Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]

Ðạo Phật đời Lý
Hoàng Xuân Hãn (*)
1. Tín-ngưỡng ở Giao-châu - 2. Ðạo Phật tới Việt - 3. Ðạo Phật bành-trướng - 4. Chế-độ tăng và chùa - 5. Tăng và chính-trị - 6. Ðạo Phật và phong-hóa - 7. Ðạo Phật và văn-hóa - chú-thích.
7 - Ðạo Phật và văn-hóa

Lời sư Nguyễn Thường can vua lại chứng-tỏ một sự mà ta đã biết rồi, là ở đời Lý, phần lớn các tăng học nho rất rộng. Vậy nên tăng-đồ có ảnh hưởng lớn đến văn-hóa đương-thời. Văn thơ đời Lý để lại còn nhiều, nhờ sách TUTA (2) và một số bia nhà Lý. Ta thấy các sư thật là những người hay chữ. Mà những nho-gia khác cũng chịu ảnh-hưởng tư-tưởng của nhà chùa.

Câu chuyện làm thơ đầu tiên trong lịch-sử độc-lập nước ta là thuộc về hai vị sư. Tống Thái-tông sai nhà văn-hào Lý-Giác sang phong cho Lê Hoàn làm Tĩnh-hải tiết-độ-sứ. Năm 987, Giác tới nơi. Chắc trong triều bấy giờ ít người hay chữ. Vua phải nhờ đến sư Ðỗ Thuận tiếp. Các sách TT3 và TUTA chép rằng sư giả làm lái đò chèo thuyền cho Giác. Tính Giác thích làm thơ. Bấy giờ có hai con ngỗng cùng bơi trên mặt nước. Giác ngâm:

Nguyên văn:

Nga nga, lưỡng nga nga.
Ngưỡng diện hướng thiên-nha.
Nghĩa là:
Ngỗng kìa! Ngỗng một đôi!
Nghểnh cổ nhìn góc trời.
Sư Thuận nghe, ứng-khẩu đọc tiếp:
Bạch-mao phô lục-thủy.
Hồng trạo bãi thanh-ba.
nghĩa là:
Nước xanh lông trắng phủ.
Sóng biếc chân hồng bơi.
Giác khen sư hay thơ và có tài mẫn-tiệp. Rồi Giác làm thơ tự vịnh, nhưng tỏ ý kính-trọng vua ta. Cho nên lúc Giác ra về, Vua Lê nhờ sư Khuông Việt làm bài ca tặng. Bài ca ấy nay còn chép (TT và TUTA) Khuông Việt soạn ra bài ca chúc sứ lên đường, lúc cùng nhau uống chén tiễn-biệt. Sau đây là bài dịch theo đúng điệu và nguyên-vận.
"Trời lành, gió thuận, buồm gấm trương,
Thần tiên về đế-hương.
Ngàn trùng vượt sóng bể mênh-mang,
Ðường xa mấy dặm trường.
Cạn tình thảm-thiết chén li-xương.
Cầm tay sứ, lòng càng . .
Nhờ đem thâm-ý người nam-cương,
Phân minh tâu Thượng-hoàng."
Ðó là lời tửu-chúc-từ thân-thiện đầu-tiên trong lịch-sử ngoại-giao của nước Việt. Mà lại là của một vị sư!

Bước sang triều Lý, nho-thần đủ người để sung vào việc ngoại-giao. Ta không thấy những vị sư tiếp sứ nữa. Nhưng sư vẫn có nhiều người hay chữ. Nguồn thơ là đạo-lý uyên-nguyên. Suốt quyển TUTA, trong chuyện tất cả các vị sư, đều có một vài câu kệ bằng văn vần. Trong khi các sư nói chuyện về đạo-lý cùng nhau, họ đều đọc thành những câu kệ, ý-tứ mông-lung, nhưng đối với sự hiểu thường của ta, thì thường không rõ ý. Ví như chuyện có tăng tới hỏi sư Viên-chiếu, là con anh thái-hậu Ỷ-lan, rằng: "Phật và Thánh nghĩa là thế nào?" Sư trả lời

Cúc trùng-dương dưới giậu,
Oanh thục-khí đầu cành.
Tăng kia không hiểu, nhờ sư giảng. Sư lại nói:
Ngày thì ác vàng chiếu
Tối lại thỏ ngọc soi.
Tăng bèn nói đã hiểu chân-ý của sư. Thật ra, ta không biết ý ấy ra sao. Phải chăng sư muốn nói rằng Phật và Thánh nghĩa là tất cả những biến-tướng hiện ra trong trời đất?

