Chương
Một - Phật Bảo
Tiết VI
Các
Tinh Thần Giáo Dục của Thế Tôn và
sự Liên Hệ giữa Ngài với các hàng Ðệ Tử, Chư Thiên,
Ác Ma và Ngoại Ðạo.
Viết
về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề
cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường
giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc
đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà
cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn,
công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng,
và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo
dục toàn diện và tiên tiến.
Trong tiết này, chúng
ta tìm hiểu Thế Tôn qua lăng kính giáo dục.
Như chúng ta đã biết,
giáo dục là nền văn hóa và văn minh của loài người.
Phật giáo, qua hơn hai mươi lăm thế kỷ ảnh hưởng, đã
đóng góp nhiều vào văn hóa nhân loại, nếu không muốn nói
Phật giáo có thể làm nên cái gọi là văn hóa Phật giáo
cho nhân loại. Sự kiện đóng góp này đủ soi tỏ Phật giáo
như là một hệ thống giáo dục. Chúng ta hãy tìm hiểu cụ
thể:
Giáo dục, hiểu theo
nghĩa rộng rãi, như là con đường hai chiều của dạy và
học của con người kể từ lúc sinh ra cho đến khi chết, và
có mặt ở ba môi trường sinh hoạt: gia đình, học đường
và xã hội.
Thuyết Nghiệp của nhà
Phật xem sự hình thành của thân Ngũ uẩn này như là kết
quả của các hành động trong quá khứ. Từ đây "Nghiệp
mới" được hình thành qua các hành động cố ý của thân,
khẩu, ý. Chủ trương của Phật giáo là giải thoát
nghiệp: chuyển đổi từ nghiệp ác qua nghiệp thiện, và
từ nghiệp thiện đến giải thoát. Thế có nghĩa: Phật giáo
là con đường giáo dục con ngườ đủ hai mặt nhận thức
và hành động, từ khi sinh ra cho đến khi chết, ở khắp các
môi trường sống.
Ðấy là điểm gặp
gỡ thứ nhất về ý nghĩa quãng đường giáo dục và môi
trường giáo dục giữa Phật giáo và giáo dục, thế mà mãi
cho đến hậu bán thế kỷ hai mươi giáo dục mới bắt
gặp Phật giáo.
Niềm Tin Giáo Dục
Nói đến giáo dục là
nói đến niềm tin căn bản của nói, cái niềm tin mở hướng
phát triển muôn thuở. Giáo dục tin rằng trong con người có
một khả năng gần như vô tận, có thể tiếp thu nhiều
kiến thức, và có thể điều chỉnh mọi lệch lạc của tâm
lý, vật lý, sinh lý và tư duy của tự thân. Ðây là lý do
mà học đường đã mở dạy rất nhiều môn học cho mọi
người, gồm cả những người chậm trí.
Nguồn khả năng ấy,
Phật giáo gọi là khả năng giác ngộ mà mọi người đều
có thể vận dụng qua nỗ lực của tự thân. Ðạo đế,
trong Tứ đế của Phật giáo, là con đường vận dụng
khả năng ấy. Có thể nói đây là cái thấy biết và là
niềm tin vô ngã được mở ra từ lời dạy của Thế Tôn
"Nhất thiết pháp vô ngã" (Sabbe dhammà anattà - Dhp. 279).
Do nhận thức là vô ngã,
và các pháp là vô ngã nên mới có thể thực hiện sự
chuyển hóa nhận thức và chuyển hóa các pháp, và mới có
các công trình sáng tạo.
Nếu các pháp, gồm
nhận thức, là hữu ngã, thì không bao giờ có thể có
nguồn sáng tạo xuất hiện, và không bao giờ công cuộc giáo
dục có thể được thực hiện. Giáo lý vô ngã của Phật
giáo, như thế, quả đã dựng nên niềm tin căn bản của giáo
dục, hay nói cách khác, niềm tin của giáo dục Phật giáo.
Ðấy là điểm gặp gỡ thứ hai.
Mục Tiêu Giáo Dục
Một đường hướng giáo
dục tốt luôn luôn nhắm đến hai mục tiêu: đào tạo con
người xã hội và con người chính nó. Con người xã hội
đáp ứng các nhu cầu xã hội như: kinh tế, văn hóa, giáo
dục, quốc phòng, chính trị. Con người chính nó là con người
toàn diện của vật lý, tâm lý, sinh lý, ý chí, tình cảm và
trí tuệ đang trôi chảy. Một hệ thống giáo dục thiếu
một trong hai mục tiêu ấy là một nền giáo dục không hoàn
chỉnh.
Thế Tôn đã giáo dục
con người đầy đủ các mặt ấy. Về mặt xã hội, Kinh
Singalà (Trường Bộ Kinh số 31; Hán tạng: Kinh Thiện Sinh,
Trường A-hàm) nói lên việc xây dựng sáu mối tương giao
tốt của xã hội: Tương giao giữa cha mẹ và con cái; giữa
thầy và trò; vợ và chồng; cá nhân và bà con, láng giềng,
bạn bè; chủ và thợ; tu sĩ và cư sĩ.
