BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Đối trị tâm sân hận

Tỳ-khưu ni Liễu Pháp


1. Sân hận là gì?

Sân hận hay giận dữ là một trạng thái tình cảm rất thông thường của con người. Hầu như ai cũng từng nổi giận, trong một thời điểm nào đó, với một mức độ nào đó, khi đối diện với một người hay một điều kiện không vừa lòng. Dù vậy cũng nên  xem các bậc hiền triết xưa nay định nghĩa sân hận như thế nào.

Chí Tôn Ca định nghĩa như sau: "Tham ái sinh ra từ sự dính mắc, và sân hận sinh ra từ tham ái. Cả tham ái lẫn sân hận đều là sản phẩm của tâm. Sân hận là cánh cửa mở vào địa ngục vì nó dẫn đến sự huỷ diệt bản ngã."[1]

Sankara cho rằng sân hận phát sinh do tham muốn bị cản trở bởi một tác nhân nào đó, dù là hữu thức hay vô thức.[2]

Samkhiya cũng đồng quan điểm, rằng khi một người gặp phải sự chống đối, sự cản trở, hay bị đánh bại bởi một người nào đó thì trở nên giận dữ. Sân hận là biểu hiện cho năng lượng của tâm khi tham ái không được thoả mãn.[3]

Trong Bộ Pháp Tụ, sân hận được định nghĩa là "sự nóng nảy, sự hãm hại, sự đối lập, sự chống đối, sự hung dữ, sự lỗ mãng, sự không hoan hỷ của tâm". [4]

Theo cách hiểu thông thường, sân hận là trạng thái cảm xúc mạnh mẽ mà ta cảm thấy khi cho rằng người khác đã cư xử một cách bất công, độc ác, và không thể chấp nhận được.[5]

Trong một cuốn sách nghiên cứu về sân hận[6], R.L. Richmond cho rằng sân hận là cảm giác chống lại một người hay vật nào đó. Đó là thứ cảm xúc thù địch khiến cho con người chống đối lẫn nhau, và có khi chống đối cả chính mình. Ông cũng nói thêm rằng dù giận dữ là một phản ứng tâm lý tự nhiên khi bị xúc phạm hay nhục mạ, nhưng tự nhiên không có nghĩa là tốt cho chúng ta. Chẳng hạn, chất độc cũng là một chất tự nhiên, nhưng chất độc lại gây chết người.[7] Và vì vậy giận dữ không phải là cách tốt nhất để phản ứng lại với sự xúc phạm hay nhục mạ. Từ anger (giận dữ) trong tiếng Anh có cùng gốc với từ anguish (có nghĩa là đau khổ, buồn bực) và từ angst (có nghĩa là sợ hãi, lo lắng).[8]

Dù rất mạnh mẽ, sân hận là một cảm xúc thứ sinh, nghĩa là sân hận thường phát sinh sau những cảm xúc khác như đau đớn hay sợ hãi.

Là danh pháp, sân hận không có hình thức, nhưng rất dễ nhận biết khi người ta sân hận, vì sân hận biểu hiện rất rõ trên thân. Như một số nhà tâm lý học mô tả, "sân hận được biểu hiện với cặp mắt đỏ ngầu, mặt mày dữ tợn, nghiến răng, bặm môi, siết tay, đấm ngực, đập phá, gây gỗ, đâm chém, giết chóc, v.v…"[9] Cũng có một số người biểu hiện sự giận dữ một cách thâm trầm bằng cách im lặng mặc dù đang sôi sục trong lòng. Nhưng cả trong trường hợp đó, người sân hận cũng không hề thân thiện và dễ chịu chút nào, và điều này ảnh hưởng không ít đến quan hệ của người đó đối với người xung quanh.

2. Những điểm lợi và bất lợi của sân hận:

Mặc dù biết sân hận là một thứ cảm xúc rất tai hại, nhưng hầu như chúng ta ai cũng nổi giận, và thậm chí còn ưa thích với nó nữa. Bởi vì nổi giận cũng có những điểm lợi nào đó. Khi người ta nổi giận, người ta cảm thấy có sức mạnh và có thể chế ngự người khác. Chẳng hạn một bà mẹ có quát lên thì mấy đứa con mới chịu im lặng, không quậy phá. Nổi giận với chính những khuyết điểm của chính mình có thể giúp chúng ta thay đổi và phát triển nội lực. Bất bình trước những bất công hay ngược đãi cũng giúp chúng ta đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của người khác. Ngoài ra, nổi giận cũng là cách để giải toả bớt bức xúc và  căng thẳng. Ngài Dalai Lama nói rằng nếu quan sát tâm sân hận, ta sẽ có cảm tưởng sân hận khởi lên như một người bảo hộ, một người bạn để gíup chúng ta trả thù lại ngững người đã hãm hại chúng ta, nhưng thật ra đó chỉ là một ảo tưởng. Đó là một ảo giác đánh lừa mà thôi[10].  Chính vì vậy mà Đức Phật nói rằng sân hận có một cái ngọn tẩm mật (madhuragga) và một cái rễ tẩm thuốc độc (visamula)[11]. Chú giải giải thích thêm rằng sân hận có rễ độc vì nó tạo nên đau khổ, và nó có ngọn tẩm mật vì có sự khoái trá khi người ta ăn miếng trả miếng với nhau.  Vì vậy nếu suy xét sâu xa, chúng ta sẽ thấy rằng nổi giận không phải là một biện pháp tốt về lâu về dài mà có rất nhiều biện pháp khác để có thể cảm thấy an toàn, mạnh mẽ và được người khác tôn trọng.

Về sự tai hại của sân hận, trong kinh Sân Hận, Phẩm Không Tuyên Bố, Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật có nói đến 7 điều xảy đến cho một người hay sân hận:

"Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, dầu cho người ấy khéo tắm rửa, khéo chải chuốt, rồi người ấy cũng trở thành xấu xí; dầu có nằm trên giường nệm, chăn len, họ vẫn ngủ một cách khổ sở ;thâu hoạch bất lợi, lại nghĩ rằng: "Ta được lợi ích", thâu hoạch điều bất lợi ích, lại nghĩ rằng: "Ta không được lợi ích". Những pháp này được nắm giữ khiến người khác trở thành thù địch, đưa đến không hạnh phúc, đau khổ lâu dài; những tài sản nào của họ thâu hoạch do sự phấn chấn tinh cần, cất chứa do sức mạnh của cánh tay, chồng chất do những giọt mồ hôi, đúng pháp, thâu hoạch hợp pháp. Các tài sản ấy được nhà vua cho chở về ngân khố nhà vua; nếu có được danh tiếng gì nhờ không phóng dật thâu hoạch được, danh tiếng ấy lánh xa họ; nếu người đó có những bạn bè thân hữu, bà con huyết thống gì, họ sẽ xa lánh, từ bỏ người đó, vì người đó bị phẫn nộ chinh phục;  người đó làm ác hạnh với thân, người đó nói lời ác hạnh với lời, người đó nghĩ đến điều ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, người đó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục."[12]

Bằng kinh nghiệm bản thân, và bằng cách quan sát người khác, chúng ta có thể thấy rằng khi nổi giận trông ta thật xấu xí. Khi cơn giận lên cao, ta có thể hất tung tất cả mọi thứ, và muốn xa lánh ngay cả những người mà ta thương yêu nhất. Bởi vì lúc đó cơn sân đã lấn át và phá huỷ sự bình an trong tâm hồn ta. Sự giận dữ của ta khiến cho người khác nhìn ta một cách thiếu thiện cảm, và tạo nên một ấn tượng rất xấu trong lòng họ. Sự giận dữ của chính ta sẽ làm bùng dậy sự giận dữ ở người khác, và là nguyên nhân cho sự bạo động, trả thù hay phá hoại từ họ. Sân hận ảnh hưởng đến cách giải quyết vấn đề , làm hỏng sự suy xét của chúng ta, làm cho người khác xa lánh và các mối quan hệ trở nên căng thẳng. Nó khiến cho nhữnng người xung quanh chúng ta không dám phát biểu ý kiến hữu ích của họ vì sợ chúng ta nổi giận, và dần dà nó đưa đến sự xung đột với người khác. Sân hận tước mất đi niềm vui, hạnh phúc, sự bình yên và hoà hợp. Đôi khi do thiếu kiềm chế, sân hận có thể dẫn đến tội lỗi, khiến cho chúng ta phải ăn năn, hối tiếc, khiến lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương, và tệ hơn, là chúng ta đã nêu một tấm gương xấu cho con cái hay đệ tử của mình. Nổi giận thường xuyên còn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Những người hay nổi giận, nóng nảy và bạo động thường dễ bị huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai nạn lao động, và chết bất đắc kỳ tử. Họ cũng có nguy cơ bị đau đầu, đau lưng, ung thư, và rối loạn tiêu hoá. Họ dễ bị sa vào nghiện ngập và mắc bệnh tâm lý.[13] Còn có thể kể ra nhiều điều tai hại của sân hận, nhưng chúng ta có thể kết luận với một lời nhận xét ngắn gọn của Shantideva, là "không ai có thể sống hạnh phúc với sân hận"[14]. Vì vậy chúng ta cần phải chiêm nghiệm để thấy hết những tai hại của sân hận, để nhận ra rằng sân hận chính là một sai lầm, một nguồn tai hoạ trong đời sống chúng ta. Đức Phật đã ví sân hận với một kẻ thù. Bất cứ những điều tai hại nào mà kẻ thù muốn đem đến cho chúng ta, sân hận có thể đem lại một cách rất là hữu hiệu.

