Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


 
Quyển thứ sáu
(tiếp theo)

-ooOoo-

Tu-Ðề-Na không phải như trên mà làm việc bất tịnh. Dục và sắc của hai bên nam nữ giao hợp nhau thì có sự thác sinh. Ba việc hợp nhau thì sau đó sinh con. Tu-Ðề-Na cũng vậy.

Khi địa thần thấy Tu-Ðề-Na làm việc bất tịnh liền kêu lớn lên rằng... tất cả các việc làm này là ác pháp, ai cũng biết cả. Khi mới làm việc ấy thì thần hộ thân thấy, tuần tự các vị thiên có tha tâm đều biết, các thiên thần đều thấy người hành động như vậy nên kêu lớn lên. Tuần tự, truyền cho đến cõi phạm thiên, đến cõi Vô sắc, những cõi khác đều biết.

Khi ấy, đứa bé dần dần khôn lớn và cùng mẹ xuất gia . Khi bé Tục-chủng lên tám tuổi, cùng mẹ Tục-chủng xuất gia. Mẹ sống với các Tỳ kheo ny, Tục-chủng sống với các Tỳ kheo, đều được thân cận các bậc thiên tri thức (Kalyànamitta). Do đó, trong luật nói: - Cả hai cùng xuất gia và tuần tự chứng quả A-la-hán.

Liền sinh tâm hối hận nghĩa là vì trước đây đã làm việc bất tịnh nên suốt ngày đêm vị ấy sinh tâm hối hận: Ta đã làm việc bất lợi trong pháp lợi ích, tu tập phạm hạnh trong Phật pháp để đạt ba đạt trí nhưng ta không được lợi ích này. Nên gọi là đối với lợi ích, ta không được lợi ích này.

Ta bị ác lợi nghĩa là người khác xuất gia được thiện lợi còn ta không được thiện lợi mà bị nhận ác lợi.

Người phạm hạnh là giữ trọn cả giới, định và tuệ mà ta không giữ trọn được.

Gầy ốm nghĩa là từ khi hối hận thì ăn uống không ngon nên máu thịt khô héo, thân thể hình sắc thay đổi như lá cây héo úa sắp rụng.

Gân mạch đều nổi lên nghĩa là vì máu huyết khô héo nên gân mạch hiện ra.

Tâm cũng bế tắc nghĩa là tim cũng khó thở vì bế tắc.

Xấu hổ gục đầu nghĩa là tự xét thấy mình bất thiện trong pháp thanh tịnh nên sinh xấu hổ.

Khi các Tỳ kheo đi chơi đến trước phòng, thấy Tu-Ðề-Na bị gầy ốm nên hỏi: - Trước đây diện mạo hiền gải rất tươi vui, thân thể xinh đẹp, tay chân mập tròn đều đặn, nay vì sao mà gầy gò như vậy?

Các Tỳ kheo lại nói với Tu-Ðề-Na: - Hiền giả có buồn hận gì trong việc tu tập phạm hạnh, hay là không thích đời sống xuất gia nữa?

Tu-Ðề-Na đáp: - Thưa các trưởng lão! Chẳng phải tôi không thích đời sống phạm hạnh, lười biếng tu tập trong pháp thanh tịnh này, chỉ vì tôi đã làm việc ác.

Ðã làm việc ác nghĩa là đã có tạo pháp ác nên luôn thấy nó hiển hiện trước mắt.

Các Tỳ kheo nói với Tu-Ðề-Na: - Hành động của hiền giả chỉ là nghi hối.

Hỏi: - Vì sao gọi là nghi?

Ðáp: - Trong pháp luật thanh tịnh, hành động bất tịnh hạnh mà sinh nghi hối thì không thể tu tập phạm hạnh nữa.

Các Tỳ kheo tạo phương tiện để giải tỏa ý nghĩ của Tu-Ðề-Na nên nói: - Này trưởng lão! Không phải vậy đâu...

... Ðức Phật dùng các phương tiện nói pháp ly dục. Do đó, vì tất cả chúng sinh trong ba cõi mà Phật nói về năm dục để chúng viễn ly không còn thân cận các dục. Lời khác nhưng ý nghĩa như nhau.

Thuyết pháp để diệt hết ái, để đạt đến Niết-bàn, không còn luân hồi ba cõi, nên không cho ái dục. Ðức Phật đã nói về dục như vậy là để phân biệt không thân cận.

Nay thầy giao hợp nghĩa là Phật dạy tránh xa việc bất tịnh hạnh mà thầy lại cùng vợ cũ làm việc bất tịnh... nghĩa này dễ hiểu.

Ðức Phật thuyết giảng nhiều phương pháp để thoát ly mê hoặc. Nghĩa là đức Phật thuyết pháp cho chúng sinh chỉ vì dạy họ đoạn trừ mê hoặc khát ái. Bởi vì tất cả chúng sinh khao khát năm dục nên Phật thuyết pháp để khiến họ đoạn trừ.

Diệt hết hạt giống nghĩa là đức Phật thuyết pháp làm cho trừ diệt hạt giống ba cõi, ái tận là Niết-bàn.

Ái nghĩa là ái dục trong ba cõi. Chúng sinh do ái dục trói buộc nên không thoát ra khỏi ba cõi.

