Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


 
 
Quyển thứ mười bảy

-ooOoo-

Khi ấy, từ nước Ma Kiệt, đức Phật đi đến nước Ca Duy La (Kipilavatthu).

Pháp sư nói: theo tuần tự, tôi sẽ nói về nhân duyên nguồn gốc.

Bấy giờ đại vương Thu Ðầu Ðàn Na (Suddhonamahàrà-jan) nghĩ rằng: vào ngày đầu tiên xuất gia, Con ta tự tuyên bố nếu thành Phật sẽ trở về nước này.

Nhớ lại lời này, vua lại suy nghĩ Con ta thành Phật sẽ trở về.

Do đó, luôn theo dõi tin tức của con, vua nghe rằng sau khi con mình tu hành khổ hạnh đi đến dưới cây bồ đề và đắc đạo, rồi lại đến nước Ba La Nại chuyển pháp luân Tứ đế, độ cho nhóm Kiều Trần Như (Annata-kondanna) năm người xuất gia, hiện nay đang ở nước Ma Kiệt (Magadhà). Tuổi ta đã già, trong lúc đang còn sống nên gặp lại con ta.

Sau khi suy nghĩ như vậy, vua gọi đại thần và bảo: ta nghe người ta nói rằng Thái tử đã thành Phật, đang ở tại nước Ma Kiệt. Khanh hãy dẫn một ngàn người đến nghênh tiếp. Ðến nơi, khanh hãy tâu với Thái tử rằng ta đã già muốn gặp lại nhau.

Vâng lệnh vua, đại thần dẫn một ngàn người nối nhau trước sau cùng đến nước Ma Kiệt. Ðến nơi, họ đến gặp Phật, đem đầu mặt lạy sát chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Quán sát tâm ý một ngàn người này, Thế Tôn thuyết pháp cho họ. Sau khi nghe pháp, một ngàn người này liền chứng quả La Hán. Ðược đức Phật gọi thiện lai (hãy đến đây) họ liền đắc giới cụ túc.

Sau khi đắc quả La Hán rồi, một ngàn tỳ kheo này nhập vào quả thiền định, hưởng an lạc của giải thoát và ở lại nơi ấy không muốn trở về nữa. Ðược vua đưa tin đến nhưng họ cứ kéo dài thời gian mãi, không trở về lại không báo tin gì trở lại.

Nhà vua lại sai đại thần đi mời nữa, lần lượt sai đến tám vị, mỗi vị với một ngàn người cùng đi đến gặp Phật và đều xuất gia chứng quả La Hán, không có người nào trở lại báo cho vua biết.

Vua lại tính toán rằng ta lại phải sai ai đi đây?

Khi ấy, có một đại thần tên Ca Lưu Ðà Di cùng sinh một ngày với Bồ Tát. Vua sai Ca Lưu Ðà Di (Kàludàyi) đến nghinh đón Phật.

Như tám vị đại thần đã nói ở trước, trước hết, Ca Lưu Ðà Di tâu: xin vua cam kết rằng nếu cho xuất gia, thần sẽ đi đón về.

Vua đáp: - Tốt.

Vâng lệnh vua xong, Ca Lưu Ðà Di đưa một ngàn người đến đó. Ðược đức Phật thuyết pháp, họ liền chứng quả La Hán. Ðược đức Phật gọi thiện lai tỳ kheo, họ đắc giới cụ túc.

Bấy giờ, nhân trông thấy lúa kết hạt, cây cỏ dưới nước trên bờ nở hoa xinh đẹp, thời tiết điều hòa nên Ca Lưu Ðà Di nói sáu mươi bài kệ ca tụng đường đi.

Phật biết nhưng cố hỏi: - Này Ca Lưu Ðà Di, vì việc gì mà ông ca tụng đường đi?

Ca Lưu Ðà Di đáp: - Ðại vương Du Ðầu Ðàn Na sai con đến đây muốn thưa chuyện với Phật.

