BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Vi Tiếu
Huyền Không Tử
[02] -ooOoo- Tứ Niệm Xứ Thiền sinh hỏi: - Thế nào là Tứ niệm xứ? Sư đáp: - Ai hỏi đó? Tu Sửa Hỏi: - Tu có phải là sửa không? Sư nói: - Không phải. - Vậy là không sửa? - Cũng không phải. - Phải làm sao? Sư đáp: - Không sửa thì kẹt cái này, sửa thì thành ra cái khác. Kinh Pháp Hoa Của Ông Ðâu? Trong thời ấy tôn giáo bị hạn chế. Kinh sách không được in mà tín đồ lại đua nhau đi thỉnh Kinh sách. Một trong những bộ Kinh hiếm hoi nhất lại được nhiều người tìm kiếm nhất là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Có người đến xin Sư chỉ dẫn cho ở đâu có kinh Pháp Hoa để thỉnh. Sư hỏi: - Thế còn Kinh Pháp Hoa của ông đâu? Không Giống Nhau Một nhà Nho chủ trương "thân dân" vào đời, cải thiện xã hội, cứu độ nhân sinh. - Sao không nhập thế cứu nước an dân? Sư nói: - Ðã có ông giúp đời cần gì đến bần đạo. - Nhưng mỗi người làm mỗi việc khác nhau chứ! Sư nói: - Thì tôi có làm giống ông đâu. Không Chấp Thủ Ðược hỏi về hạnh tu, vị khất sĩ du phương trả lời: - Tôi sống hạnh không trụ, không dính mắc, không chấp thủ... nên tôi được tự do, không ràng buộc. - Ngài có thể cho tôi y bát của Ngài không? - Không. - Thế sao gọi là không chấp thủ? Vị khất sĩ than: - Oan ba đời Chư Phật! Không Có Mục Ðích Một võ sư lừng danh hỏi người đệ tử mới nhập môn: - Con muốn học võ à? - Vâng, con muốn học võ để chiến thắng kẻ địch. - Còn nghĩ đến chiến thắng và kẻ địch thì chưa học võ được. - Vậy con học võ chỉ để tự vệ thôi. - Còn đề kháng tự vệ cũng vẫn chưa được. - Nếu vậy con học võ để làm gì? Võ sư nói: - Lại để làm gì! Quên mục đích đi không được sao? Ðệ tử ngạc nhiên: - Nhưng làm thế nào có thể học võ mà không có mục đích? Võ sư bước ra giữa võ đường ung dung nói: - Hãy bước ra đây. Nào? Quay mặt về hướng Bắc... rùn người xuống... chân trái bước ngang về hướng Tây một bước... hai tay đưa lên hướng về phía trước... Du Hí Thần Thông Sư cận thị, tín thí đem đến dâng một lô kính cận. Mỗi ngày Sư đem ra đeo một cái. Có vị Tăng hỏi: - Sao Thầy đeo nhiều kính thế? Sư đáp: - À, đó là du hí cận thị thần thông. Hôm sau, vị Tăng chơi nghịch giấu kín của Sư hết rồi hỏi: - Sao Thầy không đeo kính? Sư nói: - À, đó là thần thông du hí cận thị. Giải Thoát Một Thiền sinh không chịu nổi những chuyện phiền toái trong viện. Sư hỏi: - Không đương nổi sao? - Con chỉ đương giải thoát chứ không đương những chuyện bực mình. Sư nói: - Giải thoát thì vạn pháp còn đương nổi huống chi chỉ một chút bực mình! Phước Ðức Có vị Tăng tinh tấn tu hành được nhiều người kính mộ. Ngày kia một bà thí chủ đến cúng dường: - Mong Ðại Ðức hoan hỷ dung nạp tứ sự cúng dường này và xin Ðại Ðức ban