BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Phật Học trân trọng giới thiệu với quý độc giả, tác giả ông Cao Huy Thuần là Giáo sư giảng dạy ở một Ðại Học Ðường Paris, đọc qua bài nầy quý độc giả sẽ thấy Giáo sư thâm hiểu giáo lý đạo Phật, hành văn giản dị, trong sáng, Phật Học tin tưởng rằng sẽ được Giáo sư ưu ái dành cho những bài viết giá trị khác.
Ban Biên Tập Nguyệt san Phật Học, Kentucky, USA
tháng 12-1999
Quyển " Kinh Bốn Mươi Hai Bài " do Hòa thượng Trí Quang dịch và chú giải (1). Hòa thượng Thiện Siêu cũng đã dịch kinh này từ năm 1959, nhưng ở xa, tôi không có bản dịch của Hòa thượng Thiện Siêu.
Kinh " Kinh Bốn Mươi Hai Bài " là dịch từ chữ Hán "Tứ Thập Nhị Chương kinh". Kinh này có nhiều bản chữ Hán. Bản lưu hành cho đến gần đây, theo sự ước đoán của Hòa thượng Trí Quang, căn cứ trên văn ngữ và văn phong, chắc ra đời sớm nhất vào khoảng đầu Tống. Hòa thượng tìm ra được bản xưa hơn, có lẽ là xưa nhất, mà Hòa thượng ước đoán đã có mặt từ thời hậu Hán hoặc Tam Quốc. So sánh hai văn bản, Hòa thượng rút ra nhiều nhận xét lý thú. Tôi học theo Hòa thượng để triển khai ba vấn đề mà tôi sẽ trình bày:
- Nội dung rất nguyên thủy của "Kinh Bốn Mươi Hai Bài ";
- Vài nét đại thừa trong văn bản xưa;
- Những thêm thắt của ngữ ngôn Thiền trong bản mới.
I . Nội dung rất "Nguyên thủy"
"Kinh Bốn Mươi Hai Bài", như tôi vừa nói, được Trung Quốc dịch rất sớm, thời Hậu Hán. Có nơi còn ghi rằng "Kinh Bốn Mươi Hai Bài" là kinh đầu tiên ở Trung Hoa. Ðây là bốn mươi hai bài kinh ngắn, rất ngắn, rút ra từ các kinh lớn, chủ yếu là để huấn dụ các vị xuất gia. Tuy vậy, giới tại gia đọc kinh vẫn thấy lợi ích, mỗi ngày đọc một bài thì thấy ngày đó thơm. Ðó là cảm giác của tôi.
Kinh điển Phật giáo, như ai cũng biết, vô cùng rộng, vô cùng sâu. Trong biển kinh tạng mênh mông đó, làm sao rút ra 42 lời huấn dụ, vừa ngắn, gọn, dễ hiểu, vừa chứa đựng tinh túy của giáo lý? Chuyện khó đầu tiên của mọi việc trích tuyển là lựa chọn. Ở đây, sự lựa chọn không phải chỉ khó vì kinh điển mênh mông, mà còn khó vì trường phái trăm hoa đua nở.
Người tuyển chọn đã lấy một quyết định rõ rệt: Nhìn cây từ gốc, và gốc đó hiển nhiên là lý thuyết tứ diệu đế. Tứ diệu đế xuyên suốt quyển kinh, một cách nhất quán, từ đầu đến cuối.
Ngay từ bài đầu tiên:
"Phật nói, từ biệt cha mẹ, xuất gia hành đạo, nên gọi là Sa môn. Thường giữ 250 giới, làm theo tứ đế, bước tới thanh tịnh, thành A-la-hán."
Ngay từ câu đầu tiên, và chỉ một câu đó thôi, lý tưởng tu hành của nguyên thủy đã được xác nhận trong bốn từ ngữ: tứ đế, giới, bước tới, A-la-hán.
Tứ đế , ai cũng biết: khổ, tập, diệt, đạo (khổ, nguyên nhân của khổ, diệt khổ, con đường đưa đến diệt khổ).
Giới: Sự tu dưỡng. Giới thường đi với Ðịnh và Tuệ. Trong quyển kinh này, tôi không thấy nói tới Ðịnh và Tuệ một cách khẩn thiết, mà chỉ thấy nhấn mạnh dai dẳng đến Giới. Có thể vì đây là quyển kinh dành cho các vị xuất gia. Cũng có thể vì ảnh hưởng Phật giáo Nguyên thủy.
Bước tới: Tâm chí bước tới. Quyển kinh nhấn mạnh đến hạnh tinh tấn mà tôi sẽ nói nhiều sau đây.
A-la-hán: Ngay từ câu đầu, quyển kinh đã xác nhận rằng lý tưởng của người tu hành là A-la-hán, nghĩa là lý tưởng của Phật giáo nguyên thủy. Phật cũng chỉ là một A-la-hán. Ðây là điểm mà Ðại thừa bác, là đầu mối của sự phát triển lý thuyết Ðại thừa.