Phật dạy: - Ông hãy nói đi.

Ca Lưu Ðà Di bạch: - Vua cha nói rằng Ta đã già, lúc đang còn sống muốn được gặp Phật, nên sai con đến đây nghênh đón, xin đức Phật thương xót đại vương mà đi ngay lúc này.

Ðức Phật bảo: - Này Ca Lưu Ðà Di, ông hãy truyền bảo các tỳ kheo rằng đức Phật muốn du hành, hãy tự chuẩn bị hành trang để đi theo Phật.

Bấy giờ, tại nước Ương Già Ma Kiệt đã có mười ngàn tỳ kheo, từ nước Ca Duy La Vệ đến đón Phật có mười ngàn tỳ kheo, tổng cộng là hai vạn vị, đều là bậc La Hán. Từ nước Ma Kiệt, họ tuần tự theo Phật ra khỏi thành.

Nước Ma Kiệt cách thành Ca Duy La Vệ sáu mươi do tuần, Thế Tôn từ từ du hành, trãi qua sáu mươi ngày thì đến nước Xá Vệ.

Bấy giờ, thức ăn mà đức Phật dùng hằng ngày vào buổi sáng đều do phụ vương cúng dường.

Ðược thức ăn do phụ vương dâng cúng là vì đến giờ thọ trai, Ca Lưu Ðà Di mặc y mang bát đằng vân lên không trung, bay đến thành La Vệ (Xá Vệ?) bạch phụ vương rằng đức Phật đã đến chỗ...Sau khi dọn ăn cho Ca Lưu Ðà Di, phụ vương đựng đầy bát thức ăn, trao cho Ca Lưu Ðà Di và bảo rằng xin đại đức đem bát này dâng lên Phật.

Cứ như vậy, hằng ngày đi nhận thức ăn cho Phật và sau khi thọ thực của phụ vương dâng cúng, Ca Lưu Ðà Di tán thán công đức của Phật với phụ vương và các Thích tử.

Nghe tán thán về công đức của Phật, các Thích tử càng tăng thêm lòng tin bội phần. Họ cùng nhau tập họp và bàn tính rằng đức Phật không ưa sự ồn ào, chúng ta nên tìm chỗ yên tịnh lập tinh xá cho Ngài.

Khi ấy Thích tử Di Cù Ðà (Nigrodhasakka) có một khu vườn không gần cũng không xa (thành phố) quá để có thể lập tinh xá.

Các Thích tử đều cùng nhau xuất tài vật để làm tinh xá cho Phật. Sau khi tinh xá hoàn thành, phụ vương cùng các Thích tử và mọi người bưng hương hoa đi nghênh đón Phật. Ðến nơi, phụ vương và những Thích tử (có vai vế) lớn hơn đức Phật đều không làm lễ Phật, còn những người nhỏ hơn Phật đều làm lễ Ngài.

Thấy phụ vương và trong số các Thích tử có người không làm lễ Ngài, biết ý họ nên đức Phật bay lên hư không hiện ra mười tám pháp biến hóa như khi dùng thần lực để hàng phục ngoại đạo.

Thấy thần lực của Phật như vậy, phụ vương và các Thích tử tự nhiên làm lễ Phật. Sau khi làm lễ, vua Du Ðầu Ðàn Na bạch Phật rằng: Ðây là lần thứ ba, trẫm làm lễ dưới chân Như Lai.

Ba lần làm lễ dưới chân Phật vào lúc nào?

- Lần thứ nhất: Khi Phật mới đản sinh, A Di Tương (Asita) nói nếu (thái tử) ở tại gia thì làm chuyển luân thánh vương. Nếu xuất gia học đạo thì chắc chắn thành Phật. Bấy giờ mặt đất bị chấn động. Thấy thần lực như vậy, trẫm liền làm lễ.

