BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Pháp Vị

Tỳ kheo Na Tiên


Pháp vị là sự an lạc hạnh phúc nhờ tu hành mà được. Bất cứ ai đã đến với Ðạo Phật, là tu sĩ hay cư sĩ tại gia, các anh chị em trong Gia Ðình Phật Tử, ngay cả những em bé vừa lửng chửng tập đi, một khi đã đến với Ðạo Phật thì đều được hưởng được nhiều vị ngọt từ Giáo Pháp.

Nói rằng ngay cả những em bé vừa biết đi cũng hưởng được hương vị Pháp bảo là điều không quá. Ðạo Phật đã đến với tôi trong khung cảnh êm đềm ngay khi tôi vừa biết lật. Từ nhỏ lúc còn nằm nôi cho đến năm mười hai tuổi, tôi ngủ với ông tôi. Ông cháu tôi ngủ trong gian nhà lớn có bàn thờ Phật. Tượng Phật bằng thạch cao trắng muốt đứng trong lồng kiếng trên bàn thờ luôn luôn cho tôi cảm giác được che chở, bình an. Tôi nhớ mỗi buổi sáng vào lúc bốn giờ, khi mọi người chìm trong giấc ngủ say, ông tôi đã dậy bắt đầu buổi tụng kinh sáng. Mùi nhang thơm tỏa ra khắp căn phòng, trong ánh đèn cầy lung linh huyền ảo, tiếng tụng kinh trầm trầm của ông tôi có hương vị ngọt ngào, ấm áp vô cùng. Ðạo Phật thấm vào tôi qua mùi nhang, qua ánh nến, qua dòng tụng kinh ấm áp chảy vào tâm. Lúc đó tôi còn rất nhỏ, đi còn chưa vững, nên chẳng hiểu lời kinh của ông là gì. Tôi chỉ cảm nhận được hương vị ngọt ngào của Phật Pháp trong giấc ngủ chập chờn giữa thời kinh.

Ông tôi đưa tôi vào đạo Phật thật nhẹ nhàng. Trong không gian ấm cúng nhiều đạo vị, dù còn quá nhỏ để hiểu biết, nhưng thẳm sâu từ tâm thức, tôi đã khởi lên đức tin và lòng yêu mến đạo pháp rất nhiều. Ðây cũng là lý do mà nhiều Phật tử đem con em mình đến chùa lễ Phật để tạo chủng tử thiện lành trong tâm các em.

Pháp Vị từ Ðức Tin

Ðức tin là một trong những Pháp vị mà người Phật tử hưởng được khi đến với Phật giáo. Khi chúng ta thấy một đối tượng siêu thoát, đạo đức, có từ bi hỉ xả và giới hạnh trang nghiêm thì chúng ta thường khởi lên niềm quí kính tin yêu. Ðây là đức tin. Mặc dầu đức tin này còn yếu ớt và nông cạn, nhưng cũng rất ngọt ngào. Ðức tin có công năng làm ô nhiễm tan biến ví như cục phèn chua làm lắng đọng bùn đục trong thau nước. Khi có đức tin trong sạch, tâm chúng ta tạm thời không bị những ô nhiễm tham, sân, si chi phối. Tâm tạm thời trở nên trong sạch và mát mẻ, an vui.

Trong Thanh Tịnh Ðạo (nguyên tác Visuddhimagga của ngài Buddhaghosa) có kể lại một chuyện về đức tin xảy ra ở Tích Lan. Sau khi Ðức Phật nhập Niết-bàn, chư Phật tử chia nhau xá lợi của Ngài rồi đem về thờ trong tháp. Một thời gian lâu sau, có một nhóm Phật tử nọ tại Tích Lan cùng nhau quyên góp tài vật xây một cái tháp rất lớn trên núi để thờ xá lợi Phật. Khi xây xong, mọi người tổ chức một buổi liên hoan thật lớn làm lễ khánh thành. Chiều hôm ấy, có một gia đình Phật tử thuần thành trong thành phố cũng chuẩn bị mang hương hoa lên đường đi dự lễ. Mọi người trong gia đình lúc ấy đều được đi cả, ngoại trừ người con dâu đang có thai gần đến ngày sanh. Ông bà khuyên người con dâu rằng vì thai đã lớn, đi lại rất khó khăn nên ở nhà cầu nguyện cũng được. Người con dâu rất muốn đến thánh tháp để đảnh lễ xá lợi nhưng vì không đi được nên đành đứng ở ban công trên lầu nhìn lên núi chiêm ngưỡng thánh tháp từ xa. Khi gặp đối tượng vừa lòng thì người ta dễ chăm chú vào đó. Ngắm nhìn ánh đèn huy hoàng xa xa nơi thánh tháp, tâm cô khởi lên đức tin mãnh liệt nơi Phật và niềm hoan hỉ tràn ngập khắp thân tâm. Bổng dưng thân hình cô nhẹ bổng, tự động bay thẳng lên núi rồi nhẹ nhàng đáp xuống nơi mọi người đang dự lễ. Khi hai ông bà đến nơi, họ rất ngạc nhiên khi thấy người con dâu của mình đang hân hoan hành lễ với mọi người. Ông bà hỏi nàng đến bằng cách nào mà mau quá lại không một chút nhọc mệt gì. Nàng thưa rằng nàng chỉ đứng trên lầu để ngắm nhìn thánh tháp, lúc chuyên tâm tưởng niệm đến Ðức Phật, thì bổng thấy người nhẹ bổng rồi đáp xuống nơi đây.

Ðây là một ví dụ về Pháp vị khởi lên do đức tin. Trường hợp người tín nữ này bổng dưng bay được một quảng xa là nhờ tâm hỉ lạc phát khởi. Ðây là loại "thượng thăng hỉ", một loại hỉ lạc cực mạnh có được khi hành thiền. Khi tâm khởi lên đức tin mãnh liệt thì hỉ lạc cũng thường phát sanh. Ở phần sau khi nói về thiền vị, chúng ta sẽ đi sâu vào vấn đề này nhiều hơn.

Trên đây chúng ta nói về đức tin của chánh tín. Ðó là đức tin nơi Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Chánh tín này có được nhờ trí tuệ nhận thức được những ân đức trong sạch của Tam Bảo, hoặc phát sanh lên do chính ta kinh nghiệm được pháp hành. Còn về tà tín thì cũng có rất nhiều. Khi muốn được điều gì hay muốn biết chuyện gì cao siêu vượt khỏi khả năng của mình, hay khi sợ hãi điều gì thái quá, nhiều lúc người ta bị các "bậc đạo sư" nhân đó mà dẫn dắt đi vào con đường sai lầm. Mỗi khi muốn tin ai hay theo ai tu tập điều gì, chúng ta cần suy xét rằng điều này có được chân thiện và đạo đức không, có khoa học rõ ràng không hay chỉ tin mờ tin mịt, có thật theo chánh pháp hay chỉ bắt chước theo tập tục truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi vùng. Nếu có chánh tín thì chúng ta sẽ được nhiều bình an và con đường tâm linh càng ngày càng phát triển tốt đẹp. Còn nếu mê tín thì chúng ta sẽ chẳng giải thoát được chút nào, lại dần dần trở nên u mê khốn khổ hơn.

Pháp Vị từ Bố Thí

Khi bố thí, chúng ta cũng hưởng được rất nhiều Pháp vị. Khi chúng ta có tâm rộng rãi bố thí, nhất là nếu bố thí với lòng từ bi, với đức tin và trí tuệ, thì tâm ấy rất hoan hỉ, trong sáng, nhẹ nhàng. Khi tâm chúng ta rộng rãi như vậy thì mọi sự ô uế vì tham lam, ích kỷ, sân hận đều biến mất. Tâm chúng ta mở rộng. Người thường xuyên bố thí thì được nhiều người thương mến, tiếng lành đồn xa, thiện trí thức khen ngợi. Người ấy có gương mặt hiền hòa, tâm hồn vui vẻ, nhiều khi làn da cũng ửng sáng.

