BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Vài Bài Viết Trong Những Năm Xưa

Phạm Kim Khánh biên soạn
Seattle, USA, 2004


Phần 1
[01] Đã một năm tròn
[02] Câu chuyện đạo nhân mùa Phật Đản
[03] Giới đức trong đạo Phật
[04] Hương thơm của Giới đức
[05] Còn ta thì sao?
[06] Vật chất hay tinh thần?

[01]

ÐÃ MỘT NĂM TRÒN

Bài viết cho báo Tha Hương, vào cuối tháng Tư, 1976

Cách đây một năm nước nhà gặp cơn tai biến. Tròn một năm, hầu hết chúng ta, những người "tha hương", đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng chao động, khủng khiếp hải hùng, và ở vào vị thế -- hơn ai hết -- dễ dàng nhận thức bản chất đổi thay nhanh chóng của đời sống. Nhà Phật gọi sự biến đổi ấy là vô thường.

Có những trường hợp vô thường vi tế, khó nhận ra, như sự biến đổi trong từng khoảnh khắc, từng phần triệu của một giây đồng hồ, của các tế bào, nguyên tử, điện tử v.v... bên trong vật chất mà giác quan phàm tục của con người không dễ gì cảm nhận. Phần tâm linh biến đổi càng nhanh chóng hơn nhiều. Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập đến bản chất vô thường hiển nhiên mà con người suy tư nào cũng có thể nhận thức.

Ông kia là triệu phú, giàu sang bá hộ, bỗng chốc chỉ còn hai bàn tay không. Ông nọ bữa trước là người cầm quyền sinh sát bao nhiêu quan quân, hôm sau đã là một công dân tầm thường như mọi thường dân khác. Ngược lại, trong một sớm một chiều nhiều người từ dưới thấp đã trồi lên cao, từ bóng tối đã vào ánh sáng. Trong biến cố vừa qua, bao nhiêu cuộc đổi thay như vậy đã xảy diễn nhan nhãn trước mắt mọi người. Ðó là cảnh vô thường hiển nhiên mà người thế gian nào cũng có thể trông thấy. Chính mắt ta đã thấy, hoặc chính bản thân ta đã kinh nghiệm một cách phũ phàng.

"Sự nghiệp nào của ta? Tài sản nào của ta? Con cái nào của ta?" Ðúng ra chính ta không phải là "của ta", thì con cái nào của ta? Tài sản sự nghiệp nào của ta?

Mới nghe qua hình như trái tai. Rõ ràng nhà cửa, ruộng đất, vòng vàng, xe cộ nầy là của ta chớ còn của ai? Còn vợ? Còn con? Tại sao không phải là của ta? Nhưng hãy ngồi lại bình tâm suy gẫm. Nhà cửa, ruộng đất, xe cộ mà nhà triệu phú nói trên đã bị mất vào tay kẻ khác, bao nhiêu sự nghiệp mà khi hối hả ra đi ta phải bỏ lại ở quê nhà, vợ, chồng, con cái mà trong cảnh loạn ly chúng ta đành bóp bụng dứt lìa, trên thực tế có còn là của ta nữa không? Chính ta, đến lúc tử thần thì thầm nói khẻ vào tai cho biết rằng thì giờ đã đến, thì dầu mạng sống hay tiền rừng bạc bể trong tay, dầu danh vọng và quyền thế như thế nào, chúng ta cũng sẽ ra đi, bỏ lại tất cả.

Xin kể lại một câu chuyện ngụ ngôn. Chuyện rằng có ông vua nọ rất yêu chuộng một vị đại thần và ngày đêm thường mơ tưởng nghỉ nhớ đến vị nầy. Một vị đại thần khác, rồi vị thứ ba cũng được vua yêu chuộng, nhưng kém hơn vị trước. Nhưng có ông quan thứ tư thì không được vua để ý. Mỗi khi có người nhắc đến tên, vua nghe qua rồi quên. Ðôi khi vua cũng nhớ thoáng qua, nhưng không bao giờ chịu mất thì giờ nhiều để suy tư về vị nầy. Ngày kia có vua xứ khác đến đánh, vua không thể kháng cự nên bị bắt cầm tù.

Lúc bấy giờ, vị quan đầu tiên mà trước kia được vua yêu chuộng nhất lại rất lạnh lùng, không màng nói năng, nhắc nhở hay biết đến vua. Vị thứ nhì thỉnh thoảng nhắc đến vua rồi thôi. Vị thứ ba tiễn chân vua đến tận cửa ngục, đứng tỏ ý thương tiếc rồi lui gót trở về. Chỉ có ông quan thứ tư mà trước kia không được vua ngó ngàng đến thì không rời vua một bước, vua đi đâu cũng đi theo. Vua vào ngục tù cũng vào ở chung, và hết lòng phụng sự vua.

Ông vua trong câu chuyện là chính ta. Vị đại thần được vua yêu chuộng nhất là tiền của, sự nghiệp. Vị thứ nhì là danh vọng, quyền thế. Vị thứ ba là thân bằng quyến thuộc. Vị thứ tư là những hành động lành, tức những nghiệp thiện. Và ông vua rất mạnh thế từ xứ khác đến đánh và bắt vua cầm tù là tử thần.

Ðúng vậy. Trong đời, ta thường mơ tưởng nghĩ nhớ đến việc tạo nên tài sản sự nghiệp, kiếm được tiền của càng nhiều càng tốt. Hầu như suốt ngày chúng ta để hết tâm trí vào việc làm ăn sinh sống và không còn thì giờ để lo các chuyện khác. Sau tiền của và sự nghiệp, ta lo tìm danh vọng, quyền thế. Khi có tiền, ta tận lực tạo danh thơm tiếng tốt. Vợ, con, bè bạn và thân nhân cũng được ta hết lòng thương yêu nhưng không còn bao nhiêu thì giờ để lo nghĩ đến. Nhưng đến các hành động lành, những việc thiện có thể làm được -- ông quan thứ tư -- thì rất ít khi ta bận tâm rộn trí lo lắng. Ðôi khi có ai nhắc đến ta cũng biết rằng đó là điều nên làm, nhưng bao nhiêu việc gọi là "để sinh sống" được sắp ưu tiên hàng đầu, đã chiếm hết thì giờ. Rồi ta hẹn dần, hẹn dần ... mãi cho đến khi tử thần thỏ thẻ thì thầm nói khẻ vào tai, "đây là giờ phút phải ra đi".

Chừng ấy, và chỉ đến chừng ấy, ta mới sực nhớ lại rằng suốt cuộc đời ta chỉ dành rất ít thì giờ để làm việc thiện, tạo nghiệp lành. Trọn cuộc sống ta chưa sẵn sàng chuẩn bị hành trang để lên đường. Mà đây là sự ra đi không thể cưỡng, không thể trì hoãn, hứa hẹn hay khất lại một ngày khác. Một điểm quan trọng nữa là ta phải ra đi với hai bàn tay trắng. Lúc bấy giờ tiền của và sự nghiệp mà trọn đời ta để hết tâm yêu chuộng, lại không màng gì đến ta ... lạnh như đồng. Danh thơm tiếng tốt mà ta đã mất bao nhiêu công khó để gầy dựng, người đời chỉ thỉnh thoảng nhắc đến trong những lúc trà dư tửu hậu, rồi biến tan theo mây khói. Vợ, chồng, con, cháu, bạn bè thân thuộc, chỉ có thể đưa ta đến huyệt mả, khóc than mến tiếc, rồi lần lượt kéo nhau trở về, để ta ở lại một mình dưới nắm mồ. Chừng ấy chỉ có nghiệp nào mà ta đã tạo trong đời sống mới theo ta như bóng theo hình, và trong bất luận hoàn cảnh nào nghiệp lành cũng hết lòng phục vụ và nâng đỡ ta.

Trên thế gian nầy, nếu có điều nào "chắc chắn" thì điều ấy là tánh cách "không chắc chắn" của đời sống.

Từ đâu ta đến đây? -- Nào biết.

Từ đây ta sẽ đi đâu? -- Nào biết.

Chừng nào đi? -- Nào biết.

Ta chỉ biết một điều, và biết chắc như vậy, là ngày nào đây ta phải ra đi, vì trong sự sống đã có mầm chết.

Từ cành cây có nhiều trái rơi rụng. Trái non có, trái lớn có, trái già có, trái chín mùi cũng có. Cùng thế ấy, từ cuộc sống chúng ta có thể xa lìa bất luận vào lứa tuổi nào: lúc sơ sinh, lúc thiếu niên, lúc thanh niên, lúc tráng niên, hoặc khi niên cao tuổi lớn. Cũng như mọi sự kết hợp đều phải đến mức cùng tột là tan rã, mọi sự sanh ra ở đời đều phải chấm dứt bằng sự chết. Và khi lìa đời ta phải ra đi với hai bàn tay trắng, cũng như lúc bước vào chúng ta chỉ đến với hai bàn tay không. Ðến một mình, ta cũng thui thủi ra đi một mình. Chỉ có cái nghiệp đã tạo -- thiện hay bất thiện, tức hành động lành hay không lành -- sẽ theo dính liền với ta như bóng không bao giờ rời hình. Và chỉ nghiệp lành mới phục vụ và nâng đỡ ta như người bạn chí thân.

"Người đi xa nhà từ lâu, lúc trở về được thân bằng quyến thuộc đón mừng nồng hậu. Cùng thế ấy, người hành thiện đi từ thế gian nầy đến thế gian kế, được hành động thiện của mình đón rước như người thân thuộc từ phương xa trở về." (Kinh Pháp Cú, câu 219-220)

Ðời sống mặc dầu quý, quả thật là bấp bênh vô định. Cái chết trái lại, là điều không thể tránh, và nó sẽ đến, chắc như thế. Vậy chúng ta hãy cố gắng sử dụng xứng đáng khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp sống nầy, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho mình, và cho mọi người sống chung quanh mình, mọi chúng sanh, những người bạn đồng hành trong đại trùng dương gọi là đời sống của muôn loài vạn vật.

Ước mong chúng ta được có nhiều bạn lành đón mừng trong cảnh giới tái sanh sắp đến.

