Trang gốc

Ðọc với phông chữ Unicode VU-Times

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

THUẬT NGỮ LUẬT TẠNG PĀLI

Tỳ khưu Giác Nguyên biên dịch

PL.2550 – DL. 2006

 

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ Unicode Việt-Phạn VU-Times

MẪU TỰ PĀLI

Xin tra các mục từ trong sách theo trật tự của bảng mẫu tự Pāli này:

A

Ā

I

Ī

U

Ū

E

O

K

Kh

G

Gh

     

C

Ch

J

Jh

Ñ

     

Ṭh

D

Ḍh

     

T

Th

D

Dh

N

     

P

Ph

B

Bh

M      

Y

R

L

V

S

H

-ooOoo-

[B]

Baddhasīmā: Khu vực kiết giới có dùng vật mốc (nimitta), chẳng hạn bốn hòn đá đặt ở bốn góc. Có tám thứ có thể dùng làm vật mốc cho khu vực Sīmā: Núi non, đá tảng, rừng cây, đường đi, ao hồ, gò mối, gốc cây. 

Badhira: Người điếc, không được thọ đại giới. Nhưng nếu dĩ lỡ, giới phẩm vẫn thành tựu, chỉ riêng thầy tổ phạm Tác Ác. 

Bāhanta: Xem chữ Cīvara.

Bāhiralomī-uṇṇī: Một loại thảm có viền lông thú, không hợp luật. 

Bidalaka: Cây xiên bằng tre đặt dưới khung gỗ may y (kaṭhina), để nâng lá y lúc đang may. 

Bidalamañca: Tấm vạt bằng tre hay lau sậy, dùng thay giường. Tỷ kheo có thể sử dụng. 

Bimbohana: Gối kê đầu. Kích thước của gối chỉ nên vừa đủ (sīsappamāṇa). Luật cấm tỷ kheo dùng gối lớn quá mức cần thiết, tội Tác Ác. Theo Cullavagga, chiều rộng của gối không quá một gang cộng bốn ngón tay của tỷ kheo. Tỷ kheo phải biết giữ gìn khi dùng gối kê đã được dâng chung cho tăng chúng. Bê bối, bừa bãi phạm tội Tác Ác. 

Bilālasankhalikāchanda: Khi tỷ kheo mắc trọng sự không thể đến dự tăng sự nào đó thì có quyền gửi lời Nhất Trí (chanda) đến chư tăng thông qua một bạn tu. Đôi lúc tỷ kheo nhận chuyển lời Nhất Trí này lại bàn giao cho một vị khác, cứ thế qua trung gian từ bốn vị trở lên. Lời Nhất Trí lúc này được gọi là Lời Nhắn Trôi Nổi hay Chuyền Tay như một xâu chuỗi, và không còn giá trị nữa.

Bilālasankhalikapārisuddhi: Xem chữ Pārisuddhi. 

Bundikābaddhapītha: Chiếc ghế được làm từ một khối gỗ nguyên, không qua ghép nối. 

Bundikābaddhamañca: Chiếc giường làm từ một khối gỗ nguyên, không phải lắp ráp. Hợp luật. 

Byatta: Vị tỷ kheo tinh thông giới luật. 

Brahmadaṇḍa: Từ thường gọi là phép phạt Phạm Đàn, một hình thức xử phạt giống như tẩy chay đối với tỷ kheo có thái độ phạm thượng hay xúc phạm bạn tu ở mức nghiêm trọng. Nghi thức xử phạt được thực hiện với tăng sự Apalokanakamma và sau đó tăng chúng không giao tiếp với đương sự bằng bất cứ hình thức nào, đại khái bỏ rơi không nhắc nhở đến nữa.

Người đầu tiên bị xử phạt Phạm Đàn là tỷ kheo Channa (người từng hầu hạ thái tử Tất Đạt và đưa ngài bỏ ngôi đi tu). Chuyện xảy ra ngay sau khi Thế Tôn viên tịch, theo lời đề nghị của chính Ngài trước đó không lâu, nhằm giúp vị này bỏ ý cậy công với Phật và tinh tấn tu học. Nhờ vậy, sau đó tỷ kheo Channa (Sa-Nặc) đã chứng quả La Hán.

*

[Bh]

Bhaṅga: Một loại vải thô làm từ xơ cây Bhaṅga. Đây là một trong sáu loại vải tỷ kheo được dùng làm y (năm loại vải kia là Khoma, Kambala, Koseyya, Sāna và Kappāsika). Xem ở các mục từ này. 

Bhaṅgodaka: Một loại thuốc nước dùng trị bệnh thống phong (aṅgavatā), làm từ các loại lá cây nấu chung nhau. Có lẽ gần giống với nồi xông của Việt Nam. Hợp luật. 

Bhaṇḍāgāra: Kho chứa y áo hay vật dụng của tăng chúng ở một tự viện qua một quyết định chung của các tỷ kheo với một Nhị Tác Bạch tuyên ngôn. 

Bhaṇḍāgārika(bhikkhu): Từ gọi vị tỷ kheo được tăng chúng tín nhiệm giao cho trách nhiệm chăm sóc nhà kho của tập thể. 

Bhaṇḍukamma: Việc thí phát (cạo tóc). Khi có người đến xin xuất gia, tỷ kheo không được tùy tiện cạo tóc đương sự, phải trình tăng trước. 

Bhattagga: Trai đường, phòng ăn của các tỷ kheo trong một trú xứ. 

Bhattaggavatta: Những việc tỷ kheo phải làm ở một trai đường. Chẳng hạn việc vào ra trước sau phải theo hạ lạp, mọi sự vị nhỏ phải chờ vị lớn và vị lớn chỉ nên bắt đầu thọ thực sau khi biết chắc tất cả mọi người đã nhận được phần ăn. Ngay cả lúc chỉ có tăng chúng với nhau, mọi cử chỉ sinh hoạt vẫn phải nghiêm túc, tề chỉnh, hợp nghi. Trong trường hợp cần thiết, các tỷ kheo phải biết tùy thời chúc phúc (anumodanā) cho thí chủ bằng một thời kinh hay pháp thoại.

Bhattuddesaka: Tỷ kheo tri phạn, người được tăng chúng giao trách nhiệm (bằng tuyên ngôn) sắp xếp nhân sự trong các dịp trai đàn (vị nào sẽ đi, vị nào ở lại).

Bhaddapītha: Ghế làm từ cọng thực vật (như mây, sậy, lau lách).

Bhikkhu: Thường được phiên âm là Tỷ Kheo (hay Tỳ Khiêu, Tỳ Khâu, Tỷ Khưu, Bật-Xô), nghĩa đen là người khất thực để sống. Ở nghĩa chuyên môn, đây là giới phẩm cao nhất trong Phật giáo. Người muốn thọ giới tỷ kheo (gồm 227 điều) phải ít nhất hai mươi tuổi đời và không có vấn đề về nhân thân. Sau khi tu được năm năm, nếu thông thuộc kinh luật, có thể sống riêng một mình. Khi được mười năm tu, có thể làm thầy truyền giới cho người khác xuất gia hay làm Y-Chỉ-Sư cho người khác nương cậy về tinh thần. 

Bhikkhugatika: Người thiện nam sống gần các tỷ kheo trong một trú xứ để gánh vác thay những việc bất tiện. Tỷ kheo nên cư xử với họ bằng lòng thương tưởng như thầy trò. Kể cả trong mùa an cư, nếu họ bệnh hoạn, tỷ kheo cũng có thể vì họ mà nguyện rời trú xứ, dĩ nhiên không thể quá một tuần.

Bhikkhunī: Thường gọi Tỷ-Kheo-Ni, giới phẩm cao nhất dành cho nữ giới trong Phật giáo. Nữ nhân muốn thọ giới Tỷ-Kheo-Ni phải ít nhất hai mươi tuổi đời và không có vấn đề về nhân thân. Đồng thời phải trải qua hai giai đoạn giới phẩm bắt buộc là Sa-Di-Ni (bất định lâu mau) và hai năm Học-Nữ hay Thất-Xoa-Ma-Na (sikkhāmānā). Một Tỷ-Kheo-Ni phải giữ 311 học giới và hiện nay trong truyền thống Phật Giáo Nam Tông đã không còn hệ thống ni chúng nữa (vốn đã tự biến mất từ sau thời vua A-Dục, khoảng hơn ba trăm năm sau ngày Phật Tịch). 

Bhikkhinīdūsaka: Thuật ngữ để gọi người từng sách nhiễu tình dục tỷ kheo ni qua một trong ba bộ phận cơ thể của nàng (Samantapāsādikā: Yo pakatattaṃ bhikkhunīnaṃ tinnaṃ maggānaṃ annatarasmiṃ dūseti ayam bhikkhunīdūsako nāma). Hạng người này tuyệt đối không được thọ đại giới. Dù cưỡng cầu, giới phẩm cũng không thành tựu. 

Bhikkhunovādaka: Từ gọi vị tỷ kheo được tăng chúng (thông qua tuyên ngôn) giao trách nhiệm giáo giới ni chúng. Đương sự phải hội đủ tám tiêu chuẩn trước khi nhận trách vụ này, chẳng hạn phải là người được công nhận thanh tịnh, tinh thông giáo lý và đặc biệt giới luật của cả hai phái tăng ni, có khả năng khéo nói, chưa từng có vấn đề với bất cứ ai trong ni chúng và tối thiểu đã qua hai mươi năm tu, tính từ ngày thọ đại giới.

Chỗ ngồi dành cho tỷ kheo này phải được chuẩn bị nghiêm túc. Đương sự phải ngồi chung một tỷ kheo khác, lúc cần thiết có quyền triệu tập hay xua đuổi bất cứ tỷ kheo ni nào ra khỏi hội chúng, có quyền cật vấn giới luật với mỗi cá nhân trong số đó rồi tùy thời thuyết giảng giáo lý cho họ.

Ngoại trừ tỷ kheo được tăng chúng giao trách nhiệm trên đây, vị khác không được tùy tiện đề cập Bát Kỉnh Pháp trước ni chúng, tội Ba-Dật-Đề. Và việc giáo giới ni chúng không được tổ chức ngay tại trú xá của tỷ kheo ni, trừ trường hợp tỷ kheo ni trọng bệnh. Cũng tội Ba-Dật-Đề.

Bhikkhusammuti: Nôm na là phép đặc cách. Có những trường hợp đặc biệt, tăng chúng cho phép tỷ kheo nào đó được linh động chút ít trong một chuyện vốn không hợp luật, như cho phép tỷ kheo bị bệnh được ăn chiều hay giữ y dư.

Bhittikhila: Cái móc bằng gỗ, dùng để treo máng vật dụng. Hợp luật.

Bhīsi: Loại nệm (cho giường ngũ) làm bằng các chất liệu có nguồn gốc thực vật như bông vải, vỏ cây hay lá cây. Tấm trải (bọc) ngoài của nệm có thể bằng vải hay da. Đều hợp luật. 

Bhujissa: Chữ gọi người nô lệ đã được tự do một cách hợp pháp, có thể thọ đại giới. Nô lệ chưa được tự do, gọi là Dāsa, không thể thọ đại giới. 

Bhummattharana: Thứ chiếu mỏng bằng cỏ tranh hay sậy thường được trải chồng trên loại thảm Cimilikā. Đôi khi vẫn được trải trực tiếp trên đất (trường hợp này mới đúng với tên gọi Pāli của nó).

Bhūtagāma: Thực vật nói chung, bao gồm tất cả những cây cỏ lớn nhỏ, bất kể chủng loại. Tăng ni không được hủy hại thảo mộc, tội Ba-Dật-Đề. 

Bhedānuvattaka(bhikkhu): Chữ gọi vị tỷ kheo cố tình đứng về phe của một bạn tu đang làm việc chia rẽ tăng chúng. Khi được chư tăng khuyên răn ba lần (bằng tuyên ngôn), đương sự vẫn không thay đổi thái độ thì phạm tội Tăng Tàn. Nếu chỉ là sự vô tư không có dụng ý chia rẽ tăng, thì chỉ phạm Trọng Tội. 

Bhesajja: Thuốc trị bệnh nói chung. Ngoại trừ các thứ được xem là dược phẩm đắt tiền như (Luật kể rõ là mật ong, mật mía, bơ, dầu), các thứ thuốc khác được làm từ rễ, vỏ cây, lá cây đều có thể cất giữ lâu hơn bảy ngày, thậm chí đến khi xài hết thì thôi. 

Bhesajjathavikā: Túi đựng thuốc trị bệnh, hợp luật. 

Bhojana = Bhojanīya: Các loại thực phẩm căn bản tỷ kheo có thể dùng hàng ngày, gồm cơm, bánh, cá, thịt, mật ong, sữa chua, bơ, dầu cùng các thứ tương đương. Luật Tạng có kể riêng những món được xem là thượng vị (vài thứ trong số vừa kể), nhưng đó là theo tiêu chuẩn của xã hội Ấn Độ ngày xưa.

Bhojjayāgu: Chữ dùng để gọi món cháo được nấu đặc đến mức có thể dùng tay để bóc, như với cơm nhão.

*

[M]

Maṃsa: Thịt cầm thú. Tỷ kheo được phép ăn hầu hết các loại thịt với điều kiện các món thịt ấy không phạm vào một trong ba điều cấm kỵ (Hán dịch Tam Tịnh Nhục, từ chữ Pāli là Tikoṭiparisuddha): Tỷ kheo không nhìn thấy con vật đang bị giết nhằm mục đích cúng dường cho mình (adiṭṭhaṃ), Không nghe ai nói cho biết chuyện sát sanh đó (asutaṃ) và lòng không nghi ngờ hay ngầm hiểu người ta sát sanh để cúng dường cho mình (aparisankitaṃ). Tỷ kheo cố tình thọ thực món thịt không hợp luật thì phạm tội Tác Ác.

Ngoài ra, dầu với tiêu chuẩn Tam Tịnh, tỷ kheo cũng không được ăn mười thứ thịt sau đây: thịt người, sư tử, cọp, beo, gấu, ngựa, voi, rắn, chó nhà, chó rừng. Riêng với thịt người, dù vô tình hay cố ý ăn đều phạm Trọng Tội. Do đó Luật buộc tỷ kheo phải cẩn trọng trước khi thọ thực một món thịt. 

