BuddhaSasana
Home Page
This document is
written in Vietnamese, with Unicode Times font
Một bản thâu gọn quyển "Milinda Panha"
Giới thiệu
Chương 1: Linh hồn
Chương 2: Tái sinh
Chương 3: Khởi thủy của thời gian
Chương 4: Các căn
Chương 5: Ðức Phật
Chương 6: Dính mắc
Chương 7: Trí nhớ
Giới thiệu
"Milinda Panha" là một cuốn sách tiếng Pali được viết vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước Tây lịch (B.C.). Vua Milinda, một nhà vua xứ Bactria trị vì miền đông bắc xứ Ấn Ðộ, gặp một nhà sư thông thái tên là Nagasena và nhà vua đặt nhiều câu hỏi về triết lý, tâm lý và đạo đức của Phật giáo. Sách này đã được phiên dịch hai ra tiếng Anh hai lần: năm 1890 và năm 1969. Hai bản dịch đều đầy đủ văn chương và trong nhiều đoạn đã dịch sát nghĩa, vì thế các bản dịch này chính là dành cho các học giả. Ðại Ðức Pesala, một tăng sĩ Phật giáo tu học ở Miến Ðiện và Thái Lan, đã soạn lại không dịch sát nghĩa mà thâu gọn thành một công trình súc tích và dễ hiểu cho hầu hết mọi độc giả.
Cuốn "Milinda Panha" là cuốn sách cổ được Phật tử tôn trọng và quả vậy sách được đề cao đến độ được tăng sĩ người Miến muốn xếp sách vào Kinh Tạng Pali. Trong nguyên bản tiếng Pali, sách nói rằng những cuộc đối thoại giữa nhà vua Milinda và ngài Nagasena đã xảy ra vào khoảng 500 năm sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn. Tác giả sách này không ai biết nhưng chỉ được biết gần như chắc chắn là tác giả sống ở cực tây bắc Ấn Ðộ. Sách được viết theo thể rất giống với thể đối thoại của nhà hiền triết Plato trong đó Ngài Nagasena đóng vai Socrates và theo lối nhìn của Phật tử thì ngài Nagasena trội hẳn hơn vua Milinda trong cuộc đàm luận nhờ cách lý luận rất hay và các ví dụ so sánh rất xác đáng.
Nguyên bản tiếng Pali được chia ra 6 phần và 22 chương gồm 262 câu hỏi. Bản thâu gọn nay chỉ có 237 câu hỏi và 17 chương. Ðây là một bản thâu gọn chứ không phải là một bản dịch, vì thế nhiều đoạn được cô đọng lại và một số ví dụ so sánh đã được bỏ bớt. Tuy nhiên người soạn vẫn cố giữ đúng ý định của tác giả, đó là giải rõ Phật pháp và làm sáng tỏ những ngộ nhận thông thường (Lời tựa của Ngài Hammalawa Saddhatissa, sách được xuất bản lần đầu ở Delhi, 1991).
Ðại Ðức Pesala là một Tỳ kheo người Anh, được thiền sư Mahasi Sayadaw người Miến làm lễ xuất gia năm 1979 tại Anh Quốc khi Ngài Mahasi đi giảng dạy Thiền Minh Sát (Vipassana) tại Anh. Ðại Ðức Pesala đã qua nước Miến Ðiện ba lần để tu học theo phương pháp Thiền Quán của Ngài Mahasi. Ðại Ðức Pesala cũng tu học 18 tháng tại một thiền viện trong rừng Ðông Bắc Thái Lan và theo truyền thống của Ngài Achaan Chah. Sau khi trở về Anh, Ðại Ðức Pesala đã cùng với Ðại Ðức Hammalawa Saddhatissa soạn nhiều tài liệu Phật giáo giá trị, như "A Buddhist's Manual", "Pali Literature of South-East Asia", "Facets of Buddhism".
Ðể có thể hiểu rõ sự thâm sâu của các đề tài vấn đạo trong kiệt tác này của văn học Phật giáo, độc giả nên nghiên cứu Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Người dịch (bản tiếng Việt) chỉ xin chú giải một vài nơi thấy cần được làm sáng tỏ hơn để giúp phần nào cho độc giả chưa quen với Vi Diệu Pháp. Theo ngài Sayadaw U Thittila (trong The Path of the Buddha), VDP là một hệ thống tâm lý học vì nó khảo sát tâm, tiến trình của tư tưởng và các tâm sở; VDP cũng là hệ thống triết học khảo sát các nguyên tắc, bản chất, của mọi vật; VDP cũng là một nền đạo đức học vì nó có thể giúp ta đạt được cứu cánh tối hậu là Niết Bàn... VDP có thể được tìm hiểu qua các sách như "A Manual of Abhidhamma "của ngài Narada Thera (1956), như "A Comprehensive Manual of Abhidhamma "do Tỳ Kheo Bodhi hiệu đính (1993); "Thắng Pháp Tập Yếu luận "do ngài Thích Minh Châu dịch và giải thích; "Abhidhamma in daily life "của Nina Van Gorkom (1975) và "Vi Diệu Pháp nhập môn "của Giác Chánh (1974). Tất cả căn bản VDP là từ cuốn "Abhidhammatthasangaha "do ngài Anuruddha Thera, người Nam Ấn Ðộ viết từ thế kỷ 11 (A.D).
(Ghi chú: Vì công việc bận rộn, anh Liễu Pháp chỉ mới dịch được 7 chương đầu. Mong rằng trong tương lai, anh hoặc một thiện tri thức nào khác sẽ tiếp tục hoàn tất công tác dịch thuật nầy. -- Bình Anson, 09/97)
Giới thiệu; Chương 1; Chương 2; Chương 3;
Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7
Chương Một: Linh Hồn
Vua Milinda đến viếng Ngài Nagasena. Sau khi trao đổi lời chào mừng và thăm hỏi thân kính, vua lễ phép ngồi một bên. Vua bắt đầu hỏi:
1.
--"Bạch Ðại Ðức, làm thế nào ngài được biết đến và danh tánh của ngài là gì?"
--"Thưa Nhà Vua, tôi là Nagasena nhưng đó chỉ là danh xưng để mọi người gọi thôi, vì chẳng có một cá nhân trường cữu nào cả."
Vua Milinda liền gọi một số người xứ Bactria gốc Hy Lạp và các vị sư đến để làm chứng: "Vị Nagasena nói rằng không có một cá nhân trường cữu trong tên của Ngài. Ðiều này có thể chấp nhận được chăng?"
Rồi nhà vua quay về Ngài Nagasena và nói: "Bạch ngài, nếu điều đó là đúng sự thật thì ai là người dâng y, thức ăn và chốn ở cho ngài? Ai là người sống đời phẩm hạnh? Ai là người sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo hoặc uống rượu? Nếu lời ngài nói là đúng thì chẳng có công đức, chẳng có tội lỗi và cũng chẳng có người hành thiện hay làm ác và chẳng có nghiệp quả hay sao? Bạch Ngài, nếu một người đến giết Ngài thì cũng chẳng có sát nhân và cũng với lý này, chẳng có sư phụ hay bậc trưởng thượng trong Tăng đoàn của Ngài. Ngài nói Ngài được gọi là Nagasena, vậy Nagasena là gì? Có phải là tóc không?"
--"Thưa Nhà Vua, tôi không nói như vậy."
--"Vậy thì phải chăng là móng tay, là răng, là da hay các phần khác của thân thể?"
--"Chắc chắn là không phải."
--"Phải chăng là sắc hoặc thọ, tưởng, hành, thức? Phải chăng là gồm cả ngũ uẩn? Phải chăng một cái gì khác ngoài ngũ uẩn là Nagasena?"
Và Ngài Nagasena vẫn trả lời: "Chẳng phải là thứ nào cả."
--"Xin phép được hỏi, nếu không thể tìm ra được Nagasena thì Nagasena là một tiếng rỗng không, vậy ai là người trước mặt ta đây? Ðó là điều sai lầm mà Ðại Ðức đã nói."
--"Thưa Nhà Vua, Ngài đã được nuôi dưỡng trong nhung lụa từ khi ra đời. Ngài đã đến đây bằng chân hay trong một cỗ xe?"
--"Bạch Ðại Ðức, bằng xe."
--"Vậy xin Ngài hãy cắt nghĩa cỗ xe là gì. Phải chăng cỗ xe là trục xe? hoặc là bánh xe, cương xe hoặc cái kềm cổ ngựa? Phải chăng cỗ xe là tất cả các thứ đó gồm lại hoặc là một cái gì khác ngoài các thứ đó?"
--"Bạch Ngài, chẳng phải là thứ nào cả."
--"Vậy thì, thưa nhà vua, cỗ xe là một tiếng rỗng không. Ngài đã sai lầm khi nói Ngài đến đây trong một cỗ xe. Ngài là một vị vua vĩ đại của Ấn Ðộ, Ngài còn sợ ai mà nói điều sai sự thật?".
Và Ngài Nagasena liền kêu các người xứ Bactria gốc Hy Lạp đến để làm chứng: "Vua Milinda nói Ngài đến đây bằng cỗ xe nhưng khi được hỏi cỗ xe là cái gì thì Ngài không thể chỉ rõ được, thử hỏi điều đó có thể chấp nhận được không?" Liền khi đó 500 người xứ Bactria gốc Hy Lạp reo lên tán thành và nói với nhà vua "Xin Ngài ra khỏi xe nếu có thể được! "
--"Bạch Ðại Ðức, con xin nói sự thật. Tiếng cỗ xe có được là do tất cả các bộ phận xe hợp lại mà thành."
