BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Nhớ lời Thầy, bên rừng Trúc. ***
-oOo- Năm 1939, Cư Sĩ Lê Ðình Thám viết: "Tam-tạng kinh điển trong xứ ta toàn là chữ Hán, trong các thời đại Hán học thạnh hành xưa, ai ai cũng có thể đọc nguyên văn, không cần phải phiên-dịch, nhưng ngày nay Hán học đình đốn, bên tai đã vắng nghe những tiếng "Tử viết", thì còn mấy ai đọc được Hán-văn, nên sự phiên-dịch ra quốc-văn đã thành một vấn-đề rất trọng yếu cho nền Phật-giáo tương-lai ở xứ ta."("Phật-Giáo Khái-Luận" - Huỳnh Sĩ Phục, Học Tăng Mật Thể dịch -Huế, 1939) Hơn 60 năm đã trôi qua, sự cần thiết của phiên dịch kinh điển có lẽ đã được hầu hết Phật tử công nhận. Rất nhiều kinh tạng lớn được phiên dịch, giảng giải; một kinh có khi được dịch bởi nhiều dịch giả khác nhau, với mức độ cao thâm dĩ nhiên không đồng đều. Lấy gì để phân định bản nào có thể được dùng làm chuẩn cho Tăng Ni Phật tử cả nước nương theo mà tu học? Kể từ năm 1990, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng chỉ đạo Phiên dịch và Ấn Hành Ðại Tạng Việt Nam ra đời. Ðây là một biến cố lịch sử không những chỉ cho đạo Phật Việt Nam mà cũng còn cho dân tộc Việt, vì đây không phải chỉ là một vấn đề Ðạo Giáo mà, trước hết, còn là một vấn đề văn hóa dân tộc: đạo Phật bước chân vào đất Việt đã ngót 2000 năm, đa số người Việt theo đạo Phật, vậy mà Việt Nam vẫn chưa có một Ðại Tạng; nghiên cứu, tư duy,... đều phải tùy thuộc hoàn toàn vào tiếng nước ngoài (1). Ngày nay, chỉ trong vòng vài ba chục năm nữa, là dân tộc Việt sẽ có một Ðại tạng bằng tiếng nói của chính mình. Tuy vậy, việc phiên dịch kinh trên đây, dù là một việc quan trọng phải làm, nhưng tự nó không đủ. Nó giúp ích cho những người, có thì giờ, hay nguyện bỏ thì giờ nghiên cứu giáo lý. Ða số Phật tử Việt Nam không có nhiều phương tiện để làm việc này. Nhu cầu chính của người tại gia, mà thực ra cũng là mục tiêu chính của đạo Phật, là tu tâm dưỡng tánh, và việc trì tụng, nghe Kinh là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất, dễ theo nhất. Do đó, vấn đề tôi muốn nêu ra ở đây là việc trì tụng hàng ngày của Phật tử Việt Nam, và nghi thức tụng niệm trong tang tế và các ngày Ðại Lễ của các chùa. a - Tụng niệm bằng chữ Việt hay chữ Nho? Thử nhìn các đạo khác, bên tây phương, tụng kinh bằng chữ La tinh là số ít, rất ít; tụng kinh bằng tiếng bản xứ là phổ biến. Còn mình thì sao? Thật là hỗn loạn! Ði một lượt các chùa nghe tụng niệm, lược qua các nghi thức được in ấn... có kinh bằng chữ Nho, có kinh bằng chữ Phạn, phiên âm qua tiếng Trung Quốc, rồi tái phiên âm ra tiếng Việt, nhưng cũng có kinh bằng chữ Việt... Vậy, tại sao ta không thể chỉ tụng bằng chữ Việt? Dân Việt mình có một nền văn hóa độc lập hay không? Tìm đâu ra Kinh Việt để tụng? b - Tụng niệm kinh nào? Thực ra vấn đề đặt ra không chỉ là dịch kinh sang tiếng Việt, mà cón phải lựa chọn kinh nào, tụng như thế nào, làm sao vừa lòng mọi hệ phái: Nguyên Thủy, Khất Sĩ, Tịnh Ðộ, Mật tông, Thiền Tông...? Nói cách khác, đây cũng là vấn đề "Thống nhất Phật Giáo", "Thống nhất Bắc Nam Tông", một ý nguyện đã được khẳng định trong hiến chương các Giáo Hội Phật Giáo VN kế tiếp từ mấy chục năm qua. Nhưng cho đến ngày hôm nay, ý nguyện này vẫn chưa thành hiện thực, hay nhiều lắm cũng mới chỉ đạt được trong một vài hình thức cơ cấu, các Tôn Ðức lãnh đạo các hệ phái ngồi chung trong Hội Ðồng Chứng Minh, Viện Tăng Thống... còn hàng đệ tử, xuất gia và cư sĩ, mạnh chùa nào biết kinh chùa đó. Ðấy là chưa kể mỗi hệ phái còn có thể phân chia thành nhiều hệ phái nhỏ, với kinh tụng khác nhau. Tuy nhiên, cũng cần định thế nào là Thống nhất? Thống nhất không phải là quy tất cả mọi tông phái về thành một, không thể nào ép buộc sư Nguyên thủy phải tụng kinh A Di Ðà, hay Chú Ðại Bi. Thống nhất là làm nổi bật lên mẫu số chung giữa những người Phật tử Việt Nam, làm sao cho mọi Phật tử thấy rõ rằng tất cả mọi tông phái Phật giáo đều cùng một gốc: Ðạo Phật, cùng một vị Thầy: Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ý thức này cần được thể hiện trên mọi mặt. Riêng về mặt nghi thức tụng niệm, ngoài những kinh quá đặc biệt của từng hệ phái, phải cùng tụng chung một số kinh, cùng có một lời nói khi hướng về tam bảo, dựa trên những điểm tương đồng. Cùng là Phật tử, những điểm giống nhau tất nhiên phải rất nhiều. Ranh giới phân chia nhiều khi chỉ do ngôn từ tạo ra, cùng một ý nhưng câu chữ dùng khác nhau. Nếu ở mức độ "chuyên tu" của tăng ni, sự xóa bỏ ranh giới rất có thể gặp vài khó khăn, đối với người tại gia, sự thống nhất lẽ ra phải là chuyện đương nhiên. Người cư sĩ, vốn là tuyệt đại đa số trong hàng "tứ chúng", mới chỉ nguyện giữ "Ba Quy Y" và "Năm giới", cái gốc chung cho toàn thể Phật tử, Bắc cũng như Nam Tông. Vậy, phải làm thế nào để những người cư sĩ, đi từ chùa này sang chùa nọ, đều có thể hòa đồng niệm phật mà không bị bỡ ngỡ, lúng túng. Theo truyền thống Việt Nam, một Phật tử thường đi lễ nhiều chùa, dù có thể thường tới lui chùa gần nhà, hay chùa mình quen biết. Hơn nữa, dù có thể là "bổn đạo" của một chùa, nhưng qua tang tế, cầu an, cầu siêu của những người quen biết thân thuộc,... vẫn có nhiều dịp đi các chùa khác, thuộc nhiều hệ phái khác nhau. Ngoài ra, với sự phát triển của các phương tiện truyền tin và giao thông, tương quan giữa các Phật tử cũng như các sinh hoạt Phật sự không thể còn giới hạn trong một chùa, mà lan rộng ra cả tỉnh, cả vùng, cả nước, cả thế giới. Nói tóm lại, ở mức độ Nghi lễ, chỉ có thể đi đến thống nhất thực sự khi các Nghi thức tụng niệm có một số kinh trùng hợp, mọi người cùng tụng chung một số kinh căn bản. c - Có nên xét lại vấn đề tụng Chú? Những Chú thường tụng phải chăng đúng là "Chú của Phật"? "Kinh thuộc về hiển giáo, dịch nghĩa rõ ràng: Chú thuộc mật giáo, phần nhiều để nguyên văn chữ Phạn, gọi là bí-mật thần-chú, mỗi thần-chú đều có sự hiệu nghiệm khác nhau." (Kinh Nhật Tụng, Thành Hội PG TPHCM xuất bản, PL 2539-1995). Ðịnh nghĩa như vậy khá rõ, kinh phải được "dịch nghĩa rõ ràng". Ngày nay rất ít ngưới biết chữ Nho, do đó "dịch nghĩa rõ ràng" chỉ có nghĩa là "dịch ra tiếng Việt". Tất cả những kinh thuộc phần "hiển pháp" phải được dịch ra chữ Việt. Nhưng phải có thái độ như thế nào với " Bí-mật thần chú"? dịch Chú