Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THỰC HÀNH PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ
(VIPASSANĀBHĀVANĀ)

ÐỐI TƯỢNG TỨ OAI NGHI
(IRIYĀPATHAPABBA)

Dhammarakkhita Bhikkhu
(Tỳ Khưu Hộ Pháp)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


Mục lục

Lời nói đầu
Phần I- Ðối tượng Tứ oai nghi
Phần II- Nghi lễ thọ pháp hành Thiền Tuệ
Phần III- Vấn đáp
Ðoạn kết

-ooOoo- 

Lời Nói Ðầu

Một hôm, Ngài Ðại Ðức Cakkhupāla đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

- Bhante, imasmiṃ sāsane kati dhurāni? [1]
Kính bạch Ðức Thế Tôn, trong Phật giáo này có bao nhiêu phận sự?

Ðức Thế Tôn dạy Ngài Ðại Ðức Cakkhupāla rằng:

- Ganthadhuraṃ vipassanādhuran’ti dveyeva dhurāni, bhikkhu.
Này Tỳ khưu, trong Phật giáo này chỉ có hai phận sự duy nhất là:

1- Ganthadhura: Phận sự học pháp học chánh pháp.
2- Vipassanādhura: Phận sự hành pháp hành thiền tuệ.

* Phận sự học pháp học chánh pháp như thế nào?

Tỳ khưu có trí nhớ trí tuệ, có khả năng, cố gắng tinh tấn học thuộc lòng trọn vẹn lời giáo huấn của Ðức Phật trong Tepiṭaka: Tam tạng: Luật tạng, Kinh tạng, Vi diệu pháp tạng; hoặc Pañcanikāya: ngũ bộ: Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Ðồng hợp bộ kinh, Chi bộ kinh, Tiểu bộ kinh gồm cả Luật tạng và Vi diệu pháp tạng, tùy theo khả năng trí nhớ trí tuệ của mình.

Ðó là phận sự học pháp học chánh pháp.

* Phận sự hành pháp hành thiền tuệ như thế nào?

Sau khi đã học pháp học chánh pháp, có nền tảng căn bản, có hiểu biết rõ về hành giới, hành pháp hành thiền định, hành pháp hành thiền tuệ xong rồi, Tỳ khưu hành giả hài lòng hoan hỉ sống một mình nơi thanh vắng, nuôi mạng chân chánh, cách sống dễ dàng; ngày đêm tinh tấn tiến hành pháp hành thiền tuệ cho đến khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp; dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo -- Nhập Lưu Thánh Quả; Nhất Lai Thánh Ðạo -- Nhất Lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Ðạo -- Bất Lai Thánh Quả; A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng; trong 4 Thánh Ðạo Tâm, 4 Thánh Quả Tâm có Niết Bàn làm đối tượng, diệt đoạn tuyệt được mọi tham ái, phiền não không còn nữa, hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế, thành tựu xong phạm hạnh cao thượng trong Phật giáo.

Ðó gọi là phận sự hành pháp hành thiền tuệ.

Hai phận sự này có liên quan mật thiết với nhau, hoàn toàn nương nhờ lẫn nhau. Sở dĩ sự tiến hành thiền tuệ chứng đắc được Thánh Ðạo -- Thánh Quả, Niết Bàn là vì nhờ có pháp học chánh pháp tối thiểu phải học 4 pháp niệm xứ, 4 pháp tinh tấn, 4 pháp thành tựu, 5 pháp chủ, 5 pháp lực, 7 pháp giác chi, 8 pháp chánh đạo, gọi là 37 pháp chứng đắc Thánh Ðạo (Bodhipakkhiyadhamma).

Thật vậy, chỉ có hai phận sự duy nhất này mới có thể giữ gìn duy trì chánh pháp của Ðức Phật được lưu truyền lâu dài trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho chúng sinh nhất là nhân loại, chư thiên, phạm thiên.

Phật giáo (Buddhasāsana) là lời giáo huấn của Ðức Phật. Phật giáo có 3 loại:

1- Pariyatti sāsana: Pháp học Phật giáo.
2- Paṭipatti sāsana: Pháp hành Phật giáo.
3- Paṭiveddha sāsana: Pháp thành Phật giáo.

* Pháp học Phật giáo nghĩa là gì?

Trong Chú giải Chi bộ kinh định nghĩa:

"Pariyatti tepiṭakaṃ Buddhavacanaṃ sāṭṭhakathā Pāḷi". [2]
"Pháp học Phật giáo là học lời giáo huấn của Ðức Phật trong Tam tạng cùng Chú giải bằng tiếng Pāḷi".

Tiếng Pāḷi là ngôn ngữ chung của chư Phật trong quá khứ, Ðức Phật hiện tại và chư Phật trong vị lai. Tiếng Pāḷi có nguồn gốc từ ngôn ngữ Māgadha là ngôn ngữ phổ thông của chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong các cõi trời sắc giới nữa.

Trong bộ Văn phạm Pāḷi Padarūpasiddhi dạy rằng:

Sā māgadhī mūlabhāsā, narā yāyādikappikā.
Brahmāno ca’ssutālāpā, Sambuddhā cāpi bhāsare.
[3]

Tiếng Māgadha này là nguồn gốc của ngôn ngữ: những nhân loại đầu tiên hóa sanh xuống trái đất này, chư thiên, phạm thiên trong các cõi trời, trẻ sơ sinh không từng nghe một thứ tiếng nào, chư Phật Chánh Giác, tất cả những vị ấy đều nói bằng tiếng Māgadha.

* Tại sao gọi là tiếng Pāḷi?

Chư Phật sử dụng tiếng Māgadha sắp đặt theo hệ thống trong giáo pháp của Ðức Phật; có quan hệ logic giữa nhân và quả, thực hành có thể dẫn đến sự giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. Do đó, lời giáo huấn của Ðức Phật gọi là tiếng Pāḷi như: Tepiṭakapāḷi, Aṭṭhakathāpāḷi, Mahāsatipaṭṭhānasuttapāḷi, v.v...

Các ngôn ngữ khác của con người trong đời, chỉ có thể tồn tại một thời gian lâu hoặc mau, tùy theo sự tồn tại của dân tộc ấy. Nếu dân tộc ấy bị tiêu diệt rồi, thì thứ ngôn ngữ ấy sẽ mai một theo thời gian.

Ðặc biệt ngôn ngữ Pāḷi, nếu người nào học hiểu biết rõ, ghi nhớ rõ pháp học Phật giáo bằng ngôn ngữ Pāḷi được chừng nào thì tâm trí của người ấy tích lũy được chừng ấy, dầu phải trải qua bao nhiêu số kiếp trong vòng tử sanh luân hồi, cũng không bao giờ mất đi một tiếng nào. Bởi vì tiếng Pāḷi vốn là mūlabhāsā: ngôn ngữ gốc, sabhāvabhāsā: ngôn ngữ diễn tả hiểu được thực tánh của các pháp, v.v...

Mỗi đại kiếp trái đất trải qua 4 a tăng kỳ thành -- trụ -- hoại -- không, có khi trải qua vô số kiếp trái đất như vậy không sao kể siết, mà vẫn không có một Ðức Phật nào xuất hiện trên thế gian gọi là Suññakappa: kiếp trái đất không có Ðức Phật. Vậy mà, khi một kiếp trái đất nào có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, thời đại ấy có tiếng Māghadha, Ðức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh bằng tiếng Pāḷi, chắc chắn không phải một thứ tiếng nào khác.

Kiếp trái đất mà chúng ta đang sống, gọi là Bhaddhakappa có nhiều diễm phúc nhất, bởi vì có đến 5 Ðức Phật xuất hiện tuần tự, trải qua một chu kỳ thời gian rất lâu dài.

1. Ðức Phật Kakusandha, trong quá khứ, đã xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 40.000 năm.

2. Ðức Phật Koṇāgamana, trong quá khứ, đã xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 30.000 năm.

3. Ðức Phật Kassapa, trong quá khứ, đã xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 20.000 năm.

4. Ðức Phật Gotama, đang hiện tại, đã xuất hiện trên thế gian vào thời đại con người có tuổi thọ 100 năm. Hiện nay, Ðức Phật đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.546 năm, song giáo pháp của Ngài vẫn còn lưu truyền trên thế gian này đến 5.000 năm sau rồi sẽ bị tiêu diệt.

5. Ðức Phật Metteyya, trong vị lai, sẽ xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 80.000 năm.

Từ một Ðức Phật này đến một Ðức Phật kia, trải qua một chu kỳ thời gian rất lâu dài.

Ví dụ:

Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 100 năm. Từ 100 năm, tuổi thọ con người theo thời gian giảm dần giảm dần xuống còn 10 năm, rồi từ 10 năm, tuổi thọ con người lại tăng dần tăng dần đến tột cùng a tăng kỳ năm (asaṅkheyya [4] : tính theo số lượng số 1 đứng đầu 140 số không (0) viết tắt 10140). Từ a tăng kỳ năm, tuổi thọ con người giảm dần giảm dần đến thời đại con người có tuổi thọ 80.000 năm, khi ấy Ðức Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian cũng trong kiếp trái đất này.

Như vậy, từ một Ðức Phật này cho đến một Ðức Phật kia cùng chung trong một trái đất, mà phải trải qua thời gian lâu dài không thể tính bằng số được. Cho nên, trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh, kiếp nào có diễm phúc gặp được Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ngài, thì thật là cơ hội tốt, vô cùng hi hữu, một dịp may mắn rất hiếm có. Vậy, chúng ta nên cố gắng theo học cho được tiếng Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, dầu không thuộc lòng được trọn bộ Tam tạng, Chú giải, thì ít ra chúng ta cũng phải thuộc lòng cho được câu cung kính lễ bái Ðức Thế Tôn mà chư Vua Trời đã cung kính:

"Namo tassa Bhagavato Arahato Sammā-sambuddhassa". (3lần)
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bậc A-ra-hán, bậc Chánh Ðẳng Giác ấy.

Và Tam quy (Tisaraṇagamana):

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Nghĩa:

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ nhì.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ ba.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ ba.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ ba.

* Pháp hành Phật giáo như thế nào?

Sau phận sự học pháp học Phật giáo, đã hiểu rõ ý nghĩa lời giáo huấn của Ðức Phật, biết cách thực hành theo lời dạy của Ðức Phật, hành giả tiếp tục phận sự hành pháp hành Phật giáo.

Pháp hành Phật giáo đó là: hành giới -- hành định -- hành tuệ.

- Hành giới: đó là tác ý thiện tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi ác nghiệp tội lỗi, làm cho thân khẩu được trong sạch thanh tịnh, để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.

- Hành định: đó là tiến hành pháp hành thiền định. Ðịnh tâm:

* Khaṇikasamādhi: sát na định, định tâm trong khoảnh khắc trên mỗi đối tượng danh pháp, sắc pháp thuộc pháp hành thiền tuệ.

* Upacārasamādhi và appanāsamādhi: cận định và an định trong một đối tượng thiền định duy nhất thuộc pháp hành thiền định, để chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới làm cho tâm thanh tịnh để làm nền tảng cho pháp hành thiền tuệ.

- Hành tuệ: đó là tiến hành pháp hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo -- 4 Thánh Quả và Niết Bàn diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, mọi phiền não, mọi ác pháp, tâm không còn bị ô nhiễm bởi phiền não, tâm hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh.

* Pháp thành Phật giáo như thế nào?

Pháp thành Phật giáo đó là kết quả của pháp hành Phật giáo, là sự chứng đắc 4 Thánh Ðạo -- 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

4 Thánh Ðạo Tâm -- 4 Thánh Quả Tâm có Niết Bàn làm đối tượng, khi chứng đắc Thánh Ðạo, liền chứng đắc Thánh Quả không có thời gian ngăn cách (akālika), Thánh Ðạo -- Thánh Quả tương xứng với nhau như:

- Nhập Lưu Thánh Ðạo -- Nhập Lưu Thánh Quả.
- Nhất lai Thánh Ðạo -- Nhất lai Thánh Quả.
- Bất lai Thánh Ðạo -- Bất lai Thánh Quả.
- A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả.

Phật giáo có 3 loại liên quan quả với nhân như sau:

- Pháp thành Phật giáo là quả của pháp hành Phật giáo.
- Pháp hành Phật giáo là quả của pháp học Phật giáo.

Trong 3 loại Phật giáo này, pháp học Phật giáo đóng vai trò quan trọng bậc nhất, là vì làm nền tảng căn bản, làm nơi nương nhờ chính yếu của pháp hành Phật giáo.

Nếu không có pháp học Phật giáo, thì chắc chắn không có pháp hành Phật giáo và cũng không có pháp thành Phật giáo.

Như vậy, pháp học Phật giáo đóng vai trò quan trọng hàng đầu, cho nên:

- Nếu học hiểu sai, thì dẫn đến hành sai; và cũng có kết quả sai, vẫn còn phải chịu cảnh khổ tiếp tục tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

- Nếu học hiểu đúng, thì dẫn đến hành đúng, và cũng có kết quả đúng, được giải thoát khỏi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Như vậy,

Pháp học là nhân -- pháp hành là quả.
Pháp hành là nhân -- pháp thành là quả.

* Pháp học Phật giáo sai hoặc đúng như thế nào?

Trong Chú giải kinh Alagaddūpamasutta [5] dạy rằng:

Pháp học Phật giáo có 3 hạng người:

1- Alagadda pariyatti: Hạng người học pháp học Phật giáo, như người bắt rắn phần đuôi.

2- Nissaraṇa pariyatti: Hạng người học pháp học Phật giáo, để thực hành giải thoát khổ sanh.

3- Bhaṇṇāgārika pariyatti: Bậc Thánh A-ra-hán học pháp học Phật giáo, như người giữ kho tàng Pháp bảo.

* Hạng người học pháp học Phật giáo, như người bắt rắn phần đuôi như thế nào?

Trong đời này, có hạng người theo học pháp học Phật giáo cho thật giỏi, tự đề cao mình, khinh miệt người, để tranh luận đè bẹp ý kiến của người khác, muốn nổi danh, mong được nhiều người biết, mưu cầu lợi lộc nhiều, thậm chí còn sử dụng sở học của mình, dùng lời lẽ ngụy biện che giấu tội lỗi của mình.

Ví dụ: Tích con cá vàng Kapila [6] tóm lược như sau:

Tiền kiếp con cá vàng Kapila là một vị Tỳ khưu trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa, vị Tỳ khưu này học pháp học thông suốt Tam tạng, được nhiều người biết đến, phát sanh nhiều lợi lộc, ỷ lại vào tài sở học của mình nói lừa dối người khác như:

- "Ðiều không hợp với luật", y nói rằng "hợp với luật".
- "Ðiều hợp với luật", y nói rằng "không hợp với luật".
- "Ðiều có tội", y nói rằng "điều vô tội".
- "Ðiều vô tội", y nói rằng "điều có tội" v.v...

Những bậc đồng phạm hạnh, có giới đức đến khuyên bảo y chớ nên nói như vậy, thì y dùng lời lẽ ngụy biện che giấu tội lỗi của mình, còn xem thường những bậc ấy. Thậm chí, sư huynh của y, Ngài Sāgala là bậc Thánh A-ra-hán cũng không thể khuyên dạy y được. Y có một người mẹ tên Sādhinī và em gái tên Tapanā đều là Tỳ khưu ni, thường bênh vực y, và chê trách những Tỳ khưu có giới khác.

Tỳ khưu Kapila hết tuổi thọ, sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh sa vào cõi địa ngục Avīci; mẹ và em gái bênh vực y, sau khi chết, cũng do ác nghiệp ấy cho quả đều tái sanh sa vào cõi địa ngục.