Từ bài 2 trở đi, hầu như tất cả đều nói tới Giới, nghĩa là con đường đưa đến diệt khổ. Chịu khó phân chia tỉ mỉ và gượng ép, tôi thấy các vấn đề sau đây được đề ra:
- Vô ngã: 1 bài
- Vô thường: 2 bài
- Thiện ác: 4 bài
- Sám hối: 1 bài
- Bố thí: 2 bài
- Tinh tấn: ít nhất cũng 7 bài.Ðề mục được nói nhiều nhất, như chỉ luồn kim từ bài đầu đến bài cuối, là ái dục. Quyển kinh, vì vậy rất nhất quán. Ðây là một lời khuyến cáo, nhắn nhủ khẩn thiết và ân cần: Muốn tu hành được , muốn đắc đạo , phải bỏ ái dục tận gốc.
Tôi lựa chọn một số bài để đọc ra đây, lần lượt theo thứ tự các đề mục vừa trình bày ở trên.
1. Vô ngã: Trong bài 18, và chỉ một bài thôi.
"Phật nói, một cách chín chắn và thuần thục, hãy tự nghĩ nhớ, trong cơ thể, bốn đại đều có tên riêng, không có cái ngã ký sinh ở đó. Ký sinh ở đó đi nữa thì cũng không vĩnh cửu, sự việc chỉ như ảo thuật mà thôi ".
Tứ đại, hiểu một cách thông thường, là đất, nước, gió, lửa, bốn nguyên tố tạo thành cái mà tôi gọi là Tôi. Một trong bốn nguyên tố đó bất thần đình công thì cái mà tôi gọi là Tôi đó chẳng còn thấy đâu nữa. Như đi coi hát xiệc.
2. Vô thường: Ðược nói trong hai bài 16 và 37. Tôi chỉ đọc bài 16:
"Phật nói, nhìn trời đất hãy nhớ vô thường, nhìn núi sông hãy nhớ vô thường, nhìn vạn hữu hình thái phong phú hãy nhớ vô thường. Giữ tâm trí như vậy thì đắc đạo mau chóng".
Bài 37, không cần đọc, ai cũng biết. Phật hỏi một vị Sa môn: Sinh mạng con người tồn tại trong bao lâu. Vị đó nói: "Trong vài ngày", tưởng như vậy là thuộc bài, không ngờ bị Phật chê. Vị thứ hai , láu lỉnh hơn, hạ xuống còn "một bữa ăn". Phật chê. Vị thứ ba sáng tạo tài tình: Sinh mạng con người không dài hơn một hơi thở. Thở ra, rồi không thở vào nữa: Thế là xong một kiếp người! Phật khen: "Hay thay, ông đáng được gọi là người hành đạo".
Tôi nghĩ: Vấn đề không phải là nói cho hay, cho bóng bẩy, vấn đề là nói cho thật. "Vài ngày" là không thật. "Một bữa ăn" là không thật. Trong chúng ta đây, ai cũng lẫm liệt ba bốn mươi năm trở lên. "Một hơi thở" là thật, không có gì thật hơn. Nói "một bữa ăn" hay "vài ngày" là còn thấy cái khối xương thịt này quá to, còn thấy mình quá vĩ đại. Hãy thử đặt con người trong cái vũ trụ vô cùng, trong thời gian vô tận thì nó là cái gì nếu không phải chưa được là hạt bụi? Saint Exupery vẽ một hình ảnh dộc đáo: Ông cho chú bé hoàng tử của ông lạc bước trên một hành tinh, nơi đó chỉ có độc nhất một người ở, và người đó làm mỗi công việc duy nhất là thắp cây đèn duy nhất ngoài đường. Hành tinh xoay một cái là sáng, xoay một cái là tối, vừa sáng vừa tối, cho nên người thắp đèn vừa mới thắp đèn là đã phải tắt đèn, vừa mới tắt đèn là đã phải thắp đèn, thắp, tắt, tắt, thắp liên tục. Sinh mạng con người cũng chỉ thế thôi: Vừa thắp đã tắt.
3. Thiện ác: Ba bài liên tiếp: 3, 5, 6. Bài 3 nói đến mười sự ác, bỏ mười sự ác đó thì được mười sự lành. Ba sự ác do thân mà ra: Sát sanh, trộm cướp, dâm dục. Bốn sự ác do miệng: Ly gián, mắng chửi, dối trá, thêu dệt. Ba sự ác do ý: Ganh ghét, tức giận, u mê. Mười sự tạo nên nghiệp. Tránh được mười sự đó thì "chắc chắn đắc đạo". Phật nói thế. Nhưng Phật tha cho chúng ta năm sự, chỉ buộc người tại gia chúng ta giữ ngũ giới thôi: Không sát sinh, không trộm cướp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu .
Trong chúng ta, chắc chẳng có ai sát sinh, nhưng các sự kia thì tôi không biết. Ngoài ra, có một thứ trộm cướp đang làm chúa tể hiện nay: Tham nhũng. Tham nhũng là trộm cướp, hãy nói thẳng như vậy. Ðại Trí Ðộ Luận định nghĩa trộm cướp là "không cho mà lấy"(2). Trong mánh mung tham nhũng, không bao giờ có sự "cho". "Có ba trăm lạng việc này mới xong" là không có cho, chỉ có lấy. Và lấy như vậy, tức là cướp mạng người, tức là sát sinh, Ðại Trí Ðộ luận nói rõ như vậy. Tôi trích:
"Mạng sống có hai: Trong và ngoài. Nếu cướp tài vật, ấy là cướp mạng ngoài, như kệ nói:
Hết thảy các chúng sanh
Lãy áo cơm nuôi sống
Hoặc cướp hoặc trộm lắy
Ấy gọi là cướp mạng" (3).Ông (bà) tham nhũng, ấy là ông (bà) đang giết người. Ðố ông (bà) chạy thoát cho được. Phật nói trong bài 5: Hét lên một tiếng thì y như có tiếng vang dội theo; đi ra mặt trời thì y như có bóng mình đi theo với mình. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Sống ở đời mà chỉ ăn đô-la thì chết xuống âm phủ Diêm vương nó chẳng cho cơm mà nhai đâu, chỉ bắt nhai tiền.
Nhưng đó là Diêm vương. Phật thì không cho vậy: Ai cho ác, Phật trả lại lành:
"Có người nghe phong cách của Như Lai là giữ đại nhân từ, ác đến thì trả lành, nên đến mắng Như Lai. Như Lai yên lặng, không trả lời, thương họ làm thế là vì si cuồng. Mắng rồi, Như Lai hỏi, ông đem lễ vật biếu người, người không nhận thì lễ vật ấy đem về đâu? Ðem về cho tôi. Vậy ông mắng Như Lai , Như Lai không nhận thì ông cũng tự nhận lại, gây họa cho mình" (bài 5).
Và Phật khuyên hãy cư xử như thế này:
"Phật nói, người ác hại người hiền thì như ngửa mặt lên trời mà nhổ nước dãi, nước dãi không bẩn trời mà lại bẩn mình; như ngược gió tung bụi, không dơ người mà lại dơ bản thân" (bài 6).
4. Bố thí: Ðược nói trong hai bài 7 và 8. Tôi đọc bài 8:
"Phật nói , thấy người bố thí, hãy giúp một cách vui vẻ, thì cũng được phước báo. Hỏi, phước ấy có giảm bớt đi không? Phật nói, như lửa nơi một cây đuốc, hàng ngàn hàng trăm người đem đuốc đến lấy lửa ấy mà nấu ăn, soi sáng, lửa ấy vẫn như cũ. Phước ấy cũng như vậy".
Bố thí là hạnh số một trong đại thừa, nên tôi không nói nhiều ở đây, chỉ xin nói một cách thấp thấp và thực tế. Là như thế này: Người nào không muốn nhai đô-la trước mặt Diêm vương thì nên suy ngẫm bài kinh này. Hãy lấy đô-la đó mà làm việc thiện ngay từ bây giờ. Ðốm lửa mà người đó thắp lên từ ngọn đuốc trong bài kinh sẽ soi sáng đường đi của họ và không dẫn họ đi đến nơi tăm tối, chỗ mà ai có nợ đều phải trả.
5. Tinh tấn: Bởi vì tu là phải tinh tấn, cho nên bài nào cũng nói đến tinh tấn, rõ nhất là trong các bài 15, 17, 32, 33, 34, 38, 39. Tôi chỉ đọc ở đây 2 bài. Một đoạn trong bài 32:
"Phật nói , hành đạo là như một người chiến đãu với muôn người. Mặc áo giáp, cầm vũ khí, tiến ra chiến trường. Nhưng có kẻ khiếp đảm, tự lui mà chạy; có kẻ nửa đường bỏ về; có kẻ quyết chiến mà chết; có kẻ đại thắng mà về, thuyên chuyển lên cao".
Thế nhưng tinh tấn không có nghĩa là nóng nảy, quá độ, nhảy vọt. Bài 33 dạy như thế này, tôi nghĩ áp dụng trong bất cứ lãnh vực nào cũng đúng:
"Có vị Sa môn ban đêm tụng kinh tiếng nghe rất buồn, có vẻ hối tiếc, lưỡng lự, muốn trở về thế tục. Phật gọi mà hỏi, khi ông ở nhà thì đã làm gì? Thưa thường đánh đàn. Dây đàn chùng thì thế nào? Thưa không kêu. Dây dàn căng thì thế nào? Thưa mất tiếng. Căng chùng vừa phải thì thế nào? Thưa, âm điệu phát ra đủ cả. Phật nói, học đạo cũng phải như vậy, giữ tâm trí chừng mực thì đạo phải được".
Như vậy tu là vui hay buồn? Phật nói: Vui lắm; hãy nếm lời Phật nói rồi thấy như nếm đường phèn: bên ngoài cũng ngọt, hai bên cũng ngọt, ở giữa cũng ngọt, đâu cũng ngọt cả. Thích thú như vậy là đắc đạo (bài 39).
6. Khuất phục ái dục: Bây giờ tôi đến đề tài cuối cùng, đề tài quan trọng nhất, bàn bạc khắp cả quyển kinh, thử tính sơ sơ: bài 1, 2, 11, 12, 13, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 28, 29, 30, 31, 32, 40, 41. Ðó là ái dục; chặt đứt nó được thì thấy Niết bàn. Không một chữ nào trong quyển kinh nói đến thập nhị nhân duyên. Nhưng ai cũng biết ái dục là khâu quan trọng nhất trong mười hai nhân duyên, từ đó mà đưa đến sinh tử luân hồi, quẩn quẩn quanh quanh trong vòng sống chết.
