Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Pháp hành đưa đến bình an

Thiền Sư U Pandita
Tỳ khưu Pháp Luân dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[07]

Phiền Não và Hạnh Phúc

Khi trạng thái tâm (tâm sở) thiện bị đem ra khỏi tâm, phiền não tuôn vào quấy phá. Phiền não trong tâm là nguyên nhân hình thành ý tưởng bất thiện, loại phiền não tư tưởng, như ý muốn chiếm đoạt, hay ý muốn hãm hại, và cuối cùng trở thành loại phiền não tác động, biểu hiện ra bên ngoài thành hành động và lời nói bất thiện. Trong lúc hành thiền, các chướng ngại tâm như ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ v.v...cũng xâm nhập vào tâm xua đuổi các tâm thiện lành ra khỏi tâm. Giống như khi cướp xâm nhập vào nhà, nắm quyền làm chủ căn nhà. Khi ái dục chiếm tâm, kāmacchanda nīvaraṇa, xua đuổi tâm sở thiện ra khỏi tâm. Tâm bị quấy phá không chỉ một loại phiền não, mà trong giây phút đó, còn bị ảnh hưởng bởi những loại phiền não khác như phiền não ngủ ngầm, anusaya kilesa, phiền não tư tưởng, hay phiền não tác động.

Tất cả đau khổ đều gây ra bởi phiền não. Con người bị đau khổ bởi tham sân si, hay ngã mạn, bủn xỉn v.v… Nó làm cho cá nhân đau khổ và người xung quanh cũng đau khổ theo. Do đó ngay khi phiền não chiếm ngự tâm, chúng hành hạ, thiêu đốt tâm, làm cho người này đau khổ. Đây là hiệu quả của phiền não Đối với lửa thường còn cho thấy lửa và khói, nhưng lửa phiền não tham sân si không phát ra ngoài, nên khó thấy và khó dập tắt hơn lửa thương. Phiền não ngủ ngầm, anusaya kilesa, là loại phiền não tiềm ẩn trong tâm luôn luôn chờ đủ cơ hội để phát tác. Loại phiền não này chỉ có thể xóa sạch bằng minh sát đạo và thánh đạo. Khi có điều kiện, phiền não ngủ ngầm sẽ chỗi dậy và biến thành phiền não tác động, biểu hiện thành hành động và lời nói. Phiền não ngủ ngầm rất khó thấy, khó như khi thấy một người đang ngủ, chúng ta không biết người này sẽ chỗi dậy lúc nào. Hoặc so sánh với khả năng gây hỏa hoạn tiềm ẩn trong diêm quẹt.

Khi không chánh niệm hay chánh niệm yếu, phiền não tư tưởng sẽ sinh khởi lúc tiếp xúc với vật hấp dẫn, đáng ưa thích làm phát sinh dính mắc, đưa đến dục vọng. Tâm bây giờ chỉ có sự ham muốn, không còn chứa điều gì thiện lành. Ngược lại, khi tiếp xúc vật không ưa thích, sẽ phát sinh sân hận. Khi đến mức độ thái quá, từ dạng phiền não tư tưởng sẽ trở thành phiền não tác động, biến thành hành động và lời nói bất thiện. Khởi đầu bằng phiền não ngủ ngầm, biến thành phiền não tư tưởng, tiếp theo là chuyển thành phiền não tác động, rồi cuối cùng thành hành động và lời nói. Cũng giống như hỏa hoạn bắt đầu từ tiềm năng tạo ra lửa từ diêm quẹt, khi được quẹt, sẽ bùng cháy gây nên hỏa hoạn. Do đó nếu không muốn tâm bị ô nhiễm, điều cần thiết và phải tận diệt phiền não ngủ ngầm, nhằm vô hiệu hóa tiềm năng gây nên ô nhiễm. Muốn vậy phải luôn luôn giữ chánh niệm. Dù tư tưởng bất thiện có kịp phát sinh, khả năng chánh niệm sẽ tận diệt ngay lập tức tư tưởng bất thiện này.

Nếu không có chánh niệm sẽ không thể chế ngự được phiền não, không phát triển được sự định tâm, đo đó không phát triển được trí tuệ. Vì không có trí tuệ, nên không hiểu được bản chất thực sự của đối tượng đang quán sát, và do đó dính mắc vào dáng vẻ tổng quát sinh khởi nơi tâm, nimitta-gaha, rồi trở thành hình ảnh chi tiết, anubyñjanaggaha.

Khi người cùng phái ở chung với nhau sẽ không có gì xảy ra. Nhưng khi có người khác phái sống chung, sẽ phát sinh những sự ưa thích nơi hình dáng, dính mắc nơi sắc diện, hình ảnh dàn bà, đàn ông. Nếu không chánh niệm, sẽ làm phiền não phát sinh. Bắt đầu bằng sự phân biệt nam nữ, trở thành ý tưởng ưa thích, trở nên hình ảnh ưa thích, cuối cùng sinh khởi ái dục. Ngược lại nếu không thích, sẽ phát sinh sân hận, ghen ghét. Từ lúc thấy hình dáng tổng quát, tiếp tục nhìn mãi, sẽ thấy đối tượng mang nhiều chi tiết hơn, từ vóc dáng sang mắt mũi, tóc tai, v.v...và trở nên dính mắc vào các hình ảnh chi tiết trong tâm, phát sinh ái dục. Ý nghĩ về các chi tiết càng nhiều làm cho phiền não sinh khởi trong tâm càng 1úc càng nhiều hơn. Nếu không có chánh niệm, tiếp tục suy nghĩ trong một giây, một giờ, tâm sẽ liên tục chứa đầy các ý tưởng ái dục hình thành từ các đối tượng sinh khởi qua lục căn.

Sự thỏa thích hưởng thụ cảm giác mang lại từ sự ưa thích này gọi là dục lạc, một loại hạnh phúc pha trộn, vyāseka sukha. Khi nghe bản nhạc du dương, tâm sinh khởi ưa thích và phát sinh sự ham muốn được nghe thêm nữa. Sự ham muốn diễn ra liên tục trong khi hưởng thụ là loại hạnh phúc ái dục, thuộc loại hạnh phúc tạp nhạp. Tự nơi đối tượng không mang ưa ghét, nhưng vì dính mắc nên phát sinh ý tưởng ham muốn. Hạnh phúc dục lạc hình thành bằng đường lối này. Giống như bản chất tự nhiên của thịt là lạt lẽo, nhưng trở nên thơm ngon khi được ướp gia vị. Hạnh phúc dục lạc hình thành bởi lòng ham muốn được bỏ thêm vào đối tượng. Do vậy, dục lạc, hay hạnh phúc ngũ dục thuộc loại hạnh phúc tạp nhạp, missaka sukha. Cho đù đối tượng có đáng ưa thích, nhưng nếu không phát sinh ham muốn, hạnh phúc ngũ dục sẽ không hình thành. Ham muốn, hay tham ái là phiền não. Vì chứa đựng phiền não nên hạnh phúc ngũ dục còn được gọi là hạnh phúc bất tịnh, aparisuddha sukha.

Hạnh phúc phi dục lạc là loại hạnh phúc đối nghịch với hạnh phúc dục lạc. Bản chất của loại hạnh phúc này là trong sạch thanh tịnh. Đây là loại hạnh phúc mà các bạn đang theo đuổi. Nền tảng của loại hạnh phúc này là giới hạnh, chánh niệm và thu thúc lục căn. Giữ giới hạnh tròn đầy. Duy trì chánh niệm nơi tất cả các đối tượng sinh khởi nơi lục căn. Bảo vệ tâm thường xuyên bằng chánh niệm. Thu thúc lục căn luôn luôn. Kết quả của sự giữ giới, giữ chánh niệm, và thu thúc lục căn làm cho tâm được an định, adhicitta. Hạnh phúc tạo nên do sự định tâm được gọi là hạnh phúc an định.

Khi chánh niệm được giữ liên tục, chế ngự được các phiền não, đẩy xa các chướng ngại, hình thành sát na định, tâm được an tịnh từ thời điểm này sang thời điểm khác. Hỉ, lạc phát sinh mạnh mẽ. Một loại hạnh phúc tuyệt diệu sinh khởi từ các tâm sở thiện lành. Đây là loại hạnh phúc phi dục lạc, loại hạnh phúc trong sạch thanh cao, avyāseka sukha.

Tóm lại , khi phiền não có mặt nơi tâm, tâm bất an giao động. Khi có dính mắc vào sự vật ưa thích, phát sinh tham ái, hình thành loại hạnh phúc pha trộn, tạp nhạp, không thanh cao vì chứa đựng phiền não. Hạnh phúc dục lạc hình thành từ tham ái. Hạnh phúc phi dục lạc là loại hạnh phúc khi tâm vắng bóng phiền não, không mang tham ái. Đây là loại hạnh phúc thanh cao hiền lành chỉ kinh nghiệm được trong thiền tập.

-ooOoo-

[08]

Hai Loại Hạnh Phúc

Chúng ta đã bàn qua hai loại hạnh phúc: hạnh phúc ngũ dục và hạnh phúc phi ngũ dục. Hạnh phúc ngũ dục chứa đựng ái dục. Bản chất của ái dục là tâm tham. Nếu không có tham ái sẽ không hình thành loại hạnh phúc này. Vì chứa ái dục nên hạnh phúc ngũ dục là loại hạnh phúc mang phiền não, không trong sạch. Do đó, hạnh phúc ngũ dục còn mang nhiều tên khác như: hạnh phúc pha trộn, hạnh phúc tạp nhạp, và hạnh phúc bất tịnh. Hạnh phúc phi ngũ dục là loại hạnh phúc không chứa ái dục. Hạnh phúc phi ngũ dục còn mang nhiều tên khác như: hạnh phúc không pha trộn, hạnh phúc thuần khiết, và hạnh phúc thanh cao. Hạnh phúc phi ngũ dục được hình thành trong quá trình thanh lọc tâm. Bắt đầu từ sự giữ giới, đến sự hành thiền thực hành chánh niệm. Nhờ giữ chánh niệm liên tục vào các hiện tượng sinh khởi qua lục căn, giúp bảo vệ tâm không bị phiền não xâm nhập. Thu thúc lục căn được duy trì liên tục. Kết quả từ sự giữ giới, duy trì chánh niệm, và thu thúc lục căn làm cho tâm được an định, tạo nên loại hạnh phúc an tinh, thuộc loại hạnh phúc phi ngũ dục, hạnh phúc thanh cao, hạnh phúc không pha trộn, không tạp nhạp.

Hôm nay chúng ta bàn tiếp loại hạnh phúc phi ngũ dục về hai phương diện pháp học và pháp hành.

Khi chú tâm theo dõi phồng xẹp, bạn vận dụng tinh tấn, cố gắng hướng tâm đến đề mục, giữ chánh niệm duy trì trên đề mục, trở nên gắn chặt với đề mục, và liên tục chà sát đề mục. Kết quả này đạt được nhờ tinh tấn và hai chi thiền Tầm và Tứ. Tầm giúp đưa tâm đến đề mục, và Tứ giúp chà sát đề mục. Đồng thời cũng do kết quả của năng lực dũng mãnh của sự tinh cần làm cho tâm trở nên năng động, linh hoạt và tỉnh giác. Các sức mạnh này đẩy lui các tâm sở như ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, v.v...làm cho tâm trở nên rạng rỡ và sáng ngời. Tâm an trụ trên đề mục không còn phóng chạy nơi khác. Tâm giờ đây trở nên phi thường không giống như tâm thông thường. Tâm không còn bị ảnh hưởng bởi các chướng ngại như: ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, bất an hối tiếc, và hoài nghi. Đây là kết quả của sự rèn luyện tâm, phát triển các tâm thiện lành. Tâm trở nên cao thượng, phi thường. Trạng thái tâm an tịnh tĩnh lặng này là loại hạnh phúc phi ngũ dục.

Hạnh phúc an tịnh tĩnh lặng do tâm vắng bóng phiền não. Hạnh phúc này là kết quả tu tập theo pháp thiền Tứ Niệm Xứ "Nầy chư Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn,uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạo và chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ." Kết quả này do sự thực hành chánh niệm quán sát các hiện tượng vật chất sinh khởi nơi thân, niệm thân hay quán thân trên thân, chánh niệm quán sát các cảm giác, niệm thọ hay quán thọ trong thọ, chánh niệm quán sát các hiện tượng thuộc về tâm, niệm tâm hay quán tâm trong tâm, chánh niệm quán sát các hiện tượng qua lục căn, niệm pháp hay quán pháp trong các pháp.

Tóm lại, hành giả phải chánh niệm tất cả các hiện tượng tâm và vật chất ngay khi mới sinh khởi. Nhờ kết quả của tinh tấn và yếu tố Tầm, tâm được giữ an trụ nơi đề mục từng thời điểm này sang thời điểm khác, hình thành sát na định. Do vậy, tâm được an tịnh trong sạch, không phiền não, không ô nhiễm trong từng thời điểm liên tục tạo nên hạnh phúc an tịnh tĩnh lặng. Hành giả kinh nghiệm được hạnh phúc này trong thiền tập. Đây là kết quả của sự rèn luyện tâm giúp cho tâm phát triển lành mạnh, bhāvāna. Nhờ thiền tập, các tâm thiện được hình thành và phát triển, tâm hành giả trở nên mạnh mẽ, phi thường, adhicitta. Hạnh phúc hình thành từ loại tâm phi thường này gọi là adhicitta sukha, thuộc loại hạnh phúc trong sạch thanh cao, không pha trộn, avyāseka-sukha. Hạnh phúc do tâm thanh tịnh trong sạch và loại hạnh phúc khác hẳn loại hạnh phúc ngũ dục chứa đựng tham ái, mang bản chất không trong sạch. Tương tự như loại thức ăn có nhiều gia vị, nhờ gia vị nên làm cho người ăn cảm thấy khoái khẩu. Bản chất của ngũ dục không có gì thích thú, nhưng khi có sự tham ái làm cho người thọ hưởng cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc phi ngũ dục không pha trộn phiền não, loại hạnh phúc trong sạch thanh cao.

Hạnh phúc phi ngũ dục hình thành do sự thu thúc lục căn, cùng sự thực hành Tứ Niệm Xứ, chánh niệm không để phiền não xâm nhập vào tâm. Dù không hành thiền, nhưng nếu có sự thu thúc kiểm soát lục căn cũng tránh được ảnh hưởng của phiền não.

Vào thời Đức Phật, có một vị vua rất thắc mắc về giới luật của các vị sư trẻ tuổi. Nhà vua bèn hỏi vị sư trẻ tuổi. "Thưa Đại Đức, ngài còn trẻ tuổi chịu ảnh hưởng bởi dục lạc. Làm thế nào Đại Đức kiểm soát được lòng mình không bị ảnh hưởng bởi ái dục?"

Vị sư trẻ tuổi trả lời: "Khi gặp phụ nữ, tôi xem họ như là em, là chị, hay là mẹ mình".

Không bằng lòng câu trả lời này, nhà vua nói: "Nhưng tâm thay đổi rất nhanh có thể làm cho đại đức không coi người kia là em, là chị, hay là mẹ nữa. Vậy thì Đại Đức phải làm sao?".

Vị sư trẻ tuổi trả lời: "Tôi quán tưởng đến sự bất tịnh của cơ thể dưới hình thức 32 phần ô trược. Quán tưởng sự ô trược của mỗi thành phần cũng giữ tâm không bị xáo trộn vì ái dục".

Vẫn chưa thỏa mãn, nhà vua hỏi tiếp: "Nhưng có thể trong khi quán tưởng ô trược, tâm coi đó là những gì đẹp đẽ không ô trược thì sao?"

Vị sư đáp: "Tôi dùng thiền Tứ Niệm Xứ, thực hành chánh niệm, thu thúc lục căn, giữ tâm không bị phiền não xâm nhập. Và nếu có ý tưởng ái dục sinh khởi, tôi cũng dập tắt được ý nghĩ nảy nhờ sức mạnh của chánh niệm".

Nhà vua thỏa mãn với câu trả lời như vậy, và nói: "Quả thật vậy Đại Đức, đúng với kinh nghiệm bản thân, mỗi khi có việc phải đi ngang qua Tam Cung Lục Viện, nhờ thu thúc lục căn nên trẩm cảm thấy bình thản an nhiên, không bị xáo trộn vì ái dục".

Qua thí dụ trên cho thấy, nếu thực hành chánh niệm, giữ gìn lục căn sẽ bảo vệ được tâm không bị phiền não quấy rối. Nếu không chánh niệm kịp thời vào lúc đối tượng sinh khởi, sẽ phát sinh sự ưa thích vào dáng vẻ tổng quát, đưa đến các ý tưởng chi tiết hóa đối tượng, làm cho tâm mang hình ảnh càng nhiều chi tiết giúp cho ái dục kích động tâm, tâm trở nên giao động bất an.

Khi giữ chánh niệm vào tất cả những gì sinh khởi qua lục căn, tâm được chánh niệm bảo vệ không bị phiền não quấy phá bởi ái dục, sân hận, v.v...nên tâm trở nên an tịnh trong sạch, tạo nên loại hạnh phúc bình an tĩnh lặng, santi, một loại hạnh phúc thanh khiết, trong sạch, không pha trộn.

Những ai thích hạnh phúc ngũ dục sẽ cho rằng hạnh phúc ngũ dục là loại hạnh phúc cao nhất, đáng hưởng thụ nhất. Họ không muốn từ bỏ, sợ hãi phải từ bỏ hay bị mất mát. Cho đến khi tới đây, thực hành thiền Minh Sát, thực hành đúng phương pháp, đạt kết quả, tự bản thân chứng nghiệm được hạnh phúc thanh tịnh thuần khích từ trạng thái tâm trong sạch, an tịnh, không giao động, bạn mới hiểu được hạnh phúc phi ngũ dục vượt trội biết bao lần hạnh phúc ngũ dục. Bạn hiểu được lợi lạc của sự luyện tâm nên cảm kích pháp hành. Bạn phát triển đức tin, thực hành nghiêm túc và cẩn trọng để rồi cuối cùng bạn sẽ chứng nghiệm loại hạnh phúc vô biên không gì sánh bằng. Đó là hạnh phúc Niết Bàn, loại hạnh phúc giải thoát cao tột, vô biên.

