gọi là Luân-Hồi (samsàra).

2. Ðâu là nguồn gốc tường tận của sự sống?

Ðức Phật đã nói rằng: Luân-Hồi ở bên ngoài ranh giới cuối cùng của sự hiểu biết.

Chúng ta không thể biết được cái khởi thủy của chúng sanh, vì vô-minh và phiền-não của lòng ham muốn làm lôi kéo luân chuyển triền miên.

Triều lưu của sự sống cuộn chảy mãi mãi, do các dòng nước nhơ đục của vô-minh và ái-dục bồi dưỡng không ngừng nghỉ. Khi nào hai nhân này bị cắt đứt, thì triều lưu của sự sống mới ngưng chảy, sự tái sanh sẽ chấm dứt, y như trường hợp của Chư Phật và Chư A-La-Hán. Khởi thủy của triều lưu sự sống không thể biết được vì nó phát sanh do một mãnh lực đầy vô-minh và ái-dục.

Nơi đây Ðức Phật chỉ nói về triều lưu sơ khởi của sự sống loài người thôi và không đề cập đến những huyền học hay đạo-lý nào có thể làm cho con người hoang mang, luôn cả những lý thuyết không có tánh cách xây dựng hay giải thoát, nhứt là những nghiên cứu biện luận về nguồn gốc và sự tiến triển của vũ trụ. Ðức Phật cũng không bắt buộc môn đệ Ngài phải tin tưởng một cách mù quáng về những gì liên quan đến nhân khởi thủy. Ngài đặc biệt chú trọng vấn đề Khổ và Diệt Khổ thôi, ngoài mục đích xác thực duy nhứt ấy, Ngài không muốn đá động đến vấn đề nào khác.

3. Do đâu chúng ta tin có sự tái-sanh?

Ðức Phật là bậc thông suốt về vấn đề Tái-Sanh. Chính trong đêm chứng đạo quả Niết-Bàn, trọn canh đầu, Ngài dùng tuệ-giác rọi xem trở lại các đời dĩ vãng của Ngài, từ một, hai, ba đến trăm ngàn muôn kiếp quá khứ. Trong canh hai, Ðức Phật dùng thiên nhãn, xem thấy chúng sanh chết ở kiếp này, tái sanh lại kiếp khác, kẻ hèn người sang, kẻ đẹp người xấu, kẻ được hạnh phúc, người bị khốn khổ, tùy theo hành vi của họ (Majjhima Nikàya, Maha Accaka Sutta, 36)

Các đoạn kinh giải về thuyết Tái-Sanh cho chúng ta biết rằng Ðức Phật không dựa vào một nguồn gốc nào đã sẵn có để giải thích vấn đề ấy. Ngài chỉ nói theo nhận thức siêu phàm của chính Ngài mà chúng ta cũng có thể đạt được nếu biết trau giồi đúng mức.

Trong kinh DHAMMAPÀDA (Pháp Cú), Ðức Phật có nói: " Trải qua vô lượng kiếp Luân Hồi (Anekajàti), Như Lai đã phải đi lạc đường, trong khi muốn tìm cho ra người thợ cất nhà này; khốn khổ thay, Như Lai đã phải sanh đi, sanh lại triền miên (Dukkha jàti puna punam) ".

Trong kinh DHAMMACAKKA SUTTA có ghi lời giảng đầu tiên của Ðức Phật về cái chân lý thứ hai như vầy:

"Yàyam Tanhà Ponobhavikà", nghiã là sự ham muốn quá-độ (Ái-Dục) đem lại sự Tái-Sanh; và câu kết-luận:

"Ayamantimà jàti Natthidam Punhabavo" , nghiã là kiếp này là kiếp sống cuối cùng của Như-Lai.

Trong kinh Majjhima Nikàya có ghi rằng vì lòng Từ-Bi Bác-Ái đối với chúng sanh, Ðức Phật thường rọi thiên-nhãn tìm người hữu duyên để tế-độ. Ngài thấy chúng sanh đương tạo nhiều tội lỗi có ảnh hưởng đến kiếp vị-lai của họ. (Paraloka Vajja Bhaya Dassàvino).

