BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Hành Trình
Đến Chánh
Niệm: Tác Giả: Bhante Henepola
Gunaratana |
Chương 5
Trường Phật Học Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên mặt đất bên bờ sông, một người đàn ông đang quỳ cạnh tôi. Tôi bắt đầu ói nước sông ra khi đám đông bu quanh đứng nhìn. Sau đó tôi được kể rằng chú điệu nhỏ, người đã cùng lội với tôi không thể bước lên khỏi sông, vì trong lúc hoảng loạn, tôi đã níu rách áo quần của chú. Trần truồng, chú phải đứng nép ở bờ sông, giấu mình dưới nước và la cầu cứu. May là có một người đàn ông vừa bước ra khỏi quán trà cạnh bên ga xe lửa, hỏi cớ sự. Chú điệu nhỏ đã chỉ nơi tôi bị chìm xuống. "Giờ nầy chắc anh ta đã chết rồi," chú la lên. Người đàn ông mặc nguyên cả đồ, nhảy xuống sông, mò mẫm dưới nước. Đến khi ông tìm được, tôi đã bất tỉnh ở dưới đáy sông. Ông kéo tôi lên bờ sông và bắt đầu cứu tôi bằng phương pháp hô hấp nhân tạo trong khi đám đông tụ lại xem. Dần dần tôi ngồi dậy, ho và ói nước. Tôi hơi run sợ, nhưng cảm thấy an toàn. Chú điệu nhỏ đi tìm sư phụ của mình, và hai người đã đưa tôi trở lại chùa của họ, cách đó khoảng năm mươi thước. Họ cho tôi một tách cà phê nóng với rất nhiều đường và một bộ y khô. Không lâu sau đó thì tôi trở lại bình thường. Vị sư trưởng rất tử tế. Ông hỏi tên tôi và nơi tôi đi đến. Sau khi tôi trả lời, ông sai người ra ga xe lửa mua vé cho tôi đi Gampaha. Sau một vài giờ nghỉ ngơi, tôi lại lên đường. Trớ trêu thay, khi tôi đến trường Phật học ở Gampaha, người đầu tiên bắt chuyện với tôi, hỏi tại sao giọng tôi nói giống như người bị chết đuối. "Tôi chỉ bị cảm," tôi trả lời. Tôi quá xấu hổ không thể nói sự thật. Nhưng ngày hôm sau, trên trang đầu của một tờ báo có tiếng ở Ceylon đã có in hình của tôi với câu chuyện về một tăng sĩ trẻ suýt chết đuối dưới sông ở ga xe lửa Veyangoda. Bạn bè ở trường Phật học đã trêu ghẹo tôi về chuyện đó hàng năm trời. Mặc dầu trường Phật học miễn học phí, nhưng tăng sinh nội trú phải trả khoảng năm rupee một tháng. Tiếc thay, tôi không có đồng nào để trả, vì thế tôi được cho một căn lều bỏ hoang để ở. Căn lều chỉ có nền đất, tường lửng chỉ cao khoảng hơn một thước, không có cửa. Tôi gom mấy bao tải gạo, vài cây tre và dây nhợ để làm một cánh cửa tạm bợ và che chắn cửa sổ. Để có ánh sáng, tôi dùng một cây đèn đất đốt bằng dầu dừa. Đó là cái kuti đầu tiên của tôi, loại thất một gian mà các tăng sĩ hay trú ngụ trong đó, và tôi cũng rất vui được ở đó. Phần lớn tôi học hành ở trong thất. Chẳng lâu sau, tôi nổi tiếng là một tăng sinh thông minh nhất ở trường. Tôi khám phá ra rằng tôi có một trí nhớ như in, rõ ràng là một quà tặng của thiện nghiệp. Tôi có thể đọc một quyển sách dài trong mười phút và nhớ tất cả mọi thứ trong đó. Tôi không biết bằng cách nào; chỉ biết rằng mỗi trang sách trụ lại trong tâm tôi như một bức ảnh. Tôi rất hãnh diện về khả năng thiên phú này của mình, và thường yêu cầu bạn bè thử thách tôi, bằng cách đặt những câu hỏi từ trong sách. Tôi có thể trả lời câu họ hỏi ở trang số mấy, và ngay cả dấu chấm phẩy trong câu hỏi. Có lẽ vì vậy, thầy hiệu trưởng của trường rất thích tôi, cho tôi làm phụ tá cho ông. Tôi cũng được bầu chọn làm thủ quỹ, có nghĩa là tôi quản lý, cất giữ tất cả tiền đóng góp được gửi tới trường, và cả các vật dụng khác như là y áo, thuốc men. Rồi sau đó tôi sẽ phân phát lại cho các tăng sinh nếu cần. Vì quyền hạn và bổn phận này của tôi mà một số bạn học trở nên ganh tỵ với tôi, đã thế, tôi lại còn sanh tánh hay thóc mách khuyết điểm của các bạn khác với thầy hiệu trưởng; tóm lại, tôi là một kẻ tồi tệ. Tôi gửi báo cáo này đến báo cáo khác, kẻ vạch từng chi tiết những sai trái của bạn bè. Tôi biết rằng, lý ra tôi phải quan tâm về các hành động của mình hơn là tìm kiếm lỗi của người, nhưng vì muốn duy trì lòng tin yêu của thầy hiệu trưởng nên tôi đã làm thế. Tôi đã không thực hành lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú: Thấy lỗi người thì dễ, nhưng lỗi mình khó thay. Ta sàng lọc lỗi người như rơm trấu, mà lại giấu lỗi mình, hay như gã thợ săn giảo quyệt núp sau những cành cây ngụy tạo. Người luôn tìm lỗi người, luôn xét nét, (vì thế) uế nhiễm của họ càng tăng. Họ rất khó đoạn trừ uế nhiễm. Vào những ngày rằm, tôi được giảng pháp khoảng nửa giờ tại trường. Thường thường những bài Pháp này dựa trên các sách tôi đã đọc. Nhưng một lần kia tôi nghĩ rằng làm thế sẽ khiến cho thính giả của tôi nhàm chán, vì thế tôi quyết định “sáng tạo". Tôi chỉ học thuộc một bài kinh dài ba trang, một trong những bài giảng của Đức Phật gọi là kinh Visakhuposatha. Rồi tôi lặp lại với thính giả của mình. Bài thuyết pháp thể nghiệm thất bại. Tôi đọc xong bài kinh chỉ trong mười phút, sau đó tôi chỉ lảm nhảm thêm năm phút nữa về điều gì, tôi cũng không nhớ nữa. Thật xấu hổ. Đó là một bài học quý giá cho tôi về giá trị của sự chuẩn bị chu đáo. Từ đó, tôi luôn chuẩn bị cẩn thận từng bài thuyết pháp của mình. Tôi thường chọn một câu trong kinh Pháp Cú rồi giảng rộng ra dùng những câu chuyện trong phần chú giải. Kinh Pháp Cú bao gồm 423 câu, phần lớn dạy về giới luật và đạo đức. Ngoài ra cũng có hàng trăm câu chuyện rải rác khắp nơi trong tàng kinh Phật giáo để minh họa cho các đề tài được nói đến trong kinh Pháp Cú. Tôi rất thích kể những câu chuyện này, để tạo cho người nghe một căn bản về đạo đức Phật giáo. Mãi lâu sau này, qua bao năm tu tập, tôi mới cảm thấy đủ tự tin để thuyết pháp mà không cần chuẩn bị trước. Ở trường Phật học, vào tuổi mười bảy, cuối cùng tôi cũng bỏ được tật hút thuốc lá. Đó là một thói quen tôi đã huân tập nhiều năm, nhưng tiếc thay tôi chỉ thay đổi cái ghiền này bằng cái ghiền khác. Thói quen mới của tôi là ăn trầu, một hỗn hợp gồm lá trầu, cau, vôi và sợi thuốc lá. Chẳng bao lâu sau tôi trở thành cây hài của trường. Mỗi tối, tôi đều tụ tập bạn bè lại, kể chuyện tiếu lâm cho họ nghe hằng giờ đồng hồ. Tôi rất thích làm cho họ cười. Một trong những câu chuyện tiếu của tôi là về một vị bảo trợ của chùa, người rất bực tức vì quý tu sĩ ở đó không bao giờ mang đồ cúng dường của ông dâng trước tượng Phật. Vì thế ông cột một sợi dây quanh cổ tượng Phật rồi treo tượng lên xà nhà. Khi các tăng sĩ khám phá ra điều đó, hỏi ông tại sao, ông bảo đó là một sự tự tử. "Tượng Phật bảo rằng không thể sống ở một nơi như thế," ông giải thích. Cũng lạ là thầy hiệu trưởng không phản đối những câu chuyện tiếu lâm bất kính đó. Thường thường, sau màn trình diễn của tôi, chúng tôi vào phòng ông, cùng thưởng thức việc ăn trầu với ông. Ông là một người rất tinh tế trong việc đối xử với các tăng sinh trẻ. Ông nghiêm khắc, nhưng cũng rất hoà nhã. Ông biết cách khuyến khích chúng tôi mà không ép buộc, nếu không, chúng tôi cũng chẳng màng đến chuyện học hành. Ông khuyến khích chúng tôi trở nên những tăng sĩ gương mẫu. “Các cư sĩ luôn ngưỡng mộ quý thầy,” ông nói. "Họ biết rằng quý thầy đã hy sinh các dục lạc để dâng hiến cuộc đời cho việc hành pháp, vì thế quý thầy phải xứng đáng với lòng kính trọng đó.” Gần như không bao giờ tôi có đồng nào, nhưng không hề gì. Chỗ ở khiêm nhường của tôi được miễn phí, đồ ăn thì do đi khất thực, và thay vì phải mua sách giáo khoa, tôi mượn các bạn và chép lại bằng cách viết tay. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi đã có tất cả mọi thứ cấn thiết để hoàn tất chương trình học của mình. Tôi rất tự tin ở bản thân cũng như ở Tam Bảo -Phật, Pháp và Tăng. Tôi cảm thấy như là Đức Phật vẫn còn sống và đi bên tôi xuyên suốt cuộc đời, hỗ trợ tôi bất cứ những gì tôi cần. Tôi tin chắc rằng Phật pháp sẽ bảo vệ tôi vì tôi đã phấn đấu không ngừng để học hỏi những điều Phật dạy. Và tôi nghĩ rằng vì tôi là thành viên của Tăng đoàn, tôi sẽ không gặp khó khăn, trở ngại để có những thứ tôi cần. Ngay cả bây giờ, nhiều thế kỷ sau, tôi vẫn cảm thấy Tam Bảo luôn hộ trì cho tôi. Tất cả những nhu cầu vật chất của tôi dần dần đều được thoả mãn, mà không cần vất vả kiếm tìm. Một ngày kia, một sư huynh nhờ tôi cạo tóc giùm. Đó là việc thường xảy ra trong tu viện, nhưng tôi chưa bao giờ cạo tóc cho ai, ngay chính cho bản thân. Tôi bảo với ông điều đó, nhưng ông khư khư nói, "Cũng đến lúc thầy phải học.” Việc cạo râu tóc là một phần quan trọng của giới luật trong các tu viện Phật giáo. Cả tăng và ni đều phải làm thế. Một chiếc đầu cạo nói lên sự sạch sẽ, khiêm cung và nó cũng giúp ta tránh được vấn đề phải giết chí trên đầu! Đó cũng là biểu tượng của sự xả bỏ, nhằm giúp tăng ni bớt bám víu vào vẻ đẹp hình thức bên ngoài. Nếu quý tăng ni không phải mất nhiều thì giờ gội, chải, sửa soạn tóc tai, thì họ có nhiều thời gian hơn dành cho việc theo đuổi những vấn đề tâm linh. Vinaya hay là giới luật ở tu viện, dạy rằng tăng ni có thể để tóc dài chừng năm centimét. Có người thì cạo tóc mỗi tháng một lần, thường là ngay trước ngày rằm. Người khác thì cạo mỗi tuần, hay có khi mỗi ngày. Điều lệ này quan trọng đến nỗi một lưỡi dao cạo bén là một trong tám thứ được kể trong nhóm sở hữu (thường được gọi là nhu yếu phẩm) mà người tu sĩ được tiếp nhận lúc thọ giới. (Những vật dụng khác là nội y; áo để quấn quanh mình; áo ngoài hai lớp như một tấm mền; một dây nịt vải; một đồ lược nước; một bộ kim chỉ; và một bình bát.) Khi vị sư huynh nhất định là tôi phải cạo tóc cho ông, tôi đảnh lễ và đồng ý làm theo truyền thống. Tôi thấm nước lên đầu ông, chà xà bông lên đó, và cầm lưỡi lam lên. Đứng phía sau ông, tôi kéo lưỡi dao trên da đầu và một miếng da khoảng hai centimét tụt khỏi đầu ông! Ngay lập tức máu tuôn ra. Tôi sợ quá đến nỗi tôi bắt đầu run lên. "Thưa đại đức, xin hãy tha thứ cho con," tôi nói, rồi chạy đi tìm một tăng sinh khác. Thầy ấy mang vào một ít nước lạnh để rửa vết thương. Rồi trong khi tôi đứng nhìn trong sự xấu hổ và sợ hãi, thầy cạo nốt phần tóc còn lại của vị đại đức không may. Dĩ nhiên vào thời đó chúng tôi không có băng cá nhân, nên vị sư huynh kia phải đi khất thực với một cục thuốc dán trên đầu. Nhờ vào trí nhớ như chụp ảnh, tôi học rất nhanh. Tiếng Sinhala, Pali và Santrit là những môn bắt buộc. Và tiếng Tamil, Ấn Độ và tiếng Anh là tuỳ chọn. Không cần nhiều cố gắng, tôi học được tất cả các môn. Như để thưởng tôi, cuối cùng tôi được phép vào sống trong ký túc xá với các tăng sinh khác, mặc dầu tôi tiếp tục không có khả năng để trả tiền trọ. Tôi được phép đến ở chung phòng với một sadi khác. Rủi thay, người bạn cùng phòng ganh tỵ với tôi. Một ngày kia tôi kéo trong túi ra một quyển sách giáo khoa tiếng Anh mỏng, mà tôi đã mượn của người khác, tôi thấy nó đã bị xé hai. Tôi lo lắng không biết làm sao để đền tiền quyển sách, và bắt đầu khóc. Một tăng sinh khác ở phòng bên cạnh nghe tôi thút thít, đã hứa giúp đỡ bằng cách mua một quyển sách khác. Vài ngày sau đó, người bạn cùng phòng đã thú nhận rằng thầy đã xé sách của tôi vì ganh tỵ với sự nổi tiếng và học giỏi của tôi ở trường. Chiều hôm đó chúng tôi giải quyết mọi khúc mắc và dần trở thành bạn tốt của nhau. Dần dần, ngày thọ đại giới của tôi cũng đã được định. Đó là ngày 25 tháng 6, năm 1947. Tôi rất phấn khởi và hạnh phúc. Cuối cùng tôi cũng sẽ được làm một vị tỳ kheo với đầy đủ giới luật, ước mơ của tôi cũng đã thành hiện thực. Trước một hội đồng tăng già trang nghiêm, tôi sẽ thọ các giới luật mới khắt khe hơn. Thay vì là một sadi với mười giới luật, giờ tôi sẽ chấp nhận thọ 227 giới luật -những giới luật mà một tỳ kheo Phật giáo nguyên thủy phải tuân hành. Tôi gần như không thể chờ đợi lâu hơn. Buồn thay, ngay từ ban đầu, đã có một bóng mây trong quá trình đó. Vấn đề không phải là tôi có đủ tư cách để trở thành một tỳ kheo không, mà là vấn đề chính trị trong hội đồng Tăng Già Phật giáo ở Ceylon. Những vấn đề chính trị nầy đe dọa sẽ trì hoãn giấc mơ mà tôi đã ấp ủ cả đời. -ooOoo- Chương 6 Thọ Đại Giới Ở Tích Lan, có ba tông phái chánh của Phật giáo nguyên thủy. Tông phái xưa nhất và lớn nhất, mà tôi là một thành viên, là Siyam Nikaya. Tông phái này có nhiều tăng sĩ và chùa chiền hơn là các tông phái khác. Nó cũng có những ngôi chùa cổ xưa nhất ở đất nước này. Cái tên Siyam, có từ khi Tăng già, hay là tăng đoàn, đã rơi xuống con số thấp nhất dưới sự cai trị của người Anh ở Ceylon, và cũng do ảnh hưởng của các nhà truyền đạo người Hòa Lan và Bồ Đào Nha. Có rất nhiều Sadi nhưng không còn lại một vị tỳ kheo đã thọ đại giới với 227 giới luật nào – do đó không thể truyền giới cho người khác. Một Sadi người Ceylon du hành qua Xiêm (Siam), là tên gọi của Thái Lan thời đó (hay "Siyama" trong tiếng Pali), để được thọ đại giới làm tỳ kheo. Rồi sau đó ông trở về Ceylon, thiết lập lại tăng đoàn vào năm 1753. Chỉ có những người thuộc giai cấp cao quý nhất trong xã hội Ceylon, gọi là Goyigama, mới được phép thọ đại giới trong tông phái Siyam Nikaya. Gia đình của tôi, tuy nghèo, lại thuộc vào giai cấp này. Ở Ceylon, giai cấp không dựa vào sự giàu có, nhưng vào dòng dõi gia đình. Nhiều năm sau đó, một nhóm Sadi không thuộc dòng dõi Goyigama du hành đến Amarapura, ở Burma, và được thọ đại giới ở đó. Nhóm người này trở lại Ceylon và thành lập tông phái Amarapura Nikaya vào năm 1800. Tông thứ ba, thành lập vào năm 1810 bởi các tăng sĩ đã đến khu vực Ramanna của Burma, trở thành tông phái Ramanna Nikaya. Lúc đầu giữa các tông phái có rất nhiều tranh chấp. Mỗi tông phái đều nghĩ rằng tông phái khác không gìn giữ các giới luật tăng đoàn nghiêm chỉnh đủ. Các tăng sĩ thuộc dòng Siyam Nikaya, thí dụ, cạo cả lông mày cũng như tóc. Tăng sĩ thuộc các tông phái khác thì không. Mặt khác, khi ra khỏi chùa, tăng sĩ thuộc tông phái Siyam được phép để một vai trần khi họ quấn y quanh mình. Tăng sĩ thuộc các tông phái khác thì phải che phủ cả hai vai. Sư phụ của tôi, sư Sonuttara, thuộc về tông phái Siyam Nikaya. Thầy của ông là một thành viên của hội đồng chứng minh cao nhất của tông phái này, hoà thượng Pahamune Sumangala. Năm 1911, lúc thầy tôi được hai mươi lăm tuổi, ông được gửi đến trông coi một ngôi chùa ở làng Malandeniya. Lập tức vị sư trưởng ở một chùa trong làng kế bên, Kebilitigoda, không bằng lòng. Ngôi chùa ở Kebilitigoda đã có mặt hơn mười năm trước khi thầy tôi đến Malandeniya. Dù thế, vị sư trưởng này cũng ganh tỵ với thầy tôi, vì thế ông khiếu nại ra luật pháp rằng ngôi chùa mới đó thuộc quyền sở hữu của ông. Do đó, thầy tôi phải đến đảnh lễ và thăm viếng vị sư ở Kebilitigoda mỗi ngày để tỏ lòng kính trọng. Thì ra, vị sư ở Kebilitigoda là đại đức Sumanatissa, là người đã truyền giới sadi cho tôi năm tôi mười ba tuổi. Ông cũng có thể "khiếu nại" rằng tôi là đệ tử của ông, nhưng ông không làm thế. Tôi đoán có lẽ lúc đó tôi không có dấu hiệu gì là một tăng sĩ có nhiều triển vọng. Qua thời gian, sự hiềm khích giữa hai chùa càng tăng lên. Và đến thời điểm tôi thọ đại giới năm 1947, tôi bị vướng vào cuộc tranh chấp này. Theo truyền thống, khi một sadi sắp thọ đại giới, thông báo về buổi lễ được gửi đến cho bạn bè, người thân, các vị tăng sĩ ở chùa, và tất cả những chùa mà người sadi đó đã từng lưu trú. Tờ thông báo được in trên giấy rẻ tiền rồi được gửi hay đưa tận tay. Thầy hiệu trưởng trường Phật học viết tờ thông báo cho tôi, và theo truyền thống, tôi phải mang về cho thầy tôi ký. Nhưng vì lý do gì đó, sư Sonuttara ngại ngùng khi phải ký tên ông như là trụ trì chùa ở Malandeniya. "Nhưng sư bắt đầu ở chùa này từ năm 1911,” tôi nói. "Sư đã gầy dựng nó và sư là vị tăng sĩ duy nhất sống ở đây. Còn ai có thể là trụ trì của chùa?" Sư Sonuttara không nói gì nhưng cuối cùng ông cũng ký tờ giấy. Tôi làm nhiều bản copy và tự tay mang tờ đầu tiên đến cho đại đức Sumanatissa, vị thầy đầu tiên của tôi, ở ngôi chùa trong làng kế bên. Ngay khi vừa thấy chữ ký của sư phụ tôi như là trụ trì của ngôi chùa kia, ông nổi giận. "Đại đức Sonuttara không phải là trụ trì ở chùa đó,” ông la to. “Tôi mới là! Và tôi cũng không có tên trong danh sách các sư phụ của thầy." Ông lập tức đi ra trụ sở của tông phái Siyam Nikaya ở Kandy và yêu cầu hoãn buổi lễ thọ giới của tôi lại. Sư phụ và tôi cảm thấy bàng hoàng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị cho buổi lễ, hy vọng rằng sự tranh chấp bằng cách nào đó sẽ được giải quyết. Vào đêm trước lễ thọ đại giới của tôi, theo tục lệ, người dân làng Malandeniya đã sắp xếp một nghi thức trọng thể và một buổi tiếp đón ở chùa dành cho tôi. Mặc dầu đại đức Sumanatissa đe doạ sẽ cản trở buổi lễ, nó vẫn được diễn ra mà không có vấn đề gì. Ngày hôm sau, 25 tháng 6, chúng tôi đến Kandy. Nghi lễ thọ giới sẽ được tổ chức trong sima, một tòa thánh trong khuôn viên của trụ sở tông phái Siyam Nikaya. Vào ngày đó, hai mươi sáu vị sadi, kể cả tôi, được chuẩn bị để thọ đại giới. Bạn bè, người thân và những người đến chúc phúc đã có mặt ở sima. Như tôi đã lo ngại, đại đức Sumanatissa không để yên cho việc này. Ông đã đệ đơn chính thức khiếu nại, chống lại sự thọ giới của tôi, vì ông, chứ không phải sư phụ tôi, là trụ trì của chùa ở Malandeniya. Vì thế, sư phụ tôi không có quyền ký tên vào giấy chứng nhận thọ giới của tôi với tư cách là "sư trưởng." Đại đức Sumanatissa nhất quyết rằng sư phụ tôi chỉ được ký tên với tư cách là vị "sư thường trú" tại chùa. Sư phụ tôi, sư Sonuttara, là người ít học, không rành chữ nghĩa. Ông rất sợ phải chống đối với bất cứ vị sư nào trưởng thượng hơn. Nhưng trên tất cả, ông không muốn sự tranh chấp này sẽ phá hỏng cơ hôi được thọ giới của tôi. Tôi rất giận đại đức Sumanatissa, một phần vì ông quá khó khăn với sư phụ tôi, phần vì ông đã muốn làm hỏng một ngày quan trọng nhất trong đời tôi. Tôi cảm thấy tính chính trị trong tất cả mọi thứ thật là kinh khủng, nhưng tôi không thể làm được gì hơn. Không một lời cãi vả, sư phụ tôi ký vào giấy chứng nhận theo như đại đức Sumanatissa yêu cầu, với mấy chữ 'sư thường trú' cạnh bên tên ông. Vài giờ trước khi buổi lễ bắt đầu, hai vị sư huynh vận y cho tôi toàn trắng, với một cái mũ giống như vương miện trên đầu. Nếu người sắp thọ giới có bà con hay người bảo trợ giàu có, thì có thể cưỡi voi, một biểu tượng của sự oai nghiêm và đẳng cấp. Vị đó cũng có thể có hàng trăm người đi theo, đánh trống, thổi kèn, sáo, và nhảy múa. Vì gia đình tôi không giàu có, nghi lễ dành cho tôi đơn giản hơn. Trong lúc tôi đang thay y áo, bà con họ hàng và các thầy của tôi đã chuẩn bị sẵn những mâm quà cho các thành viên của hội đồng chứng minh. Mỗi mâm gồm có trầu cau để ăn, thuốc để hút, một cái khăn lông, một bánh xà bông, kem đánh răng, bàn chải đánh răng làm từ những cọng cỏ nhỏ và một hộp bánh. Có khoảng