hay không? hiểu Chú hay không? Trong điều kiện truyền thống tụng niệm hiện tại, hỏi như vậy chắc sẽ không có phương hướng giải quyết. Vì nguyên tắc của tụng Chú thường được đưa ra là "không được nghĩ bàn", vậy làm sao bàn? Thời xưa, nguyên tắc "không cho nghĩ, bàn" có lẽ được nhiều người chấp nhận, vì vậy mà vấn đề "không nghĩ, bàn" còn đè nặng lên việc tụng niệm của Phật Giáo cho đến ngày hôm nay. Với đà tiến triển của khoa học, nhu cầu ứng đối với mọi luồng tư tưởng đang tràn vào xứ ta do hiện tượng "toàn cầu hóa", sự "không cho nghĩ, bàn" không sớm thì muộn sẽ không thể tồn tại được nữa. Cần phải bàn lại những điều "không được nghĩ, bàn". Dĩ nhiên, bàn luận về Chú và tụng Chú không nhất thiết đưa đến kết luận là "không tụng Chú". Nhưng phải hiểu cho rõ cách hành trì tụng Chú hiện tại có đúng đắn không? Chú được tụng có "đúng thật là Chú của Phật" không? Pháp môn tu hành "bí mật thần chú" có từ thời thái cổ, Phật giáo đã tiếp thu và Phật hóa pháp môn này. Qua bao thế kỷ Phật giáo suy vong, sự pha trộn tha hóa có thể đã xảy ra giữa "pháp môn thần chú của ngoại đạo" với "pháp môn thần chú của Phật giáo". Ngoài ra, có nên phân biệt việc tu "bí mật thần chú" của các vị Mật sư trong các Mật thất, với việc tụng Chú của quần chúng Phật tử? *** Như vậy, vấn đề Việt hóa nghi lễ không chỉ là dịch kinh tụng ra tiếng Việt, mà xây quanh một số điểm:
Từ thời khởi phát phong trào Việt hóa nghi lễ, hơn 60 năm qua, ý thức cần phải Việt hóa tụng niệm mỗi ngày mỗi phổ biến, Nghi thức Việt hóa được soạn ra rất nhiều, quyển còn ở dạng bản thảo, quyển đã ấn tống, nhưng vì không một quyển nào trội hơn quyển nào, nên những người thích tụng kinh chữ Nho vẫn tiếp tục tụng kinh Nho. Nhìn về quá khứ, phong trào đã tiến được một chặng đường khá dài. Nhìn về tương lai, mục tiêu nhắm tới vẫn còn xa vời vợi. Rút kinh nghiệm tiến trình phát triển đã qua của phong trào Việt hóa Nghi lễ để thử góp một vài ý cho tương lai, đây là mục tiêu của bài này. Ðể luận bàn, dĩ nhiên tôi sẽ phải dựa lên một số Nghi thức Việt hóa hiện có. Tôi sẽ khởi đi từ các nghi thức "Ðại Thừa" để làm thí dụ, vì không biết gì về các nghi thức khác. Chỉ xin ghi nhận ý kiến của Thầy Thích Nhật Từ: " Việt hóa nghi thức tụng niệm không chỉ là niềm mơ ước của tăng ni Phật tử mà còn là nhu cầu không thể thiếu như cây cỏ cần ánh sáng và con người cần không khí để thở. Hiện nay, hệ phái Khất Sĩ có 2 nghi thức tụng niệm bằng tiếng Việt, một bản lưu hành bên Ni giới và bản lưu hành bên chư Tăng. PG Nam Tông VN cũng đã có nghi thức tụng niệm Pali-Việt. Nghi thức tụng niệm của phái Khất Sĩ là nghi thức duy nhất bằng tiếng Việt được biên soạn theo thể thơ lục bát và song thất lục bát. Nghi thức của PG Nam tông còn nặng về chữ Pali, mặc dù có bản tiếng Việt đối chiếu." (Thích Nhật Từ: "Vài suy nghĩ về thiết chế Phật giáo Việt Nam" - Trang Nhà Ðạo Phật Ngày Nay). Chỉ dựa lên Nghi thức "Ðại thừa", đây là giới hạn của bài này. Tôi cũng sẽ không đánh giá sự hơn kém của các quyển Nghi thức, cũng như không đề nghị ra một quyển Nghi thức mới. Là Phật tử, mến Ðạo, yêu quê hương, tôi thấy cần phải nêu lên những khó khăn trở ngại của người Phật tử Việt Nam gặp phải trong sự hành trì Chính Pháp hiện nay, mong chư Tôn Túc, chư Thiện Tri Thức chung lòng chung sức hóa giải. Qua tiến trình phát triển của phong trào Việt hóa Nghi lễ, ta có thể phân ra hai chặng đường. - Chặng thứ nhất từ khởi đầu cho đến năm 1963, tiêu biểu bằng hai quyển Nghi thức: "Nghi thức của An Nam Phật Học Hội" trước 1940 và "Nghi thức của Tổng Hội Phật Giáo VN" được phổ biến vào năm 1961-1962. Trong giai đoạn này, vấn đề chủ yếu được đặt ra là Việt hóa các kinh tụng niệm trước đây bằng chữ Nho. - Chặng thứ hai từ 1963 đến nay, qua sự giao tiếp với Phật giáo thế giới, sự ứng phó với các trào lưu tư tưởng lớn khác và nhất là sự hiểu biết về Kinh tạng Nguyên thủy mỗi ngày mỗi thâm sâu, những Tăng Ni muốn Việt hóa Nghi lễ còn đặt thêm hai câu hỏi: chọn lựa thêm bớt kinh nào, có nên tụng Chú hay không. Rất nhiều Nghi thức Việt hóa được soạn ra, nhưng phong trào nổ tung thành muôn mảnh.
I - Tiến trình Việt hóa Nghi lễ cho đến năm 1963. [^] A - Bối cảnh phong trào Việt hóa Nghi lễ: Ý chí dành độc lập văn hóa, và hiểu lời Phật dạy để ứng đối với thời đại.Từ sau thế chiến thứ nhất, Nho giáo dần dần chìm vào lãng quên, Tây học phát triển, sách báo bằng tiếng quốc ngữ ngày càng phổ biến, tin tức từ Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, từ quốc tế tràn vào, một cuộc "cách mạng thông tin" nổ ra tại Việt Nam.(2) Tình hình đấu tranh tư tưởng giữa các khuynh hướng chính trị, văn hóa náo nhiệt hơn bao giờ hết. Các tổ chức chính trị, văn hoá theo khuôn mẫu phương tây đua nhau ra đời, ra sức tập hợp quần chúng, tuyên truyền, viết báo. Những cuộc bút chiến gay gắt nổ ra khắp nơi, với những đề tài như "Duy Tâm, Duy Vật", "Tôn Giáo và Cách mạng", "Tôn Giáo là thuốc phiện của nhân dân", "Có Thượng Ðế hay không", "Tìm đâu ra con đường cứu nước"... Ðạo Phật, một trong những yếu tố chính cấu thành của nền tư tưởng dân tộc, không thể đứng ngoài cuộc tranh luận. Một số thách thức được đặt thẳng cho người Phật tử. Nhà văn Hải Triều hỏi: "Giá đạo Phật đúng với chân lý, đạo Phật có thể cứu đời được, chắc không phải chờ đến ngày nay"(Trần Văn Giàu: Sự Phát Triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, NXB KHXH, Hà Nội 1975, tập II, trang 284). Người Phật tử phải trả lời sao đây? Nhìn lại mình, người con Phật không khỏi đau lòng: Một tấm màn u minh dày đặc, hậu quả của bao năm nô lệ, đã che lấp ngọn đuốc của Như Lai. Những người hiểu đạo đếm trên đầu ngón tay, Tăng sĩ, những ông Thầy, những người có bổn phận dẫn dắt giảng dạy Phật tử chỉ còn là những Thầy cúng, dùng kinh kệ làm phương tiện kiếm ăn, dùng nghi lễ để giàn cảnh loè bá tánh.