Trong Petavatthu, tập truyện nói về những người quá vãng, có kể lại chuyện bố thí của ông thương gia Ankura. Thương gia Ankura là người rất giàu có lại đạo đức và hào phóng. Một hôm Ankura cùng gia nhân đi lạc vào rừng. Vì là người có phước đức nên Ankura được thọ thần trong rừng gia hộ. Sau khi thấy thọ thần dùng thần lực tạo ra thức ăn và nước uống thơm ngon ban cho mình, Ankura hoan hỉ hỏi thọ thần do nhân duyên gì mà được làm một chư thiên nhiều quyền lực. Vị thọ thần bảo rằng kiếp trước ông là một người nghèo, nhưng nhờ tâm ông hoan hỉ với phước bố thí của người khác nên khi thân hoại mạng chung, ông được tái sanh làm thọ thần hưởng nhiều phước báu. Ankura khởi đức tin, hân hoan về nhà mở kho bố thí lâu dài đến suốt đời. Nhờ bố thí với tâm hoan hỉ nên nước da của Ankura trở nên sáng rỡ. Trong tích chuyện này, có đoạn Ankura nói:

"...Mong những người đạo đức
Thường đến ở với tôi
Ðể tôi săn sóc họ
Như mưa trên núi cao
Tuôn chảy xuống đất bằng.
Tôi sẽ làm thỏa mãn
Tất cả khách đường xa.

Khi thấy kẻ đến xin
Thân người cho sáng rỡ
Và sau khi bố thí,
Tâm người cho vui mừng
Ðây là điều hạnh phúc.

Khi thấy kẻ đến xin
Thân người cho sáng rỡ
Và sau khi bố thí
Tâm người cho vui mừng
Ðây là điều cao thượng.

Trước khi cho vui mừng,
Khi cho, tâm thành kính,
Cho rồi, tâm hoan hỉ.
Là người đã thành công
Việc thực hành bố thí.

Thực hành bố thí hay hay dỡ đều tùy nơi tác ý. Như Ankura nói thì "trước khi cho tâm vui mừng, khi cho tâm thành kính, cho rồi tâm hoan hỉ". Ðây là cách bố thí đúng. Cách bố thí cao thượng là bố thí vì lòng từ bi muốn làm cho người nhận được sung sướng, hay bố thí với trí tuệ hoặc đức tin. Bố thí với một tấm lòng trong sạch thì lúc nào cũng được phước báu an vui ngay hiện tại và tương lai. Bố thí vì có hậu ý đổi chác như muốn được danh, quyền, lợi, hay vì muốn được phần thưởng ở kiếp sau là bố thí vì ô nhiễm và tính toán nên tâm chẳng được hoan hỉ mà phước báu cũng chẳng có bao nhiêu. Bố thí vì tham ái và bản ngã thì không được gọi là bố thí ba la mật. Kinh Phật dạy có tám nguyên nhân làm người ta bố thí. Ðó là cho vì thương, vì giận, vì si mê, vì sợ, vì nghĩ rằng gia quyến đã quen cho, vì mong sẽ được sanh vào nhàn cảnh, vì do tâm trong sạch, vì để làm tâm tốt đẹp hơn.

Ở đây xin thuật lại một chuyện bố thí vì giận. Một thời trong quá khứ, có một vị Bích Chi Phật thường từ trên núi đi xuống làng khất thực. Một hôm Ngài cần đất sét để sửa lại những lỗ hổng nơi cốc của Ngài. Gặp một cô gái làm nghề đồ gốm đang ngồi nhào nặn đất sét, Ngài nghiêm trang đứng trước cửa chờ cô gái bố thí. Hôm ấy cô gái đang có chuyện bực mình, nàng chẳng muốn bố thí chút nào. Nhưng chờ mãi mà không thấy ông tu sĩ đi nơi khác, cô gái tức tối vo tròn một cục đất đang nhào nhuyển rồi thảy cái "kịch" vào trong bình bát của Ngài. Do vì lối bố thí vô lễ với tâm sân hận ấy, kiếp sau cô tái sanh làm một cô gái với khuôn mặt xấu xa cực kỳ quái gỡ. Nhưng nhờ phước nhào nhuyễn cục đất sét nên da cô gái rất mịn màng và có sức hấp dẫn lạ kỳ. Bất cứ người nam nào đã đụng vào da cô thì trở nên si mê phải lòng nàng. Sau đó một vị vua cũng tình cờ đụng vào tay nàng rồi yêu mến nàng và rước nàng về cung làm vợ.

Pháp Vị từ Giới Ðức

Kế bố thí là trì giới. Trì giới cũng đưa lại nhiều Pháp vị. Người có trì giới thì tâm không bị sợ hãi, âu lo hay hối hận quấy phá. Khi người có giới, như ngũ giới chẳng hạn, thì tâm ít bị tham lam, sân hận hay si mê đến độ muốn làm hại kẻ khác hoặc chính mình. Khi ô nhiễm tham sân si khởi lên, người không giữ giới sẽ không ngần ngại đi trộm cướp, lường gạt, giết hại, phá hoại gia cang người khác, hay dùng mưu sâu kế độc để thoả mãn ác tánh trong tâm mình. Uống rượu hay dùng các chất kích thích như ma túy, cần sa v.v... cũng là phá giới, vì người này đang tự hủy hoại mình và hậu quả là gây khổ cho nhiều người.

Trên đời này, lúc nào làm khổ ai là chúng ta tự làm khổ mình trước. Một lời nói xấu xa, một hành động ác hiểm, một mưu kế gian ngụy, đều trước hết bắt nguồn từ những tâm tư bị đốt cháy vì tham sân si. Khi tâm bị đốt cháy như vậy, nếu người ấy không kịp thời dùng chánh niệm để quân bình tâm mà lại dễ duôi để lửa ấy bộc phát thêm lên nơi thân khẩu ý thì chắc chắn người ấy sẽ bị nhiều quả xấu thiêu đốt nhiều hơn.

Khi tu Bát Quan Trai với nhiều giờ hành thiền thì hành giả sẽ thấy được lợi ích quí báu nhờ giữ giới đem lại. Không ăn chiều thì không bị suy nghĩ về chuyện ăn uống khuấy rối, hành giả ít bị tham ái, dễ chuyên tâm hành thiền hơn. Không ca hát hay nghe nhạc, coi phim, hành giả thấy tâm mình tịnh an, không xao xuyến vọng động, dễ được định tỉnh khi hành thiền. Khi thu thúc lục căn, có chánh niệm liên tục, hành giả thấy tinh thần được an ổn, không bị chi phối lao xao. Tâm an tịnh phát sanh nhờ giữ giới là phần thưởng cao quí.

Một người có được xem là quân tử cao quí hay không, điều này không nằm nơi quyền thế, tài sản, hay khả năng ăn nói hơn người, mà là ở nơi giới đức của mình. Người có giới thì tâm dần dần trở nên hiền lành, mát mẻ, an vui. Tâm người ấy ngày càng trong sáng và hướng thượng. Người ấy được nhiều người thương mến, các bậc thiện trí thức ưa thích thân cận, có danh tiếng tốt vang đi khắp nơi, rất dạn dĩ khi vào chỗ tụ họp và khi chết được tái sanh vào nhàn cảnh. Ðây là năm điều lợi ích của sự trì giới mà Phật dạy ông Siha trong Siha Sutta (Anguttara Nikaya). Ngoài ra, kinh Phật còn dạy rằng quả báo của giới cho người những năng lực cao cả, và giới có mùi thơm quí báu bay đi được khắp nơi.

Ða-già-la với chiên đàn
Hương này chưa mấy cao sang trên đời.
Hương người giới đức tuyệt vời
Xông lên thấu các cõi trời cao siêu. -- (Kinh Pháp Cú, câu 56)

Pháp Vị trong Thiền

Tiếp đến là Pháp vị trong thiền. Chỉ có thiền mới đem lại cho chúng ta nhiều Pháp vị nhất. Những vị tu Tiên, tu Phật đều nhờ hưởng được Pháp vị trong thiền mà hoan hỉ với đường tu suốt một đời. Trong đoạn này chúng ta sẽ nói đến thiền vị và nhân đây tôi xin đề cập đến vài lỗi lầm đáng tiếc trong thiền mà nhiều người thời nay mắc phải.

Có một Phật tử đến hỏi tôi về thiền. Vị này muốn thực hành những phương pháp luyện tâm có thể đạt được những năng lực siêu nhiên như có thần thông, có thiên nhãn thấy được những cảnh giới nhiệm mầu, hội nhập với Thượng Ðế, hay có thể đưa thần thức đi chu du khắp cõi thiên đường, địa ngục. Ðồng thời, vị này cũng muốn thực hành theo đường lối chánh đạo trong Phật giáo để vừa gặt hái được lợi ích trong thiền, vừa an toàn vui sống trong thế giới hàng ngày. Vì đây là vấn đề mà có lẽ nhiều đạo hữu vẫn còn mắc phải nên tôi xin được kể lại câu chuyện lầm lẫn trong việc hành thiền của hành giả HT ra đây (với sự hoan hỉ cho phép của HT).

