BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Tu nhà
Thích Chân Tính
[02] I.- SỰ TU THÂN CỦA CHA MẸ A.- ĐỐI VỚI BẢN THÂN Cha mẹ là người thầy giáo đầu tiên, là bài học vỡ lòng, là tấm gương sáng để con trẻ soi bóng, noi theo và học tập. Đức hạnh của cha mẹ ảnh hưởng lớn tới đời sống tương lai của con trẻ. Vai trò cha mẹ trong gia đình ví như vị đứng đầu quốc gia. Gia đình hạnh phúc hay chia rẽ, anh em có trên kính dưới nhường hòa thuận hay không, quốc gia hưng thịnh hay suy vi, nhân dân an cư lạc nghiệp hay đói khổ loạn lạc đều do cha mẹ hay vị lãnh đạo trực tiếp hoặc gián tiếp có trách nhiệm về sự tốt hay xấu ấy. Khổng Tử nói: "Thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Theo quan điểm của ông cũng lấy tu thân làm gốc trong việc tề gia trị quốc bình thiên hạ. Đối với cha mẹ việc tu thân rất cần thiết. Vì qua đó mà con trẻ mới cảm thụ, thấm nhuần những cái hay cái đẹp toát ra từ hành động thân thiết hằng ngày. Ví như một bông hoa thơm, một nén hương trầm để trong nhà sẽ tỏa ngát hương thơm đến tất cả mọi người. Trái lại, nếu là hũ mắm mở nắp thì thật là cơ khổ cho con cháu và mọi người khác khi bước vào nhà ấy! Thế nên, muốn xây dựng tô bồi hạnh phúc gia đình, muốn làm mô phạm giáo dục con cháu, muốn trở thành người hữu ích cho xã hội, muốn làm việc quốc gia đại sự... trước hết con người phải biết tu sửa bản thân, biết cải ác tùng thiện, làm tròn bổn phận trách nhiệm vị trí của mình nhiên hậu mới có thể thực hiện được các lợi ích trên. Là Phật tử tại gia vấn đề tu thân càng phải thể hiện một cách tiêu biểu, tích cực hơn nữa. Vì sao thế? Vì chúng ta đã tự hào hãnh diện, sung sướng mang danh Phật tử tức là con Phật. Mà Phật đại biểu cho trí tuệ siêu tuyệt, tình thương vô lượng. Ít ra chúng ta "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh" chứ! Suốt 49 năm ròng rã, Phật luôn vì lợi ích cho chúng sanh không ngừng gian khổ hành đạo, gieo rắc ánh đạo vàng khắp cõi Ta bà, hướng dẫn nhân loại lên đường giải thoát, nêu bao gương hạnh cao quý, uy đức trang nghiêm để thu phục lòng người, cảm hóa kẻ ác, nhiếp phục ma quân. Ngày nay chúng ta hữu phước đa duyên gặp được Tam Bảo thấm nhuần đôi chút giáo lý Phật đà, thừa hưởng gia tài pháp bảo, ta phải cố gắng tu tập để khỏi phụ lòng những vị đã khai đạo, noi theo dấu chân xưa hầu tô điểm đức hạnh, làm đẹp cuộc đời. Được vậy, mới xứng danh đệ tử của đấng: "Thiên nhân chi đạo sư, tứ sanh chi Từ phụ". Sự tu thân của cha mẹ sẽ là nhịp cầu bắc ngang giữa lời dạy của đức Phật. Vì qua lời nói, cử chỉ, hành động hàng ngày mà con trẻ sẽ hiểu phần nào giá trị giáo lý Phật và ít nhiều nó cũng nhận ra rằng Phật pháp đã tạo nên những đức hạnh mẫu mực ấy nơi cha mẹ mình. Từ những hành vi cao đẹp, những việc làm từ thiện hữu ích đó sẽ dần dần ăn sâu, ảnh hưởng trực tiếp vào tiềm thức con trẻ và là bài học thực tế nhất giáo dục chúng trở thành những đứa con hiếu hạnh, có đạo đức và là công dân tốt của xã hội tương lai. Sự tu thân của cha mẹ cần nên thực hiện các điều sau: 1.- Tránh sát sanh Trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy: Ai ai cũng sợ gươm đao Tất cả chúng sanh đều có tính tham sanh úy tử. Vì mạng sống là điều rất quý. Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được bằng sức lao động và sự cần kiệm; sức khỏe hao mòn suy yếu có thể phục hồi bằng thuốc men, ăn uống bồi dưỡng. Thế nhưng thân người nếu mất đi muôn kiếp khó được. Chúng ta nên biết mọi nhân lành quả tốt đều từ sự sống mà nảy sanh. Do vậy, với bản tánh tự nhiên ai ai cũng ngán sợ trước những thảm cảnh giết hại dã man, những tai nạn khủng khiếp xảy đến với mình. Cứ suy lòng mình ra lòng người, những gì mình sợ, mình không muốn thì đừng nên tạo cái khổ cho kẻ khác. Như câu Khổng Tử đã nói: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" là thế. Hiểu được mạng sống là quý, giết hại làm mất sự sống kẻ khác là độc ác người Phật tử phải luôn luôn tôn trọng sự sống, không vì tham vọng hay ích lợi riêng tư mà hủy hoại sự sống. Tránh sát sanh sẽ tạo cho chính bản thân cha mẹ được các điều như: a.- Nuôi dưỡng lòng từ và dạy con đức tính từ ái. Tình thương là chất nhựa gắn liền con người với con người, con người với muôn loại động vật khác. Nó làm cho nhân loại chúng sinh gần gũi, thông cảm và thương yêu nhau hơn. Để hiểu rõ điều này qua lịch sử cuộc đời đức Phật ta thấy: khi ngài từ bỏ cung điện nguy nga, vợ đẹp con xinh, một mình dấn thân vào rừng sâu cảnh vắng tầm đạo, sống đơn độc không vũ khí nơi mình, trong khi chung quanh ngài toàn những thú dữ, nhỏ như muỗi mòng, rắn rít, lớn như cọp, beo, sư tử, gấu... Thế nhưng tại sao ngài vẫn ung dung trải qua bao tháng năm nơi rừng thiêng nước độc mà không hề tổn thương đến tính mạng? Đây là điều mà ít ai để ý nhưng rất quan trọng. Hay là đức Phật có phép lạ chăng? Hay ngài có võ thuật cao cường? Hoặc phương thuốc bí truyền nào đó? Không, chẳng có một sức mạnh nào khác hơn tâm bình đẳng và lòng từ bi vô lượng của Ngài. Chính những đức hạnh này là mạng lưới vô hình bao bọc che chở, đồng thời cảm hóa tất cả những thú dữ quy phục dưới chân Ngài. Để thực tế chứng minh rõ lòng từ và tâm bình đẳng có tác dụng thế nào, hằng ngày trong cuộc sống ta cố gắng thể hiện tình thương và hòa hợp với bà con lối xóm, tận tụy giúp đở họ lúc khó khăn hoạn nạn, chúng ta sẽ cảm thấy mọi người yêu thương, quý mến ta thế nào. Đối với loài vật cũng vậy, nếu ta thương mến chúng chúng sẽ gần gũi và không sợ hãi ta. Do đó tránh sát sanh cũng có nghĩa là nuôi dưỡng lòng từ, thể hiện tâm bình đẳng với muôn loài, không nở thấy những chúng sinh bị đâm giết, quằn quại đau khổ. Từ tâm niệm ấy sẽ giúp cho ta thông cảm nỗi khổ đau của kẻ yếu và phát khởi tình thương chan chứa đến muôn loài. Do tôn trọng sự sống và lấy từ bi làm phương châm hành động sẽ cảm hóa được con trẻ xa lìa tâm sát hại, nẩy nở đức tính thương người mến vật và biết quý trọng sự sống mở lòng bao dung rộng rãi đến tất cả muôn loài. b.