-ooOoo-

[02]

CÂU CHUYỆN ÐẠO NHÂN MÙA PHẬT ÐẢN

Bài thuyết trình tại Chùa Việt Nam, Seattle, và đăng trong Bản Tin Cổ Lâm, số 4, năm 1984

Kính Bạch chư tôn Thượng Tọa và Ðại Ðức,
Kính thưa Quý vị Ðạo Hữu,

Vào ngày trăng tròn tháng Vaisakha, năm 623 trước D.L., tại miền Bắc xứ Ấn Ðộ có một hoàng tử được hạ sanh mà về sau trở thành vị Giáo Chủ của một tôn giáo đứng hàng đầu các tôn giáo. Hoàng tử là Ðức Phật Thích Ca. Ngày trăng tròn tháng Vaisakha trùng với ngày Rằm tháng Tư, theo âm lịch ta.

Khi được hai mươi chín (29) tuổi, Hoàng Tử dứt khoát từ bỏ cung vàng điện ngọc và cuộc sống trên nhung lụa để ra đi, tìm Chân Lý và hạnh phúc trường cửu, và năm ba mươi lăm (35) tuổi Ngài chứng đắc Ðạo Quả Chánh Ðẳng Chánh Giác. Từ đó, trong suốt bốn mươi lăm năm trường Ngài gia công truyền bá lối sống đạo hạnh thanh cao bằng những lời vàng ngọc cũng như bằng gương lành trong sáng.

Sự ra đời của Ngài là một đại hạnh, đại phúc cho toàn thể chúng sanh. Khi gởi sáu mươi vị đệ tử đầu tiên ra đi hoằng Pháp độ sanh, Ngài có lời giáo huấn như sau:

"... Nầy hởi các Tỳ Khưu, các con hãy ra đi, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, các con hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích, và hạnh phúc đến chư Thiên và nhân loại ... Có những chúng sanh còn vướng ít nhiều cát bụi trong mắt, và nếu không được nghe Giáo Pháp, ắt sẽ bị sa đọa. Cũng có những người sẽ am hiểu Giáo Pháp. Các con hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí !" (Mahā Vagga, trang 19-20)

Chính riêng Ðức Phật cũng ra đi, gieo mầm phúc lợi cùng khắp miền Bắc xứ Ấn Ðộ. Ngài khuyến khích kẻ yếu kém, đoàn kết người chia rẽ, đem ánh sáng đến người vô minh tăm tối, dắt dẫn kẻ mê muội lầm đường, nâng đỡ người thấp kém và tăng trưởng phẩm giá người cao quý. Người nghèo, người giàu, người lương thiện, và người tội lỗi, tất cả đều quý mến Ngài như nhau. Những bậc vua chúa tàn bạo độc tài, và những vì minh quân chánh trực, những hoàng tử vinh quang hiển hách và những người sống cuộc đời tối tăm không ai biết đến, những nhà triệu phú giàu lòng quảng đại và những vị keo kiết bỏn xẻn, những học giả khiêm tốn và những người kiêu căng tự đắc, hạng gái giang hồ, hạng người hành nghề bẩn thỉu, hạng sát nhân, hạng người thường bị khinh bỉ, tất cả đều có thọ hưởng những lời khuyên dạy của Ðức Phật. Và đến nay, gương lành cao quý và những lời dạy đượm nhuần từ bi và trí tuệ ấy đã dẫn dắt một phần năm nhân loại đến quỳ dưới chân Ngài và tôn thờ Ngài là vị giáo chủ siêu việt nhất tự cổ chí kim.

Hôm nay, nhân lễ kỷ niệm ngày đản sanh của Ðức Bổn Sư, chúng ta được duyên lành tụ họp đông đủ về đây để cùng với toàn thể chư Phật tử hiện ở các nơi trên thế giới, thành tâm kính cẩn dâng lên Ðấng Cha Lành tâm ngưỡng mộ, lòng biết ơn sâu xa, thành kính quý mến vô hạn và niềm tin vững chắc của chúng ta đối với Ngài, với Giáo Pháp mà Ngài đã giáo truyền, và đối với chư vị Hội Viên trong Giáo Hội Tăng Già mà Ngài đã thành lập. Cùng lúc chúng ta hãy để hết tâm trí, chú nguyện sẽ gia công bước theo dấu chân Ngài.

Kính thưa quý liệt vị,

Thỉnh thoảng chúng ta có nghe lời phê bình rằng Giáo Lý của Ðức Phật chỉ đề cập đến các pháp siêu hình, những việc ngoài thế gian, hay những pháp tu tập quá khó khăn, phức tạp, và như vậy chỉ liên hệ đến một số ít học giả và tu sĩ mà không bổ ích gì cho người sống trong thế gian.

Nhận định như vậy có hơi quá vội vã chăng?

Ðúng rằng Phật Giáo có những giáo lý uyên thâm để cho ai muốn trau giồi giới đức và tự thanh lọc tâm trí có thể cố gắng tự khép mình vào một nếp sống kỷ cương, đạo đức thanh cao, ngõ hầu vượt lên trên phần đông đại chúng, tựa hồ như những cánh hoa sen, từ bùn nhơ nước đụt vượt đến nơi thanh khí trong lành để rồi nở tung một cách huy hoàng rực rỡ trong ánh nắng bình minh. Tuy nhiên, ngoài những giáo lý cao siêu khó lãnh hội và khó thực hành ấy, Ðạo Phật cũng có những quy tắc tu học mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày. Trong bài kinh Sigālovāda sutta của bộ Trường A Hàm, Ðức Phật dạy chàng Sigālo một cách rất tỉ mỉ về bổn phận làm con, làm cha mẹ, làm chồng, làm vợ, làm thầy, làm trò, làm bạn, bổn phận của chủ nhân trong nhà đối với người ăn kẻ ở, của người làm công đối với chủ, của người cư sĩ tại gia đối với hàng tu sĩ, của các bậc tu sĩ đối với người cư sĩ tại gia v.v...

Bộ Tăng Nhứt A Hàm (Anguttara Nikāya), phần IV, có ghi lại những lời Ðức Phật dạy bà Visakhā như sau:

"Tích cực hoạt động, luôn luôn dịu dàng chiều chuộng chồng
Dầu chồng không đem lại tất cả hạnh phúc.
Không bao giờ có lời nói bất cẩn, nghịch ý, thiếu lễ độ, l
àm chồng nổi giận.
Tôn trọng tất cả những người được chồng kính nể
V
ì nàng là người sáng suốt khôn ngoan.
Khéo léo, lanh lẹ, thức khuya dậy sớm,
Tận tâm chăm sóc sức khỏe của chồng, trong khi chồng làm việc cực nhọc
Và nhã nhặn hiền hòa. Một người vợ như vậy,
Muốn những điều chồng muốn và cố làm cho được,
Sẽ tái sanh v
ào cảnh giới của những vị Trời dễ mến."

Cũng trong bộ Tăng Nhứt A Hàm, có ghi lại những lời Ngài dạy Trưởng Giả Cấp Cô Ðộc (Anāthapindika) về bốn loại hạnh phúc của người cư sĩ tại gia.

Cho Sa Di Rāhula, lúc ấy mới bảy (7) tuổi, Ngài giảng bài kinh Ambalatthika Rāhulavāda Sutta, nhấn mạnh về tầm quan trọng của lời nói chân thật.

Vào thời bấy giờ, sanh con gái được xem là điều không lành. Khi thấy Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) không vui vì Hoàng Hậu hạ sanh công chúa, Ngài khuyên:

"Một em bé gái, Tâu Ðại Vương,
Có thể còn quý hơn đứa con trai.
Lúc trưởng th
ành
Em có thể là người trí tuệ và phẩm hạnh vẹn toàn,
Biết kính nể, tôn trọng mẹ chồng, một người vợ hiền.
Ðứa con mà sau nầy em sẽ mang vào lòng
Có thể làm nên đại sự
V
à trị vì một vương quốc vĩ đại.
Ðúng vậy, đứa con của người vợ cao thượng
Sẽ trở th
ành
Người lãnh đạo chân chánh cho cả một quốc gia."

Trên đây chỉ là một vài thí dụ trong bao nhiêu trường hợp khác nhau, cho thấy Giáo Pháp dạy người Phật tử luôn luôn đứng vững hai chân trên mặt đất, lúc nào cũng sống trong thực tế. Chẳng những Ðức Phật dạy bằng lời nói mà còn dạy bằng cách chính bản thân Ngài nêu gương lành. Và Ngài nêu gương lành, chẳng những trong kiếp sống cuối cùng, mà trong nhiều kiếp. Khi tường thuật những tiền kiếp của Ðức Phật sách Túc Sanh Truyện (Jātaka) có ghi lại chuyện tích sau đây:

Túc Sanh Truyện: "Vua Dīghati Xứ Kosala"

Vào thuở ấy Vua Dīghati xứ Kosala lâm chiến với xứ Benares và bại trận, mất cả quan quân và vương quốc. Vua cùng hoàng hậu giả dạng làm thường dân, lẫn trốn sang Benares, tá túc tại nhà một người làm đồ gốm.

Nơi đây hoàng hậu hạ sanh một hoàng nam, đặt tên là Dīghāvu. Càng lớn khôn Hoàng Tử Dīghāvu càng tỏ ra thông minh xuất chúng và khỏe mạnh phi thường. Khi hoàng tử đủ lớn khôn, vua sợ lỡ bị phát giác thì cả vua, hoàng hậu, lẫn hoàng tử đều phải bị liên lụy, nên bảo hoàng tử ra đi, trú ngụ ngoài thành để hàng ngày ôn văn luyện võ.

Lúc ấy có người, trước kia là thợ cạo của Vua Dīghiti, nay được đem về làm với Vua Brahmadatta xứ Benares. Hôm nọ, tình cờ tên thợ cạo nhận ra Vua Dīghiti, rồi về tố cáo với Vua Brahmadatta. Vua Brahmadatta hạ lệnh bắt Vua Dīghiti và hoàng hậu đem về, bảo quân lính lấy dây trói chặt tay chân cả hai và dẫn đi khắp phố thành truyền rao cho dân chúng biết. Sau đó, phân thây ra làm bốn đoạn đem bỏ ở bốn góc thành.