Trong thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của Tỳ khưu Kapila vừa thoát ra khỏi đại địa ngục, do ác nghiệp quá khứ ấy cho quả tái sanh làm con cá màu vàng tên Kapila, (hậu thân của Tỳ khưu Kapila) miệng có mùi hôi kinh khủng, là do quả của khẩu ác nghiệp tiền kiếp của y. Kiếp con cá màu vàng Kapila chết, do năng lực ác nghiệp cũ cho quả tái sanh vào cõi địa ngục trở lại.

Xét về Tỳ khưu Kapila trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa đã dày công theo học thông thuộc Tam tạng, đã sử dụng tài sở học của mình mưu cầu danh và lợi; không chịu thực hành theo pháp hành thiền tuệ; cho nên Tỳ khưu Kapila phải chịu bao nhiêu cảnh khổ trong cõi địa ngục, súc sanh... từ thời kỳ Ðức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Ðức Phật Gotama cũng vẫn chưa giải thoát khỏi khổ được. Như vậy, Tỳ khưu Kapila đã học pháp học đúng, nhưng áp dụng thực hành sai.

Hạng người học pháp học như vậy không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ sanh; mà đem lại cho mình những điều tai hại cả kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai, như vị Tỳ khưu Kapila. Ví như người làm nghề bắt rắn, đi tìm rắn, nhìn thấy con rắn độc, tâm tham phát sanh, không thận trọng, bắt nhằm phần đuôi, con rắn độc quay đầu lại cắn nơi tay hoặc phần nào trong thân; chất độc làm cho người ấy chết hoặc gần chết, bởi vì bắt rắn không đúng chỗ.

Cũng như vậy, người học pháp học, mà sử dụng không đúng chỗ, nên đem lại những điều tai hại cho mình, cho người khác cả kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Như vậy, gọi là hạng người học pháp học Phật giáo, như người bắt rắn phần đuôi (Alagadda pariyatti).

* Hạng người học pháp học Phật giáo để thực hành giải thoát khổ sanh như thế nào?

Những bậc thiện trí phàm nhân và 3 bậc Thánh Hữu Học [7] (Sekkha) theo học pháp học để hiểu biết rõ giới luật của Ðức Phật đã ban hành; phương pháp phát triển mỗi thiện pháp và phương pháp diệt mỗi ác pháp.

Nếu biết giới hạnh chưa đầy đủ, thì hành giới cho đầy đủ, nghĩa là tạo cho mình có đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp; có tác ý thiện tâm trong sạch giữ gìn thân khẩu tránh xa mọi ác nghiệp, tội lỗi làm nền tảng để tiến hành thiền định.

Nếu biết định chưa vững chắc, thì hành định cho được vững chắc, nghĩa là cố gắng tinh tấn tiến hành thiền định, để chứng đắc các bậc thiền sắc giới; các bậc thiền vô sắc giới, định tâm được vững chắc làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ.

Nếu biết tuệ chưa hoàn toàn, thì hành tuệ cho được hoàn toàn, nghĩa là cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào chưa chứng đắc; cho đến bậc Thánh tột cùng là A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đã hoàn thành xong phạm hạnh cao thượng, trí tuệ biết rõ kiếp này là kiếp chót, sẽ tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sanh kiếp nào khác nữa, giải thoát khổ, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, là giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ. Ví như người làm nghề bắt rắn, đi tìm thấy con rắn độc, người ấy rất thận trọng dùng cây chĩa bắt rắn, nhắm vào ngay đầu con rắn kẹp lại, lấy tay nắm chặt đầu rắn, dầu con rắn độc có hung hãn thế nào cũng không thể gây tại hại cho người ấy.

Cũng như vậy, người theo học pháp học, không phải để khoe khoang sở học của mình, không phải để mưu tìm danh và lợi cho mình, mà cốt để hiểu biết đúng đắn rồi thực hành theo đúng, đem lại sự lợi ích cao thượng giải thoát khổ sanh.

Như vậy, gọi là hạng người học pháp học, để thực hành giải thoát khổ sanh (Nissaraṇa pariyatti).

* Bậc Thánh A-ra-hán học pháp học Phật giáo, như người giữ kho tàng Pháp bảo như thế nào?

Chư bậc Thánh A-ra-hán là bậc đã hoàn thành xong mọi phận sự Tứ thánh đế, thực hành xong phạm hạnh cao thượng, gọi là bậc Thánh Vô Học [8] (Asekkha); song bậc Thánh A-ra-hán có phận sự học mọi pháp học, như người giữ gìn, duy trì kho tàng Pháp bảo của Ðức Phật, để lưu truyền lại cho thế hệ hậu sinh.

Sự thật, ngày nay chúng ta là những người hậu sinh có duyên lành được nhìn thấy Tam tạng pháp bảo: Kinh tạng, Luật tạng, Vi diệu pháp tạng và những bộ Chú giải... bằng ngôn ngữ Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, đó là do nhờ chư bậc Thánh A-ra-hán đã học thuộc lòng giữ gìn duy trì y theo bổn chánh bằng ngôn ngữ Pāḷi từ đời này sang đời khác, kể từ khi Ðức Phật còn hiện tiền trên thế gian, cho đến sau khi Ðức Phật đã tịch diệt Niết Bàn.

Như vậy, gọi là chư bậc Thánh A-ra-hán học pháp học Phật giáo, như người giữ kho tàng Pháp bảo (Bhaṇṇāgārika pariyatti).

 

Kết Tập Tam Tạng Pāḷi:

Kết tập Tam tạng lần thứ nhất: Ðể giữ gìn duy trì chánh pháp của Ðức Phật cho được đầy đủ, không để rời rạc, không cho thất lạc, cho nên sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn được 3 tháng 4 ngày, Ngài đại Trưởng lão Mahākassapa triệu tập 500 bậc Thánh A-ra-hán toàn những vị chứng đắc Tứ tuệ phân tích [9] , Lục thông [10] ... thông thuộc Tam tạng cùng nhau hội họp, do Ngài Ðại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì cuộc lễ kết tập Tam tạng cùng Chú giải bằng tiếng Pāḷi, lần đầu tiên tại động Sattapanni, gần kinh thành Rājagaha xứ Māgadha, thời gian suốt 7 tháng mới đầy đủ bộ Tam tạng: Luật tạng, Kinh tạng, Vi diệu pháp tạng cùng với các bộ đại Chú giải [11] bằng tiếng Pāḷi, mà Ðức Phật đã thuyết giảng suốt 45 năm; kể từ khi trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác tại đại cội Bồ Ðề cho đến lúc tịch diệt Niết Bàn tại khu rừng Kusinārā.

Sau khi chư bậc Thánh A-ra-hán kết tập Tam tạng và Chú giải bằng tiếng Pāḷi xong, quý Ngài phân chia ra từng nhóm, mỗi nhóm có phận sự học thuộc lòng và dạy cho các hàng đệ tử của mình giữ gìn duy trì đầy đủ Tam tạng Pāḷi gồm có 84.000 pháp môn, và các bộ đại Chú giải.

Kỳ kết tập Tam tạng cùng các bộ Chú giải lần thứ nhất bằng cách khẩu truyền (Mukhapātha), bởi vì chư bậc Thánh A-ra-hán đều có khả năng thuộc lòng đầy đủ Tam tạng cùng các bộ Chú giải (chưa ghi chép bằng chữ viết).

Giáo pháp của Ðức Phật được giữ gìn duy trì đúng theo chánh pháp trải qua gần 100 năm, thì có nhóm Tỳ khưu Vajjīputta xứ Vesāli tự đặt ra 10 điều không hợp với pháp luật của Ðức Phật. Ngài Ðại Trưởng Lão Yassa Kālaṇṇakaputta (Mahāyassa) liền đến tận nơi hội hợp chư Tỳ khưu Tăng giải thích để cho họ hiểu rõ, đó là 10 điều không hợp luật pháp của Ðức Phật. Ðó cũng là nguyên nhân khiến Ngài Ðại Trưởng Lão Yassa Kālaṇṇakaputta triệu tập 700 bậc Thánh A-ra-hán có đầy đủ Tứ tuệ phân tích, Lục thông ... thông thuộc Tam tạng, do Ngài chủ trì làm lễ Kết tập Tam tạng lần thứ hai tại ngôi chùa Vālikārāma, gần thành Vesāli, khoảng 100 năm, sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.

Kỳ kết tập Tam tạng lần này cũng bằng khẩu truyền suốt thời gian 8 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải, hoàn toàn theo bổn chánh của kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhất.

Giáo pháp của Ðức Phật càng ngày càng phát triển chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni rất đông, có rất nhiều cận sự nam, cận sự nữ có đức tin nơi Tam bảo, cúng dường 4 thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni rất đầy đủ và sung túc; ngược lại các nhóm tu sĩ ngoại đạo đời sống thiếu thốn; do đó, có số tu sĩ ngoại đạo xâm nhập vào sống chung với Tỳ khưu, về mặt hình thức giống nhau, song về nội tâm vẫn giữ nguyên tà kiến cố hữu của mình.

Vào thời kỳ ấy, có Ðức vua Asoka là đấng minh quân, và là một cận sự nam có đức tin trong sạch hộ trì ngôi Tam bảo. Nhờ Ðức vua Asoka thanh lọc loại bỏ những Tỳ khưu giả có tà kiến ngoại đạo ra khỏi chùa, chỉ còn lại Tỳ khưu thật có chánh kiến trong Phật giáo.

Nhân dịp này, Ngài Ðại Trưởng Lão Moggali-puttatissa đứng ra triệu tập Kết tập Tam tạng lần thứ ba gồm có 1.000 bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc Tứ tuệ phân tích, Lục thông ... thông thuộc Tam tạng do Ngài chủ trì tại ngôi chùa Asokārāma xứ Pāṭaliputta, khoảng thời gian 235 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.

Kỳ kết tập Tam tạng này cũng bằng khẩu truyền suốt 9 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam tạng và Chú giải, hoàn toàn giống như bổn chánh của hai kỳ kết tập trước.

Ðức vua Asoka không những hộ độ Phật giáo được phát triển trong nước, mà còn gởi các phái đoàn chư Tăng sang các nước láng giềng để truyền bá giáo pháp của Ðức Phật.

Ðức vua Asoka gởi phái đoàn chư Tăng do Ngài Ðại Ðức Mahinda dẫn đầu sang truyền bá Phật giáo trên đảo quốc Srilankā. Và phái đoàn do Ngài Ðại Trưởng Lão Soṇa và Ngài Ðại Trưởng Lão Uttara sang vùng Suvaṇṇabhūmi: gồm các nước Indonesia, Myanmar, Thailan, Lào, Campuchia ... để truyền bá Phật giáo.

Tại đảo quốc Srilankā, Phật giáo rất thịnh hành và phát triển tốt, từ Ðức vua, cho đến các quan quân, dân chúng đều có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đã xuất gia trở thành Tỳ khưu, Tỳ khưu ni rất đông.

Một thời đảo quốc Srilankā gặp phải cuộc phiến loạn, dân chúng lâm vào cảnh thiếu thốn, nên đời sống của Tỳ khưu cũng phải chịu ảnh hưởng, có số Tỳ khưu sức khoẻ yếu kém, nên phận sự ôn lại Tam tạng Pāḷi và Chú giải thuộc lòng rất vất vả. Khi cuộc phiến loạn đã dẹp xong, chư Ðại Trưởng Lão suy xét thấy rằng: sau này, các hàng hậu sanh trí nhớ và trí tuệ càng ngày càng kém dần; cho nên chư Tỳ khưu học thuộc lòng Tam tạng Pāḷi cùng các Chú giải để giữ gìn duy trì cho được trọn vẹn không phải là việc dễ dàng.

Một hôm, Ðức vua Vaṭṭagāmanī ngự đến chùa Mahāvihāra, nhân lúc ấy, chư Ðại Trưởng Lão thưa với Ðức vua rằng:

- Thưa Ðại Vương, từ xưa đến nay, chư Ðại Ðức Tăng có phận sự học thuộc lòng Tam tạng và Chú giải để giữ gìn duy trì giáo pháp của Ðức Phật. Trong tương lai, đàn hậu tấn là những Ðại Ðức khó mà học thuộc lòng Tam tạng Pāḷi và Chú giải một cách đầy đủ và trọn vẹn được. Như vậy, giáo pháp của Ðức Phật sẽ bị tiêu hoại mau chóng theo thời gian.

Thưa Ðại Vương, muốn giữ gìn duy trì Tam tạng Pāḷi, Chú giải được trọn vẹn đầy đủ. Vậy nên kết tập Tam tạng Pāḷi, Chú giải ghi chép bằng chữ viết trên lá buông, để lưu lại cho hậu thế.

Ðức vua Vaṭṭagāmanī hoan hỉ chấp thuận.

Kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ tư được tổ chức tại động Ālokalena vùng Matulajanapada xứ Srilankā, khoảng thời gian 450 năm, sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.

Kỳ kết tập Tam tạng Pāḷi, Chú giải lần này gồm có 1.000 bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc Tứ tuệ phân tích, thông thuộc Tam tạng, Chú giải, do Ngài Ðại Trưởng Lão Mahādhammarakkhita làm chủ trì công cuộc kết tập Tam tạng Pāḷi và các bộ Chú giải được ghi chép trên lá buông suốt một năm mới hoàn thành. Sau đó chư bậc Thánh A-ra-hán kết tập Tam tạng bằng khẩu truyền một lần nữa hoàn toàn y theo bổn chánh của ba kỳ kết tập Tam tạng lần trước.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ tư này là lần đầu tiên được ghi chép bằng chữ viết trên lá buông trọn vẹn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải gọi là "Potthakaropana-saṅgīti", do Ðức vua Vaṭṭagāmanī Abhaya hộ độ.

Phái đoàn chư Tăng do Ngài Ðại Trưởng Lão Soṇa và Ðại Trưởng Lão Uttara sang vùng Suvaṇṇabhūmi: gồm các nước Indonesia, Myanmar, Thailan, Campuchia, Lào... để truyền bá Phật giáo. Phật giáo trong các nước trong vùng này trải qua bao cuộc thăng trầm tùy theo vận mệnh của mỗi nước.

Ðất nước Myanmar, vào thời đại vua Mindon đóng đô tại kinh thành Mandalay, Ðức vua là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, nhiệt tâm hộ trì Tam bảo nghĩ rằng: "Phật giáo thường liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, kẻ thù thường hay đốt kinh sách Phật giáo". Ðức vua muốn bảo tồn giáo pháp của Ðức Phật, nên Người thỉnh chư Ðại Trưởng Lão tổ chức cuộc lễ kết tập Tam tạng Pāḷi khắc chữ trên những bia đá, để giữ gìn duy trì Tam tạng pháp bảo Pāḷi được lâu dài.

Chư Ðại Trưởng Lão vô cùng hoan hỉ chấp thuận theo lời thỉnh cầu của Ðức vua, tổ chức kỳ Kết tập Tam tạng Pāḷi lần thứ năm tại kinh thành Mandalay xứ Myanmar Phật lịch năm 2404.

Kỳ kết tập Tam tạng Pāḷi lần này tuyển chọn 2.400 vị Ðại Trưởng Lão là những bậc uyên bác Tam tạng, Chú giải, do Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Jāgara làm chủ trì. Công việc khắc Tam tạng Pāḷi trên bia đá bắt đầu Phật lịch 2404 cho đến Phật lịch 2415, trải qua suốt 11 năm ròng rã mới hoàn thành xong trọn vẹn bộ Tam tạng trên 729 tấm bia đá:

- Luật Tạng gồm có 111 tấm.
- Kinh Tạng gồm có 410 tấm.
- Vi Diệu Pháp Tạng gồm có 208 tấm.