(3) Tuy vậy đó đây, trong đêm dài tăm tối cũng le lói những ngọn đuốc trí tuệ, cao tăng dù ít nhưng không phải không có. Những thức giả nghĩ rằng Ðạo Phật có thể đem lại an lành cho dân tộc đã quy tụ chung quanh một số vị cao tăng, tại Bắc kỳ có thiền sư Thanh Hanh, tại Trung có Thiền sư Giác Tiên... Họ ra báo, viết sách, đối đáp với ngoại đạo. Nhưng dù sao, những lời đối đáp sẽ chỉ là lời nói sáo nếu thực lực mình không có. Phải hiểu đạo, sống đạo, đem lời dạy của đấng Như lai đến mọi người, mọi nhà. Rất sớm, mọi người thấy hiểu kinh là điều tất yếu. Nhưng nền Phật-học bằng tiếng Việt chưa có mà quần chúng đã từ từ bỏ chữ Hán, do đó vấn đề dịch kinh được đặt ra. Trong "Lời Tựa" quyển "Phật-Giáo Khái-Luận", tiếp theo lời cư sĩ Lê Ðình Thám đã được nhắc tới ở trên, Thầy Mật Thể viết "Tôi thiết nghĩ: Phật-giáo-truyền qua Việt-Nam ta, đã có cái lịch-sử gần hai ngàn năm, mà sự phiên-dịch kinh điển, dựng thành một nền Phật-Học bằng thứ tiếng bản quốc thật chưa có, đều đó thật đáng buồn! - cũng vì thế mà Phật-giáo ở nước ta thấy cứ ũng-trệ mãi." ("Phật-Giáo Khái-Luận" - Huỳnh Sĩ Phục, Học Tăng Mật Thể dịch -Huế, 1939). Ngoài nhu cầu truyền bá tư tưởng của Như lai đến quảng đại quần chúng, lòng tự ái dân tộc đang tìm đường dành lại độc lập cũng là nguyên nhân thúc đẩy mọi người Việt hóa những sinh hoạt tập thể: Nói tiếng Việt tránh pha Tây Tầu, ca hát bằng tiếng Việt, tụng kinh bằng tiếng Việt... Lê Lừng đã kể lại bối cảnh thành lập Gia Ðình
Phật Hóa Phổ, tiền thân chủa Gia Ðình Phật tử, như sau: Chính những phương châm "Học Phật, hiểu lời Phật dạy" và "Người Việt nói tiếng Việt" là bối cảnh và nguyên nhân chính đưa đến việc Việt hóa nghi lễ. Cũng như tinh thần muốn dành lại độc lập về mặt văn hóa, tư tưởng, phục hồi thống nhất dân tộc (hồi đó chia thành Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Trung Kỳ -trong hành chánh cũng như trong tư tưởng) đã đưa đến ý chí thống nhất các tổ chức Phật Giáo, thống nhất Bắc Tông và Nam Tông. Hẳn những lời lẽ "Phật Giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung..." (Bài hát "Phật Giáo Việt Nam") và "Nhà Việt Nam, Nam Bắc Trung sáng trưng Á Ðông..." (Bài hát "Nhà Việt Nam") có cùng một hơi hướng, âm hưởng? Không phải là chuyện tình cờ khi một trong những người có công đầu trong việc xây dựng Ðại Tạng Kinh Việt Nam, Thầy Minh Châu, trước đây là huynh trưởng của Gia Ðình Phật Hóa Phổ. Trong bối cảnh này, Phong trào Việt hóa Nghi lễ hình thành, và có lẽ do đó, quyển "Nghi thức Tụng Niệm" của Annam Phật-Học-Hội ra đời. Hầu hết các chùa chiền Ðại Thừa Việt Nam đều tụng kinh trích từ quyển Thiền Môn Nhật Tụng đã lưu hành từ rất lâu bên Trung Quốc. Những bài tụng Việt được dịch ra từ đấy. B - Bước đầu của phong trào Việt hóa Nghi lễ, quyển "Nghi thức Tụng Niệm" của Annam Phật-Học-Hội 1- Ý nghĩa quyển Nghi thức Tôi được tham khảo quyển " Nghi thức Tụng Niệm của Annam Phật-Học-Hội", không thấy đề rõ năm nào. Nghi thức được in tại nhà in Ðắc Lập, Huế, bìa đầu là chữ Việt, bìa lưng là chữ Nho, giá một hào 0$10, bên trong có quảng cáo cho báo Viên Âm, với câu "Ngài nào mua Viên-Âm nguyệt-san thì xin gởi thơ và mandat đề tên M. Lê-đình-Thám Médecin du cadre latéral Hué". Có lẽ quyển Nghi thức này được xuất bản vào những năm 1940-1944 (khoảng thời gian thành lập đoàn Thanh Niên Phật Học Ðức Dục và Gia Ðình Phật Hóa Phổ ). Trong Quyển kinh này, mỗi bài kinh đều được
ghi chép dưới cả 3 hình thức: Công dụng của quyển kinh này là có thể đáp ứng được cả ba quần chúng, tùy theo căn cơ, ý thích, có thể tụng niệm bằng một trong ba thể loại kể trên. Theo bối cảnh của việc tụng niệm vào thời đó, đây là bước tiến quan trọng đầu tiên, đặt nền móng cho việc tụng niệm bằng tiếng Việt sau này. Vì muốn tụng kinh bằng chữ Việt, trước hết phải có kinh tụng được dịch ra chữ Việt. Những người tham gia phong trào "Chấn Hưng Phật Giáo" dựa lên quyển nghi thức này (hay những quyển tương tự - tôi không dám chắc đây là quyển khinh "chữ Việt" duy nhất, hay đầu tiên, vào thời đó) mà khơi động phong trào tụng chữ Việt trong các khuôn hội, niệm Phật đường, các Gia Ðình Phật tử... Quyển Nghi thức có lẽ được truyền bá khá rộng, ít nhất tại miền Trung, qua các tổ chức khuôn hội, Gia Ðình Phật tử.... Quyển tôi được tham khảo đã là kinh nhật tụng của một Phật tử tại Nha Trang. 2- Nội dung quyển Nghi thức Ðứng trên tiêu chuẩn "Việt hóa Nghi lễ ", quyển Nghi thức có thể chia làm 3 phần. a) Phần đầu tiên: Nghi-thức Tụng-niệm Phổ-thông, hoàn toàn bằng chữ Việt, ngoài ba câu Chú rất ngắn (Chú Tịnh pháp giới, Chú Quy y, Chú Lục-tự-đại-minh). Với lời dặn cuối chương: "Nghi thức tụng niệm phổ thông nầy để tụng niệm hằng ngày một thời, hai thời hay ba thời, trong buổi sớm, buổi trưa hay buổi tối... Một điều cốt yếu là trong khi tụng niệm, phải hết lòng kính cẩn, để ý nơi câu tụng niệm mới có thiệt ích..." b) Phần hai gồm "Nghi-thức tụng niệm trong các buổi công-phu tu Tịnh-Ðộ", "Nghi thức tụng niệm khi làm lễ cầu siêu", "Nghi thức tụng niệm cầu an". Mỗi trang kinh được chia làm hai, nửa trên là kinh chữ Nho (viết theo Quốc ngữ ), nửa dưới là kinh dịch ra chữ Việt. Người trì tụng có thể tùy hỷ tụng niệm bằng chữ Nho hay chữ Việt. c) Phần ba hoàn toàn bằng chữ Nho, viết bằng mẫu chữ Hán. Nghi thức này, xét về nội dung, văn phong, có thể coi như tiền thân của quyển "Nghi thức Tụng Niệm" do Tổng Hội Phật Giáo phổ biến năm 1961. Nó đặt những viên đá đầu tiên cho việc Việt Hóa kinh tụng sau này. C - Bước thứ hai, vững chắc: "Nghi thức Tụng Niệm" của Tổng Hội Phật Giáo, 1961 1- Ý nghĩa và sự phổ biến của quyển Nghi thức Cao điểm của phong trào "Việt hóa Nghi lễ" có lẽ là năm 1961, khi Tổng Hội Phật Giáo cho phổ biến quyển "Nghi thức Tụng Niệm": "Trích Thông - Bạch số 9 T.H.P.G. / U.V.N.L. đề ngày 29-12-1961 của Thượng-Tọa Ủy-viên Nghi-lễ Tổng-hội Phật-Giáo Việt-Nam, gởi 3 Tập-đoàn Cư-sĩ: Trung, Nam và Bắc-Việt (tại Miền Nam). (...) "Vậy, yêu-cầu quý Tập-đoàn hoan-hỷ thông tư cho các Tỉnh-hội, Chi-hội, Khuôn-hội và toàn-thể hội-viên trong Tập-đoàn... chỉ nên dùng cách tụng-niệm đúng theo các nghi trong cuốn Nghi-Thức Tụng-Niệm (nầy) do Tổng-hội Phật-Giáo Việt-Nam xuất-bản mà thôi". (...) (Có gởi Bản sao cho 3 Tập-đoàn
Giáo-hội Tăng Già Trung, Nam và Bắc-Việt tại Miền Nam, để yêu-cầu