3. Tại sao chúng ta nổi giận?

Sau khi đã thấy rõ những tai hại của sân hận, chúng ta muôn chấm dứt nó, nhưng muốn làm vậy, trước hết chúng ta phải truy cho ra nguồn gốc của sân hận. Thông thường chúng ta nổi giận khi cảm thấy chính bản thân chúng ta hay là người thân của chúng ta bị đối xử bất công. Và bởi vì chúng ta quan tâm đến những người thân của mình, chúng ta không chịu nổi sự bất công đó, và cơn giận khởi lên từ ý muốn bảo vệ người thân và bảo vệ chính mình. Cho nên có thể thấy rằng quan tâm đến người khác tuy là một đức tính tốt, nhưng nếu không biết hướng nó đúng cách cũng có thể dẫn đến những phản ứng không lành mạnh. Sân hận thường là hậu quả của việc bị tổn thương tình cảm, bị đe doạ, hay thất vọng. Chúng ta nổi giận khi chúng ta cảm thấy bị từ chối, khinh thường, bất lực và tổn thương. Và do đó chúng ta có một khát khao muốn làm tổn thương người khác như chúng ta đã từng bị thương tổn. Đôi khi những đòi hỏi không thực tế cũng là nguyên nhân của sân hận. Chúng ta mong muốn quá nhiều từ bản thân, đồng nghiệp, con cái, hay hoàn cảnh sống, và khi sự việc xảy ra không như chúng ta mong mỏi, chúng ta cảm thấy buồn bực và bất mãn. Đôi khi sự căng thẳng ảnh hưởng đến tình cảm của chúng ta - những người chịu quá nhiều áp lực thường rất dễ nổi giận. Và một lý do nữa, có thể đó là do cá tánh, vì chúng ta có tánh tình nóng nảy, có cảm xúc quá mạnh mẽ do yếu tố sân tuỳ miên quá sâu dày trong tâm của chúng ta.

Mặc dù nói một cách khách quan thì sân hận khởi lên là để phản ứng với những người hay hoàn cảnh bất như ý, nhưng nguồn gốc thực sự của nó lại là chủ quan và ở bên trong chúng ta, đó chính là ảo tưởng về bản ngã trong tâm chúng ta. Sân hận khởi lên từ chính bản ngã, chứ không gì khác. Như Ajahn Jagaro[15] đã nhận xét một cách chính xác, chúng ta chỉ thích những cái gì làm thoả mãn và tâng bốc cái bản ngã của chúng ta. Ngược lại, chúng ta không thich bất cứ cái gì thách thức, đe doạ, xúc phạm hay hạ bệ cái bản ngã của mình. Bản ngã không thích điều đó nên nó phản ứng lại bằng sân hận và giận dữ. Nếu không có bản ngã sẽ thì không có vấn đề gì cả. Đức Phật không còn bản ngã nên ngài luôn luôn an tịnh và là một nguồn an lạc cho tất cả chúng sanh, cho toàn thế giới.

4. Đối trị tâm sân hận:

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta không nổi giận thì chúng ta không khác gì cây cỏ vô tri, rằng không làm gì cả mà chỉ chịu đựng tất cả những bất công đến với mình là một thái độ tiêu cực. Nhưng sự thật thì sân hận hay giận dữ không phải là vũ khí tốt nhất để đấu tranh cho sự công bằng, bởi vì chúng ta đã biết sân hận đã đem đến bao nhiêu tai hại cho chính chúng ta và người khác. Trong một vài trường hợp, khi cần thiết, chúng ta có thể hành động để điều chỉnh những sai trái, nhưng chúng ta nên hành động với sức mạnh của tâm từ ái, trầm tĩnh, chứ không phải với tâm phá hoại. Nói cách khác, có thể dùng biện pháp mạnh, nhưng không phải với ác ý và thù hận.

Một vài nhà tâm lý học cho rằng chúng ta nên bộc lộ sự giận dữ của mình để khỏi bị ức chế dẫn đến bệnh hoạn. Nhưng một số nhà tâm lý học khác lại đúng hơn khi cho rằng bộc phát cơn giận không giải quyết được vấn đề.  Mặc dù việc bộc lộ sự giận dữ của mình có thể đem lại sự thoả mãn tức thời – có thể bằng cách la hét, muá may, đập phá đồ đạc, chửi rủa, v.v… - nhưng cách đó không thể xua tan cơn giận. Ngược lại, nó chỉ kích thích thêm những khuấy động tình cảm và thậm chí còn kéo dài nó.

Có lẽ cách thông thường nhất để đề phòng tâm sân hận là tránh những người hay tình huống khó chịu. Nếu chúng ta cảm thấy chúng ta không thể chịu nổi một người hay một tình huống nào đó, mà nếu gặp chúng ta dễ nổi giận, thì tốt hơn nên tránh xa họ. Sự tránh xa này phải ở cả thân lẫn tâm, nghĩa là chúng ta không nên để cho những đối tượng đó hiện diện ngay cả trong tâm chúng ta và quấy nhiễu sự bình an trong tâm hồn mình. Dù đây là một cách khá dễ dàng để khỏi nổi sân, không phải khi nào chúng ta cũng làm được điều đó, và chúng ta cũng phải công nhận rằng đó không phải là biện pháp tốt nhất để diệt trừ tâm sân hận. Trái lại chúng ta nên học cách làm sao để có thể sống chung hoà bình với những gì mà chúng ta không thích. Chúng ta nên trang bị cho mình với một tư tưởng rằng trên đời này không có một cái gì hay một người nào hoàn hảo, rằng con người không thể hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, mà là một sự kết hợp của các thuộc tính tốt và xấu ở các mức độ khác nhau. Chúng ta cần phải chấp nhận rằng đã là con người thì đều có thể mắc sai lầm, và phải cho người ta có quyền khác với mình, có quyền phạm sai lầm, bởi vì bất toàn là đặc tính chung của toàn nhân loại. Chấp nhận những sai sót và khuyết điểm của chính mình và của người khác là một dấu hiệu của lòng nhẫn nại và bao dung, vốn là một thứ thuốc giải độc cho tâm sân hận.

Một trong những vấn đề liên quan đến sân hận là chúng ta cảm thấy mình đúng khi nổi giận, và bởi vì chúng ta thấy mình đúng, nên chúng ta hoàn toàn đồng hoá mình với cơn giận. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta cần phải làm để đối trị tâm sân hận là không đồng hoá với nó. Chúng ta nên cảm nhận nó một cách rõ ràng như một cảm giác, xem nó khởi lên, lớn dần và biến mất như thế nào. Phương pháp chánh niệm trên cảm thọ như vậy giúp chúng ta theo dõi cơn sân với tư cách là một người quan sát khách quan, không còn bị nó đồng hoá hay sai sử nữa. Bởi vậy khi nào chúng ta nổi giận, hãy dừng lại và quan sát. Hãy cố gắng có một giây phút chánh niệm để xem cảm giác đó là thế nào. Do ảnh hưởng của chánh niệm cơn sân sẽ mất sức mạnh và dần dần giảm đi. Chúng ta không đè nén cơn sân mà chỉ quan sát và để cho nó biến mất. Phương pháp này có thể coi là trung đạo giữa sự bộc phát vá sự đè nén.