Trong nhiều thời pháp, Ðức Phật thường nói rằng chúng sanh nào làm dữ, sau khi chết (Parammarana) sẽ tái sanh trong cảnh khổ; chúng sanh nào làm lành sẽ tái sanh trong cảnh vui.

Trong kinh GHANTIKARA SUTTA , Ðức Phật thuật lại cho Ðại-đức ANANDA biết rằng vào thời-kỳ Phật-Tổ KASSAPA (Ca-Diếp), Ngài sanh làm một vị Bà-La-Môn, tên Jotipãla , thông suốt ba bộ kinh Phệ-Ðà. Khi vào xuất-gia theo Phật-Tổ KASSAPA, Ngài siêng năng thọ trì Tam-Học, thuộc nằm lòng trọn bộ Tam-Tạng, và được Phật-Tổ KASSAPA thọ ký.

Trong kinh ANÀTHAPINDIKAVADA SUTTA có ghi truyện nhà trưởng giả Cấp-Cô-Ðộc, sau khi chết liền tái sanh vào cảnh Trời, có về viếng thăm Ðức Phật trong đêm sau.

Trong kinh Anguttara Nikàya , Ðức Phật có nói đến kiếp quá khứ của Ngài, khi Ngài sanh lên làm PACETANA.

Trong kinh PARANIBBÀNA SUTTA, Ðại đức ANANDA có xin Ðức Phật cho biết kiếp vị-lai của vài người vừa chết trong làng nọ. Ðức Phật đã cắt nghiã rõ rệt cho Ngài ÀNANDA biết những người ấy đã đi tái-sanh nơi đâu.

Còn rất nhiều sự tích trong Tam-tạng chỉ cho mọi người biết rằng Ðức Phật đã xác-nhận sự Tái-Sanh là một sự thật không thể chối cãi được.

Thực hành đúng theo giáo-lý của Ðức Phật, các đệ-tử Ngài có thể mở mang sự hiểu biết về quá-khứ và có thể biết ít nhiều về tiền kiếp của họ. Riêng về Ðức Phật , Ngài thấu rõ vô số kiếp quá khứ của Ngài.

Trước thời Ðức Phật ra đời, một số người Ấn-độ Rishis được nổi tiếng nhờ họ có thần thông về thiên-nhãn, thiên-nhĩ, thần giao cách cảm, viên giác, v.v....

Mặc dầu khoa học chưa tiến tới mức ấy, nhưng trong Phật-Giáo, người ta có thể đạt được các pháp thần-thông bằng cách chuyên tu về thiền-định, minh-sát. Năng-lực thiền định không xuyên qua ngũ căn, có thể đem lại sự giao cảm bằng tư-tưởng và tri giác với các cảnh giới khác.

Cũng có nhiều người khác thường, nhất là các trẻ em, do luật phối hợp bất ngờ, sực nhớ lại kiếp quá khứ, hoặc vài chi-tiết về đời trước của họ. Các trường hợp ít có này, đủ làm cho người học-giả tin nơi kiếp quá-khứ. Người ta thuật lại rằng ông PYTHAGORE đã nhớ lại tường tận một cái thuẫn trong một đền thờ Hy-Lạp, là vật mà ông đã dùng trong một tiền kiếp lúc vây hãm thành TROIE.

Do thí-nghiệm của các nhà tâm-linh-học, những hiện tượng ma quỉ, những giao cảm tư tưởng giữa hai cảnh âm dương, những thiên tư khác thường đã đem lại ít nhiều sáng tỏ trong vấn đề Tái-Sanh.

Có lúc tình cờ, chúng ta gặp những người xa lạ, mà chúng ta lại có cảm giác như quen biết họ từ lâu. Ðôi khi trước những cảnh vật xa lạ, thình lình chúng ta có cảm tưởng đã quen thuộc với cảnh vật ấy. Những sự khêu gợi bất ngờ này không ngoài chứng tích đã kinh nghiệm trong thời gian quá khứ.

