Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]

Ðạo Phật đời Lý
Hoàng Xuân Hãn (*)
1. Tín-ngưỡng ở Giao-châu - 2. Ðạo Phật tới Việt - 3. Ðạo Phật bành-trướng - 4. Chế-độ tăng và chùa - 5. Tăng và chính-trị - 6. Ðạo Phật và phong-hóa - 7. Ðạo Phật và văn-hóa - chú-thích.
( Chú thích: Chuyện Nguyễn Bông-Chuyện Giác-hoàng-Chuyện Từ Ðạo-Hạnh- Chuyện Lê Văn-Thịnh- Chuyện trâu trèo muỗm- Chuyện Sư Giáng Hổ-Chuyện Thủy-Cung-Chuyện gọi nước)
 
5 - Tăng và chính-trị

Lúc nước ta vừa được độc lập, vua đều là những kẻ vũ-biền. Sở-dĩ các vua ấy trọng tăng-đồ, một phần chắc vì lý-do chính trị. Tuy không có chứng gì tỏ rằng các vua Ðinh và Lê mộ Phật, nhưng dân-gian bấy giờ chắc theo đạo Phật nhiều. Trái lại nhiều việc, còn chép trong sử, tỏ rằng các vua ấy hành-động thường trái với điều dạy phải từ-bi của Phật, vì như những cực-hình dùng ở đời ấy: cột đồng đốt nóng, vạc dầu đun sôi, chuồng hổ báo, cũi ngâm sông.

Các vua lại nhận thấy rằng các tăng có học rộng hơn mình và hơn các tướng. Tuy bên cạnh vũ-tướng còn có nho-thần, nhưng những người này thường hay cố chấp trong những thuyết trung-quân, cho nên không thể trung-thành với một ông vua mới, đã cướp quyền của chúa mình. Vì những lẽ ấy, các vua Ðinh, Lê đã lợi dụng học-vấn của tăng-đồ để trị dân và đối ngoại. Cũng như đại-đa-số người đương-thời, các vua rất tin rằng các tăng và đạo-sĩ có những thuật làm cho họ biết trước những sự hay dở tương-lai, hay là có thể cầu cho họ được phúc và tránh họa.

Vị sư đầu-tiên được tham-gia chính-sự là đại-sư Khuông-Việt, giúp Ðinh Tiên-hoàng và Lê Ðại-hành. Sư tên Ngô Chân-Lưu, dòng-dõi vua Ngô. Bé học nho, lớn theo Phật. Ðinh Tiên-hoàng ban cho chức tăng-thống và hiệu Khuông-Việt đại-sư, nghĩa là vị sư lớn giúp nước Việt (TT 971 và TUTA 8a) (2). Sau khi Lê Hoàn lên ngôi, "phàm sự quân-quốc, đều giao cho sư hết". Ðó là lời sách TUTA, còn sách TT chỉ chép việc Khuông-Việt giúp vua Lê đón sứ Tống mà thôi (XIV 7).

Lúc Lý mới lập cơ-nghiệp, sư Vạn-hạnh đã có ảnh hưởng nhiều. Từ đời Lê, sư có tiếng là một kẻ tiên-chi cho nên Lê Ðại-hành đã từng hỏi ý-kiến, trong khi đánh Tống và đánh Chiêm. Sách TUTA chép rằng: về việc chống Tống, sư đoán nội trong ba bảy ngày giặc sẽ tan, còn về việc đánh Chiêm, thì sư khuyên nên đánh chóng (TUTA 52a). Các sách sử ta đều kể chuyện Vạn-hạnh đã đoán được câu sấm, mà sâu ăn thành ra trên cây vong-gạo; và sư biết trước rằng nhà Lê sắp mất và nhà Lý sẽ lên. Sư bèn nói với Lý Công-Uẩn chuyện ấy và quả-quyết rằng họ Lý là họ của ông. Biết đâu rằng chuyện sấm ấy lại ông phải là mưu của Vạn-hạnh.
Về sau, các vua Lý có học hành. Tuy vẫn thích Phật, nhưng một cách cao hơn. Triều-thần đã có nhiều người học uyên-bác. Cho nên ảnh-hưởng về chính-trị của các vị sư bị giảm dần. Cuối cùng, các tăng chỉ giữ những việc giảng kinh hay giáo-hóa.

Trong phạm-vi tín-ngưỡng và kỹ-thuật, địa-vị các tăng-già vẫn rất trọng. Các vua và thái-hậu thường mời những vị sư có tiếng vào giữ chùa trong thành nội, để giảng kinh. Các vị Huệ-sinhViên-chiếu từng được Lý Thái-tổ mời vào cung. Nhất là trong đời Lý Nhân-tông, vua và thái-hậu Linh-nhân rất mộ Phật, thường sai các sư, có danh nhất, vào nội để bàn đạo. Những vị như Thông-biện, Mãn-giác, Chân-không,Giác-hải, Khổng-lộ đều được mời và trọng-đãi. Cũng nhờ đó mà ta mới có câu chuyện Thông-biện bàn nguồn gốc đạo Phật, còn chép lại đến ngày nay.