-ooOoo-

[09]

Tốt Đẹp Ở Chặng Đầu

Khi hành thiền đúng phương pháp, hành giả đạt được sự định tâm, phát triển được các Loại tâm cao thượng, và chứng nghiệm được loại hạnh phúc thanh cao, tĩnh lặng, hạnh phúc Giáo Pháp.

Nếu theo đuổi hạnh phúc ngũ dục như khuynh hướng chung của đa số, sẽ không thể nào chứng nghiệm được loại hạnh phúc thanh cao tĩnh lặng này.

Trước khi thực hành Giáo Pháp, bạn nghe giảng Pháp. Nếu nghe một cách cẩn thận với một động lực đúng đắn, bạn sẽ hưởng được lợi lạc do Giáo Pháp mang lại. Chưa nói đến lợi ích do sự hành trì Giáo Pháp sẽ đưa đến sự chứng nghiệm hạnh phúc bình an, santi sukha, mang lại từ sự thực hành Giáo Pháp viên mãn, một loại hạnh phúc cao thượng, vượt trội hơn tất cả các loại hạnh phúc khác.

Hôm nay, chúng ta sẽ bàn đến làm thế nào bằng việc nghe Pháp sẽ dẫn đến sự trấn áp được phiền não giúp sự thực hành Giáo Pháp được tiến bộ, để cuối cùng hưởng lợi lạc của Giáo Pháp.

Bạn bỏ hạnh phúc thế tục phía sau để đến đây tu tập trong khóa thiền này. Nếu thực hành tinh cần, bạn sẽ chứng nghiệm được hạnh phúc Giáo Pháp. Nếu thực hành không cẩn trọng, dễ duôi, sai phương pháp, thực hành không theo đúng sự chỉ dẫn, tưởng tượng, mơ mộng, sẽ không cho bạn thấy được Giáo Pháp, vốn là một pháp cao thượng, một pháp hành thực tế. Thực hành như vậy chỉ phí thì giờ. Không những bạn không hưởng được hạnh phúc Giáo Pháp mà còn mất luôn hạnh phúc thế tục. Thà rằng bạn đừng đến đây mà bạn còn hưởng được hạnh phúc thế tục, hơn là phí thì giờ và không hưởng được loại hạnh phúc nào hết.

Theo chú giải trong Thanh Tịnh Đạo, một trong sáu phẩm tính của Giáo Pháp, phẩm tính "Khéo Thuyết Giảng", svākkhato, là một phẩm tính viên mãn, được diễn tả trong "svākkhato bhagavata dhammo". Giáo Pháp dùng để tu tập thân khẩu ý trong sạch. Kết quả này bắt nguồn từ nghe, thực hành, và chứng đạt.

Khi nghe Giáo Pháp, người nghe cảm thấy tâm an lạc, tâm thoát khỏi năm chướng ngại như ái dục, sân hận, v.v... đó là đặc tính tốt đẹp ở chặng đầu của Giáo Pháp, ādi-kalyāna. Khi thực hành Giáo Pháp, là thực hành Tam Học, Giới-Định-Huệ. Hành giả luôn chánh niệm vào các đối tượng, không bỏ sót, nhờ đó phát triển được sát na định, thành đạt sự định tâm, hành giả kinh nghiệm sự tĩnh lặng, là loại hạnh phúc thiền định. Đặc biệt khi đến tuệ Sinh Diệt, udayabbaya-ñāṇa, hành giả thấy được sự sinh diệt mau lẹ của các

hiện tượng tâm và vật chất, kinh nghiệm được hạnh phúc minh sát. Hành giả thấy ánh sáng, kinh nghiệm phỉ lạc, an tịnh, đây là hạnh phúc minh sát. Khi đến tuệ xả hành, hành giả kinh nghiệm sự tịch tịnh, tâm vững trụ và bình an, đó là đặc tính tốt đẹp ở chặng giữa của Giáo Pháp, majjhe-kalyāna. Do đó nếu ai theo được chánh đạo, thực hành theo Giáo Pháp, cuối cùng sẽ thành đạt sự quân bình nơi tâm, là phẩm chất tâm của vị A La Hán, dù chưa phải là A La Hán nhưng thực hành tốt đến giai đoạn này, hành giả sẽ kinh nghiệm được phẩm chất cao thượng này.

Hành giả có khả năng chịu đựng được mọi tốt xấu trên đời, an nhiên tự tại, nhờ sự mềm dẻo của tâm. Phẩm chất này gọi là tatibhava. Đây là đặc tính tốt đẹp ở chặng cuối của Giáo Pháp, pirosāna-kalyana.

Tóm lại phẩm tính Khéo Tuyên Giảng của Giáo Pháp biểu hiện bằng ba đặc tính trong ba giai đoạn. Đặc tính "tốt đẹp ở chặng đầu" là khi nghe Pháp, tâm thoát khỏi năm chướng ngại. Đặc tính "tốt đẹp ở chặng giữa" là khi thực hành Giáo Pháp, tâm quân bình. Đặc tính "tốt đẹp ở chặng cuối" là khi thực hành viên mãn chứng đắc Đạo Quả, thành đạt Niết Bàn, kinh nghiệm được hạnh phúc giải thoát.

Theo tinh thần nội dung "svākkhato bhngavata dhammo", phản ảnh ba đặc tính: phương pháp đúng đắn, thực sự hành trì, và thực chứng lợi ích. Đây là một cách diễn tả phẩm tính của Giáo Pháp.

Khi nghe Pháp, tâm thoát khỏi phiền não. Nghe Pháp là nhân duyên, thoát khỏi phiền não là kết quả. Đặc tính này cũng nằm trong ý nghĩa "khéo thuyết

giảng". Khi nghe Pháp với tâm ngã mạn, phê phán không kính trọng, hoặc lơ đãng, không phải là động lực đúng đắn. Nếu bạn nghe Pháp với ý nghĩ muốn tu tập để thoát khỏi phiền não, nghe với sự chú tâm, bạn mới hưởng được lợi lạc. Nhờ vậy, bạn mới hiểu được ý nghĩa "Giáo Pháp tối thượng", hay Chánh Pháp, saddhamma. Từ sự hiểu biết bằng sự nghe Pháp, bạn phát sinh ý muốn thực hành Giáo Pháp.

Trong bảy lợi ích do thiền Tứ Niệm Xứ mang lại, lợi ích đầu tiên là thanh học tâm làm cho tâm được trong sạch. Bắt đầu bằng sự giữ chánh niệm liên tục trong các hiện tượng tâm và vật chất, cùng sự vận dụng năng lực của Tinh Tấn và Tầm. Hãy tưởng tượng, trong 1 phút sẽ giữ được 60 lần chánh niệm, trong 5 phút có 300 lần chánh niệm, và trong 1 giờ có 3600 lần chánh niệm. Nếu chánh niệm kịp thời khi đối tượng vừa sinh khởi, trong khoảnh khắc này tâm không mang các ý tưởng bất thiện như ái dục hay sân hận.. Đây là kết quả tức thời của Giáo Pháp. Hành giả hiểu được sự vi điệu của Giáo Pháp. Đặc biệt khi hành giả có được sự tự tin và tín tâm nơi pháp hành, hành giả sẽ kết luận rằng đây đúng thực là Chánh Pháp. Khi vận dụng được năng lực dũng mãnh của tinh tấn, hiệu quả của tinh tấn làm ngăn chận được phiền não. Chánh niệm phát triển giúp cho tâm được an định, làm cho trí tuệ phát sinh.

Khi nghe Giáo Pháp một cách chăm chú, sẽ chế ngự được các chướng ngại tâm như ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, trạo hối, và hoài nghi. Tâm được an tịnh nhờ vậy hiểu được ý nghĩa tưng chữ từng câu của bài Pháp, cùng sự suy tư về ý nghĩa, đánh thức được sự tin tưởng cùng đức tin tiềm ẩn trong tâm, nhận thức được đây là chánh pháp. Nhờ nghe và học hỏi Giáo Pháp nên có được sự hiểu biết, nên không còn si mê.

Nếu thực hành Giáo Pháp, sẽ không buông lung theo ái dục, sân hận, nên không cư xử sai trái, tự kiểm soát được mình. Đây là sự tự thắng. Danh dự và phẩm giá được nâng cao xứng đáng là một con người. Vì không buông lung thân khẩu ý, nên không làm hại người khác. Như thế, tự bảo vệ mình sẽ giúp bảo vệ được cho người khác. Từ sự tự kiểm soát, tạo nên sư tự thắng lấy mình, đồng thời cũng giúp bảo vệ được cho người khác hay cho xã hội. Do đó, thực hành Giáo Pháp qua sự tự kiểm soát mình là nhân, tự thắng và bảo vệ được người khác là quả. Đây cũng là ý nghĩa "Khéo Thuyết Giảng" của Giáo Pháp.

Thực hành sự tự kiểm soát mình còn giúp tránh được ba điều nguy hại: (1) không tự chê trách nên không có sự buồn phiền trong tâm, (2) không bị trí nhân hay xã hội chê trách, và (3) không bị luật pháp trùng phạt vì sự biểu hiện bất thiện qua thân khẩu.

Nhờ sự tự chế và giới hạnh trong sạch nên kiếp tương lai không bị sa vào khổ cảnh. Chỉ mới bắt đầu sự giữ giới mà thành tựu được bao điều lợi lạc. Thử nghĩ xem, khi thực hành sự luyện tâm để thành đạt trí tuệ thì lợi lạc sẽ nhiều hơn biết bao!

Nếu nghe Pháp một cách cẩn thận và chăm chú sẽ đạt được sự hiểu biết, áp dụng để tu tập trở thành đệ tử của Đức Phật. Ai là người nghe Giáo Pháp một cách cẩn thận và chăm chú như vậy? Đó là bậc Thinh Văn thánh đệ tử, arya-savaka. Như đã nói qua, nếu nghe Pháp cẩn thận và chăm chú, nghe với động lực chân chánh, trong sự kính trọng mới được xem là đệ tử của Đức Phật. Khi thật sự thực hành Giáo Pháp thành đạt được kết quả mới được xem là đệ tử thật sự của Đức Phật.

Theo Chú Giải trong Thanh Tịnh Dạo, qua sự nghe Pháp một cách cẩn thận, người nghe trở thành đệ tử Đức Phật. Các bạn ở đây đang nghe Pháp từ một vị thầy thay mặt Đức Phật, nói lại những gì Đức Phật đã giảng như được ghi lại từ kinh điển. Những gì giảng giải về pháp học và pháp hành chỉ nhằm mục đích hướng dẫn giúp đỡ các bạn. Đây không phải là những lời dạy riêng của cá nhân, vì tôi, Sư Cả, không có khả năng đi xa hơn những gì Đức Phật đã tuyên dạy. Tôi, Sư Cả, chỉ dạy những gì Đức Phật dạy từ kinh điển. Các bạn hãy tự xem xét để thấy mình có nghe Pháp một cách cẩn thận hay không.

Nếu nghe với sự phê phán không có sự chú tâm đúng đắn, không thể là người thinh văn đệ tử. Nếu nghe cẩn thận chăm chú, mới được xem là thinh văn đệ tử.

Sau khi nghe, có thật sự thực hành mới được xem là hành trì đệ tử. Và khi thực hành viên mãn đạt kết quả mới được xem là đệ tử chân chánh của Đức Phật.

-ooOoo-

[10]

Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa

Mục đích của sự tu tập là làm cho trân khẩu ý trong sạch. Khi nghe Pháp với sự chú tâm cùng động lực chân chánh sẽ hiểu được Giáo Pháp, atthaveda. Khi hiểu rồi, bắt đầu thực hành và sau đó thấy rằng quả đúng là chánh pháp, dhammaveda. Đây là đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Đầu" của phẩm tính "Khéo Thuyết Giảng" của Giáo Pháp.

Đặc tính kế tiếp là "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa". Khi thật sự thực hành và thực hành đúng phương pháp như được chỉ dạy sẽ hưởng được lợi lạc. Nếu chỉ nghe suông mà không thực hành sẽ không hưởng được gì hết. Giống như chỉ nghe biết vị ngon mà không thật sự ăn, sẽ không hưởng được vị ngon này. Hành giả phải thật sự thực hành, và thực hành tích cực mới hưởng được lợi lạc của Giáo Pháp qua sự chúng nghiệm hai loại hạnh phúc an tịnh, samatha-sukha và hạnh phúc tịch tĩnh hay hạnh phúc minh sát, vipassanā-sukha. Có như vậy, hành giả mới hiểu được ý nghĩa của đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa"của Giáo Pháp.

Khi hướng tâm về đề mục và chánh niệm được giữ liên tục, tâm được an định nhờ vào ảnh hưởng của hai chi thiền tầm và tứ giúp tâm hút chặt và áp đặt tâm trên đề mục. Ảnh hưởng của hai chi thiền này xua đuổi ái dục, sân hận, cũng như các phiền não khác không cho xâm nhập tâm. Hỉ lạc phát sinh. Tâm an tịnh. Đây là hạnh phúc an tịnh, samatha-sukha, một loại hạnh phúc do thiền định đem lại.

Đối với hành giả thiền minh sát, trong khi quán sát phồng xẹp, hành giả chánh niệm vào các đối tượng xảy ra bằng tinh tấn, chuyên cần và tỉnh giác làm cho chánh niệm gắn chặt vào đối tượng, không bỏ sót. Chánh niệm xuyên thấu đối tượng, an trụ trong từng khoảnh khắc, hình thành sát na định. Đây là kết quả vận dụng năng lực của ba chi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định trong Định Học. Năng lực của chánh tinh tấn ngăn chận được phiền não, chánh niệm bảo vệ tâm, và chánh định làm cho tâm không còn giao động hình thành sự an tịnh nơi tâm trong từng khoảnh khắc. Tâm được giữ an tịnh tù thời điểm này sang thời điểm khác. Đây cũng còn là loại hạnh phúc an tịnh samatha-sukha, chưa phải là loại hạnh phúc tịch tĩnh của thiền minh sát, vipassanā-sukha. Tiếp tục thực hành, tâm trở nên an tịnh, nhuần nhuyễn, dễ dàng quán thấu đối tượng mà không chao động. Hỉ lạc phát sinh. Năng lực ngày càng mạnh mẽ của ba tâm sở thiện chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, làm cho phiền não ngày một xa dần. Tâm định mạnh mẽ hơn trước. Lúc này, hành giả có thể kinh nghiệm đối tượng ưa ghét, nhưng hành giả không còn phản ứng bằng tham sân. Trước đây khi nghe âm thanh chói tai, hành giả cảm thấy bực bội, khó chịu. Bây giờ, hành giả chỉ đơn thuần ghi nhận mà không còn phát sinh cảm xúc ưa ghét. Đây là kết quả của chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định với năng lực tăng trưởng mạnh hơn đã giúp cho tâm không còn phản ứng lại bằng tâm bất thiện, vì các tâm bất thiện đã tạm thời bị chế ngự không còn ở trong tâm. Hành giả nhận thức được sự thay đổi này nơi tâm. Khi hồi tưởng lại phản ứng của mình trong khi kinh nghiệm với đối tượng ưa ghét trong quá khứ và so sánh với phản ứng trong hiện tại, hành giả thấy rằng mình không còn bị ảnh hưởng của loại phiền não tác động, vốn biểu hiện tham sân qua thân khẩu. Do phiền não vắng bóng, hành giả kinh nghiệm sự an tịnh, tĩnh lặng nơi tâm. Các tâm sở thiện chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định tiếp tục được trau giồi để trở thành tốt đẹp hơn nữa. Đây là ý nghĩa của chữ bhāvanā, phát triển tâm linh. Phiền não tư tưởng đã được chế ngự bởi Định học. Đây là kết quả ích lợi thiền minh sát. Như Đức Phật dạy rằng phải luôn giữ chánh niệm vào mọi đối tượng khi chúng vừa sinh khởi. Vì thực hành đúng theo sự chỉ dẫn như vậy, nên hành giả hưởng được lợi lạc đúng như vậy. Đó là hai hạnh phúc an tịnh và hạnh phúc tĩnh lặng.

Bắt đầu bằng sự nghe Pháp, sau đó thực hành và cuối cùng tự mình kinh nghiệm được lợi lạc của Giáo Pháp. Hành giả hiểu được thế nào là đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa". Hành giả nào thực hành không đúng phương pháp sẽ không thể hưởng được lợi lạc này Chỉ có hành giả thực tập tinh cần và đúng phương pháp mới được bảo đảm thành tựu hai loại hạnh phúc này.

Hành giả kinh nghiệm sự rởn ốc, lành lạnh, ánh sáng, nhẹ nhàng, hay đê mê, hay cảm thấy tràn ngập sung sướng. Tiếp tục thực hành, gia tăng sức mạnh của sát na định, hành giả sẽ phát triển được tuệ minh sát như phân biệt được tâm và vật chất, hay danh sắc, hiểu được tương quan nhân duyên, và tiến xa hơn khi hiểu được ba đặc tướng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của các hiện tượng tâm và vật chất. Khi phát triển được sát na định mạnh mẽ hơn nữa, hành giả sẽ thấy được sự sinh diệt mau lẹ của các pháp. Lúc này, hành giả sẽ kinh nghiệm hỉ lạc với cường độ mạnh hơn, hoặc cảm giác nhấc bổng, lơ lững, hay sự sung sướng tràn ngập làm cho hành giả không muốn mở mắt. Không còn giao động, phóng dật, chỉ có hỉ lạc, thanh tịnh, tĩnh lặng. Hành giả đang kinh nghiệm niềm vui pháp bảo. Tâm tĩnh lặng chú tâm theo dõi liên tục sự sinh diệt của các pháp. Hành giả thực chứng được hương vị Giáo Pháp.