"... Lúc còn nhỏ mới mười lăm tuổi tôi đã thích thiền, nhưng tôi chỉ biết tò mò tìm kiếm chứ chẳng hề thấy ai thực hành. Một hôm vào thư viện chơi, đang đọc quyển sách thiền của Phật giáo, tôi được một người bạn tặng tôi một cuốn cẩm nang hành thiền dạy những phương pháp huyền bí về luyện tâm. Tôi vui mừng hí hửng, nghĩ rằng mình có duyên với thiền nên ơn trên đã phò hộ chỉ mình con đường về với cõi Phật, đất Tiên.

"Nhận được cuốn cẩm nang huyền diệu, tôi quí nó vô cùng liền về nhà đọc ngấu nghiến cuốn sách cho kỳ hết. Cuốn sách mỏng chỉ khoảng độ năm mươi trang dẫn tôi vào một thế giới mê ly huyền ảo, chỉ rõ cách thức thực hành và những lời hứa gặp Tiên thấy Phật hấp dẫn vô cùng. Lúc nhỏ tôi thích đọc truyện Tàu. Những hồi chuyện ly kỳ như Tiết Ðinh San và Phàn Lê Huê đấu phép với Ngũ Long Công Chúa, những bửu bối nhiệm mầu của Lê Sơn Thánh Mẫu tưng bừng vũ lộng thần thông và chuyện đằng vân giá võ của thiên tiên, địa tiên thường lởn vởn trong tâm trí con nít của tôi. Hồi đó còn nhỏ, tôi đinh ninh những chuyện này là có thật, và nếu biết cách trở về thì cũng gặp các Ngài như ngày xưa. Nay duyên lành đã đến, tôi được cuốn cẩm nang hành thiền này, đúng là mình đã có duyên lành với Phật Tiên Thánh rồi!

"Tôi kiên nhẫn chờ cho đến lúc nữa đêm khi mọi người đã ngủ say liền bắt đầu hạ thủ công phu. Tập trung tư tưởng, bế mạch, chận huyệt, hít thở chuyển khí, tôi nhất nhất làm theo những lời dạy trong sách chẳng sai một mảy nào. Vài tháng sau, tôi đã có thể ngồi thiền ba giờ đồng hồ liên tục vào lúc nửa đêm mà chẳng chút mỏi mệt. Buổi sáng tôi vẫn tỉnh táo và khỏe mạnh, đi học như thường.

"Dần dần, tôi nhận được thêm bản tin và thơ khuyến tu của nhóm thiền này. Tôi mừng vô cùng khi biết rằng trong số những người hành theo phương pháp này có rất nhiều vị là bác sĩ, kỹ sư, luôn cả những vị cư sĩ tại gia thuộc làu Thập Chú. Tôi tự bảo mình nên vững tâm thực hành phương pháp này, vì theo những gì tôi nghe được thì không những rất nhiều người thực hành phương pháp này đã thành công, mà họ lại là người lớn, có nhiều kiến thức, lại đã thành công trong đời.

"Thế là tôi càng hăng say tập luyện. Thời gian luyện thiền càng tăng dần và dĩ nhiên là tôi thiền lén, vì ba tôi cấm bặt không cho tôi thiền. Ông nghĩ rằng phương pháp hành thiền này mập mờ đầy vẻ hoang đường và do đó không an toàn. Nhưng tôi vẫn bí mật hành thiền, mỗi đêm say sưa đưa tâm đi vào các cõi thiền bí mật. Tôi nào biết mình đang sống trong tưởng tượng! Lúc ấy tôi mê mệt với những điều cao siêu kỳ bí tả rõ trong cuốn cẩm nang hành thiền. Cuộc sống thời niên thiếu của tôi dường như đã được định hướng: mình đang trên con đường đi vào cõi siêu nhiên cao thượng để hội nhập với thần tiên.

"Càng ngày, tôi càng nghe nhiều điều thành công của các đạo hữu trưởng bối. Có vị đã gặp tiên ông râu bạc cùng tiên bà ung dung cỡi gậy bay qua giãi ngân hà. Có vị thấy quần tiên trên mặt trời đang dùng quạt ba tiêu quạt đỏ lò bát quái để luyện tiên đơn. Có vị đã được diễm phúc hòa nhập với ánh sáng của Ngọc Hoàng Thượng Ðế mặc dù định lực chưa đủ mạnh để thấy rõ ngài. Có vị được Tiên Cô xuống thăm, khuyến khích tu mau kẻo sắp đến ngày tận thế. Nhưng nhiều hơn hết là có nhiều vị trong lúc hành thiền được bay đi chơi đây đó, sung sướng vô cùng. Tôi rất vui thích khi nghe những điều này. Tôi cầu nguyện ơn trên cho tôi một chuyến thiền du thượng giới, chỉ cần gặp thần tiên dù một phút thôi cũng mãn nguyện lắm rồi. Nhưng nào có thấy gì! Tuy nhiên, những ấn chứng tu hành mà các đạo hữu ấy đã kể ra đều là tiếng trống cổ động thúc đẩy tôi siêng năng hành đạo mỗi đêm.

"Rồi một hôm, trong buổi họp mặt của các đạo hữu để chia xẻ kinh nghiệm hành thiền, cô trưởng nhóm hảnh diện bảo rằng một đêm nọ, phát xuất từ lá gan, bên hông cô mở ra một đạo lộ thiên đường. Cô bảo rằng đây là một điều lạ vì xưa nay trong lúc hành thiền cảnh tiên thường hiện ra trước mắt cô chứ chưa bao giờ xuất phát từ "lá gan" bao giờ. Mọi người rất tôn trọng và tán thán thành quả siêu việt của cô. Tôi suy nghĩ: "Chà, hay thật! Làm sao mà thiên đường phát xuất từ lá gan được nhỉ"?

"Rồi đến một buổi họp mặt khác, lần này các đạo hữu tụ tập đông hơn. Cả một khối người lớn trẻ đông đúc ngồi chật một sảnh đường. Ðến lúc chia xẻ kinh nghiệm hành thiền, một bác đạo hữu nói rằng nhờ hành thiền bấy lâu nay nên bác đã được thanh lọc nhiều, đêm hôm qua ngài Quán Thế Âm Bồ-tát đã giáng xuống thay tim cho bác. Bác kể trong cơn mơ, bác được Quán Thế Âm Bồ-tát mổ ngực, lấy búp sen đổi làm tim cho bác, cọng sen làm mạch máu và lá sen làm da. Lúc thức dậy thân và tâm của bác trong sạch hoàn toàn. Bác quả quyết chuyện này mặc dù là trong mơ nhưng lại đã xảy ra thực và tuyên bố bây giờ thân tâm của bác đã hoàn toàn trong sạch và bác là con của Bồ-tát Quán Thế Âm. Chẳng biết mọi người nghĩ sao về chuyện này, nhưng phần tôi thì hoang mang vô cùng vì thấy sao nó na ná như chuyện Na Tra nhập xác bông sen trong truyện Phong Thần.

"Về sau, khi quan sát kỷ các vị luyện tâm theo lối này, tôi thấy đức tin của họ thiếu căn cứ, hình như phần nhiều là tưởng tượng theo những câu chuyện thêu dệt của văn hóa bên Tàu. Họ có những lối nhìn đời không thực tế, tâm tánh của họ hơi bất bình thường, và đời sống gia đình nhiều khi bị xáo trộn. Tuy tôi cũng hưởng được ít nhiều tâm định tỉnh an vui trong thiền, nhưng vì thấy những tấm gương của các đạo hữu khác nên tôi e ngại không dám đi sâu thêm. Mặc dù rất muốn hành thiền, nhưng tôi thấy cần phải hiểu rõ thêm về căn bản thiền học trong Ðạo Phật rồi mới thực hành sau ..."

Nghe câu chuyện này, tôi bảo anh HT: trên thế gian này, con người bị tâm tham ái thúc dục, nên mọi động cơ làm, nói và suy nghĩ của mọi người thường bắt nguồn từ tham ái. Ðến khi không thỏa mãn được với những gì trong đời, nhiều người đến với thiền, họ cũng lại với tâm tham ái mong tìm những gì mầu nhiệm cao siêu hơn. Khi đến với thiền, nhiều người rất thích đạt được những gì phi thường, như thấy Tiên gặp Phật, luyện phép thần thông, đi mây về gió, đạp hổ cỡi rồng. Tham ái là động cơ thúc đẩy nhiều người đi vào con đường hành thiền như vậy.

Tham ái là then chốt của mọi sự đau khổ và sai lầm. Trong vô minh, chúng ta không biết đường nào đúng để đi; chúng ta để mặc cho tham ái tự do dẫn dắt mà luôn nghĩ rằng con đường ta đi là chân chính, mầu nhiệm phi thường. Ðức Phật dạy rằng tham ái là nguồn cội của mọi sự đau khổ. Chỉ có diệt trừ được tham ái mới tận diệt được khổ đau.

Thông thường khi đến với thiền, người ta không biết rằng đến với thiền là để mà "mất" chứ không phải để mà "được". Tìm kiếm điều này điều nọ để thỏa mãn tham ái là tâm tánh của tất cả chúng sanh đã quen thói trong nhiều kiếp luân hồi. Lòng "muốn được" thì không bao giờ thỏa mãn. Ðức Phật dạy tâm tham ái của chúng sanh thì không bao giờ đủ, ví như người khát nước mà uống nước biển thì mãi hoài khát thêm. Vì vậy chúng ta nói rằng đến với thiền để mà "mất": mất đi sự động loạn của nội tâm, mất đi sự căng thẳng tinh thần, mất đi sự dao động tâm trí, mất đi sự cô đơn buồn khổ, mất đi sự tham ái không ngừng, mất đi những phiền não triền miên. Nếu có muốn gì trong thiền thì chúng ta hãy muốn mất đi những đau khổ ấy. Nhưng dầu sao đi nữa, thì khi hành thiền, chúng ta đừng muốn được cũng không mong mất, hãy theo phương pháp của chánh đạo mà thực hành, cụ thể là đơn thuần có chánh niệm ghi nhận đề mục như có giải rõ trong phương pháp hành thiền của thiền quán Tứ Niệm Xứ là xong. Thực hành như vậy thì chúng ta sẽ đạt được kết quả rất an toàn.

Hành thiền mà mãi tưởng tượng, mong cầu được điều này, thấy điều nọ thì không an toàn chút nào. Khi hành thiền, với tâm định tĩnh, chúng ta có thể phát giác được rằng tâm con người rất mạnh và rất sâu, có thể nói là vô biên giới, và khả năng thành tựu tâm linh thật không có gì đo lường được. Nhưng ngược lại, sự tưởng tượng của con người cũng rất phong phú, nếu hành thiền mà tưởng tượng cao độ thì sẽ dễ dàng bị lạc thiền, tâm rơi vào những trạng thái hoang tưởng, lạc tưởng, rồi dần dần sẽ tạo ra được những thế giới kỳ ảo đúng theo trí tưởng tượng của mình. Ðến lúc đó, tâm người hành thiền sai lạc sẽ chìm sâu vào ảo giác, sống rất nhiều với ảo giác trong lúc hành thiền cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Sức khỏe về tinh thần cũng như thể xác của người này có thể bị suy sụp, công ăn việc làm bị ảnh hưởng rất nhiều, và đời sống gia đình sẽ gặp khó khăn.

Trong khi hành thiền, tâm nguyện và mục đích của chúng ta phải chân chính và cách hướng tâm cũng phải chân chính. Tâm nguyện và mục đích chân chính là mong muốn thoát khỏi những đau khổ vì tham sân si, mong muốn làm cho tâm trở nên trong sạch, thanh tịnh hoàn toàn. Hướng tâm chân chính là có tinh tấn chánh niệm, chú tâm trên những đề mục làm cho tâm được an lạc định tỉnh, rồi dần dần sẽ được sáng tỏ thêm nhờ trí tuệ hiển bày. Sự hướng tâm chân chính rất quan trọng. Khi hành thiền, hướng tâm tà vạy là hướng tâm về với những gì thuộc về tham ái, sân hận. Hành thiền mà suy tưởng, ước muốn được gặp Tiên thấy Phật, hay mong muốn đắc thần thông để chiến đấu với ai, hay là móng tâm cầu đạt những điều phi thường, hay muốn được chu du cảnh này giới nọ v.v... là hướng tâm tà vạy. Sự hướng tâm tà vạy này khởi lên vì tham ái, mà nếu động cơ hành thiền là tham ái thì lối luyện tâm ấy đã đối nghịch với thiền!

Thiền và tham ái thì như dầu với nước, không hòa lẫn với nhau được. Khi tâm đầy dẫy tham ái thì tâm rất dao động và yếu ớt, tâm không thích an trụ chút nào. Khi tâm có tham ái mong cầu thì không thể nào nhất tâm, không thể đạt được sự an tịnh định tỉnh. Ngược lại, khi tâm được định tỉnh rồi thì tham ái không có mặt. Hành giả nào khi hành thiền mà tâm đã được định tỉnh sâu xa, thì tất cả những việc gặp Tiên thấy Phật, hay chu du thiên đường địa ngục - giả sử nếu có - thì đối với họ đều là phiền toái. Khi tâm được an tịnh định tỉnh rồi thì tâm rất an vui trụ chắc trong sự định tỉnh ấy, hành giả hưởng hạnh phúc cao diệu tuyệt vời, vượt xa tất cả những hạnh phúc tầm thường của giác quan. Lúc ấy hành giả không muốn tâm bị dao động chút nào.

Còn nếu hành giả muốn luyện thần thông để đạt được thiên nhãn thiên nhĩ, có thần túc thông biến hóa v.v..., thì trước hết phải có sự định tâm hoàn toàn cái đã. Nếu hành giả chăm chú hành thiền cho đến khi tâm không còn dao động, tâm như mặt hồ tuyệt đối phẳng lặng, chẳng một gợn sóng li ti, thì gọi là bắt đầu vào định. Lúc ấy, năm chướng ngại hành thiền là mọi sự tham ái (về 5 giác quan và ý thức), sân hận, dã dượi-buồn ngũ, hối quá-phóng dật, và hoài nghi đều vắng bóng. Mọi tư tưởng, tạp niệm, vọng tâm, suy nghĩ, dao động v.v... đều không có. Ngay cả một gợn tư tưởng nhỏ li ti làm tâm hơi rung động cũng không hiện lên được. Lúc này, theo Thanh Tịnh Ðạo thì tâm đã đi vào cận định, sắp sửa lọt vào sơ thiền, tầng thiền thứ nhất của tứ thiền. Lúc này, tâm hành giả miệt mài trên đề mục, bám sát đề mục, một sự hoan hỉ mát mẻ dâng đầy thân tâm, an lạc ngập tràn và được nhất tâm, tâm hoàn toàn định tỉnh. Ðược năm pháp này (gọi là năm chi thiền: tầm, tứ, hỉ, lạc, định) thì hành giả đã đạt được sơ thiền, hay là tầng thiền thứ nhất. Tâm hành giả lúc ấy an lạc sung sướng vô cùng. Rồi hành giả phải luyện thêm nửa, vào nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, biết cách nhập định xuất định tùy ý, di chuyển luân lưu từ tầng thiền này đến tầng thiền khác, rồi phát nguyện trong thiền v.v... mới bắt đầu luyện được thần thông. Ðây chúng ta tạm nói sơ qua về tiến trình tu luyện thần thông theo phương pháp thực hành thiền vắng lặng (samatha).

Dĩ nhiên mục đích hành thiền của hành giả không phải lúc nào cũng giống nhau. Có người hành thiền vì muốn quên lãng chuyện đau buồn nào đó, có người hành thiền vì muốn chạy trốn sự cô đơn, có người hành thiền vì thích sự an lạc định tỉnh, có người hành thiền vì nghe nói sẽ được gặp Tiên thấy Phật, có người hành thiền vì nghe nói sẽ được chu du khắp chốn, có người hành thiền vì muốn trừ diệt tham sân si, có người hành thiền vì muốn tạo được năng lực siêu nhiên. Dù động cơ ban đầu của hành giả là gì đi nữa, nhưng nếu vị ấy gặp được phương pháp hành thiền của chánh đạo và được thiền sư dẫn dắt đi đúng con đường thì cũng sẽ gặt hái nhiều lợi ích khả quan.

