Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

KHO VÀNG SẦM SƠN
PHẦN 7
TchyA Đái Đức Tuấn
Ngày 13 tháng 8 năm Bính Ngọ.

Nhân dân thành Thăng Long, từ ngày Uy quốc công cho dùng vương lễ để tống táng thi hài chúa Trịnh, được mục kích không biết bao cảnh tưng bừng rực rỡ, liên tiếp nhau bầy ra trong khoảng hơn nửa tháng trời.

Mỗi khi anh mõ đi riễu phố này qua phố khác, vừa gỡ miếng sừng cóc cóc vừa lên giọng khàn khàn báo cáo cho dân gian phải trang hoàng nhà cửa và nghênh bái những đám rước tôn nghiêm long trọng sắp đi qua, thiên hạ lại nhau nhau sắm sửa để chào đón những cảnh vui mắt, mới lạ, mà từ xưa, họ chua từng được thấy. Rồi, đến ngày đã dự định, họ tụm năm tụm bẩy ở các ngã tư ngã ba, họ dắt nhau họp đông đúc trước cửa Ngọ môn, trước phủ Liêu hoặc trước đền Vạn Thọ, họ leo lên cây, lên gác, lên tường, ở ven những phố phường mà họ cho rằng thế nào đám rước cũng phải dàn qua.

Ngày 13 ấy, tấp nập rộn rịp hơn mọi ngày, nhân dân thành Thăng Long kéo nhau đi xem hội. Họ bỏ cả nhà cả cửa, họ bồng bế xô đẩy nhau, họ bàn, họ tán, họ làm náo động cả một vùng. Thôi thì nào già nào trẻ, nào con gái, nào con trai, từ ngưòi giầu kẻ nghèo cho đến ni cô hoà thượng, tất cả bao nhiêu sinh mệnh nương náu trong thành, tất cả bao nhiêu thôn phu an cư ngoài thành, hôm ấy không ai rủ ai mà hình như đã hẹn sẵn với nhau từ trước, đều lũ lượt ùa cả ra một lúc, dầy như nêm cối.

Lính tráng, từ sáng sớm, đã cầm roi quất vào những làn da dầy dạn, những manh áo rách bươm, những chiếc nón xộc lệnh, những cái dù ngất nga ngất ngưởng lấp trời. Một đội quân Ngự lâm, mỏi tay, mỏi mồm, mới bắt được kẻ đi xem đứng theo lệ luật, không được lấp bờ đường, mà từng quãng, có cọc đóng và dây thừng chăng sẵn để làm giới hạn.

Chính giữa đường từ cửa Nam đi thẳng suốt đến Ngọ môn đền Vạn thọ, một hàng chiếu cạp điều phủ trên mặt đất; rồi, cứ năm mươi bước một, lại một chiếc án thư bầy ngoài cạp chiếu, ven đường. Một chiếc tàn vóc hồng hoặc một chiếc lộng vàng che ánh nắng cho án thư mà trên mặt, bầy một đỉnh trầm hương nghi ngút, một đôi bình sứ cắm hoa, hoặc những đồ thất sự bằng đồng. Cách vài trăm bước, có chỗ lại thiết lập những cái thể môn chót vót kết bằng lá tươi và các thứ hoa đủ sắc, trên treo những bức nghi môn, bảo cái, lóng lánh chữ vàng. Dưới cổng hoa, mỗi bên cột lại có bầy chiêng bầy khánh; cảnh tượng trông uy nghi, trọng thể vô cùng.

Lúc ấy vào khoảng giờ Sửu. Từ bạch nhật, thiên hạ đã mỏi lòng chờ đợi, các võ quan, binh sĩ, thị lập để giữ trật tự, cũng chán nản mệt mỏi, bưng mồm ngáp vặt hoặc vuôn vai. Người đi xem đã náo nức muốn về, đinh ninh rằng đám hội, chắc sai ngày, không có.