- Tránh nhân quả báo ứng và thù hận. Có lẽ làm người ai cũng muốn sống trong sự an vui hạnh phúc, không thích kẻ nào quấy rầy hoặc dùng bạo lực để gây thương tổn đến bản thân. Đó là mong ước của mọi loài động vật. Đúng, chỉ có thế thôi: an vui hạnh phúc và không bị ai quấy rầy sát hại. Tuy nhiên với sức mạnh và sự bất công của con người nói chung, lại tìm sự an vui hạnh phúc trên những đau khổ đọa đày của kẻ khác, thỏa lòng thích khẩu trước những cái chết thê thảm của các loài khác. Nếu đứng về phương diện bình đẳng giữa sự sống với nhau, thì hành động ấy quả thật là "cá lớn nuốt cá bé" hoặc "mạnh được yếu thua". Chúng ta cứ tưởng tượng một con gà đang vùng vẫy trước sức mạnh của con người. Họ đè cánh chúng, trói chân lại, nhổ lông, rồi kề dao vào cổ cứa... í ẹ ghê quá! Máu chảy ra. Thử hỏi con gà ấy có đau khổ, oán thù kẻ cắt cổ nó không? Rồi ta hãy xét qua trường hợp này. Một gia đình nọ đang sống êm ấm hạnh phúc. Bỗng một hôm có toán cướp với vũ khí trong tay xông vào nhà cướp của và bắt con gái hiếp dâm. Người cha thấy vậy quá đau lòng nhào vô can ngăn và bị chúng dùng dao đâm chết. Trước thảm cảnh này vợ và con sẽ nghĩ gì? Có căm tức oán thù bọn cướp ấy không? Nếu có thì làm gì được họ đây hay cũng đành cắn răng nhẫn chịu trước lưỡi dao họng súng kia? Qua hai trường hợp ấy chúng ta thấy chỉ vì sức yếu nên con vật chịu cắt cổ trước sức mạnh của loài người, con người bất lực trước sức mạnh của tập thể uy hiếp, họng súng dọa nạt. Thế nhưng hai trường hợp ấy đâu phải kẻ cô yếu không oán hờn mong ngày báo thù? Nếu xét về nhân quả, không sớm thì muộn kẻ gây ác sẽ gặt ác quả. Kinh Pháp cú dạy: "Người nào cầu hạnh phúc cho mình mà dùng dao gậy phá hoại hạnh phúc kẻ khác, thì sẽ không bao giờ được hạnh phúc". Một vấn đề nan giải là người mẹ phải đảm đương về việc ăn uống hằng ngày của gia đình, làm sao tránh khỏi sát sanh? Có lẽ nhiều Phật tử băn khoăn lo nghĩ như thế. Ở đây chúng tôi mong rằng quý vị nên cố gắng bằng mọi cách giảm tối đa việc sát sanh. Nếu vì gia đình đòi hỏi hoặc cần ăn thì ta có thể mua những thứ bán sẵn ở chợ đem về nấu nướng. Thế mình không giết, đi mua ở chợ người ta giết sẵn mình ăn cũng là tội vậy? Đúng, nhưng vì không còn giải pháp nào hơn, chúng tôi đành phải đề nghị như thế. Nếu chúng ta không ăn thì đâu có ai giết bán làm gì! Đã ăn thì không trực tiếp cũng gián tiếp khuyến khích kẻ khác sát sanh. Ngoài ra, cha mẹ nên ngăn ngừa và nhắc nhở con trẻ không nên lấy việc giết hại để làm trò giải trí. Chẳng hạn như trường hợp sau mà tôi đã chứng kiến: Vào buổi tối nọ, sau khi công phu chiều vừa xong, tôi nghe tiếng reo hò ầm ĩ của trẻ con xen lẫn giọng cười thích thú của một số người lớn bên cạnh chùa. Từ trên lầu nhìn xuống, tôi thấy một con chuột đang bị thui sống. Bọn trẻ dùng phương pháp là cột chú chuột bằng sợi kẽm ngang lưng, treo tòn ten thòng đầu xuống, ở phía dưới đốt lửa. Con chuột vì nóng quá phải dãy dụa, kêu la chí chóe. Nhìn chuột vùng vẫy trong cái chết thê thảm, mọi người chung quanh vỗ tay cười reo với trò chơi quái ác này. Sau khi xem, tôi cảm thấy đau xót và thương hại cho lũ trẻ mới lớn đã tập tính sát sanh, vui cười trước sự đau khổ của kẻ khác. Riêng bậc phụ huynh, lẽ nào ta lại đứng xem con trẻ hành động thiếu lương tâm như thế. Đã không ngăn cản lại còn vui cười với chúng, vô tình - hay nói đúng hơn cố ý - ta cũng đồng lõa với việc làm dã man của chúng. Thử hỏi, ở địa vị cha mẹ như vậy có xứng đáng làm mô phạm hoặc đủ tư cách dạy bảo con trẻ không? Vả lại, thử đặt ta vào trường hợp con chuột đang bị thui ấy, ta sẽ cảm thấy thế nào? Hẳn chúng ta vẫn tự hào con người là loài động vật cấp cao, có đầy đủ trí khôn, giàu lòng nhân ái và nhờ những đức tính này mà con người khác hơn loài vật. Nhưng nếu chúng ta hành động theo bản năng, thiếu suy nghĩ, trái lương tâm, thô bạo, dã man thì có khác chi loài thú đâu? Nên nhớ, ăn để mà sống không phải sống để mà "xực" cho đẫy đà thỏa mãn khẩu vị của mình. Cũng vì cái miệng tham ăn đã đày đọa tấm thân, gây bao nghiệp chướng và chiến tranh ngày nay có ra cũng do từ sự xung đột tranh dành miếng ăn, chỗ ở. Tại sao ta muốn sống, muốn giữ gìn bảo vệ sức khỏe lại đi cướp đoạt sự sống của loài khác tô đắp cho sự sống của mình chứ? Ôi! Quả là bất công và tàn nhẫn vô cùng. Vì phục vụ cho dục vọng, con người đã bày ra đủ mọi cách ăn uống, chế biến đủ các loại cho hợp khẩu vị khiến bao loài vật phải chết thê thảm, đau khổ, rên siết. Thế nhưng "máy xay của Trời tuy chậm, nhưng xay thật kỷ" (The mills of the gods grind slowly, but they grind exceedingly fine - English Proverb). Không sớm thì muộn quả báo sẽ đến cho những ai làm ác. Câu chuyện sau đây sẽ chứng minh điều ấy: Ở Thượng Hải, có nhà triệu phú họ Bành, một doanh thương cự phú ở đô thị. Ông nghiên cứu được món ăn rất hấp dẫn, mệnh danh là món "quán miết giáp" (rót nước vào chiếc mai ba ba). Ông chế ra một chiếc nồi đất, trên vung có đục một cái lỗ nhỏ vừa bằng đầu con ba ba chui lọt. Rồi cho ba ba vào một nồi nước đem đăït lên trên bếp đun. Dĩ nhiên, một lúc sau nước nóng ba ba chịu không nổi phải tìm lối thoát và nó chỉ còn một cách duy nhất là cho cổ chui ra khỏi lỗ vung nồi, nhưng thân hình thì đâu dễ gì thoát khỏi. Nước càng nóng ba ba chỉ còn biết hả miệng ra chờ chết, thế là nhà cự phú họ Bành đàng hoàng ngồi đổ gia vị vào miệng ba ba (dầu, húng lìu, mỡ, thịt băm nhỏ) rồi bịt kín nồi hầm nhừ thành một món ăn mà họ Bành cho là "dzách lầu" ở trên thế gian này... Họ Bành thường ăn như vậy và thường làm cả trăm con một lúc để đải khách. Thế nhưng "ác giả thì ác báo". Một hôm nhà họ Bành xảy ra hỏa hoạn, lúc ấy họ Bành đang say sưa trong giấc mộng sau một đại tiệc toàn là món miết giáp. Khi phát hiện ra hỏa hoạn, họ Bành tỉnh giấc thì đã muộn, lửa cháy chung quanh, luống cuống họ Bành tìm không ra chìa khóa cửa. Vì là cự phú nên ông rất sợ bị bắt cóc và trộm cướp cho nên lúc nào cũng ở trên phòng kiên cố trên lầu, cửa sắt bao bọc vững chắc. Lửa cháy tứ tung kéo đến gần kề. Cùng đường họ Bành thấy còn một lối thoát duy nhất là chiếc của sổ, ông liền chui đầu qua song sắt, nhưng khốn nỗi thân hình to béo với cái bụng nước lèo không thể lọt qua. Lúc ấy xe cứu hỏa tới, vì đầy khói nên không thấy họ Bành, cứ phun nước vào mặt mũi làm ông chết ngạt, đồng thời trong phòng lửa cháy dần dần thui sống ông trông thật thê thảm. Nhìn cảnh ấy ai cũng liên tưởng tới món miết giáp của ông. Trước kia ông hành hạ những con ba ba vô tội hết sức tàn ác, thì bây giờ ông cũng bị chết trong trường hợp y hệt như những con ba ba nạn nhân của ông. Thật là luật nhân quả có vay có trả, lúc nào cũng cân xứng. Qua câu chuyện trên ta thấy, lúc thọ hưởng và thỏa mãn khẩu vị trên những đau khổ, quằn quại, rên siết của động vật khác, ta tưởng là thú lắm, sung sướng lắm, bổ béo lắm. Nhưng khi chính ta lâm vào hoàn cảnh ấy ta mới thông cảm được thế nào là nước sôi lửa đốt. Chừng đó ta có oán hận ngọn lửa tàn ác kia saolại dã man "thui" mình không một chút thương tiếc như thế. Dù đã kêu gào than khóc, nguyền rủa nó vẫn cứ mặc nhiên cháy, như họ Bành "rung đùi" lạnh lùng thản nhiên ngồi nhìn con ba ba thò đầu trong nồi nước sôi kia vậy. Quả là trước công lý mọi chúng sanh đều bình đẳng. "Khi ác nghiệp chưa thành thục người ngu tưởng như đường mật, nhưng khi ác nghiệp đã thành thục họ nhất định chịu khổ đắng cay" (Kinh Pháp Cú). Sát sinh có rất nhiều hình thức nói chung thì hình thức nào cũng dẫn đến quả báo. Tùy theo hành động thô bạo hay tế nhị, cố sát hay ngộ sát mà có sự nặng nhẹ khác nhau. Tổ Quy Sơn dạy: "Giả sử bá thiên kiếp Nghĩa là dù trải trăm nghìn kiếp, chỗ làm nghiệp chẳng mất, khi nhân duyên đầy đủ, quả báo trở lại mình. Thế nên, tất cả mọi hành động nơi thân khẩu ý phải e dè thận trọng, tránh gây nhân bất thiện. Bởi vì một khi hột giống đã gieo xuống đất không sớm thì muộn, lúc nhân duyên đầy đủ nó liền nẩy mầm đâm chồi. Tích truyện Mục Kiền Liên sau đây sẽ chứng tỏ cho thấy việc sát sanh tạo sự oan trái, thù hận rất lâu dài: Mục Kiền Liên là một vị đệ tử đứng vào hàng thứ hai trong Thập đại đệ tử của đức Phật, nổi tiếng về phương diện thần thông đệ nhất. Một lần nọ đang trên đường hóa đạo, đi ngang qua núi Y Tư Xa Lê, Mục Kiền Liên bị bọn Lõa hình ngoại đạo sát hại bằng cách xô đá từ trên núi xuống. Đá rơi loạn xạ như mưa khiến nhục thân của tôn giả dập nhừ tan nát. Được tin này, các vị Tỳ kheo vô cùng thắc mắc, bèn tập họp lại để cầu thỉnh đức Phật chỉ rõ nguyên do. - Bạch đức Thế Tôn! Mục Kiền Liên là người có thần thông oanh liệt, tại sao không dùng sức thần để đối kháng với ngoại đạo? Đức Phật giải thích: - Các Tỳ kheo! Khi Mục Kiền Liên lâm nạn chẳng phải ông ấy không biết dự phòng để bảo vệ cho mình khỏi tai nạn nhưng thần thông không vượt qua nghiệp lực, vì thần thông không phải là biện pháp cứu cánh, người tu hành chẳng thể đi ngược lại lý nhân quả. Mục Kiền Liên (trong quá khứ làm nghề chài lưới) vì gieo nhân sát sanh nên quả nghiệp sát cần phải kết thúc đời này để được giải thoát vĩnh viễn. Là một bậc thần thông biến hóa như Mục Kiền Liên còn không tránh khỏi nghiệp quả do mình gây tạo trong quá khứ, huống hồ chúng ta là kẻ phàm phu đầy nghiệp chướng lại không e dè sợ sệt tránh nghiệp sát ư! Thử nghĩ lại coi, mỗi ngày chúng ta sát hại bao nhiêu sinh mạng loài vật? Ở đây chỉ cần đơn cử một ngày giết một con cá thôi và một năm sẽ có 365 con chết, mười năm là 3.650 con; rồi hai mươi, ba mươi, bốn mươi năm cho đến trọn đời, chúng ta sát hại bao nhiêu? Đương nhiên mỗi loài sẽ căm thù một ít, hờn oán chất chồng khiến cho oan oan tương báo, xoay chuyển trong vòng luân hồi lục đạo trả vay vay trả mãi mãi. Đừng tưởng lỗ nhỏ không làm đắm thuyền, tội nhỏ không phải trả báo. Là Phật tử khá nên suy xét cẩn thận điều này. Chẳng phải bay lên không trung Những dẫn tích vừa qua đã cho ta hiểu sự báo ứng và oán thù về nghiệp sát. Thế thì theo thiển ý của tôi có lẽ ai ai cũng sợ sự khổ, sợ đau đớn, sợ tai nạn, sợ cực hình, nhất là luân hồi sanh tử. Vậy không lý do gì ta cứ gieo thêm nhân sát sanh nữa. Muốn không có quả ớt thì đừng trồng cây ớt, muốn hết khổ báo đọa đày đền mạng thì đừng nên sát sanh. Vả lại, khi nêu lên mục này, chúng tôi đã dùng hình thức tránh sát sanh để trình bày. Còn sau khi đọc xong đọan trên, quý Phật tử đã hiểu rõ quả báo của sự sát sanh ghê tởm như thế nào. Có lẽ vì tình thương và tránh báo ứng, chúng ta sẽ không ác tâm đang tay giết hại loài vật cho đành. Miệng người là huyệt mộ, bao tử là mồ chôn, thân là bãi tha ma đã dung chứa biết bao sinh mạng loài vạât phải chết oan uổng đau đớn vì cái xác ô uế giả tạm này. Xét cho kỷ thân thể con người được đúc kết bằng huyết nhục, bằng oan hồn, bằng đau khổ của loài thú. Nghiệp ác chất chồng, oán thù đầy dẫy. Vả lại thân người chỉ tồn tại một thời gian rồi cũng hư hoại, tan rã trả về với cát bụi. Một khi hơi thở ra không trở lại, hỏi có đem theo được cái xác thúi này không, hay cũng chỉ làm cho người đời ghê tởm, vùi sâu dưới ba tấc đất hoặc đốt thành nắm tro tàn vô dụng! Lúc ấy, bao nhiêu máu thịt của súc sinh tô bồi lên thân thể ta còn lại được gì? Rồi ai chịu trách nhiệm về những tội lỗi ấy? Mong rằng Phật tử nói riêng và nhân loại nói chung, ai cũng muốn an vui hạnh phúc thì đừng nên phá hoại sự sống kẻ khác. "Ta lấy con mắt trí tuệ mà nhìn, thì thấy hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ của nhau. Tại sao ta lại bắt giết mà ăn thịt!" (Kinh Niết Bàn) 2.- Không gian tham trộm cắp Mạng sống con người đã là quý, mà những tài vật nuôi sống con người cũng không kém phần quan trọng trong đời sống nhân loại. Người nông dân chân lấm tay bùn vất vả với công việc đồng áng; anh đạp xích lô còng lưng dốc sức chở khách; công nhân quần quật suốt 8 tiếng đồng hồ nơi nhà máy; cô bán hàng thức khuya dậy sớm với đôi gánh trên vai; người giáoviên canh thâu vẫn còn ngồi bóp đầu nặn óc soạn bài... Tất cả những việc làm cực nhọc ấy không ngoài mục đích vì sự sống, vì miếng cơm manh áo. Hơn thế nữa với sự tiến bộ khoa học ngày nay, nhu cầu vật chất cao, con người làm việc không chỉ để có miếng ăn mà còn mong sao có thêm những phương tiện cần thiết giúp cho sự sống thoải mái và mở mang kiến thức như: nhà cửa, xe cộ,ti vi, máy hát...Thế nên, trèo non lặn suối, đi ngược về xuôi, thức khuya dậy sớm, buôn tảo bán tần, lao thân khổ trí, cực khổ vô cùng cũng bởi đồng tiền bát gạo, bởi cuộc sống đầy đủ ấm no. Được nó ai cũng vui mừng sung sướng, gia đình vui vẻ ấm no. Mất nó người ta sẽ đau khổ xót xa, lo rầu thương tiếc. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng gia đình sa sút, đời sống khó khăn khiến anh em chia lìa, vợ chồng ly cách, hạnh phúc tan vỡ. Muốn sống con người phải có thực phẩm để ăn; muốn ấm thân cần có quần áo để mặc; muốn có cuộc sống thoải mái, đở vất vả người ta cần có những dụng cụ để xử dụng hàng ngày, nhất là tiền bạc, một phương tiện cần thiết trong mọi sinh hoạt đời sống nhân loại. Ắt hẳn ai ai cũng muốn giữ gìn bảo vệ nó, không thích kẻ khác xâm phạm hoặc cướp đoạt. Vì dù sao nó cũng là thành quả của biết bao công sức và mồ hôi nước mắt của họ đổ ra. Nếu chẳng may ai đó bị lường gạt, hoặc bị trộm cướp, không hiểu họ có buồn rầu đau khổ, xót xa, tiếc rẻ không nhỉ? Cứ suy lòng mình sẽ biết lòng người, của mình mình biết quý trọng giữ gìn, không lý nào lại tham lam trộm cắp của người để làm của riêng mình được Điều này rất trái nguyên tắc, coi chừng có ngày "vào khám ngồi xé lịch" thì khốn đấy. Là Phật tử tại gia lại thêm bổn phận, danh nghĩa cha mẹ trong gia đình cần phải lập hạnh chân thật ngay thẳng để con trẻ noi gương. Trong sinh hoạt hàng ngày từ cây kim, cọng rau, quả ớt... nếu ta muốn xài phải mua, trường hợp không có thì hỏi xin người, chớ nên tự lấy ngang và cho vật đó là không đáng. Tục ngữ ta có câu: "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt". Nếu từ việc nhỏ nhặt ta không cẩn thận giữ gìn cho đúng đắn, lâu ngày thành quen đâm ra "ngứa nghề" thấy đồ vật quý của người là sáng mắt muốn "chôm chỉa" liền. Cứ nhìn những người nghiện trầu, thuốc, rượu sẽ rõ. Lúc đầu họ chỉ dùng chơi cho đở buồn hoặc xả giao thôi. Nhưng dần dần tập nhiễm lâu ngày thành quen (ghiền). Bấy giờ không có thuốc hút sẽ ngáp lia ngáp lịa buồn ngủ vô cùng, cái miệng thiếu trầu nhai nhóp nhép thì lạt lẽo chả ra làm sao cả, bữa cơm không có ba xị đế thì mất ngon... Thế nên, muốn tránh hại lớn, ta phải cẫn thận từng hành động nhỏ ban đầu. Hơn nữa, chúng ta hay có quan niệm những vật nhỏ bé không đáng bao nhiêu có chi gọi là gian tham trộm cắp? Nếu lỡ thiếu hụt chút đỉnh lấy của người xài đở, cũng nên vì tình đồng bào mà hoan hỷ xí xóa cho, hơi đâu chấp nhất mần chi cho mệt người. Dạ thưa, người ta không chấp nhất những thứ cỏn con ấy đâu, nhưng khốn nỗi nhân quả có chịu tha ta đâu. Câu chuyện sau đây sẽ cho ta rõ thế nào là vay trả, dù là vật rất nhỏ nếu không xin cũng phải trả: Ngày xưa, có một ông phú gia nọ rất nhiều của. Mọi người trong xóm đều biết danh nhà cự phú này. Ông có nuôi một con ngựa rất khôn, đặc biệt là nó biết nói tiếng người và có linh tính biết trước các việc sắp xảy ra. Một hôm nọ nó bảo với ông chủ rằng: "Tối nay sẽ có một toán cướp gồm mười tám tên đến đây, vậy ông hãy tránh đi nơi khác". Ông chủ không chịu đi và nói rằng: - Nếu quả thật bọn cướp có đến đây thì tôi sẽ đem vàng bạc cho chúng là xong cần gì phải đi đâu cho cực. Con ngựa bèn đáp rằng: - Nếu ông không đi nơi khác, e rằng chúng đến đây cướp của còn giết ông nữa thì sao? Tốt hơn ông hãy lấy vàng chia ra mười tám phần để đó rồi trốn đi nơi khác, một mình tôi ở nhà định liệu. Ông chủ nhà nghe xong cho là phải, lấy vàng chia ra mười tám phần để sẵn và gia đình kéo nhau đi trốn nơi khác. Tối hôm đó, mười tám tên cướp gõ cửa, con ngựa bèn trả lời: - Ai đó. Cứ việc đẩy cửa vào. Sau khi nghe xong, bọn cướp xông vào nhà chia nhau lục soát khắp nơi mà không thấy một ai, chúng mới cất tiếng hỏi thì con ngựa trả lời: - Chính tôi là ngựa đây, tôi biết các ông tối nay đến đây nên tôi đã dặn chủ nhà chia sẵn mười tám phần vàng cho các ông rồi còn chủ nhà đã đi khỏi. Nghe xong tất cả bọn cuớp rất ngạc nhiên và hỏi ngựa tại sao biết nói tiếng người và biết hôm nay chúng đến cướp nhà này. Con ngựa đáp: - Tôi là người tu hành trong nhiều kiếp trước, trai giới rất nghiêm minh. Chỉ vì một hôm đi hành đạo phương xa, trong lúc băng qua một cánh đồng, vì bụng đói thấy nơi đám lúa có một cây trổ bông duy nhất, tôi bèn xuống ngắt lấy ăn. Vì không xin chủ nên kiếp này phải bị làm thân ngựa để đền trả lại cho chủ nhân đây. Sau khi nghe con ngựa kể xong, cả bọn cướp kinh hãi, suy nghĩ về việc làm bất chính của mình từ trước tới nay. Nhà sư chỉ vì không xin một bông lúa mà phải bị đọa làm thân ngựa để đền trả như thế, huống chi cả đời cướp hại của người tránh sao khỏi quả báo. Từ đó họ sám hối ăn năn quay trở về con đường lương thiện, bỏ nghề gian tham tinh tấn tu hành về sau trở thành mưới tám vị La hán. Cổ nhân nói: "Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ", nghĩa là người không có lễ nghĩa thì chẳng nên thân, đồ vật phi nghĩa chẳng nên lấy giữ. Vì vật phi nghĩa là của cờ bạc, của rơi rớt ngoài đường, của hối lộ móc ngoặc, của lường gạt dối trá người... những thứ này không phải mồ hôi công sức mình tạo ra nên khó thể vững bền lâu dài với mình được. Tục ngữ ta có câu: "Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ". Chúng ta cứ suy xét cho kỹ những kẻ tham lam trộm cắp lừa gạt của người đem về xây đắp gia đình, thử hỏi họ có bao giờ hạnh phúc dư thừa đâu? Hay lúc nào cũng phải phập phồng lo sợ ngày đêm không yên. Khi lấy của người thì muốn vơ vét cho thật đầy, thật nhiều, đến lúc bị tội lại mong thật ít, thật nhẹ. Giả sử nếu công việc trôi chảy êm xuôi, chưa chắc gì những của phi nghĩa ấy tồn tại với kẻ gian lâu đâu. Rồi nó cũng theo ông bà mà tiêu ma hết hoặc xui khiến gia đình không tai kia thì tật nọ, không vợ đau thì con ốm, họa hoạn dồn dập, rốt cuộc bao nhiêu tiền phi nghĩa ấy đổ vào thuốc thang, tai nạn cũng chẳng đủ. Thế là nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn hoàn khổ, chỉ thêm được một số lời: đó là tội lỗi và tính gian tham. Trong bài kệ Khất sĩ có đoạn: Thân này chưa biết ra chi Gian tham có rất nhiều hình thức, là Phật tử chúng ta nên cẩn thận và xử lý kịp thời khi phát hiện. Không nên làm ngơ bỏ qua và cho rằng việc nhỏ không đáng. Chẳng hạn như: người khác trả dư tiền mình cũng làm ngơ, mượn đồ của người biết họ quên giữ luôn xài, đi xe, qua đò không trả tiền v.v... Chính tôi khi xưa lúc còn lên bậc Trung học, đường đi từ nhà đến trường khoảng 8 cây số phải đi bằng xe buýt. Hôm nào gần tới bến lơ xe quên lấy tiền vé, tôi cảm thấy "mở cờ" trong bụng, ngồi êm re thầm khấn cho họ chẳng nhớ đòi. Khi xuống xe thấy êm xuôi rồi, tôi hý hửng chạy ngay đến hàng cà rem làm một cây ăn mừng cái đã. Tôi rất thích màn này diễn ra đều đều. Quả thật là trẻ con! Muốn tránh gian tham, không có phương pháp nào hơn là giữ hạnh ngay thẳng và tâm chân thật. Nói chung từ tâm niệm cho đến hành động phải thống nhất, không nên bề ngoài ra vẻ chánh trực, trong tâm lại tính toán quá chừng. Ví dụ khi ta đi đường gặp người làm rớt bóp tiền, ngó trước nhìn sau thấy có người, ta làm bộ ra vẻ chân thật, lượm lên gọi người ấy trao trả cho họ. Nhưng khi đi thì trong lòng tiếc rẻ, than thầm: Nếu đừng có ai trông thấy thì mình "trúng mánh" rồi, thật xui ghê! Hành động như vậy là mâu thuẩn với tâm ý. Trái lại khi làm việc ấy ta cảm thấy vui vẻ sung sướng vì mình vừa thực hiện việc phải, giúp người khỏi bị đau khổ vì mất số tiền, tâm hồn khoan khoái nhẹ nhàng. Có thế mới xứng đáng là người Phật tử chân chánh. "Ta thà giữ đạo nghèo mà chết chứ không chịu vô đạo mà sống" (Kinh Lục Độ Tập). 3.