--"Rất hay, Bệ Hạ đã bắt đúng ý nghĩa rồi đó. Tuy vậy, cũng phải hiểu là tiếng Nagasena có được là do 32 loại thể sắc trong thân thể con người và ngũ uẩn của chúng sinh mà thành. Cũng như Ni Sư Vajira đã nói trước mặt Ðức Thế Tôn: tiếng cỗ xe được dùng do các bộ phận xe mà có, cũng y hệt như ta nói đến một chúng sinh khi ngũ uẩn thể hiện."
--"Bạch Ngài Nagasena, thật là tuyệt diệu, mặc dù đây là một vấn đề khó khăn, Ngài đã giải đáp một cách độc đáo. Nếu Ðức Phật mà còn đây thì giải đáp này cũng được Ngài chấp thuận."
2.
-- "Xin Ngài cho biết Ngài đã xuất gia được mấy mùa kiết hạ?"
--"Thưa bệ hạ, bần đạo được bảy."
--"Nhưng làm thế nào mà Ngài nói là Ngài được bảy? Phải chăng Ngài là bảy hay là con số là bảy?"
Và Ngài Nagasena nói: "Cái bóng của Bệ Hạ đang ở trên mặt đất. Thử hỏi Ngài là nhà vua hay cái bóng là nhà vua?"
--"Trẫm là vua, bạch Ngài, nhưng cái bóng mà có được là nhờ có trẫm."
--"Vậy thì, cũng tương tự, số năm bần đạo xuất gia là bảy, bần đạo không phải là bảy. Nhưng chính nhờ có bần đạo mà số bảy mới có và số bảy là của bần đạo cũng cùng ý nghĩa như cái bóng là của Bệ Hạ vậy."
--"Bạch ngài Nagasena, thật là tuyệt diệu và độc đáo. Vấn đề này quả khó mà Ngài đã giải quyết được rồi."
3.
Rồi Ðức Vua nói:
--"Bạch Ðại Ðức, Ngài sẽ còn thảo luận với Trẫm nữa không?"
--"Xin vâng nếu Bệ Hạ sẽ thảo luận như một học giả; nhưng nếu Bệ Hạ sẽ thảo luận như một nhà vua thì không."
--"Học giả thì thảo luận như thế nào?"
--"Khi các học giả thảo luận thì có kết luận, có giải quyết vấn đề; bất cứ ai sai lầm thì nhận lỗi và không vì thế mà tức giận."
--"Còn các nhà vua thì thảo luận như thế nào?"
--"Khi một nhà vua bàn luận một vấn đề và tiến đến một quan điểm, nếu có ai bất đồng quan điểm với nhà vua thì nhà vua thường hay trừng phạt người đó."
--"Vậy thì trẫm sẽ thảo luận như một học giả. Xin Ðại Ðức hãy nói không e sợ."
--"Rất tốt, thưa Bệ Hạ."
Nhà vua nói:
--"Ngài Nagasena, trẫm xin hỏi một câu."
--"Xin Ngài hỏi đi."
--"Trẫm đã hỏi đó, bạch Ngài."
--"Thì bần tăng cũng đã trả lời."
--"Ngài đã trả lời gì?"
--"Bệ Hạ đã hỏi gì?"
Nhà vua nghĩ thầm "Vị sư này quả là một học giả lớn, ông ta thật có đủ khả năng thảo luận với ta." Nhà vua chỉ thị cho quan hầu cận Devamantiya mời Nagasena và nhiều vị sư khác về cung điện. Nhà vua bước đi miệng thì thầm "Nagasena, Nagasena."
4.
Và Devamantiya, Anantakaya và Mankura đi đến cốc của Ngài Nagasena để hướng dẫn các vị sư về cung điện. Khi đang cùng bước đi, Anantakaya nói với Ngài Nagasena "Bạch Ðại Ðức, khi con nói Nagasena, Nagasena đó là gì?"
--"Theo Anantakaya thì Nagasena là gì?"
--"Là linh hồn, là hơi thở bên trong đến rồi đi."
--"Nhưng hơi thở đó nếu đi mà không trở lại thì liệu người đó còn sống hay không?"
--"Chắc chắn là không."
--"Nhưng mà khi người thổi kèn đã thổi ra thì hơi thở có trở lại với họ không?"
--"Thưa Ngài không."
--"Thế thì sao họ không chết?"
--"Con thật không đủ sức bàn cãi với Ngài, cầu xin Ngài hãy chỉ bảo cho."
--"Chẳng có linh hồn trong hơi thở gì cả. Những sự hít vào và thở ra chỉ là những sức mạnh cấu tạo của thân thể."
Rồi Ngài Nagasena giảng về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và Anantakaya thỏa mãn với sự giảng giải của Ngài. (Chú thích của dịch giả: Vi Diệu Pháp là tâm lý học của Phật giáo, phân tích Danh và Sắc, giải thích cặn kẽ các tâm sỡ, sự diễn tiến của tâm, giúp ta hiểu được sự liên hệ giữa thân và tâm, bản chất tùy duyên, tương quan của vạn vật.)
5.
Sau khi các vị sư đã tới cung điện và thọ trai xong. Nhà vua ngồi xuống một nơi thấp và hỏi:
--"Chúng ta sẽ thảo luận gì đây?"
--"Chúng ta sẽ thảo luận về Phật Pháp."
--"Bạch Ðại Ðức, ý định tiến tới của Ngài là gì và mục đích tối hậu Ngài nhắm là gì?"
--"Ý định tiến tới của chúng ta là dập tắt đau khổ, cho đau khổ không còn khởi sinh nữa; mục đích tối hậu của chúng ta là dứt bỏ mọi dính mắc."
--"Bạch Ngài, phải chăng đó là những lý do cao thượng mà mọi người gia nhập tăng đoàn?"
--"Không hẳn như vậy. Có người gia nhập để tránh tàn bạo của vua chúa, người thì để khỏi bị trộm cướp, người thì để tránh nợ và kẻ thì để kiếm sống. Tuy nhiên, người gia nhập Tăng đoàn chính đáng là để dứt bỏ mọi dính mắc."
6.
Nhà vua nói:
--"Có người nào mà không tái sinh sau khi chết?"
--"Thưa có. Người nào mà không còn ô nhiễm thì không tái sinh sau khi chết, kẻ nào còn ô nhiễm thì tái sinh."
--"Ngài sẽ tái sinh hay không?"
--"Nếu bần đạo chết với tham ái trong tâm thì sẽ tái sinh, còn ngược lại thì không."
7.
--"Phải chăng người thoát vòng tái sinh là thoát được bằng sức mạnh của lý luận?"
--"Người đó thoát được bằng cả luận lý và trí huệ, đức tin, đạo hạnh, chánh niệm, tinh tấn và bằng thiền định."
--"Phải chăng lý luận cũng như là trí huệ?"
--"Thưa không. Loài súc vật có lý luận mà không có trí huệ."
8.
--"Bạch Ngài Nagasena, đặc điểm của lý luận là gì? Và đặc điểm của trí huệ là gì?"
--"Cầm giữ là đặc điểm của lý luận, cắt bỏ là đặc điểm của trí huệ."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Người cắt lúa tóm lúa thành một bó bằng tay trái và với tay phải cầm lưỡi liềm, người đó cắt bó lúa."
--"Cũng như vậy, thưa đức vua, người xuất gia cầm giữ tâm của họ bằng lý luận và cắt bỏ ô nhiễm bằng trí huệ."
9.
--"Bạch Ngài Nagasena, đặc điểm của đạo hạnh là gì?"
--"Là hỗ trợ vì đó là nền tảng của mọi đức tính: năm khả năng kiểm soát, bảy yếu tố giác ngộ, tám chi bát chánh đạo, bốn phép quán niệm, tứ chánh cần... Tất cả đều có đạo hạnh hỗ trợ và người xuất gia trao dồi các khả năng, đức tính với đạo hạnh hỗ trợ sẽ luôn được tăng tiến."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Thưa đức vua, cũng như mọi loài súc vật và cây cỏ được nuôi dưỡng nhờ đất đai là nguồn hỗ trợ, thì người xuất gia với đạo hạnh là nguồn hỗ trợ, phát triển năm khả năng kiểm soát v.v... Và điều này đã được Ðức Thế Tôn nói: Khi một người thông thái đã được đạo hạnh cao dày Phát triển được tâm định và trí huệ Rồi thì, như một bậc Tỳ kheo hăng say và nhạy bén Vị này sẽ giải quyết được sự rối rắm này."
10.
--"Cái gì là đặc điểm của đức tin?"
--"Ðó là sự sáng tỏ và sự hứng khởi. Như đức tin bừng dậy trong tâm, nó đâm thủng màn ngăn chặn của ngũ giác và tâm trở nên trong sáng, tĩnh lặng; vì thế đức tin làm sáng tỏ. Và sự hứng khởi là nét tiêu biểu của đức tin khi thiền giả cảm nhận được tâm kẻ khác đã được giải thoát, lấy làm hứng khởi về chứng ngộ mình chưa đạt được. Về điều này, Ðức Thế Tôn có nói: Bằng đức tin vượt qua cơn lũ Bằng thức tĩnh sống trong biển đời Bằng vững chãi tiêu cơn phiền muộn Bằng trí huệ người được thanh lọc."
11.
--"Và bạch Ðại Ðức, cái gì là đặc điểm của tinh tấn?"
