BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Từ nguồn Diệu Pháp

Thích Nữ Trí Hải


  

  [02]


7. NGỖNG VÀ CHAI

Một người nuôi một con ngỗng trong một cái chai. Khi ngỗng lớn, làm sao để đưa ngỗng ra khỏi chai mà chai không vỡ, ngỗng cũng không chết? Đấy là một trong những công án thiền.

Giữa các giải đáp, có người đề nghị con ngỗng nhịn ăn bớt uống cho thể xác gầy mòn để chui ra (khổ hạnh để giải thoát). Có người bi quan, cho rằng ngỗng nhất định phải chết (cá nhân phải bị tập thể hay hoàn cảnh nghiến nát). Có người cho ngỗng tượng trưng ngã chấp, ngã chấp càng lớn thì thấy cổ chai càng nhỏ, không thể nào chui ra, nếu xóa bỏ ngã chấp như hư không, thì còn cổ chai nào không lọt? Lại có quan niệm cho rằng, trong hay ngoài chai đều là những lối nhìn phiến diện, đối với cái nhìn toàn diện thì không có trong ngoài, và khi ấy tâm được giải thoát không còn thấy trong ngoài. Chỉ cần mở rộng cõi lòng, thì đâu cũng là nhà, vì "đâu mà chẳng có chút trời xanh".

Theo nhận xét thông thường, thì đây quả là một thế nan giải: hoặc ngỗng phải chết, hoặc chai phải vỡ, không thể nào cả hai đều nguyên vẹn. Đó cũng chính là cái thế nan giải của con người trước cuộc đời. Mọi bi kịch lớn nhỏ đều bắt nguồn từ xung đột giữa cá nhân với tập thể (gia đình, xã hội) và người ta dường như phải chọn chỉ một trong hai đường: hoặc đạp đổ cái khung tập thể đang giam hãm mình để được tự do cá nhân (chai phải vỡ) hoặc là đành héo mòn trong cái khung ấy (tức là để cho ngỗng chết). Hoặc nếu không chết khô, thì cá nhân cũng phải vùng vẫy để thoát ra bằng mọi giá, ôn hòa thì chọn cái "quẻ" ép xác khổ hạnh (lối thoát của nhà khổ tu để tự độ), mà bạo động thì tạm đập đổ để xây dựng một khuôn khổ mới hợp ý mình hơn. Với phương pháp sau này, nhiều cá nhân phảí bị hy sinh, hiện tại phải bị hy sinh cho một tương lai nào đó.

Đạo Phật, trước vấn đề ngỗng và chai sẽ nêu lên câu hỏi: "Con người và cuộc đời cá nhân với hoàn cảnh, là hai hay một?". Xét cho cùng, ta chính là cuộc đời và cái khung mà ta tưởng rằng mình bị nhốt trong đó. Chính ta đã tạo ra cái khung ấy, không ai khác. Ta có liên hệ mật thiết với cái khung xã hội này, cả bề ngang cũng như bề dọc, bề rộng cũng như sâu trong không gian và trong thời gian. Cái tôi bao hàm sự hiện diện của vô số người và vật không-phải-tôi: thân này không có, nếu không có tổ tiên ông bà cha mẹ, nếu không có bà bán rau cải, nhà nông, thợ dệt, thợ mộc, thợ nề, nếu không có đất nước lửa gió, ánh sáng mặt trời...; "cái tôi", tinh thần, tâm linh sẽ không có nếu không có những tiền bối đông tây kim cổ, một cộng đồng siêu thời không, mà đối với ta đôi khi gần gũi hơn cả người láng giềng gần nhất, ta cảm như cùng thở một bầu không khí với họ mỗi khi đọc sách, tư duy. Sự tương quan giữa một và tất cả đó, giáo lý Hoa Nghiêm gọi là pháp giới trùng trùng duyên khởi. Vậy thì, cái khung (hoàn cảnh) và con người không phải là hai. Không phải chuyện tình cờ ngẫu nhiên nếu ta phải sống trong một mẫu mực xã hội nào đó: chính ta đã chọn lựa nó, một cách hữu thức hay vô thức.

Nhận thức điều đó không có nghĩa rằng ta phải bó tay cam chịu, hoặc trụy lạc theo thói đời, vì tưởng mình đã là con đẻ của hoàn cảnh thì có làm gì cũng vô ích. Đạo Phật cho rằng, cuộc cách mạng chân thực phải bắt đầu từ bản thân, và chỉ khi nào con người có trưởng thành trí tuệ mới có thể có cuộc cách mạng căng để đưa con người đến tự do tuyệt đối, nghĩa là giải thoát mà không là giải thoát khỏi một cái gì: mọi cái khung đều là ảo tưởng do tâm tạo. Giải được nó là giả, thì liền thoát không cần phải đập vỡ cái gì cả, nên " Bồ tát đi vào đời mà không xáo trộn trật tự của cuộc đời", cũng không bị đời chi phối, mà ngược lại còn tác động sâu xa trên những người đồng thời và mai hậu: điển hình là sự âm thầm từ giã cung điện vào lúc nửa đêm của thái tử Siddhartha cách đây gần ba ngàn năm. Bồ tát vẫn ung dung sống giữa đời bốc cháy ngọn lửa tham dục bằng thái độ kham nhẫn, từ bi, như dãi nước mát trên sa mạc, như ngọn gió thanh lương giữa trưa hè oi bức. Bồ tát nhìn chúng sinh còn tham đắm không khác người lớn nhìn trẻ con đang ham thích đồ chơi: sự mê say của chúng là đương nhiên, vì chúng chưa lớn. Đến một giai đoạn, chúng sẽ bỏ đồ chơi ấy. Không ích gì lý luận với chúng rằng đó chỉ là đồ giả, hay giật đồ chơi của chúng liệng đi, hay bực bội vì sự đam mê của chúng. Trái lại, Bồ tát nhìn chúng sinh với lòng bi mẫn: "Họ và ta chỉ là một, vì còn mê nên gọi là chúng sinh, đến khi hết mê thì đều là Bồ tát". Không hoan hô hay đả đảo bất cứ gì , Bồ tát vẫn thung dung sống giữa cuộc đời ô nhiễm như đóa sen vươn lên từ bùn dơ:

Như từ đống rác thối
Quăng bỏ trên đại lộ
đấy hoa sen mọc
Tỏa hương đẹp ý người
Cũng vậy giữa quần sinh
Mù lòa và ô nhiễm
Bậc thánh đệ tử Phật
Tỏa trí tuệ sáng ngời. --
(Pháp cú 58-59)

Trí tuệ và Từ bi của Bồ tát như vết dầu loang, ảnh hưởng sâu rộng theo nguyên lý "trùng trùng duyên khởi" đã nói: khi một người tu, cả nhà ảnh hưởng, một nhà tu, cả xóm ảnh hưởng, cứ như thế, ảnh hưởng tốt đẹp từ từ lan rộng cho đến vượt quá biên cương một quốc gia, một thời đại, như đạo Phật từ một nước Ấn Đđã lan tràn khắp Âu châu, Á châu, Úc châu, Mỹ châu ngày nay.

Vậy, còn đâu là cái chai nhốt ngỗng?

-ooOoo-

8. HỘ TRÌ CHÂN LÝ

Trong Thường Già kinh (Trung bộ II, kinh số 95) Đức Phật phân biệt ba trình độ tiếp cận chân lý: hộ trì chân lý, giác ngộ chân lý và chứng đạt chân lý.

Hộ trì chân lý nói theo ngôn ngữ thời nay là tôn trọng sự thật. Khi tin tưởng một điều gì, ta cứ việc tin, nhưng không nên xác quyết rằng: chỉ có điều ta tin mới thật đúng, ngoài ra đều sai. Bởi không chắc gì ngày mai chính chúng ta còn tin như vậy hay không và quan trọng hơn, không chắc gì niềm tin ấy là hoàn toàn đúng. Vậy tốt hơn là cứ tin, nhưng đừng cực đoan ôm chặt nó. Kinh Bách Dụ kể chuyện một người cha trong lúc cháy nhà, chạy lạc thằng con, về sau tìm được nắm xương cháy tưởng là con liền đem về thờ cúng. Một thời gian sau, đứa con tìm được nhà cha, trở về gõ cửa. Người cha không mở, cho là ma quái tới quấy phá, vì tin chắc con mình đã cháy thành nắm xương khô kia. Con người si chấp một niềm tin sai lạc cũng như người cha ngu si ấy: đã tin giả làm thật thì đến khi cái thật đến, vẫn cứ đóng chặt tâm hồn. Thái độ hộ trì chân lý trong trường hợp này là, khi tưởng đống xương là con thì cứ việc cúng quảy làm chay cho nó đi (cũng không hại gì, nó không hưởng được thì có cô hồn khác hưởng thay). Nhưng đừng quyết chắc như vậy khi chưa thấy tận mắt. Phật dạy có 5 điều không chắc đúng: Một là điều ta tin theo (tùy tín), hai là điều ta đồng ý (tùy hỉ). Ba là điều ta nghe đồn (tùy văn). Bốn là điều ta xác nhận sau khi cân nhắc suy tư. Năm là quan điểm, lý thuyết mà ta chấp nhận. Trong cả năm loại ấy, nếu là người hộ trì chân lý, ta sẽ không vội xác quyết: "Chỉ có niềm tin này, sự đồng ý này, lời đồn này, sự suy tư này, quan điểm này... là đúng, ngoài ra đều sai". Nghĩa là ta có quyền tin thế này thế khác, có quan điểm nọ kia nhưng không bao giờ nên cả quyết niềm tin của mình, quan điểm của mình là duy nhất đúng.

Giác ngộ chân lý là khi một người xét rõ một vị thầy, thấy họ không có tham, sân, si; Pháp được họ khéo giảng, đưa đến vô tham, vô sân, vô si, người ấy sinh lòng tin, đến gần, giao thiệp, lóng tai nghe pháp, thọ trì, tìm hiểu ý nghĩa, hoan hỉ chấp nhận pháp ấy, khởi ý muốn tu tập theo, cố gắng cân nhắc, tinh cần. Nhờ tinh cần mà tự thân thể nhập được chân lý người ấy thấy. Như vậy là giác ngộ chân lý, nhưng chưa phải là chứng đạt chân lý.

Chứng đạt chân lý là sau khi thấy, còn phải luyện tập, hành trì cho thuần thục. Ta có thể lấy ví dụ giác ngộ như ngọn đèn vừa được thắp lên trong căn phòng tối tăm dơ dáy bụi bặm trải nhiều năm tháng. Chứng đạt là quét sạch hết bụi dơ ấy sau khi đã thấp đèn lên.

Muốn chứng đạt chân lý, phải trải qua 13 giai đoạn tuần tự như sau:

1. Trước hết là lòng tin đối với bậc Thầy xứng đáng sau khi đã tìm hiểu kỹ vị ấy như trên. Điều này rất quan trọng. Biết bao nhiêu người vì lầm tin thầy bà yêu nghiệt mà phải khổ một đời, lụy đến muôn kiếp. Nhưng cốt yếu ở đây vẫn là "chánh tâm". Nếu tâm tà đi tìm thầy thì chỉ gặp thầy tà. Tâm cầu tài lợi thì chỉ gặp thầy bói. Cầu khỏi bệnh thì chỉ gặp thầy lang, có khi lang băm. Cầu khỏi nạn chỉ gặp thầy bùa, thầy cúng. Ưa bề ngoài thì dễ tin hạng thầy chỉ có bề ngoài. Lòng tin chân chánh là tin Phật pháp có năng lực diệt khổ, giải thoát ngay hiện tại. Khi đã có lòng tin như vậy, phải tìm đến vị thầy cùng tin như vậy và có khả năng trao truyền phương pháp diệt khổ của Đức Thế Tôn.

2. Đến gần: Có tin tưởng một vị thầy, thì tất nhiên phải đến gần họ, mới nung nấu niềm tin chánh pháp được.

3. Thân cận giao thiệp: Sau khi đến gần, phải thân cận thường xuyên vị thầy. Nếu Phật tử mà 3 năm mới tới thăm thầy một bận, thầy quên mặt mũi gốc gác mình mất rồi, làm sao hướng dẫn mình trên đường học đạo! Hoặc tới chùa mà chỉ ra vườn xuống bếp, tránh mặt thầy, thì cũng vô phương học đạo.

4. Lóng tai: ám chỉ một thái độ sẵn sàng đón nhận sự dạy bảo của thầy về Phật pháp. Có nhiều Phật tử ưa thân cận giới xuất gia chỉ để tâm sự vụn, gần gũi giao thiệp chỉ để thỏa chí tò mò, kiểu tìm bạn bốn phương, thì thầy trò đều thất lợi. Có Phật tử tới chùa chỉ nói chuyện thế gian, khi động đến Phật pháp thì lánh mặt ra vườn xem cây cảnh. Như vậy là không lóng tai.

5. Nghe pháp: Có thái độ sẵn sàng, tâm hồn chuẩn bị lóng tai nghe pháp, Pháp mới lọt vào tai được.

6. Thọ trì: Nghe xong, phải thọ trì, nghĩa là ghi nhớ vào lòng, giữ gìn không mất. Người cố thọ trì pháp thì nghe pháp mới có ích lợi, như lưỡi vừa động tới thức ăn là mặn lạt biết ngay. Người nghe mà không thọ trì thì pháp chỉ vô tai này ra tai kia, như cái muỗng suốt đời tiếp xúc đồ ăn mà vẫn vô tri giác. Phật dạy:

Người ngu dẫu trọn đời
Thân gần bậc hiền trí
Vẫn không biết chân lý
Như cái muỗng múc canh.

Người trí dù một khắc
Thân cận với bậc hiền
Cũng thấy ngay chân lý
Như lưỡi nếm vị canh. --
(Pháp cú 64-65)

7.Tìm hiểu ý nghĩa: Nhớ kỹ những điều đã nghe rồi, phải tìm hiểu ý nghĩa cho chín chắn, để khỏi tu tập sai lầm. Thọ trì pháp mà không hiểu ý nghĩa là hạng người "hay chữ lỏng" rất nguy hại. Thà dốt đặt còn hơn hay chữ lỏng, nghĩa là không biết mà cứ tưởng mình biết, biết sai tưởng biết đúng:

Ngu tự biết mình ngu
Nhờ vậy thành có trí
Ngu tự cho có trí
Mới thật là chí ngu. --
(Pháp cú 63)

8. Hoan hỷ chấp nhận: Khi đã hiểu rõ ý nghĩa của pháp, cần có sự hân hoan chấp nhận pháp ấy, xem Pháp như phao cứu mạng giữa biển khổ, luôn luôn sống cái tâm trạng vui mừng của một kẻ trộm vừa gặp được kho báu lớn, hay của một gã cùng tử tìm thấy viên bảo châu buộc trong áo rách.

9. Ước muốn tu tập: Kế tiếp phải phát sinh ý muốn tu theo Pháp. Chấp nhận mà không muốn tu thì chỉ là một sự chấp nhận suông, rốt cuộc không ích gì. Có Phật tử nói đạo rất cao siêu nhưng tuyệt không dính dấp gì tới đạo trong nếp sống của họ hàng ngày, vì họ không có ước muốn tu tập.

10. Nỗ lực: Đã muốn tu thì phải cố gắng dụng tâm trong việc tu hành, biến tất cả việc làm, tất cả hoàn cảnh trong đời sống thành pháp tu.

11. Cân nhắc: Khi nỗ lực quyết tu tập pháp rồi phải cân nhắc pháp môn nào thích hợp, không thích hợp với mình.

12. Tinh cần: Sau khi đã cân nhắc chọn cho mình một pháp môn thích đáng, phải tinh cần theo pháp môn ấy cho chuyên nhất. Có những Phật tử vì thiếu tinh cần nên dễ bị người khác lay chuyển, dễ rơi vào tà ma ngoại đạo, hoặc luôn luôn thay đổi thầy, chạy từ pháp môn này qua pháp môn khác.

13. Chứng đạt chân lý: Sau khi tinh cần chuyên nhất với một pháp môn trong một thời gian dài, cuối cùng hành giả mới chứng đạt chân lý, giải thoát đau khổ.

*

Như vậy sự thành đạt trí tuệ là cả một con đường dài cam go, không thiếu cạm bẫy. Mỗi chặng đường đều mở ra một khúc quanh mới mà hành giả thiếu thiện xảo có thể bỏ cuộc hoặc lạc đường.

-ooOoo-

9. PHẬT VÀ PHÁP

Trong kinh Kim Cương, có những đoạn đức Phật định nghĩa về Như Lai như sau:

"Thu lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở hhứ, cố danh Như Lai" . Như Lai có nghĩa không từ đâu lại mà cũng không đi về đâu nên gọi là Như Lai. "Lại" đây có thể hiểu là sinh ra, và "đi" là chết. Vậy "Như Lai" nghĩa là không có sinh ra hay chết. Tức bất sinh bất diệt. Đó là pháp thân vô tướng.

"Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa". Như Lai là ý nghĩa "không đổi dời", nơi các pháp. Cái gì không dời đổi? Đó là cái phi tướng, cái "không", cái "luôn luôn như vậy" nơi sự vật. Đó cũng là lý đương nhiên ẩn tàng nơi sự vật, chi phối mọi sự vật. Ví dụ luật nhân quả, duyên sinh thì không bao giờ dời đổi.

"Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai". Nếu thấy tướng là phi tướng, chính là thấy Phật. Như Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, gặp ai cũng đảnh lễ bảo: "Tôi không dám coi thường Ngài, vì Ngài sẽ thành Phật", ấy là vì Ngài thấy được chúng sinh là "phi chúng sinh", vì Ngài không chấp cái tướng chúng sinh nơi họ.

Thấy tướng phi tướng cũng là thấy duyên sinh, vì duyên sinh là lìa cái chấp hữu vô. Nói có sinh hay thường trú là chấp hữu, nói có chết hay đoạn diệt là chấp vô. Nhưng nói "duyên sinh" thì có mà không thực có, không mà không thực không.

Đương thời Phật, có tỷ kheo bệnh nặng sắp chết, lo lắng không được thấy Phật trước khi nhắm mắt. Phật xuất hiện trước vị ấy và an ủi rằng, ông không cần phải thấy sắc thân của Như Lai, mà hãy an trú vào Pháp tức đã thấy Như Lai. Pháp ấy chính là pháp duyên sinh. "Ai thấy lý duyên sinh là thấy Phật".

Phật hỏi Tôn giả Tu Bồ Đề: "Có thể do sắc thân 32 tướng hảo mà cho là Phật không?". Tôn giả đáp: "phải", Phật liền dạy: "Nếu do thấy sắc thân 32 tướng hảo mà cho là thấy Phật, thì vua Chuyển Luân cũng là Phật". Do đấy mà Tôn giả biết không thể xem thân thể 32 hảo tướng chính là Phật. Câu này ám chỉ 32 tướng hảo chưa đủ để xem là Phật, hay nói rộng ra là, tướng ngoài không quan trọng để phán đoán về Phật hay về bất cứ gì khác. Đấy là để phá cái chấp tướng, chấp hữu hay chấp thường.

Nhưng ngay sau đó, đức Phật lại bảo Tôn giả Tu Bồ Đề: "Ông đừng cho rằng đức Như Lai không đầy đủ hảo tướng mà cũng thành Phật được". Câu này lại cho thấy rằng Phật thì phải có tướng hảo chứ không phải không. Thành ra 32 tướng cũng cần thiết để nhận ra Phật. Câu này là để phá cái chấp không hay chấp đoạn diệt. Phật dạy: "Người phát tâm bồ đề không nói các pháp đoạn diệt". (Phát a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm giả, ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng). Tức như cho rằng sự tu hành không đưa đến kết quả cụ thể–được 32 tướng hảo–thì sẽ làm cho người nghe còn chấp tướng rất buồn.

Trung đạo Bát nhã là, đối với các pháp không chấp thường cũng không chấp đoạn, không chấp hữu cũng không chấp vô nên gọi là phi.