hai mươi vị chức sắc đến dự: hòa thượng trưởng môn của tông phái Siyam Nikaya; hai thị giả của ngài, cũng là những người cao hạ, uy nghi; một tăng sĩ thư ký, người quản lý mọi giấy tờ trong tông phái; và mười sáu người khác. Theo một tôn ti trật tự rất khắt khe, tôi phải đến lễ mỗi vị sư ở thất của họ, theo thứ tự, và dâng cúng cho họ những mâm quà. Nghi lễ này kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Mặc dầu có vẻ rườm rà, nhưng mỗi vị sắp thọ giới trọng, phải thọ giới sadi trở lại và mặc chiếc y mới màu vàng chói trong những giờ phút cuối cùng, trước khi người đó trở thành một vị tỳ kheo. Điều đó nhắc nhở người sắp thọ giới, một lần nữa, về sự từ bỏ cuộc sống vương giả của thái tử Siddhattha, chỉ quấn quanh người Ngài một mảnh vải màu vàng khi Ngài bắt đầu cuộc sống không nhà. Nó cũng được dùng để "lau sạch mọi tội lỗi" trong trường hợp người sắp thọ giới đã phạm lỗi gì trong giai đoạn làm sadi, và đã không kịp sám hối với sư phụ của mình. Khoảng sáu giờ chiều, buổi lễ bắt đầu. Một sợi dây ngăn tòa sima làm hai- một bên dành cho quý sư, bên kia cho cư sĩ. Phía bên cư sĩ thì đông nghẹt với hàng trăm khách khứa ồn ào. Trẻ con đùa giỡn, em bé khóc lóc, và người lớn trò chuyện cười đùa. Ở cuối phòng họp là một tượng Phật to lớn. Tượng Phật được đặt trên một bàn thờ gỗ đen đã tróc nước sơn, tràn đầy những đèn cầy dâng cúng và đèn đất nhỏ, các lư hương ngun ngút khói, các bình hoa, các ly nhỏ chứa đầy nước trái cây, nước trà hay nước lã. Một mâm đựng những trầu cau theo truyền thống. Một đôi đèn dầu bằng đồng to được đặt hai bên hông bàn thờ, chiếu ánh sáng lung linh trên khuôn mặt trầm tĩnh của Đức Phật. Ngồi bên phải bức tượng là vị thượng tọa trưởng môn, hai bên là hai thị giả. Các vị tăng khác trong hội đồng chứng minh ngồi trên sàn gỗ, hai hàng đối mặt nhau. Các sadi chúng tôi được dặn phải ngồi trên sàn nhà theo thứ tự tuổi tác. Còn sáu tháng nữa mới được hai mươi tuổi, tôi là người trẻ nhất. Một sadi ít nhất phải hai mươi tuổi mới được thọ giới trọng, nhưng vì tôi đã hoàn tất mọi điều kiện khác, tôi được thọ giới sáu tháng sớm hơn. Đầu tiên là một cuộc sát hạch bằng miệng, qua đó một vị sư cao niên sẽ hỏi các sadi, từng người một, tụng lại các kinh và trả lời câu hỏi. Người giám khảo buổi chiều hôm đó là vị sư cao niên cấp bậc thứ hai, một người được biết là rất khắt khe. Cách của ông là đọc một dòng đầu tiên trong các kinh Phật, rồi yêu cầu người sắp thọ giới phải hoàn tất bài kinh. Phần đông các sadi khác chỉ thuộc các đoạn kinh bắt buộc. Còn tôi, với trí nhớ như in và lòng muốn chứng tỏ sự vượt trội, đã học thuộc lòng nhiều hơn. Dầu thế, trước đám đông tôi cũng rất run. Cuối cùng, sau hai mươi lăm vị sadi khác, cũng đến phiên tôi. Vị giám khảo đã làm việc hơn một tiếng rưỡi rồi và ông có vẻ mệt nhoài. Ông yêu cầu tôi đọc một đoạn trong kinh Pháp Cú. Tôi hít một hơi thở sâu, nhắm mắt lại và đọc một mạch không ngừng tám đoạn kinh. "Thôi đủ rồi," vị giám khảo nói. "Thầy rất thuộc bài." Kế tiếp, mỗi sadi phải được chấp nhận một cách chính thức là người sẽ được thọ giới. Giống như các sadi trước tôi, tôi đứng dậy và đến trước một trong các vị sư chứng minh. Ông hỏi tôi theo như thể thức bắt buộc: tên tôi; giới tính; tên cha mẹ; tên sư phụ; tôi có bệnh truyền nhiễm gì không; tôi có ở trong quân đội hay là một người thường dân; và cả câu hỏi về tôi là người hay ma quỷ. Trong khi phần lớn chỉ là hình thức, những câu hỏi này nhằm xác nhận rằng, tôi không phải là một kẻ tội đồ đang tìm cách trốn tránh pháp luật bằng màu áo người tu. Câu hỏi về bệnh truyền nhiễm để chắc chắn rằng tôi không có những chứng bệnh có thể lây lan cho cộng đồng các tăng sĩ. Những câu hỏi khác, hơi kỳ hoặc, là những câu hỏi truyền thống đã có từ thời Đức Phật. Sau khi tôi đã trả lời tất cả các câu hỏi, vị sư tuyên bố với vị trưởng môn rằng tôi hội đủ điều kiện để được truyền giới. Tôi quỳ trước vị trưởng môn và đảnh lễ, chạm trán xuống sàn nhà trước mặt ông ba lần. Lần nữa, tôi lại trả lời một số câu hỏi, lần này cho vị trưởng môn nghe. Sau đó tôi được dạy ngồi xuống với các sadi khác. Hai vị sư thuyết giảng cho chúng tôi nghe về sự quan trọng của 227 giới mà chúng tôi phải tuân giữ sau khi thọ giới, nhấn mạnh đến bốn giới trọng: không dâm dục; không lấy bất cứ gì không phải là cho mình; không sát hại; và không khoe khoang về các khả năng siêu nhiên. Ngoài ra, chúng tôi cũng được nhắc nhở về việc vun trồng tâm xả đối với bốn vật dụng mà các cư sĩ cúng dường: y áo, thực phẩm, nơi ở và thuốc men. Tất cả những lời khuyên này đều xuất phát từ những lời dạy ban đầu của Đức Phật đối với đệ tử của Ngài. Cuối cùng, với chiếc bình bát mới tinh đeo trên cổ, chúng tôi đảnh lễ từng vị sư trong hội đồng chứng minh, bắt đầu từ vị trưởng môn. Sau đó chúng tôi ngồi xuống thành hàng dài, và tất cả các cư sĩ xếp hàng đến cúng dường vật dụng cho chúng tôi. Đây là phần vui nhất của buổi lễ. Nó nhấn mạnh đến sự tương quan tùy thuộc giữa tăng đoàn và cư sĩ. Nhiều cư sĩ khóc khi họ vái chào và đặt đồ cúng dường của họ trước mặt chúng tôi. Nghi lễ cúng dường là một trong những nét văn hóa trong Phật giáo, nhưng đôi khi bị hiểu lầm bởi người ngoại đạo cho rằng tăng sĩ là những hành khất lười biếng, được đám đông khờ dại hỗ trợ. Thật ra, điều đó hoàn toàn ngược lại: người cho cũng nhận được nhiều như, nếu không nói là hơn, người nhận vì họ đã thực hành hạnh bố thí, hay sự rộng lượng. Bất cứ ai cúng dường cũng là đang thực hành tâm rộng lượng. Đức Phật dạy rằng cách thực hành này là một phương tiện thiện xảo để đoạn diệt lòng tham chấp. Trong rất nhiều bài kinh, Đức Phật đã khuyến khích các Phật tử thực hành hạnh bố thí bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi nào có thể: NHƯ MỘT BÌNH CHỨA NƯỚC ĐẦY, Trong một bài thuyết giảng khác, Đức Phật dạy rằng có ba cách để tạo công đức. Ba cách đó là giữ giới, thiền định và bố thí. Hình thức bố thí giữa người cư sĩ và tu sĩ gần giống như một sự hỗ tương lẫn nhau. Người cư sĩ cúng dường các vật dụng cần thiết để giúp vị tu sĩ có thể bước trên con đường đạo, mà không phải lo lắng về những vật dụng cần thiết. Đáp lại, người tu sĩ cầu an, cũng như thuyết pháp -là Pháp thí cho cư sĩ. Trong buổi lễ thọ giới của tôi, khi các vật dụng cúng dường dần dần chất cao trên sàn nhà trước mặt tôi, tôi ngồi đó và tưởng nhớ đến mẹ. Tôi ước chi bà có thể chứng kiến buổi lễ này! Tôi biết nó có ý nghĩa xiết bao đối với bà, và nếu có bà ở đây thì nó cũng có ý nghĩa với tôi xiết bao. Nhưng vì lưng mẹ tôi bị chấn thương, bà không thể đi bộ hơn mười mấy cây số từ làng đến đây, và bà cũng không có phương tiện gì khác để có thể đến đây. Nếu bà có mặt ở Kandy ngày hôm đó, chắc chắn rằng bà sẽ khóc những giọt nước mắt vui mừng, thấy rằng đứa con trai út của bà, cuối cùng cũng đã trở thành một vị tỳ kheo với đầy đủ giới luật. -ooOoo- Chương 7 Thuốc Chữa Cuối Cùng: Thiền Quán Một vài ngày sau lễ thọ đại giới, tôi sốt sắng tham gia vào một trong những Phật sự của một vị tỳ kheo với đầy đủ giới luật, là đả Phật thất. Nghi lễ này, được gọi trong tiếng Pali là paritta, được thực hiện nhằm xua đuổi những vong linh xấu ác -một thí dụ khác nữa về việc niềm tin dân gian và Phật giáo vẫn có mặt cạnh nhau. Nếu có người bệnh, hay dân làng đang gánh chịu một trận đói hay hạn hán (những bất hạnh mà có thể là do những linh hồn xấu ác tạo ra), người ta thường yêu cầu quý sư thực hiện việc tụng niệm đặc biệt này. Suốt cả tuần, từng hai tu sĩ luôn phiên tụng niệm không dừng. Mỗi lần, họ tụng khoảng một giờ, rồi hai người khác thay phiên tụng. Sự tụng niệm này rất nhiệt huyết, gần như là hét hơn là xướng tụng. Chỉ có các vị sư với giọng tụng mạnh mẽ mới được lựa chọn, và họ được coi trọng vì sự nỗ lực này. Các tăng sĩ trẻ thường nôn nóng để được đến lượt mình gia nhập nhóm tụng niệm này. Một người bạn của tôi ở trường Phật học cũng nôn nóng được tham gia nghi lễ này như là tôi. Vị này thọ giới trước tôi một ngày, vì thế cả hai chúng tôi cùng đủ điều kiện như nhau. Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi tranh nhau nhận lời mời tham dự một nghi lễ tụng niệm ở một ngôi chùa gần bên, mà bạn chúng tôi là sư trưởng ở đó. Cả hai chúng tôi đều trẻ, đầy nhiệt huyết và vì đây là nghi lễ đả Phật thất đầu tiên của chúng tôi, nên chúng tôi muốn tụng nhiều hơn là chỉ một lần. Vì thế, chúng tôi khẩn cầu vài vị sư huynh nhường cho chúng tôi phần tụng niệm của họ. Họ đã thực hiện rất nhiều paritta nên vui vẻ nhận lời, vì thế cuối cùng là chúng tôi tụng phần lớn thời gian. Chúng tôi chỉ nghỉ để ăn hay làm công tác vệ sinh. Chúng tôi không ngủ chút nào! Mỗi ngày lúc sáu giờ sáng, mười một giờ sáng, và sáu giờ chiều, người ta gióng trống lên để báo hiệu buổi tụng niệm bắt đầu. Họ phải đánh trống thật lớn để có thể át tiếng tụng niệm của chúng tôi. Ngược lại, để chứng tỏ sinh lực của mình, bạn tôi và tôi tụng còn lớn hơn nữa. Vì cố gắng để át tiếng trống, chúng tôi gần như là hét khan cả phổi. Sau ba ngày bạn tôi xỉu luôn. Mấy vị cư sĩ ở chùa phải khiêng thầy vào phòng và đặt thầy lên giường ngủ. Tới chiều tỉnh lại, thầy lại cùng tôi tiếp tục tụng niệm. Đến cuối tuần thì cả hai chúng tôi đều không còn sức lực. Dầu rất cần nghỉ ngơi, chúng tôi không thể ngủ. Chúng tôi cũng không thể nuốt trôi thứ gì, và cả hai đều bị nhức đầu khủng khiếp. Chúng tôi không thể chịu đựng ai ở quanh mình. Tôi nghĩ có lẽ chúng tôi bị khủng hoảng tinh thần. Tệ hơn cả là tôi mất trí nhớ, không chỉ trí nhớ như in mà tất cả mọi thứ! Tôi không thể nhận ra mẫu tự của bất cứ ngôn ngữ nào -Sinhala, Sanskrit, Tamil, hay tiếng Anh. Khi mở một trang sách, tôi không hiểu trong đó nói gì. Nếu tôi gặp ai đó, rồi năm phút sau gặp lại, tôi cũng không thể nhớ tên người đó. Tôi cảm thấy rất đau khổ và buồn bực bởi những gì đã xảy đến cho tôi. Tất cả niềm hãnh diện về những thành tựu trong việc học tập của tôi đều tan biến. Trở lại trường, tôi không làm tốt các bài thi cuối khóa. Thầy hiệu trưởng hoang mang vì người học trò siêu sao của ông đã làm bài quá tệ, ông cho gọi tôi vào văn phòng. Tôi kể cho ông nghe về việc tôi tụng kinh suốt bảy ngày đêm và trí nhớ của tôi đã biến mất như thế nào. Ông bảo tôi hãy trở về chùa để nghỉ ngơi và trị bệnh. Cả năm trời sau đó, tôi tìm đến đủ mọi phương cách chữa bệnh, một cuộc tìm kiếm vô vọng cho 'phương thuốc thần'. Đầu tiên, sư phụ tôi chế ra một hỗn hợp thuốc từ các loại cây và đắp lên trán tôi mỗi sáng. Sau một tháng tôi cũng không khá hơn, dầu vậy, tôi vẫn muốn được trở lại trường học. Những ngày huy hoàng của tôi đã qua đi. Giờ tôi phải vất vả học chính những điều đơn giản nhất. Không chỉ là trí nhớ như in của tôi đã biến mất, mà tôi còn phải vật lộn với từng câu từng chữ, hay đôi khi cả từng mẫu tự. Có những đêm, trong lúc đọc sách, tôi cảm thấy như có bao sâu bọ cắn rứt óc não tôi. Tôi thật hoảng loạn và bắt đầu nghĩ đến việc tự tử. Tôi không muốn sống trong hoàn cảnh như thế này chút nào. Tôi đã nghe người ta nói rằng những sợi tim đèn dầu rất độc, vì thế tôi bắt đầu thu thập và giấu chúng trong một chiếc hộp. May mà các bạn tôi biết được ý đồ đó và đã vứt cái hộp đi. Có người lại khuyên tôi nên tìm một thầy thuốc Ayurvedic (ND: giống như thuốc nam) quảng cáo trong báo. Tôi đến gặp ông, kể bệnh của mình, và nói rằng tôi không có tiền. Là người tử tế; ông đã cho tôi một thứ thuốc rất quý mà không tính tiền. Mỗi ngày, theo lời ông chỉ dẫn, tôi thoa một ít dầu đó lên đầu, lên mũi, và còn uống cả một vài giọt nữa. Nó cũng giúp thông bịnh xoang mũi của tôi, và trả lại cho tôi chút ít trí nhớ; còn để hoàn toàn bình phục thì con đường còn dài. Rồi sư phụ tôi kết luận rằng những rủi ro của tôi là do các oan hồn ma quỷ gây ra. "Quý sư sẽ tụng kinh suốt đêm cho con," sư nói. Lúc đó, tôi không nghĩ lời đề nghị này khá oái ăm. Trong lúc tôi nằm trên sàn, tám vị tăng tụng niệm bằng tiếng Pali suốt đêm dài. Sáng hôm sau tôi cũng không thấy có gì khác. Cha mẹ tôi cũng nghĩ rằng có thể một oan hồn nào đó đã nhập vào tôi, vì thế họ gọi một pháp sư làm bùa chú. Tôi đến gặp người này ở nhà cha mẹ tôi. Ông yêu cầu cha tôi lấy bảy trái chanh và bảo tôi ngồi lên ghế trong khi ông cầm một trái chanh và một cái kéo để trên đầu tôi, rồi tụng những câu chú bằng một thứ ngôn ngữ mà tôi nghĩ là ông ta đã tự chế ra ngay tại chỗ. Vừa tụng chú, ông vừa dùng kéo cắt chanh, để nước chanh chảy xuống đầu tôi. Ông lập lại nghi thức đó với tất cả bảy trái chanh. Cuối cùng, ông cột một dây bùa bằng vải quanh cổ tôi. Cha mẹ tôi chắc chắn rằng làm vậy sẽ chữa được tôi khỏi bệnh. Nhưng tôi không khỏi, vì thế họ lại mời một thầy phù thủy khác, có lẽ có nhiều oai lực hơn. Thầy phù thủy và sáu người tùy tùng đến nhà tôi. Ông yêu cầu cha tôi mang đến bao nhiêu thứ: dừa, dầu dừa, cau trầu, hoa dâm bụt và ít vải quấn quanh các cành cây khô để làm đuốc. Trong lúc đó, thầy phù thủy tạc một hình tượng bằng đất sét giống như tôi. Tượng tròn mập, giống như một người tuyết bằng đất nung. Khi mọi thứ đã xong, thầy phù thủy và đoàn tùy tùng vận xà rong, vấn khăn trắng lên đầu. Họ dẫn tôi đến một căn lều nhỏ và để tôi ngồi trước tượng đất sét mà họ đã làm. Các thành viên khác trong gia đình được phép ngồi gần bên, trên những chiếc chiếu trải trên mặt đất. Sau khi nhai trầu, bọn họ bắt đầu tụng chú bằng một thứ ngôn ngữ lạ lùng. Không phải tiếng Sinhala, không phải Pali, cũng không phải Sanskrit. Tôi chưa bao giờ nghe qua ngôn ngữ này. Chỉ là một hỗn tạp của âm thanh. Trong khi tụng chú, họ cầm những cây đuốc lửa và vãi bột nhang vào đó để làm cho ngọn lửa bùng sáng hơn. Mỗi lần ngọn lửa bùng lên, hai người trong đoàn ngồi ở hai bên tôi sẽ la lên bằng tiếng Sinhala, "Ayu bova!" (Cầu cho ngươi sống lâu!). Nghi lễ kéo dài cả đêm, cho đến khi các cây đuốc tàn lụi. Rạng sáng, họ xiên mấy cây đinh vào đầu của hình nộm, rõ ràng là để giải thoát tôi khỏi bệnh hoạn. Rồi họ cột một sợi chỉ quanh cổ tôi, giống như là vị thầy chú trước đã làm. Lần này, cũng chẳng có kết quả gì. Cha mẹ tôi thì không còn biết phải làm gì nữa, nhưng sư phụ tôi lại nghĩ ra một cách khác nữa: Ông cho tôi một miếng bùa làm bằng thiếc được cuộn lại thành một cái ống khoảng bốn centimet, cỡ như cây viết bi. Đó là một miếng bùa theo truyền thống ở Ceylon được gọi là ratana yantra, hay là miếng bùa kim loại. Một số đoạn trong kinh Ratana được chọn để khắc lên đó. Người Sinhala tin rằng nếu loại bùa này được đeo quanh cổ hay ngang thắt lưng, nó sẽ xua đuổi được ma quỷ. Sư phụ tôi đeo cái bùa lên cổ tôi. Tôi rất mang ơn cha mẹ, sư phụ tôi và các lương y đã cố gắng chữa trị cho tôi. Nhưng tiếc thay, tất cả mọi cố gắng của họ đều vô ích. Không có kết quả gì. Trí nhớ siêu việt của tôi đã biến mất mãi mãi. Ở thời điểm mà tôi hoàn toàn thất vọng, một ý nghĩ lạ lùng bỗng hiện lên trong đầu tôi. Có thể thiền tập sẽ giúp mình. Khi các huynh đệ của tôi nghe về ý tưởng này, họ phá lên cười. Vào những ngày ấy, thiền tập không phải là công phu tu tập bình thường, ngay đối với một tỳ kheo. "Huynh điên rồi sao?" một người nói. "Thiền chỉ dành cho những người già yếu không thể làm được việc gì nữa. Huynh vẫn còn trẻ, quá trẻ để hành thiền. Đừng có dại dột thế." Dầu tôi rất thông suốt lý thuyết thiền, thuộc nằm lòng tứ niệm xứ, tôi chưa bao giờ thực sự hành thiền, tin được hay không. Thời đó rất ít tu sĩ hành thiền. Họ quá bận rộn thuyết pháp, tụng kinh và thực hành các lễ cầu an. Dĩ nhiên họ cũng nói nhiều về thiền, nhưng rất ít khi thực hành. Có người thực sự còn tin rằng nếu tọa thiền quá lâu, sẽ bị tán loạn tâm thần. Tôi thì nghĩ rằng tôi đã bị tán loạn tâm thần rồi. Vậy thì tôi còn sợ gì nữa? Tôi bắt đầu hành thiền một cách bí mật – đôi khi giữa khuya, đôi khi sáng sớm. Bất cứ khi nào tôi có được vài giây phút yên tĩnh một mình, tôi tọa thiền, ngồi trong một góc tối của chánh điện nơi tôi hy vọng rằng không ai bắt gặp mình. Tôi biết rằng tôi đang cố gắng để huân tập một thói quen tâm linh, và để có được kết quả, tôi dành thời gian thực hành mỗi ngày. Đó cũng giống như tập thể dục cho tâm, cố gắng chuyển động những bắp thịt đã quá yếu đuối do thiếu tập luyện. Lúc đầu, tôi chỉ cố gắng để an tịnh tâm bằng cách nhớ lại những chuyện thường tình – tên bạn bè, những ngôi chùa đã viếng thăm, tên các quyển sách đã đọc. Không phải là điều dễ dàng, có những khoảng trống lớn trong ký ức tôi. Nhưng tôi đã cố gắng không hoảng loạn. Rồi dựa vào sự chỉ dẫn trong bốn căn bản chánh niệm (tứ niệm xứ), tôi bắt đầu theo dõi hơi thở, các cảm thọ nơi thân, các cảm giác và ý nghĩ đi qua đầu tôi. Sự quán sát đó dần dần mang đến một cảm giác rất an tịnh bên trong tôi. Thỉnh thoảng tôi còn kinh nghiệm được những giây phút hỷ lạc thoáng qua. Dĩ nhiên, những giây phút ngắn ngủi này khiến cho sự hành thiền thêm dễ chịu và khuyến khích tôi tiếp tục. Dần dần những thứ tôi đã học trong quá khứ bắt đầu trở lại với tôi. Tôi bắt đầu nhận ra chữ cái và con số. Tính khí tôi cũng thay đổi một cách không ngờ. Sau vài tháng kiên trì thực tập, tôi đã có thể đọc và nhớ những gì đã đọc. Tôi thật vui mừng và nhẹ nhõm vì tôi đã tìm ra "thuốc chữa". Thiền đã làm được tất cả những gì mà bùa phép và các thứ dầu thuốc không thể làm được. Nó đã mang lại sự thanh tịnh cho tâm tôi. -ooOoo- Chương 8 Phấn Đấu Để Được Học Nhờ hành thiền, hai năm sống trong ác mộng vì mất trí nhớ của tôi cuối cùng cũng đã chấm dứt. Trí não tôi dường như được chữa lành khỏi cơn kích động gây ra bởi bảy ngày tụng niệm. Nhưng giờ thì, dầu tôi đã có thể nhớ mọi thứ gần như người bình thường, trí nhớ như in của tôi chẳng bao giờ trở lại nữa. Hai năm sau, vào năm 1949, tôi đã có thể đi học trở lại. Điều đó làm tôi rất hạnh phúc. Cuối năm học đó, lần đầu tiên tôi tham dự cuộc thi chung cho tất cả các trường, được biết như là cuộc thi lấy bằng cao cấp, tương tự như những cuộc thi cuối năm ở trung học. Chúng tôi phải thi tám môn (Sinhala, Tamil, Pali, văn chương Sinhala, lịch sử Ceylon, toán, khoa học sức khỏe, và Phật giáo) và tôi đều đủ điểm đậu cả. Tôi rất hãnh diện về thành tích này vì chỉ vài tháng trước đó, tôi đã không thể đọc hay nhớ điều gì. Tuy nhiên cũng năm đó, tôi gặp nhiều khó khăn do nhiệt tình muốn học tiếng Anh của mình. Tôi tham dự một cuộc thi ở trường Phật học nơi tôi đã là một tăng sinh vài năm nay, và điểm tiếng Anh của tôi cao hơn điểm tiếng Sanskrit nhiều. Thầy hiệu trưởng trường cho gọi tôi đến văn phòng. Gương mặt không vui, ông nói: "Gunaratana, thầy nên nhớ rằng giáo lý