--"Ðó là sự tăng cường, để hỗ trợ cho những đức tính không bị tàn lụi đi."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Thưa nhà vua, cũng như khi quân đội của Ngài bị một đoàn quân lớn hơn chọc thủng, Ngài sẽ phải nghĩ tới việc kêu gọi đồng minh để tăng cường cho quân đội của Ngài và đánh lại đoàn quân kia. Vì thế sự tăng cường là đặc điểm của tinh tấn. Về điều này Ðức Thế Tôn có nói: Hỡi các vị sư, người đệ tử cao thượng tinh tấn Bỏ đi điều bất thiện và hãy hành thiện Tránh xa điều ô nhục và phát triển cao thượng Và nhờ đó người giữ được tâm trong sạch."
12.
--"Bạch Ngài Nagasena, đặc điểm của chánh niệm là gì?"
--"Niệm và giữ trong tâm. Khi chánh niệm bừng dậy trong tâm, hành giả niệm đi niệm lại những điều thiện và bất thiện, điều đáng trách và không đáng trách, điều không đáng kể và quan trọng, những đức tính và tính xấu, những gì tương tự và nghĩ rằng: Ðó là bốn lãnh vực quán niệm, tứ chánh cần, bốn căn bản thành tựu, năm khả năng kiểm soát, năm sức mạnh của đức hạnh, bảy yếu tố giác ngộ, tám chi trong Bát chánh đạo, đây là sự tĩnh lặng, sự minh sát, nhìn rõ và giải thoát. Với cách đó, hành giả thực tập vun bồi những đức tính thích đáng trên và gột bỏ đi những gì nên tránh."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Cũng như vị quan thủ quỹ nhắc nhở nhà vua về cỡ lớn của quân đội và của cải đang còn trong kho."
--"Làm thế nào mà giữ được chánh niệm?"
--"Khi chánh niệm bừng dậy trong tâm, hành giả phân loại những đức tính và những tính xấu, nghĩ rằng những tính này là hữu ích và tính kia là có hại. Với cách đó, hành giả loại bỏ được những gì bất thiện và giữ được điều thiện trong tâm."
--"Xin cho một thí dụ."
--"Cũng như vị thủ tướng cố vấn cho nhà vua hành động cho đúng. Và điều này Ðức Thế Tôn có dạy như sau: 'Này các vị sư, ta tuyên bố Chánh niệm được hữu ích ở tất cả mọi nơi.'
13.
--"Bạch ngài Nagasena, đặc điểm của thiền định là gì?"
--"Thưa nhà vua, chính là kẻ lãnh đạo. Tất cả mọi đức tính đều coi thiền định như vị thủ lãnh, đều nương tựa và phục tùng theo thiền định."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Như các rui kèo của một ngôi nhà đều nương vào cột chính, những đức tính đều dựa vào thiền định. Và đều này đã được Ðức Thế Tôn dạy như sau: 'Này các vị sư, hãy phát triển thiền định, một vị tỳ kheo có thiền định thấy được sự vật một cách chính thực.'
14.
--"Bạch ngài Nagasena, cái gì là đặc điểm của trí huệ?"
--"Thưa nhà vua, đó là soi sáng. Khi bừng dậy trong tâm, trí huệ đánh tan bóng tối của vô minh, làm nhãn quang khởi dậy, ánh sáng hiểu biết chói lọi và sự thật hiển lộ rõ rệt. Cũng như vậy, thiền giả với trí huệ trong sáng nhất lãnh hội được vô thường, khổ và vô ngã của mọi pháp."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Thưa nhà vua, cũng giống như một ngọn đèn trong phòng tối soi sáng phòng và làm cho mọi vật được thấy rõ."
15.
--"Bạch Ngài Nagasena, những đức tính trên đều khác nhau, vậy thì chúng có đem lại cùng một kết quả hay không?"
--"Ðúng vậy, các đức tính đó đều cùng phá bỏ những ô nhiễm trong tâm, cũng giống như các thành phần của một đoàn quân, voi, ngựa, quân xa và cung tên đều cùng một kết quả là chiến thắng quân địch."
--"Bạch Ngài Nagasena, quả thật Ngài đã giải đáp rất tài tình."
Giới thiệu; Chương 1; Chương 2; Chương 3;
Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7
Chương Hai: Tái Sinh
1.
--"Bạch Ngài Nagasena, người bị tái sinh phải chăng cùng là người đó hay là một người khác?"
--"Chẳng cùng là người đó mà cũng chẳng phải là người khác."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Trong trường hợp một bình sữa, trước hết sữa đông thành sữa đặc, rồi được làm thành bơ, rồi được nấu sôi thành dầu; thật là sai lầm khi nói rằng dầu bơ và sữa đặc đều cũng là sữa, tuy nhiên nói rằng ba thứ đó không phải là sữa cũng không đúng vì chúng đều do sữa mà ra."
2.
--"Người sẽ không bị tái sinh có biết được điều đó không?"
--"Thưa nhà vua, có."
--"Bằng cách gì mà người đó biết được?"
--"Bằng sự chấm dứt những gì là nguyên nhân hay là điều kiện của tái sinh. Như một người nông dân mà không cày cấy hoặc không gặt hái thì phải biết là vựa lúa của mình sẽ không được đầy lúa."
3.
--"Bạch Ngài Nagasena, trong một người mà kiến thức (nana) khởi sinh thì trí huệ (panna) có cùng khởi sinh không?"
--"Thưa nhà vua, có."
--"Phải chăng kiến thức cũng là trí huệ?"
--"Thưa nhà vua, vâng."
--"Nếu vậy thì người có kiến thức và trí huệ, có vô minh về một điều gì hay không?"
--"Người đó vẫn không hiểu biết về những gì chưa được học hỏi, tuy nhiên xét về những gì trí huệ đã đạt được - như là sự lãnh hội được vô thường, khổ và vô ngã - thì người đó không vô minh."
--"Thế thì cái gì đã xảy đến cho những ảo tưởng đã có từ trước về sự thường còn, hạnh phúc và tự ngã?"
--"Từ lúc mà chánh kiến sinh khởi thì ảo tưởng biến mất ngay. Cũng như là khi mà ánh sáng chiếu đến thì bóng tối tan đi."
--"Nhưng rồi thì trí huệ sẽ trở nên cái gì?"
--"Khi mà trí huệ đã hoàn thành nhiệm vụ, trí huệ sẽ biến đi; tuy nhiên sự hiểu biết về vô thường, khổ và vô ngã sẽ tồn tại."
--"Xin ngài cho một ví dụ."
--"Như một người muốn viết một lá thư ban đêm thì cần phải thắp đèn rồi mới viết thư. Sau đó người này tắt đèn. Tuy rằng đèn đã tắt, lá thư vẫn còn."
4.
--"Người sẽ không bị tái sinh có cảm thấy khổ thọ nào hay không?"
--"Người đó có thể cảm thấy đau đớn về thể chất nhưng không đau đớn về tinh thần."
--"Nếu người đó cảm thấy đau đớn thì tại sao lại không chết đi để chấm dứt dính mắc và chấm dứt đau khổ?"
--"Một vị A la hán không ham thích mà cũng không ghét bỏ đời sống. Vị đó không làm rụng trái chưa chín mà chờ cho đến khi trái chín mùi. Về điều này, vị đệ tử chính của Ðức Phật, Ðại Ðức Sariputa, có nói: Ta chẳng nâng niu đời sống mà cũng không màng đến sự chết Như người làm mướn chờ thù lao, ta đợi thời gian sẽ đến. Ta chẳng ham muốn đời sống hay mong chờ sự chết Mà ở trong chánh niệm và hiểu biết khi thời gian trôi qua."
5.
--"Phải chăng lạc thọ là thiện, bất thiện hay trung hoà?"
--"Có thể là một trong ba thứ."
--"Bạch Ðại Ðức, nếu thiện nghiệp không mang lại đau khổ và nghiệp mang lại đau khổ là bất thiện thì chắc chắn rằng không có thiện nghiệp nào lại cùng lúc có thể mang lại đau khổ." (Chú giải của bản tiếng Anh: Thiện nghiệp không mang lại đau khổ nhưng khó làm vì dính mắc và sân hận. Chính vì những ô nhiễm này tạo nên đau khổ chứ không phải do thiện nghiệp. Ác nghiệp thì tạo đau khổ nhưng chúng ta thích làm vì vô minh, rồi khi nghiệp quả đến thì ta phải đau khổ.)
--"Thưa nhà vua, Ngài suy nghĩ gì vậy? Nếu một người nọ cầm trên một bàn tay một cục sắt nóng và trên bàn tay kia một cục nước đá, thì thử hỏi hai thứ đó có làm người đó cảm thấy đau nhức không?"
--"Ðương nhiên là đau."
--"Vậy thì giả thuyết Ngài đặt ra đã sai rồi. Nếu cả hai không đều là sức nóng mà sức nóng làm đau, và cả hai không là sức lạnh mà sức lạnh làm đau, thì cảm giác đau không do ở sức nóng hoặc sức lạnh."
--"Con không thể cải lại với Ngài được. Xin Ngài hãy giảng giải cho."
Rồi sau đó Ngài Ðại Ðức dạy cho Nhà Vua về Vi Diệu Pháp:
--"Có sáu lạc thú trên thế gian và sáu điểm ngược lại; có sáu đau buồn trên thế gian và sáu điều ngược lại; và có sáu xả thọ (trung tính: không vui cũng không buồn, không sướng cũng không khổ) trong mỗi trường hợp. Tất cả gồm có ba mươi sáu cảm thọ. Rồi thì có 36 cảm thọ trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai, vì thế tất cả gồm có 108 cảm thọ."
6.
--"Bạch Ngài Nagasena, cái gì được tái sinh?"
--"Tâm và Thân."
--"Phải chăng chính thân và tâm hiện tại này sẽ tái sinh?"