Makasakuṭikā: Mùng chống muỗi, hợp luật.

Maccha: Con cá. Tỷ kheo có thể ăn cá trong tiêu chuẩn Tam Tịnh. Xem chữ Maṃsa. 

Macchavāḷaka: Cách quấn y nội để thòng hai chéo góc ra hai bên, như đuôi cá. Tội Tác Ác. 

Majjhima(bhikkhu): Chữ gọi tỷ kheo đã trên năm hạ kể từ ngày thọ đại giới, nhưng chưa đến mười hạ (Samantapāsādikā: Atirekapancavassatāya majjhimo).

Mañca: Giường nằm. Luật định giường nằm của tỷ kheo không được cao quá tám ngón tay đức Phật (sugataṅguli). Tội Ba-Dật-Đề. Có nhiều loại giường tỷ kheo có thể dùng, tên gọi và những chi tiết của chúng cũng giống như một số loại ghế. Người tra cứu có thể tìm đọc thêm ở chữ Pītha. 

Mañcapatipādaka: Chân giường. 

Maṇḍala: Xem chữ Cīvara. 

Matakacīvara: Y áo của tỷ kheo đã chết. Trên nguyên tắc, y áo trong trường hợp này phải được tăng chúng định liệu, thường thì giao lại cho vị tỷ kheo hữu ân (chẳng hạn người nuôi bệnh) của tỷ kheo vừa qua đời. Nếu không có nhân tuyển đặc biệt, phần y áo đó được chia cho vị nào đang thiếu thốn hoặc cả tập thể rút thăm, và việc này nên được thực hiện sớm nhất một tuần lễ sau khi tỷ kheo qua đời.

Trong trường hợp tỷ kheo trước khi qua đời có nhờ cậy bạn tu cất giữ y áo, vật dụng của mình thì sau đó những món gửi gắm kia thuộc về người cất giữ. Nhưng việc này phải được thông qua trước tăng chúng. 

Mattikā: Chữ gọi chung đất sét hay bùn non được dùng trong nhà tắm nước nóng (jantāghara) như một thứ dược liệu. Tỷ kheo được quyền sử dụng, nhưng không được xài loại bùn non hay đất sét có pha trộn hương liệu.

Chữ Mattikā cũng có nghĩa là loại đất sét dùng trong việc xây cất, đôi khi có pha màu. Hợp luật. Và dù chỉ một miếng đất sét hay bùn loại nào bất luận, một khi đã là của chung tăng chúng thì tỷ kheo không được tùy tiện sử dụng trái luật như hoang phí hay biếu tặng cho ai. 

Mattikābhaṇḍa: Chữ gọi chung tất cả sản vật làm từ đất sét (gạch ngói, bình lọ, lu hủ,..). Tỷ kheo không được tùy tiện sử dụng bừa bãi nhửng gì được xem là của tập thể. 

Maddavīnam: Loại dây nịt có nhiều cọng kết lại, tỷ kheo không được dùng. Nịt lưng hợp luật phải là một giải lụa hay sợi vải đơn nhất. 

Madhu: Mật ong. Vì mật ong là thứ đắt tiền (trong bối cảnh Ấn Độ xưa), nên tăng ni không được đi xin mật ong để ăn hay uống. Trong trường hợp dùng mật ong làm thuốc trị bệnh, thì tỷ kheo cũng không được cất giữ quá bảy ngày.

Madhugoḷaka: Mật mía được vón lại thành viên, vò thành cục, gần giống đường thẻ hay đường tán của Việt Nam. Chư tăng xưa vẫn dùng cháo trắng với loại mật mía vò viên này (Mahāvagga). 

Madhupāna = Madhūkapāna: Nước ép từ trái Madhūka, tỷ kheo có thể uống buổi chiều. 

Maḷorikā: Chân bát, hay cũng là cái giá gỗ để tỷ kheo giữ bình bát không lăn lóc. 

Mallaka: Một loại bàn chải làm bằng gốm. Tỷ kheo không được dùng, tội Tác Ác. 

Masakavījanī: Loại quạt dùng để đuổi muỗi, hợp luật. 

Masārakapītha: Xem chữ Pītha. 

Masāraka-mañca: Xem chữ Pītha.

Mahallaka-vihāra: Trú xá loại lớn, to hơn liêu thất cá nhân (kuṭi). Tỷ kheo tự mình xây cất phòng ốc cá nhân lớn hơn quy định (trong Giới Bổn) và không hỏi ý tăng chúng, phạm Tăng Tàn. 

Mahājaṅikā: Một nhóm nhỏ tỷ kheo ni từ bốn vị trở xuống (theo bộ Kaṅkhāvitaraṇī). 

Mahāpadesa = Catumahāpadesa. 

Mahāvīkaṭāni: Thuật ngữ gọi chung bốn món thuốc rắn tỷ kheo có thể lấy ngay không cần xin, để chữa vết rắn cắn: Phân người (gūtha), nước tiểu (mutta), tro (chārika), đất sét (mattikā). Trường hợp tỷ kheo ngộ độc thực phẩm, nước pha loãng với phân người có thể giúp nôn mửa nhanh chóng.

Mahāsamaya: Tạm dịch là Quế Châu Pháp Nạn, một chữ dịch không sít sao nhưng đắc cách, để gọi những lúc nạn đói nghiêm trọng đến mức tăng chúng phải rời bỏ tự viện để lưu lạc kiếm sống trong dân gian. Thậm chí có lúc phải nhất trí nhau tận dụng tất cả những trường hợp đặc cách trong Luật Tạng, cố lờ một số học giới, để có thể tự mình nấu nướng và cất giữ thức ăn vô thời hạn. Theo Samantapāsādikā và Kaṅkhāvi-taraṇī. 

Mahāseda: Huân Hãn Liệu Pháp, một phép trị bệnh thống phong (gout) bằng cách chất đống các dược liệu cùng than hồng rồi lấy cát phủ lên một lớp mỏng để có khói và hơi nóng cho tỷ kheo bệnh ngồi xông nhằm đổ mồ hôi càng nhiều càng tốt. Xem thêm trong Samanta-pāsādikā. 

Mātughātaka: Kẻ giết chết mẹ ruột, không được thọ đại giới. Dẫu cưỡng cầu, cũng không thành tựu giới phẩm. 

Mānatta: Sau khi phạm tội Tăng-Tàn, tỷ kheo phải đến trình tội trước tăng chúng hay một bạn tu trong thời gian sớm nhất. Nếu tội được tuyên xưng lập tức, thì đương sự chỉ phải trải qua sáu đêm Khiêm Hạnh hay Ma-Na-Đóa (chữ phiên âm trong Nam Truyền Đại Tạng Kinh cuốn 1, cuốn 3). Sau đó đến trước một tăng hội tối thiểu hai mươi tỷ kheo thanh tịnh để thọ lễ tăng sự Abbhānakamma (phục hồi giới phẩm). Nếu tỷ kheo trình tội muộn màng, từ một ngày cho đến nhiều năm, thì trước sáu đêm Khiêm Hạnh phải là thời gian chịu phạt cấm phòng (parivāsa), lâu mau tùy theo thời gian dấu tội. Xin xem ở chữ Parivāsa.

Kaṅkhā. Mahāṭīkā giải thích rằng Mānanaṃ mānaṃ mānassa bhāvo mānattaṃ, đại ý Ma-Na-Đóa là phép hành xử tôn kính, khiêm hạ trước các tỷ kheo thanh tịnh mà người đang chịu phạt cấm phòng phải thực hiện trong thời gian sáu đêm. Từ đó, thuật ngữ Mānatta có thể dịch là Khiêm Hạnh, Khuất Hạnh.

Trong trường hợp tỷ kheo trình tội Tăng-Tàn ngay sau khi phạm thì sáu đêm Khiêm-Hạnh được gọi là Appaticcha-nnamānatta (sáu đêm Khiêm-Hạnh cho tội Tăng Tàn không bị dấu). Nếu tỷ kheo sau khi phạm tội không trình báo ngay thì sáu đêm Khiêm-Hạnh sau đó được gọi là Paticchannamānatta (sáu đêm Khiêm-Hạnh cho tội Tăng-Tàn bị che dấu).

Đúng như tên gọi, trong thời gian sáu đêm Khiêm-Hạnh tỷ kheo phải chịu mọi thiệt thòi trong sinh hoạt. Chẳng hạn không được sống chung mái che với các tỷ kheo thanh tịnh, không được sống nơi không có tỷ kheo thanh tịnh, không được đề xuất ý kiến trong các tăng sự, không được làm thầy tế độ hay giáo thọ cho ai, phải luôn nằm ngồi ở chỗ thấp kém trong tự viện, nếu là một đầu-đà-sư thì lúc này tạm xả nguyện để sống trong sự kiểm soát của tăng chúng. Đại khái còn có vô số thiệt thòi tương tự.

Sáu đêm Khiêm-Hạnh có thể bị tính lại từ đầu (rattic-cheda) trong các trường hợp sau: Đương sự sống chung mái che với tỷ kheo thanh tịnh (sahavāsa), sống nơi không có tỷ kheo thanh tịnh (vippavāsa), không trình báo từng đêm với chư tăng (anārocana), trải qua một đêm Khiêm-Hạnh nào đó ở chỗ không có đến bốn tỷ kheo thanh tịnh (Ūne gane caranam).

Nếu tỷ kheo phạm thêm một tội Tăng-Tàn khác trong thời gian Khiêm-Hạnh thì nên lập tức trình tội và sáu đêm Khiêm-Hạnh sẽ được tính lại từ đầu. Nếu tỷ kheo dấu tội không trình ngay, thì thời gian dấu này được cộng thêm vào thời gian cấm phòng, nghĩa là đến lúc này vị ấy được xem như chưa trải qua đêm Khiêm-Hạnh nào và chờ khi qua hết thời gian cấm phòng (parivāsa) mới bắt đầu trở lại đêm Khiêm-Hạnh đầu tiên. Thuật ngữ gọi trường hợp này là Mānattamūlàya-patikassanā (tạm dịch là Tái Thụ Khiêm Hạnh) 

Mānattacārika:Chữ gọi tỷ kheo đang trải qua sáu đêm Khiêm-Hạnh. 

Mānattāraha: Từ gọi vị tỷ kheo đã trãi qua thời gian cấm phòng (parivāsa) nhưng chưa bắt đầu sáu đêm Khiêm-Hạnh. Trong thời điểm này đương sự tiếp tục chịu mọi thiệt thòi trong sinh hoạt và chấp nhận các áp đặt từ tăng chúng như trong thời gian cấm túc, chỉ được miễn trừ một chuyện duy nhất là không cần xưng tội với tăng khách (ārocana).

Nếu ngay trong thời gian chờ đợi sáu đêm Khiêm-Hạnh tỷ kheo lại phạm thêm tội Tăng-Tàn thì toàn bộ thời gian cấm phòng (parivāsa) trước đó xem như hoàn không, đương sự phải chịu phạt cấm phòng từ đầu với thời gian cộng lại từ hai tội mới và cũ. Thuật ngữ gọi trường hợp này là Mānattārahamūlāyapatikassanā (Điệp Tội Khiêm-Hạnh)

Miḍḍha: Phần thềm trước hành lang am thất. Tỷ kheo không nên để bình bát ở đây.

Miḍḍhi: Bục nằm (bằng gạch hay đất, đá), dùng như giường ngủ.

Mukhacuṇṇa: Bột phấn thoa mặt. Tăng ni không được xài, tội Tác Ác. 

Mukhapuñchanacoḷaka: Khăn lau mặt. Tăng ni phải chú nguyện trước khi dùng.

Muttaharītikā: Loại thuốc trị bệnh vàng da làm từ cây Haritaka ngâm với nước tiểu của con bò.

Muddhanitelaka: Một loại dầu bôi trị bệnh nhức đầu. 

Muddikapāna: Bồ Đào Trấp, nước ép từ trái nho tươi, tỷ kheo có thể uống buổi chiều. 

Murajam: Loại dây nịt nhìn giống dây cột trống Muraja, tăng ni không được dùng. 

Mūga: Người câm, không được thọ đại giới. Chuyện dĩ lỡ, giới phẩm vẫn thành tựu, riêng thầy tổ phạm Tác Ác (theo Samantapāsādikā). 

Mūgabadhira: Người vừa câm vừa điếc, không được thọ đại giới. Chuyện dĩ lỡ, giới phẩm vẫn thành tựu, riêng thầy tổ phạm Tác Ác (theo Samantapāsādikā). 

Mūlabhesajja: Từ gọi chung những loại thuốc trị bệnh làm từ củ hay rễ thảo mộc (như gừng, riềng, nghệ, sâm, hà-thủ-ô,..).

Mūlarajana: Thuốc nhuộm làm từ củ hay rễ cây. Đặc biệt Luật cấm dùng củ nghệ (haliddi) để nhuộm y vì màu không đúng luật. 

Mūlāyapatikassanā: Thuật ngữ chỉ cho sự xử phạt vị tỳ kheo phạm tội qui về tội gốc do lúc đang bị phạt biệt trú lại phạm thêm tội tăng tàn khác, trường hợp này gọi là "hồi tố". Xem chữ Parivāsa và Mānatta. 

Mūlāyapatikassanāraha: Chữ gọi trường hợp tỷ kheo phạm thêm một tội Tăng Tàn khác ngay trong lúc đang bị cấm phòng và chưa trình tăng để chịu thêm thời gian cấm phòng. Trường hợp tỷ kheo đã qua hết thời gian cấm phòng, nhưng chưa trải qua một đêm Khiêm Hạnh (mānatta) nào lại phạm thêm tội Tăng Tàn khác, vị ấy được gọi là Mānattārahamūlāyapatikassanāraha. Trường hợp đang trải qua thời gian sáu đêm Khiêm-Hạnh lại phạm thêm tội thì thời điểm này gọi là Mānattacarikamūlāyapatikassanārahakāla. Trường hợp tỷ kheo đã trải qua cả sáu đêm Khiêm-Hạnh nhưng chưa được tăng chúng làm tăng sự Phục Hồi Giới Phẩm (abbhānakamma) thì bị phạm tội Tăng Tàn khác, nhưng chưa xin chịu cấm phòng cho tội mới này thì đương sự được gọi là Abbhānārahamūlāyapatikassanāraha. Để hiểu thêm các thuật ngữ Pāli này xin xem lại các mục từ Parivāsa và Mānatta.