Sự thông suốt mọi lẽ của các bậc Siêu Phàm, các bậc Toàn Giác như Ðức Phật chẳng phải là chuyện phi thường tình cờ, cũng chẳng phải là kết quả của những kinh nghiệm trong một kiếp sống mà thôi.

Ngoài các lý do kể trên, chúng ta không thể giải thích cách nào về thiên tài xuất chúng của các ông Homère, Platon, Shakespeare, của những thần đồng như Pascal, Mozart, Beethoven, v.v ...

Vài bác-sĩ cho rằng sự thông minh của các thần đồng là kết quả của những hạch tuyến khác thường, nhứt là hạch màng mũi, tùng quả tuyếnvà thận tuyến.

Nếu không tin sự giải thích theo nghiệp quả mà chỉ căn cứ nơi sự phát triển khác thường của các thứ hạch nói trên, thì không biết khoa học giải thích thế nào về trường hợp của ông Christian Heinecken. Vài giờ sau khi ông ra đời, ông đã nói chuyện được; khi ông được một tuổi, ông trả thuộc lòng vài đoạn Thánh-Giáo trong cuốn Sấm-truyền; đến hai tuổi, ông trả lời tất cả những câu hỏi về địa-dư; đến ba tuổi, ông nói tiếng Pháp, tiếng La-tinh; đến bốn tuổi, ông có thể theo học các lớp triết-học.

Ông Stuart Mill vừa ba tuổi đã đọc chữ Hy-lạp. Ông Macaulay, lúc sáu tuổi, viết sử-ký thế-giới. Ông William James Sidis vừa mới lên hai đã đọc và viết chữ mẹ đẻ (Hoa Kỳ), đến tám tuổi đã nói các thứ tiếng Pháp, Nga, Anh, Ðức và chút ít tiếng La-tinh và Hy-lạp.

Khoa học không thể giải thích tại sao các hạch tuyến chỉ phát triển trong một vài người, mà không trổ sanh cho tất cả. Vấn đề chánh này không thể giải quyết được. Cũng không thể đổ cho sự di-truyền, bởi các thần đồng nói trên không phải người thừa hưởng nơi ông cha và cũng không thể nối truyền lại cho con cháu được. Cũng không thể nói rằng những kết quả tốt đẹp ấy do nơi công trình thu thập trong thời gian đôi ba chục năm, trong đời sống hiện tại ngắn ngủi này. Mà đó là bao nhiêu cố gắng, tập sự trong nhiều kiếp người, để tiến lần hồi đến sự tận-thiện, tận-mỹ trong những kiếp sau.

Nếu ta tin tưởng nơi hiện tại và vị lai, lẽ tất nhiên ta không thể không nhìn nhận có quá khứ. Và nếu có đủ lý lẽ cho ta tin rằng ta đã có sống trong quá khứ, thì không lý do nào ta không tin rằng ta sẽ còn phải sống trong vị-lai sau khi hiện tại này chấm dứt.

4. Nghiệp-báo và tái-sanh biện minh những chi?

1) Vấn đề khổ mà chính ta phải chịu trách-nhiệm;

2) Sự chênh lệch gần như bất công giữa nhân loại;

3) Tại sao có những vĩ nhân và thần đồng;

4) Sự khác nhau về tinh-thần tính nết của hai trẻ sanh đôi, mặc dầu giống nhau y hệt về thể xác và được nuôi dưỡng y như nhau;

5) Sự khác nhau về tánh-tình, xu-hướng của các trẻ trong một gia-đình;

6) Sự khác nhau về đạo-đức và trí-huệ giữa cha mẹ và con cái;

7) Tật xấu tự nhiên của trẻ thơ, như tham lam, sân hận và ganh ghét;

8) Mối thiện cảm hoặc ác cảm của chúng sanh đối với nhau trong khi gặp gỡ lần đầu-tiên;

9) Ðiều lành và điều dữ đã sẵn có trong mỗi người;

10) Sự thay đổi bất ngờ của một người thiện trí thức ra một kẻ tầm thường, hoặc một kẻ sát nhân thành bực thánh-nhân;

