[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực
Trần Thạc Ðức, 1967


Xác nhận giá trị của con người


Vấn đề giá trị con người là vấn đề then chốt cho sự sống. Chừng nào vấn đề này chưa được giải quyết thì chừng ấy con người chưa thế nào an tâm lập mệnh được. Giải quyết được vấn đề này thì con người mới có thể có được một lập trường và một thái độ dứt khoát đối với vấn đề giải phóng của cbính mình.

Giá trị con người là bao lăm và con người có thể làm gì với tât cả những khả năng sẵn có? Yếu tố quyét định mọi phương diện của sự sống nằm ở bản thân con người hay ở một nơi nào khác? Ðó là những câu hỏi căn bản. Con người có thể đạt đến hòa bình và hạnh phúc được, mọi người đều tin như thế và đều muốn tin như thế. Nhưng làm thế nào để đạt đến? Dùng phương tiện nào và tin tưởng ở đâu?

Từ hồi cổ sơ, nhân loại đã sống trước những đe dọa của thiên nhiên. Khiếp sợ vỉ những hiện tượng nước, lửa, sấm chớp, con người đã sớm tùng phục các lực lượng siêu nhiên mà họ tưởng luôn luôn ẩn nấp ở khắp nơi khắp chốn. Sự cúng vái khẩn cầu mong giáng phúc trừ họa là những công việc biểu hiệu cho sự phục tùng hoàn toàn đó: con ngươì tự đặt mình dưới sự che chở của ma quỷ thần thánh, cảm thấy bao nhiêu sự thành bại hư nên của mình đều do thần thánh quyết định. Hễ thần thánh bằng lòng thì nên, mà thần thánh giận dữ thì hư. Thế cho nên, tư tưởng "hối lộ" phát sinh, con người tưởng rằng chỉ cần một ít lễ vật nào đó thôi để cúng tế cũng có thể làm đẹp được lòng thần thánh.

Khi đã công nhận mọi việc ở đời đều do thánh thần quyết định thì con người phải luôn luôn sợ hãi, không dám tự mình quyết định một công việc gì. Do đó phát sinh ra sự bói toán, cầu mong lời dạy của thần minh. Giá trị con người , ở đây, thực là không có được bao lăm vậy.

Kịp đến trí tuệ phát triển, con người nhờ những suy luận triết học mà đi đến một quan niệm tinh vi hơn về tín ngưỡng. Tư tưởng đa thần dần dần nhường chỗ cho tư tưởng nhất thần, và thay vỉ tin tưởng ở những lực lượng tạp đa, người ta trở lại tin tưởng một vị thần minh duy nhất toàn tài toàn trí, xếp đặt tất cả mọi việc ở đời. Kẻ nào được ân huệ của thần minh sẽ có hạnh phúc và sẽ được giải phóng khỏi kiếp đau thương. Ở đây, con người không còn làm công việc "hối lộ" một cách buồn cười như trước nữa, và đã biết đến những đức hạnh cần phải có. Tuy nhiên, tâm trí con người vẫn được đặt ở một thế giới xa xăm nào và con người khi ngưỡng cầu thần linh vẫn hoàn toàn tin tưởng rằng chỉ có vị thần linh mà mình đang cầu nguyện mới có thể ban phúc lành và cứu vớt mình ra khỏi cảnh đau thương sầu khổ. Giá trị con người ở đây cũng không được cao hơn mấy tí. Nếu tất cả đều lo sự sắp đặt của thần minh thì con người, với một khối óc và hai bàn tay, chẵng có một địa vị nào đáng kể trong cuộc sống.

Ngày mà khoa học xuất hiện, nhân loại đã xoay hướng tin tưởng một phần nào. Con người không nhửa mặt lên trời để trông ngóng nữa mà để hết tin tưởng vào nàng tiên khoa học đang trổ nhiều ngón nhiệm mầu. Nhiều kẻ đã sẵn sàng phủ nhận tất cả, để chỉ còn trông mong và tin tưởng ở khoa học. Nhưng khoa học tiến thì kỹ thuật cũng tiến; xã hội Tây phương cơ khí hóa xong thì đến lượt xã hội Ðông phương. Vấn đề sản xuất, vấn đề tiêu thụ làm nẩy sinh cuộc tranh chấp toàn diện. Con người trở nên máy móc một phần nào khi bị sống trong xã hội máy móc; vấn đề tranh chấp kinh tế làm phát sinh chiến tranh. Chiến tranh đòi hỏi vũ khí, và khoa học bị xô ngay vào hướng sản xuất dụng cụ giết hại. Bom nguyên tử ra đời là một mối đe dọa khủng khiếp.

Những phát minh mới nhất hiện nay của khoa học đang bị áp dụng vào cuộc giết người. Khoa học đã trở thành một con dao hai lưỡi vô cùng nguy hiểm. Ðó là một con quái vật do con người nuôi dưỡng, nay trở lại đe dọa con người. Chỉ cần một tí lầm lỡ thôi, con người sẽ phải diệt vong vì nó.

