[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

ANUBUDDHAPPAVATTI

Thinh văn sử

Hòa thượng Hộ Giác soạn dịch


1 - Ngài Annàkondanna
(A-nhã Kiều-trần-như)


Khoảng một trăm ngàn kiếp trái đất về trước, Ðức Phật Jadumuttara (Liên Hoa Phật) giáng trần. Ngài có tông hiệu như vậy là vì lúc nào cũng có liên hoa hiện lên đỡ chân ngài. Ðặt biệt là liên hoa ấy biến và hiện rất nhịp nhàng. Nghĩa là liên hoa hiện lên đỡ chân mặt thì liên hoa ở chân trái biến và ngược lại. Tóm lại, chân Ngài không bao giờ chạm đất. Hiện tượng đặc biệt này có ngay khi Ngài vừa bước chân rời khỏi bồ đoàn trong ngày thành Phật.

Trên đường hoằng pháp, Ngài trở về tế độ Hamsavati (Hăm-sa-va-ti) để độ vua cha hoàng tộc và trào thân. Ða số đều được đắc đạo chứng quả tùy quá trình công đức. Ðức vua cung thỉnh Phật và một trăm ngàn vị thánh Tăng theo hầu thọ trai tại triều trong một thời gian hữu hạn.

Lúc bấy giờ ngài Annàkondanna là con trai của một gia đình đại phú tại kinh đô này. Trong ngày Ðức Phật chính thức ấn chứng pháp vị Trưởng Lão đệ nhất cho một vị Tỳ-kheo, vì vị này hội đủ điều kiện căn bản là: được Ðức Phật đặc truyền đại giới bằng phương thức Thiện-lai Tỳ-kheo trước nhất, được liễu đạo trước nhất, được gặp và nghe chánh pháp trước nhất. Chứng kiến sự kiện quan trọng này, chàng thanh niên phát bồ đề tâm cung thỉnh Ðức Phật và Thánh chúng về tư gia thiết lễ trai tăng cúng dường bảy ngày. Ngày đầu, chàng cúng dường vải hảo hạng để may y cho Ðức Phật. Ðúng ngày thứ bảy, chàng cúng dường vải may y đến toàn thể một trăm ngàn thánh tăng hiện diện và chính thức phát nguyện: "do phước báu cúng dường thanh tịnh trong suốt bảy ngày, xin cho đệ tử được xuất gia trong chánh pháp của Ðức Phật Tổ vị lai và được đắc ngộ trước nhất."

Ðức Thế Tôn Padumuttara, với thiện nhãn thuần tịnh, nhận thấy không có chướng duyên ngăn ngại, Ngài hoan hỉ thọ ký: "Trong một chu kỳ là một trăm ngàn kiếp trái đất về sau sẽ có một vị Phật tôn hiệu là Gotama giáng trần hóa đạo, lúc bấy giờ đại nguyện của ngươi sẽ được thành tựu".

Sau khi Ðức Phật Padumuttara niết bàn, chàng kiến tạo một ngôi nhà nhỏ bằng ngọc để tôn trí xá lợi an vị bên trong bảo tháp và thực hiện nhiều thiện sự nhất là hạnh bố thí suốt một trăm ngàn tuổI. Khi thân hoại mạng chung, chàng được sanh thiên. Suốt chín muôn chín ngàn chín trăm chín mươi chín kiếp, chàng đều được hưởng phước nhuận thiên. Ðến kiếp thứ chín, muôn chín ngàn chín trăm lẻ một, Ðức Phật Vipassi (Tì-bà-thi ) giáng trần. Lúc bấy giờ, chàng sanh làm phú hộ tại làng Ràmagàma (Ra-ma-ga-ma) nước Bandhumati (Banh-thu-ma-ti) tên Mahàkàla và vẩn tiếp tục thực hiện mọi thiện sự. Một hôm, chàng rủ người em trai tên Cullakàla thực hiện đại thế bằng cách lấy tinh chất trong hạt lúa non vừa ngậm sửa để cúng dường Ðức Phật và chúng Tăng, nhưng người em không hoan hỉ. Chàng bèn chia đôi lúa ruộng và thực hiện hạnh đại thí theo sở nguyện. Ngoài ra, chàng còn tổ chức đại thí tám lần tiếp theo từ lúc chắc hột đến khi vô bồ. Sau khi thân hoại mạng chung, chàng lại được sanh thiên.