Trái lại, có một vài bài thơ ý-tứ gần ta hơn, nhưng lời-lẽ rất thanh-tao, đọc lên cảm thấy đời sống mặc-tĩnh, ý-nghĩ thâm-trầm của những nhà cao-ẩn. Ví-dụ như bài kệ của sư Mãn-giác (XV/3), là một vị tăng con một đại-thần, và được vua Nhân-tông và thái-hậu Linh-nhân rất trọng. Sư mất khi mới 45 tuổi, năm Hội-phong thứ 5 (1096). Trước khi mất, sư đọc bài kệ sau này:

Nguyên-văn:

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn-tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc,
Ðình-tiền tạc-dạ nhất chi mai.
Nghĩa là:
Xuân qua trăm hoa rụng,
Xuân lại nở trăm hoa.
Trước mắt sự đời thoảng,
Trên đầu hiện tuổi già.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Ngoài sân đêm trước một cành mơ.
Tóm-tắt trong sáu câu trên, có đủ ý vũ-trụ tuần-hoàn trái với đời người ngắn-ngủi, ý người ta không nên lấy sự ấy làm phàn-nàn, vì tuy mất rồi, nhưng vẫn còn tinh-hoa để lại cùng vũ-trụ.

Cho đến phái nho, vì hằng ngày giao-thiệp với các tăng, nên cũng chịu ảnh-hưởng nhiều của Phật-giáo. Thi-văn của phái nho nay không còn gì nữa, ngoài một vài bài, giữ được nhờ sách TUTA. Ví như hai bài thơ của vị công-bộ thượng-thư Ðoàn Văn-Liệm tặng và điếu thiền-sư Quảng trí (TUTA 18a), mất vào khoảng đời Quảng-hữu (1085-1092). Bài thơ điếu như sau:

Lâm man bạch thủ độn kinh-thành,
Phất tụ cao-sơn viễn cánh hinh.
Kỷ nguyện tĩnh-cân xu trượng-tịch,
Hốt văn di lý yểm thiền-quinh.
Trai-đình u-điểu không đề nguyệt,
Mộ tháp thùy nhân vị tác minh.
Ðạo lữ bất tu thương vĩnh-biệt
Viện tiền sơn thủy thị chân-hinh.
Phỏng-dịch như sau:
Rừng xanh đầu bạc lánh kinh-thành,
Rũ áo lên non rậy nổi danh.
Toan đội khăn sòng lên cửa Phật,
Thoát nghe tiếng dép động ngoài sanh.
Sân chùa chim rũ gào suông nguyệt,
Mộ tháp ai còn giúp viết minh.
Bạn đạo xin đừng than vĩnh-biệt,
Trước am, sông núi ấy chân-hinh.
Văn đời Lý nay chỉ còn một ít văn bia, do tăng hay nho viết. Những bia ấy là bia chùa. Văn rất cổ-kính. Trong chương sau, ta có nhịp dịch một vài đoạn văn của Hải-chiếu đại-sư.

Về khảo-cứu, ta đã thấy rằng quốc-sư Thông-biện thật là một nhà khảo-cổ uyên-bác. Chỉ tiếc nay không còn trước-tác gì khiến ta biết rõ hơn.

Nói tóm lại, văn-học đời Lý đã thịnh, và chịu ảnh-hưởng đạo Phật nhiều. Vả nhờ đạo Phật mà các bia chùa, và sách Thuyền-uyển-tập-anh còn giữ được một phần tác-phẩm. Xem vậy Phật-giáo có công to đối với sự phát-triển cũng như sự bảo-tồn văn-học nước nhà.

Ðối với các ngành mỹ-thuật, như kiến-trúc, điêu-khắc và hội-họa, đạo Phật là một cớ làm tiến triển rất to.