Chúng ta cũng có thể dùng lý luận để chặn bớt sân hận. Chúng ta nên tự hỏi là nếu mình giận một người nào thì mình có thể làm gì được họ. Chúng ta không thể huỷ hoại đức hạnh hay các phẩm tính tốt của họ. Đức Phật thường nói rằng giận dữ với người khác cũng như cầm phân, than nóng, hay sắt nung đỏ để đánh người khác. Chính chúng ta sẽ là người đầu tiên bị vấy bẩn hay bị thương. Cũng như vậy, nếu người khác nổi giận với ta thì họ sẽ làm gì được ta? Họ có thể huỷ hoại đức hạnh và các phẩm tính tốt của ta chăng?

Vì vậy tự trọng là một vũ khí khác để đối trị tâm sân hận. Tự trọng được định nghĩa là "một cái nhìn thực tế và trân trọng đối với chính mình"[16]. Có nghĩa là chúng ta nhìn chính mình một cách chính xác và trung thực, không đề cao mà cũng không hạ thấp giá trị hay tầm quan trọng của chính mình. Chúng ta ý thức được những ưu điểm và nhược điểm của mình, và cảm thấy thoải mái với chính bản thân chúng ta. Ngài Ajahn Cha, một thiền sư nổi tiếng của Thái Lan, thường dạy các đệ tử của ngài: "Nếu người ta chửi con là chó, thì con hãy nhìn lui xem mình có cái đuôi không. Nếu con có cái đuôi thì họ nói đúng rồi. Còn nếu con không có đuôi, thì cũng đừng lo lắng làm gì. Con không phải là con chó, vậy thì đâu có vấn đề?"[17] Vì vậy, nếu chúng ta biết rõ giá trị của chính mình, chúng ta không cần phải tranh đấu để tự khẳng định lại mình khi bị người khác lăng mạ. Lúc đó chúng ta sẽ bình an dù có bị tấn công cách mấy, bởi vì tận sâu thẳm trong lòng chúng ta biết rằng không một điều gì mà người khác nói hay làm có thể làm thay đổi giá trị và nhân cách của chúng ta.

Một phương pháp nữa để tránh xa tâm sân hận là sự đồng cảm. "Đồng cảm là thấy được quan điểm của người khác và cảm nhận được những điều họ đang cảm nhận"[18]. Với tâm đồng cảm, chúng ta hiểu rằng những người hay gây hấn chính là những người đang bị tổn thương, rằng những người cố ý hại người khác là do tâm họ không được an lành. Với tâm đồng cảm, chúng ta biết rằng những người đang xúc phạm chúng ta đều có những vết thương chưa được hàn gắn, rằng họ đang có những bất an và sợ hãi trong lòng, và nên thú nhận rằng nếu chúng ta gặp những vấn đề tương tự, có lẽ chúng ta cũng hành động như họ mà thôi. Có thể họ không phải là người ích kỷ hay vô tâm, mà đôi lúc chỉ vì họ bị rối trí và tán loạn mới cư xử như vậy, và vì thế chúng ta không nên buộc tội họ làm gì.

Để ngăn ngừa tâm sân hận, chúng ta nên thay đổi cách suy nghĩ. Chúng ta nên thay đổi lối suy nghĩ của mình từ thái độ tiêu cực và thù ghét sang một thái độ tích cực và bình thản. Hãy cố gắng đừng tập trung vào những khía cạnh tiêu cực mà nên nhìn vào cả những khía cạnh tích cực của một vấn đề. Khi một việc gì không được "xuôi chiều mát mái", hãy tìm xem có biện pháp nào để khắc phục được không. Nếu có thì theo đó mà hành động, bằng không, thì cứ chấp nhận và cho qua. Ngài Shantideva đã đặt ra một câu hỏi rất khôn khéo: "Tại sao phải buồn bực với một điều gì nếu điều đó có thể thay đổi được? Và lợi ích gì khi buồn bực với những điều mà mình không thể thay đổi?"[19]

Ngài cũng chỉ ra một phương pháp để ngăn ngừa tâm sân hận, đó là xem xét cả yếu tố trực tiếp lẫn yếu tố gián tiếp gây nên một hành động hay một sự thương tổn. "Chẳng hạn, nếu một người dùng gậy đánh một người khác, thì thật ra người đó nên giận cây gậy mới đúng. Hay cũng có thể nói là nên giận chính cái gốc bên trong tâm của người đánh mới phải. Tức là nên nổi giận với chính tâm sân của người đó. Vậy thì tại sao chúng ta lại đi chọn cái trung gian giữa nguyên nhân trực tiếp gây thương tích, là cây gậy, và nguyên nhân gián tiếp, là sân hận, cái gốc rễ bên trong? Chúng ta gạt bỏ hai nguyên nhân này ra một bên, và chỉ chọn vật trung gian, là con người, để mà nổi giận, và dồn hết tất cả sự giận dữ vào người đó."[20] Bằng sự quán xét này chúng ta sẽ nhận ra rằng không phải là một người nào khác, mà chính bản chất của con người đang làm tổn thương chúng ta, và vì vậy mà chúng ta có thể rải tâm bi đến người đó và tha thứ cho họ. Một trong những lời khuyên của Đức Phật là "Nếu người nào dùng tay, dùng đá, dùng gậy, dùng dao để đánh con, thì con hãy từ bỏ hết những ý muốn trả thù thông thường của người thế tục. Và con nên tự nhủ rằng "tâm ta sẽ không bị khuấy động, và ta sẽ không thốt lên một lời xấu ác nào. Ta sẽ an trú vào tâm bi, vào tâm từ, để không khởi lên một niệm thù ghét nào, vì lợi ích của người kia."[21]

Tâm từ (metta) là liều thuốc tốt nhất để trị tâm sân hận. Tâm từ là tình thương không chiếm hữu mà chỉ muốn giúp đỡ, sẵn sàng hy sinh những quyền lợi riêng của chính mình cho hạnh phúc và sự an vui của tất cả chúng sanh. Tâm từ không lựa chọn hay chối bỏ một đối tượng nào. Nếu chúng ta chỉ thương yêu một số bạn hữu và xa lánh những người xấu, tức là chúng ta chưa thực hành tâm từ. Có một phương pháp thiền gọi là thiền tâm từ (metta bhavana), là phương pháp "làm phát sanh một tư tưởng mạnh mẽ, một tình thương rộng lớn đến vô lượng, làm cho tâm trở nên vô biên và phổ cập, mong cho tất cả chúng sanh trở nên hiền hoà, không thù oán lẫn nhau, hạnh phúc, an vui, không bị buồn khổ hay hiểm nguy."[22] Hành tâm từ sẽ làm giảm đi khuynh hướng hay giận dữ và rốt ráo có thể diệt sân hận tận gốc rễ.

Tâm Bi (karuna) là một pháp hành cao thượng mà Đức Phật thường khuyên các đệ tử của ngài tu tập. Tâm bi là tâm cảm nhận được sự đau khổ và mong muốn làm giảm bớt sự đau khổ của chính mình và của người khác. Đau khổ tồn tại dưới rất nhiều hình thức. Khi một người cau có, cay nghiệt, ưa gây sự và cư xử một cách vô lý, thì chắc chắn là người đó đang đau khổ trong lòng, và không biết nên cư xử làm sao. Với tâm bi, chúng ta thông cảm với nổi khổ của người khác và không phản ứng lại bằng cách tương tự để cho tình trạng càng xấu thêm. Thay vì xúc phạm người đã xúc phạm mình, chúng ta quan tâm đến họ và cố gắng làm điều gì đó để giúp họ vơi bớt niềm đau khổ.

Tha thứ là một liều thuốc tuyệt diệu cho sân hận, và thường được xem là "viên kim cương trên vương miện của các pháp đối trị tâm sân hận", theo như một số người nhận định. "Tha thứ có nghĩa là chúng ta quyết định bỏ đi tất cả sự oán giận, ganh ghét, cay nghiệt, và lòng khao khát muốn trả thù cho những điều sai trái đã xảy đến với chúng ta. Đó là cách làm hoà bình với quá khứ."[23] Chúng ta có thể tha thứ thật sự khi chúng ta biết rằng người khác xúc phạm chúng ta bởi vì họ là nạn nhân của chính những phiền não trong tâm họ và của hoàn cảnh bên ngoài, và nổi giận với họ thì chính chúng ta cũng đánh mất đi sự bình an trong tâm hồn mình. Chúng ta tha thứ để chúng ta thoát khỏi những phiền não của chính mình và bớt đau khổ. Một cách rốt ráo thì tha thứ là sự lựa chọn cá nhân của chúng ta, không cần người khác phải ăn năn, xin lỗi, hay xứng đáng để được tha thứ.[24] Mặc dù đôi lúc tha thứ thật là khó khăn, nhưng chúng ta nên cố gắng thục tập nó vì tha thứ chính là chìa khoá cho sự hài hoà tốt đẹp của gia đình và xã hội.