--"Không, không phải như vậy, nhưng bằng chính thân và tâm này mà hành nghiệp được tạo nên và do những hành nghiệp này mà một thân và tâm khác tái sinh; tuy nhiên thân và tâm sau này không vì thế mà khỏi liên hệ đến quả của những hành nghiệp đã có từ trước."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Cũng giống như ngọn lửa mà một người đã đốt và khi đã sưởi ấm, người đó bỏ đi mà để lửa vẫn cháy. Rồi nếu ngọn lửa đó bắt cháy vào ruộng lúa của một người khác và người chủ ruộng này bắt và truy tố người đó với nhà vua và nếu người đó nói rằng:
--"Thưa Bệ Hạ, con không đốt ruộng lúa của người này. Ngọn lửa mà con để cháy khác với ngọn lửa đốt cháy ruộng. Con không có tội." Nhà vua xem người này có đáng bị trừng phạt không?"
--"Dĩ nhiên đáng tội, bởi vì dù người đó có nói gì thì ngọn lửa sau là do ngọn lửa trước mà có."
--"Ðúng vậy, thưa nhà vua, bằng chính tâm và thân này mà hành nghiệp đã được làm ra và do những hành nghiệp này mà một tâm và thân khác tái sinh; tuy nhiên thân và tâm sau này không vì thế mà khỏi liên hệ đến quả của hành nghiệp đã có từ trước."
7.
--"Bạch Ngài Nagasena, Ngài sẽ bị tái sinh không?"
--"Hỏi lại câu đó thì có ích lợi gì? Có phải bần đạo đã nói rằng nếu chết với sự tham ái trong tâm thì sẽ tái sinh, còn nếu không có tâm tham ái thì sẽ không tái sinh."
8.
--"Ngài vừa giảng giải về tâm và thân. Vậy tâm là gì và thân là gì?"
--"Cái gì thô cậy và có tính cách vật chất thì thuộc về thân (sắc), cái gì mỏng manh và trong lãnh vực ý thức thì thuộc về tâm (danh)."
--"Tại sao thân và tâm không sinh ra riêng rẽ."
--"Những điều kiện liên quan này cũng giống như lòng trứng và vỏ trứng, chúng luôn luôn sinh khởi cùng với nhau và chúng đã liên quan như vậy từ thời vô thỉ."
9.
--"Bạch Ngài Nagasena, khi Ngài nói đến thời vô thỉ, thời gian có ý nghĩa gì và quả thật có thời gian như vậy không?"
--"Thời gian có nghĩa là quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian thì có đối với một số người, còn đối với những người khác thì thời gian không có. Ở nơi đâu có chúng sinh sẽ tái sinh thì có thời gian; ở nơi nào mà chúng sinh không tái sinh thì đối với họ thời gian không có."
--"Ngài Nagasena, Ngài quả thật tài tình trong việc đối đáp."
Giới thiệu; Chương 1; Chương 2; Chương 3;
Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7
Chương Ba: Khởi Thủy Của Thời Gian
1.
--"Bạch Ngài Nagasena, cái gì là gốc của thời gian, quá khứ, hiện tại và tương lai?"
--"Là vô minh. Vô minh là nhân duyên làm hành nghiệp sinh khởi; hành nghiệp là nhân duyên làm sinh khởi thức tái sinh (*); thức làm sinh khởi danh sắc; danh sắc làm sinh khởi lục nhập; lục nhập làm sinh khởi xúc; xúc làm sinh khởi thọ; thọ làm sinh khởi ái; ái làm sinh khởi thủ; thủ làm sinh khởi hữu; hữu làm sinh khởi sanh; sanh làm sinh khởi lão, tử, thương tiếc, ân hận, đau khổ, buồn bã và thất vọng."
(*) Chú giải của người dịch: thức tái sinh hay thức nối kết là dịch theo nguyên bản tiếng Anh từ chữ "relinking consciousness". Thực ra, hành nghiệp không chỉ là nhân duyên làm sinh khởi thức tái sinh mà cũng là nhân duyên cho những thức dị thục (resultant consciousness) trong kiếp sống sau thức tái sinh - theo lời giảng của Thiền sư U Silananda.
2.
--"Ngài nói rằng sự khởi sinh đầu tiên hết của sự vật thì khó thấy được. Xin ngài cho một ví dụ."
--"Ðức Thế Tôn có nói: 'Tại vì có sáu căn và trần mà xúc sinh khởi; tại vì có xúc mà thọ sinh khởi; tại vì có thọ mà ái sinh khởi; và tại vì có ái mà nghiệp sinh khởi. Và từ nghiệp mà lục căn lại một lần nữa sinh khởi'. Bây giờ liệu sự sinh khởi dây chuyền này có thể chấm dứt được không?"
--"Thưa không."
--"Vậy thì, thưa Nhà Vua, sự sinh khởi đầu tiên của sự vật không thể thấu hiểu được."
3.
--"Phải chăng sự sinh khởi đầu tiên của mọi vật ta không thể biết được?"
--"Một phần là vậy, phần khác thì không."
--"Vậy thì cái gì biết được và cái gì không biết được?"
--"Về bất cứ điều kiện nào đi trước kiếp này mà đối với ta như là không có từ trước, thì sự sinh khởi đầu tiên hết không thể biết được. Nhưng đối với những gì trước không có mà nay hiện hữu và vừa mới sinh khởi thì lại biến mất thì sự sinh khởi đầu tiên có thể biết được."
4.
--"Phải chăng có những pháp hữu vi được tạo tác nên?"
--"Thưa Nhà Vua, chắc chắn như vậy. Nơi nào mà có mắt và cũng có hình sắc thì có nhãn thức; nơi nào có nhãn thức thì ở đó có xúc; nơi nào có xúc thì có cảm thọ; nơi nào có cảm thọ thì có tham ái; nơi có tham ái thì có thủ; nơi có thủ thì có hữu; nơi nào có hữu thì ở đó có sanh, lão, tử, thương, tiếc, ân hận, đau khổ, buồn bã và thất vọng. Nhưng nơi nào mà không có mắt và hình sắc thì không có nhãn thức, không có xúc, không có thọ, không có tham ái, không có thủ, không có hữu; và nơi nào không có hữu thì không có sanh, lão, tử, thương tiếc, đau khổ, buồn bã hay thất vọng."
5.
--"Có chăng những pháp hữu vi mà không được tạo tác nên?"
--"Thưa Nhà Vua, chẳng có pháp hữu vi nào như vậy, bởi vì pháp hữu vi được tạo tác nên chỉ do một tiến trình của hữu."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Có phải ngôi nhà mà Bệ Hạ đang ngồi đây đã được tạo nên do một tiến trình của hữu?"
--"Chẳng có một thứ gì ở đây mà không có từ trước. Gỗ này là đã từ trong rừng, đất sét này là ở đất mà ra và do công sức của người xây, đàn ông và đàn bà, mà ngôi nhà này mới hiện hữu."
--"Thưa Nhà Vua, cũng giống như vậy, chẳng có pháp hữu vi nào mà không được tạo tác nên."
6.
--"Phải chăng có một kẽ chứng ngộ (vedagu)?"
--"Ðó là cái gì theo Nhà Vua?"
--"Là một căn nguyên sống động mà bên trong có thể thấy, nghe, nếm ngửi, cảm xúc và phân biệt sự vật, như là chúng ta ngồi đây, có thể nhìn ra bất cứ cửa sổ nào mà ta muốn nhìn."
--"Thưa Nhà Vua, nếu căn nguyên bên trong đó có thể thấy nghe, nếm, ngửi, và cảm xúc như Ngài nói thì thử hỏi nó có thể thấy hình sắc qua lỗ tai được không? Và, tương tự như vậy, qua các căn khác được không?"
--"Bạch Ngài không thể được."
--"Vậy thì căn nguyên đó chẳng có thể dùng bất cứ căn nào mà nó muốn như Ngài đã nói. Thưa Nhà Vua, chính là do nơi mắt và hình sắc mà nhãn thức và các nhân duyên khác sinh khởi; cũng tương tự như vậy với xúc, thọ, tưởng, tác ý, định tâm, tĩnh thức và chánh niệm. Mỗi thứ sinh khởi cùng lúc với nguyên nhân của nó và vì vậy 'kẽ chứng ngộ' không có thể được tìm thấy đâu."
7.
--"Phải chăng ý thức sinh khởi nơi nào mà nhãn thức sinh khởi?"
--"Thưa Nhà vua, đúng vậy, nơi nào có cái này thì nơi đó có cái kia."
--"Cái nào sinh khởi trước?"
--"Nhãn thức trước rồi đến ý thức."
--"Phải chăng nhãn thức ra hiệu lệnh cho ý thức hay ngược lại?"
--"Không, chẳng có truyền thông gì cả giữa hai thứ."
--"Bạch Ngài Nagasena, vậy thì tại sao ý thức lại sinh khởi nơi nào mà nhãn thức sinh khởi?"
--"Thưa Nhà Vua, tại vì có một khuynh hướng, một cơ hội, một thói quen và một sự liên hệ."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Nếu một người muốn ra khỏi thành với tường lũy kiên cố mà chỉ có một cổng thành thì người đó sẽ đi ngã nào?"
--"Ði qua cổng thành."
--"Nếu có một người khác cũng ra khỏi thành thì theo ngã nào?"
--"Cũng đi qua cổng thành."
--"Thử xem người đi trước có bảo người kia đi theo cùng ngã với mình hoặc người đi sau có nói sẽ đi cùng ngã với người trước?"
--"Bạch Ðại Ðức, hai người đó chẳng có nói chuyện với nhau."
