Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Trang Chủ] [ Index Việt ] [Index Pali]
Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya60. Kinh Không gì chuyển hướng
(Apannaka sutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala với Ðại chúng Tỷ-kheo và đến tại Sala, một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala.
Các Bà-la-môn gia chủ ở Sala được nghe tiếng đồn như sau: "Sa-môn Gotama, giòng họ Thích-ca, xuất gia từ gia tộc Thích-ca, đang du hành giữa dân chúng Kosala với Ðại chúng Tỷ-kheo, đã đến Sala". Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời, loài Người. Khi đã chứng ngộ. Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Tốt đẹp thay, sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy".
Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Sala đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, một số người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; có người yên lặng ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Bà-la-môn gia chủ ở tại Sala đang ngồi xuống một bên:
-- Này các Gia chủ, các Ông có vị Ðạo sư khả ý nào mà các Ông có lý do đặt được lòng tin không?
-- Bạch Thế Tôn, chúng con không có vị Ðạo sư khả ý nào để chúng con có lý do đặt được lòng tin.
-- Này các Gia chủ, nếu các Ông không có một vị Ðạo sư khả ý nào, thời hãy lấy pháp không gì chuyển hướng này mà thực hành. Này các Gia chủ, pháp không gì chuyển hướng này được khéo thọ trì, khéo thành tựu, sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc lâu dài cho các Ông. Và này các Gia chủ, thế nào là pháp "không gì chuyển hướng"?
(I. Thuyết hư vô)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những lập thuyết như sau, có những quan điểm như sau: "Không có (kết quả của) bố thí, không có (kết quả của) lễ hy sinh, không có (kết quả của) tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thực hành, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã tự chứng ngộ với thắng trí".
Nhưng này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói đối nghịch với các vị Sa-môn, Bà-la-môn kia, những vị này nói như sau: "Có (kết quả của) bố thí, có (kết quả của) lễ hy sinh, có (kết quả của) tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trên đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thực hành, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí". Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào, có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy nói những lời đối nghịch với nhau?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không có (kết quả của) bố thí, không có (kết quả của) lễ hy sinh, không có (kết quả của) tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí". Ðối với những vị này sự kiện này sẽ chờ đợi xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng không có đời sau, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng không có đời sau, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng không có đời sau, thời tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là không có đời sau, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy các ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung, tự ngã cảm thấy an toàn. Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu muốn đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này, ngay trong hiện tại bị những người có trí quở trách: "Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương hư vô luận". Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạn xứ, địa ngục. Như vậy pháp "không gì chuyển hướng" này bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ phía thiện pháp.
Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có (kết quả của) bố thí, có (kết quả của) lễ hy sinh, có (kết quả của) tế tự, có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trên đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã chứng ngộ với thắng trí". Ðối với những vị này, sự kiện này sẽ chờ xẩy ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những vị Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có đời sau, nếu có quan điểm nào nói rằng có đời sau, thời đó là một chánh kiến. Vì rằng có đời sau, nếu có ai suy tư rằng có đời sau, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau thời đó là chánh ngữ. Vì rằng có đời sau, nếu có ai nói rằng có đời sau, thời không tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có đời sau. Vì rằng có đời sau, nếu có ai thuyết phục người khác là có đời sau, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có đời sau, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn cho đời sau không có đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại được những người có trí tán thán: "Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương hữu luận". Còn nếu có đời sau, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán thán; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, "pháp không gì chuyển hướng" này được chấp trì, được thực hành đúng đắn bởi vị này chấp nhận cả hai phía, bỏ qua hai phía bất thiện pháp.
(II. Thuyết vô tác dụng)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn, có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây ra sợ hãi, hay khiến người gây ra sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì. Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì vậy có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo".
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói những lời đối nghịch với các Sa-môn, Bà-la-môn kia. Các vị này nói như sau: "Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây ác não hay khiến người gây ác não, tự mình gây sợ hãi, hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy có tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt, thì do nhân duyên này có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu khiến người đốt nấu, thì do nhân duyên này có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng, bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, thì do nhân duyên này, có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo. Bố thí, điều phục, tự chế, nói thật, đều có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo".
