BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Những chuyện luân hồi hiện đại
Tỳ kheo Thích Tâm Quang trích dịch
II. TIẾN SĨ IAN STEVENSON Tiến Sĩ Ian Stevenson sanh ngày 31 Tháng 10 Năm 1918 tại Montreal, Gia Nã Ðại. Cha ông là phóng viên của Tạp Chí Time, Luân Ðôn. Ian Stevenson học về y khoa và tâm lý tại Ðại Học Y Khoa Mac Gill, Montreal, Gia Nã Ðại và đậu Y Khoa Bác Sĩ năm 1943. Tiến Sĩ Ian Stevenson đã phục vụ tại Bệnh Viện Saint Joseph, Tiểu Bang Arizona, Hoa Kỳ, Viện Ðại Học Louisana, New Orleans từ Năm 1947 đến Năm 1957. Bắt đầu năm 1957 Tiến Sĩ điều khiển Ngành Tâm Trí và là Viện Trưởng Viện Tâm Trí tại Ðại Học Virginia, Charlotsville. Tiến Sĩ là tác giả của nhiều bài khảo luận về Bệnh Tâm Trí đăng trên các Tập San Y Học. Ngoài việc trị bệnh cho các bệnh nhân Tiến Sĩ còn phụ trách giảng dạy tại các Trường Ðại Học Hoa Kỳ. Tiến Sĩ là một nhà phân tích về tâm trí có biệt tài và đến năm 48 tuổi Tiến Sĩ đã đạt đến nấc thang danh vọng cuối cùng; thế mà Tiến Sỉ bỏ nghề y khoa chuyên môn để bước sang một lĩnh vực khác, đó là công cuộc điều tra và nghiên cứu về Luân Hồi. Trong một cuộc phỏng vấn, Ký Giả Eugene Kinkaid của tờ New Yorker đã hỏi Tiến Sĩ lý do gÌ đã khiến Tiến Sĩ bỏ nghề y khoa chuyên môn để đi theo một nghề không chính thống. Tiến Sĩ đã trả lời: "Tôi không đồng ý các phương pháp áp dụng để chữa trị các bệnh nhân tinh thần. Lý thuyết của ngành tâm trí hiện nay cho rằng cá tính của một con người là do ảnh hưởng của tính chất di truyền hoặc là ảnh hưởng thời gian của người cha hay người mẹ trước và sau khi sanh, Song rất nhiều trường hợp tôi đã khám phá ra chúng ta không thể đồng ý với lý thuyết trên cả về tính cách di truyền lẫn ảnh hưởng thời gian." Tiến Sĩ Ian Stevenson đã giải thích trong việc nghiên cứu về luân hồi Ông đã phải dùng đến nhiều phương pháp chuyên môn của một nhà sử học, một nhà luật học, một nhà tâm trí học và tìm các dữ kiện qua những chứng nhân, tài liệu như nhật ký, giấy khai sanh, báo cáo giảo nghiệm, hồ sơ bệnh lý, tin tức của các báo chí vân vân... Tập San về Bệnh Thần Kinh và Trí Não (The Journal of Nervous and Mental Desease) số 165 Tháng 9 Năm 1977 đã dành riêng nói về công cuộc nghiên cứu luân hồi, về có sự sống sau khi chết của Tiến Sĩ đã khiến cho các độc giả cùng các nhà khoa học gia rất chú ý đến những chứng minh của Tiến Sĩ. Cũng trong Tháng 5 Năm 1977 Tiến Sĩ đã đăng một bài khảo luận "The Explanatory Value of The Idea of Reincarnation" nêu vấn đề luân hồi trên tập san này. Phản ứng của các độc giả ra sao? Tiến Sĩ Eugene Brody, nhà xuất bản tờ báo cũng là một nhà tâm trí học của Viện Ðại Học Y Khoa Maryland trong một cuộc phỏng vấn đã cho biết như sau: "Tôi đã nhận được lối 300 đến 400 lá thư của các Khoa Học Gia yêu cầu cho in lại số báo trên. Quả là đã có nhiều người chú trọng đến vấn đề này." Tiến Sĩ Ian Stevenson đặc biệt khảo cứu các trẻ em trên thế giới cả Ðông lẫn Tây có ký ức về tiền kiếp. Ông đã xuất bản 5 cuốn sách về luân hồi, trong đó có cuốn "Children Who Remember Previous Life" (Những Thiếu Nhi Còn Nhớ Tiền Kiếp) do nhà Xuất Bản University Press of Virginia, Charlotsville phát hành năm 1987 mà chúng tôi xin trích dịch vài truyện trong tác phẩm này. -ooOoo- -8- GOPAL GUPTA Tác giả: Tiến Sĩ Ian Stevenson Gopal Gupta sanh ngày 26 Tháng 8 Năm 1956 tại Dehli Ấn Ðộ. Cha mẹ của Gopal thuộc giai cấp trung lưu, học vấn không đáng kể. Từ lúc lọt lòng đến lúc 2 tuổi không có gì đặc biệt. Khi Gopal bắt đầu biết nói từ khoảng 2 đến 2 tuổi rưỡi, có một người khách đến thăm gia đình Gopal. Cha của Gopal sai Gopal đem cất cái ly người khách vừa uống xong. Gopal đã làm cho mọi người ngạc nhiên. Em nói rằng: "Con không thể làm việc đó vì con là một Sharma (thuộc Bà La Môn, một giai cấp thượng lưu của Ấn Ðộ). Trong cơn giận giữ, Gopal đã làm vỡ cái ly. Cha của Gopal bắt Gopal giải thích lý do. Gopal liền kể lại vài chi tiết về tiền kiếp của em. Em cho biết trước kia em ở thành phố Mathura, cách xa Dehli 160 dậm về phía nam. Em là chủ nhân một hãng thuốc Sukh Shancharak, có một căn nhà rất lớn, có nhiều đầy tớ, có hai người anh và một người vợ. Em đã cãi nhau với một trong hai người anh và đã bị bắn chết. Gopal cho biết ở tiền kiếp em thuộc dòng dõi Bà La Môn nên từ chối không chịu cất ly vì người Bà La Môn thường không bao giờ cầm những vật dụng gì mà người giai cấp thấp hơn đã đụng tới. Gia đình của Gopal hiện tại thuộc dòng Bania, giai cấp thương mại. Cha mẹ của Gopal không có liên hệ gì với Mathura, nên sự phát hiện của Gopal về tiền kiếp không gợi cho cha mẹ Gopal một ký ức nào cả. Mẹ của Gopal không thích và cũng chẳng bao giờ khuyến khích Gopal nói về tiền kiếp cả. Cha của Gopal thì lại càng lạnh nhạt với những câu chuyện về tiền kiếp khi Gopal kể. Tuy nhiên thỉnh thoảng cha của Gopal có kể lại cho vài người bạn nghe về chuyện tiền kiếp của Gopal. Một trong những người này cho biết hình như ông ta có nghe thấy một vụ giết người trùng hợp với câu chuyện trên ở Mathura, nhưng cha của Gopal chưa tin nên cũng chẳng mấy quan tâm để đi Mathura tìm hiểu sự việc có thật hay không. Cho đến năm 1964, nhân cơ hội có một buổi đại hội về tôn giáo tổ chức tại Mathura, cha của Gopal trong lúc đi dự hội đã khám phá ra là tại Mathura có hãng thuốc Sukh Shancharak. Ông tìm đến Hãng thuốc và được gặp viên Quản Lý. Ông kể lại cho Viên Quản Lý nghe chuyện Gopal nói về tiền kiếp. Viên Quản Lý rất ngạc nhiên vì có một chủ nhân của hãng này đã bị người anh ruột bắn chết cách đây mấy năm. Người chủ này là Shaktipal Sharma chết ngày 27 Tháng 5 năm 1948, vài ngày sau khi bị bắn. Viên Quản Lý báo cho gia đình Sharma biết việc viếng thăm của cha Gopal. Vài người trong gia đình Sharma đã tới Dehli thăm gia đình Gopal và đã mời Gopal tới Mathura. Trong những cuộc gặp gỡ tại Mathura cũng như Dehli, Gopal đã nhận ra một số người và một số nơi mà trước kia Shaktipal đã quen biết và thêm vài tin tức đặc biệt về đời tư của Shaktipal Sharma. Gia đình của Sharma rất ngạc nhiên vì Gopal đã cho biết trước đây Shaktipal Sharma dự định muốn mượn một số tiền của vợ và muốn lấy số tiền để cho anh mình vay hùn vốn vào công ty. Cuộc cãi vã đã xảy ra giữa hai anh em, Shaktipal muốn cho người anh nguôi giận đã tăng số tiền cho vay lên nhưng người vợ lại từ chối không cho. Do đó người anh đã cáu kỉnh và trong lúc nóng giận đã bắn Shaktipal Sharma. Chi tiết của tấn thảm kịch này đã được dấu kín không ai được biết ngoại trừ những người trong gia đình. Vụ người anh giết em này đã được đăng tải trên báo chí. Sự hiểu biết tường tận về nội vụ cùng với sự nhận dạng được một số người trước đây đã quen với Shaktipal khiến cho gia đình của Shaktipal Sharma phải công nhận Gopal chính là hiện thân của Shaktipal. Song song với những lời tuyên bố về tiền kiếp, Gopal đã tỏ ra phong thái của một người Bà La Môn giàu có cho nên cá tính của em đã làm trở ngại không ít đến gia đình hiện tại của em. Em đã không ngần ngại nói rằng em thuộc giòng dõi cao quý hơn những người hiện tại của gia đình em. Em đã từ khước những công việc nội trợ cho rằng những công việc này chỉ đáng để cho những người đầy tớ làm mà thôi. Em không bao giờ uống sửa nếu sửa nếu được rót vào một cái ly đã có người khác sử dụng. Tiến Sĩ Jamua Prasad đã từng cộng tác với tôi (Ian Stevenson) nhiều năm trong nhiều trường hợp tại Ấn Ðộ, đã bắt tay điều tra vụ này năm 1965. Riêng tôi bắt đầu vào năm 1969 khi tôi đích thân phỏng vấn hai gia đình tại Dehli cũng như Mathura. Tôi vẫn còn liên lạc với họ cho đến năm 1974. Sau khi đi thăm Mathura vào năm 1965 thì Gopal không có ý định đến thăm nơi này nữa. Vài năm sau 1965 thỉnh thoảng Gopal có đến Dehli thăm hai người chị của Shaktipal. Nhưng sau đó thì sự liên lạc giữa hai gia đình đã không được duy trì nữa. Gopal càng lớn lên thì cái phong thái Bà La Môn của tiền kiếp thể nhập nơi anh ngày dần biến mất và anh từ từ hòa mình với đời sống khiêm tốn của gia đình hiện tại. Anh cũng ít nói đến đời sống của Shaktipal Sharma, nhưng đến cuối năm 1974 cha của Gopal vẫn nghĩ rằng con của ông còn nhớ đến những ký ức của chuyện này. Ðối với tôi (Ian Stevenson) trường hợp luân hồi này rất đáng được kể đến vì sự trung thực, làm sao Gopal có thể biết rõ về lúc sống cũng như lúc chết của Shaktipal Sharma. Tuy Shaktipal Sharma thuộc một gia đình khá giả tại Mathura và việc anh bị thảm sát đã làm xôn xao dư luận nhưng hai gia đình Sharma và Gopal đã sống ở hai thành phố cách xa nhau và thuộc hai giai cấp khác hẳn nhau. Ðời sống xã hội của hai gia đình ở trong hai qóy đạo riêng biệt và chính tôi tin tưởng mãnh liệt là hai gia đình theo như lời họ thuật lại đã không bao giờ được biết nhau cho đến khi xảy ra sự việc trên. -ooOoo- -9- CORLISS CHOTKIN JR. Tác Giả: Ian Stevenson Trường hợp này là lời nói trước của một người đánh cá lớn tuổi ở Tlingit, Alaska tên Victor Vincent. Ông cô cho người cháu gái Corliss Chotkin Sr biết là sau khi