Hay được bạo tin, Hoàng Tử lẫn lộn trong đám đông lén đến gần vua và hoàng hậu. Thấy hoàng tử từ xa đến, vua và hoàng hậu giả vờ như không biết, ba lần nói lên:

"Chớ nên nhìn lâu, nầy hỡi con yêu dấu.
Chớ nên nhìn vội.
Hận thù không bao giờ làm suy giảm hận thù.
Chỉ có tình thương mới dập tắt lòng oán hận."

Dân chúng và lính gát nghe vậy ngỡ là vì quá sợ chết nên vua và hoàng hậu đã mất trí nên nói nhảm.

Hoàng Tử Dīghāvu tìm cách làm thân với lính canh, đêm ấy góp nhặt thi hài cha mẹ đem về mua củi thơm, chất thành giàn, làm lễ hỏa táng. Hoàng tử chấp hai tay lên ngang trán, đi ba vòng, vai mặt quay về phía giàn thiêu để tỏ lòng tôn kính. Sau khi hỏa táng cha mẹ xong, hoàng tử đến xin làm công với người chuyên luyện voi trong hoàng cung.

Một buổi sáng nọ, khi mặt trời vừa ửng hồng trên vừng mây ở phía Ðông thành, khi cảnh vật im lìm trong bầu không khí mát mẻ, những ngọn gió hiu hiu nhẹ nhàng thoảng đưa tiếng sáo lảnh lót của hoàng tử đến tai vua.

Bao nhiêu xúc cảm của người con mất cha mất mẹ, của một hoàng tử mất nước, của một con người đã mất cả tương lai, của một tâm hồn dịu hiền đức hạnh, được gói ghém trọn vẹn trong những âm thanh lúc bổng khi trầm, làm say mê nhà vua, lúc ấy vừa tỉnh giấc.

Vua truyền tìm ra người thổi sáo và cho vào giúp việc trong nội cung. Vốn thông minh khôn khéo và tài cao, không bao lâu Hoàng Tử Dīghāvu đã trở thành người hầu cận thân tín nhất của Vua Brahmadatta.

Ngày kia, vua truyền lệnh Hoàng Tử Dīghāvu bắt kế ngựa và đánh xe cho Ngài đi săn. Sau khi săn bắn mỏi mệt vua ra lệnh dừng xe và bảo hoàng tử ngồi lại bên đàng để vua gối đầu trên vế, nằm nghỉ.

Lúc ấy, giữa rừng sâu, một mình Vua Brahmadatta đang say ngủ trên vế mình, hoàng tử nghĩ rằng đây là cơ hội tốt đẹp nhất để trả thù nhà, nợ nước. Tuy nhiên, khi vừa rút gươm ra khỏi vỏ thì tiếng nói quen thuộc của người cha thân yêu thì thầm bên tai, "Chớ nên nhìn lâu, nầy hỡi con yêu dấu. Chớ nên nhìn vội."

Hoàng tử nhè nhẹ tra gươm trở lại vào vỏ. Ba lần rút gươm ra. Ba lần lời di huấn tối hậu của cha kềm tay hoàng tử lại.

Vừa lúc ấy vua bỗng dưng giựt mình ngồi phắt dậy, nói rằng Ngài vừa chiêm bao thấy Hoàng Tử Dīghāvu đang đến sát hại mình. Hoàng tử liền đứng lên, một tay nắm chặt đầu tóc vua, một tay lẹ làng rút gươm ra khỏi vỏ, bảo cho vua biết rằng chính mình là Hoàng Tử Dīghāvu, con Vua Dīghiti xứ Kosala, bị vua ra lệnh phân thây làm bốn đoạn, và đem bỏ ở bốn góc thành.

Vua Brahmadatta hoảng sợ, xin hoàng tử tha chết. Hoàng Tử Dīghāvu liền tra gươm trở lại vào vỏ và trấn an Vua như sau:

"Tâu Bệ Hạ, tôi sẽ không làm gì phương hại đến Ngài. Nhưng tôi cũng xin Bệ Hạ một điều, là khoan hồng tha tội đáng chết cho tôi."

Rồi hoàng tử nói tiếp, "Không phải tài sản sự nghiệp, cũng không phải quyền thế hay danh vọng trên thế gian, mà chỉ có những hành động, lời nói và tư tưởng lành mới làm cho ta ra đi với tâm an tịnh trong giờ phút cuối cùng của kiếp sống."

Nói xong hoàng tử tháo gươm ra, đặt trên tay vua. Vua Brhmadatta rất ngạc nhiên trước thái độ cao cả của hoàng tử.

Với tất cả tấm lòng tri ân và cảm phục vua nói, "Nầy con, Trẩm sẽ không làm điều gì phương hại đến con. Con đã tha chết cho Trẩm, Trẩm sẽ tha chết cho con."

Và cả hai đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, lòng phấn khởi hân hoan, tay cầm tay, cùng nhau thề nguyền không bao giờ làm hại lẫn nhau. Vua cùng hoàng tử hồi cung.

Hôm sau, vua triệu tập tất cả các quan đại thần vào triều và phán hỏi: "Nếu bây giờ ta bắt được Hoàng Tử Dīghāvu, con Vua Dīghiti xứ Kosala, thì phải làm gì?" Tất cả đều đồng ý là nên giết tức khắc để tuyệt trừ hậu hoạn. Ðến đây Vua chỉ hoàng tử và nói, "Ðây chính là Hoàng Tử Dīghāvu, con Vua Dīghiti xứ Kosala. Nhưng Trẩm sẽ không làm điều gì phương hại đến hoàng tử, vì chính hoàng tử đã tha chết cho Trẩm," Rồi vua thuật lại chuyện đi săn trong rừng.

Vua lại hỏi hoàng tử tại sao đã có được cơ hội vàng ngọc để trả thù cha mẹ mà lại bỏ qua. Hoàng tử bèn thuật lại lời di chúc của cha mẹ, "Chớ nên nhìn lâu, nầy hỡi con yêu dấu, chớ nên nhìn vội." Vua truyền hoàng tử giải thích rõ hơn.

-- Tâu Bệ Hạ, khi nói, "Chớ nên nhìn lâu", ý cha tôi khuyên chớ nên nuôi dưỡng hận thù trong lòng, ngày nầy qua ngày khác, năm nọ sang năm kia. Không nên ôm ấp tâm báo oán mãi mãi, và luôn luôn lập mưu tìm kế để trả thù, mặc dầu Bệ Hạ đã cướp mất toàn thể vương quốc của cha tôi, lại còn hạ lệnh phân thây cha mẹ tôi như một khúc gỗ.

Khi nói, "Chớ nên nhìn vội", cha tôi khuyên chớ nên vội vã nóng giận và có những hành động hấp tấp. Dầu Bệ Hạ có đối xử tàn nhẫn với cha mẹ tôi, cha mẹ tôi vẫn khuyên chớ nên nhìn vội, ý nói chớ nên vội nổi sân.

Vua Brhmadatta nghe qua lấy làm đẹp dạ, và hết sức khâm phục ông cha sáng suốt và người con thông minh. Lời dạy sâu sắc của cha mẹ hiền lương đạo đức, tuy ngắn gọn và có vẻ bí hiểm nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa, đã được người con trí tuệ lãnh hội đầy đủ và thực hành thích nghi.

Vua tự nghĩ, "Quả thật tuyệt diệu! Quả thật cao thượng!"

Tất cả các vị đại thần trong triều cũng đều kính phục và cảm mến tài đức của hoàng tử.

Vua trao trả lại cho hoàng tử tất cả ngựa voi, xe cộ, quân lính, đất đai và tài sản của Vua Dīghiti, lại còn gả công chúa cho hoàng tử và phục hồi ngôi vị, đưa hoàng tử về làm vua xứ Kosala.

Bài Học Của Tích Chuyện

Trong tích chuyện trên đây, Hoàng Tử Dīghāvu là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca, trong một kiếp xa xôi của Bồ Tát. Gương lành của Ngài là một bài học vô cùng quý giá cho tất cả mọi người, ở mọi thời đại, mọi nơi: không nên trả thù báo oán mà phải nhẫn nại luôn luôn, trong mọi trường hợp, trước mọi khiêu khích. Ðó là đức tánh kiên nhẫn chịu đựng những lỗi lầm của người khác và khoan hồng tha thứ, rộng lượng dịu hiền. Nhường nhịn không phải là ươn hèn, chịu thua, mà rõ rảng là tự khắc phục những cảm xúc của mình, tự làm chủ mình, là chiến thắng vô cùng vẻ vang, y như lời Phật dạy:

"Dầu chinh phục hằng triệu người ở chiến trường tuy nhiên, quả thật vậy, chinh phục được chính mình là chiến thắng cao quý nhất." (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 103)

Sức mạnh sẽ phải đương đầu với sức mạnh. Bom đạn sẽ gặp bom đạn, Hận thù sẽ đưa đến hận thù, không bao giờ chấm dứt. Trong cuộc oan trái giữa hai người, kẻ bại luôn luôn ấm ức, và mưu toan báo oán. Người thắng, trong khi hưởng sự đắc thắng của mình, cũng nơm nớp lo sợ bị trả thù. Kẻ căm tức, người lo sợ, cả hai đàng không ai an tâm. Ðó là cái giá phải trả của lòng thừ hận.

Ta không thể oán ghét mà không bị tổn thương, phiền não, hay mất một điều gì của mình. Người căm thù mất ăn, mất ngủ, mất lý trí, mất an vui, mất cả thì giờ và năng lực, mất một cách vô lý và ngông cuồng, mất vì người mà ta gọi là thù nghịch. Như vậy, con đường thù hận là con đường nô lệ, phiền não và đau khổ. Và không oán ghét không phải là dung thứ kẻ thù mà rõ ràng là tự dung tha chính ta, là tha cho ta cái tội phải chịu những cực hình rùng rợn do oán ghét gây ra.