Tận nghĩa là diệt hết ái.

Ðắc Niết-bàn nghĩa là chúng sinh ở chín cảnh giới với bảy thức, năm đạo, bốn cách sinh trong ba cõi này, từ chỗ này qua chỗ kia rồi quay lại... như những sợi chỉ đan dệt với nhau không hở để thành tấm vải, không giải thoát khỏi ái là bị đan chặt, tận là diệt hết. Ái tận là Niết-bàn, niết là không còn, bàn là sinh, nghĩa là không còn sinh nữa.

Phật thuyết pháp trừ dục nghĩa là làm cho trừ sạch dục năm trần và dục phiền não.

Biết rõ dục nghĩa là đã biết rõ tất cả các dục và điều phục được dục nên gọi là biết.

Khát ái nghĩa là rất thèm khát mong cầu các dục.

Tư dục nghĩa là luôn tư duy về dục.

Phiền muộn dục nghĩa là đối với năm dục, luôn tư duy về những điều chưa thỏa mãn nên sinh phiền muộn.

Trên đây là sự trình bày theo đạo-đế. Câu trước nói về pháp thế gian. Câu sau nói về pháp xuất thế gian.

... trưởng lão làm cho người bất tín thì không tin, còn người đã tin thì làm theo pháp ác nghĩa là làm cho người chưa có tín tâm không tin trưởng lão, người đã có tín tâm thì thay đổi lòng tin.

Thay đổi lòng tin nghĩa là đối với giáo pháp sinh tâm hối hận nghi ngờ.

Người nào có tín tâm với đạo thì cũng như núi Tu di bị gió thổi bốn mặt cũng không lay động. Người có tín tâm này cũng như vậy. Thế nên trong luật có nói: Có người như vậy, không có người như vậy. Khi ấy, các Tỳ kheo đem sự việc bạch với đức Thế Tôn.

Các Tỳ kheo bạch cho Thế Tôn biết về ác pháp mà Tu-Ðề-Na đã làm nhưng không phải vì có tâm mong Phật khen riêng mình cũng không phải để Phật khinh bạc đuổi Tu-Ðề-Na ra khỏi pháp thanh tịnh, cũng không phải dựa vào pháp ác này để tranh cãi nhau, chỉ vì nói ra đúng sự thật mà thôi. Các Tỳ kheo đều nghĩ rằng cấu-pháp đã phát sinh nên họ bạch Thế Tôn: - Hiện nay cấu-pháp đã phát sinh, xin ngài chế giới cho các đệ tử Thanh-văn.

Do sự việc này, đức Phật tập hợp các Tỳ kheo tăng. Do hành động xấu của Tu-Ðề-Na vi phạm vào pháp thánh-nhân nên Phật tập họp các Tỳ kheo tăng.

Phật quở trách Tu-Ðề-Na... Người nào hành động theo ác pháp thì bị quở trách nên đức Như Lai quở trách.

Có người trì giới tinh tấn nghĩa là ai đáng được khen ngợi thì Như Lai khen ngợi. Như vậy đối với ai có hành động thiện hay ác, Phật đều không che dấu. Như trường hợp Tu-Ðề-Na đáng bị chê trách, nên trong luật có nói với trường hợp đáng chê trách thì đức Như Lai chê trách bằng tâm từ bi.

Phật nói: - Ngươi là kẻ ngu si, không được gì cả.

Si nghĩa là không làm việc đáng làm, làm việc không đáng làm, làm việc không phù hợp tức là làm việc bất tịnh, bất tịnh là chẳng phải pháp sa-môn.

Phật hỏi: - Vì sao ngươi làm việc như vậy, Ta đã giảng dạy việc ly dục... như trước đã nói.

Thấy Tu Ðề Na đã làm pháp ác, Phật vói tâm từ bi bảo rằng: Này, người si mê. Cũng như cha mẹ từ bi nhưng thấy con làm việc xấu thì cũng la mắng con mình: Vì sao ngươi ngu si làm việc như vậy! Thế nên, trong luật có nói: Này kẻ ngu si, thà rằng ngươi đem nam căn đặt vào miệng rắn độc, chớ nên đặt vào nữ căn.

Miệng rắn độc, ai đụng vào miệng rắn độc thì thịt họ bị hư thối. Bị chết như vậy tốt hơn, vì nếu đặt nam căn vào nữ căn thì sau khi chết bị đọa địa ngục không có ngày ra. Do đó, thà rằng đặt nam căn vào miệng rắn độc là như vậy.

Ðặt vào là bị hư thối ngay nghĩa là làm như vậy thì chết ngay nhưng không bị đọa địa ngục, còn đặt vào nữ căn thì bị luân hồi trong địa ngục.

Thà đem nam căn đặt vào lửa cháy rực chứ không đặt vào nữ căn. Vì sao? Người ngu si bị lửa đốt cháy thì có khi chết, khi không chết. Dù bị chết thì chỉ thân này chịu một chút khổ chứ không như vậy mà bị đọa địa ngục bị khổ não dữ dội.

Các pháp bất thiện là pháp của kẻ xấu. Pháp hoang dã là pháp của người sống nơi hoang dã.

Tội lớn là phiền não lớn.