Về Pháp cũng vậy, không thể nói rằng Như Lai có được cái pháp để thành Phật, bởi vì pháp ấy là vô sở đắc, không có tướng trạng hay tên gọi nào để nắm giữ, định nghĩa. Tất cả pháp đều có thể là Phật pháp, (Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp) nhưng không có một pháp nào duy nhất đặc biệt có thể gọi là pháp Phật. "Sở vị Phật pháp giả, tức phi Phật pháp". Cái gọi là Phật pháp là phi Phật pháp. Trước hết động cơ nói pháp mới là điều quan trọng. Ví dụ nếu nói pháp "Bố thí" cốt để người nghe Bố thí cho mình, thì đấy là một động cơ vụ lợi, nên pháp ấy thành phi pháp. Thử nữa, phiền não như bệnh, chúng sinh như con bệnh, pháp như thuốc: vì phiền não vô lượng chúng sinh vô biên cho nên không thể cố định một pháp nào là thuốc hay phi thuốc: thuốc đối với bệnh nhân này có thể là phi thuốc hay độc dược đối với bệnh nhân khác. Lại nữa, chính pháp mà nói không đúng người, đúng chỗ, đúng lúc, thì cũng thành phi pháp.

Kinh dạy: "Tất cả pháp đều là Phật pháp". Rồi ngay sau đó lại dạy: "Nói tất cả pháp, nghĩa là phi tất cả pháp, mới gọi là tất cả pháp". Ấy là để phòng kẻ ngu chấp chặt lời nói, nghe tất cả pháp bèn cho thật là tất cả pháp không chừa pháp nào. Cũng như khi nghe nói "xin cho một chén nước tương" kẻ chấp lời sẽ cố tìm cho đúng một chén đầy nước tương để đem lại, trong khi người nói chỉ cần chút tương đựng trong chén. Về thiện pháp cũng thế, Phật dạy "Gọi là thiện pháp, tức phi thiện pháp". Vì cái tốt mà đem khoe khoang thì thành không tốt mất rồi.

-ooOoo-

10. PHÉP LẠ VÀ THẦN THÔNG

Chúa Jésus cũng có thần thông mà Kinh Thánh gọi là Phép Lạ. Một điểm tương đồng giữa hai đấng giáo chủ là, theo Kinh Thánh, thì khi về đến thành Jérusalem, quê hương của Ngài, Chúa Jésus không làm "phép lạ" được. Đức Phật của chúng ta cũng vậy, khi về đến thành Ca tỳ la vệ, Ngài không biến hóa thần thông. Vì sao vậy? Vì muốn cho phép lạ hay thần thông hiển hiện, phải cần có đức kính tín của chúng sinh làm duyên phụ với oai thần của Phật hay Chúa. Chúa Ki-tô khi trở về Jérusalem, người trong thành đã quá quen biết Ngài từ lúc còn thơ ấu, do cảm thấy gần gũi, thân thiết, họ không có lòng kính tín nhiều đối với Ngài như dân chúng các nơi khác. Vì vậy Ngài không hiện "phép lạ". Đức Phật khi trở về Ca tỳ la vệ cũng thế.

Ta có thể kết luận rằng: phép lạ có là do lòng tin hay ngược lại, nếu có đủ lòng tin, thì sẽ thấy phép lạ. Không tin, thì có phép lạ trước mắt cũng không thấy.

Ngày nhỏ chị em chúng tôi thường lên núi thăm người chị tu hành. Người trụ trì một am thất tĩnh mịch. Một buổi chiều, khi tiễn chân chúng tôi ra cổng, đứng dưới hàng mai rực rỡ trổ bông. Người cầm vạt áo dài của tôi lên, nói với một nụ cười từ ái:

– Áo đẹp quá hí. Em có bao giờ nghĩ, làm sao mà em có được những chiếc áo tốt như vậy để mặc hay không? Mình không dệt, không may, mà luôn luôn có áo mặc lại toàn áo tốt áo đẹp nữa. Em có thấy "lạ" không?

Mấy lời lơ lửng của chị vậy mà làm cho tôi suy nghĩ cả tuần. Phải, quanh tôi có những người cày ruộng suốt ngày mà không đủ ăn, dệt vải suốt ngày mà không đủ mặc, xây lâu đài cho người khác ở mà chính mình thì không có lấy một mái nhà, phải rày đây mai đó dựng chòi ở tạm, con cái thất học khốn cùng... Thật là phép lạ khi tôi không dệt vải mà có áo mặc, không cày ruộng mà có cơm ăn. Lời chị nói rất đúng.

Lớn lên lìa tục xuất gia theo chị, tôi may mắn được chị dạy vỡ lòng bốn quyển Luật Tiểu, một bộ sách để lại một ấn tượng sâu xa trong tâm hồn tôi hơn bất cứ tuyệt tác nào của văn học thế gian. Học đến uy nghi thờ kính Phật, tôi cảm động nhất là câu "ăn một bữa cơm, uống một bát nước, thường không quên ơn Phật". Tôi nhớ đến cái phép lạ chị đã chỉ cho tôi ngày nào, và bây giờ tôi gặp lại "phép lạ" đó hằng ngày vào mỗi bữa ăn, trong mỗi tách nước uống, trong mỗi vật dụng của thập phương thí chủ cúng dường.

Mong sao tất cả mọi người cùng thấy "phép lạ" thường ngày, để nhớ ơn Phật tràn trề, ơn chúng sinh lai láng, để biết thương yêu và kính trọng tất cả. Được vậy thì thế gian này sẽ hóa thành tịnh độ ngay tức khắc.

-ooOoo-

11. THẤY BIẾT CHÂN CHÁNH

Trong 8 chánh đạo, đứng đầu là Chánh tri kiến. Ta hãy tìm hiểu xem một người phải biết những gì, thấy những gì mới được gọi là người có chánh tri kiến. Không gì tốt hơn nghe lại lời dạy của Tôn giả Xá Lợi Phất về vấn đề này, theo kinh Chánh tri kiến (Trung bộ kinh II).

Có nhiều pháp môn thành tựu Chánh tri kiến. Những pháp môn ấy gồm có:

1. Biết được bất thiện và căn bản bất thiện, biết được thiện và căn bản thiện.

2. Biết được thức ăn, tập khởi thức ăn, đoạn diệt của thức ăn và con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn.

3. Biết khổ, tập khởi của khổ, đoạn diệt của khổ và con đường đưa đến đoạn diệt khổ.

4. Biết già chết, tập khởi, đoạn diệt của già chết và con đường đưa đến đoạn diệt già chết.

5. Biết sanh, tập khởi, đoạn diệt của sanh và con đường đưa đến đoạn diệt sanh.

6. Biết hữu, tập khởi, đoạn diệt của hữu và con đường đưa đến đoạn diệt hữu.

7. Biết thủ, tập khởi, đoạn diệt của thủ và con đường đưa đến đoạn diệt thủ.

8. Biết ái, tập khởi, đoạn diệt của ái và con đường đưa đến đoạn diệt ái.

9. Biết thọ, tập khởi, đoạn diệt của thọ và con đường đưa đến đoạn diệt thọ.

10. Biết xúc, tập khởi, đoạn diệt của xúc và con đường đưa đến đoạn diệt xúc.

11. Biết sáu nhập, tập khởi, đoạn diệt của sáu nhập và con đường đưa đến đoạn diệt sáu nhập.

12. Biết danh sắc, tập khởi, đoạn diệt của danh sắc và con đường đưa đến đoạn diệt danh sắc.

13. Biết thức, tập khởi, đoạn diệt của thức và con đường đưa đến đoạn diệt thức.

14. Biết hành, tập khởi, đoạn diệt của hành và con đường đưa đến đoạn diệt hành.

15. Biết vô minh, tập khởi, đoạn diệt của vô minh và con đường đưa đến đoạn diệt vô minh.

16. Biết lậu hoặc, tập khởi, đoạn diệt của lậu hoặc và con đường đưa đến đoạn diệt lậu hoặc.

Mười sáu pháp môn trên đây là mười sáu cửa dẫn vào chánh tri kiến, vào được một cửa thì có thể mở được tất cả các cửa khác, cũng như chỉ cần mở một gút là tất cả các gút khác sẽ được tháo tung ra.

Ta hãy tuần tự học hỏi từng pháp môn theo lời giảng dạy của tôn giả Xá Lợi Phất, để thành tựu chánh tri kiến.

1. Biết bất thiện và căn bản bất thiện, biết thiện và căn bản thiện. Bất thiện có 10 thứ đó là ba việc ác của thân (giết hại, trộm cắp, dâm dục), bốn việc ác của miệng (nói dối, nói hai lười, nói lời ác, nói lời phù phiếm), và ba việc ác của ý (tham, sân, tà kiến). Căn bản bất thiện là tham, sân, và si. Thiện là từ bỏ 10 điều ác nói trên và căn bản thiện là không tham, không sân, không si.

2. Biết thức ăn. Thân này có ra và được nuôi sống là nhờ thức ăn. Biết được thức ăn làm tiếp tục thân này qua nhiều đời kiếp thì có thể chấm dứt sinh tử bằng cách đình chỉ cung cấp thức ăn cho một đời sống kế tiếp, như hết nhiên liệu thì ngọn lửa sẽ tắt... Thức ăn đó gồm bốn thứ: đoàn thực thô và tế (đoàn là vo thành nắm tròn để bỏ vào miệng), tức thực phẩm vật chất; xúc thực (sự tiếp xúc giữa năm giác quan với ngoại vật); tư niệm thực (ý tưởng, tư duy thiền định); và thức thực (dòng ý thức tuôn chảy không ngừng ngay cả khi ngủ. Chính thức này tạo đời sống sau khi chết, thuật ngữ gọi là kiết sanh thức). Như vậy sự sống chúng ta vô cùng phức tạp, không phải chỉ được nuôi dưỡng bằng thức ăn vật chất (đoàn thực) mà thôi. Được ăn uống đầy đủ mà bị nhốt trong phòng tối lâu ngày ta cũng chết, đó là vì thiếu xúc thực: ta cần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, với người và cảnh vật. Con người là một con vật xã hội, cho nên xúc thực cũng là thức ăn quan trọng với phần đông. Có những người phảỉ chết hoặc điên cuồng vì thiếu thức ăn này. Khi ta mê mải xem kịch hay chiếu bóng, hay nghe nhạc, ta có thể quên ăn: đó là vì ta đã ăn bằng xúc thực. Loại thức ăn thứ ba là tư niệm thực, là sự suy tư tưởng tượng, ăn bằng cách nghiền ngẫm một ý nghĩ trong tâm trí. Loại này cũng rất quan trọng, ta có thể suy nghĩ một vấn đề đến quên ăn quên ngủ. Loại thức ăn cuối cùng là thức thực, là cái duy trì và tiếp nối mạng sống. Chính thức này tạo nên một thân xác mới, do đóđược gọi là kiết sanh thức: thức nối liền hai đời sống. Một vị nhập định diệt thọ tưởng chỉ khác với thây chết ở chỗ thần thức vị này chưa ra khỏi thân xác để trở thành kiết sanh thức.

Những thức ăn duy trì sự sống phức tạp như vậy, nên muốn chấm dứt sinh tử không phải chuyện dễ. Ta vẫn có thể nhịn ăn mà chết, nhưng dòng tâm thức vẫn tiếp diễn thì vẫn còn phải tái sinh, vì nguyên liệu cho ngọn lửa sống vẫn đang còn. Vậy muốn đoạn diệt sinh tử thì phải đoạn cả bốn thức ăn nói trên. Những vị tọa thiền đã thuần thục chỉ đoạn được ba thức ăn: đoàn thực, xúc thực và tư niệm thực, còn thức thực chưa đoạn. Tập khởi hay nguyên nhân của thức này là tham ái, nên muốn đoạn nó phải diệt tham ái. Con dường đưa đến đoạn diệt tham ái là thánh đạo tám ngành.

3. Biết khổ tập, diệt, đạo. Khổ là sanh già bệnh chết, sầu bi ưu khổ não... tóm lại năm thủ uẩn là khổ. Nguyên nhân của khổ là ái đi liền với hỉ và tham. Hỉ là khoái thích, tham là muốn vơ về cho mình. Khi tiếp xúc với một đối tượng mà ta không khoái thích thì không có yêu khởi lên: ta được giải thoát. Vì vậy cái nguy hiểm là sự khoái thích đưa đến yêu, để từ đấy phải chuốc lấy sầu bi khổ ưu não, như lời Phật dạy: "sầu bi khổ ưu não do ái sanh, hiện hữu từ nơi ái".

Nhưng khi tiếp xúc sự vật, chỉ có những sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc giác êm dịu... mới phát sinh khoái cảm, từ đó phát sinh ái. Nếu chỉ tiếp xúc toàn những sắc xấu, mùi hôi, vị dở thì không can hệ gì. Chính cái tâm sở thọ làm cho ta biết xấu đẹp ngon dở. Cái khó của sự tu tập là làm sao dừng lại ở giai đoạn thọ, đừng "bước đi bước nữa" để tiến đến ái. Khi xúc và cảm nhận những cảnh xấu đẹp vui buồn, không nên sinh tâm yêu ghét. Ví chính do ái mà có thủ (nắm giữ), do thủ mà có hữu (sự có mặt). Do ta thích có mặt trên đời, ta mới sinh ra ở đời, cũng như có thích xem cải lương mới có mặt ở rạp cải lương. Không ai mời ta đến giữa cuộc đời này nếu chính chúng ta không muốn; chính ta đã đăng ký, xếp hàng để được hiện hữu, sinh ra trên cõi đời này. Ta có trách nhiệm hoàn toàn về sự hiện hữu ấy. Không thể đổ thừa trách móc ai. Vì sao có hữu? Ấy là vì có thủ (nắm giữ) và sở dĩ có nắm giữ là vì có ái phát sinh từ thọ những thứ làm ta khoái thích. Thọ là cảm giác (vui, khổ, trung tính) khởi lên thuộc sáu loại do có sáu giác quan. Nguyên nhân của thọ là xúc: sự tiếp xúc của 5 giác quan với 5 đối tượng như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng v.v.. Muốn đoạn diệt thọ cần đoạn diệt xúc. Nguyên nhân của xúc là lục nhập, 6 lối vào: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; 6 chỗ qua đó sự vật bên ngoài có thể đi vào tâm thức ta. Vì có mắt tai nên có sự thấy nghe v.v...

Nguyên nhân của lục nhập là danh sắc. Do có danh sắc mà có lục nhập. Danh là phần tâm lý gồm xúc, tác ý, thọ tưởng, tư. Sắc là thân xác vật lý làm bằng bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong.

Quá trình để một sự vật đi vào tâm thức ta gồm có 5 giai đoạn chính:

a. Xúc: như mắt tiếp xúc với hình sắc khi sắc ở trong tầm mắt thì sự tiếp xúc mới có thể xảy ra.

b. Tác ý: có sự chú ý. Nếu mắt thấy vật mà không có tác ý thì không có giai đoạn kế tiếp là .

c. Thọ: tiếp nhận, có chú ý nhìn mới có sự nhận ra đó là vật gì.

d. Tưởng: bắt đầu có ý niệm về vật ấy: đẹp hay xấu, đáng ưa hay đáng chán v.v... Ngang đây nếu không dừng lại mà "bước đi bước nữa" thì tức là bắt đầu vào tròng của nghiệp, đó là giai đoạn chót:

e. Tư: tơ tưởng về đối tượng mình ưa thích. Chính từ đây mà ái sanh, đầu mối của sầu, bi, khổ, ưu, não. Nó cũng là mầm mống tạo nghiệp.

Nguyên nhân của danh sắc là thức (cái biết) có 6 loại: cái biết của mắt, của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nói khác đi, vì có thấy nghe mà có mắt tai v.v.. để sử dụng cho việc thấy nghe.

Nguyên nhân của thức là hành gồm có 3: thân hành, khẩu hành, tâm hành (hay ý hành) là những hoạt động cố ý của thân, khẩu, ý gọi là ba nghiệp. Cần nhấn mạnh ở yếu tố cố ý vì chỉ những hành động cố ý mới phát sinh ra nghiệp.

Nguyên nhân của hành là vô minh, nghĩa là không biết về khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt.

Yếu tố sinh ra vô minh, tăng trưởng vô minh là ba lậu hoặc (sơ hở mê lầm): dục lậu (ham các đối tượng giác quan), hữu lậu (ham hiện hữu) và vô minh lậu là sự u mê căn bản phát sinh ra dục lậu, hữu lậu. Cũng từ vô minh sinh ra lậu hoặc, rồi lậu hoặc lại tăng trưởng vô minh; hai cái sinh lẫn nhau như từ một giống sinh cây quả, quả lại sinh ra hạt giống.

Thánh đạo tám ngành là con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc, của vô minh, của hành, của thức, của danh sắc... và của bất cứ gút nào trong 12 gút thắt của vòng luân hồi sinh tử. Mở được một gút là phá tan được xiềng xích vô minh trùng trùng vô tận.

-ooOoo-

12. VỌNG MỸ NHÂN

Vào một ngày đẹp trời thanh thản, vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) xứ Kosala dạo chơi trong vườn ngự uyển. Khi nhìn ngắm những gốc đại thụ ở chỗ xa vắng tịch mịch, với những tàn lá tỏa rộng che bóng mát, thật khả ái, đẹp mắt, nhà vua bỗng nhớ đến Đức Thế Tôn và nghĩ: "Những gốc cây khả ái, đẹp mắt, lặng lẽ, vắng người, thoáng gió, xa lánh mọi tụ hội đông đảo thích hợp cho sự trầm tư mặc tưởng này, chính là nơi Thế Tôn thường ngự tòa, chính là nơi chúng ta đảnh lễ Thế Tôn". Nghĩ như vậy rồi vua quay sang bảo người hầu cận tên Kàràyana rằng:

– Này Kàràyana, ta nhớ đức Thế Tôn. Mi có biết hiện nay Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác trụ tại chỗ nào không?

– Tâu đại vương, lành thay đại vương nghĩ đến Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác ấy. Ngài cùng với đại chúng thường du hành khắp nơi, rày đây mai đó không có trú xứ nào nhất định. Thật là một cuộc đời mây bay hạc lánh khó tìm dấu vết! Nhưng may thay, lúc này Ngài đang dừng chân ở một thị trấn của dân chúng Sakka, tên gọi thị trấn Medalumpa.

– Cách đây bao xa?

– Tâu đại vương, cách không xa, có thể đến đấy và trở về nội trong ngày.

– Vậy Kàràyana này, hãy thắng cỗ xe. Chúng ta sẽ đi yết kiến Thế Tôn, bậc A la hán Chánh đẳng giác.

– Thưa vâng, tâu đại vương.

Vua cùng các quan hầu cận đi đến thị trấn nơi Thế Tôn đang trú. Vua đi bộ vào Tinh xá. Lúc bấy giờ một số đông Tỷ kheo đang kinh hành ngoài sân, vua hỏi:

– Thưa chư Tôn giả, Thế Tôn hiện ở đâu. Chúng tôi muốn yết kiến Ngài.

Các vị Tỷ kheo chỉ vào một gian tịnh thất bảo:

– Thưa đại vương, gian nhà cửa đóng kín kia là nơi Thế Tôn đang nghỉ. Hãy im lặng đến gần, bước vào hành lang thật nhẹ, sau khi đằng hắng, hãy gõ cửa. Thế Tôn sẽ mở cửa cho đại vương.

Đến nơi, vua cởi vành khăn đội đầu (một cử chỉ cung kính, như ngày nay ta cởi nón mũ) và trao thanh kiếm hộ thân cho quan hầu cận. Quan hầu cận hiểu ý vua muốn vào một mình, vội dừng lại ngang chỗ vua bỏ kiếm. Vua đến đằng hắng và gõ cửa tịnh thất của Thế Tôn. Thế Tôn mở cửa. Sau khi bước vào căn nhà, vua cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, lấy miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay xoa chân Thế Tôn và tự xưng tên:

– Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala.

Thế Tôn hỏi:

– Do thấy những gì mà đại vương lại hạ mình tột bực và biểu lộ tình thân ái đối với thân này như vậy?

Vua kể những lý do sau:

– Bạch Thế Tôn! Trong khi con thấy nhiều vị Sa môn Bà la môn, các giáo phái khác hành trì phạm hạnh có giới hạn chỉ trong một thời gian rồi lại trở về thế tục thụ hưởng năm món dục lạc, thì các vị Tỷ kheo đệ tử của Thế Tôn thực hành phạm hạnh viên mãn đến trọn đời. Do đó con nghĩ: Thế Tôn là bậc chánh đẳng giác, pháp được Thế Tôn khéo giảng, chư tăng đệ tử của Thế Tôn khéo hành trì!

