BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Tìm Vào
Thực Tại
Thích Chơn Thiện, 1997
Chương VI Thiền Ðịnh Phật Giáo Việt NamÐến đây, như chúng ta đã biết, con đường giải thoát sinh tử khổ đau là con đường Giới, Ðịnh, Tuệ. Nói gọn là con đường Thiền định với Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là tiêu biểu. Thế Tôn dạy: " Này các Tỷ-kheo, khi nào các Thầy có giới khéo thanh tịnh và Chánh tri kiến, các Thầy hãy y cứ trên giới, tu tập Tứ Niệm Xứ theo ba cách: Nhiệt tâm, Chánh niệm tỉnh giác và Nhiếp phục tham ưu ở đời" (Tương Ưng Bộ Kinh V, tr.148) Chúng ta có thể phát biểu rằng: Phật giáo qua quá độ tiến triển đã có nhiều bộ phái ra đời có những hình thức sinh hoạt tu tập khác nhau; tuy nhiên, tất cả nội dung tu tập vẫn hướng về một điểm là làm thanh tịnh ba nghiệp thân, lời và ý, loại trừ tham, sân, si. Chúng ta cũng có thể nói rằng: bất cứ một phương thức tu tập nào đưa vào giải thoát cũng chứa đựng một nội dung Thiền định (giới, định, tuệ), hay bất cứ bước đi giải thoát nào cũng là bước đi của Thiền, như chính lời Thế Tôn đã dạy "Tứ Niệm Xứ là con đường độc nhất đưa đến giải thoát" (Trung Bộ Kinh I, tr.57). Từ nhận định này, ta đi vào khảo sát sắc thái của Thiền định Phật giáo Việt Nam. Về lịch sử Phật giáo du nhập Việt Nam có nhiều tài liệu trình bày khác nhau của các nhà nghiên cứu lịch sử. Trước kia, người ta cứ nghĩ rằng Phật giáo Việt Nam là chính Phật giáo từ Trung Quốc truyền qua. Gần đây các sử gia, học giả đã chứng minh rằng Phật giáo đã có mặt tại Việt Nam trước khi du nhập Trung Quốc. Hẳn dòng Phật giáo này phải từ Ấn Ðộ qua theo đường biển. Theo các tài liệu đã được nêu dẫn, trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất được tìm thấy là trung tâm Luy Lâu có mặt vào thế kỷ thứ nhất Tây lịch, trước cả trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Bành Thành của Trung Quốc. Dù Phật giáo đến Việt Nam bằng con đường nào thì thời gian du nhập vẫn được các nhà nghiên cứu sử đồng ý là vào thế kỷ thứ nhất, thứ hai Tây lịch, và nội dung Phật giáo gây ảnh hưởng ở Giao Chỉ vẫn chỉ là hai nguồn giáo giao nhau: một nguồn Phật giáo từ Trung Hoa và nguồn kia từ Ấn Ðộ. Nguồn từ Ấn Ðộ theo đường biển do các thương nhân Ấn đem tín ngưỡng nhân gian Ấn và tín ngưỡng Phật giáo của cư sĩ ấn đến. Ðại để là các giáo lý nhập môn như Bố thí và Năm giới (năm giới của Phật tử tại gia), kính ngưỡng ngôi Tam Bảo. Phật giáo qua ảnh hưởng của các thương nhân Ấn thì nặng sắc màu tín ngưỡng hơn là sắc thái định và tuệ. ảnh hưởng này đã lan rộng vào quần chúng bình dân Việt Nam, như chính danh từ "Bụt" (Buddh hay Buddha) đã có mặt trong văn học dân gian Việt Nam (tiêu biểu là danh từ Bụt có mặt trong câu chuyện tấm Cám, cổ tích Việt Nam). Các tu sĩ Ấn cũng theo thương thuyền đến Giao Chỉ và lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Có lẽ nội dung dòng Phật giáo này là Bắc tông, đến từ trung tâm Bắc tông của Ấn Ðộ phát triển ở miền Duyên Hải Ðông Nam Ấn. Nguồn Phật giáo từ Trung