Tôi chọn đọc vài bài, bài 2 trước tiên, vì bài này đưa ra hình ảnh vị Sa-môn nguyên thủy:
"Phật nói, cạo bỏ râu tóc, làm bậc Sa-môn, tiếp nhận lấy đạo, thì hãy rời bỏ tài sản thế gian, khất thực vừa đủ. Mỗi ngày đứng bóng ăn một bữa, mỗi đêm dưới cây ngủ một lần, thận trọng đừng thêm. Làm cho người u mê, tồi tệ chính là ái dục".
Ăn ngủ biết vừa đủ, đó là khuất phục ái dục. Khuất phục hoa danh (bài 19); khuất phục tiền của (bài 20); khuất phục sắc đẹp (bài 20, 22, 26); khuất phục sự ràng buộc vợ con (bài 21); khuất phục dâm, nộ, si (bài 23): khuất phục nữ sắc (bài 24); khuất phục tình dục (bài 27, 28, 29, 30), ôi, Phật thừa biết rằng cuộc chiến đãu đó gay go lắm, giống như con trâu cày ruộng, chân ngập trong bùn sâu:
"Phật nói, Sa-môn hành đạo là như con trâu mang nặng, đi trong bùn sâu, mệt nhọc đến mấy cũng không dám ngoái nhìn hai bên, mà phải di cho mau, rời khỏi bùn sâu, mới được nghỉ ngơi. Sa-môn coi ái dục còn hơn bùn sâu, nên thẳng tắp một mạch mà hành đạo, mới có thể thoát khỏi sự khổ lụy". (bài 41).
Nhưng chân lý là chân lý, và chân lý đó không phải chỉ đúng đối với các vị Sa-môn mà đúng cho tất cả mọi người, nghĩa là cho cả chúng ta . Giản dị vô cùng.
"Phật nói, con người do ái dục mà lo buồn, do lo buồn mà sợ hãi. Không ái dục thì không lo buồn, không lo buồn thì không sợ hãi" (bài 31).
Phật nói thêm:
"Con người đói với ái dục thì cũng như cầm đuốc mà đi ngược gió, ngu mà không bỏ đuốc xuống thì tất bị cháy tay" (bài 23).
Ðúng là ngu! Biết ngu, ấy là bước đầu trên con đường diệt khổ. Rồi càng bước, càng thấy thanh tịnh. Bởi vậy quyển kinh kết thúc bằng một câu nói mà ai thể hiện đều thấy nhẹ nhàng:
"Phật nói, Như Lai coi cái quý vàng ngọc như sỏi đá, coi cái đẹp tơ lụa như giẻ rách" (bài 42).
II . Vài nét Ðại thừa
Trên đây, tôi đọc khá nhiều bài kinh, cốt để các bạn thấy nét chính của cả quyển: Tính chất mộc mạc. Không lý thuyết cao xa, không văn chương bóng bẩy, lời bình dị, ý dễ hiểu, quyển kinh gói ghém hành trang lên đường của một vị Sa-môn vừa hành đạo. Phật tiễn vị đó lên đường mà dặn dò:
"Hành đạo thì như cái cây ở trong dòng nước, hãy theo dòng nước mà trôi đi, không mắc bờ bên kia, không mắc bờ bên này, không bị người với lấy, không bị quỷ thần ngăn chặn, không bị nước xoáy làm đứng lại, không bị thối rã, thì Như Lai bảo đảm cây ấy vào được biển cả". (bài 25).
Như tôi đã nói ở trên, quyển kinh đặc biệt nhấn mạnh giới, điều mà Phật giáo Nguyên thủy trân trọng bảo tồn; nhiều khi bảo tồn đến mức bảo thủ. Trong ba phương pháp Giới, Ðịnh, Tuệ mà Phật dặn dò, Ðại thừa lại có khuynh hướng đặc biệt nhấn mạnh đến Tuệ, phát triển lên đến chót vót cao xanh khả năng lý thuyết trừu tượng siêu việt của các đại triết gia Phật tử. Tuệ được nói đến trong hai bài kinh, vẫn với lời lẽ giản dị, mộc mạc, nhưng ý nghĩa sâu thẳm. Tôi đọc bài kinh 12:
"Phật nói, lành là gì, là chí hành đạo. Lớn là gì, là chí nguyện phù hợp với đạo. Mạnh nhiều là gì, là nhẫn nhục; nhẫn nhục thì không thù oán, tất được người trọng. Sáng nhất là gì, là dơ bẩn của tâm trí được trừ hết, hành vi của tội ác được diệt sạch, ngay từ bên trong mà sáng không tì vết, thì vô thỉ đến giờ, vũ trụ có gì, dầu chưa manh nha, cũng biết, thấy và nghe cả: được tuệ giác biết toàn bộ mới là sáng nhất".