Lại nữa, bạch Thế Tôn ở đời và ở các tập thể xã hội, trí thức, tôn giáo, triết học khác con thường thấy vua chúa cãi lộn với vua chúa; Bà la môn cãi lộn với Bà la môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, cha mẹ cãi lộn với con cái, anh chị em cãi lộn với nhau... Còn trong pháp luật Thế Tôn con thấy các vị Tỷ kheo sống với nhau thuận hòa, thân hữu không cãi lộn, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính. Bạch Thế Tôn, con không thấy một chỗ nào có một phạm hạnh viên mãn thanh tịnh như vậy. Do đó con kính ngưỡng Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn. Khi đi du hành con thường gặp các vị Sa môn, Bà la môn, các giáo phái khác gầy gò khốn khổ, bạc nhược không đẹp mắt chút nào. Con đến hỏi và các vị ấy trả lời rằng: "Tâu đại vương, chúng tôi bị bệnh gia truyền". Còn ở trong pháp và luật của Thế Tôn, thì con thấy các vị tỷ kheo hoan hỉ, phấn khởi, các căn thoải mái, tịch tịnh, bình tĩnh, khinh an. Do vậy con kính ngưỡng Thế Tôn và nghĩ "Pháp được thế tôn khéo giảng, đệ tử chúng tăng của Thế Tôn khéo tu tập hành trì".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con là vua cả nước, có quyền sinh sát trong tay, vậy mà khi con ngồi xử kiện đôi khi có người dám ngắt lời con, dù con đã ra lệnh không được ngắt lời. Còn ở đây, con thấy trong khi Thế Tôn thuyết pháp cho đồ chúng hàng trăm ngàn người, thì không một ai gây tiếng động. Một lần, con thấy khi Thế Tôn đang thuyết pháp, có một vị đệ tử ho lên và liền bị một vị đồng phạm hạnh khẽ đập vào đầu gối, bảo nhỏ: "Tôn giả hãy im lặng, chớ làm ồn. Bậc đạo sư của chúng ta đang thuyết pháp". Bạch Thế Tôn, do vậy con kính ngưỡng Thế Tôn và nghĩ: "Thật là vi diệu! Chúng Thích tử này khéo được huấn luyện không cần đến gậy kiếm".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy nhiều học giả các giáo pháp thật uyên bác, muốn chất vấn Thế Tôn, bàn sẵn những câu để khích bác, nhưng khi đến trước Thế Tôn, tất cả những học giả ấy đều câm lặng, và sau khi được pháp thoại của Thế Tôn làm cho hoan hỉ, phấn khởi, đều xin quy y Thế Tôn, trở thành đệ tử của Thế Tôn. Do vậy con kính ngưỡng Ngài.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con có hai quan giữ ngựa ăn cơm của con, đi xe của con, nhờ con mà sống, chính con đem lại danh vọng cho chúng. Vậy mà chúng không hạ mình với con như với Thế Tôn. Có một lần, trên đường hành quân, con và hai quan giữ ngựa vào nghỉ đêm trong một căn nhà hẹp giữa rừng. Sau khi cùng nhau đàm luận về chánh pháp đến quá nửa khuya, cả hai quan giữ ngựa của con nằm xuống ngủ, để đầu hướng về phía mà chúng được nghe là Thế Tôn đang ngự, và trở chân về hướng con nằm. Bạch Thế Tôn, khi ấy con nghĩ thật sự những vị này chắc phải ý thức một sự thù thắng trong giáo lý của Thế Tôn, nên mới có thái độ tôn trọng cùng tột đến coi nhẹ mạng sống như thế. Do vậy, con kính ngưỡng Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuộc đấng Sát đế lỵ, Thế Tôn người nước Kosala, con cũng thuộc nước Kosala. Thế Tôn 80 tuổi, con cũng 80 tuổi. Do vậy, con sẵn sàng hạ mình tột bực đối với Thế Tôn và biểu lộ tình thân ái.

Kể xong những lý do trên, vua Pasenadi đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi kiếu từ. Sau khi vua ra về Thế Tôn kể lại cho các tỷ kheo và dạy: "Này các Tỷ kheo, đấy là các pháp trang nghiêm, các ngươi nên học tập. Các pháp trang nghiêm này là căn bản của phạm hạnh".

*

Lời bàn:

Đọc xong kinh Pháp trang nghiêm, kẻ hậu bối này không khỏi cảm khái vài ý nghĩ

1. Vua Ba Tư Nặc trước cảnh đẹp thiên nhiên, phi tần mỹ nữ không nhớ, rượu ngon thịt béo không nghĩ, mà chỉ nhớ tưởng đến Phật thiết tha như nhớ cha nhớ mẹ và tức tốc tìm đến nơi để đảnh lễ Ngài. Thật là một ông vua hiền, xứng đáng được sinh đồng thời với Phật, gặp Phật. Và đức Phật của chúng ta cũng thật may mắn hơn đức Khổng Phu Tử nhiều. Vì trong lúc đó bậc Thánh Trung Hoa sinh đồng thời với Phật, đã phải than phiền về ông vua bê bối mê nàng Nam Tử rằng: "Nhà vua trọng sắc hơn trọng đức". Nhưng đối với vua Ba Tư Nặc ngày xưa cũng như với Phật tử chúng ta ngày nay, thì Đức Thế Tôn là NGƯỜI ĐẸP CỦA MUÔN ĐỜI VÀ VẠN LOẠI, cho nên mới có câu: "Vọng mỹ nhân hề, thiên nhất phương".

2. Trong 7 lý do vua kể vì sao vua kính mộ Phật là:

– Chư đệ tử xuất gia theo Phật sống phạm hạnh trọn đời (trên nguyên tắc không kể đến những trường hợp cổi áo cà sa vì lý do kỹ thuật).

Đệ tử Phật không cãi lộn.

Đệ tử Phật lóng tai chí thành nghe pháp

– Nhan sắc đệ tử Phật tươi tốt vui hòa giải thoát (không có bị bệnh gia

truyền).

– Những người muốn khích bác Phật, khi đến trước Ngài đều được cảm hóa, thành đệ tử Ngài.

– Hai quan giữ ngựa ăn lộc vua mà kính Phật hơn vua.

– Phật đồng giai cấp huyết thống với vua.

Trong 7 điều, ta thấy hết 5 diều liên hệ đến tư cách của Phật tử, qua tư cách đó vua cảm mộ và quy y Phật, đủ thấy tư cách người theo Phật quan trọng thế nào. "Nhân năng hoằng đạo" là vậy.

3. Về điểm thứ 6. Vua thấy hai bề tôi phạm tội khi quân, dám nằm quay chân về phía mình, mà chưa vội nổi sân đòi chém đầu, lại lần dò tìm hiểu lý do tại sao những kẻ ấy có thái độ cung kính một người khác hơn mình như vậy, trong khi chính mình lại là người dem lại cho chúng bổng lộc, danh vọng, cầm trong tay sinh mạng của chúng. Thái độ ấy quả là tư cách sáng suốt của một ông vua có trí.

4. Về điểm cuối cùng, vua ngưỡng mộ Phật vì Phật cùng một giai cấp, một ca-lip với mình. Đúng là kiểu suy tư của hạng thượng lưu xã hội, đối với hạng này, Phật tánh thật có nam bắc. Họ sẽ không chịu quy y một chàng bán củi như Lục Tổ Huệ Năng khả ái kính của chúng ta đâu. Có lẽ vì vậy đức Phật phải hạ sanh vào dòng dõi vua chúa để độ cho hạng vương giả. Tất cả đều là phương tiện thiện xảo của Bồ tát để độ sanh: khi cần sanh vào hàng cao sang, các ngài cũng không từ khước, mục đích chính yếu là thuyết pháp độ sanh, không câu nệ hình thức. Khi cần ngồi xe bò thuyết pháp, cứ ngồi xe bò. Khi cần lên xe Mercedès thuyết pháp thì đi Mercedès. Ngày nay, nhiều người câu nệ phẩm bình sao vị kia đi tu mà còn ngồi xe sang hoặc ngồi xe tồi... đều là những lời phẩm bình chấp tướng nông nổi.

-ooOoo-

13. NỮ GIỚI TRONG ĐẠO PHẬT

Thông thường, nói đến phụ nữ, người ta nghĩ ngay đến những phong trào đòi bình quyền, đòi quyền sống, đến những quan niệm kỳ thị nam nữ, những ý kiến ủng hộ hay chống đối trước những quan niệm ấy, chia ra hai phe rõ rệt mà người bênh vực sự kỳ thị đa số là phái nam, và người chống đối luôn luôn là phái nữ. Tựu trung, vấn đề kỳ thị nam nữ cũng như kỳ thị chủng tộc, tôn giáo... bao hàm tranh chấp quyền lợi và thế lực. Ở đâu còn tranh chấp, ở đấy sẽ còn đủ loại kỳ thị. Sự kỳ thị chỉ chấm dứt khi nào con người vươn lên bình diện tâm linh, nơi không còn tranh chấp. Trong địa hạt vật chất cũng như tinh thần, khi một người no tất phải có những kẻ khác đói, một người dư dật thì kẻ khác phải thiếu thốn, một người được gọi là tài giỏi hay ho tất phải có kẻ chịu tiếng vụng về khờ khạo. Niềm hân hoan, sự chiến thắng của một cá nhân hay một đoàn thể này bao hàm nỗi tủi nhục, sự thất bại của một cá nhân, một tập đoàn khác. Chỉ trong địa hạt tâm linh, niềm vui của ta mới không phải trả giá bằng nỗi khổ của người, mà còn tỏa rộng bóng mát của nó cho mọi kẻ chung quanh. Chỉ trong địa hạt tâm linh, mỗi con người mới có thể đạt đến tự do tuyệt đối mà không phương hại đến kẻ khác, và chỉ trong địa hạt tâm linh, tình yêu mới không thể biến thành ganh ghét hận thù. Cho nên chỉ có những bậc Thầy tâm linh vĩ đại mới không có thành kiến về phụ nữ, vì họ đã vượt ra ngoài tranh chấp, ra ngoài yêu ghét thường tình. Đức Phật chính là bậc Thầy tâm linh vĩ đại đã mở ra cho nữ giới con đường giải phóng không những ra khỏi một thân phận đen tối thấp hèn, lệ thuộc vào nam giới, mà còn ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn lên Chân lý, Niết bàn.

Nói chung, những đức tính và thói xấu của phụ nữ khác hẳn của nam giới. Nếu ở nam giới Trí tuệ được đề cao, thì đức tính được đề cao ở nữ giới là Từ bi, bởi thế mà tượng Bồ tát từ bi đều có dạng nữ. Nếu ở nam giới, can đảm chí khí được tán dương thì ở nữ giới người ta chờ đợi sự nhẫn nhục ôn hòa, đức bao dung tha thứ. Thánh Gandhi đã xem phụ nữ là hiện thân của đức khoan hồng. Nếu ở nam giới, sự ăn to nói lớn, hoạt bát hùng hồn là một đức tính thì trái lại, đức tính của phái nữ nằm trong sự nhũn nhặn. Nếu ở nam giới, quyền lực uy phong được ca tụng thì ở nữ giới, đức tính cần thiết là khiêm tốn. Nhưng những đức tính nữ có những mặt trái đánh lừa ta, ví dụ ta dễ lẫn lộn sự si ái với từ bi, hoặc có khi ta tưởng mình từ bi mà kỳ thực chỉ là thói bám víu và ưa che chở quá mức cần thiết. Vì người đàn bà đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại sự sống, nên họ dễ xem mình là tất cả, dễ nghĩ rằng không có ta đây thì không xong. Đức tính im lặng nhẫn nhục nơi phụ nữ có thể có mặt trái là chấp trước, ôm hận xuống tuyền đài, khó giải thoát. Đức tính nhũn nhặn khiêm tốn của phụ nữ có thể chỉ là thói nhút nhát ỷ lại, đỏm dáng, luôn lệ thuộc vào kẻ khác.

Chính vì muốn phát huy những đức tính và sửa trị những thói xấu nơi phụ nữ, mà đức Phật đã chế ra Bát kỉnh pháp và những giới luật riêng cho hàng nữ xuất gia. Nhiều người đã căn cứ vào Bát kỉnh pháp (tức 8 điều mà Ni phải tuân giữ đối với Tỷ kheo Tăng) và căn cứ vào việc Phật chế giới cho Ni nhiều hơn Tăng, mà cho rằng Phật kỳ thị nam nữ.

Thật ra, vì phái nữ có những điều kiện vật lý tâm lý khác hẳn nam giới cho nên giới luật cũng khác. Riêng về Bát kỉnh pháp, chúng ta có thể đi ngược dòng lịch sử để xét lý do Phật chế tám điều cung kỉnh. Trong đoàn thể xuất gia đầu tiên của Phật không có nữ lưu. Mãi đến nhiều năm sau khi thành lập tăng đoàn, bà mẹ nuôi Đức Phật là Hoàng hậu Mahaprajapati (Đại Ái Đạo) cùng với 500 nữ nhân dòng Thích Ca mới đến xin Phật thế phát xuất gia. Phật từ chối. Lần thứ hai khi nghe Đức Phật đang ở Kỳ hoàn Tinh xá, Hoàng hậu cùng 500 nữ nhân ấy từ xa xôi lặn lội, đi bộ rách cả gót chân, y phục lấm lem đất bụi, đến nơi đứng ngoài cửa khóc lóc thảm thương. Ngài A Nan thấy thế động lòng can thiệp giúp cho hoàng hậu và sau ba lần Ngài năn nỉ Phật mới bằng lòng cho bà và 500 nữ nhân xuất gia với điều kiện phải tuân Bát kỉnh pháp. Phật biết tâm lý kiêu căng cố hữu của người phụ nữ, mặt trái của bản năng làm mẹ, ưa bảo bọc và tự cho mình quan trọng. Bà Mahaprajapati là một vì đương kim Hoàng hậu, lại là Mẹ nuôi đã chăm sóc Thái tử (Phật trước khi xuất gia) từ khi mới ra khỏi lòng mẹ được bảy ngày. Bà có đủ tất cả lý do để kiêu căng ngã mạn khi bước vào hàng ngũ xuất gia. Nếu Phật không chế ra Bát kỉnh pháp thì rất có thể bà sẽ trổ trời mà lên, không coi ai vào đâu nữa. Nếu ở đờiđã sai bảo được lính tráng quan hầu, thì không lý do gì khi vào đạo và lại là Mẹ của Phật, Bà không sai bảo được những nam tu sĩ choai choai đáng đầu con cháu bà? Một kỉnh pháp có lẽ cốt chĩa vào Kiều Đàm di mẫu chứ không ai khác, vào thời gian sớm sủa ấy khi chưa có nữ nhân nào xin đi tu: "Một vị Tỷ kheo Ni dù 100 tuổi hạ cũng phải cung kính vái chào mời ngồi một Tỷ kheo Tăng dù mới 1 tuổi (thật ra là 21 tuổi vì tuổi tối thiểu để thọ tỷ kheo giới là 20, cộng thêm một năm tuổi hạ)".

Một lý do khác là để giữa Tăng và Ni phải có khoảng cách trong hòa khí. Nữ giới hay quá đà: hoặc quá thân thì mất cung kỉnh, dễ lờn hoặc quá sơ thì dễ đi đến chỗ kiêu căng tự phụ cho rằng ta đây có thể tự lập không cần ai dắt dẫn. Do đó một kỉnh pháp khác bắt buộc Ni phải thỉnh thoảng đi đến tỷ kheo Tăng xin chỉ giáo, để luôn luôn nhớ địa vị khất sĩ của mình, nghĩa là phải cầu pháp. Ta cần lĩnh hội Bát kỉnh pháp một cách sâu xa hơn, ấy là phải kính trọng tất cả, vì trở ngại lớn nhất cho người tìm Đạo là thói kiêu căng. Thánh Gandhi nói: "Người tìm chân lý phải xem mình hèn mọn hơn cát bụi. Vũ trụ nghiền nát cát bụi dưới chân mình, song kẻ đi tìm chân lý phải nghĩ mình nhỏ nhoi đến độ bụi cát cũng có thể nghiền nát mình. Chỉ khi đó con người mới mong có được một tia sáng nào của chân lý". Như vậy, người nữ nào thực tình muốn xóa ngã chấp thì không nên mặc cảm về Bát kỉnh pháp, và nam tu sĩ cũng không có lý do gì để tự hào.

Phái nữ có những lãnh vực hoạt động khác hẳn lãnh vực nam, không thể so sánh. Nếu trong xã hội, đàn ông nắm giữ những địa vị then chốt thì trong gia đình, giềng mối lại do đàn bà nắm giữ. Bởi thế đức Phật thường dùng danh từ Màtugàma những bà Mẹ, để tỏ ý kính trọng khi nói về những phụ nữ lớn tuổi và danh từ Pàramàsakhà (những bạn tốt của chồng) để chỉ những phụ nữ đã kết hôn. Đông phương có danh từ "nội tướng" chỉ những bà mẹ đảm đang trong gia đình, những bà Mẹ có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong sự giáo dục con cái.

Về điểm này chúng ta có thể tìm ví dụ trong tiểu sử những bậc Thánh như ngài La Thập, mà thân mẫu đã đóng góp một phần không nhỏ trên đường tiến tu đạo nghiệp; Ngài Dhammapala một vị hộ pháp có công chấn hưng Phật giáo tại Tích Lan và sáng lập hội Mahabodhi cũng đã nhờ công lao rất nhiều của thân mẫu. Tiểu sử ghi rằng thân mẫu Ngài đau buồn trước tình cảnh nền tín ngưỡng Phật giáo cổ truyền của xứ sở bị cuốn trôi trước những làn sóng xâm lăng của dị giáo, đã thường tha thiết cầu nguyện sinh được một người con trai đầy đủ tài đức để phục hưng tôn giáo nước nhà. Bà đã được toại nguyện, ngài Dhammapala đã ra đời giữa tiếng kinh vang rền của chư Tàng, hương trầm nghi ngút. Bà sống một đời thánh thiện trong thời kỳ hoài thai bậc Thánh, mong người con sau này phải trở thành cứu tinh của dân tộc.

Bà Mạnh mẫu cũng đã chọn chỗ ở thích hợp để nuôi dạy người con về sau đã trở thành một vì Á Thánh của Trung quốc. Thân mẫu của Mahatma Gandhi cũng đã gây một ảnh hưởng lớn trong đời bậc vĩ nhân này, và triết gia Anh lỗi lạc là Bertrand Russell cũng đã được giáo huấn từ tấm bé bởi một bà nội đầy nghị lực quả cảm không thua gì nam giới. Những tỉ dụ ấy đầy rẫy trong các tiểu sứ những vĩ nhân của nhân loại. Những bà mẹ ấy đã dễ dàng bị lãng quên trước sự thành công sáng chói của những người con, nhưng chính sự lãng quên ấy lại là một phần làm nên sự vinh quang của những bà mẹ, với đức hy sinh vô bờ không chờ đợi được đền đáp hay được nhắc nhở. Đức hy sinh xả kỷ của những bà mẹ vĩ nhân nói chung ấy đáng lẽ chúng ta phải xây đài kỷ niệm như chúng ta đã xây đài kỷ niệm những chiến sĩ vô danh.

Vai trò then chốt của những bà mẹ trong gia đình được tỏ rõ qua kinh nghiệm: ta thường thấy rằng khi một gia đình có người cha vô trách nhiệm nhưng được bà mẹ đảm đang đức hạnh thì gia đình vẫn còn vững, con cái vẫn có thể làm nên nấu chín. Trái lại khi một gia đình có bà mẹ bê tha thì gia đình ấy kể như tan rã, con cái bơ vơ không nơi nương tựa. Một văn hào Pháp đã nói: "Chính phụ nữ là những người tạo dựng và phá hoại gia đình!" (Ce sont les femmes qui font et dèfont la maison.) Trong khi công việc của nam giới là khai sáng dựng xây, thì công việc của nữ giới là duy trì, bảo vệ và hỗ trợ cho những công trình công ích. Trong những phong trào, những tổ chức văn hóa và tôn giáo, phụ nữ thường là những người bảo trợ và hưởng ứng, như bà bá tước Chatelet với lâu đài Cirey đã giúp văn hào Voltaire trú ẩn chính quyền Pháp, tại đây ông đã sáng tác những tác phẩm bất hủ cho nhân loại.

Trong lãnh vực Tôn giáo, vai trò hỗ trợ của phụ nữ lại càng quan trọng hơn. Vào thời Đức Phật còn tại thế, đã có rất nhiều phụ nữ trong số những đệ tử Phật, điều ấy được chứng tỏ qua Kinh tạng và Luật tạng bằng tiếng Pali.