Tuy nhiên chúng ta cần hiểu rõ rằng tất cả mọi phiền não đau khổ đều phát sanh vì ô nhiễm tham sân si trong tâm ta, và mọi điều hạnh phúc có được cũng phát sanh từ tâm trong sạch. Vậy thì chúng ta hãy điều chỉnh lại ý hướng của mình khi đến với đạo hầu tu hành mau tiến hơn. Ðiều thực tế nhất là chúng ta hành thiền không phải vì để đạt được thần thông hay thấy cảnh này giới nọ để thỏa mãn trí tưởng tượng hoặc tò mò, mà mục đích hành thiền của chúng ta là để được an lạc và giải thoát, có thể đem lại hạnh phúc cao thượng cho mình và người.

Nếu hiểu biết đúng đắn thì chúng ta sẽ hành thiền rất an toàn, đạt được nhiều an lạc nội tâm. Khi hành thiền chúng ta cần phải loại bỏ những tư tưởng mong cầu đạt được những điều phi thường ảo diệu. Hành thiền với tâm mong cầu như vậy mà muốn có định và tuệ thì chẳng khác gì bắt trăng trong nước, vẽ hình trên không. Những gì được gọi là phi thường, tuyệt diệu và quí báu chỉ có giá trị khi chúng làm cho ta hết khổ, được vui. Còn nếu thấy được điều này việc nọ trong thiền, nhưng lại không chánh niệm, để tâm mê đắm vào các ảo tưởng đó đến nổi tâm bị kẹt trong ảo tưởng, sanh bệnh, ảnh hưởng đến đời sống, tạo khó khăn cho gia đình, thì rõ là được khổ, hết vui.

Tiếc rằng sở thích của nhiều vị khi đến với thiền là nhắm vào những gì phi thường như đã nghe người khác nói, mà phần lớn những điều phi thường này là sản phẩm của trí tưởng tượng như đã nói ở trên. Vì vậy nên lắm người đã bỏ nhiều năm tháng quí báu đi theo ảo mộng thần tiên. Cho dù những điều phi thường mà chúng ta ước muốn ấy là tốt đi nữa, chẳng hạn như muốn tâm tuyệt đối bình an tỉnh lặng, tâm chìm vào ánh sáng, tâm mở rộng có khả năng rãi tâm từ khắp nơi v.v... thì trước hết chúng ta cần phải tập cho có chánh niệm cái đã. Những điều phi thường này chỉ có được khi chúng ta đã nắm vững được cái bình thường, đó là chánh niệm. Khi chánh niệm chưa có thì ngồi thiền mà mong cầu ấn chứng cách mấy cũng chẳng có gì. Hơn nữa, hành thiền mà không có chánh niệm thì tinh tấn sẽ trở thành tà tinh tấn, định sẽ là tà định, thay vì có chánh tưởng [1] lại có tà tưởng, vì hành giả thực hành thiền định với si mê. Chánh niệm là sự sáng suốt tỉnh thức của tâm, nó rất là trong sạch và quí báu chứ chẳng tầm thường chút nào. Chúng ta có thể nói: Ðẹp hơn vàng, quí hơn ngọc, rực rỡ hơn kim cương, đó là chánh niệm.

Chỉ khi nào thực hành vững những điều bình thường thì chúng ta mới có thể đạt được những cái phi thường. Chánh niệm khi đã vững thì tâm sẽ được định tỉnh. Tâm định đã vững thì trí tuệ sẽ phát sanh. Trí tuệ phát sanh thì vô minh chấm dứt, được chứng ngộ Niết-bàn.

Chánh niệm là then chốt căn bản của mọi sự tốt lành phát sanh được trong tâm. Chúng ta cần thực hành thiền quán, tập chú tâm quán sát các đề mục nơi thân như hơi thở, đi, đứng, nằm, ngồi; hay chú tâm vào những cảm thọ, hay quán sát tâm và các trạng thái của tâm v.v... Những phương pháp bình thường này, mới nhìn qua thì thấy chẳng có gì là siêu việt, nhưng rất khó làm và đòi hỏi tinh thần kỷ luật cùng sự nổ lực và kiên nhẫn vững bền. Tâm đạo cần phải bền vững. Nếu tu tập phương pháp này chưa nóng đã nhảy qua phương pháp khác, thì cuối cùng không vẫn hoàn không.

Thiền là phương pháp luyện tâm làm cho tâm được mạnh khỏe hầu giúp chúng ta được an lạc hơn. Những điều giác ngộ giải thoát cao siêu sau này sẽ đến, nếu chúng ta hành thiền nhiều. Thật là vui mừng nếu đây là động cơ thúc đẩy chúng ta tu hành. Ðừng bao giờ hành thiền vì muốn gặp Lê Sơn Thánh Mẫu hay vì cầu đến được cõi Tiên! Chuyện xưa có kể lại rằng, có một ông vua hỏi vị quan văn rành nghề thi họa: "Này khanh, khanh nghĩ trên đời này vẽ cái gì là khó, vẽ cái gì là dễ"? Viên quan đáp: "Tâu hoàng thượng, vẽ voi vẽ ngựa thì khó còn vẽ ma vẽ quỉ thì dễ. Vì sao? Vì voi và ngựa thì ai cũng thấy, nên khi vẽ phải giống mới được. Còn ma quỉ thì đâu có ai thấy bao giờ, nên muốn vẽ ra sao thì vẽ". Là người Phật tử, chúng ta đừng ham vào những phương thức huyền hoặc. Hãy có đức tin thực hành thiền quán mà Phật đã dạy thì an toàn hơn. Thời nay có nhiều phương pháp hành thiền, có nhiều lối dạy thiền. Chúng ta phải xét xem những gì mà chúng ta thực hành có đưa lại lợi ích thực tiễn không hay là đó chỉ là những điều mà người ta bày vẻ để thỏa mãn nhu cầu tham ái và trí tưởng tượng của số đông.

Thiền Vị

Bây giờ chúng ta hãy nói đến thiền vị. Thiền vị là hương vị giải thoát phát sanh được khi tâm chúng ta thoát khỏi sự áp bức của tham sân si. Trong kinh Ðức Phật dạy chúng sanh như đang ở trong nhà lửa. Lửa ấy là lửa ô nhiễm tham sân si của chúng ta. Nhưng thường thì chúng ta chẳng thấy lửa tham sân si ấy nóng chút nào. Trái lại, khi tham sân si bốc cháy thì chúng ta lại làm chúng bốc cháy thêm. Nhưng rồi không sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều thấy rằng lửa tham sân si quả thật nóng bức, cần phải dập tắt chúng mới được bình yên.

Hãy tưởng tượng một cơn lốc dữ đang cuốn mọi thứ tán loạn mịt mù. Rác rến, bụi đất, đá sỏi, nhà cửa đổ nát, cây trốc, gốc lăn v.v..., tất cả đều quay cuồng hổn loạn. Giả sử tâm chúng ta đang rối rắm như vậy, như trong lúc đang bị thất tình, mất tiền, mang nợ, con hư, tiếng xấu, bị đủ thứ buồn, giận, sợ hãi, lo âu, thù hận làm khổ, thì con tâm ấy chẳng khác cơn lốc hổn loạn là bao. Lúc ấy, nếu mỗi phiền não như buồn, giận, sợ hãi vì thất tình, mất tiền, con hư, tiếng xấu v.v... đều cần phải giải quyết cùng lúc thì ta phải giải quyết như thế nào?

Khi khuấy lên một ly nước đục, nếu chúng ta muốn nước trong trở lại thì chỉ có cách để nó lắng xuống, rồi gạn lọc từ từ. Ðiều vừa nói trên đây cũng vậy. Khi chúng ta bị điên cuồng vì quá nhiều phiền não mà chẳng biết phải bắt đầu giải quyết từ đâu, thì điều tốt nhất là làm tâm bình tỉnh trở lại trước. Ðây là lúc mà thiền giải quyết sự việc rất hay. Nếu đã biết hành thiền thì chúng ta hãy ngồi thiền để tâm an tịnh. Những động loạn ô nhiễm sẽ theo tiến trình định tâm mà dần dần lắng xuống, tâm dần dần yên ổn, trong sáng trở lại. Tất cả mọi rối rắm sẽ trở nên dễ dàng giải quyết. Sự việc sẽ không còn hỗn độn trong tâm ta, mà mỗi thứ sẽ được giải quyết thứ tự rất chu toàn. Ðây là lợi ích rõ rệt từ thiền đem lại cho những ai đang bị nhiều phiền não trong đời sống hàng ngày.

