[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực
Trần Thạc Ðức, 1967


Nguồn sinh lực của Chánh pháp


Ðạo Phật có một nguồn sinh lực rất dồi dào: đó là nguồn sinh lực của chánh pháp. Khởi duyên của nguồn sinh lực ấy là đức Phật. Nguồn sinh lực kia không phải là những hệ thống lý thuyết trong tam tạng kinh điển, mà chính là sự thể hiện của Chánh pháp trong đời sống nhân loại.

Ðời sống của đức Phật chứng tỏ rằng giáo lý của Ngài là một giáo lý khả hành. Ðời sống ấy chính là nguồn sinh lực. Sức cảm hóa của đời sống ấy mạnh gấp trăm ngàn lần những giáo thuyết. Trong thời Phật còn tại thế, người ta chĩ cần nương tựa vào đạo phong của Ngài mà tu tập, mà chứng ngộ. Nhân cách siêu tuyệt của Ngài đã cảm hóa nhân loại một cách nhiệm mầu: cho đến hơn một trăm năm sau ngày nhập diệt, mà uy thế cũa nhân cách ấy vẫn còn hướng dẫn được sự sống của toàn giáo hội, thì ta biết nguồn sinh lực kia mạnh mẽ đến chừng nào! Không những thế, hiện thời có biết bao nhiêu người đang nương vào nhân cách ấy để tu tập và tiến bộ. Ðức Phật quả là một nguồn sống bất tận.

Ðệ tử của Ngài trong các thế hệ đã từng khơi rộng thêm nguồn sinh lực ấy để cho mọi chúng sinh đều được hưỡng thụ. Khơi mở bằng cách thực hiện nguồn sinh lực ấy ở bản thân mình. Còn gì nhiệm mầu và rở ràng cho đạo Phật hơn khi mà giáo lý được thể hiện ngay trên cuộc sống của người Phật tử và của nhân loại?

Ở Ấn Ðộ, một ông vua tàn ác đã từng đẫm ướt thanh gươm chinh phục trong máu đào của hàng triệu sinh linh, mà khi được cãm hóa theo chánh pháp, đã trở thành ông vua nhân từ thuần hậu được mọi người thương mến: A Dục tàn ác đã trở thành A Dục Chánh Pháp (Dharmasoka). Nhà vua đã áp dụng chánh pháp của Ðức Phật để trị dân, giúp nước. Một đế quốc bao la đã sinh hoạt theo đạo Phật. Một khối mấy trăm triệu dân đã sống: Không một ai bị sơ hãi, không một kẻ áp bức, không một người khốn cùng. Ðó là thời mà đạo Phật được thực hành và áp dụng.

Ở Việt Nam , vào triều Lý, nguồn sinh lực đã được khơi mở dồi dào nhờ công trình thực tu thực chứng của các vị thiền sư. Có những đấng quốc vương quy y chánh pháp và nguyện sống theo lời Phật dạy. Một dân tộc đã sống theo tinh thần Phật giáo và đã đưa quốc gia đến bến thái bình, an lạc và phú cường. Thời ấy cũng là thời mà đạo Phật được thực hành và áp dụng.

Chánh pháp được sinh hoạt ở đâu là nguồn sinh lực được khơi mở ở đấy. Nhìn lại những thời đại mà chánh pháp được thực hiện rỡ ràng ấy, chúng ta nghĩ thế nào?


[Mục lục][Chương kế]


[Thư Mục chính]

Last updated: 31-01-2000

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com