Khi cảm thấy hành tâm bi quá khó khăn, hay khi khả năng tha thứ của chúng ta còn quá yếu, thì một phương pháp khác có thể sử dụng, đó là phát triển tâm xả. "Tâm xả nghĩa là nhận thức, hiểu biết, chấp nhận, và bằng lòng với sự thật là có một giới hạn nhất định trong những việc ta có thể làm hay thành tựu đuợc. Ta phải chấp nhận rằng người đó là như vậy, và rồi bước qua một bên".[25] Để phát triển tâm xả, chúng ta cần hiểu và chấp nhận định luật về nghiệp. Tất cả hành động thiện và bất thiện đều cho quả. Không ai có thể tránh khỏi những quả mà mình đã gieo. Vì vậy khi một người lăng nhục hay lừa gạt chúng ta, nếu chúng ta phản ứng bằng cách tương tự thì chính chúng ta cũng đã phạm vào một hành vi bất thiện. Ngược lại, chúng ta nên tin rằng dù chúng ta có trả thù hay không thì người đó cũng không tránh khỏi nghiệp của họ. Có người cho rằng thái độ này quá tiêu cực, rằng ít nhất chúng ta cũng nên làm gì để tự bảo vệ mình, nhưng đôi lúc chúng ta không thể làm được điều gì, và trong trường hợp đó, tâm xả là phương pháp tốt nhất giúp chúng ta khỏi nổi sân.

Câu chuyện của ngài Sariputta là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta, nhũng người muốn học hạnh từ bi, khoan dung va khiêm tốn. Một hôm khi Đức Phật đang ở gần thành Xá Vệ, một vị tỳ kheo đến và thưa với Đức Phật rằng ngài Sariputta đã xúc phạm tới ông mà không hề xin lỗi, và đã bỏ đi du hành nơi khác. Đức Phật bảo một vị tỳ kheo đi thỉnh ngài Sariputta đến trước Đức Phật và chư tăng. Khi được hỏi có phải là ngài đã xúc phạm một vị tỳ kheo và không xin lỗi mà bỏ đi nơi du hành nơi khác chăng, ngài Sariputta trả lời rằng chỉ có một người thiếu chánh niệm mới làm điều đó, và ngài trình bày tiếp ngài đã tu tập và cư xử như thế nào trong đời sống hàng ngày. Ngài đã sống học hạnh khiêm cung như đất, như nước, như lửa, như gió, v.v… :

"Ví như, bạch Thế Tôn, trên đất, người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ bất tịnh, quăng phẩn uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không xấu hổ, hay không nhàm chán. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như đất, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xúc phạm một vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, mà không có xin lỗi.

Cũng vậy, nước rửa sạch các thứ tịnh và bất tịnh; tuy vậy nước không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán; lửa đốt các thứ tịnh và bất tịnh, tuy vậy lửa không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán; gió thổi các đồ tịnh và bất tịnh, tuy vậy gió không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán. Với một tâm như đất, như nước, như lửa, như gió vậy, thì làm sao lại có thể xúc phạm người khác?"[26]

Nghe xong những lời nói hùng hồn như sư tử hống của ngài Sariputta, vị tỳ kheo đó quỳ dưới chân Đức Phật và thú nhận rằng ông đã vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện mà đã xuyên tạc Tôn giả Sàriputta  một cách không ý thức, trống không, vọng ngôn, không thật. Đức Phật tha thứ cho ông và yêu cầu ngài Sariputta cũng nên tha thứ cho ông ta.

*

Trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, chúng ta đều đã có những kinh nghiệm riêng về sức tàn phá của tâm sân hận. Nó có sức huỷ hoại hơn bất cứ một thứ vũ khí nào. Sân hận gây nên sự cáu gắt, căng thẳng, và đau khổ, và khi sân hận có mặt thì hạnh phúc không thể hiện diện trong tâm. Và vì khuynh hướng của con người là mong cầu hạnh phúc và loại bỏ đau khổ, chúng ta nên tu tập để diệt trừ tâm sân hận. Đó không phải là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề xã hội, bởi vì sự thật thì "Nếu chúng ta muốn thay đổi xã hội, trước hết hãy thay đổi chính mình". Nếu chúng ta muốn thế giới này trở nên nhân ái hơn, trước hết chúng ta phải đến với người bằng lòng nhân ái, nếu chúng ta muốn mọi người bớt bạo động thì trước hết chúng ta phải an hoà và trầm tĩnh. Sự thật này đã được Đức Phật nhắc đến trong bài kệ số 5 của Kinh Pháp Cú:

"Nếu ai lấy oán báo thù
Oan oan tương báo, thiên thu hằng sầu
Từ tâm định luật nhiệm mầu
Lấy ân báo oán, còn đâu oán thù?"
[27]

Nguyện cho tất cả chúng sanh sớm thoát khỏi tâm sân hận, và sống an vui vượt ngoài vòng kềm toả của hằn thù và sân hận.


[1] Jadunath Sinha, Indian Psychology-Emotion and Will, Vol. II, Calcutta: Sinha Publishing House, 1961, p.110.

[2] Ibid., p.111.

[3] Ibid., p.113.

[4] Caroline A.F. Rhys Davids, tr., A Buddhist Manual of Psychological Ethics, Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., 1996, p.111.

[5] Collins Cobuild Advanced Learner’s English Dictionary, Glasgow: HarperCollins Publishers, 2003, p.47.

[6] Raymond Lloyd Richmond, Ph.D, San Francisco, California USA, A Guide to Psychology and its Practice (from the internet sources)

[7] Ibid.

[8] Glenn R. Schiraldi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, p.4.

[9] Jadunath Sinha, Indian Psychology-Emotion and Will, Vol. II, Calcutta: Sinha Publishing House, 1961, p. 194..

[10] The Dalai Lama, Healing Anger, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 2003, p.9.

[11] The Connected Discourses of the Buddha, Vol. II, tr., Bhikkhu Bodhi, Boston: Wisdom Publication, 2000, p.133.

[12] The Book of the Gradual Sayings, Vol. IV, tr. E.M. Hare, London: Pali Texts Society, 1978, pp.58-61.

[13] Glenn R. Schiralsi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, pp.19-21.

[14] The Dalai Lama, Healing Anger, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 2003, p.17.

[15] Ajahn Jagaro, Observing the Problem in Our Lives, Newsletter, January-March 1994, Buddhist Society of Western Australia.

[16] Glenn R. Schiralsi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, p. 100.

[17] From a talk given by Ajahn Jagaro, Buddhist Society of W.A., Newsletter, July-Sept 1995, Perth, Western Australia..

[18] Glenn R. Schiralsi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, p. 43.

[19] The Dalai Lama, Healing Anger, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 2003, p.21.

[20] Ibid., p.54.

[21] The Connected Discourses of the Buddha, Vol. II, tr., Bhikkhu Bodhi, Boston: Wisdom Publication, 2000, p.219.

[22] Achariya Buddharakkhita, Metta, The Philosophy and Pracitce of Universal Love, Kandy: Buddhist Publication Society, 1989, p.21.

[23] Glenn R. Schiralsi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, p.182.

[24] Ibid.

[25] Ajahn Jagaro, Newsletter, October-December 1993, Buddhist Society of Western Australia.

[26] Numerical Discourses of the Buddha, tr. and ed. by Nyanaponika Thera and Bhikkhu Bodhi, New Delhi: Vistaar Publications, 2000, p.232.

[27] TheDhammapada, tr. Daw Mya Tin, Yangon: Myanmar Pitaka Association, 1995, verse 5, p.3. 

-ooOoo-

Chân thành cám ơn Sư cô Liễu Pháp đã gửi tặng bản vi tính (B. Anson, 09-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 29-09-2004

Lieu Phap - Tam San Han
BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Đối trị tâm sân hận

Tỳ-khưu ni Liễu Pháp


1. Sân hận là gì?

Sân hận hay giận dữ là một trạng thái tình cảm rất thông thường của con người. Hầu như ai cũng từng nổi giận, trong một thời điểm nào đó, với một mức độ nào đó, khi đối diện với một người hay một điều kiện không vừa lòng. Dù vậy cũng nên  xem các bậc hiền triết xưa nay định nghĩa sân hận như thế nào.