- Lần thứ hai: Lúc trẫm ra ngoài du ngoạn cày ruộng, Bồ Tát ở dưới cây Diêm phù. Khi mặt trời đã xế nhưng bóng cây vẫn đứng yên không di chuyển, che mát trên thân Bồ Tát. Thấy thần lực như vậy, trẫm liền làm lễ.

- Hôm nay, trông thấy thần lực của Phật như vậy, trẫm liền làm lễ, đây là lần thứ ba lễ sát chân đức Như Lai.

Khi vua Du Ðầu Ðàn Na lễ dưới chân đức Như Lai, tất cả các Thích tử đều làm lễ theo, không một người nào đứng yên cả.

Từ hư không hạ xuống, đức Phật an tọa trên tòa sư tử. Vua và các Thích tử cũng đồng thời an tọa.

Sau khi mọi người đã ổn định thì trời mưa sắc đỏ làm sạch bụi đất. Người nào thích ướt thì bị ướt, ai không thích ướt thì tuy trong mưa nhưng không bị ướt. Thấy thần lực của mưa như vậy mọi người càng thêm hoan hỷ.

Bấy giờ, đức Phật thuyết pháp cho mọi người. Ðược nghe Phật thuyết pháp, vua và các Thích tử có người đắc Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, cùng nhau lễ Phật, đi nhiễu ba vòng rồi từ giã. Vua và Thích tử không có một người nào (nghĩ đến việc) thỉnh Phật thọ trai vào trưa (hôm sau) cả.

Sáng hôm sau, đến giờ, đức Phật và hai vạn tỳ kheo mặc y mang bát, tuần tự trước sau đưa nhau đi vào thành Ca Duy La Vệ. Ðến cửa thành, đức Phật suy nghĩ: chư Phật thời quá khứ vào thôn xóm của quyến thuộc khất thực như thế nào, nên khất thực theo thứ tự hay chọn riêng (từng nhà). Ngài quán sát thấy rằng chư Phật quá khứ đều khất thực theo thứ tự chứ không lựa chọn.

Lại nữa, vì để đệ tử Thanh Văn trong tương lai sống theo pháp của Ta cần phải khất thực theo thứ lớp.

Trong thành, nghe đức Phật đưa chúng tăng vào thành khất thực, các Thích tử đều mở rèm cửa ra để xem Phật khất thực. Ðang ở trên lầu, nghe đức Phật vào thành khất thực, mẹ La Hầu La (Ràhulamàtà) suy nghĩ rằng khi chàng còn ở nhà, đội mão thiên quan, trang sức anh lạc, cỡi xe bằng bảy báu, ngàn xe vạn kỵ mã hộ vệ trước sau khi đi lại. Nay, chàng cạo bỏ râu tóc, mặc ca sa, bưng bát đi khất thực, ta hãy xem có đẹp (như trước đây) không?

Sau khi suy nghĩ, vén rèm ra nhìn, bà trông thấy đức Phật phóng ánh sáng năm màu, chiếu tỏa trên đất như dung kim (nước vàng nấu chảy). Thấy như vậy rồi, Da Thâu Ðà La (Yasodharà) vào tâu vua rằng con đại vương đang vào thành khất thực.

Nghe tâu, vua vội vàng đi ra, đến gặp Phật và thưa rằng: - Ðại đức khất thực làm cho trẫm xấu hổ. Trẫm có thể cung cấp cho Ðại đức và tất cả đệ tử, cần gì phải khất thực.

Ðức Phật đáp: - Giòng họ của ta là như vậy.

Nhà vua lại bạch Phật: - Giòng họ Sát Ðế Lợi của ta không có khất thực, tại sao lại nói giòng họ của ta như vậy?

Ðức Phật đáp rằng: - Chư Phật quá khứ là giòng họ của ta chứ không phải giòng họ Sát Ðế Lợi.

Vì nhà vua, đức Phật nói kệ:

Ðứng dậy không biếng nhác
Luôn đi theo pháp thiện
Hành pháp được an ổn
Ðời này và đời sau.
Nghe kệ xong, nhà vua đắc Tu Ðà Hoàn đạo.