Trong các trường hợp vừa kể trên, tỷ kheo vẫn luôn chịu mọi thiệt thòi dành cho người đang chịu phạt cấm phòng, chỉ được miễn trừ một việc là không cần trình tội với tăng khách. 

Mūsala: Cái chày giã thuốc, hợp luật. 

Meraya: Tên gọi chung các thứ rượu men (bằng cách ủ nhiều ngày), phân biệt với rượu nấu (rượu cất- Surā). Tứ chúng trong Phật giáo đều không được uống bất cứ thứ gì gây say. 

Moghasuttaka: Sợi chỉ lấy mực của thợ may, giúp tạo đường thẳng. Thời xưa dùng sợi chỉ nhúng mực hay phẩm màu, ngày nay thợ may đã có loại mực sáp tiện lợi hơn và dễ tẩy xóa. 

Mocapāna: Nước ép từ loại chuối không hột (moca), tỷ kheo có thể uống buổi chiều. Pāli gọi chuối có hột là Coca.

*

[Y]

Yantaka: Một loại ổ khóa thời xưa. 

Yāgu: Các loại cháo nói chung, cháo trắng hay nấu chung với các phụ gia. Cháo đặc có thể cầm ăn từng miếng, gần giống cơm nhão, gọi là Bhojjayāgu.

Yāgubhājaka:Tỷ kheo được giao trách nhiệm phân phát cháo cho chư tăng.

Yāna: Các loại xe cộ nói chung. Tăng ni vô bệnh không được đi xe, và tỷ kheo bệnh cũng chỉ ngồi xe do đàn ông điều khiển. Về những thắc mắc liên quan, xin xem thêm chữ Catumahāpadesa. 

Yāmakālika: Chữ gọi chung những thứ nước uống tỷ kheo được phép dùng sau giờ ngọ (theo cách nói của Phật tử Việt Nam).

Yāvakālika: Chữ gọi tất cả các loại thực phẩm, những thứ tỷ kheo chỉ được phép thọ thực trước ngọ. 

Yāvajīvika: Chữ gọi chung các thứ thuốc trị bệnh (nằm ngoài năm thứ đặc biệt là bơ đặc (butter), bơ lỏng (ghee), dầu ăn, mật mía, mật ong). Tỷ kheo có thể cất giữ các loại thuốc này để dùng vô thời hạn. 

Yāvadatthacīvara: Sau khi thọ y Kaṭhina thì tỷ kheo có quyền cất giữ bao nhiêu y áo cũng được và không cần chú nguyện hay gửi ai cất hộ (vikappana). Trường hợp này được gọi là Yāvadatthacīvara, quyền giữ y tùy thích.

Yebhuyyasikāvinaya: Hình thức giải quyết chuyện tranh cãi (vivādādhikaraṇa) trong tăng chúng bằng cách trưng cầu ý kiến tập thể để sau đó sự vụ được giàn xếp theo ý kiến nào được chọn nhiều nhất. Cách này chỉ nên được thực hiện khi không thể tìm ra một cá nhân hay một nhóm giám luật có thể liệu sự. Có ba cách trưng cầu: Bỏ phiếu kín (gūḷhaka), bỏ thăm công khai (vivaṭaka) hoặc rỉ tai nhau (kaṇṇajappaka). Theo Cullavagga và Samantapāsā-dikā.

Tỷ kheo được giao nhiệm vụ thu gom các lá phiếu gọi theo Luật tạng là Salākagāhāpaka (người gom thăm).

*

[R]

Rajana: Thuốc nhuộm màu y phục. Tỷ kheo có thể dùng thuốc nhuộm y làm từ hoa trái, củ rễ, cây lá, nhưng tránh dùng đất sét đỏ và củ nghệ cùng một số hoa trái, củ rễ đặc biệt, xin miễn kể ở đây vì không thể tìm ra chữ dịch tương đương trong tiếng Việt. 

Rajanuḷunka: Loại vá lớn không cán, tỷ kheo xưa dùng trong lúc nhuộm y. 

Rajanakumbhī: Vạc hay nồi lớn để nhuộm y.

Rajanakolamba: Bình hay bầu nước loại lớn, tỷ kheo xưa dùng trong lúc nhuộm y. 

Rajanaghaṭa: Cũng một loại bình nước dùng trong lúc nhuộm y. 

Rajanadoṇī: Cái máng dẫn nước được dùng lúc nhuộm y.

Rathattharana: Thảm trải trên xe. 

Rājabhaṭa: Người đang mắc việc công, gọi theo bây giờ là quan chức nhà nước hay nhân viên chính phủ. Kẻ đương nhiệm không được thọ giới tỷ kheo, muốn gì phải từ quan hay bỏ việc mới ổn. 

Rūpiyachaḍḍaka: Chữ gọi vị tỷ kheo được tăng chúng giao trách nhiệm quăng bỏ tiền bạc châu báu của bạn tu vừa bị tội Xả Đọa vì cất giữ tài bảo. 

Romanthana: Tật nhơi lại. Đức Phật không chế luật nghiêm khắc cho thói quen này, nhưng dạy tỷ kheo phải tự biết kín đáo. Cullavagga 222-223.

*

[L]

Lakkhaṇāhata: Người bị đóng dấu tù tội trên thân thể (như hình hoa huệ trên mình tù nhân bên Pháp trước thế kỷ 19, hay một số nước Châu Á xưa lại thích chữ vào mặt trọng phạm), không được thọ đại giới. 

Lajjī: Chữ gọi vị tỷ kheo có tàm quý ngay trong những lỗi nhỏ, hay tỷ kheo không vướng kẹt các pháp thiên vị. 

Lasuṇa: Củ tỏi. Tăng ni vô bệnh không được ăn tỏi. Tỷ kheo phạm Tác Ác, tỷ kheo ni tội Ba Dật Đề. 

Lahukāpatti: Tội nhẹ, chữ gọi việc vi phạm các nhóm học giới nằm ngoài Ba La Di và Tăng Tàn. Cũng gọi là các tội Aduṭṭhulla (khinh thiểu) hay Desanīyagāma-nīyāpatti (những tội có thể giải trừ bằng một lời phát lộ hay sám hối). 

Lakhitakacora: Tử tù khiếm diện. Chữ gọi kẻ trọng phạm đã bị xử tử hình khiếm diện và đang có lệnh truy nã toàn quốc cho phép mọi người được giết chết khi gặp mặt. Hạng này không được thọ đại giới. 

Lokāyata: Chữ dịch xưa là phái Thuận Thế, một học thuyết duy vật cực đoan chủ trương vạn vật ngẫu nhiên mà có (theo bộ Samantapāsādikā: Lokāyataṃ nāma sabbaṃ ucchitthaṃ sabbaṃ anucchiṭṭhaṃ seto kāko kālo bako, iminā ca kāranenāti niratthakāraṇaṃ pati-samyuttaṃ titthiyasatthaṃ: Đại ý chủ thuyết này cho rằng mọi sự trên đời không hề có một luật tắc biện chứng nào cả, sẵn sàng vô lý đến mức như quạ trắng cò đen. Đây được xem là tư tưởng ngoại đạo). Tăng ni không được nghiên cứu học hỏi thứ triết luận này, tội Tác Ác.

Loṇabhesajja: Chỉ chung tất cả các loại thuốc làm từ muối. Tăng ni chỉ được phép cất giữ muối với mục đích làm thuốc, không thể cất giữ muối ăn.

Loṇasakkharikā: Muối hột.

Loṇasovīraka: Dấm mặn, tức dấm có pha muối, xưa dùng để trị bệnh. 

Lohakaṭāha: Cái chảo, xưa thường làm bằng đồng nên mới gọi thế. 

Lohabhaṇḍa: Chữ gọi chung các vật dụng kim loại tỷ kheo được sử dụng, trừ vũ khí. Bất luận vật lớn nhỏ, khi đã thuộc giáo sản, tỷ kheo không được hoang phí hay biếu tặng ai.

Lohabhāṇaka: Chậu, hũ bằng kim loại. 

Lohavāraka: Bình, lọ bằng kim loại. 

Lohituppādaka: Thuật ngữ gọi người cố ý làm báu thân Thế Tôn bị chảy máu (dù không ai có thể khiến Ngài bị trọng thương hay tử thương). Hạng này tuyệt đối không thể thọ đại giới, có cưỡng cầu cũng không thành tựu giới phẩm. Xưa nay chỉ có mỗi mình tỷ kheo Devadatta là người duy nhất phạm vào trọng tội này. Lần đó, ông đã cố tình xô ngã một tảng đá lớn từ núi cao để ám toán đức Phật, nhưng Ngài chỉ bị trầy chân và chảy nhiều máu.

*

[V]

Vaccakuṭī: Nhà xí, phòng vệ sinh có đầy đủ cửa nẻo. Luật buộc tỷ kheo phải luôn giữ nhà cầu được sạch sẽ, ráo nước (không để đọng vũng), nếu cố ý để dơ dáy phạm tội Tác Ác. Tỷ kheo trước khi vào nhà xí phải hắng giọng, không nên lặng lẽ mà vào, cũng không được xồng xộc giấn liều và phải tìm chỗ mắc y đàng hoàng, không để bừa bãi. Lúc ngồi cầu không nên rên rặn lớn tiếng. Các thứ vải hay giấy vệ sinh phải được bỏ đúng chỗ. Nếu rửa bằng nước cũng nên nhẹ tay để tránh tiếng động. Đồ múc nước dùng xong phải được lật úp để tránh ướt nhớt. Trước khi ra khỏi nhà xí nên quan sát xem có gì cần làm, chẳng hạn đổ đầy các chỗ chứa nước sạch và quét dọn. Không nên bàn đến hạ lạp trong nhà cầu, ai vào trước thì được ưu tiên. Tăng ni không được xài chung nhà xí. Theo Cullavagga. 

Vaccakūpa: Hố xí hay hầm cầu, có thể bằng gỗ, đá hay gạch nung. 

Vaccaghaṭa: Chậu nước đặt trong nhà xí dùng cho việc rửa ráy. 

Vaccapādukā: Bục ngồi trong nhà xí, có thể bằng gỗ, gạch hay đá.

Vaja: Chòi hay lều tạm của những người chăn thú. Tỷ kheo có thể ở tạm nơi đây trong mùa an cư sau khi đã xin phép trước. 

Vajjanīyapuggala: Chữ gọi chung những người bất xứng ‘cần được xua đuổi" khỏi các tăng sự Phát Lộ và Tự Tứ. Kể chi tiết gồm 21 hạng, nhưng tóm tắt chỉ là bất cứ ai không phải tỷ kheo thanh tịnh, kể cả tỷ kheo ni và vị đã phạm tội Ba-La-Di hay tỷ kheo đang chịu phạt bằng tăng sự Ukkhepanīyakamma. Tỷ kheo cố ý tụng giới bổn trước sự hiện diện của một trong những đối tượng này thì phạm Tác Ác, riêng trước mặt tỷ kheo đang chịu phạt (ukkhittaka) thì phạm Ba Dật Đề.

Vaṇatela: Dầu để bôi xức vết thương, tỷ kheo có thể dùng một cây que hay vải băng. 

Vaṇabandhacola: Vải băng vết thương. 

Vatthikamma: Một cách trị bệnh rò (fistula) ở bộ phận sinh dục bằng cách treo nó bên ngoài bằng một sợi chỉ hay dây da. Tỷ kheo không được dùng cách này để trị bệnh.

Vatthu-avalokanā: Thuật ngữ gọi việc xem đất, coi đất do chư tăng cùng thực hiện trước khi chỉ định vị trí thích hợp cho một tỷ kheo xây dựng am thất. Tỷ kheo tự ý chọn đất rồi xây cất tùy tiện trên một mảnh đất không hợp luật thì phạm tội Tăng Tàn.

Vandiya: Ba đối tượng tỷ kheo nên đảnh lễ tức quỳ lạy gồm đức Phật, tỷ kheo tu trước mình, và tỷ kheo thánh hạnh (dhammika) sống khác trú xứ với mình. Các trường hợp ngoài ra (dĩ nhiên vẫn với bậc cao trọng) có thể chỉ xá dài đã đủ. Xem thêm chữ Avandiya. 

Vallikā: Bông tai. 

Vasā: Mỡ động vật, tỷ kheo có thể dùng làm thuốc.

Vassa: Mùa an cư, ba tháng kiết hạ mùa mưa. Xem chữ Vassāvāsa. 

Vassaccheda: Chư tăng Việt Nam thường gọi là Đứt Hạ. Tức trong mùa an cư tỷ kheo vì chuyện không đâu mà ngũ tối thiểu một đêm ngoài chỗ nhập hạ, hoặc có lý do hợp luật (sattāhakaranīya) để rời trú xứ nhưng lại đi quá bảy ngày, hay trường hợp chưa quá hạn định nhưng trước khi đi không chú nguyện sẽ trở về trước ngày thứ bảy, đều bị xem là đã làm hỏng mùa an cư, tức đã bị Đứt Hạ.

Nếu đứt hạ vì chuyện hợp lý thì tỷ kheo chỉ bị mất hạ mà không phạm tội gì, chỉ bị gạt ra ngoài số nhân tuyển thọ y Kaṭhina. Lý do chính đáng để tỷ kheo rời khỏi chỗ nhập hạ có thể gồm độc trùng ác thú bách hại, thiên tai nhân họa nghiêm trọng, tứ sự khan hiếm, người ơn gặp nạn, phạm hạnh nguy khốn, chúng tăng hữu sự,...

Tỷ kheo đứt hạ có thể ngồi trong tăng sự Tự Tứ nhưng chỉ để làm Bố Tát, vì lễ Tự Tứ chỉ dành cho vị giữ vẹn mùa an cư. 

Vassāvāsa: Chữ gọi ba tháng kiết hạ mùa mưa của tăng ni Phật giáo. Suốt 90 ngày này, tăng ni không được ra khỏi trụ xứ cách đêm mà không có lý do chính đáng. Việc cấm túc mấy tháng mưa này thực ra đã trở thành truyền thống trong một số giáo phái ngoại đạo trước ngày đức Phật ra đời, và sau này Ngài cũng tiếp tục giữ lại cổ lệ này cho tăng chúng dựa trên ý nghĩa tích cực của nó.