"Trên thế gian nầy, sân hận không bao giờ dập tất sân hận. Duy có tình thương mới diệt tâm sân. Ðó là định luật nghìn thu." (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 5)

Người thấm nhuần đầy đủ tâm từ và tâm bi của Phật Giáo luôn luôn lấy tốt trả xấu, lấy thiện trả ác, lấy ân trả oán, và luôn luôn thành thật ước mong cho tất cả chúng sanh đều được an lành hạnh phúc. Tựa hồ như cội trầm hương, ngày đêm lặng lẽ tủa hương trầm của mình bao khắp bầu không khí chung quanh mà không có sự phân biệt nào, cũng không màn ai biết ai không biết. Dầu có bị đốn ngã đi chăng nữa, cội trầm vẫn còn ướp mùi hương của mình trên lưỡi búa đã chém mình. Cũng dường thế ấy, người thuần thục thực hành Giáo Pháp hằng ban rải tâm từ êm dịu mát mẻ của mình bao trùm toàn thể sanh linh mà không có sự phân biệt nào và không màn ai biết, ai không biết.

Kết Luận

Một giáo lý như vậy có lìa xa thực tế chăng, có vượt ra ngoài phạm vi của đời sống hằng ngày không, hay chỉ có tác dụng giúp cho con người trở nên thanh lịch hơn, cho sự giao dịch giữa người và người trở nên hòa nhã hơn, và cho kiếp sống làm người trở nên thoải mái, dễ chịu, đáng được sống hơn?

Kiếp sống của chúng ta trên thế gian quả thật là ngắn ngủi. Trong cuộc sống ngắn ngủi chung giữa chúng ta, đã gặp phải bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu phiền lụy, bao nhiêu bất toại nguyện rồi. Tưởng cũng nên loại bỏ những khổ đau mà ta có thể tránh, thay vì tạo thêm.

Trong xã hội trần tục mà ta đang sống, nếu một số đông người khứng chịu lắng nghe Giáo Pháp, khứng chịu dừng bước trong cuộc chạy đua theo đời sống để bình tâm suy gẫm về giá trị của lời dạy và cố gắng thực hành theo, thì chắc nhân loại sẽ tránh được khá nhiều phiền phức!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

-ooOoo-

[03]

GIỚI ÐỨC TRONG ÐẠO PHẬT

Bài viết vào cuối thập niên 1970

Giới đức là một phần của Con Ðường. Hai phần kia là Ðịnh và Tuệ. Giới gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. được xem như những tảng đá vững chắc cẩn trên Con Ðường Trong Sạch (Thanh Tịnh Ðạo), là nền tảng của mọi cuộc sống đạo đức.

Giới, tiếng Pāli là Sīla, có nghĩa là quy luật. Giới luật không phải là những điều răn cấm mà Ðức Phật ban hành, bắt buộc hàng tín đồ phải tuân hành, nếu không là có tội. Phật Giáo không quan niệm có sự ban thưởng diều lành hay trừng phạt điều dữ mà chỉ truyền dạy lý nghiệp báo, tức định luật nhân quả. Gieo giống nào sẽ gặt quả nấy. Gieo cam sẽ có trái cam, gieo ớt sẽ có ớt. Cây cam trổ sanh trái ngon ngọt không phải để ban thưởng, cũng như cây ớt trổ sanh trái ớt cay không phải để trừng phạt người trồng, mà đó chỉ là sự biến chuyển tự nhiên từ nhân đến quả.

Như vậy khi ta làm điều lành, hành động ấy là nhân lành, sẽ đưa đến hậu quả tốt, hành ác ta sẽ gặp điều dữ. Hoàn cảnh thuận lợi hay nghịch lòng đến với ta là hậu quả đương nhiên phát sanh từ những hành động của ta trong quá khứ, chớ không phải do sự thưởng phạt của Ðức Phật hay của vị thần linh nào, vì ta làm đúng theo lời dạy hay phạm vào một điều răn của các Ngài. Giới hay quy luật là sự hướng dẫn mà Ðức Phật khuyên dạy những ai vui lòng bước theo chân Ngài nên xem đó là các điều phài tránh để khép mình vào nếp sống kỷ cương, tạo không khí an lành, gội rửa tâm trong sạch và sau cùng phát triển trí tuệ,

Ba tháng sau khi Ðức Thế Tôn Nhập Diệt, năm trăm vị đệ tử A La Hàn kết tập lần đầu tiên tại thành Rājāgaha (Vương Xá) để nhắc lại những lời vàng ngọc của Ngài trong bốn mươi lăm năm hoằng Pháp. Về sau những lời dạy nầy được ghi chép trên lá buông và sắp xếp thành ba Tạng (Tam Tạng Kinh): Tạng Luật, Tạng Kinh, và Tạng Luận.

Riêng Tạng Luật bao gồm tất cả những giới luật mà Ðức Phật đã ban hành để cho hàng môn đệ xem đó mà tránh những điều không nên làm. Nên hiểu rằng những điều không nên làm ở đây có nghĩa là những hành động bằng thân, khẩu, hay ý có tánh cách gây chướng ngại trên con đường dẫn đến Niết Bàn. Tạng Luật nêu rõ đầy đủ nguyên do tại sao và trong trường hợp nào Ðức Phật ban hành một quy luật. Có những giới dành cho hàng xuất gia và những giới cho hàng tại gia cư sĩ.

Ðối với người tại gia cư sĩ Ðức Phật khuyên dạy nên giữ tròn năm giới là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, và không dể duôi dùng những chất say.

1. Không sát sanh. Mọi người, mọi chúng sanh, đều quý trọng mạng sống của mình. Không ai có quyền hủy hoại sự sống của kẻ khác. Ðức Phật khuyên dạy, dầu tại gia cư sĩ hay hàng xuất gia, chúng ta nên lánh xa mọi hành động có tánh cách sát hại hay gây thương tích cho bất cứ người hay thú.

Không có công lý nào bắt buộc một chúng sanh phải làm mồi cho một chúng sanh khác. Dầu để được ngon miệng hay để giải khuây, không có lý do nào để ta tự cho phép, hoặc nhờ người khác giết một chúng sanh. Nếu sát hại thú là sai lầm thì giết người còn đáng ghê tởm đến bậc nào -- dầu giết từng cá nhân hay từng đoàn, từng nhóm; dầu dùng những khí giới thô sơ tàn bạo hay những phương tiện gọi là văn minh tân tiến và nhân đạo; dầu giết để đem lại hòa bình hoặc giết vì lý do tôn giáo, hay vì một mục tiêu có vẻ tốt đẹp nào khác.

2. Không Trộm Cắp. Người Phật tử cũng được khuyên dạy nên lánh xa mọi hình thức trộm cắp, dầu là trực tiếp trộm cắp, hiển nhiên, lộ liễu, hay trộm cắp gián tiếp, vi tế, kín đáo ẩn núp dưới một lớp gì khác. Trong khi cố gắng lánh xa hành động trộm cắp người Phật tử cũng phát triển đức tánh liêm khiết, chân thật, và chánh trực.

3. Không tà dâm. Lánh xa những hành động làm giảm suy phẩm cách con người và do đó, có một cuộc sống thanh cao trong sạch.

4. Không vọng ngữ. Tránh vọng ngữ, là không nói lời giả dối, không nói đâm thọc làm cho người nầy phiền giận người kia, không nói lời thô lỗ cộc cằn, và không nói lời nhảm nhí vô ích mà chỉ nói lời chân thật, dịu hiền, những lời có thể đem lại sự hòa hợp, tình trạng an vui hạnh phúc cho kẻ khác, và những lời hữu ích.

5. Không dùng chất say. Người Phật tử không nên dùng rượu mạnh hay những món gì có thể làm cho tinh thần kém sáng suốt, trái lại nên luyện tập cho tâm an trụ, trí minh mẫn.

Chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Ba giới đầu tiên -- không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm -- là tránh tạo thân nghiệp bất thiện. Giới thứ tư -- không vọng ngữ, tức không nói lời giả dối, không nói đâm thọc, không nói lời thô lỗ cộc cằn, và không nói lời nhảm nhí vô ích -- là tránh tạo khẩu bất thiện nghiệp. Giới thứ năm -- không dùng chất say -- nhằm giúp cho tâm không bị mê mờ, là tránh tạo ý nghiệp bất thiện.

Như vậy, nghiêm trì ngũ giới là tránh tạo bất thiện nghiệp.

Nên hiểu rằng đây chỉ là khía cạnh tiêu cực, những gì không nên làm. Tuy nhiên giới luật trong Phật Giáo cũng bao hàm ý nghĩa tích cực. Như lời dạy "không nên nói dối" cũng hàm ý là "nên" nói lởi chân thật. "Không nên nói đâm thọc" có nghĩa là "nên" nói những lời đem lại tinh thần đoàn kết, hòa hợp v.v... Khi ban hành giới luật, không phải Ðức Phật hàm ý rằng chỉ cần tránh những hành động bất thiện là đủ, mà đó là tuần tự diễn tiến một cách hợp lý để giữ thân tâm trong sạch (về điểm nầy, muốn có thêm chi tiết xin đọc quyển "Người Phật Tử và Con Ðường Tu Phật", trang 38, cùng một soạn giả). Một cái ve chai đang còn dơ, nếu muốn dùng để đựng nước uống, trước tiên ta phải rửa, sút sạch sẽ. Cùng thế ấy, trước khi phát triển những loại tâm thiện, điều cần nên làm là gội rửa các bất thiện pháp trong tâm.

Người đã giữ tròn năm giới nầy quả thật là con người thanh lịch và hữu ích, nhưng đây chưa phải là mục tiêu cứu cánh mà chỉ là phương tiện giúp đưa đến mục tiêu.

Khi đã vững vàng hướng về mục tiêu giải thoát, người Phật tử tại gia có thể cố gắng bước thêm một bước tiến nữa là trong những ngày giới, tự nguyện giữ thêm ba giới là:

6. Không ăn sái giờ, tức từ buổi ngọ cho đến sáng hôm sau không dùng vật thực cứng. Chỉ uống nước mà không ăn.

7. Không múa hát, thổi kèn, đờn, hay xem múa hát, nghe đờn kèn và trang điểm, thoa ướp nước hoa, dồi phấn và đeo tràng hoa.

8. Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp

Theo Bát Quan Trai giới, giới thứ ba trong Ngũ Giới -- không tà dâm -- trở thành không thông dâm, có nghĩa là chẳng những không lang chạ phóng túng mà trong cuộc sống giữa vợ và chồng cũng phải gìn giữ trong sạch như người hoàn toàn độc thân, trong ngày Bát Quan. Ðó là phương pháp tu tập tiến dần từ tạo thiện nghiệp của Ngũ Giới đến tâm từ khước, dứt bỏ -- trạng thái tâm làm chủ giác quan. Năm giác quan của ta có những thích thú đòi hỏi được thỏa mãn. Mắt muốn thấy hình sắc đẹp, tai muốn nghe âm thanh êm dịu, mũi muốn hửi mùi thơm, lưỡi muốn nếm món ngon vật lạ, thân muốn có những cảm xúc dễ chịu. Ðã lâu rồi giác quan ta được phụng sự đầy đủ, và sẽ còn được phụng sự cho đến khi trở thành quá đỗi khó chịu. Cài gì phụng sự giác quan? Chính cái tâm phải phục vụ giác quan như người nô lệ phục vụ cùng lúc năm vị hoàng đế khó tánh. Tâm, vị chúa tể, đã bị truất phế, và năm tên quân hầu -- năm giác quan -- đã choán ngôi. Người Phật tử chúng ta có bổn phận phải phục hồi ngôi vị cho tâm, vì tâm là nguồn lực duy nhất có thể giúp ta mở vạch con đưởng dẫn đến tự do. Tâm của người thế gian thông thường đã kiệt sức vì phải luôn luôn phụng sự giác quan, không thể có chút thì giờ để thấy rõ chân tướng của sự vật. Ðể chế ngự mọi khát vọng của cơ thể vật chất, giới luật giúp người Phật tử chân chính sống giản dị và thanh đạm vì cuộc sống xa hoa biến con người trở nên nô lệ của tham vọng.

Trên Con Ðường phát triển tâm Trong Sạch (Thanh Tịnh Ðạo) giới hạnh quả thật là yếu tố cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, tự nó, giới không phải là mức đến, mà chỉ là phương tiện đưa đến mục tiêu.

Năm giác quan đã phối hợp, chung sức làm lu mờ ngọn đèn tâm. Giới có hiệu năng lau chùi, giúp làm cho ngọn đèn tâm trở nên sáng tỏ, thấy rõ thực tướng của sự vật.

Sau đây là một đoạn trích dịch từ sách Visuddhi Magga, (Thanh Tịnh Ðạo) đề cập đến giới luật, xem như nền tảng của tất cả hạnh lành. Bà Hồ Thị Linh sắp thành văn vần.

Ðạo chính đáng cho người vững chí
Sống thanh cao, cao quý chi bằng,
N
ên trang đức hạnh ai tầng,
Mấy ai tả được uy h
ùng đến đâu.
Cũng không phải d
òng sâu lồng lộng
Của Hằng giang với ngọn Da-Ma (Yamuna)
Thủy triều reo rắc sông Sa (Sarabhu)
Sông A-Ti (Acivarati) với đại hà Ma-Hi
Mà rửa sạch những gì nhơ bợn
Và những chi bất tịnh trong lòng,
Chỉ đức hạnh, sức khôn cùng,
Gội tan ác ý, rửa dần mê tâm,
Với gấm vóc hương trầm bảo vật
Cùng trăng thu vằng vặc ánh vàng,
Nhẹ nhàng gió mát đêm trường
Cũng không xoa dịu nỗi lòng tham sân.
Chỉ đức hạnh trong ngần cao quý
L
à vững bền tiết chế lòng người.
Trầm hương bay thuận gió đời
Chỉ hương đức hạnh ngát trời gần xa.
N
ào nấc tiến cho ta tinh tấn
Ðể ta nương đến tận trời cao.
Cửa n
ào mở lối ta vào
Niết Bàn cảnh giới muôn màu cho ta.
Ðời đạo hạnh tinh hoa giới đức
Không điểm tô, trang sức chi hơn
M
à luôn sáng tỏ vô ngần,
Chỉ nơi đức hạnh rở ràng hào quang,
Nào vua chúa ngọc vàng lóng lánh
Dường mờ lu bên ánh rạng nầy.
Tâm người đạo hạnh ngày ngày
Chỉ còn thanh tịnh và đầy an vui,
Qua kinh sách l
òng người phải rõ,
Ðời thanh cao uy thế chi bằng,
Ðạo là nguồn cội phước lành,
Ðạo là tiêu diệt mọi căn mê lầm.

-ooOoo-

[04]

HƯƠNG THƠM CỦA GIỚI ÐỨC

Phạm Kim Khánh
trích dịch từ quyển "Buddhist Legends"

Chúng ta được nghe rằng sau khi hành thiền vào một buổi chiều, ý nghĩ sau đây phát sanh đến Đức Ānanda (A Nan): "Ðức Thế Tôn có đủ ba loại hương tốt nhất trên thế gian. Ðó là hương của gỗ trầm, hương của các loài rễ cây, và hương của các loài hoa. Tuy nhiên, các loại hương nầy chỉ bay theo chiều gió, gió phất về hướng nào thì mùi thơm bay về hướng đó, người đứng trên gió thì không cảm nhận được mùi. Vậy có chăng một thể chất mà mùi thơm bay ngược chiều gió. hay có chăng một thể chất mà mùi thơm vừa bay theo, vừa bay ngược chiều gió?"

Rồi Ngài tiếp tục nghĩ như sau, "Ta sẽ bạch hỏi Ðức Thế Tôn. Ngài sẽ giải đáp thỏa đáng". Nghĩ như vậy Ngài đến hầu Phật và nêu lên câu hỏi.

Do đó có tích chuyện sau đây:

"Lúc bấy giờ, vào một buổi chiều, Ðức Ānanda xuất thiền, đến gần nơi Ðức Phật ngự và bạch hỏi Ngài, "Bạch Hóa Dức Thế Tôn, có ba thề chất mà mùi thơm bay theo chiều gió, không thể bay ngược chiều. Ðó là thể chất gì? Hương của các rễ cây, hương của gỗ trầm, và hương của hoa. Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, đó là thể chất mà mùi thơm có thể bay theo chiều mà không thể bay ngược chiều gió. Nhưng, Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, có chăng một thể chất mà hương thơm có thể bay ngược chiều gió, hay có chăng một thể chất mà mùi thơm có thể vừa bay theo, vừa bay ngược chiều gió?"

Ðức Phật giải đáp:

-- Nầy Ānanda, có một thề chất mà hương thơm bay theo chiều gió, có một thề chất mà hương thơm vừa bay theo chiều gió vừa bay ngược chiều.

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, thề chất nào bay theo chiều gió và thề chất nào vừa bay theo, vừa bay ngược chiều gió?

-- Nầy Ānanda, nếu trong một xóm làng hay trong một thành phố mà có người kia, nam hay nữ, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nếu người ấy tránh xa những hành động sát sanh, những hành động trộm cắp, những hành động tà dâm, những hành động giả dối vá những lúc dể duôi dùng các chất say. Nếu người ấy có đời sống đạo hạnh, nếu người ấy sống đúng theo chánh mạng, sống với tâm bố thí trong sạch, nếu người ấy quảng đại rộng rãi, nếu người ấy sống một cách cởi mở, nếu người ấy tìm thỏa thích trong sự cúng dường những bậc khả kính, thì bất luận ở nơi nào trên thế gian, tất cả những vị tỳ khưu, tất cả những vị bà la môn, đều tán dương người ấy. Nếu trong một xóm làng hay trong một thành phố có người kia, nam hay nữ, quy y Phật v.v... nếu người ấy tìm thỏa thích trong sự cúng dường những bậc khả kính, những hành động như thế ấy, nầy Ānanda, là thể chất mà hương thơm vừa bay theo vừa bay ngược chiều gió. Dạy xong Ðức Phật đọc lên câu kệ như sau:

- "Hương thơm của hoa không thể bay ngược chiều gió. trầm hương cũng vậy, gỗ tagara và hoa lài cũng thế, nhưng hương thơm của giới đức bay ngược chiều gió. Danh thơm của người giới đức bay khắp các nơi. (Kinh Pháp Cú, câu 54)

- "Gỗ trầm, gỗ tagara, hoa sen, hoa lài - trên tất cả những loại hoa ấy, hương thơm của giới đức còn hơn nhiều" (Kinh Pháp Cú, câu 55)

-ooOoo-

[05]

CÒN TA THÌ SAO?

Một bài viết vào cuối năm, trong thập niên 80

Thêm một năm sắp đến, và chúng ta sắp bước vào những ngày đầu tiên của năm mới. Thông thường, đây là cơ hội để chúng ta ngồi lại ôn cố tri tân, kiểm điểm những việc làm trong năm qua và sắp xếp chương trình cho năm tới.

Câu chuyện dưới đây có thể là một đề tài để chúng ta suy gẫm nhằm tìm một hướng đi thích nghi.

Người kia đi quanh quẩn giữa một khu rừng mênh mông, đầy chông gai và đá nhọn.

Trong khi lang thang bất định, anh sực nhìn lại phía sau, thấy một thớt voi đang rượt theo. Giựt mình, anh vụt chạy. Voi đuổi theo. Chạy đến một cái giếng cạn, anh định nhảy xuống để tránh voi. Nhưng nhìn xuống đáy giếng anh thấy một con rắn. Thớt voi vẫn lù lù trờ tới. Hoảng hốt, anh chụp lấy một dây rừng từ cây cao lòng thòng trên miệng giếng, và vội vã leo phăng lên, bất chấp gai nhọn đầy trên sợi dây, quàu trầy cả mình mẩy và tay chân. Lúc ấy anh chàng ngẩng mặt nhìn lên, thấy một ổ ong. Bị động ổ, bầy ong bay tủa ra vây đánh anh. Phía trên nữa có hai con chuột, một trắng một đen, đang cặm cụi gậm nhắm sợi dây mà anh đang đeo trên đó.