- Không nên tà hạnh Vợ chồng là bạn tình trăm năm, là nghĩa vụ thiêng liêng, là mối quan hệ chặt chẽ trong việc xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình, gây tạo con cháu nối dõi tông đường. Thế nên, người bạn tình mà ta thề non hẹn biển suốt đời chung sống đến lúc răng long đầu bạc, quả là hệ trọng vô cùng. Do vậy chúng ta không thể một sớm một chiều mà định đoạt hoặc hấp tấp se duyên kết nghĩa - đừng sợ mất người yêu - thiếu sự cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng cẫn thận. Hậu quả của nó thường đi đến chỗ ân hận suốt đời. Tình yêu khổ nỗi hay dẫn đến sự mù quáng. Trước mắt họ người yêu là thần tượng tuyệt vời, đáng yêu trăm vạn lần hơn ghét. "Trí óc có cả nghìn con mắt Đã yêu nhau, họ sẵn sàng tha thứ tất cả và hình như không muốn nghe, muốn biết lỗi lầm của nhau. Chỉ có tràn đầy yêu thương và hy vọng. Vì các cô cậu thanh niên vẫn công bố trước cuộc đời là: Ôi! khi yêu nhau thì không nên tính toán, tình yêu chân thật chẳng nên so sánh thiệt hơn tốt xấu. Dạ thưa xin nhất trí với các bạn trẻ mà hoa tình yêu vừa chớm nở trong lòng. Hẳn ta vẫn nghe nhiều đôi bạn khi chưa kết hôn thường ca ngợi, tán thán người tình của mình nào là: có anh như bầu trời mở rộng, thiếu em như trái đất ngừng quay, anh là mạng sống, là trái tim, là linh hồn, là cuộc đời, là là đủ thứ... Quả thật khi nên duyên cầm sắt rồi thì trái đất quay lại mạnh hơn nữa - có lẽ vì lúc này yêu nhiều nên quay nhiều chăng! - quay đến nỗi chén bát vỡ toang, đồ đạc trong nhà bay ra ngoài đường nằm la liệt. Hoặc sau tuần trăng mật: "Tuần đầu chồng nói vợ nghe, tuần thứ hai vợ nói chồng nghe và bây giờ vợ chồng cùng nói cho hàng xóm cùng nghe" (During the first week I talked and she listened then during a fortnight she talked and I listened. Now the both talk and the neighbours listen). Như vậy những lời tâm sự của đôi vợ chồng trẻ đã trở thành buổi hòa tấu vô cùng sôi nổi và đầy hào hứng đã hấp dẫn thu hút hàng xóm đến dự phần nghe ké luôn! Đây có lẽ là kết quả của những bạn yêu vội thương nhanh. Chúng ta nên nhớ tình yêu phát xuất từ tâm hồn chân thật, trong sáng khác với tình dục thấp hèn. Tình yêu vợ chồng nhắm đến sự hòa hợp, hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, nương nhau trong cuộc sống, cùng chung xây dựng hạnh phúc tương lai. Còn tình dục là sự thèm muốn về ái dục, chỉ nhằm đến mục đích thỏa mãn khoái lạc thể xác, sau đó mặc kệ chẳng quan tâm đến người đã dâng hiến trọn tình yêu cho mình. Con người sở dĩ khác con vật ở chỗ có lý trí, hành động phải được chỉ đạo của lương tâm. Thế nên tình yêu chân thật phải từ chỗ hiểu biết lẫn nhau dẫn đến hôn nhân và mối quan hệ xác thịt. Không phải hành động theo bản năng thú tính: thích là làm, làm xong thì thôi. Ở đây không tà hạnh có nghĩa là khuyên Phật tử tại gia phải biết tiết dục, không nên ăn nằm trái phép chẳng phải lúc, không nên có những cử chỉ lố lăng trêu chọc kẻ khác phái ngoài đường... Nói chung, khi đã trở thành vợ chồng rồi cần phải có bổn phận trách nhiệm với cương vị của mình, phải giữ tình thủy chung như nhất, chẳng nên mơ tưởng đến kẻ khác, lang chạ bừa bải để gây xáo trộn gia đình, mất nhân phẩm con người, đôi khi còn làm trò cười cho thiên hạ nữa. Truyện "Cục đá biết la" của Thiên Phúc sẽ cho chúng ta vài phút cười tội nghiệp về hai lão già còn "ham của lạ": Ngày xưa, có một thôn nữ sắc đẹp mặn mà, duyên dáng và rất đổi khôn ngoan. Sắc đẹp của nàng khiến cho lão quan huyện sói đầu và tên thầy đề háo sắc chết mê chết mệt. Lão quan huyện thường hay ve vãn, lui tới tỏ lời ong bướm, còn tên thầy đề thì hay hẹn hò tán tỉnh. Nàng chẳng ưa và rất bực mình với hai lão già dê này. Một hôm, quan huyện lại đến nhà tán tỉnh dây dưa, nàng cho lão một cái hẹn: - Đúng canh ba đêm ba mươi, quan đến trước nhà em, chỗ có cây ớt. Quan ngồi kế bồn ớt, nếu có ai đi qua, quan cứ ngồi im đừng động đậy hay lên tiếng gì hết. Quan cứ ngồi đó chờ lát em sẽ ra tâm sự với quan tới sáng... Lão quan huyện ra về khấp khởi mừng trong bụng "vậy là nàng đã thương ta". Lát sau, thầy đề mò đến. Nàng cũng hẹn: - Tối mai đêm ba mươi, sau trống điểm canh ba chừng một lúc, thầy đến trước cửa nhà em, chỗ cây ớt ngồi đó chờ em. Nếu không thấy em ra, thầy lấy cây dùi em bỏ dưới gốc ớt gõ vào cục đá trắng trắng kế đó cho em nghe, em sẽ ra với thầy. Thầy đề ra về mở cờ trong bụng "phen này thì cá phải cắn câu". Đêm ba mươi chưa tới canh ba, lão quan huyện đã mò đến gốc ớt rồi chui xuống sát bồn cây ngồi ló cái đầu hói lên, ló cặp mắt dòm vô nhà, rộn ràng chờ đợi giây phút sung sướng. Sau hồi trống điểm canh ba, thầy đề mò đến, chui vào gốc ớt, thấy có cái dùi thầy mừng lắm. Chờ một lát, thầy cầm dùi gõ vào cục đá tròn tròn bóng bóng, nghe cái "cốc". Quan huyện thấy ê đầu nhức óc, nhưng không dám la, cứ ngồi cắn răng mà chịu đựng. Không thấy "người yêu" ra, thầy đề tưởng mình gõ nhẹ quá, bèn giơ cái dùi gõ cái "cốc" nữa, mạnh hơn lần trước. Quan huyện bị gõ muốn bể đầu nhưng đành nhăn mặt nhăn mày chịu trận, vì nàng đã căn dặn không được lên tiếng. Đợi thêm một hồi thấy lâu quá, thầy đề giơ cao dùi định tán thật mạnh thì "cục đá" đứng lên nói mếu máo: - Nảy giờ tao nhịn nhiều rồi nghen, thằng chó nào dám gõ đầu tao? Thầy đề hết hồn liệng dùi đâm đầu chạy tháo thân. Người nhà của cô gái nghe động tưởng là ăn trộm bèn la lên. Lão quan huyện mang cái đầu hói vừa mới mọc hai cái sừng, nhảy cái rột dông tuốt. Vợ chồng là bạn tình trăm năm được kết nghĩa se duyên khi còn trẻ đẹp thường nhờ cậy giúp đở lẫn nhau, trong cuộc sống với bao kỷ niệm vui buồn. Chúng ta phải hết lòng với nhau đến lúc tuổi già, khi đẹp đẽ nhớ lúc xấu. Hoa nở phải có lúc héo tàn, nhan sắc cũng theo thời gian mà thay đổi. Thế nên, đừng vì một chút địa vị, giàu sang mà vội vã phụ tình, chạy theo những cô gái trẻ đẹp hơn, lãng quên người vợ cũ đã suốt đời yêu thương và tàn tạ dung nhan vì mình. Từ vợ chồng sẽ trở thành cha mẹ đối với con cái trong gia đình, người Phật tử tại gia cần phải nêu gương đứng đắn để giữ gìn nhân phẩm và danh dự. Vì đức hạnh của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến tính tự trọng nơi con trẻ, là bài học gương mẫu để con noi theo học tập. Do vậy một khi ta đã chấp nhận là vợ chồng, ta không muốn ai xâm phạm, cướp đoạt hoặc ô nhục danh dự gia đình thì ta cũng không có quyền dụ dỗ hoặc phá hoại hạnh phúc kẻ khác. Hàng ngày trên quả đất chúng ta có biết bao gia đình rơi vào tình trạng "ông ăn chả, bà ăn nem" hoặc "chồng mèo, vợ chuột" đưa đến mất niềm tin lẫn nhau, sứt mẽ tình cảm vợ chồng, làm hổ thẹn cho con trẻ, hạnh phúc gia đình tan