Trên nguyên tắc, ba tháng kiết hạ phải được bắt đầu từ ngày rằm tháng sáu âm lịch, nhưng đôi lúc do duyên sự đặc biệt nào đó, có tỷ kheo phải dời lại việc nguyện hạ vào rằm tháng bảy. Vị nhập hạ rằm tháng sáu được gọi là Purimikavassūpanāyika (người an cư mùa trước), vị nhập hạ rằm tháng bảy gọi là Pacchimikavassūpanāyika (người an cư mùa sau).

Tỷ kheo có thể trải qua ba tháng an cư trong hầu hết các loại trú xứ, từ tự viện đến hang động, lều cỏ, thậm chí trên một xác thuyền, nhưng phải là chỗ ở cố định. Chỗ nhập hạ không thể là một nơi tạm bợ như bộng cây, bãi đất trống không mái che hay dưới một tấm bạt che tạm ngoài trời trống.

Xin xem thêm về việc nhập hạ ở các mục từ Kaṭhina, Vassaccheda, Purimika và Pacchimikavassūpanāyika.

Vassikasāṭika: Y tắm mưa, một trong mười một loại y tỷ kheo được phép sử dụng. Thời gian tìm kiếm y tắm mưa hợp luật (pariyesanakāla) gồm một tháng trước ngày nhập hạ cộng với ba tháng an cư. Kích thước căn bản của một lá y tắm mưa là chiều dài sáu gang tay đức Phật (sugatavidatthi) và bề ngang hai gang rưỡi của Ngài. Sau mùa an cư, tỷ kheo không được phép sử dụng hay cất giữ y tắm mưa nữa, tội Xả Đọa. 

Vassukkaḍḍhanā: Mùa an cư triển hạn, chữ gọi trường hợp năm nhuận có đến hai tháng sáu thì việc nhập hạ sẽ được dời lại vào tháng sáu thứ hai. 

Vassūpanāyikā: Xem chữ Vassāvāsa. 

Vākacīra: Y phục làm bằng vỏ cây kết lại, không hợp luật. 

Vāṭa: Hàng rào bên ngoài am thất, có thể bằng tre hay các loại dây gai.

Vātapāna: Các loại cửa sổ nói chung, có thể có lưới (jālavātapāna) hay chấn song (salākāvātapāna), hợp luật.

Vatapāna-cakkalikā: Loại song cửa khít khao có thể ngăn được chim hay dơi, hợp luật. 

Vatapāna-bhisikā: Màn che cửa sổ, hợp luật. 

Vāmana: Người lùn, thấp bé một cách dị dạng, không được thọ đại giới. Nhưng chuyện dĩ lỡ, vẫn thành tựu giới phẩm. Riêng thầy tổ phạm Tác Ác.

Vāraka: Thùng, xô múc nước. 

Vāḷakambala: Loại mền làm từ lông đuôi con ngựa, tỷ kheo không được sử dụng. 

Vāsī: Rìu nhỏ. 

Vikaṇṇa: Chỉ chung việc chằm vá y áo bị hư rách. 

Vikatika: Thảm len có hình thú vật, tỷ kheo không được dùng.

Vikappanā: Việc hợp thức hóa những y bát bị xem là vượt quá số lượng hợp luật bằng cách đem đến một bạn tu để làm việc Ký Thác bằng câu Pàli có nội dung là xin giao quyền quyết định cho bạn tu muốn xử sao cũng được. Khi đó tỷ kheo biết luật sẽ có một câu lấp lững đại ý cho phép bạn tu của mình có thể tùy ý sử dụng những y bát dư đó.

Trường hợp này được gọi là Ký Thác Trực Diện (Sammukhavikappanā), tức người nhận tạm y bát dư kia đang ngồi trước mặt tỷ kheo đem y bát dư đến ký thác. Trường hợp thứ hai là Ký Thác Khiếm Diện (Parammukhavikappanā) là người nhận ký thác sẽ hỏi bạn tu mình có ai là người thân thiết hay không rồi nói lời ủy quyền cho vị đó, đại ý từ nay đương sự muốn dùng những y bát dư này hãy báo cho người kia một tiếng.

Những cách liệu sự này dĩ nhiên chỉ là hình thức, nhưng là chút linh động của Luật Tạng cho tỷ kheo có lối thoát trong một hệ thống giáo luật nghiêm khắc. Có điều là các tỷ kheo thiểu dục sẽ không tận dụng chi những kẻ hở này. 

Vikalaka: Tạm dịch là sự bù đắp. Khi y áo không đủ để chia đều mọi người, tỷ kheo giữ trách nhiệm phân phát sẽ bù đắp cho người bị thiệt một món gì đó cho thỏa đáng. 

Vikāla: Tạm dịch là lúc Phi Thời (vigato kālo), thuật ngữ để gọi thời gian sau bữa ăn trưa của tăng ni kéo dài đến sáng hôm sau. Trong thời gian này tăng ni không được ăn thêm bất cứ thực phẩm gì. Thậm chí tăng ni cũng không được tùy tiện đi vào khu dân cư sau giờ ngọ khi chưa báo trước cho bạn tu hay biết. Tội Ba Dật Đề. 

Vikāsika: Vải băng vết thương. 

Viggayha-parikamma: Chữ gọi cách kỳ cọ thân thể lúc tắm rửa bằng cách cọ xát hai thân người vào nhau. Tỷ kheo không được dùng cách này, tội Tác Ác. 

Vidhā: Móc khóa của dây nịt. Tỷ kheo được phép dùng, nhưng phải tránh các chất liệu quý kim, bảo thạch hay ngà, sừng, xương thú. 

Vidhūpana: Một loại quạt tay, hợp luật. 

Vinandhanarajju: Dây ràng trên khung vải may y (kaṭhina). 

Vinītavatthu: Nam Truyền Đại Tạng cuốn 5 ( các trang 148, 149, 205, 219) dịch là Tu Tập Sự. Giáo sư C.S. Upasak giải thích là những minh họa nhằm giải thích các vấn đề trong Luật Tạng.

Vipatti: Nghĩa đen là sự hư hỏng hay tổn thất. Trong cuộc tu của tỷ kheo có bốn trường hợp bị xem là tổn thất: Giới Tổn Thất (sīlavipatti) là phạm vào 17 trọng giới đầu của giới bổn, Hạnh Tổn Thất (ācāravipatti) là sự vi phạm các học giới còn lại, Kiến Tổn Thất (ditthivipatti) là sự hiểu sai kinh luật và Sinh Phong Tổn Thất (ājīvavipatti) là lối kiếm sống không hợp cách với đời xuất gia. 

Vivaṭaka-salākaggāha: Cách bỏ phiếu công khai vào một thùng phiếu không nắp đậy, khác với phiếu kín. Xem chữ Yebhuyyasikavinaya. 

Vivaṭṭa: Xem chữ Cīvara. 

Vivādādhikaraṇa: Chữ gọi những cuộc tranh cãi giữa các tỷ kheo về kinh luật nói chung (chẳng hạn đó có phải Phật ngôn hay không, việc đó có phạm tội hay không và nặng hay nhẹ). Có hai cách giải quyết là phép Diện Tiền (sammukha-vinaya), triệu tập đôi bên lại để cùng giải quyết trước tăng chúng và phép Trưng Cầu (yebhuyyasika-vinaya) là giải quyết sự vụ theo ý kiến của phần đông thông qua một trong ba cách trưng cầu đã nói ở trước. Xem chữ Yebhuyyasika-vinaya. 

Vissāsagahana: Nghĩa bóng là sự Lấy Trước Nói Sau, chỉ việc tỷ kheo đôi khi lấy đi một món đồ của bạn tu khi chưa hỏi trước chỉ vì một trong vài lý do như đó là chỗ thân thiết. Nhưng điều quan trọng là khi lấy đi món đồ ấy tỷ kheo không có ý trộm cắp và trong lòng sẳn sàng để chủ nhân hay biết ngay khi có dịp.

Vihāra: Tự viện hay tinh xá, trú xá của các tỷ kheo. Nghĩa đen của chữ này là chỗ ở (trụ xứ). Trú xá của tập thể tỷ kheo có thể lớn hoặc nhỏ bất định, với các phòng ốc chuyên dụng như trai đường, dược phòng, giới đường, hội trường bằng các loại vật liệu gần như không giới hạn. Vị trí lý tưởng cho một tự viện là không quá xa hay quá gần khu dân cư để có thể tiện việc khất thực mà cũng không bị ồn ào phồn tạp.

Trú xứ của tỷ kheo có thể được làm cho cá nhân sử dụng (puggalika) hay cho tập thể (saṅghika). Trong trường hợp cá nhân (có thí chủ riêng) thì vị trí xây dựng phải được sự chỉ định (vatthudesanā) của chư tăng, tỷ kheo tùy tiện có thể phạm tội Tăng Tàn.

Tất cả vật dụng lớn nhỏ, quí tiện trong một trú xá của tập thể đều thuộc giáo sản, nghĩa là không một cá nhân nào được quyền tùy tiện sử dụng như hoang phí hay biếu tặng cho ai. 

Vījanī: Cái quạt. Tỷ kheo có thể xài quạt làm bằng vỏ cây, lá cây hay lông chim. Thời nay chất liệu làm quạt hợp luật có thể phong phú hơn, như vải, giấy hay nhựa. 

Vīsatimaṭṭha: Chữ gọi chung việc làm đẹp móng tay, móng chân bằng các việc sơn vẽ hay mài giũa cầu kỳ. Tăng ni dĩ nhiên không được phép làm vậy, chỉ có thể cắt ngắn các móng dài trong mục đích vệ sinh mà thôi. 

Vuṭṭhānasammati: Quyền Thượng Lộ (lệnh xuất hành). Đó là trường hợp ni chúng dùng hai lần tuyên ngôn để cho phép một Học Nữ (sikkhāmānā) được thọ giới tỷ kheo ni. Việc này được gọi là trao quyền Thượng Lộ, tức cho phép đương sự bắt đầu một hành trình mới thiêng liêng hơn. 

Vuṭṭhāpanasammati: Quyền Xuất Sư (hiểu theo nghĩa Ra Nghề, không phải Ra Quân). Khi tỷ kheo ni hội đủ các tiêu chuẩn làm thầy tế độ cho người khác xuất gia, như tối thiểu đã đủ mười hai hạ, thì ni chúng dùng hai lần tuyên ngôn để xác định chuyện này, và đó được gọi là trao quyền Xuất Sư. 

Veṭhana: Khăn đội đầu, tăng ni không được phép sử dụng. 

Vedikāvātapāna: Loại cửa sổ nhìn như lổ thông gió. 

Vehāsakuṭī: Gác lửng hoặc cũng có nghĩa là phòng nhỏ chứa đồ nằm trong một phòng lớn. Do chỉ là phần ghép thêm, chính nó không có trần riêng nên được gọi là Vehāsakuti (gian thông thiên, phòng không nóc, nghĩa đen là lấy trời làm mái).

*

[S]

Sa-uttaracchada: Kiểu giường ngủ có treo mùng màu đỏ son. Tăng ni không được phép sử dụng. 

Saṃvāsa: Sự cộng trú, sự sống chung giữa các tỷ kheo. Có ba trường hợp được gọi là cộng trú: Ekakamma-saṃvāsa (cùng tham dự chung một tăng sự nào đó), Ekuddesa-saṃvāsa (cùng làm Bố Tát với nhau), và Samasikkhatā-saṃvāsa (sống chung trú xứ mỗi ngày, do đồng giới phẩm). Người không phải tỷ kheo hay tỷ kheo đang lúc chịu phạt cách ly đều được gọi chung là Asaṃvāsika (người ngoài hay kẻ lạ của tăng chúng).

Samvelliya: Kiểu xắn y nội (hạ y) lên sát háng, như cách ăn vận của các võ sĩ đô vật. Tỷ kheo không được xắn hạ y kiểu này. Tội Tác Ác.

Chữ này cũng có nghĩa là tấm y lót trong của ni chúng trong những ngày có kinh nguyệt. 

Sakaṇṇajappaka (salākaggāha): Lối bày tỏ ý kiến bằng cách rỉ tai người bên cạnh. Đây được xem là một trong ba cách trưng cầu ý kiến tập thể được đức Phật cho phép. Xem chữ Yebhuyyasikavinaya. 

Sakāyanirutti: Nghĩa đen là Bản Ngữ, chữ để gọi ngôn ngữ Ma-Kiệt-Đà (māgadhībhāsā), như trong bộ Samantapāsādikā giải thích: Sakāya nirutti nāma sam-māsambuddhena vuttappakārena māgadhiko vohāro (Bản ngữ ở đây chỉ cho thứ tiếng Ma-Kiệt-Đà mà chính Thế Tôn đã sử dụng). Sở dĩ có chỗ chú thích này vì trong Cullavagga của Luật tạng Pàli đức Phật đã nghiêm cấm chư tăng không được dùng tiếng Sanskrit (chữ trong nguyên tác Pāli là Chandaso, Luật Sớ giải thích là Sakkatabhāsā) để trình bày Phật ngôn, và ngài dạy chỉ nên dùng thứ tiếng Bản Ngữ (chữ Pāli trong Luật Tạng chỗ này là Sakāyanirutti) và bộ Chánh Sớ Samantapāsādikā đã giải thích như trên. Nên hiểu thêm rằng ngôn ngữ Ma-Kiệt-Đà là thứ tiếng chung của dân chúng sống trong xứ Ma-Kiệt-Đà thời đó, không phải ngôn ngữ riêng của đức Phật hay người của Phật giáo.

Một số học giả Tây Phương hôm nay đã vận dụng cách hiểu nguyên nghĩa Pāli để cho rằng Sakāyanirutti phải được hiểu là bản ngữ hay tiếng mẹ đẻ của mỗi người (rõ ràng Saka là Của Chính Mình và Nirutti là Ngôn Ngữ), tức Phật tử xứ nào thì dùng ngôn ngữ xứ đó mà diễn đạt Phật Pháp. Ý kiến này nghe qua rất suông tai, nhưng xét kỹ vẫn có chỗ bất cập. Ở đây ta có ít nhất hai chỗ cần lưu ý là ý nghĩa cũa chữ Trình Bày và lý do của điều cấm chế kia.