--"Thì cũng như vậy, ý thức khởi sinh nơi nào có nhãn thức và hai thứ chẳng có truyền thông gì với nhau."
8.
--"Bạch Ngài Nagasena, phải chăng nơi nào có ý thức thì luôn luôn có xúc và thọ?"
--"Ðúng vậy, nơi nào có ý thức thì có xúc và thọ. Và cũng có tưởng, tác ý, tầm và tứ."
9.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho xúc?"
--"Sự đụng chạm."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Như khi hai con trừu đực húc sừng vào nhau; con mắt (nhãn căn) thì giống như một trong hai con trừu và vật nhìn thấy được (nhãn trần) thì giống như con trừu kia và sự húc nhau của hai con trừu chính là xúc."
10. "Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho cảm thọ?" "Thưa Nhà Vua, đó là người có kinh nghiệm cảm xúc và được thích thú." "Xin cho một ví dụ." "Như một người phục vụ cho Nhà Vua và được phong chức vụ, sau đó cảm thấy thích thú hưởng quyền lợi của chức vụ."
11.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho tưởng?"
--"Ðó là nhận biết, như sự nhận biết các màu sắc, xanh vàng hay đỏ." (Chú giải của bản tiếng Anh: Sự nhận biết có ba tầm mức - tưởng sanna, thức vinnana và tuệ panna - có thể so sánh như là sự biết của một đứa bé, một người đàn ông và một chuyên viên ngân hàng khi họ trông thấy một đồng tiền vàng. Ðứa bé thì chỉ biết đó là một vật tròn và sáng chói; người đàn ông thì biết thêm là đồng tiền có giá trị; còn nhân viên ngân hàng thì biết rõ hết về đồng tiền vàng.)
--"Xin cho một ví dụ."
--"Cũng giống như là người thủ quỹ của Nhà Vua nhận biết tài sản của Nhà Vua khi nhìn vào màu sắc và hình dáng của chúng."
12.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho tác ý?"
--"Ðó là được quan niệm và được chuẩn bị."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Một người sau khi sửa soạn thuốc độc và uống vào, rồi sau đó phải chịu đau đớn thì một người sau khi nghĩ đến ác nghiệp và thực hiện ác nghiệp đó, rồi về sau phải chịu đau khổ trong địa ngục."
13.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho thức?"
--"Ðó là sự biết thưa Nhà Vua."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Một người canh gác khu phố phải biết người nào đó đang đi đến và từ hướng nào; cũng như vậy, khi một người nhìn thấy một vật, nghe một âm thanh, ngửi một mùi, nếm một vị, cảm xúc một sự đụng chạm hay có một ý kiến, thì chính bằng thức mà người đó biết được."
14.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho tầm?"
--"Ðó là sự nhắm vào một mục tiêu, thưa Nhà Vua."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Như một người thợ mộc nhắm để đặt một đòn mộng đã được đẽo vừa vặn vào khuôn mộng của nó, sự nhắm vào mục tiêu là đặc điểm của tầm."
15.
--"Cái gì là đặc điểm tiêu biểu cho tứ?"
--"Là quán xét đi quán xét lại."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Cũng như gõ chuông ví là tầm, sự ngân nga của tiếng chuông ví như là tứ."
16.
--"Phải chăng ta có thể tách rời những nhân duyên trên bằng cách nói rằng: Ðây là xúc, đây là thọ, đây là tưởng, đây là tác ý, đây là thức, đây là tầm và đây là tứ?"
--"Không, thưa Nhà Vua, không thể phân tách như thế được. Nếu nồi canh được nấu với bơ sữa, muối, gừng, bột gia vị và tiêu thì ta không thể tách ra mùi vị của từng món và nói đây là mùi bơ, đây là vị muối... Tuy nhiên mỗi mùi vị riêng vẫn có trong canh bằng đặc điểm của nó."
17.
Rồi Ngài Ðại Ðức nói:
--"Thưa Nhà Vua, phải chăng muối có thể nhận biết bằng con mắt?"
--"Bạch Ngài, đúng vậy."
--"Thưa Nhà Vua, xin Ngài hãy cẩn thận trong lời nói."
--"Vậy thì muối được nhận biết bằng lưỡi."
--"Vâng đúng vậy."
--"Tuy nhiên, bạch Ðại Ðức, phải chăng mọi loại muối được nhận biết bằng lưỡi?"
--"Vâng, tất cả mọi loại."
--"Thế thì tại sao muối lại được chở từng khối?"
--"Không thể chở riêng chất muối được. Thí dụ, muối cũng có trọng khối nhưng không thể cân chất muối được, chỉ cân được trọng khối của muối."
--"Ngài quả thật là tài tình trong luận lý."
Giới thiệu; Chương 1; Chương 2; Chương 3;
Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7
Chương Bốn: Các Căn
1.
--"Phải chăng ngũ căn được tạo tác nên do nhiều hành nghiệp khác nhau hay tất cả các căn đều do một hành nghiệp tạo nên?"
--"Thưa Nhà Vua, do nhiều hành nghiệp khác nhau."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Giả sử Ngài gieo xuống ruộng năm loại hạt giống khác nhau thì mùa màng gặt hái được sẽ là năm loại khác nhau."
2.
--"Bạch Ngài Nagasena, tại sao mọi người sinh ra lại không giống nhau; người thì chết trẻ và người thì sống lâu; người bệnh hoạn và người thì khỏe mạnh; người thì xấu và người thì đẹp; người thì nhiều quyền hạn kẻ thì không có quyền; người thì giàu có và kẻ thì nghèo khó; người thì được sinh ra nơi cao quý và kẻ thì sinh ra nơi hạ tiện; người thì khôn ngoan và kẻ thì ngu dại?"
--"Tại sao mọi loại rau cỏ lại không giống nhau?"
--"Tại vì chúng được tạo nên từ các loại hạt giống khác nhau."
--"Vậy thì, thưa Nhà Vua, cũng giống như vậy, tại vì các hành nghiệp khác nhau mà chúng sinh tất cả không cùng giống nhau. Về điều này Ðức Thế Tôn có nói: Tất cả mọi chúng sinh đều có hành nghiệp như là của cải của họ, họ thừa hưởng hành nghiệp như gia tài được để lại cho họ, họ được sinh ra từ hành nghiệp, là họ hàng của hành nghiệp, coi hành nghiệp như nơi trú ẩn; hành nghiệp gì mà họ đã làm phân chia họ vào bậc cao hay thấp."
3.
--"Ngài đã nói rằng Ngài sẽ tiến đến nơi mà đau khổ được dập tắt và không còn đau khổ nào nữa sẽ sinh khởi. Phải chăng điều đó có được là do những cố gắng đã có từ trước hay cố gắng từ nay về sau?"
--"Những cố gắng bây giờ thì quan tâm tới những gì sẽ phải làm, những cố gắng đã qua thì đã hoàn tất những gì đã phải làm."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Phải chăng Ngài chờ đến khi quân thù dàn trận chống mình thì Ngài mới sắp đặt việc đào mương, đắp đê, dựng chòi canh, xây đồn và thâu góp lương thực?"
--"Bạch Ðại Ðức, chắc chắn là không."
--"Thì cũng như vậy, những cố gắng bây giờ thì quan tâm tới những gì sẽ còn phải làm, những cố gắng đã qua thì hoàn tất những gì đã phải làm."
4.
--"Ngài nói rằng lửa địa ngục có thể tức thì hủy hoại một tảng đá lớn như ngôi nhà; nhưng Ngài lại nói bất cứ chúng sanh nào bị tái sinh vào địa ngục, tuy có bị đốt cháy hàng trăm ngàn năm thì họ vẫn không bị hủy hoại. Làm sao mà điều này có thể tin được?"
--"Mặc dù rằng thức ăn, xương và ngay cả đá sỏi được ăn vào trong bụng mẹ cũng bị hủy hoại, nhưng bào thai trong bụng mẹ lại không bị hủy hoại. Cũng tương tự như vậy, những chúng sanh trong địa ngục tránh bị hủy hoại bằng ảnh hưởng của nghiệp."
5.
--"Ngài nói rằng thế giới đặt nền tảng trên nước, nước đặt nền tảng trên gió, và gió đặt nền tảng trên không gian. Ðiều này cũng không thể tin được." Rồi vị Ðại Ðức chỉ cho Nhà Vua nước trong một bình lọc nước được giữ nhờ áp lực không khí và Nhà Vua được thuyết phục.
6.
--"Phải chăng sự ngưng nghỉ là Niết Bàn (Nibbana)?"
--"Thưa Nhà Vua, đúng vậy. Mọi lạc thú ngu dại trên trần gian đều đặt nền tảng trên ngũ căn và ngũ trần; chúng sanh tìm thấy khoái lạc trong đó và dính mắc vào đó. Từ đó, chúng sanh bị trôi lăn theo thác lũ dục vọng và không thoát khỏi vòng sanh tử và đau khổ. Người đệ tử khôn ngoan của các bậc cao thượng thì không thỏa thích vào các căn và trần. Và trong người đó tham ái ngưng nghỉ, dính mắc dứt bỏ, hữu không còn, sanh chấm dứt, lão, tử, thương tiếc, ân hận, đau khổ, buồn rầu và thất vọng không còn tồn tại. Như vậy, sự ngưng nghỉ chính là Niết Bàn."
7.
--"Phải chăng mọi người đều đạt được Niết Bàn?"
--"Thưa Nhà Vua, không phải tất cả đều đạt đến Niết Bàn; tuy nhiên, bất cứ ai mà cư xử đúng đắn, biết những gì nên biết, nhận biết những gì nên nhận biết, rũ bỏ những gì đáng rũ bỏ, phát triển những gì đáng phát triển và thực hiện những gì đáng thực hiện thì người đó sẽ đạt được Niết Bàn."