cho con ít phước đức tu hành của Ðại Ðức. Vị tăng nói: - Tôi tự cột đã nhiều nay gắng mà mở chứ có phước đức gì đâu. Phật Ở Ðâu? Những người theo văn minh khoa học vật lý không hiểu vì sao người ta niệm Phật. Họ đến tham vấn Sư: - Không ai thấy Phật ở đâu sao người ta lại niệm? Sư nói: - Nếu có Phật ở đâu đó thì ai niệm làm gì. Giải Thoát Hay Ðeo Mang Hai thầy trò đi qua một vùng sa mạc, đệ tử ngỏ ý: - Thế gian chẳng khác sa mạc, nóng bỏng, khô khát. Xin Thầy dạy con điều thiện, giới luật, thiền định, thần thông, giáo lý, kiến thức... để con có thể giải thoát khỏi thế gian. Lúc đó một đàn lạc đà đi qua trước mặt, vị Thầy chỉ đàn lạc đà nói: - Có lẽ nào những con vật đáng thương sắp bị ngã quỵ vì trên lưng đã chất đầy những hàng hóa quý giá kia có thể ung dung tự tại được khi phải chất thêm nhiều hàng hóa nữa không? - Thưa không. - Cũng vậy, con vốn đã nặng nề với nhiều vô minh, ái dục chưa chịu buông xuống sao lại còn muốn học thêm? Thượng Ðế Còn Thương Sư vào núi gặp một đạo sĩ chuyên tu Thiền định. Sư hỏi: - Ông chỉ tu tập Thiền định hay sao? Ðạo sĩ đáp: - Vâng, tôi dùng hầu hết thì giờ để chuyên tâm Thiền định. Sư lại hỏi: - Hành trì như ông mang được gì và thấy thế nào? - Tôi chỉ mong giải thoát và cũng đã được trú trong hỷ lạc nhất tâm. Nhưng thú thật nhiều khi cũng sanh làm biếng. Sư nói: - Thế là Thượng đế còn thương ông đấy! Nam Mô Thường Bất Khinh Nhiều vị Tăng bàn cãi về ý nghĩa một bài kinh, mỗi vị đưa ra một kiến giải khác nhau, ai cũng cho mình là đúng, kẻ khác sai. Cuối cùng họ nhờ Sư phân giải. Sư chỉ ngâm bài kệ:
Trà Ðạo Khách đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản, khách thì lại cứ rót uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả. Chủ nhân liền thuyết trình về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà v.v... Nghe xong khách nói: - À, thì ra trà đạo là vậy. Tôi lại tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ. Rồi khách xuất khẩu ngâm:
Tự Do Hay Trói Buộc? Một Thiền sinh quen sống phóng túng, không chấp nhận được giới luật, nói với Sư: - Ở đây tôi chỉ thấy toàn là luật lệ trói buộc, chẳng tìm thấy đâu là tự do giải thoát của Thiền. Sư nói: - Anh không thấy trong tướng dụng tự do là giới luật, trong thể tánh giới luật là tự do sao? - Tôi không hiểu. - Thế thì anh đã bị tự do trói buộc mất rồi! Quở Trách Thiền Ðịnh. Một Thiền sinh khác lại tinh tấn tham thiền nhập định đến quên ăn, bỏ ngủ. Sư trách: - Anh tham thiền chỉ thêm dục vọng, không được gì đâu. Ít hôm sau đi qua thiền đường, thấy Sư đang dạy một số tín đồ cách tọa thiền, anh ngạc nhiên hỏi: - Hôm trước Thầy chống tham thiền, sao hôm nay Thầy lại dạy ngồi thiền? Sư mắng: - Ta quở trách