Trong triều Lý, rất nhiều chùa tháp được xây dựng với qui-mô rộng lớn. Hầu hết những danh lam còn lại, là do từ đời Lý lập ra. Những thắng-tích ở Hà nội, như quán Trấn-vũ (tên tục là chùa Quan-thánh, tên đời Lý là Bắc-đế, 1102). Diên hữu (tên tục là chùa Một cột, 1049), đền Nhị nữ (tục gọi là đền Hai Bà, nguyên ở phường Bố-cái tức là ở bãi Ðồng-nhân, 1160), đền Linh-láng(tên tục là đền Voi-phục), đều khởi-tạo từ đời nhà Lý. Sách TUTA và các sử còn chép nhiều tên chùa dựng ở Thăng-long, nhưng nay đã bị hủy mất, hay đã bị đổi tên.

Còn như những danh-sơn như núi Long-độiở huyện Duy-tiên, núi Phật-tích ở huyện An-sơn, núi Tiên-du ở huyện Tiên-du, núi Lãm-sơn ở huyện Quế-dương, núi Tiêu-sơn ở huyện Yên-phong, núi Ðồ-sơn ở huyện Nghi-dương, đều có dựng chùa và tháp.

Ngoài những từ miếu, các vua Lý còn dựng và sửa chữa nhiều cung-điện ở Thăng-long và ở những nơi vua thường đi chơi, hay đi làm lễ xem gặt, xem cày. Tuy là các tạo-tác này không có tính-cách tông-giáo nhưng chắc nó cũng chịu nhiều ảnh-hưởng của sự dựng chùa.

Trong chương sau, ta sẽ thấy tả một vài chùa cổ làm trong hồi Lý Thường-Kiệt vào trấn ở Thanh-hóa. Sau đây là tả qui-mô chùa Một-cột, theo bia STDL và sách TT. Tháng 9 năm Ất-dậu 1105, Lý Nhân-tông dựng hai tháp mái bằng sứ trắng ở chùa Diên-hữu. Bấy giờ vua chữa lại chùa (TT). "- vườn Tây cấm, dựng chùa Diên-hữu. Theo giấu chế độ cũ, thêm mưu mới của nhà vua. Tạc hồ Linh-chiểu. Trên hồ dựng lên một cột đá. Trên cột đá nở một hoa sen nghìn cánh. Trên hoa lại gác một tòa điện. Trong điện đặt tượng phật vàng. Chung-quanh hồ có hành-lang bao vây, tường vẽ. Ngoài hành-lang lại có hồ Khang-bích bọc bốn bề. Mỗi bề có cầu thông ra ngoài sân. Trong sân, kề đầu cầu ở trước chùa, có dựng hai tháp lợp ngói sứ." (Bia STDL).

Tuy những cung điện, chùa miếu cũ nay không còn, nhưng ở một vài nơi, còn có vài tòa tháp, hay một tấm bia, hay vài bệ đá, hay ít nhiều tảng đá chạm cũ. Những di-vật ấy cũng đủ tỏ cho ta thấy rằng nghề kiến-trúc, cũng như nghề điêu-khắc đời Lý, rất tinh-vi và hùng-vĩ, các triều-đại sau không sánh kịp.

Một ảnh-hưởng bất-ngờ của đạo Phật là: nhờ các vua Lý muốn tổ-chức những hội long-trọng, cho nên đã khuyến-khích sáng-chế ra nhiều máy tự-động. Sử và nhất là bia STDL còn tả rõ những máy đã được thực-hiện ở trong đời Nhân-tông.

Ðây là máy kim-ngao. Ngày trung-thu và ngày tết, Nhân-tông ngự ở điện Linh-quang trên bờ sông Lô. Dưới sông, hàng nghìn thuyền gióng trống đua bơi. - giữa sông, một con rùa vàng nổi, lưng đội ba hòn núi. Rùa lội rù-rờ trên mặt nước, lộ vân trên vỏ và rè bốn chân. Chuyển mắt nhìn lên bờ, miệng thì phun nước lên bến. Quay đầu hướng tới ngai vua, mà cúi đầu chào. (STDL)