Ðối với những vị tu thiền nhiều hơn, thích đời sống giản dị bình an, thì phiền não đến từ bên ngoài dĩ nhiên sẽ ít. Tâm vị ấy dễ được định tỉnh trong thiền. Khi hành thiền một thời gian, liên tục tinh tấn chánh niệm, ô nhiễm nội tâm dần dần lắng xuống, tâm không còn lao xao vọng động như trước, thì hành giả bắt đầu cảm thấy một sự hoan hỉ tươi mát dâng lên nơi thân tâm mình. Hành giả có lúc thấy mát lạnh và khắp người nổi da gà - nhưng không phải vì sợ mà là vì hoan hỉ. Tâm hành giả lúc ấy nhẹ nhàng lâng lâng sung sướng. Niềm tin nơi Tam Bảo dâng đầy tràn ngập tâm tư. Có lúc hành giả thấy như có một luồng mát luân lưu khắp châu thân, như có ai tạt nước vào mình, hay như sóng biển dâng vào người. Có khi hành giả thấy sự mát mẻ ngập tràn thân tâm như đang đứng dưới một thác nước mát, hay đang ngụp lặn trong hồ nước, để sự mát mẻ thấm nhuận toàn thân tâm. Và có khi hành giả thấy thân mình nhẹ hửng, tự động nhấc lên khỏi tọa cụ, bay lên bay xuống, có khi vọt đi xa nơi này nơi kia.

Cách đây không lâu có một nhóm thiền sinh gồm tỳ khưu và thiện nam đang thực hành thiền Tứ Niệm Xứ tại một thiền viện ở thành phố Yangon, Miến Ðiện. Khi mọi người đang an tịnh tọa thiền, bổng hai bắp vế của một vị sư ngồi hàng trước tự dưng đập bành bạch nhanh như cánh bướm. Ðây là trạng thái hỉ lạc thường phát khởi nơi hành giả nên chẳng ai buồn để ý. Một lát sau, "hai cánh bướm" đập càng nhanh rồi "tót" một cái, vị sư bay vọt người lên trần nhà, thân hình sư cuộn tròn lại như trái banh rồi quay vòng vòng, lăn đùng xuống hàng dưới, bổ nhào vào người vị sư đang ngồi hành thiền ở phía sau. Các hành giả mở mắt ra nhìn, cười, rồi không nói gì, tiếp tục nhắm mắt hành thiền. Vị sư bị té không cảm thấy đau đớn gì, chỉ thấy cơ thể nhẹ nhàng, lâng lâng. Rồi một lát sau, khi mọi người đang ngồi yên hành thiền, vị sư ấy lại "tót" lên một lần nửa, biến thành trái banh lăn đùng xuống phía sau. Nhiều lần xảy ra như vậy nên không còn ai chú ý. Ðây là một trạng thái hỉ lạc có được trong tiến trình hành thiền. Về sau khi vị sư này hành thiền thuần hơn thì không còn để hỉ lạc làm lăn đùng như trước nữa.

Hành giả tiếp tục hành thiền, tâm sẽ càng an tịnh. Các loại hỉ vừa nói sẽ lắng đọng xuống, tâm càng thêm nhẹ nhàng, thoải mái, bình an. Một sự an tịnh thanh bình ngập tràn thân tâm hành giả. Hành giả như ngồi trên mây, thân hành giả như không còn trọng lượng, mọi sự đau nhức mệt mỏi đều không có, các cảm giác khó chịu đều mất. Thư thái, nhẹ nhàng, sung sướng là trạng thái mà hành giả đang có. Ðây là lạc. Lạc thì tế nhị, nhẹ nhàng hơn hỉ và hành giả cảm thấy hạnh phúc hơn tâm hỉ nhiều. Trạng thái thư thái, nhẹ nhàng, êm đềm, mát mẻ, an vui, sung sướng này không giống như những trạng thái người ta thường có khi không hành thiền. Những cảm giác hạnh phúc do "lạc" đem lại thì chan hòa, đầy ắp, tế nhị và thanh nhẹ hơn nhiều. Những điều này chỉ có được khi tâm tách xa ô nhiễm tham sân si lúc hành thiền.

Hành giả tiếp tục hành thiền, tâm càng thêm an tịnh. Tâm từ từ càng ít dao động. Tất cả những suy nghĩ, phóng tâm, tham ái, sân hận, lừ đừ, buồn ngủ, lo lắng, hối hận, thắc mắc, hoài nghi, tưởng tượng, vọng niệm, tạp niệm đều yếu dần rồi mất hẳn (có người gọi là vô niệm). Nói là mất hẳn nhưng sự thực thì cội gốc vô hình của ô nhiễm vẫn còn ngủ yên dưới chiều sâu của tâm thức. Trong lúc này nhờ tâm được an định nên ô nhiễm không nổi lên.

Lúc ấy, hành giả thấy tâm mình an trụ vững chắc trên đề mục. Một sự an vui dầy đặc hiện diện trong tâm hành giả, nhưng hành giả chẳng vương vấn hay suy tư gì về chúng. Sự an vui này càng làm hành giả dễ định tâm hơn. Dần dần, tâm hành giả trở nên nhất điểm trên đề mục. Tâm tuyệt đối không còn lao xao, rung động tí nào. Chánh niệm của hành giả bây giờ càng vững mạnh, sắc bén và chuyên chú trên đề mục. Ðến lúc này, có khi hành giả thấy ánh sáng rực rỡ xuất hiện trong nhiều trạng thái. Có khi màu xanh, có khi màu vàng, tròn vành vạnh giống như mặt trời hay mặt trăng ịn trước trán. Có khi ánh sáng xẹt lên như sao hay như pháo bông. Có khi đầu của hành giả trở thành một khối sáng như mặt trời. Có khi toàn thân hành giả tràn ngập ánh sáng. Hạnh phúc tràn ngập trong tâm hành giả lúc này thật không có bút mực nào tả được. Lúc này tâm hành giả định vào đề mục như nam châm hút sắt, chẳng một chút tư tưởng nào dù nhỏ cách mấy khởi lên trong tâm hành giả, đồng thời tâm hành giả tựa như một khối năng lượng mạnh mẽ vô cùng. Sức tinh tấn của tâm lúc ấy rất mãnh liệt. Khi nào hành giả đạt đến tình trạng này sẽ hiểu tại sao người xưa nói tịnh thì mạnh hơn động. Nếu thực hành thiền quán, thì mặc dù tâm lúc này không còn suy nghĩ hay vọng tưởng, nhưng với chánh niệm cao độ lúc ấy, hành giả thấy tốc độ sinh diệt của tâm nhanh kinh khủng. Khi hành giả có chánh niệm với tâm định như vậy thì sẽ thấy rõ sự vô thường của tâm.

Khi dự một khóa thiền tích cực nhiều ngày, thì sự an lạc không những chỉ có trong lúc ngồi thiền, mà trong những sinh hoạt khác như đi, đứng, nằm, ngồi, quét nhà, rửa rau, nấu nước v.v..., hành giả đều rất thư thái, bình an. Khi tín, tấn, niệm, định và tuệ có mặt và mạnh đà thì bất cứ lúc nào có chánh niệm hành giả cũng được an lạc. Nhiều khi sự thư thái, an lạc quá đầy ắp, hành giả thấy tâm mình nhẹ hẫng dường như không còn một chút tham ưu nào, hành giả cảm thấy cơ thể cũng nhẹ tênh như giải lụa nhẹ rơi trong làn gió, hành giả tưởng chừng đây là Niết-bàn và đã hoàn toàn giải thoát, nước mắt của hành giả trào ra, sung sướng vô cùng.

Những Pháp vị như hoan hỉ, an lạc, định tỉnh thật là tuyệt diệu, nhưng cũng chỉ mới là bước đầu. Càng hành thiền sâu hơn, hành giả hưởng Pháp vị càng nhiều và càng lâu hơn. Nhưng nếu hành giả thực hành thiền quán, thì sau những kinh nghiệm hạnh phúc trong sự định tỉnh, hành giả còn đạt thêm các tuệ minh sát, hay là trí bát nhã (Phạn ngữ: Panna, hay vipassananana), rồi cuối cùng, khi tuệ minh sát đã tiến lên đến tột đỉnh là tuệ xả, và khi tuệ xả đã chín muồi, thì hành giả sẽ chứng được đạo tuệ và quả tuệ và Niết-bàn.