anh tham thiền chứ đâu có quở trách Thiền định. Nặng Ký Thấy một tín đồ thường đến chùa bố thí cúng dường, tu tập Thiền định và học hỏi giáo lý rất siêng năng. Sư hỏi: - Ông muốn cầu gì? - Con muốn tích tập thêm công đức và hiểu biết để đến khi công đầy trí đủ thì đạt thành chánh quả. Sư nói: - Nếu vậy, lúc thành chánh quả chắc ông phải nặng ký lắm. Mở Cửa Thiên Ðàng Các Thiên thần giàu lòng bác ái tâu với Thượng Ðế: -Nhân danh đức công bằng bác ái, xin Ngài mở cửa Thiên đàng cho tất cả chúng sanh, không phân biệt người lành, kẻ ác. Thượng Ðế phán: -Không được, thưởng lành, phạt ác là định luật từ ngàn xưa. Nhưng các Thiên thần cứ xin mãi Thượng Ðế đành phá lệ mở cửa Thiên đàng cho kẻ ác cùng người lành được vào. Chẳng bao lâu các Thiên thần phát hiện nhiều vật quí giá trong nước Trời bị mất cắp. Con Người Thật Có ông Tăng thuyết pháp rất tài nhưng giới luật rất bê bối. Tín đồ rất ngạc nhiên về con người đa diện ấy. Một người hỏi Sư: -Ðâu là con người thật của ông ta? Sư nói: - Con người thật nhập Niết Bàn rồi. Tâm Như Nhập Viện hơn mười năm chưa thấy ngộ. Một Thiền sinh đến yết kiến Sư: -Tâm con vẫn động làm sao tịnh được. Sư nói: -Chớ nghĩ tới động, tịnh. Hãy nghe bài kệ:
Thiền sinh trở về thất lẩm bẩm hoài: -Tâm Như sao lại cười được kìa? Tạm Bợ Vô Văn đang tưới phong lan, Ða Văn hỏi: -Trồng làm gì thứ vô thường tạm bợ ấy? Vô Văn nói: -Nhưng nếu chúng đã thường thì tôi còn trồng làm gì nữa! Ðược Cả Hai. Một bà tín nữ vừa thờ Phật vừa thờ Thần tài. Khách hỏi: - Bà thờ Thần tài để làm gì? Ðáp: - Dĩ nhiên là để cầu tài. - Thế còn thờ Phật? - Thì để cầu giải thoát. Khách nói: - Bà quả là có phép thần thông "phân tâm nhị dụng". Bảo Vệ Ðạo Pháp. Sư hỏi một thanh niên mới xin nhập viện: - Anh xuất gia với mục đích gì? Thanh niên nói với vẻ nhiệt tình: -Con muốn hoằng dường chánh pháp, bảo vệ đạo lý. Sư nói: - Rất tốt, nhưng anh đã thông suốt đạo lý chưa? - Dạ chưa. - Còn vô minh ái dục không? - Dạ còn. Sư nói: - Vậy anh nên để Ðạo pháp bảo vệ anh trước đã nhé. Ba Vị Thần Thần sáng tạo, Thần bảo trì và Thần hủy diệt là ba vị Thần nắm giữ vận mạng của muôn loài vạn vật. Vào một thời cảnh chiến tranh, thiên tai bệnh tật phát sinh ra nhiều khiến chúng sanh chết vô kể, mùa màng khô cháy, nông cạn núi mòn. Vì vậy chúng sanh than oán Thần hủy diệt. Thần thấy vậy nói với hai vị kia: - Chúng sanh than oán tôi. Hơn nữa tôi làm việc cũng đã mệt, vậy để tôi ngủ một lát. Nhưng chưa được bao lâu Thần đã bị đánh thức. Thần sáng tạo nói: - Bây giờ dưới trần lại than oán tôi, không những nạn nhân mãn đã lan tràn mà tất cả mọi vật đều đã đầy dẫy trần gian rồi. Thần hủy diệt ngái ngủ hỏi: - Thì anh ngưng sáng tạo đi chứ việc gì đến