[ Trở về ]
Xúc
Thọ - Ái Thủ - Cắt Bỏ
1) 5 uẩn không phải là một quá trình mà là tập hợp/2) so sánh tâm thân với software và hardware- Nguyên Phước
Ngũ uẩn là " quá trình hình thành " không khác ngũ uẩn là "tổng hợp - Nguyên Đạo
1)Không thể cắt một nơi nào trong biến đổi của tâm thức /2)chữ software và hardware chỉ là phương tiện - Pháp Hiền
De : Nguyên
Phước
Date : Lundi 23, Février 2004 13:11 -Các đạo hữu thân mến, Sau khi nhận được những ý kiến của thầy Pháp Hiền và các anh Nguyễn Tường Bách, Tuệ Minh Đức về vấn đề " xúc-thọ, ái-thủ ", tôi muốn xin tiếp tục thảo luận thêm về vấn đề này. Có điều cứ lên tiếng hoài, cứ " khua môi múa mỏ " trên diễn đàn, trong khi đa số các đạo hữu vẫn chăm chỉ tu luyện pháp môn " im, im, im... ", thì tôi cũng tự cảm thấy ngượng ngùng và vô duyên làm sao ấy ! Nhưng đợi mãi vẫn chẳng thấy động tĩnh gì, (trong khi anh Nguyên Đạo điều phối đã tiên báo " phát biểu sẽ rất dồn dập "), nên tôi cũng liều mình nhẩy lên lại võ đài (xin lỗi, diễn đàn). Vậy thì, ngu đệ xin thất lễ với các tôn sư, hiền huynh, hiền tỷ, mà ra thêm một chiêu nữa nhé ! Đầu tiên, trong bài của anh NTB, anh có nói tới 5 uẩn như một quá trình (hay tiến trình): " sắc " rồi tới " thọ ", rồi tới " tưởng ", rồi tới " hành ", rồi tới " thức ". Tôi hoàn toàn đồng ý với những thí dụ anh đưa ra (ngoại trừ giả thuyết thái độ trước ly rượu của Nguyên Thủy và Đại Thừa, có lẽ hơi giản lược một chút...), nhưng theo tôi được biết, 5 uẩn không phải là một quá trình (như vòng nhân duyên), mà là một tập hợp những yếu tố tạo thành con người, tạo nên cái mà mình gọi là cái " ta ". " Tưởng " thật ra đi sau " thức ", bởi vì " thức " chỉ là chú tâm vào thôi, chứ chưa nhận ra sự vật, đến khi có " tưởng " rồi mới nhận ra sự vật. Khi đức Phật phân tách con người ra thành những yếu tố vật lý (sắc) và tâm lý (thọ, tưởng, hành, thức), thì chủ đích của ngài là để chứng minh rằng cái " ta " không phải là một thực thể, mà là một cái gì hoàn toàn tạm bợ, giả tạo (vô ngã). Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao lại có 5 uẩn, chứ không phải là 6, 10, hay 20 uẩn, bởi vì lòng người quá ư là phức tạp ! Nhưng rồi tôi cũng nghĩ rằng điều đó không có gì là quan trọng, cái chính là hiểu được rằng cái " ta " là do nhiều yếu tố tạo thành, mỗi yếu tố cũng là do nhiều yếu tố khác tạo thành, trùng trùng duyên khởi... " Khi 5 uẩn vật lý và tâm lý đó, kết hợp lại và hoạt động với nhau một cách tương hữu, như một chiếc máy sinh-vật học, thì chúng tạo nên ý thức về cái " ta " " (Walpola Rahula). Nói cho cùng, ý niệm về 5 uẩn thật ra cũng chỉ là ý niệm, chứ không phải là sự thật, vì vậy cho nên Bát Nhã Tâm Kinh mới có câu " không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức "... Thầy PH có lấy thí dụ viết chữ PHẬT lên trên tờ giấy, v.v. Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét đó, nhưng tôi vẫn chưa biết làm thế nào để mà cắt giữa " xúc " và " thọ ", một khi mình đã quen thuộc với những cái xúc-thọ đã trở thành " đường lối tập khí " hay một loại phản xạ có điều kiện (réflexe conditionné)? Lắm khi lơ đãng nhìn phong cảnh chung quanh, mắt tôi tình cờ gặp phải những giòng chữ quảng cáo, và dù cố gắng tới đâu chăng nữa tôi cũng không thể nào tránh được đọc (tức là " thọ ") phải những giòng chữ ấy. Đó là chưa kể những hình ảnh cố tình làm chóa mắt hay chối mắt, và những hình ảnh len vào tiềm thức (images subluminales) người xem, là những