Vì sao vậy? này các Gia chủ, có phải những Sa-môn, Bà-la-môn này nói lời đối nghịch với nhau?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Ở đây, này các Gia chủ, có những Sa-môn, Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tự làm hay khiến người làm,... (như trên)... không đưa đến phước báo". Ðối với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Những Sa-môn, Bà-la-môn này không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có tác dụng, nếu có quan điểm nào nói rằng không có tác dụng, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có tác dụng, nếu ai có suy tư rằng không có tác dụng, thời đó là tà tư duy. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng không có tác dụng, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng không có tác dụng, thời tự mẫu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có tác dụng. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai thuyết phục người khác là không có tác dụng, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy những ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, người có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có tác dụng, thời vị này, sau khi thân hoại mạng chung, tự ngã cảm thấy an toàn. Nếu có tác dụng, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu muốn không có tác dụng đi nữa, nếu lời nói của các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này, ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách: "Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương không tác dụng". Còn nếu có tác dụng, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy pháp "không gì chuyển hướng" này bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ qua phía thiện pháp.
Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tự làm hay khiến người làm... (như trên)... có đưa đến phước báo". Ðối với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị này thật hành theo. Vì sao vậy ? Vì những Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có tác dụng, nếu có quan điểm nào nói rằng có tác dụng, thời đó là chánh kiến. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai suy tư rằng có tác dụng, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có tác dụng,, nếu có ai nói rằng có tác dụng, thời đó là chánh ngữ, vì rằng có tác dụng, nếu có ai nói rằng có tác dụng thời không tự mâu thuẫn đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có tác dụng. Vì rằng có tác dụng, nếu có ai thuyết phục người khác là có tác dụng, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có tác dụng, thời vị này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn tác dụng không có đi nữa, nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại được những người có trí tán thán: "Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương có tác dụng". Còn nếu có tác dụng, thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người trí tán thán; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, pháp "không gì chuyển hướng" này được chấp trì, được thực hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía, và bỏ qua phía bất thiện pháp.
(III. Thuyết vô nhân duyên)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; vô nhân vô duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh; vô nhân vô duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố gắng của người. Tất cả loài chúng sanh, tất cả loài hữu tình, tất cả sanh loại, tất cả sanh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Các chúng sanh ấy bị dắt dẫn, chi phối bởi định mệnh, bởi sự tình cờ, bởi bản tánh của họ. Các chúng sanh ấy hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu loại thác sanh của họ".
Này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn đối nghịch với những Sa-môn, Bà-la-môn ấy. Những vị này đã nói như sau: "Có nhân có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; không có nhân, không có duyên các loài hữu tình bị nhiễm ô. Có nhân, có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Có lực, có tinh tấn, có nhân lực, có sự cố gắng của người. Tất cả loài chúng sanh, tất cả loài hữu tình, tất cả sanh loại, tất cả sanh mạng đều không phải không tự tại, không có lực, không có tinh tấn. (Không phải) các chúng sanh ấy bị dẫn dắt, chi phối bởi định mệnh bởi sự tình cờ, bởi bản tánh của họ. (Không phải) họ hưởng thọ khổ lạc y theo sáu loại thác sanh của họ". Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào? Có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn này nói lên những lời mâu thuẫn, đối nghịch nhau?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Ở đây này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không có nhân, không có duyên... (như trên)... họ cảm thọ khổ lạc..". Ðối với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba thiện pháp thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, và sau khi chấp nhận ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, các vị này sẽ thực hành theo. Vì sao vậy? Những Sa-môn, Bà-la-môn này không thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có nhân, nếu có quan điểm nào nói rằng không có nhân, thời đó là một tà kiến. Vì rằng có nhân, nếu có ai suy tư rằng không có nhân thời đó là tư duy. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng không có nhân, thời đó là tà ngữ. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng không có nhân, thời tự mâu thuẫn, đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có nhân. Vì rằng có nhân, nếu có ai thuyết phục người khác là không có nhân, thời sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy chống lại diệu pháp, người ấy khen mình chê người. Như vậy, trước khi thiện giới của người ấy bị từ bỏ, các ác giới đã được chấp trì. Và tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, sự đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục chống lại diệu pháp, sự khen mình chê người, như vậy những ác bất thiện pháp sai biệt này khởi lên do duyên tà kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, người có trí suy nghĩ như sau: Nếu không có nhân, thời vị này, sau khi thân hoại mạng chung, tự cảm thấy an toàn. Nếu có nhân thời vị này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu muốn không có nhân đi nữa, nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách. "Người này theo ác giới, có tà kiến, chủ trương không nhân". Còn nếu có nhân, thời vị này, cả hai mặt đều gặp sự bất hạnh: ngay trong hiện tại, bị những người có trí quở trách; sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy, pháp "không có chuyển hướng" này bị chấp trì, bị thực hành sai lạc, bởi vị này chỉ có chấp nhận một phía, và bỏ qua phía thiện pháp.