Gác qua một bên hai chữ nhẫn nhục, vốn là một trong những hạnh Bồ tát lớn nhất của Ðại thừa, tôi chỉ nói đến chữ "sáng", sáng không tì vết, sáng từ bên trong, ý chính của bài kinh. Làm thế nào để tâm trí được sáng? Trừ hết dơ bẩn. Làm thế nào trừ hết dơ bẩn? Diệt sạch hành vi của tội lỗi. Bài kinh đề cao hành vi, bởi vì hành vi tạo ra nghiệp. Mới nghe thì có vẻ giản dị. Nhưng phát triển ý đó ra thì tư tưởng Ðại thừa vô cùng phong phú. Trước hết, hành vi thì có, nhưng tác giả của hành vi có hay không? Cái "tôi" đã là không có, thì ai tạo ra hành vi, ai chịu nghiệp? Ai tu? Ai chứng? Ðừng hỏi thì thôi, hỏi thì đi học tập ngút ngàn trong rừng rậm Ðại thừa. Muốn tìm lối ra, phải nhai cho được một chữ khó nuốt là chữ Tâm. "Hết thảy chúng sinh do tâm tư tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, vì vậy mà có sự luân chuyển trong mọi nẻo đường"(4). Tâm tưởng tạo ra hành vi, biểu lộ qua thân, miệng, ý. Nhưng tâm là gì, cứng hay mềm, tròn hay méo, nằm ở đâu trong lục phủ ngũ tạng? Mình biết là nó có, bởi vì mình biết tâm an hay bất an. Nhưng nó đâu, lấy ra xem chơi, thì chịu. Vậy mà mở quyển kinh Ðại thừa nào ra cũng thấy nó. Nó ở cùng khắp. Thử đọc:
"Tâm thì không có hình sắc để có thể nhận thấy. Nó chỉ do các pháp không thật tập hợp lại mà phát khởi ra, hoàn toàn không có chủ thể, không phải bản ngã và sở hữu của bản ngã. Dẫu rằng tùy nghiệp mà biểu hiện khác nhau, nhưng thật sự trong đó không có cái chủ thể tạo tác. Do đó các pháp toàn là không thể tư duy mô tả, thực chất giống như huyễn ảo. Người có trí tuệ biết như vậy thì hãy tu tập thiện nghiệp" (5).
Tác giả của hành vi là ai? Là tâm. Nhưng tâm có hay không? Lại phải hiểu chữ "Có". Lại phải hiểu chữ "Không". Giữa ác và thiện, giữa hành vi và tác giả, Ðại thừa dựng nên chữ "Không", căn bản của tất cả lý, hạnh, quả, thật tánh của sự vật, mà bát-nhã gọi là "Không tam muội". Ðây là ý niệm tuyệt đối về "Không", là "Không" tuyệt đối, chứ không phải là "Không" đối đãi, không đối với có. Phật nhấn mạnh mối liên lạc giữa Không tam muội với chứng ngộ của Phật:
" Xá-lợi-phất, khi Ta chưa được tuệ giác Phật-đà, ngồi dưới cây bồ đề đại thọ nghĩ rằng chúng sanh vì không được phương pháp gì mà phải luân chuyển sinh tử, không được giải thoát? Ta lại nghĩ chúng sinh vì không có Không tam muội nên lưu chuyển sinh tử mà không có cứu cánh giải thoát ... Ðược Không tam muội thì được Vô nguyện tam muội, được Vô nguyện tam muội thì thành tựu Vô thượng giác". Thì sáng.
Thấy Không thì sáng. Sáng thì sạch nghiệp, thì không tạo ra nghiệp mới nữa. Phật giải thích cho ngài Xá-lợi-phất: "Không tam muội thì không chấp ngã, nhân, thọ mạng, không chấp chúng sanh, không chấp các hành, nên không tạo nghiệp mới, không tạo nghiệp mới nên không còn hậu hữu, không còn hậu hữu thì không có quả báo khổ vui của thế gian"(6).
Sáng làm cho sạch nghiệp. Nhưng sáng đó từ đâu mà đến? Ðột nhiên mà đến hay phải qua một quá trình tu chứng? Cả quyển kinh nhấn mạnh Giới, thì đương nhiên bài kinh 12 không tách rời Tuệ ra khỏi Giới, Tuệ với Giới liên hệ mật thiết với nhau. Làm sạch thân, miệng, ý thì tâm trí mới sáng, tâm trí sáng thì thân miệng ý cũng nhờ đó mà sạch, càng sạch thì càng sáng, sáng thì sạch nghiệp. Bởi vậy, tu là tu bằng Giới và tu bằng Tuệ. Kinh Mười Thiện Nghiệp nói rõ: "Tu tập bằng Giới thì có năng lực phát sinh tất cả lợi ích chân thật trong Phật pháp, đầy đủ chí nguyện vĩ đại"; tu tập bằng Tuệ thì "hủy diệt được mọi thứ quan điểm sai lầm của sự phân biệt"(7). Ý niệm phân biệt là ý niệm phải trừ khử, bởi vì đó là gốc của vọng kiến, của bóng tối trong tư tưởng. Phân biệt là phân biệt anh với tôi, chủ thể với đối tượng, cái nhìn với đóa hồng, chân như với sinh diệt, phiền não với Niết-bàn, vĩnh cửu với hư vô, hữu hạn với vô hạn, cố định với chuyển biến, có với không, nghĩa là tư tưởng nhịn nguyên mà Phật giáo dứt khoát bác bỏ. Phân biệt thì không thấy được toàn thể, không thấy đưọc bản chất của sự vật, không thấy được không, không sáng. Là sạch thân miệng ý là con đường dẫn đến cái sáng. Ðó là sáng trong vắt, xuyên suốt thời gian, xuyên suốt không gian, cái sáng phi thường mà phải đọc kỹ câu kinh để thấy choáng ngợp: "Từ vô thỉ đến giờ, vũ trụ có gì, dù chưa manh nha, cũng biết, thấy và nghe cả". Ðó là cái sáng của tuệ giác, cái sáng của Phật. Chắc tôi không bao giờ có được cái sáng đó. Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều là tôi bắt đầu hiểu được cái sáng đó, và nếu tâm tôi càng gần Phật thì cái hiểu sẽ đưa tôi đến cái thấy lúc nào không hay.