Kinh Tăng Chi, Chương
Bảy Pháp, đề cập đến bảy điều làm cho một quốc gia
cường thịnh, Pháp Cú Sớ nói đến một chính phủ tốt
cần thực hiện tốt mười điều gọi là "Thập vương
tử pháp" (Pháp Cú Sớ và Jataka).
Kinh Chuyển Luân Thánh
Vương Sư Tử Hống, Trường Bộ Kinh III - số 26, cho rằng
nghèo đói là nguyên nhân chính của trộm cắp, hung ác, thù
hằn, bạo động và vô luân. Ðể cải thiện tình trạng xã
hội ấy, cần phải cải thiện kinh tế bằng cách cung cấp
hạt giống và phương tiện canh tác cho nông dân, cung cấp
vốn đầu tư cho thương gia, và trả lương thích đáng cho công
nhân. Bấy giờ, Thế Tôn dạy, các lễ tế đàn cần được
thay thế bằng các cuộc đại chẩn thí cho nhân dân.
Về mặt cá nhân, Thế
Tôn dạy đến hạnh phúc của đời sống gia đình. Mỗi cá
nhân cần thực hiện đủ: (1)
- Giỏi tay nghề, siêng
năng, biết điều hành công việc.
- Biết quân bình chi, thu (giữ cho số thu lớn hơn số
chi).
- Biết làm ra của cải hợp pháp bằng sức lao đông của
mình.
- Biết đầu tư.
- Biết làm bạn với thiện (Có giới, Tín và Tuệ).
- Biết quân bình sức khoẻ và tâm lý.
- Biết lo cho đời sau: tu Tín, Thí, Giới và Tuệ.
- Biết sống trong hiện tại, làm chủ suy tư, không tiếc
nuối quá khứ, không mộng tưởng tương lai....
Với nội dung giáo
dục đó, chỉ có nhà trường hiện đại của cuối thế
kỷ hai mươi, với một hệ thống giáo dục hoàn mỹ gồm
đủ giáo dục tâm lý, sinh lý và mỹ thuật, mới bắt gặp
tinh thần và nội dung giáo dục đó của Phật giáo.
Tinh Thần Trách Nhiệm
Cá Nhân
Trước tiên là tinh
thần trách nhiệm cá nhân. Thế Tôn không dạy con người
phải lệ thuộc Ngài, phải phó thác đời mình cho bất cứ
một quyền năng nào cả. Ngài dạy "Ngươi phải làm công
việc của ngươi, vì Như Lai chỉ dạy con đường" (Dhp XX
4). "Ngươi là nơi nương tựa của chính ngươi, không ai khác
có thể là nơi nương tựa". (Dhp. X II 4). "Ý dẫn đầu các
pháp, ý là chủ, ý tạo..." (Dhp. I, 1).
Nói về nghiệp, Tăng
Chi và Trung Bộ Kinh chỉ rõ: "Người là tác nhân, chủ nhân
của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp" (2).
Nếu không có tinh
thần trách nhiệm cá nhân thì nhân quả của Phật giáo không
có gì để bàn đến nữa, Phật giáo không còn có lý do để
có mặt ở đời. Nếu không có tinh thần trách nhiệm cá nhân
thì học đường cũng không thể thiết lập giáo dục, và
luật pháp xã hội sẽ không có chỗ thi hành, cuộc đời
sẽ đại loại.
Tinh thần giáo dục trách
nhiệm cá nhân luôn luôn phải được thực hiện tốt trong
một hệ thống giáo dục hoàn bị.
Tinh thần giáo dục này
bắt gặp tinh thần giáo dục của Phật giáo từ hơn hai mươi
lăm thế kỷ qua.
Giáo Dục Cá Nhân
Phương thức giáo dục
hữu hiệu và hợp lý nhất của học đường hiện đại là
phương thức giáo dục cá nhân mà không phải là giáo dục
tập thể. Bởi mỗi học viên có các điều kiện tâm, sinh,
vật lý, tình cảm, trí tuệ và điều kiện sống khác nhau,
nên cần được đón nhận các điều kiện và phương thức
giáo dục khác nhau.
Tinh thần giáo dục cá
nhân này phản ảnh tinh thần giáo dục "Khế cơ" của
Phật giáo. Ðức Thế Tôn đã thực sự áp dụng nguyên
tắc khế cơ từ buổi đầu giáo hóa. Hình ảnh hồ sen có
những cọng sen chưa ra khỏi bùn, có những cọng sen vừa ra
khỏi bùn, có những cọng sen ở lưng chừng nước, cũng có
những cọng sen vươn ra khỏi mặt nước, tiếp thu được
ánh sáng mặt trời và tỏa ngát hương. Cũng thế, con người
có những căn trí bất đồng, có người chóng hiểu, có người
chậm hiểu, có người nặng về tham, có người nặng về sân,
có người nặng về si, có người thích tịnh, có người thích
hiếu động v.v... Nhưng tất cả, qua quá trình giáo dục,
lần lượt sẽ như cánh sen vươn ra khỏi nước để trực
tiếp tiếp thu giáo lý giải thoát. Thế là Thế Tôn không
ngần ngại lên đường giảng dạy, giáo hóa tuỳ theo căn cơ,
khích lệ khiến cho mọi người đều được lợi ích, an
lạc và giải thoát. Thuật ngữ Phật giáo thường nói có
đến 84.000 pháp môn tu, thích ứng với 84.000 căn cơ khác
nhau của con người.