Luật Pali (Vinaya Pitaka) có hai chương dành cho nữ giới là Bhikkhunivibhanga và Bhikkhuni khandhaka nói đến những giới luật mà Tỷ kheo Ni và những nữ nhân tập sự xuất gia phải tuân giữ. Họ là những phụ nữ thoát ly gia đình để đi tìm sự an tĩnh nội tâm, sự tự chủ, ánh sáng tri thức, và trên tất cả tìm Giải thoát, trọng tâm căn để của Phật giáo như Đức Thế Tôn dạy: "Cũng như nước trong bốn biển chỉ có một vị mặn, Đạo của ta cũng chỉ thấm nhuần một vị, ấy là vị Giải thoát".

Trong số đông đảo phụ nữ xuất gia hồi Đức Phật còn tại thế, có nhiều người đã chứng đến quả A la hán, quả vị cao tột mà một đệ tử đương thời của Phật có thể chứng đắc, mà chứng tích còn tồn tại đến chúng ta qua những bài thơ (kệ) họ thốt ra sau khi đắc quả, những bài kệ này được ghi lại trong Kinh tạng Pali gồm ba phần: phần thứ nhất quan trọng hơn cả gọi là Therigàthà (Trưởng lão Ni kệ) gồm những bài thơ của 73 vị nữ tu lớn tuổi gọi là Trưởng lão Ni. Phần thứ hai là Bhikkhuni Samyutta, một phần trong kinh Samyutta Nikàya (Tạp A hàm) sưu tập những bài kệ của 10 vị Trưởng lão Ni trong số kể trên; và phần cuối cùng là Apadàna là tập tiểu sử viết bằng thơ kể lại đời của 40 vị Ni sống đồng thời với Đức Phật, so với 547 tiểu sử của các vị Tăng. Đương thời đức Phật, trong khi Tăng bộ có hai vị là Sariputta (Xá Lợi Phất) và Mogallàna (Mục Kiền Liên) cai quản thì Ni cũng do hai vị Ni đã đắc quả A la hán hướng dẫn là bà Khemà và Uppalavannà. Nhiều vị nữ đệ tử khác cũng đã được Đức Phật liệt vào hàng lỗi lạc nhiệt thành.

Sự thành lập Ni bộ của Đức Phật đã được các nhà dân tộc học cho là một việc làm vô cùng cách mạng, nếu ta xét đến yếu tố thời gian cách đây 2500 năm và không gian là xứ Ấn Đđầy thành kiến đối với phái nữ. Không những ngày xưa mà ngay hiện tại nhiều nơi ở Ấn vẫn còn giữ tục lệ Purdah tức tục che mặt của phụ nữ khi ra đường, và họ phải sống trong phòng the khóa kín. Theo tục lệ Ấn giáo, phụ nữ không được giáo dục, không được làm những công việc ngoài đường dù nhỏ mọn như bán trầu thuốc, rau cải, tất cả đều do đàn ông đảm trách. Sinh con gái là một điều bất hạnh cho mọi gia đình, vì phải lo việc gả chồng và sắm của hồi môn. Hơn nữa trong Xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, cũng như ở Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, mọi gia đình đều xem con trai là rường cột trong việc nắm giữ giềng mối tổ tông và lo việc tế tự thờ cúng. Việc tế lễ trong đó nhiều sinh vật thường bị giết làm vật hy sinh, được thực hành sâu rộng và người ta tin rằng khi người cha trong gia đình chết đi mà không có con trai nối dõi tông đường thì linh hồn ông sẽ thành ma trở về quấy phá. Do đó nếu một người đàn bà không sinh được con trai, thì người chồng có thể cưới vợ khác và ngay cả có thể trục xuất bà ra khỏi gia đình. Nhưng kể từ khi đạo Phật ra đời, những truyền thống của Xã hội Ấn đã trải qua một cuộc đổi thay. Phật giáo dạy rằng sự tế tự phải bắt nguồn từ nội tâm, bằng cách gột rửa những tư tưởng ngã chấp, thiêu đốt tham sân si. Sự tế tự phải tránh xa mọi hành vi tàn bạo độc hại đối với mọi sinh vật khác.

Hoàng hậu Mallikà nhờ thấm nhuần những tư tưởng ấy của đạo Phật, đã trở thành một Phật tử tại gia. Bà đã thuyết phục được vua Pasenadi khỏi nghe lời một giáo sĩ bà la môn, giết nhiều muôn sinh trong một đại tế đàn để thế mạng vua. Lại nữa, lý thuyết Phật giáo theo đó mỗi người chịu trách nhiệm việc sinh tử của mình, đã bật tung gốc rễ của truyền thống tế tự thần linh để cầu sinh con trai, hay tin rằng linh hồn người cha sẽ trở về quấy nhiễu nếu việc cúng tế không được chăm sóc chu đáo. Với lý thuyết nghiệp, đạo Phật không tin vào những vụ cúng tế dù để xin con trai hay để chuộc tội lỗi. Vị trưởng lão Ni tên Punna trong một bài kệ có nhận xét rằng nếu lễ tắm rửa trong nước sông có thể tẩy sạch tội lỗi và thanh hóa con người thì những loài tôm cua rùa cá và rắn nước đáng lẽ phải được lên thiên đàng tất cả. Như vậy, với sự xuất hiện của Phật giáo, người phụ nữ Ấn không còn phải quá lo ngại và bị ngược đãi khi không sinh được con trai, vì người ta đã nhận thức được rằng cuộc sống đời sau của người cha hoàn toàn tùy thuộc vào những hành vi hiện tại của ông, chứ không phải do sự cúng tế của người con trai hay con gái nào cả. Và sự kế nghiệp gia đình cũng không còn quá lệ thuộc vào người trưởng nam như trước. Ngày nay ở bờ biển Tây Ấn còn có một giai cấp Bà la môn rất xưa cũ gọi là Nairs có truyền thống chỉ trao quyền thừa kế cho con gái. Điều này có thể là do một ảnh hưởng của đức Phật. Chúng ta được kể rằng khi vua Pasenadi tỏ vẻ buồn bã thất vọng vì Hoàng hậu Mallikà sinh con gái, đức Phật đã an ủi vua bằng những lời lẽ như sau:

"Tâu Đại vương, một cháu gái có thể còn tốt hơn cả một bé trai
Cô bé có thể trở thành một thiếu nữ hiền đức
Biết kính trọng mẹ chồng, và làm một người vợ tốt
Nàng có thể sinh một người con làm nên việc lớn
Cai trị những vương quốc lớn rộng
Trở thành một người lãnh đạo quốc gia
".

Một truyền thống khác cũng đã được Đức Phật xóa bỏ với cuộc cách mạng của Ngài là thành kiến khinh bỉ đối với những phụ nữ sống độc thân cho đến già. Với sự xuất hiện của Phật giáo và đoàn thể Ni chúng, đoàn thể phụ nữ độc thân có tổ chức đầu tiên, người phụ nữ không lập gia đình dù chưa phải là Phật tử cũng bắt đầu thấy tự do thoải mái, nàng có thể ra đường mà không bị phỉ báng, hài lòng với công việc thích hợp như phụng dưỡng cha mẹ, săn sóc đàn em, chăm lo nhà cửa. Nàng có thể trở thành chủ nhân những gia sản lớn, có nhiều nô bộc đất đai ruộng vườn như trường hợp nàng Subhà con gái người thợ kim hoàn. Sau khi nghe pháp nàng đâm chán ngấy mọi thú vui thế tục và gia nhập đoàn thể Ni.

Như vậy ta thấy giáo pháp của Phật đã mở rộng cho tất cả hàng phụ nữ không phân giai cấp: bà Mahapajapati mẫu hậu cao sang quyền quý, nàng Subhà giàu có, nàng Isidàsi đau khổ, nàng Ambapali ăn chơi. Theo các bài kệ và tiểu sử những vị này, về sau đều trở thành những bậc Trưởng lão Ni và đều đắc quả. chúng ta được biết Isidàsi là một phụ nữ đau khổ có bốn đời chồng, khi xuất gia sống đời giải thoát Bà đã diễn tả trong một bài thơ nỗi niềm vui sướng vì đã thoát khỏi một cách vinh quang ba điều khó chịu là "cối, chày, và người chồng bất chính" và khi đắc quả Bà đã hân hoan thốt lên: "Tôi đã thoát khỏi sống chết, tôi đã cắt đứt sợi dây luân hồi" (Trưởng lão ni kệ 11.). Bà Pàtàcàra một phụ nữ bị mất một lượt hai con, chồng, cha, mẹ và anh trong một tai nạn thảm khốc. Nhờ thần lực Phật, Bà được gặp Ngài và ngay sau khi nghe Pháp từ chính Kim khẩu đức Thế Tôn, Bà đã đắc sơ quả và xin xuất gia. Một hôm xuống rửa chân trong dòng suối, nhìn nhu74ng giọt nước từ bàn chân nhỏ xuống tan trong dòng nước trôi đi, bất giác Bà nghĩ đến sự mong manh của đời người chẳng khác nào những giọt nước kia, sớm muộn cũng tan rã, chấm dứt. Đức Phật đọc được những ý nghĩ ấy và biết tâm Bà đã sẵn sàng chứng quả cao hơn, đã thuyết pháp cho Bà. Nghe xong thời pháp Bà đã đắc quả A la hán, và từ đấy trở thành nguồn an ủi cho nhiều phụ nữ bất hạnh khác.

Đến trường hợp nàng Ambapali là một kỹ nữ kiều diễm ăn chơi của kinh thành Vesali mà nhan sắc đã làm cho vua Bimbisara suýt mất mạng, Đức Phật cũng đã cảm hóa được và khiến nàng trở thành một người xuất gia thanh tịnh trong hàng ngũ ni chúng. Sự kiện Phật độ cho nàng Ambapali xuất gia đã chứng tỏ đức bình đẳng và lòng từ bi bao la của Phật, hơn nữa đấy còn là một bằng chứng hùng hồn cụ thể của lời Phật dạy là ai cũng có Phật tính, có thể đắc đạo miễn là họ chịu nỗ lực rèn luyện bản thân.

Nhưng không phải đoàn thể ni chúng chỉ gồm những phụ nữ muốn thoát ly gánh nặng gia đình và đời sống cam go; những người đau khổ tìm đến niềm an ủi của một đoàn thể, mà còn gồm cả những phụ nữ có khả năng tâm linh cao vượt, muốn thẳng tiến lên con đường của các bậc thánh. Đó là những người như Bà Bhaddhà Kundalakesin trước kia là một đồ đệ Kỳ na giáo, chuyên môn đi khắp xứ để tranh biện với những người uyên bác. Một ngày kia Bà tranh luận với Tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả đã giải được tất cả những vấn nạn của bà và đưađến Đức Phật. Vừa nghe Phật thuyết pháp bà đã đắc quả A la hán và gia nhập đoàn thể Ni. Đây là một trường hợp hiếm thấy nơi phụ nữ, đắc quả trước khi xuất gia. Bà lại còn có cái vinh dự được chính Đức Phật cho xuất gia với mấy lời đơn giản: "Lại đây hỡi nữ hhất sĩ". (Ehu bhikkhunì thiện lai, tỷ kheo ni.)

Một vị Trưởng lão Ni khác nữa có trình độ tâm linh cao là Bà Bhaddhà Kàpilàni (TLNK 63) Bà này đã xuất gia cùng một lượt với chồng là Kassapa. Việc này rất thường xảy ra vào thời Phật tại thế, khi nhân cách sáng chói của Ngài chiếu thẳng vào mọi tâm hồn và cảm hóa được tất cả, khiến cho người ta có thể lìa bỏ những gì thân yêu nhất để đi theo tiếng gọi của chân lý. Hai người này đã thỏa thuận cùng nhau xuất gia sống đời lang thang như chính đức Phật và các đệ tử của Ngài. Họ khởi hành cùng lúc nhưng liền chia tay để đến nơi Đức Phật theo những con đường khác nhau, vì sợ người ta lầm tưởng họ còn ái luyến, và sự nghĩ quấy này có thể rước lấy ác báo. Trong Trưởng lão kệ có ghi rằng mãnh lực của quyết định này nơi đôi bạn đã làm chấn động quả đất.

Một phụ nữ đặc biệt khác nữa là Bà Dhamadinnà, vợ Visàkha một đệ tử tại gia thuần thành của Phật. Khi Bà xin phép xuất gia, Visàkha tiễn đưa đến một Ni viện, nhưng ông thì vẫn làm cư sĩ tại gia. Sau khi đắc quả A la hán Dhammadinna có lần thảo luận về Pháp với ông Visàkha. Những cuộc trao đổi này được ghi lại trong kinh Cùlaveddala Sutta, Pali tạng. Phật xem vị sư nữ Dhammadinna là một trong những đệ tử "thuyết pháp đệ nhất" và ấn chứng cho tất cả những gì Bà đã nói. Ngài bảo Visakha rằng nếu hỏi Ngài, Ngài cũng sẽ dạy hệt như Dhammadinna đã nói, và những lời của Bà được trở thành Buddhavacana, Phật ngôn. Một trường hợp khác mà lời một vị Ni được xem như Phật ngôn là khi Phật xác nhận lối giải thích của vị Ni (khuyết danh) ở Kajangala. Vị Ni này đã giải đáp 10 câu hỏi quan trọng.

Riêng về sự ủng hộ Phật pháp bằng cách cung cấp tứ sự cúng dường cho đoàn thể Tăng Ni, và sống một đời tại gia hợp với chánh pháp, hàng phụ nữ đương thời đức Phật cũng đóng một vai trò khá quan trọng. Một trong những thí chủ hào phóng thời ấy là Bà Visakhà được Đức Phật chuẩn y cho phép thi hành tám điều công đức gồm: cúng dường vật thực cho chư tăng khi vào thành Xá vệ, khi rời thành, cúng dường vật thực cho người bệnh, người nuôi bệnh, thuốc men cơm cháo cho những người cần, y phục cho chư Tãng vào mùa mưa và áo tắm cho Ni. Những nữ đệ tử tại gia nổi tiếng khác là Hoàng hậu Mallikà (Mạt lợi phu nhân) đã có công hướng dẫn vua Pasenadi (Ba tư nặc) theo chánh đạo, Bà Nakulamàtà đã cứu chồng thoát khỏi tử thần. Những ví dụ tương tự rải khắp tạng kinh Pali cho ta thấy phụ nữ đã là những người ủng hộ đắc lực cho đoàn thể Tăng chúng trong thời Phật tại thế, và hộ trì chánh pháp không những bằng sự cúng dường vật thực, bằng lòng kính thành sùng đạo của họ, mà quan trọng nhất là chính họ đã hướng dẫn gia đình theo chánh đạo, từ bỏ những thói tục dị đoan và trở thành những đệ tử trung kiên của Phật.

Trong Phật giáo hiện đại cũng thế, những công tác Xã hội để hàn gắn những vết thương của đồng loại trong lúc gặp chiến tranh ách nạn, phần nhiều là do Ni và nữ Phật tử nhiều từ tâm xả kỷ. Hàng nữ xuất gia cũng như tại gia hiện tại cũng đóng một vai trò hộ trì không kém phần quan trọng đối với những công trình lớn lao của Giáo hội, thông thường là việc gây ngân quỹ.

Về phương diện tinh thần, đoàn thể Ni chúng là một tấm gương sáng, một niềm khích lệ an ủi cho nhiều phụ nữ bất hạnh trong sinh hoạt gia đình. Những lúc tinh thần căng thẳng rối loạn vì đời sống hôn nhân, họ đến chùa và được tăng thêm tự tin khi thấy có những người con gái đáng đầu con cháu họ đang dạn dĩ bước đi một mình trên đường đời, lấy Chân lý làm bạn và lấy chúng sinh đau khổ làm gia đình. Họ bỗng nhận ra rằng một gia đình nhỏ với dăm ba đứa con hóa ra không phải là mục tiêu duy nhất của người phụ nữ, nhiều phụ nữ khác có thể sống trọn vẹn hơn mà không cần gì đến những phụ tùng phiền toái như họ. Biết bao nhiêu người đàn bà đau khổ đã được cảm hóa khi biết hướng tâm hồn của họ về ánh sáng Phật pháp thay vì quanh quẩn trong bóng tối của một bản ngã nhỏ hẹp với những vấn đề bất tận dàn ra trước mắt mà họ không thể nào giải quyết. Nhiều phụ nữ đã thú thật nếu không nhờ Phật pháp có lẽ họ đã hóa điên hay ra thân tàn ma dại.

Quả thế trong thời buổi chiến tranh nhiều tang tóc này, chắc chắn Phật giáo đã cứu vớt rất nhiều phụ nữ. Bao nhiêu gia đình nhờ thấm nhuần chánh pháp mà giữ được bình tĩnh trước những tai biến tầy đình trút lên đầu họ. Có thể nói trong một nước chịu nhiều chiến tranh, phụ nữ là thành phần đau khổ nhất. Vì họ là những người đã trực tiếp mang lại sự sống, nên cũng xót xa nhất trước cái chết của những người con. Nhưng nhờ Phật giáo, có những bà mẹ đáng lẽ héo mòn trong đau khổ, đã tìm thấy con đường phục vụ, tham gia công tác cứu khổ của Phật giáo để thấy Khổ đế lan khắp mặt đất chứ không riêng gì bản thân mình. Khi nhận ra điều này, cõi lòng họ sẽ lắng lại, và trong họ nảy sinh một tình thương lớn, lan dần, tỏa rộng ra đến tất cả mọi ngườì và mọi loài đau khổ, nỗi khổ đau mà họ đã hơn một lần thực chứng.

Để kết luận, có thể nói Phật giáo đã đem lại một niềm an ủi vô bờ cho những phụ nữ đau khổ, đã mở ra một con đường vinh quang cho những phụ nừ có khả năng giác ngộ. Ngược lại, phụ nữ cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc duy trì bảo vệ Chánh pháp. Dưới ánh sáng tâm linh của đức Phật, không có vấn đề kỳ thị mà trái lại, mọi người mọi loài đều được hiển lộ đúng chỗ của nó và đều quan trọng, đều cần thiết như nhau.

Quan niệm bình đẳng giữa nam nữ càng được tỏ rõ trong đại thừa giáo như trường hợp Long nữ thành Phật trong kinh Pháp Hoa, hay trường hợp Phật thọ ký cho các Bà Ma ha ba xà ba đề và Da du đà la thành Phật, hoặc trường hợp trong kinh Duy ma cật với đoạn ứng đối hào hứng giữa Tôn giả Xá lợi phất và Long nữ. Nhưng quan niệm bình đẳng của Phật giáo phải được đặt căn bản trên tài và đức thì sự bình đẳng ấy mới có ý nghĩa thực thụ chứ không phải chỉ có tính cách chính trị, mị dân. Chính người phụ nữ phải nỗ lực gột bỏ những thói xấu cố hữu và trau dồi những đức tính, khả năng của họ để tạo nên sự bình đẳng ấy chứ không phải ngồi một chỗ kêu gào người ta đem đến cho mình, vì khi ấy sự bình đẳng nếu có thì cũng chỉ trên lý thuyết. Đức Phật dạy rằng chỉ có tự chúng ta làm cho chúng ta thanh cao hay hèn hạ, không ai khác có thể nâng cao hay hạ thấp phẩm giá của ta.

Trong vấn đề phụ nữ cũng vậy, khi người đàn bà chấm dứt những tệ đoan thường thấy, khi họ không tự hạ giá bằng cách biến mình thành một thứ hoa chỉ để trang hoàng cho vui mắt, khi họ không quá chú trọng bề ngoài mà biết thực sự đề cao, theo đuổi những giá trị tinh thần tâm linh, biết sống vì chân lý, thì họ không có lý do gì để mặc cảm về thân phận mình, lại càng không có lý do gì để kiêu căng, mà chỉ sống như một con người, đơn thuần là một con người, và theo Phật giáo, đấy là một địa vị thuận lợi mở ra muôn ngàn khả năng đạt đến Tuyệt đối, Niết bàn.

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01| 02 | Mục lục


Chân thành cám ơn đạo hữu Hồ Trung Mỹ đã gửi tặng bản vi tính (B. Anson, 07-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 08-07-2004

T.N. Tri Hai - Tu nguon Dieu Phap

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Từ nguồn Diệu Pháp

Thích Nữ Trí Hải


  

  [02]


7. NGỖNG VÀ CHAI

Một người nuôi một con ngỗng trong một cái chai. Khi ngỗng lớn, làm sao để đưa ngỗng ra khỏi chai mà chai không vỡ, ngỗng cũng không chết? Đấy là một trong những công án thiền.