Sau khi khắc bộ Tam tạng Pāḷi bằng chữ trên những tấm bia đá xong, chư Ðại Trưởng Lão tổ chức kết tập Tam tạng bằng khẩu truyền một lần nữa suốt 6 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam tạng y theo bổn chánh của 4 kỳ kết tập Tam tạng lần trước. Gọi là: "Selakkharāropanasaṅgīti".

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ năm này do Ðức vua Mindon xứ Myanmar hộ độ. Lần đầu tiên toàn bộ Tam tạng Pāḷi được khắc trên 729 tấm bia đá đến nay vẫn còn nguyên vẹn tại cố đô Mandalay xứ Myanmar.

Về sau, vị đạo sĩ Khanti đứng ra tổ chức khắc toàn bộ Chú giải trên những tấm bia đá, hiện nay vẫn còn nguyên vẹn.

Phật giáo đã trải qua thời gian khá lâu, Tam tạng Pāḷi, Chú giải Ṭikā ... đã in ra thành sách, việc sao đi chép lại, nhiều lần khó tránh khỏi sơ sót. Do đó, các bộ Tam tạng Pāḷi, Chú giải... của mỗi nước có chỗ sai chữ dẫn đến sai nghĩa, làm cho pháp học Phật giáo không hoàn toàn giống y nguyên theo bổn chánh.

Nước Myanmar thành lập hội "Buddhasāsanamiti" Phật lịch 2497 để lo tổ chức kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ sáu tại động nhân tạo Lokasāma (Kaba Aye) thủ đô Yangon, Myanmar, thỉnh tất cả các bộ Tam tạng, Chú giải hiện có trên các nước Phật giáo để làm tài liệu đối chiếu từng chữ, từng câu, của mỗi bổn.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này gồm có 2.500 vị Ðại Trưởng Lão thông hiểu Tam tạng, Chú giải, thông thạo ngữ pháp Pāḷi, do Ngài Ðại Trưởng Lão Revata chủ trì chia ra thành nhiều ban đối chiếu, sửa chữa lại cho đúng. Công việc bắt đầu từ ngày rằm tháng tư Phật lịch 2498 cho đến ngày rằm tháng tư Phật lịch 2500 ròng rã suốt 2 năm mới hoàn thành xong trọn bộ Tam tạng Pāḷi, Aṭṭhakathā, Ṭīkā. Chính phủ Myanmar đứng đầu là thủ tướng Unu tổ chức lễ khánh thành kết tập Tam tạng rất trọng thể, có mời các nguyên thủ của các nước Phật giáo, các phái đoàn các nước Phật giáo đến tham dự, để đánh dấu một nửa tuổi thọ của Phật giáo 2.500 năm.

Bộ Tam tạng Pāḷi, Aṭṭhakathā, Ṭīkā, Anuṭīkā, v.v... lần thứ 6 này xem là mẫu mực cho các nước Phật giáo thuộc hệ phái Theravāda.

 

Kỳ thi Tam tạng Pāḷi

Nước Myanmar, Bộ Tôn Giáo Myanmar tổ chức kỳ thi Tam tạng dành cho chư Tỳ khưu có khả năng dự thi thuộc lòng Tam tạng Pāḷi, kỳ thi lần thứ nhất bắt đầu Phật lịch năm 2492, DL. 1948 và tiếp tục hằng năm đều có tổ chức kỳ thi Tam tạng Pāḷi.

- Theo tài liệu Tipiṭakadhara (Ðại Ðức thông thuộc Tam tạng) của Bộ Tôn Giáo Myanmar kỳ thi Tam tạng thứ 50 Phật lịch 2542 - DL.1998, chư Ðại Trưởng Lão thông thuộc Tam tạng, thông suốt Chú giải theo tuần tự thời gian và kỳ thi Tam tạng như sau:

1- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Vicittasārā-bhivaṃsa Visiṭṭhapiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 6 Phật lịch 2497 (DL.1953) lúc Ngài 42 tuổi.

2- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Neminda Visiṭṭhapiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 12 Phật lịch 2503 (DL.1959) lúc Ngài 32 tuổi.

3- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Kosalla Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 16 Phật lịch 2507 (DL.1963) lúc Ngài 36 tuổi.

4- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Sumaṅgā-laṅkāra Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 26 Phật lịch 2517 (DL.1973) lúc Ngài 27 tuổi.

5- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Sirindā-bhivaṃsa Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 37 Phật lịch 2528 (DL.1984) lúc Ngài 37 tuổi.

6- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Vāyāmindā-bhivaṃsa Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 48 Phật lịch 2539 (DL.1995) lúc Ngài 39 tuổi.

7- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Koṇṇañña Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 50 Phật lịch 2541 (DL.1997) lúc Ngài 55 tuổi.

8- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Sīlakkhandhā-bhivaṃsa Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 52 Phật lịch 2543 (DL.1999) lúc Ngài 34 tuổi.

9- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Vaṃsapālā-laṅkāra Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 52 Phật lịch 2543 (DL.1999) lúc Ngài 34 tuổi.

10- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Gandhamā-lālaṅkāra đậu kỳ thi thứ 53 Phật lịch 2544 (DL.2000) lúc Ngài 33 tuổi.

11- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Sundara Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 53 Phật lịch 2544 (DL.2000) lúc Ngài 45 tuổi.

12- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Indapāla Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 53 Phật lịch 2544 (DL. 2000) lúc Ngài 40 tuổi.

Trên đây là danh sách những vị Ðại Trưởng Lão thi đậu Tipiṭakadhara, thông thuộc đầy đủ bộ Tam tạng: Luật tạng, Kinh tạng, Vi diệu pháp tạng gồm có 84.000 pháp môn mà Ðức Phật đã thuyết giảng, chế định suốt 45 năm ròng rã kể từ khi thành Bậc Chánh Ðẳng Giác cho đến phút cuối cùng tịch diệt Niết Bàn. Những vị Ðại Trưởng Lão này không chỉ thông thuộc Tam tạng (Tipiṭaka) gồm có 40 quyển [12] ; mà còn thông suốt đầy đủ các bộ Aṭṭhakathā (Chú giải) gồm có 52 quyển, các bộ Ṭīkā, các bộ Anuṭīkā gồm có 26 quyển nữa.

Ngoài 12 vị Ðại Trưởng Lão Tipiṭakadhara thông thuộc đầy đủ bộ Tam tạng ra, còn có mấy chục vị Ðại Ðức thi đậu Nhị Tạng, hơn trăm vị Ðại Ðức thi đậu Nhất Tạng; và còn rất nhiều vị Ðại Ðức thi đậu Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, v.v...

Như vậy, gọi là phận sự học pháp học chánh pháp để giữ gìn duy trì giáo pháp của Ðức Phật được lưu truyền lâu dài trên thế gian này, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho chúng sinh, nhất là nhân loại, chư thiên, phạm thiên...

 

Thời kỳ học thuộc lòng Tam tạng

Thời kỳ đầu: kể từ khi Ðức Phật còn tại thế cho đến trước Phật lịch năm 450, trong khoảng thời gian này trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải chưa ghi thành chữ viết; cho nên, việc học Tam tạng bằng cách khẩu truyền tâm thọ: vị thầy đọc, các học trò lặp theo ghi nhớ nằm lòng; như vậy, vị thầy thông thuộc chừng nào, các học trò cũng thông thuộc chừng ấy. Nếu vị thầy không thuộc bộ nào, thì vị thầy gởi các học trò của mình đến vị Ðại Trưởng Lão khác xin học bộ ấy. Cho nên, việc học trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải trong thời kỳ này rất vất vả khó khăn.

Thời kỳ sau: kể từ sau thời kỳ kết tập Tam tạng và các bộ Chú giải lần thứ tư, khoảng thời gian 450 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, kỳ kết tập Tam tạng và các bộ Chú giải này được ghi bằng chữ viết trên lá buông. Cho nên, việc học Tam tạng trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải tương đối ít vất vả khó khăn hơn thời kỳ trước, song có phần hạn chế, vì số bổn được ghi trên lá buông rất ít.

Thời hiện tại này, hầu hết các nước Phật giáo lớn như Myanmar, Thailan, Srilankā, Campuchia, v.v... đều có trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải được in ra thành sách bằng mẫu tự của xứ mình. Cho nên việc học trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải có nhiều điều kiện thuận lợi. Song việc dạy Tam tạng và việc học Tam tạng trong một số nước ít phổ biến đến toàn thể Phật tử. Hiện nay, phần đông được biết đến xứ Myanmar có chư Ðại Trưởng Lão dạy Tam tạng và Chú giải, và có chư Tỳ khưu theo học Tam tạng và Chú giải; hằng năm, chính phủ Myanmar, Bộ Tôn Giáo tổ chức kỳ thi Tam tạng, kết quả đã có 12 vị Ðại Trưởng Lão thi đậu trọn bộ Tam tạng và thông suốt Chú giải; ngoài ra, còn có những vị Ðại Ðức khác thi đậu Nhị Tạng, Nhất Tạng, một Nikāya, hai Nikāya, v.v... giúp giữ gìn duy trì pháp học Phật giáo được trường tồn. Ðó là điều đáng cho tất cả mọi người Phật tử vô cùng hoan hỉ.

Thời kỳ Ðức Phật còn tại thế, việc thông thuộc Tam tạng không những chỉ có chư vị Ðại Trưởng Lão, Ðại Ðức, mà còn có nhiều vị cận sự nam, cận sự nữ nữa. Bởi vì, việc bảo tồn Phật giáo là phận sự chung của các hàng Phật tử, gồm cả bậc xuất gia lẫn các hàng tại gia cư sĩ.

 

Pháp học - Pháp hành Phật giáo

Pháp học Phật giáo có tính chất quan trọng như thế nào, thì pháp hành Phật giáo cũng có tính chất quan trọng như thế ấy. Bởi vì, có pháp học, có pháp hành mới có thể giữ gìn duy trì Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian này. Pháp học có tính chất quan trọng của pháp học, và pháp hành có tính chất quan trọng của pháp hành, cả hai đều đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho mình và mọi người, mọi chúng sinh. Ví như đất có tính chất quan trọng của đất là làm nơi chốn để trồng trọt các loại giống cây được phát triển tốt đẹp; và các loại cây có tính chất quan trọng của chúng là cho hoa màu để nuôi sống muôn loài.

Nếu có pháp học mà không có pháp hành, thì sự học pháp học ấy không đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc thiết thực cho mình, cho mọi người, mọi chúng sinh. Ví như có đất mà bỏ hoang không trồng trọt, thì đám đất ấy không đem lại lợi lộc gì cho muôn loài.

Nếu có pháp hành mà không có pháp học, thì pháp hành ấy không thể hành đúng; khi hành sai, rồi chấp thủ, thì thật là một tai hại cả đời này lẫn nhiều đời sau; nếu dạy người khác, thì chỉ làm khổ đến người khác mà thôi. Ví như người mù đi lạc vào rừng sâu núi thẳm, nếu dẫn dắt thêm người khác, thì làm khổ họ mà thôi.

Phật giáo được trường tồn, cần phải có pháp học chánh pháp và pháp hành chánh pháp, cả hai đều phải được hiện hữu trong mỗi người Phật tử. Ðó là điều mà Ðức Phật mong nơi các hàng Phật tử là bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ.

Như tích Ðại Ðức Poṭṭhila:

Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana, thuyết pháp đề cập đến Ðại Ðức Poṭṭhila [13] được tóm lược như sau:

Ðại Ðức Poṭṭhila là bậc thông thuộc Tam tạng và Chú giải trong giáo pháp của bảy Ðức Phật từ trong quá khứ theo tuần tự cho đến Ðức Phật Gotama hiện tại. Ngài chuyên cần giảng dạy 500 vị Tỳ khưu.

Ðức Thế Tôn nghĩ rằng: "Tỳ khưu Poṭṭhila này không nghĩ đến việc tiến hành thiền tuệ để giải thoát khổ tử sanh luân hồi cho mình", nên Ngài sẽ làm cho Ðại Ðức phát sanh động tâm thức tỉnh mà lo phận sự của mình tiến hành thiền tuệ.

Từ đó, mỗi khi Ðại Ðức Poṭṭhila đến hầu Ðức Thế Tôn, Ngài truyền dạy rằng:

- Ehi Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch lại đây!

- Vanda Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch đảnh lễ!

- Nisīda Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch ngồi xuống!

- Yāhi Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch đi rồi!

Ðại Ðức Poṭṭhila phát sanh động tâm nghĩ rằng: "Ahaṃ sāṭṭhakathāni tīṇi piṭakāni dhāremi, pañcannaṃ bhikkhusatānaṃ aṭṭharasa mahāgaṇe dhammaṃ vācemi; atha pana maṃ satthā abhikkhaṇaṃ "Tucchapoṭṭhilā"ti vadeti; addhā maṃ satthā jhānādīnaṃ abhāvena evaṃ vadeti...".

Ta là bậc thông thuộc Tam tạng cùng với các bộ Chú giải, giảng dạy pháp học đến 500 Tỳ khưu trong 18 nhóm lớn. Thế mà, Ðức Thế Tôn truyền rằng "Poṭṭhila rỗng tuếch". Chắc chắn, sở dĩ Ðức Thế Tôn truyền dạy như vậy, là vì ta chưa chứng đắc các bậc thiền, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Như vậy, ngay bây giờ, ta sẽ đi vào rừng tiến hành pháp hành thiền tuệ.

Một buổi sáng sớm, Ngài mặc y mang bát lên đường đi khoảng 120 do tuần [14] đến khu rừng có 30 vị Tỳ khưu -- Sa di toàn là bậc Thánh A-ra-hán; đang sống nơi đó. Ngài đến hầu đảnh lễ vị Tăng trưởng nhóm, xin nương nhờ, xin thụ giáo; nhưng vị Tăng trưởng khước từ lời thỉnh cầu của Ngài, bởi biết Ngài là bậc pháp sư, có tánh ngã mạn; dầu Ngài cố khẩn khoản thế nào cũng không được. Ngài lại tìm đến vị Trưởng Lão nhỏ, xin nương nhờ, xin thụ giáo, vị Trưởng Lão này cũng khước từ lời thỉnh cầu của Ngài, và cứ thế theo tuần tự Ngài đến vị Trưởng Lão Ðại Ðức khác; không có vị Trưởng Lão Ðại Ðức nào chịu thu nhận Ngài; cuối cùng, Ngài tìm đến vị Sa di mới lên 7 tuổi, Ngài chấp hai tay lên bạch rằng:

- Avassayo me hohi, sappurisa - Kính bạch bậc Thiện trí, kính xin Ngài làm nơi nương nhờ của tôi; tôi xin thọ giáo với Ngài.

Vị Sa di bèn bạch rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức, Ðại Ðức nói gì lạ vậy! Ðại Ðức là bậc cao quý, bậc đa văn túc trí, còn tôi có gì đáng cho Ðại Ðức học đâu!

Ngài khẩn khoản vị Sa di rằng:

- Kính bạch bậc Thiện trí, Ngài đừng nói vậy! Xin Ngài từ bi làm nơi nương nhờ của tôi; tôi xin thọ giáo với Ngài.

Vị Sa di nhỏ tuổi trả lời rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức, nếu Ðại Ðức nhẫn nại chịu nghe lời khuyên dạy của tôi, thì tôi sẽ làm nơi nương nhờ của Ðại Ðức.

Ðại Ðức Poṭṭhila khẳng định tuyệt đối vâng theo lời dạy của vị Sa di, dù bảo thế nào Ngài cũng làm theo. Vị Sa di muốn thử để biết Ðại Ðức Poṭṭhila có thật tâm chịu nghe theo lời khuyên dạy hay không, nhìn thấy gần nơi đó có một hồ nước, vị Sa di bèn thưa rằng:

- Kính thưa Ðại Ðức, xin Ngài vẫn mặc y như vậy lội xuống hồ nước.