Ðây là máy đèn quay và người nộm đánh chuông. Ấy là lúc vua kén hoàng-hậu. Nhân-tông đặt hội đèn Quảng-chiếu. "Dựng đài Quảng-chiếu, ngảnh ra cửa Ðoan-môn. Giữa nêu một cột, ngoài đặt bảy từng. Rồng cuốn mà đỡ tòa kim-liên, rèm lồng mà che đèn sáng rực. Có máy giấu kín dưới đất, làm đài quay như bánh xe. Lại có hai tòa hoa-lâu. Treo quả chuông đồng. Tạc chú tiểu mặc áo cà sa, vặn máy kín thì giơ dùi đánh. Nghe tiếng sáo, liền quay mặt lại. Thấy bóng vua, lại biết cúi đầu. Tựa-hồ như có trí-khôn, biết khi động, khi tĩnh." (STDL)

Nói tóm lại, suốt trong triều Lý, đạo Phật được vua quan trọng, tăng-già nhiều kẻ giỏi-giang. Cho nên ảnh-hưởng Phật-giáo ăn sâu vào tất-cả các ngành hoạt-động của người trong nước, về phương-diện tinh-thần cũng như vật-chất.

Chú thích

(*) Trích từ: "Lý Thường-Kiệt" của Hoàng Xuân-Hãn, nhà xuất-bản Sông-Nhị, Hà-nội, 1949.
            TS          : Tống-sử (Nguyên)
            TT          : Ðại-Việt sử-ký toàn-thư. Ngô Sĩ-Liên (Lê)
            TUTA     : Thiền-uyển tập-anh ngự-lục (Trần)
            VSL        : Việt-sử-lược (Trần)
            VÐUL     : Việt-điện u-linh - Lý Tế-xuyên (Trần)

(5) - Sau đây, kê những việc các vua Lý làm, có liên quan với đạo Phật, Lão và Nho. Bảng kê theo hai sách TT3 và VSL4. Khi nào cả hai sách cùng chép một việc, thì sau việc ấy, có đánh dấu (C). Khi nào chỉ một sách chép chuyện ấy mà thôi, thì chỉ đánh một dấu (T) hay (V). Còn về cách chép năm, thì trong khoảng từ năm 1133 đến 1155, hai sách ấy chép lệch năm nhau. Trong khoảng 1133-1139, cũng cùng một chuyện, sách TT chép chậm lại một năm đối với VSL. Trong khoảng 1140-1155, sách TT chép chậm đến hai năm đối với VSL. Muốn biết đâu là hư thực, ta phải so sánh với những tài-liệu thứ ba.

Trong khoảng đầu, TS5 và bia Ðỗ Anh-Vũ đều cho ta biết rằng Lý Thần-tông mất năm Ð. Tị 1137, y như trong VSL. Thế mà TT lại chép chuyện ấy vào năm sau. Ta phải nhận rằng TT sai, mà VSL đúng. Vì đâu có sự sai ấy? Xét kỹ, ta thất TT bỏ sót mất đề-mục năm Q. Sửu 1133, cho nên chép chuyện năm ấy vào năm sau: rồi sự sai ấy kéo truyền đến năm Canh-thân 1140, mà ta phải chữa ra K. Vi 1139.

Trong khoảng thứ hai, TS cho ta biết rằng tháng 4 năm A. Su 1145, có sao Chổi hiện. Thế mà sách TT lại chép vào năm 1146, và VSL lại chép vào năm 1144. Vả chăng, TT còn cho biết rằng năm ấy có tháng 6 nhuận; mà theo lịch Tống thì chính năm A. Su có tháng nhuận. Vậy những việc chép vào năm có sao Chổi đều thuộc về năm A. Su 1145. Trong khoảng nói đây, 1140-1145, TT vẫn chép chậm một năm, mà VSL lại chép sớm một năm.

Trong bảng kê sau đây, tôi sẽ theo nguyên-tắc trên mà chữa niên-kỷ của hai sách.