Mạt thủy pháp (Odakantika - mé nước, nước rửa sau cùng) là khi làm việc phi pháp xong, dùng nước (để rửa) nên gọi là mạt thủy.

Tại chỗ vẳng vẻ là chỉ có hai người, có thể làm việc bất tịnh. Ðây là bắt đầu các pháp ác.

Hỏi: - Vì sao đức Phật nói như vậy?

Ðáp: - Trong pháp thanh tịnh này, do Tu-Ðề-Na gây cấu bẩn nên gọi là Tu-Ðề-Na là kẻ phạm cấu bẩn đầu tiên trong tịnh pháp này.

Như Lai dùng các phương tiện nghĩa là chê trách bằng nhiều cách.

Người này khó nuôi dưỡng nghĩa là được che chở trong pháp mà không thể tự bảo vệ được thân mình nên gọi là khó nuôi dưỡng.

Người không biết đủ nghĩa là sống tích lũy của cải thì gọi là không biết đủ vì nếu được của quí báu nhiều như núi Tu di cũng không vừa ý nên gọi là không biết đủ.

Thân tụ tập lại một nơi nghĩa là cùng tập họp lại một chỗ mà khen nhau hoặc vì phiền não nên khen nhau.

Lười biếng có tám hành động nói lên hết các trường hợp lười biếng này

Ðức Như Lai phương tiện khen ngợi sự ít muốn, biết đủ, dễ nuôi, dễ sống.

Ít muốn là không có tham lam, nhận sự cúng dường tùy theo ý người khác.

Người nào giữ sự dễ nuôi thì có thể chế ngự sáu tình (dục căn) và không chạy theo sáu trần nên gọi là dễ nuôi.

Dễ sống nghĩa là đối với bốn sự cúng dường biết điều độ, biết vừa phải (trong việc nuôi sống) nên gọi là dễ sống.

Khi được vật dù ngon hay dỡ đều nhận lấy vì ít muốn là biết đủ.

Tịnh vì ít muốn biết đủ nên gọi là tịnh. Ðã thanh tịnh thì không bị nhiễm trần cấu, chính là giũ sạch. Nhân giũ sạch trần cấu nên gọi là đoan chính. Lại nói ba nghiệp đều tịnh, trừ diệt ba nghiệp bất thiện thì không bị người chê bai nên gọi là đoan chính.

Không tụ lại nghĩa là mở bày làm cho phân tán hết những phiền não che phủ thân nên gọi là không tụ lại. Vì không cho tụ lại tức là dũng mãnh tinh tấn. Giới được đức Phật chế do các Tỳ kheo, người thiện có thể tin nhận vì thích ứng với các Tỳ kheo. Vì sao? Nếu người ít muốn biết đủ thì có thể thọ trì. Do đó, họ được đức Phật thuyết giới-bổn như hoa năm màu được tuần tự kết lại, như tuần tự xâu từng hạt ngọc bảy báu.

Giảng thuyết về đời này đời sau khiến cho sợ hãi. Nếu người nào ưa thích học và sống với giới thì chứng quả A-la-hán hoặc Tư-đà-hàm, A-na-hàm, Tu-đà-hoàn. Người nào không có nhân duyên đạt được như vậy thì cũng được sinh thiên. Nếu đức Phật thuyết giảng A-hàm dài hay A-hàm ngắn thì người thiện cũng có thể tín thọ.

Giới là học địa. Học địa là gì?

Ðáp: - Là pháp thiền định, tam muội.

Thế nào là học địa? Nghĩa là nhân vào 10 pháp mà chế giới khiến cho chúng tăng được an ổn. An ổn nghĩa là không nguy ách. Người nào thọ trì cấm giới do Như Lai chế định thì trong đời tương lai được sống rất an lạc nên gọi là an ổn. Phật dạy: Người nào chấp nhận lời Ta dạy thì Ta sẽ chế giới cho họ. Người nào không chấp nhận lời Ta dạy thì Ta sẽ không chế giới mà chỉ nói về nhân duyên căn bản, cũng không cố điều phục họ. Do đó, trong luật có nói nhờ vào mười pháp làm cho chúng tăng được an lạc, như bảo rằng hành động này không có tội, hành động này có tội, lúc này nên làm, lúc này không nên làm, làm cho người ưa thích học giới, không còn nghi ngờ. Thế nên trong luật có nói: Chế cho Tỳ kheo biết tàm quý chứ không chế cho Tỳ kheo không biết tàm quý. Vì pháp này làm cho Tỳ kheo biết tàm quý được an lạc. Vì sao? Bởi vì Tỳ kheo không tàm quý thì không được nhập chúng, tập tăng, bố tát, tự tứ.

Tỳ kheo tàm quý được an lạc bởi vì đượïc nghe về thiền định, tam muội, và không bị Tỳ kheo không tàm quý gây phiền não. Do đó, trong luật nói: - Tỳ kheo tàm quý được an lạc.

Ðoạn trừ phiền não hữu lậu trong hiện tại. Bị phiền não hữu-lậu trong hiện tại (Ditthadhammika àsava), không hộ trì năm tình nên ngay thân này có hành động bất tịnh, hoặc bị người bắt, đánh, giết hoặc tự hối hận. Ðoạn trừ hết những khổ não như vậy làm cho được giải thoát.