Suốt chín mươi mốt kiếp (91) chàng đều hưởng phước nhơn thiên. Ðến kiếp cuối thứ 91, chàng sanh làm đại phú gia trong làng Donavatthu (Ðô-na-oach-thu) gần Kapilavatthu (Ca-bì-la-vệ) tên là Kondanna (Côn-đanh-nha, Kiều-trần-như). Lớn lên, chàng suốt thông toàn bộ giáo hệ Phệ-đà và là một vị trong số tám vị Bà-la-môn tiên đoán hậu vận của Thái-tử Sỉ-Ðạt-Ta. Chính nhờ biết rỏ phước tướng và hậu vận của Thái-tử nên chàng dứt khoát đi tu, lập nguyện sẽ làm đệ tử phục vụ ngài và mọi việc đã diển tiến đúng như chàng dự liệu: Tại vườn Lộc-giả, Kondanna được nghe Ðức-Phật thuyết bài kinh chuyển Pháp-luân và đắc được pháp nhãn. Sau đó mấy hôm, nhờ nghe Ðức Phật thuyết bài Anattalakkhana Sutta (Vô-ngã-tướng kinh) nên đắc A-la-hán, một quả vị cao nhất trong hàng Tứ Thánh.

Ðên khi Phật Pháp được truyền bá sâu rộng khắp cõi Diêm-phù-đề, Ðức Bổn Sư chính thức ấn chứng pháp vị cho Ðại-đức là Trưởng lão Ðệ nhất của giới Tỳ-kheo.

Mỗi khi Ðức Phật thuyết pháp thì Ðại Ðức Xá-Lợi-Phất tọa vị bên mặt, Ðại Ðức Mục-Kiền-Liên bên trái, còn lại Ðại Ðức thì ngay sau lưng Ðức Phật và tiếp theo là chư vị Tỳ-kheo bao quanh. Trong những trường hợp như vậy, nhị vị Ðại Ðệ Tử xem Ðại Ðức như đại-phạm-thiên hoặc như bậc huynh-trưởng khả kính trong đạo tràng, cho nên rất cẩn trọng và kiên dè mỗi khi ngồi gần Ðại Ðức. Trước cử chỉ cẩn trọng và kiên dè của nhị vị Ðại Ðệ Tử, Ðại Ðức tự nghĩ: Nhị vị Ðại Ðệ Tử đã phải lập nguyện tô bồi công đức và trì hành Ba-la-mật suốt một A tăng kỳ và một trăm ngàn kiếp để được ngồi gần hầu Phật, nay nguyện ước đã thành nhưng Nhị vị lại quá kiên dè ta. Vậy, ta phải tạo sự tự nhiên cho Nhị vị. Dùng thiên nhãn quán chiếu, nhận thấy người cháu trai tên Punna (Bun-na) có căn duyên xuất gia và sẽ trở thành một vị Pháp Sư lỗi lạc trong hàng Tăng giới, Ðại Ðức bèn trở về quê tiếp độ cậu Punna xuất gia và, sau đó xin phép Ðức Thế Tôn đến tịnh cư tại bờ hồ Chaddanta nơi thường trú của chư Phật Ðộc-giác suốt mười hai năm dài.