Ðời Lý Thái-Tổ. - Năm:
1010, dựng chùa riêng Hưng-thiên-ngự-tự và lầu Ngũ-phượng-tinh-lâu trong thành nội. Dựng chùa Thắng-nghiêm ở phương nam thành Thăng-long (C). Phát 2 vạn quan tiền để dựng 8 chùa ở phủ Thiên-đức, đều có dựng bia ghi công. Sức cho các làng phải trùng-tu chùa-chiền. Phát 1.680 lạng bạc để đúc chuông chùa Ðại-giáo . Chọn dân làm tăng. (T)
1011, trong thành, dựng cung Thái-thanh ở bên tả, chùa Vạn-thọ ở bên hữu. Dựng nhà tăng-kinh Trấn-phúc. Ngoài thành, dựng chùa Tứ-dạ-thiên-vương (T). Dựng chùa Cẩm-y và Long-hưng-thanh-thọ (C).
1014, tăng-thống Thẩm Văn-Uyển xin lập giới-trường ở chùa Vạn-thọ để cho tăng-đồ thụ-giới (xem 1011). Phát 310 lạng vàng để đúc chuông chùa Hưng-thiên, và 800 lạng bạc để đúc chuông chùa Thắng-nghiêm và lầu Ngũ-phượng (xem 1010). (T)
1016, dựng các chùa Thiên-quang, Thiên-đức, và tô tượng Tứ-thiện-đế (C). Dựng đền Lý Phục-Man. Chọn hơn 1.000 người ở kinh-sư, cho làm tăng và đạo. (T)
1018, sai Nguyễn Ðạo-Thanh và Phạm Hạc đi Tống xin kinh Tam-tạng (C). Năm 1020 mới về. Vua Lý sai sư Phi Trí tới Quảng-châu đón. (T)
1019, độ dân làm tăng. (T)
1021, dựng núi Nam-sơn chúc thọ (C). Dựng nhà tăng-kinh Bát-giác (T).
1023, sai viết lại kinh Tam-tạng, rồi trữ tại tàng-kinh Ðại-hưng. (T)
1024, dựng chùa Chân-giáo ở trong thành nội, để tiện việc tụng kinh. (T)
1027, sai viết kinh Tam-tạng.

Ðời Lý Thái-Tông. - Năm:
1028, dựng núi Nam-sơn chúc thọ. Dựng miếu thần Ðồng-cổ ở phía hữu thành Ðại-la, cạnh sau chùa Thánh-thọ. Ðặt các giai-cấp cho tăng và đạo. (T)
1031, sai chữa và dựng nhiều chùa và quán; sách VSL chép 150 nơi, sách TT chép 950 nơi. Lập pháp-hội. Ðặt chức ký-lục coi cung Thái-thanh (xem 1011) và giao cho đạo-sĩ. (T)
1034, vua thăm chùa Trùng-quang ở núi Tiên-du. Dựng nhà tàng-thư Trùng-hưng. Sai Hà Thụ và Ðỗ Khoang đi sứ Tống. Vua Tống tặng cho kinh Tam-tạng. Hai vị tăng Nghiêm Bảo-Tính và Phạm Minh-Tâm tự thiêu; sai để xá-lị ở chùa Trường-thánh (T). Ðào được hòm xá-lị ở chùa Pháp-vân tại Cổ-Pháp (C).
1035, cấp 6 nghìn cân đồng để đúc chuông chùa Trùng-quang (xem 1034); chuông "tự dời đến chùa". (T)
1036, khánh-thành phật-hội Ðại-nguyện ở Long-trì. Sai viết kinh Ðại-tạng để trữ ở tàng-thư Trùng-hưng (xem 1034). (T)
1037, tượng Phật cổ ở dưới đất mọc ra ở một vườn dâu tại Ô-lộ. (T)
1038, dựng bia chùa Trùng-quang (xem 1034) (T)
1040 đặt hội La-hán. Khánh-thành một nghìn pho tượng Phật bằng gỗ, một nghìn bức tranh và một vạn cờ phướn. (T)
1041, xây viện Thiên-phúc ở núi Tiên-du; cấp 7.560 cân đồng để đúc tượng Di-lặc và chuông, đặt tại viện ấy (T)
1043, vua đi thăm chùa cổ ở núi Tùng-sơn tại châu Vũ-ninh. Chùa đã đổ. Có một cột đá tự nhiên dựng lại. (T)
1048, dựng đàn Xã-tắc ở ngoài cửa Trường-quảng, để cầu được mùa (C). Ðặt lễ rước trâu đất đầu mùa xuân (V).
1049, dựng chùa Diên-hữu, tức chùa Một-cột (C). Nguyên vua mộng thấy Phật-bà Quan-âm ngồi trên đài hoa sen, đến dẫn vua lên trên đài. Lúc tỉnh, vua kể chuyện lại Triều-thần cho là điềm gở (điềm vua chết). Sư Thiền-tuệ khuyên nên xây chùa, dựng cột đá giữa hồ, đặt đài hoa sen có tượng Quan-âm ở trên, như thấy trong mộng. Tăng-đồ đi vòng quanh đài, tụng kinh để cầu cho vua sống lâu (T).