vỡ. Điển hình như câu chuyện sau: Có một Phật tử hàng ngày đến chùa tụng kinh rất vui vẻ. Thời gian sau thấy vắng và thỉnh thoảng có đi thì vẻ mặt không được vui lắm. Biết có chuyện buồn, một hôm tôi gợi hỏi nguyên do. Người ấy với sự chân thành đã thuật lại cho tôi nghe như sau: "Thưa Thầy, đáng lẽ con không nên đem chuyện gia đình ra kể để làm phiền lòng Thầy phải quan tâm lo nghĩ. Nhưng vì tình nghĩa thầy trò thân thiết con không thể dấu được. Mong Thầy hoan hỷ khi nghe qua sự việc. Nguyên ba má con trước đây rất hòa nhã vui vẻ, gia đình trong ấm ngoài êm. Sau đó vì bảo lòng nổi lên khiến hạnh phúc gia đình tan vỡ, cha mẹ phân ly. Lý do ba con hàng ngày đi làm thường ghé quán cà phê để giải khát và điểm tâm. Vì tính tình vui vẻ, vả lại cũng khá bảnh trai và có chút ít tiền, nên đã lọt vào cặp mắt xanh của bà chủ quán .Mặc dù đã có chồng, bà này đã tỏ ra lạnh nhạt với chồng và rất thân mật với cha con. Rồi lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, tình cảm hai người mỗi ngày một đậm đà, hơn nữa bà này bám sát quá mức. Cuối cùng ba con đã ngã lòng và chung sống với bà ấy. Như vậy, từ khi hai người có những tình cảm cá nhân với nhau, ba con rất lơ là với gia đình, hay kiếm chuyện gây sự với má con. Đến khi đổ vỡ má con mới biết là ba con có người tình khác. Má con nhất định làm giấy ly dị. Từ đó chúng con cảm thấy buồn tủi và cuộc sống trở nên vất vả khó khăn". Qua câu chuyện trên, với địa vị của một người cha, người mẹ trong gia đình còn có khả năng tư cách để dạy bảo con cái không? Người con sẽ nghĩ thế nào và có mặc cảm gì với bạn bè hàng xóm? Thiết nghĩ như thế còn chưa đến nỗi ô nhục cho lắm. Nếu như việc làm tà hạnh gian dâm ấy bị phát hiện trong lúc tư tình, bị nhục mạ tại chỗ thì còn mặt mũi nào mà nhìn ngó bạn bè hàng xóm, vết nhơ tà hạnh này khi nào mới rửa cho sạch, nhân phẩm và danh dự con người chừng nào mới được phục hồi? Hay phải chịu ôm nhục suốt đời? Đối với những người có tâm tà hạnh thường hay lo sợ, bởi vì đã làm việc bất chính thì luôn sợ bị tiết lộ. Vả lại, chúng ta nên hiểu, con người sở dĩ sống và khỏe mạnh cường tráng là do các chất tinh huyết trong cơ thể. Các chất này là tinh hoa của bao nhiêu thứ bổ dưỡng mà ta ăn uống hàng ngày. Một phần nuôi cơ thể, một phần đưa xuống bộ phận sinh dục. Nếu không biết tiết chế tình dục, tham dâm quá độ vô tình chúng ta đem của báu đổ đi. Hậu quả sẽ vô cùng đau khổ như: thân thể tiều tụy, bệnh tật phát sinh, gối mỏi lưng đau, tuổi thọ giảm sút và tinh thần suy nhược. Chắc hẳn, đọc qua lịch sử thời phong kiến, ai cũng biết ông vua có hàng ngàn cung tần mỹ nữ, những ông quan, những hào môn có hàng trăm tỳ thiếp. Do quyền lực và bất công, các vua quan mặc sức thỏa mãn "con lợn lòng" của mình một các bừa bải, hổn tạp, vô luân. Hậu quả đưa đến cho kẻ đa dâm hiếu sắc ra sao? Những ông vua hôn mê chết yểu, những chàng công tử bột liệt nhược, những quan quyền lầy lụa bệnh hoa liễu, những tiểu thư đài các bơ phờ thất sắc. Hởi ơi! "Tình yêu là nguồn vui ngọt ngào nhất và là sự thống khổ dã man nhất". (Bailey) Để bảo vêï sức khỏe, tránh xa bệnh tật, giữ gìn nhân phẩm và hạnh phúc gia đình, xứng đáng là tấm gương sáng cho con trẻ soi bóng. Người Phật tử tại gia nên giữ hạnh đoan chánh, không được phá hoại hạnh phúc kẻ khác. "Nếu thế gian này mà hàng phục được những ái dục khó hàng phục thì sầu khổ tự nhiên rụng tàn như giọt nước lá sen" (Kinh Pháp Cú). 4.- Không nên vọng ngữ Miệng là cửa ngõ của suy tư, là nơi xuất phát tất cả những ý nguyện của mình với tha nhân đồng thời nó cũng là nguồn gốc của bao tai họa và bệnh tật. "Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất". Hàng ngày chúng ta ai ai cũng cần nó để sử dụng trong việc giao tế, biện bác, tranh luận... Vậy trong gia đình có được hòa thuận hay chia rẽ, ngoài xã hội mọi người thương yêu hay thù ghét nhau cũng đều do miệng lưỡi mà ra. Do vì lời nói rất quan trọng, một khi thốt ra phải suy nghĩ cân nhắc kỹ càng. "Nói mà không suy nghĩ có khác nào bắn mà không nhắm" (Speaking without thinking is like shooting without aiming - Spanish Proverb). Hoặc câu "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy", nghĩa là: Một lời nói ra bốn ngựa khó theo. Từ xưa tới nay, đã biết bao nhiêu những tai họa xảy đến cũng vì lời nói qua lại, hơn thua, đâm thọc khích bác lẫn nhau mà ra cả. Một lời nói có thể cứu sống người trong cơn nguy biến, đem lại sự vững tâm cho người lúc sợ sệt, tạo đức kiên nhẫn cho người trong cơn nóng giận, mang lại hòa bình ổn định cho xã hội quốc gia. Trái lại nó cũng làm cho cảnh máu đổ thịt rơi, nhà tan cửa nát, chia rẽ thù hiềm. "Một lời nói còn sắc bén hơn cả gươm đao" (Burton). Có thể nói nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn táng bang. Nói có rất nhiều hình thức. Nói thêm bớt, thấy nói không thấy, nói lời trau chuốt, chuyện có nói không, trước mặt nói phải sau lưng nói trái, nói dua nịnh, nói đâm thọc, nói chia rẽ, nói giọng hung ác... Tất cả lời nói trên đều có tính cách gây chia rẽ, bất hòa tạo sự thù hiềm ghen ghét lẫn nhau, làm mất niềm tin của người khác đối với mình. Hàn Thi ngoại truyện có câu: "Chim mà mỏ quắp thì loài chim sợ, cá mà mồm ngoáp thì loài cá sợ, người mà cái lưỡi sắc xảo thì loài người sợ". Tại chùa tôi có một cô nọ không biết vì lý do gia đình ra sao, đến chùa xin làm công quả nương náu cửa thiền. Thời gian đầu, với lời nói trau chuốt ngon ngọt của cô ai nấy cũng thương và cho là người đàng hoàng tử tế. Nhưng cổ nhân có câu: "Trường đồ tri mã lực, cửu xử thức hiền nhân", có nghĩa là dường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới rõ ai là hiền nhân. Quả thật lâu ngày dần dần bắt đầu "lòi tẩy" cái chân tướng "đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà" của cô ra. Nịnh bợ người trên, nói xấu kẻ dưới, trước mặt người khen ngợi, sau lưng thì chê bai. Đến người này nói xấu người kia, đặt chuyện nói thêm nói bớt cho người khác để gây sự bất hòa. Lại thêm tính hay nghe trộm chuyện người khác để đâm thọc lẫn nhau... Vì bởi "Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, cái miệng không vành nó méo tứ tung" nên mọi người trong chùa dần xa lánh hết, không ai dám thân cận và nói chuyện với cô vì sợ "tai mang họa gởi". Đã mất hết tín nhiệm với mọi người nên cô cảm thấy bị bỏ rơi, bèn tìm cách xin đi nơi khác. Trước khi đi, tại chùa có cuộc hội họp nội bộ, tôi bèn kể lại một câu chuyện rất lý thú với ngụ ý nhắc nhở cô: Một hôm