Ruồng bỏ khoa học là một chuyện điên rồ, bởi vì khoa học có thể phụng sự loài người đắc lực. Nhưng mà tin theo nó như tin theo một thần quyền thì quả con người đẵ rất sai lầm. Khoa học chỉ là sản phẩm của một lý trí hướng theo chiều hắc ám dục vọng. Tin tưởng ở nó một cách quá độ, ấy là con người đã quên mình, nghĩa là đã phủ nhận tất cả những giá trị cao đẹp mà bản thân mình sẵn có.

Ði song song với những kẻ mê tín khoa học, còn có những kể mê tín ở những nguyên tắc voà ở những tổ chức tốt đẹp. Trong xã hội ngày nay, con người đã có những nguyên tắc đẹp đẽ rộng rãi để bảo đảm quyền lợi và tự co. Con người tự hào rằng đã có những tổ chức hoàn bị, hợp lý. Thế nhưng có bao nhiêu nguyên tắc và bao nhiêu tổ chức tốt đẹp đi nữa, con người vẫn chưa thấy tiến bộ được bước nào trên đường hạnh phúc. Người ta ỷ rằng đã có những nguyên tắc đẹp và những tổ chức đẹp, và tưởng rằng cứ áp dụng những nguyên tắc và những tổ chức ấy là có thể thành công. Không! Sự thật đã chứng minh rằng chỉ có nguyên tắc và tổ chức mà thôi thì cũng chưa đủ. Ðể thực hành và áp dụng chúng, phải có những con người xứng đáng là con người mới được. Một bản hiến pháp đâu có đủ khả năng bảo đảm cho tương lai một nước! Bảo đảm cho sự thực hiện hiến pháp ấy, cố nhiên là những nghị viên quốc hội xứng đáng, có tài năng, có đức hạnh. Ở đây, con người lại bị bỏ quên, và giá trị con người thật cũng bị hạ thấp.

Tin tưỡng ở nguyên tắc, ở tổ chức như thế, cũng chẵng khác gì tin tưỡng ở vật chất vô linh. Ngoài ra, con người nhẹ dạ đôi khi cũng dễ dàng tin tưởng ở văn từ và ngôn ngữ. Sau trận đại chiến, những hiến chương, những tuyên ngôn tung ra cùng khắp. Nào tự do, nào bình đẵng, nào hạnh phúc, nào độc lập ... bao nhiêu danh từ đẹp đẽ như bình minh ngoài mặt biển, được đưa ra. Cường quốc nào trên thế giới cũng muốn làm đàn anh, làm ân nhân, làm cứu tinh nhân loại. Nhưng cuối cùng, những trò rối "hữu danh vô thực" kia dần dần gieo nghi ngờ cho quần chúng, và theo lời một nhà văn nọ, "bao nhiêu truyền đơn biểu ngữ, bao nhiêu tấm băng tung ra với những đanh từ tốt đẹp rốt cuộc lại vẫn không hàn gắn lại được vết thương quá ư dai dẵng mà lịch sử đã mệnh danh là hoang mang".

Thật là bi đát. Tất cả những đau thương của nhân loại , thực ra, đã do ở những tin tưởng lầm lạc. Từ sự tin tưởng thần minh cho đến sự tin tưởng ỡ khoa học, ở nguyên tắc tổ chức, ở danh từ đẹp đẽ, con người quả thực đã ít nhiều phủ nhận giá trị mình. Con người đã tự quên mình để đi tìm cầu hạnh phúc ở những lực lượng ngoài con người.

Bao nhiêu thành bại nên hư của con người phải là do con người tạo nên. Con người định đoạt số phận mình. Con người chịu trách nhiệm hoàn toàn vì sự giải phóng tự thân. Xã hội tốt đẹp chăng, đời sống có hạnh phúc chăng là do ở con người - Con người quả có một giá trị trên hết. Thế mà lâu nay người ta đã bỏ quên con người! Con người không được săn sóc, un đúc, đào luyện. Trong lúc con người càng ngày càng xấu xa, người ta vẫn tưởng rằng con người có thể có hạnh phúc nhờ các lực lượng ngoài con người.

Trong cuộc sống, con người đã quan niệm rằng vấn đề quan trọng là trau dồi khí cụ. Nhưng bây giờ đây, khí cụ đã sắc bén và con người đang sợ khí cụ của con người. Khí cụ, người ta bảo, đã sắc bén lắm rồi. Vậy bây giờ là lúc phải đào tạo những tay thợ giỏi để xây dựng hạnh phúc bằng những khí cụ kia.

Ðịa vị và giá trị của con người ta thật quả rõ rệt. Không trông mong ở những giá trị ngoài con người, thì ta phải nhận thức lấy giá trị ấy để mà hành động. Ý thức được giá trị mình, được vai trò mình, con người phải lo tự đào tạo, tự chuyển lấy nghiệp mình. Bao giờ nhờ sự chuyển nghiệp mà con người trở thành tốt đẹp thì bấy giờ xã hội vũ trụ cũng trở thành tốt đẹp. Y báo và chính báo vốn là hai phương diện của nghiệp báo: có nhận thức giá trị của con người, ta mới có tin tưởng ở năng lực chuyển nghiệp của mỗi chính ta. Ðào tạo con người là công việc cấp bách nhất của thời đại vậy.


[Mục lục][Chương kế]


[Thư Mục chính]

Last updated: 31-01-2000

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com