Ðời Lý Thánh-Tông. - Năm:
1055, dựng chùa Ðông-lâm (TUTA nói ở Ðiển-lạnh) và chùa Tĩnh-lữ, ở Ðông-cứu. (V)
1056, lập hội La-hán ở điện Thiên-an (V). Dựng chùa Sùng-khánh-báo-thiên; phát 12.000 cân đồng để đúc chuông chùa. Vua tự làm bài minh khắc vào chuông. Chùa này thường gọi là chùa Báo thiên, ở chỗ nhà thờ lớn Cơ-đốc tại Hà-nội ngày-nay. (C)
1057, xây tháp Ðại-thắng-tư-thiên, tức tháp chùa Báo-thiên (xem 1056). Tháp cao vài mươi trượng. TT chép tháp có 12 tầng, VSL chép 30 tầng chắc sai. Dựng các chùa Thiên-phúc và Thiên-thọ ; đúc tượng Phạn-vương và Ðế-thích để thờ ở đó. (C)
1058, vua đi xem chỗ xây tháp Ðồ-sơn (ở nơi khách-sạn lớn tại mỏm núi Ðồ-sơn ngày nay). (V)
1059, dựng chùa Sùng-nghiêm-báo-đức ở châu Vũ-ninh. Vua đặt tên cho tháp Ðồ-sơn là Tường long, vì "có rồng vàng hiện ở điện Vĩnh-thọ". (V)
1063, dựng chùa ở núi Ba-sơn để cầu-tự. (V)
1066, sai lang-tướng Quách Mãn dựng tháp ở núi Tiên-du. (C)
1070, dựng chùa Nhị-thiên-vương ở đông-nam thành Thăng-long (V). Tháng 8, dựng (hay chữa, TT chép tu) văn-miếu; tô tượng Khổng-tử, Chu-công, tứ-phối, thất-thập-nhị-hiền để thờ. Cho hoàng thái-tử ra đó học (T).
1071, vua viết chữ Phật, cao một trượng 6 thước (C); khắc vào bia để tại chùa núi Tiên-du. (T)