Các công, vương, tướng cũng thường hay che-chở tăng ni, và tôn-trọng họ vào bực thầy. Lương Nhậm-Văn, Lý Thường-Kiệt, Vương Tại, Ðoàn Văn-Liệm, Phụng-càn-vương, công chúa Thiên-cực đều có giao-thiệp mật-thiết với các cao-tăng (TUTA). Vả chăng nhiều vị thiền-sư là con cháu vua, hoàng-hậu hay các đại-thần. Chắc vì sự liên-quan bằng gia-đình, ảnh hưởng những vị ấy đối với chính-trị cũng không ít.

Về mặt kỹ-thuật, tăng-đồ thường lại có tiếng là có phép thần-thông, hay biết chữa-bịnh một cách thần-diệu. Vì vậy mà nhiều vị đã được vua dùng như Minh-không chữa bệnh cho Thần-tông. Ðạo-tuệ được Anh-tông đón vào cung-cấm chữa cho các cung-phi. Nguyện-học có tiếng cầu mưa và chữa bệnh rất hay, cũng đã được Anh-tông mời tới.

Trong đời Thánh-tông và Nhân-tông, vì vua chậm có hoàng-trừ, cho nên các vị có tiếng biết phép cầu-tự, đầu-thai, lại rất được quý-trọng: Những chuyện Ðại-điên, Ðạo-hạnh còn được để đến ngày nay.
Nói tóm lại, ảnh-hưởng các nhà sư lúc ban đầu trực-tiếp với chính-trị. Nhưng sau, dần-dần ảnh-hưởng chỉ còn kịp tới cá-nhân vua quan. Vì đó mà gây ra những phong-trào từ trên lan xuống dưới. Rồi phong-hóa chung cả nước cũng chịu nhiều ảnh-hưởng của hình-thức Phật-giáo hiện-hành.
 

6 - Ðạo Phật và phong-hóa

Từ đời Lý Nhân-tông về sau, các vua thường chết yểu, tự-quân thường trẻ tuổi, cho nên các thái-hậu được nhiều quyền. Sự sùng Phật dần-dần chuyển sang thành một mối dị-đoan, nó ăn nhịp với đạo-giáo hiện-hành và những tín-ngưỡng cổ-truyền còn sót lại.

Những kẻ tầm-thường đua nhau lợi-dụng lòng mê-tín của vương hậu, đến nỗi gây ra một phong-trào loạn-tri ở trong cung. Những chuyện huyền-bí như Nguyễn Bông đầu-thai thành Càn-đức,Giác-hoàng muốn đầu-thai nhưng bị Ðạo-hạnh ngăn cản, rồi đến chuyện Ðạo-hạnh hóa kiếp ra Lý Thần-tông, đã làm người nước ta đời bấy giờ rất tin vào thuyết luân hồi và vào bí-thuật của các nhà sư. (2)

Ai cũng tin rằng, nếu tìm được thiền-tăng hay đạo-sĩ dạy cho, thì mình có thể biến-đổi được sức mạnh thiên-nhiên, hóa hình, ẩn thân, rút đất phục hổ, cầu mưa, làm nắng. Vì thế, một vị thái-sư có danh-vọng như Lê Văn-Thịnh mà phải cách chức và toan bị giết, chỉ vì vua Nhân-tông nghi ông đã hóa hổ để vồ mình; một tên dân thường mộng thấy trâu trèo lên ngọn cây muỗm, mà đoán rằng mình sắp được làm vua, bèn nổi loạn.(3)

Ở trong triều thì từ công-hầu, hoạn-đậu, cho đến những tăng-già, cũng đua nhau hiến vật lạ, cho là điềm tốt: nào rùa sáu chân ba mắt, mang từng hàng chữ chúc vua trên mai, nào hươu trắng hươu đen, sẻ vàng ác trắng, nào cau chín buồng, lúa chín bông, cá ruột có ngọc, ngựa chân có cựa. Những điềm lành như mây ngũ sắc, rồng vàng hiện, thì các chính-sử TT và VSL  còn chép rất nhiều.

Tuy những sự mê-tín này không có ảnh-hưởng trực-tiếp đến chính-trị, nhưng nó đủ chứng rằng tâm-thần nhân-dân rối-loạn, thời-giờ của nhà chức-trách bỏ phí vào việc hão-huyền, và sự thưởng-phạt của nhà vua thường căn-cứ vào những điều không chính-đáng.

Ðến cuối đời Lý, nho-học bành-trướng. Những tà-thuyết dần-dần bị phát-giác; những ảo-thuật của kẻ bịp đời bị bộc-lộ. Sử còn chép những chuyện buồn cười như vị sư ở Tây-vực khoe mình biết phục-hổ, nhưng đến khi làm thử thì chết khiếp rồi bị hổ vồ. Lại như chuyện tên hầu-cận nói mình có phép làm im sấm, nhưng sau khi đọc thần chú, sấm vẫn ầm-ầm, làm cho Lý Cao-tông sợ kinh. (4)

Trên đây là nói riêng về ảnh-hưởng không tốt của sự mê-tín dựa theo đạo Phật. Còn như những tư-tưởng siêu-việt, những giáo-dụ từ-bi của đức Phật, thì hẳn đã có ảnh-hưởng rất hay đối với phong-tục và văn-hóa nước ta về triều Lý.