Vào lúc ấy có một giọt mật từ ổ ong rơi xuống ngay vào miệng anh. Bấy giờ, quên cả thớt voi đang rượt, con rắn đang nằm chực hờ dưới đáy giếng, sợi dây đầy gai nhọn đang quàu trầy cả mình, bầy ong đang vây đánh, và hai con chuột đang gậm mòn sợi dây, anh mê mệt thọ hưởng giọt mật một cách thỏa thích.

Trong tình cảnh vô cùng nguy kịch của anh chàng đang lâm nạn giữa khu rừng mênh mông, có một vị hiền nhân giàu lòng từ ái xuất hiện, và anh được biết rằng vị nầy có đủ khả năng và sẵn sàng vạch lối chỉ đường cho anh thoát thân.

Nhưng anh chàng lễ độ khước từ, "Tôi biết ông là người giàu lòng bi mẫn và rất cảm tạ ông có nhã ý muốn cứu tôi. Tuy nhiên, xin ông vui lòng để cho tôi yên ổn trọn vẹn thưởng thức hương vị ngọt ngào của giọt mật ..."

Trong câu chuyện kể trên, người lang thang lạc bước giữa rừng là chúng ta. Khu rừng đầy chông gai và đá nhọn là cuộc sống trong vòng luân hồi. Thớt voi tượng trưng cho Tử Thần. Con rắn nằm dưới đáy giếng là sự già nua. Sợi dây rừng đầy gai là sự sanh. Bầy ong là những mối hiểm nguy, những nỗi sầu khổ, luôn luôn đe dọa tình trạng an lành của chúng ta. Giọt mật ong ngọt ngào hình dung một vài thú vui hiếm hoi trong đời. Hai con chuột, một trắng một đen, là ngày và đêm. Và vị hiền nhân giàu lòng từ bi sẵn sàng chỉ đường dẫn lối cho ta thoát ra khỏi khu rừng là Ðức Phật.

Ðời sống trong vòng luân hồi không giống như một vườn hoa hồng tươi đẹp, lộng lẩy màu sắc, bát ngát hương thơm, mà tựa hồ như một khu rừng đầy chông gai và đá nhọn. Hạnh phúc mà phần đông chúng ta mong tìm chỉ là sự thỏa mãn một vài ước vọng. Nhưng vừa đạt đến, ta lại ước mong điều khác, và cứ thế không ngừng. Lẽ dĩ nhiên, một ước vọng không được toại nguyện làm cho ta đau khổ. Nhưng dầu có được toại nguyện đi nữa, ta lại lo âu, bận tâm suy nghĩ đề gìn giữ, sợ nó mất đi. Vua chúa lo sợ cho tình trạng an toàn của ngôi vị mình. Người thường dân lo sợ cho trạng thái an toàn của mạng sống mình. Người tư bản lo sợ cho sự nghiệp mình. Người làm công lo sợ cho công ăn việc làm v.v... Nhưng, trong cuộc sống vô thường tạm bợ nầy, có thú vui nào tồn tại mãi mãi, có hạnh phúc nào trường tồn. Nếu mọi sự vật đều biến đổi thì không thể có thanh bình và ổn định. Và nếu không có thanh bình và ổn định tức có xáo trộn, bất ổn, và lo âu sợ sệt.

Luôn luôn chúng ta có vấn đề, và chúng ta tự tạo thêm vấn đề, những vấn đề chánh trị, kinh tế, tài chánh, xã hội, gia đình, chí đến vấn đề tôn giáo v.v... Ðã có vấn đề tức nhiên có gì không được suôn sẻ, không toại nguyện, bất mãn, phiền lòng, sầu muộn, đau khổ. Ðó là chông gai và đá nhọn của khu rừng đời sống mà chúng ta đang lạc lối trong đó. Trong thế gian huyền ảo, tạm bợ, vô thường, ngã chấp và đầy tham vọng nầy chúng ta không thể tìm được hạnh phúc thật sự, trường tồn vĩnh cửu. Ðã từ lâu, chúng ta lê bước lang thang đi hết nơi nầy đến nơi khác, xuyên qua khu rừng mênh mông của vòng luân hồi, mà không tìm được lối ra. Chết ở nơi nầy ta lại tái sanh vào chỗ khác, sanh rồi tử, tử rồi sanh, mãi mãi triền miên.

Trong câu chuyện, anh chàng lạc lối đang lang thang bất định thì bỗng nhiên sực nhìn lại phía sau, thấy một thớt voi đang rượt theo mình. Cũng dường thế ấy, hàng ngày chúng ta mãi lo sống mà lãng quên rằng cái chết lúc nào cũng theo dõi ta bén gót từ khi mới bước chân vào đời. Thật vậy, trong cuộc sống bấp bênh nầy, nếu có một điều chắc chắn thì điều ấy là chúng ta phải chết một ngày nào.

Thuở nọ Ðức Thế Tôn đến thành Ālavi. Dân chúng nơi đó thỉnh Ngài về ngự tại đền thờ Aggālava thọ lễ Trai Tăng. Sau khi thọ thực, Ngài đọc kinh phúc chúc và khuyên dạy, "Chư thiện tín nên hành thiền về đề mục 'chết', hãy tự nhủ rằng kiếp sống của ta quả thật bấp bênh vô định. Cái chết trái lại là chắc chắn. Người không suy niệm về hiện tượng chết sẽ lìa bỏ cuộc đời trong cơn hãi hùng kinh sợ, giống như người kia gặp con rắn độc mà trong tay không có gậy. Nhưng người có hành thiền về đề mục chết sẽ không sợ hãi trong giờ phút cuối củng, tựa như người gặp rắn mà trong tay sẵn có cầm gậy. Người ấy sẽ bình tĩnh dùng gậy vít con rắn ra xa. Vì cớ ấy thiện tín nên hành thiền, suy niệm về hiện tượng chết."

Trong số thính giả hôm ấy có cô gái con người thợ dệt, lúc bấy giờ mười sáu tuổi, tự nghĩ rằng, "Lời dạy của Ðức Phật quả thật là tuyệt diệu, ta phải hành thiền về đề mục chết." Và kể từ đó, ngày đêm cô gia công suy niệm về hiện tượng chết.

Ba năm về sau, ngày nọ Ðức Tôn Sư quan sát thế gian nhận thấy cô gái ấy đã sẵn sàng lãnh hội Giáo Pháp nên cùng đoàn tùy tùng trở lại Ālavi. Dân chúng trong vùng hay được tin, cung thỉnh Ngài về đền thờ Aggālava cúng dường. Cô con gái con người thợ dệt nghe được tin nầy lòng khắp khởi vui mừng, nghĩ thầm, "Ngài là người mà ta xem như cha, như Ðấng Thế Tôn, như Ðức Tôn Sư của ta. Từ ba năm nay đây là lần đầu tiên mà ta sẽ được cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan, đảnh lễ Ngài, và nghe thuyết giảng Giáo Pháp Cao Siêu đượm nhuần đạo vị."

Nhưng ngày hôm ấy, trước khi cha cô đi xưởng đệt có lời dặn, "Nầy con, có cái áo của khách hàng còn trên khung cửi vì còn một vạt chưa xong, cha phải hoàn tất cái áo hôm nay. Vậy con hãy quấn chỉ vào suốt và mau mau mang đến cho cha." Cô gái tự nghĩ, "Ta muốn đi nghe Ðức Tôn Sư thuyết Pháp nhưng cha ta sai bảo như vậy, thì giờ đây biết làm sao." Rồi cô nghĩ, " Ta hãy quấn chỉ vào suốt, mang đến cha ta trước, rồi sẽ đi nghe Pháp."

Trong lúc ấy dân chúng tại Ālavi đến hầu Phật và dâng vật thực lên Ngài. Khi Ngài độ ngọ xong họ rước bát rồi đứng đó chờ Ngài đọc kinh phúc chúc và thuyết giảng Giáo Pháp. Ðức Thế Tôn nói, "Như Lai đi ba mươi dặm đường đến đây để độ một tín nữ trẻ tuổi. Nhưng người ấy chưa đến kịp, vậy chúng ta hãy nhẫn nại chờ, Như Lai sẽ đọc kinh phúc chúc và thuyết giảng." Rồi Ngài ngồi lặng im.

Khi cô gái con người thợ dệt quấn chỉ xong, để suốt chỉ vào rổ, ra đi đến xưởng đệt của cha. Trên đường đi, cô dừng lại ở vòng ngoài đền thờ để chiêm ngưỡng Ðức Thế Tôn. Lúc ấy Ðức Phật nhìn lên, hướng mắt về nàng. Thấy cách Ðức Phật nhìn, cô nhận biết, "Ngồi giữa đám đông trong buổi họp mà Ngài nhìn ta như thế kia chắc là có ý muốn ta đến trước mặt." Cô bèn để rổ đựng suốt chỉ xuống đất, rồi đi ngay đến trước mặt Ðức Phật [*]. Cô đảnh lễ Ngài và kính cẩn đứng qua một bên.

[*] Nhưng tại sao Ðức Phật chăm chăm nhìn, có ý muốn cô gái con người thợ đệt đến trước mặt Ngài? Theo Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú, vì lúc ấy Ðức Phật đã biết cô sắp chết, và Ngài cũng biết cô đã tiến bộ đến mức độ có thể chứng đắc Niết Bàn trong kiếp nầy. Nếu cô ấy đi luôn không ngừng lại thì sẽ chết như một người thường. Vì lẽ ấy Ngài muốn tế độ cô trước khi cô lìa đời.

Ðức Phật, lúc ấy ngồi im lặng giữa đám đông thiện tín hội họp quanh Ngài, chờ cô gái vừa đảnh lễ xong, liền hỏi:

Nầy con, từ đâu con đến đây?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, con không biết.

Rồi con sẽ đi đâu?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, con không biết.

Con không biết sao?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, dạ con biết.

Phải con biết không?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, con không biết.

Như vậy, Ðức Phật hỏi cô gái bốn câu. Dân chúng nghe cô trả lời với Ðức Phật như vậy thì lấy làm bất mãn. Họ nói với nhau, coi kìa, với bậc Toàn Giác mà con gái người thợ dệt dám nói như cô ấy đùa giởn vậy.