Ðức Phật lại nói thêm kệ cho vua:

Hành pháp là hành thiện
Không hành theo pháp ác
Hành pháp được an ổn
Ðời này và đời sau.
Sau khi nghe bài kệ thứ hai, vua lại đắc Tu Ðà Hàm đạo.

Ðức Phật lại thuyết cho vua nghe kinh Bổn Sanh Cù Ma Ba La (Dhammapàlajàlaka - Hộ pháp bổn sanh).

Sau khi nghe kinh, vua đắc A Na Hàm đạo. Khi vua lâm chung, ngay dưới lọng trắng (đang làm vua), được nghe Phật thuyết pháp, vua đắc quả A La Hán và nhập Niết Bàn.

Bấy giờ, vua thỉnh bát của Phật, thỉnh Phật và tăng, đích thân dẫn đường, mời lên thượng điện dọn các món ăn thơm ngon cúng dường.

Sau khi Phật thọ trai xong, các thể nữ trong cung nghe Phật thọ trai xong, bảo với mẹ La Hầu La rằng chúng ta hãy đến lễ bái và chào hỏi đức Thế Tôn.

Mẹ La Hầu La bảo các thể nữ rằng nếu Phật từ mẫn ta thì tự đến thăm ta, chứ ta không thể đi.

Các thể nữ cùng nhau mang hương hoa đến lễ bái Phật.

Sau khi các thể nữ ra đi, mẹ La Hầu La suy nghĩ rằng nếu Phật đến đây thì ta lạy sát chân Ngài.

Sau khi thọ trai, trao bát cho vua cha, đức Phật dẫn hai đệ tử A La Hán có thần túc đến chỗ mẹ La Hầu La. Ngài bảo cả hai rằng nếu mẹ La Hầu La lễ bái cúng dường thì để tuỳ ý bà ấy chứ đừng ngăn trở.

Họ đáp: - Lành thay!

Vào phòng mẹ La Hầu La, Ðức Phật trãi tọa cụ ra và ngồi xuống.

Thấy Phật đã an tọa, mẹ La Hầu La vội đưa hai tay nâng chân Phật rồi đặt đầu mình vào mà làm lễ.

Thấy mẹ La Hầu La làm lễ Phật, vua bạch Phật: - Thế Tôn, đối với Phật, mẹ La Hầu La rất tôn trọng.

Phật đáp: - Ðối với Ta, mẹ La Hầu la không chỉ tôn trọng trong đời này.

Vua hỏi: - Vậy đã tôn trọng vào đời nào?

Nhân đó, đức Phật thuyết kinh Bản Sinh Khẩn Na La (Candakinnarajàtaka).

Ngay ngày hôm ấy (nhà vua) muốn đem năm pháp đưa vương tử Nan-đà lên làm vua. Năm pháp ấy là (Pancamangalàni: 1-Kesavissajja, 2-Pattabandha, 3-Gharamangala, 4-Àvàhamangala, 5- Chattamangala).

1. Kết tóc.
2. Trang sức thêm tấm vải (biểu hiện vương quyền).
3. Trang trí cung điện.
4. Cưới vợ.
5. Dựng lọng riêng.
Ðức Phật đưa bát cho Nan Ðà. Ý không muốn đi nhưng vì tôn trọng đức Phật nên Nan Ðà miễn cưỡng đi theo. Theo Phật về đến chùa, ý Nan Ðà không muốn xuất gia.

Quán sát duyên đời trước của người này sẽ chứng La Hán nên Phật cố ép Nan Ðà xuất gia. Vào đến nước Ca Duy La Vệ, vào ngày thứ hai Ðức Phật mới độ Nan Ðà, vào ngày thứ bảy độ La Hầu La.

Pháp sư hỏi: - Làm sao độ được La Hầu La?