Trước hết, đúng là Phật giáo không buộc ai phải học tiếng Ma-Kiệt-Đà (tạm cho là tiếng Pāli) khi nghiên cứu Tam Tạng hay thuyết giảng giáo lý nhưng từ bao đời nay các xứ Phật giáo Nam Phương vẫn xem Tam Tạng tiếng Pāli là mẩu mực cho giáo nghĩa. Tức là ai cũng có thể nói chuyện Phật Pháp bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng cơ sở tham chiếu tối hậu vẫn luôn là kinh điển tiếng Pāli, tuyệt không một bản dịch nào có thẩm quyền tương đương. Điều thứ hai là ta hãy trở lại với điều luật cấm tỷ kheo không được dùng tiếng Sanskrit để trình bày Phật ngôn. Nếu thuật ngữ Sakanirutti quả thật ám chỉ tất cả ngôn ngữ mẹ đẻ (bản ngữ) thì tiếng Sanskrit có gì nên nổi phải bị cấm chỉ. Trong khi ai cũng hiểu rằng tiếng Sanskrit là một trong số không nhiều những Ngôn Ngữ Mẹ của thế giới và đã là phương tiện chuyên chở bao thứ tuyệt phẩm văn hóa với những ưu điểm khó phủ nhận.

Nên chăng một gợi ý về lý do khó hiểu kia rằng đó là gì nếu không phải mục đích bảo lưu một giáo nghĩa tinh tuyền, nghiêm mật vốn rất khó duy trì trên những hành trình mù mịt qua các ngôn ngữ diễn đạt khi không có một cứ điểm căn bản. Bởi mỗi ngôn ngữ thường tự mang theo mình những khái niệm văn hóa đặc hữu, đặc biệt những ngôn ngữ thành văn. Bất cứ sự bàn giao nào cũng làm mất đi không ít chất tinh khôi của cái đem ký thác. Sanskrit là ngôn ngữ bác học hàng đầu tại Ấn Độ thời đức Phật, đã là công cụ cho bao nền văn hóa học thuật trước đó. Nó cao sang, hấp dẫn, nhưng không còn trong trắng nữa. Tiếng Ma-Kiệt-Đà ngược lại, tuy là tiếng nói của đông đảo quần chúng, nhưng lúc đó vẫn thuần khiết, vì chưa có chữ viết nên chưa kịp có riêng những ngữ nghĩa đặc hữu thường phát sinh trong những ngôn ngữ thành văn. Sau khi được chỉnh trang đúng mức để dùng làm dụng ngữ cho một nền văn hóa lớn như giáo nghĩa cũa đạo Phật nguyên thủy, tiếng Ma-Kiệt-Đà lập tức có ngay vị trí một ngôn ngữ hoàn chỉnh, giản phác mà vẫn minh bạch tóc tơ.

Nói vậy có nghĩa là việc tiếng Pāli đã được chọn làm dụng ngữ căn bản để bảo lưu Phật Pháp nguyên thủy chỉ để tránh chuyện phồn tạp lai căn. Và tiếng Sanskrit bị nghiêm cấm chính thức chỉ vì cái tiền sử của nó. Nó được kể tên chỉ vì lúc đó nó là số một. Và có thể nói nó đã đại diện cho tất cả ngôn ngữ thành văn khác cũng có tiền sử tương tự, bất kể thời kỳ nào.

Trên đây chỉ là vài ý kiến, có thể mang tính chủ quan, nhằm biện giải vì sao tiếng Sanskrit bị cấm dùng để trình bày Tam Tạng (theo quan điểm Phật Giáo Nam Truyền) và cũng để từ chối cách hiểu chữ Sakanirutti là tất cả ngôn ngữ mẹ đẻ của mọi người. Về vấn đề tiếng Pāli có phải ngôn ngữ duy nhất đức Phật đã dùng để thuyết pháp, hay chữ Sakanirutti có phải chỉ cho tiếng Pāli hay không, vẫn là những vấn đề tồn nghi quan trọng. Bởi không ít học giả hiện đại vẫn cho rằng các bộ kinh Phật xưa nhất hiện nay đều có thể xuất phát từ một nguồn gốc cổ xưa hơn, nguyên thủy hơn. Thậm chí còn có thuyết cho rằng đức Phật đã sử dụng nhiều thứ tiếng khác nhau để hoằng pháp trên một xứ sở đa ngôn ngữ như Ấn Độ.

Saṅkacchidā = Saṅkaccikā: Áo lót của phụ nữ. Tỷ kheo ni phải mặc áo lót khi đi vào khu dân cư, nếu không sẽ phạm tội Ba Dật Đề.

Saṅgāmavacara = Codaka (bhikkhu).

Saṅgīti: Chữ gọi các cuộc kiết tập Phật ngôn bằng tiếng Pāli để phối kiểm sự chuẩn xác trong khả năng truyền thừa của các thế hệ Tăng-già. Cuộc kiết tập đầu tiên do ngài Ca-Diếp chủ trì, kéo dài ba tháng, có 500 vị La-Hán tham dự. Cuộc kiết tập kỳ sáu (gần đây nhất), kéo dài hai năm (1954-1956) tại Miến Điện có 2500 vị tỷ kheo tham dự.

Từ sau các cuộc Kiết Tập đầu tiên chỉ trùng thuật và hiệu chính toàn bộ Tam Tạng Pali bằng hình thức khẩu truyền không dùng văn bản,các vị Kiết Tập Sư trong cuộc Kiết Tập kỳ IV tại Tích Lan đã bắt đầu sử dụng đến các ấn bản Tam Tạng, song song với việc trùng thuật của các vị Pháp sư Tam Tạng theo lối đọc thuộc lòng. Và truyền thống này đã được vận dụng trong cuộc Kiết Tập Tam Tạng kỳ VI tại Miến Điện từ năm 1954 đến năm 1956.

Được biết chính phủ Miến Điện đã dành ra một ngân khoản mười triệu Kyat tiền Miến, tương đương 750.000 bảng Anh (thời giá lúc đó) để chuẩn bị tất cả điều kiện làm việc (gồm các ban in ấn, truyền thông,địa điểm Kiết Tập ) và sinh hoạt (ăn ở, đi lại, an ninh, y tế)cho cuộc Kiết Tập với sự góp mặt của 2500 vị Kiết Tập Sư chủ yếu thuộc Phật giáo Nam Tông các xứ Tích Lan, Cambodge, Ai Lao, Miến Điện và Thái Lan (với các công việc trùng thuật, phiên dịch, kiểm định Tam Tạng) và hàng ngàn quan khách tham dự trong tư cách quan sát viên đến từ toàn cầu.

Toàn bộ thời gian làm việc trong suốt hai năm Kiết Tập được chia thành năm pháp hội:

Pháp hội thứ nhất

Sau buổi lễ khai mạc kéo dài hai ngày từ 17/5 đến 19/5/54, tất cả tăng chúng nhất trí suy cử đại lão hòa thượng Abhidhaja Maha Ratthaguru Bhaddanta Revata Nyaungyan Sayadaw làm chủ toạ đại hội Kiết Tập. Sau đó ban Kiết Tập Sư bắt đầu trùng thuật (đọc thuộc lòng) toàn bộ Luật Tạng (gồm 5 bộ trong tám cuốn, 2260 trang) qua hình thức vấn đáp.

Pháp hội thứ hai

Từ ngày 15/11/54 đến ngày 29/1/55, không kể vài ngày lễ lạc, chư Kiết Tập Sư đã dành trọn 65 (sáu mươi lăm)ngày để trùng thuật toàn bộ Trường Bộ Kinh (gồm 779 trang Pali), Trung Bộ Kinh (gồm 1206 trang Pali), và Tương Ưng Bộ Kinh (gồm 1454 trang Pali). Ngài Nyaungyan Sayadaw trực tiếp điều động và theo dõi 500 vị Kiết Tập Sư thực hiện công đoạn này.

Pháp hội thứ ba

Từ ngày 28/4/55, ban Kiết Tập Sư đã dành ra hai mươi bảy ngày để trùng thuật trọn vẹn Tăng Chi Bộ Kinh (gồm 1651 bài kinh trong 9557 trang Pali). Được biết chư thánh tăng trong cuộc Kiết Tập đầu tiên do ngài Mahàkassapa chủ toạ đã chia Tăng Chi Bộ Kinh thành 120 phần để trùng thuật.Nhưng do điều kiện hiện tại, chư Kiết Tập Sư trong cuộc Kiết Tập kỳ VI sau nhiều bàn soạn đã chia nhỏ bộ này ra thành 210 phân đoạn.

Từ ngày 30/5/55 đến 2/7/55 ban Kiết Tập Sư đã tiếp tục trùng thuật sáu bộ đầu tiên của Thắng Pháp Tạng (A Tỳ Đàm) gồm 2302 trang Pali. Như vậy trong pháp hội thứ ba này, chư tăng đã trùng thuật và hiệu chính được tất cả 11.859 trang Pali. Người được đề cử giám sát và chủ toạ suốt thời gian thực hiện pháp hội thứ ba là ngài Tăng Vương Cao Miên Jotanano Choun Nath cùng với Tăng Vương Ai Lao Prabuddhajinoros.

Pháp hội thứ tư

Cũng còn gọi là Pháp Hội Thái Lan, vì chính ngài Tăng Vương Thái Lan Vanarat Kittisobhana được mời làm chủ tọa để giám sát trên 600 vị Kiết Tập Sư trùng thuật và hiệu chính trọn bộ Patthana(gồm 2686 trang Pali) của Thắng Pháp Tạng cùng hầu hết Tiểu Bộ Kinh (Tiểu Tụng, Pháp Cú, Như Thị Thuyết, Thiên Cung Sự, Ngạ Quỷ Sự, Tăng Kệ, Ni Kệ, Tăng Bản Hạnh, Ni Bản Hạnh, Phật Tông, Hạnh Tạng cùng hai bộ Đại Tiểu Xiển Minh, không có Bổn Sanh và Vô Ngại Giải Đạo). Phần Tiểu Bộ này gồm đến 2299 trang Pali. Như vậy trong Pháp Hội thứ ba chư tăng đã trùng thuật được tổng cộng 4985 trang Pali. Toàn bộ công việc kéo dài trong suốt 54 ngày, từ 16/12/55 đến 16/2/56, không tính mấy ngày lễ.

Pháp hội thứ năm

Cũng còn gọi là Pháp Hội Tích Lan, được bắt đầu từ ngày 23/4/56 đến ngày 24/5/56 và vị chủ trì là ngài Welivita Dharmakirti, tăng trưởng bộ phái Syamanikaya ở Kandy (Tích Lan). Trong thời gian này chư Kiết Tập Sư đã trùng thuật và hiệu chính các bộ Patha, Milindapanha, Netti, Petakopadesa và Patisambhidamagga.

Sau khi đại hội Kiết Tập Tam Tạng kỳ VI hoàn mãn, tất cả cơ sở hạ tầng được sử dụng trong đại hội đã lập tức được đổi dạng thành những trung tâm văn hoá quan trọng của Phật Giáo bao gồm một trường đại học, một thư viện quốc gia và các thư quán (nhà xuất bản), ấn quán.

Saṅgha: Thuật ngữ này có nhiều nghĩa:

1) Sāvakasaṅgha: Chỉ cho tám tầng thánh trí của hàng Thanh Văn, từ Sơ Đạo đến Tứ Quả. Tức đôi lúc Tăng Bảo phải được hiểu là các vị thánh đệ tử của đức Phật.

2) Sammutisaṅgha: Chỉ cho một nhóm tỷ kheo hay tỷ kheo ni có ít nhất bốn vị. Nhưng số lượng này không đủ cho ba loại tăng sự Giới Đàn, Tự Tứ, Phục Vị (abbhānakamma). Năm vị thì có thể làm thêm tăng sự Tự Tứ. Mười vị có thể đủ cho hầu hết tăng sự, trừ Phục Vị. Hai mươi vị là con số tối thiểu để thực hiện tất cả tăng sự. Luật Tạng gọi nhóm tỷ kheo hai hoặc ba vị là Gaṇa (chúng), một vị là Puggala (cá nhân). Các tăng sự sau đây luôn phải do tăng chúng (saṅgha) thực hiện, dưới 4 vị không thể làm được: Apalokanakamma, Ñattikamma, Ñattidutiyakamma, Ñattidutiyakamma.

Saṅghabhatta: Bữa ăn được cúng dường cho tăng chúng tại một trú xứ nào đó.

Saṅghabheda: Sự chia rẽ trong tăng chúng. Cullavagga giải thích rõ ràng rằng khi có một nhóm tỷ kheo tách nhau ra thành hai phe, chỉ cần bên chơn tăng (dhammavādī) có số lượng tối thiểu bốn vị và bên gian tăng (adhammavādī) có số lượng tối thiểu năm vị, thì đó mới được gọi là một cuộc chia rẽ Tăng-già. Nếu dưới hai con số tối thiểu trên đây, thì trường hợp xích mích này chỉ được gọi là Saṅgharāji (tăng chúng tranh sự).

Điều đặc biệt là chỉ trường hợp chia rẽ do chính các tỷ kheo thực hiện mới gọi là Saṅghabheda, chuyện xảy ra do các đối tượng ngoài ra (kể cả tỷ kheo ni) không kể là Saṅghabheda, vì họ đều là người ngoài cuộc. Và sự chia rẽ tăng chúng chỉ hình thành khi vấn đề tranh cãi giữa các tỷ kheo thuộc về lĩnh vực kinh luật giáo nghĩa, như cãi nhau cái gì là Phật ngôn hay không phải Phật ngôn, việc đó hợp luật hay sái luật. Chuyện bất đồng mang tính cá nhân không thể xem là lý do đáng kể.

Tỷ kheo cố ý chia rẽ tăng chúng bất chấp sự khuyên răn của tăng chúng (ba lần), thì phạm tội Tăng Tàn.

Saṅghabhedaka: Chữ gọi vị tỷ kheo cố ý đem vấn đề kinh luật ra làm cớ để chia rẽ tăng chúng. Chỉ có tỷ kheo mới có thể làm việc này. Và sau ba lần từ chối lời cảnh tỉnh của tăng chúng, đương sự phạm tội Tăng Tàn.