Ðức Phật bảo đám đông giữ im lặng, và hỏi tiếp cô gái,

"Nầy con, khi Như Lai hỏi con từ đâu đến, tại sao con trả lời là không biết?"

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, Chính Ngài cũng đã biết là con đi từ nhà cha con là người thợ dệt mà đến đây. Vậy khi Ngài hỏi từ đâu con đến đây thì con nghĩ là ý Ngài muốn hỏi, "Từ cảnh giới nào con tái sanh vào đây? và như vậy là con không biết." Ðức Phật nói, "Lành thay! Lành thay! Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.

Ðức Phật hỏi tiếp, "Khi Như Lai hỏi từ đây con sẽ đi dâu, tại sao con trả lời là không biết?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, chính Ngài cũng biết là con sẽ đem suốt chỉ đựng trong rổ đến xưởng dệt cho cha con mà Ngài còn hỏi con sẽ đi đâu, thì con biết chắc là ý Ngài muốn hỏi, "Khi ra đi từ kiếp nầy, con sẽ tái sanh đi đâu, và như vậy thì con không biết." Ðức Phật nói, "Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai."

Ðức Thế Tôn khen cô gái lần thứ nhì. Rồi Ngài hỏi tiếp. Khi Như Lai hỏi, "Con không biết sao?" tại sao con trả lời "dạ con biết".

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, điều nầy con biết. Chắc chắn là con phải chết. Vì lẽ ấy con trả lời như vậy. Ðức Phật nói, "Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai."

Như vậy Ðức Thế Tôn ngợi khen cô gái lần thứ ba. Rồi Ngài hỏi tiếp, "Khi Như Lai hỏi con biết, phải vậy không? Tại sao con nói con không biết."

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, con chỉ biết một điều là thế nào con cũng chết, nhưng con không biết chừng nào. Chết ban ngày hay ban đêm, vào buổi sáng hay lúc chiều, điều ấy con không biết, vì lẽ ấy con trả lời như vậy. Ðức Phật nói, "Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai."

Khi thời Pháp chấm dứt, cô gái con người thợ dệt chứng đắc Ðạo Quả Nhập Lưu.

Cô bưng cái rổ đựng suốt chỉ đến xưởng dệt của cha. Lúc ấy cha cô đang ngồi trên khung dệt mà ngủ. Cô không để ý rằng cha cô đang ngủ nên vói tay đưa rổ cho ông. Không may, cái rổ đụng vào đầu khung cửi và rơi xuống, gây một tiếng động lớn. Cha cô giựt mình thức dậy, tình cờ chụp cây cần ở đầu khung kéo mạnh xuống. Cái đầu khung quây vòng trúng ngay vào ngực cô gái. Tức thì cô chết, và tái sanh vào cảnh trời Ðâu Suất (Tusita).

Bài học của câu chuyện:

Từ đâu chúng ta đến đây? Nào ai biết. Từ đây chúng ta sẽ đi đâu? Nào biết. Chừng nào đi? Nào biết. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng chắc chắn ta phải ra đi.

Từ cành cây có nhiều trái rơi rụng, trái non có, trái lớn có, trái già có, trài chín mùa cũng có. Cùng một thế ấy, trong khu rừng của vòng luân hồi, từ cành cây đời sống chúng ta có thề rơi lìa bất luận lúc nào, kể từ khi được thọ thai đến tuổi sơ sinh, thiếu sinh, thiếu niên, tráng niên, hay lúc niên cao tuổi lớn.

Thớt voi trong câu chuyện tượng trưng cho Tử Thần, không ngừng đuổi theo ta, vì trong sự sống đã có mầm chết. Lời khuyên của Ngài Nārada Mahā Thera là:

"Ðời sống mặc dầu quý nhưng quả thật bấp bênh vô định. Cái chết trái lại, là điều không thể cưỡng, và nó sẽ đến, chắc như vậy. Vậy chúng ta hãy cố gắng sử dụng xứng đáng khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp sống nầy, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người sống quanh mình, mọi chúng sanh, những người bạn đồng hành của chúng ta trong đại trùng dương gọi là đời sống của muôn loài vạn vật."

Trong câu chuyện, con rắn tượng trưng cho sự già nua. Có sanh, có trưởng thành, tất có già. Trạng thái già nua luôn luôn sẵn sàng chực hờ ta dưới một đáy giếng nào. Sợi dây lòng thòng trên miệng giếng là sự sanh mà ở đây phải hiểu đó là sự sống. Những gai nhọn trên sợi dây là tình trạng bệnh hoạn trong đời sống. Sanh, già, bệnh, chết, là những gì mà trong đời không ai có thể tránh khỏi. Trong bài pháp đầu tiên của Ðức Phật, được gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakkapavattana Sutta, chuyển động bánh xe Chân Lý, hay vận chuyển bánh xe Pháp Bảo) Ngài dạy:

"Nầy các Tỳ Khưu, đây là Chân Lý Thâm Diệu (Diệu Ðế) về sự khổ (dukkha ariya sacca, Khổ Thánh Ðế): Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ..."

Khi nói sanh là khổ không phải chúng ta chỉ nghĩ đến nỗi đớn đau nguy hiểm gây nên do cảnh mang nặng đẻ đau, mà sâu xa hơn, ta nên nhận thức rằng chính cái sanh là đầu dây mối nhợ, là khởi duyên tạo điều kiện cho tình trạng đau khổ bám vào, là chỗ nương tựa của đau khổ. Nếu không sanh tức không có sống, và không sống tức không có đau khổ. Vì lẽ ấy, mục tiêu cứu cánh của người Phật tử là thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, tức thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau.

Nhưng bản chất thiên nhiên của chúng sanh là cố bám vào sự sống, giống như anh chàng bị gai quàu trầy cả mình mẩy mà vẫn đeo chặt lấy sợi dây, vì ái dục là một năng lực vô cùng hùng mạnh, luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người. Chính ái dục -- thô kịch hay vi tế -- thúc giục ta đeo níu, cố bám vào sự sống và do đó, dắt dẫn ta mãi mãi phiêu bạt trong vòng luân hồi.

Cái già làm cho thân thể hao mòn tiều tụy, răng long tóc bạc, má cóp da nhăn, mắt mờ tai điếc, tinh thần suy kém, trí não lu mờ, quên trước lộn sau v.v... và do đó, có sự đau khổ -- vật chất và tinh thần. Trạng thái già nua đến với ta từng giây, từng phút, và thâu ngắn đời sống của chúng ta trong từng chặp tư tưởng.

Bệnh hoạn là tình trạng dĩ nhiên trong đời sống. Có sanh, có sống, là có bệnh -- những chứng bệnh của cơ thể vật chất và những chứng bệnh tinh thần. Tấm thân ô trược nầy là nơi nương tựa của bao nhiêu bệnh hoạn và tật nguyền. Chúng ta hãy lắng nghe lời Ðức Bổn Sư khuyên dạy cụ già Nakulapīta trong câu chuyện sau đây:

Hôm nọ có một cụ già tên Nakulapīta đến bạch với Ðức Phật, "Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, nay con đã già yếu nhiều, thân thể gầy còm, đi đứng lụm cụm, tuổi quá cao. Con đã đến mức tận cùng của đời sống, thường bệnh hoạn và luôn luôn ươn yếu. Cuối xin Ðức Thế Tôn mở lượng từ bi khuyên dạy, an ủi thế nào để con có thể an hưởng phước báu lâu dài.

-- Ðúng vậy, nầy ông thiện nam, quả thật thân thể của ông đã yếu đuối mỏi mòn. Tuy nhiên, nầy ông thiện nam, người nào mang thân nầy mà khoe khoan rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ trong chốc lát thôi, người đó cũng là điên rồ.

Như vậy, nầy ông thiện nam, ông hãy tu tập suy niệm như sau: "Dầu thân nầy có ươn yếu, ta sẽ không để cho tâm bệnh hoạn."

Cụ già Nakulapīta nghe được lời dạy của Ðức Phật thì lòng phấn khởi, hoan hỷ đảnh lễ Ngài, rồi ra đi. Và cụ đến bạch với Ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất), xin Ngài giải thích thêm thế nào là thân thể bệnh hoạn mà tâm cũng bệnh hoạn, và thế nào là thân bệnh mà tâm không bệnh."

Ðức Sāriputta dạy:

Nơi đây (trong trường hợp nầy), nầy ông thiện nam, người không phân biện rõ ràng Giáo Pháp, không tu tập theo lời dạy của Giáo Pháp, xem thân nầy là chính mình, thấy tự ngã nằm trong thân, thân trong tự ngã. Người ấy nói, "tôi là thân nầy", thân nầy là "của tôi", và ý tưởng ấy thâm nhiễm lâu ngày nhiều kiếp như vậy. Ðến khi thân thể biến đổi, tàn tạ, và ngày càng trở nên đồi tuỵ theo định luật vô thường, bất ổn định, dính liền với mọi sự vật trong mọi kiếp sinh tồn, thì cảm nghe buồn rầu, âu sầu, đau khổ. Người ấy ta thán, than van, tuyệt vọng.

Người ấy xem thọ, tưởng, hành, thức là tự ngã, xem chính mình nằm trong thọ, tưởng, hành, thức, hoặc xem thọ, tưởng, hành, thức nằm trong chính mình và nói chính ta là ngũ uẩn, ngũ uẩn là ta, cái nầy là thọ, tưởng, hành, thức "của ta", và cứ thế, ý niệm tự đồng hóa mình với ngũ uẩn thâm nhiễm người ấy. Do đó, khi thọ, tưởng, hành, thức biến đổi -- vì bản chất của nó là bất ổn định và luôn luôn biến đổi -- thì người ấy buồn rầu, ta thán, âu sầu, và tuyệt vọng. Ðó, nầy ông thiện nam, là thân bệnh hoạn mà tâm cũng bệnh hoạn.

Và bây giờ, thế nào là thân ươn yếu bệnh hoạn mà tâm cường tráng khỏe mạnh?