8.
--"Phải chăng người chưa đạt đến Niết Bàn có thể biết được quả thật Niết Bàn là hạnh phúc?"
--"Thưa Nhà vua, quả đúng vậy. Giống như những ai mà chưa bị cắt cụt tay và chân có thể biết đau đớn đến thế nào khi nghe tiếng khóc la của người bị cắt tay chân, thì những ai chưa đạt được Niết Bàn cũng có thể biết Niết Bàn hạnh phúc như thế nào khi nghe được những tiếng vui mừng của người đã đạt được."
Giới thiệu; Chương 1; Chương 2; Chương 3;
Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7
Chương Năm: Ðức Phật
1.
--"Bạch Ngài, Ngài và các bậc thầy của Ngài đã từng thấy Ðức Phật không?"
--"Thưa Nhà Vua, không."
--"Vậy thì, bạch Ngài Nagasena, không có Ðức Phật!"
--"Nhưng Nhà Vua và Vua cha đã từng thấy sông Uha trong Hi Mã Lạp sơn chưa?"
--"Bạch Ðại Ðức, chưa thấy."
--"Vậy thì vì chưa thấy mà ta nói không có sông Uha, nói thế có đúng chăng?"
--"Ngài Nagasena, Ngài quả thật tài tình trong việc đối đáp."
2.
--"Phải chăng Ðức Phật không gì so sánh được?"
--"Ðúng vậy."
--"Nhưng làm thế nào Ngài biết được nếu Ngài chưa thấy Ðức Phật."
--"Giống như những ai chưa bao giờ thấy đại dương có thể biết được đại dương vĩ đại như thế nào vì năm dòng sông lớn chảy vào đại dương mà mức nước đại dương vẫn không dâng lên; cũng như vậy, bần tăng biết được không gì so sánh được với Ðức Phật khi nghĩ đến những bậc thầy cao cả mà họ chỉ là đệ tử của Ðức Phật."
3.
--"Phải chăng những người khác có thể biết được Ðức Phật không gì so sánh được?"
--"Quả thật họ có thể biết được."
--"Làm thế nào mà họ biết được?"
--"Thuở xưa lâu lắm, có bậc thầy nổi tiếng về viết lách tên là Tissa Thera. Làm thế nào mà người ta biết về ông ta?"
--"Bằng công trình văn chương ông ta để lại."
--"Thì cũng như vậy, thưa Nhà Vua, người nào đã thấy giáo pháp mà Ðức Phật đã giảng dạy có thể biết được Ngài không gì so sánh được."
4.
--"Bạch Ngài Nagasena, Ngài đã đạt được chân đế chưa?"
--"Thưa Nhà Vua, chúng tôi là đệ tử của Ðức Phật, phải tuân theo những điều Ngài giảng dạy." (Chú giải của bản tiếng Anh: giới điều cho tỳ kheo là không được tiết lộ chứng ngộ nào mình đạt được.)
5.
--"Có thể có sự tái sanh chăng nơi mà không có sự di chuyển (sắc danh) nào cả?"
--"Vâng, có thể được, giống như một người mồi một ngọn đèn từ một ngọn đèn khác mà chẳng có gì di động cả từ ngọn đèn này qua ngọn đèn kia; cũng giống như một người học trò có thể học thuộc lòng bài thơ từ người thầy mà bài thơ chẳng di chuyển từ người thầy qua người trò."
6.
Và vua Milinda lại hỏi:
--"Phải chăng có một kẻ chứng ngộ?"
--"Chẳng có nếu nói trong nghĩa cứu cánh." (Chú giải của bản tiếng Anh: Có hai mức sự thật; sự thật trong qui ước và sự thật trong tận cùng cứu cánh. Trong nghĩa qui ước, có thể là sai nếu rằng một người không hiện hữu; tuy nhiên trong nghĩa cứu cánh điều đó là đúng. Trong thực tế, chỉ có một luồng sắc danh thay đổi liên tục nhưng ta lầm lẫn cho rằng đó là một người thay vì chỉ là một tiến trình.)
7.
--"Phải chăng có một thực thể di chuyển từ một thân thể này qua một thân thể khác?"
--"Không có như vậy."
--"Nếu vậy thì thử hỏi có sự thoát khỏi quả của bất thiện nghiệp đã làm hay không?"
--"Có sự thoát khỏi nghiệp quả nếu không tái sanh và không thoát khỏi nghiệp quả nếu sẽ phải tái sanh. Tiến trình sắc và danh này làm những hành nghiệp thiện và bất thiện và do những hành nghiệp đó mà một tiến trình sắc và danh khác tái sanh. Vì thế sắc và danh này không thoát khỏi nghiệp quả."
--"Xin cho một ví dụ."
--"Giả sử một kẻ cắp đã đánh cắp những trái xoài của một người nọ, liệu kẻ cắp đáng bị trừng phạt không?"
--"Dĩ nhiên đáng bị trừng phạt."
--"Tuy nhiên xoài bị đánh cắp không phải là xoài mà người nọ đã trồng xuống; thế thì tại sao kẻ cắp lại đáng bị trừng phạt?"
--"Tại vì những trái xoài bị đánh cắp là do xoài được trồng mà có."
--"Giống như cái tiến trình sắc danh này đã làm những hành nghiệp thiện hay bất thiện, và do những hành nghiệp đó mà một tiến trình danh sắc khác tái sanh. Vì thế cho nên danh sắc này không thoát khỏi quả của nghiệp bất thiện đã làm."
8.
--"Khi hành nghiệp đã được làm bởi một tiến trình danh sắc thì chúng ở đâu?"
--"Hành nghiệp luôn theo tiến trình danh sắc đó như cái bóng, không bao giờ rời. Tuy nhiên, ta không thể chỉ vào hành nghiệp mà nói rằng chúng ở đây hay ở đó, cũng như ta không thể chỉ trái trên cây khi mà cây chưa sinh trái."
9.
--"Phải chăng người sắp tái sanh biết được là họ sắp tái sanh?"
--"Vâng, người đó có thể biết được, giống như một người nông dân gieo hạt xuống đất và thấy trời mưa nắng đầy đủ thì có thể biết được mùa màng sẽ được sản xuất."
10.
--"Phải chăng có một người như là Ðức Phật?"
--"Vâng."
--"Phải chăng ta có thể chỉ là Ngài ở đây hay ở đó?"
--"Ðức Thế Tôn đã qua đời và chẳng có gì còn lại để tạo nên một người khác. Ngài không được tìm thấy ở đâu cả, như là một ngọn lửa đã tắt thì không thấy đâu nữa. Tuy nhiên, lịch sử về sự hiện hữu của Ngài thì có thể tìm biết được trong kinh tạng mà Ngài đã giảng dạy."
Giới thiệu; Chương 1; Chương 2; Chương 3;
Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7
Chương Sáu: Dính Mắc
1.
--"Bạch Ngài Nagasena, phải chăng các vị xuất gia như Ngài coi thân thể là thân yêu?"
--"Thưa Nhà Vua, không phải vậy."
--"Thế thì tại sao các Ngài nuôi dưỡng, và chú ý quá đáng đến thân thể?"
--"Chúng tôi nuôi dưỡng thân thể và lo cho thân thể như quí vị săn sóc một vết thương, chẳng phải vì quí vị thương yêu gì vết thương mà chỉ vì để cho da thịt có thể nẩy nở lại. Về điều này, Ðức Phật có nói: 'Thân dơ này hôi hám kinh thay Như phân, nơi cặn bã sa thải Thân này người hiểu biết chán chê Kẻ dại ngu mới còn thích thú. Thân thể, bọc ung nhọt chín lỗ Bao bằng lớp da nhầy ướt dơ Nhỏ giọt chất bẩn rơi cùng khắp Mùi hôi nhiễm độc bầu không khí. Chẳng may thân thể này vỡ ra Mọi thứ bên trong tràn ra khỏi Chác chắn chẳng cần đến roi đòn Ðể đuổi chó và quạ chạy mất.' "
2.
--"Nếu quả Ðức Phật có trí huệ cùng khắp thì tại sao Ngài chỉ đặt ra giới điều khi có hoàn cảnh sinh khởi?"
--"Ngài chỉ đặt ra giới điều khi cần thiết cũng giống như một vị y sĩ chỉ cho toa thuốc khi cần đến mặc dầu vị y sĩ đã biết mọi thuốc men trước khi cơn bịnh sinh ra."
3.
--"Nếu Ðức Phật có 32 tướng tốt của một đại nhân thì tại sao cha mẹ của Ngài lại không có tướng tốt như vậy?"
--"Hoa sen sinh ra trong bùn và nở đẹp đẽ trong nước không giống gì với bùn và nước, cũng như vậy Ðức Phật không giống cha mẹ của Ngài."
4.
--"Phải chăng Ðức Phật là người sống đời trong sạch, độc thân?"
--"Thưa Nhà Vua, quả vậy."
--"Vậy thì Ngài là tín đồ của Brahma (Chú giải của người dịch: Brahma là vị thần linh cao nhất của cõi vô sắc giới, giáo chủ của Hồi giáo)."
--"Mặc dầu tiếng của một con voi giống như tiếng của con vạc, con voi đâu phải là đệ tử của loài vạc. Thưa Nhà Vua, phải chăng Brahma là một vị có trí huệ (buddhi)?"
--"Thưa Ngài, đúng vậy."
--"Vậy thì Brahma chắc phải là một đồ đệ của Ðức Phật!"
5.