Kinh Pháp Cú câu 374, diễn tả:

Người luôn luôn chánh niệm
Sự sinh diệt các uẩn
Được hoan hỉ hân hoan
Chỉ bậc Bất Tử biết!

Khi hành giả thành đạt tuệ sinh diệt, udhayabbaya-ñāṇa, kinh nghiệm hỉ lạc phi thường, hành giả được xem như có đủ phẩm tính để tiếp tục đi về nơi Bất Tử, hay còn gọi là Niết Bàn. Ở giai đoạn này, hành giả không còn ý muốn bỏ dở việc tu tập, trái lại có sự thôi thúc quyết tâm tiếp tục hành trì để thành đạt cho được mục tiêu ngay trong kiếp sống này. Khi kinh nghiệm được sự sinh diệt, hành giả sẽ chứng nghiệm được pháp hỉ, một loại hạnh phúc khó quên. Đây 1à kết quả viên mãn của Định học, nhờ thực hành đúng phương pháp, nên đạt kết quả đúng là sự thành đạt tuệ minh sát thấy được sự sinh diệt, kinh nghiệm được hạnh phúc Giáo Pháp.

Khi dùng vật gì một thời gian sau trở nên cũ kỷ, người ta vất bỏ và mua vật mới. Hạnh phúc Giáo Pháp khác hẳn, loại hạnh phúc luôn luôn mới mẻ, không bao giờ cũ, tự nó tốt luôn luôn. Đây là loại hạnh phúc siêu phàm vượt trội hơn loại hạnh phúc của người và chư thiên. Đây là một phẩm tính siêu việt của hạnh phúc minh sát. Những ai nghĩ rằng hạnh phúc ngũ dục hay hạnh phúc thế tục là cao nhất, bây giờ kinh nghiệm được hạnh phúc Giáo Pháp mới thấy rằng hạnh phúc thế tục rất nhỏ nhoi, không thể sánh nổi với hạnh phúc Giáo Pháp vượt trội không biết bao nhiêu lần. Nhờ chính bản thân thực hành và chứng nghiệm loại hạnh phúc này, nên hành giả cảm thấy đầy tự tin, tràn ngập tín tâm nơi pháp hành. Hành giả muốn thực hành nhiều hơn nữa bao lâu mà thời giờ còn cho phép. Đây cũng là ý chí phát xuất từ sự chứng nghiệm hạnh phúc an tịnh sang hạnh phúc tĩnh lặng khi hành thiền minh sát.

Trong Kinh Pháp Cú, câu 290, Đức Phật sách tấn:

Nhờ từ bỏ lạc nhỏ
Thấy được lạc lớn hơn
Bậc trí bỏ lạc nhỏ
Thấy được lạc lớn hơn!

Hạnh phúc thế tục thuộc loại hạnh phúc pha trộn, vyāseka-sukha, không thanh khiết. Thực hành thiền minh sát đưa đến sự chứng nghiệm hạnh phúc Giáo Pháp là loại hạnh phúc thanh khiết, avyāseka-sukha, và cuối cùng sẽ thành đạt loại hạnh phúc tột cùng, đó là hạnh phúc tịch tĩnh, santi-sukha, một loại hạnh phúc bảo đảm.

Các bạn thực hành Giáo Pháp cũng nhằm mục đích thành tựu loại hạnh phúc tột cùng này. Vì ý thức như vậy bạn thấy mình đã quyết định đúng khi bỏ hạnh phúc thế tục đằng sau để đến đây tham dự khóa thiền. Sư mong các bạn thực hành một cách cẩn trọng và nghiêm túc.

-ooOoo-

[11]

Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối

Theo Chú Giải, khi thật sự thực hành và thực hành hiệu quả, hành giả sẽ thành đạt hai loại hạnh phúc: hạnh phúc thiền định, samatha-sukha, và hạnh phúc minh sát, vipassanā-sukha, cuối cùng đưa tới hạnh phúc tịch tỉnh, santi-sukha, là loại hạnh phúc trong sạch thanh cao. Phẩm chất "Khéo Tuyên Giảng" của Giáo Pháp biểu hiện với ba đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Đầu" là 1úc nghe và hiểu phương pháp thực hành, "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa" là lúc thật sự thực hành, và "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối" là khi thực hành có kết quả. Hai đặc tính đầu đã được bàn qua, bây giờ chúng ta nói đến đặc tính cuối "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối".

Cũng theo Chú Giải, cần phải thực hành đúng phương pháp theo như Đức Phật chỉ dạy, không phải theo ý riêng của cá nhân, và phải thực hành cho đến mức độ nào đó thì hành giả mới kinh nghiệm được hai loại hạnh phúc đầu tiên: hạnh phúc thiền định và hạnh phúc minh sát. Giống như khi mới tập viết, cần phải viết trong hai đường kẽ, để giữ cho chữ viết không bị lên xuống khó coi. Hay giống như khi cưa, muốn đạt đúng kích thước, phải cưa theo đường chuẩn đã vạch trước trên thanh gỗ. Cùng thế ấy, muốn đạt được hai loại hạnh phúc trên, cần phải thực hành tinh cần, đúng phương pháp như Đức Phật chỉ dạy, patipada, và phải thực hành với phương cách như vậy cho đến khi tẩy sạch tất cả ô nhiễm nơi tâm, trở thành A La Hán, người hoàn toàn giác ngộ, chứng đạt tầng thánh cuối cùng. Hành giả khi hành thiền nên nuôi dưỡng ý định thực chứng được bốn tầng thánh, từ Tu Đà Hườn, sotāpanna, đến Tư Đà Hàm, sakadāgāmi, A Na Hàm, anāgāmi, và cuối cùng A La Hán, arahanta, để thành đạt hạnh phúc tịch tĩnh santi sukha.

Thực hành thiền minh sát qua sự theo dõi liên tục vào đối tượng ngày qua ngày sẽ giúp chánh niệm mạnh dần, tăng trưởng khả năng chế ngự phiền não của tâm. Hành giả thực hành để tiếp tục phát triển những điều thiện lành cần được phát triển theo đúng ý nghĩa của sự đào luyện ý, bhāvanā. Khi thành đạt tuệ minh sát, bắt đầu bằng sự phân biệt tâm và vật chất giúp xóa bỏ tà kiến về bản ngã, tôi, ta. Hiểu được tương quan nhân quả của các hiện tượng giúp xóa bỏ tà kiến về sự hiện hữu của một đấng Tạo Hóa, Thượng Đế, hay cho rằng chẳng có nhân quả. Hành giả không còn tin vào những điều như vậy. Và khi thấy các pháp vô thường, nên không tin vào thường còn, hiểu được khổ, nên không còn cho là vui sướng, và hiểu được vô ngã, nên không còn tin vào bản ngã thường còn. Khi thấy sự sinh diệt của các pháp, hành giả từ bỏ thường kiến và đoạn kiến. Cho đến khi đạt đến tuệ Diệt, bhanga ñāṇa, tuệ giác thấy được sự diệt của các pháp, hành giả kinh nghiệm sự diệt của đối tượng quán sát và tâm ghi nhận đối tượng theo từng cặp đôi một cách mau lẹ. Khi đạt tuệ minh sát cao hơn nữa, tuệ Xả Hành, sankhārupekkhā ñāṇa, tâm trở nên nhu nhuyễn có khả năng chịu đựng những gì tốt xấu, hợp ý hay trái ý. Dù chưa thành đạt A La Hán, nhưng tâm lúc này có sự an nhiên tự tại, như tâm của vị A La Hán. Tiếp tục tu tập, cho đến khi thực chứng Đạo Quả A La Hán, sẽ viên mãn được sức mạnh an nhiên tự tại, quân bình, thường trực nơi tâm. Đây là kết quả của sự tu tập, phản ảnh đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối", pariyosāna kalyāṇa.

Khi tâm không được tu luyện, tâm rất non yếu, thường bị chế ngự bởi sự tốt xấu của đối tượng. Với đối tượng ưa thích, tham phát sinh; với đối tượng không ưa thích, sân hận phát sinh. Tâm luôn luôn bị phiền não chế ngự, trở nên mất thăng bằng, dễ nhạy cảm với các đối tượng ưa ghét. Khi thực hành thiền minh sát, tâm được chánh niệm bảo vệ không bị phiền não chi phối, tâm trở nên quân bình, thăng bằng. Trong đời sống phức tạp hàng ngày, con người va chạm, tiếp xúc với các đối tượng ưa ghét. Tâm hay phản ứng dưới hình thức vui buồn, yêu ghét, tạo nên sự căng thẳng, lo âu, khủng hoảng, có khi đưa đến quyên sinh. Tất cả cũng vì sự chế ngự của phiền não. Muốn thoát khỏi phiền não, phải thực hành thiền Minh Sát. Bằng cách giữ chánh niệm, ghi nhận kịp thời mọi hiện tượng, làm cho phiền não suy yếu, tâm được chánh niệm bảo vệ trở nên khỏe mạnh, an tịnh nên có khả năng chịu đựng mọi hoàn cảnh tốt xấu trong đời. Sự tu tập giúp phát triển trí tuệ xóa bỏ Vô Minh. Tâm được phát triển, trở nên linh hoạt, lành mạnh không còn tham ái, sân hận, nhờ kết quả của sức mạnh Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định trong nhóm Định học. Tâm con người vốn mang sẵn Vô Minh, và tham ái từ các kiếp trước. Mặc dù thể xác con người tăng trưởng, nhưng tâm không bao giờ tăng trưởng. Tuổi có c, nhưng tâm vẫn luôn non yếu, không chống chọi được phiền não. Giống như khi cây còn non không đủ khả năng chịu đựng thời tiết, nắng mưa. Đến khi đã lớn mạnh, cây có khả năng chịu đựng tốt hơn. Tâm khi được phát triển trở nên trưởng thành có khả năng chống lại phiền não, không còn bị đối tượng ưa ghét làm ảnh hưởng tâm. Do đó, nếu không tu luyện, tâm sẽ không bao giờ trưởng thành. Như vậy, bằng sự thực hành thiền minh sát viên mãn, tâm phát triển hoàn toàn, trở nên an nhiên tự tại, tadhibava. Đây là phẩm tính của bậc A La Hán. Các ngài không còn bị lay động, ảnh hưởng trước Tám Pháp Thế Gian. Phẩm chất này biểu hiện của đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối" của Giáo Pháp.

Khi đạt đến tuệ Xả Hành, tâm luôn quân bình không ưa ghét, tâm không bao giờ rời khỏi đề mục quán sát. Do chánh niệm luôn liên tục, dù có hướng về đề mục mang tính chất ái dục hay sân hận, tâm cũng không bị ảnh hưởng, tâm chạy trở về với đề mục đang quán sát Đây là hiệu ứng thu hồi của tâm. Giống như hiệu ứng thu hồi của thanh boomerang. Khi được ném trúng mục tiêu, thanh boomerang tự động quay trở về tay người ném. Ở tuệ Xả Hành, chánh niệm luôn gắn chặt vào đối tượng một cách tuyệt diệu. Kinh điển diễn tả như sau: "Khi tâm vị Tỳ Khưu đã hoàn toàn xóa sạch ô nhiễm, không còn vui buồn đối với những gì nhìn thấy, vị này an trú trong sự quân bình nơi tâm với chánh niệm và tỉnh giác hoàn toàn."

Thực hành thiền minh sát thành công sẽ phát triển được các tuệ giác. Sức mạnh của các tuệ giác tạm thời ngăn chận được phiền não, "tạm thời" vì chưa phải là vĩnh viễn. Hành giả đạt được sự bình an hạnh phúc tạm thời, một loại hạnh phúc minh sát. Chỉ đến khi chứng nghiệm sự diệt tận của danh sắc, hành giả mới thành đạt loại hạnh phúc cuối cùng, accanta santi, loại hạnh phúc bình an cao tột. Đây là phẩm tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối" của Giáo Pháp.

Trước khi đạt đến giai đoạn kinh nghiệm sự diệt tận của danh sắc, hành giả kinh nghiệm được trạng thái lục căn xả thọ, chalanguppekhā. Hành giả thản nhiên nhìn sự diệt tận của các đối tượng qua lục căn. Tâm trở nên an nhàn trước thế gian pháp. Cho đến khi thành tựu Đạo Quả A La Hán, mới thật sự có được lục căn xả thọ một cách vĩnh viễn.

Cho dù chưa đạt đến tầng thánh cuối cùng, thành đạt tầng thánh Tu Đà Hườn cũng đủ bảo đảm không còn đọa vào bốn khổ cảnh. Đây cũng là phẩm chất Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối của Giáo Pháp.

Bắt đầu từ lúc nghe Giáo Pháp một cách chăm chú, phiền não bị chế ngự, tâm được thanh tịnh, bạn hiểu được phẩm tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Đầu". Khi thật sự thực hành, hưởng được hạnh phúc Giáo Pháp tức thời, bạn hiểu được phẩm tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa". Khi thành tựu tầng thánh cuối cùng, kinh nghiệm hạnh nhúc Niết Bàn, bạn hiểu được phẩm tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối".

Và như vậy, qua sự thực hành Tam Học, Giới-Định-Huệ viên mãn, bạn thực sự hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của phẩm tính "Khéo Tuyên Giảng" của Giáo Pháp.

-ooOoo-

[12]

Người Bạn Đạo Lý Tưởng

Trong mấy ngày qua, chúng ta bàn về phiền não, nguyên nhân đau khổ của con người. Có ba loại phiền não: (1) phiền não tác động thuộc loại thô, (2) phiền não tư tưởng thuộc loại trung, và (3) phiền não ngủ ngầm thuộc loại vi tế. Phiền não ngủ ngầm không thường hiển lộ, chỉ khi có điều kiện thuận tiện sẽ sinh khởi trong tâm, trở thành phiền não tư tưởng, biến thành phiền não tác động, để cuối cùng biểu lộ qua hành động và lời nói bất thiện. Phiền não ngủ ngầm hình thành khi tâm tiếp xúc với đối tượng ưa ghét, làm phát sinh ngã mạn, sân hận, ác ý, v.v..Ngay trong khoảnh khắc này, phiền não tư tưởng hình thành trong tâm, tâm thiện lành biến mất. Tâm bị quấy nhiễu bằng tư tưởng bất thiện. Sau đó, tù tư tưởng, biến thành phiền não tác động, bộc phát ra hành động và lời nói. Có thể so sánh phiền não ngủ ngầm giống như một người đang ngủ, phiền não tư tưởng giống như khi người nầy thức giấc, và phiền não tác động giống như khi người này rời khỏi giường. Phiền não ngủ ngầm được tận diệt bằng Tuệ Học qua sự phát triển tuệ Minh Sát và Thánh Đạo. Phiền não tư tường được chế ngự bằng Định Học qua hai phương pháp ngăn ngừa và tận diệt. Phiền não tác động được chế ngự nhờ Giới Học.

Chúng ta còn đề cập đến tiến triển trong thiền Minh Sát. Tuy nhiên, vì muốn cho hành già tự chứng nghiệm qua thực hành nên không trình bày chi tiết. Hơn nữa về phương diện thực hành, biết quá nhiều chi tiết sẽ không có lợi cho hành giả. Giống như khi làm toán, người thầy chỉ cho biết phương pháp mà không cho biết trước đáp sô. Nếu làm đúng sẽ đạt đúng đáp số. Tương tự, thiền sư chỉ là người giúp hành giả thực hành cho đúng phương pháp. Nếu hành đúng, sẽ đạt kết quả đúng. Ngoài ra, khi đề cập sơ lược các tuệ Minh Sát chỉ nhằm khích lệ độc hành giả thêm tinh tấn trong sự tu tập.

Hôm nay chúng ta bắt đầu bàn về bài kinh "Phát Triển Tâm Linh".

Sự tu tập Tam Học, Giới-Định-Huệ, giúp khắc phục được ba loại phiền não thô, trung và vi tế. Kết quả làm cho thân, khẩu, ý được trong sạch, biểu hiện qua sự cư xử hòa nhã, dễ mến. Đây là lợi lạc tức thời của sự tu tập Giới-Định-Huệ. "Bhāvanā" là sự tu tập đòi hỏi kỷ luật cao, nhằm rèn luyện tâm và phát triển trí tuệ. Giới hạnh được coi là thiết yếu cho mọi người. Giới học làm cho bạn sống đúng với ý nghĩa "con người". Với khả năng định tâm, tâm được kiểm soát, Định học tạo cho tâm có bản chất thực sự đúng ý nghĩa "tâm của con người". Hành thiền Minh Sát, phát triển trí tuệ, thành đạt Đạo Quả, trở thành thánh nhân, Tuệ học làm cho bạn trở nên "người cao thượng", một con người hơn người bình thường.

Bậc hiện trí dạy rằng, bạn nên "tự mình làm người bạn tốt cho xã hội, cũng như tự mình tìm người bạn tốt cho mình". Hay nói cách khác, bạn nên trở thành một thành viên tốt cho gia đình, xã hội, quốc gia, và tìm bạn tốt cho chính mình. Nhờ thực hành thiền minh sát, bạn tư luyện được thân khẩu ý trong sạch và phát triển trí tuệ, trở nên người thiện lành, một thành viên tốt, một người hơn người bình thường. Bạn cần phải giúp người khác thực hành thiền minh sát để họ cũng trở nên tốt giống như bạn.Và bạn cần phải luôn trau giồi sao cho xứng đáng là một người gương mẫu để người khác noi theo. Được như vậy, bạn giúp cho tất cả mọi người trong gia đình, xã hội, quốc gia, đến thế giới, có được sự cư xử hòa nhã, thân khẩu ý thiện lành tốt đẹp. Đối với Đức Phật, khi còn là Bồ Tát, ngài thực hành Ba La Mật, ngài là người gương mẫu, luôn luôn giúp người giúp đời. Khi trở thành Phật, ngài viên mãn Giới-Định-Huệ. Với Minh Hạnh Túc, ngài có đầy đủ trí tuệ hiểu rõ đâu là đúng sai để dạy chúng sanh, và với tâm Đại Bi, ngài hướng dẫn chúng sanh theo Chánh Pháp. Do sự vẹn toàn Giới Hạnh và Trí Tuệ, ngài chỉ dạy chúng sanh, giúp họ tu tập để có thân khẩu ý trong sạch và phát triển trí tuệ để họ trở nên một con người hoàn hảo. Ngài là người gương mẫu để cho người khác noi theo. Do đó, nếu bạn tu tập để mình được trong sạch, và chỉ người khác tu tập sao cho tất cả mọi người được trong sạch, kết quả là gia đình, xã hội, quốc gia, thế giới được tốt đẹp thì cuộc đời này được hạnh phúc biết bao!