vũ khí vẫn được thường xuyên dùng để tuyên truyền và quảng cáo... Tôi vẫn không tin rằng có thể cắt được ở một nơi nào trong sự biến đổi không ngừng và phức tạp của tâm thức. Cũng như anh NTB và TMD, tôi cho rằng chỉ có một cái nhìn tổng thể, bằng trí huệ tỉnh giác, thấy rõ tính chất huyễn ảo của mọi hiện tượng, cái Không của mọi sự vật, " biết vọng không theo ", để trở về với cái Phật tánh, cái " ông chủ của mình ", thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Thay vì nhằm cắt đứt giây xích thì phải buông xaû chiếc vòng. Buông xả không phải là một thái độ âm tính (négative), tiêu cực, chủ trương hư vô. Buông xả là một thái độ tích cực, do con người chủ động, cũng như tác động mở rộng bàn tay ra (phá chấp), trong khi phản ứng thụ động thường tình là nắm chặt tay vào (chấp). Muốn buông xả thì phải có trí huệ, phải biết rõ rằng không có gì để nắm chặt, rằng tất cả những gì nắm chặt là Không... Tôi không đồng ý với sự so sánh tâm thân với software và hardware, bởi vì đạo Phật (cũng như khoa học) không phân biệt vật chất và tinh thần, thân và tâm. Thân và tâm là hai mặt của một thực tại, không thể tách rời nhau được (đúng hơn là một thực tại nhìn dưới hai khía cạnh). Không có một bên là não bộ, một bên là tâm thần, vì vậy cho nên danh từ phù hợp nhất có lẽ là tâm-não (" trí não " có vẻ thiên về trí thức hơn). Tâm cũng có thể tạm gọi là một chức năng của não, một kết quả của sự vận hành của não. Nhưng như vậy, nếu so sánh với máy điện tử, thì có thể nào software lại là một chức năng, một kết quả của hardware ? Với TMĐ, tôi xin nhắn hai điều : - Thứ nhất, trong vòng nhân duyên, " xúc " không có nghĩa là cảm xúc, mà chỉ là kết quả đầu tiên của sự gặp gỡ giữa " trần " và " căn " thôi. Tiếng Pháp dịch là sensation, mà chữ sensation có hai nghĩa, cho nên mình hay lầm là vậy. Ở đây có nghĩa là : " Fait de conscience élémentaire fourni par les sens, causé par une excitation physiologique " (từ chữ latin sensus, sens) (J. Russ, Dictionnaire de philosophie), chứ không phải là : " Etat psychologique découlant des impressions recues et à prédominance affective ou psychologique" (từ chữ latin sentire, sentir) (Larousse). " Thọ " dịch là perception, có nghĩa là : " Fonction par laquelle lesprit organise ses sensations et se forme une représentation des objets externes " (J. Russ, ibid). Trong đạo Phật chỉ có khác một điều là có 6 căn, thêm cả ý nữa, cho nên xúc-thọ là cả với ý tưởng của mình. Như vậy thì TMĐ cũng không khác gì mọi người, " xúc " trước rồi " thọ " sau, không có gì là bất thường cả ! - Điều thứ nhì là, theo tôi, mình đừng nên tự hỏi hoài chân lý là ở đâu. Đừng nên tìm chân lý tuyệt đối. Phải dứt khoát từ bỏ ảo tưởng về chân lý. Bởi vì không bao giờ mình nắm được chân lý của bất cứ một vật gì. Dù mình chụp hình vật đó dưới mọi khía cạnh, phân tích sự cấu tạo của nó một cách hết sức tinh vi, dù mình dùng tất cả những ngôn ngữ trên thế gian này để diễn tả nó, dù làm thế nào chăng nữa, sự vật đó vẫn là nó, chân lý nó vẫn vuột ra khỏi tầm ý thức của mình. Mà không phải chỉ những vật ở ngoài mình, như ly nước hay cuốn sách trước mặt, mà ngay cả thân thể mình, mình cũng không thể nào thấu triệt được. Như bàn tay tôi đây, tôi đã xử dụng nó bao nhiêu năm trời, cảm nhận bằng nó, làm bao nhiêu việc nhờ nó, sống với nó 24 giờ trên 24 (và sẽ chết với nó), nó là tôi, tôi là nó... Mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết gì về nó. Giở sách cơ thể học ra, thì tôi sẽ thấy những đốt xương, những bắp cơ, những đường gân, những mạch máu, những dây thần kinh đan chéo vào nhau, nhưng đó chỉ là những hình ảnh trừu tượng, không phải là bàn tay tôi. Tôi sẽ vĩnh viễn không biết gì về thế giới bên ngoài, về cơ thể tôi, cũng như về tâm trí của tôi. Chỉ có chính chúng mới là chân lý tuyệt đối của chúng. Một trong những sự gặp gỡ căn bản giữa khoa học và đạo Phật có lẽ là ở nơi đó. Đối với khoa học, chân lý - điều mà tất cả các nhà khoa học đều theo đuổi - chỉ có thể là chân lý tương đối, có giá trị trong những điều kiện nào đó, trong một khoảng thời gian nào đó, và luôn luôn có thể đặt lại vấn đề. Trong lịch sử khoa học, đã có nhiều chân lý nối tiếp nhau, đôi khi xung đột, nhưng vẫn bổ túc cho nhau, để mỗi ngày tăng thêm sự hiểu biết của nhân loại. Đạo Phật cũng chia ra chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối, và chỉ có chân lý tương đối mới có thể diễn tả được, trong khi chân lý tuyệt đối vượt khỏi ngôn từ, biểu tượng, không thể nghĩ bàn. Khoa học dùng những paradigmes (hệ biến hóa ?), trong khi đạo Phật dùng những prajnapti (giả lập), những phương tiện thiện xảo, để đạt tới cứu cánh, một bên là sự hiểu biết thông thái các hiện tượng, một bên là sự giác ngộ và giải thoát cho con người. Tôi vẫn không biết chân lý tuyệt đối theo đạo Phật là gì, và vẫn nhớ tới lời dậy của các minh sư : " Bao giờ uống nước, thì mới biết mùi vị của nước ". Dứt khoát tôi sẽ chẳng bao giờ uống được giòng nước ấy, cho nên tôi cũng thấy chẳng cần vò đầu bứt tai với câu hỏi đó làm gì... Nhưng có một điều tôi chắc chắn, theo cách nhìn trên, là : chỉ có một điều tôi thấu triệt được, có một chân lyù tôi có khả năng nắm được một cách trọn vẹn và tuyệt đối. Đó là gì, các đạo hữu hãy thử đoán xem? (Muốn biết câu trả lời, xin đọc ngược lại các chữ trong hai dòng cuối thư). Thư đã dài, tôi đã quá đa ngôn. Nếu có những điều chi sai quấy, xin các thầy, các đạo hữu vui lòng chỉ giáo cho, Nguyên Phước xin cúi đầu đa tạ. Thân mến, đây ! tại và giờ bây, tâm trong thấy nhận cảm đang tôi gì những cả tất là Đónơi. tới đưa nhất duy đường con là niệm chánh nên cho đó vì lẽ Có |
De : Nguyên
Đạo
Date : Mercredi 25, Février 2004 10:54 Xuc-tho (tiep theo) Các đạo hữu thân mến, (...) Bước sang chuyện " Ngũ uẩn ", "nhân duyên " và "vô ngã " . Nguyên Phước có lẽ hơi khác ý với NTB về vấn đề " Ngũ uẩn ". NP cho rằng không nên xem Ngũ uẩn như một "quá trình ", mà nên xem như một "tổng hợp ". Đang hoa mắt giữa " Mai hoa quyền " của NP và " Đả hổ cước " của NTB, tôi bỗng chụp được chiêu chót của NP " Nói cho cùng, ý niệm về 5 uẩn thật ra cũng chỉ là ý niệm, chứ không phải là sự thật, vì vậy cho nên Bát Nhã Tâm Kinh mới có câu " không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức "... Hay ! hay ! Tất cả chuyện nghĩ bàn đều chỉ là câu chuyện về " ý niệm ". Ta chia cắt sắp xếp thực tại thành những ý niệm để dễ sử dụng, lý luận, dễ xài, rồi rất nhiều khi tùy chỗ đứng mà dùng ý niệm này , ý niệm kia, để chỉ cùng một thực tại. Ngày xưa, hình như là Nguyên Si thì phải, hay nói " đó là 2 bộ mặt của 1 thực tại " . Phải chăng các ý niệm "vô thường", "vô ngã ", "nhân duyên " , "khổ " cũng chỉ là 4 bộ mặt của một thực tại ? Theo thói quen, nói cho đơn giản, để cho dễ hiểu, ta thường phân biệt ra "không gian" và " thời gian" , "vô ngã " tương ứng với không gian, " vô thường " với thời gian, "vô thường, vô ngã" tương ứng với Hoại, Duyên sinh tương ứng với Thành. Cũng có người dùng ý niệm "tĩnh" với "động". Nhưng, trong thực tại, có thể nào nói đến " Vô Ngã " mà không nói đến "Vô Thường" và "Duyên sinh " ? và ngược lại, có thể nào kể " vô thường " mà quên " vô ngã ", có thể nào nói tới " Thành " mà không nói tới " Hoại " ? Vô ngã bao hàm vô thường, vô thường bao hàm duyên sinh, duyên sinh bao hàm vô ngã v.v... Nếu thích nói kiểu " không ", thích " phá hoại ", phá ngã , thì lấy ngũ uẩn rồi phân chia ra, để cho thấy rằng con người không phải là một thực thể đồng nhất thường còn bất biến, kiểu linh hồn hay thượng đế , mà được ta phân ra làm 5 yếu tố, rồi lấy mỗi yếu tố cứ thế phân ra mỗi lúc một tinh vi hơn, không biết bao giờ mới có thể ngừng, nhất là trong mỗi yếu tố lại gồm có " duyên này duyên kia " trùng trùng trùng điệp điệp. Còn, nếu thích nói kiểu "có " hay " hình thành " thì nói ngũ uẩn là "tổng hợp ", là " quá trình ". Dù nói kiểu " hoại - không", hay nói kiểu " thành - có " , thì ngũ uẩn cũng vậy mà thôi, cũng như nói ly nước nửa đầy hay ly nước nửa vơi không mảy may làm thay đồi lượng nước trong ly. Trở lại vấn đề "tổng hợp ". Ta nói "ngũ uẩn là tổng hợp của 5 yếu tố " . Nếu ta chỉ ngừng tại đây, ở mức độ "tổng hợp" này thì chắc chẳng còn gì để nói. Phải chi ta có thể bắt chước lối định nghĩa của toán học " Ta định nghĩa như vậy đó, đúng sai với thực tại không cần biết, cái gì ngoài định nghĩa là cắt bỏ !!!". Khổ nỗi trong đạo Phật, sau khi định nghĩa , câu hỏi kế tiếp vẫn luôn luôn là " chân " hay " vọng ", hậu quả đưa đến an lạc hay khổ đau ? Như vậy chỉ ngừng ở câu "Ngũ uẩn là tổng hợp của 5 yếu tố " dù đúng cũng không đủ nữa. Từ đó, một câu hỏi đương nhiên nảy sinh : " tổng hợp như thế nào ", "Tổng hợp một cách ngẫu nhiên hay tổng hợp có quy luật " ? thí dụ, một người có thể nào có chân ghép với đầu, mũi ghép với bụng được không ? Nếu sự vật tổng hợp không theo quy luật nào cả thì thôi, dẹp tiệm, hết khoa học, hết triết học, hết tôn giáo, hết tư duy ... Còn nếu có quy luật thì phải nói cái này tổng hợp , theo quy luật này, cái kia quy luật kia. Con người có ra nhờ tinh cha, noãn mẹ, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, điều kiện trưởng thành, lớn lên, truyền thống, bạn hữu, tình cảm, v.v... Tất cả những yếu tố này tổng hợp có lớp lang thứ tự, có trước, có sau, có xa, có gần, có yếu, có mạnh, khi cặp đôi, khi chấp ba mà đối đãi. Đã không đặt ra " ý niệm không gian " và " ý niệm thời gian " thì thôi. Nhưng nếu đặt ra những ý niệm đó thì đương nhiên phải nói là trong cái tổng hợp của ngũ uẩn có thêm cả yếu tố không gian lẫn yếu tố thời gian. Tâm, vật đều là những yếu tố của " tổng hợp " , không gian và thời gian cũng vậy mà thôi. Như vậy nói ngũ uẩn là "tổng hợp có quy luật của 5 yếu tố " và "ngũ uẩn là quá trình hình thành qua 5 yếu tố " phải chăng chỉ là một ? Hơn nữa , mỗi yếu tố tự nó nào phải độc lập, mà lại do các điều kiện tương quan tương duyên mà thành, như sắc căn tương quan với sắc trần chẳng hạn ... Khi NTB nói ngũ uẩn là " quá trình hình thành " qua sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì cũng chẳng khác gì NP nói ngũ uẩn là "tổng hợp có quy luật " của sắc , thọ, tưởng, hành thức. Lần theo bước của NP ta tụng thêm
kinh Bát Nhã " Thể không của các pháp là không sinh, không
diệt, không nhiễm, không sạch , không thêm, không bớt ...
