[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực
Trần Thạc Ðức, 1967


Phật giáo với tinh thần dân chủ


Phật giáo có phải là một tôn giáo hay không? Ðã có nhiều người hỏi như thế và cho đó là một câu hỏi quan trọng. Thực ra, câu hỏi này không quan trọng lắm đâu. Bởi vì, dù ta có bảo Phật biáo là một tôn giáo hay là một triết học, hoặc là một khoa học đi nữa, thì Phật giáo cũng vẫn là Phật giáo, không vì thế mà thay đỗi chút nào. Trước mắt tôi là một cuốn tự điển Phật học, tôi bảo rằng tôi: tôi trông thấy cuốn tự điển. Nếu có người hỏi rằng vì sao tôi trông thấy cuốn tự điển ấy được, tôi sẽ trả lời rằng vì tôi nhờ có đôi mắt.

"Vì nhờ có đôi mắt" câu trả lời này đúng chứ không sai. Nhưng nói là đúng hẳn thì không được, vì ngoài cặp mắt ra, phải có rất nhiều điều kiện khác như ánh sáng, không gian, nhãn thức, ý thức. v.v...

Thế thì bảo rằng "Phật giáo là một tôn giáo" hoặc bảo rằng "Phật giáo là một triết học" đều đúng cả. Nhưng chưa đúng hẳn. Lý do là khi nói như htế, ta chỉ đứng nhìn một khía cạnh của Phật giáo mà thôi.

Tuy vậy, chỉ đứng trên phương diện tín ngưỡng, ta cũng có thể khảo sát và quyết đoán được rằng đạo Phật có thích hợp với tinh thần dân chủ hay không.

Tư tưởng của Auguste Comte có thể là đại biểu cho tư tưởng triết học cuối thế kỷ thứ mười chín và đầu thế kỷ thứ hai mươi trước hồi Âu chiến. Comte xác nhận tính cách tiến bộ của tư tưởng nhân loại, và nương vào điểm đó, ông phân lịch sử tư tưởng nhân loại làm ba thời kỳ:

1- Thời kỳ của tôn giáo tức là thời tối cổ.

2- Thời kỳ của triết học, từ đầu thế kỷ thứ muời sáu đến đầu thế kỷ thứ mười chín.

3- Thời kỳ của khoa học, từ thế kỷ thứ mười chín trở đi.

Thời kỳ tôn giáo là thời kỳ mê tín. Thời kỳ triết học là thời kỳ lý tưởng. Thời kỳ khoa học là thời kỳ thực nghiệm. Ðó là đại khái lối phân định của Auguste Comte.

Chúng ta thấy lối phân định này còn mơ hồ và chưa khỏi có chỗ sai lầm. Bảo rằng tôn giáo, triết học và khoa học là đại biểu cho ba thời kỳ như thế thật là một việc làm gượng gạo. Nhân loại trong thời kỳ thứ nhất, thời kỳ tôn giáo, theo Comte - há không có những tư tưởng về triết học và khoa học? Nhân loại trong thời kỳ thứ hai - thời triết học - há không có tư tưởng tôn giáo và triết học? Thế cho nên, lối phân định này có nhiều tính cách máy móc , và chính đó là chỗ sai lầm lớn của nhà triết học Pháp.

Tôn giáo, triết học và khoa học là những biểu hiệu cụ thể cho tư tưởng nhân loại. Mỗi thứ đều có một lịch trình tiến bộ riêng, một nguồn gốc riêng. Auguste Comte chỉ thấy được rằng ba thứ ấy có biến động, có tiến hóa mà thôi, chứ ông chưa thể thấy được chân tướng của chúng.

Vào thời cổ đại, tư tưởng tôn giáo còn non nớt, ấu trĩ: trong thời kỳ này, cũng đã phát sinh những suy luận triết học ấu trĩ, sai lầm và không hư. Ðồng thời cũng lại đã phát sinh ra khoa học: tìm những khí cụ, những vật dụng sinh hoạt của thực dụng nhân sinh, lợi dụng sức nước để giã gạo, phát minh ra lửa... đều là những thành tích ban đầu của khoa học. Tuy đó không phải là thời kỳ của máy bay, đại bác, nguyên tử, nhưng nếu không có thời ấu trĩ thô vụng thì làm gì có thời kỳ trưởng thành tinh xảo?

Từ thế kỷ mười chín đến nay, khoa học tién triển nhanh chóng phi thường : triết học và tôn giáo theo đà ấy cũng tiến bộ. Hiện đại, triết học Tây Phương, vì chịu ảnh hưởng mới, đã bắt đầu được kiến thiết trên nền tảng khoa học, và giải quyết được nhiều vấn đề mới mẻ.