Ðại Ðức Poṭṭhila liền lội xuống hồ nước ngay, vị Sa di nhìn thấy nước vừa thấm ướt chéo y, nên thưa rằng:

- Kính thưa Ðại Ðức, xin Ngài lại đây!

Ðại Ðức Poṭṭhila trở lại, đứng yên, vị Sa di bèn thưa rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức, một ổ mối có 6 lỗ, con kỳ đà chui vào -- ra ổ mối bằng một trong 6 lỗ ấy; người ta muốn bắt con kỳ đà ấy, bằng cách bịt 5 lỗ, còn chừa một lỗ ngồi chờ bắt nó. Cũng như vậy, trong thân của Ðại Ðức có 6 môn [15] tiếp xúc 6 đối tượng [16] , Ngài bịt (thu thúc) 5 môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn, còn chừa lại ý môn. Ngài tiến hành thiền tuệ bằng ý môn ấy.

Ðại Ðức Poṭṭhila vốn là bậc có nhiều trí tuệ, bậc đa văn túc trí, khi lắng nghe lời dạy của vị Sa di ví như ngọn đèn soi vào tâm trí của Ngài sáng ra. Ngài có chánh niệm tỉnh giác trong thân, tiến hành thiền tuệ.

Cách xa 120 do tuần, nhìn thấy Ðại Ðức Poṭṭhila đang tiến hành thiền tuệ, Ðức Thế Tôn phóng hào quang đến thuyết dạy Ðại Ðức Poṭṭhila bằng một bài kệ. Khi lắng nghe xong bài kệ, Ngài tiến hành thiền tuệ liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo -- Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán ngay khi ấy.

Qua sự tích Ngài Ðại Ðức Poṭṭhila, Ngài rất giỏi về pháp học; còn về pháp hành, Ngài phải tìm vị thầy để xin nương nhờ, xin thọ giáo, còn phải nhờ đến Ðức Phật tế độ, Ngài mới trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh, kiếp nào có diễm phúc gặp được Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ngài; thật là một cơ hội tốt, vô cùng hi hữu, một dịp may mắn rất hiếm có! Bởi vì, Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ: Ðức Phật xuất hiện trên thế gian thật là một điều khó được!

Thật diễm phúc biết dường nào! Kiếp này, dầu không có duyên lành gặp được Ðức Phật, song chúng ta còn có duyên lành gặp được giáo pháp của Ngài còn đang lưu truyền trên thế gian này thêm một thời gian nữa, cho đến Phật lịch năm 5000 mới hoàn toàn bị tiêu hoại.

Hơn nữa, giáo pháp của Ðức Phật cũng chỉ tồn tại trên thế gian một thời gian quá ngắn ngủi so với thời gian tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh từ vô thủy cho đến nay; và từ kiếp hiện tại này, nếu còn tham ái, phiền não, thì vẫn còn tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài tiếp tục đến vô chung. Kiếp sau, ta sẽ là như thế nào? Có còn gặp lại Phật giáo hay không?... Những điều ấy, khó biết được!

Ðiều tốt hơn hết, ngay kiếp hiện tại sống còn của mình, ta phải nên biết cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ; nếu nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, đã từng tạo pháp hạnh ba la mật đủ hỗ trợ cho kiếp hiện tại này, được chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả nào, thì thật là đại diễm phúc biết chừng nào! Nếu chưa chứng đắc, thì âu cũng là đại diễm phúc có cơ hội tốt bồi bổ thêm pháp hạnh ba la mật của mình, để chứng đắc trong vị lai, mong giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Chẳng lẽ, ta lại dửng dưng thờ ơ không tiến hành thiền tuệ, rồi phải cam chịu tiếp tục cảnh khổ tử sanh luân hồi mãi mãi vô cùng vô tận như vậy hay sao?

Ví như một người nghèo khổ, may mắn gặp được bạn lành, bạn tốt dẫn đi tìm kho của báu, chịu bao nhiêu nỗi vất vả khổ cực suốt ngày qua tháng lại... may mắn thay! Tìm gặp được kho báu, người ấy tận mắt nhìn thấy nhiều loại báu vật vô cùng quý giá, tâm vô cùng vui mừng khôn xiết, những người bạn lành, bạn tốt khuyên y nên chọn những báu vật quý giá nhất đem về làm giàu, sung sướng suốt đời; nhưng người ấy chỉ chọn lấy những vật không đáng giá, còn những báu vật đáng giá cao quý lại không chịu lấy; cho nên, cuộc đời của người ấy chỉ bớt khổ một phần nào đó thôi không đáng kể.

Cũng như vậy, có số người trong đời này, có duyên lành, có diễm phúc gặp được Phật giáo, họ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, xin quy y nương nhờ nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, hoan hỉ trong việc bố thí làm phước, thọ trì ngũ giới, thỉnh thoảng tiến hành thiền định, để cho tâm được an lạc. Thật ra, những thiện pháp như bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định trong Phật giáo cũng có, mà ngoài Phật giáo cũng có. Những thiện pháp này cho quả an lạc trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới, không thể giải thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Người Phật tử nên nhận thức biết rõ rằng:

Pháp hành thiền tuệ là một pháp hành chỉ có trong Phật giáo, hoàn toàn không có ngoài Phật giáo. Hành giả tiến hành thiền tuệ tạo nên thiện pháp đặc biệt:

- Nếu còn là dục giới thiện pháp, thì thiện pháp này trực tiếp làm duyên lành dẫn đến sự giải thoát khổ sanh tử luân hồi trong tam giới ở thời vị lai.

- Nếu là siêu tam giới thiện pháp, thì thiện pháp này nâng đỡ hành giả trở thành bậc Thánh nhân thấp hoặc cao tùy theo sự chứng đắc Thánh Ðạo -- Thánh Quả của hành giả. Những bậc Thánh nhân này không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ðối với người Phật tử, mọi người đều có quyền thừa hưởng tất cả các pháp bảo của Ðức Phật tùy theo khả năng của mình. Ngoài Ðức Phật ra, thật khó có ai biết được mình đã từng tạo pháp hạnh ba la mật nhiều hoặc ít trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, người Phật tử tin chắc rằng: "Ta đã từng có duyên lành trong Phật giáo, nên kiếp này ta mới có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đã quy y nương nhờ nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng bằng lời chân thật rằng: "Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật." v.v... Cho nên, ta không nên tự coi thường ta, mà hãy nên thực nghiệm để biết rõ, biết đâu rằng ta đã từng tạo những pháp hạnh ba la mật, từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, đủ có thể chứng đắc Thánh Ðạo -- Thánh Quả nào đó; ngay trong kiếp hiện tại này:

- Nếu ta không tiến hành thiền tuệ, thì không chứng đắc Thánh Ðạo -- Thánh Quả ấy. Như vậy, ta đã bỏ lỡ một cơ hội tốt hiếm có. Thật đáng tiếc biết dường nào!

- Ta tiến hành thiền tuệ, nếu chưa chứng đắc được Thánh Ðạo -- Thánh Quả, thì cũng diễm phúc biết dường nào! Ðó là một cơ hội tốt để ta bồi bổ pháp hạnh ba la mật, rồi sẽ chứng đắc Thánh Ðạo -- Thánh Quả trong thời vị lai. Như vậy, ta cảm thấy hài lòng kiếp này được sanh làm người, được gặp giáo pháp của Ðức Phật, được thực hành theo giáo pháp của Ðức Phật, để tạo duyên lành giải thoát khỏi khổ tái sanh là giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài".

Cũng ví như một người vốn có trí tuệ thông minh, nhưng lại có tánh lười biếng, thì chẳng làm nên được việc gì đáng kể, nếu người ấy cố gắng học hành chuyên cần, thì có kết quả tốt, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa cho mình và mọi người.

Dù người vốn có nhiều trí tuệ, dù người có ít trí tuệ, song kiếp hiện tại này, cả hai hạng người này có tâm tinh tấn chuyên cần tiến hành thiền tuệ sẽ dẫn đến thành tựu như ý, chỉ có khác nhau về thời gian mà thôi. Quả thật, pháp tinh tấn rất quan trọng. Như Ðức Phật dạy:

"Vīriyena dukkhamacceti...". [17]
"Nhờ tinh tấn, chúng sinh giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới".

Quyển sách này, đề cập đến tứ oai nghi là đối tượng chính của pháp hành thiền tuệ; ngoài ra, còn các oai nghi phụ, các sắc pháp, danh pháp khác xem là đối tượng phụ của pháp hành thiền tuệ; thật ra, đối tượng chính, đối tượng phụ đều có giá trị tương tương nhau, không hơn không kém.

Ðể hiểu rõ kết quả của pháp hành thiền tuệ, nên đọc quyển "Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ". Với tác ý thiện tâm muốn áp dụng pháp học đi đôi với pháp hành hoặc lý thuyết đi đôi với thực hành, nên quyển sách này mới giảng giải chi tiết về đối tượng tứ oai nghi, nhưng quả thật là khó, tục ngữ có câu "ngôn dị, hành nan": nói thì dễ, nhưng làm thì mới khó. Ðối với pháp hành thiền tuệ này, nói cho đúng đã thật là khó; còn hành cho đúng, thì lại càng khó biết dường nào!

Người xưa đã dạy, bằng câu tục ngữ "không thầy đố mày làm nên", quyển sách nhỏ này có phải là thầy không?

Quyển sách, nếu đúng là thầy, thì khi đọc sách, gặp điều nào nghi ngờ, thắc mắc, sách phải giải đáp, phải giảng giải cho hiểu rõ điều ấy chứ? Sự thật, sách vẫn nằm yên trước mắt, thờ ơ, lãnh đạm trước nỗi khổ, thắc mắc của mình.

Vậy, có nguyện vọng thực hành pháp hành thiền tuệ, hành giả cần phải tìm vị thiền sư thông thạo về pháp học, có đầy đủ kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ để nương nhờ;

Ðó là điều rất thiết yếu, còn sách chỉ là sách, là vị thầy câm, mà ta nên mang theo bên mình, mỗi khi ta quên điều gì trong sách hãy giở sách ra xem lại. Như vậy, quyển sách cũng có ích lợi cho ta nhiều lắm!

Quyển sách này, bần sư đã sưu tập từ Tam tạng, Chú giải góp nhặt những kinh nghiệm từ các vị thiền sư, các hành giả... nên Phần III có phần vấn đáp, giải đáp những điều thắc mắc chung chung theo khả năng hiểu biết của mình. Pháp hành thiền tuệ là pháp vô cùng vi tế, cao siêu, rộng lớn, còn khả năng hiểu biết của bần sư có hạn; thì không sao tránh khỏi sự sơ sót, thậm chí còn có nhiều chỗ sai lầm, ngoài khả năng. Kính mong quý độc giả, bậc Thiện trí thông cảm, từ bi chỉ giáo, bần sư kính cẩn tiếp thụ những lời phê bình xây dựng của quý vị một cách cung kính và tri ân.

Quyển sách này được hoàn thành nhờ sự đóng góp của những thí chủ có đức tin trong sạch làm phước thiện pháp thí, nhất là gia đình ông bà Trần Văn Cảnh -- Trần Kim Duyên,... đệ tử Rakkhitasīla Antevāsika đã tận tụy đánh máy bản thảo trình bày dàn trang, và được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo cho phép xuất bản, bần sư vô cùng hoan hỉ và biết ơn quý vị.

Nhân dịp này, đệ tử Dhammarakkhita Bhikkhu (Tỳ khưu Hộ Pháp) thành kính dâng phần phước mọn pháp thí thanh cao này đến cố sư phụ Hộ Tông (Vaṃsararakkhita Mahāthera), cùng chư Ðại Trưởng Lão, Ðại Ðức đã dày công đem Phật giáo Nguyên Thủy (Therevāda) về truyền bá trên quê hương thân yêu; và chư Ðại Trưởng Lão Thái Lan, Myanmar, như Ngài Ðại Trưởng Lão Dhammānanda Mahāthera Aggamahāpaṇṇita ... và chư Ācariya như: Ajhan Naeb Mahānirānonda ... đã có công giảng dạy đệ tử về pháp học và pháp hành. Kính mong quý Ngài từ bi hoan hỉ thọ nhận, để cho con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

Bần sư thành tâm hồi hướng phần pháp thí thanh cao này đến tất cả chúng sinh trong ba giới bốn loài, nhất là ông bà cha mẹ thầy tổ, những bậc ân nhân từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ đã quá vãng và hiện tiền, cầu mong tất cả quý vị hoan hỉ thọ lãnh phần pháp thí thanh cao này để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, thành tựu mọi sự an lạc hạnh phúc cao thượng.

Idaṃ no dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Do nhờ pháp thí thanh cao này làm duyên lành dẫn dắt tất cả chúng con hướng đến sự chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả, Niết Bàn diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân.

Nếu chúng con chưa được giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, thì do nhờ năng lực pháp thí này hỗ trợ cho chúng con kiếp nào cũng có chánh kiến, khi có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian hoặc Giáo pháp của Ngài đang lưu truyền, chúng con dù ở gần, dù ở xa, dù ở thế giới này, dù ở thế giới khác cũng có duyên lành đến hầu Ðức Phật, nghe chánh pháp của Ðức Phật liền phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có đức tin nơi pháp hành thiền tuệ, tinh tấn tiến hành thiền tuệ chóng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tái sanh, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ðây là nguyện vọng cũng là cứu cánh duy nhất của chúng con.

Núi rừng Viên Không,
Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mùa an cư, Phật lịch 2546.
Tỳ khưu Hộ Pháp

 -ooOoo-


[1] Dhammapadaṭṭhakathā, tích Cakkhupālattheravatthu.

[2] Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātaṭṭhakathā.

[3] Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātaṭṭhakathā.

[4] Bộ Văn phạm Pāḷi Padarūpasiddhi, phần Saṅkhyātaddhita.

[5] Chú giải bộ Majjhimanikāya, Mūlapaṇṇāsa, kinh Alagaddūpamāsuttavaṇṇanā.

[6] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Kapilamacchavatthu.

[7] 3 bậc Thánh Hữu Học: bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai.

[8] Bậc Thánh Vô Học: đó là bậc Thánh A-ra-hán không còn học và hành giới, hành định, hành tuệ nữa.

[9] Tứ tuệ phân tích: ngôn ngữ phân tích, nghĩa phân tích, pháp phân tích, ứng đối phân tích.

[10] Lục thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông, thần túc thông, lậu tận thông.

[11] Bộ Mahā aṭṭhakathā... gồm có Pakiṇṇakadesanā của Ðức Phật, cùng lời giải thích của chư bậc Thánh A-ra-hán, có lẽ chưa phân chia từng bộ riêng rẽ, đến thời kỳ Ngài Mahā Buddhaghosa, Ngài mới phân chia rõ ràng từng bộ.

[12] Sự phân chia số quyển Tipiṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭikā, Anuṭikā theo bộ Pāḷi Myanmar.

[13] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Poṭṭhilattheravatthu.

[14] Yojana: do tuần khoảng 20 cây số.

[15] 6 môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn.

[16] 6 đối tượng: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.