của Đức Phật được lưu truyền trong vòng hai ngàn năm trăm năm nay không phải bằng tiếng Anh mà bằng tiếng Pali và Sanskrit. Tôi khuyên thầy nên để ý đến các ngôn ngữ này nhiều hơn." Vào năm 1950 tôi được nhận vào Vidyalankara Pirivena, một đại học cộng đồng dành cho tăng sĩ gần thủ đô Colombo, và là một trong hai đại học có tiếng ở Ceylon. Ban giảng huấn gồm khoảng mười người -những vị thầy khiêm tốn, uyên thâm về tôn giáo, thông suốt Pháp, lịch sử Phật giáo, tiếng Pali, Sanskrit, Sinhala, Tamil và Ấn Độ. Tôi rất hạnh phúc được theo học ở đây, nhưng tôi lại không có khả năng trả tiền trọ. Tôi không có nơi nào để tạm trú, vì thế tôi dành vài tuần thăm viếng những chùa gần đó, mong tìm được nơi trọ học. Cuối cùng, tôi tìm được một ngôi chùa bên bờ sông Kelaniya, và vị trụ trì cho phép tôi được dọn vào. Tôi trở lại với những bổn phận của một tu sĩ sống ở chùa. Khất thực ở ngôi làng gần nhất cũng không mấy kết quả. Thường tôi chỉ nhận được cơm trắng trong bình bát, không có rau hay bất cứ thứ gì. Tôi đành trở về chùa, rắc đầy muối vào cơm, rồi ăn. Từ chùa đến trường cũng là một con đường dài và rất phức tạp. Trước hết, tôi phải sang sông trong một chiếc thuyền nhỏ do Jinadasa, một cư sĩ ở chùa làm chủ. Mỗi ngày sau bữa trưa, ông sẽ đợi ở dưới thuyền để đưa tôi sang sông. Thường trên những chuyến đò qua sông hằng ngày, tôi lại nghĩ về kinh Alagaddupama, kinh "Ẩn dụ về chiếc bè" vì, trong bài kinh đó, Đức Phật đã so sánh Pháp như là một chiếc bè: chúng ta có thể sử dụng Pháp để vượt qua con sông cuộc đời đầy sóng gió, Đức Phật dạy, nhưng một khi đã đến bờ bên kia, chúng ta cần để chiếc bè lại đằng sau. Tham ái, bám víu vào bất cứ điều gì, kể cả những điều tốt, cũng có thể khiến chúng ta sanh phiền não. Mỗi ngày, sau khi qua sông, tôi phải đi bộ đến một trạm xe buýt để lấy xe buýt đến trường trên đường Kandy-Colombo. Dĩ nhiên, tôi cũng không có tiền mua vé xe buýt, nhưng ông chủ công ty xe buýt đã tử tế cho phép tôi được đi miễn phí. Cuối tuần, tôi lại đi đến Yakkala, một làng gần bên, để giảng Pháp cho trường Sunday (ND: các lớp giáo lý cuối tuần). Vào những ngày rằm, tôi cũng thuyết pháp ở ngôi chùa tôi đang tạm trú. Mặc dầu tôi còn khá trẻ, người ta cũng tôn trọng tôi và muốn được nghe tôi giảng. Đôi khi tôi giảng về những vấn đề quan trọng như là nghiệp, tái sinh, và lý duyên sanh, nhưng tôi không chắc rằng mình thực sự hiểu những điều mình giảng vào thời điểm đó. Thường tôi chỉ học thuộc lòng các đoạn giảng giải trong sách, rồi lặp lại. Tôi cũng kể những câu chuyện dân gian Phật giáo. Tôi rất thích những chuyện về Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa, vị tỳ kheo luôn tìm cách ám hại Đức Phật. Họ đã là kẻ thù của nhau trong nhiều tiền kiếp. Có rất nhiều chuyện kể về những xung đột của họ. Trong câu truyện mà tôi thích, Bồ Tát (Đức Phật) tái sinh làm một chú khỉ đầy lòng nhân ái và Đề Bà Đạt Đa là một lữ hành lạc lối trong rừng. Khi ở trong rừng, người lữ hành bị rơi xuống một cái giếng bỏ hoang, và chú khỉ tình cờ đi ngang qua, đã cố gắng hàng giờ để kéo anh ta lên. Sau đó mệt nhoài, chú khỉ nằm xuống đất nghỉ. Gã lữ hành cũng mệt và đói, đã lượm một cục đá to, đập lên đầu khỉ với hy vọng có thể giết nó lấy thịt ăn. Vì yếu đuối, gã ta không giết được chú khỉ. Mình đầy máu, chú khỉ chạy lên cây, ngồi suy nghĩ: "Mặc dầu anh ta vừa định giết mình, nhưng nếu mình chạy trốn và bỏ anh ta lại," chú khỉ nghĩ. "Thì anh ta có thể chết đói. Anh ta sẽ không bao giờ có thể tìm đường ra trong khu rừng rậm này. Ta cần phải dẫn anh ta đến ngôi làng gần nhất." Thế là chú khỉ bắt đầu chuyền từ cây này đến cây khác, nhào lộn như thể nó đang bị đau. Gã lữ hành nghĩ rằng con khỉ có thể ngã chết bất cứ lúc nào, nên đi theo nó. Khi đến bìa làng, gã ta không để ý đến chú khỉ nữa mà vào làng để xin thức ăn và nước uống, còn chú khỉ quay trở vào rừng. Câu chuyện này cho ta thấy những đặc tính đáng ngưỡng mộ của Đức Phật, ngay trước khi Ngài được có thân người hay được hoàn toàn giác ngộ, và câu chuyện đó lúc nào cũng khiến cho thính giả của tôi ở trường Sunday lấy làm thích thú. Một ngày kia, Jinadasa nói ông muốn cúng dường cho tôi trong lần thuyết pháp sau. Ông ta hỏi tôi cần gì, nhưng tôi không trả lời, vì biết ông quá nghèo và thực sự không có khả năng mua quà. Dầu vậy, vào ngày rằm kế tiếp, ông cúng dường cho tôi một cây đèn pin. Cả hai chúng tôi đều không biết món quà đó sẽ đem lại tai hại gì. Một buổi chiều kia, tôi thuyết pháp trong một phòng ăn mới ở trường đại học. Đó là một dịp quan trọng; tất cả các thầy, các bạn học của tôi và hàng trăm cư sĩ đã đến để nghe tôi nói chuyện. Bài thuyết pháp của tôi là về kinh Culamalunkyaputta trong Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya), khuyên chúng ta không nên bỏ phí thời gian vào những việc vô ích. Đức Phật dạy rằng chúng ta cần phải cảm thấy nôn nóng muốn tu tập để đạt được giải thoát khỏi khổ đau. Khi bài giảng của tôi chấm dứt và mọi người đã hỏi xong các câu hỏi, thì đã gần nửa đêm. Tôi đã trễ chuyến xe buýt cuối cùng nên tôi phải đi bộ gần mười cây số đến bờ sông nơi tôi hy vọng Jinadasa sẽ đưa tôi sang bờ bên kia. Con sông, tràn bờ bởi mưa, chảy xiết. Đã gần hai giờ sáng và tôi biết Jinadasa đang ngủ. Tôi bật cây đèn pin mà ông đã tặng tôi, quét ánh sáng qua bờ bên kia, và réo gọi tên ông thật lớn. Sau một lúc, ông xuất hiện ở bờ bên kia và xuống đò. Ông rất bực tức vì bị đánh thức giữa đêm. Khi ông chèo đò qua, tôi nghe đủ lời sỉ vả. Ông nguyền rủa, nhục mạ tôi đủ điều. Rõ ràng là vì ông nghĩ tôi đã ở lại dưới phố hành xử không đúng với tư cách một vị tu sĩ, như trò chuyện, đùa giỡn với phụ nữ hay những việc đại loại như thế. Ông không biết rằng tôi vừa thuyết pháp xong. Tôi bước xuống đò, xin lỗi vì đã làm phiền ông giữa đêm. Tôi cố gắng giải thích tại sao tôi bị trễ như vậy, nhưng ông không muốn nghe. Ông tiếp tục tuôn ra những lời chửi bới thô tục, buộc tội tôi về đủ các thứ mà tôi chẳng bao giờ tưởng tượng mình có thể làm. Rồi ông trao cho tôi cái dằm, bảo tôi phải tự chèo. Trước đó, tôi chưa bao giờ chèo thuyền, và chắc chắn là không bao giờ trên một dòng nước chảy xiết như thế này. Tôi bỏ dằm xuống nước và ngay khi tôi làm thế, chiếc thuyền bắt đầu nghiêng triền. Tôi thật sự sợ hãi. Tất cả những kinh nghiệm suýt chết vì nước hiện ra trước mắt tôi. Jinadasa giựt cây dằm từ tay tôi, lại tuôn ra thêm một tràng chửi rủa khác. Ông ta bắt đầu chèo chống dòng nước ngược cuồng xiết chảy, cằn nhằn, chửi rủa suốt thời gian. Thường chuyến đò chỉ mất mười phút, nhưng đêm đó mất gần hai tiếng. Đó là hai tiếng đồng hồ dài nhất trong cuộc đời tôi. Sáng hôm sau, sau một đêm chợp mắt ngắn ngủi, tôi thức dậy và quyết định rời ngôi chùa tôi đang tạm trú, vì không thể chịu đựng được nữa những chuyến đò qua sông với Jinadasa. Sau khi khất thực về, tôi sắp xếp vài quyển sách vào tay nải, rồi đi ra bờ sông. Jinadasa đang ở đó, vẻ mặt không vui. "Tại sao tay nải của thầy hôm nay to thế?" ông hỏi tôi. "Vì tôi không trở về chùa nữa," tôi trả lời. Ông hỏi tại sao nên tôi cho ông biết những lời sỉ nhục, nguyền rủa của ông đêm hôm qua đã tổn thương tôi như thế nào. Tôi bảo rằng tôi có lý do chính đáng về sự trễ muộn của mình, nhưng ông đã không muốn nghe. Tôi kể rằng tôi đã suýt bị chết đuối vài lần, rằng tôi rất sợ nước và sự trách mắng của ông chỉ làm tôi thêm đau khổ. Jinadasa chực trào nước mắt. Với đôi mắt xụp xuống, ông van nài tôi ở lại, nhưng tôi đã quyết định. "Tôi muốn tìm một nơi mà tôi không phải qua sông mỗi ngày để đến trường,” tôi trả lời. Và như thế, một lần nữa tôi lại phải đi tìm một nơi để tạm trú. Cuối cùng, tôi tìm ra được một ngôi chùa cách trường khoảng mười sáu cây số. Vị sư ở đó bảo rằng tôi có thể ở trong cái thất nhỏ trong khuôn viên chùa. Cái thất này đã không có ai ở nhiều năm nay, hoàn toàn trống rỗng, trừ khoảng năm mươi chú dơi! Đôi khi, mùi nước tiểu dơi quá hôi đến nỗi tôi không thể ngủ được. Buổi trưa, sau khi khất thực xong, tôi đón xe buýt đến trường. Sau giờ học, khi tôi chuẩn bị về nhà, đó là giờ cao điểm, xe buýt luôn đầy -không có chỗ cho những người không thể trả tiền như tôi- tôi đành phải đi bộ mười mấy cây số từ trường về nhà mỗi ngày. Khi tôi về đến thất thì đã chín hay chín giờ rưỡi tối, nên phải đốt đèn dầu lên. Ở gần đó có một thương nhân tên là Albert. Ông là người Sinhala, nhưng giống như nhiều người ở xứ tôi, tên gọi của ông là tên tiếng Anh. Một số người Sinhala đặt cho con cái họ những tên tiếng Anh hay Hà Lan hay Bồ Đào Nha, tuỳ thuộc vào việc quốc gia nào đang chiếm đóng Ceylon vào lúc đó, vì họ hy vọng rằng điều đó sẽ giúp con cái họ được vào các trường Thiên Chúa giáo nổi tiếng, hay một công việc làm với chính phủ sau này khi chúng lớn lên. Albert là một người rộng rãi. Mỗi đêm, khi nhìn thấy đèn trong thất của tôi thắp sáng lên, ông sẽ sai người giúp việc mang qua cho tôi một tách trà nóng. Dầu đó chỉ là trà, nhưng sau một ngày dài, một tách trà nóng bao giờ cũng ngon tuyệt vời. Sau đó tôi sẽ học cho tới nửa đêm rồi đi ngủ. Albert rất quan tâm đến tôi và đến ước muốn được học xong đại học của tôi. Ông đề nghị sẽ mang thức ăn cho tôi mỗi ngày, để tôi không phải đi khất thực. Và ông cũng đề nghị được trả tiền sách vở cho tôi. Tôi không muốn phải dựa vào ông, nhưng là một tăng sĩ không có của cải vật chất gì, tôi đành phải nhận bất cứ sự giúp đỡ nào mà các cư sĩ có lòng cúng dường. Vì thế tôi chấp nhận lòng tử tế của ông. Rủi thay, sự hỗ trợ của Albert dần dần đem đến rắc rối cho tôi. Khoảng một tháng sau khi tôi dọn vào thất, Albert bảo với vị trụ trì ở chùa rằng ông nghĩ tôi là một tăng sĩ trẻ xuất sắc, có khả năng giảng Pháp tuyệt vời. Vị trụ trì lập tức trở nên nghi ngờ, cho rằng tôi đang toan tính để chiếm đoạt ngôi chùa của ông, vì thế ông sai một trong những đệ tử của mình đến bảo tôi phải rời khỏi chùa. Ông buộc tôi phải đi ngay lập tức, đến nỗi tôi không có cơ hội đến chào từ giã Albert. Tôi được gửi đến sống ở một thất trống trong ngôi chùa gần đó, nhưng rồi một tháng sau, tôi cũng bị đuổi ra khỏi đó nữa. Tôi đoán là vị sư đầy lòng nghi hoặc muốn tôi hoàn toàn biến khỏi khu vực đó. May mắn thay, tôi tìm được một nơi ở mới, một cái thất gần đường Kandy-Colombo, chỉ cách trạm xe buýt một đoạn đường ngắn. Cái thất này đã được một phụ nữ giàu có tạo ra để cúng dường cho các tăng sinh ở trường. Thật là tuyệt vời. Tôi bắt đầu thuyết pháp trở lại, và người dân địa phương đã đến để nghe pháp. Họ có vẻ rất hoan hỷ vì sự có mặt của tôi, họ còn tặng tôi một cái bếp gas để nấu nước. Buồn thay, tôi cũng chưa được yên thân. Vị trụ trì, người đã coi tôi là một mối đe doạ, lại gửi đệ tử đến phá rối tôi nữa. Lần này, ông bảo là có hai tăng sinh khác cần đến ở trong thất đó, nên không đủ thực phẩm cho cả ba người. Vì thế, ông lệnh tôi phải ra đi. Vị trụ trì của các chùa ở địa phương rất có quyền hạn đối với những vấn đề như thế. Tôi khẩn thiết van xin. ‘Gia đình tôi rất nghèo,’ tôi nói, ‘tôi không có mười xu mỗi tháng để trả tiền trọ ở trường. Tôi chỉ còn sáu tháng nữa là ra trường -hãy để tôi ở đây cho đến lúc đó.’ Dầu vậy, ông vẫn nhất quyết buộc tôi ra đi. Tôi mang sách vở trở về Yakkala, nơi tôi đã được tiếp đón nồng hậu một năm trước đó. Lần này, tôi được cho một căn phòng trong chùa. Buồn thay, ngay với sự tiếp đón nồng hậu đó, tất cả những vất vả trước đây để tìm một chỗ nương thân vẫn đè nặng tâm trí tôi. "Tại sao tôi phải cố gắng như thế để được đi học ?" tôi tự hỏi. "Các môn học này không có ích lợi gì đối với một tu sĩ. Tại sao tôi phải quá vất vả để đạt được mục đích đó ?" Tôi cũng rất tủi nhục về việc phải luôn vay mượn tiền bạc. Không có khả năng mua sách, tôi phải năn nỉ các sinh viên khác để mượn sách của họ. Rồi tôi phải trả sách trước khi đọc xong. Khi cần một vài rupee để đóng tiền thi, tôi cũng phải về hỏi mẹ, bổn sư hay người bảo trợ, để xin vài đồng xu. Thật là xấu hổ, tôi ghét phải xin những người mà chính họ cũng không dư giả. Vì thế vào năm 1952, tôi quyết định bỏ học, mặc dầu chỉ còn kỳ thi cuối khóa là tôi hoàn tất chương trình. Lệ phí để thi là mười lăm rupee, khoảng bốn đô rưỡi, nhưng tôi không có tiền. Thế là tôi bỏ học. -ooOoo- Chương 9 Thầy Truyền Giáo Dầu tôi đã bỏ học trước kỳ thi cuối khoá, nhưng niềm hoài vọng tuổi trẻ là được giảng pháp bằng tiếng Anh vẫn còn mãnh liệt trong tôi. Tôi không biết chính xác niềm hoài vọng này bắt nguồn từ đâu. Có thể một phần vì tiếng Anh được những người Sinhala thuộc giai cấp thượng lưu sử dụng, một nét văn hoá còn sót lại từ thời thuộc địa Anh. Tôi đã từng mơ được đi đến Ấn Độ hay Malaysia, nơi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi hơn. Nếu may mắn hơn, tôi còn có thể thuyết pháp ở Anh quốc, nguồn gốc của di sản lệ thuộc Anh ở quê hương tôi. Chẳng bao giờ trong những giấc mơ hão huyền đó, tôi đã có thể tưởng tượng ra việc tôi sẽ giảng dạy tại Mỹ; đối với một thiếu niên ở Ceylon như tôi, đó là điểm tận cùng của trái đất. Sau trường Phật học, tôi tiếp tục theo học các lớp tiếng Anh ở bất cứ nơi nào tôi biết, đôi khi phải đi hàng bao nhiêu cây số chỉ để được ngồi trong một lớp học dạy tiếng Anh. Nhiều người chế nhạo sự ham muốn học thứ tiếng khó hiểu đó của tôi. "Này ông thầy trẻ," họ sẽ nói, "tại sao thầy nhất quyết phải học tiếng Anh? Chỉ có cư sĩ mới sử dụng tiếng Anh, mà cũng rất ít. Thầy cần trụ ở một ngôi chùa, và làm tròn bổn phận của mình ở đó." "Nhưng một ngày nào đó, tôi có thể đi ra nước ngoài," tôi chống chế. "Tôi cần phải biết tiếng Anh." Họ sẽ nhìn tôi giống như tôi điên. Tôi đã giảng Pháp cho các lớp cuối tuần ở một chùa ở Yakkala trong khoảng thời gian ít nhất là sáu năm. Có hàng trăm các lớp cuối tuần (Sunday School) ở Ceylon và trường tôi dạy khá nhỏ. Vào mỗi chủ nhật có khoảng hai trăm học sinh, phần đông chưa đến mười tám tuổi. Tôi giảng về những điều cơ bản: giới luật, bát chánh đạo, cuộc đời Đức Phật, và lịch sử Phật giáo. Vào thời đó, các trường không hướng dẫn hành thiền, mà tôi cũng không khuyến khích họ học thiền vào thời điểm ấy. Ngày nay thì thiền là môn dạy chủ yếu của tôi. May mắn thay, vị trụ trì chùa ở Yakkala, đại đức Candajoti Thera, rất ủng hộ việc học tiếng Anh của tôi. Ông cũng nghĩ rằng đó là một ngôn ngữ quan trọng cần phải học và tổ chức cuộc thi lấy bằng trung học cơ sở tiếng Anh. Dần dần với sự giúp đỡ của đại đức Candajoti, anh tôi và tôi mở một trường dạy tiếng Anh nho nhỏ ở chùa tại Kebilitigoda. Anh tôi giỏi tiếng Anh, vì đã sống và học hành ở Colombo mấy năm, nên anh làm giảng viên chính. Chúng tôi mượn bàn ghế và bảng đen từ một chùa khác. Rồi chúng tôi căng bảng hiệu lên, và thật bất ngờ, hai mươi học sinh đã đến! Tuy nhiên, phần đông là con cái của những gia đình nghèo, nên họ không có tiền đóng học phí. Đó là vấn đề, vì anh tôi cần có lương để trả tiền ăn ở. Còn tôi, dĩ nhiên được chùa hỗ trợ. Đại đức Candajoti ra sức quyên góp cho chúng tôi được một ngàn rupee (khoảng ba trăm đô la), thì cũng vừa đủ để trường được tiếp tục hoạt động trong ba tháng. Cuối thời gian đó, mặc dầu chúng tôi đã cố gắng hết sức, cũng không có ai giúp thêm kinh phí. Vì thế chúng tôi đành miễn cưỡng đóng cửa trường, trả lại bàn ghế mà chúng tôi đã mượn. Và rồi tôi trở lại cuộc sống lang thang của mình. Tôi tiếp tục sống ở chùa Yakkala thêm một thời gian nữa, nơi đại đức Candajoti đối với tôi như anh em. Vì ông ủng hộ việc học tiếng Anh của tôi, nên ông đã tử tế cung cấp thực phẩm cho tôi khi tôi không có thì giờ đi khất thực. (Lúc đó, tôi đang học ở trường tiếng Anh Vidyasekhara, một trường học bắt nguồn từ trường Vidyasekhara Pirivena, nơi tôi đã học vào cuối những năm 1940 lúc còn là một sadi. Vì không có tuyến xe buýt giữa trường tiếng Anh và chùa Yakkala, tôi dọn vào một chùa ở làng Udugampola. Ở đó tôi vẫn phải đi bộ hơn hai cây số để đón xe buýt đến trường.) Năm 1953, vào một cuối tuần, tôi đến thăm các bạn học cũ ở Vidyasekhara Pirivena. Ở đó, một tối kia, khi tôi đang vá y của mình trong ký túc xá của trường, tôi thoáng nghe hai vị tu sĩ nói chuyện ngoài hành lang. Họ đang bàn về một tin tức mà họ đã nhận được từ trường Truyền giáo Phật giáo (Buddhist Missionary School) ở Colombo. Trường này đang tìm một sinh viên mới có nhiều triển vọng để thay thế một tu sĩ đã bị đuổi vì phạm giới luật. Trường Truyền giáo Phật giáo, đúng như tên gọi của nó, huấn luyện các tăng sĩ Phật giáo để họ đi ra nước ngoài thuyết Pháp. Tất cả được bắt đầu từ một tổ chức từ thiện Phật giáo gọi là hội Mahabodhi, được thành lập từ những năm cuối 1800. Trường đó khá nhỏ và rất chọn lọc. Cũng có một số ít sinh viên từ các quốc gia khác -Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Trung Hoa- nhưng chỉ có mười tăng sĩ đến từ Ceylon. Vị hiệu trưởng của trường, đại đức Paravahera Vajiranana, hấp thụ một nền giáo dục Tây phương nhưng rất giỏi về lý thuyết cũng như việc thực hành thiền Phật giáo. Ông là người mà tôi rất ngưỡng mộ. Ý tưởng về một ngôi trường truyền giáo có thể đối với những người biết về Phật giáo như là một tôn giáo tự giác thì có vẻ lạ lùng. Tuy nhiên chính Đức Phật là một nhà truyền giáo. Trong vòng ba tháng sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đã có sáu mươi vị đệ tử quanh ngài. Sau đó Ngài yêu cầu các vị đệ tử này đi về sáu mươi phương hướng khác nhau để "truyền bá hạt giống Pháp." Đức Phật khuyên đệ tử của Ngài rất rõ ràng rằng không nên cố gắng thay đổi tôn giáo của ai. Ngài dạy họ chỉ nên thuyết Pháp và rồi những ai chỉ có "chút ít bụi trong mắt," những người sẵn sàng muốn nghe, sẽ hiểu. Lời dạy này làm nổi bật một khía cạnh quan trọng trong Phật giáo. Trong một bài giảng nổi tiếng, Đức Phật đã diễn tả Pháp như là những chứng cứ hiển nhiên. Ngài dạy rằng nếu ta "đến để thấy," thì ta có thể tự phán đoán cho mình. Nói như thế Ngài không có ý nói về một lời mời cụ thể để đến một nơi nào đó để nghe thuyết pháp. Ngài chỉ có ý rằng Pháp luôn có mặt cho bất cứ người trí nào muốn tìm đến để quán sát nó. Đức Phật muốn chúng ta áp dụng những lời dạy của Ngài vào chính cuộc sống của bản thân để xem chúng có hợp lý không. Bằng cách đó, chúng ta có thể chấp nhận giáo lý của Đức Phật dựa trên kinh nghiệm bản thân hơn là một lòng tin mù quáng. Diễn tả Phật pháp như là một điều gì bạn có thể ‘đến để thấy’ là dựa trên trí tuệ, rằng sự chuyển hoá chỉ có thể xảy ra bên trong ta và không thể ép buộc một cá nhân nào từ bên ngoài. Khi nghe hai vị sư bàn luận về chỗ trống ở trường truyền giáo, dầu tôi chưa bao giờ được nghe về một nơi như thế, nhưng tôi lập tức biết rằng đó là điều mà tôi muốn làm. Tôi bỏ chiếc y đang vá xuống và chạy nhanh ra hành lang. "Thưa đại đức," tôi bắt chuyện với một trong hai vị tăng sĩ, "tôi muốn nộp đơn vào chỗ trống đó." "Khi nào thầy có thể đi gặp giám hiệu trường?" ông hỏi. "Ngày mai," tôi trả lời. Ngày hôm sau, tôi trình với vị giám hiệu, đại đức Paravahera Vajiranana Nayaka Mahathera, tại sao trường truyền giáo là môi trường rất thích hợp cho tôi. Ấn tượng với sự quyết liệt của tôi (mà có thể cũng là sự liều lĩnh của tôi!), ông chấp thuận cho tôi vào học. Rủi thay, các sinh viên đã qua gần phân nửa chương trình học ba năm của họ, vì thế tôi phải vất vả đuổi theo cho kịp, nhất là giờ tôi không còn trí nhớ như in. "Đây là một chương trình học khó," đại đức Vajiranana cảnh báo tôi, “thầy lại vào học trễ. Thầy sẽ phải cố gắng rất nhiều mới mong theo kịp." Ông nhắc nhở tôi về lời Phật dạy về tinh tấn: "Pháp này chỉ dành cho những ai luôn tinh tấn, không phải cho người lười biếng." Vị giám hiệu nói rằng nếu tôi muốn trở thành một thầy truyền giáo tốt, tôi cần phải tự nguyện thực hành tinh tấn ba-la-mật (parami-perfection). Đó là cách mà Đức Phật đạt được giác ngộ, vị giám hiệu nhấn mạnh, bằng cách hoàn thiện tinh tấn đến mức độ cao nhất. Vì thế tôi đắm mình vào việc học và chẳng bao lâu đã có thể theo kịp các bạn đồng môn. Cũng may, chương trình học ở trường truyền giáo tương tự với chương trình ở trường Phật học mà tôi học trước đây. Chúng tôi học tiếng Pali và triết lý Phật giáo, cũng như là tiếng Ấn Độ, Anh và Tamil. Sau khi ra trường, phần lớn sinh viên được gửi đến sống ở Ấn Độ, vì thế cũng có những lớp học nhằm dạy chúng tôi những điều cần biết khi đến sống ở đó. Chúng tôi học về lịch sử Ấn Độ, Ấn Độ giáo và Gia-nai giáo. Vì trường truyền giáo có nhiều tu sĩ đến từ các quốc gia Đông Nam Á khác, tôi đề nghị thành lập Hội Sinh Viên Phật Giáo Quốc Tế. Tất cả mọi hoạt động của Hội đều được đề ra bằng tiếng Anh để chúng tôi có thể thực hành ngôn ngữ này. Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian ở trường truyền giáo. Ở Hunupitiya, ngoại ô Colombo cách trường tôi khoảng ba bốn cây số, có một ngôi nhà lễ dành cho các nghi lễ tôn giáo đặc biệt. Mỗi hai tuần, vào ngày trăng rằm và mùng một, chúng tôi đến ngôi nhà đó để đọc tụng giới luật, 227 giới của tăng sĩ. Nghi lễ này có thể được thực hiện ở bất cứ thánh địa nào (nơi dành riêng cho mục đích đó) và chỉ các tăng sĩ mới được dự; không có cư sĩ nào được đến. Riêng ngôi nhà lễ này đã một trăm năm mươi tuổi, ở giữa một hồ nước, nằm trên những cây cột bằng gỗ. Tường bằng gạch chỉ xây đến phân nửa với những cây xà chắc chắn để chống đỡ một mái ngói. Để đến được nơi đó, các tăng sĩ chúng tôi phải đi qua một cái cầu nhỏ bằng gỗ. Sau khi vào đến ngôi nhà, chúng tôi tháo cây cầu ra, một hành động để biểu tượng cho việc tách biệt khỏi đời sống thế tục của chúng tôi. Một lần khi chúng tôi đến gần ngôi nhà lễ đó, vài cậu bé đã cảnh báo với chúng tôi rằng một số ván sàn nhà đã bị tháo cắp, có lẽ để dùng đốt lửa. “Không an toàn đâu,” chúng nói. “Đừng đi lên đó.” "Đừng để ý đến chúng,” một vị lão tăng ra lệnh. “Cứ tiếp bước.” Tất cả chúng tôi đều nghe theo lệnh của ông, và tiếp tục bước hàng một trong im lặng. Khi đã vào trong nhà lễ, chúng tôi biết lũ trẻ nói đúng: phân nửa gỗ trên sàn nhà đã bị tháo dỡ. Thường chúng tôi ngồi chia đều trên mặt sàn để sức nặng của chúng tôi không làm ảnh hưởng đến mấy cây cột chống nhà đã yếu. Giờ với phân nửa mặt sàn đã biến mất, tất cả mười bốn người chúng tôi đành phải ngồi về một phía. Chúng tôi bắt đầu đọc tụng và giữa buổi lễ, chúng tôi bỗng nghe một tiếng động lớn. Vài tăng sĩ nhìn quanh lo ngại, nhưng vị lão tăng đọc càng lớn hơn nữa, bắt buộc chúng tôi phải theo gương ông. Thình lình tất cả mọi thứ phía dưới chúng tôi sụp xuống. Thật là hỗn loạn. Người nhảy xuống hồ. Người té nhào xuống nước vì sàn nhà sụp. Tôi cố gắng bám vào phân nửa tường và cuối cùng thì là phân nửa ở trong nhà và phân nửa ở ngoài trời khi mái nhà đổ xuống người tôi. Lập tức các vị cư sĩ xúm đến cứu chúng tôi. Một số nhảy xuống hồ, lội về phía chúng tôi để kéo chúng tôi vào bờ. Vài vị tăng bị gãy xương; một mảnh xương sườn của tôi, nơi gần tim, bị toẹt ra khỏi lồng ngực. Lúc đầu không đau mấy, nhưng khi đã hoàn hồn, tôi bắt đầu cảm thấy đau buốt ở ngực. Kỳ diệu thay, vị lão tăng, người đã buộc chúng tôi phải bước tới, lại không bị một vết xước nào. Mái nhà đã rơi xuống ngay chỗ ông ngồi, và do đó bảo vệ ông an toàn. Còn chúng tôi thì được chở đến bệnh viện. Ngày hôm sau tôi được ra viện, ngực quấn đầy băng. Tôi vẫn còn đau hàng tuần sau đó. Cuối năm 1954, là lúc phải thi ra trường. Dầu nhập học trễ, tôi đã học hành rất cố gắng để theo kịp chương trình. Và sự nỗ lực đó đã được đền bù, các bài thi của tôi đều được điểm cao. Rồi thì cũng đến lúc chúng tôi được nhận trách vụ ở nước ngoài. Phật sự truyền giáo của chúng tôi sắp bắt đầu. Sư giám hiệu gọi tôi đến và bảo ông muốn gửi tôi đến Tanzania. "Tanzania!" tôi thảng thốt. "Phi Châu! Cách đây nửa vòng trái đất.” Tôi không chắc rằng tôi đã sẵn sàng để đến đó. Tôi chỉ mới hai mươi bảy tuổi và chưa bao giờ bước chân ra khỏi Ceylon. "Tôi muốn được ở gần nhà," tôi thưa với ông. "Ấn Độ có được không ạ?” Ông gật đầu. Tôi thực sự sẵn sàng để đi bất cứ nơi nào. Giờ tôi đã ra trường, tôi biết mình không thể trở lại ngôi chùa nơi tôi đã được thọ giới. Vì sự tranh chấp giữa sư phụ tôi và đại đức Sumanatissa, tôi biết rằng khi sư phụ tôi mất đi, đại đức Sumanatissa sẽ chống đối việc tôi kế tục quản lý ngôi chùa đó. Tôi không có chỗ nào để đi, và trong tôi vẫn còn niềm ước muốn cháy bỏng, là một ngày nào đó được giảng Pháp bằng tiếng Anh, ở một nơi nào đó. Để thực hiện được điều đó, tôi phải rời bỏ quê hương xứ sở nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Ấn Độ, là một khởi đầu tốt cũng như ở bất cứ nơi nào khác, và dĩ nhiên là hấp dẫn hơn Phi Châu! Cuộc hành trình từ Ceylon tới Ấn Độ chỉ khoảng bốn mươi mấy cây số vượt qua biển Ấn Độ Dương, chỉ là một chuyến phà ngắn ngủi, nhưng đối với tôi đó là một cuộc hành trình vĩ đại, và là một khởi đầu cho những cuộc hành trình đi khắp thế giới của tôi. -ooOoo- Chương 10 Vượt Đại Dương Đến Ấn Độ Chuẩn bị để rời Ceylon lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cần hai thứ: tiền và một hộ chiếu. Nhưng vì tôi là một tu sĩ, không có chứng từ thu nhập, tôi không thể lấy được hộ chiếu. Chỉ những người có đóng thuế thu nhập mới có thể nộp đơn xin hộ chiếu cho bản thân họ, vì thế vị giám hiệu trường truyền giáo đã nhờ một ân nhân giàu có, một người đã đóng rất nhiều tiền thuế, làm người bảo trợ cho tôi. Ông đã ký những giấy tờ cần thiết và tôi được người ta cấp cho một thứ gọi là công văn khẩn. Như thế là tôi được quyền đến và đi khỏi Ceylon trong thời hạn hai năm. Tôi biết rằng hội Mahabodhi sẽ trả tiền tàu cho tôi đến Ấn Độ. Dầu đó là điều tuyệt vời, nhưng tôi cảm thấy tôi cũng cần có một ít tiền dằn túi khi đặt chân đến Ấn Độ, để có thể được tự lập chút đỉnh. Nhưng một nhà sư mà đi xin tiền người khác thì không tiện lắm, vì thế tôi đến chùa Yakkala, nơi tôi đã sống một thời gian, để hỏi ý kiến Đại Đức Candajoti. "Gune !" ông nói, gọi tôi một cách thân mật, "Đừng khờ vậy. Sư là tu sĩ. Mọi người đều biết sư không có tiền, và mọi người biết sư phải cần một ít tiền trong chuyến đi này." Ông giúp tôi viết một lá thư nói về chuyến đi của tôi và những thứ tôi cần cho chuyến đi đó. Ông cho in ra bảy trăm tờ copy. Tôi phân phát một ít tận tay người nhận và gửi phần lớn qua đường bưu điện. Khi tất cả mọi thứ đã kết thúc, tôi nhận được hai trăm rupee (khoảng sáu mươi đô la), là một khoảng tiền khấm khá vào thời điểm đó. Mẹ tôi cũng cho một rupee và cha tôi cho năm. Em gái tôi cho hai rupee, và sư phụ của tôi gửi năm rupee từ tiền cúng dường mà ông nhận được của các cư sĩ ở chùa ông. Cuộc hành trình của tôi bắt đầu ở ga xe lửa Colombo vào ngày 15 tháng 1 năm 1955. Không có ai trong gia đình tôi có thể đi hơn trăm cây số đến tiễn đưa tôi, nhưng sư phụ của tôi đã cùng đáp xe lửa đi với tôi tới Colombo. Sau khi chúng tôi chia tay, tôi chỉ còn lại một mình. Tuy nhiên tôi không sợ hãi; tôi rất phấn khích được bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời mình. Cuối cùng thì chân trời cũng mở rộng trước mắt tôi. Dầu lúc ấy tôi khó có thể tưởng tượng ra trước, nhưng năm bảy mươi lăm tuổi tôi đã đi hoằng pháp trên sáu lục địa. Ở Colombo tôi gặp được những người đồng hành là một nhóm Phật tử hành hương trên đường đến các thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Chúng tôi đáp xe lửa qua đêm đến một thành phố gọi là Talaimanner, ở tận phía bắc của Ceylon. Ở đó chúng tôi lên một chiếc phà để vượt qua hai mươi hai dặm đường biển. Đó là lần đầu tiên tôi ở trên một chiếc tàu lớn như vậy, và không kể những kinh nghiệm suýt chết đuối của tôi, tôi không hề cảm thấy lo sợ chút nào. Chỉ một tiếng đồng hồ sau là chúng tôi đã đến Ấn Độ. Tàu đỗ bến ở Mandapam, một thành phố ở bờ phía Nam của quần đảo Ấn Độ. Địa phận đó của Ấn Độ giống như một sa mạc; không cây cối, chỉ có đất khô cằn và ánh nắng mặt trời rực lửa. Chúng tôi lại lên một chuyến xe lửa khác. Trên xe lửa, chúng tôi được ăn xôi gói bằng lá chuối. Khi chúng tôi vứt lá chuối ra ngoài của sổ, một số người ăn mày chạy đến nhặt lá chuối dưới đất lên và liếm láp đến những hột nếp cuối cùng. Dầu những ngôi làng nhỏ ở Ceylon chắc chắn là không được giàu có, nhưng ở đây rõ ràng là sự nghèo khổ còn tồi tệ hơn tất cả những gì tôi đã chứng kiến. Trưa hôm sau chúng tôi đến Madras, trên bờ biển phía đông của Ấn Độ. Chương trình của tôi dự định là nghỉ ngơi một tuần và làm quen với Ấn Độ trước khi đến ngôi chùa mà tôi được gửi đến. Đại Đức Batuvangala Jinananda, hội trưởng của hội Mahabodhi ở Madras, đón tôi tại nhà ga xe lửa. Ông và các vị tăng đi theo đoàn nói tiếng Tamil, nên chúng tôi có thể trao đổi chuyện trò. Tôi trải qua một tuần lễ thư thả, viếng thăm các chùa và hội Thần Học, một trung tâm độc lập chuyên nghiên cứu việc giảng dạy các tôn giáo khác nhau. Chẳng bao lâu thì đã đến lúc tôi phải đi Sanchi, là nhiệm sở đầu tiên của tôi. Sanchi thuộc bang Bhopal của Ấn Độ, ở giữa Delhi và Bombay. Bảy giờ tối hôm đó, tôi lên xe lửa ở Madras. Hơn hai mươi bốn giờ sau, sau khi xuyên qua gần nửa lãnh địa Ấn Độ, tôi đến được Sanchi. Tôi là người duy nhất xuống ga xe lửa ở một chấm li ti trên bản đồ. Nhà ga không có thềm để lên xuống; tôi bước xuống xe lửa và chân tôi chạm ngay xuống đất cạnh đường ray. Khi xe lửa chuyển bánh đi tiếp, một người đàn ông mặc đồng phục tiến đến bên tôi. Tôi đoán ông là trưởng trạm xe lửa. Đã gần nửa đêm, trời lạnh và tối đen. Đây là lần đầu tiên kể từ khi rời Ceylon, tôi mới cảm thấy sợ chết được. Tôi không hiểu người trưởng trạm xe lửa nói gì. Mặc dầu đã học tiếng Ấn Độ ba năm ở Ceylon, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe một người bản xứ nói tiếng Ấn Độ. Cuối cùng, bằng thứ tiếng Anh lõm bõm, mà tôi hy vọng là vị trưởng trạm xe lửa có thể hiểu, tôi nói với ông là tôi đến để sống ở ngôi chùa tại Sanchi. Hình như điều đó khiến người kia hiểu tôi. Cũng bằng thứ tiếng Anh tồi tệ như tôi, ông nói là chùa ở cách đây khoảng hơn một cây số, trên đồi cao, và chỉ có điên mới đi đến đó đêm nay. Ông khuyên tôi nên qua đêm ở nhà ga rồi ngày mai hãy đi. Đêm đó, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy lạnh, một cảm giác hoàn toàn mới lạ đối với một thanh niên đã sống gần trọn cuộc đời trong khí hậu nhiệt đới của Ceylon. Nhưng tháng giêng ở miền trung Ấn Độ thật khó có thể coi là nhiệt đới. Cũng may là các vị sư ở Madras đã tặng tôi một chiếc túi ngủ mỏng. Tôi trải nó ra trên sàn nhà ga xe lửa, rồi chui vào bên trong. Suốt đêm tôi không ngủ được chút nào, phần vì lo sợ nhưng phần lớn là vì cái lạnh thấu xương. Sáng hôm sau, ông trưởng trạm sai người khiêng hành lý theo tôi lên chùa. Chúng tôi đi bộ khoảng một dặm rồi bắt đầu leo lên một ngọn đồi lớn. Cuộc leo đồi kéo dài khoảng ba mươi phút, men theo một lối mòn quanh co. Tới đỉnh đồi, chúng tôi bước vào khuôn viên chùa, được bao bọc bởi những bức tường bằng đá cao. Dọc theo tường, mỗi mười thước hay khoảng đó là những cây cột xi măng với những cái đĩa tròn ở phía trên cột, trông giống như những cây dù, gợi nhớ đến những cây dù trang trí trên các chùa. Bên trong khuôn viên là một khoảng sân làm bằng đá mô sắc (mosaic) rất đẹp. Một cầu thang ngắn dẫn lên chánh điện, nơi có hai phòng đối mặt nhau. Chánh điện mát mẻ, không có cửa sở, với một sàn nhà láng bóng. Cuối phòng, tôi có thể thấy một bàn thờ với một tượng Phật uy nghiêm trong tư thế tọa thiền. Tượng được làm bằng đá trắng, và chỉ có một ngọn đèn cầy trắng được đốt dưới chân tượng. Tôi tràn ngập hân hoan được có mặt ở đây; cuộc đời tôi với tư cách là một vị thầy truyền giáo Phật giáo bắt đầu ở một nơi rất hẻo lánh này. Ngôi chùa ở Sanchi này được tạo dựng từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên, khi vua Ashoka, một Phật tử Ấn Độ thuần thành, đã gửi con trai và con gái ông, Mahinda và Sanghamitta, làm những người truyền giáo mang Phật pháp đến Ceylon. Trước khi họ rời Ấn Độ, Mahinda và Sanghamitta đã đến thăm viếng thân mẫu của họ, đang sống trong một ni viện Phật giáo trong khuôn viên chùa Sanchi. Vào cuối thế kỷ thứ mười chín, những nhà khảo cổ học người Anh đã khai quật khu vực Sanchi, khám phá ra một số tháp trang hoàng đẹp đẽ, dùng chứa hài cốt người chết, phần nhiều là các mảnh xương tìm thấy được sau khi hỏa táng. Các câu ghi khắc trên tháp cho biết đây là xá lợi của Phật và hai trong số những đệ tử lớn của Ngài, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Đến năm 1941, những xá lợi này bị chính phủ Anh chiếm đoạt, đem trưng bày ở bảo tàng viện Victoria và Albert ở Luân Đôn. Khi người Anh quyết định trả lại các báu vật này, các xá lợi được chia ra làm ba phần. Một phần ba được gửi đến Burma, một phần ba đến Vidyalankara Pirivena, trường Phật học mà tôi từng theo học, và phần ba cuối cùng được gửi về Sanchi. Ở đó hội Mahabodhi đã xây thêm một ngôi chùa để thờ những xá lợi linh thiêng này. Ngôi chùa sau được hoàn thành năm 1954, và Đại Đức Hedigalle Pannatissa được chọn làm trụ trì ở đó. Một năm sau, năm 1955, tôi được gửi đến để phụ tá Đại Đức Pannatissa ở Sanchi. Tôi làm thư ký cho ông suốt năm năm, và không thể mong đợi một công việc nào tốt hơn thế. -ooOoo- Chương 11 Xá Lợi Phật Và Đức Đạt Lai Lạt Ma Ngay khi vừa đến chùa Sanchi, tôi sang đảnh lễ Đại Đức Pannatissa. Tôi có rất nhiều quà để trao lại cho Đại Đức, những thứ tôi đã mang giúp cho thân hữu của Đại Đức ở Ceylon và của Hội Mahabodhi. Tôi cũng trình cho Đại Đức xem một bàn máy đánh chữ do Phật tử cúng dường, để tôi có thể thực hiện bổn phận người thư ký, đánh máy những lá thư bằng tiếng Anh cho ông. Đại Đức Pannatissa rất vui lòng, nhưng có điều ông không biết là tiếng Anh của tôi còn rất yếu và tôi chưa từng sử dụng bàn máy chữ bao giờ. Cuộc sống ở Sanchi rất dễ chịu và bình lặng. Rất ít người có thể trèo lên đồi thăm chùa, vì thế nơi đây yên tĩnh hơn nhiều so với những ngôi chùa ở làng mà tôi biết. Vì không có dân làng sống gần bên để cúng dường thực phẩm, hội Mahabodhi phải mướn người nấu ăn cho Đại Đức Pannatissa và tôi. Còn có thêm một người đàn ông lo chuyện dọn dẹp và xách nước cho chúng tôi. Anh ta phải gánh từng thùng nước từ giếng dưới chân đồi. Vì có các xá lợi thiêng liêng được thờ ở Sanchi, chính quyền Ấn Độ đã cử nhân viên cảnh sát phải túc trực ở đó suốt hai mươi bốn giờ một ngày. Những người bảo vệ này làm việc theo ca, tám tiếng một ngày. Họ thường ngồi đó trò chuyện với khách vãng lai hay với chúng tôi, khi chúng tôi có thời gian. Vào mùa hè, Sanchi rất nóng, nóng đến nỗi bạn gần như không thể thở được. Trong ngày nhiệt độ có thể lên đến 120 độ Fahrenheit (ND : Khoảng bằng 48 độ Celsius). Trong ngày, tôi thường tọa thiền trong nội điện, ngồi trên một chiếc khăn lông ướt trải trên nền xi măng. Đến bảy giờ chiều, tôi mang giường ngủ ra ngoài trời. Đó là một khung giường bằng gỗ đơn sơ, gọi là carpai (nghĩa đen, là 'bốn chân’) với những sợi dây đan trên mặt giường và một tấm chiếu mỏng trải lên trên. Tôi ngồi hàng giờ trên giường, toạ thiền trong không khí buổi chiều mát mẻ, thực tập chánh niệm hơi thở, như tôi vẫn thường làm trước khi ngủ kể từ khi tôi bắt đầu tu thiền. Rồi tôi ngủ đi ở ngoài trời như thế. Điện thờ các xá lợi ở phía dưới chánh điện. Một cánh cửa nhỏ về phía bên phải của bàn thờ dẫn xuống những cầu thang hẹp, đến một căn phòng tối, khoảng ba thước vuông. Một bên tường có một cửa dẫn đến một phòng khác nhỏ hơn, giống như một ngôi mộ. Một tủ lớn bằng thiếc để giữa phòng. Tủ có ba ngăn, mỗi ngăn đựng một bộ xá lợi. Bên trong các ngăn tủ được lót vải trắng và có những nắp bằng kiếng. Bên trong, các xá lợi được đựng trong những chiếc tách tròn nhỏ bằng bạc. Chiếc tách đựng xá lợi Phật lớn hơn mấy chiếc tách đựng xá lợi của hai vị đệ tử của Ngài. Các ngăn kéo này được khoá hai lớp, cũng như là mấy cánh cửa đi vào phòng chứa xá lợi. Có ba người giữ chìa khoá -vị tổng thư ký của hội Mahabodhi, thống đốc bang Bhopal, và vị sư trụ trì chùa. Nhưng không có ai trong ba người này có đủ bộ chìa khoá cho tất cả các ổ khoá. Do đó, để có thể mở tất cả các cửa dẫn đến nơi chứa xá lợi, cả ba người này đều phải có mặt. Hai viên cảnh sát cũng luôn luôn có mặt ở đó. Mỗi năm một lần, vào ngày Phật Đản rằm tháng năm, các ngăn tủ chứa xá lợi được mở ra và đưa lên chánh điện. Những đoàn người hành hương được phép sắp hàng đi ngang qua các ngăn tủ. Rất nhiều người đảnh lễ các xá lợi. Mặc dầu là trụ trì của Sanchi, Đại Đức Pannatissa chỉ sống ở đó giữa các tháng mười một và tháng hai. Thời gian còn lại trong năm, ông sống ở Ceylon, và khi ông vắng mặt, tôi là người quản lý ở đó. Bổn phận của tôi bao gồm tiếp khách, hành các buổi lễ sáng chiều, trả tiền công thợ và đánh các báo cáo cho hội Mahabodhi ở Ceylon. Tôi đã tự học đánh máy với một quyển sách dạy thực hành đánh máy viết tay mà ai đó đã cho mượn. Tôi nghĩ là tôi khá giỏi, cho đến một ngày Đại Đức Pannatissa yêu cầu tôi đánh một lá thư quan trọng gửi cho thư ký hội Mahabodhi. Ông đọc bằng tiếng Sinhala và tôi dịch sang thứ tiếng Anh yếu kém của mình. Với bài dịch đặt kế bên bàn máy, tôi đánh lá thư, không cần nhìn các mặt chữ. Tôi còn trẻ và quá tự tin. Tôi đánh xong lá thư, vẫn không coi lại và đưa nó cho Đại Đức Pannatissa ký. Ông nhìn qua những dòng chữ lạ lẫm, tưởng rằng nó chứa đựng những điều ông vừa đọc, ký tên và lá thư được gửi đi. Ba tuần sau chúng tôi nhận được một lá thư từ người thư ký ở Colombo. Ông kèm theo lá thư của tôi mà giờ khi nhìn kỹ lại, thì nó giống như vẽ bùa cả đối với tôi. “Tôi không hiểu một chữ trong lá thư này," ông viết bằng tiếng Sinhala cho Đại Đức Pannatissa. “Sư định nói gì đây?” Đại Đức Pannatissa khá giận. Tôi đỏ mặt vì xấu hổ, rồi đánh máy lại lá thư, lần này cẩn thận đặt các ngón tay của tôi vào đúng các chữ và đọc lại lá thư lần cuối trước khi gửi. Sau đó tôi không còn tự mãn về khả năng đánh máy của mình nữa, dầu còn có một lần nữa sự cao ngạo của tuổi trẻ lại làm khổ tôi. Vị tổng thư ký của hội Mahabodhi đã đến viếng Sanchi. Hai ngày sau đó, tôi nhận được lời nhắn từ vị hiệu trưởng của một trường đại học gần đó. Rõ ràng là vị tổng thư ký đã viếng thăm trường đại học, sau khi rời Sanchi và để quên lại đó một gói đồ. Ông nhờ vị hiệu trưởng gọi tôi đến lấy gói đồ và gửi đi Calcutta. Tôi cảm thấy rất bực. Tại sao tôi phải đi tận xuống đồi để mang gói đồ đi gửi cho người thư ký? Tại sao ông hiệu trưởng không tự mình làm chuyện đó? Tôi giận dữ viết một lá thư gửi cho vị hiệu trưởng. “Vì ông ta đã để lại gói đồ chỗ ông, sao ông không đi gửi?”, tôi viết. “Có một bưu điện chỉ cách trường một con đường. Ông đến đó dễ hơn tôi nhiều!”