Khi có tuệ minh sát, thì vô minh sẽ được trừ diệt. Khi có tuệ minh sát đầu tiên là Tuệ Phân Biệt Danh Sắc (danh là tâm, sắc là các thể vật chất trong cơ thể chúng ta) hay là kiến tịnh, thì hành giả thấy rõ rằng trong cái mà xưa nay hành giả gọi là con người, là tôi, là ta, té ra là đồ giả. Nơi con người này chẳng qua chỉ có những thể vật chất tạo nên, phần còn lại là tâm nhận biết (thức). Trong tâm, ngoài thức ra lại có cảm thọ (như thọ lạc hay thọ khổ), tưởng (sự nhận biết, tưởng biết) và các tâm hành (tâm thiện, tâm bất thiện v.v...) làm việc vô cùng vi tế, nhanh chóng và chặt chẻ với nhau nên người ta không thể nào thấy rõ được. Vì vậy tâm người ta mới phát sanh ảo tưởng cho trong con người có linh hồn, có tự ngã. Khi đạt được tuệ giác đầu tiên trong thiền quán, là tuệ phân biệt danh sắc, thì hành giả thấy rõ pháp vô ngã, trực tiếp nhận biết rằng chẳng có tôi, ta, linh hồn gì cả. Vì vậy nên kinh điển gọi đây là kiến tịnh, sự thấy biết thanh tịnh đúng theo sự thật.

Tiến sâu vào lộ trình thiền quán, hành giả càng thấy rõ pháp vô ngã, đồng thời pháp vô thường và khổ cũng hiện khởi rõ rệt. Ở tuệ giác thứ hai, là Tuệ Phân Tích, thì hành giả biết được những sự tương quan của thân và tâm, các nhân duyên, càng thấy rõ tánh vô ngã, không linh hồn, không tự ngã, và các ý tưởng về Thượng Ðế, Ðấng Tạo Hóa, Ðấng Thưởng Thiện Phạt Ác, v.v... đều được xóa hẳn trong tâm. Càng tiến sâu vào thiền quán, khi ngũ căn tín, tấn, niệm, định và tuệ mạnh thêm, hành giả lần lượt đạt nhiều tuệ giác khác và càng thấy rõ ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã hơn. Trong tiến trình hành thiền tích cực như vậy, hành giả an vui vô cùng. Tâm luôn được bảo vệ bởi những năng lực trong sạch trong tâm.

Cuối cùng, khi đạt được đạo tuệ và quả tuệ, thấy được Niết-bàn, thì hành giả mới biết được hương vị siêu tuyệt của Pháp Bảo. Lúc đắt được đạo quả giải thoát thì hành giả thấy như gánh nặng đã được buông xuống, một núi lửa ngút ngàn được dập tắt, một khối khổ não đã tan đi. Chú giải nói rằng khi hành giả đắc được đạo quả Tu Ðà Hườn (Phạn ngữ Pali: Sotapanna, hay là Nhập Lưu) là tầng thánh đầu tiên, thì khối đau khổ của vị ấy được mất đi ví như nước trong sông Hằng đã cạn khô chỉ còn lại bảy giọt. Nếu vị ấy tiếp tục hành thiền thì sẽ đắc được đạo quả Vô Sanh là A La Hán, còn nếu vị ấy vì bận việc không thể tiếp tục hành thiền thì sau kiếp sống này, vị ấy sẽ sanh lên thiên giới và không quá bảy kiếp sẽ nhập vào Niết-bàn.

Pháp thiền của Phật giáo nhắm vào chổ có trí tuệ thấu hiểu được lý vô thường, khổ não và vô ngã hầu diệt trừ tham ái và chấp thủ, và mục tiêu cuối cùng là diệt trừ tham sân si để giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn. Tất cả mọi sự thực hành từ bố thí, trì giới, tham thiền, thực hành từ, bi, hỉ, xả v.v... đều để đi đến điểm này. Hành giả không nên lấy sự hoan hỉ, an lạc, định tỉnh, hoặc ánh sáng, hoặc du hành cõi Tiên v.v... làm mục đích vì những điều này rất nông cạn và đôi khi trẻ con. Thiền của đạo Phật khác với thiền của các đạo khác ở chổ này. Ngoài ra, khi thực hành thiền định (thiền vắng lặng hay thiền quán), nếu những Pháp vị có cao siêu mầu nhiệm đến đâu, hay giả sử thấy được hiện tượng kỳ lạ nào, thì hành giả đều tuyệt đối luôn luôn dùng chánh niệm đơn thuần và tâm bình thản, xả bỏ mà quán sát. Hãy nhớ lấy cách này: "Thấy-Niệm-Bỏ". Bất cứ điều gì khởi lên trong khi đang hành thiền thì hành giả củng đều thấy thì niệm rồi bỏ qua hết. Thấy Tiên thấy Phật, kinh nghiệm hỉ lạc, có ánh sáng, nghe thấy những việc từ xa, biết được chuyện vị lai hay nhớ lại những điều quá khứ, v.v... thì hành giả chỉ thấy-niệm-bỏ. Tất cả những pháp tốt hay xấu khởi lên đều có đặc tính vô thường và vô ngã, đều nhanh chóng mất đi và chúng chẳng có cội rễ gì, như bong bóng nước mưa hay gió ngoài cửa sổ. Nếu hành giả ham thích để tâm dính mắc vào đó thì kể như đã mắt kẹt vào kinh nghiệm ấy, khó lòng tiến thêm được nửa. Tuy nhiên, điều quan trọng trong lúc hành thiền quán là phải nhìn và quán sát tất cả những hiện tượng khi chúng khởi lên - chỉ bình thản dùng chánh niệm mà quán sát bằng tâm xả rồi sẽ thấy nó mất đi - chứ không phải bỏ lơ, hay dính mắc, hay phản ứng với chúng.

Sách thiền thường dạy: "Gặp Ma giết Ma, gặp Phật giết Phật" có nghĩa là khi thấy một hiện tượng tốt hay xấu nào khởi lên trong thiền, hành giả đều bình thản quán sát, không ham thích cũng không sợ hãi chúng. Hành giả đừng hiểu lầm chữ "giết Ma, giết Phật" là phải phản ứng với các cảnh tướng ấy vì đã có sẵn định kiến trong tâm. Có một thiền sinh nọ khi hành thiền mà tâm cứ mãi nhớ lại những chuyện bực bội xảy ra với các bạn, nên anh ta cố gắng dùng mọi năng lực chánh niệm trong tâm mà niệm thật dũng mảnh, chiến đấu với những tư tưởng bất thiện ấy, đè bẹp chúng và làm chúng mất đi. Nhưng những tư tưởng sân hận ấy không ngừng biến mất rồi khởi lên, biến mất rồi khởi lên. Hành thiền như vậy thật là khổ sở vì cách "giết Ma" của anh đã sai lầm. Càng phản ứng với tư tưởng thiện ác chừng nào thì tâm càng dính mắc vào đó, khó mà tẩy đi. Cuối cùng, anh dùng chánh niệm đơn thuần, tư tưởng gì khởi lên cũng đều bình thản quán sát theo lối thấy-niệm-bỏ nên tâm rất chóng được quân bình.

Có một vị sư người Ðức qua Miến Ðiện hành thiền. Lúc trước sư đã thực hành thiền vắng lặng và được tiến sâu vào trong định và thấy ánh sáng. Khi tâm thật an tịnh và ánh sáng rực rỡ cực mạnh khởi lên là lúc mà định lực trong tâm đã phát triển và hành giả cảm thấy sung sướng vô cùng. Sư rất thích những kinh nghiệm này và mỗi khi hành thiền là sư cố gắng đưa tâm trở về trạng thái ấy. Khi thực hành thiền quán (khác với thiền chỉ hay là thiền vắng lặng), sư được ngài thiền sư dạy phải đơn thuần niệm tất cả mà không được dính mắc vào các hiện tượng này. Sư làm theo lời dạy này thì ánh sáng nhanh chóng biến mất sau khi vừa hiện khởi. Sư tiếc và phát bực, cho rằng ngài thiền sư không biết dạy thiền, làm sư bị mất ánh sáng. Cuối cùng, khi hiểu được cốt tủy hành thiền của đạo Phật là để có trí tuệ thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã, cùng ly tham và giải thoát thì sư hoàn toàn bình thản với những Pháp vị ngon lành ấy và đã tiến rất sâu trong thiền.

