BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tâm lý học Phật giáo trong đời sống hàng ngày
Nina Van Gorkhom
Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt

  

 Chương 16

Cảnh và Môn

-ooOoo-

Tâm biết điều gì? Nó biết cảnh. Không có tâm nào mà không biết cảnh. Khi chính cảnh hiện diện qua 1 trong 5 căn và ý môn, chúng ta nhận thức rằng tâm có biết cảnh không? Chừng nào thấy được vạn pháp rõ ràng chúng ta nghĩ rằng bản ngã biết cảnh, và xa hơn nữa chúng ta cho cảnh là thường hằng và nó là của tôi. Ví dụ, khi chúng ta thấy một khúc gỗ, chúng ta quen suy nghĩ là cảnh mà được thấy ở thời điểm đó là khúc gỗ; chúng ta không nhận thức rằng chỉ có cảnh sắc là cảnh mà người ta có thể được thấy. Ví dụ, khi chúng ta đụng khúc gỗ, cứng hoặc mềm nó được biết qua thân căn. Chúng ta cho khúc gỗ là cái gì vĩnh cữu, nhưng những gì chúng ta gọi là khúc gỗ là có nhiều loại sắc khác nhau chúng sanh và diệt. Duy nhất chỉ có đặc tính của sắc pháp người ta có thể biết ở thời điểm, khi chính nó hiện diện. Nếu chúng ta phát huy sự hiểu biết về những đặc tính khác nhau mà nó xuất hiện xuyên qua các căn khác nhau chúng ta sẽ có thể nhận chân được vạn pháp như thật.

Bậc thánh nhìn cuộc đời khác với kẻ phàm phu. Ðiều nào kẻ phàm phu cho là hạnh phúc thì bậc thánh cho là đau khổ; điều nào kẻ phàm phu cho là đau khổ thì bậc thánh cho đó là hạnh phúc. Trong Tương Ưng Bộ Kinh (IV, Salàyatanavagga, Năm mươi thứ ba, chương IV, 136). Kệ ngôn có dạy rằng:

Sắc, thinh, hương, vị và xúc
Cùng với tất cả các pháp
Khả lạc, khả hỷ, khả ý
Như vậy người ta gọi chúng
Chư thiên và cả người đời.
Ðều xem chúng là khả lạc
Khi nào chúng được đoạn diệt
Thiên nhân đều thấy đau khổ.
Bậc thánh thì thấy an lạc
Khi nào thân kiến đoạn diệt
Bậc thánh thì thấy trái ngược
Mọi khía cạnh của đời thường
Ðiều người đời cho là lạc
Bậc thánh lại cho là khổ.
Ðiều người đời gọi là khổ
Thánh nhân lại cho là lạc.
Thấy pháp khó nhận biết được.
Người vô trí thì mê loạn.
Tối tăm do bởi vô minh
Mù lòa không thấy ánh sáng...

Ðức Phật dạy về các loại cảnh, cảnh thì do tâm nhận biết qua các môn khác nhau, để điều trị sự tăm tối của con người. Khi chúng ta nghiên cứu Kinh điển, chúng ta thấy rằng có 6 loại cảnh (Àrammana) mà có thể do tâm nhận biết.

Cảnh đầu tiên là cảnh sắc. Cảnh được biết qua nhãn môn chỉ là một loại sắc pháp mà nó là cảnh sắc. Chúng ta có thể gọi nó là cảnh sắc hoặc là màu sắc, không thành vấn đề khi chúng ta đặt tên nó như thế nào; nhưng chúng ta nên biết rằng nó chỉ là sắc, mà nó xuất hiện qua mắt. Cảnh sắc không phải là một vật hoặc một con người mà chúng ta có thể hình dung được. Khi chúng ta suy nghĩ là chúng ta thấy cây, thú vật và con người thì chúng ta suy nghĩ về những ý niệm và những lúc như vậy thì khác biệt với sự thấy, biết điều gì đó là cảnh sắc.

Loại cảnh thứ hai là cảnh thinh (Saddàrammana)

Loại cảnh thứ ba là cảnh hương (Gandhàrammana)

Loại cảnh thứ tư là cảnh vị (Rasàrammana)

Loại cảnh thứ năm là cảnh xúc (Photthabbàrammana) được biết qua thân căn. Cảnh xúc bao gồm những cảnh sắc như sau:

Ðịa đại (Pathavi dhàtu) [1], đất được biết như là cứng hoặc mềm.
Hỏa đại (Tejo dhàtu), lửa được biết như là nóng hoặc lạnh
Phong đại (Vàyo dhàtu) ,gió được biết như là chuyển động hoặc rung chuyển.