Về sau, trong thời kỳ
phát triển của Phật giáo Bắc tông, tinh thần "Khế cơ"
lại được xiển dương qua các giáo lý "Ngũ thừa", "Tam
thừa", "Nhị thừa" và "Nhất thừa" của Kinh Pháp Hoa.
Thế Tôn đã vận
dụng rất thiện xảo tinh thần "Khế cơ" vào cả mặt ngôn
ngữ diễn đạt, cung cách diễn đạt và tâm lý thích ứng
đối với đối tượng nghe Pháp, mà chúng ta gặp rất
nhiều qua kinh điển của các bộ phái Phật giáo.
Khi đến với nông dân,
Thế Tôn dùng ngôn ngữ và hình ảnh nhà nông; đến với chúng
Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Thế Tôn biểu hiện cung cách và
ngôn ngữ của chính họ.
Ngoài việc nói Pháp đúng
đối tượng nghe, Thế Tôn còn nói Pháp đúng thời và đúng
chỗ, khiến cho tác dụng của thời Pháp được tăng thêm
hiệu quả. Ý nghĩa này cũng được gồm vào tinh thần "Khế
cơ" ấy.
Giới luật cũng được
Thế Tôn thiết lập trên nguyên tắc Khế cơ: Tăng, Ni, Nam,
Nữ cư sĩ có giới luật riêng.
Các đối tượng tu
tập Thiền chỉ và Thiền quán cũng được dạy khác nhau đối
với các căn cơ khác nhau (Phần dẫn chứng sẽ được trình
bày ở chương Pháp Bảo).
Ðể thấy rõ tác
dụng của tinh thần Khế cơ này, chúng ta có thể trưng
dẫn ví dụ đơn giản sau đây:
Cơm là thức ăn dinh dưỡng
cho mọi ngưòi (đây là ý nghĩa "Khế lý"). Nhưng lượng cơm
phải dùng khác nhau giữa người lớn và trẻ em, giữa lúc
khoẻ với lúc bệnh (đây là ý nghĩa "Khế cơ"). Cơm đến
với mình lúc no khác với lúc đói. Ðây cũng thuộc ý nghĩa
"Khế cơ".
Giáo dục hiện đại
đã vận dụng nguyên tắc "Khế cơ" vào việc dạy học, vào
việc chọn môn học, ngành học, nghề nghiệp cho học viên
với một kỹ thuật tốt gọi là kỹ thuật giáo dục. Kỹ
thuật giáo dục đi kèm theo với tâm lý giáo dục là điểm
nổi bật tân kỳ, tiến bộ của giáo dục hiện đại. Ðiểm
giáo dục Khế Cơ này của Phật giáo phải chờ đến hậu
bán thế kỷ hai mươi, con người mới vận dụng vào học
đường, mới bắt gặp nó.
Tinh Thần Thực Tiễn,
Thực Tại
Một tinh thần giáo
dục đặc sắc khác mà Thế Tôn truyền dạy là tinh thần
"Thiết thực hiện tại", hay tinh thần thực tiễn, thực
tại.
Phẩm "Cây Lau" dạy:
(3)
"Không than việc đã
qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu,
Do mong việc sắp
tới,
Do than việc đã qua.
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh lìa cành".
Kinh "A-nan Nhất Dạ
Hiền" ghi : (4)
"Quá khứ không truy
tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính là đây...".
Với kiếp sống của
con người thì chỉ hiện tại là có thực (tương đối).
Sống có nghĩa là sống với hiện tại, sống vào hiện
tại; hay nói cách khác, chỉ có hiện tại là sống. Sống
ngay với hiện tại là tinh thần thiết thực. Than thở
tiếc nuối quá khứ, hay mơ ước tương lai chẳng những để
mình rơi vào chỗ phi thực, còn để mình vướng mắc vào
rối loạn tâm lý, khổ đau và đánh mất hiện tại đang là,
cái hiện tại sống động, mới mẻ, đầy sáng tạo, đầy
nghĩa sống, và có thể hiện tại là vĩnh cửu nếu mình
biết nhiếp phục (xóa tan ý niệm về thời gian).
Nếu không biết chấp
nhận hiện tại như nó đang là, để vận dụng hiệu quả
khả năng và trí tuệ của mình đi đến an lạc, hạnh phúc
và giải thoát, thì, như Thế Tôn đã dạy, dung sắc cuả mình
sẽ khô héo nhanh chóng như lau xanh lìa cành. Hạnh phúc và
đời mình cũng khô héo như thế.
Nếu đi vào tâm lý giáo
dục hiện đại, nhất là ngành tâm lý trị liệu
(Psychotherapy), chúng ta sẽ bắt gặp liền kết quả này,
phần lớn các rối loạn, sầu muộn của tuổi trẻ (hay
của con người, nói chung) đều do tư duy của con người gây
ra, nhất là những tư duy về những quá khứ không thiết
thực, về những tương lai hảo huyền. Có những kết quả
thống kê của giáo dục kết luận rằng: Có thể 90% cuộc
sống mình bị đánh mất bởi các tư duy và mộng tưởng
sai lầm ấy.