Chí Tôn Ca định nghĩa như sau: "Tham ái sinh ra từ sự dính mắc, và sân hận sinh ra từ tham ái. Cả tham ái lẫn sân hận đều là sản phẩm của tâm. Sân hận là cánh cửa mở vào địa ngục vì nó dẫn đến sự huỷ diệt bản ngã."[1]

Sankara cho rằng sân hận phát sinh do tham muốn bị cản trở bởi một tác nhân nào đó, dù là hữu thức hay vô thức.[2]

Samkhiya cũng đồng quan điểm, rằng khi một người gặp phải sự chống đối, sự cản trở, hay bị đánh bại bởi một người nào đó thì trở nên giận dữ. Sân hận là biểu hiện cho năng lượng của tâm khi tham ái không được thoả mãn.[3]

Trong Bộ Pháp Tụ, sân hận được định nghĩa là "sự nóng nảy, sự hãm hại, sự đối lập, sự chống đối, sự hung dữ, sự lỗ mãng, sự không hoan hỷ của tâm". [4]

Theo cách hiểu thông thường, sân hận là trạng thái cảm xúc mạnh mẽ mà ta cảm thấy khi cho rằng người khác đã cư xử một cách bất công, độc ác, và không thể chấp nhận được.[5]

Trong một cuốn sách nghiên cứu về sân hận[6], R.L. Richmond cho rằng sân hận là cảm giác chống lại một người hay vật nào đó. Đó là thứ cảm xúc thù địch khiến cho con người chống đối lẫn nhau, và có khi chống đối cả chính mình. Ông cũng nói thêm rằng dù giận dữ là một phản ứng tâm lý tự nhiên khi bị xúc phạm hay nhục mạ, nhưng tự nhiên không có nghĩa là tốt cho chúng ta. Chẳng hạn, chất độc cũng là một chất tự nhiên, nhưng chất độc lại gây chết người.[7] Và vì vậy giận dữ không phải là cách tốt nhất để phản ứng lại với sự xúc phạm hay nhục mạ. Từ anger (giận dữ) trong tiếng Anh có cùng gốc với từ anguish (có nghĩa là đau khổ, buồn bực) và từ angst (có nghĩa là sợ hãi, lo lắng).[8]

Dù rất mạnh mẽ, sân hận là một cảm xúc thứ sinh, nghĩa là sân hận thường phát sinh sau những cảm xúc khác như đau đớn hay sợ hãi.

Là danh pháp, sân hận không có hình thức, nhưng rất dễ nhận biết khi người ta sân hận, vì sân hận biểu hiện rất rõ trên thân. Như một số nhà tâm lý học mô tả, "sân hận được biểu hiện với cặp mắt đỏ ngầu, mặt mày dữ tợn, nghiến răng, bặm môi, siết tay, đấm ngực, đập phá, gây gỗ, đâm chém, giết chóc, v.v…"[9] Cũng có một số người biểu hiện sự giận dữ một cách thâm trầm bằng cách im lặng mặc dù đang sôi sục trong lòng. Nhưng cả trong trường hợp đó, người sân hận cũng không hề thân thiện và dễ chịu chút nào, và điều này ảnh hưởng không ít đến quan hệ của người đó đối với người xung quanh.

2. Những điểm lợi và bất lợi của sân hận:

Mặc dù biết sân hận là một thứ cảm xúc rất tai hại, nhưng hầu như chúng ta ai cũng nổi giận, và thậm chí còn ưa thích với nó nữa. Bởi vì nổi giận cũng có những điểm lợi nào đó. Khi người ta nổi giận, người ta cảm thấy có sức mạnh và có thể chế ngự người khác. Chẳng hạn một bà mẹ có quát lên thì mấy đứa con mới chịu im lặng, không quậy phá. Nổi giận với chính những khuyết điểm của chính mình có thể giúp chúng ta thay đổi và phát triển nội lực. Bất bình trước những bất công hay ngược đãi cũng giúp chúng ta đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của người khác. Ngoài ra, nổi giận cũng là cách để giải toả bớt bức xúc và  căng thẳng. Ngài Dalai Lama nói rằng nếu quan sát tâm sân hận, ta sẽ có cảm tưởng sân hận khởi lên như một người bảo hộ, một người bạn để gíup chúng ta trả thù lại ngững người đã hãm hại chúng ta, nhưng thật ra đó chỉ là một ảo tưởng. Đó là một ảo giác đánh lừa mà thôi[10].  Chính vì vậy mà Đức Phật nói rằng sân hận có một cái ngọn tẩm mật (madhuragga) và một cái rễ tẩm thuốc độc (visamula)[11]. Chú giải giải thích thêm rằng sân hận có rễ độc vì nó tạo nên đau khổ, và nó có ngọn tẩm mật vì có sự khoái trá khi người ta ăn miếng trả miếng với nhau.  Vì vậy nếu suy xét sâu xa, chúng ta sẽ thấy rằng nổi giận không phải là một biện pháp tốt về lâu về dài mà có rất nhiều biện pháp khác để có thể cảm thấy an toàn, mạnh mẽ và được người khác tôn trọng.

Về sự tai hại của sân hận, trong kinh Sân Hận, Phẩm Không Tuyên Bố, Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật có nói đến 7 điều xảy đến cho một người hay sân hận:

"Này các Tỷ-kheo, hạng người nào phẫn nộ, bị phẫn nộ chinh phục, bị phẫn nộ chi phối, dầu cho người ấy khéo tắm rửa, khéo chải chuốt, rồi người ấy cũng trở thành xấu xí; dầu có nằm trên giường nệm, chăn len, họ vẫn ngủ một cách khổ sở ;thâu hoạch bất lợi, lại nghĩ rằng: "Ta được lợi ích", thâu hoạch điều bất lợi ích, lại nghĩ rằng: "Ta không được lợi ích". Những pháp này được nắm giữ khiến người khác trở thành thù địch, đưa đến không hạnh phúc, đau khổ lâu dài; những tài sản nào của họ thâu hoạch do sự phấn chấn tinh cần, cất chứa do sức mạnh của cánh tay, chồng chất do những giọt mồ hôi, đúng pháp, thâu hoạch hợp pháp. Các tài sản ấy được nhà vua cho chở về ngân khố nhà vua; nếu có được danh tiếng gì nhờ không phóng dật thâu hoạch được, danh tiếng ấy lánh xa họ; nếu người đó có những bạn bè thân hữu, bà con huyết thống gì, họ sẽ xa lánh, từ bỏ người đó, vì người đó bị phẫn nộ chinh phục;  người đó làm ác hạnh với thân, người đó nói lời ác hạnh với lời, người đó nghĩ đến điều ác hạnh với ý, khi thân hoại mạng chung, người đó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục."[12]

Bằng kinh nghiệm bản thân, và bằng cách quan sát người khác, chúng ta có thể thấy rằng khi nổi giận trông ta thật xấu xí. Khi cơn giận lên cao, ta có thể hất tung tất cả mọi thứ, và muốn xa lánh ngay cả những người mà ta thương yêu nhất. Bởi vì lúc đó cơn sân đã lấn át và phá huỷ sự bình an trong tâm hồn ta. Sự giận dữ của ta khiến cho người khác nhìn ta một cách thiếu thiện cảm, và tạo nên một ấn tượng rất xấu trong lòng họ. Sự giận dữ của chính ta sẽ làm bùng dậy sự giận dữ ở người khác, và là nguyên nhân cho sự bạo động, trả thù hay phá hoại từ họ. Sân hận ảnh hưởng đến cách giải quyết vấn đề , làm hỏng sự suy xét của chúng ta, làm cho người khác xa lánh và các mối quan hệ trở nên căng thẳng. Nó khiến cho nhữnng người xung quanh chúng ta không dám phát biểu ý kiến hữu ích của họ vì sợ chúng ta nổi giận, và dần dà nó đưa đến sự xung đột với người khác. Sân hận tước mất đi niềm vui, hạnh phúc, sự bình yên và hoà hợp. Đôi khi do thiếu kiềm chế, sân hận có thể dẫn đến tội lỗi, khiến cho chúng ta phải ăn năn, hối tiếc, khiến lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương, và tệ hơn, là chúng ta đã nêu một tấm gương xấu cho con cái hay đệ tử của mình. Nổi giận thường xuyên còn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Những người hay nổi giận, nóng nảy và bạo động thường dễ bị huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai nạn lao động, và chết bất đắc kỳ tử. Họ cũng có nguy cơ bị đau đầu, đau lưng, ung thư, và rối loạn tiêu hoá. Họ dễ bị sa vào nghiện ngập và mắc bệnh tâm lý.[13] Còn có thể kể ra nhiều điều tai hại của sân hận, nhưng chúng ta có thể kết luận với một lời nhận xét ngắn gọn của Shantideva, là "không ai có thể sống hạnh phúc với sân hận"[14]. Vì vậy chúng ta cần phải chiêm nghiệm để thấy hết những tai hại của sân hận, để nhận ra rằng sân hận chính là một sai lầm, một nguồn tai hoạ trong đời sống chúng ta. Đức Phật đã ví sân hận với một kẻ thù. Bất cứ những điều tai hại nào mà kẻ thù muốn đem đến cho chúng ta, sân hận có thể đem lại một cách rất là hữu hiệu.