So sánh với hai triều Ðinh, Lê, ta nghiệm thấy rằng trong đời Lý, phong-tục triều-đình thuần-hậu hơn nhiều. Các vua vũ-biền các đời trước đã đem những thói giết-chóc thời loạn ra thi-hành ở thời bình. Những cực-hình dùng hàng ngày, chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập-tính của người rừng-rú. Những việc Ðỗ Thích giết cha con vua Ðinh, Ngọa-triều giết em là Lê Trung-tông, đủ tiêu-biểu lòng tàn nhẫn, tính phàm-phu và sự chỉ có tư-lợi điều-khiển những hành-vi của kẻ cầm quyền.

Sang đời Lý, thì khác hẳn. Tuy rằng trong các vụ hành-quân ở Chiêm hay đánh Tống, có giết hại nhiều người, tuy rằng khi có loạn trong nước, vẫn có gia tội tử-hình, nhưng ta phải nhận rằng chưa có đời nào, như ở đời Lý, mà vua có độ-lượng khoan-hồng đối với dân hay là đối với kẻ địch. Lý Thái-tông đã tha tội cho Nùng Trí-Cao. Lý Thánh-tông đã tha chết cho vua Chàm là Chế-củ. Tuy rằng đó là có lợi cho đường chính-trị, nhưng nếu không có sẵn từ-tâm, thì ắt không nghĩ đến khoan-hồng để làm lợi cho chính-trị mình.
Nhờ sẵn từ-tâm như vậy, cho nên các vua Lý đã có những cử chỉ đáng kính, tuy vụn-vặt, nhưng còn được ghi lại trong sử-sách. Mùa đông năm Ất-mùi 1055, trời giá rét, Lý Thánh-tông nói với các quan rằng: "Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông, mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù-nhân bị nhốt trong lao-tù, chịu trói-buộc khổ-sở, mà chưa biết phải trái ra sao. Ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân. Vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương-tựa. Ta thật lấy làm thương." Rồi vua sai phát chăn chiếu cho tù, và cấp cho một ngày hai bữa cơm. (TT)

Lại có lúc, Thánh-tông chỉ con gái mình là công-chúa Ðộng-thiên, mà nói với các quan coi việc kiện-tụng rằng: "Ta yêu con ta như ta là cha mẹ dân yêu dân. Vì dân không hiểu luật-lệ, nên mắc tội. Ta lấy làm thương. Vậy từ rày về sau, không kể tội nặng hay nhẹ, các người phải xử một cách khoan-hồng cả." (TT 1065)

Lòng thương người như vậy của Thánh-tông không phải là một sự giả-dối của nhà chính-trị, mà chính là phần biểu-diễn của lòng từ-bi, do Phật-giáo gây nên. Chính Lý Thánh-tông là tổ thứ nhất một dòng Thiền-tông ở nước ta là dòng Thảo-đường, lập ra tại chùa Khai-quốc ở Thăng-long (TUTA 71 b).

Cho đến Thái-hậu Ỷ-lan, tuy có ghen-tuông, cho nên đã bức-sát thái-hậu Thượng-dương và các cung-nữ, nhưng sau đó, bà biết hối và luôn luôn tìm chuộc tội mình. Bà xuất-thân là một gái thôn-quê, biết rõ nỗi gian-lao của nông-dân phải cày sâu cuốc bẫm. Cho nên bà đã có lúc khuyên Lý Nhân-tông phạt tội nặng những kẻ trộm và giết trâu. Tháng hai năm Ðinh-dậu 1117, thái-hậu nói cùng vua: "Gần đây người kinh-thành và làng-ấp đã có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông-dân cùng-quẩn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây ta đã từng mách việc ấy, và nhà-nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước." Nhân-tông bèn hạ lệnh phạt rất nặng những người trộm và giết trâu, phạt cả vợ con và hàng-xóm, vì tội không tố-giác. (TT)

Thái-hậu chậm con hiếm cháu, cho nên thương những đàn bà con gái, vì nghèo, phải đem thân thế nợ, không thể lấy chồng. Mùa xuân năm Quý-mùi 1103, thái-hậu lấy của kho chuộc chúng về, và gả cho những kẻ góa vợ. (TT)

Tuy những hành-động từ-bi của thái-hậu không phải tự-nhiên mà có, tuy đó vì một phần muốn chuộc tội và cầu phúc cho con, nhưng chắc nhờ ảnh-hưởng Phật mới có những hành-động bác-ái ấy.

Vả chăng, ở triều Lý, ít có những cuộc tàn-sát vì những chuyện mưu tiếm-vị cướp quyền. Tuy có hai lần, vào đời Thái-tông và Cao-tông, nhưng kết-cục, cũng không khốc-hại như ỏ các triều khác. Các đại-thần cũng ít người bị nghi-kị và tàn-sát như ở các đời sau.