Saṅgharāji: Xem chữ Saṅghabheda.

Saṅghasāmaggī: Sơn Môn Đạo Tình. Ngay sau khi trong tăng chúng có xảy ra chuyện bất hoà nghiêm trọng, các tỷ kheo nên nhân một tăng sự nào đó hay tranh thủ ngày Bố Tát sớm nhất để triệu tập tất cả tăng chúng, kể cả tỷ kheo đang bệnh, để dùng Nhị Tác Bạch tuyên ngôn kêu gọi sự đoàn kết và sau đó cùng nhau làm Phát Lộ (có tụng giới bổn). trường hợp này được gọi là tăng sự khôi phục Sơn Môn Đạo Tình.

Saṅghāṭi: Tức y Tăng-Già-Lê của tỷ kheo, thường được may hai lớp. Trong trường hợp dùng vải Phấn Tảo, y này có thể nhiều lớp hơn. Kích thước y Tăng-Già-Lê của tỷ kheo không được lớn hơn Tăng-Già-Lê của đức Phật, tức là chiều dài phải dưới chín gang tay đức Phật và chiều ngang phải dưới sáu gang của Ngài (Sugatacīvarappamāṇa). Khuddakasikkhā giải thích thượng y (y vai trái) phải có cùng kích thước với y Tăng-Già-Lê. Hạ y (y nội) phải có kích thước nhất định là chiều dài bốn khuỷu tay (hắc tay) cộng với một nắm tay (muṭṭhi) của tỷ kheo (người sở hữu y) và chiều ngang hai khuỷu tay cộng thêm một nắm tay, cũng của người mặc.

Theo luật, tỷ kheo không được xa rời tam y một đêm nào cả, ngay cả lúc vào khu dân cư cũng phải có đủ ba y, trừ trường hợp đặc biệt như lúc bệnh hoạn hay trong thời gian năm tháng sau ngày thọ y Kaṭhina.

Do y Tăng-Già-Lê quá nặng nề, nên ngoài mùa lạnh tỷ kheo có thể không cần đem đắp lên người (pāru-pana) như y vai trái, chỉ việc vắt lên vai cũng được. Tỷ kheo không được lạm dụng Tăng-Già-Lê vào những việc bất xứng, như trải để ngồi hay dùng để lau phủi chỗ dơ. Tội Tác Ác.

Saṅghāṇi: Một loại trang sức đeo ở thắt lưng.

Saṅghādisesa: Các bản Hán dịch đều gọi là Tăng Tàn. Đây là tên gọi loại trọng giới có mức nghiêm trọng chỉ đứng sau tội Ba-La-Di. Tỷ kheo phạm tội này tối thiểu phải qua sáu đêm khổ nhục và một tăng hội ít nhất hai mươi vị mới đủ để giải trừ tội trạng.

Theo bộ Kaṅkhā-vitaraṇī, sở dĩ gọi là Saṅghādisesa (Tăng Tàn) vì từ ngày đầu tiên tỷ kheo xưng tội đến khi tội được giải trừ, giai đoạn nào cũng phải do tập thể tăng chúng đứng ra, không thể do một cá nhân lo liệu được (Saṅgho ādimhi ceva sese ca icchitabbo assāti saṅghādiseso).

Giới Tăng Tàn của tỷ kheo có mười ba điều. Chín điều đầu gọi là Tức Phạm (paṭhamāpattikā), nghĩa là tỷ kheo vừa làm xong chuyện cấm thì phạm tội ngay. Bốn điều Tăng Tàn sau gọi là Tiệm Phạm (Yāvatatiyakā), những tội chỉ bị xem là vi phạm sau ba lần tuyên ngôn khuyên răn bất thành của tăng chúng.

Xem thêm các chữ Mānatta, Parivāsa.

Saññāvimokkā-āpatti: Chữ gọi những tội bị phạm do sự cố ý (vì cũng có trường hợp dù vô tình cũng là phạm tội).

Satavalika: Kiểu quấn y nội thành quá nhiều nếp khi mặc, không đúng luật, tội Tác Ác.

Sativinaya: Ức Niệm Diệt Tránh. Chữ gọi trường hợp chư tăng dùng bốn bận tuyên ngôn để xác định một tỷ kheo là bậc La-Hán để đương sự được quyền miễn trừ trước một cáo buộc nào đó.

Theo Samantapāsādikā, tăng sự này đòi hỏi năm điều kiện: Tỷ kheo bị cáo buộc kia đúng là người vô tội (suddhassa anāpattikassa dānaṃ ekaṃ), có người cáo buộc (anuvāditassa dānaṃ ekaṃ), tỷ kheo bị cáo buộc có lời yêu cầu tăng chúng xác định tình trạng vô nhiễm của mình (yācitassa dānaṃ), lời xác định kia phải do tập thể tăng, không thể là một cá nhân nào (saṅghena dānaṃ ekaṃ), lời xác định kia đúng với sự thật (dhammena samaggena).

Sattabbhantara-sīmā: Khi các tỷ kheo muốn làm Bố Tát trong một khu rừng mênh mông thì khu vực bán kính bảy Abbhantara chung quanh chỗ tăng hội lúc đó trở thành một khu vực Sīmā tạm thời, không cần tuyên ngôn kiết giới hay vật mốc làm dấu ranh. Mỗi Abbhantara được xác định tương đương với hai mươi tám khuỷu tay của người trung bình. Vậy bảy Abbhan-tara là 196 khuỷu tay (gọi theo chữ cũ là hắc tay).

Sattāhakaraṇīya: Nghĩa bóng là duyên sự chính đáng. Khi tỷ kheo đã nguyện kiết hạ ba tháng mùa mưa ở nới nào đó, nếu không có một lý do hợp luật (xin xem chữ Vassāvāsa) thì không thể rời khỏi chỗ nhập hạ quá một đêm dù ban ngày có thể đi đâu đó để làm các Phật sự như tụng kinh, nghe pháp, thăm hỏi trưởng lão. Thuật ngữ trên đây được dùng gọi chung những công việc quan trọng không thể làm ngơ, phải nguyện rời trú xứ cách đêm, để hoàn tất công việc trong vòng bảy ngày. Nghĩa đen của chữ Pāli này là những việc phải làm xong trong bảy hôm, và trước lúc ra đi tỷ kheo phải chú nguyện sẽ trở về đúng hạn, không lâu quá bảy ngày.

Sattāhakālika: Châu Hạn Dược. Chữ gọi chung năm thứ được xem là dược phẩm như bơ đặc (navanīta), bơ lỏng (Sappi), mật ong (madhu), mật mía (phānita) và dầu ăn. Tỷ kheo bệnh chỉ được giữ năm món này trong bảy ngày, lâu hơn sẽ phạm tội Xả Đọa.

Sattu: Bánh làm bằng bột ngũ cốc. Chữ này cũng để gọi một thứ bột có trộn nghệ dùng để giữ kim may khỏi rỉ sét.

Satthaka: Loại dao nhỏ dùng trong việc may vá.

Satthakamma: Sự mổ xẻ hay phẩu thuật. Tỷ kheo có thể để người khác mổ xẻ để trị bệnh, nhưng nên tránh để thầy thuốc làm việc nhiều ở chỗ kín. Theo Mahāvagga.

Satthakadaṇḍa: Cán dao. Tỷ kheo nên tránh các chất liệu quý kim, bảo thạch.

Satthalūkha(cīvara): Một tên gọi khác của y áo tăng ni nói chung. Vì đức Phật cấm chế y áo tăng ni không được là một tấm vải nguyên, vốn dễ gợi lòng tham cho người khác (và bản thân mình), nên y phải được may lại bằng nhiều miếng vải rời theo hình thức một miếng ruộng với các ô vuông và chữ nhật liền nhau (xem chữ Cīvara). Xin đừng nhầm lẫn với kiểu y bá nạp có hàng trăm mảnh ghép nối cầu kỳ và lập dị hơn là đơn giản, thanh bần. Nghĩa đen của thuật ngữ này là thứ y phục được làm xấu đi bằng những đường cắt của dao kéo.

Saddhādeyyavinipātanā: Thất Cách Thọ Dụng. Nghĩa bóng của chữ này là trường hợp tỷ kheo đem tài vật cá nhân biếu tặng những đối tượng nằm ngoài tăng chúng hay cha mẹ. Đó cũng là một cách cô phụ tấm lòng những thí chủ dâng cúng cho mình với ý nghĩa hộ trì phạm hạnh khi sử dụng lễ phẩm không đúng chỗ. Theo Mahāvagga.

Saddhivihārika: Chữ gọi vị tỷ kheo hay sa-di đệ tử, người được mình tế độ cho thọ giới xuất gia (trao truyền giới phẩm) và theo luật thì thầy trò phải sống gần nhau ít nhất năm năm. Từ đó mới có chữ Saddhivihārika tức người đệ tử đồng trú.

Theo Luật Tạng, tình nghĩa thầy trò trong tăng chúng không khác gì quan hệ phụ tử. Khi thầy hay trò hữu sự (lâm nạn hay bị xử phạt) thì người kia không nên bỏ mặc. Trong mọi sự, người đệ tử không nên hành xử theo ý riêng mà không xin phép thầy tế độ. Nếu thầy tế độ hoàn tục, qua đời, hoặc không còn điều kiện sống gần nữa, đệ tử phải tìm đến y chỉ nơi một tỷ kheo trưởng lão mà mình nghĩ là xứng đáng.

Saddhivihārī = Saddhivihārika.

Santaruttara: Tình trạng không giữ đủ tam y. Nếu dịch sát, chữ này nghĩa là chỉ có hạ y tức y nội (antaravā-saka) và thượng y tức y vai trái (uttarasanga) mà không có thêm Tăng-Già-Lê. Tỷ kheo không được vào khu dân cư trong tình trạng không có đủ tam y. Chỉ trường hợp đặc biệt như khi tỷ kheo bệnh, lúc đi sông suối vào các tháng mưa, hay trong thời gian năm tháng sau ngày thọ tăng y.

Santhata: Loại chiếu hay thảm len được dán keo, không phải do đan hay dệt. Tỷ kheo không được dùng loại thảm có pha trộn tơ tằm hay lông cừu. Tội Xả-Đọa. Thảm len hợp luật phải có ít nhất một nửa diện tích là màu đen và đã đươc ai đó sử dụng tối thiểu sáu năm trước khi đến tay tỷ kheo.

Sanniṭṭhānantika: Một trong tám lý do khiến tỷ kheo làm hỏng ý nghĩa tăng y (làm mất năm tháng đặc quyền) là ý định ra đi không trở lại trú xứ vừa thọ y.

Sannidhikāraka: Thuật ngöõ gọi sự cất giữ, tích lũy thức ăn. Tăng ni không được giữ lại thức ăn cách đêm. Thậm chí có những món được xem là thuốc trị bệnh (gồm mật ong, mật mía, bơ đặc, bơ lỏng và dầu ăn) cũng chỉ được cất giữ không quá bảy ngày. Các món thuốc men ngoài ra có thể giữ bao lâu tùy thích, dĩ nhiên tránh việc chất đống với số lượng quá mức cần thiết.

Sapadānacārikā: Tuần tự hóa duyên, chữ gọi phép đi khất thực không bỏ sót nhà nào với ý lựa chọn. Đồng thời cũng có nghĩa là hạnh khất thực mỗi ngày không gián đoạn của tỷ kheo trì hạnh Đầu-Đà (sapadāna-carika).

Saparikkamana: Sự quảng khoát cần có ở một miếng đất được tỷ kheo chọn làm nơi xây dựng trú xứ. Tính từ vách nhà phải đủ chỗ cho một con bò kéo cày hay có thể bắt thang. Tỷ kheo phải luôn có được sự chỉ định của chư tăng về vị trí xây cất (vatthudesanā) trước khi xây cất am thất riêng cho mình.

Sappaṭikamma-āpatti: Chữ gọi tất cả các tội có thể giải trừ sau khi vi phạm, nghĩa là chỉ trừ ra tội Ba-La-Di.

Sappi: Bơ lỏng (ghee), một trong năm thứ dược phẩm mà tăng ni có quyền cất giữ trong bảy ngày. Vì thời xưa bơ lỏng là thứ đắt đỏ, tăng ni không được xin về để dùng như thực phẩm.

Sabbakaṇha-cīvara: Hắc y, y thuần một màu đen. Tăng ni không được dùng.

Sabbatthapaññatti: Từ gọi chung những học giới được cấm chế không hạn chế địa phương, nghĩa là ở đâu cũng phải tuân hành như vậy.

Sabbanīlaka-cīvara: Thanh y, y thuần một màu xanh. Tăng ni không được dùng.

Sabbapītaka-cīvara: Y được nhuộm chỉ bằng màu vàng, không pha thêm màu khác. Tăng ni không được dùng.

Sabbamañjitthaka: Y nhuộm màu đỏ thẩm. Tăng ni không được dùng.

Sabbamattikamayakuṭikā: Loại am thất làm từ đất nung nguyên khối, bằng cách đắp đất sét thành hình dạng nhà ở rồi chất than hay củi nung chín như cách người ta làm đồ gốm. Không hợp luật.

Sabbamahāraṅgaratta-cīvara: Loại y có màu đỏ rực như lưng rết, không hợp luật.

Sabbamahānāmaratta-cīvara: Y có màu nhuộm vằn đốm như một chiếc lá sắp khô. Không hợp luật.

Sabbalohitaka-cīvara: Y nhuộm tuyền một màu đỏ máu, không hợp luật.

Sabhāgāpatti: Đồng tội. Chữ gọi trường hợp từ hai tỷ kheo trở lên phạm cùng một học giới giống nhau, như cùng ăn chiều mà chưa sám hối. Những vị như vậy không thể sám tội với nhau được, cả hai phải tìm vị khác hoặc một trong hai sau khi được trong sạch quay lại cho người kia sám tội với mình.

Samaṇuddesa = Sāmaṇera.