. Mười ngày sau vị hiệu trưởng lại gửi cho tôi một lời nhắn khác, lặp lại yêu cầu của ông. Tôi lờ đi, và mười ngày sau nữa, lời nhắn thứ ba lại đến. Cuối cùng tôi đi xuống đồi để nhận gói đồ, nhưng tôi cằn nhằn suốt dọc đường đi. Khi gửi đi, tôi để dành lại biên lai, mà vị thư ký sẽ cần để hoàn tiền trả lại tôi. Khi gói đồ đã đến bưu điện ở Calcutta, người thư ký viết thư cho tôi, hỏi về biên lai gửi đồ. Tôi gửi biên lai cho ông cùng với những dòng chữ giận dữ. Cuối cùng, khi người thư ký mở gói đồ ra, một tháng sau khi ông đã đóng gói nó, một mùi hôi thối khủng khiếp bay ra. Gói đồ có chứa đồ ăn mà vì những sự chậm trễ của tôi, đồ ăn đã mốc rữa. Giờ thì tới phiên ông ta gửi cho tôi một lá thư giận dữ. "Sư nổi sân vì một việc nhỏ mà tôi nhờ sư làm," ông viết. "Rồi sư còn gửi cho tôi một lá thư trách móc. Nếu sư muốn tiếp tục làm việc cho hội Mahabodhi, tôi khuyên sư nên kiềm chế tính khí của mình." Sân nộ là một trong những uế nhiễm khó đối trị nhất; tôi biết điều đó từ chính kinh nghiệm bản thân. Khi tôi còn là một tu sĩ trẻ ở Ceylon, tôi đã giảng nhiều bài pháp về sân nộ và phương cách để chế ngự nó, dầu rằng sự sân hận của chính tôi cũng khiến tôi nhiều lần mất tự chủ. Tôi gọi đó là sự sân hận "của tôi", nhưng điều đó không hoàn toàn đúng, sân hận chế ngự, lấn áp tâm tôi và tôi để nó làm như thế, mặc dầu rõ ràng nó làm tôi cảm thấy rất khổ sở. Khi giận dữ, tôi cảm thấy đau trong ngực và nóng trong bao tử. Mắt tôi nhoè đi, sự suy nghĩ của tôi không rõ ràng và những lời cọc cằn thô lỗ được thốt ra từ miệng tôi. Khi bình tĩnh lại, lúc nào tôi cũng có cảm giác xấu hổ, điên rồ. Lúc đó , tôi quán chiếu những lời Đức Phật dạy về sân hận: “Ta cần buông bỏ sân hận, kiêu mạn, và chế ngự mọi kiết sử. Người không bám víu vào tâm hay thân, biết buông xả thì không thể khổ đau. Người biết kiềm chế sự phát sinh của sân hận giống như người đánh xe biết kiềm chế con ngựa của mình, người đó ta gọi đúng là người biết cầm cương." Có một câu chuyện rất nổi tiếng từ tạng kinh Phật giáo minh chứng cho ta thấy sự khéo léo của Đức Phật khi đối phó với sân hận. Một ngày, một người Bà La Môn, thuộc dòng quý tộc và thế lực, đến gặp Đức Phật. Vị Bà La Môn này có một tánh khí nóng nảy và thường cãi cọ với mọi người. Ngay chính như khi người khác bị hại mà không tỏ vẻ giận dữ, ông cũng không bằng lòng. Vì thế, khi ông nghe rằng Đức Phật chẳng bao giờ nổi giận, ông quyết định đến thử Ngài. Người Bà La Môn đi đến gặp Đức Phật và tuôn ra những tràng chửi rủa. Đức Phật lắng nghe một cách bình tĩnh trong im lặng. Khi người Bà La Môn cuối cùng ngưng chửi và chờ đợi phản ứng của Đức Phật. Lúc đó, Đức Phật bình tĩnh hỏi ông, "Ông có gia đình hay bạn bè không?" "Dĩ nhiên rồi," vị Bà La Môn trả lời. "Tại sao?" "Ông có thăm viếng họ thường xuyên không?" Đức Phật hỏi. "Có," người Bà La Môn trả lời cọc cằn. "Khi đi thăm họ ông có mang quà theo không?" "Dĩ nhiên là tôi có!" vị Bà La Môn gầm lên. "Nhưng nếu họ không nhận quà của ông thì sao?" Đức Phật hỏi. “Ông sẽ làm gì với món quà?" "Tôi sẽ mang nó về nhà và chia sẻ với gia đình tôi," người Bà La Môn trả lời. " "Vậy thì," Đức Phật nói, “nay ông đã mang cho tôi một món quà của những lời sỉ nhục giận dữ. Tôi không muốn nhận chúng, tôi xin trả lại cho ông. Hãy mang về nhà và chia sẻ với gia đình." Giá mà tôi đã có thể sống theo trí tuệ của những lời dạy này lúc tôi còn trẻ. Những người hành hương thường đến Sanchi để tỏ lòng kính trọng các xá lợi và để được nhìn những chiếc cổng hoành tráng do vua Ashoka xây dựng. Có bốn cái tất cả, xây dựng vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Mỗi cổng gồm có hai trụ đá, cao hơn sáu mét, với những thanh gỗ bắt chéo qua chúng. Những cảnh từ các chuyện tiền kiếp của Đức Phật được khắc lên các trụ cột. Những chữ khắc cùng với các bức tranh được viết bằng một loại ngôn ngữ cổ xưa tương tự như tiếng Sanskrit và Pali. Nhiều lần các đoàn hành hương đến viếng thăm cùng với người hướng dẫn viên để giải thích những lời khắc trên trụ cột cho họ. Khi không có người hướng dẫn, thì các vị khách yêu cầu tôi giải thích. Lúc đầu tôi chỉ bảo với họ là tôi không biết, rồi bỏ đi. Nhưng dần dần sự thiếu hiểu biết này làm tôi xấu hổ. Tôi nhận thấy rằng, dầu gì, khi Đại Đức Pannatissa vắng mặt, tôi là vị sư duy nhất ở đó; tôi thật sự phải có khả năng để trả lời các câu hỏi về nơi chốn này. Vì thế tôi yêu cầu một trong những người hướng dẫn viên ở địa phương dạy tôi về ý nghĩa của những cột trụ này. Anh ta vui vẻ nhận lời và sau đó, tôi có thể giải thích giúp các khách vãng lai về những hình ảnh này. Dần dần, tôi viết một cuốn sổ tay hướng dẫn khách đến Sanchi bao gồm cả việc giải thích các trụ cột và những hình ảnh trên đó. Thí dụ, một cảnh diễn tả lại lúc Đức Phật đản sinh với hoàng hậu Mahamaya, mẹ của ngài, đang lâm bồn dưới một cây sala trong rừng, với những người hầu của bà vây quanh dùng màn che chắn cho bà, và chư thiên tưới nước để tắm cho đứa bé. Một cảnh khác lại tả lúc Đức Phật giác ngộ, cũng xảy ra dưới một gốc cây. Khi thái tử Siddhattha Gotama ngồi tĩnh lặng dưới cây bồ đề, hàng chục ngạ quỷ, biểu tượng cho những uế nhiễm của tâm, đe doạ ngài bằng gươm, dao, cung và tên. Ở một cảnh khác, Đức Phật trở về từ cõi trời sau khi đã giảng pháp cho mẹ của ngài, đã tịch bảy ngày sau khi sanh ra ngài. Lại một cảnh khác diễn tả một con khỉ và hai con voi làm lễ trước Đức Phật, khi người đang ở Parileyya vào mùa mưa. Đó là, sau khi Đức Phật không thể dàn xếp được một cuộc tranh cãi giữa hai nhóm tăng sĩ, Đức Phật vào rừng ở Parileyya sống một mình trong mùa mưa đó. Theo truyền thuyết, khỉ đã mang đến cho ngài mật ong để ăn mỗi ngày và các chú voi đun nóng nước trên lửa để ngài tắm. Tất cả các cảnh khắc trên trụ cột, dĩ nhiên đã làm phát khởi lòng tin rộng lớn nơi những người hành hương đến đây để chiêm ngưỡng chúng. Vào tháng 4, 1956, chúng tôi bắt đầu lên chương trình cho lễ Phật đản ở Sanchi sẽ cử hành trong tháng năm. Chúng tôi quyết định mời thủ tướng Ấn Độ, Jawarharl Nehru. Đại Đức Pannatissa và tôi đi Delhi để tận tay trao giấy mời. Dầu đã có hẹn qua thư, khi chúng tôi đến văn phòng của ngài Nehru, nơi này đầy các vị chức trách nước ngoài, kể cả các đại sứ từ những nước Á châu. Là người lãnh đạo chính trị, nhưng Nehru có vẻ mặt rất thanh tịnh và cử chỉ khoan thai. Ông cao trung bình, tóc bạc, và ăn vận theo truyền thống Ấn Độ: quần trắng, áo dài tay rộng rãi, với đôi dép dây đơn giản. Nehru chào đón chúng tôi bằng một giọng nói nhẹ nhàng và cử chỉ thân thiện. Dầu ông đang dở chừng trong một buổi họp dài với các vị khách chức phận, ông cũng đưa Đại Đức Pannatissa và tôi vào văn phòng của ông. Cả ba chúng tôi trao đổi khoảng hai mươi phút. Nehru nói rằng ông xin lỗi, nhưng ông không thể dự lễ vì nó trùng với một hội nghị chính trị sắp diễn ra ở Indonesia. Vị thủ tướng nói tiếng Ấn Độ trôi chảy, nhuần nhuyễn. Tôi phải vất vả dịch những lời ông nói sang tiếng Sinhala cho Đại Đức Pannatissa. Cuối cùng, ông Nehru chúc chúng tôi những điều tốt đẹp nhất và đứng dậy để báo hiệu chấm dứt cuộc gặp gỡ. Ông đứng chụp hình với chúng tôi, rồi cúi chào từ giã, hai tay chắp vào nhau. Bên cạnh lần gặp gỡ ngắn ngủi đó với thủ tướng Nehru, tôi còn may mắn được gặp những người nổi tiếng khác nữa. Vào tháng 11, 1956, vua xứ Nepal có chương trình đến viếng Sanchi. Tôi muốn trang hoàng lại chùa để đón tiếp ông, nên tôi quyết định treo vài cây cờ Phật giáo với những đường sọc màu sắc, mà người ta cho rằng đó là để biểu hiện hào quang đã phát ra sau khi Đức Phật giác ngộ. Một giải thích khác nữa là cây cờ biểu hiện cho thân của Đức Phật: màu trắng biểu tượng cho xương và răng của ngài, đỏ cho máu, vàng cho mật, xanh cho tóc, và vàng cam cho da của ngài. Tôi trèo lên các vách đá dọc theo tường rào chùa để cột sợi dây treo cờ. Khi tôi kéo xiết sợi dây, nó bị đứt, khiến tôi mất thăng bằng té ngửa ra. Tôi té trên mặt đất đầy đá và bị gãy cổ tay. Khi nhà vua xứ Nepal đến, tôi ở trong bệnh viện. Ông nghe kể về sự rủi ro của tôi, nên đã đến bệnh viện thăm tôi. Không kể các vị vua và thủ tướng, cuối năm 1956, chúng tôi lại có một vị khách nổi tiếng cách khác: Đức Đạt Lai Lạt Ma. Điều trùng hợp là ông đến viếng thăm nhằm vào ngày sinh nhật của tôi. Và tôi lại là vị thầy duy nhất có mặt ở đó để đón tiếp ngài. Lúc đó Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ mới mười chín tuổi, trẻ hơn tôi, nhưng đã là người cầm quyền của hoàng tộc ở Himalaya mà gần đây đã bị Trung Quốc chiếm. Tôi không ngờ ông là một nhân vật lỗi lạc đến thế. Ông đến Sanchi không báo trước, không có lính hay người theo bảo vệ quanh ông như bây giờ. Tuy nhiên có vài vị sư đi theo trong đoàn. Họ rất cung kính đối với ông, coi sóc không để y áo của ông dính bụi và đưa ông đi đến nơi nào ông cần. Khi ông cởi giày để bước vào chùa, họ cũng giúp ông, rồi họ đặt các xâu chuỗi của mình vào bên trong đôi giày trống của ông, như một hành động tỏ lòng cung kính. Đức Đạt Lai Lạt Ma có khuôn mặt trầm lặng nhưng thường nở những nụ cười rạng rỡ. Ông đeo kiếng có gọng bằng kẽm nhỏ và rất đẹp người. Da mặt mịn màng khiến ông nhìn còn trẻ hơn tuổi. Ông khẽ chào tôi, hai tay chắp lại và nói bằng tiếng Anh, "Đây là một nơi rất yên tĩnh, đẹp đẽ. Khá mát mẻ. Sư ở đây có dễ chịu không?” "Dạ có," tôi trả lời ông, cũng vái chào đáp lại. “Con rất dễ chịu và con vui mừng đón tiếp ngài ở nơi thiêng liêng này." Ông tỏ ra là người rất khiêm cung. Chúng tôi cùng đi bên nhau đến chánh điện, khi bất ngờ chúng tôi được tin thống đốc của bang Bhopal và tổng thư ký của hội Mahabodhi cũng đến. Sau này tôi được biết, họ đã được báo trước về chuyến viếng thăm Sanchi của Đức Đạt Lai Lạt Ma và ý muốn được viếng thăm các xá lợi Phật của ông. Họ biết rằng họ phải mang bộ chìa khoá của họ đến để chúng tôi có thể mở các ngăn tủ đựng xá lợi trong căn phòng tối ở phía dưới chánh điện. Sau khi người thị giả trải một miếng vải trắng sạch trên sàn nhà trước tượng Phật, Đức Đạt Lai Lạt Ma đảnh lễ ba lần, đầu chạm trên miếng vải. Rồi ông đặt hoa lên bàn thờ, đốt ba cây nhang và ba cây đèn cầy. Sau đó tất cả chúng tôi đi xuống lầu đến phòng đựng các xá lợi và mở các ngăn tủ. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn thấy các xá lợi thiêng liêng này, ông lại đảnh lễ ba lần. Rồi ông trao cho tôi một món quà tặng chùa: một cây đèn dầu bằng vàng, cao khoảng hai mươi lăm centimét. Chúng tôi đặt cây đèn vàng trong căn phòng dưới hầm cùng với các xá lợi. Ba năm sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma và một ít tùy tùng cưỡi ngựa băng qua núi để chạy trốn sự chiếm đóng của người Trung Quốc ở Tibet. Ông sống lưu vong ở phía bắc Ấn Độ và câu chuyện buồn về Tibet bắt đầu được lan truyền khắp thế giới. Nhưng dĩ nhiên tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra được điều này, khi ông và tôi đứng cạnh bên nhau ở Sanchi. -ooOoo- Chương 12 Giữa Những Người Hạ Tiện Mặc dầu tôi rất thích sống ở ngôi chùa trên đồi ở Sanchi, nhưng mà hình như lúc nào cũng có vấn đề, những vấn đề khá nghiêm trọng, khiến tôi dần dần bắt đầu nghĩ đến việc rời bỏ nơi này. Một buổi tối, người đầu bếp của chúng tôi, Anuruddha, đến gặp tôi và nói, "Đại đức Gunaratana, tôi đã hỏi mượn sư Pannatissa số tiền hai mươi lăm rupee. Sư bảo rằng không có tiền, vì đại đức chưa trả tiền cơm tháng rồi." Tôi kinh hoàng. Mỗi tháng khi nhận được bảy mươi lăm rupee tiền chi tiêu từ hội Mahabodhi, việc đầu tiên tôi làm là trả ngay cho đại đức Pannatissa bốn mươi rupee tiền ăn uống. Tiếc thay tôi chẳng bao giờ đòi hỏi biên lai. Đối với giới luật của người tu, đó là một sự sỉ nhục. Chúng tôi phải tin lời nói của nhau, vậy mà giờ đại đức Pannatissa đã không ngại ngùng nói dối với người đầu bếp. Chiều hôm đó, vào giờ trà ẩm, đại đức Pannatissa và tôi gặp nhau ở nhà bếp, như lệ thường. Tôi ngồi kế bên ông trên một ghế đẩu thấp, và Anuruddha ngồi trên sàn nhà, cách chúng tôi không xa, đang chuẩn bị trà. Tôi quay qua đại đức Pannatissa. "Thưa, có đúng là sư đã bảo với Anuruddha rằng con chưa trả tiền ăn tháng rồi không? Sư biết rằng con đã trả rồi mà. Tại sao sư lại làm cho anh ta nghĩ rằng con không chân thật? Ngay nếu như con chưa trả cho sư, sư cũng nên nói với con trước. Chúng ta là những tỳ kheo duy nhất ở nơi này. Chúng ta có thể trao đổi với nhau bất cứ chuyện gì, như là những người bạn." Đại đức Pannatissa mặt đỏ như trái gấc. Ông đứng dậy, đá cái ghế tôi đang ngồi và vùng vằng đi ra khỏi phòng. Tôi cũng có vấn đề với một trong những người cảnh sát Ấn Độ làm bảo vệ ở chùa. Một lần nọ, tôi đang tiếp một vài vị khách trong chánh điện, thì nhớ ra tôi cần phải lấy ít đồ nơi khu nội điện. Tôi bước vào phòng mình và thấy người cảnh sát đang lui cui nơi hộc tủ chúng tôi cất tiền bán sách trong tiệm sách nhỏ của chúng tôi. Ngay khi người cảnh sát vừa thấy tôi, ông vội rút tay ra khỏi tủ, trong tay còn nắm đầy tiền! Thật sự mà nói tôi cảm thấy xấu hổ cho ông hơn là giận dữ. Tôi không biết phải làm gì hay nói gì, vì thế tôi vội vã quay ra khỏi phòng. Ngay khi các vị khách vãng lai rời chùa, tôi gửi giấy nhắn cho viên thanh tra cảnh sát ở trong làng dưới đồi, mời ông đến gặp tôi. Chỉ một tiếng sau, ông ta đã có mặt. Tôi kể cho ông nghe chuyện gì đã xảy ra và yêu cầu ông thuyên chuyển viên cảnh sát đi nơi khác. Sau khi vị thanh tra cảnh sát ra về, người cảnh sát tội lỗi vào, quỳ xuống chân tôi khóc, ông xin tôi tha thứ cho ông. "Anh đến đây để bảo vệ chúng tôi,” tôi nói. “Vậy mà tôi lại thấy anh ăn cắp tiền bán sách của chúng tôi. Tại sao anh lại làm một việc dại khờ như thế?" Ngày hôm sau, vị tổng thanh tra cảnh sát ở tận Bhopal cũng đến. Ông hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra và tôi thưa chuyện lại với ông. Ông rất giận, nói rằng ông sẽ đuổi viên cảnh sát kia. "Xin ông đừng làm như thế," tôi nói. "Anh ta là một người nghèo, có đông con cái phải chăm lo. Xin ông đừng đuổi anh ta; chỉ chuyển nhiệm sở đi chỗ nào khác. Tôi không muốn thấy anh ta ở đây nữa.” Đó là những vấn đề khiến tôi suy nghĩ đến việc rời bỏ Sanchi. Ngoài ra còn một yếu tố khiến tôi muốn ra đi là việc tôi rất nôn nóng muốn đi học lại, nên khi một vị giáo sư ở Đại học Benares Hindi đến viếng thăm Sanchi, tôi cảm thấy cơ hội của mình đã đến. Đại đức tiến sĩ Hammalawa Saddhatissa dạy tiếng Pali ở trường đại học đó và đã viết nhiều cuốn sách về Phật pháp bằng tiếng Ấn Độ, Sinhala và tiếng Anh. Năm 1956, tôi được nghe một bài thuyết pháp rất đặc sắc của ông về ngày Phật đản sinh. Cá tính ôn hoà và trình độ hiểu biết Phật pháp sâu sắc của ông đã gây ấn tượng sâu đậm đối với tôi. Tôi nhìn ông và thấy rằng đó chính là hình ảnh tôi hy vọng sẽ trở thành trong vài năm tới. Khi đại đức Saddhatissa đến viếng Sanchi, tôi đã nhờ ông giúp đỡ. Tôi thưa với ông rằng tôi đã học tiếng Anh một thời gian, nhưng rất khó tìm được những người thầy giỏi. "Để tôi gửi cho sư một đơn nhập học ở trường đại học,” ông nói. Tôi thật sung sướng. Trong khi chờ đợi, tôi nghĩ là mình cần phải chuẩn bị, vì tôi đã bỏ học một thời gian. Tôi quyết định viếng thăm một trường đại học cộng đồng nhỏ cách Sanchi khoảng một phần tư dặm để tìm một gia sư. Bằng cách ăn uống tiện tặn, tôi để dành được một phần tiền hàng tháng của tôi, do đó tôi có thể trả tiền thuê gia sư. Vị hiệu trưởng của trường đại học cộng đồng đồng ý kèm tôi học. Nhưng sau một vài buổi ông bắt đầu chấp vấn động lực khiến tôi muốn học tiếng Anh. Một ngày kia, ông vụt nói, "Sư là người tu, tại sao sư muốn học tiếng Anh?" Giọng ông đầy vẻ mỉa mai, chê trách, như muốn nói rằng, "Sư nghĩ sư là ai -một Bà La Môn giai cấp thượng lưu muốn có bằng đại học?” Tôi đoán biết ông nghĩ rằng tôi không có việc gì phải nghĩ đến chuyện học hành thành đạt. "Tôi không phải là một trong những người ăn xin Ấn Độ lõa thể, đi lang thang cùng khắp với khuôn mặt trát đầy than tro, xướng tụng tên các vị thần thánh Ấn Độ!” tôi trả lời. “Tôi là một tu sĩ Phật giáo, và tu sĩ Phật giáo có thể học bất cứ môn gì mà họ muốn. Tôi còn là thầy truyền giáo, vì thế tôi cần phải học tiếng Anh để dạy Phật pháp ở những xứ sở khác. Dầu ông có muốn dạy cho tôi nữa hay không, tôi vẫn tiếp tục học.” Chiều hôm đó, vị hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đến chùa ở Sanchi. Tôi pha trà cho họ, và chúng tôi ngồi xuống nói chuyện. Vị hiệu trưởng xin lỗi đã chỉ trích tôi sáng nay. Ông nói rằng từ nay tôi có thể được kèm học miễn phí. Cuộc thi tuyển sinh vào đại học bắt đầu vào tháng 3, 1956. Tôi rời bỏ nhiệm sở ở Sanchi vào tháng hai và đi đến Benares lần đầu tiên. Benares đã là và vẫn là một trong những thành phố đông dân cư nhất của Ấn Độ. Nó cũng là một trong những nơi thiêng liêng nhất. Rất nhiều người Ấn Độ trong những năm cuối đời họ đã đến Benares, sống ven bờ tây của dòng sông Gange huyền bí. Họ tắm trong dòng sông, rồi uống nước sông đó, dầu nó rất dơ bẩn. Họ tin rằng nếu họ chết ở đây, mặt hướng về phương đông, họ sẽ đi thẳng lên thiên đàng. Dọc theo bờ sông