Ðời Lý Nhân-Tông. - Năm:
1072, ngày Phật-đản, vua tới xem làm lễ tắm Phật. (C)
1073, rước phật Pháp-vân về kinh để cầu tạnh. Lập đền thờ núi Tản-viên (VSL chép vào năm trước).
1075, thi minh kinh bác-sĩ. (T)
1077, đặt hội Nhân-vương ở điện Thiên-an. (V)
1080, đúc chuông chùa Diên-hữu (xem 1049), chuông không kêu, bèn vứt xuống ruộng Qui-điền, cạnh chùa. Ðời sau, tướng Minh là Vương Thông bị Lê Lợi vây ở Thăng Long, bèn phá chuông để đúc súng. (T)
1081, sai Lương Dũng-Luật sang Tống xin kinh Ðại-tạng. (V)
1085, thái-hậu đi chơi khắp sông núi, có ý dựng chùa. (T; nhưng chép lầm ra hoàng-hậu).
1086, thi chọn những kẻ có văn-học, để bổ vào Hàn-lâm. Dựng chùa ở núi Ðại-lãm. (C)
1087, khánh-thành chùa ấy. Ðặt dạ-yến. Vua làm hai bài thơ. (C)
1088, phong sư Khô-đầu làm quốc-sư. Chia chùa làm ba hạng, thượng, trung, hạ. Dựng tháp ở chùa Lãm-sơn (xem 1086). (C)
1094, tháp chùa Lãm-sơn (xem 1088) xong. Vua đặt tên chùa là Cảnh-long-đồng-khánh, và đề tên bằng chữ triện vào trán bia. (V)
1097, được mùa, thái-hậu dựng nhiều chùa .(T)
1098, lập núi Ngao trên đất. Sai Nguyễn Văn-Tín đi sứ Tống, xin kinh Tam-tạng. (V)
1099, dựng chùa ở núi An-lão. (V)
1100, dựng chùa Vĩnh phúc ở núi Tiên-du. (V)
1101, dựng quán Khai-nguyên (V). Chữa chùa Diên-hữu (xem 1080). (C)
1102, dựng quán Thái-dương, Bắc-đế và Khai-nguyên (xem 1101), để cầu-tự. (V)
1105, xây hai tháp lợp bằng ngói sứ trắng ở chùa Diên-hữu và chữa chùa ấy (xem 1101, còn chi tiết thì xel XIV/7). Dựng ba tháp bằng đá ở chùa Lãm-sơn (xem 1094). (C)
1108, xây tháp ở núi Chương-sơn. (V)
1109, xây đài Ðộng-linh. (V)
1110, mở hội đèn Quảng-chiếu ở ngoài cửa Ðại-hưng. (V)
1112, xẩy ra chuyện Giác Hoàng (XIV cth 2)
1114, chữa chùa Thắng-nghiêm (xem 1014). Ðặt Thiên-pháp-đường. Dựng lầu Thiên-phật để đặt một nghìn pho tượng Phật (V)
1115, khánh-thành chùa Sùng-phúc ở làng Siêu-loại, là quê thái hậu Ỷ-lan (V). Trước sau, thái hậu dựng hơn trăm ngôi chùa. Thế truyền rằng thái-hậu hối việc ép Thượng-dương và các cung-nữ chết, cho nên dựng nhiều chùa để sám-hối. (T)
1116, mở hội đèn Quảng-chiếu. Từ Ðạo-hạnh mất và đầu-thai (xem XIV/cth 2). (C)
1117, khánh-thành tháp Vạn-phong-thành-thiện ở núi Chương-sơn (xem 1108). Thái-hậu Ỷ-lan mất. Hỏa táng, và ba cung-nữ chết theo. (C)
1118, khánh-thành tháp Thất-bảo. Khánh thành hội Thiên-phật ở các chùa Thắng-nghiêm (xem 1114) và Thánh-thọ (xem 1028); có dẫn sứ Chiêm-thành đi xem. Cầu được mưa. Vua viết vào bia tám chữ: Thiên-hạ thái-bình, Thánh-cung vạn-phúc. (T)
1119, khánh-thành hội chùa Tĩnh-lữ (xem 1055). (C)
1120, đặt hội đèn Quảng-chiếu (T). Dựng đài Chúng-tiên. (C)
1121, dựng chùa Quảng-giáo ở núi Tiên-du (C). Khánh thành điện Trùng-minh ở chùa Báo-thiên (xem 1057) .(T)
1122, khánh-thành tháp Sùng-thiện-diên linh ở núi Ðội-sơn (C).
1123, khánh-thành chùa Quảng-giáo (xem 1121) và chùa Phụng-từ. Dựng đài Tử-liêu. (T)
1124, dựng chùa Hộ-thánh (T). Cầu mưa và xây đài Uất-la. (C)
1126, mở hội đèn Quảng-chiếu, hội Nhân-vương ở Long-trì, hội khánh-hạ Ngũ-kinh ở chùa Thọ-thánh (hay Thánh thọ xem 1118). (T)
1127, khánh thành chùa Trùng-hưng-diên-thọ. Vua mất. Cung-nữ lên hỏa-đàn chết theo vua. (T)