Ðáp: - Khi Phật vào thành khất thực, mẹ La hầu La đưa cậu ấy lên lầu. Trông thấy Phật từ cửa sổ, mẹ La Hầu La bảo cậu ấy rằng đấy là cha của con.

Bà ta trang điểm cho La hầu La với chuỗi anh lạc và bảo rằng hãy đến gặp cha con để xin vật báu. Khi còn ở nhà, cha con có kho vật báu lớn, nay không biết ở đâu, con hãy đến xin, thưa với cha rằng con muốn dựng lọng lên làm vua chuyển luân, cha hãy ban cho con vật báu.

Vâng lệnh mẹ, La Hầu la đến gặp đức Phật. Khi bước vào bóng của Phật, La Hầu La thưa rằng bóng của sa môn thật là mát mẻ an lạc.

Sau khi thọ trai, đức Phật trở về chỗ ở. La Hầu La liền đi theo Phật và xin vật báu nhưng đức Phật vẫn im lặng.

Như vậy, khi La Hầu La từ từ đi theo về chuà, đức Phật trải tọa cụ, sau khi an tọa bảo La Hầu La rằng: - Dưới gốc cây Bồ đề, Ta được vật quý báu này. Ðây là tài sản quý báu nhất trong tất cả các vật báu. Con có muốn được nó không?

La Hầu La đáp lời Thế Tôn: - Thưa Sa môn, con rất muốn.

Gọi Xá Lợi Phất đến, đức Phật bảo vị này rằng: - Thầy hãy độ La Hầu La xuất gia.

Xá Lợi Phất đáp: - Lành thay! Thế Tôn.

Xá Lợi Phất liền độ La Hầu La xuất gia.

Nghe La Hầu La xuất gia, vua Du Ðầu Ðàn Na rất buồn rầu, vội vàng đến gặp Phật và thưa rằng nếu ai (muốn) xuất gia phải thưa với cha mẹ trước, được đồng ý mới cho xuất gia, nếu cha mẹ không đồng ý thì xin Phật đừng độ họ.

Do đó, trong luật có nói rằng cha mẹ không đồng ý thì không được xuất gia. Nếu cha mẹ cho phép, đã xuất gia, sau đó lại hoàn tục. Sau đó muốn xuất gia lại, phải thưa với cha mẹ, nếu không được đồng ý thì cũng không được xuất gia lại.

Có người muốn cầu xuất gia, tỳ kheo hỏi cha mẹ ông có cho phép xuất gia không?

Ðáp: - Không cho.

Tỳ kheo nói: - Nếu cha mẹ không cho thì không được xuất gia.

Người kia bảo với tỳ kheo rằng nếu không độ tôi xuất gia thì tôi sẽ đốt chùa.

Gặp trường hợp nạn như vậy thì độ họ xuất gia, không phạm.

Nếu ở địa phương khác, nước khác (với chỗ cha mẹ đang ở) mà độ họ xuất gia thì không cần phải hỏi cha mẹ.

Hết phần nhân duyên La hầu La xuất gia (Ràhulavatthukathà nitthìtà).

-ooOoo-

Sa di làm mười điều ác (nàsananga) thì phải bị trục xuất. Mười điều ấy là giết hại, trộm cắp, hành dâm, nói dối, uống rượu, hủy báng Phật, hủy báng Pháp. hủy báng Tăng, tà kiến, phá hoại (tịnh hạnh) tỳ kheo ny. Trừ trường hợp phá hoại tịnh hạnh của tỳ kheo ny vĩnh viễn không được xuất gia (lại) còn chín điều kia nếu biết cải hối, không tái phạm thì được xuất gia lại.

Người nào bị mười ba chướng ngại này (dù) được người khác làm thầy cho thọ giới cụ túc cũng không đắc giới. Làm thầy giáo thọ, tự mình yết ma, được người yết ma (cũng không thành tựu).