Nói tóm lại, sau các đời vua hung-hãn họ Ðinh, Lê, ta thấy xuất-hiện ra những kẻ cầm quyền có độ-lượng khoan-hồng, những người giúp việc ít tham-lam phản-bạn. Ðời Lý có thể gọi là đời thuần-từ nhất trong sử nước ta. Ðó chính là nhờ ảnh-hưởng đạo Phật.

Mà thực vậy, mỗi lúc ta thấy có nho-gia bài-xích Phật-giáo, thì ta biết rằng trong nước sẽ có cuộc tranh quyền-lợi mà giết lẫn nhau. Sau khi Ðàm Dĩ-Mông sa-thải tăng-già, thì có Trần Thủ-Ðộ liền sau tàn sát họ Lý. Cuối đời Trần, nho-học nên thịnh. Có Trương Hán-Siêu, Lê Quát chỉ-trích đạo Phật, thì sau lại có Hồ Quí-Ly sát-hại họ Trần. Trần Thủ-Ðộ và Hồ Quí-Ly làm những việc kia, ấy cũng vì muốn thi-hành chính-trị vị-danh, xa hẳn lòng bác-ái từ-bi của Phật.

Mà trong khi Dĩ-Mông phỉ-nhục tăng-đồ, thì lại có một vị tăng giám can Lý Cao-tông đừng hát-xướng chơi-bời, xa-hoa quá độ. Lời can ấy lại viện sách nhà Nho! Sư là tăng-phó Nguyễn Thường. Lời sư nói với Cao-tông rằng: "Tôi nghe ở tựa kinh Thi có nói: âm-nhạc làm loạn nước thì nghe như oán, như giận. Nay dân thì loạn, nước thì khốn. Chúa-thượng rong chơi vô-độ. Triều-chính rối loạn, dân-tâm lìa-tan. Ðó là triệu-chứng nước mất đó."

Lời can ấy cũng đủ tỏ giá-trị của người đi tu và ảnh-hưởng của họ đối với chính-trị, với phong-hóa. Mà lời can ấy lại là một lời đoán vận-mệnh nhà Lý rất hay, chỉ cần lý-luận mà tìm ra, chứ chẳng phải mượn kì-thuật gì cả.

                                                                                        xem [Trang kế tiếp ]


Chú thích

(*) Trích từ: "Lý Thường-Kiệt" của Hoàng Xuân-Hãn, nhà xuất-bản Sông-Nhị, Hà-nội, 1949.
        TT            : Ðại-việt sử-ký toàn-thư. Ngô Sĩ-Liên (Lê)
        VSL          : Việt-sử-lược (Trần)
        TS            : Tống-sử (Nguyên)
        VÐUL      : Việt-điện u-linh - Lý Tế-xuyên (Trần)
        VSL         : Việt-sử-lược (Trần)
        TUTA      : Thiền-uyển tập-anh ngự-lục (Trần) ; TT: Ðại-Việt sử-ký toàn-thư. Ngô Sĩ-Liên (Lê)


(1)  - Theo TV. Giáp, các vị tăng đã qua Ấn độ là: Vận-kỳ người Giao-châu, Mộc-soa-dê-ba (Moksadeva) người Giao-châu, Khủy-xung người Giao-châu (mất ở Thiên trúc), Tuệ-diệm người Ái-châu (ở lại Thiên-trúc), Trí-hạnh, người Ái-châu (mất ở bắc-ngạn sông Hằng-hà), Ðại-thặng-đăng người Ái-châu (mất ở Ấn-độ). 3.

(2) - Chuyện Nguyễn Bông. - Về chuyện Nguyễn Bông, sách TT chép: "Năm Quí-mão 1063, Lý Thánh tông đã bốn mươi tuổi, nhưng chưa có con. Vua sai viên chỉ hầu Nguyễn Bông tới cầu-tự ở chùa Thánh-chúa. Sau đó, Ỷ-lan phu-nhân có mang, sinh Càn-Ðức, tức là Lý Nhân-tông." Sách ấy lại chú-thích rằng: Sư chùa Thánh-chúa bày cho Bông phép đầu thai để vào làm con vua. Sự bại-lộ, nên Bông bị chém ở trước chùa, tại chỗ mà nay vẫn gọi là Cánh-đồng Bông. Chùa này, nay ở làng Dịch-vọng, huyện Từ-liêm, gần phía tây thị-trấn Hà-nội. Cánh-đồng Bông ở phía tây, trước cửa chùa.

Dã-sử và thần tích Ỷ lan thái-hậu (Xem sách Chuyện Ỷ-lan, nhà Minh-tâm xuất-bản) có kể rõ nhiều chi-tiết, và chép tên sư chùa Thánh chúa là Ðại-điên. Ðại-điên bảo Bông về nấp trong buồng tắm Ỷ-lan. Một hôm Ỷ-lan tắm thì bắt được Bông còn ẩn trong buồng. Vua Thánh-tông sai đem Bông đi chém. Khi qua chùa Thánh-chúa, Bông xin vào chùa để trách sư. Sư cười và trả lời: "Nếu không hủy thân này, thì sao đầu-thai được." Bông mới hiểu mưu sâu của Ðại-điên và chịu chết. Sách VSL không hề chép đến việc Nguyễn Bông.