tôi. Trong khi nguy kịch Thần sáng tạo vội vàng ngưng việc. - Lập tức, dưới trần tất cả đều im lìm, bất động! Minh Ðức Thân Dân Trong khi nhà Nho ai cũng muốn ra tay an bang tế thế thi thố tài năng cho xứng bậc quân tử thì có một Nho sĩ lại lui về cuốc đất trồng khoai, sống đời bình dị, hòa mình với dân giã cỏ cây. Bạn bè cho ông là thiếu nam nhi nên chế nhạo: -Sao không đem sở học bình sinh mà "minh đức thân dân" lại chịu để mai một nơi quê mùa thảo dã? Ông trả lời: - Vật có gốc ngọn, việc có đầu đuôi, biết cái trước sau tức là gần đạo vậy. Người xưa muốn minh đức cho thiên hạ, trước phải trị quốc, muốn trị quốc trước phải tề gia, muốn tề gia trước phải tu thân, muốn tu thân trước phải chánh tâm, muốn chánh tâm trước phải thành ý, muốn thành ý trước phải trí tri, mà trí tri thì ở nơi cách vật, vì vậy tôi đâu dám theo ngọn bỏ gốc. Triết Học Là Gì? Ðể mở mang kiến thức cho Tăng chúng. Thầy Giám học mời một vị Giáo sư đến dạy môn Triết. Sau nhiều giờ học, Vô Văn lôi Ða Văn ra góc vườn nói một cách phấn khởi: - Ðến nay tôi đã hiểu Triết học là gì rồi. Ða Văn đang mù tịt cái môn quái đảng này hăm hở muốn nghe. Vô Văn nói: - Có gì đâu, Triết học chỉ là hệ thống một mớ ngôn ngữ phức tạp nói về những điều rất giản dị. Lục Hòa. Tăng sĩ trong viện được Sư hướng dẫn tốt đẹp trong đời sống lục hòa. Nhiều người ca ngợi những lợi ích của tổ chức lục hòa như vậy. Sư nói: - Có lục hòa thì có lợi ích chứ không phải vì lợi ích mới có lục hòa. Nghiệp Còn Nặng Thấy bà tín nữ đem một lồng chim đến chùa Ða Văn mừng rỡ đón lấy toan phóng sanh. Bà tín nữ giằng lại, nói: - Không phải tôi phóng sinh ở đây đâu. Tôi chỉ gởi đây rồi mai trở lại lấy. - Chứ bà định làm gì với lồng chim đó? Bà tín nữ giải thích: - Chú không biết sao, ngày mai có lễ ở chùa dưới phố, tôi sẽ đem đến đó phóng sinh. Ða Văn thở dài ngẫm nghĩ: "Phố cách đây cả trăm cây số lại phải đợi đến ngày mai, chắc nghiệp của bầy chim này còn nặng". Ðể Yên. Hỏi: "Ðạo Phật chủ trương "Thường tại luận" hay "Vô thường luận"? Sư nói: - Ðó là hý luận tà kiến. Lại hỏi: - Vậy đạo Phật chủ trương luận nào? Sư đáp: - Thôi hãy để các chủ trương và luận ấy qua một bên và hãy để yên cho cái gì vô thường tự nó là vô thường, cái gì thường tại tự nó là thường tại. Giới Luật Sư hỏi chúng về giới luật, Ða Văn thưa: - Con nhớ Thầy dạy rằng: "Trong tướng dụng tự do là giới luật, trong thể tánh giới luật là tự do". Một đệ tử khác nói: - Chính con phải tạo ra giới luật chứ không phải giới luật tạo ra con. Có Thiền sinh thưa: - Giới luật làm gì cho ràng buộc, chỉ giữ lấy tâm thôi. Một chú tiểu nói: - Sá gì một chút giới luật mà không chịu nổi. Ða Trí thêm vào: - Hễ giới luật giữ tròn thì tự nhiên