Thật là dễ hiểu!
Những sự kiện bất như ý xảy đến với mình, gây phiền
muộn cho mình thì ít, mà tư duy của mình về các sự kiện
ấy quấy rầy, phiền hà mình thì nhiều. Vả lại, nghĩ
nhiều về quá khứ và tương lai không thiết thực chỉ đánh
mất thời gian và năng lượng, cái thời gian và năng lượng
đáng lẽ được dùng vào các việc đem lại an vui cho mình
và người.
Như thế, hiện tại và
tại đây như là hòn đảo an toàn mà Thế Tôn đã chỉ cho
con người nương tựa để khỏi bị rơi chìm vào trong đại
dương phiền muộn của vọng tưởng, và để từ đó có
thể đi vào nghĩa sống, hạnh phúc mà nghìn năm con người
đi tìm kiếm.
Sau khi trở về với
hiện tại, con người phải biết làm chủ tư duy và dục
vọng (Tôn giả Ca-chiên-diên cắt nghĩa kinh Nhất Dạ Hiền
Giả): Muốn hay không muốn những gì, tư duy hay không tư duy
những gì để được lợi ích thiết thực.
Trong kinh Cùla-Màlunkyaputta
(5), Màlunkyaputta đặt ra mười câu hỏi siêu hình để hỏi
Thế Tôn (Thế giới thường hay vô thường? Như Lai có tồn
tại sau khi chết? v.v...) Thế Tôn đã im lặng không trả
lời. Ngài nói cho Màlunkyaputta nghe câu chuyện một người
bị mũi tên độc. Vấn đề cấp thiết là giải phẩu
giải độc ngay, chứ không phải là vấn đề tìm cho ra
ngọn ngành mũi tên và người bắn mũi tên trước khi chịu
giải phẩu. Cũng thế, vấn đề cấp thiết của con người
là nhổ mũi tên "khổ đau" chứ không phải đi tìm những
câu trả lời cho các vấn đề siêu hình không thiết thực.
Một lần ở Kosambi (Tương
Ưng Bộ Kinh V), Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo: "Những gì Như
Lai biết ví như rừng lá Simsàpa, còn những gì mà Như Lai
giảng dạy thì ít như nắm lá trong tay, nhưng đây là
những phương thức trừ khổ". Ðấy là tính chất thực
tiễn, thực tế, rất thiết thực hiện tại của những
lời giảng dạy của Thế Tôn.
Ở các kinh khác, ý nghĩa
thiết thực hiện tại còn được Thế Tôn cắt nghĩa: Quán
sát tự thân, tự tâm để thấy rõ tham, sân, si để đoạn
trừ là thiết thực hiện tại.
Giảng dạy về hạnh
phúc đời sống gia đình, như đã trình bày ở phần trước,
là tính chất rất thực tế của tinh thần giáo dục của
Thế Tôn, Thế Tôn đã không hề chỉ cho hàng đệ tử đi vào
cầu nguyện hay tế lễ trên đường tìm kiếm hạnh phúc.
Ngài dạy: Tế đàn có ý nghĩa là tế đàn bố thí, giúp đỡ
tha nhân và tế đàn có ý nghĩa nhất là sự tu tập giải
thoát của chính tự thân. (6)
Tinh thần thực tiễn,
thực tế là một tinh thần giáo dục nổi bật của tâm lý
giáo dục hiện đại. Qua tinh thần thực tiễn ấy, Phật giáo
nổi bật lên sắc thái rất là "giáo dục".
Tinh Thần Phê Phán
Một tinh thần nổi
bật khác rất "đại học", rất "khoa học", đã làm kinh
ngạc các nhà nghiên cứu tôn giáo, là tinh thần phê phán căn
cứ vào thể nghiệm của chính tự thân giữa cuộc sống trôi
chảy này. Khi khuyên bảo những người Kàlama đang hoang mang
nghi ngờ trước lời tuyên bố của ngoại đạo chỉ cho giáo
lý của mình là đúng, là số một, Thế Tôn dạy: "Này các
Kàlama, đừng để bị dẫn dắt bởi những báo cáo, hay
bởi truyền thống hay bởi tin đồn. Ðừng để bị dẫn
dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông,
hay bởi suy lý, hay bởi sự xét đoán bề ngoài, hay bởi vì
thích thú trong những lý luận, hay bởi những điều 'tuồng
như' có thể xảy ra, hay bởi ý nghĩ 'Ðây là bậc Ðạo sư
của chúng ta'. Nhưng này các Kàlama, khi nào các Ông tự mình
biết chắc chắn rằng những việc ấy là thiện là tốt, hãy
chấp nhận và theo chúng". (7)
Thế Tôn dạy các đệ
tử xem xét ngay cả Thế Tôn đã thấy rõ chân giá trị
của Ngài.
Tinh thần phê phán đó
luôn luôn gắn liền với thực tế, thực tại, rất khách
quan, rất hiểu biết không để cho nhận thức của con người
chịu nô lệ dưới bất cứ một sức mạnh, quyền năng nào.