Chuyện Giác-hoàng. - Về chuyện Giác-hoàng thì cả hai sách TUTA và VSL, soạn đời Trần, đều có chép. Sau đây, là dịch nguyên-văn trong VSL5.

"Tháng 2 năm Nhâm-thìn 1112, người Thanh-hóa nói ở bờ bể có một đứa bé lạ. Tuổi mới lên ba, mà người ta nói gì, nó cũng hiểu. Nó tự xưng là con đầu-lòng vua, và tự gọi là Giác-hoàng (nghĩa là Phật). Phàm vua Nhân tông làm việc gì, nó cũng biết trước. Vua sai sứ tới hỏi, thì quả đúng như lời đồn. Sứ bèn rước Giác-hoàng về Thăng-long, để ở chùa Báo-thiên (ở chỗ nhà thờ lớn Cơ đốc cạnh hồ Gươm). Vua thấy Giác-hoàng linh dị, càng yêu-dấu; và muốn lập làm thái tử. Triều-đình cho là không nên, vua bèn thôi.

"Vua mới sai đặt trai-đàn trong cung, muốn sai Giác-hoàng đầu thai để làm con mình. Có vị sư ở núi Phật-tích, tên Từ-Lộ, hiệu Ðạo-hạnh, nghe tin ấy, lấy làm lo. Sư bèn giao cho em gái vài hạt châu có làm phép, và dặn rằng: "Ðến xem hội, hãy giắt châu vào mái nhà, đừng để ai thấy." Từ-thị làm đúng như lời. Bỗng-nhiên, Giác-hoàng phát cơn sốt mà ốm. Y bèn nói với người ta rằng: "Ta thấy trong nước lưới sắt bày la-liệt khắp; không có lối nào vào cung để thác sinh."

"Vua sai lục tìm khắp trong chốn trai-đàn, thì thấy mấy hạt châu mà Từ-thị đã giấu. Vua sai bắt Từ Lộ trói ở hành lang Hưng thánh, rồi toan kết tội chết. Nhân lúc ấy, em vua, Sùng hiền hầu, vào chầu vua. Từ Lộ thấy, kêu-van thảm thiết rằng: "Mong Hiền-hầu cứu bần-tăng. Nếu bần-tăng được thoát, thì sẽ vào làm con Hầu để báo đức" Sùng-hiền-hầu nhận lời. Vào thăm vua, hầu tìm mọi cách cứu Ðạo-hạnh. Hầu nói: "Nếu Giác-hoàng quả có thần-lực mà lại bị Từ Lộ làm phép yểm được, thì Lộ chả giỏi hơn Giác-hoàng hay sao? Sự ấy đã rõ. Tôi nghĩ rằng: chi bằng Vua cho phép Lộ vào thác-sinh." Vua bèn tha cho sư. Còn Giác-hoàng, thì bệnh thành nguy-ngập. Y dặn người chung quanh rằng: "Sau khi ta mất, hãy dựng tháp ở Tiên-du để táng ta."

Lời văn dịch trên đây gần giống y như văn trong sách TUTA. Có lẽ cả hai sách đều lấy gốc một nơi. Nhưng trong TUTA, ở chuyện Từ Ðạo-hạnh (53b), có nói rõ vì cớ gì mà Ðạo-hạnh lại không muốn để Giác-hoàng đầu-thai làm con vua Nhân-tông. Nhân-tiện đây, tôi sẽ kể lại chuyện Từ Ðạo-hạnh, theo sách TUTA, để ta thấy dưới triều Lý đời sống đầy chuyện huyền-ảo, và ta có thể so-sánh với óc thực-tế của Lý Thường-Kiệt.

Chuyện Từ Ðạo-Hạnh. - Ðạo-hạnh họ Từ. Bố tên Vinh, làm chức tăng-quan đô-sát.Vinh từng du-học ở làng Yên-lãng (làng Láng ở gần phía tây thị trấn Hà-nội), lấy vợ họ Tăng ở đó, và ở lại làng ấy. Bà sinh Ðạo-hạnh. Lúc bé Ðạo-hạnh tính thích-thảng, có chí lớn. Cử-động thế nào, không ai lường được. Ngày thường, ông kết bạn cùng nho-giả Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn-Nghĩa, và con hát Vi Ất. Tối thì chịu khó đọc sách. Ngày thì thổi sáo, đánh cầu, đánh bạc làm vui. Cha thường trách ông là lười biếng. Một đêm, cha lén vào phòng ngủ, dòm trộm, thì thấy đèn chong suốt đêm, sách-vở chồng đống. Ông thì tựa án ngủ, tay không buông sách. Từ ấy, cha không lo nữa.

Sau, ông dự kì thi tăng-quan, bèn đỗ.