ông cô chết, ông cô sẽ đầu thai làm đứa con trai của cô ta. Ông cô chỉ cho cô ta thấy hai vết thẹo sau hai lần giảì phẫu, một trên sống mủi và một đằng sau lưng. Ông cô nói là đứa con cô ta (tức là ông cô tái sanh) sẽ mang 2 vết thẹo như trên. Victor Vincent chết vào mùa xuân năm 1946. Khoảng mười tám tháng sau, ngày 15 tháng 12 năm 1947, cháu gái của ông cô sanh một đứa con trai và được đặt tên là Corliss Chotkin Jr. Ðứa nhỏ mang hai vết thẹo y như hai vết thẹo của Victor Vincent trước kia. Vào năm 1962, lần đầu tiên khi tôi (Ian Stevenson) xem xét hai vết thẹo tôi được Bà Chotkin cho biết hai vết thẹo có thay đổi theo thời gian nhưng hãy còn rất rõ ràng. Nhất là vết thẹo đằng sau lưng đã làm tôi kinh ngạc, nó rộng chừng 5 ly, dài chừng 3 phân, so với chỗ da khác thì vết thẹo này có mầu sậm hơn và hơi lồi, có nhiều chấm đen chung quanh tựa như vết thương được khâu nhiều mủi. Khi Corliss vừa được 13 tháng Bà Chotkin thường tập cho Corliss gọi tên của nó, thì Corliss thường nóng nảy nói rằng: "Mẹ không biết con là ai à? Con là Kahkody mà". Kahkody là cái tên do Bà lúc đặt cho Victor Vincent khi còn sống. Bà Chotkin có kể lại cho một người cô thì bà này cho biết là sau khi Victor Vincent qua đời được ít lâu bà có nằm mơ thấy Victor Vincent trở về sống với gia đình Chotkin. Bà Chotkin chưa bao giờ cho bà cô ấy biết là chính Victor Vincent đã nói trước với bà là sẽ tái sanh làm con trai bà. Khi được chừng 2, 3 tuổi Corliss đã nhận ra nhiều người mà trước đây Victor Vincent đã từng quen biết trong đó có người vợ của Victor Vincent. Corliss còn kể 2 biến cố xảy ra trong cuộc đời của Vincent mà chỉ có mình Vincent biết được mà thôi. Thêm nữa còn có nhiều nét đặc biệt giống như Victor Vincent, chẳng hạn như cách chải đầu. Corliss đã chải kiểu tóc giống như Vincent trước đây. Cả hai cùng nói lắp (cà lăm), cùng thích bơi lội và tầu bè, cùng thuận tay trái, cùng có chung khuynh hướng về tôn giáo. Cũng như Vincent, Corliss có khiếu về máy móc, có khả năng về sử dụng và sửa chữa. Mẹ của Corliss cho biết đã tự học một mình cách làm sao cho chiếc thuyền máy chạy được. Khác hẳn với cha là ông Chotkins, một người không mấy thích máy móc và càng không có năng khiếu về máy móc. Khi lên 9 tuổi, Corliss ít nói đến tiền kiếp của mình, cho đến năm 1962 thì hầu như Corliss không còn nhớ gì nữa. Tôi (Ian Stevenson) đã gặp Corliss và gia đình cả thảy 3 lần và đầu năm 1960 và 1 lần vào năm 1972. Lần gặp cuối cùng tôi thấy Corliss không còn nói lắp (cà lăm) như trước nữa, khuynh hướng về tôn giáo của anh cũng giảm đi song anh vẫn còn thích máy móc. Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Corliss đã được gửi sang chiến đấu trong đoàn Pháo Binh. Một trái đạn nổ gần bên đã làm Corliss bị điếc. Năm 1972 lần cuối cùng gặp lại Corliss, tôi thấy anh vẫn mạnh khoẻ và đang làm việc tại một nhà máy xay bột gần nhà của anh tại Sitka Alaska' -ooOoo- -10- MA TIN AUNG MYO Tác Giả: Ian Stevenson Ma Tin Aung Myo sanh ngày 26 Tháng 12 năm 1953 tại làng Nathul miền thượng Miến Ðiện. Cha Cô là U Aye Maung và mẹ cô là Daw Aye Tin. Khi còn đang mang thai Ma Tin Aung Myo, 3 lần Bà mơ thấy một người lính Nhật cởi trần, mặc quần soọc đã theo bà và nói rằng ông ta sẽ đến ở với vợ chồng Bà. Khoảng 3, 4 tuổi, Myo đã có những hiện tượng nhớ đến tiền kiếp của mình. Mỗi lần thấy máy bay bay ngang làng Nathul, Myo đều sợ hãi và khóc. Tình trạng này kéo dài nhiều năm. Lúc lên 4 tuổi có lần Myo khóc sướt mướt; được hỏi lý do cô trả lời là cô khao khát được về nước Nhật. Rồi sau đó Myo kể là Myo là người lính Nhật đóng quân ở Nathul trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến khi Quân Ðội Nhật Bản chiếm giữ Miến Ðiện. Myo nói rằng cô là hỏa đầu quân và bị bắn chết trong một cuộc oanh tạc của máy bay Ðồng Minh. Myo cung cấp vài chi tiết khác về tiền kiếp mà cô còn nhớ. Trước kia Myo ở phía Bắc nước Nhật, đã lập gia đình và có một con. Trước khi nhập ngũ gia đình có một cửa hàng nhỏ. Trong lúc Quân Ðội Nhật rút lui khỏi Miến Ðiện, Cô bị máy bay bắn chết. (Có thể sự việc xảy ra vào năm 1945). Cô đã mô tả lối ăn mặc của người lính Nhật và cách thức ẩn tránh khi bị máy bay oanh tạc. Riêng cô bị kẹt ngoài bờ đê nên đã bị bắn chết. Myo không nhớ tên cũng như quê quán của người lính Nhật. Tuy nhiên những gì Myo kể lại rất phù hợp với những biến chuyển trong thời gian Quân Ðội Nhật chiếm đóng Miền Thượng Miến Ðiện. Mẹ của Myo cho biết có quen thân với