Chế ngự Tỳ kheo không tàm quý. Không tàm quý là kẻ phá giới. Có thuyết nói đức Phật chế giới cho hạng người đã làm pháp bất thiện mà không biết xấu hổ. Khi Như Lai đã chế giới rồi, nếu họ làm ác mà còn hỏi ngược lại người khác rằng thấy tôi làm điều gì, nghe tôi làm điều gì, tôi bị tội gì... bằng mọi cách gây phiền loạn cho chúng tăng như vậy thì do đã chế giới rồi nên chúng tăng đem pháp Tỳ-ny ra trị phạt Tỳ kheo phá giới và họ không chạy tội được. Thế nên trong luật nói chế ngự các Tỳ kheo không tàm quý và người tàm quý được sống an lạc. nếu Tỳ kheo có tàm quý thì ưa thích học giới luật điều này nên làm, điều này không nên làm.

Ðoạn trừ hữu lậu trong tương lai. Vì không đoạn trừ năm tình nên làm theo pháp ác, sau đó phải bị đọa địa ngục, chịu các khổ não, không phải chỉ chịu một lần là hết mà còn phải bị luân chuyển trong ấy với vô số kiếp. Vì vậy, Như Lai chế giới để đoạn trừ nhân duyên này.

Người chưa tin được tin. Như Lai chế giới chỉ vì nếu có Tỳ kheo thiện nào tùy thuận giới luật, đầy đủ uy nghi thì người chưa có tín tâm trông thấy (vị ấy) sẽ sinh tín tâm và nói rằng sa-môn Thích-tử này chí tâm tinh tấn, làm được việc khó làm, rất đáng tôn trọng. Nhờ thấy như vậy, họ sinh tín tâm, nếu ngoại đạo thấy tạng Tỳ-ny thì nói rằng các Tỳ kheo của Phật cũng có (sách) Vi-đà nhưng chúng ta không khác nên họ sinh kính trọng. Do đó, trong luật có nói làm cho người chưa tin được tin.

Người đã tin càng thêm tin. Nếu thấy người có tín tâm xuất gia, mà tùy thuận theo giới cấm được giảng dạy, mọi người rất cung kính và nói rằng tại sao vị ấy (làm được việc) trọn đời ăn chỉ một bữa trong ngày, tu tập phạm hạnh, hộ trì giới cấm. Thấy như vậy rồi, tín tâm mọi người tăng trưởng. Thế nên trong luật nói rằng làm cho người đã tin càng tin thêm.

Khiến cho chánh pháp trường tồn. Chánh pháp có ba hạng là: Một, học chánh pháp làm cho trường tồn; hai, tín thọ chánh pháp làm cho trường tồn; ba, đắc đạo làm cho chánh pháp trường tồn.

Hỏi: - Thế nào là học tập làm cho chánh pháp trường tồn?

Ðáp: - Học tập ba tạng làm cho trường tồn tất cả những lời Phật dạy, gọi là học tập chánh pháp. Thực hành 12 pháp đầu đà, 14 uy nghi, 82 đại uy nghi, giới, thiền định, tam muội được dạy trong ba tạng (Terasa-dhutagunà - 13 hạnh đầu đà - cuddasa-khandhaka-vattàni, dveasìti mahàvattàni, silàsamàdhivipassanà) gọi là tin thọ làm cho chánh pháp trường tồn. Chứng bốn quả sa-môn và Niết-bàn gọi là đắc đạo làm cho chánh pháp trường tồn. Như Lai chế giới khiến cho các Tỳ kheo tùy thuận. Người nào tùy thuận đầy đủ thì được thánh lợi. Thế nên học tập giới luật là đứng đầu trong việc làm cho chánh pháp trường tồn.

Vì yêu mến tôn trọng giới luật nên có kết giới. Ðối với bốn Tỳ-ny là Phú-tàng Tỳ-ny, Khí-xả Tỳ-ny, Ðiều-trực Tỳ-ny và Kết-giới Tỳ-ny, phải rất yêu mến tôn trọng. Thế nên trong luật nói vì yêu mến tôn trọng tạng Tỳ-ny.

Pháp sư nói: - Với tất cả những câu trên, đầu, giữa và cuối, các vị hãy tự hiểu lấy. Ðối với tội phước trong luật, các Tỳ kheo phải học kỹ. Thế nên trong luật, Phật dạy: - Các Tỳ kheo hãy tự thuyết giới.

Hỏi: - Lời này có nghĩa gì?

Nghĩa là Phật bảo các Tỳ kheo rằng: Ta đã chế giới, các ông nên thuyết, nên thọ trì, nên học tập và dạy bảo cho người khác.

Nói thế này: - Tỳ kheo nào hành dâm, bị tội Ba-la-dy, không được sống chung. Làm như vậy là đoạn trừ pháp căn bản.

Khi xác định như vậy rồi là kết giới Ba-la-dy lần đầu.

Sau do hành dục với vượn nên chế thêm. Nay sẽ trình bày sự việc ấy.

Như vậy, vì các Thanh-văn, Phật đã chế giới. Thế nên trong luật nói vì các Tỳ kheo mà chế giới.

- Hết phần chế giới thứ nhất-




Pháp sư nói: - Nếu câu nào khó hiểu, sẽ giải nghĩa. Tôi xin trìnhbày:

Khi ấy, có một Tỳ kheo. Câu này dễ hiểu.