Từ Vinh thường dùng tà-thuật quấy Diên thành-hầu (có lẽ là con vua Lý Thánh-tông). Hầu nhờ pháp-sư Ðại-điên dùng phép đánh chết. Về đoạn này, thần-tích chùa Láng, chùa Thầy và các nơi thờ Từ Ðạo-hạnh, có nói rằng Từ Vinh dùng phép tàng-hình, lọt vào trong hậu-cung của Diên-thành-hầu để ghẹo kẻ cung-nhân. Hầu nhờ Ðại-điên bắt. Một hôm, Ðại-điên lấy tro rắc trước cửa phòng cung-nhân, rồi đọc chú, vẽ bùa và trao cho cung-nhân một cuốn chỉ ngũ-sắc. Ðại-điên dặn cung nhân rằng nếu Vinh tới thì lấy chỉ buộc mình y. Ðêm ấy, Từ Vinh quả tới. Cung-nhân buộc chỉ vào lưng, rồi hô-hoán lên. Vinh túng thế, nhưng không chạy được; bèn biến hình làm con dán và trốn vào vách. Ðại-điên tới tìm mãi không thấy. Sau thấy có râu dán trong vách lòi ra. Ðại-điên cầm râu kéo ra, tì thấy một con dán trắng. Ðại-điên đánh chết. Lại hiện ra thây Từ Vinh.

TUTA không chép chuyện con dán ấy, mà chỉ nói Ðại-điên đánh chết Từ Vinh mà thôi. Sau đó, TUTA chép nối rằng Ðại-điên vứt thây Vinh xuống sông Tô-lịch. Thây trôi đến cầu Vu-quyết (có lẽ Yên-quyết, ở gần góc tây-nam thành Thăng-long), trước nhà Diên-thành-hầu, thì thình-lình đứng dựng lên, mà trỏ tay vào nhà hầu. Hầu sợ, chạy mách Ðại-điên. Pháp-sư tới đọc một câu kệ. Thây bèn trôi đi.

Ðạo-hạnh muốn trả thù cha, nhưng kông có kế. Một hôm, ông rình Ðại-điên. Lúc Pháp-sư đi ra, ông toan giơ gậy đánh, thì nghe trên không có tiếng mắng, bảo: "chớ, chớ!". Ông sợ, bèn bỏ gậy mà chạy.

Ông muốn sang Ấn-độ học dị-thuật để chống với Ðại-điên. Nhưng khi đi đến xứ mán Kim-xỉ (Mán răng vàng, có lẽ ở vùng Thượng-Lào hay Vân-nam), thì đường-xá hiểm trở quá, nên ông đành trở về. Ông bèn lên núi Từ-sơn mà ẩn. Ngày ngày, niệm kinh Ðại-bi-tâm-đà-la-ni, niệm đủ một vạn tám nghìn lần. Một hôm,ông thấy thần-nhân tới nói rằng: "Ðệ-tử là Tứ-trấn-thiên-vương. Cảm công-đức sư tụng kinh, cho nên lại hầu, để sư sai-khiến."

Ðạo-hạnh tự biết rằng mình đã học được đạo-pháp và thù cha sẽ trả xong. Ông bèn tới cầu Vu-quyết, cầm gậy thử, ném xuống sông. Gậy bèn trôi ngược dòng như rồng lội, đến cầu Tây-dương mới dừng. Ông mừng và nghĩ thầm rằng phép mình sẽ thắng Ðại-điên. Ông bén đi thẳng đến nhà Ðại-điên. Ðại-điên thấy ông, liền nói: "Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?" Ông ngửng mặt lên trời, thì không thấy có gì lạ. Ông bèn lấy gậy đánh Ðại-điên. Ðại-điên phát bệnh mà chết.

Sau khi thù cha rửa sạch, ông bèn đi thăm các tùng-lâm, bàn đạo với các sư Trí-huyền ở Thái-bình và Sùng-phạm ở chùa Pháp-vân.

Rồi đến năm Hội-tường-đại-khánh thứ ba 1112, xảy ra chuyện Giác-hoàng đã kể trên.

Sau đó, Ðạo-hạnh được tha. Ông xin đến nhà Sùng-hiền-hầu, dùng phép Ðại-điên bày cho Nguyễn Bông trước, để đầu thai. Ông cũng nấp ở buồng tắm phu-nhân. Phu-nhân giận, mách. Hầu biết chuyện, nên không nói gì. Phu-nhân bèn có mng. Ngày chuyển dạ, phu-nhân theo lời Ðạo-hạnh dặn trước, sai người lên chùa Thiên-phúc (chùa Thầy) báo tin cho ông. Ðạo-hạnh bèn tắm rửa, thay quần-áo, rồi vào trong hang núi mà chết. Ấy là ngày Dương-hoán sinh, tức là Lý Thần-tông.

Sách TT chép vào tháng sáu năm Bính-thân 1126. Xác Ðạo-hạnh không hư-hỏng. Dân làng giữ để thờ. Ðến đời Minh Vĩnh-lạc, quân Minh sang đánh Hồ Quí-li, mới đốt mất. 6.