một người lính Nhật làm hỏa đầu quân khi quân đội Nhật Bản đóng tại nơi đây, nhưng không biết anh lính Nhật này chết tại đâu. Lối xử sự của Myo rất khác thường, giống như phong cách của một người lính Nhật. Myo không thích khí hậu nóng bức tại miền thượng Miến Ðiện và cũng không thích các món ăn nấu theo kiểu địa phương, Myo thích ăn đồ ăn có đường, cá sống. Myo thường tỏ vẻ mong đợi ngày trở về Nhật Bản và có nhiều khi nằm úp mặt khóc vì nhớ nhà. Myo cũng thường tức giận mỗi khi có ai nhắc tới người Anh hoặc người Mỹ trước mặt Myo. Ðiều đặc biệt nhất là Myo thích làm con trai. Cô hay mặc quần áo đàn ông và thích cắt tóc kiểu con trai. Vì vậy khi đi học Myo bị nhà trường bắt buộc phải ăn mặc theo kiểu phụ nữ. Myo đã từ chối và năm lên 11 tuổi Myo đã bỏ học. Vì học vấn kém nên Myo đã phải làm nghề tầm thường. Năm 1974 khi tôi (Ian Stevenson) gặp Myo lần đầu tiên thì cô đang bán rong đồ ăn ở ga xe lửa. Thưở còn nhỏ, Myo thích chơi trò đóng vai người Lính. Myo đòi cha lần nào đi Mandalay cũng phải mua cho cô một cây súng giả. Ba người chị cũng như người em trai độc nhất của cô lại không thích trò này. Myo thích chơi đá banh và khúc côn cầu, hai môn thể thao chỉ dành cho con trai. Cha mẹ Myo đã có 3 người con gái trước khi sanh Myo. Tuy cả hai ông bà đều muốn có một đứa con trai, nhưng điều đó không có nghĩa là hoan nghênh tinh thần thích làm con trai của cô. Người mẹ phản đối con kịch liệt còn người cha thì khoan dung hơn. Càng lớn, Myo càng có vẻ đàn ông, Myo thích ăn mặc theo kiểu con trai và không nghĩ đến việc lấy chồng. Ngược lại Myo nói rằng thích một người vợ. Myo coi mình như một nam nhi và không thích được đối xử như một phụ nữ. Khi U Win Maung, người phụ tá của tôi (Ian Stevenson) tại Miến Ðiện gọi Myo bằng "Ma", tiếng lịch sự để chỉ người phụ nữ Miến, thì cô yêu cầu được gọi cô là Maung, tiếng thông dụng để chỉ thanh niên Miến hoặc không dùng danh từ nào cả. Trong một cuộc phỏng vấn, cô đã nói với tôi và U Win Maung rằng cô sẽ rất hài lòng nếu chúng tôi chọn bất cứ cách nào để giết cô miễn là bảo đảm cho cô khi được sanh trở lại cô sẽ là đàn ông. Gia đình Myo cho rằng sự luyến ái của Myo khác thường như vậy vì tiền kiếp Myo là đàn ông và cũng xác nhận cái tính khí y hệt thanh niên của cô là do tiền kiếp cô là người lính Nhật Bản. Tuy rằng chi tiết để xác minh người lính Nhật không được đầy đủ nhưng tất cả những hành động cũng như tính tình của Myo đã phản ảnh rõ ràng Myo đúng là hiện thân của một người Lính Nhật Bản. Tôi (Ian Stevenson) đã gặp lại Myo vào năm 1975 và sau đó thì không gặp nữa nhưng U Win Maung, người phụ tá của tôi tại Miến Ðiện đã gặp Myo vào năm 1970, sau này còn gặp lại cô 2 lần nữa vào năm 1977 và năm 1981. -ooOoo- -11- MỐI TÌNH TUYỆT VỌNG Tác Giả: Ian Stevenson Ðây là một trường hợp Tiến Sĩ Ian Stevenson đăng trên tờ Journal of Nervous and Mental Disease (Tì Báo nói về Bệnh Thần Kinh và Tâm Trí) và năm 1983. Tại Rio Grand Do Sul, một Tiểu Bang cận nam của Ba Tây, một bé gái của một trại chủ giàu có tên là Senor C.J. De Oliveiro ra đời. Tên bé gái là Maria nhưng thường gọi là Sinha và thân mật hơn là Sinhazinha. Khi lớn lên Sinha rất yêu mến đời sống thôn dã nơi quê cha và thỉnh thoảng nàng thường đến chơi làng Dom Feliciano cách 12 dậm. Nơi đây Sinha quen với Ida Lorenz, vợ một giáo viên. Rồi thì 2 lần tình yêu đến nhưng lần nào nàng cũng đều bị người cha nghiêm khắc bảo thủ ngăn cản và một trong 2 thanh niên đã tự tử vì tuyệt vọng. Sinha ngày càng héo hon sầu não. Lo lắng người cha đã thu xếp cho nàng đi du ngoạn Pelotes, một thị trấn ven biển trong mùa hội nhưng tình trạng của nàng cũng không khả quan hơn. Với mục đích hủy hoại thân mình nàng đã tự hành xác bằng cách dầm thân dưới trời giá lạnh cho đến khi kiệt sức. Nàng bị khan tiếng, nhiễm trùng cổ họng, sưng phổi rồi ho lao. Vài tháng sau nàng chết. Trước khi chết nàng có tâm sự với người bạn thân Ida Lorenz rằng bệnh hoạn là tự nàng làm ra. Nàng còn căn dặn 2 điều: "Một, tôi sẽ tái sanh làm con gái của Ida và hai, khi biết nói tôi sẽ kể lại mọi điều về đời sống hiện tại của tôi lúc đó chị sẽ nhận ra". Ida có nói cho chồng biết và hai người cùng chờ xem sự việc xảy ra sao. Ngoài ra không một ai trong gia đình biết cả. Vài tháng sau khi Sinha chết, Ida sanh được một bộ gái đặt tên là Marta. Marta có những nét đặc biệt tương tự như Sinha. Khi Marta chưa đầy 1 tuổi, người cha của Sinha đến thăm gia đình Ida Lorenz, một gia đình