Ðất, nước, lửa và gió là sắc tứ đại (Mahà bhùta rùpa). Những sắc pháp phát sanh trong nhóm hoặc đơn vị của nhiều loại sắc pháp và sắc tứ đại phải luôn phát sanh cùng với nhau trong bất kỳ loại sắc nào, bất kể là trong thân hoặc ngoài thân. Thủy đại(Àpo dhàtu) chúng ta không nhận biết qua thân căn. Khi chúng ta tiếp xúc thì những đặc tính cứng hoặc mền, nóng hoặc lạnh, chuyển động hoặc rung chuyển có thể được biết trực tiếp qua thân căn. Ðặc tính của nước có thể được biết qua ý môn; như chúng ta biết, nó sẽ được bao gồm trong loại cảnh thứ sáu là cảnh pháp (Dhammàrammana).

Cảnh pháp bao gồm tất cả các loại cảnh ngoại trừ năm loại cảnh đầu tiên, như sẽ được giải thích ở sau. Cảnh pháp có thể được biết duy nhất qua ý môn.

Nếu người chưa có phát huy tuệ giác, hiểu biết về pháp chân đế, người đó chưa biết rõ ràng cảnh hiện diện qua căn môn, họ lầm lẫn cảnh và môn, cho nên họ lầm lẫn về thế gian. Bậc thánh không có lầm lẫn về thế gian; các ngài biết các cảnh xuất hiện qua 6 môn như là danh pháp và sắc pháp, chúng không có bản ngã.

Bài pháp về Sáu sáu (Trung Bộ Kinh III, số 148) thì rất hữu ích cho việc hiểu biết về pháp chân đế mà chính chúng hiện diện qua 6 môn. Khi Ðức Phật ngự ở vườn Jeta trong tu viện Anàthapiịđika, ngài giải thích cho các thầy Tỳ khưu về 6 nội ngoại xứ (Àyatana). Sáu nội xứ là 5 căn và ý. Sáu ngoại xứ là các cảnh được biết qua 6 môn. Ðức Phật đã giải thích về 6 loại thức (nhãn thức, nhĩ thức.v.v..) mà chúng phát sanh tùy thuộc vào 6 môn và tùy thuộc vào những cảnh được biết qua những môn này. Ngài cũng giải thích về 6 loại xúc, 6 loại cảm thọ làm duyên với 6 loại xúc, và 6 loại ái làm duyên với 6 loại cảm thọ. Do đó chúng ta có "sáu sáu", sáu nhóm của sáu sự thật.

Rồi Ðức Phật giải thích về con người bị tham, sân, si liên quan với những điều mà con người biết qua 6 môn. Chúng ta xem:

"Nầy chư Tỳ khưu, nhãn thức phát sanh do duyên mắt và các sắc, sự gặp gỡ của ba (pháp này) là xúc. Do duyên xúc khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ nên hoan hỷ, tán thán, trú ở tham ái; tham tùy miên của vị ấy tăng trưởng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ nên sầu muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tăng trưởng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy, nên vô minh tùy miên của vị ấy tăng trưởng..."

Các căn môn khác cũng được nói tương tự như trên. Như vậy chúng ta biết rằng, người tu tập trí tuệ có thể đoạn trừ tham, sân, si:

"...Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà không hoan hỷ, không tán thán, không trú ở tham ái; tham tùy miên của vị ấy không tăng trưởng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ, mà không sầu muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tăng trưởng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên tùy miên của vị ấy không tăng trưởng. Này các Tỳ khưu, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh phát sanh, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt khổ đau- sự kiện như vậy xảy ra.

Này các Tỳ khưu, do thấy như vậy, vị Ða văn thánh đệ tử yểm ly mắt, yểm ly các sắc, yểm ly nhãn thức, yểm ly nhãn xúc, yểm ly thọ, yểm ly ái. Vị ấy yểm ly tai, yểm ly các tiếng... Vị ấy yểm ly mũi, yểm ly các hương... yểm ly lưỡi, yểm ly các vị... yểm ly thân, yểm ly các xúc... yểm ly ý, yểm ly các pháp, yểm ly ý thức, yểm ly ý xúc, yểm ly thọ, yểm ly ái. Do yểm ly vị ấy ly tham; do ly tham vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết: "ta đã được giải thoát." Và vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa."