"
|
De : Pháp Hiền Date : Jeudi 4, Mars 2004 6:27 Các anh chị thân mến, Sau khi nhận được bài viết của anh NP về vấn đề "xúc-thọ, ái-thủ", tôi muốn chờ đợi các ý kiến khác, vì nghĩ rằng, trong các cuộc thảo luận chung, mỗi người nên tránh kiểu đối thoại tay đôi ngỏ hầu tránh gây hiểu lầm giữa nhau. Nhưng thời gian đã trôi qua mà chẳng thấy ai tham gia ý kiến, lại không muốn tập thành thói quen "bỏ dở nửa chừng", nên xin viết thêm đôi lời, như sau : *** - với thí dụ viết chữ PHẬT lên trên tờ giấy, v.v. Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét đó, nhưng tôi vẫn chưa biết làm thế nào để mà cắt giữa "xúc" và "thọ", một khi mình đã quen thuộc với những cái xúc-thọ đã trở thành "đường lối tập khí" hay một loại phản xạ có điều kiện (réflexe conditionné)? Lắm khi lơ đãng nhìn phong cảnh chung quanh, mắt tôi tình cờ gặp phải những giòng chữ quảng cáo, và dù cố gắng tới đâu chăng nữa tôi cũng không thể nào tránh được đọc (tức là "thọ") phải những giòng chữ ấy. Đó là chưa kể những hình ảnh cố tình làm chóa mắt hay chối mắt, và những hình ảnh len vào tiềm thức (images subluminales) người xem, là những vũ khí vẫn được thường xuyên dùng để tuyên truyền và quảng cáo... Tôi vẫn không tin rằng có thể cắt được ở một nơi nào trong sự biến đổi không ngừng và phức tạp của tâm thức. Cũng như anh NTB và TMD, tôi cho rằng chỉ có một cái nhìn tổng thể, bằng trí hueä tỉnh giác, thấy rõ tính chất huyễn ảo của mọi hiện tượng, cái Không của mọi sự vật, "biết vọng không theo", để trở về với cái Phật tánh, cái "ông chủ của mình", thì mới có thể giải quyết được vấn đề. _______ Theo kinh điển :
Trả lời : Có nhiều cách. Một cách thường được biết đến của nhà thiền là "kháng công án", còn gọi là "kháng thoại đầu", còn gọi là "tạo nghi tình". *** quote 2 : - Tôi không đồng ý với sự so sánh tâm thân với software và hardware, bởi vì đạo Phật (cũng như khoa học) không phân biệt vật chất và tinh thần, thân và tâm. Thân và tâm là hai mặt của một thực tại, không thể tách rời nhau được (đúng hơn là một thực tại nhìn dưới hai khía cạnh). Không có một bên là não bộ, một bên là tâm thần, vì vậy cho nên danh từ phù hợp nhất có lẽ là tâm-não ("trí não" có vẻ thiên về trí thức hơn). Tâm cũng có thể tạm gọi là một chức năng của não, một kết quả của sự vận hành của não. Nhưng như vậy, nếu so sánh với máy điện tử, thì có thể nào software lại là một chức năng, một kết quả của hardware ? _______ - Dĩ nhiên, việc dùng hai chữ software và hardware chỉ là phương tiện, cho dễ hình dung. Nhưng, thân (hay bộ máy sinh học, gồm bộ não và hệ thần kinh), tâm và thức không thể là một được, dù chúng phải tương ưng nhau. - Trong Kinh, Phật nói, đại khái là phải có 3 yếu tố cấu thành sự sống, đó là : tinh cha, noãn mẹ và "thức tái sinh". Không có cái "thức" này, sự kết hợp giữa tinh cha và noãn mẹ sẽ chết và tan rửa, vì không có sự sống. Sự "tái sinh" hay "luân hồi" cũng là do cái "thức" này mà có. Dĩ nhiên, "thức tái sinh" chỉ nhập vào một cơ thể tương ưng với nó. - Vậy, không thể đồng hóa "thức" với bộ não được. Lại còn phải có yếu tố "tâm" nữa thì mới có sự cảm thọ được. Bàn rộng thêm :
"Phân biệt là thức. Vô phân biệt là Trí. Y theo thức thì nhiễm ô. Y theo trí thì thanh tịnh. Bởi nhiễm ô mà có sanh tử. Do thanh tịnh nên chẳng có Phật" |
[ Đầu trang ]
Trang trước [ Trở về ]