Giữa các giải đáp, có người đề nghị con ngỗng nhịn ăn bớt uống cho thể xác gầy mòn để chui ra (khổ hạnh để giải thoát). Có người bi quan, cho rằng ngỗng nhất định phải chết (cá nhân phải bị tập thể hay hoàn cảnh nghiến nát). Có người cho ngỗng tượng trưng ngã chấp, ngã chấp càng lớn thì thấy cổ chai càng nhỏ, không thể nào chui ra, nếu xóa bỏ ngã chấp như hư không, thì còn cổ chai nào không lọt? Lại có quan niệm cho rằng, trong hay ngoài chai đều là những lối nhìn phiến diện, đối với cái nhìn toàn diện thì không có trong ngoài, và khi ấy tâm được giải thoát không còn thấy trong ngoài. Chỉ cần mở rộng cõi lòng, thì đâu cũng là nhà, vì "đâu mà chẳng có chút trời xanh".

Theo nhận xét thông thường, thì đây quả là một thế nan giải: hoặc ngỗng phải chết, hoặc chai phải vỡ, không thể nào cả hai đều nguyên vẹn. Đó cũng chính là cái thế nan giải của con người trước cuộc đời. Mọi bi kịch lớn nhỏ đều bắt nguồn từ xung đột giữa cá nhân với tập thể (gia đình, xã hội) và người ta dường như phải chọn chỉ một trong hai đường: hoặc đạp đổ cái khung tập thể đang giam hãm mình để được tự do cá nhân (chai phải vỡ) hoặc là đành héo mòn trong cái khung ấy (tức là để cho ngỗng chết). Hoặc nếu không chết khô, thì cá nhân cũng phải vùng vẫy để thoát ra bằng mọi giá, ôn hòa thì chọn cái "quẻ" ép xác khổ hạnh (lối thoát của nhà khổ tu để tự độ), mà bạo động thì tạm đập đổ để xây dựng một khuôn khổ mới hợp ý mình hơn. Với phương pháp sau này, nhiều cá nhân phảí bị hy sinh, hiện tại phải bị hy sinh cho một tương lai nào đó.

Đạo Phật, trước vấn đề ngỗng và chai sẽ nêu lên câu hỏi: "Con người và cuộc đời cá nhân với hoàn cảnh, là hai hay một?". Xét cho cùng, ta chính là cuộc đời và cái khung mà ta tưởng rằng mình bị nhốt trong đó. Chính ta đã tạo ra cái khung ấy, không ai khác. Ta có liên hệ mật thiết với cái khung xã hội này, cả bề ngang cũng như bề dọc, bề rộng cũng như sâu trong không gian và trong thời gian. Cái tôi bao hàm sự hiện diện của vô số người và vật không-phải-tôi: thân này không có, nếu không có tổ tiên ông bà cha mẹ, nếu không có bà bán rau cải, nhà nông, thợ dệt, thợ mộc, thợ nề, nếu không có đất nước lửa gió, ánh sáng mặt trời...; "cái tôi", tinh thần, tâm linh sẽ không có nếu không có những tiền bối đông tây kim cổ, một cộng đồng siêu thời không, mà đối với ta đôi khi gần gũi hơn cả người láng giềng gần nhất, ta cảm như cùng thở một bầu không khí với họ mỗi khi đọc sách, tư duy. Sự tương quan giữa một và tất cả đó, giáo lý Hoa Nghiêm gọi là pháp giới trùng trùng duyên khởi. Vậy thì, cái khung (hoàn cảnh) và con người không phải là hai. Không phải chuyện tình cờ ngẫu nhiên nếu ta phải sống trong một mẫu mực xã hội nào đó: chính ta đã chọn lựa nó, một cách hữu thức hay vô thức.

Nhận thức điều đó không có nghĩa rằng ta phải bó tay cam chịu, hoặc trụy lạc theo thói đời, vì tưởng mình đã là con đẻ của hoàn cảnh thì có làm gì cũng vô ích. Đạo Phật cho rằng, cuộc cách mạng chân thực phải bắt đầu từ bản thân, và chỉ khi nào con người có trưởng thành trí tuệ mới có thể có cuộc cách mạng căng để đưa con người đến tự do tuyệt đối, nghĩa là giải thoát mà không là giải thoát khỏi một cái gì: mọi cái khung đều là ảo tưởng do tâm tạo. Giải được nó là giả, thì liền thoát không cần phải đập vỡ cái gì cả, nên " Bồ tát đi vào đời mà không xáo trộn trật tự của cuộc đời", cũng không bị đời chi phối, mà ngược lại còn tác động sâu xa trên những người đồng thời và mai hậu: điển hình là sự âm thầm từ giã cung điện vào lúc nửa đêm của thái tử Siddhartha cách đây gần ba ngàn năm. Bồ tát vẫn ung dung sống giữa đời bốc cháy ngọn lửa tham dục bằng thái độ kham nhẫn, từ bi, như dãi nước mát trên sa mạc, như ngọn gió thanh lương giữa trưa hè oi bức. Bồ tát nhìn chúng sinh còn tham đắm không khác người lớn nhìn trẻ con đang ham thích đồ chơi: sự mê say của chúng là đương nhiên, vì chúng chưa lớn. Đến một giai đoạn, chúng sẽ bỏ đồ chơi ấy. Không ích gì lý luận với chúng rằng đó chỉ là đồ giả, hay giật đồ chơi của chúng liệng đi, hay bực bội vì sự đam mê của chúng. Trái lại, Bồ tát nhìn chúng sinh với lòng bi mẫn: "Họ và ta chỉ là một, vì còn mê nên gọi là chúng sinh, đến khi hết mê thì đều là Bồ tát". Không hoan hô hay đả đảo bất cứ gì , Bồ tát vẫn thung dung sống giữa cuộc đời ô nhiễm như đóa sen vươn lên từ bùn dơ:

Như từ đống rác thối
Quăng bỏ trên đại lộ
đấy hoa sen mọc
Tỏa hương đẹp ý người
Cũng vậy giữa quần sinh
Mù lòa và ô nhiễm
Bậc thánh đệ tử Phật
Tỏa trí tuệ sáng ngời. --
(Pháp cú 58-59)

Trí tuệ và Từ bi của Bồ tát như vết dầu loang, ảnh hưởng sâu rộng theo nguyên lý "trùng trùng duyên khởi" đã nói: khi một người tu, cả nhà ảnh hưởng, một nhà tu, cả xóm ảnh hưởng, cứ như thế, ảnh hưởng tốt đẹp từ từ lan rộng cho đến vượt quá biên cương một quốc gia, một thời đại, như đạo Phật từ một nước Ấn Đđã lan tràn khắp Âu châu, Á châu, Úc châu, Mỹ châu ngày nay.

Vậy, còn đâu là cái chai nhốt ngỗng?

-ooOoo-

8. HỘ TRÌ CHÂN LÝ

Trong Thường Già kinh (Trung bộ II, kinh số 95) Đức Phật phân biệt ba trình độ tiếp cận chân lý: hộ trì chân lý, giác ngộ chân lý và chứng đạt chân lý.

Hộ trì chân lý nói theo ngôn ngữ thời nay là tôn trọng sự thật. Khi tin tưởng một điều gì, ta cứ việc tin, nhưng không nên xác quyết rằng: chỉ có điều ta tin mới thật đúng, ngoài ra đều sai. Bởi không chắc gì ngày mai chính chúng ta còn tin như vậy hay không và quan trọng hơn, không chắc gì niềm tin ấy là hoàn toàn đúng. Vậy tốt hơn là cứ tin, nhưng đừng cực đoan ôm chặt nó. Kinh Bách Dụ kể chuyện một người cha trong lúc cháy nhà, chạy lạc thằng con, về sau tìm được nắm xương cháy tưởng là con liền đem về thờ cúng. Một thời gian sau, đứa con tìm được nhà cha, trở về gõ cửa. Người cha không mở, cho là ma quái tới quấy phá, vì tin chắc con mình đã cháy thành nắm xương khô kia. Con người si chấp một niềm tin sai lạc cũng như người cha ngu si ấy: đã tin giả làm thật thì đến khi cái thật đến, vẫn cứ đóng chặt tâm hồn. Thái độ hộ trì chân lý trong trường hợp này là, khi tưởng đống xương là con thì cứ việc cúng quảy làm chay cho nó đi (cũng không hại gì, nó không hưởng được thì có cô hồn khác hưởng thay). Nhưng đừng quyết chắc như vậy khi chưa thấy tận mắt. Phật dạy có 5 điều không chắc đúng: Một là điều ta tin theo (tùy tín), hai là điều ta đồng ý (tùy hỉ). Ba là điều ta nghe đồn (tùy văn). Bốn là điều ta xác nhận sau khi cân nhắc suy tư. Năm là quan điểm, lý thuyết mà ta chấp nhận. Trong cả năm loại ấy, nếu là người hộ trì chân lý, ta sẽ không vội xác quyết: "Chỉ có niềm tin này, sự đồng ý này, lời đồn này, sự suy tư này, quan điểm này... là đúng, ngoài ra đều sai". Nghĩa là ta có quyền tin thế này thế khác, có quan điểm nọ kia nhưng không bao giờ nên cả quyết niềm tin của mình, quan điểm của mình là duy nhất đúng.

Giác ngộ chân lý là khi một người xét rõ một vị thầy, thấy họ không có tham, sân, si; Pháp được họ khéo giảng, đưa đến vô tham, vô sân, vô si, người ấy sinh lòng tin, đến gần, giao thiệp, lóng tai nghe pháp, thọ trì, tìm hiểu ý nghĩa, hoan hỉ chấp nhận pháp ấy, khởi ý muốn tu tập theo, cố gắng cân nhắc, tinh cần. Nhờ tinh cần mà tự thân thể nhập được chân lý người ấy thấy. Như vậy là giác ngộ chân lý, nhưng chưa phải là chứng đạt chân lý.

Chứng đạt chân lý là sau khi thấy, còn phải luyện tập, hành trì cho thuần thục. Ta có thể lấy ví dụ giác ngộ như ngọn đèn vừa được thắp lên trong căn phòng tối tăm dơ dáy bụi bặm trải nhiều năm tháng. Chứng đạt là quét sạch hết bụi dơ ấy sau khi đã thấp đèn lên.

Muốn chứng đạt chân lý, phải trải qua 13 giai đoạn tuần tự như sau:

1. Trước hết là lòng tin đối với bậc Thầy xứng đáng sau khi đã tìm hiểu kỹ vị ấy như trên. Điều này rất quan trọng. Biết bao nhiêu người vì lầm tin thầy bà yêu nghiệt mà phải khổ một đời, lụy đến muôn kiếp. Nhưng cốt yếu ở đây vẫn là "chánh tâm". Nếu tâm tà đi tìm thầy thì chỉ gặp thầy tà. Tâm cầu tài lợi thì chỉ gặp thầy bói. Cầu khỏi bệnh thì chỉ gặp thầy lang, có khi lang băm. Cầu khỏi nạn chỉ gặp thầy bùa, thầy cúng. Ưa bề ngoài thì dễ tin hạng thầy chỉ có bề ngoài. Lòng tin chân chánh là tin Phật pháp có năng lực diệt khổ, giải thoát ngay hiện tại. Khi đã có lòng tin như vậy, phải tìm đến vị thầy cùng tin như vậy và có khả năng trao truyền phương pháp diệt khổ của Đức Thế Tôn.

2. Đến gần: Có tin tưởng một vị thầy, thì tất nhiên phải đến gần họ, mới nung nấu niềm tin chánh pháp được.

3. Thân cận giao thiệp: Sau khi đến gần, phải thân cận thường xuyên vị thầy. Nếu Phật tử mà 3 năm mới tới thăm thầy một bận, thầy quên mặt mũi gốc gác mình mất rồi, làm sao hướng dẫn mình trên đường học đạo! Hoặc tới chùa mà chỉ ra vườn xuống bếp, tránh mặt thầy, thì cũng vô phương học đạo.

4. Lóng tai: ám chỉ một thái độ sẵn sàng đón nhận sự dạy bảo của thầy về Phật pháp. Có nhiều Phật tử ưa thân cận giới xuất gia chỉ để tâm sự vụn, gần gũi giao thiệp chỉ để thỏa chí tò mò, kiểu tìm bạn bốn phương, thì thầy trò đều thất lợi. Có Phật tử tới chùa chỉ nói chuyện thế gian, khi động đến Phật pháp thì lánh mặt ra vườn xem cây cảnh. Như vậy là không lóng tai.

5. Nghe pháp: Có thái độ sẵn sàng, tâm hồn chuẩn bị lóng tai nghe pháp, Pháp mới lọt vào tai được.

6. Thọ trì: Nghe xong, phải thọ trì, nghĩa là ghi nhớ vào lòng, giữ gìn không mất. Người cố thọ trì pháp thì nghe pháp mới có ích lợi, như lưỡi vừa động tới thức ăn là mặn lạt biết ngay. Người nghe mà không thọ trì thì pháp chỉ vô tai này ra tai kia, như cái muỗng suốt đời tiếp xúc đồ ăn mà vẫn vô tri giác. Phật dạy:

Người ngu dẫu trọn đời
Thân gần bậc hiền trí
Vẫn không biết chân lý
Như cái muỗng múc canh.

Người trí dù một khắc
Thân cận với bậc hiền
Cũng thấy ngay chân lý
Như lưỡi nếm vị canh. --
(Pháp cú 64-65)

7.Tìm hiểu ý nghĩa: Nhớ kỹ những điều đã nghe rồi, phải tìm hiểu ý nghĩa cho chín chắn, để khỏi tu tập sai lầm. Thọ trì pháp mà không hiểu ý nghĩa là hạng người "hay chữ lỏng" rất nguy hại. Thà dốt đặt còn hơn hay chữ lỏng, nghĩa là không biết mà cứ tưởng mình biết, biết sai tưởng biết đúng:

Ngu tự biết mình ngu
Nhờ vậy thành có trí
Ngu tự cho có trí
Mới thật là chí ngu. --
(Pháp cú 63)

8. Hoan hỷ chấp nhận: Khi đã hiểu rõ ý nghĩa của pháp, cần có sự hân hoan chấp nhận pháp ấy, xem Pháp như phao cứu mạng giữa biển khổ, luôn luôn sống cái tâm trạng vui mừng của một kẻ trộm vừa gặp được kho báu lớn, hay của một gã cùng tử tìm thấy viên bảo châu buộc trong áo rách.

9. Ước muốn tu tập: Kế tiếp phải phát sinh ý muốn tu theo Pháp. Chấp nhận mà không muốn tu thì chỉ là một sự chấp nhận suông, rốt cuộc không ích gì. Có Phật tử nói đạo rất cao siêu nhưng tuyệt không dính dấp gì tới đạo trong nếp sống của họ hàng ngày, vì họ không có ước muốn tu tập.

10. Nỗ lực: Đã muốn tu thì phải cố gắng dụng tâm trong việc tu hành, biến tất cả việc làm, tất cả hoàn cảnh trong đời sống thành pháp tu.

11. Cân nhắc: Khi nỗ lực quyết tu tập pháp rồi phải cân nhắc pháp môn nào thích hợp, không thích hợp với mình.

12. Tinh cần: Sau khi đã cân nhắc chọn cho mình một pháp môn thích đáng, phải tinh cần theo pháp môn ấy cho chuyên nhất. Có những Phật tử vì thiếu tinh cần nên dễ bị người khác lay chuyển, dễ rơi vào tà ma ngoại đạo, hoặc luôn luôn thay đổi thầy, chạy từ pháp môn này qua pháp môn khác.

13. Chứng đạt chân lý: Sau khi tinh cần chuyên nhất với một pháp môn trong một thời gian dài, cuối cùng hành giả mới chứng đạt chân lý, giải thoát đau khổ.

*

Như vậy sự thành đạt trí tuệ là cả một con đường dài cam go, không thiếu cạm bẫy. Mỗi chặng đường đều mở ra một khúc quanh mới mà hành giả thiếu thiện xảo có thể bỏ cuộc hoặc lạc đường.

-ooOoo-

9. PHẬT VÀ PHÁP

Trong kinh Kim Cương, có những đoạn đức Phật định nghĩa về Như Lai như sau:

"Thu lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở hhứ, cố danh Như Lai" . Như Lai có nghĩa không từ đâu lại mà cũng không đi về đâu nên gọi là Như Lai. "Lại" đây có thể hiểu là sinh ra, và "đi" là chết. Vậy "Như Lai" nghĩa là không có sinh ra hay chết. Tức bất sinh bất diệt. Đó là pháp thân vô tướng.

"Như Lai giả, tức chư pháp như nghĩa". Như Lai là ý nghĩa "không đổi dời", nơi các pháp. Cái gì không dời đổi? Đó là cái phi tướng, cái "không", cái "luôn luôn như vậy" nơi sự vật. Đó cũng là lý đương nhiên ẩn tàng nơi sự vật, chi phối mọi sự vật. Ví dụ luật nhân quả, duyên sinh thì không bao giờ dời đổi.

"Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai". Nếu thấy tướng là phi tướng, chính là thấy Phật. Như Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa, gặp ai cũng đảnh lễ bảo: "Tôi không dám coi thường Ngài, vì Ngài sẽ thành Phật", ấy là vì Ngài thấy được chúng sinh là "phi chúng sinh", vì Ngài không chấp cái tướng chúng sinh nơi họ.

Thấy tướng phi tướng cũng là thấy duyên sinh, vì duyên sinh là lìa cái chấp hữu vô. Nói có sinh hay thường trú là chấp hữu, nói có chết hay đoạn diệt là chấp vô. Nhưng nói "duyên sinh" thì có mà không thực có, không mà không thực không.

Đương thời Phật, có tỷ kheo bệnh nặng sắp chết, lo lắng không được thấy Phật trước khi nhắm mắt. Phật xuất hiện trước vị ấy và an ủi rằng, ông không cần phải thấy sắc thân của Như Lai, mà hãy an trú vào Pháp tức đã thấy Như Lai. Pháp ấy chính là pháp duyên sinh. "Ai thấy lý duyên sinh là thấy Phật".

Phật hỏi Tôn giả Tu Bồ Đề: "Có thể do sắc thân 32 tướng hảo mà cho là Phật không?". Tôn giả đáp: "phải", Phật liền dạy: "Nếu do thấy sắc thân 32 tướng hảo mà cho là thấy Phật, thì vua Chuyển Luân cũng là Phật". Do đấy mà Tôn giả biết không thể xem thân thể 32 hảo tướng chính là Phật. Câu này ám chỉ 32 tướng hảo chưa đủ để xem là Phật, hay nói rộng ra là, tướng ngoài không quan trọng để phán đoán về Phật hay về bất cứ gì khác. Đấy là để phá cái chấp tướng, chấp hữu hay chấp thường.

Nhưng ngay sau đó, đức Phật lại bảo Tôn giả Tu Bồ Đề: "Ông đừng cho rằng đức Như Lai không đầy đủ hảo tướng mà cũng thành Phật được". Câu này lại cho thấy rằng Phật thì phải có tướng hảo chứ không phải không. Thành ra 32 tướng cũng cần thiết để nhận ra Phật. Câu này là để phá cái chấp không hay chấp đoạn diệt. Phật dạy: "Người phát tâm bồ đề không nói các pháp đoạn diệt". (Phát a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm giả, ư pháp bất thuyết đoạn diệt tướng). Tức như cho rằng sự tu hành không đưa đến kết quả cụ thể–được 32 tướng hảo–thì sẽ làm cho người nghe còn chấp tướng rất buồn.

Trung đạo Bát nhã là, đối với các pháp không chấp thường cũng không chấp đoạn, không chấp hữu cũng không chấp vô nên gọi là phi.