11) Cha mẹ đạo-đức sanh con hung ác, cha mẹ hung ác sanh con hiền từ;

12) Tại sao có khi ta là kết quả của hành vi quá khứ và sẽ là kết quả của hành vi hiện tại, hoặc có khi ta không phải là kết quả hoàn toàn của hành vi quá khứ, mà cũng sẽ không phải là kết quả nguyên vẹn của hành vi hiện tại;

13) Tại sao có những cái chết bất đắc kỳ tử và sự thay đổi tài sản sự nghiệp một cách bất ngờ;

14) Những đặc tính xuất chúng, tinh thần đạo đức trí tuệ viên mãn của các bậc toàn giác như Ðức Phật.

5. Triều-lưu diễn tiến của sự tái-sanh

Bài pháp PATICCA SAMUPPÀDA đã giải thích đầy đủ cách diễn tiến của sự Tái-Sanh. Paticca nghĩa là do nơi hay vì lẽ. Samuppàda nghĩa là phát sanh hay nguồn gốc. Paticca Samuppàda là "sự phát sanh tùy thuộc" hay "nguồn gốc liên quan" hay "nhân quả tương quan".

Pháp Paticca Samuppàda chỉ giải thích về sanh-tử-khổ và không đề cập đến sự tiến triển vũ trụ từ thể chất nguyên thủy, cùng những bí ẩn về nguồn gốc tuyệt đối của sự sống.

Vô-Minh (Avijjà) là không hiểu biết thật tướng của sự vật, là mối dây đầu tiên, hay là nhân khởi thủy của bánh xe luân-hồi. Nó che đậy tất cả sự hiểu biết chân chánh.

Do nơi Vô-Minh mới phát sanh hành vi tạo-tác (Sankhàrà), gồm cả tư-tưởng, lời nói và việc làm, lành dữ. Các hành-động phát khởi từ Vô-Minh hay nhuộm mầu sắc Vô-Minh, sớm muộn sẽ đem lại kết quả để cột trói ta trong vòng luân-hồi. Những việc lành dầu không do lòng tham sân si, cũng phải dứt tuyệt bợn nhơ, mới mong giải thoát luân-hồi. Vì thế nên Ðức Phật ví Pháp-Bảo của Ngài như con thuyền bát-nhã chở đưa khách lữ-hành qua khỏi sông mê biển khổ.

Hành động của Chư Phật và Chư A-La-Hán không được coi như là Sankhàrà , vì nó không bị Vô-Minh chi phối.

Do nơi Hành mới phát sanh cái Thức (Patisandi Vinnàna). Người ta gọi là thức Tái-Sanh vì nó nối liền quá khứ với hiện tại. Chính nó đã phát sanh trong lúc thọ thai.

Danh Sắc hay Tinh-Thần và Vật-Chất (Nàma-Rùpa) cũng đồng thời phát sanh một lượt với cái Thức.

Lục Căn (Salàyatana) phát sanh do hiện tượng thuộc về tinh thần vật lý.

Do Lục Căn mà có sự Tiếp Xúc (Phassa).

Sự Tiếp Xúc đem lại cảm giác, tức là Thọ (Vedanà).

Do sự cảm giác mới phát sanh sự ham muốn ái Dục (Tanhà).

Ham muốn sinh ra sự bám víu, tức là Thủ (Upàdàna).

Thủ gây ra Nghiệp Quả, tức là Hữu (Bhava).

Nghiệp Quả gây ra kiếp vị lai , tức là SANH (Jàti)

Già và chết (Jàti-marana) là kết quả không tránh được của sự Sanh.

Do một nhân có một quả phát sanh. Nhân dứt thì quả cũng dứt. Muốn dễ hiểu nên diễn ngược lại pháp PATICCA SAMUPPÀDA.