Hiện nay, tinh thần phê phán làm chuẩn cho các tinh thần đại
học.
Tinh Thần Hướng Dẫn
Như đã trưng dẫn,
Thế Tôn xác nhận Thế Tôn chỉ là người chỉ đường, còn
mình phải làm lấy công việc của chính mình. Kinh Venaka
Moggallàna (Trung Bộ III) Kinh Ðại Niết-bàn (Trường bộ II;
Hán tạng: Bát Niết bàn) chép: Vào thời điểm sắp từ giã
cuộc đời, Thế Tôn từ chối vai trò lãnh đạo Tăng chúng
khi Tôn giả A-nan xin Thế Tôn cho lời di giáo của bậc lãnh
đạo, và Tôn giả băn khoăn rằng sau khi Thế Tôn nhập
diệt, Tăng chúng sẽ không có ai lãnh đạo. Thế Tôn dạy:
"Nương tựa Pháp, Pháp lãnh đạo". Pháp ở đây phải được
hiểu là con đường đưa đến an lạc, hạnh phúc, giải thoát.
Trọn bốn mươi lăm năm giáo hóa, Thế Tôn luôn luôn là người
chỉ đường mà không bao giờ ra lệnh hoặc bắt ép ai tuân
phục Ngài.
Tinh thần hướng dẫn
của Tâm lý giáo dục hiện đại, ngành giáo dục chỉ đạo,
là tinh thần căn bản của giáo dục mới, nhân bản. Theo đó,
một nhà giáo tốt phải là một hướng dẫn viên tâm lý.
Như thế, chính Thế Tôn
đã mở đường cho một nền giáo dục tiên tiến từ hơn
hai mươi năm thế kỷ trước, qua tinh thần giáo dục hướng
dẫn rất người, rất nhân bản trong thái độ hiểu biết.
Bắc tạng nhìn Thế Tôn
như một vị vua thầy thuốc, xem bệnh chúng sanh và cho
thuốc. Ðấy cũng chỉ là tinh thần chỉ đường. Ở Nikàya
và A-hàm, Thế Tôn đề cao phương pháp giáo hóa thần thông,
qua thân giáo và khẩu giáo, bằng quan sát và phân tích
thực tế. Mục đích việc giảng dạy của Ngài là giúp người
nghe tự mình nhận ra con đường và tự mình thực hiện con
đường.
Tinh Thần Khích Lệ
Tinh thần giáo dục "hướng
dẫn" vốn đã là một tinh thần giáo dục đặc sắc lại
được Thế Tôn vận dụng khéo léo song song với sự khích
lệ tâm lý, sự khích lệ mà con người cần như là dưỡng
khí.
Nikàya và A-hàm thường
ghi lại: "Thế Tôn đã thuyết pháp và đã khích lệ, làm
cho mọi người đều được lợi ích. Cho đến các bậc Thánh
hữu học vẫn còn cần được Thế Tôn khích lệ".
Các phẩm "Dược
Thảo Dụ", "Thọ Ký", "Phổ Hiền" của Pháp Hoa cũng làm
sống lại tinh thần khích lệ ấy của Thế Tôn.
Ðến giờ phút cuối cùng
của cuộc sống này, Thế Tôn còn không quên khích lệ chư
Tăng: "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn lên,
chớ có phóng dật", và khích lệ vị thị giả thân quý
của Ngài: "Này A-nan, chớ có sầu muộn, không bao lâu nữa
Ông sẽ chứng đắc những gì chưa chứng đắc". (Kinh Ðại
Bát Niết Bàn, Trường Bộ I, 1991).
Từ chuyên môn của ngành
Tâm lý giáo dục hiện đại gọi sự khích lệ ấy là "Encouragement"
và nhắc nhở các nhà giáo, các nhà tâm lý trị liệu, đừng
bao giờ quên rằng: Học trò của mình và thân chủ của mình
đang cần sự khích lệ.
Thật là lạ lùng, cách
đây hơn hai mươi lăm thế kỷ Thế Tôn đã vận dụng
thiện xảo sự khích lệ tâm lý trên đường giáo hóa của
Ngài.
Tinh Thần Tự Tín, Tự
Chủ
Khích lệ là chuẩn
bị để xây dựng tinh thần tự tín và tự chủ của hàng
đệ tử.
Bên cạnh sự trình bày
giáo lý thật minh bạch về khổ, khổ tập, khổ tập
diệt, và khổ tập diệt đạo, Thế Tôn xác nhận rằng
bằng nỗ lực riêng của mình, con người có thể thực
hiện được giải thoát ngay trong đời này. Chỉ cho con người
trở về nương tựa chính mình là dạy con người trở về
với tự tín.
Lòng tự tín không
thể thiếu được đối với người tu tập giải thoát. Nó
cũng không thể thiếu đối với ngưòi đời. Không tin người
khác thì mình có thể sống được, nhưng không tin ở mình
thì thật là khó sống, hoặc giả nếu có thể sống thì cũng
đã đánh mất nghĩa sống.
Trong lộ trình tu tập
chuyển đổi tâm lý, Thế Tôn dạy tín là khởi đầu cho
hỷ, lạc, khinh an... Thánh Tu-đà-hoàn được định nghĩa như
là có lòng tin bất thối ở con đường tu tập giải thoát
của mình.