Vào thời Đức Phật, có ẩn sĩ Sesaka Paripacheva, chủ trương Ngã kiến, attavada, nổi tiếng học rộng và rất hãnh diện về mình. Sau khi gặp Đức Phật chỉ dạy, vị này kính phục và ca tụng Đức Phật qua kệ ngôn "danto sobhagava damathaya dammamdeseti". Ý nghĩa: "Đức Phật là người xứng đáng để nương tựa. Ngài phát triển chính mình được tốt đẹp, nên có động lực giúp người khác được tốt đẹp. Do vậy mà Ngài tuyên dạy Giáo Pháp."

Đức Phật nhờ tu tập Giới Định Huệ, nên Ngài hoàn toàn trong sạch khỏi ba loại phiền não. Ngài trở nên người tốt đẹp. Sau khi thành đạo, Ngài không quên chúng sanh. Do tâm Đại Bi, Ngài thệ nguyện cứu giúp họ thoát khỏi đau khổ. Bậc trí nhân thường nói "Ở đâu có bạn lành, ở đó có hạnh phúc." Đức Phật chính Ngài tìm được hạnh phúc, nên Ngài muốn chúng sanh cũng được hạnh phúc. Noi theo tinh thần này, bạn hãy tự tập theo lời Phật dạy. Bạn không mất mát gì hết, bạn luôn luôn được lợi lạc!

Theo Đức Phật, người bạn lành hay người bạn đạo lý tưởng, kalyāṇa-mitta, là mẫu người mang đủ bảy phẩm tính:

(1) Dễ mến, piya : Người dễ mến, có đức hạnh, chân thật, sẵn sàng giúp người khác.

(2) Được kính trọng, garu: Người có tâm trong sạch, có trí tuệ, thánh trí, hơn người thường. Có trí tuệ, biết đúng sai, nên có khả năng dạy người khác đi trên chánh đạo.

(3) Được người khác dùng làm đối tượng để rãi tâm từ ái, bhavaniya: Do kết quả từ hai đức tính dễ mến và kính trọng, nên người này được người khác rãi tâm từ.

(4) Có khả năng chỉ lỗi cho người khác để xây dựng, vattāra: Thay vì ngó lơ, người này có tâm ý thiện, chỉ giúp lỗi lầm, để giúp người được tốt đẹp.

(5) Có khả năng nhẫn nhục khi bị phê bình, vasanakkama: Không ngã mạn nghĩ mình là vị thầy khi bị phê bình. Dám chấp nhận để sửa sai.

(6) Có khả năng dạy những điều thâm sâu trong Giáo Pháp, gambhira katham: Giảng dạy Thiền Tứ Niệm Xứ về cả hai lý thuyết và thực hành. Khả năng giảng dạy một cách đơn giản cho người khác hiểu được nghĩa lý thâm sâu của Giáo Pháp.

(7) Không lợi dụng bạn hay học trò để được lợi cho cá nhân, atthane no sa ni yogita.

Một người bạn đạo hội đủ 7 phẩm tính như vậy sẽ có khả năng giúp cộng đồng, xã hội có được những thành viên đầy đủ trí đức hơn người bình thường. Người này cũng là một gương mẫu để người khác noi theo, đồng thời cũng chỉ dạy được người khác trở thành người tốt đẹp. Và như vậy làm cho gia đình, xã hội, quốc gia, và thế giới được an vui hạnh phúc, không bị đau khổ trong vòng luân hồi vô tận.

Đáng tiếc thay, người bạn đạo lý tưởng như vậy rất hiếm. Vì rằng nếu chính mình không phải là người bạn lành cho chính mình, sẽ không là người bạn lành cho người khác, và do đó không thể giúp cho người khác trở nên người bạn lành. Thế nên, hãy tự tư sửa mình trước nhằm trở thành người bạn đạo lý tưởng. Đức Phật chính Ngài tu tập trở nên người bạn đạo cao thượng nhất cho chính Ngài, và trở thành người bạn đạo cao thượng cho chúng sanh. Với lòng bi mẫn, Ngài không vị kỷ quay lưng bỏ quên chúng sanh, trái lại Ngài hướng dẫn chúng sanh bằng Từ Bi Trí Tuệ để họ trở nên người tốt đẹp. Bạn hãy tu tập cho chính mình, sau đó hãy giúp đỡ người khác như người thân gần gũi, bạn bè, giúp hướng dẫn họ cùng thực hành Chánh Pháp.

Muốn được như thế, trước hết hãy tu tập bằng Giới học, hành thiền để thành đạt Định học, và thực hành viên mãn Tuệ học, để trở thành người bạn đạo lý

tưởng cho chính mình, trở thành người bạn đạo lý tưởng cho người khác, và giúp người khác cũng trở thành người bạn đạo lý tưởng. Nếu có khả năng thực hành Tứ Niệm Xứ, sẽ làm cho thân khẩu ý trong sạch, có sự cư xử hòa nhã, dễ mến, tạo được hạnh phúc cho mình và cho hạnh phúc người khác. Để rồi an vui hạnh phúc được tạo từ cá nhân này sang cá nhân khác, cuối cùng toàn thể thế giới được an vui hạnh phúc. Đây là ý nghĩa của bài kinh "Phát Triển Tâm Linh". Nếu ai thực hành dễ duôi, lãng phí thời giờ, buông lung theo dục lạc, dù mong ước được tiến bộ, cũng không thể nào thành sự thật!

-ooOoo-

[13]

Vai Trò Cần Thiết Của Sự Luyện Tâm

Chúng ta đã nói về sự tu tập Giới-Định-Huệ giúp cá nhân có được một nhân cách thật sự, mang tâm tính thật sự của một con người, và có trí tuệ, trở thành người cao thượng hơn người thường. Khi tu tập có kết quả như vậy, bạn nên thúc đẩy người khác tu tập để có kết quả như mình. Phẩm giá cả hai được nâng cao. Bạn trở thành gương mẫu cho người khác noi theo. Bạn luôn luôn đề cao sự tu tập. Bạn trở nên người bạn đạo lý tưởng cho xã hội và giúp người khác cũng trở thành người bạn đạo lý tưởng. Nếu tất cả cá nhân trong thế giới đều được như vậy, tất cả đều là bạn lành với nhau thì cuộc đời này sẽ êm đẹp, dù rằng tất cả chúng ta đang nổi trôi trong luân hồi vô tận.

Sống có giới hạnh là tự thắng mình. Tự thắng mình để được trong sạch là chiến thắng tốt hơn chiến thắng để được địa vị, quyền lực, công danh, vật chất, hay các chiến thắng dùng đến vũ khí: Bằng sự tu tập để tự thắng được mình, bạn trở nên một người bạn đạo tốt đem sự an vui hạnh phúc cho gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới. Điều này không thể ước muốn suông thôi mà có được. Bây giờ chúng ta tiếp tục bàn về bài kinh "Phát Triển Tâm Linh", sau đó giải thích ý nghĩa theo hai khía cạnh lý thuyết và thực hành.

Khuynh hướng chung của con người là chú trọng sự phát triển vật chất mà bỏ quên sự phát triển đạo đức. Muốn cho cuộc sống được an vui hạnh phúc, cần phải tu tập Giới-Định-Huệ để rèn luyện bản thân, tự thắng được mình. Nếu không như vậy, sẽ không có được an vui hạnh phúc. Nếu chỉ ước muốn suông sao cho mình và mọi người được an vui, mà không thực hành theo một phương pháp thích nghi có hiệu quả, thì chỉ có ước muốn mà không có lợi ích cụ thể nào cả.

Bao lâu chưa tu tập Giới-Định-Huệ, không thực hành thiền Tứ Niệm Xứ để phát triển trí tuệ, bạn vẫn còn chấp vào thân tâm này nên dính mắc hai tà kiến dục thủ, chấp giữ ngũ dục, và kiến thủ, gồm tà kiến về linh hồn và Thượng Đế. Nếu chỉ ước suông sao cho loại trừ được hai loại chấp thủ này thì không bao giờ thực hiện được. Đức Phật dạy như sau:

"Này các Tỳ Khưu, Tỳ Khưu không tự mình cố gắng phát triển tâm mình bằng thiền tập, sinh khởi ước muốn "Mong rằng tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ!." Tuy vậy, tâm vị nầy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không tu tập cái gì?. ."

Theo nội dung đoạn kinh vừa qua, nếu chỉ ước suông mà không tu tập theo một phương pháp đúng đắn thì không thể khắc phục được hai loại chấp giữ này: dục thủ và kiến thủ. Và, nếu không tu tập theo phương pháp đúng đắn sẽ không mang lại kết quả. Ở đây, Đức Phật đặt vấn đề, sau đó nêu lên câu hỏi, và chính ngài giải đáp. "Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không tu tập cái gì?..."

Ngài dạy rằng, cần phải tu tập 37 Phẩm Trợ Đạo, đó là: (1) Tứ Niệm Xứ, (2) Tứ Chánh Cần, (3) Tứ Như Ý Túc, (4) Ngũ Căn, (5) Ngũ Lực, (6) Thất Giác Chi, và (7) Bát Chánh Đạo.

Do vậy, vì không tu tập bảy nhóm này để phát triển những gì cần phát triển nên tâm không thoát khỏi dục thủ và kiến thủ. Do đó, mỗi khi tiếp xúc với sự vật qua lục căn, tâm bị ô nhiễm xâm nhập các căn, phát sinh sự dính mắc, ưa ghét, tham sân hay tin vào linh hồn, Thượng Đế. Vì không chánh niệm, nên không hiểu được bản chất của các hiện tượng. Vô minh chế ngự tâm qua hai hình thức: không hiểu biết và hiểu biết sai.

Đức Phật còn dùng thí dụ gà ấp trứng để cho thấy ước muốn suông không tạo kết quả. "Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà, không được con gà mái ấp nằm đúng cách, không được ấp nóng đúng cách, không được ấp dưỡng đúng cách. Dầu cho con gà mái ấy khởi lên ý muốn. "Mong rằng những con gà con của ta, với chân móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn. Tuy vậy, các con gà con ấy không có thể, với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn!"

Trong đoạn kinh này cho thấy nếu chính tự thân gà không lo ấp, không lo làm những gì cần làm, không ấp đúng cách, mà chỉ ước suông mong cho trứng nở thành gà con, thì không bao giờ có được. Cũng vậy, đối với hành giả, nếu tự mình không tu tập để trở nên người bạn lành, cũng như không thúc giục người khác tu tập để trở nên người bạn lành, để tạo được thế giới an vui, dù ước muốn có nhiều mấy cũng không thể nào thành sự thật. Không tu tập, sẽ tiếp tục chấp vào dục thủ và tà kiến thủ, không thể nào xóa bỏ được những ô nhiễm này.

Đa số con người đều tin rằng, đời sống cá nhân sẽ được nâng cao qua sự phát triển về vật chất, khoa học kỹ thuật, y tế, xã hội, hay chánh trị v.v.. Dù rằng các sự phát triển thế tục này có làm cho con người thăng tiến hơn, nhưng chúng không tạo được hòa bình và an ninh cho thế giới. Cho dù làm việc miệt mài ngày đêm, bỏ nhiều thì giờ vào nghiên cứu và phát triển, làm cho quốc gia này giàu mạnh, phát triển hơn quốc gia khác, nhưng vẫn không giúp được các vấn đề tâm thần như căng thẳng, lo âu, sợ hãi, thất vọng, v.v... Dù đạt được cuộc sống cao về vật chất, nhưng vẫn chưa đạt được mục đích tối thượng mong muốn, con người vẫn còn bị đau khổ bởi các vấn đề tâm thần, những bệnh tật của tâm, không dễ gì giải quyết được. Các thành tựu về khoa học kỹ thuật, y học, vẫn chưa đưa ra giải pháp bảo đảm nào cho các vấn đề này.

Trong dịp trao đổi giữa một khoa học gia người Anh và một viên chức tòa Đại sứ người Á châu về các vấn đề xã hội tôn giáo, vị khoa học gia này nói rằng, sau thế chiến thứ hai, Anh quốc tập trung vào việc tìm tòi sáng chế để phát triền khoa học kỹ thuật. Vì phải vận dụng trí óc quá nhiều, làm việc với các vấn đề khoa học ngày một thêm phức tạp, nên làm cho các khoa học gia phải dùng đến thuốc an thần. Vì chỉ chuyên về khoa học kỹ thuật, nên các vị này thấy bối rối không biết làm sao giúp được cho chính họ khỏi các vấn đề căng thẳng, lo âu, thuộc về tâm thần này. Họ tìm đến sự thực hành theo Ấn Độ Giáo, thực tập yoga, nhưng thấy rằng yoga chỉ đem lại giải pháp tạm thời mà thôi. Đến khi nghiên cứu Phật Giáo, mới thấy rằng phương pháp thực hành của Đức Phật là thực tế, cụ thể. Sau khi thực hành, họ thấy rất lợi ích, nên tin rằng đây mới là giải pháp đúng đắn mà họ mong tìm. Đây chỉ là nhận xét riêng của cá nhân vị khoa học gia này. Tôi được nghe kể lại từ vị viên chức tòa Đại sứ, người trao đổi với vị khoa học gia nọ.

Cách đây 10 năm, khi hướng dẫn khóa thiền ở Yucca Valley, thuộc Califomia, Sư Cả nói rằng xứ này giống như cõi chư thiên, chỉ có bấm nút thôi là có đủ thứ. Một thiền sinh nói với Sư Cả "Bạch Sư, sự thật là chúng con bị khổ vì dù ở trong phòng điều hòa mát mẻ, nhưng chúng con luôn luôn cảm thấy tim mình nóng như lửa."

Do đó, các bạn thấy rằng ở quốc gia này, người ta cố gắng phát triển khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao cuộc sống cho con người, nhưng chỉ có hiệu quả ở bên ngoài thân này, còn trong tâm, con người vẫn còn bị lửa phiền não tham sân si, đốt cháy ngày đêm.

Ở Thiền Viện Hse Min Gon, Panditarama Forest Center, Miến Điện, sau khi tham dự khóa thiền dài hai tháng, trước khi về nước, một thiền sinh đã nói như sau: "Bây giờ, con mới sống được an vui hạnh phúc, và biết cách sống sao cho được an vui hạnh phúc, cũng như con đã biết được nơi an trú thật sự để có an vui hạnh phúc. Con thấy rằng, Miến điện là quốc gia tốt nhất, có đủ điều kiện tốt đẹp cho sự thực hành thiền Minh Sát." Đây là những nhận xét sau khóa thiền, phát xuất từ kết quả thiền tập và phản ảnh trung thực tâm của thiền sinh.

Một câu chuyện khác, Sư muốn kể thêm. Sau khi đến Thiền Viện này được bảy ngày, có một gia đình Phật tử gồm hai vợ chồng và ba người con, từ Oakland đến thăm Sư. Lúc trước, hai vợ chồng có đến hành thiền tại trung tâm của Sư. Người chồng tu được 1 tháng, phải về trước, người vợ ở lại tu 3 tháng, đạt được kết quả tốt, và rất cảm kích Giáo Pháp. Thời gian sau, họ có được ba đứa con, lớn nhất 16, 14, và 9 tuổi. Lần nào gặp, họ luôn nói rằng các cháu rất ngoan ngoãn hiền lành. Cả hai vợ chồng đều tin rằng đây là kết quả có được từ thiền tập. Do cha mẹ thực hành thiền Minh Sát, có được giới hạnh, tâm tánh thiện lành, nên họ tạo được ảnh hường thiện lành này cho các con của họ. Họ mới đúng là người bạn đạo lý tưởng cho gia đình và con cái.

Thế nên, muốn có được một cuộc sống an vui hạnh phúc, trước hết bạn cần tu tập để trở nên người bạn đạo lý tưởng. Nhờ vậy, bạn giúp được những người trong gia đình bạn trở thành những bạn đạo lý tưởng. Giống như hạt giống tốt sẽ tạo cây tốt. Là cha mẹ, bạn tu tập theo Giáo Pháp, con bạn sẽ là những người tốt, cũng như trong quan hệ thầy trò, hễ thầy tốt thì trò tốt.