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỳ khưu ấy hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi thời giảng này được thuyết, tâm của 60 vị Tỳ khưu giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Trong khi Ðức Phật thuyết giảng cho các thầy Tỳ khưu về các cảnh xuất hiện xuyên qua 6 môn, các vị Tỳ khưu chú niệm về danh và sắc, chư vị phát huy chánh kiến và nhiều vị trong số đó đắc chứng quả vị A La Hán.

Như chúng ta thấy, cảnh pháp là loại cảnh thứ sáu có thể chỉ biết qua ý môn. Nó bao gồm tất cả các cảnh ngoại trừ trần cảnh. Lại nữa cảnh pháp còn có thể chia thành sáu loại:

- 5 sắc thần kinh (Pasàda rùpa)
- Sắc tế (Sukhuma rùpa)
- Tâm
- Sở hữu tâm
- Níp bàn
- Chế định

Loại cảnh pháp thứ nhất bao gồm 5 sắc thần kinh; chúng là những sắc pháp có khả năng cảm nhận những cảm xúc. Chính sắc thần kinh thì không nhận biết điều gì, chúng là sắc chứ không phải là danh.; chúng có chức năng giống như các môn xuyên qua đó mà tâm biết cảnh. Sắc thần kinh có thể chỉ biết xuyên qua ý môn, không xuyên qua căn môn. Ví dụ, chúng ta biết rằng có nhãn căn vì có sự thấy, nhưng chúng ta không thể biết nhãn căn bằng mắt.

Năm sắc thần kinh được phân chia như là sắc thô (Olàrika). Tất cả có 28 loại sắc pháp mà có 12 loại sắc thô và 16 loại sắc tế. Sắc thô bao gồm trong 5 loại sắc thần kinh, các cảnh trần có thể được biết qua 5 môn; tức là có 7 loại sắc: 4 loại có thể được biết tương ứng với 4 căn thuộc nhãn, nhĩ, tỹ và thiệt, và 3 loại sắc như đất, lửa, và gió mà chúng có thể được biết qua thân căn. Như vậy có 12 loại sắc thô. Như chúng ta đã thấy, các trần cảnh được phân tích riêng biệt, chúng không bao gồm trong cảnh pháp.

Có 16 loại sắc tế và những loại sắc này được phân chia thành loại cảnh pháp thứ hai. Ví dụ như sắc vật thực, sắc thân biểu tri (Kàyavinnatti), sắc pháp là điều kiện vật lý cho sự biểu lộ qua thân như là cử chỉ hoặc hành động bên ngoài và sắc khẩu biểu tri (Vacìvinnatti ), sắc pháp là điều kiện vật lý cho lời nói hoặc những hình thức khác của khẩu biểu tri.

Tâm là một loại cảnh pháp khác nữa. Tâm biết cảnh khác nhau, nhưng chính tâm cũng có thể là cảnh. Tâm có thể là tâm thiện hoặc tâm bất thiện và có nhiều loại tâm khác giống như cảnh của nó.

Một loại cảnh pháp khác nữa là sở hữu tâm bao gồm 52 sở hữu. Thọ là một sở hữu tâm. Ví dụ thọ khổ có thể được biết do tâm; sau đó cảnh của tâm là cảnh pháp. Khi người ta biết đất, cảnh đó không phải là cảnh pháp, nhưng nó là cảnh xúc mà nó được bao gồm trong loại cảnh thứ năm. Cứng và cảm thọ khổ có thể xuất hiện kế tiếp nhau lần lược cái nọ sang cái kia. Nếu chúng ta không nhận thức rằng cứng và cảm thọ khổ là những cảnh khác và nếu chúng ta bị vô minh đối với những đặc tính khác nhau của danh sắc, thì chúng ta sẽ tiếp tục chấp những thứ đó là bản ngã.

Tâm có thể biết tất cả cảnh. Níp bàn cũng có thể được biết bằng tâm. Níp bàn là một loại cảnh pháp, nó có thể được biết qua ý môn. Như vậy tâm có thể biết cả pháp hữu vi lẫn pháp vô vi là Níp bàn. Tâm mà biết pháp hữu vi là tâm hiệp thế(Lokiya citta) .Tâm biết trực tiếp cảnh Níp bàn là tâm siêu thế (Lokuttara citta)

Chế định là một loại cảnh pháp khác nữa, tức là cả ý niệm lẫn những danh từ tục đế. Vậy thì chúng ta thấy rằng tâm có thể biết pháp chân đế hoặc Pháp Tục đế.