khác ông Valentin cũng đến chơi cùng lúc ấy. Ông Valentin có vẻ thương yêu chiều chuộng Marta, nhưng ngược lại Marta cứ đeo theo cha của Sinha mặc dầu ông này thường không thích trẻ nhỏ. Marta đã vuốt râu ông và nói: "Chào Ba". Lúc đó với ông lời chào ấy không có ý nghĩa gì nhưng rồi 11 năm sau ông mới công nhận là Sinha tái sanh thành Marta. Sau đây là lời của ông Ida Lorenz, người cha hiện tại của Marta kể lại do Tiến Sĩ Ian Stevenson, người điều tra vụ này chuyển dịch Người chị tên Lola của Marta đã thấy một chuyện sau: "Lúc Marta được 2 tuổi rưỡi, một hôm sau khi giặt xong quần áo ở một con suối gần nhà Marta và Lola trở về nhà. Marta nói với chị: "Lola cõng em đi" Lola (cũng như tất cả trẻ con hàng xóm của chúng tôi) không biết gì về lời hứa sẽ tái sanh của Sinha nên trả lời: "Em đi được đâu cần chị cõng". Marta nói: "Dạo trước lúc em lớn và chị nhỏ em thường cõng chị đó". Lola vừa cười vừa vặn lại: "Em lớn lúc nào?" Marta trả lời: "Lúc em không ở đây, mà ở xa chỗ này, nơi có nhiều bò đực, bò sửa, có nhiều cây cam, và có nhiều con vật như dê, nhưng không phải các con dở này (nó muốn nói các con cừu mà nó chưa bao giờ thấy ). Câu này mô tả cái nông trại của cha mẹ Sinha. Rồi vừa đi vừa chuyện trò Marta và Lola về tới nhà. Lola kể cho chúng tôi những ý tưởng lạ lùng của Marta và tôi nói với Marta: "Này con gái nhỏ của Ba, Ba chưa bao giờ ở đấy sao con lại nói con ở đấy?" Marta trả lời: "Ðúng vậy, lúc đó con có cha mẹ khác". Một người chị khác của Marta trêu em: "Thế em cũng có một người đầy tớ da đen như bây giờ phải không?" (muốn nói đến đứa con gái da đen mồ côi mà chúng tôi đang nuôi). Marta trả lời ngay: "Không, lúc đó người đầy tớ da đen của chúng tôi đã lớn và biết cả nấu ăn, chúng tôi cũng có một em da đen nhỏ, và một hôm em nhỏ này quên không múc nước về nên bị cha tôi đánh". Nghe vậy tôi liền nói: "Cha chưa bao giờ đánh một em nhỏ da đen nào cả con gái bộ nhỏ ạ" Marta nói: "Nhưng đó là người cha kia của con mà; bị đánh em nhỏ kêu khóc và cầu cứu con: Sinhazinha hãy cứu tôi! và con đã xin cha đừng đánh nó nữa và thằng nhỏ chạy ngay đi múc nước về". Tôi hỏi: "Vậy ai là Sinha hay Sinhazinha? ". Marta trả lời: "Chính là con đấy, con còn có tên là Maria và một cái tên nữa mà con không nhớ". Tên đầy đủ của Sinha la Maria Januaria De Oliveiro. Ðể thử xem Marta nói có đúng không, Ida cũng hỏi một câu: "Mẹ thường đến nông trại thăm Sinha, vậy Sinha thường làm gì để đón tiếp mẹ?" Marta nói nó thường pha sẵn cà phê, vừa đứng chờ trước nhà vừa nghe máy hát để trên thềm đá. Sau khi phỏng vấn người em gái của Sinha, Tiến Sĩ Ian Stevenson được biết quả đúng như vậy. Sinha thường làm thế để tiếp đón người bạn quý của mình tức người mẹ hiện tại. Ida hỏi Marta là Sinha đã nói thế nào khi Ida đến thăm Sinha lần cuối cùng trước khi Sinha chết. Marta đã diễn tả: "Nàng thều thào bên tai Ida, chỉ vào cuống họng mình rằng nàng không thể nói được vì đau cuống họng". Cảnh này chỉ một mình Ida biết mà thôi. Liên tiếp mấy năm sau, Marta kê khai 120 bản về đời sống của Sinha và về những người mà Sinha quen biết. Người cha hiện nay của nàng còn giữ tất cả những tài liệu này. Có nhiều điều ông ta, vợ ông ta và ngay cả đến những đứa trẻ khác trong gia đình hoàn toàn không biết nhưng sau khi phối kiểm thì thấy đều rất trung thực. Bấy giờ Marta thường nhắc đến căn nhà của Sinha và mong ước được về thăm nhưng mãi đến năm 12 tuổi vào cái tuổi mà Marta ít nhắc đến tiền kiếp của mình thì Marta mới được mãn nguyện. Vừa đặt chân tới nhà có Marta đã nhận ra cái đồng hồ treo tường và nói là của mình. Nàng còn nói đằng sau cái đồng hồ có in tên nàng bằng chữ vàng. Người cha ở tiền kiếp nghe vậy bèn lấy cái đồng hồ xuống, quả nhiên đằng sau có in dòng chữ vàng: "Maria Januaria De Oliveiro". Cái đồng hồ do Sinha mua và tự mình lên dây. Ðó là đồ vật duy nhất mà Marta nhận được tại nông trại. Sau chuyến viếng thăm của Marta, một người bà con của Sinha nghe nói Sinha tái sanh, đã không báo trước mà tìm đến nhà ông bà Lorenz và hỏi Marta như sau: "Nếu quả cô là Sinha, xin cho tôi biết quan hệ giữa chúng ta như thế nào?" Không chút ngặp ngừng Marta đã trả lời đúng: "Bà là chị họ và cũng là mẹ đỡ đầu". Người đàn bà này hoàn toàn chưa bao giờ biết làng Dom Feliciano, nơi mà gia đình và Marta đang sống. Một chuyện khác xảy ra khi Marta 19 tuổi và được một nông trại mời đến kèm trẻ. Gia đình này theo đạo Cơ Ðốc Giáo gốc nên không bao giờ Marta đề