tâm sinh định, chứ làm sao chỉ giữ tâm thôi được. Vô Ðắc nói: - Chỉ cần tế nhị một chút là được chứ giới tướng giữ sao mới gọi là tròn. Vô Văn đứng dậy thưa: - Bạch Thầy đã đến giờ lao tác, con xin phép đi tưới rau. Sinh Lão Bệnh Tử Sau nhiều năm tinh tấn tu hành, vị Tỳ kheo nọ vẫn không sao đạt được mục đích mà ông hướng đến là thoát ly sinh, già, đau, chết. Ðang khi muốn nản thì Sư đến thăm. Vị Tỳ kheo hỏi: - Làm sao thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử? Sư đáp: - Chỉ tội cho sinh, lão, bệnh, tử thoát không khỏi ông. Không Dám Cầu Nữa. Một cụ già đã 80 tuổi trong lúc hấp hối khấn vái trời Phật cho sống thêm đến trăm tuổi. Lời cầu nguyện của cụ quả nhiên thành tựu, cụ được hồi sinh. Nhưng ít năm sau, chẳng biết sau cụ lại khấn vái: - Thôi con đã tởn tới già, cúi xin Trời Phật xóa bỏ lời cầu trước của con, từ nay không dám cầu gì nữa. Bình Ðẳng Lợi Hòa. Hỏi: - Thế nào là bình đẳng lợi hòa? Sư nói: - Tranh phần là phi bình đẳng lợi hòa, đồng phần là tợ bình đẳng lợi hòa, nhường phần là chơn bình đẳng lợi hòa. Sắc Tức Thị Không Sư ghé thăm một vị Tăng nổi tiếng uyên thâm Phật Pháp và có nhiều sở đắc. Vừa thấy Sư, vị Tăng đã dùng phép thần thông ẩn hình đâu mất. Sư hỏi: - Ông làm gì vậy? Vị Tăng hiện hình cười: - Ðó là "sắc tức thị không". Sư nói: - Ðã là "sắc tức thị không" lại còn phải biến mất làm gì. Vị Tăng hỏi: - Làm được không? Sư đáp: - Ngươi không thấy Ta "sắc bất dị không" sao? Hừ! Sư đang làm vườn, Thiền sinh hỏi: - Làm sao thoát khỏi nghiệp? Sư đáp: - Gió thổi lá bay. Lại hỏi: - Gió không thổi thì sao? Sư nói: - Mắc mớ gì ông. Thiền sinh định hỏi nữa. Sư hừ một tiếng vác cuốc về chùa. Thiền Trượng Lần đầu tiên hỏi thiền, chàng võ sĩ bị Sư đánh cho mấy thiền trượng khi vừa đặt xong câu hỏi. Lần thứ hai đến hỏi thiền, anh ta lại bị một trận đòn nên thân khi chưa kịp đặt câu hỏi. Lần thứ ba đến hỏi thiền, anh ta thủ sẵn một cây gậy còn lớn hơn gậy thiền của Sư, Sư nói: - Ngươi có cây gậy lớn thế kia sao còn đến học thiền trượng của ta. Xin Hoãn Lại. Một tục gia đệ tử đến bái yết Sư, hỏi: - Con tu hành đã lâu không biết bao giờ mới đạt được Niết Bàn? Sư nói: - Còn lâu lắm. Nghe vậy người đệ tử vô cùng thất vọng. Sư lại nói: - Nhưng ngươi muốn Niết Bàn ngay thì có khó gì. Bây giờ người đệ tử lại hoảng hốt thưa: - Không được, con chưa thể thu xếp việc nhà xong đâu. Trường Cửu. Khách đến viếng. Sư pha trà mời khách vô ý đánh rơi cái tách cổ quý già vỡ tan nên tỏ vẻ hối tiếc: - Ðáng tiếc là đã giữ từ đời Khang Hy đến nay mà vẫn không thể trường cửu được. Sư nói: - Ông tưởng cái gì lâu dài mới là trường cửu sao? -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).
update: 19-04-2001