... đem thức ăn uống dụ dỗ con vượn. Bấy giờ, trong rừng này có nhiều Tỳ kheo hành tâm từ bi nên nhiều loài súc sinh không còn e sợ nữa. Các loại chương, nai, vượn khỉ, công, phỉ thúy, nhạn trĩ... các loại cầm thú khác đi lại chơi đùa ở các thiền phòng.

Khi ấy, có một Tỳ kheo thấy trong bầy vượn có một con vượn cái mập mạp dễ coi nên đem thức ăn dụ nó và cùng làm việc bất tịnh.

Trong lúc Tỳ kheo làm việc bất tịnh này đi vắng.

... Xem xét các phòng ở nghĩa là có các Tỳ kheo ở nước khác đến thăm viếng Thế Tôn, nhân đó nên đến nơi này. Sáng sớm ấy, sau khi các Tỳ kheo dùng thức ăn của khách (agantukabhatta) xong, họ suy nghĩ: - Chúng ta nên đi xem phòng ở của các Tỳ kheo. Thế nên trong luật nói là đi xem các phòng ở và họ đến chỗ ở của Tỳ kheo kia.

Thấy các Tỳ kheo kia đến, con vượn mà trước đây đã cùng Tỳ kheo làm việc bất tịnh cho rằng các Tỳ kheo này cũng như Tỳ kheo trước nên chạy đến chỗ các Tỳ kheo và ra điệu bộ khiêu dục như trước đây đã từng hành dâm với các Tỳ kheo kia bằng cách vểnh đuôi lên hướng dục căn về các Tỳ kheo và biểu hiện thái độ dâm dục. Mong đợi các Tỳ kheo đáp ứng nhưng chờ mãi không thấy nên con vượn tự làm những động tác dâm dục khêu gợi các Tỳ kheo.

Các Tỳ kheo muốn con vượn muốn làm việc dâm dục nên bảo nhau: - Chũng ta hãy núp vào chỗ khuất, chờ vị kia đi khất thực về, sẽ thấy hành động của họ. Chắc là trưởng lão (saccam àvuso). Chắc là thật không hư dối, như bắt được kẻ trộm với đủ tang vật thì không dám che dấu.

Thật là trưởng lão không làm như vậy phải không? Dục căn của người nữ không khác của súc sinh cái. Sự chế giới của đức Phật là nhắm vào sự việc này.

Gặp gỡ người nữ nghĩa là tiếp xúc, nắm, ma sát. Hành động bất tịnh nghĩa là cùng với thú cái cũng vậy, tất cả các động tác ấy đều là pháp ác.

Này trưởng lão! Thầy hành động với phương tiện như vậy cho đến cùng loài súc sinh, bị tội Ba-la-dy không được sống chung nghĩa là nếu hành động bất tịnh cùng súc sinh nữ cũng thành tội Ba-la-dy.

Pháp sư nói: - Tùy (phạm mà) chế thêm cho (giới này) vững chắc. Giới có hai pháp. Một, tội đương nhiên trong thế gian (lokavajja pannattivajja); hai, tội vì vi phạm lời dạy bậc thánh. Tâm ai tôn sùng pháp ác là bị tội theo pháp luật đương nhiên ở thế gian. Ngoài ra, những giới tội cho Như Lai đã chế đều tùy theo pháp thế gian (mà chế ra) để đoạn trừ kết sử, khiến cho giới được bền vững.

Trừ trong mộng, nghĩa là trong mộng thì không phạm. Tùy hoàn cảnh mà chế thì không thuộc tánh tội. Như trường hợp giới ăn nhiều lần, ăn chúng riêng, là chế tùy hoàn cảnh không phải tánh tội không phạm theo pháp thế gian. Như vậy là Như Lai đã tùy từng trường hợp mà chế giới cho các Tỳ kheo.

- Hết Phẩm Con Vượn -






Pháp sắp trình bày sau đây là được phát sinh do Bạt-Xà-Tử (Vajjiputta). Bạt-Xà-Tử được Ðiều-Ðạt (Devadatta) kết làm bè đảng để phá hòa hợp tăng. Việc này phát sinh do Bạt-Xà-Tử. Sau Phật Niết-bàn 100 năm, xảy ra sự việc phi pháp, phi Tỳ-ny, phi Phật-giáo đều do nhóm Bạt-Xà-Tử mà có. Như luật có nói: Sau khi Phật chế giới, Bạt-Xà-Tử ăn nhiều, ngủ nhiều nên phát sinh ý dục, lại không xả giới mà làm việc dâm dục nên sau đó thân quyến ông ta bị bại hoại. Bại hoại là bị hình phạt của vua nên họ phải trốn chạy, bị chết, bị chia lìa.

Thân thể bị bệnh hoạn hành hạ đau đớn nghĩa là thân thể suy yếu bệnh hoạn nên rất đau khổ.