[17] Khuddakanikāya, bộ Sutttanipāta, kinh Āḷavakasutta.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 2.0 | 3.1 | 3.2 | 3.3

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 28-08-2003

Tu Oai Nghi - Tk Ho Phap - 00
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THỰC HÀNH PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ
(VIPASSANĀBHĀVANĀ)

ÐỐI TƯỢNG TỨ OAI NGHI
(IRIYĀPATHAPABBA)

Dhammarakkhita Bhikkhu
(Tỳ Khưu Hộ Pháp)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


Mục lục

Lời nói đầu
Phần I- Ðối tượng Tứ oai nghi
Phần II- Nghi lễ thọ pháp hành Thiền Tuệ
Phần III- Vấn đáp
Ðoạn kết

-ooOoo- 

Lời Nói Ðầu

Một hôm, Ngài Ðại Ðức Cakkhupāla đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

- Bhante, imasmiṃ sāsane kati dhurāni? [1]
Kính bạch Ðức Thế Tôn, trong Phật giáo này có bao nhiêu phận sự?

Ðức Thế Tôn dạy Ngài Ðại Ðức Cakkhupāla rằng:

- Ganthadhuraṃ vipassanādhuran’ti dveyeva dhurāni, bhikkhu.
Này Tỳ khưu, trong Phật giáo này chỉ có hai phận sự duy nhất là:

1- Ganthadhura: Phận sự học pháp học chánh pháp.
2- Vipassanādhura: Phận sự hành pháp hành thiền tuệ.

* Phận sự học pháp học chánh pháp như thế nào?

Tỳ khưu có trí nhớ trí tuệ, có khả năng, cố gắng tinh tấn học thuộc lòng trọn vẹn lời giáo huấn của Ðức Phật trong Tepiṭaka: Tam tạng: Luật tạng, Kinh tạng, Vi diệu pháp tạng; hoặc Pañcanikāya: ngũ bộ: Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Ðồng hợp bộ kinh, Chi bộ kinh, Tiểu bộ kinh gồm cả Luật tạng và Vi diệu pháp tạng, tùy theo khả năng trí nhớ trí tuệ của mình.

Ðó là phận sự học pháp học chánh pháp.

* Phận sự hành pháp hành thiền tuệ như thế nào?

Sau khi đã học pháp học chánh pháp, có nền tảng căn bản, có hiểu biết rõ về hành giới, hành pháp hành thiền định, hành pháp hành thiền tuệ xong rồi, Tỳ khưu hành giả hài lòng hoan hỉ sống một mình nơi thanh vắng, nuôi mạng chân chánh, cách sống dễ dàng; ngày đêm tinh tấn tiến hành pháp hành thiền tuệ cho đến khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp; dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo -- Nhập Lưu Thánh Quả; Nhất Lai Thánh Ðạo -- Nhất Lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Ðạo -- Bất Lai Thánh Quả; A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng; trong 4 Thánh Ðạo Tâm, 4 Thánh Quả Tâm có Niết Bàn làm đối tượng, diệt đoạn tuyệt được mọi tham ái, phiền não không còn nữa, hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế, thành tựu xong phạm hạnh cao thượng trong Phật giáo.

Ðó gọi là phận sự hành pháp hành thiền tuệ.

Hai phận sự này có liên quan mật thiết với nhau, hoàn toàn nương nhờ lẫn nhau. Sở dĩ sự tiến hành thiền tuệ chứng đắc được Thánh Ðạo -- Thánh Quả, Niết Bàn là vì nhờ có pháp học chánh pháp tối thiểu phải học 4 pháp niệm xứ, 4 pháp tinh tấn, 4 pháp thành tựu, 5 pháp chủ, 5 pháp lực, 7 pháp giác chi, 8 pháp chánh đạo, gọi là 37 pháp chứng đắc Thánh Ðạo (Bodhipakkhiyadhamma).

Thật vậy, chỉ có hai phận sự duy nhất này mới có thể giữ gìn duy trì chánh pháp của Ðức Phật được lưu truyền lâu dài trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho chúng sinh nhất là nhân loại, chư thiên, phạm thiên.

Phật giáo (Buddhasāsana) là lời giáo huấn của Ðức Phật. Phật giáo có 3 loại:

1- Pariyatti sāsana: Pháp học Phật giáo.
2- Paṭipatti sāsana: Pháp hành Phật giáo.
3- Paṭiveddha sāsana: Pháp thành Phật giáo.

* Pháp học Phật giáo nghĩa là gì?

Trong Chú giải Chi bộ kinh định nghĩa:

"Pariyatti tepiṭakaṃ Buddhavacanaṃ sāṭṭhakathā Pāḷi". [2]
"Pháp học Phật giáo là học lời giáo huấn của Ðức Phật trong Tam tạng cùng Chú giải bằng tiếng Pāḷi".

Tiếng Pāḷi là ngôn ngữ chung của chư Phật trong quá khứ, Ðức Phật hiện tại và chư Phật trong vị lai. Tiếng Pāḷi có nguồn gốc từ ngôn ngữ Māgadha là ngôn ngữ phổ thông của chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong các cõi trời sắc giới nữa.

Trong bộ Văn phạm Pāḷi Padarūpasiddhi dạy rằng:

Sā māgadhī mūlabhāsā, narā yāyādikappikā.
Brahmāno ca’ssutālāpā, Sambuddhā cāpi bhāsare.
[3]

Tiếng Māgadha này là nguồn gốc của ngôn ngữ: những nhân loại đầu tiên hóa sanh xuống trái đất này, chư thiên, phạm thiên trong các cõi trời, trẻ sơ sinh không từng nghe một thứ tiếng nào, chư Phật Chánh Giác, tất cả những vị ấy đều nói bằng tiếng Māgadha.

* Tại sao gọi là tiếng Pāḷi?

Chư Phật sử dụng tiếng Māgadha sắp đặt theo hệ thống trong giáo pháp của Ðức Phật; có quan hệ logic giữa nhân và quả, thực hành có thể dẫn đến sự giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. Do đó, lời giáo huấn của Ðức Phật gọi là tiếng Pāḷi như: Tepiṭakapāḷi, Aṭṭhakathāpāḷi, Mahāsatipaṭṭhānasuttapāḷi, v.v...

Các ngôn ngữ khác của con người trong đời, chỉ có thể tồn tại một thời gian lâu hoặc mau, tùy theo sự tồn tại của dân tộc ấy. Nếu dân tộc ấy bị tiêu diệt rồi, thì thứ ngôn ngữ ấy sẽ mai một theo thời gian.

Ðặc biệt ngôn ngữ Pāḷi, nếu người nào học hiểu biết rõ, ghi nhớ rõ pháp học Phật giáo bằng ngôn ngữ Pāḷi được chừng nào thì tâm trí của người ấy tích lũy được chừng ấy, dầu phải trải qua bao nhiêu số kiếp trong vòng tử sanh luân hồi, cũng không bao giờ mất đi một tiếng nào. Bởi vì tiếng Pāḷi vốn là mūlabhāsā: ngôn ngữ gốc, sabhāvabhāsā: ngôn ngữ diễn tả hiểu được thực tánh của các pháp, v.v...

Mỗi đại kiếp trái đất trải qua 4 a tăng kỳ thành -- trụ -- hoại -- không, có khi trải qua vô số kiếp trái đất như vậy không sao kể siết, mà vẫn không có một Ðức Phật nào xuất hiện trên thế gian gọi là Suññakappa: kiếp trái đất không có Ðức Phật. Vậy mà, khi một kiếp trái đất nào có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, thời đại ấy có tiếng Māghadha, Ðức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh bằng tiếng Pāḷi, chắc chắn không phải một thứ tiếng nào khác.

Kiếp trái đất mà chúng ta đang sống, gọi là Bhaddhakappa có nhiều diễm phúc nhất, bởi vì có đến 5 Ðức Phật xuất hiện tuần tự, trải qua một chu kỳ thời gian rất lâu dài.

1. Ðức Phật Kakusandha, trong quá khứ, đã xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 40.000 năm.

2. Ðức Phật Koṇāgamana, trong quá khứ, đã xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 30.000 năm.

3. Ðức Phật Kassapa, trong quá khứ, đã xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 20.000 năm.

4. Ðức Phật Gotama, đang hiện tại, đã xuất hiện trên thế gian vào thời đại con người có tuổi thọ 100 năm. Hiện nay, Ðức Phật đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.546 năm, song giáo pháp của Ngài vẫn còn lưu truyền trên thế gian này đến 5.000 năm sau rồi sẽ bị tiêu diệt.

5. Ðức Phật Metteyya, trong vị lai, sẽ xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 80.000 năm.

Từ một Ðức Phật này đến một Ðức Phật kia, trải qua một chu kỳ thời gian rất lâu dài.

Ví dụ:

Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 100 năm. Từ 100 năm, tuổi thọ con người theo thời gian giảm dần giảm dần xuống còn 10 năm, rồi từ 10 năm, tuổi thọ con người lại tăng dần tăng dần đến tột cùng a tăng kỳ năm (asaṅkheyya [4] : tính theo số lượng số 1 đứng đầu 140 số không (0) viết tắt 10140). Từ a tăng kỳ năm, tuổi thọ con người giảm dần giảm dần đến thời đại con người có tuổi thọ 80.000 năm, khi ấy Ðức Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian cũng trong kiếp trái đất này.

Như vậy, từ một Ðức Phật này cho đến một Ðức Phật kia cùng chung trong một trái đất, mà phải trải qua thời gian lâu dài không thể tính bằng số được. Cho nên, trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh, kiếp nào có diễm phúc gặp được Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ngài, thì thật là cơ hội tốt, vô cùng hi hữu, một dịp may mắn rất hiếm có. Vậy, chúng ta nên cố gắng theo học cho được tiếng Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, dầu không thuộc lòng được trọn bộ Tam tạng, Chú giải, thì ít ra chúng ta cũng phải thuộc lòng cho được câu cung kính lễ bái Ðức Thế Tôn mà chư Vua Trời đã cung kính:

"Namo tassa Bhagavato Arahato Sammā-sambuddhassa". (3lần)
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bậc A-ra-hán, bậc Chánh Ðẳng Giác ấy.

Và Tam quy (Tisaraṇagamana):

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Nghĩa:

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ nhì.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ ba.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ ba.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ ba.

* Pháp hành Phật giáo như thế nào?

Sau phận sự học pháp học Phật giáo, đã hiểu rõ ý nghĩa lời giáo huấn của Ðức Phật, biết cách thực hành theo lời dạy của Ðức Phật, hành giả tiếp tục phận sự hành pháp hành Phật giáo.

Pháp hành Phật giáo đó là: hành giới -- hành định -- hành tuệ.

- Hành giới: đó là tác ý thiện tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi ác nghiệp tội lỗi, làm cho thân khẩu được trong sạch thanh tịnh, để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.

- Hành định: đó là tiến hành pháp hành thiền định. Ðịnh tâm:

* Khaṇikasamādhi: sát na định, định tâm trong khoảnh khắc trên mỗi đối tượng danh pháp, sắc pháp thuộc pháp hành thiền tuệ.

* Upacārasamādhi và appanāsamādhi: cận định và an định trong một đối tượng thiền định duy nhất thuộc pháp hành thiền định, để chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới làm cho tâm thanh tịnh để làm nền tảng cho pháp hành thiền tuệ.

- Hành tuệ: đó là tiến hành pháp hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo -- 4 Thánh Quả và Niết Bàn diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, mọi phiền não, mọi ác pháp, tâm không còn bị ô nhiễm bởi phiền não, tâm hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh.

* Pháp thành Phật giáo như thế nào?

Pháp thành Phật giáo đó là kết quả của pháp hành Phật giáo, là sự chứng đắc 4 Thánh Ðạo -- 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

4 Thánh Ðạo Tâm -- 4 Thánh Quả Tâm có Niết Bàn làm đối tượng, khi chứng đắc Thánh Ðạo, liền chứng đắc Thánh Quả không có thời gian ngăn cách (akālika), Thánh Ðạo -- Thánh Quả tương xứng với nhau như:

- Nhập Lưu Thánh Ðạo -- Nhập Lưu Thánh Quả.
- Nhất lai Thánh Ðạo -- Nhất lai Thánh Quả.
- Bất lai Thánh Ðạo -- Bất lai Thánh Quả.
- A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả.

Phật giáo có 3 loại liên quan quả với nhân như sau:

- Pháp thành Phật giáo là quả của pháp hành Phật giáo.
- Pháp hành Phật giáo là quả của pháp học Phật giáo.

Trong 3 loại Phật giáo này, pháp học Phật giáo đóng vai trò quan trọng bậc nhất, là vì làm nền tảng căn bản, làm nơi nương nhờ chính yếu của pháp hành Phật giáo.

Nếu không có pháp học Phật giáo, thì chắc chắn không có pháp hành Phật giáo và cũng không có pháp thành Phật giáo.

Như vậy, pháp học Phật giáo đóng vai trò quan trọng hàng đầu, cho nên:

- Nếu học hiểu sai, thì dẫn đến hành sai; và cũng có kết quả sai, vẫn còn phải chịu cảnh khổ tiếp tục tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

- Nếu học hiểu đúng, thì dẫn đến hành đúng, và cũng có kết quả đúng, được giải thoát khỏi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Như vậy,

Pháp học là nhân -- pháp hành là quả.
Pháp hành là nhân -- pháp thành là quả.

* Pháp học Phật giáo sai hoặc đúng như thế nào?

Trong Chú giải kinh Alagaddūpamasutta [5] dạy rằng:

Pháp học Phật giáo có 3 hạng người:

1- Alagadda pariyatti: Hạng người học pháp học Phật giáo, như người bắt rắn phần đuôi.

2- Nissaraṇa pariyatti: Hạng người học pháp học Phật giáo, để thực hành giải thoát khổ sanh.

3- Bhaṇṇāgārika pariyatti: Bậc Thánh A-ra-hán học pháp học Phật giáo, như người giữ kho tàng Pháp bảo.

* Hạng người học pháp học Phật giáo, như người bắt rắn phần đuôi như thế nào?

Trong đời này, có hạng người theo học pháp học Phật giáo cho thật giỏi, tự đề cao mình, khinh miệt người, để tranh luận đè bẹp ý kiến của người khác, muốn nổi danh, mong được nhiều người biết, mưu cầu lợi lộc nhiều, thậm chí còn sử dụng sở học của mình, dùng lời lẽ ngụy biện che giấu tội lỗi của mình.

Ví dụ: Tích con cá vàng Kapila [6] tóm lược như sau:

Tiền kiếp con cá vàng Kapila là một vị Tỳ khưu trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa, vị Tỳ khưu này học pháp học thông suốt Tam tạng, được nhiều người biết đến, phát sanh nhiều lợi lộc, ỷ lại vào tài sở học của mình nói lừa dối người khác như:

- "Ðiều không hợp với luật", y nói rằng "hợp với luật".
- "Ðiều hợp với luật", y nói rằng "không hợp với luật".
- "Ðiều có tội", y nói rằng "điều vô tội".
- "Ðiều vô tội", y nói rằng "điều có tội" v.v...

Những bậc đồng phạm hạnh, có giới đức đến khuyên bảo y chớ nên nói như vậy, thì y dùng lời lẽ ngụy biện che giấu tội lỗi của mình, còn xem thường những bậc ấy. Thậm chí, sư huynh của y, Ngài Sāgala là bậc Thánh A-ra-hán cũng không thể khuyên dạy y được. Y có một người mẹ tên Sādhinī và em gái tên Tapanā đều là Tỳ khưu ni, thường bênh vực y, và chê trách những Tỳ khưu có giới khác.

Tỳ khưu Kapila hết tuổi thọ, sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh sa vào cõi địa ngục Avīci; mẹ và em gái bênh vực y, sau khi chết, cũng do ác nghiệp ấy cho quả đều tái sanh sa vào cõi địa ngục.

Trong thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của Tỳ khưu Kapila vừa thoát ra khỏi đại địa ngục, do ác nghiệp quá khứ ấy cho quả tái sanh làm con cá màu vàng tên Kapila, (hậu thân của Tỳ khưu Kapila) miệng có mùi hôi kinh khủng, là do quả của khẩu ác nghiệp tiền kiếp của y. Kiếp con cá màu vàng Kapila chết, do năng lực ác nghiệp cũ cho quả tái sanh vào cõi địa ngục trở lại.