Gange là những lò hoả táng ngoài trời gọi là ghat, nơi người ta thiêu người chết. Đó là một quá trình thô sơ, không giống chút nào với việc hoả táng tân tiến. Trước hết, người chết được đặt trên một vài thanh củi trên một lò bằng sắt. Những miếng phân bò khô, giống như những miếng bánh tráng nâu, được đặt thẳng ngay lên thân người chết. Ghee (bơ tinh chất) được đổ lên người và củi, rồi đốt lửa, công việc này thường do người con trai trưởng của người chết thực hiện. Khi tử thi đã bị thiêu huỷ gần hết và lửa đã tắt, tro và những gì còn lại được thải xuống sông. Phần còn lại của Benares thì bụi bặm và ồn ào. Những con đường hẹp đầy ổ gà thì đông nghẹt với những chiếc xe đạp, xe máy, xe buýt, xe tải, xe hai bánh và xe ba bánh không mui. Bên đường, thiên hạ ngồi ngoài trời để đi vệ sinh. Các vị thực hành tôn giáo kỳ bí, những người mà người Ấn cho là các vị thánh, lõa thể lăn lộn trong bụi cát, ca tụng tên của thượng đế. Ăn xin, gồm người già và trẻ em, đi đầy đường với những bàn tay chìa ra. Những con chó hoang, dơ dáy, rụi lông chạy rong ngoài đường, mấy con bò cũng thế. Vì người Ấn Độ coi bò là thánh, nó được tự do đi nghênh ngang khắp đường phố. Đôi khi các chú bò này đi thẳng đến các hàng bán rau quả để gặm rau cải và trái cây. Chó, ngược lại, không được để ý hoặc bị đá ra khỏi đường. Ngay khi vừa đến Benares, tôi bắt đầu đi tìm chỗ trọ ở gần trường đại học. May mắn thay, khi đang đi trên campus (khuôn viên trường đại học), tôi gặp được một vị sư. Ông bảo tôi có thể đến ở chung dầu rằng chúng tôi vừa mới gặp nhau. Tình cờ ông cũng có cùng tên lót như tôi: Gunaratana. Ông cũng có một thứ mà tôi coi là rất quý giá: đó là một quyển sách giáo khoa tiếng Pali. Biết bao ngày chúng tôi đã cùng nghiền ngẫm quyển sách đó với nhau. Tôi không thể tin được sự may mắn của mình. Rồi chỉ hai ngày trước khi cuộc thi tuyển sinh bắt đầu, vị huynh đệ kia bỗng tuyên bố rằng ông sẽ dời đến ở chỗ khác. Duyên ở chung với nhau thật ngắn ngủi, tôi không còn chỗ nào để đi. Quá tuyệt vọng tôi đến văn phòng của hội Mahabodhi ở Benares cầu cứu. Vị sư ở đó ân cần tìm cho tôi phòng ở một chùa của người Burma gần trường. Từ chùa, chỉ đi bộ một đoạn ngắn là đến phòng thi. Tôi phải thi nhiều môn: tiếng Ấn Độ, Sanskrit, Pali, lịch sử Ấn Độ và Ấn Độ Giáo. May mắn thay tôi đã có học về Ấn Độ Giáo trong thời gian theo học ở trường Phật học Vidyalankara. Mỗi môn thi vào một ngày khác nhau. Một ngày trước ngày thi, tôi tìm gặp người bạn Gunaratana để hỏi mượn quyển sách Pali của ông trong vài tiếng đồng hồ. "Sư có biết về ngũ giới không?" ông hỏi. "Bát giới? Thập giới? Sư cần biết có vậy, vì họ cũng sẽ chỉ hỏi có vậy. Hơn nữa, tôi cũng đã mất quyển sách Pali đó rồi." Chỉ còn vài giờ nữa là đến giờ thi, tôi rất cần quyển sách đó, nên tôi đến tìm Đại Đức Sadhatissa, nhờ ông giúp đỡ. Ông đưa cho tôi một quyển sách Pali, và nói, "Tuần rồi tôi cũng đưa copy của quyển sách này cho một vị cũng tên Gunaratana. Lý ra sư có thể hỏi mượn người đó trong vài giờ." Suốt đêm tôi cắm cúi học quyển sách Pali đó. Sáng hôm sau, khi bước vào phòng thi, vị giám khảo bảo chúng tôi phải để tất cả các xách tay trên bàn ngoài hành lang. Khi tôi sắp trở lui ra cửa, Gunaratana dúi túi xách của ông vào tay tôi, nhờ tôi đặt nó lên bàn với các túi xách khác. Dĩ nhiên, ngay khi vừa ra đến hành lang, tôi lén nhìn vào túi xách của Gunaratana. Đúng như tôi đã nghi ngờ, trong đó có quyển sách Pali mà ông đã nói rằng ông không có. Đó không phải là lần đầu tiên hay là lần cuối cùng mà tôi khám phá ra một huynh đệ đã phạm giới. Nó khiến tôi rất buồn, vì người tu sĩ lý ra phải làm gương cho hàng cư sĩ. Người cư sĩ đã hết lòng tin tưởng chúng ta. Chúng ta đã truyền giới cho họ, nhưng nếu chính bản thân chúng ta không tuân theo các giới luật này, thì chúng ta là những người đạo đức giả. Dầu chỉ có một vị tu sĩ bị bắt gặp nói dối, điều đó cũng ảnh hưởng đến lòng tin của họ đối với tăng đoàn. Người ta bắt đầu kết tội chung rằng có thể tất cả các tu sĩ đều nói dối. Vì thế các vị tu sĩ chân chính phải cố gắng hơn nữa để có được lòng tin và sự tôn kính của người khác. Tôi cảm thấy buồn bất cứ khi nào tôi thấy ai nói dối, vì tôi biết rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu tới đâu. Tôi biết điều đó bằng kinh nghiệm bản thân của mình. Hồi còn nhỏ khi tôi nói dối, tôi phải làm bất cứ điều gì để che đậy sự giả dối đó. Tôi nói dối điều này để che giấu điều khác, rồi lại dối nữa để che đậy lời nói dối sau cùng. Dần dần, tôi chìm đắm trong sự gian dối và cảm thấy tội lỗi vô cùng. Phải một thời gian dài, có lẽ cho đến sau khi tôi đã thọ đại giới, tôi mới nhận ra mình đã sống giả dối như thế nào và đã phải đau khổ biết bao nhiêu khi sống trong giả dối. Cuối cùng tôi mới hiểu lời Phật dạy về sự giả dối, trong kinh Pháp Cú: "Người nói dối đã phạm luật (của sự chân thật), người ấy từ đó phải chịu sự quở trách, và không có điều xấu gì mà họ không thể làm." Cuối năm đó, lần đầu tiên tôi tiếp xúc với một nhóm người mà sau này trở thành một phần quan trọng trong công việc truyền giáo của tôi: những người hạ tiện. Nhóm người này ở tận cùng của chế độ phân chia giai cấp khắt khe trong xã hội Ấn Độ. Chế độ phân chia giai cấp cũng lâu đời như là Ấn Độ giáo, đã hơn ba ngàn năm, và vẫn còn bền vững. Người theo Ấn Độ giáo tin rằng một người được sanh vào một giai cấp nào đó, dầu cao hay thấp, là tuỳ theo ý muốn của đấng tạo hoá. Có bốn giai cấp chánh. Bà La Môn, là giai cấp thượng đẳng, được tin là sanh ra từ miệng của đấng Brahma. Bổn phận của họ là phải học kinh Vệ đà (Kinh thánh Ấn Độ giáo), dạy cho các Bà la Môn khác, giảng đạo, hành các lễ nghi tôn giáo, phục vụ, cố vấn nhà vua cách trị vì xứ sở. Giai cấp thứ hai, gọi là Kshatriyas (nghĩa là "những người cai trị"), được cho là sanh ra từ nách của đấng Brahma. Những người Kshatriyas là các chiến sĩ và các vị vua vì thế họ được quyền sử dụng vũ khí để củng cố luật lệ và bảo vệ xứ sở. Giai cấp thứ ba là Vaisyas. Họ được coi là sanh ra từ bụng của đấng Brahma. Bổn phận của họ là nuôi dưỡng dân chúng. Do đó họ nắm giữ một số nghề nghiệp khác nhau như là: nông dân, nhà buôn, người trao đổi hàng hóa. Họ cũng tham gia vào các dịch vụ thương mại như ngân hàng, chứng khoán, cho vay và kinh doanh. Giai cấp thứ tư là Sudras, được tin là sanh ra từ chân của đấng Brahma. Họ làm những công việc thấp hèn như là giúp việc nhà cho các giai cấp cao hơn hoặc lượm lặt đồng nát hay những thứ có thể tái chế. Người Hạ tiện thì còn dưới cả giai cấp Sudras rất nhiều đến nỗi họ không được coi là có một giai cấp. Họ buộc phải làm những công việc tay chân rất gớm ghiếc như là: dọn dẹp ống cống, kéo rác, dọn dẹp xác súc vật chết ngoài đường và nhặt phân bò để làm nhiên liệu. Khi tôi ở Ấn Độ, giai cấp hạ tiện không được quyền đi học, hay đi xem phim, hoặc đến tiệm ăn, vào công viên, vì họ có thể làm 'lây nhiễm' cho những người ở giai cấp cao hơn. Khi đi ra đường, họ bị buộc phải mang một cái chuông quanh cổ, để cho người khác có thể nghe họ đến gần mà tránh xa đi. Những người hạ tiện này không được phép uống nước ở các giếng nước công cộng; nước uống của họ phải lấy từ các cống rãnh ngoài trời. Khi người Anh cai trị Ấn Độ, họ ra các luật chống lại sự phân biệt dựa trên giai cấp này. Năm 1947, hiến pháp mới ở Ấn Độ đã chính thức xoá bỏ chế độ phân chia giai cấp, dầu vậy nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Ý tưởng phân chia giai cấp đã quá ăn sâu trong tín ngưỡng của Ấn Độ giáo, lại được các giai cấp thượng lưu ủng hộ, nên gần như không thể nào xoá bỏ được. Hôn nhân giữa các giai cấp gần như không hiện hữu, và các nhà chính trị thường lợi dụng sự phân chia giai cấp để làm lợi cho mình. Điều đó rất giống như sự phân chia màu da mà tôi đã thấy ở Mỹ, dầu không được chấp nhận một cách chính thức, nhưng mà nó vẫn hiện hữu một cách vi tế và rất khó biết để xử phạt. Đức Phật đã phản đối việc phân chia giai cấp một cách quyết liệt như ta đã thấy rõ trong kinh Pháp Cú: Không phải vì màu tóc, không phải vì gia tộc, không phải vì sinh ra ở đâu mà người ta trở thành người thánh thiện. Nhưng người có lòng tin và chân thật, người ấy trong sạch, người ấy là người thánh thiện. Màu tóc của ngươi thì có nghĩa lý gì, hỡi những kẻ vô minh? Quần áo sang trọng của ngươi che giấu được điều gì? Trong tâm ngươi tán loạn; thì ngươi chỉ làm sạch được ở phía bên ngoài. Ta không gọi một người là thánh thiện bởi vì dòng tộc hay bởi vì mẹ họ quyền quí. Nếu người ấy đầy các chướng ngại, bám víu, thì người ấy chỉ là một người cao ngạo. Nhưng nếu người ấy được giải thoát khỏi chướng ngại, bám víu, thì ta gọi đó là người thánh thiện. Và trong kinh Vasala thuộc tạng kinh Khuddaka, Đức Phật giảng về một định nghĩa chính xác của một người không được xã hội chấp nhận, hay người đã bị loại ra khỏi chế độ phân chia giai cấp: "Không phải do sinh ra ở đâu mà người đó bị ruồng bỏ. Không phải do sinh ra ở đâu mà người đó là một Bà La Môn. Nhưng do hành động khiến họ bị ruồng bỏ. Do hành động khiến họ là một Bà La Môn." Nói một cách khác, một Bà La Môn có thể trở thành một kẻ hạ tiện và một người hạ tiện có thể trở thành một Bà La Môn, tuỳ thuộc vào hành động và sự bám víu của họ. Không phải vì do ai sanh ra mà có thể quyết định được số phận của chúng ta, đó là do những gì chúng ta đã làm trong cuộc đời. Đây là một trong những quan điểm căn bản mà người Phật tử có cái nhìn khác với người Ấn Độ giáo. Khi tôi ở Ấn Độ vào khoảng những năm 1950, có tám mươi triệu người thuộc giai cấp hạ tiện. Tháng 10 năm 1956, bác sĩ Bhimarao Ambedka, vị lãnh đạo xuất sắc của phong trào đòi thay đổi cuộc sống của người hạ tiện, đã cải đạo thành Phật giáo, một tôn giáo mà ông đã khám phá, oái ăm thay, trong thời gian học tại Anh. Đối với Ambedkar, Phật giáo là con đường của lòng bi mẫn, là lối thoát ra khỏi hệ thống phân chia giai cấp khắc nghiệt mà Ấn Độ giáo ủng hộ. Đối với những người hạ tiện, câu chuyện đời của bác sĩ Ambedkar là một nguồn cảm hứng tuyệt vời. Khi còn là một cậu bé, ông lắng nghe các bài giảng bên ngoài các lớp học mà ông bị cấm không được vào vì giai cấp của mình. Một ngày kia, khi không có ai trong lớp có thể giải một bài toán, người thầy giáo đã gọi Ambedkar vào lớp để thử giải trên bảng. Ông đã giải được bài toán, nhưng những đứa trẻ khác sau đó đều vứt túi đựng đồ ăn trưa của chúng vào sọt rác vì đã có bóng của ông in lên khi đi ngang qua chúng. Được cha khuyến khích, Ambedkar tiếp tục học hành. Những năm học trung học, ông phải ngồi bên ngoài để dự các kỳ thi. Nhưng điểm thi của ông rất cao đến nỗi vị thống đốc của bang cũng chú ý đến người thanh niên trẻ này, và giúp đỡ để ông được sang học tại New York, rồi sau này là London. Ở đó, trong một thế giới không có sự phân chia giai cấp, tài năng của Ambedkar đã nở rộ. Ông có bằng về luật và hai bằng tiến sĩ về triết và kinh tế. Tuy nhiên, lần đầu tiên khi ông bước vào tòa án Ấn Độ với tư cách là một luật sư, thì tất cả mọi người trong phòng -thẩm phán, các vị luật sư khác, bồi thẩm đoàn, và những người dự thính- đều bỏ ra ngoài. Chế độ phân chia giai cấp vẫn còn rất mạnh mẽ. Vì thế Ambedkar tham gia chính trị. Ông dễ dàng được một ghế trong quốc hội vì tất cả những người hạ tiện ở bang Maharashtra đều bầu cho ông. Khi Ấn Độ sẵn sàng để tuyên bố độc lập khỏi sự thống trị của Anh năm 1947, Ambedkar là chủ tịch của hội đồng phác thảo bản hiến pháp mới của xứ sở này. Trong đó có những đoạn nói đến sự thống khổ của những người hạ tiện và những người thuộc giai cấp thấp. Hiến pháp mới đề nghị cho họ học bổng ở các trường dạy nghề, được ở nhà dành cho người có thu nhập thấp, được giảm thuế và những sự giúp đỡ khác về kinh tế. Ambedkar là một người anh hùng đối với những người hạ tiện. Ông là vị lãnh đạo được họ kính trọng, yêu thương suốt mười năm, và khi ông cải đạo sang Phật giáo, nửa triệu người hạ tiện cũng làm theo gương ông. Đáng tiếc, hai tháng sau đó ông đã ra đi, vào tháng 12 năm 1956. Vì tôi nói tiếng Ấn Độ giỏi, tôi thường được yêu cầu đi giao tiếp với những người hạ tiện đã cải đạo sang Phật giáo, nhất là sau khi Ambedkar mất. Tháng 12 năm 1956, không lâu sau khi Ambedkar mất, một buổi sáng kia, đại đức Pannatissa đến gặp tôi lúc bốn giờ rưỡi. Đi cùng với ông có hai người nghèo khổ, áo quần tả tơi. "Đây là những người hạ tiện," đại đức Pannatissa bảo với tôi. "Hôm nay tro của Ambedkar sắp được mang đến Nagpur để thờ trong nhà tưởng niệm. Và hàng ngàn người hạ tiện đang chờ đợi ở đó để được quy y. Họ cần một vị tu sĩ để truyền năm giới và quy y tam bảo cho họ. Sư có thể đi không?" "Thưa vâng, dĩ nhiên là được rồi.” tôi đáp, không một chút do dự. Cuộc hành trình bằng xe lửa mất gần một ngày. Chúng tôi đến Nagpur vào khoảng ba giờ chiều. Rồi chúng tôi lại lấy xe buýt đi khoảng sáu mươi dặm nữa đến Amarawati, mất thêm năm tiếng nữa. Khi chúng tôi đến Amarawati, tôi thật kinh hoàng khi nhìn thấy hàng ngàn người tụ tập trên một cánh đồng trống cạnh bên những tòa chung cư cao ngất mà chính phủ đã xây dựng cho người hạ tiện. Người ta ở khắp nơi, hoặc đứng hay ngồi trên mặt đất. Trẻ con, bò, chó, và gà tự do đi rong khắp nơi. Ngay khi họ nhìn thấy tôi trong y áo người tu, một giọng tụng lớn bằng tiếng Marathi nổi lên từ đám đông: “Bhagavan Buddhanca jayaho! Ahaparinirvanprapta parama puyya baba saheb doctor. Ambedkar yanca jayaho!" (Đảnh lễ Đức Thế Tôn! Đảnh lễ vị giáo sư tiến sĩ Ambedkar, người xứng đáng được kính trọng vô cùng và đã đạt được giải thoát cuối cùng!). Âm thanh của một trăm ngàn giọng nói tán thán Đức Phật và tán thán vị lãnh đạo vừa mất của họ là một âm thanh rung động tuyệt vời, và gần như làm điếc tai người nghe. Tôi leo ba bậc thang lên một sàn gỗ nhỏ, và một người vẫy tay ra hiệu cho đám đông im lặng. Tôi cầm lấy micro, đọc lời quy y tam bảo và truyền ngũ giới cho họ bằng tiếng Pali. Đám đông nhiệt tình hưởng ứng, lặp lại những câu kinh truyền thống sau khi tôi đã xướng chúng. Chưa từng có bao giờ và cũng chưa từng xảy ra sau này việc tôi đã truyền giới cho một đám đông người như thế. Thật là phấn khởi. Những giọt nước mắt vui mừng làm cay mắt tôi. Sau khi đã xong phần quy y và truyền giới, tôi được mời thuyết pháp. Vì chuyến đi này quá bất thình lình, tôi đã không kịp chuẩn bị gì. Dù thế, tôi vẫn cố gắng để thuyết pháp trong ba mươi phút bằng tiếng Ấn Độ về sự quan trọng của việc quy y và thọ giới, và về việc trở thành một người Phật tử bằng chính sự tự do lựa chọn của mình. Ngày hôm sau, bài nói chuyện ngay tại chỗ của tôi được tóm tắt và đăng trong tờ báo hằng ngày. Suốt bốn ngày sau đó, tôi luôn phải giao tiếp với những nhóm người hạ tiện từ khắp nơi trong vùng đó của Ấn Độ. Người ta đưa tôi đi từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, bắt đầu từ bảy giờ sáng và đôi khi tiếp tục cho đến thật khuya trong đêm. Những người hạ tiện này hình như rất đói khát các món ăn tinh thần. Vào ngày 24 tháng mười hai, chúng tôi đến Wardha, một thành lũy của Ấn Độ giáo. Đây là lần đầu tiên một buổi họp ở nơi công cộng dành cho Phật tử được tổ chức ở đây. Vào lúc mười giờ tối đó tôi đi ngủ, mệt nhoài vì chương trình liên tục của mấy ngày vừa qua. Ngay sau khi tôi vừa vào giường, một người đàn ông chạy vào phòng tôi, đưa cho tôi một lá thư, rồi chạy ra. Lá thư được viết bằng tiếng Anh. “Đừng dự buổi họp ngày mai," lá thư cảnh báo, "nếu không người ta sẽ giết ông." Tôi gọi người chủ nhà, và đưa cho ông xem lá thư. Ông cau mày lo lắng. "Ai đưa cho sư cái này?" ông hỏi. Tôi tả lại người đàn ông đã chạy vào phòng tôi. Người chủ nhà lắng nghe chăm chú, rồi đi kêu gọi thêm vài người đàn ông nữa để canh gác phòng tôi suốt đêm. Tôi cố gắng ngủ. Nhưng khoảng một tiếng sau, tôi nghe lào xào ở ngoài hành lang. "Chúng tôi muốn thưa chuyện với Swamiji," tôi nghe một vài giọng nói cùng một lúc. Họ dùng cách gọi phổ biến của người Ấn Độ để bày tỏ lòng cung kính đối với người tu. Nó có nghĩa là "Sư kính mến." "Không được," người chủ nhà trả lời. "Đại đức đã mệt. Ông ấy đã thuyết pháp không ngừng nghỉ suốt mấy ngày nay, nên cần được nghỉ ngơi. Không ai được gặp ông tối nay." Họ phản đối, "Swamiji không phải chỉ của ông, mà của chúng tôi nữa. Hãy cho chúng tôi gặp đại đức." "Không! Đại đức đang nghỉ. Hãy đi đi." "Chúng tôi sẽ không đi đâu cho đến lúc được gặp Đại đức." Cuộc giằng co kéo dài thêm một lúc nữa, rồi cuối cùng các vị khách cũng đồng ý ra về, khi người chủ nhà hứa sẽ cho họ được gặp tôi ngày hôm sau. Người chủ nhà xin lỗi tôi vì sự náo động vừa xảy ra. "Swamiji, đây là địa bàn của người Ấn Độ giáo," ông nói. "Có rất nhiều kẻ cuồng tín về tôn giáo và chủng tộc ở đây. Họ không thích việc Sư giảng giải Phật Pháp ở đây. Lại còn việc quá nhiều người Hạ tiện cải đạo sang Phật giáo là quá nguy hiểm. Nếu ai mời Sư đi dự hội họp ở đâu ngày mai, xin đứng đi. Không an toàn đâu." Nhưng đã có một buổi hội họp dự định vào ngày hôm sau lúc 4 giờ chiều, ở một thành phố gọi là Goregaong, cạnh bên một dự án xây nhà cho người Hạ tiện. Tôi phải làm lễ quy y, truyền giới và thuyết pháp cho một đám đông khác. Khi lái xe đến đó, chúng tôi đi qua những đoàn người đang hào hứng tiến về nơi tập họp. Ở cửa ra vào xảy ra việc lộn xộn - xô đẩy nhau, chửi bới nhau. Tôi được dặn cứ ở trong xe cho an toàn. Cuối cùng khi mọi thứ đã trật tự trở lại, tôi được bảo vệ đưa đến một khán đài vừa dựng tạm lên. Người tổ chức báo rằng đã có vài kẻ côn đồ muốn xông vào phá cuộc mít-ting. Chúng đòi tôi phải đi theo chúng mà không được thuyết pháp, rồi ấu đả với những người tổ chức chương trình khi những người này từ chối giao tôi cho họ. Có một người bị gãy chân trong cuộc hỗn chiến, còn đồng bọn thì đã tháo chạy. Sau này tôi được biết tôi đã thoát được một vụ mưu tính bắt cóc trong gang tấc. -ooOoo- Chương 13 Dưới Cây Đại Bồ Đề Mùa hè năm 1956 tôi sốt sắng lên kế hoạch để rời khỏi Sanchi. Dầu rất yêu thích ngôi chùa này và công tác Phật sự của tôi ở đó, nhưng tôi đã chán ngán cách đối xử không tốt của đại đức Pannatissa. Tuy nhiên hợp đồng tôi ký ban đầu với hội Mahabodhi là năm năm, vậy là vẫn còn ba năm nữa. Một ngày kia chùa đón tiếp một nhóm các vị khách rất đặc biệt, trong đó có đại sư Narada và đại đức K.Dhammananda. Vào lúc đó, đại sư Narada là một vị giảng sư nổi tiếng nhất ở Ceylon, vì sư có thể giảng pháp bằng cả hai thứ tiếng Sinhala và tiếng Anh, và đại đức Dhammananda là chủ tịch của Tăng Đoàn Phật giáo ở Malaysia. Tôi biết đại đức Dhammananda