Ý niệm không phải là pháp chân đế. Chúng ta có thể suy nghĩ về con người, thú vật và đồ vật vì nhớ lại những kinh nghiêm đã qua, nhưng những điều này không phải là pháp chân đế, pháp chân đế có đặc tính không thay đổi. Bất kể là người ta đặt tên cho chúng là gì. Khi suy nghĩ về một ý niệm, suy nghĩ đó là danh; suy nghĩ là pháp chân đế nhưng ý niệm của sự suy nghĩ thì không phải là pháp chân đế.

Chế định có nghĩa là một khái niệm hoặc ý niệm mà nó không phải là sự thật theo ý nghĩa tuyệt đối cũng như tục đế. Tục đế có thể ám chỉ cả pháp chân đế lẫn Pháp Tục đế. Một danh từ mà chính nó không phải là pháp chân đế, nhưng sự thật nó là pháp chân đế. Ví dụ, danh từ "danh" và "sắc" là chế định, nhưng chúng có nghĩa là pháp chân đế. Ðiều cần thiết là biết sự khác nhau giữa pháp chân đế và Pháp Tục đế. Nếu chúng ta dính mắc vào những danh từ "danh" và "sắc" và liên tục suy nghĩ về danh và sắc, thay vì chúng ta nhận biết những đặc tính của chúng khi chúng xuất hiện, chúng ta chỉ biết Pháp Tục đế thay vì chúng ta nhận biết pháp chân đế.

Tóm lại, các loại cảnh mà tâm có thể biết: có 5 loại cảnh được gọi là sắc pháp, chúng là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh hương, cảnh vị và cảnh xúc; loại cảnh thứ sáu là cảnh pháp, mà nó được phân chia thành 6 loại nữa: tâm , sở hữu tâm, 5 căn sắc, sắc tế, Níp bàn và chế định.

Những cảnh khác nhau có thể được nhận biết qua những môn khác nhau (Dvàra). Ví dụ, nhãn căn, sắc thần kinh có khả năng tiếp nhận cảnh sắc, là điều kiện cần thiết cho tâm thức biết cảnh sắc. Nếu không có sắc thần kinh trong mắt, tâm không thể biết cảnh sắc. Sắc này là những phương tiện, môn, qua đó mà tâm biết cảnh sắc.

Những tâm phát sanh trong tiến trình căn môn đều biết những cảnh của chúng qua những cửa của mắt, tai, mũi, lưỡi và thân căn. Ðối với cửa thân căn, sắc thần kinh có khả năng tiếp nhận cảnh xúc như là cứng, mềm, nóng, lạnh, di chuyển, hoặc lay động, là những thành phần của thân nơi chúng có cảm giác. Như vậy những thành phần của thân có thể là thân môn, ngoại trừ những thành phần không có cảm giác.

Năm môn là sắc pháp và môn thứ sáu là danh pháp. Ý môn là danh pháp. Tiến trình tâm ý môn biết cảnh xuyên qua ý môn. Trước khi tâm khán ý môn phát sanh, có tâm hộ kiếp rúng động và tâm hộ kiếp dứt dòng. Tâm hộ kiếp dứt dòng đi trước tâm khán ý môn là ý môn. Nó là môn xuyên qua tâm khán ý môn và những tâm tiếp nối tiến trình ý môn biết cảnh. Ðiều thú vị là nhận biết môn qua những tâm biết những cảnh khác nhau. Ví dụ, cảnh sắc có thể nhận biết qua cả hai nhãn môn và ý môn. Nó được biết qua nhãn môn khi nó chưa diệt. Khi tâm nhận biết trong tiến trình ý môn theo sau bởi tiến trình nhãn môn, nó vừa mới đoạn diệt. Khi cảnh sắc được biết qua ý môn tâm chỉ biết cảnh sắc, chúng không chú ý đến hình dáng bên ngoài hoặc suy nghĩ về người hay vật. Nhưng nhiều lần cũng có tiến trình tâm ý môn mà nó suy nghĩ về người và vật sau đó cảnh là một ý niệm, nó không phải là cảnh sắc. Sự nhận biết về cảnh sắc thì làm duyên cho sự suy nghĩ về những ý niệm mà chúng phát sanh sau này.