(3). - Chuyện Lê Văn-Thịnh. - Lê Văn-Thịnh đậu khoa nho đầu tiên ở nước ta, mở năm 1075; rồi được vào dạy vua Nhân-tông (1112). Năm 1084, Văn-Thịnh được sai tới trại Vĩnh-bình để chia địa-giới với Thành Trạc là quan Tống. Năm sau, được cất lên chức thái-sư. Y giữ chức tể-tướng trong mười hai năm. Năm 1096, y bị cách chức và đày đi nơi nước độc. Nguyên-do chỉ vì một việc tin dị-đoan rất thường thấy ở đương-thời. Các sách TT, VSL, VÐUL6, đều có chép chuyện ấy.

Văn-Thịnh nuôi được tên hầu, người Ðại-lý (Vân-nam), biết làm phép thả hơi mù và biến thân thành hổ báo. Văn-Thịnh học lại được phép ấy. Y bèn lập kế giết tên hầu, và định dùng thuật ấy để cướp ngôi vua.

Bấy giờ vào tháng 11 (theo VSL, còn TT nói tháng ba, và VÐUL, nói mùa thu), vua Lý Nhân-tông dạo chơi hồ Dâm-đàm (Hồ-Tây) xem đánh cá. Vua cưỡi một chiếc thuyền chài, có tên Mục Thận người phường Tây-hồ (ở trên bờ bắc hồ), đứng đầu mũi, bủa lưới. Lúc thuyền ra đến giữa hồ, thình lình mù lên đen tối. Nhìn chung quanh không thấy rõ. Bỗng nghe tiếng thuyền chèo vụt-vụt, lướt qua mù tới thuyền vua. Qua mù, ai cũng nhìn thấy trong thuyền ấy có một con hổ lớn đang nhe răng như muốn cắn. Vua sợ lắm. Mục Thận thấy vậy cũng kêu nguy-cấp. Sẵn lưới ở tay, Thận ném vào thuyền kia, bắt được hổ. Thì lại hóa ra Lê Văn-Thịnh!

Vua sai lấy dây sắt trói vào cũi mà giam. Nhưng nghĩ rằng Văn-Thịnh là một đại-thần, từng có công to, vua không nỡ giết (TT). Bèn sai đày lên ở một trại ở thượng-lưu sông Lương (theo VSL, còn TT và VÐUL, đều nói sông Thao.)

Chuyện trên này tiêu-biểu cho sự mê-tín có ảnh-hưởng lớn đến chính-trị ở triều Lý. Sử còn cho biết nhiều chuyện chứng rằng Nhân-tông, cũng như các vua Lý về sau, rất tin ảo-thuật, và có thần-kinh dễ cảm-xúc. Cho nên, chỉ vì một việc xảy ra rất thường, mà Văn-Thịnh xuýt bị chết. Về tháng mười một, trận mù thình-lình tới trên hồ, đó là một sự thường có. Nhưng với tâm-thần hay bị xúc-cảm của vua Lý, khi thấy trời tối mà mình còn ở trên mặt nước, thì vua đâm ra hoảng-hốt. Có lẽ Văn-Thịnh, cũng vì thấy trời tối, mà vội-vã sai chèo thuyền gấp tới để hộ vua về. Ngồi trong thuyền bị trùng-triềng không vững. Văn-Thịnh phải ngồi khom mình, tay chống vào thuyền cho vững. Hình-dáng trông như con hổ. Một mặt khác, có lẽ Văn-Thịnh cũng tin vào các thuật, và có tiếng sẵn là đã học được phép hóa hổ. Cho nên, kẻ trông thấy hình con hổ trong thuyền lại càng nghi cho y muốn hại vua.

Cũng may cho y. Tuy vua tin dị-đoan, nhưng đạo Phật đã gieo mối từ-tâm, cho nên Văn-Thịnh không bị tru di tam tộc như Nguyễn Trãi đời sau. Các nhà bình luận phái nho ở đời sau, như Ngô Sĩ-Liên, còn trách rằng: "Nhân-thần mà mưu giết vua cướp ngôi, thế mà còn tha tội. Làm sai hình chính như vậy; ấy bởi vì lỗi vua quá sùng Phật."

Sau đó, Mục Thận được ban chức đô-úy-tướng-quân, và đất Tây-hồ làm thực-ấp (TT). Mục Thận làm quan đến chức phụ-quốc tướng-quân. Sau khi mất, được tặng hàm thái-úy, và được vua sai lập đền ở phường nhà. Ðền ấy nay vẫn còn. Sách VÐUL còn chép thêm rằng cạnh đền có một cổ-thụ rất to, hình dáng cong queo, như thân con rắn lớn. Cành lá thưa-thớt, trong thân có lỗ. Trong lỗ có con trăn làm tổ. Ngày sóc vọng, trăn vào đền, khoanh thành mấy vòng, nằm chầu.