Xét về Tỳ khưu Kapila trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa đã dày công theo học thông thuộc Tam tạng, đã sử dụng tài sở học của mình mưu cầu danh và lợi; không chịu thực hành theo pháp hành thiền tuệ; cho nên Tỳ khưu Kapila phải chịu bao nhiêu cảnh khổ trong cõi địa ngục, súc sanh... từ thời kỳ Ðức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Ðức Phật Gotama cũng vẫn chưa giải thoát khỏi khổ được. Như vậy, Tỳ khưu Kapila đã học pháp học đúng, nhưng áp dụng thực hành sai.

Hạng người học pháp học như vậy không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ sanh; mà đem lại cho mình những điều tai hại cả kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai, như vị Tỳ khưu Kapila. Ví như người làm nghề bắt rắn, đi tìm rắn, nhìn thấy con rắn độc, tâm tham phát sanh, không thận trọng, bắt nhằm phần đuôi, con rắn độc quay đầu lại cắn nơi tay hoặc phần nào trong thân; chất độc làm cho người ấy chết hoặc gần chết, bởi vì bắt rắn không đúng chỗ.

Cũng như vậy, người học pháp học, mà sử dụng không đúng chỗ, nên đem lại những điều tai hại cho mình, cho người khác cả kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Như vậy, gọi là hạng người học pháp học Phật giáo, như người bắt rắn phần đuôi (Alagadda pariyatti).

* Hạng người học pháp học Phật giáo để thực hành giải thoát khổ sanh như thế nào?

Những bậc thiện trí phàm nhân và 3 bậc Thánh Hữu Học [7] (Sekkha) theo học pháp học để hiểu biết rõ giới luật của Ðức Phật đã ban hành; phương pháp phát triển mỗi thiện pháp và phương pháp diệt mỗi ác pháp.

Nếu biết giới hạnh chưa đầy đủ, thì hành giới cho đầy đủ, nghĩa là tạo cho mình có đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp; có tác ý thiện tâm trong sạch giữ gìn thân khẩu tránh xa mọi ác nghiệp, tội lỗi làm nền tảng để tiến hành thiền định.

Nếu biết định chưa vững chắc, thì hành định cho được vững chắc, nghĩa là cố gắng tinh tấn tiến hành thiền định, để chứng đắc các bậc thiền sắc giới; các bậc thiền vô sắc giới, định tâm được vững chắc làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ.

Nếu biết tuệ chưa hoàn toàn, thì hành tuệ cho được hoàn toàn, nghĩa là cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào chưa chứng đắc; cho đến bậc Thánh tột cùng là A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đã hoàn thành xong phạm hạnh cao thượng, trí tuệ biết rõ kiếp này là kiếp chót, sẽ tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sanh kiếp nào khác nữa, giải thoát khổ, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, là giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ. Ví như người làm nghề bắt rắn, đi tìm thấy con rắn độc, người ấy rất thận trọng dùng cây chĩa bắt rắn, nhắm vào ngay đầu con rắn kẹp lại, lấy tay nắm chặt đầu rắn, dầu con rắn độc có hung hãn thế nào cũng không thể gây tại hại cho người ấy.

Cũng như vậy, người theo học pháp học, không phải để khoe khoang sở học của mình, không phải để mưu tìm danh và lợi cho mình, mà cốt để hiểu biết đúng đắn rồi thực hành theo đúng, đem lại sự lợi ích cao thượng giải thoát khổ sanh.

Như vậy, gọi là hạng người học pháp học, để thực hành giải thoát khổ sanh (Nissaraṇa pariyatti).

* Bậc Thánh A-ra-hán học pháp học Phật giáo, như người giữ kho tàng Pháp bảo như thế nào?

Chư bậc Thánh A-ra-hán là bậc đã hoàn thành xong mọi phận sự Tứ thánh đế, thực hành xong phạm hạnh cao thượng, gọi là bậc Thánh Vô Học [8] (Asekkha); song bậc Thánh A-ra-hán có phận sự học mọi pháp học, như người giữ gìn, duy trì kho tàng Pháp bảo của Ðức Phật, để lưu truyền lại cho thế hệ hậu sinh.

Sự thật, ngày nay chúng ta là những người hậu sinh có duyên lành được nhìn thấy Tam tạng pháp bảo: Kinh tạng, Luật tạng, Vi diệu pháp tạng và những bộ Chú giải... bằng ngôn ngữ Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, đó là do nhờ chư bậc Thánh A-ra-hán đã học thuộc lòng giữ gìn duy trì y theo bổn chánh bằng ngôn ngữ Pāḷi từ đời này sang đời khác, kể từ khi Ðức Phật còn hiện tiền trên thế gian, cho đến sau khi Ðức Phật đã tịch diệt Niết Bàn.

Như vậy, gọi là chư bậc Thánh A-ra-hán học pháp học Phật giáo, như người giữ kho tàng Pháp bảo (Bhaṇṇāgārika pariyatti).

 

Kết Tập Tam Tạng Pāḷi:

Kết tập Tam tạng lần thứ nhất: Ðể giữ gìn duy trì chánh pháp của Ðức Phật cho được đầy đủ, không để rời rạc, không cho thất lạc, cho nên sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn được 3 tháng 4 ngày, Ngài đại Trưởng lão Mahākassapa triệu tập 500 bậc Thánh A-ra-hán toàn những vị chứng đắc Tứ tuệ phân tích [9] , Lục thông [10] ... thông thuộc Tam tạng cùng nhau hội họp, do Ngài Ðại Trưởng Lão Mahākassapa chủ trì cuộc lễ kết tập Tam tạng cùng Chú giải bằng tiếng Pāḷi, lần đầu tiên tại động Sattapanni, gần kinh thành Rājagaha xứ Māgadha, thời gian suốt 7 tháng mới đầy đủ bộ Tam tạng: Luật tạng, Kinh tạng, Vi diệu pháp tạng cùng với các bộ đại Chú giải [11] bằng tiếng Pāḷi, mà Ðức Phật đã thuyết giảng suốt 45 năm; kể từ khi trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác tại đại cội Bồ Ðề cho đến lúc tịch diệt Niết Bàn tại khu rừng Kusinārā.

Sau khi chư bậc Thánh A-ra-hán kết tập Tam tạng và Chú giải bằng tiếng Pāḷi xong, quý Ngài phân chia ra từng nhóm, mỗi nhóm có phận sự học thuộc lòng và dạy cho các hàng đệ tử của mình giữ gìn duy trì đầy đủ Tam tạng Pāḷi gồm có 84.000 pháp môn, và các bộ đại Chú giải.

Kỳ kết tập Tam tạng cùng các bộ Chú giải lần thứ nhất bằng cách khẩu truyền (Mukhapātha), bởi vì chư bậc Thánh A-ra-hán đều có khả năng thuộc lòng đầy đủ Tam tạng cùng các bộ Chú giải (chưa ghi chép bằng chữ viết).

Giáo pháp của Ðức Phật được giữ gìn duy trì đúng theo chánh pháp trải qua gần 100 năm, thì có nhóm Tỳ khưu Vajjīputta xứ Vesāli tự đặt ra 10 điều không hợp với pháp luật của Ðức Phật. Ngài Ðại Trưởng Lão Yassa Kālaṇṇakaputta (Mahāyassa) liền đến tận nơi hội hợp chư Tỳ khưu Tăng giải thích để cho họ hiểu rõ, đó là 10 điều không hợp luật pháp của Ðức Phật. Ðó cũng là nguyên nhân khiến Ngài Ðại Trưởng Lão Yassa Kālaṇṇakaputta triệu tập 700 bậc Thánh A-ra-hán có đầy đủ Tứ tuệ phân tích, Lục thông ... thông thuộc Tam tạng, do Ngài chủ trì làm lễ Kết tập Tam tạng lần thứ hai tại ngôi chùa Vālikārāma, gần thành Vesāli, khoảng 100 năm, sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.

Kỳ kết tập Tam tạng lần này cũng bằng khẩu truyền suốt thời gian 8 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải, hoàn toàn theo bổn chánh của kỳ kết tập Tam tạng lần thứ nhất.

Giáo pháp của Ðức Phật càng ngày càng phát triển chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni rất đông, có rất nhiều cận sự nam, cận sự nữ có đức tin nơi Tam bảo, cúng dường 4 thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni rất đầy đủ và sung túc; ngược lại các nhóm tu sĩ ngoại đạo đời sống thiếu thốn; do đó, có số tu sĩ ngoại đạo xâm nhập vào sống chung với Tỳ khưu, về mặt hình thức giống nhau, song về nội tâm vẫn giữ nguyên tà kiến cố hữu của mình.

Vào thời kỳ ấy, có Ðức vua Asoka là đấng minh quân, và là một cận sự nam có đức tin trong sạch hộ trì ngôi Tam bảo. Nhờ Ðức vua Asoka thanh lọc loại bỏ những Tỳ khưu giả có tà kiến ngoại đạo ra khỏi chùa, chỉ còn lại Tỳ khưu thật có chánh kiến trong Phật giáo.

Nhân dịp này, Ngài Ðại Trưởng Lão Moggali-puttatissa đứng ra triệu tập Kết tập Tam tạng lần thứ ba gồm có 1.000 bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc Tứ tuệ phân tích, Lục thông ... thông thuộc Tam tạng do Ngài chủ trì tại ngôi chùa Asokārāma xứ Pāṭaliputta, khoảng thời gian 235 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.

Kỳ kết tập Tam tạng này cũng bằng khẩu truyền suốt 9 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam tạng và Chú giải, hoàn toàn giống như bổn chánh của hai kỳ kết tập trước.

Ðức vua Asoka không những hộ độ Phật giáo được phát triển trong nước, mà còn gởi các phái đoàn chư Tăng sang các nước láng giềng để truyền bá giáo pháp của Ðức Phật.

Ðức vua Asoka gởi phái đoàn chư Tăng do Ngài Ðại Ðức Mahinda dẫn đầu sang truyền bá Phật giáo trên đảo quốc Srilankā. Và phái đoàn do Ngài Ðại Trưởng Lão Soṇa và Ngài Ðại Trưởng Lão Uttara sang vùng Suvaṇṇabhūmi: gồm các nước Indonesia, Myanmar, Thailan, Lào, Campuchia ... để truyền bá Phật giáo.

Tại đảo quốc Srilankā, Phật giáo rất thịnh hành và phát triển tốt, từ Ðức vua, cho đến các quan quân, dân chúng đều có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đã xuất gia trở thành Tỳ khưu, Tỳ khưu ni rất đông.

Một thời đảo quốc Srilankā gặp phải cuộc phiến loạn, dân chúng lâm vào cảnh thiếu thốn, nên đời sống của Tỳ khưu cũng phải chịu ảnh hưởng, có số Tỳ khưu sức khoẻ yếu kém, nên phận sự ôn lại Tam tạng Pāḷi và Chú giải thuộc lòng rất vất vả. Khi cuộc phiến loạn đã dẹp xong, chư Ðại Trưởng Lão suy xét thấy rằng: sau này, các hàng hậu sanh trí nhớ và trí tuệ càng ngày càng kém dần; cho nên chư Tỳ khưu học thuộc lòng Tam tạng Pāḷi cùng các Chú giải để giữ gìn duy trì cho được trọn vẹn không phải là việc dễ dàng.

Một hôm, Ðức vua Vaṭṭagāmanī ngự đến chùa Mahāvihāra, nhân lúc ấy, chư Ðại Trưởng Lão thưa với Ðức vua rằng:

- Thưa Ðại Vương, từ xưa đến nay, chư Ðại Ðức Tăng có phận sự học thuộc lòng Tam tạng và Chú giải để giữ gìn duy trì giáo pháp của Ðức Phật. Trong tương lai, đàn hậu tấn là những Ðại Ðức khó mà học thuộc lòng Tam tạng Pāḷi và Chú giải một cách đầy đủ và trọn vẹn được. Như vậy, giáo pháp của Ðức Phật sẽ bị tiêu hoại mau chóng theo thời gian.

Thưa Ðại Vương, muốn giữ gìn duy trì Tam tạng Pāḷi, Chú giải được trọn vẹn đầy đủ. Vậy nên kết tập Tam tạng Pāḷi, Chú giải ghi chép bằng chữ viết trên lá buông, để lưu lại cho hậu thế.

Ðức vua Vaṭṭagāmanī hoan hỉ chấp thuận.

Kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ tư được tổ chức tại động Ālokalena vùng Matulajanapada xứ Srilankā, khoảng thời gian 450 năm, sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.

Kỳ kết tập Tam tạng Pāḷi, Chú giải lần này gồm có 1.000 bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc Tứ tuệ phân tích, thông thuộc Tam tạng, Chú giải, do Ngài Ðại Trưởng Lão Mahādhammarakkhita làm chủ trì công cuộc kết tập Tam tạng Pāḷi và các bộ Chú giải được ghi chép trên lá buông suốt một năm mới hoàn thành. Sau đó chư bậc Thánh A-ra-hán kết tập Tam tạng bằng khẩu truyền một lần nữa hoàn toàn y theo bổn chánh của ba kỳ kết tập Tam tạng lần trước.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ tư này là lần đầu tiên được ghi chép bằng chữ viết trên lá buông trọn vẹn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải gọi là "Potthakaropana-saṅgīti", do Ðức vua Vaṭṭagāmanī Abhaya hộ độ.

Phái đoàn chư Tăng do Ngài Ðại Trưởng Lão Soṇa và Ðại Trưởng Lão Uttara sang vùng Suvaṇṇabhūmi: gồm các nước Indonesia, Myanmar, Thailan, Campuchia, Lào... để truyền bá Phật giáo. Phật giáo trong các nước trong vùng này trải qua bao cuộc thăng trầm tùy theo vận mệnh của mỗi nước.

Ðất nước Myanmar, vào thời đại vua Mindon đóng đô tại kinh thành Mandalay, Ðức vua là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, nhiệt tâm hộ trì Tam bảo nghĩ rằng: "Phật giáo thường liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, kẻ thù thường hay đốt kinh sách Phật giáo". Ðức vua muốn bảo tồn giáo pháp của Ðức Phật, nên Người thỉnh chư Ðại Trưởng Lão tổ chức cuộc lễ kết tập Tam tạng Pāḷi khắc chữ trên những bia đá, để giữ gìn duy trì Tam tạng pháp bảo Pāḷi được lâu dài.

Chư Ðại Trưởng Lão vô cùng hoan hỉ chấp thuận theo lời thỉnh cầu của Ðức vua, tổ chức kỳ Kết tập Tam tạng Pāḷi lần thứ năm tại kinh thành Mandalay xứ Myanmar Phật lịch năm 2404.

Kỳ kết tập Tam tạng Pāḷi lần này tuyển chọn 2.400 vị Ðại Trưởng Lão là những bậc uyên bác Tam tạng, Chú giải, do Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Jāgara làm chủ trì. Công việc khắc Tam tạng Pāḷi trên bia đá bắt đầu Phật lịch 2404 cho đến Phật lịch 2415, trải qua suốt 11 năm ròng rã mới hoàn thành xong trọn vẹn bộ Tam tạng trên 729 tấm bia đá:

- Luật Tạng gồm có 111 tấm.
- Kinh Tạng gồm có 410 tấm.
- Vi Diệu Pháp Tạng gồm có 208 tấm.