Sự kiện Thế Tôn đã
ra đời và tu tập cho đến lúc thành đạo là sự kiện
thiết lập tự tín của con người đang ở giữa vùng sinh
tử mờ mịt, bao la.
Ngoài những lời dạy
khích lệ trực tiếp các đệ tử, Thế Tôn còn vận dụng
các hình thức gián tiếp như các trường hợp Ngài tuyên
bố chứng đắc trí của một số đệ tử nhỏ tuổi
(Sa-di). Ðiển hình là trường hợp đệ tử của Tôn giả Xá-lợi-phất
và đệ tử của Tôn giả A-nậu-lâu-đà (Trưởng lão Tăng
kệ), qua một số đệ tử nhập đạo khi tuổi đã già,
một số các ngoại đạo đầu Phật, một số trường hợp
các Ni như Tôn ni Patàcàra, người đã chịu khổ đau ê
chề trong cuộc sống đến độ tuyệt vọng (Trưởng Lão Ni
Kệ) v.v...
Việc chọn Tôn giả Xá-lợi-phất
làm "Tướng Quân Chánh Pháp", Tôn giả Mục Kiền Liên làm
vị "Ðệ tử thứ hai" của Thế Tôn (hai Tôn giả này tu
sau một ngàn đệ tử khác và tuổi đời nhỏ hơn nhiều
vị khác) và Tôn giả Upàli (người thợ hớt tóc) chủ trì
về Luật, cũng nói lên một ý nghĩa khích lệ nào đó
nữa, ngoài thực chất giá trị của các Tôn giả này. Ðây
là niềm tin và sự khích lệ mà Thế Tôn dành cho Tăng chúng
rằng: Giác ngộ không hẳn liên hệ đến thời gian tu hành,
tuổi đời hay giai cấp xã hội. Ai cũng có thể đắc Tuệ
giác tối thượng, tùy theo nỗ lực tu tập của mình.
Trường hợp Thế Tôn
độ Tôn giả Nan-đà (Nanda) là một trường hợp điển hình
khác nói lên tác dụng tâm lý khích lệ của Thế Tôn.
Tôn giả Nan-đà vốn mê
nhan sắc của người vợ mới cưới (chưa hợp cẩn) nên không
tu hành được. Thế Tôn phương tiện vận dụng thần thông
đưa Nan-đà xuống hỏa ngục. Tại đó quỷ ngục chỉ Nan-đà
thấy chảo dầu sôi và bảo rằng: "Chảo dầu này đang
chờ Tôn giả Nan-đà, người đang lười biếng tu tập". Ðoạn,
Thế Tôn đưa Nan-đà lên viếng "Tam thập tam thiên". Tại
đây, các Tiên nữ diễm lệ hứa chờ Tôn giả Nan-đà cùng
chung sống, nếu Tôn giả siêng năng tu hành. Trở về trái
đất Tôn giả Nan-đà không còn nhớ vợ nữa, chỉ nghĩ đến
các tiên nữ và nỗ lực tu tập, sau đó, đắc luôn Thánh
quả.
Tùy theo tâm lý mà
Thế Tôn đã khích lệ, Trưởng lão Tăng Kệ ghi một trường
hợp nổi bật màu sắc khích lệ khác, trường hợp bà mẹ
của Tôn giả Xá-lợi-phất.
Sinh thời, khi Tôn giả
đã là trưởng tử của Như Lai, bà vẫn thường rầy la Tôn
giả là dại, bỏ giàu sang mà đi xin ăn vất vả. Dù biết
mẹ theo ngoại đạo, thờ Phạm thiên nhưng Tôn giả không
độ được mẹ bằng thân giáo và khẩu giáo, và không tìm
thấy có phương cách nào hơn là chịu đựng sự la rầy
của mẹ, mỗi lúc Tôn giả gặp bà. Cho đến ngày sắp
nhập Niết Bàn, Tôn giả trở về nhà thăm mẹ và thị
hiện đi chảy. Các vua Trời Dục giới lần lượt đến xin
làm thị giả hầu Tôn giả trong giờ phút cuối cùng. Cả
đến vua Trời Phạm Thiên cũng đến xin hầu hạ, Tôn giả
từ chối tất cả. Sau khi các vua Trời ra đi, bà mẹ mới
hỏi Tôn giả về các vua Trời ấy. Tôn giả nói: "Ông vua
Trời đến sau cùng là vua Trời Phạm Thiên, vị mà mẹ tôn
thờ". Bà mẹ mừng rỡ trong kinh ngạc, nhận ra rằng con mình
chắc được đạo lớn. Lòng bà chi xiết hân hoan... Biết là
thời điểm độ mẹ đã đến, Tôn giả thu nhiếp thân tâm
thanh tịnh và nói Pháp cho mẹ nghe. Bà liền đắc ngay quả
Tu-đà-hoàn, nhờ được phần khích lệ trước đó, Tôn
giả liền nhập Niết Bàn ngay tại chỗ ấy.
Trong điều kiện tâm lý
hân hoan, hỷ, lạc, giáo lý giải thoát rất dễ được người
nghe thể nhập.