cập đến luân hồi. Một phụ nữ già da đen cũng làm tại nơi đây thấy Marta đã nói với mọi người: "Cô gái này giống hệt như Sinha ". Hóa ra người đàn bà da đen chính là người đầy tớ trước đây của nông trại Oliveiro mà lúc lên 2 tuổi rưỡi Marta đã có lần nhắc tới. Sinha tìm cái chết bằng cách tự hủy hoại thân thể mình với bệnh lao phổi và thanh quản - nay hai bệnh nghiệp chướng trên đã trở lại với nàng - Marta rất dễ bị cảm lạnh và sưng phổi trong khi những đứa con khác của gia đình Lorenz không một ai bị bệnh này cả. Tiến Sĩ Ian Stevenson đã bình luận: "Bệnh đau về hệ thống hô hấp và yết hầu của Marta hiện nay đúng là bệnh tình trước đây của Sinha. Tôi tin rằng trong hiện tại Marta hay mắc chứng bệnh này là vì có sự liên quan đến tiền kiếp và cái chết của Sinha". Hậu quả thứ hai là hoàn cảnh trái ngang có thể đưa nàng đến ý định tự hủy hoại thân mình. Marta có xác nhận với Tiến Sĩ Ian Stevenson, mặc dù chưa bao giờ có ý định tự tử cả, xong có thể làm việc ấy nếu có sẵn một khẩu súng. Trên bình diện xác thực và khích lệ, nàng đã vượt đến sự tốt đẹp của bản thân tiền kiếp. Nàng đã được nhiều người đặc biệt nhớ đến nàng vì tình thương yêu và lòng nhân ái đã được thể hiện trong cuộc sống hiện tại của nàng. Với kinh nghiệm tái sanh nàng đã tìm được cách hữu hiệu để làm giảm bớt sự đau khổ và ưu sầu của những người chung quanh. Tiến Sĩ Ian Stevenson đã viết trong báo cáo: "Một ngày nọ một thiếu phụ đến thăm gia đình Lorenz và ta thán về cái chết của người cha. Thiếu phụ này nói: "Ồ các bạn thân mến, người chết rồi không bao giờ trở lại được". Nghe vậy Marta đã lên tiếng: "Xin bà đừng nói thế, tôi cũng đã chết và bà có thấy không tôi đang sống lại đấy". Một bửa khác trong cơn mưa bão, một người chị của Marta đã lo lắng cho người em Emilia mới chết có thể bị ướt dưới mộ sâu. Marta đã nói: "Chị đừng nói vậy, Emilia đâu còn ở nghĩa địa, Emilia đã ở một nơi an toàn tốt đẹp hơn nơi của chúng ta hiện nay, linh hồn không bao giờ bị ướt cả". -ooOoo- -12- SHAMLINIE PREMA Tác Giả: Ian Stevenson Shamlinie Prema sanh ngày 16 Tháng 10 năm 1962 tại Sri Lanka Colombo. Cha mẹ của Shamlinie sống ở Gonagela, cách Colombo 60 cây số về phía nam và lớn lên tại đó. Cha mẹ của Shamlinie nhận thấy ngay từ khi biết nói, Shamlinie đã rất sợ nước, thường dẫy dụa khóc thét lên mỗi khi có ai muốn đem em nhúng xuống nước. Em cũng sợ cả xe buýt và thường khóc lóc mỗi khi cha mẹ đem lên xe buýt hay nhìn thấy xe buýt từ đằng xa. Sự việc này làm cho cha mẹ em bối rối, ông bà cho rằng những biến cố ở kiếp trước đã ảnh hưởng tới đời sống hiện tại của em. Ðến khi biết nói em đã liên tiếp kể chuyện tiền kiếp của em cho cha mẹ cũng như những người thân thuộc. Em cho biết ở tiền kiếp em sống tại làng Galtudawa cách xa Gonagela 2 cây số. Em nói rằng cha mẹ tiền kiếp của em còn đang sống tại Galtudawa và em thường nhắc đến bà mẹ Galtudawa. Em cũng nói tới mấy người chị và hai người bạn học cùng trường. Em tả căn nhà ở tiền kiếp mà em đã sống, địa thế cũng như đặc điểm khác hẳn cái nhà mà em đang sống. Em kể nguyên do cái chết của em xảy ra như thế nào. Một buổi sáng để điểm tâm trước giờ đi học em đi mua bánh mì trên con đường bị ngặp nước. Một chiếc xe buýt chạy ngang làm bắn tung nước và em bị hất xuống ruộng. Em chỉ còn biết dở tay vẫy gọi "Mẹ" và sau đó em cảm thấy như ngủ thiếp đi. Ở Galtudawa có một cô gái tên là Hemaseelie Guneratne bị chết đuối ngày 8 tháng 5 năm 1961 trong hoàn cảnh tương tự. Hemaseelie đã lùi một bước để tránh xe buýt và cô bị rơi xuống ruộng lúa ngặp nước. Hemaseeli là một học sinh 11 tuổi. Cha mẹ Shamlinie không hề quen biết gia đình Hemaseelie và cũng chưa gặp Hemaseelie lần nào cả. Tuy nhiên cha mẹ Shamlinie có được nghe chuyện cô học sinh chết đuối, cũng cảm thấy buồn nhưng sau đó rồi ông bà cũng quên bẵng đi. Lần đầu tiên nghe em kể câu chuyện bị chết đuối cha mẹ em không nghĩ rằng em có liên quan đến cô bộ Hemaseelie bị chết đuối cả. Khi Shamlinie lên 3 tuổi em nhận ra một người anh em họ của Hemaseelie khi người này đang đi trên đường phố ở Gonagela. Hơn một năm sau, Shamlinie lại nhận ra người chị của Hemaseelie cũng tại Gonagela. Ðồng thời Shamlinie đòi đi Galtudawa để thăm "Mẹ Galtudawa" và em cho rằng người mẹ hiện tại không sánh bằng "Mẹ Galtudawa" ở tiền kiếp. Cuối cùng cha mẹ của em đã đưa em đến nhà Hemaseelie Gueratne ở Galtudawa. Nhiều người tụ tập nơi đây vì họ nghe nói có một cô gái tái sanh trở về thăm làng có. Sự