Ðại đức A-Nan, chúng tôi không có hủy báng Như Lai, không kể tội lỗi Như Lai, không phỉ báng pháp, không hủy nhục chúng tăng. Chúng tôi tự hủy báng mình nên không còn có phước đức, uy nghi. Từ nay, chúng tôi sẽ tu tập theo chánh pháp. Ðối với 38 pháp quán (Atthatimsàrammana) chúng tôi sẽ tuần tự tu tập pháp Bồ đề. Nhờ tu tập theo A-la-hán đạo này mà trí tuệ được tăng trưởng, làm cho chúng tôi từ bỏ pháp của bạch y thế tục, an trú chỗ thanh tịnh, đạt đến chỗ không còn việc gì để làm nữa.

A-Nan đáp: - Lành thay!

Ðây là A-Nan không biết tâm của họ, chỉ nghe lời phát nguyện to lớn của họ, nếu được như vậy thì rất tốt cho nên khen hay thay.

Không thể có việc ấy là lời nói phủ định. Nếu có kết quả thì nói rằng có như vậy. Vì không có kết quả nên nói không có như vậy. Như Lai đã quán sát nhóm Bạt-Xà-Tử không có nhân duyên, nếu Ngài cho họ thọ giới cụ túc thì bọn họ sẽ bị phạm tội Ba-la-dy không được sống chung. Do đó, trong luật nói không thể được, cho đến không cho thọ giới cụ túc. Nếu chúng tăng cho họ giới cụ túc thì trái với pháp thanh tịnh và họ không thành sa-môn mà chỉ ở địa vị sa di. Nếu họ ở địa vị sa di mà tôn trọng chánh pháp thì có thể chứng đắc nhờ tu tập. Ðức Phật không cho giới cụ túc hay cho giới cụ túc đều vì lòng thương tưởng. Vì sao? Vì với kẻ không phá giới, trong pháp thanh tịnh này nhờ nhân duyên biết cung kính tôn trọng thì không bao lâu họ sẽ đắc đạo. Thế nên, trong luật nói nếu có người xuất gia, thì (có trường hợp) cho họ giới cụ túc và (có trường hợp) không cho giới cụ túc.

Ba pháp này đã đầy đủ, Như Lai vì muốn chế giới nên bảo các Tỳ kheo rằng các ông nên thuyết giới như vậy.

Nếu Tỳ kheo không được cộng trú. Pháp sư nói:

- Trong luật này đã đầy đủ, tôi xin giải thích, chữ nếu là chỉ chung không riêng cho người nào.

Pháp sư nói:

- Trong câu văn giới, trong giới bổn, trong câu vấn nạn, ai muốn biết xem trong bốn Tỳ-ny. Các đại đức có thần thông giải thích ra cho mọi người biết khi tập họp chúng.

Hỏi: - Thế nào là bốn? Một, bản (sutta - kinh phần); hai, tùy bản (suttànuloma); ba, lời pháp sư (àcariyavàda); bốn, tự ý (attanomati).

Bản là tất cả luật tạng.

Tùy bản là bốn sự việc lớn, như Phật dạy các Tỳ kheo: Ta nói việc này là bất tịnh nhưng không chế giới nhưng việc này tùy thuộc bất tịnh chứ không thuộc tịnh, nên gọi là thuộc bất tịnh. Này các Tỳ kheo! Ta nói việc này bất tịnh mà không chế giới nhưng việc này tùy thuộc tịnh thì gọi là thuộc tịnh. Này các Tỳ kheo! Ta nói việc này tịnh nhưng việc này tùy thuộc bất tịnh, không tùy thuộc tịnh thì đối với các ông nó thuộc bất tịnh. Này các Tỳ kheo! Ta nói là tịnh nhưng nó tùy thuộc tinh thì đối với các ông, nó thuộc tịnh. Ðây là bốn sự việc lớn.

Thế nào là lời pháp sư? Khi đại chúng 500 vị La-hán tập họp, kết tập và truyền bá luật bản mà Phật đã thuyết, gọi là lời pháp sư.

Thế nào là tự ý? Ðể bản luật, bản tùy luật, lời pháp sư lại, ý muốn làm thì tùy phương tiện mà làm, như dẫn kinh, luận, luật để nói rộng ra, dẫn lời pháp sư nói ra, gọi là tự ý.

Hỏi: - Ðây nghĩa là làm mà không tự chuyên, trước hết phải quan sát phần căn bản rồi quán sát đến ý nghĩa của câu, phân biệt rõ rồi cân nhắc từng vấn đề, sau đó xem xét lời dạy của pháp sư, nếu đúng theo văn nghĩa thì chấp nhận, nếu xét không đúng thì bỏ, mới gọi là tự ý.

Theo tự ý nghĩa là lời pháp sư xác quyết thì nên quán sát rõ lời ấy nếu tương ứng với văn nghĩa của tùy bản thì chấp nhận, ngược lại thì không chấp nhận.

Theo lời pháp sư nhưng theo tùy bản thì xác quyết như vậy, nếu xét thấy tương ứng với văn nghĩa của tùy bản thì chấp nhận, ngược lại thì bỏ.

Theo tùy bản và bản đều xác quyết như vậy thì không thay đổi được như chúng tăng yết-ma thì không khác gì như Phật còn tại thế.

Pháp sư nói: - Nếu quán sát tùy bản mà không hiểu rõ thì xem xét các bản chú giải về kinh, nếu tương ứng thì chấp nhận.