Tôn giáo có cái ước vọng giải quyết căn nguyên vũ trụ nhân sinh, nhưng bao giờ cũng cần đến đức tin trước hết. Triết học cũng muốn có cái nhìn tổng quát như tôn giáo, nhưng lại muốn vô tư hơn. Khoa học, trong khi ấy, lại là cái nhìn chi ly. Không xây dựng trên yếu tố tín ngưỡng, triết học phải luôn luôn dựa vào thực nghiệm để tìm chân đứng cho vững chãi. Thế cho nên triết học đóng vai trò tổng hợp, đó là kết quả của sự chiết trung điều hòa hai thứ khoa học và tôn giáo.

Vì thế, triết học đã bài xích các tôn giáo mê tín sai lạc và nâng đỡ các tôn giáo chân chính, hợp với trình độ văn minh của xã hội đương thời. Ðứng giữa tôn giáo và khoa học, đôi khi triết học thuyết minh những điều mà khoa học chưa biết đến. Tuy đang còn ở trong phạm vi lý tưởng nhưng những điều đó có thể là sự phát minh sau này của khoa học thực nghiệm.

Nhờ công việc khảo sát tín ngưỡng và hướng dẫn phát minh, triết học lại được gọi là yếu tố xúc tiến tôn giáo và khoa học.

Sự nghiệp của xã hội tùy thuộc rất nhiều ỡ quan niệm con người về cả ba phương diện: tôn giáo, khoa học, triết học. Nhiều người không hiểu được thế, lại cho rằng xã hội mới chỉ cần đến khoa học thực nghiệm. Sự thiên chấp này là hậu quả của ảnh hưởng thuyết "tam thời kỳ" của Auguste Comte. Vì cho rằng tôn giáo là đại biểu cho tư tưởng nhân loại trong thời đại cổ, không thích hợp với thế giới văn minh ngày nay nữa, cho nên có kẻ chủ trương không cần tôn giáo. Thậm chí có những đảng phái chính trị hô hào "đả đảo tôn giáo" và gây được cả một phong trào trong xã hội tạp loạn.

Kỳ thực, nhân loại không thể không có tín ngưỡng. Khảo sát lại lịch sử, ta thấy rằng tôn giáo chính là nền tảng của sự đoàn kết xã hội. Tuy nhiên, một nền tín ngưỡng sai lạc có thể cấu tạo một xã hội độc tài, có thể hướng con người đến chỗ ham mê chinh phục, gây nhân bất thiện. Cần có một nền tảng tín ngưỡng chân chính, con người mới có thể thực hiện được một sự đoàn kết vĩ đại, một lực lượng xã hội mạnh mẽ, không hướng nhân loại về độc tài chuyên chế, áp bức, chinh phục.

Lực lượng đoàn kết của nhân loại - xã hội tính - vì thế rất cần thiết cho nhân loại, nhưng điều kiện tổ chức cụ thể nhất và hoàn bị nhất của xã hội lại là quốc gia. Mỗi quốc gia đều có thể là đơn vị cho lực lượng đoàn kết vĩ đại ấy. Mỗi quốc gia đều có một tín ngưỡng về vũ trụ (vũ trụ quan) để làm bối ảnh cho một nhân sinh quan đặc biệt của mình. Nương vào tín ngưỡng vũ trụ, con người cómột nhân sinh quan- đó là con người bắt chước tự nhiên guới để tổ chức nhân sự giới. Nền chính trị xưa của Trung quốc lấy câu "pháp thiên quy địa" làm nền tảng là vì thế. Sinh hoạt, phong tục, tôn giáo của nhân dân đều tùy thuộc các đìều kiện tín ngưỡng ơe vũ trụ quan ấy, và vì thế, nền tảng quốc gia mới có thể vững chắc.

Do đó mà suy, sự tin tưởng ở một vũ trụ quan là chỗ tập trung của tư tưởng và ý chí của một quốc gia vậy.

Nay đề cập đến chính thể dân chủ, tức là nói đến một hình thức xã hội chính trị. Ta thử xét xem tôn giáo liên hệ đến tổ chức xã hội và chính trị như thế nào, rồi do đó xét định xem Phật giáo có thích hợp với tinh thần dân chủ hay không.

Ðứng về phương diện quan hệ giữa tôn giáo và chính trị, ta có thể phân lịch sử nhân loại làm ba thời kỳ:

1- Ðầu tiên là thời cổ đại. Ðó là thời đại đa thần giáo. Về thời ấy, trí thức nhân loại đang còn ấu trĩ, vì thế trong mọi sinh hoạt luôn luôn con người thấy mình bị thiên nhiên hăm dọa. Nhân đó, loài người phát ra sợ thiên nhiên, cho rằng mỗi hiện tượng trong vũ trụ này đều do một vị thần chủ trương: thần gío, thần mưa, thần sấm, thần sét, thần núi, thần sông... Sợ rồi sinh ra sùng bái, tin tưởng và khẩn cầu. Vì thế, thời kỳ đó được gọi là thời đa thần giáo. Ở thời kỳ ấy, con người sống thành từng bộ lạc một, mỗi bộ lạc có một tù trưởng đứng đầu. Chế độ chính trị ấy cố nhiên là lấy vũ trụ quan đa thần giáo làm bối cảnh.