hiện diện của những người lạ mặt khiến Shamlinie thấy thiếu thoải mái. Tuy nhiên Shamlinie cũng nhận ra "bà mẹ của Hemaseelie tên là W.L. Podi Nona" trong khi đó gia đình Guneratnes vẫn còn hoài nghi. Cuộc viếng thăm rất ích lợi vì đã xác minh được những việc mà Shamlinie đã từng tuyên bố. Hầu hết những chuyện Shamlinie kể về tiền kiếp đều trùng hợp với đời sống của Hemaseelie tại Galtudawa. Thêm vào đó, hai gia đình trong khi trao đổi tin tức đều nhận thấy Hemaseelie và Shamlinie đều có nhiều điểm giống nhau về cách thức ăn mặc cũng như sở thích ăn uống. Tôi (Ian Stevenson) bắt đầu điều tra vụ này và năm 1966, vài tuần lễ sau khi Shamlinie viếng thăm Galtudawa lần đầu tiên. Tôi đã phỏng vấn một số người còn nhớ rõ những điều Shamlinie đã kể và đã làm, về cả cuộc đời tiền kiếp của Hemaseelie. Mấy năm sau tôi có đến thăm cả hai gia đình để có thể kiểm chứng và cũng để xem sự tiến triển của Shamlinie ra sao. Ngoại trừ một vài điều cách biệt nho nhỏ, còn tất cả những tin tức mà tôi thâu lượm được đều rất xác thực và các nguồn tin mới này vẫn rất phù hợp với những điều mà họ nói trước kia. Sau lần viếng thăm đầu tiên Galtudawa, Shamlinie trở lại thêm vài lần nữa thăm gia đình Guneratnes và sau đó các chuyến viếng thăm thưa dần ngày càng ít đi và Shamlinie càng lớn lên thì những ký ức về tiền kiếp của em mờ dần đi. Ðến năm 7 tuổi thì Shamlinie không còn kể về tiền kiếp của em nữa. Khi lên 11 tuổi vào năm 1973, Shamlinie đã hoàn toàn quên hẳn ký ức về tiền kiếp ngay cả đến những việc trước đây em thường nhắc đến. Em cũng không còn sợ nước như hồi 4 tuổi nữa và khi em lên 8 tuổi thì em cũng không còn sợ hãi khi trông thấy xe buýt tuy nhiên vẫn còn một chút sợ sệt. Năm 1973 tôi có trở lại thăm Shamlinie và thấy em đã trở thành một cô gái Sinhalese bình thường. Trường hợp luân hồi của Shamlinie rất trung thực. Hai gia đình ở cách xa nhau 2 cây số và cũng không là thân thuộc mà Shamlinie lại hiểu biết đời sống của Hemaseelie với nhiều chi tiết rõ ràng. Theo sự xét đoán của tôi (Ian Stevenson) sự liên hệ của hai gia đình không có, nên không thể nào giải thích nổi tại sao Shamlinie lại có thể hiểu biết tường tận đời sống cũng như cá tính khác thường của Hemaseelie. Phải chăng Hemaseelie đã tái sanh thành Shamlinie? -ooOoo- -13- SULEYMAN ANDARY Tác Giả: Ian Stevenson Suleyman sanh ngày 4 Tháng 3 Năm 1954 tại Falougha, Lebanon. Gia đình Suleyman thuộc dòng Druses, một tôn giáo bắt nguồn từ Islam (Hồi Giáo). Tuy nhiên tôn giáo này đã tách ra khỏi khối Hồi Giáo chính thống và những người theo đạo Druses cũng coi như không còn lệ thuộc vào khối Hồi Giáo. Luân Hồi là một giáo lý căn bản của Ðạo Druses. Khi còn thơ ấu Suleyman nhớ vài chi tiết về tiền kiếp của anh. Ðôi khi qua các giấc mộng, anh kể là anh đã có con ở tiền kiếp và còn nhớ cả tên của chúng nữa. Anh nhớ anh sống tại Gharife và là chủ của một hãng ép dầu. Không giống đa số các trường hợp luân hồi khi còn nhỏ tuổi nhớ kiếp trước nhiều hơn, càng lớn tuổi anh càng nhớ lại nhiều về tiền kiếp. Trong lúc ở với bà nội khi anh 11 tuổi, anh cảm thấy anh có nhiều ký ức về tiền kiếp. Một hôm bà ngoại anh đến nhà mượn một cuốn kinh về đạo Druses. Suleyman đã từ chối không cho mượn còn lỗ mãng bắt lỗi bà ngoại không có cuốn kinh trong nhà. Bà nội anh bất mãn về thái độ cư xử của anh và yêu cầu anh giải thích. Bất ngờ anh nhớ lại ở tiền kiếp anh có rất nhiều kinh sách về Ðạo Druses và không bao giờ anh cho ai đem những cuốn kinh này ra khỏi nhà. Người Druses rất quý trọng các cuốn kinh và thường giữ gìn cẩn thận. Hành động của Suleyman nếu là một thiếu niên thì quả là vô lễ, nhưng với một người đã trưởng thành như Suleyman thì lại là một việc bình thường. Sau câu chuyện trên, Suleyman đã kể nhiều các chi tiết về đời sống tiền kiếp của anh. Anh nhớ anh là một tù trưởng ở Gharife và có tên là Abdallah Abu Hamdan. Anh còn kể thêm nhiều chi tiết cuộc đời của Hamdan. Lúc bấy giờ Suleyman rất sợ bị chế nhạo khi nhận là tù trưởng ở tiền kiếp. Anh nghĩ là gia đình và bạn bè sẽ cho anh là ngạo mạn và sẽ châm biếm anh. Cho nên anh đã dấu kín trong lòng. Hai năm sau anh mới kể lại cho một số bạn bè trước cho một số người ít tuổi và về sau cho một số người lớn. Vài người thân đứng tuổi của gia đình Suleyman đề nghị đem Suleyman đi Gharife để phối kiểm các tin tức nói về tiền kiếp của Syleyman. Gharife cách xa Falougha chừng 30 cây số, thuộc một vùng khác phạm vi Lebanon. Muốn đi Falougha