Xuất gia có ba loại trộm:

1. Trộm hình dạng.
2. Trộm sự hòa hợp.
3. Trộm cả hình dạng và sự hòa hợp

( Tayo theyyasamvàsakà: 1.Lingtthenaka. 2.Samvàsatthenaka. 3.Ubhatthenaka).

- Trộm hình dạng là gì? Nghĩa là không có thầy mà tự xuất gia, không y cứ vào tuổi hạ của tỳ kheo, không nhận sự lễ bái theo thứ bậc, không tham dự các pháp sự của tăng, không thọ nhận tất cả lợi dưỡng. Ðây là trộm hình dạng.

- Trộm sự hòa hợp là gì? Có thầy cho xuất gia thọ mười giới nhưng chưa thọ giới cụ túc, đến địa phương khác tự tuyên bố mình có mười hạ, hay hai mươi hạ, nhận sự lễ bái của người theo thứ bậc, vào tăng dự bố tát và tất cả các yết ma khác, theo thứ tự nhận sự tín thí của người khác. Ðây gọi là trộm sự hòa hợp.

- Trộm cả hình dạng và sự hòa hợp là gì? Không có thầy mà tự xuất gia, nhận tuổi hạ theo thứ tự, tham dự vào tất cả yết ma, nhận sự cúng dường và lễ bái của người. Ðây gọi là trộm hình dạng và trộm hòa hợp.

Ðối với người trộm hình dạng, không tham gia các pháp sự, không nhận tín thí của người, không nhận lễ bái, nếu muốn xuất gia lại và thọ giới cụ túc thì được.

Nếu xuất gia vì tị nạn, vì đói nghèo, không tham dự tất cả các pháp sự, sau khi hết nạn, hết đói nghèo, nếu muốn xuất gia, thọ giới cụ túc thì được.

Tỳ kheo nào thật có một tuổi hạ lại nói dối là hai hạ, để dựa theo hai tuổi hạ mà nhận lợi dưỡng, phạm tội tính theo (giá trị) tiền (của lợi dưỡng).

Tỳ kheo nào thoát y trong nước để tắm, tức nói lõa hình tốt, nếu muốn đi đến với ngoại đạo (Titthiya) mỗi bước phạm (một) Ðột Cát La. Giữa đường, hối hận trở lại, sám hối tội Ðột cát la thì được ở lại (với tăng). Nếu đã đến chỗ ngoại đạo và nghe ngoại đạo thuyết pháp nhưng không chấp nhận nên sám hối trở về, sám hối tội Ðột cát la thì được ở. Nếu vào chỗ ngoại đạo, nghe họ nói pháp và ưa thích, chấp nhâïn pháp của ngoại đạo, cho đến bứt đi một sợi tóc, vì sợ đau nên hối hận trở về thì bị đuổi luôn.

Hết phần xuất gia trở lại và độ ngoại đạo (xuất gia) (Ttthiyapakkamanakàla).

-ooOoo-

Không được độ rồng (rắn, Naga) xuất gia. Vì sao? Vì rồng (rắn) không thể đắc thiền định, đạo quả.

Rồng có năm trường hợp không thể bỏ thân rồng. Những gì là năm?

1- Khi giao phối. Nếu (rồng) với rồng cùng giao phối thì hiện trở lại thân rồng. Nếu giao hợp với người thì không trở lại thân rồng.
2- Khi thọ sanh không bỏ thân rồng.
3- Khi thay da.
4- Khi ngủ.
5- Khi chết.
Ðây là năm trường hợp không bỏ thân rồng.

Ca Lâu La cho đến Thích Ðề Hoàn nhân cũng không được xuất gia, không được thọ giới cụ túc.

Hết phần nói về rồng (Tiracchànagatavatthukathà nitthìtà).

-ooOoo-

Không được độ người giết cha, mẹ. Trong pháp xuất gia của đức Như Lai, không độ người giết cha mẹ. Nếu giết cha mẹ súc sanh thì được xuất gia.