Nguyên nhân Ðại Ðức đến định cư nơi đây là vì bản tánh không thích tiếp xúc và bận rộn mà cuộc sống tập thể rất khó tránh. Hơn nữa, Ðại Ðức có nhiều phúc đức gần như Ðức Phật. Phúc đức ấy lan rộng khắp một muôn thế giới sa-bà. Các hàng thiên chúng mỗi khi bái kiến, cúng dường các loại hoa quí và các thứ hương liệu đến Ðức Phật thì họ cũng đến bái kiến và cúng dường Ðại Ðức khi còn sống chung tập thể. Do đó, sự bận rộn về phương diện giao tế cũng như giảng đạo không thể tránh được.

Sau mười hai năm định cư, Ðại Ðức trở về bái kiến Ðức Phật tại chùa Trúc-lâm vương xá. Ðại Ðức mọp sát chân Ðức Phật, vừa hôn vừa bóp chân vừa xưng tên: "Ðệ tử là Kondanna! Ðệ tử là Kondanna!". Trước cử chỉ vô cùng thương kính mà Ðại Ðức bộc lộ đối với Ðức Phật đã khiến Ðại Ðức Vangisa, một vị Ðệ nhất biện tài, đang ngồi trong hội chúng liền đứng lên chấp tay tán thán: "Ðại Ðức Kondanna, bậc tinh tiến bất thối, bậc ẩn sĩ, bậc tinh giả, đã đạt được cứu cánh phạm hạnh, bậc có nhiều thần lực, đã đắc Tam Thông là bậc thừa tự chánh pháp đang đãnh lễ bàn chân phúc đức của Ðấng Bổn Sư Tư Phụ."

Tại bờ hồ Chaddanta, một đàn voi khoảng 8 muôn con, sinh sống tại đây. Chúng được Tượng chí phân công phục dịch chư Phật Ðộc giác về mặt ẩm thực và an ninh. Diện tích hồ khoản 50 do tuần.Từ trong bờ trở ra khoản 20 do tuần, nước rất cạn, có thể đứng được, cát hạt to, trắng như pha lê, không cặn bùn, không rong rêu. Ở chu vi cạn này, loại liên hoa như bạch-liên, hồng-liên, huỳnh-liên, xích-liên mọc rất thứ tự. Những nơi thật cạn thì có những loại lúa thơm màu đỏ, những nơi tương đối ráo thì có các loại mía thật ngọt, thật mềm; những nơi ráo hơn thì có các loại chuối ngon,thơm,ngọt và dẻo; những nơi đất khô thì các loại cây ăn trái tự động mọc lên thứ tự, như mít, soài, mận, cam, quít, vân vân và vân vân. Những yếu kiện này đã giúp các con voi có phương tiện dể dàng phục dịch chư Phật Ðộc Giác.

Ngày Ðại Ðức đến, đàn voi tỏ ra vô cùng hoan hỉ. Một cuộc họp mặt quan trọng đã diễn ra dưới quyền chủ tọa của tượng chúa để phân công phục dịch Ðạị Ðức. Vì biết rỏ bản tánh Ðại Ðức không thích rộn ràng nên các con voi được Tượng chúa dặn dò cẩn thận để tránh cho Ðại Ðức những phiền rộn không đáng.

Buổi sáng, Ðại Ðức đắp y mang bát bay đến khất thực tại cung điện của một vị tiên Nàgadanta (Na-ga-đanh-ta) trên ngọn núi Kelàsa (Kê-la-sa). Vị tiên này rất hoan hỉ cúng dường Ðại Ðức các thực phẩm của tiên. Quả phước đặc biệt này sở dĩ thành tựu riêng cho Ðại Ðức là do nhờ hạnh bố thí bằng cách bắt thăm mà Ðại đức đã thực hiện liên tục suốt hai muôn năm trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa (Ca-Diếp).

Trong những ngày cuối cùng, Ðại Ðức tự chọn nơi Ðại Ðức định cư suốt mười hai năm làm địa điểm Niết bàn vì nghĩ đến công quả phục dịch vô cùng tận tâm trong sạch của tám muôn con voi. Quyết định song, Ðại Ðức trở về Trúc-lâm xin phép Ðức Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, đệ tử kính xin Ðức Thế Tôn cho phép đệ tử Niết bàn.