đến Gharife phải có lý do xác đáng. Gia đình của Suleyman không quen ai ở Gharife cả và cũng không có một liên hệ nào với Gharife cả. Có một người trong gia đình Suleyman làm việc tại Gharife trong một thời gian ngắn nhưng cũng không biết những lời kể của Suleyman đúng hay sai. Sau đó chính người này đến Gharife điều tra đã xác nhận những điều Suleyman kể lại đều rất đúng. Cùng lúc ấy có vài người khác công nhận tính cách trung thực của các sự việc trên. Giống như trường hợp của Á Ðông, câu chuyện của Suleyman được nhiều người biết đến. Một người anh em họ của Suleyman đã gặp vài người Gharife ở Saudi Arabia và được biết những lời kể của Suleyman rất xác thực. Người tên là Abdallah Abu Hamdan mà Suleyman nhận là tiền kiếp của mình là chủ nhân một hãng dầu ép và làm tù trưởng nhiều năm trước khi chết vì bệnh tim năm 1942 lúc 65 tuổi. Những người Gharife đã mời Suleyman đến thăm Gharife. Lúc đầu anh từ chối nhưng đến năm 1967 anh đã đi Gharife 2 lần, vào mùa hạ và mùa thu. Khi tới Gharife anh cảm thấy thẹn thùng và bỡ ngỡ. Người vợ góa của Abdallah Abu Hamdan và 2 người con còn sống tại Gharife nhưng anh không nhận ra họ và cũng không nhận được những người thân quyến. Anh nhận được 3 người khác và vài nơi tại Gharife. Có lẽ điều quan trọng nhất là anh đã chỉ một con đường có từ năm 1967 không còn sử dụng, con đường trước kia dẫn đến nhà Abdallah Abu Hamdan. Tuy nhiên tầm quan trọng của trường hợp Suleyman không nằm trong sự xác nhận của anh mà là những cá tính riêng biệt của anh phát sanh từ tiền kiếp. Trước khi Gharife, cũng như trong cuộc viếng thăm lần đầu, Suleyman đã 17 lần nói về tiền kiếp của anh. Những lời anh kể gồm có tên các con anh và các chi tiết khác về đời sống của anh. Những lời phát biểu của anh đều đúng ngoại trừ hai trường hợp: 1) Salim là em chứ không phải con anh, 2) Salim không bị mù mà Naseeb con anh mới bị mù. Tôi (Ian Stevenson) bắt đầu điều tra vụ này vào tháng 3 năm 1968 và tiếp tục cho đến năm 1972. Tôi đã phỏng vấn nhiều người tại Falougha và Gharife. Sau này Suleyman di cư sang Saudi Arabia và từ năm 1972 tôi không còn gặp Suleyman nữa. Khi Suleyman còn nhỏ tuổi anh đã tỏ ra phong thái một người lớn. Anh thích giao du với người lớn hơn là người đồng lứa tuổi và ngay cả giữa đám người lớn anh cũng chọn chỗ ngồi dành riêng cho những vị có đặc quyền. Anh không thích bị ai la rầy và khi ấy anh thường nói: "Ðừng mắng tôi, tôi là người lớn mà". Suleyman thường sợ bị người khác chế nhạo nếu họ biết anh nhận là ông tù trưởng ở tiền kiếp. Gia đình và bạn bè thường chế anh là "Ông Tù Trưởng". Ðiều này cũng không làm anh buồn mấy vì một số người trong gia đình đã tin anh và thân yêu gọi anh bằng cái tên này. Dĩ nhiên họ chỉ tin anh sau khi anh đã xác thực được những điều anh kể về tiền kiếp của Abdallah Abu Hamdan. Trong gia đình Suleyman cũng tỏ ra là người mộ đạo hơn những người khác giống hệt như Abdallah Abu Hamdan. Trước khi chết, Hamdan đã trở thành tộc trưởng, một chức vị cao cấp mà nhiều người mơ ước. Tôi thấy Suleyman không muốn đến thăm Gharife nên anh đã từ chối lần đầu. Gia đình của Suleyman hiểu rõ hơn cho rằng anh không thích đi Gharife vì anh không muốn nhìn lại những thảm kịch trong đời sống của Hamdan. Các con của Hamdan không mấy nên người, có nhiều thói hư tật xấu, một người thì di dân sang Hoa Kỳ, một người thì ăn ở với Hamdan không hiếu thuận. Trong những ngày cuối cùng Hamdan gặp khó khăn. Vì muốn giúp đỡ một người bạn Hamdan đã ngụy tạo một tài liệu khiến chính phủ khám phá ra được và Hamdan bị cất chức. Cuối cùng Hamdan đã đầu tư vào việc ép dầu nhưng tình trạng tài chánh eo hẹp nên việc buôn bán không kết quả. Việc đầu tư thất bại làm Hamdan buồn phiền, nhuốm bệnh rồi qua đời. Hamdan chết năm 1942, 12 năm trước khi Suleyman sanh ra đời. Ðược hỏi về thời gian 12 năm chưa luân hồi thì Suleyman ở đâu, Suleyman trả lời không nhớ gì cả. Với ký ức của Suleyman về tiền kiếp là Abdallah Abu Hamdan, tôi (Ian Stevenson) không nghĩ rằng những tin tức do Suleyman thâu lượm được bằng cách thông thường vì hai làng cách xa nhau đến 30 cây số và hai gia đình cũng không có liên lạc gì với nhau cả. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | I.a | I.b | II.a | II.b | III | IV | V | VI.a | VI.b | VII | |
Chân thành cám ơn Tỳ
kheo Thích Tâm Quang, chùa Tam Bảo, California, đã gửi tặng bản vi
tính
(Bình Anson, 04-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 05-06-2002