Bỗng đâu, một viên kỵ mã lướt qua đường như bóng nhoáng; thiếu niên ngồi trên mình ngựa như không để ý đến nguyên vệ lỗng lẫy dàn ra trước mắt, cứ xăm xăm ra roi chạy riết, làm cho vó ngựa xông pha trên dẫy chiếu cạp điều. Người ấy mặc võ trang ngắn mà chẽn, trông y phục thì ra một tên tùy tướng, không hiểu sao hắn ngang tàng như vậy, mà cũng không hiểu vì sao hắn có một con tuấn mã chỉ nhìn sắc lông và kiểu chạy cũng rõ là một con vật quý vô ngần. Hỏi ra mới biết bảo vật ấy là ngựa "Lưu tinh" mà người cưỡi nó là một tên thám tử.

Tên thám tử đi đến đâu cũng lấy tay ra hiệu và hô lớn, mỗi lần gặp bọn quan quân:

- Sắp đến! Sắp đến!

Như bị một mãnh lực gì tiêm vào gân cốt những mầm hùng dũng, khẳng khái, sau khi nghe hiệu "sắp đến", các tên lính canh đều hết cả buồn ngủ, ngáp vặt, tên nào cũng đứng ngay thẳng, coi bộ linh lợi hoạt động lắm; rồi cuộc ra roi đập ô, đập nón, đập áo, đập vai, lại một lần lượn khắp mặt khách đi xem, bắt họ phải đứng ngay ngắn, không được sát vào các dây chăng làm giới hạn ở bên đường. Bây giờ thì dân chúng không tấp tểnh muốn về nữa, họ đều hồi hộp, đều tỉnh táo, đều bấm nhau sẽ nhủ thầm:

- Sắp đến! Sắp đến!

Quả nhiên, độ ít lâu, một hồi trống kiểng ầm ầm báo hiệu trước có ngựa xe đi tới. Tiếng nhã nhạc trúc tơ bắt đầu từ mé Ngọ môn đưa lại, lẫn với tiếng sênh tiền nhịp nhàng êm ái như ru. Chẳng mấy chốc, một cuộc biểu diễn của Hoàng gia bầy trước mắt khán quan không biết bao nhiêu sự rực rỡ uy nghi không bút nào tả được. Cũng gần như đám rước hôm nọ của đội quân Tây Sơn đại thắng đưa quan Tiết chế vào thành, đám rước hôm nay có quân lính đi một dẫy dài có tàn, quạt, cờ, voi, ngựa, súng. Có chiêng, có trống, có đàn sáo, sênh tiền. Có khí giới sáng loáng, có tinh kỳ rợp trời, có bào vàng giáp bạc, không một vẻ lộng lẫy nào kém những cuộc điểm binh buổi trước, chỉ kém bề hùng tráng mà thôi.

Hôm nay còn có thêm cỗ loan xa vua ngự, bốn con ngựa "Hoa tôn" trắng kéo, chung quanh có bốn lọng vàng cùng các quan thái giám theo hầu. Lại có kiệu hoa của Phò mã Uy quốc công, và các mao vàng, việt bạc, nghi vệ của thiên tử đi dàn trên thánh giá.

Đám rước to lớn ấy từ Ngọ môn ra đến cửa Nam, rồi thẳng đường mãi tới Nam Giao thì đứng lại. Đến Nam Giao, vua Chiêu Thống (Nguyễn Huệ ra Bắc Hà chưa được bao lâu thì Lê Hiền Tôn, tức là Cảnh Hưng, Hoàng đế mất. Cháu nội Hiển Tôn là Duy Kỳ lên nối ngôi, tức là Lê Mẫn Đế, niên hiệu Chiêu Thống. Ông nầy sau chết ở bên Tầu) cùng bách quan và tướng sĩ đứng dàn cả hai bên đường để đón một vị quý nhân sắp ra thăm đất Bắc.