Samaṇakappa: Chữ gọi chung những thứ vật chất hay thực phẩm đã được hợp thức hoá để tỷ kheo có thể sử dụng. Chẳng hạn trái cây phải được lấy hột ra tỷ kheo mới có thể thọ thực. Có nhiều cách hợp thức hóa: Dùng lửa (aggiparicita), dùng dao hay vật nhọn (satthaparicita) và dùng móng tay (nakhaparicita). Đôi lúc chỉ một dấu cắt sơ sài hay một vết móng cào nhẹ cũng có thể xem là hợp luật.

Samaṇakuttaka: Sa-môn giả hiệu, chữ gọi người tự đắp giáo phục để dễ dàng kiếm sống.

Samaṇabhatta-samaya: Lời mời ăn dành cho tu sĩ các tông phái nói chung, kể cả với tỷ kheo Phật giáo.

Samatha: Phép Diệt Tránh hay Tịnh Tranh, chữ gọi bày phương thức giàn xếp rắc rối tranh cãi trong tăng chúng. Chẳng hạn triệu tập các đương sự để cùng giải quyết trước mặt nhau, hay trưng cầu ý kiến tập thể, hoặc chư tăng cùng nhất trí lờ luôn chuyện đó không nhắc đến nữa. Đặc biệt nhất là trường hợp dùng tăng lệnh xác định một bị cáo nào đó là bậc La-Hán được miễn trừ hoàn toàn các cáo buộc. Dĩ nhiên ngày nay không còn cơ hội để áp dụng cả bảy phương thức này. Xin xem thêm trong Giới Bổn tỷ kheo về bảy phép Tịnh Tranh.

Samānasaṃvāsasīmā: Từ gọi một khu vực cương giới đã được chư tăng dùng tuyên ngôn và các vật mốc để xác định là địa điểm thực hiện các tăng sự. Xem chữ Sīmā.

Samānāsanika: Bạn đồng tọa, chữ gọi chung các tỷ kheo chỉ chênh lệch nhau từ ba hạ trở xuống có thể ngồi ngang nhau. Có nghĩa là một tỷ kheo năm hạ có thể ngồi chung với tỷ kheo ba hạ. Đó là nói trường hợp chỗ ngồi là một chiếc giường hay ghế có thể chứa nhiều người. Đặc biệt tỷ kheo phải tránh ngồi gần phụ nữ, hay bán nam bán nữ trong những chỗ ngồi có vẻ gần gũi, dễ chung đụng như vậy.

Samuṭṭhāna: Tội căn, hay điều kiện căn bản để cấu thành một tội trong Luật Tạng, ở đây nói đến ba nghiệp môn (thân, khẩu, ý). Trong bộ Parivāra có kể chi tiết mười ba trường hợp, nhưng đại lược là có những tội chỉ do thân môn hay khẩu môn cộng với ý môn đã đủ thành tội, có trường hợp phải hội đủ cả ba nghiệp môn mới kể là phạm tội, có trường hợp chỉ hình thành từ một nghiệp môn.

Samodhānaparivāsa: Huân Tội Cấm Phòng, chữ gọi trường hợp tỷ kheo phải chịu thêm ngày cấm phòng khi chưa giải trừ xong tội một Tăng Tàn. Tức phạm thêm tội Tăng Tàn khác trong lúc đang thụ phạt cấm phòng (parivāsa) hay trong thời gian sáu đêm Khiêm Hạnh. Xem chữ Parivāsa.

Sambādha: Chữ gọi tất cả những chỗ kín trong thân thể tỷ kheo, như nách, háng, hậu môn và bộ phận sinh dục. Tỷ kheo nên đặc biệt tránh việc phơi bày những chỗ này cho người khác nhìn thấy, kể cả lúc chữa bệnh. Tăng ni cũng không được cạo bỏ lông chỗ kín, trừ lúc trị thương.

Sambhāraseda: Cách trị bệnh thống phong (gout) bằng việc dùng các loại lá thuốc để xông hơi.

Sammajjanī: Cây chổi quét nhà.

Sammukhavikappanā: Xem chữ Parammukhavikappanā.

Sammukha-vinaya: Diện Tiền Tịnh Tranh. Một trong bảy phép Tịnh Tranh, giải quyết tranh cãi trong tăng chúng bằng cách triệu tập các đương sự đến trước tập thể để cùng giàn xếp. Có bốn tiêu chuẩn để làm nên một tăng sự loại này: Phải có sự hiện diện của tăng chúng (saṅghasammukhatā), phải có vấn đề tranh cãi cụ thể (dhammasammukhatā), giải pháp phải hợp luật (vinayasammukhatā), và cả hai phe tranh cãi phải cùng có mặt (puggalasammukhatā).

Phép Tịnh Tranh này được áp dụng cho một trong bốn trường hợp Vivādādhikaraṇa, Anuvādādhikaraṇa, Āpattādhikaraṇa, Kiccādhikaraṇa. Đôi lúc sự vụ được giao cho một nhóm hay một cá nhân tỷ kheo nào đó giải quyết (cách ủy nhiệm-Ubbāhika), cũng được gọi là Diện Tiền Tịnh Tranh.

Sammutikappiyabhūmi: Nhà kho hay chỗ cất giữ vật dụng hay lễ phẩm của chung tăng chúng một trú xứ, do chính chư tăng chỉ định vị trí và đề cử người chịu trách nhiệm trông coi.

Sarabhañña: Lối tụng kinh cao giọng, hợp luật, nhưng tỷ kheo không được tụng kinh như hát, trái luật.

Saritaka: Chữ gọi chung bột đá hay cát nhuyễn dùng giữ kim may khỏi bị sét.

Saritakasipāṭikā: Chữ gọi chung các loại giấy nhám hay vải có bôi sáp hoặc cát mịn để giữ kim may không bị sét.

Salākaggāha: Sự bỏ phiếu hay việc bỏ thăm. Một trong những cách trưng cầu ý kiến tăng chúng hay tìm nhân tuyển cho một sự vụ nào đó. Xem chữ Yebhuyyasika-vinaya.

Salākaggāhāpaka: Chữ gọi vị tỷ kheo có trách nhiệm đi gom lại các lá thăm (phiếu) sau một cuộc bỏ thăm của tăng chúng cho vấn đề gì đó. Xem chữ Yebhuyyasika-vinaya.

Salāka-vātapāna: Loại cửa sổ có các chấn song.

Salāka: Lá phiếu, lá thăm dùng trong các buổi trưng cầu hay thăm dò ý kiến hoặc tìm nhân tuyển. Chữ này cũng để gọi thanh gỗ được chèn giữa hai lớp vải trong lúc may y, không để đường chỉ xuyên qua cả hai lớp vải.

Salākabhatta: Đầu Phiếu Trai Phạn. Bữa ăn được cúng dường cho chư tăng qua cách rút thăm xem vị nào được đi. Đó là trường hợp có cùng lúc nhiều thí chủ mời thỉnh hay tổng số tỷ kheo đông hơn con số được thí chủ nêu ra.

Salākodhāniya: Cái giá để gác cây que chấm thuốc nhỏ mắt. Xem chữ añjanīsalāka.

Saddhivihārinī = Sahajīvinī: Nữ đồ hay nữ đệ tử hay người nữ được tỷ kheo ni truyền giới cho xuất gia. Tình thầy trò bên ni chúng cũng phải được trân trọng như tình mẫu tử.

Sahubbhāra: Một trong tám trường hợp tỷ kheo làm hỏng mất các đặc quyền sau ngày thọ tăng y do rời khỏi trú xứ để tìm y với ý sẽ trở về, nhưng sau đó lại đổi ý và nhường lại cho vị khác thọ y Kaṭhina.

Sajīva: Điều huyết mạch hay vấn đề cốt tử. Đây là chữ đồng nghĩa với từ Học Giới (sikkhā) của tăng ni. Nghĩa đen của chữ này là những điều mà tăng ni phải suốt đời giữ lấy, chúng chính là sinh mạng của đời sống phạm hạnh, danh xưng tăng ni chỉ tồn tại qua các học giới. Đây cũng là lời giải thích vì sao trong Tương Ưng Bộ đức Phật đã gọi vị tỷ kheo hoàn tục là người tự sát.

Sāṭiyaggāhāpaka: Chữ gọi tỷ kheo thay mặt tăng chúng nhận y hay vải may y từ thí chủ.

Sāṇa: Một loại vải thô xấu dệt từ xơ cây, hợp luật.

Sādhāraṇapaññatti: Phổ Chế (chữ Biến Chế rất đắc cách nhưng dễ bị hiểu lầm). Từ gọi những học giới được cấm chế chung cho cả hai phía tăng ni.

Sāmaṃ-pakkaṃ-piṇḍaṃ: Chữ gọi chung những món ăn không cần nấu nướng, đã chín sẵn hoặc có thể ăn ngay. Theo luật, tỷ kheo không được tự tay nấu ăn nên khi khất thực chỉ nên nhận các món ăn loại này.

Sāmaggī-uposatha: Tăng Hòa Bố Tát. Chữ gọi lễ Bố Tát được thực hiện ngay khi tăng chúng đang cần có cơ hội để tái hiện sự đoàn kết từ một cuộc xích mích vừa xảy ra. Xem chữ Saṅgha-samaggī.

Sāmaṇera: Sa-di, giới phẩm chuẩn bị cho một người nam trước khi thọ đại giới để trở thành tỷ kheo. Hạn tuổi tối thiểu của Sa-di có thể chỉ là bảy tuổi, đủ trí khôn để xua đuổi một bầy quạ. Và một Sa-di phải giữ tròn Thập giới (tính hẹp) hay 105 giới (tính rộng). Trong đó có mười điều sau khi vi phạm coi như phải hoàn tục hay tái thọ Sa-di giới: Đó là năm điều giống hệt ngũ giới của cư sĩ, cộng thêm ba tội phỉ báng Tam Bảo và sách nhiễu tình dục tỷ kheo ni (xem chữ Bhik-khunīdūsaka). Đặc biệt điều cuối cùng này bị xem là tương đương với tội Ba-La-Di của tỷ kheo, nghĩa là suốt đời không được đắp y trở lại, dù ở giới phẩm nào. Khi vi phạm các học giới còn lại, Sa-di chỉ bị xử phạt tượng trưng.

Cũng giống trường hợp tỷ kheo, người muốn thọ giới Sa-di cũng không thể là người có các vấn đề về pháp luật, xã hội hay sức khỏe như dị dạng hay nan y tuyệt chứng.

Chữ Sāmaṇera nghĩa đen là con của Sa-Môn (tỷ kheo) có chữ đồng nghĩa là Samaṇuddesa, người tháp tùng tỷ kheo hay Sa Môn thứ phẩm.

Sāmaṇerapesaka: Chữ gọi vị tỷ kheo có trách nhiệm giao việc cho Sa-di.

Sāmaṇerī: Sa-Di-Ni, giới phẩm thấp nhất trong ni chúng, giai đoạn chuẩn bị cho hai năm Học Nữ (sikkhāmānā) trước khi thọ giới tỷ kheo ni.

Sālūkapāna: Nước ép từ rễ sen hay súng, tỷ kheo có thể dùng buổi chiều.

Sāvajjapaññatti: Chế Ác học giới. Chữ gọi những học giới có nội dung ngăn cấm những điều bất thiện trong cách nhìn của cả ngoài đời trong đạo. Chẳng hạn các học giới giống với ngũ giới, đạo đời đều nhận là chuyện không nên.

Sāvanantikā: Một trong tám trường hợp tỷ kheo làm hỏng các đặc quyền sau ngày thọ y Kaṭhina. Xem chữ Kaṭhina-uddhāra.

Sāvasesā-āpatti: Tội Khả Phục. Chữ gọi sáu loại tội sau của giới bổn, trừ ra tội Ba-La-Di (tội bị gọi là Anavasesāpatti, tội tuyệt hậu). Sáu tội trên đây được gọi thế vì tăng ni sau khi vi phạm vẫn còn phương tái phục.

Sikkāsammuti: Theo luật thì tỷ kheo vô bệnh không được đeo bình bát bằng dây (sikkā), và phải ôm bát bằng hai tay. Nhưng trường hợp tỷ kheo bệnh thì được đặc cách xài được. Chuyện đặc cách này được gọi là Sikkā-sammuti, lệnh tăng cho đeo dây bát!

Sikkhāmānā: Học nữ hay Thất Xoa Ma Na, giới phẩm trên Sa di ni và dưới tỷ kheo ni. Giai đoạn Học Nữ chỉ kéo dài hai năm, không thể nhiều hay ít hơn và đây là giới phẩm bắt buộc phải trải qua trước khi thọ giới tỷ kheo ni. Học Nữ chỉ giữ sáu học giới (giống hệt Đạo sĩ giới) là ngũ giới cộng thêm giới cấm ăn sau ngọ.

Phụ nữ đã có chồng rồi xuất gia làm Học Nữ (sau khi là Sa-di ni) thì gọi là Gihīgatā-sikkhāmānā (Bán thế học nữ). Gái chưa chồng đã đi xuất gia làm Học Nữ thì gọi Kumāribhūtasikkhāmānā (Đồng Xử Học nữ) hay Mahā-sikkhāmānā (Đại Học nữ). Vì thời xưa có tục tảo hôn, nên luật có quy định Bán thế học nữ phải trên mười tuổi (có chỗ nói cụ thể là từ mười hai tuổi), nhưng gái chưa chồng thì phải tối thiểu mười tám tuổi mới được tu lên Đồng Xử Học Nữ. Phải chăng việc từng trải cũng giúp người ta vững vàng hơn!

Sikkhā: Đây là một chữ đa nghĩa trong Phật giáo. Có lúc chữ này có nghĩa là các học giới được đức Phật cấm chế cho tăng ni và cư sĩ nói chung. Đôi khi chữ này chỉ chung cho Tam Học. Theo giáo nghĩa Nam Truyền, Giới Học là tất cả giới luật, Định Học là pháp môn Chỉ Tịnh (samatha) và Tuệ học là pháp môn Tuệ Quán (vipassanā).