Sau khi khắc bộ Tam tạng Pāḷi bằng chữ trên những tấm bia đá xong, chư Ðại Trưởng Lão tổ chức kết tập Tam tạng bằng khẩu truyền một lần nữa suốt 6 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam tạng y theo bổn chánh của 4 kỳ kết tập Tam tạng lần trước. Gọi là: "Selakkharāropanasaṅgīti".

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ năm này do Ðức vua Mindon xứ Myanmar hộ độ. Lần đầu tiên toàn bộ Tam tạng Pāḷi được khắc trên 729 tấm bia đá đến nay vẫn còn nguyên vẹn tại cố đô Mandalay xứ Myanmar.

Về sau, vị đạo sĩ Khanti đứng ra tổ chức khắc toàn bộ Chú giải trên những tấm bia đá, hiện nay vẫn còn nguyên vẹn.

Phật giáo đã trải qua thời gian khá lâu, Tam tạng Pāḷi, Chú giải Ṭikā ... đã in ra thành sách, việc sao đi chép lại, nhiều lần khó tránh khỏi sơ sót. Do đó, các bộ Tam tạng Pāḷi, Chú giải... của mỗi nước có chỗ sai chữ dẫn đến sai nghĩa, làm cho pháp học Phật giáo không hoàn toàn giống y nguyên theo bổn chánh.

Nước Myanmar thành lập hội "Buddhasāsanamiti" Phật lịch 2497 để lo tổ chức kỳ Kết tập Tam tạng lần thứ sáu tại động nhân tạo Lokasāma (Kaba Aye) thủ đô Yangon, Myanmar, thỉnh tất cả các bộ Tam tạng, Chú giải hiện có trên các nước Phật giáo để làm tài liệu đối chiếu từng chữ, từng câu, của mỗi bổn.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này gồm có 2.500 vị Ðại Trưởng Lão thông hiểu Tam tạng, Chú giải, thông thạo ngữ pháp Pāḷi, do Ngài Ðại Trưởng Lão Revata chủ trì chia ra thành nhiều ban đối chiếu, sửa chữa lại cho đúng. Công việc bắt đầu từ ngày rằm tháng tư Phật lịch 2498 cho đến ngày rằm tháng tư Phật lịch 2500 ròng rã suốt 2 năm mới hoàn thành xong trọn bộ Tam tạng Pāḷi, Aṭṭhakathā, Ṭīkā. Chính phủ Myanmar đứng đầu là thủ tướng Unu tổ chức lễ khánh thành kết tập Tam tạng rất trọng thể, có mời các nguyên thủ của các nước Phật giáo, các phái đoàn các nước Phật giáo đến tham dự, để đánh dấu một nửa tuổi thọ của Phật giáo 2.500 năm.

Bộ Tam tạng Pāḷi, Aṭṭhakathā, Ṭīkā, Anuṭīkā, v.v... lần thứ 6 này xem là mẫu mực cho các nước Phật giáo thuộc hệ phái Theravāda.

 

Kỳ thi Tam tạng Pāḷi

Nước Myanmar, Bộ Tôn Giáo Myanmar tổ chức kỳ thi Tam tạng dành cho chư Tỳ khưu có khả năng dự thi thuộc lòng Tam tạng Pāḷi, kỳ thi lần thứ nhất bắt đầu Phật lịch năm 2492, DL. 1948 và tiếp tục hằng năm đều có tổ chức kỳ thi Tam tạng Pāḷi.

- Theo tài liệu Tipiṭakadhara (Ðại Ðức thông thuộc Tam tạng) của Bộ Tôn Giáo Myanmar kỳ thi Tam tạng thứ 50 Phật lịch 2542 - DL.1998, chư Ðại Trưởng Lão thông thuộc Tam tạng, thông suốt Chú giải theo tuần tự thời gian và kỳ thi Tam tạng như sau:

1- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Vicittasārā-bhivaṃsa Visiṭṭhapiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 6 Phật lịch 2497 (DL.1953) lúc Ngài 42 tuổi.

2- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Neminda Visiṭṭhapiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 12 Phật lịch 2503 (DL.1959) lúc Ngài 32 tuổi.

3- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Kosalla Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 16 Phật lịch 2507 (DL.1963) lúc Ngài 36 tuổi.

4- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Sumaṅgā-laṅkāra Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 26 Phật lịch 2517 (DL.1973) lúc Ngài 27 tuổi.

5- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Sirindā-bhivaṃsa Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 37 Phật lịch 2528 (DL.1984) lúc Ngài 37 tuổi.

6- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Vāyāmindā-bhivaṃsa Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 48 Phật lịch 2539 (DL.1995) lúc Ngài 39 tuổi.

7- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Koṇṇañña Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 50 Phật lịch 2541 (DL.1997) lúc Ngài 55 tuổi.

8- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Sīlakkhandhā-bhivaṃsa Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 52 Phật lịch 2543 (DL.1999) lúc Ngài 34 tuổi.

9- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Vaṃsapālā-laṅkāra Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 52 Phật lịch 2543 (DL.1999) lúc Ngài 34 tuổi.

10- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Gandhamā-lālaṅkāra đậu kỳ thi thứ 53 Phật lịch 2544 (DL.2000) lúc Ngài 33 tuổi.

11- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Sundara Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 53 Phật lịch 2544 (DL.2000) lúc Ngài 45 tuổi.

12- Ngài Ðại Trưởng Lão Bhaddanta Indapāla Tipiṭakadhara đậu kỳ thi thứ 53 Phật lịch 2544 (DL. 2000) lúc Ngài 40 tuổi.

Trên đây là danh sách những vị Ðại Trưởng Lão thi đậu Tipiṭakadhara, thông thuộc đầy đủ bộ Tam tạng: Luật tạng, Kinh tạng, Vi diệu pháp tạng gồm có 84.000 pháp môn mà Ðức Phật đã thuyết giảng, chế định suốt 45 năm ròng rã kể từ khi thành Bậc Chánh Ðẳng Giác cho đến phút cuối cùng tịch diệt Niết Bàn. Những vị Ðại Trưởng Lão này không chỉ thông thuộc Tam tạng (Tipiṭaka) gồm có 40 quyển [12] ; mà còn thông suốt đầy đủ các bộ Aṭṭhakathā (Chú giải) gồm có 52 quyển, các bộ Ṭīkā, các bộ Anuṭīkā gồm có 26 quyển nữa.

Ngoài 12 vị Ðại Trưởng Lão Tipiṭakadhara thông thuộc đầy đủ bộ Tam tạng ra, còn có mấy chục vị Ðại Ðức thi đậu Nhị Tạng, hơn trăm vị Ðại Ðức thi đậu Nhất Tạng; và còn rất nhiều vị Ðại Ðức thi đậu Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, v.v...

Như vậy, gọi là phận sự học pháp học chánh pháp để giữ gìn duy trì giáo pháp của Ðức Phật được lưu truyền lâu dài trên thế gian này, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho chúng sinh, nhất là nhân loại, chư thiên, phạm thiên...

 

Thời kỳ học thuộc lòng Tam tạng

Thời kỳ đầu: kể từ khi Ðức Phật còn tại thế cho đến trước Phật lịch năm 450, trong khoảng thời gian này trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải chưa ghi thành chữ viết; cho nên, việc học Tam tạng bằng cách khẩu truyền tâm thọ: vị thầy đọc, các học trò lặp theo ghi nhớ nằm lòng; như vậy, vị thầy thông thuộc chừng nào, các học trò cũng thông thuộc chừng ấy. Nếu vị thầy không thuộc bộ nào, thì vị thầy gởi các học trò của mình đến vị Ðại Trưởng Lão khác xin học bộ ấy. Cho nên, việc học trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải trong thời kỳ này rất vất vả khó khăn.

Thời kỳ sau: kể từ sau thời kỳ kết tập Tam tạng và các bộ Chú giải lần thứ tư, khoảng thời gian 450 năm sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, kỳ kết tập Tam tạng và các bộ Chú giải này được ghi bằng chữ viết trên lá buông. Cho nên, việc học Tam tạng trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải tương đối ít vất vả khó khăn hơn thời kỳ trước, song có phần hạn chế, vì số bổn được ghi trên lá buông rất ít.

Thời hiện tại này, hầu hết các nước Phật giáo lớn như Myanmar, Thailan, Srilankā, Campuchia, v.v... đều có trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải được in ra thành sách bằng mẫu tự của xứ mình. Cho nên việc học trọn bộ Tam tạng và các bộ Chú giải có nhiều điều kiện thuận lợi. Song việc dạy Tam tạng và việc học Tam tạng trong một số nước ít phổ biến đến toàn thể Phật tử. Hiện nay, phần đông được biết đến xứ Myanmar có chư Ðại Trưởng Lão dạy Tam tạng và Chú giải, và có chư Tỳ khưu theo học Tam tạng và Chú giải; hằng năm, chính phủ Myanmar, Bộ Tôn Giáo tổ chức kỳ thi Tam tạng, kết quả đã có 12 vị Ðại Trưởng Lão thi đậu trọn bộ Tam tạng và thông suốt Chú giải; ngoài ra, còn có những vị Ðại Ðức khác thi đậu Nhị Tạng, Nhất Tạng, một Nikāya, hai Nikāya, v.v... giúp giữ gìn duy trì pháp học Phật giáo được trường tồn. Ðó là điều đáng cho tất cả mọi người Phật tử vô cùng hoan hỉ.

Thời kỳ Ðức Phật còn tại thế, việc thông thuộc Tam tạng không những chỉ có chư vị Ðại Trưởng Lão, Ðại Ðức, mà còn có nhiều vị cận sự nam, cận sự nữ nữa. Bởi vì, việc bảo tồn Phật giáo là phận sự chung của các hàng Phật tử, gồm cả bậc xuất gia lẫn các hàng tại gia cư sĩ.

 

Pháp học - Pháp hành Phật giáo

Pháp học Phật giáo có tính chất quan trọng như thế nào, thì pháp hành Phật giáo cũng có tính chất quan trọng như thế ấy. Bởi vì, có pháp học, có pháp hành mới có thể giữ gìn duy trì Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian này. Pháp học có tính chất quan trọng của pháp học, và pháp hành có tính chất quan trọng của pháp hành, cả hai đều đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho mình và mọi người, mọi chúng sinh. Ví như đất có tính chất quan trọng của đất là làm nơi chốn để trồng trọt các loại giống cây được phát triển tốt đẹp; và các loại cây có tính chất quan trọng của chúng là cho hoa màu để nuôi sống muôn loài.

Nếu có pháp học mà không có pháp hành, thì sự học pháp học ấy không đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc thiết thực cho mình, cho mọi người, mọi chúng sinh. Ví như có đất mà bỏ hoang không trồng trọt, thì đám đất ấy không đem lại lợi lộc gì cho muôn loài.

Nếu có pháp hành mà không có pháp học, thì pháp hành ấy không thể hành đúng; khi hành sai, rồi chấp thủ, thì thật là một tai hại cả đời này lẫn nhiều đời sau; nếu dạy người khác, thì chỉ làm khổ đến người khác mà thôi. Ví như người mù đi lạc vào rừng sâu núi thẳm, nếu dẫn dắt thêm người khác, thì làm khổ họ mà thôi.

Phật giáo được trường tồn, cần phải có pháp học chánh pháp và pháp hành chánh pháp, cả hai đều phải được hiện hữu trong mỗi người Phật tử. Ðó là điều mà Ðức Phật mong nơi các hàng Phật tử là bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ.

Như tích Ðại Ðức Poṭṭhila:

Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana, thuyết pháp đề cập đến Ðại Ðức Poṭṭhila [13] được tóm lược như sau:

Ðại Ðức Poṭṭhila là bậc thông thuộc Tam tạng và Chú giải trong giáo pháp của bảy Ðức Phật từ trong quá khứ theo tuần tự cho đến Ðức Phật Gotama hiện tại. Ngài chuyên cần giảng dạy 500 vị Tỳ khưu.

Ðức Thế Tôn nghĩ rằng: "Tỳ khưu Poṭṭhila này không nghĩ đến việc tiến hành thiền tuệ để giải thoát khổ tử sanh luân hồi cho mình", nên Ngài sẽ làm cho Ðại Ðức phát sanh động tâm thức tỉnh mà lo phận sự của mình tiến hành thiền tuệ.

Từ đó, mỗi khi Ðại Ðức Poṭṭhila đến hầu Ðức Thế Tôn, Ngài truyền dạy rằng:

- Ehi Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch lại đây!

- Vanda Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch đảnh lễ!

- Nisīda Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch ngồi xuống!

- Yāhi Tucchapoṭṭhila! Poṭṭhila rỗng tuếch đi rồi!

Ðại Ðức Poṭṭhila phát sanh động tâm nghĩ rằng: "Ahaṃ sāṭṭhakathāni tīṇi piṭakāni dhāremi, pañcannaṃ bhikkhusatānaṃ aṭṭharasa mahāgaṇe dhammaṃ vācemi; atha pana maṃ satthā abhikkhaṇaṃ "Tucchapoṭṭhilā"ti vadeti; addhā maṃ satthā jhānādīnaṃ abhāvena evaṃ vadeti...".

Ta là bậc thông thuộc Tam tạng cùng với các bộ Chú giải, giảng dạy pháp học đến 500 Tỳ khưu trong 18 nhóm lớn. Thế mà, Ðức Thế Tôn truyền rằng "Poṭṭhila rỗng tuếch". Chắc chắn, sở dĩ Ðức Thế Tôn truyền dạy như vậy, là vì ta chưa chứng đắc các bậc thiền, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Như vậy, ngay bây giờ, ta sẽ đi vào rừng tiến hành pháp hành thiền tuệ.

Một buổi sáng sớm, Ngài mặc y mang bát lên đường đi khoảng 120 do tuần [14] đến khu rừng có 30 vị Tỳ khưu -- Sa di toàn là bậc Thánh A-ra-hán; đang sống nơi đó. Ngài đến hầu đảnh lễ vị Tăng trưởng nhóm, xin nương nhờ, xin thụ giáo; nhưng vị Tăng trưởng khước từ lời thỉnh cầu của Ngài, bởi biết Ngài là bậc pháp sư, có tánh ngã mạn; dầu Ngài cố khẩn khoản thế nào cũng không được. Ngài lại tìm đến vị Trưởng Lão nhỏ, xin nương nhờ, xin thụ giáo, vị Trưởng Lão này cũng khước từ lời thỉnh cầu của Ngài, và cứ thế theo tuần tự Ngài đến vị Trưởng Lão Ðại Ðức khác; không có vị Trưởng Lão Ðại Ðức nào chịu thu nhận Ngài; cuối cùng, Ngài tìm đến vị Sa di mới lên 7 tuổi, Ngài chấp hai tay lên bạch rằng:

- Avassayo me hohi, sappurisa - Kính bạch bậc Thiện trí, kính xin Ngài làm nơi nương nhờ của tôi; tôi xin thọ giáo với Ngài.

Vị Sa di bèn bạch rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức, Ðại Ðức nói gì lạ vậy! Ðại Ðức là bậc cao quý, bậc đa văn túc trí, còn tôi có gì đáng cho Ðại Ðức học đâu!

Ngài khẩn khoản vị Sa di rằng:

- Kính bạch bậc Thiện trí, Ngài đừng nói vậy! Xin Ngài từ bi làm nơi nương nhờ của tôi; tôi xin thọ giáo với Ngài.

Vị Sa di nhỏ tuổi trả lời rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức, nếu Ðại Ðức nhẫn nại chịu nghe lời khuyên dạy của tôi, thì tôi sẽ làm nơi nương nhờ của Ðại Ðức.

Ðại Ðức Poṭṭhila khẳng định tuyệt đối vâng theo lời dạy của vị Sa di, dù bảo thế nào Ngài cũng làm theo. Vị Sa di muốn thử để biết Ðại Ðức Poṭṭhila có thật tâm chịu nghe theo lời khuyên dạy hay không, nhìn thấy gần nơi đó có một hồ nước, vị Sa di bèn thưa rằng:

- Kính thưa Ðại Ðức, xin Ngài vẫn mặc y như vậy lội xuống hồ nước.