Do vậy, các kinh Bắc
tạng, theo truyền thống ấy thường hết sức ca ngợi, tán
thán, khích lệ người thọ trì, đọc tụng, biên chép và
giải nói kinh điển. Ðây là hình thức xây dựng tự tín
cho hành giả trong bước đầu vào giải thoát.
Kinh Kim Cương và Kinh
Pháp Hoa có thể điển hình cho tinh thần khích lệ tự tín
ấy. Một Kinh Kim Cương ngắn mà có đến mười bốn lần
Thế Tôn tán thán công đức của người thọ trì, đọc
tụng, giải nói...
Qua lãnh vực giáo dục
ở học đường, tự tín là một đức tánh mà giáo dục có
trách nhiệm xây dựng cho con người. Bởi thiếu tự tín thì
sẽ thiếu tự chủ, sinh ỷ lại, không vận dụng hiệu
quả khả năng của tự thân để giải quyết và xây dựng
cá nhân.
Thiếu tự tín thì tâm
lý giáo dục không thể vận dụng các kỹ thuật giáo dục
để giúp cho tuổi trẻ giải quyết các vấn đề của họ,
và cũng không vận dụng được khả năng sáng tạo. Khi mà
các vấn đề tâm lý của cá nhân tuổi trẻ không được
giải quyết hữu hiệu, thì việc dạy và học cũng không
mất nhiều hiệu quả.
Ði vào vấn đề quốc
gia xã hội, một dân tộc hùng cường không thể là kết
quả xây dựng của những thế hệ trẻ thiếu tự tín và
nhiều sầu muộn.
Chỉ nhìn đơn giản như
thế, ta cũng nhận ra được tính cách quan trọng của tinh
thần giáo dục khích lệ và tự tín. Các tinh thần đó đã
được Thế Tôn giáo dục các hàng đệ tử của Ngài cách
đây hai mươi lăm thế kỷ.
Tinh Thần Ðộc Lập,
Trừ Nô Lệ
Phật giáo dạy con người
đi vào giải thoát, có nghĩa là đi ra khỏi mọi trói buộc,
mọi ách nô lệ. Nô lệ lớn nhất của hiện tượng giới
là nô lệ chính dục vọng cuả mình. Gốc của dục vọng
chính là vô minh. Ðó là con đường Bát chánh dẫn đến vô
tham, vô sân, vô si, thoát ly khỏi mọi khổ ách. Thực hiện
con đường này là thực hiện từng bước tự tri, tự
chủ, hay làm chủ. Một nền giáo dục như thế hẳn sẽ đào
tạo nên những mẫu người làm chủ; sống lợi ích cho
bản thân và xã hội, vì hạnh phúc của cá nhân và xã
hội, đập vỡ mọi ách trói buộc bên trong và bên ngoài.
Giáo dục tinh thần độc
lập, tự chủ cho tuổi trẻ là một mục tiêu xã hội mà
học đường cần thực hiện nghiêm túc. Tinh thần giáo
dục đó của Phật giáo, do đó, phù hợp với các nền giáo
dục và văn hóa của các quốc gia.
Khai triển tinh thần giáo
dục vô tham, vô sân si, và vô si rộng thêm nữa, chúng ta
lại bắt gặp một tinh thần tích cực khác của Phật giáo
đóng góp ý nghĩa vào công cuộc xây dựng xã hội tốt đẹp.
Tiếp thu tinh thần vô
tham, thì tuổi trẻ sẽ tự mình dập dắt hiện tượng tham
nhũng của xã hội, hay ít nhất không tạo điều kiện
thuận lợi cho tham nhũng phát sinh. Nhân danh đời sống tâm
linh, tham nhũng dễ bị loại trừ hơn là những nhân danh giáo
dục khác.
Vô sân thì sẽ dập
tắt được một số hiện tượng nổi loạn, tranh chấp, gây
lộn trong xã hội.
Vô si sẽ giúp mở
rộng đường vào trí tuệ và sáng tạo những nhân tố
của văn hoa tốt, và của văn minh nhân loại.
Thật là đáng tiếc
nếu một đường hướng giáo dục cuả Phật giáo tốt đẹp
và tích cực như thế không được vận dụng hữu hiệu vào
học đường mới hiện nay.
Trên đây không phải
chỉ là một số tinh thần giáo dục Phật giáo được rút
tỉa một cách rời rạc, mà là nằm trong một cái nhìn
nhất quán, có tính toàn diện và toàn vẹn.
Giáo Dục Con Người Toàn
Diện
Một nền giáo dục
chỉ dạy những kiến thức chuyên môn để một chiều đáp
ứng các mục tiêu xã hội thì không phải là giáo dục toàn
diện.
Một nền giáo dục
chỉ cung cấp kiến thức, rèn luyện sức khoẻ và một số
vấn đề luân lý, đạo đức, đầy ước lệ cũng không
phải là toàn diện.
Một nền giáo dục
trao truyền kiến thức, thể dục, đức dục, mỹ dục, sinh
lý và lao động cũng chưa nói lên được ý nghĩa toàn
diện. Vấn đề đường hướng giáo dục này trở nên toàn
diện hay không là do đó có cái nhìn nhất quán và toàn
diện về con người hay không.