có một ngôi chùa rất lớn ở Kuala Lumpur. Tôi đánh bạo đến bên đại đức và hỏi nếu như người có cần một tu sĩ trẻ ở Malaysia. "Có chứ," Sư trả lời. "Nếu sư thích đến Malaysia, tôi sẽ giúp. Cho tôi biết khi sư đã sẵn sàng." Vài phút sau đó, đại sư Narada bỗng nhiên nói với tôi: "Gunaratana, kiến thức của sư về Sanchi và cách sư giải thích về các khắc chạm trên cổng rất tốt. Sư lại nói được tiếng Anh, tôi có thể dàn xếp cho sư đến Malaysia nếu muốn.” Hai lời mời đầy hứa hẹn trong năm phút – tôi thật là may mắn! Tôi thưa với cả hai vị sư rằng tôi bị ràng buộc bởi một hợp đồng năm năm với hội Mahabodhi, nhưng tôi sẽ xem nếu tôi có thể dàn xếp như thế nào đó. Điều mà tôi không thưa với họ là tôi cũng đã nhận được một lời mời khác vài tháng trước đó, khi Devapriya, Tổng thư ký của hội Mahabodhi, đến thăm Sanchi. Sau khi tôi chất vấn đại đức Pannatissa về việc không chân thật với người đầu bếp, đại đức đã than phiền với Devapriya rằng ông không muốn có một tu sĩ như Gunaratana ở trong chùa của ông nữa. Devapriya không nói gì đáp lại, nhưng sáng hôm sau ông mời tôi cùng đi với ông đến Bhopal. Ông muốn nói chuyện riêng với tôi, và trên xe lửa, ông nói thẳng với tôi rằng ông biết đại đức Pannatissa là người không thành thật. "Tôi muốn sư chuyển đến Calcutta hay Bodhgaya,” ông nói. "Tôi sẽ gửi cho sư một lá thư bổ nhiệm mới." Trong khi chờ đợi lá thư đó, tôi tự viết một lá thư gửi cho vị Cao ủy ở New Delhi. Hộ chiếu khẩn cấp của tôi, được xuất khi tôi rời Ceylon để đến Ấn Độ, sẽ hết hạn trong một vài tháng và cần phải được gia hạn. Đến tháng 12, 1956, tôi vẫn chưa nhận được hồi âm, và tôi bắt đầu lo lắng. Hộ chiếu của tôi sẽ hết hạn vào cuối tháng giêng, vì thế tôi lại viết một lá thư khẩn thiết hơn. Vào ngày 5 tháng 1, với không hơn ba tuần còn lại trên hộ chiếu của mình, tôi nhận được thư trả lời. Vị Cao uỷ gửi cho tôi một lá đơn xin hộ chiếu khẩn cấp mới và bảo nếu tôi nộp đơn trở lại với sự bảo lãnh của một bác sĩ hay luật sư uy tín ở Ceylon, thì đơn của tôi sẽ được chấp thuận. Một lần nữa, vì tôi không có đồng nào, tôi lại cần một người đỡ đầu. May mắn thay một vị bác sĩ người Ceylon đã đến thăm viếng Sanchi vài ngày sau đó. Tuy nhiên khi tôi nhờ ông ký giùm giấy bảo lãnh, ông từ chối vì cảm thấy ông chưa biết tôi đủ. Vài ngày sau đó, lại có một vị luật sư đến Sanchi. Ông mời tôi cùng đi với ông trong chuyến hành hương để thăm viếng bốn thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng nếu tôi đi với người này, ông ta có thể giúp tôi, vả lại tôi vẫn luôn mong muốn được thăm viếng những nơi này. Ngày hôm sau chúng tôi lên đường, hướng đến New Delhi. Buổi sáng kế tiếp, chúng tôi viếng đền thờ Taj Mahal lộng lẫy ở Agra. Rồi, sau khi chúng tôi đến New Delhi tôi nhờ vị luật sư ký giấy bão lãnh để tôi xin hộ chiếu khẩn cấp. Ông bảo rất vui lòng. Tôi đến văn phòng của vị Cao ủy, và đối mặt với người đã phớt lờ lá thư mà tôi gửi bảy tháng trước đó. "Thưa ông," tôi nói, "tôi đã gửi cho ông một lá đơn bảy tháng về trước. Ông có nhận được không?” "Đừng hỏi tôi bất cứ điều gì về việc đó,” vị cao ủy ngắt lời. "Tại sao không?" tôi hỏi. "Tôi cũng không thể trả lời câu hỏi đó.” Tôi giận sôi và sự ngông cuồng của tuổi trẻ nổi lên trong tôi. Tôi tức giận vì nghĩ do tôi là một tu sĩ, nên bị coi thường. Tôi cũng giận vì phải cần người làm chứng cho mình. "Thưa ông, tôi đã đi sáu trăm cây số để gia hạn hộ chiếu với ông. Ông đại diện cho xứ sở của tôi ở Ấn Độ này. Tôi có quyền để hỏi ông những câu đơn giản này chứ." Bỗng nhiên người luật sư lên tiếng. "Tôi đến đây để giúp vị tu sĩ này, nhưng giờ tôi cảm thấy phải phản đối ông ấy. Ông ấy nghĩ mình biết hết mọi việc." "Tôi không nghĩ là tôi biết tất cả mọi việc," tôi chống chế. "Nhưng tôi biết mình có quyển để hỏi vị này một câu hợp lý." Người luật sư chồm tới và nói nhỏ vào tai tôi. "Đừng lo, tôi đồng ý với sư. Vị Cao ủy này là người cao ngạo, đáng ghét, nhưng ông ta có quyền từ chối không cho sư hộ chiếu, vì thế tốt hơn hết là hãy kiên nhẫn với ông ta." Dĩ nhiên, người luật sư nói đúng. Không bao giờ nên tranh cãi với người có quyền hạn mà người đó lại tự mãn với quyền lực của mình. Tôi không nói thêm một lời nào nữa và vị cao ủy, với một nụ cười gượng gạo, nói rằng ông sẽ gửi hộ chiếu mới đến Sanchi cho tôi trong ba ngày tới. Chúng tôi rối rít cảm ơn ông, chào đi, chào lại, rồi đi ra. Cuộc hành hương của chúng tôi bắt đầu ở Kushinagar, nơi Đức Phật nhập diệt ở miền Bắc Ấn Độ. Ở đó có một ngôi chùa bằng vàng nhỏ, với chỉ một vị sư già trông coi. Vị sư này rất thân thiện, dẫn chúng tôi đi cùng khắp quanh chùa. Tôi cảm thấy tràn đầy niềm vui được đến nơi mà Đức Phật đã từng có mặt. Vị lão sư và tôi đọc lại một số đoạn của Kinh Mahaparinibbana (Kinh Đại Niết Bàn), chứa đựng những lời dạy của Đức Phật ngay trườc khi Ngài nhập diệt: "Hãy tinh tấn tu tập giải thoát. Đừng sao lãng việc tu tập." Chỉ hai câu đơn giản đó đã tóm tắt tất cả bốn mươi lăm năm thuyết pháp của Đức Phật. Điều Đức Phật muốn nhắn nhủ là người tu hành không được lãng phí một giây phút nào. Chúng ta phải luôn cố gắng chánh niệm không ngừng, với mục đích là để hiểu được chân lý cuộc sống, để chúng ta có thể được giải thoát khỏi khổ đau. Đây là những lời Đức Phật thuyết giảng cho các đệ tử của ngài trong một bài kinh khác: Đừng sống trong quá khứ, Sau thời gian ở Kushinagar, chúng tôi đi taxi đến Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sinh, ở ngay biên giới với Nepal. Lâm Tỳ Ni rất xuống cấp, cỏ mọc đầy, và bò tự do chạy rong. Chỉ có một đền thờ nhỏ đánh dấu nơi mẹ của thái tử Siddhattha, hoàng hậu Mahamaya đã lâm bồn trong rừng cây. Một trụ đá do vua Ashoka dựng lên, để báo rằng đây là nơi thái tử Siddhattha Gotama được sinh ra. Gần đó trong một túp lều chỉ vừa đủ lớn để bước vào, có một bàn thờ bằng đá có khắc cảnh hoàng hậu Mahamaya níu vào một cành cây, trong khi các cung nữ giăng màn che quanh bà. Bàn thờ chất đầy hoa tươi, đèn nhang. Chúng tôi ngồi tọa thiền ở đó một lúc. Đó là một nơi đặc biệt nhưng tôi cảm thấy buồn khi thấy một thánh địa không được ai chăm sóc. (Hiện tại, Lâm Tỳ Ni đã tốt hơn. Xứ Nepal, dầu quốc đạo là Ấn Độ giáo, vẫn cho phép các Phật tử trùng tu lại nơi Phật đản sinh. Một vài quốc gia, kể cả Tích Lan và Burma, cũng đã có chùa ở đó, và "ngôi chùa hoà bình" quốc tế vĩ đại đã được dựng lên). Ngày hôm sau chúng tôi đến Sarnath, miền bắc Ấn Độ, nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên trong Vườn Nai (Deer Park) nổi tiếng. Trong lúc đi quanh những vườn cây yên tĩnh đầy xoài, ổi và các loại cây nhiệt đới khác, tôi gặp Ponnamperuma, một người bạn làm việc ở văn phòng hội Mahabodhi vùng Sarnath. "Huynh nhận được thư chưa?” ông hỏi tôi ngay lập tức. "Thưa chưa, " tôi trả lời. "Có một lá thư bảo đảm của đại học Benares gửi đến văn phòng chúng tôi. Lá thư đề chỉ trao cho đại đức Gunaratana, vì thế tôi mang lá thư đến cho một tu sĩ cùng tên ở Benares. Ông mở thư ra và nói rằng đó là thư của Sư, không phải của ông. Ông ấy bảo sẽ chuyển thư cho sư." Vì chúng tôi đang ở gần Benares, nên tôi đến chùa, tìm đại đức Potuwila Gunaratana. Đó là vị tăng sĩ mà tôi đã sống chung một thời gian ngắn, ngay trước kỳ thi tuyển sinh đại học. Ông đã từ chối cho tôi mượn sách và đã nói dối với tôi. Tôi biết ông không phải là bạn mình. "Tôi đã chuyển thư cho Sư lâu rồi," ông bảo tôi. "Có thể bưu điện đã làm mất." Tôi nghi là ông đã nói dối, nhưng điều tôi quan tâm nhất là nội dung lá thư. "Sư đã mở thư," tôi nói. "Vậy thư nói gì?" "Tôi không biết, tôi không đọc kỹ,” ông trả lời. "Hình như về đơn xin nhập học của ông. Hình như đã bị từ chối." Ông mỉa mai. Hình như ông rất thích thú về điều đó. Không thể hỏi thêm được điều gì, nên tôi đến gặp đại đức Hammalawa Saddhatissa, là vị giáo sư người Benares, người đã khuyên tôi nộp đơn vào đại học. Ông bảo đúng là tôi đã bị từ chối, nhưng ông giúp tôi tìm ra lý do tại sao: tôi đã quên ký tên vào phía sau bức ảnh mà tôi nộp với đơn xin nhập học, và thế là đơn nhập học của tôi không được xét đến! Còn năm ngày nữa mới hết thời hạn, và đại đức Saddhatissa khuyên tôi nên nộp một đơn nhập học mới. Tôi báo cho người bạn luật sư biết tôi cần ở lại Benares một vài ngày và khuyên ông nên tiếp tục cuộc hành trình một mình. Rồi tôi bắt đầu bị cuốn vào việc phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để nộp đơn trở lại. Trước hết tôi phải chụp ảnh lại và tôi đã van nài người thợ ảnh nhanh chóng rửa ảnh. Nhưng tôi không tìm ra được tờ đơn xin nhập học nào -trường đại học cũng không còn. Có người mách rằng Potuwila Gunaratana có thể còn vài tờ, nên tôi lại cùng với Ponnamperuma, người bạn ở hội Mahabodhi, đến phòng vị này. Đứng ở cửa, Gunaratana nói ông không còn tờ đơn nào nữa, nên chúng tôi quay đi. "Ponnamperuma, tại sao ông đến đây với con người khốn khổ đó?” vị tu sĩ gọi với theo. Dĩ nhiên là ông ám chỉ tôi. "Nếu ông đi một mình, có thể tôi sẽ cho ông một tờ đơn. Nhưng ông đi với người đó ... thì hãy quên đi!” Lần nữa tôi lại quay qua đại đức Saddhatissa cầu xin giúp đở. Cả hai chúng tôi đi khắp trường cho đến khi chúng tôi tìm được người có dư một tờ đơn. Lúc đó đã chín giờ rưỡi tối, đêm hôm trước ngày hết hạn nộp đơn. Ngày đã qua đi nhanh chóng và không còn thời gian nữa. Tôi ngồi xuống để điền đơn. Ngay hàng đầu tiên người ta đã đòi biên lai chứng nhận rằng tôi đã nộp mười lăm rupee trong lần nộp đơn trước. Họ đòi con số trên tờ ngân phiếu mà tôi đã gửi và dĩ nhiên tôi không thể nào nhớ được chi tiết đó. Vì thế sau tất cả những cố gắng điên cuồng đó, tôi cũng đành bó tay. Tôi không thể nộp đơn xin học. Lúc đó, trước khi máy vi tính trở thành thông dụng, một việc đơn giản như thế cũng có thể khiến người ta không thể nộp đơn và vì thế tôi không thể vào đại học. Để giảm bớt sự thất vọng của mình, tôi quyết định tiếp tục cuộc hành hương. Tôi tụ họp một số bạn để cùng đi đến Bodhgaya. Đến được đó, ở tại nơi mà Đức Phật đã đạt được giác ngộ, khi ngồi dưới cội cây, tôi cảm thấy như được tái sinh. Khi được nhìn thấy cây bồ đề to lớn, xum xuê, trong tôi tràn đầy xúc động và hạnh phúc với tâm chí thành. Tuy nhiên, đó không phải là cây Ficus religiosa đầu tiên đã được trồng ở đó vào thời Đức Phật còn tại thế. Cây bồ đề nguyên thủy đã bị hủy diệt -đốt cháy và đầu độc- bởi vợ của vua Ashoka vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, vì bà ghen tỵ với việc chồng mình bỏ quá nhiều thế gian ở tu viện ở Bodhgaya. Sau này, vị vua thành tín đó đã trồng một cây bồ đề khác tại thánh địa này. Theo truyền thuyết, Đức Phật đã yêu cầu thị giả của Ngài, đại đức Ananda, chiết một nhánh từ cây bồ đề nguyên thủy, đem trồng ở Jetavana, nơi Đức Phật thường thuyết pháp. Vì thế cây bồ đề mới ở Bodhgaya của vua Ashoka, được chiết nhánh từ cây bồ đề của đại đức Ananda, là có nguồn gốc từ cây nguyên thủy mà vợ vua đã hủy diệt. Ngày nay, địa điểm này là nơi thu hút các đoàn hành hương Phật giáo. Người ta đi vòng quanh cây cổ thụ nhiều lần, xướng tụng "Sadhu, Sadhu, Sadhu" (Lành thay, lành thay, lành thay). Không khí đầy khói bụi của nhang. Những cây đèn đất cháy sáng dưới gốc cây, bao bọc bởi hàng chồng hoa, trái cây và đèn cầy. Vải xà-rong quấn đầy quanh thân cây. Các vị tăng ni người Tây Tạng úp mặt lạy khi họ làm lễ. Tôi cảm thấy là tôi có thể ngồi tọa thiền hằng giờ dưới gốc cây. Tôi cảm nhận sự hiện diện của Đức Phật khi ngài sắp hoàn thành bước nhảy cuối cùng, vĩ đại vào giải thoát. Tôi tưởng tượng ra quỷ dạ xoa, trong một cố gắng cuối cùng, đưa những người con gái của nó –Tham, Sân và Si- đến để quyến rũ Đức Phật. Đứng ở đó trong bóng cây bồ đề bao la, tôi dường như nghe được tiếng của Đức Phật khi Ngài chạm mặt đất với những đầu ngón tay của một bàn tay, gọi nó chứng kiến việc đạt được giác ngộ giải thoát của Ngài. -ooOoo- Chương 14 Hành Trình Trở Lại Nhà Ngay khi vừa trở về sau cuộc hành hương, tôi đã gửi thư đến Devapriya, tổng thư ký của hội Mahabodhi, người đã hứa cho tôi chuyển nhiệm sở mới để tôi có thể rời bỏ Sanchi. Khi trao đổi với nhau trước đó, ông bảo rằng có thể sẽ gửi tôi đến Calcutta hay Bodhgaya, nhưng khi viết thư trả lời tôi, ông đã có một nhiệm sở mới trong đầu: New Delhi. Hình như có đại đức Ariyawansa, người Bengal, có thể cần đến tôi. Tôi vui mừng chấp nhận nhiệm vụ mới và sau đó tìm được một tu sĩ khác thay thế tôi ở Sanchi. Tôi báo cho đại đức Pannatissa việc tôi sắp ra đi. Phản ứng của ông đúng như tôi đã đoán trước: ông rất vui mừng được tống khứ tôi đi vì tôi không biết vâng lời. Điều duy nhất mà đại đức Pannatissa cần, trước khi tôi ra đi là bản thảo mà tôi đã viết giải thích về các hình ảnh được khắc trên các cột đá ở cổng chùa Sanchi. Tôi đã cố gắng tìm người giúp in quyển sách nhỏ bằng tiếng Anh đó, để chúng tôi có thể tặng cho khách đến viếng chùa. Tôi do dự, vì biết đại đức Pannatissa sẽ không in bản thảo mà sẽ lờ nó đi hay ngay cả hủy bỏ nó, và thế là tất cả mọi công sức của tôi sẽ tiêu tan. Tôi chắc chắn rằng đó đúng là lý do tại sao ông cần nó. Tuy nhiên, tôi biết rằng nếu từ chối, ông sẽ không bao giờ để tôi ra đi trong bình an. Vì thế tôi chỉ biết hít thở sâu vào, và trao bản thảo viết tay cho ông, rồi xách duy nhất một chiếc valise, đi xuống đồi lần cuối cùng. Tôi không một lần ngoái đầu nhìn lại. Vào ngày 1 tháng 2 năm 1957, tôi đến New Delhi, sẵn sàng vào làm việc tại văn phòng hội Mahabodhi trên đường Reading. Tôi sống trong ngôi chùa nhỏ với vị sư người Bengal, đã từng học ở Ceylon. Ông nói lưu loát tiếng Sinhala, và tiếp nhận tôi rất nồng hậu. Ngay sau đó tôi viết thư cho ông Moonasinghe, thư ký của hội Mahabodhi ở Ceylon. Tôi báo cho ông biết tôi đã chuyển về New Delhi và nhờ ông chuyển tiền chi tiêu hàng tháng của tôi đến đó. Chỉ trong vài ngày, ông đã trả lời: "Ai cho phép sư chuyển đến New Delhi?” ông viết. "Trụ sở đó là của hội Mahabodhi Ấn Độ! Chúng tôi không thể chu cấp tiền sinh hoạt hằng tháng cho sư nếu như sư còn sống ở đó. Nếu còn muốn lãnh bảy mươi lăm rupee của chúng tôi, sư phải trở về Sanchi. Ngôi chùa đó mới là sở hữu của chúng tôi." Tôi rụng rời. Tôi không hề biết các hội Mahabodhi ở Ceylon và Ấn Độ là những đơn vị tách biệt. Tôi cầu cứu với Devapriya, "Làm sao tôi có thể sống mà không có tiền sinh hoạt này?" tôi hỏi ông. "Phật tử quanh đây rất ít, tôi không thể đi khất thực quanh Delhi vì đường nào cũng đầy người ăn xin.” Devapriya viết một lá thư đến Moonasinghe, giải thích rằng ông là tổng thư ký của Hội Mahabodhi ở cả Ấn Độ và Ceylon. Với tư cách như thế, ông có quyền hạn để chỉ định, loại trừ hay chuyển đổi bất cứ tu sĩ nào và chính ông muốn tôi đến New Delhi. Sau đó, Devapriya theo dõi để chắc rằng người ta vẫn gửi tiền từ Calcutta cho tôi hàng tháng mà không có vấn đề gì. Công việc của tôi ở New Delhi là làm việc với những người thuộc giai cấp Hạ tiện đã quy y theo Phật giáo. Mỗi chủ nhật tôi đều đến chỗ họp của họ để thuyết pháp. Tôi cũng viếng thăm các cộng đồng của người Hạ tiện ở ngoại ô thành phố. Một lần đó tôi đến Beerat, là nơi người ta tin rằng Đức Phật đã giảng bài kinh nổi tiếng Mahasatipatthana, bài kinh Tứ Niệm Xứ ở đó. Tôi cũng tìm được một trường học gần đó, đại học cộng đồng Das Gupta, nơi tôi có thể ghi danh học tiếng Anh và những môn ngoại điển khác. Thầy hiệu trưởng, một người rất rộng rãi và từ bi, đã miễn phí tiền học cho tôi. Das Gupta không thể so sánh với đại học Benares về nhiều mặt, nhưng ít nhất tôi cũng được trau dồi thêm kiến thức và điều đó khiến tôi rất hạnh phúc. Vấn đề duy nhất là, từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến trường, các sinh viên khác đã dùng lời lẽ thóa mạ tôi. Tôi đoán là do họ nghĩ tôi là người thuộc giai cấp Hạ tiện vì tôi luôn có mặt ở các khu vực của người Hạ tiện. Tất cả các tu sĩ phục vụ cho Hội Mahabodhi đều được nghỉ phép mỗi hai năm. Lúc đó tôi đã ở Ấn Độ hơn hai năm, vì thế tôi đủ điều kiện, hay đúng ra là đã phải được nghỉ phép lâu rồi. Tôi nhận được thư gia đình báo rằng cha tôi bịnh nặng và họ yêu cầu tôi về thực hiện nghi lễ tụng niệm cầu an cho ông. Tôi đã trả lời rằng tôi sẽ về vào ngày 20 tháng 3. Đơn xin nghỉ phép của tôi nhanh chóng được chấp thuận, nhưng tôi không tin rằng mọi thứ sẽ hoàn toàn trôi chảy. Dầu tiền đi lại phải được tính trong kỳ nghỉ phép, nhưng văn phòng Hội không gửi cho tôi vé tàu hỏa. Khi gần đến ngày 20 tháng 3, tôi vẫn còn nôn nóng chờ đợi vé tàu. Rồi bỗng nhiên, tôi được gặp một vị sư cho biết ông có một vé tàu hạng nhất đến Bombay. Sư nói rằng ông không cần dùng vé, nên đã cho một tu sĩ khác, nhưng người này cũng không có nhu cầu sử dụng. Vào ngày 20, khoảng mười giờ rưỡi sáng, cuối cùng tôi cũng tìm ra được vị sư thứ hai. Ông nói rằng ông cũng dự định đi chuyến tàu ngày đó, nhưng vừa hoãn lại, vì thế ông trao tôi cái vé. Chuyến tàu dự định sẽ rời sân ga để đến Bombay lúc năm giờ rưỡi chiều. Tôi vội vàng chuẩn bị hành lý và vì tôi chỉ có ba rupee trên người, tôi mướn một chiếc taxi ba bánh, một loại xe đạp có ba bánh thật to -với người điều khiển đạp xe ở phía trước và hành khách ngồi ở phía sau -để đưa tôi đến trạm xe lửa. Vé tàu hạng nhất đến Bombay cho phép tôi được lên xuống ở nhiều trạm nếu tôi muốn, vì thế tôi đã tham quan một số nơi. Trên đường đi, tôi dừng lại ở một số chùa, mỗi nơi ở lại một hay hai đêm. Và tôi cũng viếng được những hang Phật nổi tiếng ở Ajanta và Allora. Lúc tôi đến Bombay thì đã đầu tháng 4. Tôi bước ra khỏi tàu không biết chắc mình phải làm gì. Tôi chỉ mới đi được nửa đường về nhà mà đã hết tiền. May mắn thay, tôi gặp một nhóm khoảng hai mươi người Sinhala. Họ đang đi hành hương ở Ấn Độ, và đang trên đường trở về nhà ở Ceylon. Họ nói rằng họ đã giữ chỗ cả một buồng tàu hỏa, nên vẫn còn đủ chỗ cho tôi tháp tùng theo họ, và tôi đã làm thế. Đêm đó, tôi để túi xách dưới gối nằm ngủ. Việc trộm cắp trên tàu hỏa rất thường xảy ra, vì thế tôi phải cẩn thận. Trong túi xách đó có tất cả những giấy tờ tùy thân của tôi, kể cả công văn hộ chiếu khẩn cấp mà khó khăn lắm tôi mới xin được. Sáng hôm sau, thức dậy thì tôi thấy túi xách đã biến mất, ai đó đã rút nó ra khỏi gối nằm của tôi! Tôi lục tung mọi xó xỉnh, nhưng cũng không thể tìm được chiếc túi. Tôi biết rằng mình không thể đi qua biên giới giữa Ấn Độ và Ceylon nếu không có công văn chứng thực đó. Tôi cần phải xin một công văn khác, mà nơi gần nhất là Madras. Vì thế tôi trao hành lý cho một trong những vị khách hành hương Sinhala mà tôi vừa quen. Tôi nhờ ông trao lại những vật này cho bất cứ ai trong gia đình đến đón tôi ở trạm cuối cùng. "Không," người khách nói. "Hãy đi với chúng tôi đến Mandapam, trạm kiểm soát hộ chiếu để báo lại sự việc với hải quan. Hy vọng rằng họ có thể viết cho Sư một thông tư giải thích mọi việc với chính quyền Ceylon. Nếu họ không tin thì Sư có thể trở về Madras để xin giấy tờ khác.” Tôi không tin tưởng lắm về lời đề nghị này. Nếu cuối cùng mà tôi phải trở lại Madras khi tôi đã ở Mandapam, thì chuyến đi của tôi sẽ còn bị trì hoãn thêm nữa. Nhưng họ cố thuyết phục tôi. Đứng trong hàng chờ đợi kiểm soát giấy xuất nhập cảnh ở Mandapam, tôi rất lo lắng. "Lý ra mình phải trở lại Madras sớm hơn," tôi suy nghĩ. Trong đầu tôi một hình ảnh khiến tôi cảm thấy thật bất an, nhưng không thể xua đuổi khỏi tâm trí: hình ảnh đám táng của cha tôi. Tôi nhìn thấy mẹ, các anh chị em tôi khóc khi họ đứng quanh quan tài của cha. Tôi cũng suy nghĩ: "Không biết tôi có phải quay trở lại gặp vị Cao ủy ở New Delhi, người đã gây khó khăn cho tôi khi tôi xin hộ chiếu lúc trước?” Khi đến lượt mình, tôi giải thích với người hải quan rằng túi xách đã bị mất cắp. May mắn thay, ông ta tin chuyện tôi kể, và lập tức trao cho tôi một lá thư để giao cho hải quan ở cửa khẩu Ceylon. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Trong lúc đó, những người hành khách đi cùng tàu, đã gom góp lại được một ít tiền cho tôi, vì họ cảm thấy tội nghiệp việc tôi bị mất cắp túi xách. Họ lén bỏ tiền vào tay nải của tôi. 5 giờ sáng hôm sau, ngày 6 tháng 4 năm 1957, tôi về đến Ceylon. Khi tàu vào ga ở Kurunegala, tôi nhìn quanh tìm những khuôn mặt thân thuộc nhưng không thấy ai. Tôi cảm giác giống như lần đầu tiên xa nhà -chỉ có một mình. Dùng tiền mà những người hành hương Sinhala đã gom góp cho, tôi mướn một chiếc taxi. Xe chạy qua những trang trại dừa gần Malandeniya, cho tới khi không còn đường đi nữa. Tôi phải đi bộ khoảng đường còn lại, qua những ruộng lúa mà nhiều năm trước tôi và Gunawardhena đã lẻn băng qua khi chúng tôi bỏ chùa chạy trốn. Khi tôi về đến chùa, tất cả hoàn toàn yên ắng. Sư phụ tôi không có ở chùa, nên tôi hỏi một nhóm cư sĩ. "Sư phụ ra ga đón thầy,” một người bảo với tôi. "Sư phụ đi rồi," một người khác nữa nói. Tất cả thì thầm một cách lo âu với nhau và liếc nhìn tôi. Chắc chắn có điều gì đó không bình thường. Cuối cùng lúc 10 giờ, sư phụ tôi bước vào khuôn viên chùa. Tôi đảnh lễ xuống chân sư. "Sư vừa đến thăm gia đình con," ông nói với tôi. "Cha con vừa mất tối qua." -ooOoo- Chương 15 Đám Tang Cha Tôi điếng người. Tôi đã trở về Ceylon chỉ trễ một vài giờ. Cha tôi mất ở tuổi 79. Tôi đã không về kịp để thực hiện nghi lễ tụng niệm cầu an cho cha như tôi đã hứa với gia đình. Tôi biết mẹ chắc buồn lắm. Tôi mướn một chiếc taxi khác, chạy về Henepola. Vừa nhìn thấy tôi xuất hiện trong sân ngôi nhà nhỏ, bà đã oà khóc. "Đáng lý ra con về làm lễ cầu an cho cha," bà sụt sùi. "Nhưng bất ngờ chưa! Cha con đã ra đi.” Nước mắt tuôn tràn xuống mặt tôi. Trước hiên nhà, xác cha tôi mặc áo chemise và xà-rong trắng, được đặt nằm ngay trên chiếc giường nơi ông mất đã hai ngày. Để che lấp mùi hôi, chúng tôi đốt nhang và lá chanh. Mấy cây đèn dầu cháy nhấp nháy ở đầu và chân giường. Công việc đầu tiên của chúng tôi là mời vị sư ở chùa trong làng đến để làm đám táng. Vị sư này lại có thể mời thêm nhiều vị khác, bằng cách đi từ chùa này đến chùa kia chuyển lời. Đám táng ở Ceylon không cử hành trong chùa, mà làm ngay tại nhà người chết, nếu nhà đó có sân rộng đủ cho mọi người đến viếng ở bên ngoài. Nếu nhà không đủ rộng, các thầy sẽ đến nghĩa trang làm lễ, tụng kinh ở ngoài huyệt chôn người chết. Mặc dầu mọi người trong làng đều đã biết việc cha tôi mất, nhưng chúng tôi cũng phải đích thân đến từng nhà mời mọi người đến dự đám táng. Việc này do anh tôi, Rambanda, đảm nhiệm. Lý ra Tikiribanda, là con trai cả, phải làm chuyện này, nhưng anh đang đi xa và mẹ tôi không biết làm sao để nhắn tìm anh. Anh còn không biết rằng cha của chúng tôi đã mất. Theo truyền thống Sinhala, lá trầu được dùng để mời cho tất cả mọi trường hợp. Ở mỗi nhà, bạn sẽ cầm ba lá trầu trong tay, và khi chủ nhà mở cửa, bạn sẽ trao các lá trầu cho người ấy. Chỉ bằng cách nhìn sự xếp đặt của các lá trầu, người đó sẽ biết là họ được mời cho dịp nào. Đối với những chuyện vui –đám cưới, tân gia, đặt tên con- thì các lá trầu sẽ được sắp xếp với cọng trầu hướng về khách. Khi là tang lễ, thì đuôi lá trầu sẽ hướng về khách. Đây là một nghi lễ quan trọng và chúng tôi không thể bỏ qua nhà nào, nếu không họ sẽ cảm thấy rất buồn lòng. Ở Ceylon, tất cả mọi người trong làng đều đến thăm viếng đám tang, dù họ có quen với người chết hay không. Bạn sẽ bị coi là thất lễ khi không đến dự lễ tang vì bất cứ lý do gì. Trong hai ngày trước khi chôn, nhiều bạn bè và hàng xóm đến nhà chúng tôi để chia buồn. Vì một gia đình đang có tang chế không nấu ăn nên các vị khách mang đồ ăn đến cho chúng tôi. Tất cả mọi hình và kiếng trong nhà đều được xoay mặt trở vào tường. Mẹ và các chị em tôi khóc suốt. Rambanda và tôi đi bộ gần năm cây số để đến tiệm mua một khúc vải trắng dùng trong đám tang. Thường, miếng vải đó phải dài khoảng hai mươi thước, nhưng chúng tôi chỉ đủ sức mua tám thước. Trong lúc đó, những người bạn của gia đình đi thu gom gỗ để đóng cho cha tôi một cái hòm. Nhóm khác thì ra nghĩa trang đào mộ, một công việc phải mất cả ngày mới xong. Ngày tẩn liệm, gia đình và tôi chuyển xác cha vào hòm trong lúc những người hàng xóm đốt pháo ngoài sân theo đúng tục lệ. Nắp hòm được hé mở để chúng tôi có thể nhìn mặt cha lần cuối. Dân làng cứ tiếp tục đến, cho đến khi có khoảng bốn trăm người rảo quanh trong vườn. Chiều hôm đó, có mười vị tu sĩ đã đến nhà chúng tôi. Sau khi thăm viếng người chết, họ đến ngồi trên những chiếc ghế mà chúng tôi đã phủ vải lên. Vị sư trưởng truyền tam quy và ngũ giới cho mọi người. Rồi Rambanda mở xấp vải trắng mà chúng tôi đã mua ra, trao cho vị sư trưởng. Vị này lại chuyền nó xuống cho các vị sư khác, để mỗi người có thể nắm một phần của miếng vải. Rồi tất cả đồng loạt tụng bài kinh truyền thống của Đức Phật về vô thường. Những lời kinh tụng dĩ nhiên là bằng tiếng Pali, nhưng trong tiếng Anh, chúng có nghĩa là: Tất cả mọi hữu lậu đều vô thường, đều đến
rồi đi. Các ý niệm về vô thường và sự chết là một trong những phần khó nhất để thuyết pháp. Người ta bực tức khi phải nghe những điều như, "Tất cả chúng ta đều đang chết, từng giây phút," hay “Tất cả đều vô thường; chúng ta không thể bám víu vào điều gì." Nhưng đó chỉ là vì chúng ta bám víu vào những vật đang biến chuyển, những thứ mà chúng ta sẽ không thể tránh khỏi mất mát, vì thế mà chúng ta đau khổ. Nhưng nếu chúng ta thực sự nhìn thẳng vào vô thường, ta sẽ bắt đầu thấy rằng nó cũng có mặt tốt. Ta có thể đoan chắc rằng bất cứ hoàn cảnh nào đang hiện hữu trong cuộc sống của ta, chúng cũng sẽ phải thay đổi. Chúng có thể trở nên tệ hơn, nhưng cũng có thể tốt hơn. Do vì vô thường, chúng ta có cơ hội để học hỏi, phát triển, trưởng thành, dạy dỗ và thực hiện những sự thay đổi tích cực khác, kể cả việc tu tập theo con đường Phật pháp. Nếu mọi thứ trên thế gian này đều cố định, thì không có sự thay đổi nào có thể xảy ra. Người thất học sẽ luôn thất học; người nghèo đói sẽ luôn nghèo đói. Chúng ta sẽ không có cơ hội để chế ngự tham, sân, si, và những hậu quả tiêu cực của chúng. Về việc không thể tránh được cái chết, chúng ta phải nhớ rằng không chỉ là cơ thể ta trở nên già yếu, hư hoại và chết, mà các cảm giác và trạng thái tâm của ta cũng thế. Nếu bạn nhắm mắt lại chỉ trong một phút, bạn có thể cảm nhận được một cảm giác hay tình cảm đã phát sinh, trở nên già cỗi và qua đi. Nó giống như một làn sóng, trồi cao lên và rồi đổ xuống. Tương tự, những suy nghĩ của ta cũng trở nên cũ kỹ và hư hoại. Tư tưởng của ta, thức của ta, cũng trở nên già cỗi và chết. Đó là bản chất của sự hiện hữu của chúng ta, và điều đó xảy ra từng giây phút. Buổi lễ đơn giản đánh dấu sự ra đi của cha tôi kết thúc với sự hồi hướng. Mẹ, anh và các chị em tôi quỳ gối trên sàn nhà và chế nước trong bình ra các tách trong khi đọc tụng những lời hồi hướng truyền thống. Nguyện hướng công đức này đến các thân quyến của chúng tôi. Cầu cho thân quyến của chúng tôi được hạnh phúc. Khi họ tiếp tục chế nước vào tách, các vị sư tụng kinh cầu nguyện cho cha tôi được tái sinh: Như những con sông đầy nước chảy ra biển đầy nước, mong rằng những công đức này sẽ đem lại lợi ích cho người ra đi. Như nước chảy từ trên cao nguyên xuống dưới đồng bằng, mong rằng những công đức này sẽ đem lại lợi ích cho người ra đi. Với các công đức này, mong người sẽ được sống lâu, sức khỏe, tái sinh lên các cõi trời và đạt được niết bàn. Mong rằng tất cả những hy vọng và ước muốn của người đều được thành tựu, tất cả những mong cầu đều được thỏa mãn, như là được ước từ những viên ngọc ước hay mặt trăng vào ngày trăng rằm. Những lời tốt đẹp về sự tái sinh ở cõi trời biểu hiện một phần giáo lý của Đức Phật phải được người ta tin theo bằng tín tâm. Thiên văn Phật giáo tả có ba mươi mốt hành tinh hiện hữu. Có cõi của địa ngục, cõi của quỷ đói, cõi thú, cõi người và nhiều cõi trời. Người ta được sinh vào các cõi này với những mức độ sung sướng khác nhau tùy theo nghiệp của họ. Đó là do luật nhân quả quyết định cả quá trình. Niềm tin này có thể tạo nên vấn đề trong một giáo lý nhấn mạnh vào sự cố gắng và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nhưng sự thật là chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi ta chết, vì thế chúng ta phải quyết định xem có muốn chấp nhận những lời dạy của Đức Phật chỉ dựa trên lòng tin. Đôi khi làm thế là khôn ngoan. Thí dụ như bác sĩ cho bạn một toa thuốc và nói rằng nó sẽ chữa được bịnh của bạn. Bạn không biết rằng nó sẽ chữa bạn hết bịnh hay không; nhưng bạn phải có lòng tin vào sự hiểu biết và kinh nghiệm của người bác sĩ. Dầu vậy, người thiếu lòng tin cũng có thể nghĩ, "Tôi không quan tâm cho đời sống tương lai. Tôi chỉ muốn biết tôi sẽ được gì ngay trong cuộc sống này." Do vậy, Đức Phật khuyên chúng ta hãy nghĩ đến một khả năng khác. Ngài dạy, ngay nếu như không có một đời sống ở tương lai, thì làm việc thiện cũng sẽ mang đến cho bạn hạnh phúc và tâm thanh tịnh trong kiếp này. Còn nếu thực sự có một đời sống ở tương lai sau khi chết, thì người làm việc thiện sẽ được thưởng đến hai lần: bây giờ và trong kiếp sau. Mặt khác, thí dụ như bạn chọn con đường bất thiện. Ngay nếu như không có đời sống trong tương lai, bạn vẫn cảm thấy tội lỗi và khổ đau trong kiếp sống này. Còn nếu như thực sự có một đời sống tương lai sau khi chết, thì bạn sẽ phải khổ lần nữa sau này. Vì thế, dầu việc tái sinh có là một thực tại hay không, hãy buông bỏ điều ác và vun trồng điều thiện để đảm bảo cho hạnh phúc của chúng ta. Ở đám tang của cha tôi, vị sư trưởng thuyết về những điều này. Sau đó một vài người bạn, và thân quyến đứng lên, từng người một, nói vài lời ngắn ngủi về cha tôi. Cuối cùng, đến lượt tôi cảm ơn mọi người đã đến. Cho đến lúc đó, tôi đã có thể kiềm chế xúc động của mình. Nhưng khi bắt đầu mở lời, tôi không kiềm giữ được và bật khóc. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm thay lời cảm ơn. Sau đám tang của cha, tôi nán lại thêm vài ngày với mẹ; rồi sau đó tôi đi Colombo. Tôi muốn viếng trường truyền giáo Phật giáo và đến đảnh lễ lão sư Vajirananda Nayaka. Một sự thật phũ phàng đang chờ đợi tôi ở đó! "Sư đang làm gì ở đây?” là những lời chào đón không được nồng hậu của lão sư Vajirananda đối với tôi. "Chúng tôi huấn luyện cho sư, rồi sư bỏ rơi chúng tôi và gia nhập Hội Mahabodhi Ấn Độ! Giờ sư muốn trở lại ở đây, ăn cơm của chúng tôi? Sư không có quyền đến đây. Chúng tôi không muốn có mối liên hệ gì với sư nữa." Đó là bài học thứ hai của tôi về sự chia rẽ sâu xa giữa các phân hội Sinhala và Ấn Độ của Hội Mahabodhi. Rõ ràng họ là những người chống đối nhau dữ dội và lão sư Vajirananda nổi giận đối với tôi vì tôi đã cố gắng phục vụ cả hai. Không chỉ là vị lão sư đã quên lá thư tôi viết cho Sư, giải thích lý do tôi phải rời Sanchi, mà Sư cũng không muốn nghe tôi phân trần. Sư không hỏi tôi lấy một câu về tình hình ở Sanchi mà cũng không cho tôi một cơ hội để giải bày. Khi tôi đến viếng Moonasinghe, ông này cũng giận dữ. Ông vẫn ngồi trong ghế, mặc dầu người cư sĩ thường phải đứng lên chào hỏi người tu sĩ, rồi ngồi xuống sàn nhà để bày tỏ lòng kính trọng. Ông không muốn tiếp chuyện với tôi hay cả đến nhìn tôi. Đó là cung cách trong nền văn hoá Sinhala trải qua bao thế hệ. Người trẻ tuổi là không được quyền nói lên ý kiến của mình. Ngày nay nhiều tăng sĩ trẻ hoàn tục, bỏ chùa ra đi chỉ vì quá bức xúc với những sự đối xử như thế. Kết cục là chỉ còn lại các vị sư lớn tuổi phải xoay sở, cố gắng duy trì để cho chùa hoạt động. Tất cả chỉ vì cách quản lý sai, không đối xử công bằng đối với cả thế hệ già và trẻ. Khi còn nhỏ, chúng tôi không bao giờ được trả lời lại với cha mẹ. Không bao giờ. Chúng tôi phải im lặng để bày tỏ lòng kính trọng đối với người lớn. Suốt thời thơ ấu, chưa bao giờ tôi dám không đồng ý với cha tôi hay ngay cả nói to tiếng với ông. Ở trường cũng thế; các thầy biết tất cả mọi việc. Họ tuôn tràn tri thức, và chúng tôi không được quyền chất vấn hay bàn cãi về bất cứ điều gì. Vì thế suốt thời thơ ấu, tôi im lặng một cách cam phận. Khi có mặt người lớn, tôi hầu như không mở miệng. Và điều đó vẫn còn trường tồn, một cách khó tin, cho đến ngày nay, bảy mươi năm sau. Đôi khi tôi mơ thấy mình ngồi bên cha hay quý sư, mà sợ hãi không dám nói. Nỗi sợ hãi đó đã bám sâu gốc rễ vào tâm thức tôi. Vào ngày 6, tháng 5, 1957, một tháng sau đám tang của cha, tôi trở lại Ấn Độ. Tôi ở một tháng ở Madras, thăm viếng bạn bè, rồi trở về New Delhi. Ở đó tôi lại tiếp tục những bổn phận ở chùa và ở trường đại học Das Gupta. Khi Devapriya, thư ký Hội Mahabodhi, nghe rằng tôi đang theo học các lớp ở trường đại học, ông ta rất giận. Ông cố gắng thuyết phục tôi đi Bodhgaya, để thay thế vị tu sĩ ở đó, người mà ông nói là đã bị "tiếng xấu" -một ám chỉ rằng vị tu sĩ đó có lẽ đã phạm một giới trọng. Đó là vào đầu tháng 7, bắt đầu mùa mưa khi các vị tu sĩ theo truyền thống phải ở trong tu viện ba tháng, để tuân theo thời gian khi Đức Phật và đệ tử của Ngài thực hành an cư mùa mưa. Vì thế tôi bảo với Devapriya tôi không thể đi đâu ngay lập tức. Vào tháng mười, ngay khi mùa an cư vừa chấm dứt, Devapriya lại quấy nhiễu tôi. Ông gửi một lá thư khác, lần này ra lệnh cho tôi đi Bombay. "Nếu Sư không đi, chúng ta có thể bị mất một trung tâm của Hội ở đó," ông viết. "Xin vui lòng khởi hành ngay lập tức". Tôi được biết, chùa đó không còn có vị sư nào trụ trì, và các vị lãnh đạo trong Hội Mahabodhi sợ rằng một số trong hàng triệu người vô gia cư ở Bombay sẽ dọn vào toà nhà trống đó, rồi đòi quyền cư ngụ. Lúc đó, những việc như thế vẫn thường xảy ra. Vì thế tôi đi Bombay. Trung tâm đó được gọi là Ananda Vihara; vihara là một thuật ngữ Pali thực sự có nghĩa là "chốn cư ngụ của Phật;" ngày nay vihara được sử dụng rộng rãi hơn để chỉ cho nơi ở của bất kỳ tăng sĩ nào, cũng như là chánh điện, thiền đường và tất cả những nơi nào mà chỉ chung là chùa hay trung tâm thiền Phật giáo. Trung tâm Ananda nằm trên đường Lamington, trong khung viên của một bệnh viện. Một bác sĩ trong bệnh viện đã bỏ kinh phí xây dựng lên. Tầng dưới có một thư viện. Tầng trên là chánh điện, phòng tắm, phòng ngủ và một nơi được coi là văn phòng của tôi. Đối diện với văn phòng tôi là khu phụ sản của bệnh viện. Ngày hay đêm bất cứ khi nào ngồi vào bàn làm việc, tôi cũng có thể nghe những tiếng la hét, rên rỉ của các sản phụ. Tuy nhiên, phần lớn thời gian khi ở Bombay, tôi thường ra ngoài thăm viếng cộng đồng của những người thuộc giai cấp Hạ tiện ở quanh thành phố. Ở chùa còn có một tu sĩ nữa, nhưng vị này không nói tiếng Ấn Độ hay tiếng Anh, vì thế những người Hạ tiện thích chọn tôi. Tôi thường thực hiện các buổi lễ quy y, truyền giới, dạy tiếng Pali, tụng kinh cầu an cho người bệnh, tụng kinh cho đám tang và dạy các lớp giáo lý. Tôi cũng đi thăm các bệnh nhân phải nằm viện. Mỗi chủ nhật có ít nhất năm trăm người đến chùa dự lễ. Đó là một tiến bộ lớn cho trung tâm so với thời gian qua, khi trung tâm chỉ có những sinh hoạt xã hội, nơi người ta tụ hội lại để hút thuốc, uống rượu. Chúng tôi cũng thành lập một thư viện và tiệm sách nhỏ. Nhân dịp giỗ đầu năm của tiến sĩ Ambedkar, chúng tôi đã tổ chức một buổi lễ long trọng với sự có mặt của thống đốc tiểu bang Bombay. Đôi khi tôi phục vụ cho những người Hạ tiện liên tục trong một hay hai tuần một lúc, cứ đi từ làng này sang làng khác chứ không trở về chùa. Những người này sống trong những ngôi nhà rất tồi tàn -phần lớn là những cái chòi một gian với tường bằng bùn, mái tranh và sàn nhà làm bằng phân bò. Khi tôi bước vào nhà ai, gia đình sẽ trải chiếu trên sàn cho tôi ngồi lên. Rồi họ đãi tôi ăn, với chút ít gì mà họ có. Thường có một người nào đó ngồi gần tôi, phe phẩy miếng vải trong không khí để đuổi ruồi. Bên ngoài, sân nhà đầy những vũng nước đọng, phân người và phân gà, những chiếc nồi vỡ và các thứ rác rưởi khác. Các loại côn trùng bay khắp nơi. Tôi biết rằng thọ thực ở những nơi điều kiện quá mất vệ sinh như thế này sẽ khiến tôi bị bệnh, và điều đó xảy ra, lần này đến lần khác. Nhưng tôi chẳng bao giờ từ chối lời mời của họ; tôi không thể từ chối lòng mến khách chân thành của những người Hạ tiện. Khi sư phụ tôi đến thăm vào năm 1958, ông rất ngạc nhiên khi thấy tôi trở nên gầy yếu đến vậy. Việc thường xuyên đến thăm viếng các ngôi làng của người Hạ tiện đã làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn nhiễm của tôi. Tôi nghĩ là sư phụ tôi đã báo cáo việc này lại với hội Mahabodhi. Vào tháng chín tôi nhận được một lá thư của đại đức Dhammananda, người mà tôi đã gặp ở Sanchi. Ông gửi cho tôi một đơn xin visa, yêu cầu tôi điền vào và gửi trở lại cho ông. Ông muốn tôi đi Malaysia. Vì thế vào ngày 1 tháng 10, sau 18 tháng ở Bombay, một lần nữa tôi lại chuyển đến một ngôi chùa mới. Trước khi ra đi, tôi vội trở về thăm quê để chào từ giã mẹ và bà con. Rồi tôi lên tàu ở Madras. Chuyến tàu hướng đến Nhật Bản, nhưng trên đường sẽ dừng lại ở Malaysia, là nơi tôi sẽ xuống –và bắt đầu một chương mới trong công tác truyền giáo của tôi. -ooOoo- |
Chân thành cám ơn chị Diệu Liên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2006)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 23-08-2006