Sự già và chết chỉ có thể có được trong một bộ máy có lục căn, gọi là thân thể. Thân thể ấy có do nơi sự Sanh. Sự Sanh sản lại là cái quả của những hành vi quá khứ. Hành vi được sanh ra bởi sự bám víu, đã phát sanh do sự Tham Muốn. Những Tham Muốn có do nơi cảm giác. Cảm giác có do sự Tiếp Xúc giữa Giác quan và Sự vật. Giác quan này có không ngoài tâm và thân thể. Thân Tâm lại phát sanh do nơi Thức. Thức phát sanh do nơi không hiểu biết tánh chất thiệt thọ của sự vật.

Sự diễn tiến của Sống và Chết cứ xảy ra mãi mãi không cùng tận. Manh mối đầu tiên của sự diễn tiến ấy không thể biết được; cũng như ta không thể biết đến lúc nào sự tiến triển ấy hết bị Vô Minh chi phối. Chừng nào sự mê lầm của ta đuợc thay thế bằng sự sáng suốt thấu rõ Niết Bàn; chừng ấy sự diễn tiến của Tái Sanh mới chấm dứt.

6. Hình thức của sanh-tử

Dùng những danh từ riêng biệt tinh tế giải thích sơ lược diễn tiến của sự Tái Sanh, Phật Giáo cho rằng cái chết là do một trong bốn nguyên nhân sau đây:

1) Tận Nghiệp (Kammakhaya): sự suy kiệt năng lực tái tạo của Nghiệp (hết Nghiệp). Theo Phật Giáo, cái tư tưởng, tác ý hoặc ái dục, là một năng lực vô cùng mạnh mẽ trong lúc sinh thời; đến lúc chết, năng lực lại còn mạnh hơn muôn phần. Chính tư tưởng cuối cùng ấy định đoạt điều kiện cho kiếp sống vị lai. Ðến lúc lâm chung, tư tưởng biểu xuất một tiềm lực đặc biệt. Khi tiềm lực của Tận Nghiệp này (của kiếp hiện tại) tắt mất, thì những hoạt động của cơ thể và nguồn sinh khí liền chấm dứt trước phút cuối cùng ấy. Ðiều này thường xảy đến cho những chúng sanh trong cảnh khổ (Apàya), nhưng cũng có khi xảy đến cho những người thuộc cảnh giới khác.

2) Mãn Kỳ Hạn của Kiếp Sống (Àyukhaya), kỳ hạn này khác nhau tùy cảnh giới, như trường hợp của người chết vì tuổi già, hết tuổi thọ.

3) Năng lực tái tạo của Nghiệp và kỳ hạn kiếp Sống đồng chấm dứt một lượt (Ubhayakhaya), vừa hết nghiệp, vừa hết tuổi thọ.

4) Sự phát động đối ứng c?a một nghiệp lực khác mạnh hơn, làm cắt đứt thình lình triều lưu của nghiệp Tái tạo, trước kỳ hạn của kiếp Sóng. Chết bất đắc kỳ tử hay chết yểu đều do nhân này.

Chết do ba nhân đầu, thường gọi chung là chết hợp thời (Kàlamarana). Chết do nhân thứ tư gọi là chết không hợp thời (Akàlamarana).

Tử có bốn nhân, Sanh cũng có bốn cách:

1) Sanh từ trong trứng (Andaja: noãn sanh);

2) Sanh từ trong thai (Jalapuja: thai sanh);

3) Sanh từ chỗ ẩm thấp (Samsadeja: thấp sanh);

4) Sanh từ sự đột biến (Upapatika: hóa sanh).

Những ấu trùng lấy nơi ẩm thấp làm tổ để nảy nở, như nhiều loại vi sinh vật gọi là thấp sanh. Những chúng sanh tự hóa sanh, thường mắt phàm tục không nhìn thấy được. Do điều kiện của nghiệp quá khứ, chúng sanh ấy tự nhiên xuất hiện, không phải đi ngang qua giai đoạn phát triển trong phôi thai. Hạng chúng sanh như Ngạ Quỉ (Preta), Trời (Deva) và Phạm Thiên (Brahma) đều thuộc giới hóa sanh.

-ooOoo-

Ðầu trang | Phần II


[ Trở Về ]