Ðại thừa phát triển cao độ sự khác nhau giữa biết và thấy. Sáng, là biết và thấy. Cả hai sự việc phải xảy ra cùng một lần. Bởi vì khi cả hai xảy ra cùng một lần thì chủ thể và đối tượng mới không còn là hai nữa: Chúng nhập với nhau làm một, hết phân biệt. Phật nói với ông Ma-la-ca: "Thấy là thấy, nghe là nghe, hay là hay, biết là biết..."(8). Nghĩa là gì? Nghĩa là chân lý chỉ có thể thấy một cách trực tiếp. Thấy, là thấy trực tiếp, tự bản thân, bằng kinh nghiệm. Biết, nhiều khi là biết qua trung gian. Thấy, thì không có khoảng cách gì nữa giữa cái thấy và cái được thấy. Thấy như vậy thì mới có cái thấy bừng sáng. Thấy như vậy là tuệ giác. Ðó là cái thấy nói trong bài kinh 13 và 14:
"Phải hết cả dơ bẩn của tâm trí thì biết xuất xứ của nghiệp thức, biết sống chết về đâu, biết thế giới chư Phật ở đâu" (bài 13). Phật nói: "Học đạo thì như cầm đuốc vào trong nhà tối, tối hết mà sáng còn; học đạo mà thấy Thánh đế thì ngu si diệt hết, được sự thấy toàn thể" (bài 14). Chỉ vài câu thôi, ba bài kinh 12, 13 và 14 đã động đến những lý thuyết rắc rối nhất trong tư tưởng Ðại thừa.
Bây giờ tôi đọc vài bài kinh khác có liên quan đến tư tưởng Ðại thừa. Những đề tài này đơn giản hơn.
Trước hết, chúng ta hãy tưởng tượng đoàn thể Tăng già quay quần chung quanh Phật lúc Phật còn tại thế. Phật là Vô thượng. Chung quanh Phật là các đại đệ tử, A-la-hán, trí thức bậc nhất. Nhưng Phật không chỉ xây dựng một đoàn thể Tăng già. Phật còn hóa độ cho mọi tầng lớp người, nghĩa là Phật còn xây dựng một nền móng cư sĩ. Nếu Tăng già ở trong tu viện tượng trung cho chiều hướng trí thức, "quý tộc" của đạo Phật, thì quần chúng ở bên ngoài tượng trưng cho chiều hướng "dân chủ", "xã hội". Một bên thì ngồi đơn độc, thám hiểm tâm linh của chính mình, đi sâu vào bên trong để tìm giải thoát. Một bên thì trải rộng tâm từ ra khắp chúng sinh, sau khi đã có con mắt tuệ, để đưa ai nấy qua bờ bên kia. Ở đây, ai cũng biết lý tưởng Bồ tát của Ðại thừa khác với lý tưởng A-la-hán của Nguyên thủy như thế nào rồi, nên tôi khỏi nói thêm. Chỉ nhắc đến chiều hướng xã hội của Ðại thừa. Ði vào xã hội, tất nhiên phải nói đến gia đình, phải nói đến chính trị, dù chỉ một chút xíu thôi. Chút xíu đó được nói phớt qua, nhưng tôi nghĩ là quan trọng lắm, trong bài 36. Xin đọc:
"Phật nói , thoát đường ác mà được làm người là khó, được làm người mà làm đàn ông là khó, làm đàn ông mà đủ giác quan là khó, đủ giác quan mà sinh xứ trung tâm là khó, sinh xứ trung tâm mà được thờ Phật pháp là khó, được thờ Phật pháp mà gặp quân vương đạo đức là khó, gặp quân vương đạo đức mà sống trong gia đình Bồ tát là khó, sống trong gia đình Bồ tát mà tín ngưỡng Tam bảo gặp nhằm đời Phật là khó".