3. Tại sao chúng ta nổi giận?

Sau khi đã thấy rõ những tai hại của sân hận, chúng ta muôn chấm dứt nó, nhưng muốn làm vậy, trước hết chúng ta phải truy cho ra nguồn gốc của sân hận. Thông thường chúng ta nổi giận khi cảm thấy chính bản thân chúng ta hay là người thân của chúng ta bị đối xử bất công. Và bởi vì chúng ta quan tâm đến những người thân của mình, chúng ta không chịu nổi sự bất công đó, và cơn giận khởi lên từ ý muốn bảo vệ người thân và bảo vệ chính mình. Cho nên có thể thấy rằng quan tâm đến người khác tuy là một đức tính tốt, nhưng nếu không biết hướng nó đúng cách cũng có thể dẫn đến những phản ứng không lành mạnh. Sân hận thường là hậu quả của việc bị tổn thương tình cảm, bị đe doạ, hay thất vọng. Chúng ta nổi giận khi chúng ta cảm thấy bị từ chối, khinh thường, bất lực và tổn thương. Và do đó chúng ta có một khát khao muốn làm tổn thương người khác như chúng ta đã từng bị thương tổn. Đôi khi những đòi hỏi không thực tế cũng là nguyên nhân của sân hận. Chúng ta mong muốn quá nhiều từ bản thân, đồng nghiệp, con cái, hay hoàn cảnh sống, và khi sự việc xảy ra không như chúng ta mong mỏi, chúng ta cảm thấy buồn bực và bất mãn. Đôi khi sự căng thẳng ảnh hưởng đến tình cảm của chúng ta - những người chịu quá nhiều áp lực thường rất dễ nổi giận. Và một lý do nữa, có thể đó là do cá tánh, vì chúng ta có tánh tình nóng nảy, có cảm xúc quá mạnh mẽ do yếu tố sân tuỳ miên quá sâu dày trong tâm của chúng ta.

Mặc dù nói một cách khách quan thì sân hận khởi lên là để phản ứng với những người hay hoàn cảnh bất như ý, nhưng nguồn gốc thực sự của nó lại là chủ quan và ở bên trong chúng ta, đó chính là ảo tưởng về bản ngã trong tâm chúng ta. Sân hận khởi lên từ chính bản ngã, chứ không gì khác. Như Ajahn Jagaro[15] đã nhận xét một cách chính xác, chúng ta chỉ thích những cái gì làm thoả mãn và tâng bốc cái bản ngã của chúng ta. Ngược lại, chúng ta không thich bất cứ cái gì thách thức, đe doạ, xúc phạm hay hạ bệ cái bản ngã của mình. Bản ngã không thích điều đó nên nó phản ứng lại bằng sân hận và giận dữ. Nếu không có bản ngã sẽ thì không có vấn đề gì cả. Đức Phật không còn bản ngã nên ngài luôn luôn an tịnh và là một nguồn an lạc cho tất cả chúng sanh, cho toàn thế giới.

4. Đối trị tâm sân hận:

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta không nổi giận thì chúng ta không khác gì cây cỏ vô tri, rằng không làm gì cả mà chỉ chịu đựng tất cả những bất công đến với mình là một thái độ tiêu cực. Nhưng sự thật thì sân hận hay giận dữ không phải là vũ khí tốt nhất để đấu tranh cho sự công bằng, bởi vì chúng ta đã biết sân hận đã đem đến bao nhiêu tai hại cho chính chúng ta và người khác. Trong một vài trường hợp, khi cần thiết, chúng ta có thể hành động để điều chỉnh những sai trái, nhưng chúng ta nên hành động với sức mạnh của tâm từ ái, trầm tĩnh, chứ không phải với tâm phá hoại. Nói cách khác, có thể dùng biện pháp mạnh, nhưng không phải với ác ý và thù hận.

Một vài nhà tâm lý học cho rằng chúng ta nên bộc lộ sự giận dữ của mình để khỏi bị ức chế dẫn đến bệnh hoạn. Nhưng một số nhà tâm lý học khác lại đúng hơn khi cho rằng bộc phát cơn giận không giải quyết được vấn đề.  Mặc dù việc bộc lộ sự giận dữ của mình có thể đem lại sự thoả mãn tức thời – có thể bằng cách la hét, muá may, đập phá đồ đạc, chửi rủa, v.v… - nhưng cách đó không thể xua tan cơn giận. Ngược lại, nó chỉ kích thích thêm những khuấy động tình cảm và thậm chí còn kéo dài nó.

Có lẽ cách thông thường nhất để đề phòng tâm sân hận là tránh những người hay tình huống khó chịu. Nếu chúng ta cảm thấy chúng ta không thể chịu nổi một người hay một tình huống nào đó, mà nếu gặp chúng ta dễ nổi giận, thì tốt hơn nên tránh xa họ. Sự tránh xa này phải ở cả thân lẫn tâm, nghĩa là chúng ta không nên để cho những đối tượng đó hiện diện ngay cả trong tâm chúng ta và quấy nhiễu sự bình an trong tâm hồn mình. Dù đây là một cách khá dễ dàng để khỏi nổi sân, không phải khi nào chúng ta cũng làm được điều đó, và chúng ta cũng phải công nhận rằng đó không phải là biện pháp tốt nhất để diệt trừ tâm sân hận. Trái lại chúng ta nên học cách làm sao để có thể sống chung hoà bình với những gì mà chúng ta không thích. Chúng ta nên trang bị cho mình với một tư tưởng rằng trên đời này không có một cái gì hay một người nào hoàn hảo, rằng con người không thể hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, mà là một sự kết hợp của các thuộc tính tốt và xấu ở các mức độ khác nhau. Chúng ta cần phải chấp nhận rằng đã là con người thì đều có thể mắc sai lầm, và phải cho người ta có quyền khác với mình, có quyền phạm sai lầm, bởi vì bất toàn là đặc tính chung của toàn nhân loại. Chấp nhận những sai sót và khuyết điểm của chính mình và của người khác là một dấu hiệu của lòng nhẫn nại và bao dung, vốn là một thứ thuốc giải độc cho tâm sân hận.

Một trong những vấn đề liên quan đến sân hận là chúng ta cảm thấy mình đúng khi nổi giận, và bởi vì chúng ta thấy mình đúng, nên chúng ta hoàn toàn đồng hoá mình với cơn giận. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta cần phải làm để đối trị tâm sân hận là không đồng hoá với nó. Chúng ta nên cảm nhận nó một cách rõ ràng như một cảm giác, xem nó khởi lên, lớn dần và biến mất như thế nào. Phương pháp chánh niệm trên cảm thọ như vậy giúp chúng ta theo dõi cơn sân với tư cách là một người quan sát khách quan, không còn bị nó đồng hoá hay sai sử nữa. Bởi vậy khi nào chúng ta nổi giận, hãy dừng lại và quan sát. Hãy cố gắng có một giây phút chánh niệm để xem cảm giác đó là thế nào. Do ảnh hưởng của chánh niệm cơn sân sẽ mất sức mạnh và dần dần giảm đi. Chúng ta không đè nén cơn sân mà chỉ quan sát và để cho nó biến mất. Phương pháp này có thể coi là trung đạo giữa sự bộc phát vá sự đè nén.