Tóm lại, khoa học kỹ thuật giúp cải thiện cuộc sống vật chất đem lại hạnh phúc cho thân, nhưng không đem lại được hạnh phúc cho tâm. Muốn tạo an vui hạnh phúc cho chính mình, trước hết hãy tự mình tu tập theo Tam Học, Giới-Đinh-Huệ, để trở thành Người Bạn Đạo Lý Tưởng, một người có một nhân cách thật sự, mang tâm tính thật sự của một con người, và có trí tuệ, trở thành người cao thượng hơn người bình thường. Sau đó, giúp người khác cũng trở thành Người Bạn Đạo Lý Tưởng. Từ cá nhân này sang cá nhân khác, rồi đến thế giới, nếu tất cả có được phẩm tính của Người Bạn Đạo Lý Tưởng, thì thế giới sẽ được an vui hạnh phúc. Muốn thế, chúng ta phái thực hành pháp Tứ Niệm Xứ, một pháp tu đúng đắn và hiệu quả nhất. Cầu mong các bạn hành thiền tốt đẹp.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Hồ Trung Mỹ đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2005).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
30-08-2005

U pandita - Phap Hanh
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Pháp hành đưa đến bình an

Thiền Sư U Pandita
Tỳ khưu Pháp Luân dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[07]

Phiền Não và Hạnh Phúc

Khi trạng thái tâm (tâm sở) thiện bị đem ra khỏi tâm, phiền não tuôn vào quấy phá. Phiền não trong tâm là nguyên nhân hình thành ý tưởng bất thiện, loại phiền não tư tưởng, như ý muốn chiếm đoạt, hay ý muốn hãm hại, và cuối cùng trở thành loại phiền não tác động, biểu hiện ra bên ngoài thành hành động và lời nói bất thiện. Trong lúc hành thiền, các chướng ngại tâm như ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ v.v...cũng xâm nhập vào tâm xua đuổi các tâm thiện lành ra khỏi tâm. Giống như khi cướp xâm nhập vào nhà, nắm quyền làm chủ căn nhà. Khi ái dục chiếm tâm, kāmacchanda nīvaraṇa, xua đuổi tâm sở thiện ra khỏi tâm. Tâm bị quấy phá không chỉ một loại phiền não, mà trong giây phút đó, còn bị ảnh hưởng bởi những loại phiền não khác như phiền não ngủ ngầm, anusaya kilesa, phiền não tư tưởng, hay phiền não tác động.

Tất cả đau khổ đều gây ra bởi phiền não. Con người bị đau khổ bởi tham sân si, hay ngã mạn, bủn xỉn v.v… Nó làm cho cá nhân đau khổ và người xung quanh cũng đau khổ theo. Do đó ngay khi phiền não chiếm ngự tâm, chúng hành hạ, thiêu đốt tâm, làm cho người này đau khổ. Đây là hiệu quả của phiền não Đối với lửa thường còn cho thấy lửa và khói, nhưng lửa phiền não tham sân si không phát ra ngoài, nên khó thấy và khó dập tắt hơn lửa thương. Phiền não ngủ ngầm, anusaya kilesa, là loại phiền não tiềm ẩn trong tâm luôn luôn chờ đủ cơ hội để phát tác. Loại phiền não này chỉ có thể xóa sạch bằng minh sát đạo và thánh đạo. Khi có điều kiện, phiền não ngủ ngầm sẽ chỗi dậy và biến thành phiền não tác động, biểu hiện thành hành động và lời nói. Phiền não ngủ ngầm rất khó thấy, khó như khi thấy một người đang ngủ, chúng ta không biết người này sẽ chỗi dậy lúc nào. Hoặc so sánh với khả năng gây hỏa hoạn tiềm ẩn trong diêm quẹt.

Khi không chánh niệm hay chánh niệm yếu, phiền não tư tưởng sẽ sinh khởi lúc tiếp xúc với vật hấp dẫn, đáng ưa thích làm phát sinh dính mắc, đưa đến dục vọng. Tâm bây giờ chỉ có sự ham muốn, không còn chứa điều gì thiện lành. Ngược lại, khi tiếp xúc vật không ưa thích, sẽ phát sinh sân hận. Khi đến mức độ thái quá, từ dạng phiền não tư tưởng sẽ trở thành phiền não tác động, biến thành hành động và lời nói bất thiện. Khởi đầu bằng phiền não ngủ ngầm, biến thành phiền não tư tưởng, tiếp theo là chuyển thành phiền não tác động, rồi cuối cùng thành hành động và lời nói. Cũng giống như hỏa hoạn bắt đầu từ tiềm năng tạo ra lửa từ diêm quẹt, khi được quẹt, sẽ bùng cháy gây nên hỏa hoạn. Do đó nếu không muốn tâm bị ô nhiễm, điều cần thiết và phải tận diệt phiền não ngủ ngầm, nhằm vô hiệu hóa tiềm năng gây nên ô nhiễm. Muốn vậy phải luôn luôn giữ chánh niệm. Dù tư tưởng bất thiện có kịp phát sinh, khả năng chánh niệm sẽ tận diệt ngay lập tức tư tưởng bất thiện này.

Nếu không có chánh niệm sẽ không thể chế ngự được phiền não, không phát triển được sự định tâm, đo đó không phát triển được trí tuệ. Vì không có trí tuệ, nên không hiểu được bản chất thực sự của đối tượng đang quán sát, và do đó dính mắc vào dáng vẻ tổng quát sinh khởi nơi tâm, nimitta-gaha, rồi trở thành hình ảnh chi tiết, anubyñjanaggaha.

Khi người cùng phái ở chung với nhau sẽ không có gì xảy ra. Nhưng khi có người khác phái sống chung, sẽ phát sinh những sự ưa thích nơi hình dáng, dính mắc nơi sắc diện, hình ảnh dàn bà, đàn ông. Nếu không chánh niệm, sẽ làm phiền não phát sinh. Bắt đầu bằng sự phân biệt nam nữ, trở thành ý tưởng ưa thích, trở nên hình ảnh ưa thích, cuối cùng sinh khởi ái dục. Ngược lại nếu không thích, sẽ phát sinh sân hận, ghen ghét. Từ lúc thấy hình dáng tổng quát, tiếp tục nhìn mãi, sẽ thấy đối tượng mang nhiều chi tiết hơn, từ vóc dáng sang mắt mũi, tóc tai, v.v...và trở nên dính mắc vào các hình ảnh chi tiết trong tâm, phát sinh ái dục. Ý nghĩ về các chi tiết càng nhiều làm cho phiền não sinh khởi trong tâm càng 1úc càng nhiều hơn. Nếu không có chánh niệm, tiếp tục suy nghĩ trong một giây, một giờ, tâm sẽ liên tục chứa đầy các ý tưởng ái dục hình thành từ các đối tượng sinh khởi qua lục căn.

Sự thỏa thích hưởng thụ cảm giác mang lại từ sự ưa thích này gọi là dục lạc, một loại hạnh phúc pha trộn, vyāseka sukha. Khi nghe bản nhạc du dương, tâm sinh khởi ưa thích và phát sinh sự ham muốn được nghe thêm nữa. Sự ham muốn diễn ra liên tục trong khi hưởng thụ là loại hạnh phúc ái dục, thuộc loại hạnh phúc tạp nhạp. Tự nơi đối tượng không mang ưa ghét, nhưng vì dính mắc nên phát sinh ý tưởng ham muốn. Hạnh phúc dục lạc hình thành bằng đường lối này. Giống như bản chất tự nhiên của thịt là lạt lẽo, nhưng trở nên thơm ngon khi được ướp gia vị. Hạnh phúc dục lạc hình thành bởi lòng ham muốn được bỏ thêm vào đối tượng. Do vậy, dục lạc, hay hạnh phúc ngũ dục thuộc loại hạnh phúc tạp nhạp, missaka sukha. Cho đù đối tượng có đáng ưa thích, nhưng nếu không phát sinh ham muốn, hạnh phúc ngũ dục sẽ không hình thành. Ham muốn, hay tham ái là phiền não. Vì chứa đựng phiền não nên hạnh phúc ngũ dục còn được gọi là hạnh phúc bất tịnh, aparisuddha sukha.

Hạnh phúc phi dục lạc là loại hạnh phúc đối nghịch với hạnh phúc dục lạc. Bản chất của loại hạnh phúc này là trong sạch thanh tịnh. Đây là loại hạnh phúc mà các bạn đang theo đuổi. Nền tảng của loại hạnh phúc này là giới hạnh, chánh niệm và thu thúc lục căn. Giữ giới hạnh tròn đầy. Duy trì chánh niệm nơi tất cả các đối tượng sinh khởi nơi lục căn. Bảo vệ tâm thường xuyên bằng chánh niệm. Thu thúc lục căn luôn luôn. Kết quả của sự giữ giới, giữ chánh niệm, và thu thúc lục căn làm cho tâm được an định, adhicitta. Hạnh phúc tạo nên do sự định tâm được gọi là hạnh phúc an định.

Khi chánh niệm được giữ liên tục, chế ngự được các phiền não, đẩy xa các chướng ngại, hình thành sát na định, tâm được an tịnh từ thời điểm này sang thời điểm khác. Hỉ, lạc phát sinh mạnh mẽ. Một loại hạnh phúc tuyệt diệu sinh khởi từ các tâm sở thiện lành. Đây là loại hạnh phúc phi dục lạc, loại hạnh phúc trong sạch thanh cao, avyāseka sukha.

Tóm lại , khi phiền não có mặt nơi tâm, tâm bất an giao động. Khi có dính mắc vào sự vật ưa thích, phát sinh tham ái, hình thành loại hạnh phúc pha trộn, tạp nhạp, không thanh cao vì chứa đựng phiền não. Hạnh phúc dục lạc hình thành từ tham ái. Hạnh phúc phi dục lạc là loại hạnh phúc khi tâm vắng bóng phiền não, không mang tham ái. Đây là loại hạnh phúc thanh cao hiền lành chỉ kinh nghiệm được trong thiền tập.

-ooOoo-

[08]

Hai Loại Hạnh Phúc

Chúng ta đã bàn qua hai loại hạnh phúc: hạnh phúc ngũ dục và hạnh phúc phi ngũ dục. Hạnh phúc ngũ dục chứa đựng ái dục. Bản chất của ái dục là tâm tham. Nếu không có tham ái sẽ không hình thành loại hạnh phúc này. Vì chứa ái dục nên hạnh phúc ngũ dục là loại hạnh phúc mang phiền não, không trong sạch. Do đó, hạnh phúc ngũ dục còn mang nhiều tên khác như: hạnh phúc pha trộn, hạnh phúc tạp nhạp, và hạnh phúc bất tịnh. Hạnh phúc phi ngũ dục là loại hạnh phúc không chứa ái dục. Hạnh phúc phi ngũ dục còn mang nhiều tên khác như: hạnh phúc không pha trộn, hạnh phúc thuần khiết, và hạnh phúc thanh cao. Hạnh phúc phi ngũ dục được hình thành trong quá trình thanh lọc tâm. Bắt đầu từ sự giữ giới, đến sự hành thiền thực hành chánh niệm. Nhờ giữ chánh niệm liên tục vào các hiện tượng sinh khởi qua lục căn, giúp bảo vệ tâm không bị phiền não xâm nhập. Thu thúc lục căn được duy trì liên tục. Kết quả từ sự giữ giới, duy trì chánh niệm, và thu thúc lục căn làm cho tâm được an định, tạo nên loại hạnh phúc an tinh, thuộc loại hạnh phúc phi ngũ dục, hạnh phúc thanh cao, hạnh phúc không pha trộn, không tạp nhạp.

Hôm nay chúng ta bàn tiếp loại hạnh phúc phi ngũ dục về hai phương diện pháp học và pháp hành.

Khi chú tâm theo dõi phồng xẹp, bạn vận dụng tinh tấn, cố gắng hướng tâm đến đề mục, giữ chánh niệm duy trì trên đề mục, trở nên gắn chặt với đề mục, và liên tục chà sát đề mục. Kết quả này đạt được nhờ tinh tấn và hai chi thiền Tầm và Tứ. Tầm giúp đưa tâm đến đề mục, và Tứ giúp chà sát đề mục. Đồng thời cũng do kết quả của năng lực dũng mãnh của sự tinh cần làm cho tâm trở nên năng động, linh hoạt và tỉnh giác. Các sức mạnh này đẩy lui các tâm sở như ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, v.v...làm cho tâm trở nên rạng rỡ và sáng ngời. Tâm an trụ trên đề mục không còn phóng chạy nơi khác. Tâm giờ đây trở nên phi thường không giống như tâm thông thường. Tâm không còn bị ảnh hưởng bởi các chướng ngại như: ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, bất an hối tiếc, và hoài nghi. Đây là kết quả của sự rèn luyện tâm, phát triển các tâm thiện lành. Tâm trở nên cao thượng, phi thường. Trạng thái tâm an tịnh tĩnh lặng này là loại hạnh phúc phi ngũ dục.

Hạnh phúc an tịnh tĩnh lặng do tâm vắng bóng phiền não. Hạnh phúc này là kết quả tu tập theo pháp thiền Tứ Niệm Xứ "Nầy chư Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhất để thanh lọc (tâm) chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn,uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạo và chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ." Kết quả này do sự thực hành chánh niệm quán sát các hiện tượng vật chất sinh khởi nơi thân, niệm thân hay quán thân trên thân, chánh niệm quán sát các cảm giác, niệm thọ hay quán thọ trong thọ, chánh niệm quán sát các hiện tượng thuộc về tâm, niệm tâm hay quán tâm trong tâm, chánh niệm quán sát các hiện tượng qua lục căn, niệm pháp hay quán pháp trong các pháp.

Tóm lại, hành giả phải chánh niệm tất cả các hiện tượng tâm và vật chất ngay khi mới sinh khởi. Nhờ kết quả của tinh tấn và yếu tố Tầm, tâm được giữ an trụ nơi đề mục từng thời điểm này sang thời điểm khác, hình thành sát na định. Do vậy, tâm được an tịnh trong sạch, không phiền não, không ô nhiễm trong từng thời điểm liên tục tạo nên hạnh phúc an tịnh tĩnh lặng. Hành giả kinh nghiệm được hạnh phúc này trong thiền tập. Đây là kết quả của sự rèn luyện tâm giúp cho tâm phát triển lành mạnh, bhāvāna. Nhờ thiền tập, các tâm thiện được hình thành và phát triển, tâm hành giả trở nên mạnh mẽ, phi thường, adhicitta. Hạnh phúc hình thành từ loại tâm phi thường này gọi là adhicitta sukha, thuộc loại hạnh phúc trong sạch thanh cao, không pha trộn, avyāseka-sukha. Hạnh phúc do tâm thanh tịnh trong sạch và loại hạnh phúc khác hẳn loại hạnh phúc ngũ dục chứa đựng tham ái, mang bản chất không trong sạch. Tương tự như loại thức ăn có nhiều gia vị, nhờ gia vị nên làm cho người ăn cảm thấy khoái khẩu. Bản chất của ngũ dục không có gì thích thú, nhưng khi có sự tham ái làm cho người thọ hưởng cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc phi ngũ dục không pha trộn phiền não, loại hạnh phúc trong sạch thanh cao.

Hạnh phúc phi ngũ dục hình thành do sự thu thúc lục căn, cùng sự thực hành Tứ Niệm Xứ, chánh niệm không để phiền não xâm nhập vào tâm. Dù không hành thiền, nhưng nếu có sự thu thúc kiểm soát lục căn cũng tránh được ảnh hưởng của phiền não.

Vào thời Đức Phật, có một vị vua rất thắc mắc về giới luật của các vị sư trẻ tuổi. Nhà vua bèn hỏi vị sư trẻ tuổi. "Thưa Đại Đức, ngài còn trẻ tuổi chịu ảnh hưởng bởi dục lạc. Làm thế nào Đại Đức kiểm soát được lòng mình không bị ảnh hưởng bởi ái dục?"

Vị sư trẻ tuổi trả lời: "Khi gặp phụ nữ, tôi xem họ như là em, là chị, hay là mẹ mình".

Không bằng lòng câu trả lời này, nhà vua nói: "Nhưng tâm thay đổi rất nhanh có thể làm cho đại đức không coi người kia là em, là chị, hay là mẹ nữa. Vậy thì Đại Đức phải làm sao?".

Vị sư trẻ tuổi trả lời: "Tôi quán tưởng đến sự bất tịnh của cơ thể dưới hình thức 32 phần ô trược. Quán tưởng sự ô trược của mỗi thành phần cũng giữ tâm không bị xáo trộn vì ái dục".

Vẫn chưa thỏa mãn, nhà vua hỏi tiếp: "Nhưng có thể trong khi quán tưởng ô trược, tâm coi đó là những gì đẹp đẽ không ô trược thì sao?"

Vị sư đáp: "Tôi dùng thiền Tứ Niệm Xứ, thực hành chánh niệm, thu thúc lục căn, giữ tâm không bị phiền não xâm nhập. Và nếu có ý tưởng ái dục sinh khởi, tôi cũng dập tắt được ý nghĩ nảy nhờ sức mạnh của chánh niệm".

Nhà vua thỏa mãn với câu trả lời như vậy, và nói: "Quả thật vậy Đại Đức, đúng với kinh nghiệm bản thân, mỗi khi có việc phải đi ngang qua Tam Cung Lục Viện, nhờ thu thúc lục căn nên trẩm cảm thấy bình thản an nhiên, không bị xáo trộn vì ái dục".

Qua thí dụ trên cho thấy, nếu thực hành chánh niệm, giữ gìn lục căn sẽ bảo vệ được tâm không bị phiền não quấy rối. Nếu không chánh niệm kịp thời vào lúc đối tượng sinh khởi, sẽ phát sinh sự ưa thích vào dáng vẻ tổng quát, đưa đến các ý tưởng chi tiết hóa đối tượng, làm cho tâm mang hình ảnh càng nhiều chi tiết giúp cho ái dục kích động tâm, tâm trở nên giao động bất an.

Khi giữ chánh niệm vào tất cả những gì sinh khởi qua lục căn, tâm được chánh niệm bảo vệ không bị phiền não quấy phá bởi ái dục, sân hận, v.v...nên tâm trở nên an tịnh trong sạch, tạo nên loại hạnh phúc bình an tĩnh lặng, santi, một loại hạnh phúc thanh khiết, trong sạch, không pha trộn.

Những ai thích hạnh phúc ngũ dục sẽ cho rằng hạnh phúc ngũ dục là loại hạnh phúc cao nhất, đáng hưởng thụ nhất. Họ không muốn từ bỏ, sợ hãi phải từ bỏ hay bị mất mát. Cho đến khi tới đây, thực hành thiền Minh Sát, thực hành đúng phương pháp, đạt kết quả, tự bản thân chứng nghiệm được hạnh phúc thanh tịnh thuần khích từ trạng thái tâm trong sạch, an tịnh, không giao động, bạn mới hiểu được hạnh phúc phi ngũ dục vượt trội biết bao lần hạnh phúc ngũ dục. Bạn hiểu được lợi lạc của sự luyện tâm nên cảm kích pháp hành. Bạn phát triển đức tin, thực hành nghiêm túc và cẩn trọng để rồi cuối cùng bạn sẽ chứng nghiệm loại hạnh phúc vô biên không gì sánh bằng. Đó là hạnh phúc Niết Bàn, loại hạnh phúc giải thoát cao tột, vô biên.