chỉnh-đốn Nghi-lễ cho chu đáo). "Nghi thức Tụng Niệm" này có rất nhiều bài tán tụng sám bằng chữ Việt như: "Cúng Hương Tán Phật", "Kỳ Nguyện", "Quán Tưởng", "Sám Nguyện","Tự Quy", "Hồi Hướng"... và được sự Chứng Minh của Chư Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Thích Giác Nhiên, Thích Khánh Anh, Thích Giác Nguyên. Mặc dầu còn có kinh bằng chữ Nho như "kinh A Di Ðà", "kinh Phổ Môn", "Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh", và Chú bằng chữ "Phạn-Việt-Hoa hóa" như "Chú Ðại-Bi",... dù chưa được Việt-hóa một cách triệt để, quyển nghi thức này là một biến cố lịch sử bởi tính cách phổ biến quy mô của nó trong phong trào tụng kinh bằng chữ Việt, được 3 tập Tập-đoàn Cư Sĩ và Giáo-hội Tăng Già Trung, Nam và Bắc-Việt tại Miền Nam phổ biến. 2- Nội dung Nghi thức Qua cách sắp xếp tụng niệm, kinh được tụng, phần đầu quyển Nghi thức này gần giống quyển Nghi thức của An Nam Phật Học Hội. Toàn quyển đầy đủ hơn nhiều, bao gồm tất cả các nghi lễ chính: - Nghi thức Tịnh Ðộ - Nghi thức Cầu An - Nghi thức Sám Hối - Nghi thức Cầu Siêu - Nghi thức Lễ Xuất Gia - Nghi thức Lễ Khánh Ðản - Nghi thức Lễ Vu Lan - Nghi thức Lễ Vía A-Di-Ðà, Nghi thức Lễ Thành Ðạo. - Kinh A-Di-Ðà (Nho), Kinh Phổ Môn (Nho), Bài Kể-Thủ (Việt), Kinh Vô-Thường(Việt), Kinh Bát-Ðại Nhân-Giác(Việt), Trì tụng Chú Chuẩn-Ðề (Việt), Các Nghi Lễ nói chung đều có bối cảnh tương tự: Niệm hương lễ bái, Tụng kinh, Cầu nguyện và hồi hướng. Tôi tạm dùng Nghi thức Tịnh Ðộ để làm thí dụ:
3- Rút kinh nghiệm phổ biến kinh Tính cách quyết định của sự truyền bá quyển Nghi thức nằm ở sự năng nổ của các Tăng Ni, thấm nhuần tinh thần "Chấn Hưng", ý thức của các cư sĩ trong các tổ chức khuôn, hội, Gia Ðình Phật tử. Thật vậy, bá tánh thường thường tin theo lời dẫn dắt của Tăng Ni trong tất cả mọi Nghi lễ. Khi Tăng Ni "niêm hương lễ bái" bằng tiếng Việt, rồi phát các bài kinh bằng tiếng Việt cho Phật tử, thì chắc chắn họ sẽ tụng niệm theo bằng Tiếng Việt. Cuộc tranh cãi, nếu có, giữa tụng kinh bằng chữ Việt hay chữ Nho, xuất phát chính yếu do sự khác biệt về Nghi Lễ giữa các Tăng Ni, giữa chùa này với chùa kia. Ða số Phật tử thường đi nhiều chùa, do đó bị dằng co. Quyển "Nghi thức Tụng Niệm" của Tổng Hội PG, dựa lên sự đồng thuận của nhiều Tổ Chức Giáo Hội, nói cách khác dựa lên một hình thức giáo quyền tương đối, nên từ từ trở thành một quyển kinh được nhiều người tụng nhất. Sau "biến cố" này, "phong trào Việt hóa Nghi lễ" có hướng khựng lại: Không có một phong trào quy mô tương tự nào tiếp nối. Thậm chí, nhiều vị Tăng lại dựa vào quyển kinh này để ngăn chận không cho Việt hóa hơn nữa, với lập luận "Những kinh điển khác được dịch Việt không nằm trong quyển kinh này, vậy không được tụng". Dù sao, bên cạnh quyển "Nghi thức tụng niệm" nói trên, còn rất nhiều quyển "nghi thức" khác hoàn toàn bằng chữ nho, chữ "Phạn-Việt-Hoa hóa" đang lan tràn rộng rãi.
II - Chặng đường thứ hai, từ năm 1963, nhiều Nghi thức chữ Việt ra đời nhưng vấn đề lại đặt ra: Việt hóa Nghi lễ và lựa chọn Kinh tụng. [^] Tại miền Nam, cùng với phong trào Việt hóa kinh điển, các tổ chức Phật Giáo, Giáo Hội, Khuôn, Hội, Niệm Phật Ðường, Gia Ðình Phật tử... mỗi ngày một phát triển, một vững chắc, dù bị kỳ thị, đàn áp. Năm 1963, một chính quyền sắt đá, vì không ý thức rõ sức mạnh này, đã sụp đổ. Nhưng sau năm 1963, các tổ chức Phật Giáo dần dần suy yếu, "giáo quyền" tan tành. Phần do chiến tranh leo thang, phần vì Tăng Ni bị lôi cuốn vào thế cuộc xoay vần, không còn làm chủ được định hướng của mình. Năm 1966-1967, cuộc khủng khoảng nội bộ càng trở nên trầm trọng, Giáo Hội nổ tung thành hai phe "Ấn Quang" và "Việt Nam Quốc Tự". Trong điều kiện này, tồn tại dù trong chia rẽ đã là một kỳ công, đừng nói gì đến phát triển, chấn hưng. Kết quả đáng kể nhất trong thời điểm này, do một vài Tôn đức thực hiện, là dịch thuật kinh tạng Pali và kinh tạng chữ Hán, đặt nền móng cho việc thực hiện "Ðại Tạng Kinh Việt Nam" sau này. Về Việt hóa Nghi lễ cũng vậy, phong trào nói chung bị tê liệt, nếu không nói là thoái hóa. Tuy nhiên, kể từ năm 1950 (Hội Nghị PG Thế Giới tại Colombo), PG VN tiếp xúc mỗi ngày mỗi nhiều với Phật Giáo thế giới, nhất là Phật Giáo Nguyên Thủy, qua những hội nghị quốc tế, qua các tăng ni xuất ngoại du học sang Ấn Ðộ cũng như sang Nhật Bản hay các nước Âu Mỹ. Với những tương quan quốc tế này, cũng như qua sự phổ biến công trình dịch thuật của Thầy Minh Châu bắt đầu vào cuối thập niên 60, sự hiểu biết về Kinh tạng Nguyên thủy mỗi ngày mỗi thâm sâu, Hệ phái Nguyên thủy được chư Tăng Bắc tông biết nhiều hơn. Sự kiện này ảnh hưởng sâu đậm đến phong trào Việt hóa Nghi lễ sau này. Cho đến năm 1961, những Tăng Ni trong phong trào Việt hóa Nghi lễ chỉ biết đến kinh Ðại thừa, do đó Việt hóa Nghi lễ chỉ có nghĩa là phiên dịch quyển Thiền Môn Nhật Tụng có sẵn của Trung Quốc. Kể từ nay, vấn đề được đặt ra: hội nhập Kinh tạng Nguyên thủy, thực sự thống nhất Nam Bắc Tông. Cho đến ngày hôm nay, một số dấu hiệu đáng mừng đang thấp thoáng. Rất nhiều Nghi thức Tụng Niệm hoàn toàn bằng tiếng Việt ra mắt, trong đó phải kể Nghi thức của ba trung tâm: Trúc Lâm Ðà Lạt (và các tự viện trực thuộc), Làng Mai (và các tự viện trực thuộc), Trúc Lâm Paris (Pháp). Gần đây nhất, vào năm 2000, xuất hiện quyển Nghi thức Tụng Niệm do Ban Văn Hóa Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện. Ngoài ra, qua Trang nhà Ðạo Phật Ngày Nay, tôi cũng được biết đến những Nghi thức do Thầy Nhật Từ soạn năm 1994 và được chùa Giác Ngộ ấn tống lần đầu vào năm 1994 (Kinh Nhật Tụng) và cuối năm 1998 (Cầu an, Cầu siêu). Tôi nói đến những nghi thức này, không phải vì nghĩ rằng đây là những nghi thức duy nhất được Việt hóa, hoặc là những nghi thức "hay" nhất. Chắc chắn còn rất nhiều Nghi thức Việt hóa khác đang ở dạng bản thảo hay đã được ấn tống, nhưng đây là những nghi thức được một số chùa, đạo tràng tụng niệm trong một thời gian khá dài, khá phổ biến, và theo tôi nghĩ, có thể tiêu biểu cho 5 đường hướng chính hiện nay nhằm trả lời câu hỏi: làm sao Việt hóa Nghi lễ? Trong 5 Nghi thức này, có Nghi thức trong đó tất cả các phần Nhật tụng lẫn Cầu an, Cầu siêu... được in thành một sách, có Nghi thức trong đó các phần được phân ra thành nhiều quyển (như trường hợp Nghi thức chùa Giác Ngộ), có quyển không có Nghi thức Cầu an, Cầu siêu (như Nghi thức Trúc Lâm Ðà Lạt). Về danh xưng, khi nói đến một Nghi thức, thí dụ "Nghi thức chùa Giác Ngộ", ta chỉ định chung tất cả các phần Nhật Tụng, Cầu an, Cầu siêu... dù có thể mỗi phần được soạn, in thành sách riêng. Mục tiêu của bài này là tìm hiểu đường hướng soạn Nghi thức chứ không phải phân tách cấu trúc từng quyển. 