Sikkhāpaccakkhāna: Sự xả giới hay hoàn tục bằng một lời xác nhận trong tình trạng tâm trí tỉnh táo, đầy đủ ý thức. Có vậy tăng ni mới không còn là tăng ni nữa. Bộ Kankhāvitaranī giải thích rằng phải có đủ sáu yếu tố mới khiến ý xả giới có hiệu lực: Lòng quả không còn tha thiết đời phạm hạnh (citta), ý nguyện đó phải biểu tỏ bằng lời cho người khác nghe, không thể bằng chữ viết hay điệu bộ (payoga), lời tuyên bố xả giới phải nhắm ngay thời điểm hiện tại, như không thể báo trước ngày thọ giới (kāla), cả người nói lời xả giới lẫn người làm chứng đều phải trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn (puggala), và tăng ni phải ý thức rõ là mình đang nói lời xả giới (vijānana). Theo Cullavagga, tỷ kheo ni đã hoàn tục không thể xuất gia trở lại.

Sikkhāpaccakkhātaka: Người vừa nói lời xả giới một cách hợp luật, được kể vào các đối tượng bị khai trừ (vajjanīyapuggala) đối với tất cả tăng sự.

Sikkhāpada: Nghĩa rộng là tất cả giới luật của tăng tục. Nghĩa hẹp là hầu hết giới bổn tăng ni, trừ ra bảy phép Tịnh Tranh.

Sikkhāsammuti: Chữ gọi tăng sự của ni chúng cho phép sa-di-ni thọ giới Học nữ.

Siṅgiloṇakappa: Một trong các quan điểm của nhóm tỷ kheo Vajjīputta cho phép tỷ kheo được dùng ống đựng muối làm bằng sừng thú. Dĩ nhiên trái luật.

Sitthakatela: Một loại dầu bôi mỹ phẩm, không hợp luật.

Sitāloḷi: Thứ nước bùn lấy từ các luống cày, được dùng để hóa giải cơn phấn khích sau khi tỷ kheo uống nhầm thuốc kích dục. Xem chữ Gharadinnakābādha.

Sīpādī: Người bị bệnh phù chân voi, không được thọ đại giới.

Sīmā: Khu cương giới hay kiết giới được chư tăng ấn định ở địa điểm nào đó để làm chỗ họp chúng thực hiện các tăng sự. Có hai loại cương giới Sīmā:

1) Baddhasīmā (còn gọi Khaṇḍasīmā, Samānasaṃvāsasīmā hay Avippavāsasīmā): Tức khu vực được ấn định là cương giới sau hai lần tuyên ngôn và đòi hỏi phải có các vật mốc làm dấu ranh đất. Ngoài ý nghĩa là chỗ làm tăng sự, cũng có thể là chỗ cư ngụ của tăng chúng.

2) Abaddhasīmā: Khu cương giới được chư tăng giả định tạm thời giữa rừng núi, không cần tuyên ngôn và vật mốc, chỉ để thực hiện các tăng sự.

Vật mốc làm dấu ranh cho khu vực Sīmā có thể là núi non, cây cối, đường lộ, sông rạch, rừng rậm, ao hồ, thậm chí một gò mối hay bốn hòn đá tảng. Ý nghĩa tinh thần hay tác dụng của một khu vực Sīmā là để tăng chúng không bị manh mún, rời rạc. Làm gì cũng phải đoàn kết, hợp quần, tập trung.

Khu vực Sīmā có thể là một cây cầu lớn ngang sông hay một chiếc thuyền to, miễn là đủ kiên cố để chịu đựng sức nặng của tối thiểu hai mươi tỷ kheo và có thể tồn tại lâu ngày, tức không phải vật tạm bợ nhất thời.

Luật định trước khi tuyên ngôn kiết giới một cương giới mới, để tránh chồng chéo lên một khu Sīmā cũ, chư tăng phải thực hiện một việc mang tính thủ tục là tuyên ngôn xả bỏ giá trị của một Sīmā được giả định hay xác định là đã có sẳn ở đó. Thuật ngữ gọi đây là phép Sīmāsamūhana (giải thể cương giới cố hữu).

Khu đất Sīmā phải hoàn toàn biệt lập và liền lạc liên lũy, không thể rời rạc bằng một sự đan xen, chen kẻ bởi một không gian trung gián. Chu vi tối đa của khu Sīmā không được vượt quá ba Do-Tuần (mỗi Do-Tuần là bảy dặm Anh, một dặm Anh là 1.6 cây số). Và chỗ Sīmā hẹp nhất cũng phải đủ chỗ cho hai mươi mốt tỷ kheo ngồi thoải mái.

Từ những chi tiết trên, có đến mười một trường hợp Sīmā không hợp luật, tức không thể là nơi thực hiện các tăng sự: Sīmā quá hẹp (atikhuddā-sīmā), Sīmā quá rộng (atimahatī-sīmā), Sīmā có vật mốc không nguyên vẹn như lúc đầu (Khaṇḍanimitta-sīmā), Sīmā không có vật mốc do bị mất hay lúc tuyên ngôn vốn đã không có (animitta-sīmā), Sīmā lấy bóng che của cái gì đó làm vật mốc (chāyānimitta-sīmā), Sīmā mới nằm bên cạnh khu Sīmā cũ (bahisīme thitasammatā-sīmā), Sīmā nằm trên sông (nadiyā-sīmā), Sīmā nằm trên biển (samudde-sammatāsīmā), Sīmā nằm trên hồ thiên nhiên (jātassara-sīmā), Sīmā này giáp mí với sīmā kia (Sīmāya sīmaṃ sambhindantā sīmā), Sīmā này nằm giữa Sīmā kia (Sīmāya sīmaṃ ajjhottharantā sīmā). Theo Samantapāsādikā.

Sīmātikkantā: Một trong tám trường hợp tỷ kheo làm hỏng đặc quyền thọ tăng y khi đương sự rời khỏi trú xứ để tìm y và sau đó trở về sau khi thời hạn tìm y đã qua mất. Xem chữ Kaṭhina-uddhāra.

Sīmā-samūhana: Tăng sự giải thể sīmā cũ được giả định hay xác định là đã có sẵn nơi sắp kiết giới (khi chư tăng muốn làm lại một Sīmā mới rộng hay hẹp hơn chẳng hạn). Theo Samantapāsādikā.

Khi một Avippavāsasīmā (nơi có thể xa tam y) được xả bỏ thì ý nghĩa đồng trú của Samānasaṃvāsasīmā (nơi tăng chúng hợp quần làm các tăng sự) cũng lập tức không còn nữa.

Sīlavipatti: Giới tổn thất. Chữ gọi trường hợp tăng ni phạm vào một rong hai loại trọng giới nặng nhất trong giới bổn (Ba-La-Di và Tăng Tàn).

Sugataṅgula: "Ngón tay của đức Phật", một đơn vị đo chiều dài đặc hữu trong Luật Tạng Pāli, tương đương 2.5 cm.

Sugatavidatthi: Gang tay của đức Phật, một đơn vị đo chiều dài được xem là đặc hữu của Luật Tạng Pāli khi nói về kích thước y áo hay liêu thất của tỷ kheo. Theo Samantapāsādikā và Kaṅkhāyojanāmahāṭīkā thì một gang tay của đức Phật dài bằng ba gang tay người trung bình (majjhimapurisa) hay một khuỷu rưỡi, tính theo đơn vị Vaddhakī-hattha (khuỷu tay thợ mộc!).

Suttuddesa-uposatha = Saṅgha-uposatha.

Chữ Sutta trong hợp từ trên đây được hiểu là Pāṭimokkha. Xem chữ Uposatha.

Suttalūkha: Lối mạng y bằng những đường chỉ nhìn như tấm lưới, để vá chỗ rách hoặc để làm hoại sắc (dubbaṇṇakaraṇa) cho y bớt đẹp mắt!

Suddhantaparivāsa: Xem chữ Parivāsa.

Supaṭicchanna: Nghĩa đen là sự khéo che đậy, nghĩa bóng là sự kín đáo dễ nhìn của tăng ni khi mặc y áo: Trên phải kín cổ, kín cùi chỏ và dưới thì quá gối một cách hợp luật.

Surā: Rượu nói chung. Luật kể có bốn loại: Rượu lúa mạch (piṭṭhasurā), rượu nếp (pūvasurā), rượu gạo (odanasurā) và rượu pha hỗn hợp (kiṇṇapakkhittā). Những liệt kê đó chỉ mang tính tượng trưng, tứ chúng Phật giáo tuyệt không được ăn uống bất cứ thứ gì gây say.

Sūkarantaka: Loại dây nịt đơn giản như đuôi con heo, có móc khóa ở một đầu. Tỷ kheo được phép dùng.

Sūci: Kim may y phục, tăng ni dùng được.

Sūcikā: Chốt, then gài cửa (bolt). Chữ này cũng có nghĩa là cái chìa khóa (key).

Sūcighara = Sūcināḷikā: Hộp đựng kim chỉ. Tỷ kheo nên tránh các chất liệu quý kim, bảo thạch hay ngà, sừng, xương thú.

Sekhiyā: Ưng học pháp. Chữ gọi chung các tế hạnh được kể trong giới bổn, nội dung xây dựng nếp sinh hoạt trang nghiêm trong chuyện ăn mặc, đi đứng, nói năng. Tỷ kheo không giữ đúng sẽ phạm Tác Ác, tỷ kheo ni bị Ba Dật Đề.

Sekkhasammuti: Tên gọi một loại tăng lệnh đặc biệt nhằm đề nghị tăng ni không tiếp tục khất thực trước nhà một cư sĩ đã tận hiến gia sản cho Tam Bảo đến mức bị khánh kiệt nghiêm trọng. Dĩ nhiên nếu đương sự chủ động lên tiếng mời thỉnh hay khi lâm bệnh cần thấy chư tăng thì lại là chuyện ngoại lệ. Tỷ kheo cố ý ghé nhà người cư sĩ như vậy khi không có lý do chính đáng sẽ phạm tội Ưng Phát Lộ.

Thuật ngữ trên đây nghĩa đen là lệnh vinh danh hiền sĩ, xem cư sĩ kia giống hệt một thánh cư sĩ (sekha).

Seṇī: Chữ gọi một dạng nghiệp đoàn bao gồm các thành phần mặt mũi trong xã hội thời xưa, như thương gia và cả giới quan viên. Tuy việc ai nấy làm nhưng khi cần giải quyết chuyện công thì người nào trong đó cũng có tiếng nói. Ni chúng trước khi tế độ cho ai xuất gia phải báo cho nghiệp đoàn này biết để tránh trường hợp người xin tu kia có vấn đề về nhân thân, như gái trốn chồng hay tù vượt ngục.

Tỷ kheo ni độ kẻ xấu xuất gia mà không báo qua các tổ chức xã hội có thẩm quyền thì phạm tội Tăng Tàn.

Sedakamma: Cách xông hơi để trị bệnh thống phong.

Senāsana: Hán dịch là sàng tọa, nghĩa đen là chỗ nằm ngồi nói chung. Nhưng thuật ngữ này phải được hiểu là gồm luôn cả nơi cư ngụ. Bởi tỷ kheo xưa phần lớn đều thường xuyên sống ngoài rừng núi, vườn cây, nói chung là bên ngoài phòng ốc, nên chỗ ngồi và chỗ nằm thường chỉ là một. Và chỗ có thể nằm ngồi cũng chính là trú xứ của vị đó vậy.

Senāsanagāhā: Việc bố xứ. Chữ chỉ việc sắp xếp chỗ ở cho các tỷ kheo trong một trú xứ, đặc biệt lúc sắp vào mùa an cư.

Senāsanagāhāpaka: Vị tri xứ. Chữ gọi vị tỷ kheo có trách nhiệm sắp xếp, an bày chỗ ở cho tăng chúng trong một trú xứ.

Senāsanapaññapaka: Vị tri khách. Chữ gọi vị tỷ kheo chuyên trách an bày trú xứ cho khách tăng.

Senāsanavatta: Chữ gọi chung các bổn phận của tỷ kheo khi thường trụ tại trú xứ nào đó. Chẳng hạn các việc giữ sạch chỗ ở, coi sóc ghế giường chăn đệm, mùng mền của tập thể. Đặc biệt đối với tăng khách, tỷ kheo thường trú nên cư xử hợp lẽ và hòa ái như đối với thầy bạn hay huynh đệ thân thiết của mình.

Seyyā: Do nếp sống giản ước của tỷ kheo nguyên thủy, chữ này chỉ chung cho các thứ giường, chõng, nệm, chiếu bằng các thứ chất liệu hợp luật như lá, cỏ, rơm, vải,...Vì các vị có thể chỉ được một trong các thứ này để làm chỗ ngủ.

Sopāna: Cầu thang.

Sobhaṇa: Viền, mép, biên ngoài của y phục hay nói chung những thứ được may bằng kim chỉ.

*

[H]

Hattha: Cánh tay. Chữ này còn có nghĩa là một khuỷu tay, chữ cũ chư tăng Nam Tông Việt Nam vẫn gọi là hắc tay, tức chiều dài từ cùi chỏ ra đến đầu ngón tay giữa. Đây là một trong những đơn vị đo chiều dài thường thấy trong Luật Tạng Pāli.

Hatthacchinna: Người cụt tay, bất luận là cụt đến đâu. Hạng này không được thọ đại giới, nhưng chuyện dĩ lỡ, giới phẩm vẫn thành tựu, chỉ riêng thầy tổ phạm Tác Ác.

Hatthattharana: Thảm trải trên lưng voi. Tỷ kheo có thể bất đắc dĩ ngồi được, nhưng không thể nằm trên đó.

Hatthapallatthikā: Cách ngồi bó gối, hai tay vòng lấy đầu gối.

Hatthapādacchinna: Người cụt hết tay chân, không thể thọ đại giới. Nhưng nếu chuyện dĩ lỡ, giới phẩm vẫn thành tựu, chỉ thầy tổ bị tội Tác Ác.

Hatthābharaṇa: Gọi chung đồ trang sức đeo tay.

Hatthisoṇḍaka: Cách quấn y nội cuộn tròn phía trước, nhìn như vòi voi, không đúng luật.

Hammiya: Kiểu nhà nhiều phòng và tầng trên có một phòng lớn thay cho mái vòm. Tăng chúng có quyền xây cất và cư ngụ tập thể.

Hammiyagabbha: Gian phòng chính ở tầng trên của kiểu kiến trúc Hammiya. Xem chữ Hammiya.

-ooOoo-

Ðầu trang | A-Gh | C-Ph | B-H
[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 27-05-2006

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Giác Nguyên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2006)