Về Pháp cũng vậy, không thể nói rằng Như Lai có được cái pháp để thành Phật, bởi vì pháp ấy là vô sở đắc, không có tướng trạng hay tên gọi nào để nắm giữ, định nghĩa. Tất cả pháp đều có thể là Phật pháp, (Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp) nhưng không có một pháp nào duy nhất đặc biệt có thể gọi là pháp Phật. "Sở vị Phật pháp giả, tức phi Phật pháp". Cái gọi là Phật pháp là phi Phật pháp. Trước hết động cơ nói pháp mới là điều quan trọng. Ví dụ nếu nói pháp "Bố thí" cốt để người nghe Bố thí cho mình, thì đấy là một động cơ vụ lợi, nên pháp ấy thành phi pháp. Thử nữa, phiền não như bệnh, chúng sinh như con bệnh, pháp như thuốc: vì phiền não vô lượng chúng sinh vô biên cho nên không thể cố định một pháp nào là thuốc hay phi thuốc: thuốc đối với bệnh nhân này có thể là phi thuốc hay độc dược đối với bệnh nhân khác. Lại nữa, chính pháp mà nói không đúng người, đúng chỗ, đúng lúc, thì cũng thành phi pháp.

Kinh dạy: "Tất cả pháp đều là Phật pháp". Rồi ngay sau đó lại dạy: "Nói tất cả pháp, nghĩa là phi tất cả pháp, mới gọi là tất cả pháp". Ấy là để phòng kẻ ngu chấp chặt lời nói, nghe tất cả pháp bèn cho thật là tất cả pháp không chừa pháp nào. Cũng như khi nghe nói "xin cho một chén nước tương" kẻ chấp lời sẽ cố tìm cho đúng một chén đầy nước tương để đem lại, trong khi người nói chỉ cần chút tương đựng trong chén. Về thiện pháp cũng thế, Phật dạy "Gọi là thiện pháp, tức phi thiện pháp". Vì cái tốt mà đem khoe khoang thì thành không tốt mất rồi.

-ooOoo-

10. PHÉP LẠ VÀ THẦN THÔNG

Chúa Jésus cũng có thần thông mà Kinh Thánh gọi là Phép Lạ. Một điểm tương đồng giữa hai đấng giáo chủ là, theo Kinh Thánh, thì khi về đến thành Jérusalem, quê hương của Ngài, Chúa Jésus không làm "phép lạ" được. Đức Phật của chúng ta cũng vậy, khi về đến thành Ca tỳ la vệ, Ngài không biến hóa thần thông. Vì sao vậy? Vì muốn cho phép lạ hay thần thông hiển hiện, phải cần có đức kính tín của chúng sinh làm duyên phụ với oai thần của Phật hay Chúa. Chúa Ki-tô khi trở về Jérusalem, người trong thành đã quá quen biết Ngài từ lúc còn thơ ấu, do cảm thấy gần gũi, thân thiết, họ không có lòng kính tín nhiều đối với Ngài như dân chúng các nơi khác. Vì vậy Ngài không hiện "phép lạ". Đức Phật khi trở về Ca tỳ la vệ cũng thế.

Ta có thể kết luận rằng: phép lạ có là do lòng tin hay ngược lại, nếu có đủ lòng tin, thì sẽ thấy phép lạ. Không tin, thì có phép lạ trước mắt cũng không thấy.

Ngày nhỏ chị em chúng tôi thường lên núi thăm người chị tu hành. Người trụ trì một am thất tĩnh mịch. Một buổi chiều, khi tiễn chân chúng tôi ra cổng, đứng dưới hàng mai rực rỡ trổ bông. Người cầm vạt áo dài của tôi lên, nói với một nụ cười từ ái:

– Áo đẹp quá hí. Em có bao giờ nghĩ, làm sao mà em có được những chiếc áo tốt như vậy để mặc hay không? Mình không dệt, không may, mà luôn luôn có áo mặc lại toàn áo tốt áo đẹp nữa. Em có thấy "lạ" không?

Mấy lời lơ lửng của chị vậy mà làm cho tôi suy nghĩ cả tuần. Phải, quanh tôi có những người cày ruộng suốt ngày mà không đủ ăn, dệt vải suốt ngày mà không đủ mặc, xây lâu đài cho người khác ở mà chính mình thì không có lấy một mái nhà, phải rày đây mai đó dựng chòi ở tạm, con cái thất học khốn cùng... Thật là phép lạ khi tôi không dệt vải mà có áo mặc, không cày ruộng mà có cơm ăn. Lời chị nói rất đúng.

Lớn lên lìa tục xuất gia theo chị, tôi may mắn được chị dạy vỡ lòng bốn quyển Luật Tiểu, một bộ sách để lại một ấn tượng sâu xa trong tâm hồn tôi hơn bất cứ tuyệt tác nào của văn học thế gian. Học đến uy nghi thờ kính Phật, tôi cảm động nhất là câu "ăn một bữa cơm, uống một bát nước, thường không quên ơn Phật". Tôi nhớ đến cái phép lạ chị đã chỉ cho tôi ngày nào, và bây giờ tôi gặp lại "phép lạ" đó hằng ngày vào mỗi bữa ăn, trong mỗi tách nước uống, trong mỗi vật dụng của thập phương thí chủ cúng dường.

Mong sao tất cả mọi người cùng thấy "phép lạ" thường ngày, để nhớ ơn Phật tràn trề, ơn chúng sinh lai láng, để biết thương yêu và kính trọng tất cả. Được vậy thì thế gian này sẽ hóa thành tịnh độ ngay tức khắc.

-ooOoo-

11. THẤY BIẾT CHÂN CHÁNH

Trong 8 chánh đạo, đứng đầu là Chánh tri kiến. Ta hãy tìm hiểu xem một người phải biết những gì, thấy những gì mới được gọi là người có chánh tri kiến. Không gì tốt hơn nghe lại lời dạy của Tôn giả Xá Lợi Phất về vấn đề này, theo kinh Chánh tri kiến (Trung bộ kinh II).

Có nhiều pháp môn thành tựu Chánh tri kiến. Những pháp môn ấy gồm có:

1. Biết được bất thiện và căn bản bất thiện, biết được thiện và căn bản thiện.

2. Biết được thức ăn, tập khởi thức ăn, đoạn diệt của thức ăn và con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn.

3. Biết khổ, tập khởi của khổ, đoạn diệt của khổ và con đường đưa đến đoạn diệt khổ.

4. Biết già chết, tập khởi, đoạn diệt của già chết và con đường đưa đến đoạn diệt già chết.

5. Biết sanh, tập khởi, đoạn diệt của sanh và con đường đưa đến đoạn diệt sanh.

6. Biết hữu, tập khởi, đoạn diệt của hữu và con đường đưa đến đoạn diệt hữu.

7. Biết thủ, tập khởi, đoạn diệt của thủ và con đường đưa đến đoạn diệt thủ.

8. Biết ái, tập khởi, đoạn diệt của ái và con đường đưa đến đoạn diệt ái.

9. Biết thọ, tập khởi, đoạn diệt của thọ và con đường đưa đến đoạn diệt thọ.

10. Biết xúc, tập khởi, đoạn diệt của xúc và con đường đưa đến đoạn diệt xúc.

11. Biết sáu nhập, tập khởi, đoạn diệt của sáu nhập và con đường đưa đến đoạn diệt sáu nhập.

12. Biết danh sắc, tập khởi, đoạn diệt của danh sắc và con đường đưa đến đoạn diệt danh sắc.

13. Biết thức, tập khởi, đoạn diệt của thức và con đường đưa đến đoạn diệt thức.

14. Biết hành, tập khởi, đoạn diệt của hành và con đường đưa đến đoạn diệt hành.

15. Biết vô minh, tập khởi, đoạn diệt của vô minh và con đường đưa đến đoạn diệt vô minh.

16. Biết lậu hoặc, tập khởi, đoạn diệt của lậu hoặc và con đường đưa đến đoạn diệt lậu hoặc.

Mười sáu pháp môn trên đây là mười sáu cửa dẫn vào chánh tri kiến, vào được một cửa thì có thể mở được tất cả các cửa khác, cũng như chỉ cần mở một gút là tất cả các gút khác sẽ được tháo tung ra.

Ta hãy tuần tự học hỏi từng pháp môn theo lời giảng dạy của tôn giả Xá Lợi Phất, để thành tựu chánh tri kiến.

1. Biết bất thiện và căn bản bất thiện, biết thiện và căn bản thiện. Bất thiện có 10 thứ đó là ba việc ác của thân (giết hại, trộm cắp, dâm dục), bốn việc ác của miệng (nói dối, nói hai lười, nói lời ác, nói lời phù phiếm), và ba việc ác của ý (tham, sân, tà kiến). Căn bản bất thiện là tham, sân, và si. Thiện là từ bỏ 10 điều ác nói trên và căn bản thiện là không tham, không sân, không si.

2. Biết thức ăn. Thân này có ra và được nuôi sống là nhờ thức ăn. Biết được thức ăn làm tiếp tục thân này qua nhiều đời kiếp thì có thể chấm dứt sinh tử bằng cách đình chỉ cung cấp thức ăn cho một đời sống kế tiếp, như hết nhiên liệu thì ngọn lửa sẽ tắt... Thức ăn đó gồm bốn thứ: đoàn thực thô và tế (đoàn là vo thành nắm tròn để bỏ vào miệng), tức thực phẩm vật chất; xúc thực (sự tiếp xúc giữa năm giác quan với ngoại vật); tư niệm thực (ý tưởng, tư duy thiền định); và thức thực (dòng ý thức tuôn chảy không ngừng ngay cả khi ngủ. Chính thức này tạo đời sống sau khi chết, thuật ngữ gọi là kiết sanh thức). Như vậy sự sống chúng ta vô cùng phức tạp, không phải chỉ được nuôi dưỡng bằng thức ăn vật chất (đoàn thực) mà thôi. Được ăn uống đầy đủ mà bị nhốt trong phòng tối lâu ngày ta cũng chết, đó là vì thiếu xúc thực: ta cần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, với người và cảnh vật. Con người là một con vật xã hội, cho nên xúc thực cũng là thức ăn quan trọng với phần đông. Có những người phảỉ chết hoặc điên cuồng vì thiếu thức ăn này. Khi ta mê mải xem kịch hay chiếu bóng, hay nghe nhạc, ta có thể quên ăn: đó là vì ta đã ăn bằng xúc thực. Loại thức ăn thứ ba là tư niệm thực, là sự suy tư tưởng tượng, ăn bằng cách nghiền ngẫm một ý nghĩ trong tâm trí. Loại này cũng rất quan trọng, ta có thể suy nghĩ một vấn đề đến quên ăn quên ngủ. Loại thức ăn cuối cùng là thức thực, là cái duy trì và tiếp nối mạng sống. Chính thức này tạo nên một thân xác mới, do đóđược gọi là kiết sanh thức: thức nối liền hai đời sống. Một vị nhập định diệt thọ tưởng chỉ khác với thây chết ở chỗ thần thức vị này chưa ra khỏi thân xác để trở thành kiết sanh thức.

Những thức ăn duy trì sự sống phức tạp như vậy, nên muốn chấm dứt sinh tử không phải chuyện dễ. Ta vẫn có thể nhịn ăn mà chết, nhưng dòng tâm thức vẫn tiếp diễn thì vẫn còn phải tái sinh, vì nguyên liệu cho ngọn lửa sống vẫn đang còn. Vậy muốn đoạn diệt sinh tử thì phải đoạn cả bốn thức ăn nói trên. Những vị tọa thiền đã thuần thục chỉ đoạn được ba thức ăn: đoàn thực, xúc thực và tư niệm thực, còn thức thực chưa đoạn. Tập khởi hay nguyên nhân của thức này là tham ái, nên muốn đoạn nó phải diệt tham ái. Con dường đưa đến đoạn diệt tham ái là thánh đạo tám ngành.

3. Biết khổ tập, diệt, đạo. Khổ là sanh già bệnh chết, sầu bi ưu khổ não... tóm lại năm thủ uẩn là khổ. Nguyên nhân của khổ là ái đi liền với hỉ và tham. Hỉ là khoái thích, tham là muốn vơ về cho mình. Khi tiếp xúc với một đối tượng mà ta không khoái thích thì không có yêu khởi lên: ta được giải thoát. Vì vậy cái nguy hiểm là sự khoái thích đưa đến yêu, để từ đấy phải chuốc lấy sầu bi khổ ưu não, như lời Phật dạy: "sầu bi khổ ưu não do ái sanh, hiện hữu từ nơi ái".

Nhưng khi tiếp xúc sự vật, chỉ có những sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc giác êm dịu... mới phát sinh khoái cảm, từ đó phát sinh ái. Nếu chỉ tiếp xúc toàn những sắc xấu, mùi hôi, vị dở thì không can hệ gì. Chính cái tâm sở thọ làm cho ta biết xấu đẹp ngon dở. Cái khó của sự tu tập là làm sao dừng lại ở giai đoạn thọ, đừng "bước đi bước nữa" để tiến đến ái. Khi xúc và cảm nhận những cảnh xấu đẹp vui buồn, không nên sinh tâm yêu ghét. Ví chính do ái mà có thủ (nắm giữ), do thủ mà có hữu (sự có mặt). Do ta thích có mặt trên đời, ta mới sinh ra ở đời, cũng như có thích xem cải lương mới có mặt ở rạp cải lương. Không ai mời ta đến giữa cuộc đời này nếu chính chúng ta không muốn; chính ta đã đăng ký, xếp hàng để được hiện hữu, sinh ra trên cõi đời này. Ta có trách nhiệm hoàn toàn về sự hiện hữu ấy. Không thể đổ thừa trách móc ai. Vì sao có hữu? Ấy là vì có thủ (nắm giữ) và sở dĩ có nắm giữ là vì có ái phát sinh từ thọ những thứ làm ta khoái thích. Thọ là cảm giác (vui, khổ, trung tính) khởi lên thuộc sáu loại do có sáu giác quan. Nguyên nhân của thọ là xúc: sự tiếp xúc của 5 giác quan với 5 đối tượng như mắt thấy sắc, tai nghe tiếng v.v.. Muốn đoạn diệt thọ cần đoạn diệt xúc. Nguyên nhân của xúc là lục nhập, 6 lối vào: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; 6 chỗ qua đó sự vật bên ngoài có thể đi vào tâm thức ta. Vì có mắt tai nên có sự thấy nghe v.v...

Nguyên nhân của lục nhập là danh sắc. Do có danh sắc mà có lục nhập. Danh là phần tâm lý gồm xúc, tác ý, thọ tưởng, tư. Sắc là thân xác vật lý làm bằng bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong.

Quá trình để một sự vật đi vào tâm thức ta gồm có 5 giai đoạn chính:

a. Xúc: như mắt tiếp xúc với hình sắc khi sắc ở trong tầm mắt thì sự tiếp xúc mới có thể xảy ra.

b. Tác ý: có sự chú ý. Nếu mắt thấy vật mà không có tác ý thì không có giai đoạn kế tiếp là .

c. Thọ: tiếp nhận, có chú ý nhìn mới có sự nhận ra đó là vật gì.

d. Tưởng: bắt đầu có ý niệm về vật ấy: đẹp hay xấu, đáng ưa hay đáng chán v.v... Ngang đây nếu không dừng lại mà "bước đi bước nữa" thì tức là bắt đầu vào tròng của nghiệp, đó là giai đoạn chót:

e. Tư: tơ tưởng về đối tượng mình ưa thích. Chính từ đây mà ái sanh, đầu mối của sầu, bi, khổ, ưu, não. Nó cũng là mầm mống tạo nghiệp.

Nguyên nhân của danh sắc là thức (cái biết) có 6 loại: cái biết của mắt, của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nói khác đi, vì có thấy nghe mà có mắt tai v.v.. để sử dụng cho việc thấy nghe.

Nguyên nhân của thức là hành gồm có 3: thân hành, khẩu hành, tâm hành (hay ý hành) là những hoạt động cố ý của thân, khẩu, ý gọi là ba nghiệp. Cần nhấn mạnh ở yếu tố cố ý vì chỉ những hành động cố ý mới phát sinh ra nghiệp.

Nguyên nhân của hành là vô minh, nghĩa là không biết về khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt.

Yếu tố sinh ra vô minh, tăng trưởng vô minh là ba lậu hoặc (sơ hở mê lầm): dục lậu (ham các đối tượng giác quan), hữu lậu (ham hiện hữu) và vô minh lậu là sự u mê căn bản phát sinh ra dục lậu, hữu lậu. Cũng từ vô minh sinh ra lậu hoặc, rồi lậu hoặc lại tăng trưởng vô minh; hai cái sinh lẫn nhau như từ một giống sinh cây quả, quả lại sinh ra hạt giống.

Thánh đạo tám ngành là con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc, của vô minh, của hành, của thức, của danh sắc... và của bất cứ gút nào trong 12 gút thắt của vòng luân hồi sinh tử. Mở được một gút là phá tan được xiềng xích vô minh trùng trùng vô tận.

-ooOoo-

12. VỌNG MỸ NHÂN

Vào một ngày đẹp trời thanh thản, vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) xứ Kosala dạo chơi trong vườn ngự uyển. Khi nhìn ngắm những gốc đại thụ ở chỗ xa vắng tịch mịch, với những tàn lá tỏa rộng che bóng mát, thật khả ái, đẹp mắt, nhà vua bỗng nhớ đến Đức Thế Tôn và nghĩ: "Những gốc cây khả ái, đẹp mắt, lặng lẽ, vắng người, thoáng gió, xa lánh mọi tụ hội đông đảo thích hợp cho sự trầm tư mặc tưởng này, chính là nơi Thế Tôn thường ngự tòa, chính là nơi chúng ta đảnh lễ Thế Tôn". Nghĩ như vậy rồi vua quay sang bảo người hầu cận tên Kàràyana rằng:

– Này Kàràyana, ta nhớ đức Thế Tôn. Mi có biết hiện nay Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác trụ tại chỗ nào không?

– Tâu đại vương, lành thay đại vương nghĩ đến Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác ấy. Ngài cùng với đại chúng thường du hành khắp nơi, rày đây mai đó không có trú xứ nào nhất định. Thật là một cuộc đời mây bay hạc lánh khó tìm dấu vết! Nhưng may thay, lúc này Ngài đang dừng chân ở một thị trấn của dân chúng Sakka, tên gọi thị trấn Medalumpa.

– Cách đây bao xa?

– Tâu đại vương, cách không xa, có thể đến đấy và trở về nội trong ngày.

– Vậy Kàràyana này, hãy thắng cỗ xe. Chúng ta sẽ đi yết kiến Thế Tôn, bậc A la hán Chánh đẳng giác.

– Thưa vâng, tâu đại vương.

Vua cùng các quan hầu cận đi đến thị trấn nơi Thế Tôn đang trú. Vua đi bộ vào Tinh xá. Lúc bấy giờ một số đông Tỷ kheo đang kinh hành ngoài sân, vua hỏi:

– Thưa chư Tôn giả, Thế Tôn hiện ở đâu. Chúng tôi muốn yết kiến Ngài.

Các vị Tỷ kheo chỉ vào một gian tịnh thất bảo:

– Thưa đại vương, gian nhà cửa đóng kín kia là nơi Thế Tôn đang nghỉ. Hãy im lặng đến gần, bước vào hành lang thật nhẹ, sau khi đằng hắng, hãy gõ cửa. Thế Tôn sẽ mở cửa cho đại vương.

Đến nơi, vua cởi vành khăn đội đầu (một cử chỉ cung kính, như ngày nay ta cởi nón mũ) và trao thanh kiếm hộ thân cho quan hầu cận. Quan hầu cận hiểu ý vua muốn vào một mình, vội dừng lại ngang chỗ vua bỏ kiếm. Vua đến đằng hắng và gõ cửa tịnh thất của Thế Tôn. Thế Tôn mở cửa. Sau khi bước vào căn nhà, vua cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, lấy miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay xoa chân Thế Tôn và tự xưng tên:

– Bạch Thế Tôn, con là vua Pasenadi nước Kosala.

Thế Tôn hỏi:

– Do thấy những gì mà đại vương lại hạ mình tột bực và biểu lộ tình thân ái đối với thân này như vậy?

Vua kể những lý do sau:

– Bạch Thế Tôn! Trong khi con thấy nhiều vị Sa môn Bà la môn, các giáo phái khác hành trì phạm hạnh có giới hạn chỉ trong một thời gian rồi lại trở về thế tục thụ hưởng năm món dục lạc, thì các vị Tỷ kheo đệ tử của Thế Tôn thực hành phạm hạnh viên mãn đến trọn đời. Do đó con nghĩ: Thế Tôn là bậc chánh đẳng giác, pháp được Thế Tôn khéo giảng, chư tăng đệ tử của Thế Tôn khéo hành trì!