1 - Nghi thức Trúc Lâm Ðà Lạt Nghi thức tham khảo: "Nghi-Thức Sám-Hối Sáu-Căn", Thiền Viện Trúc Lâm Ðà Lạt, 1994 a- Ý nghĩa Nghi thức tụng kinh hai thời: buổi trưa (Tâm Kinh Bát Nhã) và buổi tối (Nghi thức Sám Hối - Vua Trần Thái Tông) đã được dịch hoàn toàn ra tiếng Việt và được trì tụng tại Thiền Viện Trúc Lâm Ðà Lạt. Về quyển kinh này, Hòa Thượng Thanh Từ nói: "Ðiều đó giúp người đọc và người nghe dễ hiểu, dễ thâm nhập... Trong sự chyển dịch buổi đầu không tránh khỏi chói tai người nghe (vì chưa quen tai) và còn nhiều thiếu sót, song chúng tôi bạo dạn tạo một cái nhơn nhỏ, mong sau này sẽ đâm chồi, nảy tược nhiều hơn... Chúng tôi cố làm sống lại những cái hay, cái đẹp của tổ tiên mình, đồng thời Việt hóa nghi thức tu hành để tránh cái lỗi tha hóa lâu nay chúng ta vấp phải"((HT Thích Thanh Từ - Diễn văn khai mạc lễ khánh thành Thiền Viện Trúc Lâm Ðà Lạt - 1994). (theo Lê Trọng Cường: "Dịch, Tụng, Giảng Kinh và tiến hành nghi lễ Phật Giáo bằng tiếng Việt: Một Cuộc Cách Mạng Lớn Lao Và Bức Thiết" - Phật Giáo Trong Thế Kỷ Mới, Tuyển tập I - trang 149- NXB Giao Ðiểm, Hoa Kỳ,1996)). Nói chung, Nghi thức này là phương tiện tu tập cho những Phật tử, tăng sĩ hay cư sĩ, tu thiền trong một thiền viện, tịnh thất, không thấy kinh điển phục vụ việc "đời" như cầu siêu, cầu an... Ðặc điểm của quyển kinh này, có lẽ là tinh thần vô thường vô ngã của chính nó. Hòa thượng Thanh Từ soạn kinh với phong cách của một Thiền Sư, đã tuyên bố " chúng tôi bạo dạn tạo một cái nhơn nhỏ, mong sau này sẽ đâm chồi, nảy tược nhiều hơn...". Thầy không cố tình tạo ra một quyển kinh "đầy đủ" mọi bề. Thầy ươm hạt trồng cây, cây sẽ đâm chồi, nẩy lộc, ra cành ra lá. b- Nội dung Nghi-Thức của Thiền Viện Trúc Lâm Ðà Lạt gồm có: - Nghi-Thức Sám Hối Sáu-Căn, Kệ Nguyện Hương, Tán Phật, Tán Pháp, Tâm-Kinh Trí-Tuệ Cứu Kính Rộng Lớn, Lễ Phật Tổ, Bài Sám Hối Sáu Căn, Chí Tâm Phát Nguyện, Chí Tâm Hồi Hướng, Phục Nguyện, Hồi Hướng, Ba Tự Qui Y. - Nghi-Thức Ngọ Trai, Cúng Ðại Bàng, Năm Pháp Quán, Tâm-Kinh Trí-Tuệ Cứu Kính Rộng Lớn, Phục Nguyện. Tất cả các kinh đều bằng tiếng Việt. Trong "Tâm-Kinh Trí-Tuệ Cứu Kính Rộng Lớn" còn giữ Chú "Yết đế, Yết đế, Ba La Yết Ðế, Ba La Tăng Yết Ðế, Bồ Ðề Tát Bà Ha". 2 - Nghi thức Làng Mai Nghi thức tham khảo: Nghi thức Tụng Niệm toàn bằng quốc văn, NXB Lá Bối, San Jose 1989. Khi bắt đầu viết bài này (giữa năm 2000), tôi được biết quyển nghi thức đã được in lại, nhưng không biết trong lần tái bản có sửa đổi nhiều không? Dù sao nếu các kinh có được thêm bớt sắp xếp lại, tinh thần quyển Nghi thức có lẽ không thay đổi. Ngoài ra, Tôi cũng được tham khảo quyển "Nhật tụng Thiền môn năm 2000". a- Ý Nghĩa Dựa theo phong cách dịch thuật, cách dùng từ, nội dung, nó hoàn toàn khác biệt với những nghi thức thông dụng từ trước, kể cả Nghi thức tụng niệm do Tổng Hội Phật Giáo phổ biến những năm 1961, 1962. Chữõ "Phật" mọi người quen dùng trong tụng niệm, đã được thay bằng chữ "Bụt" thường được biết nhiều hơn trong văn chương dân gian, hay trong phân tách khoa học ngôn ngữ, Bụt = Boud của Bouddha. Dĩ nhiên các bài kinh đều "toàn bằng quốc văn". Kinh Bát Nhã được dịch hoàn toàn ra tiếng Việt, về Chú "Yết đế yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế. Bồ đề tát bà ha" thì được giữ "Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhi Svaha". Ðây là một câu có vẻ là Chú nhưng không phải là Chú, vì đọc lên, mọi người đều hiểu, kể cả những người Mỹ, Pháp.... Trong một số bài, có thêm một số câu tụng bằng Pali như Namo Buddhaya (Nam Mô Phật), Buddham Saranam Gacchami (con xin quy y Phật)... là những câu tụng tam quy quốc tế của truyền thống Nguyên Thủy. Trong các phần "Nghi thức Hộ Niệm Siêu Ðộ" và "Nghi thức Sám Hối" có một vài Chú như: "Chơn Ngôn Diệt Tội của bảy đức Bụt", "Chơn Ngôn Quyết Ðịnh Vãng Sanh", "Chơn ngôn biến thực" và "Chơn ngôn cúng dường phổ biến". Nói chung, Nghi thức này muốn dung hợp "Thiền, Tịnh, Mật". Tuy vậy, những Chú được tụng (tương đối ít) là những chú ngắn, không thấy Chú Ðại Bi. Về Nhật tụng, "Trong sách Nhật Tụng Thiền Môn Năm 2000 này, hai buổi công phu ở chùa đã được thay đổi để nội dung được giàu có hơn về cả hai phía thiền tập và kinh văn. Thay vì ngày nào cũng tụng những kinh như nhau, ta được trì tụng mỗi ngày một hay nhiều kinh khác nhau, do đó những kinh điển căn bản về thiền tập đều được có dịp trì tụng và học hỏi. (...) Sách này cống hiến nhiều kinh khác nhau cho bảy ngày trong tuần, và những tiết mục của buổi công phu cũng đầy đủ như trong nghi thức truyền thống, chỉ có khác hơn là nghi thức mới được trì tụng hoàn toàn bằng Quốc ngữ".( trích "Lời nói đầu" của "Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000") Lời kinh, nghĩa kinh, nói chung dĩ nhiên là hay, vì người soạn kinh vừa là một Thiền Sư học lực uyên thâm, vừa là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà khơi động phong trào... Tuy vậy, ta có thể tự hỏi, không biết có cách nào "bắc cầu" những kinh này với đa số Phật tử còn theo lối tụng niệm cũ được không? Không lẽ chỉ "bắc cầu" bằng dăm ba câu Chú? Nghi thức cố gắng kết hợp Nam Bắc Tông, ngoài những Kinh Ðại thừa, còn có Kinh trích từ Tạng Nguyên Thủy như Kinh Thương Yêu... và trong một số lễ có đọc Tam Quy bằng Pali. Các phần Tịnh Ðộ Di Ðà, Phổ Môn khá nhẹ. Tăng Ni, Phật tử theo hệ phái của Làng Mai khá đông tại hải ngoại, với một trung tâm đào tạo quốc tế tại Pháp. b- Nội dung (bản 1989) Nghi thức bao gồm: Công Phu Hàng Ngày, Hộ Niệm Siêu Ðộ, Cài Hoa Vu Lan, Truyền Thọ Tam Quy, Hộ Niệm Hôn Lễ, Lễ Tắm Bụt, Tụng Giới, Sám Hối. Phần Kinh Văn có: Kinh Thương Yêu, Kinh Phước Ðức, Kinh Anuradha, Kinh Tám Ðiều Giác Ngộ, Kinh Người Biết sống một mình, Kinh Trung Ðạo Nhân Duyên, Kinh Pháp Ấn, Kinh Giáo Hóa Người Bệnh. Phần Phụ Lục: Thi Kệ Nhật Dụng, Nghi thức Ăn Cơm Im Lặng, Bài Sám Quy Mạng. Thí dụ: Nội dung Nghi thức Hộ Niệm Siêu độ ( chỉ trong Nghi thức này mới có nhiều Chú, rất hiếm trong các Nghi thức còn lại ): Thiền hành (30 phút)/ Thiền tọa (12 phút)/ Dâng hương/ Tán Dương/ Lạy Bụt/ Kệ mở kinh/ Tâm kinh Bát Nhã/ Khai thị / Xướng lễ/ Khai thị/ Niệm Bụt/ Trì chú (Diệt tội,Vãng Sanh)/ Cúng dường (Chú biến thực, biến thủy, cúng dường