Quốc sang cũng là Bắc tông, giới thiệu hầu hết là các kinh điển Bắc tông, đặc biệt là Thiền Tổ sư Ðạt-mạ truyền bá. Kết quả của các ảnh hưởng giáo lý Bắc tông đã để lại Việt Nam các Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Ðường qua nhiều thế kỷ. Thể cách tu tập nổi bật là Thiền Công án hay Thiền Tổ sư. Giáo lý mở tông nổi bật là giáo lý Bát-nhã, trực tiếp là kinh Kim Cương Bát-nhã. Ðây là giáo lý nền tảng của các bộ phái thuộc Bắc tông. Tôn chỉ của Thiền Công án là "Giáo ngoại biệt truyền; bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật" (truyền riêng ngoài giáo, không lập văn tự, chỉ thẳng vào tâm người, thấy tánh hành Phật) nên việc truyền bá bị giới hạn ở đối tượng tiếp thu và ở mặt phổ biến văn hóa giáo dục Phật giáo trong quần chúng. Thiền này chỉ đặc biệt thích ứng với các căn cơ thông hội, trí tuệ - thường là tầng lớp thượng lưu trí thức của xã hội. Do đó, Phật giáo bấy giờ phát triển rất giới hạn và có một chỗ đứng rất là khiêm tốn trong lòng dân tộc Việt. Mãi cho đến triều đại Lý, Trần, khi mà các vua, tôi trong triều có đủ nhân duyên nghiên cứu sâu rộng giáo lý đức Phật và phát tâm dấn thân tu tập giải thoát thực sự, thì Phật giáo mới tìm thấy một chỗ đứng ảnh hưởng tương đối thích đáng trong xã hội ta, và hưng khởi theo với triều hưng thịnh của dân tộc trong suốt bốn trăm năm lịch sử. Phật giáo dưới triều Lý, Trần có thể được xem là tiêu biểu cho Phật giáo Việt Nam. Chúng ta có thể khảo sát và tìm hiểu giai đoạn Phật giáo này như là sắc thái đặc biệt của Phật giáo Việt Nam mà dòng Thiền Trúc Lâm là tụ điểm. Năm 971, Thiền sư Ngô Chân Lưu, Thiền phái Vô Ngôn Thông, được vua Ðinh Tiên Hoàng phong chức Tăng thống với hiệu Khuông Việt Thái Sư, cố vấn một số chính sự cho nhà vua. Phật giáo bấy giờ đã được chấp nhận như là vai trò hướng dẫn và chỉ đạo quốc sự. Tiếp đến, vua Lê Ðại Hành lại mời sư Pháp Thuận và sư Vạn Hạnh cố vấn các quốc sự. Thiền sư Vạn Hạnh tiếp tục cố vấn cho vua Lý Thái Tổ, đầu triều Lý. Các Thiền sư chỉ đóng góp vào chính sự mà không tham dự vào chính quyền, vẫn giữ nguyên cương vị tu sĩ Phật giáo và sống ở chùa riêng mình. Cứ thử đi vào một số thi ca của các Thiền sư, ta có thể nhìn được nguồn giáo lý mà quý vị đã hấp thụ và dung hóa. Chẳng hạn về Thiền sư Vạn Hạnh trong vần thi cảm sau đây:
Tạm dịch:
Thấy cuộc đời (hay các pháp) là mỏng manh, vô thường, nhưng Thiền sư Vạn Hạnh vẫn thanh thản, nhẹ nhàng, an tỉnh nhìn dòng đời vô thường đi qua. Nói theo ngôn ngữ của Thiền, Thiền sư đã Chánh niệm tỉnh giác nhìn đời. Do đó cái nhìn đầy hương đạo giải thoát đó, Thiền sư mới tự tại ra phò vua giúp nước, giúp dân. Cái nhìn ấy phản ảnh rất trung thực với cái nhìn các pháp được trình bày trong năm bộ kinh Nikàya và trong bốn A-hàm, nó cũng là cái nhìn chính thống của Kim Cang Bát-nhã, như những gì được nói ở bài kệ cuối của kinh Kim Cang:
Kinh Pháp Cú, kệ số 170 (Tiểu Bộ Kinh) chép:
Ðây là cái nhìn sự vật mang tính truyền thống Phật giáo. Sư Pháp Thuận, chỉ với hai câu thơ, họa tiếp hai vần thơ của Lý Giác như đã nêu trước đây (cuối chương III) cũng nói lên sự hấp thụ và dung hóa cùng một giáo lý truyền thống ấy: Sư Pháp Thuận tiếp:
Hình ảnh ngỗng trắng trên dòng nước là hình ảnh của con người trên dòng sinh tử . Ðôi chân hồng bơi, đây là Chánh niệm tỉnh giác của các Thiền sư vào đời, giúp đời mà không vướng trần bụi. Chánh niệm tỉnh giác đi qua vùng sanh tử qua đôi chân hồng qua bên kia bờ không vướng mắc dòng nước mà để lại dòng nước sau lưng. Ðấy cũng là những biểu hiện nét Thiền rất là truyền thống. Chịu ảnh hưởng tinh thần Phật giáo của các danh Tăng kể trên, triều Lý đã là một thời vàng son của lịch sử: Bắc thắng Tống, Nam bình Chiêm, phát triển văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và quốc phòng tốt. Bấy giờ Ỷ Lan Thái Phi đã thay vua Nhân Tông nhiếp chính thành công, biểu hiện tinh thần dân chủ rất cao (thế giới phương Tây cho đến ngày nay mới có các nhà nữ lãnh đạo ở chức vụ đầu nhà nước). Ðến đời Trần, Phật giáo còn được phát triển mạnh hơn. Các Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Trường đã được thống nhất vào Thiền phái Trúc Lâm (xem "Phật giáo Việt Nam Sử Luận", Nguyễn Lang, 1973, Sài gòn). Thường thì các nhà nghiên cứu sử cứ gọi chung các nhà Thiền sư khai nguồn Trúc Lâm là Trúc Lâm Tam Tổ: Ðiều Ngự Giác Hoàng - Trần Nhân Tông (đệ nhất tổ), Pháp Loa (đệ nhị tổ) và Huyền Quang (đệ tam tổ). Thực ra phải kể từ Hiện Quang Thiền Sư, đến Trúc lâm Quốc Sư (Thiền sư Viên Chứng, thầy của vua Trần Thái Tông), rồi thứ đến vua Trần Nhân Tông (Ðiều Ngự Giác Hoàng), Pháp Loa và Huyền Quang. Biểu hiện tiêu biểu nhất cho sắc thái Thiền Trúc Lâm Yến Tử là biểu hiện qua tư tưởng và hành động của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ. Bài tựa của Thiền Tông Chỉ Nam ghi vua Thái Tông bỏ ngôi báo vào Yên Tử xuất gia. Trúc Lâm Quốc Sư bảo: "Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm ta lắng lại và trí tuệ xuất hiện thì đó chính là Phật...". Quốc Sư đã khuyên vua trở về ngôi vị: "Ðã làm vua thì không còn có thể theo ý thích riêng mình được nữa. phải lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, phải lấy lòng dân làm lòng của mình. Nay dân đã muốn vua trở về thì vua không về làm sao được?". Quốc Sư cho rằng vua có thể vừa trị dân vừa tu học. Qua các lời ngắn ngủi trên, Quốc Sư đã nói lên tiếng nói vừa tích cực nhập thế hộ đời, vị tha của Phật giáo Việt Nam, vừa Chánh niệm tỉnh giác, rời khỏi chấp thủ ngã. Trần Thái Tông đã thực hiện đúng theo lời khuyên của Quốc Sư. Nay, Thiền Tông Chỉ Nam và Kim Cương Tam Muội kinh, sáng tác của nhà vua, đã bị thất lạc, ta chỉ có thể đi vào tìm hiểu sắc thái con đường tu tập của các vua qua Khóa Hư Lục. Thái Tông giới thiệu Tứ đại và Ngũ uẩn là vô ngã. Cảnh tỉnh người đời thấy vô thường, khổ và vô ngã của thân sắc và đời sống để thúc liễm thân tâm. Tiếp theo, nhà vua giới thiệu về Giới, Ðịnh và Tuệ. Nội dung rất phù hợp với giáo lý Nguyên thủy. Trên đường tu tập Giới, Ðịnh, và Tuệ ấy, vua đề bạt một phương thức sám hối lục căn rất thiết thực: vừa giúp hành giả xóa tan các mặc cảm tội lỗi, vừa xua tan các dao động tâm lý, vừa đánh tan tham, sân, si ở các địa bàn hoạt động chính của chúng. Phương thức sám hối lục căn ấy, một mặt nói lên tính sáng tạo riêng của Phật giáo Việt Nam trong sinh hoạt Thiền định, vừa thể hiện đúng giáo lý truyền thống, mặc khác đưa vào việc tu tập thêm một hình thức sinh hoạt tôn giáo để quân bình tâm lý rất là thiết thực và đầy trí tuệ. Nhà vua hoàn toàn không giới thiệu các nghi lễ phiền phức, các tế đàn tốn kém, cũng không đi vào các thần chú của Mật tông. Sắc thái của nếp sống đạo của nhà vua là thế. Vua vận dụng khả năng và nỗ lực của chính mình để chuyển đổi các tâm lý tham, sân, si thành không tham, không sân, không si để vào sâu định và tuệ giải thoát. Vận dụng tu tập trong đời sống xã hội, ngay giữa trách nhiệm xây dựng và phát triển xứ sở và bảo vệ đất nước. Tinh thần sống đời và đạo ấy được nuôi dưỡng tốt cho đến cuối đời Trần. Ðấy là dòng Thiền rất là Việt Nam mà rất phù hợp với giáo lý truyền thống, dù hướng phát triển còn giới hạn và còn ít nhiều chịu ảnh hưởng Thiền Công án của Trung Hoa. Ðến đời vua Trần Nhâ Tông thì sắc thái Phật giáo Việt Nam, nói rõ là sắc thái Trúc Lâm Yến Tử biểu hiện rõ ràng. Sinh tiền, nhà vua là một hoàng tử có sắc thân đẹp, uy nghi. Tâm tuệ thông minh lại chuộng đời sống xuất gia. Lúc tại ngôi, vua đã cùng với Hưng Ðạo Ðại Vương và các tướng nhà Trần hai lần đánh tan hai đạo quân Mông Cổ, đạo quân đã từng đánh bại cả Châu Âu. Ở ngôi vua 20 năm, đến năm 41 tuổi thì nhường ngôi cho Anh Tông và xuất gia ở Yên Tử. Tinh thần của Ðiều Ngự Giác Hoàng (vua Nhân Tông) thì rất siêu thoát, mà sự tướng biểu hiện bên ngoài thì rất cung cách oai nghi. Chính đây mới là sự biểu hiện cả hình thức lẫn lộn nội dung rất Việt Nam, tách ra khỏi nét quá phóng khoáng tự do của các Thiền sư Trung Quốc, nhưng lại đến gần với phong cách của chư đại đệ tử của Thế Tôn dưới thời Thế Tôn còn tại thế. Cũng chính đây mới là phong cách của vị Tăng thống lãnh đạo Phật giáo đưa sự phát triển Phật giáo lên cao điểm. Trong thời gian xuất gia, Ðiều Ngự thường đi chu du hoằng hóa và thường quan tâm đến một số vấn đề quốc sự, đặc biệt là mối bang giao Việt-Chiêm. Nhà vua là một mẫu người Việt thông sáng rất tích cực phục vụ đời vừa rất thiết tha yêu giải thoát, đã đóng góp vào đời, những thành quả lẫy lừng trong lịch sử, mà cũng đã xây dựng đạo rực rỡ hơn lúc nào. Lịch sử Việt Nam đòi hỏi cao độ sự đóng góp xây dựng của toàn dân và đoàn kết keo sơn của dân tộc để tồn tại độc lập và phát triển hùng cường. Trong hướng phát triển với yêu cầu đó của lịch sử, Phật giáo Việt Nam hẳn phải có hướng đi thích đáng như hướng đi của Thiền phái Trúc Lâm. Do đó, đòi hỏi phát triển mạnh Thiền học và tu tập Thiền định theo truyền thống vừa Phật giáo Việt Nam vừa Phật giáo Nguyên thủy. Sinh thời, Ðiều Ngự đã thực hiện đoàn kết triều đình, thống nhất Tam giáo (Phật, Lão, Nho), và kết hợp toàn dân qua Hội Nghị Diên Hồng. Tất cả đều sống đạo đức và hết lòng bảo vệ xây dựng xứ sở. Ðiều Ngự đi đến đâu cũng khuyên dân chúng tu Thập thiện giới (có nghĩa là giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý tốt đẹp theo giáo lý Phật giáo). Nhận thức của Ðiều Ngự về đạo giải thoát rất là cơ bản và chính xác. Thái độ sống đạo thì rất là tự nhiên và thông lợi như mấy vầng thơ sau đầy của Ðiều Ngự đã nói rõ:
Tạm dịch:
Hai câu thơ đầu nói lên thái độ sống rất tự nhiện, thích ứng hoàn toàn với hoàn cảnh xã hội mình đang sống, chấp nhận hiện tại với tinh thần không chấp thủ. Hai câu thơ cuối chỉ hướng sống quay trở về chính mình, nương tựa chính mình, chính trí tuệ của mình (giác tính), bằng nỗ lực của mình trở về với tính giác (ngọc báo cất giữ trong mình) mà không cầu xin, vọng ngoại. Ðấy là biểu hiện tinh thần tự độ của Phật giáo, vừa biểu hiện tinh thần tự chủ, độc lập, tự cường của dân tộc. Giải thoát an lạc, hạnh phúc nằm ở nơi mình, nơi thái độ sống nhìn đời mà không dấy khởi tham, sân, si của mình (vô tâm ở đây có nghĩa là không có phản ứng tâm lý tham, sân, si đối với ngoại cảnh). Nhìn cảnh mà không tham, không sân, có nghĩa là giải thoát khỏi tham, sân. Tham, sân là nhân chính dẫn vào khổ đau sinh tử. Giải thoát khỏi tham, sân là ý nghĩa và là nội dung của giải thoát khổ đau. Sống là đi từng bước giải thoát như thế, từng bước làm chủ tâm lý mình ra khỏi tham, sân. Con đường sống ấy có nghĩa là con đường giải thoát. Không tham, không sân là không chấp thủ, không vướng mắc ngoại cảnh, là ý nghĩa đích thực của Thiền. Nhìn đời như thế quả là cái nhìn Chánh niệm tỉnh giác đích thực của Phật giáo Nguyên thủy. Sắc thái Thiền đặc biệt Việt Nam ở đây là thể hiện Chánh niệm tỉnh giác rất linh hoạt đi vào xã hội cứu đời, mà không nghiêng nặng về thái độ trầm tư hoặc tưởng hành Thiền định ở nơi tịch mịch xa cách đời như có một số quan điểm chủ trương. Phương cách ứng dụng tu tập này của Ðiều Ngự vừa phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta, vừa khế hợp với lời dạy của Thế Tôn về Thiền định Tứ Niệm Xứ, rằng có thể hành chánh niệm tỉnh giác và Thiền quán trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi). Ðiều Ngự thường cảnh tỉnh môn đồ về vô thường của cuộc sống để khiến họ nỗ lực tinh tấn thực hiện giải thoát ngay trong hiện tại, bằng chính con người Năm uẩn giới hạn này. Thiền quán về vô thường là sắc thái giáo lý rất truyền thống mà ta thường gặp ở các kinh Nikàya và A-hàm. Pháp Thiền quán và Thiền định của Ðiều Ngự cũng như giáo lý của Nguyên thủy, có thể thực hiện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào: đối tượng để nhìn, quan sát và phân tích có thể là hơi thở, có thể là mây trời, là cơm, là cháo, là cái chén, cái thìa ... như lời dạy của Ðiều Ngự dưới đây: " Này quý vị, thời gian qua đi mau chóng, mạng sống con người trôi chảy không ngừng, tại sao hằng ngày biết ăn cháo, ăn cơm mà không biết tham khảo ngay về vấn đề cái chén, cái thìa?" (Việt nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang, 1973, tr.317). Và:
Ðúng như giáo lý Phật giáo truyền thống, thấy vô thường là thấy vô ngã, thấy vô thường là thấy khổ đau. Thấy tính vô thường, khổ đau là vô ngã, của sự thật là thấy Pháp; thấy Pháp là thấy Phật. Hệt như thấy Duyên khởi là thấy Pháp, và thấy Pháp là thấy Phật. Thấy vô thường và khổ đau thì sẽ rời khỏi tham ái, và chấp thủ. Do rời tham ái và chấp thủ, hành giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ðấy là đường vào giải thoát mà hành giả có niềm tin và hy vọng thực hiện được giữa những trách nhiệm và bổn phận ở đời. Tự thân Ðiều Ngự đã thực hiện nếp Thiền nói trên và đã đóng góp rất ý nghĩa cho lịch sử của Phật giáo Việt Nam và lịch sử dân tộc Việt Nam. Ðấy là một bài học lịch sử rất quý giá cho hậu thế, cho những vị có trách nhiệm phát huy Phật giáo tại Việt Nam. Ở Tuệ Trung Thượng Sĩ, có một nét đặc thù khác: Thượng Sĩ là một cư sĩ, sống đời sống gia đình, có tước Vương (Hưng Ninh Vương), đã từng trấn giữ đất Hải Dương và giữ chức Tiết độ sứ trấn hải đảo Thái Bình, có công hai lần ngăn giặc Bắc xâm lăng, nhưng đã đắc đạo Thiền, và đã được vua Trần Thánh Tông là Thượng Sĩ (Bồ-tát). Ðã là thầy trực tiếp dạy đạo Thiền cho vua Trần Nhân Tông. Nói đặc thù là nghĩa đặc thù đối với xã hội Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam. Thực ra, ở thời đức Phật tại thế đã có rất nhiều nam, nữ cư sĩ đắc đạo từ Tu-đà-hoàn đến A-na-hàm quả. Có một số cư sĩ đặc biệt đắc quả A-la-hán trước khi xuất gia. Nét đặc thù thứ hai ở Thượng Sĩ, khác với Ðiều Ngự Giác Hoàng, là tánh phóng khoáng tự tại bộc hiện cả đến hình thức sinh hoạt bên ngoài. Tuệ Trung Ngữ Lục ghi lại một mẫu chuyện rằng: Lúc dùng cơm chung với Hoàng hậu Thiên Cảm (mẹ vua Nhân Tông), Thượng Sĩ dùng luôn cả thức ăn mặn khiến Hoàng hậu kinh ngạc hỏi: "Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?" Thượng Sĩ đáp: " Phật là Phật, anh là anh, anh không cần thành Phật, Phật không cần thành anh". Khi vua Nhân Tông hỏi về tông chỉ Thiền để biết chỗ giác ngộ của Thượng Sĩ, Thượng Sĩ đã ngõ: "Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ một ai khác" (Ibid, tr. 279). Ðấy là nỗ lực của tự thân để làm bộc hiện tuệ giác giải thoát và Thiền định, như chính đức Thế Tôn đã dạy nhiều lần cho các vị Tỷ-kheo rằng: "Hãy là ngọn đèn, hãy là nơi nương tựa cho chính mình, đừng tìm một nơi nương tựa nào khác". Hay: "Ngươi là nơi nương tựa cho chính ngươi, ai khác có thể là nơi nương tựa?" -- Pháp Cú XII, 4. Trường bộ Kinh III, tr. 101, ghi lời Thế Tôn xác định ý nghĩa "trở về chính mình, nương tựa chính mình, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, làm chỗ nương tựa" chính là ý nghĩa thực hành Thiền định Tứ Niệm Xứ. Tông chỉ ấy đúng là việc trở về chính mình và trú trên Chánh niệm tỉnh giác đi ra khỏi các lậu hoặc tham, sân, si ... Ðọc đến tập Tuệ Trung Ngữ Lục ta sẽ có dịp thưởng thức những tư tưởng thâm trầm của Thượng Sĩ. Những lời lẽ bên ngoài vẻ táo bạo nhưng bên