Ở đây, này các Gia chủ, những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có nhân, có duyên... (như trên)... họ cảm thọ hưởng lạc". Ðối với những vị này, sự kiện này chờ đợi sẽ xảy ra: Sau khi từ bỏ ba ác pháp này, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, và sau khi chấp nhận ba thiện pháp này, thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, các vị này thực hành theo. Vì sao vậy? Vì những Sa-môn, Bà-la-môn này thấy sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự cấu uế của các bất thiện pháp, sự thoát ly, sự lợi ích và sự thanh tịnh của các thiện pháp.
Vì rằng có nhân, nếu có quan điểm nào nói rằng có nhân, thời đó là chánh kiến. Vì rằng có nhân, nếu có ai suy tư rằng có nhân, thời đó là chánh tư duy. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng có nhân, thời đó là chánh ngữ. Vì rằng có nhân, nếu có ai nói rằng có nhân, thời không tự mẫu thuẫn, đối nghịch với các vị A-la-hán đã biết được có nhân. Vì rằng có nhân, nếu có ai thuyết phục người khác là có nhân, thời sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, và vì sự thuyết phục ấy thuận với diệu pháp, vị ấy không khen mình chê người. Như vậy, trước khi ác giới của vị ấy được từ bỏ, các thiện giới đã được chấp trì. Và chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, sự không đối nghịch với các bậc Thánh, sự thuyết phục thuận với diệu pháp, sự không khen mình chê người, như vậy những thiện pháp sai biệt này khởi lên, do duyên chánh kiến.
Ở đây, này các Gia chủ, vị có trí suy nghĩ như sau: Nếu có nhân, thời vị này sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Nếu muốn không có nhân đi nữa, nếu lời nói của các Sa-môn; Bà-la-môn ấy là đúng sự thật, thời vị này ngay trong hiện tại, được những người có trí tán thán: "Người này theo thiện giới, có chánh kiến, chủ trương có nhân". Còn nếu có nhân thời vị này cả hai mặt đều gặp sự may mắn: ngay trong hiện tại, được những người có trí tán thán, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Như vậy, pháp "không gì chuyển hướng" này được chấp trì, được thực hành đúng đắn, bởi vị này chấp nhận cả hai phía và bỏ qua phía bất thiện pháp.
(IV. Thuyết Không có cõi vô sắc)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc".
Lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn, đối nghịch với các Sa-môn, Ba la môn ấy. Các vị này đã nói như sau: "Chắc chắn có cõi vô sắc". Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào? Có phải những vị Sa-môn, Bà-la-môn này nói những lời mâu thuẫn, đối nghịch nhau ?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Ở đây, này các Gia chủ, một người có trí suy nghĩ như sau: "Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan niệm như sau: "Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc", ta không có thấy như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tuyệt đối có cõi vô sắc", ta không có biết như vậy. Và nếu ta không biết, không thấy mà chỉ chấp nhận một bên và tuyên bố: "Ðây là sự thật, ngoài ra đều là mê lầm," thời như vậy không xứng đáng với ta. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc", nếu lời nói của những Sa-môn, Ba la môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ tái sanh tại chỗ các chư Thiên có sắc do ý sở thành. Còn nếu những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Tuyệt đối có cõi vô sắc", nếu lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ tái sanh tại chỗ các chư Thiên vô sắc, do tưởng sở thành. Do duyên với cái gì có sắc, chấp gậy, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ đều được thấy. Nhưng sẽ không có những sự việc này trong cõi vô sắc". Do suy tư như vậy, vị ấy thành tựu sự yểm ly, sự ly tham, sự diệt tận các sắc pháp.
(V. Thuyết Không có Ðoạn diệt)
Này các Gia chủ, có một số Sa-môn. Bà-la-môn có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không thể có một sự hữu diệt (Bhavanirodha) toàn diện".
Này các Gia chủ, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn nói lời mâu thuẫn đối nghịch với các Sa-môn, Bà-la-môn. Các vị này đã nói như sau: "Có thể có một sự hữu diệt toàn diện". Này các Gia chủ, các Ông nghĩ thế nào? Có phải những Sa-môn, Bà-la-môn này nói những lời mâu thuẫn đối nghịch nhau?