Lại nữa, bạch Thế Tôn ở đời và ở các tập thể xã hội, trí thức, tôn giáo, triết học khác con thường thấy vua chúa cãi lộn với vua chúa; Bà la môn cãi lộn với Bà la môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ, cha mẹ cãi lộn với con cái, anh chị em cãi lộn với nhau... Còn trong pháp luật Thế Tôn con thấy các vị Tỷ kheo sống với nhau thuận hòa, thân hữu không cãi lộn, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính. Bạch Thế Tôn, con không thấy một chỗ nào có một phạm hạnh viên mãn thanh tịnh như vậy. Do đó con kính ngưỡng Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn. Khi đi du hành con thường gặp các vị Sa môn, Bà la môn, các giáo phái khác gầy gò khốn khổ, bạc nhược không đẹp mắt chút nào. Con đến hỏi và các vị ấy trả lời rằng: "Tâu đại vương, chúng tôi bị bệnh gia truyền". Còn ở trong pháp và luật của Thế Tôn, thì con thấy các vị tỷ kheo hoan hỉ, phấn khởi, các căn thoải mái, tịch tịnh, bình tĩnh, khinh an. Do vậy con kính ngưỡng Thế Tôn và nghĩ "Pháp được thế tôn khéo giảng, đệ tử chúng tăng của Thế Tôn khéo tu tập hành trì".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con là vua cả nước, có quyền sinh sát trong tay, vậy mà khi con ngồi xử kiện đôi khi có người dám ngắt lời con, dù con đã ra lệnh không được ngắt lời. Còn ở đây, con thấy trong khi Thế Tôn thuyết pháp cho đồ chúng hàng trăm ngàn người, thì không một ai gây tiếng động. Một lần, con thấy khi Thế Tôn đang thuyết pháp, có một vị đệ tử ho lên và liền bị một vị đồng phạm hạnh khẽ đập vào đầu gối, bảo nhỏ: "Tôn giả hãy im lặng, chớ làm ồn. Bậc đạo sư của chúng ta đang thuyết pháp". Bạch Thế Tôn, do vậy con kính ngưỡng Thế Tôn và nghĩ: "Thật là vi diệu! Chúng Thích tử này khéo được huấn luyện không cần đến gậy kiếm".

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con thấy nhiều học giả các giáo pháp thật uyên bác, muốn chất vấn Thế Tôn, bàn sẵn những câu để khích bác, nhưng khi đến trước Thế Tôn, tất cả những học giả ấy đều câm lặng, và sau khi được pháp thoại của Thế Tôn làm cho hoan hỉ, phấn khởi, đều xin quy y Thế Tôn, trở thành đệ tử của Thế Tôn. Do vậy con kính ngưỡng Ngài.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, con có hai quan giữ ngựa ăn cơm của con, đi xe của con, nhờ con mà sống, chính con đem lại danh vọng cho chúng. Vậy mà chúng không hạ mình với con như với Thế Tôn. Có một lần, trên đường hành quân, con và hai quan giữ ngựa vào nghỉ đêm trong một căn nhà hẹp giữa rừng. Sau khi cùng nhau đàm luận về chánh pháp đến quá nửa khuya, cả hai quan giữ ngựa của con nằm xuống ngủ, để đầu hướng về phía mà chúng được nghe là Thế Tôn đang ngự, và trở chân về hướng con nằm. Bạch Thế Tôn, khi ấy con nghĩ thật sự những vị này chắc phải ý thức một sự thù thắng trong giáo lý của Thế Tôn, nên mới có thái độ tôn trọng cùng tột đến coi nhẹ mạng sống như thế. Do vậy, con kính ngưỡng Thế Tôn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuộc đấng Sát đế lỵ, Thế Tôn người nước Kosala, con cũng thuộc nước Kosala. Thế Tôn 80 tuổi, con cũng 80 tuổi. Do vậy, con sẵn sàng hạ mình tột bực đối với Thế Tôn và biểu lộ tình thân ái.

Kể xong những lý do trên, vua Pasenadi đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi kiếu từ. Sau khi vua ra về Thế Tôn kể lại cho các tỷ kheo và dạy: "Này các Tỷ kheo, đấy là các pháp trang nghiêm, các ngươi nên học tập. Các pháp trang nghiêm này là căn bản của phạm hạnh".

*

Lời bàn:

Đọc xong kinh Pháp trang nghiêm, kẻ hậu bối này không khỏi cảm khái vài ý nghĩ

1. Vua Ba Tư Nặc trước cảnh đẹp thiên nhiên, phi tần mỹ nữ không nhớ, rượu ngon thịt béo không nghĩ, mà chỉ nhớ tưởng đến Phật thiết tha như nhớ cha nhớ mẹ và tức tốc tìm đến nơi để đảnh lễ Ngài. Thật là một ông vua hiền, xứng đáng được sinh đồng thời với Phật, gặp Phật. Và đức Phật của chúng ta cũng thật may mắn hơn đức Khổng Phu Tử nhiều. Vì trong lúc đó bậc Thánh Trung Hoa sinh đồng thời với Phật, đã phải than phiền về ông vua bê bối mê nàng Nam Tử rằng: "Nhà vua trọng sắc hơn trọng đức". Nhưng đối với vua Ba Tư Nặc ngày xưa cũng như với Phật tử chúng ta ngày nay, thì Đức Thế Tôn là NGƯỜI ĐẸP CỦA MUÔN ĐỜI VÀ VẠN LOẠI, cho nên mới có câu: "Vọng mỹ nhân hề, thiên nhất phương".

2. Trong 7 lý do vua kể vì sao vua kính mộ Phật là:

– Chư đệ tử xuất gia theo Phật sống phạm hạnh trọn đời (trên nguyên tắc không kể đến những trường hợp cổi áo cà sa vì lý do kỹ thuật).

Đệ tử Phật không cãi lộn.

Đệ tử Phật lóng tai chí thành nghe pháp

– Nhan sắc đệ tử Phật tươi tốt vui hòa giải thoát (không có bị bệnh gia

truyền).

– Những người muốn khích bác Phật, khi đến trước Ngài đều được cảm hóa, thành đệ tử Ngài.

– Hai quan giữ ngựa ăn lộc vua mà kính Phật hơn vua.

– Phật đồng giai cấp huyết thống với vua.

Trong 7 điều, ta thấy hết 5 diều liên hệ đến tư cách của Phật tử, qua tư cách đó vua cảm mộ và quy y Phật, đủ thấy tư cách người theo Phật quan trọng thế nào. "Nhân năng hoằng đạo" là vậy.

3. Về điểm thứ 6. Vua thấy hai bề tôi phạm tội khi quân, dám nằm quay chân về phía mình, mà chưa vội nổi sân đòi chém đầu, lại lần dò tìm hiểu lý do tại sao những kẻ ấy có thái độ cung kính một người khác hơn mình như vậy, trong khi chính mình lại là người dem lại cho chúng bổng lộc, danh vọng, cầm trong tay sinh mạng của chúng. Thái độ ấy quả là tư cách sáng suốt của một ông vua có trí.

4. Về điểm cuối cùng, vua ngưỡng mộ Phật vì Phật cùng một giai cấp, một ca-lip với mình. Đúng là kiểu suy tư của hạng thượng lưu xã hội, đối với hạng này, Phật tánh thật có nam bắc. Họ sẽ không chịu quy y một chàng bán củi như Lục Tổ Huệ Năng khả ái kính của chúng ta đâu. Có lẽ vì vậy đức Phật phải hạ sanh vào dòng dõi vua chúa để độ cho hạng vương giả. Tất cả đều là phương tiện thiện xảo của Bồ tát để độ sanh: khi cần sanh vào hàng cao sang, các ngài cũng không từ khước, mục đích chính yếu là thuyết pháp độ sanh, không câu nệ hình thức. Khi cần ngồi xe bò thuyết pháp, cứ ngồi xe bò. Khi cần lên xe Mercedès thuyết pháp thì đi Mercedès. Ngày nay, nhiều người câu nệ phẩm bình sao vị kia đi tu mà còn ngồi xe sang hoặc ngồi xe tồi... đều là những lời phẩm bình chấp tướng nông nổi.

-ooOoo-

13. NỮ GIỚI TRONG ĐẠO PHẬT

Thông thường, nói đến phụ nữ, người ta nghĩ ngay đến những phong trào đòi bình quyền, đòi quyền sống, đến những quan niệm kỳ thị nam nữ, những ý kiến ủng hộ hay chống đối trước những quan niệm ấy, chia ra hai phe rõ rệt mà người bênh vực sự kỳ thị đa số là phái nam, và người chống đối luôn luôn là phái nữ. Tựu trung, vấn đề kỳ thị nam nữ cũng như kỳ thị chủng tộc, tôn giáo... bao hàm tranh chấp quyền lợi và thế lực. Ở đâu còn tranh chấp, ở đấy sẽ còn đủ loại kỳ thị. Sự kỳ thị chỉ chấm dứt khi nào con người vươn lên bình diện tâm linh, nơi không còn tranh chấp. Trong địa hạt vật chất cũng như tinh thần, khi một người no tất phải có những kẻ khác đói, một người dư dật thì kẻ khác phải thiếu thốn, một người được gọi là tài giỏi hay ho tất phải có kẻ chịu tiếng vụng về khờ khạo. Niềm hân hoan, sự chiến thắng của một cá nhân hay một đoàn thể này bao hàm nỗi tủi nhục, sự thất bại của một cá nhân, một tập đoàn khác. Chỉ trong địa hạt tâm linh, niềm vui của ta mới không phải trả giá bằng nỗi khổ của người, mà còn tỏa rộng bóng mát của nó cho mọi kẻ chung quanh. Chỉ trong địa hạt tâm linh, mỗi con người mới có thể đạt đến tự do tuyệt đối mà không phương hại đến kẻ khác, và chỉ trong địa hạt tâm linh, tình yêu mới không thể biến thành ganh ghét hận thù. Cho nên chỉ có những bậc Thầy tâm linh vĩ đại mới không có thành kiến về phụ nữ, vì họ đã vượt ra ngoài tranh chấp, ra ngoài yêu ghét thường tình. Đức Phật chính là bậc Thầy tâm linh vĩ đại đã mở ra cho nữ giới con đường giải phóng không những ra khỏi một thân phận đen tối thấp hèn, lệ thuộc vào nam giới, mà còn ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn lên Chân lý, Niết bàn.

Nói chung, những đức tính và thói xấu của phụ nữ khác hẳn của nam giới. Nếu ở nam giới Trí tuệ được đề cao, thì đức tính được đề cao ở nữ giới là Từ bi, bởi thế mà tượng Bồ tát từ bi đều có dạng nữ. Nếu ở nam giới, can đảm chí khí được tán dương thì ở nữ giới người ta chờ đợi sự nhẫn nhục ôn hòa, đức bao dung tha thứ. Thánh Gandhi đã xem phụ nữ là hiện thân của đức khoan hồng. Nếu ở nam giới, sự ăn to nói lớn, hoạt bát hùng hồn là một đức tính thì trái lại, đức tính của phái nữ nằm trong sự nhũn nhặn. Nếu ở nam giới, quyền lực uy phong được ca tụng thì ở nữ giới, đức tính cần thiết là khiêm tốn. Nhưng những đức tính nữ có những mặt trái đánh lừa ta, ví dụ ta dễ lẫn lộn sự si ái với từ bi, hoặc có khi ta tưởng mình từ bi mà kỳ thực chỉ là thói bám víu và ưa che chở quá mức cần thiết. Vì người đàn bà đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại sự sống, nên họ dễ xem mình là tất cả, dễ nghĩ rằng không có ta đây thì không xong. Đức tính im lặng nhẫn nhục nơi phụ nữ có thể có mặt trái là chấp trước, ôm hận xuống tuyền đài, khó giải thoát. Đức tính nhũn nhặn khiêm tốn của phụ nữ có thể chỉ là thói nhút nhát ỷ lại, đỏm dáng, luôn lệ thuộc vào kẻ khác.

Chính vì muốn phát huy những đức tính và sửa trị những thói xấu nơi phụ nữ, mà đức Phật đã chế ra Bát kỉnh pháp và những giới luật riêng cho hàng nữ xuất gia. Nhiều người đã căn cứ vào Bát kỉnh pháp (tức 8 điều mà Ni phải tuân giữ đối với Tỷ kheo Tăng) và căn cứ vào việc Phật chế giới cho Ni nhiều hơn Tăng, mà cho rằng Phật kỳ thị nam nữ.

Thật ra, vì phái nữ có những điều kiện vật lý tâm lý khác hẳn nam giới cho nên giới luật cũng khác. Riêng về Bát kỉnh pháp, chúng ta có thể đi ngược dòng lịch sử để xét lý do Phật chế tám điều cung kỉnh. Trong đoàn thể xuất gia đầu tiên của Phật không có nữ lưu. Mãi đến nhiều năm sau khi thành lập tăng đoàn, bà mẹ nuôi Đức Phật là Hoàng hậu Mahaprajapati (Đại Ái Đạo) cùng với 500 nữ nhân dòng Thích Ca mới đến xin Phật thế phát xuất gia. Phật từ chối. Lần thứ hai khi nghe Đức Phật đang ở Kỳ hoàn Tinh xá, Hoàng hậu cùng 500 nữ nhân ấy từ xa xôi lặn lội, đi bộ rách cả gót chân, y phục lấm lem đất bụi, đến nơi đứng ngoài cửa khóc lóc thảm thương. Ngài A Nan thấy thế động lòng can thiệp giúp cho hoàng hậu và sau ba lần Ngài năn nỉ Phật mới bằng lòng cho bà và 500 nữ nhân xuất gia với điều kiện phải tuân Bát kỉnh pháp. Phật biết tâm lý kiêu căng cố hữu của người phụ nữ, mặt trái của bản năng làm mẹ, ưa bảo bọc và tự cho mình quan trọng. Bà Mahaprajapati là một vì đương kim Hoàng hậu, lại là Mẹ nuôi đã chăm sóc Thái tử (Phật trước khi xuất gia) từ khi mới ra khỏi lòng mẹ được bảy ngày. Bà có đủ tất cả lý do để kiêu căng ngã mạn khi bước vào hàng ngũ xuất gia. Nếu Phật không chế ra Bát kỉnh pháp thì rất có thể bà sẽ trổ trời mà lên, không coi ai vào đâu nữa. Nếu ở đờiđã sai bảo được lính tráng quan hầu, thì không lý do gì khi vào đạo và lại là Mẹ của Phật, Bà không sai bảo được những nam tu sĩ choai choai đáng đầu con cháu bà? Một kỉnh pháp có lẽ cốt chĩa vào Kiều Đàm di mẫu chứ không ai khác, vào thời gian sớm sủa ấy khi chưa có nữ nhân nào xin đi tu: "Một vị Tỷ kheo Ni dù 100 tuổi hạ cũng phải cung kính vái chào mời ngồi một Tỷ kheo Tăng dù mới 1 tuổi (thật ra là 21 tuổi vì tuổi tối thiểu để thọ tỷ kheo giới là 20, cộng thêm một năm tuổi hạ)".

Một lý do khác là để giữa Tăng và Ni phải có khoảng cách trong hòa khí. Nữ giới hay quá đà: hoặc quá thân thì mất cung kỉnh, dễ lờn hoặc quá sơ thì dễ đi đến chỗ kiêu căng tự phụ cho rằng ta đây có thể tự lập không cần ai dắt dẫn. Do đó một kỉnh pháp khác bắt buộc Ni phải thỉnh thoảng đi đến tỷ kheo Tăng xin chỉ giáo, để luôn luôn nhớ địa vị khất sĩ của mình, nghĩa là phải cầu pháp. Ta cần lĩnh hội Bát kỉnh pháp một cách sâu xa hơn, ấy là phải kính trọng tất cả, vì trở ngại lớn nhất cho người tìm Đạo là thói kiêu căng. Thánh Gandhi nói: "Người tìm chân lý phải xem mình hèn mọn hơn cát bụi. Vũ trụ nghiền nát cát bụi dưới chân mình, song kẻ đi tìm chân lý phải nghĩ mình nhỏ nhoi đến độ bụi cát cũng có thể nghiền nát mình. Chỉ khi đó con người mới mong có được một tia sáng nào của chân lý". Như vậy, người nữ nào thực tình muốn xóa ngã chấp thì không nên mặc cảm về Bát kỉnh pháp, và nam tu sĩ cũng không có lý do gì để tự hào.

Phái nữ có những lãnh vực hoạt động khác hẳn lãnh vực nam, không thể so sánh. Nếu trong xã hội, đàn ông nắm giữ những địa vị then chốt thì trong gia đình, giềng mối lại do đàn bà nắm giữ. Bởi thế đức Phật thường dùng danh từ Màtugàma những bà Mẹ, để tỏ ý kính trọng khi nói về những phụ nữ lớn tuổi và danh từ Pàramàsakhà (những bạn tốt của chồng) để chỉ những phụ nữ đã kết hôn. Đông phương có danh từ "nội tướng" chỉ những bà mẹ đảm đang trong gia đình, những bà Mẹ có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong sự giáo dục con cái.

Về điểm này chúng ta có thể tìm ví dụ trong tiểu sử những bậc Thánh như ngài La Thập, mà thân mẫu đã đóng góp một phần không nhỏ trên đường tiến tu đạo nghiệp; Ngài Dhammapala một vị hộ pháp có công chấn hưng Phật giáo tại Tích Lan và sáng lập hội Mahabodhi cũng đã nhờ công lao rất nhiều của thân mẫu. Tiểu sử ghi rằng thân mẫu Ngài đau buồn trước tình cảnh nền tín ngưỡng Phật giáo cổ truyền của xứ sở bị cuốn trôi trước những làn sóng xâm lăng của dị giáo, đã thường tha thiết cầu nguyện sinh được một người con trai đầy đủ tài đức để phục hưng tôn giáo nước nhà. Bà đã được toại nguyện, ngài Dhammapala đã ra đời giữa tiếng kinh vang rền của chư Tàng, hương trầm nghi ngút. Bà sống một đời thánh thiện trong thời kỳ hoài thai bậc Thánh, mong người con sau này phải trở thành cứu tinh của dân tộc.

Bà Mạnh mẫu cũng đã chọn chỗ ở thích hợp để nuôi dạy người con về sau đã trở thành một vì Á Thánh của Trung quốc. Thân mẫu của Mahatma Gandhi cũng đã gây một ảnh hưởng lớn trong đời bậc vĩ nhân này, và triết gia Anh lỗi lạc là Bertrand Russell cũng đã được giáo huấn từ tấm bé bởi một bà nội đầy nghị lực quả cảm không thua gì nam giới. Những tỉ dụ ấy đầy rẫy trong các tiểu sứ những vĩ nhân của nhân loại. Những bà mẹ ấy đã dễ dàng bị lãng quên trước sự thành công sáng chói của những người con, nhưng chính sự lãng quên ấy lại là một phần làm nên sự vinh quang của những bà mẹ, với đức hy sinh vô bờ không chờ đợi được đền đáp hay được nhắc nhở. Đức hy sinh xả kỷ của những bà mẹ vĩ nhân nói chung ấy đáng lẽ chúng ta phải xây đài kỷ niệm như chúng ta đã xây đài kỷ niệm những chiến sĩ vô danh.

Vai trò then chốt của những bà mẹ trong gia đình được tỏ rõ qua kinh nghiệm: ta thường thấy rằng khi một gia đình có người cha vô trách nhiệm nhưng được bà mẹ đảm đang đức hạnh thì gia đình vẫn còn vững, con cái vẫn có thể làm nên nấu chín. Trái lại khi một gia đình có bà mẹ bê tha thì gia đình ấy kể như tan rã, con cái bơ vơ không nơi nương tựa. Một văn hào Pháp đã nói: "Chính phụ nữ là những người tạo dựng và phá hoại gia đình!" (Ce sont les femmes qui font et dèfont la maison.) Trong khi công việc của nam giới là khai sáng dựng xây, thì công việc của nữ giới là duy trì, bảo vệ và hỗ trợ cho những công trình công ích. Trong những phong trào, những tổ chức văn hóa và tôn giáo, phụ nữ thường là những người bảo trợ và hưởng ứng, như bà bá tước Chatelet với lâu đài Cirey đã giúp văn hào Voltaire trú ẩn chính quyền Pháp, tại đây ông đã sáng tác những tác phẩm bất hủ cho nhân loại.