Chúng ta cũng có thể dùng lý luận để chặn bớt sân hận. Chúng ta nên tự hỏi là nếu mình giận một người nào thì mình có thể làm gì được họ. Chúng ta không thể huỷ hoại đức hạnh hay các phẩm tính tốt của họ. Đức Phật thường nói rằng giận dữ với người khác cũng như cầm phân, than nóng, hay sắt nung đỏ để đánh người khác. Chính chúng ta sẽ là người đầu tiên bị vấy bẩn hay bị thương. Cũng như vậy, nếu người khác nổi giận với ta thì họ sẽ làm gì được ta? Họ có thể huỷ hoại đức hạnh và các phẩm tính tốt của ta chăng?

Vì vậy tự trọng là một vũ khí khác để đối trị tâm sân hận. Tự trọng được định nghĩa là "một cái nhìn thực tế và trân trọng đối với chính mình"[16]. Có nghĩa là chúng ta nhìn chính mình một cách chính xác và trung thực, không đề cao mà cũng không hạ thấp giá trị hay tầm quan trọng của chính mình. Chúng ta ý thức được những ưu điểm và nhược điểm của mình, và cảm thấy thoải mái với chính bản thân chúng ta. Ngài Ajahn Cha, một thiền sư nổi tiếng của Thái Lan, thường dạy các đệ tử của ngài: "Nếu người ta chửi con là chó, thì con hãy nhìn lui xem mình có cái đuôi không. Nếu con có cái đuôi thì họ nói đúng rồi. Còn nếu con không có đuôi, thì cũng đừng lo lắng làm gì. Con không phải là con chó, vậy thì đâu có vấn đề?"[17] Vì vậy, nếu chúng ta biết rõ giá trị của chính mình, chúng ta không cần phải tranh đấu để tự khẳng định lại mình khi bị người khác lăng mạ. Lúc đó chúng ta sẽ bình an dù có bị tấn công cách mấy, bởi vì tận sâu thẳm trong lòng chúng ta biết rằng không một điều gì mà người khác nói hay làm có thể làm thay đổi giá trị và nhân cách của chúng ta.

Một phương pháp nữa để tránh xa tâm sân hận là sự đồng cảm. "Đồng cảm là thấy được quan điểm của người khác và cảm nhận được những điều họ đang cảm nhận"[18]. Với tâm đồng cảm, chúng ta hiểu rằng những người hay gây hấn chính là những người đang bị tổn thương, rằng những người cố ý hại người khác là do tâm họ không được an lành. Với tâm đồng cảm, chúng ta biết rằng những người đang xúc phạm chúng ta đều có những vết thương chưa được hàn gắn, rằng họ đang có những bất an và sợ hãi trong lòng, và nên thú nhận rằng nếu chúng ta gặp những vấn đề tương tự, có lẽ chúng ta cũng hành động như họ mà thôi. Có thể họ không phải là người ích kỷ hay vô tâm, mà đôi lúc chỉ vì họ bị rối trí và tán loạn mới cư xử như vậy, và vì thế chúng ta không nên buộc tội họ làm gì.

Để ngăn ngừa tâm sân hận, chúng ta nên thay đổi cách suy nghĩ. Chúng ta nên thay đổi lối suy nghĩ của mình từ thái độ tiêu cực và thù ghét sang một thái độ tích cực và bình thản. Hãy cố gắng đừng tập trung vào những khía cạnh tiêu cực mà nên nhìn vào cả những khía cạnh tích cực của một vấn đề. Khi một việc gì không được "xuôi chiều mát mái", hãy tìm xem có biện pháp nào để khắc phục được không. Nếu có thì theo đó mà hành động, bằng không, thì cứ chấp nhận và cho qua. Ngài Shantideva đã đặt ra một câu hỏi rất khôn khéo: "Tại sao phải buồn bực với một điều gì nếu điều đó có thể thay đổi được? Và lợi ích gì khi buồn bực với những điều mà mình không thể thay đổi?"[19]

Ngài cũng chỉ ra một phương pháp để ngăn ngừa tâm sân hận, đó là xem xét cả yếu tố trực tiếp lẫn yếu tố gián tiếp gây nên một hành động hay một sự thương tổn. "Chẳng hạn, nếu một người dùng gậy đánh một người khác, thì thật ra người đó nên giận cây gậy mới đúng. Hay cũng có thể nói là nên giận chính cái gốc bên trong tâm của người đánh mới phải. Tức là nên nổi giận với chính tâm sân của người đó. Vậy thì tại sao chúng ta lại đi chọn cái trung gian giữa nguyên nhân trực tiếp gây thương tích, là cây gậy, và nguyên nhân gián tiếp, là sân hận, cái gốc rễ bên trong? Chúng ta gạt bỏ hai nguyên nhân này ra một bên, và chỉ chọn vật trung gian, là con người, để mà nổi giận, và dồn hết tất cả sự giận dữ vào người đó."[20] Bằng sự quán xét này chúng ta sẽ nhận ra rằng không phải là một người nào khác, mà chính bản chất của con người đang làm tổn thương chúng ta, và vì vậy mà chúng ta có thể rải tâm bi đến người đó và tha thứ cho họ. Một trong những lời khuyên của Đức Phật là "Nếu người nào dùng tay, dùng đá, dùng gậy, dùng dao để đánh con, thì con hãy từ bỏ hết những ý muốn trả thù thông thường của người thế tục. Và con nên tự nhủ rằng "tâm ta sẽ không bị khuấy động, và ta sẽ không thốt lên một lời xấu ác nào. Ta sẽ an trú vào tâm bi, vào tâm từ, để không khởi lên một niệm thù ghét nào, vì lợi ích của người kia."[21]

Tâm từ (metta) là liều thuốc tốt nhất để trị tâm sân hận. Tâm từ là tình thương không chiếm hữu mà chỉ muốn giúp đỡ, sẵn sàng hy sinh những quyền lợi riêng của chính mình cho hạnh phúc và sự an vui của tất cả chúng sanh. Tâm từ không lựa chọn hay chối bỏ một đối tượng nào. Nếu chúng ta chỉ thương yêu một số bạn hữu và xa lánh những người xấu, tức là chúng ta chưa thực hành tâm từ. Có một phương pháp thiền gọi là thiền tâm từ (metta bhavana), là phương pháp "làm phát sanh một tư tưởng mạnh mẽ, một tình thương rộng lớn đến vô lượng, làm cho tâm trở nên vô biên và phổ cập, mong cho tất cả chúng sanh trở nên hiền hoà, không thù oán lẫn nhau, hạnh phúc, an vui, không bị buồn khổ hay hiểm nguy."[22] Hành tâm từ sẽ làm giảm đi khuynh hướng hay giận dữ và rốt ráo có thể diệt sân hận tận gốc rễ.

Tâm Bi (karuna) là một pháp hành cao thượng mà Đức Phật thường khuyên các đệ tử của ngài tu tập. Tâm bi là tâm cảm nhận được sự đau khổ và mong muốn làm giảm bớt sự đau khổ của chính mình và của người khác. Đau khổ tồn tại dưới rất nhiều hình thức. Khi một người cau có, cay nghiệt, ưa gây sự và cư xử một cách vô lý, thì chắc chắn là người đó đang đau khổ trong lòng, và không biết nên cư xử làm sao. Với tâm bi, chúng ta thông cảm với nổi khổ của người khác và không phản ứng lại bằng cách tương tự để cho tình trạng càng xấu thêm. Thay vì xúc phạm người đã xúc phạm mình, chúng ta quan tâm đến họ và cố gắng làm điều gì đó để giúp họ vơi bớt niềm đau khổ.

Tha thứ là một liều thuốc tuyệt diệu cho sân hận, và thường được xem là "viên kim cương trên vương miện của các pháp đối trị tâm sân hận", theo như một số người nhận định. "Tha thứ có nghĩa là chúng ta quyết định bỏ đi tất cả sự oán giận, ganh ghét, cay nghiệt, và lòng khao khát muốn trả thù cho những điều sai trái đã xảy đến với chúng ta. Đó là cách làm hoà bình với quá khứ."[23] Chúng ta có thể tha thứ thật sự khi chúng ta biết rằng người khác xúc phạm chúng ta bởi vì họ là nạn nhân của chính những phiền não trong tâm họ và của hoàn cảnh bên ngoài, và nổi giận với họ thì chính chúng ta cũng đánh mất đi sự bình an trong tâm hồn mình. Chúng ta tha thứ để chúng ta thoát khỏi những phiền não của chính mình và bớt đau khổ. Một cách rốt ráo thì tha thứ là sự lựa chọn cá nhân của chúng ta, không cần người khác phải ăn năn, xin lỗi, hay xứng đáng để được tha thứ.[24] Mặc dù đôi lúc tha thứ thật là khó khăn, nhưng chúng ta nên cố gắng thục tập nó vì tha thứ chính là chìa khoá cho sự hài hoà tốt đẹp của gia đình và xã hội.