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
-- Ở đây, này các Gia chủ, một người có trí suy nghĩ như sau: "Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không thể có sự hữu diệt toàn diện", ta không có thấy như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có thể có một sự hữu diệt toàn diện", ta không có biết như vậy. Và nếu ta không biết, không thấy mà chỉ chấp nhận một bên và tuyên bố: "Ðây là sự thật, ngoài ra đều là mê lầm", thời như vậy không xứng đáng với ta. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào, có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không thể có một sự hữu diệt toàn diện", nếu lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ tái sanh chỗ các chư Thiên vô sắc do tưởng sở thành. Còn nếu những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có thể có một sự hữu diệt toàn diện", nếu lời nói của những Sa-môn, Bà-la-môn ấy đúng sự thật, thời sự kiện này xảy ra: Ta chắc chắn sẽ nhập Niết-bàn ngay trong hiện tại. Những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Không thể có một sự hữu diệt toàn diện", thời quan điểm này của các vị ấy gần với tham ái, gần với kiết sử, gần với ái lạc, gần với chấp trước, gần với chấp thủ. Còn những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Có thể có sự hữu diệt toàn diện", thời quan điểm này của những vị ấy là gần với ly tham, gần với không kiết phược, gần với không ái lạc, gần với không chấp trước, gần với không chấp thủ". Do suy tư như vậy, vị ấy thành tựu sự yểm ly, sự vô tham, sự diệt tận đối với các hữu.
(Bốn hạng người)
Này các Gia chủ, có bốn hạng người này có mặt ở trong đời. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Gia chủ, có người tự hành khổ mình chuyên tâm tự hành khổ mình. Ở đây, này các Gia chủ, có người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Ở đây, này các Gia chủ, có người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Ở đây, này các Gia chủ, có người vừa tự không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người. Vị này không hành khổ mình, không hành khổ người, ngay trong hiện tại, không có tham dục, không có khao khát, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể.
Và này các Gia chủ, thế nào là người tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình ? Ở đây, này các Gia chủ, có người sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không chịu đứng một chỗ, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn dành riêng, không nhận mời đi ăn, không nhận từ nơi miệng nồi, không nhận từ nơi miệng chảo, không nhận tại ngưỡng cửa, không nhận giữa những cây gậy, không nhận giữa những cối giã gạo, không nhận từ hai người đang ăn, không nhận từ người đàn bà có thai, không nhận từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận từ người đàn bà đang giao cấu người đàn ông, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận tại chỗ có chó đứng, không nhận tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, hay chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, hay chỉ nhận ăn hai miếng... hay vị ấy chỉ nhận ăn bảy nhà, hay vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát,... nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa,... bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị ấy chỉ ăn cỏ hoang, ăn lúa tắc, ăn lúa hoang, ăn da vụn, ăn rong nước, ăn bột tấm, ăn váng gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ hay ăn phân bò. Vị ấy ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vỏ cây tirita làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện bằng từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cừu. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người chuyên sống theo hạnh nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, từ bỏ chỗ ngồi, là người ngồi chõ hỏ, chuyên sống theo hạnh ngồi chõ hỏ, một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi). Như vậy dưới nhiều hình thức, vị ấy sống tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình. Như vậy, này các Gia chủ, được gọi là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình.
Và này các Gia chủ, thế nào là hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người? Ở đây, này các Gia chủ, có người là người đồ tể giết trâu bò, là người đồ tể giết heo, là người giết vịt, săn thú, là thợ săn, thợ đánh cá, ăn trộm, người xử tử các người ăn trộm, cai ngục và những người làm các nghề ác độc khác. Như vậy, này các Gia chủ, được gọi là người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.