--"Phải chăng thụ phong thành tu sĩ là một điều tốt?"
--"Ðúng vậy."
--"Nhưng Ðức Phật được thụ phong hay không?"
--"Thưa Nhà Vua, khi Ðức Phật đạt được trí huệ dưới gốc cây Bồ Ðề thì đối với Ngài đó là sự thụ phong; chẳng có ai thụ phong cho Ngài như là Ngài đã thụ phong cho đồ đệ của Ngài."
6.
--"Thử xem với trường hợp nào thì nước mắt là nguồn chữa trị; phải chăng khi một người khóc vì mẹ mất hay người đó khóc vì cảm nhận được sự thật?"
--"Thưa Nhà Vua, nước mắt trong trường hợp đầu là nước mắt hoen ố và nóng bỏng với dính mắc, nhưng nước mắt trường hợp thứ hai không bị hoen ố và tươi mát. Có nguồn chữa trị trong sự tươi mát và trong tĩnh lặng, còn trong sức nóng và dục vọng thì không thể có sự chữa trị."
7.
--"Cái gì khác biệt giữa một người đầy dính mắc và một người khác không còn dính mắc?"
--"Thưa Nhà Vua, người dính mắc thì bị trói buộc còn người kia thì không."
--"Ðiều đó có nghĩa gì?"
--"Người dính mắc thì sống trong tham muốn còn người kia thì không."
--"Tuy nhiên cả hai đều thích thức ăn ngon, không ai thích ăn dỡ."
--"Thưa Nhà Vua, người dính mắc khi ăn thì kinh nghiệm cả mùi vị lẫn sự dính mắc, nhưng người không dính mắc thì khi ăn chỉ kinh nghiệm mùi vị mà không kinh nghiệm sự dính mắc do mùi vị sinh ra."
8.
--"Trí huệ thì ở vào đâu?"
--"Thưa Nhà Vua, không đâu cả."
--"Vậy thì không có trí huệ."
--"Gió thì ở đâu?"
--"Không đâu cả."
--"Vậy thì không có gió!"
--"Nagasena, Ngài quả thật tài tình trong việc đối đáp."
9.
--"Vòng sanh tử luân hồi có nghĩa là gì?"
--"Người nào sinh ra ở đây thì chết ở đây và sinh ra ở một nơi khác. Sau khi sinh ra ở đó thì chết ở đó và sẽ sinh ra một nơi khác nữa."
10.
--"Bằng cái gì mà ta nhớ được những gì đã làm từ lâu về trước?"
--"Bằng trí nhớ (sati)."
--"Phải chăng bằng tâm (citta) mà ta nhớ được?" (*)
--"Thưa Nhà Vua, Ngài có nhớ lại được một việc nào mà Ngài đã làm và rồi sau đó quên bẵng đi?"
--"Thưa có."
--"Vậy thì lúc Ngài quên, Ngài không có tâm chăng?"
--"Không phải vậy, nhưng chỉ tại trí nhớ hỏng thôi."
--"Thế thì tại sao Ngài lại nói chúng ta nhớ bằng tâm?"
(*)Chú thích của người dịch: Chữ 'citta' được dịch là tâm, tiếng Anh là 'mind' hay 'consciousness' . Theo Vi diệu pháp - Abhidhamma - tâm là sự biết một đối tượng, một sự biết đơn thuần - a pure awareness of an object; tâm chẳng bao giờ mà không có đối tượng; tâm luôn luôn ở với ta, cho dù lúc ta bị đánh thuốc mê hay bị bất tĩnh, 'being unconscious', không còn ý thức theo nghĩa tục đế 'conventional truth'.)
11.
--"Phải chăng trí nhớ luôn luôn tự nó sinh khởi hay là trí nhớ được khơi dậy từ ngoại cảnh?"
--"Thưa Nhà Vua, cả hai."
--"Tuy do cả hai nhưng phải chăng tựu trung tất cả đều do trí nhớ tự nó sinh khởi?" (Chú giải của bản tiếng Anh: Có lẽ vua Milinda nghĩ rằng bởi vì sự nhớ lại do ngoại cảnh có được cũng bằng sự vận dụng trí nhớ thì chung qui cũng do trí nhớ là nguồn gốc.)
--"Thưa Nhà Vua, nếu giả sử rằng chẳng có trí nhớ phiến diện thì người học nghề chẳng cần thực tập hay học hỏi và thầy giáo sẽ không còn ích lợi gì,nhưng thực sự thì ngược lại (Chú thích của bản tiếng Việt: trí nhớ không hoàn hão và cần tới ngoại cảnh)."
Giới thiệu; Chương 1; Chương 2; Chương 3;
Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7
Chương Bảy: Trí Nhớ
1.
--"Bạch Ngài Nagasena, có bao nhiêu phương thức làm trí nhớ hiễn lộ?"
--"Thưa Nhà Vua, có mười bảy phương thức để nhớ lại, đó là:
-- bằng kinh nghiệm cá nhân, như khi Ngài Ananda nhớ lại những kiếp trước của Ngài (mà chẳng có một sự phát triễn đặc biệt nào cả);
-- nhờ ngoại cảnh, như khi những người khác nhắc nhở người hay lãng quên;
-- do biến cố hay dữ kiện quan trọng, như khi Nhà Vua nhớ lại khi mình được thụ phong ngai vàng hoặc khi một người đắc được đạo quả đi vào dòng giải thoát sinh tử;
-- nhờ ấn tượng tạo nên do sự lợi lạc, như khi một người nhớ lại những gì đem lại sung sướng cho mình;
-- do ấn tượng tạo nên bởi sự tai hại, như khi một người nhớ lại những gì mang lại đau khổ cho mình;
-- bằng sự tương tự về hình dáng, như một người nhớ lại cha mẹ hoặc anh chị em của mình khi nhìn thấy một người nào giống như họ;
-- bằng sự khác biệt về hình dáng, như một người nhớ lại một người nào đó khi nhìn thấy một người khác biệt với người đó;
-- bằng kiến thức về nói năng, như khi một người được những người khác nhắc nhở đến;
-- bằng dấu hiệu, như khi một người nhận biết được con bò kéo xe bằng cách nhìn một nhãn hiệu;
-- bằng sự nổ lực vận dụng trí nhớ, như khi một người được khẩn khoản yêu cầu nhiều lần;
-- bằng kiến thức về đánh vần, như một người biết viết nhớ từng chữ theo sau chữ khác;
-- bằng sự tính toán , như khi những kế toán viên tính toán những số tiền lớn bằng tài năng của họ về những con số;
-- bằng cách học thuộc lòng, như những người tụng kinh nhớ kinh bằng tài tụng đọc của họ;
-- bằng thiền quán, như khi một vị sư nhớ lại kiếp trước của mình;
-- bằng sự tham khảo về sách vở, như khi các vị vua cố nhớ lại một luật lệ ban hành trước đây bằng cách tham khảo một cuốn sách;
-- bằng sự hứa hẹn, như một người khi nhìn hàng hóa được giao đến thì nhớ lại những điều kiện mà hàng hóa đã được giao hẹn từ trước;
-- hoặc bằng sự liên hệ, như khi thấy hay nghe một vật gì thì người đó nhớ lại những vật khác có liên hệ đến vật đó."2.
--"Ngài nói rằng có người đã sống một đời bất thiện cả trăm năm mà khi lâm chung nghĩ đến đức Phật thì có thể sẽ tái sinh về cõi trời; và một người tốt, chỉ vì một bất thiện nghiệp, có thể sẽ tái sinh trong cõi địa ngục. Tôi chẳng tin hai điều đó."
--"Thưa Nhà Vua, Nhà Vua có nghĩ rằng một hòn đá nhỏ có thể nỗi trên nước được không nếu không có một chiếc thuyền?"
--"Thưa không"
--" Nhưng mà ngay cả một xe đầy đá cũng nỗi trên nước được trong một chiếc thuyền. Như vậy Nhà Vua nên nghĩ về thiện nghiệp như là một chiếc thuyền."
3.
--"Phải chăng các vị sư cố sức dứt bỏ đau khổ trong quá khứ, hiện tại và tương lai?"
--"Không, chúng tôi cố sức để đau khổ này ngưng lại và chẳng còn đau khổ khác khởi sinh."
--"Nhưng, thưa Ngài, phải chăng bây giờ thì chẳng có một điều gì như là đau khổ trong tương lai?"
--"Không có"
--" Vậy thì Ngài quả quá sức khéo léo trong sự cố sức dứt bỏ đau khổ đó !"
--"Thưa Nhà Vua, phải chăng đã có nhiều nhà vua thù nghịch nỗi lên chống đối Ngài?"
--"Thưa đã có như vậy."
--"Phải chăng chỉ đến khi họ nỗi lên chống đối rồi Ngài mới chuẩn bị trận mạc?"
--"Chẳng phải như vậy chút nào. Tất cả công việc chuẩn bị đều đã phải làm trước khi đó để ngăn chận mọi hiểm nguy trong tương lai."
--"Nhưng thưa Nhà Vua, phải chăng bây giờ thì chẳng có một điều gì như là hiểm nguy trong tương lai?"
--"Thưa Ðại Ðức, không có."
--"Vậy thì Nhà Vua quả quá sức khéo léo trong sự cố sức dứt bỏ hiểm nguy đó!"
--"Bạch Ngài Nagasena, Ngài quả thực tài tình trong việc đối đáp."
4.
--"Cách bao xa thì lên đến cõi trời Brahma?"
--"Thưa Nhà Vua, rất xa; một hòn đá rơi từ cõi trời Brahma thì có thể mất hết bốn tháng mới đến trái đất mặc dầu rằng đá rơi nhanh 48,000 dặm hải lý mỗi ngày."