Chuyện trâu trèo muỗm. - Lê Vãn là một tên lính ở giáp Cổ-hoàng (thuộc huyện Hoằng-hóa, tỉnh Thanh-hóa ngày nay). Người giáp ấy có kẻ thấy dấu-tích một con trâu trèo lên một cây muỗm. Xem ra, thì là trâu trắng. Khá lâu sau, trâu lại xuống bằng một lối khác. Lê Vãn bèn đoán rằng: "Trâu trắng là một vật ở thấp. Nay nó lại trèo lên cao. Ðó là điềm kẻ dưới được lên ở trên." Tuy các sách sử không nói, nhưng có lẽ Vãn là tuổi Sửu (cầm tinh con trâu), và tự cho rằng điềm ám-chỉ mình. Y bèn tụ quân làm loạn (TT). Bấy giờ vào năm 1192, đời Lý Cao-tông. Vua sai Ðàm Dĩ-Mông đem quân Thanh-hóa dẹp. Dĩ-Mông sai đẵn chuối bỏ sông, ngăn cản thuyền của Vãn không bày thành trận đuược. Quân Dĩ-Mông thình-lình tiến tới đánh gấp. Quân Vãn liền tan. 6.

(4) - Chuyện Sư Giáng Hổ.- Mùa thu năm Ðinh-mùi 1187, đời Lý Cao-tông, có một sư người Tây-vực (phía tây-bắc Ấn-độ) tới Thăng-long. Cao-tông hỏi: "Sư biết phép gì không?" Sư trả lời: "Biết giáng hổ." Vua sai tên chỉ-hầu-phụng-ngự Lê Năng-Trường đem sư về công-quán ở, và sai người bắt hổ để thử. Hơn một tuần sau, sư nói với Năng-Trường rằng hổ ấy có thể phục được. Năng-Trường tâu vua. Vua sai dựng chuồng trong các Vĩnh-bình. Rồi bảo sư vào chuồng thử hổ. Sư đi ren-rén bước một, miệng đọc chú, tay cầm gậy. Ðến trước hổ, sư lấy gậy đánh vào đầu hổ. Hổ vồ lấy gậy. Sư lui ra, tâu vua: "Có người nào ác, đã giải mất phép chú của tôi."

Một hôm khác, vua lại sai thử lại. Sư xin làm đàn cầu Phật trước. Vua bằng lòng. Nhưng sư làm lễ lâu không chịu vào thử. Vua muốn thử cho đến cùng. Một hôm khác, vua ép sư vào chuồng hổ. Hổ nhảy lồng lên rường nhà, cào, thét. Sư sợ quá, lùi, không biết làm gì nữa. Bèn tựa chuồng mà chết.

Chuyện Thủy-Cung. - Lý Cao-tông thường say đắm chơi bời. Thường lấy vải lụa bọc sáp chung-quanh, rồi vứt xuống hồ trong Thượng-uyển, và sai kẻ hầu lặn xuống mò lên, để giả làm như Thủy-cung đem hiến. Sau, có tên hầu là Vũ Cao, sợ phải lặn mò. Y bèn bịa đặt kể lại chuyện sau: "Cao qua chơi trên bờ hồ. Thấy một người lạ, cầm lấy tay mà dắt đi. Ðến gốc cây muỗm trên bờ hồ, người kia kéo Cao bảo đi xuống nước. Cao sợ chết đuối, không giám tiến. Một lát, thấy nước rẽ ra. Cao bèn đi vào. Ðến một nơi, thấy cung-điện nguy-nga, thị-vệ nghiêm-chỉnh. Cao hỏi ai ở đó. Người kia trả lời: ta ở đó để quản hồ này. Rồi người kia sai giọn mâm-cỗ, cùng Cao uống rượu. Rượu xong, Cao xin về. Người kia đưa cho cau cầm tay, rồi dẫn ra. Ðến gốc cây muỗm, thì không thấy người kia đâu nữa, mà trong tay, cau đã hóa ra mấy viên đá. Bấy giờ Cao mới biết hồ có thần."

Cao-tông nghe chuyện, không sợ-hãi gì cả, mà còn sai chôn sắt để yểm thần. (VSL 1206)

Chuyện gọi nước. - Ðến mùa đông, nước hồ cạn. Cao-tông không thể dong thuyền chơi trên hồ được. Vua bảo kẻ hầu chung-quanh: "Có ai làm phép cho nước sông lên đầy hồ được, thì ta sẽ hậu-thưởng." Có tên Trần Túc trả lời: "Tôi làm được." Không phải như ta tưởng; Túc không làm máy tát nước đâu. Y định làm phép chú. Vua sai làm, nhưng nước không lên. (VSL 1206)

Chuyện giáng sấm. - Tính Cao-tông sợ sấm. Mỗi lúc nghe sấm động thì run sợ. Có tên cận-thần Nguyễn Dư khoe rằng mình có phép giáng sấm. Gặp khi có tiếng sấm kêu, Cao-tông bảo nó làm phép. Dư ngửng mặt lên trời đọc chú. Sấm lại càng kêu lớn. Vua hỏi tại sao, Dư trả lời: "Tôi đã răn nó từ lâu, mà nó còn cường-bạo như thế đó!" (VSL 1206).6
 



 [ Trở Về ]                                                                        [ Trang kế tiếp ]