Pháp sư nói: - Nếu hai Tỳ kheo cật vấn nhau. Một bên nói tịnh, bên kia nói bất tịnh thì xem xét ở bản và tùy bản. Nếu bản và tùy bản đều nói tịnh thì tốt (chấp nhận), nếu nói bất tịnh thì không chấp nhận (bên kia). Nếu một Tỳ kheo xét bản và tùy bản đã tịnh, lại còn đưa ra nhiều văn nghĩa để dẫn chứng mà Tỳ kheo kia thì có ít văn nghĩa thì theo lời vị Tỳ kheo thứ nhất.

Pháp sư nói: - Nếu cả hai Tỳ kheo đều có văn nghĩa như nhau thì nên suy đi nghĩ lại cân nhắc ý nghĩa của bản là nên chấp nhận hay không nên chấp nhận.

Ðây là người học bốn loại tỳ-ny. Nếu là luật sư thì phải có ba pháp (Ti-lakkhanàni) mới thành tựu.

Hỏi: - Ba pháp là gì?

Ðáp: - Một, đọc tụng thông suốt, thuộc lòng đầy đủ văn tự ý nghĩa của luật bản.

Hai, giữ vững luật bản không lẫn lộn (Asamhìra).

Ba, theo thầy, tuần tự học tập thọ trì không cho quên mất.

Hỏi: - Bản là gì?

Ðáp: - Tất cả tạng luật gọi là bản.

Ðọc tụng thông suốt nghĩa là nếu có người hỏi không theo thứ tự của câu thì không cần suy nghĩ mà vẫn đáp được theo câu hỏi.

Thuộc lòng hiểu rõ đầy đủ nghĩa là phân biệt rõ ràng, giải thích được câu văn và ý nghĩa của luật bản và bản chú giải.

Giữ vững không bị lẫn lộn nghĩa là có tâm tàm quý gọi là giữ vững. Người không có tàm quý tuy học rộng hiểu nhiều nên được kính trọng cúng dường nhưng không sống theo pháp luật, là gai góc trong Phật pháp. Vì sao? Vì họ hay phá hòa hợp tăng, cũng hay quấy nhiễu chúng tăng. Người có tàm quý thì đối với giới thường có tàm quý, cho đến mất mạng cũng không vì sự cúng dường mà phá chánh pháp. Nhờ có tàm quý nên có giới luật.

Không tạp nhạp là không bị lẫn lộn các câu văn. Nếu được người hỏi đến thì tuần tự trả lời. Nếu trả lời câu luật văn và chú giải bằng ý nghĩa điên đảo thì cũng như người đi qua đám gai, thật khó vượt được. Nếu có người đem lý (điên đảo) này ra hỏi thì nên trả lời bằng câu nói của họ. Nếu bị người hiểu biết vấn nạn thì đáp theo câu hỏi không để bị lạc đề. Như đem chén vàng đựng mỡ sư tử (?) không để bị chảy nên gọi là không xen tạp.

Tuần tự theo thầy học tập thọ trì không quên nghĩa là (nhớ rõ) Ưu-Ba-Ly thọ trì ( luật tạng) từ Như Lai, Ðà-Tả-Câu (Dàsaka) thọ trì từ Ưu-Ba-Ly, Tu-Ðề-Na-Câu (Sonaka) thọ trì từ Ðà-Tả-Câu, Tất-Già-Bà (Siggava), thọ trì từ Tu-Ðề-Na-Câu, Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu thọ trì từ Tất-Già-Bà... cho đến Chiên-Ðà-Bạt (candavajji) thọ trì từ Ðế-Tu... như vậy, các vị thầy truyền thừa cho đến ngày nay. Nếu biết rõ như vậy gọi thọ trì kiên cố. Nếu không thể nhớ hết tất cả danh hiệu các vị thầy ấy thì cần phải nhớ danh hiệu một, hai vị.

Vị này có đầy đủ ba pháp trên thì gọi là luật sư.

Là luật sư, khi chúng tăng tập họp để giải quyết các tránh sự, đối với sự việc này vị luật sư trước tiên phải xem xét sáu pháp cho thật chính xác rồi mới đáp.

Hỏi: - Sáu pháp là gì?

Ðáp: - Một, quán xứ (vatthu); hai, quán bổn (Màtika); ba, quán câu văn (padadhajaniya); bốn, quán ba đoạn (tikapariccheda), năm, quán tội trung gian (antaràpatti), sáu quán vô tội (anàpatti).

Hỏi: - Thế nào là quán xứ?

Ðáp: - Khi đến chùa phải che thân bằng cỏ, cây, lá, nếu lõa hình không che thân mà vào chùa thì bị tội đột-kiết-la. Sau khi quán xét tội tướng rồi, lại căn cứ vào luật bản làm chứng để dập tắt tranh cãi; gọi là quán xứ.

Hỏi: - Quán bản nghĩa là gì?

Ðáp: - Nếu cố ý nói dối thì phạm tội Ba-dật đề. Ðây là tội thuộc năm thiên. Quán xét tánh chất của tội trong từng thiên, lấy bản làm chứng để dập tắt sự tranh cãi, gọi là quán sát bản.

Hỏi: - Quán sát câu văn là gì?