Tâm đổng lực phát sanh trong cả hai tiến trình căn môn và ý môn [2]; nếu không phải là vị A la hán nhũng tâm đổng lực này vừa là tâm thiện vừa là tâm bất thiện. Khi cảnh sắc được biết qua nhãn môn, chúng ta chưa biết người và vật, nhưng trong tiến trình căn môn tham, sân, si có thể phát sanh. Phiền não thì ngủ ngầm, chúng có thể phát sanh trong tiến trình căn môn và ý môn. Chúng ta có thể suy nghĩ rằng sự nô lệ cho các cảnh mà chúng được nhận biết qua những môn khác nhau do cảnh làm nhân. Tuy nhiên phiền não không phải do cảnh làm nhân, chúng tích lũy trong tâm, mà tâm thì biết cảnh.

Chúng ta xem trong Tương Ưng Bộ Kinh (IV, Salàyatanavagga, năm mươi thứ tư, chương III, 191, Kotthika) Ðại đức SàriputtaMahàkotthika ngự ở gần Vàrànasi tại Isipatana, trong vườn Nai, Kotthika bạch với Ðại đức Xá Lợi Phất:

"Này hiền giả, có phải mắt là kiết sử của các sắc, hay các sắc là kiết sử của mắt? Có phải lưỡi là kiết sử của các vị, hay các vị là kiết sử của lưỡi? Có phải ý là kiết sử của các pháp [3] hay là các pháp là kiết sử của ý?"

"Này hiền giả Kotthika, không phải như vậy, mắt không phải là kiết sử của các sắc,các sắc không phải là kiết sử của mắt, nhưng dục và tham phát sanh do duyên cả hai. Ðó là kiết sử. Và cũng vậy đối với lưỡi và ý... đó là dục và tham phát sanh do duyên vị và llưỡi. Do duyên cảnh pháp và ý..."

"Này hiền giả, ví như hai con bò, một con bò trắng và một con bò đen, bị cột bởi một sợi dây hay một cái ách. Nếu có người nói con bò đen là kiết sử của con bò trắng, hoặc con bò trắng là kiết sử của con bò đen? Lời nói như vậy có đúng không?"

"Này hiền giả, không chắc như vậy."

"Này hiền giả, điều đó không phải như vậy. Do sợi dây hoặc cái ách cột lại, cái ấy ở đây là kiết sử. Con mắt cũng không phải là kiết sử của các sắc, các sắc cũng không phải là kiết sử của mắt; ở đây do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử... ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý; ở đây do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử."

Này hiền giả, nếu con mắt là kiết sử của các sắc, hay các sắc là kiết sử của con mắt, thời phạm hạnh này dẫn đến chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể tuyên bố. Vì rằng con mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt; ở đây do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử. Do vậy, phạm hạnh này dẫn đến đoạn tận khổ đau, có thể tuyên bố...

Này hiền giả, Thế Tôn có mắt. Với mắt Thế Tôn thấy sắc. Nhưng tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm của Thế Tôn...Thế Tôn có ý. Với ý, Thế Tôn biết pháp. Nhưng tham dục không có nơi Thế Tôn. Khéo giải thoát là tâm của Thế Tôn.

Này hiền giả, với pháp môn này cần phải hiểu biết như vậy, như tôi đã nói trước đây, kiết sử là dục tham phát sanh do duyên các pháp."

 

CÂU HỎI:

1/- Qua môn nào gió có thể được biết?
2/- Qua môn nào thân căn có thể được biết?
3/- Nước là loại cảnh nào?
4/- Tâm tham căn là loại cảnh gì?
5/- Qua môn nào tâm tham căn có thể được biết?
6/- Qua môn nào tâm tham căn có thể biết một cảnh?
7/- Lạnh là loại cảnh gì?
8/- Khổ thọ thuộc về thân là loại cảnh gì?
9/- Bất lạc thọ thuộc về tâm là loại cảnh gì?
10/-Trí tuệ là loại cảnh gì?
11/- Từ ngữ "hòa bình" là một cảnh phải không? Nếu phải, nó là loại cảnh gì?
12/- Có bao nhiêu môn là sắc pháp và bao nhiêu môn là danh pháp?
13/- Cảnh sắc có thể được cảm nhận qua ý môn không?
14/- Qua bao nhiêu môn tâm biết cảnh pháp?
15/- Có bao nhiêu loại cảnh được biết qua ý môn?

Chú thích:

[1] Ở đây đất, nước, gió và lửa không có nghĩa là những từ ngữ tục đế; trong Phật giáo, chúng là những tên gọi cho pháp chơn đế.

[2] Xem chương 14

[3] tiếng Pàli là Dhamma, ‘cảnh pháp’

-ooOoo-

 Trang trước | Mục lục | Ðầu trang | Trang kế

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh, Chùa Kỳ Viên, Quận 3, Sài Gòn,
đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 05-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 01-05-2001