Khi cảm thấy hành tâm bi quá khó khăn, hay khi khả năng tha thứ của chúng ta còn quá yếu, thì một phương pháp khác có thể sử dụng, đó là phát triển tâm xả. "Tâm xả nghĩa là nhận thức, hiểu biết, chấp nhận, và bằng lòng với sự thật là có một giới hạn nhất định trong những việc ta có thể làm hay thành tựu đuợc. Ta phải chấp nhận rằng người đó là như vậy, và rồi bước qua một bên".[25] Để phát triển tâm xả, chúng ta cần hiểu và chấp nhận định luật về nghiệp. Tất cả hành động thiện và bất thiện đều cho quả. Không ai có thể tránh khỏi những quả mà mình đã gieo. Vì vậy khi một người lăng nhục hay lừa gạt chúng ta, nếu chúng ta phản ứng bằng cách tương tự thì chính chúng ta cũng đã phạm vào một hành vi bất thiện. Ngược lại, chúng ta nên tin rằng dù chúng ta có trả thù hay không thì người đó cũng không tránh khỏi nghiệp của họ. Có người cho rằng thái độ này quá tiêu cực, rằng ít nhất chúng ta cũng nên làm gì để tự bảo vệ mình, nhưng đôi lúc chúng ta không thể làm được điều gì, và trong trường hợp đó, tâm xả là phương pháp tốt nhất giúp chúng ta khỏi nổi sân.

Câu chuyện của ngài Sariputta là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta, nhũng người muốn học hạnh từ bi, khoan dung va khiêm tốn. Một hôm khi Đức Phật đang ở gần thành Xá Vệ, một vị tỳ kheo đến và thưa với Đức Phật rằng ngài Sariputta đã xúc phạm tới ông mà không hề xin lỗi, và đã bỏ đi du hành nơi khác. Đức Phật bảo một vị tỳ kheo đi thỉnh ngài Sariputta đến trước Đức Phật và chư tăng. Khi được hỏi có phải là ngài đã xúc phạm một vị tỳ kheo và không xin lỗi mà bỏ đi nơi du hành nơi khác chăng, ngài Sariputta trả lời rằng chỉ có một người thiếu chánh niệm mới làm điều đó, và ngài trình bày tiếp ngài đã tu tập và cư xử như thế nào trong đời sống hàng ngày. Ngài đã sống học hạnh khiêm cung như đất, như nước, như lửa, như gió, v.v… :

"Ví như, bạch Thế Tôn, trên đất, người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ bất tịnh, quăng phẩn uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không xấu hổ, hay không nhàm chán. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như đất, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân. Bạch Thế Tôn, với ai không an trú thân niệm, người ấy ở đây, sau khi xúc phạm một vị đồng Phạm hạnh, có thể bỏ đi du hành, mà không có xin lỗi.

Cũng vậy, nước rửa sạch các thứ tịnh và bất tịnh; tuy vậy nước không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán; lửa đốt các thứ tịnh và bất tịnh, tuy vậy lửa không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán; gió thổi các đồ tịnh và bất tịnh, tuy vậy gió không lo âu, không xấu hổ, không nhàm chán. Với một tâm như đất, như nước, như lửa, như gió vậy, thì làm sao lại có thể xúc phạm người khác?"[26]

Nghe xong những lời nói hùng hồn như sư tử hống của ngài Sariputta, vị tỳ kheo đó quỳ dưới chân Đức Phật và thú nhận rằng ông đã vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện mà đã xuyên tạc Tôn giả Sàriputta  một cách không ý thức, trống không, vọng ngôn, không thật. Đức Phật tha thứ cho ông và yêu cầu ngài Sariputta cũng nên tha thứ cho ông ta.

*

Trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, chúng ta đều đã có những kinh nghiệm riêng về sức tàn phá của tâm sân hận. Nó có sức huỷ hoại hơn bất cứ một thứ vũ khí nào. Sân hận gây nên sự cáu gắt, căng thẳng, và đau khổ, và khi sân hận có mặt thì hạnh phúc không thể hiện diện trong tâm. Và vì khuynh hướng của con người là mong cầu hạnh phúc và loại bỏ đau khổ, chúng ta nên tu tập để diệt trừ tâm sân hận. Đó không phải là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề xã hội, bởi vì sự thật thì "Nếu chúng ta muốn thay đổi xã hội, trước hết hãy thay đổi chính mình". Nếu chúng ta muốn thế giới này trở nên nhân ái hơn, trước hết chúng ta phải đến với người bằng lòng nhân ái, nếu chúng ta muốn mọi người bớt bạo động thì trước hết chúng ta phải an hoà và trầm tĩnh. Sự thật này đã được Đức Phật nhắc đến trong bài kệ số 5 của Kinh Pháp Cú:

"Nếu ai lấy oán báo thù
Oan oan tương báo, thiên thu hằng sầu
Từ tâm định luật nhiệm mầu
Lấy ân báo oán, còn đâu oán thù?"
[27]

Nguyện cho tất cả chúng sanh sớm thoát khỏi tâm sân hận, và sống an vui vượt ngoài vòng kềm toả của hằn thù và sân hận.


[1] Jadunath Sinha, Indian Psychology-Emotion and Will, Vol. II, Calcutta: Sinha Publishing House, 1961, p.110.

[2] Ibid., p.111.

[3] Ibid., p.113.

[4] Caroline A.F. Rhys Davids, tr., A Buddhist Manual of Psychological Ethics, Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., 1996, p.111.

[5] Collins Cobuild Advanced Learner’s English Dictionary, Glasgow: HarperCollins Publishers, 2003, p.47.

[6] Raymond Lloyd Richmond, Ph.D, San Francisco, California USA, A Guide to Psychology and its Practice (from the internet sources)

[7] Ibid.

[8] Glenn R. Schiraldi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, p.4.

[9] Jadunath Sinha, Indian Psychology-Emotion and Will, Vol. II, Calcutta: Sinha Publishing House, 1961, p. 194..

[10] The Dalai Lama, Healing Anger, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 2003, p.9.

[11] The Connected Discourses of the Buddha, Vol. II, tr., Bhikkhu Bodhi, Boston: Wisdom Publication, 2000, p.133.

[12] The Book of the Gradual Sayings, Vol. IV, tr. E.M. Hare, London: Pali Texts Society, 1978, pp.58-61.

[13] Glenn R. Schiralsi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, pp.19-21.

[14] The Dalai Lama, Healing Anger, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 2003, p.17.

[15] Ajahn Jagaro, Observing the Problem in Our Lives, Newsletter, January-March 1994, Buddhist Society of Western Australia.

[16] Glenn R. Schiralsi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, p. 100.

[17] From a talk given by Ajahn Jagaro, Buddhist Society of W.A., Newsletter, July-Sept 1995, Perth, Western Australia..

[18] Glenn R. Schiralsi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, p. 43.

[19] The Dalai Lama, Healing Anger, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 2003, p.21.

[20] Ibid., p.54.

[21] The Connected Discourses of the Buddha, Vol. II, tr., Bhikkhu Bodhi, Boston: Wisdom Publication, 2000, p.219.

[22] Achariya Buddharakkhita, Metta, The Philosophy and Pracitce of Universal Love, Kandy: Buddhist Publication Society, 1989, p.21.

[23] Glenn R. Schiralsi and Melissa Hallmark Kerr, The Anger Management Sourcebook, New Delhi: Tata McGraw-Hill Publishing Company Limited, 2004, p.182.

[24] Ibid.

[25] Ajahn Jagaro, Newsletter, October-December 1993, Buddhist Society of Western Australia.

[26] Numerical Discourses of the Buddha, tr. and ed. by Nyanaponika Thera and Bhikkhu Bodhi, New Delhi: Vistaar Publications, 2000, p.232.

[27] TheDhammapada, tr. Daw Mya Tin, Yangon: Myanmar Pitaka Association, 1995, verse 5, p.3. 

-ooOoo-

Chân thành cám ơn Sư cô Liễu Pháp đã gửi tặng bản vi tính (B. Anson, 09-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 29-09-2004