phổ biến), Kệ cúng dường/ Quy Nguyện/ Quay về nương tựa/ Hồi hướng. c- Nội dung kinh "Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000": Thứ 2, Sáng: Kinh Kim Cương, Kinh Thương yêu - Chiều: Kinh Mười Nguyện Phổ Hiền, Kinh Diệt Trừ Phiền Giận / Thứ 3, Sáng: Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Chiều: Kinh Sức Mạnh Quan Âm, Tám Ðiều Giác Ngộ của Các Bậc Ðại Nhân / Thứ 4, Sáng: Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm - Chiều: Kinh Trung Ðạo Nhân Duyên, Kinh Soi Gương / Thứ 5, Sáng: Kinh Người Biết Sống Một Mình - Kinh Bát Nhã Hành - Chiều: Kinh Ba Cửa Giải Thoát / Thứ 6, Sáng: Kinh Người Bắt Rắn - Chiều: Kinh A Di Ðà / Thứ 7: Kinh Ðộ Người Hấp Hối - Chiều: Kinh Phước Ðức, Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Ða/ Chủ Nhật, Sáng: Kinh Tuổi trẻ và Hạnh Phúc, Kinh Hải Ðạo Tự Thân - Chiều: Sám Nguyện Ngoài ra trong Nghi thức này còn có các phần: Chúc Tán Rằm và Mồng Một, Chúc Tán Tổ Sư, Cúng Ngọ, Thọ rai, Truyền Giới Sa Di, Tụng Giới Sa Di. 3- Nghi thức Trúc Lâm Paris Nghi thức này được soạn thảo từ năm 1966, khi Hòa thượng Thiện Châu bước chân tới Pháp. Từ đó đến nay, Nghi Thức được cải biến đôi ba lần, bản cuối cùng được ấn tống năm 1998. Nghi thức hoàn toàn bằng chữ Việt; trong phần tam quy ngũ giới có ghi thêm chữ Pali. Trong các buổi lễ của người Việt, chỉ đọc tam quy ngũ giới bằng tiếng Việt. Trong buổi lễ có nhiều người xứ khác, hay có nhiều Phật tử tu theo Tông phái Nguyên Thủy thì đọc chữ Pali. a- Ý nghĩa Tinh thần quyển kinh được nói rõ trong phần Ghi Chú và trong lá thư Thầy Thiện Châu trả lời một Phật tử, lá thư được đăng trên báo Tin Phật của Hội PTVKHN. - Thứ nhất, quyển kinh này chỉ có tính cách giai đoạn, để chờ đợi một quyển "nghi thức lễ Phật khác sẽ được soạn ra để thay thế khi tinh thần thống nhất của Phật tử Việt Nam được vững chắc hơn". Trong phần "Ghi Chú" của quyển nghi thức, Thầy Thiện Châu viết: "Phật tử Việt Nam phần
đông tu học theo Bắc tông và chịu nhiều ảnh hưởng của Tông Tịnh
Ðộ. Một số ít theo Nam Tông. Hiện nay Phật tử Việt Nam đang xây dựng
nền Phật giáo thống nhất không phân biệt tông phái và địa phương.
- Thứ hai, Quyển kinh nhằm hai mục tiêu: triệt để "Việt hóa nghi lễ" và thực sự "thống nhất Bắc Nam tông". Thầy Thiện Châu đã trả lời câu hỏi của một Phật tử trên báo Tin Phật, số 13, ngày 14-3-1970 (Pháp): Câu hỏi: " Paris, ngày 24-2-1970 Kính bạch Thầy, (...) Trả lời: Villejuif, ngày 5 tháng ba 1970 P.L. 2513 Ðạo hữu Diệu Tâm thân mến, (...) Về câu hỏi Phật tử bên này theo Nam Tông hay Bắc Tông mà tụng ba qui y và năm giới bằng Pâli và kinh Chơn Hạnh phúc, kinh Từ Bi mà không tụng các chú như chú Ðại bi, chú Chuẩn đề vv..., chắc Ðạo hữu đã thấy một phần nào là Phật tử bên nầy không thuộc Nam Tông hay Bắc Tông mà chỉ là Phật tử. Nói rõ hơn thì Phật tử bên nầy là Phật tử muốn học tất cả những điều hay của tất cả các tông phái, muốn thực hiện mục đích thống nhất Nam Tông, Bắc Tông của Giáo Hội bên nhà. Sở dĩ Phật tử bên nầy tụng ba qui y và năm giới là vì chính Hội Phật giáo Liên Hữu quốc tế đã quyết định: "Phật tử nên tụng ba qui y và năm giới trước các buổi lễ Phật và các cuộc hội họp". Và họ tụng bằng Pâli là để gây tinh thần đồng nhất không những giữa Phật tử Nam Tông, Bắc Tông Việt Nam mà cả giữa Phật tử Việt Nam với Phật tử Pháp, Anh, Lào, Miến điện, Tích Lan vv... Như Ðạo hữu đã thấy, hôm nọ có nhiều Phật tử Pháp cũng tụng ba qui y và năm giới với chúng ta. Ðến đây có lẽ Ðạo hữu đã
tự hỏi: "tại sao tụng ba qui, năm giới bằng Pâli mà không tụng chú Ðại
bi, chú Chuẩn đề bằng tiếng Phạn (Sanskrit)?" Tôi xin giải thích
tiếp: ba qui y, năm giới là những điều căn bản mà bất cứ Phật tử
nào, Nam Tông hay Bắc Tông, Pháp hay Việt, đều phải biết. Còn các
bài thần chú chỉ có người Phật tử theo Mật giáo (Tantrisme) mới tụng mà
thôi. Ðó là không nói đến điều không chính xác do sự phiên âm từ
chữ Phạn sang chữ Tàu và được đọc ra bằng tiếng Việt. Hơn nữa
các bài chú nầy không thể giảng nghĩa. Chính đức Phật đã dạy: Tụng trăm bài kệ vô nghĩa
Sự khác biệt so với Nghi thức của Tổng Hội là: - Tuyệt đối gạt yếu tố Mật Tông ra ngoài:
không niệm Chú và dĩ nhiên không có "Chú Ðại Bi". b- Nội dung Nghi thức Cầu An / Nghi thức Cầu Siêu / Nghi thức Lễ Thành Hôn / Nghi thức Lễ Phật Ðản / Lễ Vu lan Báo Hiếu / Bát Quan trai Giới / Phụ Lục: Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Singalovada sutta - dịch từ Pàli) - Kinh nhập tức xuất tức niệm (Anapanasatisutta - dịch từ Pàli ). c- Hai thí dụ: Như đã nói ở trên, quyển kinh này tiếp thu một số kinh trong quyển Nghi thức của Tổng Hội PGVN (1961). Ðể có một ý niệm về tương quan giữa hai quyển kinh, ta thử đối chiếu nội dung hai quyển. Trong Nghi thức Trúc Lâm, những kinh trích từ Nghi thức Tổng Hội PGVN sẽ được ghi chú sau đây bằng chữ "Tổng Hội". Nghi thức xuất phát từ nghi lễ Phật Giáo Nguyên Thủy sẽ được ghi chú "Nguyên Thủy". Kinh được dịch từ Pàli sẽ được ghi chú (dịch từ Pàli). - Nghi thức Cầu An -Nghi thức Cầu Siêu 4- Nghi thức Tụng Niệm do Ban Văn Hóa Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện (năm 2000): tiến thêm một bước. a- Ý Nghĩa Quyển Nghi thức này in hệt Nghi thức năm 1961 của Tổng Hội Phật Giáo VN phát hành, nhưng toàn bộ phần "Hiển giáo" được Việt hóa, cộng thêm một vài kinh mới, trong đó có Kinh Từ Bi, Kinh Chân Hạnh phúc, dịch từ tạng Pali, đã được Trúc Lâm Thiền Viện Paris tụng niệm từ lâu nay. Phần "Bí Mật Thần Chú" vẫn giữ nguyên. Nếu phần Hiển Giáo coi như đã tiến rất xa, tất cả đã được Việt hóa, theo ý tôi vẫn còn hai vấn đề có thể gây thắc mắc: -Ðây là một quyển kinh hoàn toàn theo Tịnh Ðộ Di Ðà, do đó ý nghĩa thống nhất Bắc Nam Tông không được chú tâm tới, ngoài một vài kinh, rất ít, trích dịch từ tạng Pali trong phần phụ lục. -Vấn đề "Bí Mật Thần Chú" vẫn còn rất bí mật. Tại sao cùng là "tiếng Phật" mà mỗi nơi nói một kiểu khác nhau: Tây Tạng,Trung Quốc, Việt Nam? Phải chăng có một thứ "Tiếng Phật" của Phật, và có nhiều "Tiếng Phật" là của Tổ, Tổ Tây Tạng, Tổ Việt Nam, Tổ Trung Quốc, Tổ Nhật Bản... Vậy có nên nghiên cứu nói cho đúng "Tiếng Phật" không? Dù sao, quyển nghi thức này, có lẽ sẽ được phổ biến rộng rãi, vì dựa lên một số kinh quen thuộc đã có trong quyển nghi thức năm 1961 của Tổng Hội Phật Giáo VN. b- Nội dung Ngoài những phần Nghi Lễ mới soạn, tất cả những Nghi Lễ cũ đều in hệt Nghi Lễ năm 1961 của Tổng Hội PGVN. Như đã nói ở trên, tất cả phần Hiển Giáo đều bằng tiếng Việt. Nội dung bao gồm: Nghi thức Tịnh Ðộ / Nghi thức Cầu An / Nghi thức Cầu