-ooOoo-

[09]

Tốt Đẹp Ở Chặng Đầu

Khi hành thiền đúng phương pháp, hành giả đạt được sự định tâm, phát triển được các Loại tâm cao thượng, và chứng nghiệm được loại hạnh phúc thanh cao, tĩnh lặng, hạnh phúc Giáo Pháp.

Nếu theo đuổi hạnh phúc ngũ dục như khuynh hướng chung của đa số, sẽ không thể nào chứng nghiệm được loại hạnh phúc thanh cao tĩnh lặng này.

Trước khi thực hành Giáo Pháp, bạn nghe giảng Pháp. Nếu nghe một cách cẩn thận với một động lực đúng đắn, bạn sẽ hưởng được lợi lạc do Giáo Pháp mang lại. Chưa nói đến lợi ích do sự hành trì Giáo Pháp sẽ đưa đến sự chứng nghiệm hạnh phúc bình an, santi sukha, mang lại từ sự thực hành Giáo Pháp viên mãn, một loại hạnh phúc cao thượng, vượt trội hơn tất cả các loại hạnh phúc khác.

Hôm nay, chúng ta sẽ bàn đến làm thế nào bằng việc nghe Pháp sẽ dẫn đến sự trấn áp được phiền não giúp sự thực hành Giáo Pháp được tiến bộ, để cuối cùng hưởng lợi lạc của Giáo Pháp.

Bạn bỏ hạnh phúc thế tục phía sau để đến đây tu tập trong khóa thiền này. Nếu thực hành tinh cần, bạn sẽ chứng nghiệm được hạnh phúc Giáo Pháp. Nếu thực hành không cẩn trọng, dễ duôi, sai phương pháp, thực hành không theo đúng sự chỉ dẫn, tưởng tượng, mơ mộng, sẽ không cho bạn thấy được Giáo Pháp, vốn là một pháp cao thượng, một pháp hành thực tế. Thực hành như vậy chỉ phí thì giờ. Không những bạn không hưởng được hạnh phúc Giáo Pháp mà còn mất luôn hạnh phúc thế tục. Thà rằng bạn đừng đến đây mà bạn còn hưởng được hạnh phúc thế tục, hơn là phí thì giờ và không hưởng được loại hạnh phúc nào hết.

Theo chú giải trong Thanh Tịnh Đạo, một trong sáu phẩm tính của Giáo Pháp, phẩm tính "Khéo Thuyết Giảng", svākkhato, là một phẩm tính viên mãn, được diễn tả trong "svākkhato bhagavata dhammo". Giáo Pháp dùng để tu tập thân khẩu ý trong sạch. Kết quả này bắt nguồn từ nghe, thực hành, và chứng đạt.

Khi nghe Giáo Pháp, người nghe cảm thấy tâm an lạc, tâm thoát khỏi năm chướng ngại như ái dục, sân hận, v.v... đó là đặc tính tốt đẹp ở chặng đầu của Giáo Pháp, ādi-kalyāna. Khi thực hành Giáo Pháp, là thực hành Tam Học, Giới-Định-Huệ. Hành giả luôn chánh niệm vào các đối tượng, không bỏ sót, nhờ đó phát triển được sát na định, thành đạt sự định tâm, hành giả kinh nghiệm sự tĩnh lặng, là loại hạnh phúc thiền định. Đặc biệt khi đến tuệ Sinh Diệt, udayabbaya-ñāṇa, hành giả thấy được sự sinh diệt mau lẹ của các

hiện tượng tâm và vật chất, kinh nghiệm được hạnh phúc minh sát. Hành giả thấy ánh sáng, kinh nghiệm phỉ lạc, an tịnh, đây là hạnh phúc minh sát. Khi đến tuệ xả hành, hành giả kinh nghiệm sự tịch tịnh, tâm vững trụ và bình an, đó là đặc tính tốt đẹp ở chặng giữa của Giáo Pháp, majjhe-kalyāna. Do đó nếu ai theo được chánh đạo, thực hành theo Giáo Pháp, cuối cùng sẽ thành đạt sự quân bình nơi tâm, là phẩm chất tâm của vị A La Hán, dù chưa phải là A La Hán nhưng thực hành tốt đến giai đoạn này, hành giả sẽ kinh nghiệm được phẩm chất cao thượng này.

Hành giả có khả năng chịu đựng được mọi tốt xấu trên đời, an nhiên tự tại, nhờ sự mềm dẻo của tâm. Phẩm chất này gọi là tatibhava. Đây là đặc tính tốt đẹp ở chặng cuối của Giáo Pháp, pirosāna-kalyana.

Tóm lại phẩm tính Khéo Tuyên Giảng của Giáo Pháp biểu hiện bằng ba đặc tính trong ba giai đoạn. Đặc tính "tốt đẹp ở chặng đầu" là khi nghe Pháp, tâm thoát khỏi năm chướng ngại. Đặc tính "tốt đẹp ở chặng giữa" là khi thực hành Giáo Pháp, tâm quân bình. Đặc tính "tốt đẹp ở chặng cuối" là khi thực hành viên mãn chứng đắc Đạo Quả, thành đạt Niết Bàn, kinh nghiệm được hạnh phúc giải thoát.

Theo tinh thần nội dung "svākkhato bhngavata dhammo", phản ảnh ba đặc tính: phương pháp đúng đắn, thực sự hành trì, và thực chứng lợi ích. Đây là một cách diễn tả phẩm tính của Giáo Pháp.

Khi nghe Pháp, tâm thoát khỏi phiền não. Nghe Pháp là nhân duyên, thoát khỏi phiền não là kết quả. Đặc tính này cũng nằm trong ý nghĩa "khéo thuyết

giảng". Khi nghe Pháp với tâm ngã mạn, phê phán không kính trọng, hoặc lơ đãng, không phải là động lực đúng đắn. Nếu bạn nghe Pháp với ý nghĩ muốn tu tập để thoát khỏi phiền não, nghe với sự chú tâm, bạn mới hưởng được lợi lạc. Nhờ vậy, bạn mới hiểu được ý nghĩa "Giáo Pháp tối thượng", hay Chánh Pháp, saddhamma. Từ sự hiểu biết bằng sự nghe Pháp, bạn phát sinh ý muốn thực hành Giáo Pháp.

Trong bảy lợi ích do thiền Tứ Niệm Xứ mang lại, lợi ích đầu tiên là thanh học tâm làm cho tâm được trong sạch. Bắt đầu bằng sự giữ chánh niệm liên tục trong các hiện tượng tâm và vật chất, cùng sự vận dụng năng lực của Tinh Tấn và Tầm. Hãy tưởng tượng, trong 1 phút sẽ giữ được 60 lần chánh niệm, trong 5 phút có 300 lần chánh niệm, và trong 1 giờ có 3600 lần chánh niệm. Nếu chánh niệm kịp thời khi đối tượng vừa sinh khởi, trong khoảnh khắc này tâm không mang các ý tưởng bất thiện như ái dục hay sân hận.. Đây là kết quả tức thời của Giáo Pháp. Hành giả hiểu được sự vi điệu của Giáo Pháp. Đặc biệt khi hành giả có được sự tự tin và tín tâm nơi pháp hành, hành giả sẽ kết luận rằng đây đúng thực là Chánh Pháp. Khi vận dụng được năng lực dũng mãnh của tinh tấn, hiệu quả của tinh tấn làm ngăn chận được phiền não. Chánh niệm phát triển giúp cho tâm được an định, làm cho trí tuệ phát sinh.

Khi nghe Giáo Pháp một cách chăm chú, sẽ chế ngự được các chướng ngại tâm như ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, trạo hối, và hoài nghi. Tâm được an tịnh nhờ vậy hiểu được ý nghĩa tưng chữ từng câu của bài Pháp, cùng sự suy tư về ý nghĩa, đánh thức được sự tin tưởng cùng đức tin tiềm ẩn trong tâm, nhận thức được đây là chánh pháp. Nhờ nghe và học hỏi Giáo Pháp nên có được sự hiểu biết, nên không còn si mê.

Nếu thực hành Giáo Pháp, sẽ không buông lung theo ái dục, sân hận, nên không cư xử sai trái, tự kiểm soát được mình. Đây là sự tự thắng. Danh dự và phẩm giá được nâng cao xứng đáng là một con người. Vì không buông lung thân khẩu ý, nên không làm hại người khác. Như thế, tự bảo vệ mình sẽ giúp bảo vệ được cho người khác. Từ sự tự kiểm soát, tạo nên sư tự thắng lấy mình, đồng thời cũng giúp bảo vệ được cho người khác hay cho xã hội. Do đó, thực hành Giáo Pháp qua sự tự kiểm soát mình là nhân, tự thắng và bảo vệ được người khác là quả. Đây cũng là ý nghĩa "Khéo Thuyết Giảng" của Giáo Pháp.

Thực hành sự tự kiểm soát mình còn giúp tránh được ba điều nguy hại: (1) không tự chê trách nên không có sự buồn phiền trong tâm, (2) không bị trí nhân hay xã hội chê trách, và (3) không bị luật pháp trùng phạt vì sự biểu hiện bất thiện qua thân khẩu.

Nhờ sự tự chế và giới hạnh trong sạch nên kiếp tương lai không bị sa vào khổ cảnh. Chỉ mới bắt đầu sự giữ giới mà thành tựu được bao điều lợi lạc. Thử nghĩ xem, khi thực hành sự luyện tâm để thành đạt trí tuệ thì lợi lạc sẽ nhiều hơn biết bao!

Nếu nghe Pháp một cách cẩn thận và chăm chú sẽ đạt được sự hiểu biết, áp dụng để tu tập trở thành đệ tử của Đức Phật. Ai là người nghe Giáo Pháp một cách cẩn thận và chăm chú như vậy? Đó là bậc Thinh Văn thánh đệ tử, arya-savaka. Như đã nói qua, nếu nghe Pháp cẩn thận và chăm chú, nghe với động lực chân chánh, trong sự kính trọng mới được xem là đệ tử của Đức Phật. Khi thật sự thực hành Giáo Pháp thành đạt được kết quả mới được xem là đệ tử thật sự của Đức Phật.

Theo Chú Giải trong Thanh Tịnh Dạo, qua sự nghe Pháp một cách cẩn thận, người nghe trở thành đệ tử Đức Phật. Các bạn ở đây đang nghe Pháp từ một vị thầy thay mặt Đức Phật, nói lại những gì Đức Phật đã giảng như được ghi lại từ kinh điển. Những gì giảng giải về pháp học và pháp hành chỉ nhằm mục đích hướng dẫn giúp đỡ các bạn. Đây không phải là những lời dạy riêng của cá nhân, vì tôi, Sư Cả, không có khả năng đi xa hơn những gì Đức Phật đã tuyên dạy. Tôi, Sư Cả, chỉ dạy những gì Đức Phật dạy từ kinh điển. Các bạn hãy tự xem xét để thấy mình có nghe Pháp một cách cẩn thận hay không.

Nếu nghe với sự phê phán không có sự chú tâm đúng đắn, không thể là người thinh văn đệ tử. Nếu nghe cẩn thận chăm chú, mới được xem là thinh văn đệ tử.

Sau khi nghe, có thật sự thực hành mới được xem là hành trì đệ tử. Và khi thực hành viên mãn đạt kết quả mới được xem là đệ tử chân chánh của Đức Phật.

-ooOoo-

[10]

Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa

Mục đích của sự tu tập là làm cho trân khẩu ý trong sạch. Khi nghe Pháp với sự chú tâm cùng động lực chân chánh sẽ hiểu được Giáo Pháp, atthaveda. Khi hiểu rồi, bắt đầu thực hành và sau đó thấy rằng quả đúng là chánh pháp, dhammaveda. Đây là đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Đầu" của phẩm tính "Khéo Thuyết Giảng" của Giáo Pháp.

Đặc tính kế tiếp là "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa". Khi thật sự thực hành và thực hành đúng phương pháp như được chỉ dạy sẽ hưởng được lợi lạc. Nếu chỉ nghe suông mà không thực hành sẽ không hưởng được gì hết. Giống như chỉ nghe biết vị ngon mà không thật sự ăn, sẽ không hưởng được vị ngon này. Hành giả phải thật sự thực hành, và thực hành tích cực mới hưởng được lợi lạc của Giáo Pháp qua sự chúng nghiệm hai loại hạnh phúc an tịnh, samatha-sukha và hạnh phúc tịch tĩnh hay hạnh phúc minh sát, vipassanā-sukha. Có như vậy, hành giả mới hiểu được ý nghĩa của đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa"của Giáo Pháp.

Khi hướng tâm về đề mục và chánh niệm được giữ liên tục, tâm được an định nhờ vào ảnh hưởng của hai chi thiền tầm và tứ giúp tâm hút chặt và áp đặt tâm trên đề mục. Ảnh hưởng của hai chi thiền này xua đuổi ái dục, sân hận, cũng như các phiền não khác không cho xâm nhập tâm. Hỉ lạc phát sinh. Tâm an tịnh. Đây là hạnh phúc an tịnh, samatha-sukha, một loại hạnh phúc do thiền định đem lại.

Đối với hành giả thiền minh sát, trong khi quán sát phồng xẹp, hành giả chánh niệm vào các đối tượng xảy ra bằng tinh tấn, chuyên cần và tỉnh giác làm cho chánh niệm gắn chặt vào đối tượng, không bỏ sót. Chánh niệm xuyên thấu đối tượng, an trụ trong từng khoảnh khắc, hình thành sát na định. Đây là kết quả vận dụng năng lực của ba chi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định trong Định Học. Năng lực của chánh tinh tấn ngăn chận được phiền não, chánh niệm bảo vệ tâm, và chánh định làm cho tâm không còn giao động hình thành sự an tịnh nơi tâm trong từng khoảnh khắc. Tâm được giữ an tịnh tù thời điểm này sang thời điểm khác. Đây cũng còn là loại hạnh phúc an tịnh samatha-sukha, chưa phải là loại hạnh phúc tịch tĩnh của thiền minh sát, vipassanā-sukha. Tiếp tục thực hành, tâm trở nên an tịnh, nhuần nhuyễn, dễ dàng quán thấu đối tượng mà không chao động. Hỉ lạc phát sinh. Năng lực ngày càng mạnh mẽ của ba tâm sở thiện chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, làm cho phiền não ngày một xa dần. Tâm định mạnh mẽ hơn trước. Lúc này, hành giả có thể kinh nghiệm đối tượng ưa ghét, nhưng hành giả không còn phản ứng bằng tham sân. Trước đây khi nghe âm thanh chói tai, hành giả cảm thấy bực bội, khó chịu. Bây giờ, hành giả chỉ đơn thuần ghi nhận mà không còn phát sinh cảm xúc ưa ghét. Đây là kết quả của chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định với năng lực tăng trưởng mạnh hơn đã giúp cho tâm không còn phản ứng lại bằng tâm bất thiện, vì các tâm bất thiện đã tạm thời bị chế ngự không còn ở trong tâm. Hành giả nhận thức được sự thay đổi này nơi tâm. Khi hồi tưởng lại phản ứng của mình trong khi kinh nghiệm với đối tượng ưa ghét trong quá khứ và so sánh với phản ứng trong hiện tại, hành giả thấy rằng mình không còn bị ảnh hưởng của loại phiền não tác động, vốn biểu hiện tham sân qua thân khẩu. Do phiền não vắng bóng, hành giả kinh nghiệm sự an tịnh, tĩnh lặng nơi tâm. Các tâm sở thiện chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định tiếp tục được trau giồi để trở thành tốt đẹp hơn nữa. Đây là ý nghĩa của chữ bhāvanā, phát triển tâm linh. Phiền não tư tưởng đã được chế ngự bởi Định học. Đây là kết quả ích lợi thiền minh sát. Như Đức Phật dạy rằng phải luôn giữ chánh niệm vào mọi đối tượng khi chúng vừa sinh khởi. Vì thực hành đúng theo sự chỉ dẫn như vậy, nên hành giả hưởng được lợi lạc đúng như vậy. Đó là hai hạnh phúc an tịnh và hạnh phúc tĩnh lặng.

Bắt đầu bằng sự nghe Pháp, sau đó thực hành và cuối cùng tự mình kinh nghiệm được lợi lạc của Giáo Pháp. Hành giả hiểu được thế nào là đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa". Hành giả nào thực hành không đúng phương pháp sẽ không thể hưởng được lợi lạc này Chỉ có hành giả thực tập tinh cần và đúng phương pháp mới được bảo đảm thành tựu hai loại hạnh phúc này.

Hành giả kinh nghiệm sự rởn ốc, lành lạnh, ánh sáng, nhẹ nhàng, hay đê mê, hay cảm thấy tràn ngập sung sướng. Tiếp tục thực hành, gia tăng sức mạnh của sát na định, hành giả sẽ phát triển được tuệ minh sát như phân biệt được tâm và vật chất, hay danh sắc, hiểu được tương quan nhân duyên, và tiến xa hơn khi hiểu được ba đặc tướng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của các hiện tượng tâm và vật chất. Khi phát triển được sát na định mạnh mẽ hơn nữa, hành giả sẽ thấy được sự sinh diệt mau lẹ của các pháp. Lúc này, hành giả sẽ kinh nghiệm hỉ lạc với cường độ mạnh hơn, hoặc cảm giác nhấc bổng, lơ lững, hay sự sung sướng tràn ngập làm cho hành giả không muốn mở mắt. Không còn giao động, phóng dật, chỉ có hỉ lạc, thanh tịnh, tĩnh lặng. Hành giả đang kinh nghiệm niềm vui pháp bảo. Tâm tĩnh lặng chú tâm theo dõi liên tục sự sinh diệt của các pháp. Hành giả thực chứng được hương vị Giáo Pháp.