Trong lãnh vực Tôn giáo, vai trò hỗ trợ của phụ nữ lại càng quan trọng hơn. Vào thời Đức Phật còn tại thế, đã có rất nhiều phụ nữ trong số những đệ tử Phật, điều ấy được chứng tỏ qua Kinh tạng và Luật tạng bằng tiếng Pali.

Luật Pali (Vinaya Pitaka) có hai chương dành cho nữ giới là Bhikkhunivibhanga và Bhikkhuni khandhaka nói đến những giới luật mà Tỷ kheo Ni và những nữ nhân tập sự xuất gia phải tuân giữ. Họ là những phụ nữ thoát ly gia đình để đi tìm sự an tĩnh nội tâm, sự tự chủ, ánh sáng tri thức, và trên tất cả tìm Giải thoát, trọng tâm căn để của Phật giáo như Đức Thế Tôn dạy: "Cũng như nước trong bốn biển chỉ có một vị mặn, Đạo của ta cũng chỉ thấm nhuần một vị, ấy là vị Giải thoát".

Trong số đông đảo phụ nữ xuất gia hồi Đức Phật còn tại thế, có nhiều người đã chứng đến quả A la hán, quả vị cao tột mà một đệ tử đương thời của Phật có thể chứng đắc, mà chứng tích còn tồn tại đến chúng ta qua những bài thơ (kệ) họ thốt ra sau khi đắc quả, những bài kệ này được ghi lại trong Kinh tạng Pali gồm ba phần: phần thứ nhất quan trọng hơn cả gọi là Therigàthà (Trưởng lão Ni kệ) gồm những bài thơ của 73 vị nữ tu lớn tuổi gọi là Trưởng lão Ni. Phần thứ hai là Bhikkhuni Samyutta, một phần trong kinh Samyutta Nikàya (Tạp A hàm) sưu tập những bài kệ của 10 vị Trưởng lão Ni trong số kể trên; và phần cuối cùng là Apadàna là tập tiểu sử viết bằng thơ kể lại đời của 40 vị Ni sống đồng thời với Đức Phật, so với 547 tiểu sử của các vị Tăng. Đương thời đức Phật, trong khi Tăng bộ có hai vị là Sariputta (Xá Lợi Phất) và Mogallàna (Mục Kiền Liên) cai quản thì Ni cũng do hai vị Ni đã đắc quả A la hán hướng dẫn là bà Khemà và Uppalavannà. Nhiều vị nữ đệ tử khác cũng đã được Đức Phật liệt vào hàng lỗi lạc nhiệt thành.

Sự thành lập Ni bộ của Đức Phật đã được các nhà dân tộc học cho là một việc làm vô cùng cách mạng, nếu ta xét đến yếu tố thời gian cách đây 2500 năm và không gian là xứ Ấn Đđầy thành kiến đối với phái nữ. Không những ngày xưa mà ngay hiện tại nhiều nơi ở Ấn vẫn còn giữ tục lệ Purdah tức tục che mặt của phụ nữ khi ra đường, và họ phải sống trong phòng the khóa kín. Theo tục lệ Ấn giáo, phụ nữ không được giáo dục, không được làm những công việc ngoài đường dù nhỏ mọn như bán trầu thuốc, rau cải, tất cả đều do đàn ông đảm trách. Sinh con gái là một điều bất hạnh cho mọi gia đình, vì phải lo việc gả chồng và sắm của hồi môn. Hơn nữa trong Xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, cũng như ở Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam, mọi gia đình đều xem con trai là rường cột trong việc nắm giữ giềng mối tổ tông và lo việc tế tự thờ cúng. Việc tế lễ trong đó nhiều sinh vật thường bị giết làm vật hy sinh, được thực hành sâu rộng và người ta tin rằng khi người cha trong gia đình chết đi mà không có con trai nối dõi tông đường thì linh hồn ông sẽ thành ma trở về quấy phá. Do đó nếu một người đàn bà không sinh được con trai, thì người chồng có thể cưới vợ khác và ngay cả có thể trục xuất bà ra khỏi gia đình. Nhưng kể từ khi đạo Phật ra đời, những truyền thống của Xã hội Ấn đã trải qua một cuộc đổi thay. Phật giáo dạy rằng sự tế tự phải bắt nguồn từ nội tâm, bằng cách gột rửa những tư tưởng ngã chấp, thiêu đốt tham sân si. Sự tế tự phải tránh xa mọi hành vi tàn bạo độc hại đối với mọi sinh vật khác.

Hoàng hậu Mallikà nhờ thấm nhuần những tư tưởng ấy của đạo Phật, đã trở thành một Phật tử tại gia. Bà đã thuyết phục được vua Pasenadi khỏi nghe lời một giáo sĩ bà la môn, giết nhiều muôn sinh trong một đại tế đàn để thế mạng vua. Lại nữa, lý thuyết Phật giáo theo đó mỗi người chịu trách nhiệm việc sinh tử của mình, đã bật tung gốc rễ của truyền thống tế tự thần linh để cầu sinh con trai, hay tin rằng linh hồn người cha sẽ trở về quấy nhiễu nếu việc cúng tế không được chăm sóc chu đáo. Với lý thuyết nghiệp, đạo Phật không tin vào những vụ cúng tế dù để xin con trai hay để chuộc tội lỗi. Vị trưởng lão Ni tên Punna trong một bài kệ có nhận xét rằng nếu lễ tắm rửa trong nước sông có thể tẩy sạch tội lỗi và thanh hóa con người thì những loài tôm cua rùa cá và rắn nước đáng lẽ phải được lên thiên đàng tất cả. Như vậy, với sự xuất hiện của Phật giáo, người phụ nữ Ấn không còn phải quá lo ngại và bị ngược đãi khi không sinh được con trai, vì người ta đã nhận thức được rằng cuộc sống đời sau của người cha hoàn toàn tùy thuộc vào những hành vi hiện tại của ông, chứ không phải do sự cúng tế của người con trai hay con gái nào cả. Và sự kế nghiệp gia đình cũng không còn quá lệ thuộc vào người trưởng nam như trước. Ngày nay ở bờ biển Tây Ấn còn có một giai cấp Bà la môn rất xưa cũ gọi là Nairs có truyền thống chỉ trao quyền thừa kế cho con gái. Điều này có thể là do một ảnh hưởng của đức Phật. Chúng ta được kể rằng khi vua Pasenadi tỏ vẻ buồn bã thất vọng vì Hoàng hậu Mallikà sinh con gái, đức Phật đã an ủi vua bằng những lời lẽ như sau:

"Tâu Đại vương, một cháu gái có thể còn tốt hơn cả một bé trai
Cô bé có thể trở thành một thiếu nữ hiền đức
Biết kính trọng mẹ chồng, và làm một người vợ tốt
Nàng có thể sinh một người con làm nên việc lớn
Cai trị những vương quốc lớn rộng
Trở thành một người lãnh đạo quốc gia
".

Một truyền thống khác cũng đã được Đức Phật xóa bỏ với cuộc cách mạng của Ngài là thành kiến khinh bỉ đối với những phụ nữ sống độc thân cho đến già. Với sự xuất hiện của Phật giáo và đoàn thể Ni chúng, đoàn thể phụ nữ độc thân có tổ chức đầu tiên, người phụ nữ không lập gia đình dù chưa phải là Phật tử cũng bắt đầu thấy tự do thoải mái, nàng có thể ra đường mà không bị phỉ báng, hài lòng với công việc thích hợp như phụng dưỡng cha mẹ, săn sóc đàn em, chăm lo nhà cửa. Nàng có thể trở thành chủ nhân những gia sản lớn, có nhiều nô bộc đất đai ruộng vườn như trường hợp nàng Subhà con gái người thợ kim hoàn. Sau khi nghe pháp nàng đâm chán ngấy mọi thú vui thế tục và gia nhập đoàn thể Ni.

Như vậy ta thấy giáo pháp của Phật đã mở rộng cho tất cả hàng phụ nữ không phân giai cấp: bà Mahapajapati mẫu hậu cao sang quyền quý, nàng Subhà giàu có, nàng Isidàsi đau khổ, nàng Ambapali ăn chơi. Theo các bài kệ và tiểu sử những vị này, về sau đều trở thành những bậc Trưởng lão Ni và đều đắc quả. chúng ta được biết Isidàsi là một phụ nữ đau khổ có bốn đời chồng, khi xuất gia sống đời giải thoát Bà đã diễn tả trong một bài thơ nỗi niềm vui sướng vì đã thoát khỏi một cách vinh quang ba điều khó chịu là "cối, chày, và người chồng bất chính" và khi đắc quả Bà đã hân hoan thốt lên: "Tôi đã thoát khỏi sống chết, tôi đã cắt đứt sợi dây luân hồi" (Trưởng lão ni kệ 11.). Bà Pàtàcàra một phụ nữ bị mất một lượt hai con, chồng, cha, mẹ và anh trong một tai nạn thảm khốc. Nhờ thần lực Phật, Bà được gặp Ngài và ngay sau khi nghe Pháp từ chính Kim khẩu đức Thế Tôn, Bà đã đắc sơ quả và xin xuất gia. Một hôm xuống rửa chân trong dòng suối, nhìn nhu74ng giọt nước từ bàn chân nhỏ xuống tan trong dòng nước trôi đi, bất giác Bà nghĩ đến sự mong manh của đời người chẳng khác nào những giọt nước kia, sớm muộn cũng tan rã, chấm dứt. Đức Phật đọc được những ý nghĩ ấy và biết tâm Bà đã sẵn sàng chứng quả cao hơn, đã thuyết pháp cho Bà. Nghe xong thời pháp Bà đã đắc quả A la hán, và từ đấy trở thành nguồn an ủi cho nhiều phụ nữ bất hạnh khác.

Đến trường hợp nàng Ambapali là một kỹ nữ kiều diễm ăn chơi của kinh thành Vesali mà nhan sắc đã làm cho vua Bimbisara suýt mất mạng, Đức Phật cũng đã cảm hóa được và khiến nàng trở thành một người xuất gia thanh tịnh trong hàng ngũ ni chúng. Sự kiện Phật độ cho nàng Ambapali xuất gia đã chứng tỏ đức bình đẳng và lòng từ bi bao la của Phật, hơn nữa đấy còn là một bằng chứng hùng hồn cụ thể của lời Phật dạy là ai cũng có Phật tính, có thể đắc đạo miễn là họ chịu nỗ lực rèn luyện bản thân.

Nhưng không phải đoàn thể ni chúng chỉ gồm những phụ nữ muốn thoát ly gánh nặng gia đình và đời sống cam go; những người đau khổ tìm đến niềm an ủi của một đoàn thể, mà còn gồm cả những phụ nữ có khả năng tâm linh cao vượt, muốn thẳng tiến lên con đường của các bậc thánh. Đó là những người như Bà Bhaddhà Kundalakesin trước kia là một đồ đệ Kỳ na giáo, chuyên môn đi khắp xứ để tranh biện với những người uyên bác. Một ngày kia Bà tranh luận với Tôn giả Xá Lợi Phất. Tôn giả đã giải được tất cả những vấn nạn của bà và đưađến Đức Phật. Vừa nghe Phật thuyết pháp bà đã đắc quả A la hán và gia nhập đoàn thể Ni. Đây là một trường hợp hiếm thấy nơi phụ nữ, đắc quả trước khi xuất gia. Bà lại còn có cái vinh dự được chính Đức Phật cho xuất gia với mấy lời đơn giản: "Lại đây hỡi nữ hhất sĩ". (Ehu bhikkhunì thiện lai, tỷ kheo ni.)

Một vị Trưởng lão Ni khác nữa có trình độ tâm linh cao là Bà Bhaddhà Kàpilàni (TLNK 63) Bà này đã xuất gia cùng một lượt với chồng là Kassapa. Việc này rất thường xảy ra vào thời Phật tại thế, khi nhân cách sáng chói của Ngài chiếu thẳng vào mọi tâm hồn và cảm hóa được tất cả, khiến cho người ta có thể lìa bỏ những gì thân yêu nhất để đi theo tiếng gọi của chân lý. Hai người này đã thỏa thuận cùng nhau xuất gia sống đời lang thang như chính đức Phật và các đệ tử của Ngài. Họ khởi hành cùng lúc nhưng liền chia tay để đến nơi Đức Phật theo những con đường khác nhau, vì sợ người ta lầm tưởng họ còn ái luyến, và sự nghĩ quấy này có thể rước lấy ác báo. Trong Trưởng lão kệ có ghi rằng mãnh lực của quyết định này nơi đôi bạn đã làm chấn động quả đất.

Một phụ nữ đặc biệt khác nữa là Bà Dhamadinnà, vợ Visàkha một đệ tử tại gia thuần thành của Phật. Khi Bà xin phép xuất gia, Visàkha tiễn đưa đến một Ni viện, nhưng ông thì vẫn làm cư sĩ tại gia. Sau khi đắc quả A la hán Dhammadinna có lần thảo luận về Pháp với ông Visàkha. Những cuộc trao đổi này được ghi lại trong kinh Cùlaveddala Sutta, Pali tạng. Phật xem vị sư nữ Dhammadinna là một trong những đệ tử "thuyết pháp đệ nhất" và ấn chứng cho tất cả những gì Bà đã nói. Ngài bảo Visakha rằng nếu hỏi Ngài, Ngài cũng sẽ dạy hệt như Dhammadinna đã nói, và những lời của Bà được trở thành Buddhavacana, Phật ngôn. Một trường hợp khác mà lời một vị Ni được xem như Phật ngôn là khi Phật xác nhận lối giải thích của vị Ni (khuyết danh) ở Kajangala. Vị Ni này đã giải đáp 10 câu hỏi quan trọng.

Riêng về sự ủng hộ Phật pháp bằng cách cung cấp tứ sự cúng dường cho đoàn thể Tăng Ni, và sống một đời tại gia hợp với chánh pháp, hàng phụ nữ đương thời đức Phật cũng đóng một vai trò khá quan trọng. Một trong những thí chủ hào phóng thời ấy là Bà Visakhà được Đức Phật chuẩn y cho phép thi hành tám điều công đức gồm: cúng dường vật thực cho chư tăng khi vào thành Xá vệ, khi rời thành, cúng dường vật thực cho người bệnh, người nuôi bệnh, thuốc men cơm cháo cho những người cần, y phục cho chư Tãng vào mùa mưa và áo tắm cho Ni. Những nữ đệ tử tại gia nổi tiếng khác là Hoàng hậu Mallikà (Mạt lợi phu nhân) đã có công hướng dẫn vua Pasenadi (Ba tư nặc) theo chánh đạo, Bà Nakulamàtà đã cứu chồng thoát khỏi tử thần. Những ví dụ tương tự rải khắp tạng kinh Pali cho ta thấy phụ nữ đã là những người ủng hộ đắc lực cho đoàn thể Tăng chúng trong thời Phật tại thế, và hộ trì chánh pháp không những bằng sự cúng dường vật thực, bằng lòng kính thành sùng đạo của họ, mà quan trọng nhất là chính họ đã hướng dẫn gia đình theo chánh đạo, từ bỏ những thói tục dị đoan và trở thành những đệ tử trung kiên của Phật.

Trong Phật giáo hiện đại cũng thế, những công tác Xã hội để hàn gắn những vết thương của đồng loại trong lúc gặp chiến tranh ách nạn, phần nhiều là do Ni và nữ Phật tử nhiều từ tâm xả kỷ. Hàng nữ xuất gia cũng như tại gia hiện tại cũng đóng một vai trò hộ trì không kém phần quan trọng đối với những công trình lớn lao của Giáo hội, thông thường là việc gây ngân quỹ.

Về phương diện tinh thần, đoàn thể Ni chúng là một tấm gương sáng, một niềm khích lệ an ủi cho nhiều phụ nữ bất hạnh trong sinh hoạt gia đình. Những lúc tinh thần căng thẳng rối loạn vì đời sống hôn nhân, họ đến chùa và được tăng thêm tự tin khi thấy có những người con gái đáng đầu con cháu họ đang dạn dĩ bước đi một mình trên đường đời, lấy Chân lý làm bạn và lấy chúng sinh đau khổ làm gia đình. Họ bỗng nhận ra rằng một gia đình nhỏ với dăm ba đứa con hóa ra không phải là mục tiêu duy nhất của người phụ nữ, nhiều phụ nữ khác có thể sống trọn vẹn hơn mà không cần gì đến những phụ tùng phiền toái như họ. Biết bao nhiêu người đàn bà đau khổ đã được cảm hóa khi biết hướng tâm hồn của họ về ánh sáng Phật pháp thay vì quanh quẩn trong bóng tối của một bản ngã nhỏ hẹp với những vấn đề bất tận dàn ra trước mắt mà họ không thể nào giải quyết. Nhiều phụ nữ đã thú thật nếu không nhờ Phật pháp có lẽ họ đã hóa điên hay ra thân tàn ma dại.

Quả thế trong thời buổi chiến tranh nhiều tang tóc này, chắc chắn Phật giáo đã cứu vớt rất nhiều phụ nữ. Bao nhiêu gia đình nhờ thấm nhuần chánh pháp mà giữ được bình tĩnh trước những tai biến tầy đình trút lên đầu họ. Có thể nói trong một nước chịu nhiều chiến tranh, phụ nữ là thành phần đau khổ nhất. Vì họ là những người đã trực tiếp mang lại sự sống, nên cũng xót xa nhất trước cái chết của những người con. Nhưng nhờ Phật giáo, có những bà mẹ đáng lẽ héo mòn trong đau khổ, đã tìm thấy con đường phục vụ, tham gia công tác cứu khổ của Phật giáo để thấy Khổ đế lan khắp mặt đất chứ không riêng gì bản thân mình. Khi nhận ra điều này, cõi lòng họ sẽ lắng lại, và trong họ nảy sinh một tình thương lớn, lan dần, tỏa rộng ra đến tất cả mọi ngườì và mọi loài đau khổ, nỗi khổ đau mà họ đã hơn một lần thực chứng.

Để kết luận, có thể nói Phật giáo đã đem lại một niềm an ủi vô bờ cho những phụ nữ đau khổ, đã mở ra một con đường vinh quang cho những phụ nừ có khả năng giác ngộ. Ngược lại, phụ nữ cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc duy trì bảo vệ Chánh pháp. Dưới ánh sáng tâm linh của đức Phật, không có vấn đề kỳ thị mà trái lại, mọi người mọi loài đều được hiển lộ đúng chỗ của nó và đều quan trọng, đều cần thiết như nhau.

Quan niệm bình đẳng giữa nam nữ càng được tỏ rõ trong đại thừa giáo như trường hợp Long nữ thành Phật trong kinh Pháp Hoa, hay trường hợp Phật thọ ký cho các Bà Ma ha ba xà ba đề và Da du đà la thành Phật, hoặc trường hợp trong kinh Duy ma cật với đoạn ứng đối hào hứng giữa Tôn giả Xá lợi phất và Long nữ. Nhưng quan niệm bình đẳng của Phật giáo phải được đặt căn bản trên tài và đức thì sự bình đẳng ấy mới có ý nghĩa thực thụ chứ không phải chỉ có tính cách chính trị, mị dân. Chính người phụ nữ phải nỗ lực gột bỏ những thói xấu cố hữu và trau dồi những đức tính, khả năng của họ để tạo nên sự bình đẳng ấy chứ không phải ngồi một chỗ kêu gào người ta đem đến cho mình, vì khi ấy sự bình đẳng nếu có thì cũng chỉ trên lý thuyết. Đức Phật dạy rằng chỉ có tự chúng ta làm cho chúng ta thanh cao hay hèn hạ, không ai khác có thể nâng cao hay hạ thấp phẩm giá của ta.

Trong vấn đề phụ nữ cũng vậy, khi người đàn bà chấm dứt những tệ đoan thường thấy, khi họ không tự hạ giá bằng cách biến mình thành một thứ hoa chỉ để trang hoàng cho vui mắt, khi họ không quá chú trọng bề ngoài mà biết thực sự đề cao, theo đuổi những giá trị tinh thần tâm linh, biết sống vì chân lý, thì họ không có lý do gì để mặc cảm về thân phận mình, lại càng không có lý do gì để kiêu căng, mà chỉ sống như một con người, đơn thuần là một con người, và theo Phật giáo, đấy là một địa vị thuận lợi mở ra muôn ngàn khả năng đạt đến Tuyệt đối, Niết bàn.

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01| 02 | Mục lục


Chân thành cám ơn đạo hữu Hồ Trung Mỹ đã gửi tặng bản vi tính (B. Anson, 07-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 08-07-2004