Vị quí nhân ấy nào có phải ai xa lạ: chính là Thái Đức đế Nguyễn Nhạc, anh ruột Phò mã Uy quốc công. Nguyên trước kia, vua Tây Sơn không có ý ra đánh Bắc Hà, chỉ sai em là Nguyễn Huệ, rể là Võ Văn Nhậm cùng tướng là Nguyễn Hữu Chỉnh, ra lấy Thuận Hoá mà thôi. Khi Ngài tiếp được thư Huệ nói sắp ra đánh họ Trịnh, Ngài vội vàng sai người ra Thuận Hoá ngăn Huệ. Nhưng sứ ra đến nơi thì muộn quá rồi: quan Tiết chế đã cử đại binh ra đất Bắc từ lâu lắm. Kịp đến khi vua Thái Đức được tin quân Tây Sơn đã diệt Trịnh, đại thắng vào thành Thăng Long nhưng còn ở nán lại giúp nhà Lê, Ngài rất lo ngại. Thực tình Nhạc chỉ lo Huệ ở lâu ngoài Bắc thì sinh biến, nên vội vàng đem 500 quân ra Thuận Hoá, lấy thêm 2000 nữa ở đó, rồi, không quản ngày đêm, đi tuốt một mạch ra Bắc thành.

Quân Tây Sơn ra tới đèo Tam Điệp, bốn chuyến ngựa "lưu tinh" liên tiếp nhau báo tin về chốn Triều đường. Vua Lê Mẫn Đế bèn sai thiết lập các cổng hoa rải chiếu khắp đường và bầy hương án để tiếp rước vua Thái Đức. Hơn nữa, chịu ơn sâu Nguyễn Huệ, lại nghĩ mình còn trẻ tuổi, mới lên ngôi chưa được vững vàng trong một thời dường mối xã tắc đương đổ nát, vua Chiêu Thống chịu nhún mình đưa tam quân ra tận Nam Giao đón Nhạc, mong rằng sự khiêm tốn ấy sẽ cảm động vua Tây Sơn và chú dượng của mình là Huệ, ngõ hầu hai người ấy, từ đây, sẽ giúp mình giữ vững được sơn hà.

Vua tôi nhà Lê đợi ngót một giờ, lúc ấy nẻo xe mới thấy bụi cuốn mịt mùng trắng xoá. Rồi phút chốc một đoàn binh tiến lại nhanh vùn vụt, đi đầu một tướng mũ kim khôi, giáp lấp lánh những vàng. Tướng đó sức vóc vạm vỡ, mặt trông rắn chắc, mắt sáng như mắt diều hâu, mồm rộng, trán gồ, lông mày lưỡi mác; dưới cầm và trên mép có ba chòm râu huê râm, rủ xuống, càng làm tăng vẻ anh hùng. Chính là vua Thái Đức nhà Tây Sơn đó. Vua Thái Đức năm ấy đã gần sáu mươi tuổi, nhưng trông ngài còn quắc thước, tưởng chừng mới độ năm mươi. Ngài mặc võ phục giáp vàng, bào vàng, thắt lưng gấm, đi võ hài thêu rồng. Trên vai ngài lỏng lẻo treo một cái cung sơn son; hai bên sườn ngài, một bên buộc một túi tên bằng xích cẩm, một bên buông thõng một thanh gươm "Giốc chủy" mà võ nạm ngọc đụng leng keng vào dây xích vàng buộc bàn đạp với yên thêu.

Đàng sau vua Tây Sơn, hai viên đại tướng theo hầu, cai quản 500 tên dũng sĩ cùng 2000 hùng binh chia ra làm 5 đội. Xem hai lá cờ hiệu phất phới bay sau lưng hai tướng, vua quan nhà Lê mới nhận rõ một viên là Tư Mã Ngô Văn Sở, còn viên kia là Nội hầu Phan Văn Lân.

Thái Đức Hoàng đế vừa tới, vua Chiêu Thống cùng các quan tiến ra đón rước chào mừng. Nhạc cứ hiên ngang thúc ngựa đi thẳng, dẫn binh theo sau, cũng không thèm xuống yên, không thèm quay đầu, cứ giả vờ như không biết đó là vua tôi nhà Lê ra nghênh tiếp.

Vào đến cửa Nam, Nhạc không cho ngựa đi qua đường rải chiếu lại giẽ cương sang lối tắt đi thẳng tuốt về phủ Liêu, tức là hành doanh của Uy quốc công Nguyễn Huệ.