trong thực sự là cái gì hiền dịu của dòng sữa Pháp. Phải có một nhận thức khá sâu sắc và một thái độ tìm hiểu đầy cẩn trọng mới có điều kiện đọc Ngữ Lục của Thượng Sĩ, bấy giờ mới có thể rời khỏi hình thức ngôn ngữ khái niệm để đi vào thực tại mà Thượng Sĩ muốn nói. Những lời lẽ đối đáp với các vị hỏi đạo đã có nhiều công phu tu tập chỉ là những lời nói gián tiếp, giúp họ đi ra khỏi thế giới khái niệm để thấy thực tại, do vậy có nhiều lời dạy nghe có vẻ là lạ, bí hiểm. Bên cạnh các lời lẽ có vẻ là lạ ấy, Thượng Sĩ vẫn nói đạo với ngôn ngữ thông thường, vẫn nói về vô thường và tỉnh giác Chánh niệm. Cái gọi là Thiền Tâm là cái nhìn sự vật vô thường mà giác tỉnh, dập tắt tham, sân, si trong lòng mình, như những gì Thượng Sĩ diễn đạt trong bài ngẫu tác sau đây:
Ở đây có nghe văng vẳng những lời cảm hứng ngộ đạo của Trưởng lão Tăng kệ và Trưởng Lão Ni kệ vọng về, và có thấp thoáng những bóng hình giải thoát của các Thành đệ tử của Thế Tôn. Với Thượng Sĩ, đạo không phải cái gì để hỏi, để bàn bạc, để tìm kiếm, mà là để sống. Sống đạo có nghĩa là sống đời mà giác tỉnh, mà xả bỏ các vọng niệm (tham, sân, si... ). Nói cách khác đi, đạo chính là đời được loại bỏ các phiền não. Một vị Tăng hỏi: Thế nào là Ðạo? Thượng Sĩ đáp: "Ðạo không có trong câu hỏi, Câu hỏi không có trong Ðạo" (Ibid., tr.23). Hỏi và trả lời là của thế giới khái niệm mà không phải là của Thực tại. Ðạo thay Thực tại chính nó thì khác với khái niệm. Cái nhìn chân xác và thiết thực này của Thượng Sĩ giúp người đời trở về với các hành động thiết thực đưa mình và người đi ra khỏi các phiền não và vọng tưởng. Thượng Sĩ đã từng khuyên hàng học giả thức tỉnh điều đó.
Thiền của Trúc Lâm Yên Tử tiêu biểu Thiền Việt Nam là thế! Sống về với chính mình trong hiện tại và tại đây trên cuộc đời này: giác tỉnh đi ra khỏi tham, sân, si trong các công việc tích cực xây dựng, bảo vệ xứ sở và hạnh phúc của toàn dân. Qua một số điểm vừa được trình bày ở trên, từ đầu Chương VI cho đến đây, chúng ta đã có thể đi đến mốt số nhận định:
Sau các nhận định ấy chúng ta thấy rằng: với tinh thần đạo của Thiền Trúc Lâm Yên Tử cọng thêm vào sự truyền bá giáo lý sâu rộng bằng các phương tiện hiện đại, và truyền bá Thiền định truyền thống (Như Lai Thiền) phổ biến sâu rộng trong quần chúng thì hẳn là Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp đầy ý nghĩa cho lịch sử dân tộc. Dù cho ngững đặc trưng như đã nêu, Thiền học Việt Nam vốn cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của Thiền Hoa trong giáo lý, trong các hình thức sinh hoạt, trong lối ứng cơ tiếp vật, tu tập, giáo hóa, truyền thừa. Thiền Trung Hoa hay Thiền Tổ Sư, Thiền Công án đã tạo một sắc thái mới, đặc thù trong cả một khu vực châu Á gồm các nước Trung Quốc, Việt Nam, Nhật bản và Triều Tiên. Do đó, việc giới thiệu Thiền Công án qua một số Công án và một vài nhận định tưởng cũng cần thiết cho một số bạn đọc, hay ít ra, cũng có thể được xem như một phần phụ lục của cuốn sách nhỏ này. -oOo- |
update:30-10-2000