Kinh Pháp Cú câu 374, diễn tả:

Người luôn luôn chánh niệm
Sự sinh diệt các uẩn
Được hoan hỉ hân hoan
Chỉ bậc Bất Tử biết!

Khi hành giả thành đạt tuệ sinh diệt, udhayabbaya-ñāṇa, kinh nghiệm hỉ lạc phi thường, hành giả được xem như có đủ phẩm tính để tiếp tục đi về nơi Bất Tử, hay còn gọi là Niết Bàn. Ở giai đoạn này, hành giả không còn ý muốn bỏ dở việc tu tập, trái lại có sự thôi thúc quyết tâm tiếp tục hành trì để thành đạt cho được mục tiêu ngay trong kiếp sống này. Khi kinh nghiệm được sự sinh diệt, hành giả sẽ chứng nghiệm được pháp hỉ, một loại hạnh phúc khó quên. Đây 1à kết quả viên mãn của Định học, nhờ thực hành đúng phương pháp, nên đạt kết quả đúng là sự thành đạt tuệ minh sát thấy được sự sinh diệt, kinh nghiệm được hạnh phúc Giáo Pháp.

Khi dùng vật gì một thời gian sau trở nên cũ kỷ, người ta vất bỏ và mua vật mới. Hạnh phúc Giáo Pháp khác hẳn, loại hạnh phúc luôn luôn mới mẻ, không bao giờ cũ, tự nó tốt luôn luôn. Đây là loại hạnh phúc siêu phàm vượt trội hơn loại hạnh phúc của người và chư thiên. Đây là một phẩm tính siêu việt của hạnh phúc minh sát. Những ai nghĩ rằng hạnh phúc ngũ dục hay hạnh phúc thế tục là cao nhất, bây giờ kinh nghiệm được hạnh phúc Giáo Pháp mới thấy rằng hạnh phúc thế tục rất nhỏ nhoi, không thể sánh nổi với hạnh phúc Giáo Pháp vượt trội không biết bao nhiêu lần. Nhờ chính bản thân thực hành và chứng nghiệm loại hạnh phúc này, nên hành giả cảm thấy đầy tự tin, tràn ngập tín tâm nơi pháp hành. Hành giả muốn thực hành nhiều hơn nữa bao lâu mà thời giờ còn cho phép. Đây cũng là ý chí phát xuất từ sự chứng nghiệm hạnh phúc an tịnh sang hạnh phúc tĩnh lặng khi hành thiền minh sát.

Trong Kinh Pháp Cú, câu 290, Đức Phật sách tấn:

Nhờ từ bỏ lạc nhỏ
Thấy được lạc lớn hơn
Bậc trí bỏ lạc nhỏ
Thấy được lạc lớn hơn!

Hạnh phúc thế tục thuộc loại hạnh phúc pha trộn, vyāseka-sukha, không thanh khiết. Thực hành thiền minh sát đưa đến sự chứng nghiệm hạnh phúc Giáo Pháp là loại hạnh phúc thanh khiết, avyāseka-sukha, và cuối cùng sẽ thành đạt loại hạnh phúc tột cùng, đó là hạnh phúc tịch tĩnh, santi-sukha, một loại hạnh phúc bảo đảm.

Các bạn thực hành Giáo Pháp cũng nhằm mục đích thành tựu loại hạnh phúc tột cùng này. Vì ý thức như vậy bạn thấy mình đã quyết định đúng khi bỏ hạnh phúc thế tục đằng sau để đến đây tham dự khóa thiền. Sư mong các bạn thực hành một cách cẩn trọng và nghiêm túc.

-ooOoo-

[11]

Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối

Theo Chú Giải, khi thật sự thực hành và thực hành hiệu quả, hành giả sẽ thành đạt hai loại hạnh phúc: hạnh phúc thiền định, samatha-sukha, và hạnh phúc minh sát, vipassanā-sukha, cuối cùng đưa tới hạnh phúc tịch tỉnh, santi-sukha, là loại hạnh phúc trong sạch thanh cao. Phẩm chất "Khéo Tuyên Giảng" của Giáo Pháp biểu hiện với ba đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Đầu" là 1úc nghe và hiểu phương pháp thực hành, "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa" là lúc thật sự thực hành, và "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối" là khi thực hành có kết quả. Hai đặc tính đầu đã được bàn qua, bây giờ chúng ta nói đến đặc tính cuối "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối".

Cũng theo Chú Giải, cần phải thực hành đúng phương pháp theo như Đức Phật chỉ dạy, không phải theo ý riêng của cá nhân, và phải thực hành cho đến mức độ nào đó thì hành giả mới kinh nghiệm được hai loại hạnh phúc đầu tiên: hạnh phúc thiền định và hạnh phúc minh sát. Giống như khi mới tập viết, cần phải viết trong hai đường kẽ, để giữ cho chữ viết không bị lên xuống khó coi. Hay giống như khi cưa, muốn đạt đúng kích thước, phải cưa theo đường chuẩn đã vạch trước trên thanh gỗ. Cùng thế ấy, muốn đạt được hai loại hạnh phúc trên, cần phải thực hành tinh cần, đúng phương pháp như Đức Phật chỉ dạy, patipada, và phải thực hành với phương cách như vậy cho đến khi tẩy sạch tất cả ô nhiễm nơi tâm, trở thành A La Hán, người hoàn toàn giác ngộ, chứng đạt tầng thánh cuối cùng. Hành giả khi hành thiền nên nuôi dưỡng ý định thực chứng được bốn tầng thánh, từ Tu Đà Hườn, sotāpanna, đến Tư Đà Hàm, sakadāgāmi, A Na Hàm, anāgāmi, và cuối cùng A La Hán, arahanta, để thành đạt hạnh phúc tịch tĩnh santi sukha.

Thực hành thiền minh sát qua sự theo dõi liên tục vào đối tượng ngày qua ngày sẽ giúp chánh niệm mạnh dần, tăng trưởng khả năng chế ngự phiền não của tâm. Hành giả thực hành để tiếp tục phát triển những điều thiện lành cần được phát triển theo đúng ý nghĩa của sự đào luyện ý, bhāvanā. Khi thành đạt tuệ minh sát, bắt đầu bằng sự phân biệt tâm và vật chất giúp xóa bỏ tà kiến về bản ngã, tôi, ta. Hiểu được tương quan nhân quả của các hiện tượng giúp xóa bỏ tà kiến về sự hiện hữu của một đấng Tạo Hóa, Thượng Đế, hay cho rằng chẳng có nhân quả. Hành giả không còn tin vào những điều như vậy. Và khi thấy các pháp vô thường, nên không tin vào thường còn, hiểu được khổ, nên không còn cho là vui sướng, và hiểu được vô ngã, nên không còn tin vào bản ngã thường còn. Khi thấy sự sinh diệt của các pháp, hành giả từ bỏ thường kiến và đoạn kiến. Cho đến khi đạt đến tuệ Diệt, bhanga ñāṇa, tuệ giác thấy được sự diệt của các pháp, hành giả kinh nghiệm sự diệt của đối tượng quán sát và tâm ghi nhận đối tượng theo từng cặp đôi một cách mau lẹ. Khi đạt tuệ minh sát cao hơn nữa, tuệ Xả Hành, sankhārupekkhā ñāṇa, tâm trở nên nhu nhuyễn có khả năng chịu đựng những gì tốt xấu, hợp ý hay trái ý. Dù chưa thành đạt A La Hán, nhưng tâm lúc này có sự an nhiên tự tại, như tâm của vị A La Hán. Tiếp tục tu tập, cho đến khi thực chứng Đạo Quả A La Hán, sẽ viên mãn được sức mạnh an nhiên tự tại, quân bình, thường trực nơi tâm. Đây là kết quả của sự tu tập, phản ảnh đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối", pariyosāna kalyāṇa.

Khi tâm không được tu luyện, tâm rất non yếu, thường bị chế ngự bởi sự tốt xấu của đối tượng. Với đối tượng ưa thích, tham phát sinh; với đối tượng không ưa thích, sân hận phát sinh. Tâm luôn luôn bị phiền não chế ngự, trở nên mất thăng bằng, dễ nhạy cảm với các đối tượng ưa ghét. Khi thực hành thiền minh sát, tâm được chánh niệm bảo vệ không bị phiền não chi phối, tâm trở nên quân bình, thăng bằng. Trong đời sống phức tạp hàng ngày, con người va chạm, tiếp xúc với các đối tượng ưa ghét. Tâm hay phản ứng dưới hình thức vui buồn, yêu ghét, tạo nên sự căng thẳng, lo âu, khủng hoảng, có khi đưa đến quyên sinh. Tất cả cũng vì sự chế ngự của phiền não. Muốn thoát khỏi phiền não, phải thực hành thiền Minh Sát. Bằng cách giữ chánh niệm, ghi nhận kịp thời mọi hiện tượng, làm cho phiền não suy yếu, tâm được chánh niệm bảo vệ trở nên khỏe mạnh, an tịnh nên có khả năng chịu đựng mọi hoàn cảnh tốt xấu trong đời. Sự tu tập giúp phát triển trí tuệ xóa bỏ Vô Minh. Tâm được phát triển, trở nên linh hoạt, lành mạnh không còn tham ái, sân hận, nhờ kết quả của sức mạnh Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định trong nhóm Định học. Tâm con người vốn mang sẵn Vô Minh, và tham ái từ các kiếp trước. Mặc dù thể xác con người tăng trưởng, nhưng tâm không bao giờ tăng trưởng. Tuổi có c, nhưng tâm vẫn luôn non yếu, không chống chọi được phiền não. Giống như khi cây còn non không đủ khả năng chịu đựng thời tiết, nắng mưa. Đến khi đã lớn mạnh, cây có khả năng chịu đựng tốt hơn. Tâm khi được phát triển trở nên trưởng thành có khả năng chống lại phiền não, không còn bị đối tượng ưa ghét làm ảnh hưởng tâm. Do đó, nếu không tu luyện, tâm sẽ không bao giờ trưởng thành. Như vậy, bằng sự thực hành thiền minh sát viên mãn, tâm phát triển hoàn toàn, trở nên an nhiên tự tại, tadhibava. Đây là phẩm tính của bậc A La Hán. Các ngài không còn bị lay động, ảnh hưởng trước Tám Pháp Thế Gian. Phẩm chất này biểu hiện của đặc tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối" của Giáo Pháp.

Khi đạt đến tuệ Xả Hành, tâm luôn quân bình không ưa ghét, tâm không bao giờ rời khỏi đề mục quán sát. Do chánh niệm luôn liên tục, dù có hướng về đề mục mang tính chất ái dục hay sân hận, tâm cũng không bị ảnh hưởng, tâm chạy trở về với đề mục đang quán sát Đây là hiệu ứng thu hồi của tâm. Giống như hiệu ứng thu hồi của thanh boomerang. Khi được ném trúng mục tiêu, thanh boomerang tự động quay trở về tay người ném. Ở tuệ Xả Hành, chánh niệm luôn gắn chặt vào đối tượng một cách tuyệt diệu. Kinh điển diễn tả như sau: "Khi tâm vị Tỳ Khưu đã hoàn toàn xóa sạch ô nhiễm, không còn vui buồn đối với những gì nhìn thấy, vị này an trú trong sự quân bình nơi tâm với chánh niệm và tỉnh giác hoàn toàn."

Thực hành thiền minh sát thành công sẽ phát triển được các tuệ giác. Sức mạnh của các tuệ giác tạm thời ngăn chận được phiền não, "tạm thời" vì chưa phải là vĩnh viễn. Hành giả đạt được sự bình an hạnh phúc tạm thời, một loại hạnh phúc minh sát. Chỉ đến khi chứng nghiệm sự diệt tận của danh sắc, hành giả mới thành đạt loại hạnh phúc cuối cùng, accanta santi, loại hạnh phúc bình an cao tột. Đây là phẩm tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối" của Giáo Pháp.

Trước khi đạt đến giai đoạn kinh nghiệm sự diệt tận của danh sắc, hành giả kinh nghiệm được trạng thái lục căn xả thọ, chalanguppekhā. Hành giả thản nhiên nhìn sự diệt tận của các đối tượng qua lục căn. Tâm trở nên an nhàn trước thế gian pháp. Cho đến khi thành tựu Đạo Quả A La Hán, mới thật sự có được lục căn xả thọ một cách vĩnh viễn.

Cho dù chưa đạt đến tầng thánh cuối cùng, thành đạt tầng thánh Tu Đà Hườn cũng đủ bảo đảm không còn đọa vào bốn khổ cảnh. Đây cũng là phẩm chất Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối của Giáo Pháp.

Bắt đầu từ lúc nghe Giáo Pháp một cách chăm chú, phiền não bị chế ngự, tâm được thanh tịnh, bạn hiểu được phẩm tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Đầu". Khi thật sự thực hành, hưởng được hạnh phúc Giáo Pháp tức thời, bạn hiểu được phẩm tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Giữa". Khi thành tựu tầng thánh cuối cùng, kinh nghiệm hạnh nhúc Niết Bàn, bạn hiểu được phẩm tính "Tốt Đẹp Ở Chặng Cuối".

Và như vậy, qua sự thực hành Tam Học, Giới-Định-Huệ viên mãn, bạn thực sự hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của phẩm tính "Khéo Tuyên Giảng" của Giáo Pháp.

-ooOoo-

[12]

Người Bạn Đạo Lý Tưởng

Trong mấy ngày qua, chúng ta bàn về phiền não, nguyên nhân đau khổ của con người. Có ba loại phiền não: (1) phiền não tác động thuộc loại thô, (2) phiền não tư tưởng thuộc loại trung, và (3) phiền não ngủ ngầm thuộc loại vi tế. Phiền não ngủ ngầm không thường hiển lộ, chỉ khi có điều kiện thuận tiện sẽ sinh khởi trong tâm, trở thành phiền não tư tưởng, biến thành phiền não tác động, để cuối cùng biểu lộ qua hành động và lời nói bất thiện. Phiền não ngủ ngầm hình thành khi tâm tiếp xúc với đối tượng ưa ghét, làm phát sinh ngã mạn, sân hận, ác ý, v.v..Ngay trong khoảnh khắc này, phiền não tư tưởng hình thành trong tâm, tâm thiện lành biến mất. Tâm bị quấy nhiễu bằng tư tưởng bất thiện. Sau đó, tù tư tưởng, biến thành phiền não tác động, bộc phát ra hành động và lời nói. Có thể so sánh phiền não ngủ ngầm giống như một người đang ngủ, phiền não tư tưởng giống như khi người nầy thức giấc, và phiền não tác động giống như khi người này rời khỏi giường. Phiền não ngủ ngầm được tận diệt bằng Tuệ Học qua sự phát triển tuệ Minh Sát và Thánh Đạo. Phiền não tư tường được chế ngự bằng Định Học qua hai phương pháp ngăn ngừa và tận diệt. Phiền não tác động được chế ngự nhờ Giới Học.

Chúng ta còn đề cập đến tiến triển trong thiền Minh Sát. Tuy nhiên, vì muốn cho hành già tự chứng nghiệm qua thực hành nên không trình bày chi tiết. Hơn nữa về phương diện thực hành, biết quá nhiều chi tiết sẽ không có lợi cho hành giả. Giống như khi làm toán, người thầy chỉ cho biết phương pháp mà không cho biết trước đáp sô. Nếu làm đúng sẽ đạt đúng đáp số. Tương tự, thiền sư chỉ là người giúp hành giả thực hành cho đúng phương pháp. Nếu hành đúng, sẽ đạt kết quả đúng. Ngoài ra, khi đề cập sơ lược các tuệ Minh Sát chỉ nhằm khích lệ độc hành giả thêm tinh tấn trong sự tu tập.

Hôm nay chúng ta bắt đầu bàn về bài kinh "Phát Triển Tâm Linh".

Sự tu tập Tam Học, Giới-Định-Huệ, giúp khắc phục được ba loại phiền não thô, trung và vi tế. Kết quả làm cho thân, khẩu, ý được trong sạch, biểu hiện qua sự cư xử hòa nhã, dễ mến. Đây là lợi lạc tức thời của sự tu tập Giới-Định-Huệ. "Bhāvanā" là sự tu tập đòi hỏi kỷ luật cao, nhằm rèn luyện tâm và phát triển trí tuệ. Giới hạnh được coi là thiết yếu cho mọi người. Giới học làm cho bạn sống đúng với ý nghĩa "con người". Với khả năng định tâm, tâm được kiểm soát, Định học tạo cho tâm có bản chất thực sự đúng ý nghĩa "tâm của con người". Hành thiền Minh Sát, phát triển trí tuệ, thành đạt Đạo Quả, trở thành thánh nhân, Tuệ học làm cho bạn trở nên "người cao thượng", một con người hơn người bình thường.

Bậc hiện trí dạy rằng, bạn nên "tự mình làm người bạn tốt cho xã hội, cũng như tự mình tìm người bạn tốt cho mình". Hay nói cách khác, bạn nên trở thành một thành viên tốt cho gia đình, xã hội, quốc gia, và tìm bạn tốt cho chính mình. Nhờ thực hành thiền minh sát, bạn tư luyện được thân khẩu ý trong sạch và phát triển trí tuệ, trở nên người thiện lành, một thành viên tốt, một người hơn người bình thường. Bạn cần phải giúp người khác thực hành thiền minh sát để họ cũng trở nên tốt giống như bạn.Và bạn cần phải luôn trau giồi sao cho xứng đáng là một người gương mẫu để người khác noi theo. Được như vậy, bạn giúp cho tất cả mọi người trong gia đình, xã hội, quốc gia, đến thế giới, có được sự cư xử hòa nhã, thân khẩu ý thiện lành tốt đẹp. Đối với Đức Phật, khi còn là Bồ Tát, ngài thực hành Ba La Mật, ngài là người gương mẫu, luôn luôn giúp người giúp đời. Khi trở thành Phật, ngài viên mãn Giới-Định-Huệ. Với Minh Hạnh Túc, ngài có đầy đủ trí tuệ hiểu rõ đâu là đúng sai để dạy chúng sanh, và với tâm Đại Bi, ngài hướng dẫn chúng sanh theo Chánh Pháp. Do sự vẹn toàn Giới Hạnh và Trí Tuệ, ngài chỉ dạy chúng sanh, giúp họ tu tập để có thân khẩu ý trong sạch và phát triển trí tuệ để họ trở nên một con người hoàn hảo. Ngài là người gương mẫu để cho người khác noi theo. Do đó, nếu bạn tu tập để mình được trong sạch, và chỉ người khác tu tập sao cho tất cả mọi người được trong sạch, kết quả là gia đình, xã hội, quốc gia, thế giới được tốt đẹp thì cuộc đời này được hạnh phúc biết bao!