Trong lúc đó ngoài thành Nam giao, vua Lê vừa ngạc nhiên, vừa bẽ mặt, buồn rầu lên loan xa cùng các quan lủi thủi trở về. Nhưng trở về thì chiêng không đánh, kiểng không rung, đàn sáo bát âm không tấu. Một đoàn binh mã, trước kia hùng tráng, giờ đây uể oải phản hồi.

Thấy anh cử chỉ một cách quá kiêu hãnh, lạ lùng, Nguyễn Huệ cũng ngượng ngùng khó chịu. Không đợi cho vua Lê ra lệnh lui ngự binh vào nội. Huệ đã cùng gia tướng và quân bản bộ, phi vào thành để theo kịp vua Thái Đức cùng bọn Ngô Văn Sở, Phan Như Lân.

Huệ tiếp tất cả bọn ấy ở trong súy phủ, còn hai nghìn rưỡi quân thì giao cho Tả Đô đốc Võ Văn Nhậm trông coi liệt cả vào hàng quân cũ.

Ngày hôm sau, trong sân triều, ngoảnh mặt lên điện Kính Thiên và phủ phục tung hô vạn tuế, một tên sứ giả của vua Thái Đức vào bái kiến vua Chiêu Thống đệ lên Hoàng đế nhà Lê một bức thư vắn tắt có vài dòng:

"Vua Tây Sơn là Thái Đức gởi cho vua nhà Lê là Chiêu Thống được rõ:

"Chúng tôi ngày đêm vất vả ra Thăng Long để đón thằng em Huệ trở về, cuộc hành trình mệt nhọc khó khăn khiến cho khi đến nơi không còn sức lực và thì giờ yết kiến nhà vua, xin nhà vua lượng xét.

Chúng tôi còn ở lại Kinh đô đất Bác vài ngày, vậy ngày khác xin cùng nhà vua tương hội.

Ngày khác, tức là hôm 17 tháng tám năm Bính Ngọ đó. Hôm ấy, Nhạc cho mời vua Lê sang phủ đưòng, để vua Lê ngồi bên tả, Nguyễn Huệ ngồi bên hữu, còn mình thì chính thọa trên sập rồng. Các quan võ thì chia ngôi thứ tự túc trực đôi bên. Một hồi trống long phụng nổi lên, tiếp theo một hồi khánh ngọc. Các quan cùng làm lễ triều kiến cả ba người.

Trong khi thị vệ dâng trà, Chiêu Thống thốt nhời cảm tạ hai anh em Thái Đức:

- Chúng tôi còn nhỏ dại, vâng mệnh tổ phụ lên giữ đường mối cho xã tắc nhà Lê, giữa buổi đường mối ấy đương bị nghiêng lệch. Xứ Bắc ngày nay loạn lạc, bốn phương giặc nổi như ong, bởi tại chính sách nhà Trịnh mà nên vậy. Cơ đồ Liệt Thánh để lại cho công tử hầu bị tan tành, suy bại, nếu không có lệnh đệ thân ra giúp tổ phụ công tử. Nhờ thế mà quả nhân còn giữ được giang sơn, công đức ấy kể sao cho xiết. Nay nhà vua lại chiếu cố ra chơi đất Bắc, cho quả nhân được chiêm ngưỡng tôn nhan, thực lấy làm hân hạnh và cảm kích vô cùng.

Nhà quả nhân đạm bạc, không có gì quý báu để tặng nhà vua; vậy gọi là lòng thành lễ mọn, xin biếu nhà vua mấy quận đất để khao quân, mong nhà vua không chê là ít quá, vui lòng nhận lấy cho, quả nhân được đội ơn nhiều lắm.

Vua Chiêu Thống nghĩ tủi thân cố nén lòng để nước mắt khỏi trào ra, vừa nói vừa run, chỉ sợ rằng vua Tây Sơn nếu không có lượng bao dung thì sẽ hoàn toàn nhục nhã, mà không biết xử trí làm sao cho được.

Nguyễn Nhạc, ngoài mặc dẫu khinh bỉ Lê Mẫn Đế là một hậu sinh còn non nớt, nhưng trong lòng cũng ái ngại thay cho vị vương giả đương bị cơn thất thế đáng thương.