Ðời Lý Thần-Tông. - Năm:
1128, vua tới chùa Thiên-long và Thiên-sùng để tạ sự cờ phướn ở đó tự-nhiên bay. Vua lại tới hai cung Thái-thanh (xem 1011), Cảnh-linh và các chùa quán khác để tạ ơn Phật. Cầu mưa được. (T)
1129, đặt hội khánh-thành tám vạn bốn nghìn bảo-tháp ở các Thiên-phù (có lẽ tháp bằng đất nặn, nay còn thấy nhiều ở đưới đất thành Thăng-Long). (C)
1130, khánh-thành chùa Quảng-nghiêm-tư-thánh. (T)
1132, làm lễ nghinh-xuân ở đình Quảng-văn, trước cửa Ðại-hưng, nay là cửa Nam. (T)
1133, dựng các quán Diên-sinh và Ngũ-nhạc (C). Dựng hai hùa Thiên-ninh và Thiên-thành. Tô tượng Ðế-thích. Vua tới xem. (T)
1134, khánh-thành ba tượng Tam-tôn bằng vàng để ở quán Ngũ-nhạc (xem 1133). Khánh-thành quán Diên-sinh (xem 1133). (T)
1135, chuông cổ ở dưới đất lộ ra (C). Vua ốm nặng, sư Minh-không chữa lành. (T)
1136, rước Phật Pháp-vân về chùa Báo-thiên để cầu mưa. Khánh-thành chùa Linh-cảm. (T)

Ðời Lý Anh-Tông. - Năm:
1142, vua cầu mưa. (T)
1144, vua cầu tạnh. Dựng đền thần Tản-viên (xem 1073), và đền ông Nghiêm, ông Mẫu ở phường Bố-cái. Dựng chùa Vĩnh-long và Phúc-thánh. (T)
1148, đặt hội Nhân-vương ở Long-trì. (T)
1154, đắp đàn Viên-khâu ở phía nam thành Thăng-long để tế lễ Nam-giao. (V)
1156, dựng miếu Khổng-tử (xem 1070). (C)
1160, dựng đền Nhị-nữ (Hai bà) và X y-vưu ở phường Bố-cái (V). Dựng chùa Chân-giáo. Lấy vàng đúc tượng Phạn-vương và Ðế-thích, đặt ở hai chùa Thiên-phù và Thiên-hữu. (V)
1161, dựng lại chùa Pháp-vân ở châu Cổ-pháp. (C)
1162, dựng đài Chúng-tiên, trên lợp ngói bằng vàng, dưới lợp ngói bằng bạc. (V)
1165, mở hội đèn Quang-chiếu-diên-mệnh. (V)
1166, bắt đầu làm lễ tắm Ðạo. Ðến năm 1171 thì bỏ lễ ấy. (V)
1169, chữa chùa Chân-giáo (xem 1160). Rằm tháng ba, có nguyệt-thực, cá ở các cửa sông, cửa bể chết nổi. Vua sai các tăng, ni, đạo-sĩ tụng kinh cầu đảo. (T)
1171, chữa miếu Khổng-tử (xem 1156) và miếu Hậu-thổ. (C)

Ðời Lý Cao-Tông. - Năm:
1179, chữa thêm chùa Chân-giáo (xem 1169). Thi các tử-đệ tăng và tăng-quan. (V)
1180, sai Tam-giáo làm bia để ở Ðại-nội. (V)
1187, chuyện sư giáng hổ (XIV cth 4)
1188, vua đi cầu mưa ở chùa Pháp-vân, rồi rước tượng Phật ở đó về để tại chùa Báo-thiên. (T) Dựng cung Thánh-nghi. (V)
1189, vua đi chơi khắp mọi nơi; đến đâu cũng có phong thần và lập miếu. (T)
1194, lấy vàng sai thếp tượng Phạn-vương và Ðế-thích, đặt tại các chùa ấy. (V)
1195, thi Tam-giáo. Mở hội đèn Quảng-chiếu. (V)
1198, sa thải tăng, theo lời Ðàm Dĩ-mông (XIV 4)
1206, dựng chùa Thánh huân. Chữa chùa Chân giáo (xem 1179). (V) Chuyện vua sợ sấm (XIV 4)

Ðời Lý Huệ-Tông. - Năm:
1224, vua nhường ngôi cho công chúa Chiêu thánh, và ra ở chùa Chân-giáo (xem 1206)
1226, vua Lý tự thắt cổ chết ở chùa ấy. (T)
 
 



 [ Trở Về ]