Gia đình tốt thì đạo Phật thịnh. Quân vương biết đạo đức thì nước sạch sẽ văn hóa. Ðạo Phật không tách rời xã hội. Trong hai buổi công phu sáng chiều, các chùa ở Việt Nam vang dội bốn câu hồi hướng như thế này:
Lại càng nguyện ước
Quốc gia yên ổn
Chinh chiến tiêu tan
Mưa gió thuận hòa
Dân chúng an lạcTrong bốn ân của Phật tử, ân đối với quốc gia là một. Phật tử chúng tôi không muốn gì hơn là được mãi mãi mang ơn các vị quân vương biết đạo đức. Bởi vì sao? Bởi vì các vị như vậy là Bồ tát của chúng tôi.
Bài kinh thứ 9 nhấn mạnh một đề tài khác, vốn là đặc điểm lớn của Ðại thừa. Không người Việt Nam nào không cảm được cái đẹp của một ngày đẹp nhất trong năm: Ngày Vu lan. Bởi vì ai cũng có mẹ, và trước khi thành Phật thì phải được mẹ sinh ra. Chưa bài kinh nào đề cao chữ hiếu thiết tha đến thế, Hòa thượng Trí Quang nói như vậy. Tôi chỉ đọc, khỏi minh họa gì thêm:
"Phật nói, đãi cơm một trăm người thường không bằng một người tốt. Ðãi cơm một ngàn người tốt không bằng một người giữ năm giới . Ðãi cơm một vạn người giữ năm giới không bằng một vị Tu-đà-hoàn. Hiến cơm trăm vạn Tu-đà-hoàn không bằng một vị Tư-đà-hàm. Hiến cơm ngàn vạn Tư-đà-hàm không bằng một vị A-na-hàm. Hiến cơm một ức A-na-hàm không bằng một vị A-la-hán. Hiến cơm mười ức A-la-hán không bằng một vị Bích-chi-Phật. Hiến cơm trăm ức Bích-chi-Phật không bằng đem giáo huấn của Tam Bảo mà hóa độ song thân một đời. Hóa độ song thân ngàn ức đời không bằng hiến cơm một người học theo Phật, nguyện được như Phật để cứu vớt chúng sinh. Hiến cơm người như vậy thì phước sâu dày nhất. Còn phụng thờ trời đất quỷ thần thì không bằng hiếu thảo cha mẹ; cha mẹ là thần linh bậc nhất".
Ðề tài cuối cùng có liên quan đến ảnh hưởng Ðại thừa là đề tài mà tôi đã nói quá nhiều ở phần đầu, nghĩa là đề tài chung của việc tu tập, không phân biệt Nguyên thủy hay Ðại thừa. Tu tập thì gặp nhiều ma. Mà con ma ác hại nhất không có ai khác hơn là con ma phăm, con ma đàn bà. Ma ơi, ta với ngươi như cỏ với lửa, lửa đến thì phải lẹ lẹ tránh xa (bài 28)! Ðàn bà là thử thách lớn nhất của người tu hành. Phật nói: Ái dục không gì hơn sắc đẹp. Sắc đẹp tạo ra ái dục thì không gì lớn bằng. Lớn đến nỗi Phật phải nói đến mức này: "Nhờ chỉ có một cái như vậy, giả sử có cái thứ hai thì thiên hạ không còn ai hành đạo được nữa" (bài 22).
Muốn đánh bạt nữ sắc, phương pháp của người tu hành là quán. Nhan sắc kia thực chất chỉ là một túi da chứa bầy nhầy đồ dơ bẩn (bài 24). Nhưng đàn bà cứ lượn qua lượn lại trong khi người hành đạo phải đi vào xã hội thì sao? Hãy như thế này để gần bùn mà thơm:
"Phật bảo các vị Sa-môn, thận trọng, đừng nhìn phụ nữ. Phải nhìn thì thận trọng đừng nói chuyện. Phải nói chuyện thì sắc lệnh cho tâm trí đi theo nẻo chánh, rằng ta là Sa-môn, ở trong cuộc đời dơ bẩn này ta phải như đóa hoa sen không dính bùn lầy. Già thì coi như mẹ, lớn thi coi như chị, trẻ thì coi như em, nhỏ thì coi như con. Cẩn trọng mà giữ uy nghi, ý thức càng phải đúng Thánh đế" (bài 27).
III. Ngôn ngữ Thiền trong bản kinh sau
Bản kinh được lưu hành cho đến gần đây là bản mà Hòa thượng Trí Quang cho là ra đời vào khoảng nhà Tống, nghĩa là giai đoạn hoàng kim của Thiền ở Trung Quốc. So sánh bản kinh này với bản kinh khi nãy, điểm rõ rệt nhất là ngôn ngữ Thiền được thêm thắt vào quyển kinh. Hòa thượng Trí Quang chê là hoa gấm Thiền làm hỏng cái duyên mộc mạc của bản kinh. Giống như cô gái quê của Nguyễn Bính, đi tỉnh về hôm qua, chẳng thấy thêm gì, chỉ thấy "hương đồng gió nội bay đi ít nhiều". Chỉ đọc là đủ thấy. Bài 1:
"Phật nói, từ biệt cha mẹ, thoát ly gia đình, để nhận tự tâm, thấu suốt bản thể, hội nhập vô vi, nên gọi là Sa môn. Thường giũ 250 giới, động và tĩnh đều thanh tịnh ...".