-- Kondanna, ngươi sẽ chọn nơi nào làm địa điểm Niết bàn?

-- Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử chọn bờ hồ Chaddanta

-- Kondanna, hãy khế cơ, khế thời hành sự.

Ðược Ðức Thế Tôn tùy thuận và, vì có dụng ý bồi đấp đức tin của hàng Phật tử, nên trên đường trở về địa điểm niết bàn, Ðại Ðức dùng thần thông bay từ từ thật chậm trên không trung để cho mọi người được chiêm ngưỡng. Trước thần lực phi thường này, tất cả đều phát bồ đề tâm qui ngưỡng chánh pháp.

Ngay chiều hôm ấy, Ðại Ðức xuống hồ Chaddanta tắm gội sạch sẽ, quét dọn tư thất, sắp xếp thứ tự các thứ giáo dụng, đắp y ngồi nhập định suốt đêm và an nhập Niết-bàn. Khi bình minh tỏ rạng, ngay lúc ấy hiện tượng lạ xảy ra: cây cối cuối đầu như tiển biệt một vị đại phúc đức. Sáng hôm ấy, con voi có bổn phận phục dịch Ðại Ðức, đứng chờ ngài ở đầu đường kinh hành nhưng không thấy, bèn đến tư thất thò vòi vào sờ nhẹ bàn chân thì mới hay ngài đã tịch diệt. Nó lập tức đút vòi vô miệng rống lên thật to. Tiếng rống bi thống, bất thần ấy vang vang bất tận khắp cả núi rừng. Nghe tiếng rống bất thường ấy, đàn voi lập tức tề tựu trong trật tự. Tiếng rống của đàn voi 8000 con làm chấn động đại sơn Hi-mã. Sau đó, chúng cung nghinh nhục thể Ðại Ðức nhiễu khắp một vòng tuyết sơn và trở về an trí nguyên vị.

Ðức Thiên-vương Ðế-Thích sai một vị tiên tên Vissakamma xuống tận nơi, dùng thần lực biến ra một ngôi nhà bằng ngọc cao 9 do-tuần để an vị nhục thể Ðại Ðức. Chư thiên các tầng trời thứ bậc luân phiên cung nghinh nhục thể Ðại Ðức đi nhiểu tại các tầng trời sở hữu kể cả cỏi trời phạm thiên và cuối cùng nhục thể được cung nghinh trở về vị trí củ.

Một hỏa đài bằng các loại trầm quí ky hương được dựng lên do thần lực của chư thiên. Ngay lúc ấy, bổng từ hư không xuất hiện 500 vị Thánh Tăng đến tụng những bài kệ kinh-cảm và những bài kinh liên quan định lý vô thường, khổ, vô-ngã và sự an vui tuyệt đối của Niết-bàn. Sau khóa lễ tưởng niệm, Ðại Ðức Anulaudda (A-nâu-lầu-đà) thuyết pháp. Chư thiên được nghe pháp đắc đạo chứng quả nhiều vô số.

Xá lợi Ðại Ðức trắng đẹp như màu hoa lài búp, được chư Thánh Tăng cung thỉnh đem về kính dâng lên Ðức Phật tại chùa Trúc-lâm. Một tấu xảo phi thường là hôm ấy, Ðức Thế Tôn từ hương thất quan lâm đến gần cửa Tam quan Trúc-lâm thì xá lợi của Ðại Ðức do chư vị Thánh Tăng cung nghinh cũng vừa đến. Ðức Thế Tôn trong tư thế đứng, đa tay mặt nhận xá lợi, tay trái chỉ xuống đất. Lạ lùng thay! Ngay chổ ấy mọc lên một ngôi tháp bằng vàng và xá lợi Ðại Ðức được an trí trong ngôi tháp ấy.