--"Vậy thì làm thế nào mà một vị sư có thể đi đến đó nhanh như vậy bằng sức lực siêu phàm của vị sư?"
--"Thưa Nhà Vua ngài sinh ở đâu?"
--"Có một hòn đảo tên là Alasanda, tôi đã sinh ra ở đó."
--"Ở đó cách đây bao xa?"
--"Vào khoảng hai trăm dặm hải lý."
--"Ngài có nhớ công việc gì ngài đã làm ở đó?"
--"Thưa có."
--"Cũng nhanh như vậy ngài đã đi hai trăm dặm. Cũng giống hệt như vậy vị sư có thể tức khắc đến được cõi Brahma bằng sức lực siêu phàm của mình."
5.
--"Nếu một người giả sử phải chết và sẽ tái sinh ở cõi Brahma, và cùng lúc một người khác giả sử sẽ chết và sẽ tái sinh ở vũng Kashmir, thử hỏi người nào sẽ đến nơi trước?"
--"Từ quê của ngài đến đây thì cách bao xa?"
--"Hai trăm dặm hải lý"
--"Kashmir thì cách bao xa?"
--"Mười hai dặm hải lý."
--"Vậy thì nơi nào Nhà Vua nhớ đến nhanh hơn?"
--"Bạch Ðại Ðức cả hai nơi đều giống nhau."
--"Cũng giống như vậy, thưa Nhà Vua, những người chết cùng một lúc sẽ tái sanh cùng một lúc."
6.
--"Có bao nhiêu yếu tố giác ngộ?"
--"Thưa Nhà Vua, có bảy."
--"Có mấy yếu tố làm một người thức tĩnh thấy được chân lý?"
--"Có một, đó là sự tìm hiểu chân lý, bởi vì chẳng có gì được hiểu biết nếu không có sự tìm hiểu."
--"Vậy thì tại sao lại nói có bảy?"
--"Cây kiếm đang ở trong bao kiếm của ngài có thể chặt được cái gì không nếu không được cầm lên trong tay?"
--"Thưa Ðại Ðức, không."
--"Cũng giống như vậy, thưa Nhà Vua, nếu không có những yếu tố giác ngộ khác thì riêng sự tìm hiểu chân lý không thể thức tĩnh ta để thấy được chân lý."(*)
(*) Chú thích bản tiếng Việt: sự tìm hiểu chân lý hay trạch pháp là một trong bảy chi của Thất giác chi.
7.
--"Bạch Ngài, giữa công đức và tội lỗi thì thứ nào khá hơn?"
--"Thưa Nhà Vua, công đức. Người làm điều tội lỗi cảm thấy ăn năn và nhận biết lỗi lầm của mình, vì vậy tội lỗi không gia tăng. Còn người tạo công đức thì không ăn năn; vui mừng khởi sinh và nhờ vui vẻ người đó cảm thấy dễ chịu, nhờ được thoải mái như vậy cảm thấy bằng lòng an nhiên, và nhờ được bằng lòng an nhiên, tâm người đó dễ được định tĩnh, và nhờ được định tĩnh người đó sẽ thấy được thực tại, thấy được mỗi vật đúng thực như là chính nó. Với cách này công đức gia tăng. Vì vậy công đức quả khá hơn mhiều. Tội lỗi tương đối là không khá."
8.
--"Bạch Ngài, giữa hành động bất thiện có ý thức và hành động bất thiện không có ý thức thì hành động nào tội lỗi trầm trọng hơn?"
--"Thưa Nhà Vua, hành động bất thiện vô ý thức thì trầm trọng hơn."(*)
--"Vậy thì ta nên trừng phạt gấp đôi những người hành động bất thiện vô ý thức."
--"Xin hỏi Nhà Vua, một người không biết hòn sắt cháy đỏ là nóng và cầm hòn sắt đó thì bị phỏng nặng hơn là nếu người đó biết sắt đỏ là nóng, phải không?"
--"Nếu không biết thì sẽ bị phỏng nặng hơn."
--"Vậy thì, thưa Nhà Vua, cũng giống hệt như thế với người hành động bất thiện mà không biết mình làm điều bất thiện, người này có tội lỗi trầm trọng hơn."
(*) Chú thích của bản tiếng Anh: Mọi hành vi bất thiện đều do ở nguồn gốc si mê, vô minh, vì thế nếu một người làm điều bất thiện mà biết như vậy thì sẽ cảm thấy ăn năn và có thể sẽ cải thiện sớm hơn là người không biết gì, hoàn toàn trong vô minh.
9.
--"Bạch Ngài, có chăng người nào mà có thể bằng thân xác đến được cõi trời Brahma không?"
--"Thưa Nhà Vua, có. Cũng dễ như Nhà Vua có thể nhảy một khoảng ngắn bằng cách định trong tâm mình: 'ta sẽ nhảy đến đó', thì một người đã đắc các tầng thiền (jhana) có thể đi đến cõi trời Brahma như vậy."
10.
--"Có chăng những bộ xương dài 100 dặm hải lý?"
--"Vâng, có những con cá trong đại dương dài 500 dặm hải lý (khoảng 3500 dặm thường) mà những cá này có các bộ xương như trên."
11.
--"Có thể ngăn chận được hơi thở không?"
--"Có thể chứ. Cũng như ta có thể làm ngưng tiếng ngáy của một người mà tâm chưa được phát triễn bằng cách bẽ nghiêng thân thể của người đó, thì một người đã phát triễn trí huệ có thể làm ngưng hơi thở của mình."
12.
--"Tại sao biển (samudda) đươc gọi tên như vậy?"
--"Tại vì biển là một tổng hợp đồng nhất, cân bằng của muối và nước." (sama: cân bằng, đồng đều; udda: nước; hai chữ họp lại samudda: biển).
13.
--"Tại sao biển đều cùng có một vị?"
--"Bởi vì biển đã có từ lâu lắm." (*)
(*) Chú thích: Cũng như biển đều cùng một vị mặn của muối, Phật pháp đều cùng một vị giải thoát.
14.
--"Phải chăng ta có thể phân tích được cả đến vật vi tế nhất?"
--"Thưa Nhà Vua, đúng vậy. Trí tuệ có thể phân tích mọi vật vi tế.'
--"Mọi vật vi tế là có nghĩa gì?"
--"Mọi vật vi tế là pháp (*). Nhưng không phải mọi pháp đều vi tế, có những pháp thì thô sơ. Vi tế hay thô sơ chỉ là những quan niệm. Cái gì mà phân chia được thì trí tuệ đều phân tích được. Chẳng có cái gì khác mà phân tích được trí tuệ."
(*) Chú thích của bản tiếng Anh: pháp dịch từ 'dhamma', ở đây có nghĩa là hiện tượng hay trạng thái; pháp còn có nghĩa khác là học thuyết, luật thiên nhiên.
15.
--"Bạch Ngài Nagasena, ba tiếng tâm (vinnana) (*), trí tuệ (panna) và linh hồn (bhutasmim jivo) có khác nhau về ý nghĩa cốt tủy hay chỉ khác nhau trên tên gọi mà thôi?"
--"Thưa Nhà Vua, sự biết là biểu tượng cho tâm, sự phân biệt là biểu tuợng cho trí tuệ. Linh hồn thì chẳng có ở đâu cả."
(*) 'vinnana' là tiếng đồng nghĩa với 'citta' được dịch là tâm hay thức, tiếng Anh là 'mind' hay 'consciousness' .
16.
Ngài Ðại Ðức nói:
--"Ðức Phật đã làm một điều khó khăn; đó là phân biệt tất cả những trạng thái tâm tùy thuộc vào các căn , chỉ rõ thế nào là xúc, thế nào là thọ, thế nào là tưởng, thế nào là tác ý và thế nào là tâm (citta)."
--"Xin Ngài cho một ví dụ."
--"Nếu một người vúc một ngụm nước đầy tay và nếm, người này có thể nói: 'nước này từ sông Ganges, nước này từ sông Jumna, Gandak hay Mahi '. Nói vậy thì dễ nhưng khó hơn là làm sao phân tích được tất cả những trạng thái tâm đi kèm với mỗi một cảm giác phân biệt."
17.
Vì đã đến nữa đêm, Nhà Vua dâng cúng lễ vật lên Ngài Nagasena và nói:
--"Như một sư tử bị giam trong cũi vàng chỉ mong mõi được tự do, ta cũng mong được sống đời một vị sư nhưng ta có lẽ sẽ chẳng sống được lâu, vì vậy nhiều thứ là kẻ thù của ta."
Rồi thì, Ngài Nagasena, sau khi đã giải quyết các câu hỏi do Vua Milinda đặt ra, đứng dậy rời ghế ngồi và trở về chòi của Ngài. Chẳng bao lâu sau khi Ngài Nagasena đi rồi, Vua Milinda suy ngẫm lại về các câu hỏi và câu trả lời rồi kết luận:
--"Ta đã hỏi mọi chuyện một cách đúng đắn và Ngài Nagasena đã trả lời tất cả một cách hoàn mãn."
Và ở tại chòi, Ngài Nagasena cũng suy ngẫm và kết luận tương tự.
oOo
(Ghi chú: Vì công việc bận rộn, anh Liễu Pháp chỉ mới dịch được 7 chương đầu. Mong rằng trong tương lai, anh hoặc một thiện tri thức nào khác sẽ tiếp tục hoàn tất công tác dịch thuật nầy. -- Bình Anson, 09/97)
Giới thiệu; Chương 1; Chương 2; Chương 3;
Chương 4; Chương 5; Chương 6; Chương 7