Ðáp: - (Hành dâm với) thân xác chưa bị hoại thì phạm tội thu-lan-giá. Như vậy quán sát từng tính chất của tội trong bảy tụ tội tướng rồi lấy bản làm chứng để dập tắt sự tranh cãi, gọi là quán sát câu văn.

Hỏi: - Thế nào là ba?

Ðáp: - Tăng-già-bà-thi-sa có ba phần, ba-dạ-đề có ba phần, quán sát trong ba phần này (để phán quyết?) rồi lấy bản làm chứng để dập tắt sự tranh cãi.

Hỏi: - Thế nào là quán sát tội trung gian?

Ðáp: - Trường hợp nổi lửa mà bị tội đột-cát-la. Như vậy, quán sát về tội trung gian trong giới bổn và lấy bản làm chứng để diệt tội tranh cãi.

Hỏi: - Thế nào là vô tội?

Ðáp: - Không thọ lạc, không có tâm trộm, không có tâm giết hại, không cố ý nói dối, không có tâm nêu ra, không cố làm, không biết. Như vậy, quán sát từng việc không có tướng tội, lấy bản làm chứng để dập tắt tranh cãi.

Tỳ kheo nào biết rõ bốn pháp tỳ-ny, thông thạo ba pháp, biết quán sát sáu pháp thì thành tựu trong việc diệt trừ chánh pháp. Tỳ kheo nào diệt tránh pháp rồi mà không bị phát sinh trở lại thì không khác gì Phật còn tại thế. Tỳ kheo nào phạm giới đã chế, phải đến gặp luật sư, đem những nghi ngờ của mình về việc này ra hỏi. Trước hết, vị luật sư phải xem xét kỹ, nếu có tội thì đáp có, không có tội thì đáp không, cần phải sám hối thì bảo họ sám hối, nên chọ họ pháp A-phù-ha-na (Abbhàna - xuất tội) thì bảo nên cho, nếu không nên cho thì bảo không cần cho. Thấy có tội tướng của ba-la-dy, không nên bảo rằng ông bị ba-la-dy. Vì sao? Ba-la-dy đầu là dâm dục và dối trá thì tướng trạng dễ biểu hiện, còn hai giới giết và trộm thì tướng trạng khó biết rõ. Nếu do sự vi tế mà phạm thì tùy theo sự vi tế mà giải thích. Thế nên không nên trực tiếp nói ngay với người còn hồ nghi rằng ông phạm tội ba-la-dy. Nếu họ có thầy, nên đáp rằng ông hãy trở về hỏi lại thầy mình, và bảo họ về đi. Nhưng khi đến gặp luật sư (thầy họ), họ hỏi rằng tội này như thế nào. Luật sư này xem xét tội tướng ấy có thể chữa trị được. Nghe lời luật sư này dạy xong, Tỳ kheo này phải trở về báo lại với luật sư là chữa trị được. Luật sư này nói: - Lành thay! Và làm theo lời nói ấy. Nếu họ không có thầy, thì bảo họ hỏi các vị đồng học. Nếu đồng học bảo có thể chữa trị và họ trở lại báo với luật sư. Luật sư đáp: lành thay!

Nếu họ không có đồng học thì bảo họ hỏi đệ tử. Nếu đệ tử đáp là có thể trị và họ trở báo với luật sư. Luật sư bảo: Lành thay! làm theo lời nói ấy.

Nếu đệ tử thấy có tội tướng thì không được nói rằng thầy đã phạm tội ba-la-dy. Vì sao?

Pháp sư nói: - Nên nói (với họ) rằng khó có Phật ra đời, khó được đi xuất gia, thọ cụ túc khó hơn. Sau khi nói như vậy xong, luật sư quét dọn sạch sẽ phòng ốc và bảo Tỳ kheo đang nghi ngờ kia ngồi yên suốt ngày. Sau đó, cho họ 30 pháp thiền bảo hãy quán sát. Nếu giới không bị bệnh thì pháp thiền đến với người quán, có uy nghi thông suốt và tâm nhập định. Khi họ ngồi trong định qua một ngày mà vẫn không biết rõ thì đến giờ đi ngủ luật sư đến hỏi họ: - Trưởng lão! Tâm ý thầy thế nào? Ðáp: - Ðại đức! Tâm ý tôi vẫn trong định.

Luật sư lại nói: - Người xuất gia khó lắm, đối với pháp sa-môn cẩn thận chớ buông lung, cần phải tu học.

Nếu người phá giới mà thiền thì tâm không đắc định như ngồi trên gai. Vì sao? Bị lửa của tâm trạo hối thiêu đốt, cũng như ngồi trên đá nóng, không được an định nên họ đứng dậy đi.

Nếu luật sư đến nói với họ: - Trưởng lão! Tâm ý thầy thế nào, có định không?

Ðáp: - Không định.

Luật sư nói: - Người ở thế gian gây tội thì không thể che dấu. Khi vừa làm xong, thiện thần hộ thân đã biết rõ trước. Lại nữa, sa-môn, Bà-la-môn biết được tâm người. Trưởng lão! Thầy hãy tùy nghi tìm nơi an ổn (sotthi) để sống.

Hết phẩm bốn loại Tỳ-ny và ba pháp của luật sư.
 
 

Chú Giải Luật Thiện Kiến

-Quyển Thứ Sáu-

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Trở Về