con cú mèo gặp con chim gáy. Chim gáy hỏi: - Bác sắp đi đâu đây? Cú mèo nói: - Tôi sắp sang ở bên phương Đông. - Tại làm sao thế? - Ở đây mỗi lần tôi cất tiếng kêu, ai cũng ghét nên tôi đành phải đi chỗ khác sống. Chim gáy nói: - Theo ý tôi bác nên đổi tiếng đi mới được. Nếu không đổi tiếng thì dù có sang phương Đông ở, người ta nghe tiếng kêu ấy cũng lại ghét bác thôi. Vì nhân tình ở đâu mà chả thế! Quả đúng như câu chuyện chim cú và chim gáy kia. Sau này tôi được biết cô ta đi đến nơi nào ở một thời gian cũng bị cô lập và sa thải, không ai dám chứa nữa. Qua bài học trên ta có thể kết luận: không phải kẻ khác ghét ta mà chính ta tạo ra phiền não nơi người. Thế nên đừng tưởng lời nói khôn xảo sẽ che đậy được hành vi bất chính của mình. Gian dối cuối cùng sẽ bị phơi bày trước ánh sáng sự thật. Thế nhân thường nói: "Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà". Nhưng theo thiển ý tôi thì đàn ông cái miệng nhỏ lại một tí cũng vẫn hay hơn. Vì sang cho lắm có lẽ tai ương cũng nhiều đấy. Vả lại "Chúng ta có hai tai và chỉ có một cái lưỡi để cho chúng ta biết nghe nhiều hơn nói" (We have two ears and only one tongue in order that we may hear more and speak less - Diogenes). Ôi! Nhất là đàn bà mà miệng rộng thì lại còn nguy nhiểm hơn nữa. Người ta thường đặt cho từ "ngồi lê đôi mách" từ đầu xóm tới cuối hẻm, chưa thấy mặt đã thấy tiếng, hết chuyện trong nhà ngoài phố đến chuyện làng nước xóm giềng... Chẳng may gia đình nào có người mắc phải chứng bệnh miệng rộng này có lẽ chồng con phải xa lánh sớm mà hàng xóm rồi cũng sẽ "bái bai" luôn. Một khi đã nói láo quen rồi đến khi ta có nói sự thật thì cũng có ít người tin theo, "một sự bất tín, vạn sự bất tin". Để bảo đảm sự tín nhiệm với mọi người, chúng ta phải cẩn thận khi nói, suy xét kỹ càng, đừng vì vui miệng mà thốt ra một cách bừa bãi, hoặc lấy chuyện làm quà. Hậu quả sẽ tai hại vô cùng. Như câu chuyện "Kẻ nói láo" trong cuốn Stories for children của Lev Tolstoi. Tôi xin lược dịch lại sau: Có một cậu bé chăn cừu ở ngoài cánh đồng. Một hôm cậu ta bèn la lên hốt hoảng như có chó sói thật: - Giúp tôi với! Chó sói! Chó sói! Dân trong làng tưởng thật kéo nhau đến cứu và nhận ra rằng cậu ta đang đùa giởn với họ. Cậu bé chăn cừu đã tái diễn màn này nhiều lần. Một hôm điều đó đã trở thành sự thật. Con chó sói xuất hiện đang tấn công đàn cừu. Cậu bé hốt hoảng la: - Bớ người ta! Chó sói! Mặc dầu kêu la cầu cứu, nhưng dân làng cho là hắn đùa giởn với họ nữa và không có ai chú ý đến sự cầu cứu của cậu bé. Chó sói tấn công và giết cả bầy cừu. Trong Đại Luật có câu: "Luận kẻ ở đời, búa ở trong miệng, sở dĩ chém mình , do lời nói ác". Nói không đúng sự thật đã là tai hại cho mình dường nào, huống hồ lời nói hung ác nhục mạ, gây đau khổ cho người. Có khi chỉ vì lời nói ác khiến cho người bực tức đêm ngày, lo buồn mà phát sanh bệnh tật. Bởi vì làm người ai cũng có mặc cảm tự ti và danh dự. Nên trước mặt người ta không nên vì sự khoe khoang hay giỏi hoặc cậy quyền thế chức vị để chê bai, nhục mạ kẻ khác. Tích chuyện sau đây sẽ cho ta thấy quả báo lời nói ác như thế nào: Thuở xưa có 500 người buôn đem một con chó trắng cùng qua một nước khác, giữa đường nghỉ ngơi. Chó nọ bèn ăn vụng thịt, người buôn tức giận chặt bốn chân chó quăng trong hầm mà đi. Bấy giờ ngài Xá Lợi Phất dùng thiên nhãn xa thấy thân chó rên xiết, đói khát khốn khổ quằn quại sắp chết, ngài bèn bưng bát cơm bay đến chỗ chó dùng lòng từ bi mà bố thí cho ăn. Sau khi ăn xong chó rất mừng. Ngài lại vì nó mà thuyết pháp cho nghe. Quá bảy ngày cho kia thoát kiếp. Sinh vào nước Xá Vệ nhà người Bà la môn được đặt tên là Quân Đề. Đến bảy tuổi, ngài Xá Lợi Phất độ cho xuất gia. Sau này chứng quả A La Hán, đủ phép thần thông, tự biết mình kiếp trước là chó đói nhờ ngài Xá Lợi Phất hoá độ. Các đệ tử bèn bạch hỏi đức Phật nguyên do của Quân Đề. Ngài dạy rằng: - Về đời quá khứ thuở Phật Ca Diếp có một vị Tỳ Kheo trẻ tuổi thấy vị Tỳ Kheo già thường hay tán tụng, tiếng tăm ồ ề, vì ỷ mình có tiếng tốt đã chê vị Tỳ Kheo già: - Ông này tiếng như chó sủa. Thầy Tỳ Kheo già nghe được mà nói rằng: - Ngươi biết ta chăng. Ta nay đã chứng quả A La Hán rồi. Vị Tỳ Kheo trẻ tuổi nghe nói hốt hoảng tự trách mình dại dột, vội ra trước xin sám hối. Thầy Tỳ Kheo già cũng sẵn sàng hoan hỷ tha thứ. Song vị Tỳ Kheo trẻ tuổi khỏi tội đọa địa ngục, nhưng do lời nói ác nên 500 đời phải chịu thân chó như thế. Quả thật "Con chim bị vướng vì cái chân của nó và con người thì vì cái lưỡi của họ" (Birds are entangles by their feet and man by their tongues - Thomas Fuller). Là người Phật tu tại gia nên lấy những bài này mà răn dè miệng lưỡi. Phải cẩn thận chân thật lời nói dù hoàn cảnh nào cũng không thay trắng đổi đen. Không vì sự yêu ghét nhau mà lời nói trở thành tốt xấu. Đừng nên lúc yêu nhau hậu bao nhiêu, đến khi giận ghét nhau lại bạc bấy nhiêu: "Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười". Ngày trước tại nước Vệ, vua nước ấy yêu Di Tử Hà. Đối với phép nước Vệ ai đi trộm xe của vua thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà đau nặng. Đêm khuya có người đến gọi. Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi lo cho mẹ. Vua nghe chuyện ấy khen rằng: - Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân. Lại một hôm Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn. Đang ăn quả đào thấy ngon ngọt mà còn có một nữa bèn dâng vua ăn. Vua nói: - Yêu ta thật! Của đang ăn thấy ngon miệng mà biết thương ta. Về sau vua không còn thương mến Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi vua giận nói rằng: - Di Tử Hà trước dám tự tiện lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày rồi. Nói xong bèn bắt đem trị tội. Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau như một. Thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội là chỗ tại khi yêu ghét khác nhau mà thôi (Hàn Phi Tử). Vậy người Phật tử không nên nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói giọng hung ác, mà phải nói lời ngay thật, hòa nhã vui tươi, đạo đức hiền từ khiến cho mọi người thương yêu nhau. Nếu lời nói của ta không đem lại sự lợi ích nào đối với mình và tha nhân tốt hơn hết là im lặng. "Nói là bạc, im lặng là vàng". Nhưng ta biết kết hợp lời nói vào mục đích thiện như khuyến khích người học đạo giải thoát, giúp họ tin hiểu giáo lý nhân quả, xa lánh điều ác thì quả lời nói quý giá vô cùng. Miệng ta là cánh hoa sen 5.