Pháp trích lụcHuỳnh Văn Niệm soạn dịchSài Gòn, 1973 (PL 2517)
Lời tựaTư cách chẳng làm điều dữ Cũng như vua Mi Lan Ðà muốn làm cho Ðức Na Tiên bí lối, một trí giả có tánh hay ngụy biện thời Trung Cổ hỏi nhà hiền triết Hy Lạp: "Vậy trên thế gian này việc gì khó làm nhứt?" Nhưng ông ta hết sức ngớ ngẩn không hiểu gì cả khi nghe nhà hiền triết trả lời: "Việc khó làm nhứt là học để tự biết lấy mình" Câu này đồng nghĩa với câu "Tu để thấy tánh thành Phật" mà chúng ta thường được xem qua trong các kinh sách. Mà thật vậy, đã trải qua nhiều thế hệ, các bậc thánh nhân, các nhà hiền triết, các tư tưởng gia đều không ngớt tìm hiểu cái thực chất của con người là thế nào. Các ngài khám phá trong con người có nhiều đặc tính trái nghịch nhau: Khi thì chìm đắm xuống tận đáy sâu của tội lỗi, khi thì vượt lên điểm cùng tột của giới đức thanh cao. Trong mỗi cá nhân thường có hai hạng người: lúc thì tượng trưng cho loài yêu quái hung tàn, khi thì thánh thiện như bậc đại hiền cao quý. Những nghi vấn về nhân loại là bài toán rắc rối nhứt, suốt sáu ngàn năm lịch sử thế giới đã làm bận lòng biết bao nhà tâm lý học, huyền học, triết luận..., đã làm mệt mỏi biết bao ngòi bút đặc sắc, đã làm rối rắm những câu ngôn ngữ hùng hồn, đã làm điên đảo nhiều trí óc thông minh trong việc tìm kiếm một lời giải đáp thích nghi. Trong mỗi con người đều có một điểm linh quang cứu cánh, nhưng nó thường bị che lấp bởi vô minh dày đặc được cái tâm ái dục củng cố từ vô lượng kiếp. Ðiểm linh quang đó (Trí Tuệ Giải Thoát) chỉ phát hiện đến những con người dũng cảm nhiệt thành, biết nhận thức đúng theo chân lý ba tướng: Vô thường - Khổ não - Vô ngã của muôn loài. Người đời cố duy trì liên tục những tư tưởng về dục lạc và cũng ráng sa thải đối tượng của nó là sự khổ đau, nhưng đã vô tình kéo dài niềm thống khổ. Phân tách toàn diện hiện tượng sinh linh giữa cái sống và cái chết cho thấy chúng ta biết cái sống còn cái chết thì không biết. Ta sợ cái mình không biết và cũng sợ mất cái mà ta biết. Tuy nhiên sống và chết đều cũng nằm trong một chuỗi dài diễn biến nối tiếp với nhau mà thôi. Thật ra, sự sống chỉ là tư cách lang thang trôi dạt triền miên của tâm thức, một hiện sinh làm bằng tranh đấu, bằng lo âu, bằng ái dục, bằng sự bất an khốn khổ để tìm một nơi yên nghỉ mà không sao đạt được. Với nền văn minh khoa học hiện đại, trên khắp mặt quả địa cầu, từ chót cao tột của dãy Hi Mã Lạp Sơn đến vực sâu cùng tận của Ðại Tây Dương, từ bãi sa mạc Trung Phi nắng cháy đến miền tuyết băng đông đặc của Bắc Cực và còn hơn thế nữa... đến cung trăng, chẳng một nơi nào thoát khỏi dấu chân của loài người. Nhưng ai nấy đều thúc thủ ngẩn ngơ, vì không tài nào thám hiểm nổi vực sâu của cái thế giới thu hẹp bề cao không tới hai thước là chính bản thân mình. Hạng phàm phu thiểu tri quan niệm con người qua xác thân bằng xương bằng thịt với tứ chi ngũ tạng và chẳng thích thú gì khi thấy xác thân đó bị côn trùng đục khoét tan rã sau khi chết, nhưng ráng tập quen với cảnh tượng chán chê này cho đỡ khổ. Nhiều tôn giáo với lý tưởng nông cạn thô sơ cũng nhìn nhận rằng thế gian là khổ nên cố suy tạo