Vào thời Đức Phật, có ẩn sĩ Sesaka Paripacheva, chủ trương Ngã kiến, attavada, nổi tiếng học rộng và rất hãnh diện về mình. Sau khi gặp Đức Phật chỉ dạy, vị này kính phục và ca tụng Đức Phật qua kệ ngôn "danto sobhagava damathaya dammamdeseti". Ý nghĩa: "Đức Phật là người xứng đáng để nương tựa. Ngài phát triển chính mình được tốt đẹp, nên có động lực giúp người khác được tốt đẹp. Do vậy mà Ngài tuyên dạy Giáo Pháp."

Đức Phật nhờ tu tập Giới Định Huệ, nên Ngài hoàn toàn trong sạch khỏi ba loại phiền não. Ngài trở nên người tốt đẹp. Sau khi thành đạo, Ngài không quên chúng sanh. Do tâm Đại Bi, Ngài thệ nguyện cứu giúp họ thoát khỏi đau khổ. Bậc trí nhân thường nói "Ở đâu có bạn lành, ở đó có hạnh phúc." Đức Phật chính Ngài tìm được hạnh phúc, nên Ngài muốn chúng sanh cũng được hạnh phúc. Noi theo tinh thần này, bạn hãy tự tập theo lời Phật dạy. Bạn không mất mát gì hết, bạn luôn luôn được lợi lạc!

Theo Đức Phật, người bạn lành hay người bạn đạo lý tưởng, kalyāṇa-mitta, là mẫu người mang đủ bảy phẩm tính:

(1) Dễ mến, piya : Người dễ mến, có đức hạnh, chân thật, sẵn sàng giúp người khác.

(2) Được kính trọng, garu: Người có tâm trong sạch, có trí tuệ, thánh trí, hơn người thường. Có trí tuệ, biết đúng sai, nên có khả năng dạy người khác đi trên chánh đạo.

(3) Được người khác dùng làm đối tượng để rãi tâm từ ái, bhavaniya: Do kết quả từ hai đức tính dễ mến và kính trọng, nên người này được người khác rãi tâm từ.

(4) Có khả năng chỉ lỗi cho người khác để xây dựng, vattāra: Thay vì ngó lơ, người này có tâm ý thiện, chỉ giúp lỗi lầm, để giúp người được tốt đẹp.

(5) Có khả năng nhẫn nhục khi bị phê bình, vasanakkama: Không ngã mạn nghĩ mình là vị thầy khi bị phê bình. Dám chấp nhận để sửa sai.

(6) Có khả năng dạy những điều thâm sâu trong Giáo Pháp, gambhira katham: Giảng dạy Thiền Tứ Niệm Xứ về cả hai lý thuyết và thực hành. Khả năng giảng dạy một cách đơn giản cho người khác hiểu được nghĩa lý thâm sâu của Giáo Pháp.

(7) Không lợi dụng bạn hay học trò để được lợi cho cá nhân, atthane no sa ni yogita.

Một người bạn đạo hội đủ 7 phẩm tính như vậy sẽ có khả năng giúp cộng đồng, xã hội có được những thành viên đầy đủ trí đức hơn người bình thường. Người này cũng là một gương mẫu để người khác noi theo, đồng thời cũng chỉ dạy được người khác trở thành người tốt đẹp. Và như vậy làm cho gia đình, xã hội, quốc gia, và thế giới được an vui hạnh phúc, không bị đau khổ trong vòng luân hồi vô tận.

Đáng tiếc thay, người bạn đạo lý tưởng như vậy rất hiếm. Vì rằng nếu chính mình không phải là người bạn lành cho chính mình, sẽ không là người bạn lành cho người khác, và do đó không thể giúp cho người khác trở nên người bạn lành. Thế nên, hãy tự tư sửa mình trước nhằm trở thành người bạn đạo lý tưởng. Đức Phật chính Ngài tu tập trở nên người bạn đạo cao thượng nhất cho chính Ngài, và trở thành người bạn đạo cao thượng cho chúng sanh. Với lòng bi mẫn, Ngài không vị kỷ quay lưng bỏ quên chúng sanh, trái lại Ngài hướng dẫn chúng sanh bằng Từ Bi Trí Tuệ để họ trở nên người tốt đẹp. Bạn hãy tu tập cho chính mình, sau đó hãy giúp đỡ người khác như người thân gần gũi, bạn bè, giúp hướng dẫn họ cùng thực hành Chánh Pháp.

Muốn được như thế, trước hết hãy tu tập bằng Giới học, hành thiền để thành đạt Định học, và thực hành viên mãn Tuệ học, để trở thành người bạn đạo lý

tưởng cho chính mình, trở thành người bạn đạo lý tưởng cho người khác, và giúp người khác cũng trở thành người bạn đạo lý tưởng. Nếu có khả năng thực hành Tứ Niệm Xứ, sẽ làm cho thân khẩu ý trong sạch, có sự cư xử hòa nhã, dễ mến, tạo được hạnh phúc cho mình và cho hạnh phúc người khác. Để rồi an vui hạnh phúc được tạo từ cá nhân này sang cá nhân khác, cuối cùng toàn thể thế giới được an vui hạnh phúc. Đây là ý nghĩa của bài kinh "Phát Triển Tâm Linh". Nếu ai thực hành dễ duôi, lãng phí thời giờ, buông lung theo dục lạc, dù mong ước được tiến bộ, cũng không thể nào thành sự thật!

-ooOoo-

[13]

Vai Trò Cần Thiết Của Sự Luyện Tâm

Chúng ta đã nói về sự tu tập Giới-Định-Huệ giúp cá nhân có được một nhân cách thật sự, mang tâm tính thật sự của một con người, và có trí tuệ, trở thành người cao thượng hơn người thường. Khi tu tập có kết quả như vậy, bạn nên thúc đẩy người khác tu tập để có kết quả như mình. Phẩm giá cả hai được nâng cao. Bạn trở thành gương mẫu cho người khác noi theo. Bạn luôn luôn đề cao sự tu tập. Bạn trở nên người bạn đạo lý tưởng cho xã hội và giúp người khác cũng trở thành người bạn đạo lý tưởng. Nếu tất cả cá nhân trong thế giới đều được như vậy, tất cả đều là bạn lành với nhau thì cuộc đời này sẽ êm đẹp, dù rằng tất cả chúng ta đang nổi trôi trong luân hồi vô tận.

Sống có giới hạnh là tự thắng mình. Tự thắng mình để được trong sạch là chiến thắng tốt hơn chiến thắng để được địa vị, quyền lực, công danh, vật chất, hay các chiến thắng dùng đến vũ khí: Bằng sự tu tập để tự thắng được mình, bạn trở nên một người bạn đạo tốt đem sự an vui hạnh phúc cho gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới. Điều này không thể ước muốn suông thôi mà có được. Bây giờ chúng ta tiếp tục bàn về bài kinh "Phát Triển Tâm Linh", sau đó giải thích ý nghĩa theo hai khía cạnh lý thuyết và thực hành.

Khuynh hướng chung của con người là chú trọng sự phát triển vật chất mà bỏ quên sự phát triển đạo đức. Muốn cho cuộc sống được an vui hạnh phúc, cần phải tu tập Giới-Định-Huệ để rèn luyện bản thân, tự thắng được mình. Nếu không như vậy, sẽ không có được an vui hạnh phúc. Nếu chỉ ước muốn suông sao cho mình và mọi người được an vui, mà không thực hành theo một phương pháp thích nghi có hiệu quả, thì chỉ có ước muốn mà không có lợi ích cụ thể nào cả.

Bao lâu chưa tu tập Giới-Định-Huệ, không thực hành thiền Tứ Niệm Xứ để phát triển trí tuệ, bạn vẫn còn chấp vào thân tâm này nên dính mắc hai tà kiến dục thủ, chấp giữ ngũ dục, và kiến thủ, gồm tà kiến về linh hồn và Thượng Đế. Nếu chỉ ước suông sao cho loại trừ được hai loại chấp thủ này thì không bao giờ thực hiện được. Đức Phật dạy như sau:

"Này các Tỳ Khưu, Tỳ Khưu không tự mình cố gắng phát triển tâm mình bằng thiền tập, sinh khởi ước muốn "Mong rằng tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ!." Tuy vậy, tâm vị nầy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không tu tập cái gì?. ."

Theo nội dung đoạn kinh vừa qua, nếu chỉ ước suông mà không tu tập theo một phương pháp đúng đắn thì không thể khắc phục được hai loại chấp giữ này: dục thủ và kiến thủ. Và, nếu không tu tập theo phương pháp đúng đắn sẽ không mang lại kết quả. Ở đây, Đức Phật đặt vấn đề, sau đó nêu lên câu hỏi, và chính ngài giải đáp. "Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không tu tập cái gì?..."

Ngài dạy rằng, cần phải tu tập 37 Phẩm Trợ Đạo, đó là: (1) Tứ Niệm Xứ, (2) Tứ Chánh Cần, (3) Tứ Như Ý Túc, (4) Ngũ Căn, (5) Ngũ Lực, (6) Thất Giác Chi, và (7) Bát Chánh Đạo.

Do vậy, vì không tu tập bảy nhóm này để phát triển những gì cần phát triển nên tâm không thoát khỏi dục thủ và kiến thủ. Do đó, mỗi khi tiếp xúc với sự vật qua lục căn, tâm bị ô nhiễm xâm nhập các căn, phát sinh sự dính mắc, ưa ghét, tham sân hay tin vào linh hồn, Thượng Đế. Vì không chánh niệm, nên không hiểu được bản chất của các hiện tượng. Vô minh chế ngự tâm qua hai hình thức: không hiểu biết và hiểu biết sai.

Đức Phật còn dùng thí dụ gà ấp trứng để cho thấy ước muốn suông không tạo kết quả. "Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà, không được con gà mái ấp nằm đúng cách, không được ấp nóng đúng cách, không được ấp dưỡng đúng cách. Dầu cho con gà mái ấy khởi lên ý muốn. "Mong rằng những con gà con của ta, với chân móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn. Tuy vậy, các con gà con ấy không có thể, với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được sanh ra một cách an toàn!"

Trong đoạn kinh này cho thấy nếu chính tự thân gà không lo ấp, không lo làm những gì cần làm, không ấp đúng cách, mà chỉ ước suông mong cho trứng nở thành gà con, thì không bao giờ có được. Cũng vậy, đối với hành giả, nếu tự mình không tu tập để trở nên người bạn lành, cũng như không thúc giục người khác tu tập để trở nên người bạn lành, để tạo được thế giới an vui, dù ước muốn có nhiều mấy cũng không thể nào thành sự thật. Không tu tập, sẽ tiếp tục chấp vào dục thủ và tà kiến thủ, không thể nào xóa bỏ được những ô nhiễm này.

Đa số con người đều tin rằng, đời sống cá nhân sẽ được nâng cao qua sự phát triển về vật chất, khoa học kỹ thuật, y tế, xã hội, hay chánh trị v.v.. Dù rằng các sự phát triển thế tục này có làm cho con người thăng tiến hơn, nhưng chúng không tạo được hòa bình và an ninh cho thế giới. Cho dù làm việc miệt mài ngày đêm, bỏ nhiều thì giờ vào nghiên cứu và phát triển, làm cho quốc gia này giàu mạnh, phát triển hơn quốc gia khác, nhưng vẫn không giúp được các vấn đề tâm thần như căng thẳng, lo âu, sợ hãi, thất vọng, v.v... Dù đạt được cuộc sống cao về vật chất, nhưng vẫn chưa đạt được mục đích tối thượng mong muốn, con người vẫn còn bị đau khổ bởi các vấn đề tâm thần, những bệnh tật của tâm, không dễ gì giải quyết được. Các thành tựu về khoa học kỹ thuật, y học, vẫn chưa đưa ra giải pháp bảo đảm nào cho các vấn đề này.

Trong dịp trao đổi giữa một khoa học gia người Anh và một viên chức tòa Đại sứ người Á châu về các vấn đề xã hội tôn giáo, vị khoa học gia này nói rằng, sau thế chiến thứ hai, Anh quốc tập trung vào việc tìm tòi sáng chế để phát triền khoa học kỹ thuật. Vì phải vận dụng trí óc quá nhiều, làm việc với các vấn đề khoa học ngày một thêm phức tạp, nên làm cho các khoa học gia phải dùng đến thuốc an thần. Vì chỉ chuyên về khoa học kỹ thuật, nên các vị này thấy bối rối không biết làm sao giúp được cho chính họ khỏi các vấn đề căng thẳng, lo âu, thuộc về tâm thần này. Họ tìm đến sự thực hành theo Ấn Độ Giáo, thực tập yoga, nhưng thấy rằng yoga chỉ đem lại giải pháp tạm thời mà thôi. Đến khi nghiên cứu Phật Giáo, mới thấy rằng phương pháp thực hành của Đức Phật là thực tế, cụ thể. Sau khi thực hành, họ thấy rất lợi ích, nên tin rằng đây mới là giải pháp đúng đắn mà họ mong tìm. Đây chỉ là nhận xét riêng của cá nhân vị khoa học gia này. Tôi được nghe kể lại từ vị viên chức tòa Đại sứ, người trao đổi với vị khoa học gia nọ.

Cách đây 10 năm, khi hướng dẫn khóa thiền ở Yucca Valley, thuộc Califomia, Sư Cả nói rằng xứ này giống như cõi chư thiên, chỉ có bấm nút thôi là có đủ thứ. Một thiền sinh nói với Sư Cả "Bạch Sư, sự thật là chúng con bị khổ vì dù ở trong phòng điều hòa mát mẻ, nhưng chúng con luôn luôn cảm thấy tim mình nóng như lửa."

Do đó, các bạn thấy rằng ở quốc gia này, người ta cố gắng phát triển khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao cuộc sống cho con người, nhưng chỉ có hiệu quả ở bên ngoài thân này, còn trong tâm, con người vẫn còn bị lửa phiền não tham sân si, đốt cháy ngày đêm.

Ở Thiền Viện Hse Min Gon, Panditarama Forest Center, Miến Điện, sau khi tham dự khóa thiền dài hai tháng, trước khi về nước, một thiền sinh đã nói như sau: "Bây giờ, con mới sống được an vui hạnh phúc, và biết cách sống sao cho được an vui hạnh phúc, cũng như con đã biết được nơi an trú thật sự để có an vui hạnh phúc. Con thấy rằng, Miến điện là quốc gia tốt nhất, có đủ điều kiện tốt đẹp cho sự thực hành thiền Minh Sát." Đây là những nhận xét sau khóa thiền, phát xuất từ kết quả thiền tập và phản ảnh trung thực tâm của thiền sinh.

Một câu chuyện khác, Sư muốn kể thêm. Sau khi đến Thiền Viện này được bảy ngày, có một gia đình Phật tử gồm hai vợ chồng và ba người con, từ Oakland đến thăm Sư. Lúc trước, hai vợ chồng có đến hành thiền tại trung tâm của Sư. Người chồng tu được 1 tháng, phải về trước, người vợ ở lại tu 3 tháng, đạt được kết quả tốt, và rất cảm kích Giáo Pháp. Thời gian sau, họ có được ba đứa con, lớn nhất 16, 14, và 9 tuổi. Lần nào gặp, họ luôn nói rằng các cháu rất ngoan ngoãn hiền lành. Cả hai vợ chồng đều tin rằng đây là kết quả có được từ thiền tập. Do cha mẹ thực hành thiền Minh Sát, có được giới hạnh, tâm tánh thiện lành, nên họ tạo được ảnh hường thiện lành này cho các con của họ. Họ mới đúng là người bạn đạo lý tưởng cho gia đình và con cái.

Thế nên, muốn có được một cuộc sống an vui hạnh phúc, trước hết bạn cần tu tập để trở nên người bạn đạo lý tưởng. Nhờ vậy, bạn giúp được những người trong gia đình bạn trở thành những bạn đạo lý tưởng. Giống như hạt giống tốt sẽ tạo cây tốt. Là cha mẹ, bạn tu tập theo Giáo Pháp, con bạn sẽ là những người tốt, cũng như trong quan hệ thầy trò, hễ thầy tốt thì trò tốt.

Tóm lại, khoa học kỹ thuật giúp cải thiện cuộc sống vật chất đem lại hạnh phúc cho thân, nhưng không đem lại được hạnh phúc cho tâm. Muốn tạo an vui hạnh phúc cho chính mình, trước hết hãy tự mình tu tập theo Tam Học, Giới-Đinh-Huệ, để trở thành Người Bạn Đạo Lý Tưởng, một người có một nhân cách thật sự, mang tâm tính thật sự của một con người, và có trí tuệ, trở thành người cao thượng hơn người bình thường. Sau đó, giúp người khác cũng trở thành Người Bạn Đạo Lý Tưởng. Từ cá nhân này sang cá nhân khác, rồi đến thế giới, nếu tất cả có được phẩm tính của Người Bạn Đạo Lý Tưởng, thì thế giới sẽ được an vui hạnh phúc. Muốn thế, chúng ta phái thực hành pháp Tứ Niệm Xứ, một pháp tu đúng đắn và hiệu quả nhất. Cầu mong các bạn hành thiền tốt đẹp.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Hồ Trung Mỹ đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2005).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
30-08-2005