- Không nên uống rượu Thân người như chiếc xe mà trí tuệ là tài xế. Chiếc xe này có an toàn trên xa lộ hay không đều do người tài xế cả. Nếu tài xế lơ là mê ngủ hoặc bị ma men ám ảnh thì tai họa dễ dàng xảy đến một cách khủng khiếp cho mình lẫn người. Trong xã hội hàng ngay việc giao thiệp, buôn bán, áp phe cho đến những đám hỏi, sinh nhật, tang chế v.v... thường lấy rượu làm món uống chính. Do từ chỗ tiệc tùng như thế đã đưa các thanh thiếu niên mới lớn lên tập nhiễm, bắt đầu đi vào con đường "say sưa be bét". Lúc đầu ta còn từ chối, nhưng vì nể bạn bè, vì để cuộc vui trọn vẹn... Rồi một chén có sao, một ly có thấm là bao. "Nam vô tửu như kỳ vô phong" mà bồ. Cứ thế rồi mỗi ngày một ít, lâu dần thấm vào người thành quen rồi thành xị thành lít dẫn đến bợm ghiền. Lúc bấy giờ rượu sẽ thành người yêu lý tưởng nhất của đời họ. Vắng mùi nó cuộc đời sẽ trở nên mất hương vị, cõi lòng sẽ lạnh lẽo cô đơn, cảm thấy khó chịu, nhớ thương (thèm). Nhưng có nó nhiều quá, mải mê say đắm sẽ dẫn đến sa đọa trầm trọng, hư hoại thân thể. Rượu nếu uống nhiều sẽ gây tác hại rất lớn đến bản thân, gia đình và xã hội. a.- Đối với bản thân * Về tâm trí: Rượu trước nhất tác động đến não bộ. Uống nhiều nồng độ trong máu sẽ tăng lên làm tê liệt các trung tâm ức chế của thần kinh hệ, khiến cho các hoạt động của tâm trí gia tăng mãnh liệt, mất quân bình, không kiểm soát được xúc cảm và hành động, tâm tính biến đổi khác thường, đầu óc mất sáng suốt, tính toán rất chậm chạp dẫn đến ngu si đần độn. * Về thể xác: Rượu gây tổn hại toàn bộ cơ thể con người nhiều nhất là lá gan. Đối với gan là cơ quan giải độc, uống nhiều ruợu sẽ làm cho tế bào gan mất khả năng tổng hợp protéin tiến đến làm chết (chai) tế bào gan, rồi từ từ dẫn đến bệnh xơ gan không phục hồi được. Xơ gan dẫn tới các chứng bệnh ghê tởm như phù thủng (xơ gan cổ trướng), mửa ra máu hoặc trở thành ung thư. Đến như viêm gan giây thần kinh, viêm não, chứng bọc máu trong sọ, sưng lá lách v.v... cũng từ rượu mà ra. b.- Đối với gia đình: * Đối với vợ: Người nghiện rượu thường dẫn đến hậu quả tan vỡ hạnh phúc gia đình. Vì trong cơn say người chồng dễ trở nên nóng tính, thô lỗ, cộc cằn. "Rượu vào lời ra", hay lè nhè đòi hỏi vu vơ, nếu không thỏa nguyện sẽ đâm ra gây sự đánh đập. Hẳn ta vẫn biết, đứng gần người uống rượu sẽ cảm thấy khó chịu thế nào. Huống chi người vợ ăn nằm với ông chồng nặc nồng mùi rượu thì "ngửi" sao cho thấu! Do vậy, đôi khi bà vợ phải kinh sợ mà tránh xa. Từ lý do ấy khiến cho ông chồng "ba xị đế" đầy nghi ngờ và dễ ghen bóng ghen gió, kiếm chuyện hành hạ vợ đủ điều. Tiền bạc làm ra chỉ nghĩ đến bạn bè và nhậu nhẹt lai rai, chẳng thiết đến vợ con gia đình túng thiếu, khiến cho tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ đưa đến tình trạng chán ghét lẫn nhau. * Đối với con: Người nghiện rượu sẽ di hại rất nhiều đến con cái, ảnh hưởng lớn đến tương lai của các thế hệ mai sau. Vì măng có mụ mẫm thì tre mới to lớn được. Y học ngày nay đã phát hiện ở người say nồng độ rượu trong túi tinh cao xấp xỉ nồng độ trong máu. Tinh trùng ở người nghiện rượu bị đứt đuôi hoặc méo mó, đi thụt lùi hoặc lắt lư xiêu vẹo. Không may, các loài tinh trùng này lọt vào trứng để chuyển thành thai sẽ dẫn đến "tiên thiên bất túc". Và hậu quả sẽ như thế nào? Vô cùng nguy hại. Đứa bé dễ bị dị hình, xấu xí, èo uột, suy dinh dưỡng hay đau ốm và chậm phát triển tâm thần, trí tuệ thoái hóa kém thông minh, học hành không tiếp thu nhanh. Ngoài ra cha mẹ nghiện rượu còn truyền lại cho con cháu chứng bệnh "xỉn" tối ngày nữa. c.- Đối với xã hội: Người nghiện rượu sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất lao động, thiếu bổn phận trách nhiệm đối với công việc mình làm, có thể gây tổn hại về sinh mạng, về tài sản tập thể. Như trường hợp người lính biên phòng, kẻ bảo vệ cơ quan, nhà máy, kho tàng... Nếu quá chén sẽ nguy đến tính mạng còn tạo điều kiện cho kẻ trộm và quân địch có cơ hội phá hoại. Tài xế mà say sưa be bét, đường không chạy mà lại đâm vào nhà người hoặc gây tai nạn giao thông. Ngoài ra người nghiện rượu thường gây xáo trộn mất trật tự trị an, trở ngại đến sinh hoạt chung quanh. Tạo thêm cho gia đình và xã hội một gánh nặng to lớn về bệnh tật và tính di truyền xấu xa cho con cháu. Hơn nữa, trong Kinh Chuyển Luân Ngũ Đạo có dạy: "Làm người ưa uống rượu say sưa, chết đọa vào địa ngục Phất thỉ, rồi đến đọa trong loài thú tinh tinh (đười ươi). Sau có được làm người bị ngu si, dốt nát, không biết chi cả". Vậy người uống rượu nhiều đối với hiện tại rước bệnh vào thân, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gieo nhân xấu cho con cháu, trở ngại cho xã hội. Về nhân quả nếu đời sau được làm người sẽ bị ngu si đần độn Chúng ta nên nhớ câu: "Phàm làm việc gì phải xét đến hậu quả của nó". Vả lại, trên thế gian này có biết bao nhiêu loại nước uống ngon lành béo bổ, vô hại, tại sao ta lại không uống, đi uống thứ cay đắng độc hại như thế? Nhân cách sẽ như thế nào khi say sưa quá chén. Hãy ngắm nhìn kẻ say: mặt đỏ tai tía, dáng người đáng sợ, đi đứng loạng choạng, nói năng lảm nhảm không biết phải trái, ói mửa tanh hôi, gục ngã ngoài đường... bản thân đã như thế còn gây sầu khổ cho vợ con, làm cho xóm làng chê cười, trẻ nít chọc ghẹo, người trí lánh xa. Có lần tôi được xem một tờ báo, trong đó có vẽ một bức tranh châm biếm người say rượu rất lý thú. Hình vẽ diễn tả bà vợ đi làm về, ghé qua nhà trẻ đón con và tạt qua quán rượu rước chồng. Trong khi ông chồng say sưa như chết không còn biết trời trăng gì cả, mặc cho bà vợ vác đi, đứa con đi theo mẹ cầm hộ bố đôi dép. Ôi! Còn gì là "nam nhi chi chí", còn gì xứng đáng với chức phận cha, chồng trong gia đình nữa Để hướng dẫn con người đến chỗ an vui, cuộc đời an toàn hạnh phúc, người Phật tử phải có một tâm hồn sáng suốt, muốn được thế chúng ta phải lánh xa hay hơn nữa là tuyệt đối không uống rượu. * Tóm lại, vừa qua chúng tôi trình bày về năm điều nên tránh mà đức Phật đã dạy. Năm giới này là căn bản của hết thảy Phật tử tại gia đến xuất gia. Nó ví như nền móng của tòa nhà giải thoát. Nếu nền móng vững bền thì công việc xây dựng mới bảo đảm. Trái lại, bao nhiêu công trình sẽ sụp đổ hết. Ngũ giới cũng là món báu trang nghiêm bản thân, tô điểm cuộc đời, làm đẹp lòng mọi người, thiên thần nể phục, tà ma khiếp sợ, và chính là nhân lành của giải thoát. -ooOoo- |
Source: Đạo Phật Ngày Nay, http://www.daophatngaynay.com
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 23-08-2003