Nhạc bèn làm ra vẻ đàn anh rộng lượng nghiêm sắc mặt lại, cố tỏa một nụ cười hiền hậu trên dung mạo dữ dội, liếc mắt nhìn Huệ như để hỏi ý kiến, rồi đáp rằng:

- Nhà vua đã có lượng muốn khao thưởng tam quân, chúng tôi xin cảm ta. Song le, nhà Trịnh bạo ngược lăng loàn khiến chúng tôi, phải thuận ý trời mà tuyệt diệt, đó chỉ là vì đại nghĩa chớ không phải vị tư tình. Nếu xứ Bắc Hà này là đất của Chúa, thì một thước chúng tôi không để lại; nhưng nay hiện là đất của nhà vua, thì một phân chúng tôi cũng không dám lấy. Xin nhà vua cố giữ lấy sơn hà cho vững, sửa sang nền chính trị cho dân gian được hưởng thái bình. Hễ có sự gì khó khăn xảy ra, chúng tôi sẽ đem binh đến giúp, nhà vua nên thận trọng giữ lấy quí thể và xã tắc, gắng sức làm việc để định an cõi đất, ngõ hầu đời đời giao hiếu với nhau, ấy là cái phúc của hai nước đó!

Trà nước xong, vua Lê từ tạ ra về. Bách quan đưa loan giá trở vào trong nội.

Bấy giờ trong Súy phủ, chỉ còn hai anh em vua Thái Đức ngự trên long ỷ, cùng các quan Tây Sơn đứng hầu hai dẫy giữa sân. Nguyễn Nhạc sai Đô đốc Hữu Quân đem một toán binh tiễn vua về đền Vạn Thọ, còn mình và em, và các tướng thì bàn việc về Nam. Nhân lúc Hữu Chỉnh không có mặt ở Súy đường Phò mã Võ Văn Nhậm bèn tiến lên đại điện mật tấu cùng Thái Đức:

- Tấu lạy Phụ vương, Hữu Đô đốc là một người rất phản trắc xảo quyệt. Con e rằng dùng y sẽ có một ngày sinh biến; âu là Bệ hạ nên để y một mình ở lại Bắc Hà. Y sẽ giúp vua Lê giữ yên ngôi bảo tộ, lại sẽ được ở đất nước trước kia y vẫn ở, gần các cố hữu thân bằng. Nếu Phụ vương không muốn để y ở lại Bắc thành thì chỉ còn cách là đem giết y đi, không nên để sống khỏi lo nhiều tai hoạ sau xảy đến. Lúc ấy có hối cũng không kịp nữa, mà Hữu Chỉnh sẽ là con cú dữ, được thời thì hoành hành đánh bạt hết các loài chim. Vả chăng, chính nó đã vì lợi riêng xui quan Tiết chế đánh Bắc Hà, tội kiểu mệnh là ở nó cả, tâu Phụ vương soi xét.

Nguyễn Nhạc xưa nay vẫn biết Chỉnh là một Ngụy Diên tái thế. Nhưng một Nguỵ Diên thông minh, nhiều cơ trí, biện bác như nước chẩy, lại có dũng cảm ít ai bì. Song le Nhạc yêu Chỉnh, coi Chỉnh như một con ngựa hay có nhiều chứng tật cỏn con. Trước kia, thủa vừa khởi nghĩa đánh với quân nhà Nguyễn, Nhạc bị một phen cùng khốn, mắc chẽn giữa đạo binh của quan Lưu thủ đất Long Hồ là Tống Phúc Hợp đóng ở Bình Khánh và đạo quân của họ Trịnh dàn ở Quảng Nam. Liệu thế chống không nổi, Nhạc phải xin hàng Hoàng Ngũ Phúc, chịu nộp đất và chịu sắc phong tước Tây Sơn hiệu trưởng của Chúa Trịnh ban cho. Sắc ấy so Nguyễn Hữu Chỉnh mang vào cho Nhạc, và nhân tiện giao cho Nhạc cờ và ấn kiếm của triều đình nhà Lê.