Ðúng là cha mẹ mà tưởng chẳng phải cha mẹ nên giết thì cũng không được xuất gia.

Không được độ cho xuất gia người giết bậc A La Hán. Nếu giết người bạch y thế tục đã đắc quả A La Hán thì cũng không được xuất gia. Nếu giết bậc đã chứng ba quả Thánh dưới (La Hán) thì không bị ngăn xuất gia. Nếu tưởng là súc sanh mà giết vị La Hán thì không phạm (việc ngăn xuất gia) nhưng vì nghiệp chướng nặng nề nên không được độ người khác.

Phá hoại (tịnh hạnh) tỳ kheo ny. Hành dâm vào (một trong) ba chỗ của tỳ kheo ny, đều gọi là pháp hoại (tịnh hạnh của) tỳ kheo ny. Nếu chỉ vuốt ve tỳ kheo ny thì không bị ngăn xuất gia.

Nếu bắt buộc tỳ kheo ny mặc y phục thế tục rồi cưỡng dâm cũng gọi là phá hoại tỳ kheo ny, không được xuất gia.

Nếu tỳ kheo ny thích mặc y phục thế tục thì người cùng hành dâm không bị ngăn xuất gia.

Người phá hoại tịnh hạnh của tỳ kheo ny lần thứ nhất thì không được xuất gia. Người phá hoại lần thứ hai (cũng với tỳ kheo ny ấy) thì không bị ngăn xuất gia.

Nếu hoại Thức Xoa Ma Na ny, Sa di thì không bị ngăn xuất gia.

Không được độ xuất gia người phá tăng. Thế nào là phá tăng? Người cố chấp vào mười tám việc, được can gián ba lần mà không bỏ.

Hai căn có ba trường hợp:

1- Tự thọ thai, làm cho người khác thọ thai.
2- Tự thọ thai, không thể làm cho người khác thọ thai.
3- Không thể tự thọ thai, có thể làm cho người khác thọ thai.
Cả ba hạng người này đều không được xuất gia, thọ giới cụ túc. Nếu họ đã thọ giới cụ túc thì phải đuổi về. Nếu không có hòa thượng thì không được cho thọ giới cụ túc. Nếu cho thọ giới cụ túc thì (tăng) bị tội Ðột Cát La, người thọ được đắc giới. Nếu hòa thượng là hoàng môn, truyền giới cho người, người thọ được đắc giới nhưng tăng (làm thầy) đều bị tội.

Người không có y bát thọ giới cụ túc, đắc giới, tăng làm thầy bị tội.

Ðược phép hai đến ba người thọ giới cụ túc một lần, đều đồng một tuổi hạ, đồng thời gian, không được lạy nhau.

Ðồng một hòa thượng, một thầy yết ma, được phép cho ba người thọ giới cùng một lúc, đồng đắc giới lạp một lúc, không ai lớn hay nhỏ cả.

Hòa thượng là tiếng nước ngoài, Hán dịch là biết tội, biết không tội.

Sau khi thọ giới phải biết lấy cỡ bóng. Lấy cỡ bóng nghĩa là đứng thẳng, bắt đầu từ bước chân, cỡ bóng dài ngắn tùy theo bóng của thân (để xác định giờ thọ giới theo bóng mặt trời -- người dịch).

Sau khi dạy họ xác định (giờ) theo bóng, dạy họ biết về thời gian, hoặc mùa xuân, đông hay hạ. Sau đó, dạy họ về ngày tháng (thọ giới). Thứ đến, dạy họ số lượng tăng chúng (truyền giới) khi họ thọ giới. Thứ đến dạy họ pháp tứ y, rồi đến tứ trọng. Sau khi họ thọ giới, bảo người mới thọ giới đi thẳng ra phía trước.

Hết phần thọ giới Kiền độ (Mahàkkhamdhakassa atthavanna pathànà).

(Xin xem tiếp Phần 17.b)

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Trở Về