Trong Trưởng Lão kệ có nhiều bài kệ của Ðại Ðức. Ở đây, chúng tôi xin ghi lại một vài bài tượng trưng đễ cúng dường và niệm ân một vị thánh tăng Niên Trưởng. "Trên quả địa cầu này, có rất nhiều bảo vật. Thuận cảnh thích hợp với tham dục lúc nào cũng chi phối nội tâm. Mưa trời làm sạch bụi trần cũng như chánh niệm về định lý vô thường, bất lạc và phi ngã sẽ chế phục được các tà niệm". Ðối với Ðại Ðức, những lời tán thán sau đây được phổ cập trong tăng chúng:

--"Ðại Ðức là bậc tinh cần bất thối, đã diệt được nguồn sinh tử, đã đạt cứu cánh phạm hạnh, đã khẻ mở vỏ cứng, đã cắt đứt mọi trói buộc, đã san bằng được đại sơn, đã cặp bến an toàn, đã vượt thoát ác ma, không phóng dật, cẩn ngôn, luôn luôn thúc liễm các căn, có nhiều thiện hữu, có trí tuệ, đã diệt tận khổ đau, có tiết độ vật thực, chịu đựng muỗi mòng và các loại bò sát như tướng chiến lâm trận."

Thỉnh thoảng Ðại Ðức tự bày tỏ cảm niệm: "Tôi không tham sống, không muốn chết mà chỉ chờ đợi thời cơ. Tôi đã được phụng sự Ðức Như-lai, đã y cứ phụng hành chánh pháp, đã quăng bỏ gánh nặng, đã loại trừ mọi nhân duyên đa đến hiện hữu, đã hoàn thành hạnh tư lợi của người xuất gia và tự thấy không cần thiết phải có bạn đồng trú."

Ðức Thiên vương Ðế Thích có lần đến cầu pháp, sau khi thính pháp, đã tán thán:

--"Tôi vô cùng hoan hỉ vì được nghe pháp-âm huyền diệu và được thưởng thức pháp vị thật tuyệt vờI. Ðại Ðức đã thuyết giảng pháp ly dục có khả năng đoạn diệt mọi chấp thủ".

Tóm lại, Ðại Ðức Annàkondanna đã phát đại nguyện và được Ðức Phật Padumuttara thọ ký. Suốt một trăm ngàn kiếp trái đất hưởng phước nhơn thiên, đến kiếp thứ một trăm ngàn lẽ một thì được sanh làm đại phú gia tại làng Donowatthu, gần kinh đô Kapilavatthu được xuất gia cùng lúc với đoàn năm Tỳ-kheo và được đắc quả A-la-hán sau khi nghe Ðức Phật thuyết kinh chuyển pháp-luân và kinh vô-ngã-tướng tại vườn Lộc-uyển. Ðại Ðức định cư suốt 12 năm tại bờ hồ Chaddanta gần chân núi Hi-mã-lạp và niết bàn tại đây. Xá lợi được tôn trí tại tháp vàng do Ðức Bổn Sư dùng ngón tay thần hóa hiện gần Tam quan chùa Trúc Lâm, nước Vương-xá.

Ðệ tử thành tâm kính lễ ngài Trưởng Lão Annakondanna, một vị Thánh Tăng có phước lớn gần như Ðức Phật, vị Tỳ-kheo Niên-trưởng trong đạo tràng của Ðức Bổn Sư. Cầu mong phúc đức vô lượng của Ngài trợ duyên cho đệ tử đày đủ nghị lực bước theo dấu chân Ngài trong cung cách dung thông hữu lậu và vô lậu công đức.


Xem tiếp:
[Ngài A-nhã Kiều-trần-như] [Ngài Xá-lợi-phất] [Ngài Mục-kiền-liên][Ngài Ðại Ca-Diếp][Tựa]


[Main Index]

Last updated: 10-06-2000

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com