Bài 2 chải chuốt hơn nữa:
"Phật nói, đã xuất gia làm Sa-môn thì dứt bỏ ái dục, thể nhận nguồn gốc của tâm, thấu suốt lý sâu của Phật, hội nhập vô vi, trong không thủ đắc, ngoài không mong cầu, tâm trí không ràng buộc vào đạo, cũng không kết thắt vào nghiệp, không tư tưởng, không thi vi, phi tu hành, phi chứng đắc, không trải qua mọi cấp độ mà vẫn tôn cao, như thế gọi là đạo".
Bài này đưa ý niệm "Không" vào hành trang của người đi tu, nhưng nếu quyển kinh có mục đích rất nhất quán là nhắc nhủ giới cho người mới lên đường thì những câu "tâm trí không ràng buộc vào đạo, phi tu hành, phi chứng đắc v.v..." có vẻ như đặt không đúng chỗ.
Cũng y hệt như câu này trong bài 11, nghe có vẻ thông thái, nhưng chẳng có ý nghĩa gì:
"... Hiến cơm trăm ức Bích-chi-Phật không bằng một đức Phật thuộc thì gian. Hiến cơm ngàn ức Phật thuộc thì gian không bằng một bậc không nhớ' không ở, không tu, không chứng".
Lại cũng y như bài 18, ý tứ không có gì thêm:
"Phật nói , đạo của Như Lai nhớ là không nhớ mà nhớ, làm mà không làm mà làm, nói mà không nói mà nói, tu là không tu mà tu. Thể hội thì gần lắm, mê mờ thì xa vời! Ngôn ngữ chấm dứt ở đây. Ở đây khái niệm không thể hạn cuộc. Sai trong tơ tóc thì mất trong phút chốc".
Còn một ít chi tiết như thế nữa, nhưng tôi không có thì giờ nói thêm. Xin kết luận như thế này:
1. Phân biệt Phật giáo Nguyên thủy, Ðại thừa như tôi vừa làm trên đây là để nói cho có chuyện nói mà thôi. Ðại thừa là sự phát triển phong phú và cần thiết của một giáo lý đầy sức sống, nhưng phát triển mà không rời gốc. Bởi vì, đi về lại gốc thì chẳng còn Nguyên thủy, Ðại thừa gì nữa. Chữ Giới nói trong kinh này không có con số: 100, 200, 300 ... Cho nên không có gì để chia cách. Ðây là những chuyện hiển nhiên mà Sa-môn nào cũng phải nằm lòng.
2. Giới không phải giới điều. Giữ Giới không phải vì sợ phạm giới điều. Giữ Giới vì hai lẽ: Vì thấy và vì vui. Thấy rằng không thể giữ Giới thì chỉ đi lui. Mà đã tu thì chỉ có thể bước tới. Ðã thấy như vậy, thì chẳng có Phật nào bắt buộc cả, chỉ có mình căn dặn mình. Bởi vậy, Giới không rời khỏi Tuệ. Thấy , rồi vui. Giữ Giới mà khổ sở quá thì thà rằng đừng giữ giới. Giữ Giới mà vui, cái vui ngược lại với cái vui của thiên hạ, như bình bát của Phật trôi ngược dòng nước, thì sự giữ Giới đó mới bền vững. Khi đó thì giữ Giới mà không như giữ Giới. Khi đó thì đi đứng gì cũng thiền.
3. Nhưng, xin bái lạy quý vị "Thiền sư" và "Thiền sinh" tân tiến hiện nay: Nếu quý vị chưa tới mức đó thì thà rằng quý vị cứ bắt chước Lục Vân Tiên khoác tay lia lịa:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai.Giữa Lục Vân Tiên và vị Sa-môn của Kinh Bốn Mươi Hai Bài, khác nhau là ở chổ đó. Tôi có thể tưởng tượng Kiều Nguyệt Nga vén rèm bước ra, mỉm cười thỏ thẻ với Lục Vân Tiên: Chàng ơi, chàng có biết không, Kinh Hạnh Phúc đâu có dạy bịt mắt bắt dê, mà dạy như thế này:
Tiếp xúc với thế gian
Giữ lòng cho ngay thẳngMuốn nói câu kinh đó là Nguyên thủy, Ðại thừa, hay Thiền gì cũng được.
Cao Huy Thuần
Chú thích:
(1) Kinh 42 Bài, Hòa thượng Trí Quang khảo, dịch , chú, 1995.
(2) Luận Ðại Trí Ðộ, Hòa thượng Thiện Siêu dịch, 1997, tập 1, trang 521.
(3) Luận Ðại Trí Ðộ, trang 522.
(4) Kinh Mười Thiện Nghiệp, Hòa thượng Trí Quang dịch, 1997, trang 87.
(5) Kinh Mười Thiện Nghiệp, trang 93.
(6) Hai Thời Công Phu, Hòa thượng Trí Quang dịch, 1994, chú thích ở trang 422 và 423.
(7) Kinh Mười Thiện Nghiệp, trang 153.
(8) Hai Thời Công Phu, trang 426.(*) Xin xem thêm các bản dịch khác về "Kinh Tứ Thập Nhị Chương" (song ngữ Việt-Anh)
Source: Phat-Hoc Magazine, December 1999, http://www.phathoc.org