Siêu / Nghi thức sám hối / Nghi thức cúng ngọ / Nghi thức quá đường / Nghi
thức lễ xuất gia / Nghi thức lễ khánh đản / Nghi thức Lễ Thành Ðạo / Nghi
thức Lễ Vu Lan / Kinh Báo Ân Cha Mẹ / Lễ Vía Phật A Di Ðà / Kinh Phổ Môn /
Nghi thức Lễ Phật (của Gia Ðình Phật tử) / Kinh Vô thường / Kinh chân hạnh
phúc / Kinh Từ Bi 5- Nghi thức chùa Giác Ngộ Nghi thức Nhật Tụng gồm 49 bài, được Thầy Nhật Từ soạn và xuất bản năm 1994. Ngoài Kinh Nhật tụng còn 2 Nghi thức Cầu An và cầu Siêu, được soạn năm 1994 nhưng đến năm 1998 mới xuất bản. Nói chung, các nghi thức này cố gắng, về kinh điển, kết hợp kinh Bắc Tông và kinh Nam Tông. 3 kinh tụng phổ thông của Bắc Tông đều có mặt trong các Nghi thức Cầu An và Cầu Siêu: Kinh Bát Nhã, Kinh A-Di-Ðà (trong nghi thức gọi là Kinh Thế Giới Cực Lạc), Kinh Phổ Môn. Bí-mật thần chú không có mặt (Trong Nghi thức Cầu an, Tác giả giải thích như sau: "Yếu tố Mật tông được xem là yếu tố ngoại nhập về sau không được giới thiệu trong nghi thức này"). Các Nghi Thức Sám-Hối, Cúng Vong, và Lễ Thành Hôn đã được soạn nhưng có lẽ chưa ấn tống (có thể xem trên Trang nhà "Ðạo Phật ngày Nay"). a- Ý Nghĩa Ý Nghĩa các Nghi thức được nói rõ trong phần "Thay lời tựa" của quyển kinh Nhật tụng: (...)Người Ấn Ðộ thực hành
Phật Giáo theo tập quán của Ấn Ðộ. Người Trung Hoa tiếp nhận và thực
hành theo người Trung Hoa. Người Nhật Bản, người Triều Tiên, người Thái
Lan... đều tiếp nhận lời Phật dạy theo đức tính và tinh thần theo
ngôn ngữ và chữ viết của họ. Thế còn chúng ta, chúng ta lại phải
vay mượn nguyên bản nghi thức trì tụng Phật Giáo Trung Hoa hoài hay sao?
Trong thực tế, việc
Việt hóa nghi thức tụng kinh hằng ngày không chỉ làm đau đầu các vị cao
đức mà còn là nỗi bức xúc bách thiết của các vị tăng sĩ trẻ.
Họ là những con người của thời đại, trực tiếp đối diện với
thời đại, với sự phát triển không ngừng của xã hội. Ý thức trách
nhiệm và tinh thần độc lập văn hóa của dân tộc từ bao thế hệ cha
ông, đã thúc giục họ lên đường tiếp bước, thực hiện ý
nguyện của mình, góp một phần nhỏ vào nền văn hóa của dân tộc nói
chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng. b- Nội dung: Kinh Nhật tụng gồm 49 kinh Nam và Bắc Tông là phương tiện công phu tu tập hàng ngày của Phật tử. Bên cạnh đó, ta có hai Nghi Lễ cầu an, cầu siêu có cấu trúc giống nhau, và dĩ nhiên cùng một tinh thần với Kinh Nhật Tụng. Bài này không nhắm phân tích kỹ các Nghi thức mà chỉ chú ý tới đường hướng soạn thảo, do đó, tôi chỉ tạm lấy Nghi thức cầu an để làm thí dụ.(4) Phần vào Khóa Lễ: 1. Nguyện Hương / 2. Tán Thán Phật và Quán Tưởng / 3. Ðảnh Lễ / 4. Tán Dương Chi /5. Phát Nguyện Trì Kinh / 6. Tán Dương Giáo Pháp Phần Kinh Chính (có thể tụng một hay nhiều Kinh, tùy duyên): Kinh Hạnh Nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm / Kinh Giáo Hóa Người Bệnh / Kinh Các Pháp Quán Niệm / Kinh Dụ Ngôn Bọt Nước / Kinh Quán Niệm Hơi Thở / Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm / Kinh Biết Sống trong Hiện Tại. / Kinh Từ Tâm / Kinh Phước Ðức / Kinh Cư Sĩ Tại Gia / Kinh Thiện Sanh Phần Sám Nguyện và Hồi Hướng: 7. Bát-nhã Tâm Kinh / 8. Niệm Phật / 9. Xướng Lễ / 10. Năm Ðiều Quán Tưởng hay Quán Chiếu Thực Tại / 11. Sám Nguyện (Tụng một trong bốn bài Sám dưới đây): Sám Cầu An -Sám Quy Nguyện - Sám Tu Tập - Sám Tu Là Cội Phúc / 12. Hồi Hướng / 13. Phục Nguyện / 14. Tôn Kính Ðảnh Lễ Ba Ngôi Báu.
III- Kết luận: Tìm đường Việt hóa Nghi lễ trong hòa hợp. [^] Theo ý tôi, Nghi thức tụng niệm cho Phật tử Việt Nam cần dựa trên 3 tiêu chuẩn:
A- Nhận định về các đường hướng Việt hóa Nghi thức hiện nay 5 Nghi thức được kể trên đây, của Trúc Lâm Ðà Lạt, Làng Mai, Trúc Lâm Paris, Tỉnh Hội Thừa Thiên -Huế, và Nghi thức chùa Giác Ngộ có thể tiêu biểu cho các đướng hướng soạn thảo và Việt hóa Nghi thức hiện nay. Tất cả đều hoàn toàn bằng chữ Việt (ngoại trừ các Thần chú). - Nghi thức của Trúc Lâm Ðà lạt không chú tâm đáp ứng những yêu cầu nghi lễ hàng ngày như tang, tế, cầu an, cầu siêu... Chủ yếu, đây là một Nghi thức của Thiền Tông, dành cho những vị tu trong các Thiền viện. - Nghi thức của Trúc Lâm Paris, kết hợp Việt hóa và Thống nhất Bắc Nam Tông, nhưng bỏ qua yếu tố Tịnh độ Di Ðà, cũng như yếu tố Mật Tông. - Nghi thức của Tỉnh Hội Thừa Thiên-Huế, chuyên về Tịnh Ðộ Di Ðà, gần như không biết gì đến Nam Tông. - Nghi thức của Làng Mai, có lẽ khá đầy đủ, có đủ "Thiền-Tịnh-Mật" nhưng vẫn "quá mới", hoàn toàn biệt lập với những nghi thức hiện có. Phương cách diễn dịch về Tịnh độ chưa chắc đã thỏa mãn những Tăng sĩ theo Tịnh Ðộ Di Ðà. Thay thế chữ Phật bằng Bụt, dù có thể bàn cãi được, nhưng chưa dễ được quần chúng Phật tử chấp nhận. Dù cho lúc đầu, chữ Phật có thể đã do người Trung Quốc truyền vào xứ ta từ thời Minh, nhưng qua nhiều thế hệ, chữ Phật đã hòa nhập vào văn hóa để biến thành một chữ của ta. Chữ "Phật" ngày nay không phải chỉ là một "danh từ". Nó cô đọng bao nhiêu lòng thành kính mến yêu, bao nhiêu hy sinh, kiên quyết, của nhiều thế hệ Phật Tử. Viết lại lịch sử chắc cũng khó. -Nghi thức chùa Giác Ngộ đủ yếu tố Thiền, Tịnh, đầy đủ Bắc và Nam Tông nhưng gạt hẳn Mật Tông ra ngoài. Hầu hết các Nghi thức độc lập với nhau, chẳng biết gì đến nhau. Cùng một kinh, mỗi Nghi thức phiên dịch một cách khác nhau. Người Phật tử mừng vì có nhiều Nghi thức được Việt hóa, nhưng ngược lại cũng rất lo ngại: Biết theo Nghi thức nào đây? Nhiều quá cũng là một nguy cơ tương đương với không có gì cả. Một câu hỏi khó trả lời nữa: làm sao phổ biến những Nghi thức này? B- Phải Làm Sao? Tôi xin phép góp một số ý cùng chư Tôn túc, Tăng Ni khi soạn nghi thức. Ðề nghị 1: Việt hóa toàn bộ nghi lễ Năm đường hướng soạn thảo Nghi thức kể trên cho ta thấy rằng việc Việt hóa toàn bộ nghi lễ có thể làm được. Vấn đề chỉ còn đặt ra cho "bí mật thần chú". Theo ý tôi, nên suy ngẫm lại việc hành trì "bí mật thần chú" trong quần chúng Phật tử. Ðến chừng mực nào là chính đáng? đến chừng mực nào "sự không cho