Ðại Ðức Poṭṭhila liền lội xuống hồ nước ngay, vị Sa di nhìn thấy nước vừa thấm ướt chéo y, nên thưa rằng:

- Kính thưa Ðại Ðức, xin Ngài lại đây!

Ðại Ðức Poṭṭhila trở lại, đứng yên, vị Sa di bèn thưa rằng:

- Kính bạch Ðại Ðức, một ổ mối có 6 lỗ, con kỳ đà chui vào -- ra ổ mối bằng một trong 6 lỗ ấy; người ta muốn bắt con kỳ đà ấy, bằng cách bịt 5 lỗ, còn chừa một lỗ ngồi chờ bắt nó. Cũng như vậy, trong thân của Ðại Ðức có 6 môn [15] tiếp xúc 6 đối tượng [16] , Ngài bịt (thu thúc) 5 môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn, còn chừa lại ý môn. Ngài tiến hành thiền tuệ bằng ý môn ấy.

Ðại Ðức Poṭṭhila vốn là bậc có nhiều trí tuệ, bậc đa văn túc trí, khi lắng nghe lời dạy của vị Sa di ví như ngọn đèn soi vào tâm trí của Ngài sáng ra. Ngài có chánh niệm tỉnh giác trong thân, tiến hành thiền tuệ.

Cách xa 120 do tuần, nhìn thấy Ðại Ðức Poṭṭhila đang tiến hành thiền tuệ, Ðức Thế Tôn phóng hào quang đến thuyết dạy Ðại Ðức Poṭṭhila bằng một bài kệ. Khi lắng nghe xong bài kệ, Ngài tiến hành thiền tuệ liền chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Ðạo -- Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán ngay khi ấy.

Qua sự tích Ngài Ðại Ðức Poṭṭhila, Ngài rất giỏi về pháp học; còn về pháp hành, Ngài phải tìm vị thầy để xin nương nhờ, xin thọ giáo, còn phải nhờ đến Ðức Phật tế độ, Ngài mới trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh, kiếp nào có diễm phúc gặp được Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ngài; thật là một cơ hội tốt, vô cùng hi hữu, một dịp may mắn rất hiếm có! Bởi vì, Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ: Ðức Phật xuất hiện trên thế gian thật là một điều khó được!

Thật diễm phúc biết dường nào! Kiếp này, dầu không có duyên lành gặp được Ðức Phật, song chúng ta còn có duyên lành gặp được giáo pháp của Ngài còn đang lưu truyền trên thế gian này thêm một thời gian nữa, cho đến Phật lịch năm 5000 mới hoàn toàn bị tiêu hoại.

Hơn nữa, giáo pháp của Ðức Phật cũng chỉ tồn tại trên thế gian một thời gian quá ngắn ngủi so với thời gian tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh từ vô thủy cho đến nay; và từ kiếp hiện tại này, nếu còn tham ái, phiền não, thì vẫn còn tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài tiếp tục đến vô chung. Kiếp sau, ta sẽ là như thế nào? Có còn gặp lại Phật giáo hay không?... Những điều ấy, khó biết được!

Ðiều tốt hơn hết, ngay kiếp hiện tại sống còn của mình, ta phải nên biết cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ; nếu nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, đã từng tạo pháp hạnh ba la mật đủ hỗ trợ cho kiếp hiện tại này, được chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo - Thánh Quả nào, thì thật là đại diễm phúc biết chừng nào! Nếu chưa chứng đắc, thì âu cũng là đại diễm phúc có cơ hội tốt bồi bổ thêm pháp hạnh ba la mật của mình, để chứng đắc trong vị lai, mong giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Chẳng lẽ, ta lại dửng dưng thờ ơ không tiến hành thiền tuệ, rồi phải cam chịu tiếp tục cảnh khổ tử sanh luân hồi mãi mãi vô cùng vô tận như vậy hay sao?

Ví như một người nghèo khổ, may mắn gặp được bạn lành, bạn tốt dẫn đi tìm kho của báu, chịu bao nhiêu nỗi vất vả khổ cực suốt ngày qua tháng lại... may mắn thay! Tìm gặp được kho báu, người ấy tận mắt nhìn thấy nhiều loại báu vật vô cùng quý giá, tâm vô cùng vui mừng khôn xiết, những người bạn lành, bạn tốt khuyên y nên chọn những báu vật quý giá nhất đem về làm giàu, sung sướng suốt đời; nhưng người ấy chỉ chọn lấy những vật không đáng giá, còn những báu vật đáng giá cao quý lại không chịu lấy; cho nên, cuộc đời của người ấy chỉ bớt khổ một phần nào đó thôi không đáng kể.

Cũng như vậy, có số người trong đời này, có duyên lành, có diễm phúc gặp được Phật giáo, họ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, xin quy y nương nhờ nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, hoan hỉ trong việc bố thí làm phước, thọ trì ngũ giới, thỉnh thoảng tiến hành thiền định, để cho tâm được an lạc. Thật ra, những thiện pháp như bố thí, giữ giới, tiến hành thiền định trong Phật giáo cũng có, mà ngoài Phật giáo cũng có. Những thiện pháp này cho quả an lạc trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới, không thể giải thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Người Phật tử nên nhận thức biết rõ rằng:

Pháp hành thiền tuệ là một pháp hành chỉ có trong Phật giáo, hoàn toàn không có ngoài Phật giáo. Hành giả tiến hành thiền tuệ tạo nên thiện pháp đặc biệt:

- Nếu còn là dục giới thiện pháp, thì thiện pháp này trực tiếp làm duyên lành dẫn đến sự giải thoát khổ sanh tử luân hồi trong tam giới ở thời vị lai.

- Nếu là siêu tam giới thiện pháp, thì thiện pháp này nâng đỡ hành giả trở thành bậc Thánh nhân thấp hoặc cao tùy theo sự chứng đắc Thánh Ðạo -- Thánh Quả của hành giả. Những bậc Thánh nhân này không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ðối với người Phật tử, mọi người đều có quyền thừa hưởng tất cả các pháp bảo của Ðức Phật tùy theo khả năng của mình. Ngoài Ðức Phật ra, thật khó có ai biết được mình đã từng tạo pháp hạnh ba la mật nhiều hoặc ít trải qua nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ, người Phật tử tin chắc rằng: "Ta đã từng có duyên lành trong Phật giáo, nên kiếp này ta mới có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đã quy y nương nhờ nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng bằng lời chân thật rằng: "Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật." v.v... Cho nên, ta không nên tự coi thường ta, mà hãy nên thực nghiệm để biết rõ, biết đâu rằng ta đã từng tạo những pháp hạnh ba la mật, từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, đủ có thể chứng đắc Thánh Ðạo -- Thánh Quả nào đó; ngay trong kiếp hiện tại này:

- Nếu ta không tiến hành thiền tuệ, thì không chứng đắc Thánh Ðạo -- Thánh Quả ấy. Như vậy, ta đã bỏ lỡ một cơ hội tốt hiếm có. Thật đáng tiếc biết dường nào!

- Ta tiến hành thiền tuệ, nếu chưa chứng đắc được Thánh Ðạo -- Thánh Quả, thì cũng diễm phúc biết dường nào! Ðó là một cơ hội tốt để ta bồi bổ pháp hạnh ba la mật, rồi sẽ chứng đắc Thánh Ðạo -- Thánh Quả trong thời vị lai. Như vậy, ta cảm thấy hài lòng kiếp này được sanh làm người, được gặp giáo pháp của Ðức Phật, được thực hành theo giáo pháp của Ðức Phật, để tạo duyên lành giải thoát khỏi khổ tái sanh là giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài".

Cũng ví như một người vốn có trí tuệ thông minh, nhưng lại có tánh lười biếng, thì chẳng làm nên được việc gì đáng kể, nếu người ấy cố gắng học hành chuyên cần, thì có kết quả tốt, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa cho mình và mọi người.

Dù người vốn có nhiều trí tuệ, dù người có ít trí tuệ, song kiếp hiện tại này, cả hai hạng người này có tâm tinh tấn chuyên cần tiến hành thiền tuệ sẽ dẫn đến thành tựu như ý, chỉ có khác nhau về thời gian mà thôi. Quả thật, pháp tinh tấn rất quan trọng. Như Ðức Phật dạy:

"Vīriyena dukkhamacceti...". [17]
"Nhờ tinh tấn, chúng sinh giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới".

Quyển sách này, đề cập đến tứ oai nghi là đối tượng chính của pháp hành thiền tuệ; ngoài ra, còn các oai nghi phụ, các sắc pháp, danh pháp khác xem là đối tượng phụ của pháp hành thiền tuệ; thật ra, đối tượng chính, đối tượng phụ đều có giá trị tương tương nhau, không hơn không kém.

Ðể hiểu rõ kết quả của pháp hành thiền tuệ, nên đọc quyển "Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ". Với tác ý thiện tâm muốn áp dụng pháp học đi đôi với pháp hành hoặc lý thuyết đi đôi với thực hành, nên quyển sách này mới giảng giải chi tiết về đối tượng tứ oai nghi, nhưng quả thật là khó, tục ngữ có câu "ngôn dị, hành nan": nói thì dễ, nhưng làm thì mới khó. Ðối với pháp hành thiền tuệ này, nói cho đúng đã thật là khó; còn hành cho đúng, thì lại càng khó biết dường nào!

Người xưa đã dạy, bằng câu tục ngữ "không thầy đố mày làm nên", quyển sách nhỏ này có phải là thầy không?

Quyển sách, nếu đúng là thầy, thì khi đọc sách, gặp điều nào nghi ngờ, thắc mắc, sách phải giải đáp, phải giảng giải cho hiểu rõ điều ấy chứ? Sự thật, sách vẫn nằm yên trước mắt, thờ ơ, lãnh đạm trước nỗi khổ, thắc mắc của mình.

Vậy, có nguyện vọng thực hành pháp hành thiền tuệ, hành giả cần phải tìm vị thiền sư thông thạo về pháp học, có đầy đủ kinh nghiệm về pháp hành thiền tuệ để nương nhờ;

Ðó là điều rất thiết yếu, còn sách chỉ là sách, là vị thầy câm, mà ta nên mang theo bên mình, mỗi khi ta quên điều gì trong sách hãy giở sách ra xem lại. Như vậy, quyển sách cũng có ích lợi cho ta nhiều lắm!

Quyển sách này, bần sư đã sưu tập từ Tam tạng, Chú giải góp nhặt những kinh nghiệm từ các vị thiền sư, các hành giả... nên Phần III có phần vấn đáp, giải đáp những điều thắc mắc chung chung theo khả năng hiểu biết của mình. Pháp hành thiền tuệ là pháp vô cùng vi tế, cao siêu, rộng lớn, còn khả năng hiểu biết của bần sư có hạn; thì không sao tránh khỏi sự sơ sót, thậm chí còn có nhiều chỗ sai lầm, ngoài khả năng. Kính mong quý độc giả, bậc Thiện trí thông cảm, từ bi chỉ giáo, bần sư kính cẩn tiếp thụ những lời phê bình xây dựng của quý vị một cách cung kính và tri ân.

Quyển sách này được hoàn thành nhờ sự đóng góp của những thí chủ có đức tin trong sạch làm phước thiện pháp thí, nhất là gia đình ông bà Trần Văn Cảnh -- Trần Kim Duyên,... đệ tử Rakkhitasīla Antevāsika đã tận tụy đánh máy bản thảo trình bày dàn trang, và được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo cho phép xuất bản, bần sư vô cùng hoan hỉ và biết ơn quý vị.

Nhân dịp này, đệ tử Dhammarakkhita Bhikkhu (Tỳ khưu Hộ Pháp) thành kính dâng phần phước mọn pháp thí thanh cao này đến cố sư phụ Hộ Tông (Vaṃsararakkhita Mahāthera), cùng chư Ðại Trưởng Lão, Ðại Ðức đã dày công đem Phật giáo Nguyên Thủy (Therevāda) về truyền bá trên quê hương thân yêu; và chư Ðại Trưởng Lão Thái Lan, Myanmar, như Ngài Ðại Trưởng Lão Dhammānanda Mahāthera Aggamahāpaṇṇita ... và chư Ācariya như: Ajhan Naeb Mahānirānonda ... đã có công giảng dạy đệ tử về pháp học và pháp hành. Kính mong quý Ngài từ bi hoan hỉ thọ nhận, để cho con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

Bần sư thành tâm hồi hướng phần pháp thí thanh cao này đến tất cả chúng sinh trong ba giới bốn loài, nhất là ông bà cha mẹ thầy tổ, những bậc ân nhân từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ đã quá vãng và hiện tiền, cầu mong tất cả quý vị hoan hỉ thọ lãnh phần pháp thí thanh cao này để giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, thành tựu mọi sự an lạc hạnh phúc cao thượng.

Idaṃ no dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.

Do nhờ pháp thí thanh cao này làm duyên lành dẫn dắt tất cả chúng con hướng đến sự chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả, Niết Bàn diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân.

Nếu chúng con chưa được giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, thì do nhờ năng lực pháp thí này hỗ trợ cho chúng con kiếp nào cũng có chánh kiến, khi có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian hoặc Giáo pháp của Ngài đang lưu truyền, chúng con dù ở gần, dù ở xa, dù ở thế giới này, dù ở thế giới khác cũng có duyên lành đến hầu Ðức Phật, nghe chánh pháp của Ðức Phật liền phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có đức tin nơi pháp hành thiền tuệ, tinh tấn tiến hành thiền tuệ chóng chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tái sanh, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Ðây là nguyện vọng cũng là cứu cánh duy nhất của chúng con.

Núi rừng Viên Không,
Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mùa an cư, Phật lịch 2546.
Tỳ khưu Hộ Pháp

 -ooOoo-


[1] Dhammapadaṭṭhakathā, tích Cakkhupālattheravatthu.

[2] Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātaṭṭhakathā.

[3] Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Ekakanipātaṭṭhakathā.

[4] Bộ Văn phạm Pāḷi Padarūpasiddhi, phần Saṅkhyātaddhita.

[5] Chú giải bộ Majjhimanikāya, Mūlapaṇṇāsa, kinh Alagaddūpamāsuttavaṇṇanā.

[6] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Kapilamacchavatthu.

[7] 3 bậc Thánh Hữu Học: bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai.

[8] Bậc Thánh Vô Học: đó là bậc Thánh A-ra-hán không còn học và hành giới, hành định, hành tuệ nữa.

[9] Tứ tuệ phân tích: ngôn ngữ phân tích, nghĩa phân tích, pháp phân tích, ứng đối phân tích.

[10] Lục thông: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông, thần túc thông, lậu tận thông.

[11] Bộ Mahā aṭṭhakathā... gồm có Pakiṇṇakadesanā của Ðức Phật, cùng lời giải thích của chư bậc Thánh A-ra-hán, có lẽ chưa phân chia từng bộ riêng rẽ, đến thời kỳ Ngài Mahā Buddhaghosa, Ngài mới phân chia rõ ràng từng bộ.

[12] Sự phân chia số quyển Tipiṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭikā, Anuṭikā theo bộ Pāḷi Myanmar.

[13] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Poṭṭhilattheravatthu.

[14] Yojana: do tuần khoảng 20 cây số.

[15] 6 môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn.

[16] 6 đối tượng: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.

[17] Khuddakanikāya, bộ Sutttanipāta, kinh Āḷavakasutta.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 2.0 | 3.1 | 3.2 | 3.3

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 28-08-2003