Còn rất nhiều Pháp vị khác nữa chúng ta chưa nói ra. Tâm từ, bi, hỉ, xả là những tâm cao thượng đem lại rất nhiều an lạc hạnh phúc cho người tu tập và những người chung quanh. Khởi đầu từ bố thí, đến trì giới, đến tham thiền, chúng ta hãy cố gắng thực hành với tâm từ, bi, hỉ, xả. Người mà tâm không có tấm lòng từ bi thì cho dù có biết thiên kinh vạn quyển cũng như không. Có tài mà thiếu đức thì thường gây nguy hiểm. Ðức độ là điều cần thiết để nuôi sống một tâm hồn. Ðức độ là điều cần thiết để dẫn dắt người khác. Ðức độ là điều cần thiết để giữ gìn một tôn giáo, giáo dưỡng thế hệ ngày nay và mai sau. Có giới hạnh, biết tha thứ, độ lượng, vị tha, có tình thương, biết sống vì người, không ích kỷ cho mình, có tâm từ bi, không chia rẽ, không thù oán, có tâm hoan hỉ, không ganh tỵ tật đố, không phán xét gắt gao, có tâm xả, không tham ái, không đau khổ, không dính mắc v.v... là những đức độ mà chúng ta cần đào luyện thật nhiều. Mong rằng tâm chúng ta sẽ mở rộng, ô nhiễm của chúng ta sẽ nhẹ đi, mọi người sẽ an vui hòa thuận với nhau nhờ giới đức trong sạch này.

Khi nói đến những hương vị Pháp bảo mà các hàng Phật tử có được do thực hành bố thí, trì giới, tham thiền, trí tuệ, thì chúng ta thấy không riêng một hạng hay một nhóm người nào mới có. Ngay cả những người chưa chính thức qui y Tam Bảo, nhưng nếu thực hành những điều này cũng hưởng được Pháp vị. Trong kinh có dạy rằng Phạm hạnh có ba hạng: thượng, trung, hạ. Hành đạo vì lòng tham muốn được lợi cho mình là bậc hạ. Hành đạo vì muốn giải thoát là bực trung. Hành đạo vì muốn đem lại sự hạnh phúc cho nhiều người để cùng nhau giải thoát là bực thượng. Mọi chuyện tu hành cao thấp và việc vun bồi ba-la-mật nhiều hay ít là hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Phạm hạnh thượng, trung, hạ không phải là cố định nơi mỗi người mà thường thay đổi lúc này lúc khác.

Kinh Ghatikara trong Trung Bộ Kinh có kể lại chuyện tiền thân của Ðức Phật Thích Ca như sau. Một thời nọ, đang cùng ngài Ananda du hành trên đường thì Ðức Phật mỉm cười. Biết rằng chỉ có nhân duyên đặc biệt Phật mới mỉm cười, nên ngài Ananda thỉnh Phật ngồi xuống nghĩ rồi hỏi rõ. Ðức Phật dạy rằng chính nơi đây đã có hai vị Phật ngồi, đó là Ðức Phật Ca Diếp thời trước và nay là Ðức Phật Thích Ca. Thủa xưa, thời Ðức Phật Ca Diếp (là chỉ một thời trước thời Ðức Phật Thích Ca thành đạo), có một thanh niên thuộc dòng quí tộc tên là Jotipala. Người bạn thân của Jotipala là Ghatikara, vị này đã hành thiền và đắc được đạo quả A Na Hàm (Bất Lai), đã ba lần khuyên Jotipala nên đến gặp và đảnh lễ Ðức Phật Ca Diếp, nhưng cả ba lần Jotipala đều bảo: "Thôi đi, này Ghatikara, đến yết kiến ông sa-môn trọc đầu ấy để làm gì?" Cuối cùng, khi bị Ghatikara kéo đi, Jotipala mới chịu đến đảnh lễ Thế Tôn và sau khi nghe Phật thuyết pháp mới khởi lên đức tin rồi gia nhập tăng đoàn. Thanh niên Jotipala ấy chính là vị Bồ-tát tiền thân của Ðức Phật Thích Ca.

Ðạo tâm khi lên khi xuống, chỉ khi nào đi đến cuối con đường là chứng đắc đạo quả giải thoát mới thật sự biết mình. Ngoài ra, trường phái nào trong Phật giáo cũng có người thực hành Bồ-tát đạo và cũng có người bê tha chẳng chút đạo đức gì. Ðừng bao giờ phân loại môn phái hay dỡ! Ðã đến lúc chúng ta cần chấm dứt lối chấp nhứt và cách chia rẽ lạc hậu này. Là cao thượng hay không đều tùy nơi phẩm chất và khả năng hành Phạm hạnh của mỗi cá nhân chứ không phải nhờ mang nhãn hiệu mà phát hào quang được. Tất cả những điều Phật dạy từ 25 thế kỷ trước đây đều nhắm vào việc chỉ cho chúng ta con đường giải thoát ô nhiễm. Thật là buồn cười khi thấy rằng Ðạo Phật dạy rõ về lý Không, Vô Ngã, Từ, Bi, Hỉ, Xả, vậy mà nhiều đệ tử đa ngôn khi làm được cái nhãn hiệu để đeo lên rồi là mặc sức mà ngông nghênh, cho mình là vĩ đại rồi phân biệt môn phái, bên ta bên người. Ðiều này xảy ra vì thiếu thực hành, chưa có thiền trí để hiểu rõ sự thật. Nếu thiếu thực hành, tâm tánh chưa được cải thiện, trí và đức chưa nhờ giới định tuệ mà mở được, thì những điều hiểu biết trong sách vở chỉ là kiến thức vay mượn, mà sự thực thì tâm chẳng khác người chưa tu. Công phu tu dưỡng thật quan trọng cho những ai có nhiệm vụ giáo truyền Phật Pháp. Khi đã có trí và đức thì tuy chúng ta nói ít nhưng đạt kết quả tốt đẹp hơn nhiều.

Nơi đây xin trích một đoạn trong bài "Cùng Một Cỗ Xe" của Cư Sĩ Bình AnSon ở Úc:

"Dù là tông phái nào đi nữa, đó cũng chỉ là giáo pháp phương tiện giúp ta tu tâm tịnh ý để được an lạc và giải thoát. Cần phải hiểu rõ nguồn gốc và hoàn cảnh lịch sử trong tiến trình phát triển các bộ kinh điển và tông phái, để có được một sự thông cảm, hòa đồng và tương kính. Trong kinh Pháp Hoa, Phật có nói: "Chư Phật chỉ dùng một cỗ xe duy nhất đưa đến giải thoát (Nhất thừa Phật đạo), không có hai mà cũng chẳng có ba", và trong Tiểu Bộ và Tăng Chi Bộ của kinh tạng nguyên thủy, Ngài cũng dạy rằng: "Như tất cả các đại dương đều có cùng một vị mặn, các giáo pháp của Ta cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát."

"Này Ananda, Con Ðường Chánh Tám Ngành [2] nầy là đồng nghĩa với cỗ xe tối thượng, là cỗ xe Pháp, là sự chiến thắng vô thượng trong mọi chiến trận nhiếp phục tham, sân, si." (Tương Ưng Bộ Kinh)

Cuối cùng thì chỉ có Bát Chánh Ðạo mới là Pháp Lý an toàn nhất để chúng ta nương theo. Bất cứ ai muốn thực hành đạo Phật một cách An Toàn và Hoàn Toàn, thì cần thực hành theo Bát Chánh Ðạo. Trong Bát Chánh Ðạo, chúng ta thực hành tâm từ, bi, hỉ, xả, giữ giới, hành thiền để có định và tuệ, thấy rõ vô thường, khổ não, vô ngã, có trí tuệ thấy được khổ, tập, diệt, đạo, hiểu được tánh không, phát triển tánh ly dục, ly tham, được an lạc và giải thoát. Tất cả đều gói gọn nơi đây.

Nguyện cho tất cả chúng sanh được mọi sự an vui.

Sư Na Tiên
Virginia, Hoa Kỳ
01 tháng 04, 2000
email:
sunatien@usa.net

Ghi chú:

[1] Có nhiều loại chánh tưởng như vô thường tưởng, vô ngã tưởng, bất tịnh tưởng, ly dục tưởng, diệt khổ tưởng, ly ác tưởng, ly tham tưởng... [^]

[2] Con Ðường Chánh Tám Ngành là Bát Chánh Ðạo [^]


[Trở về trang Thư Mục]