2- Trí thức nhân loại càng ngày càng mở mang. Từ tín ngưỡng đa thần con người tiến đến tín ngưỡng nhất thần cho rằng vũ trụ và con người do một đấng thần minh tối đại sáng tạo. Hiện tượng vũ trụ tuy sai khác phiền đa, nhưng đều do một vị thần minh duy nhất sinh sản. Ðấy là thời kỳ nhất thần giáo. Chính trị ở thời đại ấy được tổ chức theo hình thức quân chủ. Nhân sự tín ngưỡng nhất thần - vũ trụ quan nhất thần giáo - mà phát sinh hình thức quân chủ thần quyền chuyên chế.

3- Ðến thời đại cận kim, trí thức nhân loại tiến rất nhanh. Con người tự giác được giá trị và quyền hạn của mình, nên đã cùng nhau xướng xuất phong trào đả đảo chế độ quân quyền để thiết lập chế độ dân quyền bình đẳng. Người dân thấy rằng quyết định sự thành bại thịnh suy của quốc gia không phải là ở một đấng quân vương mà là ở toàn dân. Các cá nhân, đới với xã hội và đối với tổ chức tối cao của quốc gia cũng thế, đều phải có một nghĩa vụ tương đương và được hưởng những quyền lợi tương đương.

Trung tâm của sự đoàn kết là chỗ mỗi cá nhân đều có lấy một sự nhận thức bổn phận của một công dân trong một nước dân chủ, hiểu rõ thế nào là dân chủ và thực hành theo nguyên tắc dân chủ. Nghĩa vụ và quyền lợi cùng chia cùng hưởng - không có giai cấp, hoàn toàn bình đẳng. Ðiểm trung tâm là tư tưởng cộng đồng của dân chúng. Nói một cách khác hơn, mỗi cá nhân đều là một điểm trung tâm cả.

Trong thời kỳ dân quyền lan rộng, những tín ngưỡng đa thần và nhất thần không còn thích hợp nữa và cố nhiên là sẽ không đứng vững mãi được. Phải có một tôn giáo không giai cấp, một tôn giáo mà chân lý bình đẳng được phát huy, một tôn giáo xác nhận giá trị sáng tạo và xây dựng của mỗi con người - để làm bối ảnh tập trung sự tín ngưỡng của toàn dân, và để làm nền tảng cho sự phát triển cá tính và cộng đồng tính.

Ở đây, chỉ có Phật giáo là xứng đáng. Triết học Phật giáo cũng thuyết minh một vũ trụ quan : đánh đổ vũ trụ quan mê tín của nhất thần và đa thần giáo để kiến lập một vũ trụ quan nhân duyên sinh.

Nhân duyên tức là những sự kiện tương quan tương duyên và tương thành. Bũ trụ, xã hội và nhân loại tốt đẹp hay xấu xa, tất cả đều do hoạt động của con người. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp của các cá nhân cộng đồng kiến tạo một vũ trụ, một xã hội. Ðộng cơ của tất cả thành, bại, nên, hư, xấu, tốt, đều do ở biệt nghiệp và cộng nghiệp của mọi chúng sanh.

Nền tín ngưỡng này - tín ngưỡng ở một vũ trụ quan nhân duyên cộng nghiệp - rất thích hợp với quan niệm bình đẳng của xã hội hiện tại. Ở đây, con người không phải nép phục dưới thần linh nữa mà trái lại thấy rằng mình chịu trách nhiệm hoàn toàn về hạnh phúc của chính mình. Một tín ngưỡng chân chính như thế, xác nhận gía trị bổn phận và quyền lợi của con người một cách vững vàng như thế thì thực rất thích hợp với hoài bão và khả năng của con người, nói tóm lại, rất có thể làm nền tảng cho sự kiến thiết một xã hội thực sự dân chủ, tôn trọng bình đẳng và tự do.

Một quốc gia biết lấy tín ngưỡng "vũ trụ quan duyên sinh cộng nghiệp" làm bối ảnh, có thể thực hiện được sự đoàn kết sâu rộng, và có thể kiến tạo được một nền văn hóa quốc gia nhân bản, hướng thiện.

Vì thế, chúng ta kết luận rằng Phật giáo là nền tín ngưỡng làm căn bản cho sự xây dựng một xã hội dân chủ vậy.


[Mục lục][Chương kế]


[Thư Mục chính]

Last updated: 31-01-2000

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com