Nhờ thế, không lo mặt Bắc, Nhạc mới có đủ lực chinh phục phía Nam, dựng nên cơ nghiệp. Trong khi theo Hoàng ngũ Phúc vào Quảng Nam. Chỉnh cũng đã có đi lại cùng Nhạc. Tài xu nịnh cùng khoa biện bác của Chỉnh khiến Chỉnh chiếm được lòng tin cậy của Nhạc, nhất là vì sự được Hoàng Ngũ Phúc thuận cho chúa Tây Sơn qui phục mà Nhạc cứ tưởng lầm là nhờ có Chỉnh mới xong. Từ buổi ấy, Nhạc đã có bụng dung Chỉnh. Thấy sự hục hặc giữa Chỉnh và em cùng rể mình, Nhạc rất lấy làm khó chịu. YÙ Nhạc không muốn bỏ Chỉnh cũng như không muốn giết Chỉnh. Song le, mang Chỉnh về Nam ắt sau này khó tránh khỏi những sự xung đột trong hàng tướng tá. Nhạc phân vân khó xử. Biết rõ tâm anh không nỡ lìa Chỉnh, Huệ nhân dịp, cũng chêm vào một câu:

- Phò mã nói chí phải! Nguyễn Hữu Chỉnh thực là một cái mầm hoạ lớn về sau! Vừa ra tới Thăng Long y đã lẻn ngay vào điện Kính Thiên ton hót với Cảnh Hưng; y sẵn tính tinh ranh giảo quyệt, không trừ trước đi thì chỉ tổ phải lo cho công việc tương lai. Vả chăng, để y ở Bắc Hà, cũng không thiệt hại gì cho y cả, mà mình thì trút được khối nặng chất bên lòng. Chỉnh trong một tháng rưỡi ở Thăng Long, không này nào trước cửa không ồn ào những khách, tất cả các hàng quan lại, tướng sĩ, đều quen y chả thiếu mặt nào. Thiết tưởng đất Bắc Hà này chính là đất nước của y, y ở đây thân bằng cố hữu đầy đàn, còn chẳng vui hơn thui thủi một thân trơ trọi ở miền Nam ru? Hoàng huynh không nên lưỡng lự bịn rịn như thường tình nhi nữ, phải có nghị lực mới phải!

Tiếng sang sảng như chuông gióng, tia mắt sáng như điện quang của Huệ tựa hồ có một thứ mãnh liệt vô địch cảm hóa tâm linh Nhạc; sau khi ngần ngừ một khắc, Nhạc cũng phải cho lời Huệ là chí lý, nên theo.

Bởi thế, mật lệnh bèn truyền xuống cho tất cả hàng quân hàng tướng, định ngay tối này hôm đó thì phải sãn sàng hàng lý, phải đúng cơ ngũ để nhổ trại phản hồi.

Chiều hôm ấy, Trần quang Riệu được chỉ vơ vét hết tiền của lương thực chất trong kho tàng của vua Lê và Chúa Trịnh. Trong kho có bao nhiêu lấy sạch, không còn để lại chút gì. Rồi đến cuối giờ Tuất, khi dân gian đã bắt đầu đi ngủ, khi đèn đước đã gần tắt cả, người ngậm tăm, ngựa tháo nhạc, đoàn quân Tây Sơn, như một dãy bóng ma ẩn hiện, im lặng lướt nhẹ nhàng trong quãng tối tăm mù mịt, dần dần ra khỏi bắc thành.

Trước kia vào Thăng Long hùng hổ thế nào, bây giờ ra khỏi Thăng Long lại trái hẳn; lúc ra đường hoàng mạnh mẽ, khi về lẩn lút êm đềm. Vào thành ấy chính là Nguyễn Huệ, cử chỉ giữa thanh thiên bạch nhật; bỏ thành ấy thì là Nguyễn Nhạc, người chỉ quen kiêu hãnh, nhưng hành sự có bề xảo trá, ươn hèn.

Nội đêm hôm ấy, vua Thái Đức cùng em kéo quân về Thuận Hoá.


Lời Nói Đầu PHẦN 1 PHẦN 2 PHẦN 3 PHẦN 4 PHẦN 5 PHẦN 6 PHẦN 7
PHẦN 8 PHẦN 9 PHẦN 10 PHẦN 11 PHẦN 12 PHẦN 13 PHẦN 14 PHẦN 15