Và này các Gia chủ, thế nào là người vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người ? Ở đây, này các Gia chủ, có người làm vua, thuộc giai cấp Sát-đế-lị, hay một Bà-la-môn triệu phú. Vị này cho xây dựng một giảng đường mới về phía Ðông thành phố, cạo bỏ râu tóc, đắp áo da thô, toàn thân bôi thục tô và dầu, gãi lưng với một sừng nai, đi vào giảng đường với người vợ chính và một Bà-la-môn tế tự. Rồi vị ấy nằm xuống dưới đất trống trơn chỉ có lát cỏ. Vị vua sống với sữa từ vú một con bò cái, có con bò con cùng một mầu sắc; bà vợ chính sống với sữa từ vú thứ hai; và vị Bà-la-môn tế tự sống với sữa từ vú thứ ba. Sữa từ vú thứ tư dùng để tế lửa. Còn con nghé con thì sống với đồ còn lại. Vị vua nói như sau: "Hãy giết một số bò đực để tế lễ, hãy giết một số nghé đực để tế lễ, hãy giết một số nghé cái để tế lễ, hãy giết một số dê để tế lễ, hãy giết một số cừu để tế lễ, hãy chặt một số cây để làm cột tế lễ, hãy thâu lượm một số cỏ dabbha để làm chỗ tế lễ. Và những người nô tỳ, những người phục vụ, những người làm công, những người này vì sợ đòn gậy, vì sợ nguy hiểm, với mặt tràn đầy nước mắt, khóc lóc làm các công việc. Như vậy, này các Gia chủ, được gọi là hạng người vừa tự hạnh khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.
Và này các Gia chủ, thế nào là hạng người vừa không tự hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người; ngay trong hiện tại không có tham dục, không có khao khát, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, thân trú vào Phạm thể?
Ở đây, này các Gia chủ, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên bố điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.
Người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nghe pháp ấy, sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, người ấy suy nghĩ: "Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ, hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ, hay bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Vị ấy xuất gia như vậy, hành trì các học giới và hạnh sống các Tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết xấu hổ, sợ hãi, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Vị ấy từ bỏ đời sống không Phạm hạnh, sống theo Phạm hạnh, sống đời sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt.
Vị ấy từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chuyện chia rẽ ở những người kia. Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy từ bỏ nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói dịu hiền, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người; vị ấy nói những lời nói như vậy. Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói pháp, nói luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, hợp lý có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.
Vị ấy từ bỏ không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm; từ bỏ các món ăn phi thời; từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, các cuộc trình diễn; từ bỏ không dùng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa, trang sức, và các thời trang; từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn; từ bỏ không nhận vàng và bạc; từ bỏ không nhận các hạt sống; từ bỏ không nhận thịt sống, từ bỏ không nhận đàn bà con gái; từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai; từ bỏ không nhận cừu và dê; từ bỏ không nhận gia cầm và heo; từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái; từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai; từ bỏ không dùng người làm môi giới hoặc tự mình làm môi giới; từ bỏ không buôn bán; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo; từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.
Vị ấy sống biết đủ, bằng lòng với tấm y để che thân với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh, cũng vậy, Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo. Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, nội tâm hưởng lạc thọ không khuyết phạm.
Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự các nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm.
Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.
Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, thành tựu Thánh hộ trì các căn này, thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một trú xứ thanh vắng, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, đống rơm.
Sau khi ăn xong và đi khất thực trở về, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gột rửa tâm hết dục tham. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử, hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
Vị ấy sau khi từ bỏ năm triền cái này, các pháp làm tâm cấu uế, làm trí tuệ trở thành yếu ớt, vị ấy ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do dục sanh, với tầm với tứ.
Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba.
Vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến túc mạng trí. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy vị ấy nhớ đến những đời sống quá khứ, cũng với các nét đại cương và các chi tiết.
Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến sanh tử trí của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Vị ấy nghĩ rằng: "Thật sự những vị chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ", tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ tập", tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ diệt", tuệ tri như thật: "Ðây là con Ðường đưa đến khổ diệt" tuệ tri như thật: "Ðây là những lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là nguyên nhân của các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là con Ðường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc".
Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có trở lui đời sống này nữa".
Như vậy, này các Gia chủ, được gọi là hạng người không tự hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người; ngay trong hiện tại, không có tham dục, không có khao khát, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể.
Khi được nói vậy, các Bà-la-môn, gia chủ trú ở Sala bạch Thế Tôn:
-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama chấp nhận cho chúng con làm những người cư sĩ. Từ nay cho đến mạng chung, chúng con xin trọn đời quy ngưỡng.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chân thành cám ơn anh HDC và nhóm Phật tử VH đã có thiện tâm gửi tặng ấn bản điện tử.
(Bình Anson hiệu đính, dựa theo bản Anh ngữ "The Middle Length Discourses of the Buddha", Tỳ kheo Nanamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, 1995).
11-10-2003
Source = BuddhaSasana
[Mục lục kinh Trung Bộ]