nghĩ, bàn" sẽ là cửa mở cho mê tín dị đoan, phù chú bùa phép... để cầu may cầu lợi? Nên phân biệt rõ giữa "Tu Mật" của các Mật Sư và "Tu Mật" của quần chúng. Có lẽ chỉ các Mật sư trong các Mật thất, hay các vị chuyên tu mới đủ niệm lực và định lực cũng như ý thức để tu Mật một cách đúng đắn. Còn quần chúng tụng Chú phần nhiều do truyền thống, do thói quen. Do đó, về lâu về dài, trong các nghi thức hướng về đại chúng, nên thay thế các Chú bằng các Kinh có ý nghĩa rõ ràng. Ðề nghị 2: Hòa hợp hệ phái, từng bước tiến tới vài quyển Nghi thức Lớn. Mục tiêu cần đạt tới là làm sao cho người Phật tử, đi từ chùa này sang chùa khác, vẫn thấy mình không quá bỡ ngỡ, không có cảm tưởng tham gia nghi lễ của các Ðạo khác nhau. Do đó, nghi lễ, kinh kệ của các chùa phải càng có nhiều điểm giống nhau càng tốt. Phải công nhận là soạn một quyển Nghi thức chung cho mọi hệ phái là điều không thể thực hiện được trong vòng đôi ba chục năm tới, vì có những kinh quan trọng của hệ phái này sẽ không thể được chấp nhận bởi hệ phái khác, cũng như không thể tìm được sự nhất trí trong cách đặt trọng tâm vào kinh Nguyên Thủy hay kinh Ðại Thừa. Chắc chắn sẽ có nhiều nghi thức tụng niệm được soạn ra. Vì vậy, phải tạo điều kiện để cho tất cả những quyển Nghi thức, đã và đang được soạn ra, cùng đi về một hướng, từng bước tiến tới, trong tương lai sẽ chỉ còn vài ba Nghi thức lớn, cho những "nhóm hệ phái" lớn. Trong điều kiện hiện tại, các hệ phái mọc ra rất nhiều, Làng Mai cũng có thể coi là một hệ phái độc lập, dù vị Tổ khai sơn vốn xuất phát từ dòng thiền Liễu Quán, cũng như các vị trong Tổ Ðình Tây Thiên, Từ Hiếu, Linh Mụ, Tường Vân, Trúc Lâm Paris,... Sự "quy hợp" này có thể thực hiện được, nếu chỉ dựa lên tiêu chuẩn chấp nhận Kinh này hay Kinh nọ hơn là bản dịch này hay bản dịch kia. Ngày nay, nhất là đối với những Nghi thức mới ra, sự phân biệt nhiều khi chỉ do cách phiên dịch kinh điển. Trúc Lâm thiền Viện Paris tụng Kinh Từ Bi, Làng Mai tụng Kinh Thương Yêu, cả hai kinh chỉ là một, nhưng vì phiên dịch biến thành hai. Ðây là một trong rất nhiều thí dụ. Còn Kinh Bát Nhã nữa, không biết có bao nhiêu bản dịch.Vẫn biết là bản phiên dịch của một kinh có thể không được sự nhất trí chấp nhận của mọi người, kẻ khen hay, người chê dở. Nhưng nếu nghĩ rằng tất cả chỉ là phương tiện, mục đích là đưa ý kinh đến đại chúng thì văn hay văn dở cũng trở nên bớt quan trọng. Không lẽ những đệ tử của Thiền tông, với tinh thần bất chấp văn tự, lại "sính chữ " đến mức độ không thể tìm được đồng thuận trên một bản dịch của Kinh "Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc"? Tinh thần "vô ngã" và "lục hòa" của Phật tử cần phải được thể hiện ở đây. "Ta" dịch rất hay, tuyệt diệu, nhưng vì muốn hòa đồng với đại chúng, "ta" tạm chấp nhận "bớt hay một chút". Do đó, một bản "dịch hay" nên nhường chỗ cho một bản "được nhiều người quen tụng". Chư Tăng ni, khi soạn Nghi thức nên cố gắng dung nạp những Kinh "có sẵn ", được nhiều người thường tụng, nếu những Kinh này không đi ngược lại đường hướng của mình. Ðiều khó khăn nhất là ở mức độ tâm lý. Các nhà soạn Nghi lễ Việt hóa thường thường là những người kiên quyết đạt đến "Chân-Thiện-Mỹ", nhưng nhiều khi vì quá kiên quyết nên không thể chấp nhận kinh dịch "bớt hay một chút", vì muốn "quá tốt" mà bỏ rơi đại chúng lại sau. Hơn nữa, đối với những Nghi thức đã soạn, ai mà không gắn bó với tác phẩm của mình, bao năm tháng cưu mang. Tự mình sửa đổi lại quả là điều khó khăn. Ðề nghị 3: Thể hiện tinh thần thống nhất Bắc Nam Tông: Nghi thức Bắc Tông nên thêm Kinh Nguyên thủy. Các Nghi thức Ðại thừa nên có thêm Kinh trích từ Tạng Nguyên Thủy vì hầu hết những Kinh này hoàn toàn phù hợp với giáo lý "Ðại thừa". Trong các buổi lễ lớn nên có đọc Tam Quy và Ngũ Giới theo chủ trương của Hội Phật giáo Liên Hữu quốc tế: "Phật tử nên tụng ba qui y và năm giới trước các buổi lễ Phật và các cuộc hội họp". Trong phần cầu siêu, cầu an, nên có thêm Kinh Tạng Nguyên Thủy như Kinh "Tù Bi ","Chơn Hạnh Phúc", "Chuyển Pháp Luân", "Vô Ngã Tướng".... Ðề nghị 4: Thành lập một Hội Ðồng Thẩm Ðịnh nghi lễ Tụng Niệm: Các nghi thức, tùy theo hệ phái, sẽ lựa chọn Kinh tụng trong số những kinh đã được thẩm định. Các cơ quan có thẩm quyền của Giáo Hội PGVN nên phối hợp với chư Tôn Túc của mọi hệ phái, Giáo Hội lớn, để thành lập một "Hội Ðồng thẩm định nghi lễ Tụng Niệm" cũng giống như "Hội đồng chỉ đạo Phiên dịch và Ấn Hành Ðại Tạng Việt Nam". Hội đồng phải có đủ tính đại diện, đủ uy tín để bảo đảm sự đồng thuận của mọi hệ phái. Vai trò của Hội đồng này là quy định Nghi Lễ và nhất là thẩm định những phiên bản Kinh điển chính sẽ được dùng trong các Nghi Thức, từ phần vào lễ hay niệm hương, cho đến phần chánh kinh và phần hồi hướng. Những Kinh được thẩm định có thể là Kinh Ðại Thừa, Kinh Nguyên Thủy, hay là Chú. Mục tiêu là định ra những bản phiên dịch thống nhất để đưa vào các Nghi Thức. Như vậy, những Nghi thức của các hệ phái vẫn có thể "pha trộn", Nghi thức này có niệm Chú, Nghi thức kia không, nhưng tất cả các bản kinh dùng chung, thí dụ như Kinh Bát Nhã chẳng hạn, đều xuất phát từ những phiên bản đã được thẩm định. Trong giai đoạn đầu, theo ý tôi, gấp rút, chỉ nên thẩm định một vài Kinh chính thường được tụng niệm. Ðề nghị 5: Phổ biến Nghi thức một cách có hệ thống. Dựa lên các trường hạ, các trường cơ bản Phật học hay sơ cấp Phật học để phổ biến các nghi lễ kinh kệ đã được thẩm định. Khởi đầu đào tạo Tăng Ni, rồi từ Tăng Ni truyền đến Phật tử, qua chùa chiền, qua các tổ chức khuôn hội, niệm Phật đường, Gia Ðình Phật tử... Về Nghi lễ, Phật tử thông thường thuận theo Tăng Ni. Họ sẵn sàng tụng những kinh họ không quen nếu được Tăng Ni hướng dẫn, rồi một thời gian sau những "kinh không quen" sẽ thành những "kinh quen". *** Rất bối rối khi tới một chùa phải dán mắt vào quyển kinh, nhiều khi phải nhìn sang người bên cạnh khi kinh không đủ, lúc đó thì chỉ còn "tụng chữ", nào phải "tụng kinh". Với người đọc chậm, hay mắt kém lại còn buồn hơn nữa! Trong các Tôn giáo lớn, Nghi lễ đều thống nhất. Chỉ có Phật giáo mình là Nghi lễ các hệ phái như muôn hoa đua nở, tranh hương tranh sắc, mỗi nơi mỗi vẻ. Rằm tháng 8, P.L. 2544
|
Source: Người Cư Sĩ, France, http://www.multimania.com/cusi/