ra những cảnh giới khác an vui hạnh phúc hơn dành riêng cho con người sau khi chết. Ki Tô Giáo cho rằng con người là kẻ có tội. Hồi Giáo nói rằng con người thuộc hạng xấu số và Bà La Môn Giáo thì dùng con người để trắc nghiệm lý thuyết Nhị Nguyên. Riêng Phật Giáo lại có một lề lối nhận định vi tế thuần túy về bản chất bí ẩn của tất cả chúng sanh, cho rằng sở dĩ chúng sanh phải bị luân hồi khổ ải do luôn luôn đeo đuổi theo những hình ảnh giả tạo bên ngoài và bỏ rơi cái chân tánh thiêng liêng đã sẵn có bên trong. Căn bản của đạo Phật là một cuộc cách mạng triệt để về tâm lý để đưa con người từ ngoại cảnh trở lại nội tâm, từ lãnh vực phàm nhân sang lãnh vực siêu nhân, bằng những đường lối luân lý đạo đức rất thực tiển và khoa học. Ðức Phật nói tâm ái dục là người thợ tạo ra cái nhà ngũ uẩn và hân hoan tuyên bố khi vừa thành đạo: "Ta đã tìm ra người thợ cất nhà rồi! Từ nay ngươi chẳng còn tạo tác nữa" (Pháp Cú). Ngài thêm rằng chính cái thân ô trược này là nguồn gốc của muôn vàn thống khổ. Các tôn giáo khác cho rằng sự khổ chỉ có ở trong thế gian này. Ðức Phật nói rằng nỗi khổ lan tràn khắp Tam Giới: Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Ðó là chư thiên trên cõi trời vô sắc cũng vẫn chịu khổ nhỏ nhen vì phải mang một thân xác tuy vô hình nhưng sẽ tan biến trong thời gian nào đó. Vì lẽ ấy, người hành đạo cần phải diệt trừ ái dục, để phá vỡ cái nhà ngũ uẩn thì mới mong thoát khổ. Người đời cho rằng hơn là vui, thua là khổ. Phật Giáo dạy rằng hơn hay thua cũng đều là khổ. Trong suốt quá trình sanh tử, tử sanh, nhiều duyên nghiệp đã biến con người trở thành tham lam ích kỉ, hung hăng tàn bạo, sống động, tranh chấp, xung đột giết hại lẫn nhau, nước mắt đổ ra nhiều hơn nước trong biển cả và đã phơi xác trên khắp bãi tha ma. Ðúng theo tinh thần Phật Giáo, tư cách an vui tuyệt đối không phải là một cảnh giới cố định, cũng chẳng phải là cõi thiên đàng hay cực lạc mà là một trạng thái siêu việt bất di bất dịch như Ðức Thế Tôn đã thuyết trong tập kinh Udana (Phật Tự Thuyết): "Thật ra, có một vương quốc mà tại đó không có gì là rắn chắc, lưu động, nung nóng, rung chuyển (Tứ Ðại), không có quả địa cầu này hay quả địa cầu khác, không có mặt trời, mặt trăng, không cao, không thấp, không tới, không lui, không sanh, không diệt, không nền móng, không tiến triển, không hình thành. Ðó là trạng thái chấm dứt nguồn thống khổ (Niết Bàn)". Phần lớn những thánh kinh trong các tôn giáo khác đều được dành cho vô số giáo điều và nghi lễ phụng thờ khấn vái, cầu xin ân trên đoái hoài cứu rỗi. Trái lại, Ðức Phật nói rất ít về bổn phận ở đời của người Phật Tử tại gia, không dạy cúng kiến khẩn cầu và hầu hết tám muôn bốn ngàn pháp môn đều chú trọng về đường lối hành đạo, trau giồi giới đức, rèn luyện nội tâm để mau thoát khổ. Tất cả những Phật Ngôn trong quyển "Pháp Trích Lục" đều nhằm về các pháp hành, đường lối tu tập, có tánh cách lợi ích quan trọng dành riêng cho bậc hành giả nhiệt thành dũng cảm quyết tâm đi tới mục đích an vui cao thượng. Huỳnh Văn Niệm -ooOoo- |
[Thư Mục chính] |
Last updated: 29-05-2000 |
Web master:
binh_anson@yahoo.com |