Ðặt vấn đề như
thế là đặt vấn đề về mẫu người giáo dục. Con người
là gì cần được xác định trước khi quyết định nội
dung phải dạy con người những gì và dạy như thế nào.
Các đường hướng giáo
dục tiên tiến vẫn thường bất ổn trong việc xây dựng
mẫu người này.
Phật giáo đặc biệt
nổi bật ở trí tuệ, nhìn thấy con người và sự vật như
thật, nên hy vọng sẽ đề bạt được một mẫu người
khả dĩ lý tưởng.
Thế giới này do Duyên
sinh. Con người cũng do Duyên sinh. Thế giới và con người có
cùng chung tánh Duyên sinh ấy nên cùng có mặt trong một tương
quan bất nhị. Cá nhân, gia đình và xã hội đều ở trong
sự tương quan bất nhị đó.
Thế Tôn định nghĩa cái
gọi là con người chỉ là tập hợp của Năm uẩn (sắc,
thọ, tưởng, hành và thức). Năm uẩn ấy cũng chính là
thế giới, theo lời dạy của Thế Tôn (Tương Ưng Bộ Kinh
IV, phẩm Migajàla và nhiều Kinh khác). Giáo dục con người là
giáo dục toàn diện Năm uẩn ấy.
Về sắc uẩn, chỉ rõ
về con người và thế giới vật lý, sự sinh thành, tồn
tại và hoại diệt của nó. Tương tự đối với bốn uẩn
còn lại. Năm uẩn ấy trống không, không có tự ngã, chúng
là hiện hữu của tương duyên nên vô thường và khổ đau.
Tuy nhiên, theo trí tuệ Phật giáo, Năm uẩn không phải là
gốc khổ đau. Trọng điểm của giáo dục là chỉ rõ lòng
tham ái, chấp thủ, là gốc của khổ đau mà không phải là
thế giới vật lý thường xuyên trôi chảy, và đồng thời
chỉ rõ gốc của an lạc, hạnh phúc thực sự là trí tuệ
hay trí tuệ giải thoát. Từ đây, nhà giáo dục Phật giáo
cần xác định một số nội dung của giáo dục: Trí
tuệ (wisdom) chứ không phải là kiến thức (knowledge).
Kiến thức chỉ là sản phẩm của tư duy ngã tính, một
phần tố của con người, mà không phải là con người toàn
diện. Nó không nói lên thực tại vô ngã và hạnh phúc chân
thật vô ngã. Chỉ có khi trí tuệ (chánh kiến và chánh tư
duy) có mặt thì con người toàn diện mới có mặt. Giáo
dục toàn diện là giáo dục vừa cung cấp kiến thức vừa
tạo điều kiện cho trí tuệ ấy sinh khởi.
Tiêu
chuẩn giá trị là hạnh phúc chứ không phải là luân lý.
Nếu chúng ta không
thể phủ nhận mục tiêu của cuộc sống là hạnh phúc, thì
tiêu chuẩn giá trị của cuộc sống phải là hạnh phúc,
chứ không phải là các nguyên tắc đạo đức hay kỷ luật
đầy ước lệ của học đường cũ. Trong học đường
mới, con người toàn diện chỉ chấp nhận và giữ lại
những điểm đạo lý, kỷ luật nào phù hợp với hướng
đi về hạnh phúc ấy.
Ví dụ nói dối là
xấu, theo nguyên tắc luân lý. Nhưng nói dối để cứu khổ
thì khác. Học đường trong trường hợp này, phải chọn
lựa lợi ích và hạnh phúc của xứ sở và con người hơn
là nói thật gây tai hại.
Vấn đề
giáo dục mỹ thuật, tình cảm và sinh lý.
Các môn học về
nhạc, họa, mỹ thuật v.v... tình cảm và sinh lý cần được
đưa vào học đường để dạy cho học sinh theo từng lứa
tuổi thích hợp. Các môn ấy phải được đánh giá cần
thiết như là các môn khoa học xã hội khác.
Một hệ thống giáo
dục mà không nhận ra tầm quan trọng của giáo dục thẩm
mỹ, tình cảm và sinh lý thì còn lệch lạc, không toàn
diện. Vấn đề chủ yếu của giáo dục là giúp tuổi trẻ
biết nhìn và biết sống như thế nào để đem lại hạnh
phúc cho mình và cho xã hội.
Vấn đề
con người với văn hóa truyền thống.
Văn hóa, truyền thống
là sản phẩm của con người. Vì vậy, cần đặt con người
và hạnh phúc của con người trước văn hóa và truyền
thống. Ðặt con người sau văn hóa, truyền thống là đặt
cái cày trước con trâu. Thế Tôn đã dạy: "Ðừng để
bị dẫn dắt bởi truyền thống...". Giáo dục mới và toàn
diện chỉ duy trì những truyền thống tốt đẹp, những gì
văn hóa cũ thích hợp với đường hướng giáo dục này. Chính
vai trò của nền giáo dục toàn diện là xây dựng một
nền văn hoa mới toàn diện.
(xem
tiếp đoạn kế)
-oOo-
Bài
trước | Mục lục | Ðoạn
kế |