Người được giáo dục đầy đủ, tu tập thuần thục trong Giáo Pháp của bậc Thánh Nhân, người ấy xem thân nầy không phải là tự ngã, và tự ngã không nằm trong thân. Người ấy không nói, "Tôi là thân nầy, thân nầy của tôi", mà cũng không bị ý niệm ấy thâm nhiễm. Như vậy, khi thân biến đổi và tàn tạ, người ấy không âu sầu, không phiền muộn v.v...

Cùng một thế, người ấy không xem thọ, tưởng, hành, thức, là chính mình, cũng không xem tự ngã mình nằm trong bốn uẩn ấy. Người ấy không bị ý niệm kia thâm nhiễm và không nói, "thọ, tưởng, hành, thức là tôi, tôi là thọ, tưởng, hành, thức. Vì không thâm nhiễm những ý niệm sai lạc ấy, khi thọ, tưởng, hành, thức, biến đổi, người ấy không âu sầu, phiền muộn v.v... - (Viết theo Samyutta Nikāya, Tạp A Hàm, phần ba, chương XX11, bài 1)

Có những bệnh hoạn của cơ thể vật chất. Cũng có những bệnh tinh thần. Tánh hung bạo tàn ác, phóng đãng hư hèn, tham lam keo kiết v.v...là những chứng bệnh thuộc về tâm linh, cần phải được chữa trị, vì cả hai, bệnh của cơ thể vật chất hay bệnh tinh thần, đều là nguyên nhân đưa đến đau khổ.

Tử biệt là một nguyên nhân khác đưa đến đau khổ mà không ai có thể tránh.

Cứng rắn như sắt đá, to lớn như hành tinh, khôn ngoan như loài người, hung dữ như ác thú, tất cả đều phải hoại diệt. Già chết, trẻ chết, nam chết, nữ chết, giàu sang chết, quyền quý chết, bần hàn chết ... cái chết không dành riêng cho một hạng người nào.

Và dưới đây là lời Ðức Bổn Sư khuyên dạy Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) xứ Kosala:

"Cũng dường như những ngọn núi khổng lồ
Cao vót lên tận trời,
Vồn vập tiến đến, cà nát nghiền ngấu
Tất cả đồng bằng ở bốn hướng
Ðông, Tây, Nam, Bắc, cùng thế ấy,
Tuổi già và sự chết lăn xả tràn ngập tất cả.
Người dòng quý tộc và bà la môn,
Người thường dân, hạng cùng đinh,
Không có ai chạy thoát,
Không ai có thể lẫn trốn hay tránh né
Triển vọng đen tối -- già và chết -
Bao trùm mọi người, và tất cả mọi người.
Nơi đây (trong trường hợp nầy)
Không có chiến tượng, chiến mã,
Chiến xa, hay chiến binh,
Cũng không có bùa phép hay thần chú
Không có kho tàng châu báu nào
Có thể ngăn chống,
Do đó, người có trí để suy tư,
Người thông minh sáng suốt,
Người có tâm lực hùng mạnh
Hãy đặt niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng,
Hành động chân chánh bằng thân, khẩu, ý.
Người ấy, nơi đây được ngợi khen
Và trong kiếp sống vị lai, được hạnh phúc.
-- (Samyutta Nikāya, Tạp A Hàm, chương 3, phần ba, bài số 5)

Ngoài ra còn bao nhiêu phiền phức và đau khổ khác -- được tượng trưng bằng bầy ong -- không ngớt ve vản để phá vỡ tình trạng an lạc của chúng ta.

Phải sống chung với những người, những vật, hay trong những hoàn cảnh mà mình không thích là khổ. Chung sống với người điên, với kẻ sát nhân, với một tên lưu manh trộm cắp tàn bạo, sống với người lang chạ buông lung, người giả dối, người có tánh đâm thọc, người thô lỗ cộc cằn, người say sưa, hư hèn mất nết v.v... đều là khổ.

Phải xa lìa người thân kẻ yêu là một nguyên nhân khác sanh đau khổ. Con xa cha mẹ, cha mẹ xa con, chồng lìa vợ, vợ lìa chồng, bạn bè xa cách, quyến thuộc chia lìa ... đều làm cho ta đau khổ. Nhưng có hợp là có tan. Ðó là lẽ tự nhiên. Cảnh sum hợp trên thế gian là tạm bợ. Và đời sống của chúng ta, gặp gỡ nhau trên thế gian, cũng chỉ là tạm thời. Chúng ta đến đây một mình. Rồi cũng một thân một mình, chúng ta ra đi. Tất cả những mối liên hệ trong gia đình, trong xã hội, như cha mẹ, anh em, chồng vợ, bạn bè, quyến thuộc v.v... tất cả đều chỉ nhất thời.

Ðiều mong muốn mà không thành tựu cũng làm cho ta đau khổ. Trái lại, những cảnh ngộ nghịch lỏng hay điều chúng ta ít mong muốn nhất lắm khi đến với ta một cách đột ngột.

Những trường hợp nghịch cảnh tương tợ trở thành không thể chịu đựng, và đau khổ đến đỗi vài người yếu tánh và kém hiểu biết phải nghĩ đến tự quyên sinh, tưởng chừng như chết là giải quyết mọi vấn đề đau khổ.

Những hoàn cảnh được trình bày ở phần trên là chông gai, đá nhọn, và hiểm họa trong khu rừng đời sống. Ðó là phần đen tối của kiếp sinh tồn. Tuy nhiên, trong đời không phải chỉ có khổ đau. Thỉnh thoảng ta cũng gặp những hoa thơm cỏ lạ, hay vài giọt mật ngọt ngào. Thú vui được có tài sản sự nghiệp, thú vui được lợi lộc, thú vui được danh thơm tiếng tốt, được vinh quang phú quý, thú vui gia đình, thú vui với thân bằng quyến thuộc v.v... thật là dễ chịu, thích thú.

Chính những giọt mật hiếm hoi, hay những loại kỳ hoa dị thảo ấy làm cho ta say đắm, quên hẳn thực tại hiểm nguy sầu khổ mà ta đang ở trong đó.

Chắc chắn là có hạnh phúc cấp thời trong khi ta mơ ước, lúc ta thọ hưởng, và khi ta hồi nhớ những lạc thú ấy. Tuy nhiên, trong một thế gian huyền ảo, tạm bợ, và luôn luôn biến đổi, không thể có hạnh phúc thật sự trường tồn vĩnh cửu.

Hai con chuột, một trắng một đen, tượng trưng ngày và đêm, không ngừng gặm nhấm sợi dây đời sống. Mỗi ngày qua đưa ta đến gần cái chết một ngày. Mỗi đêm qua đưa ta đến gần cái chết một đêm. Ngày qua, rồi đêm qua. Ðêm ngày, ngày đêm, liên tục nối tiếp trôi qua, và trong từng giờ, từng phút, từng giây, từng khoảnh khắc của thời gian ấy chính ta và những sự vật quanh ta đều phải biến đổi, trở thành một cái gì mới, và tiến dần đến hoại diệt.

Ðó là bối cảnh của cuộc sống mà chúng ta đang sống. Trong tình cảnh hết sức nghặt nghèo như vậy, có một vị hiền nhân từ bi vô lượng xuất hiện, sẵn sàng chỉ đường dẫn lối cho ta thoát ra khỏi khu rừng mênh mông đầy hiểm họa ấy.

Vị hiền nhân tượng trưng Ðức Phật. Xuyên qua lịch sử, chúng ta được biết rằng khi sanh ra, Ðức Phật là một người như tất cả mọi người. Ngài sống như một người, và từ giả cuộc đời như một người. Tuy là một người, nhưng Ngài là một nhân vật phi thường, một bậc siêu nhân.

Ngài được tôn là bậc Ứng Cúng (Araham, phiên âm là A La Hán, có nghĩa là xứng đáng được lễ bái cúng dường) vì:

* Ngài có phẩm hạnh hoàn toàn trong sạch, đã tận diệt mọi ô nhiễm, đã xa lìa mọi bợn nhơ ngủ ngầm trong tâm từ vô lượng kiếp.

* Ngài đã phá tan và thoát ra khỏi vòng luân hồi, chấm dứt chuỗi dài sống-chết, chết-sống triền miên.

* Ngài là bậc chí tôn chí thánh, xứng đáng cho chư Thiên và nhân loại lễ bái cúng dường, là phúc điền vô thượng, là thửa ruộng đệ nhất phì nhiêu trong thiên hạ để chúng sanh gieo trồng phước báu.

Ngài là Ðấng Chánh Biến Tri (Sammā-Sambuddha, phiên âm là Tam Miệu Tam Bồ Ðề) bậc Toàn Giác, thông suốt các pháp một cách chân chánh, và tự mình chứng ngộ, không thầy chỉ dạy.

Không phải như chư vị Ðộc Giác Phật (Pacceka Buddha, phiên âm là Bích Chi Phật), đơn độc giác ngộ, và chỉ nêu gương đức hạnh và trí dũng mà không thể dẫn dắt người khác, Ðức Phật Thích Ca là vị Chánh Biến Tri, đã tự giác, rồi có khả năng truyền bá phổ cập Giáo Pháp, hướng dẫn chư Thiên và nhân loại đến nơi hoàn toàn trong sạch, trí tuệ tuyệt hảo, và thoát ra khỏi vòng sanh-tử, tử-sanh.

Một hồng danh khác của Ðức Phật là Vô Thượng Ðiều Ngự Trượng Phu (Anuttaro Purisadammasārathi). Anuttaro, phiên âm là A nậu đà la, có nghĩa là không ai sánh bằng, vô song, vô thượng. Purisadammasārathi, là vị hướng đạo của những người cần được huấn luyện. Có nơi chia hồng danh nầy ra làm hai: Anuttaro, Vô Thượng Sĩ, và Purisadammasārathi, Ðiều Ngự Trượng Phu. Dầu phân làm hai hay gom làm một, chỉ khác nhau ở hình thức, nội dung vẫn như nhau.

Tôn Ngài là Vô Thượng vì trong toàn thể tam giới (dục, sắc, và vô sắc giới) Ngài có nhiều đức tánh cao thượng về giới hạnh, về pháp hành thiền, về trí tuệ, về giải thoát, và về tri kiến giải thoát hơn tất cả, không ai hơn hoặc bằng Ngài.

Tôn Ngài là Ðiều Ngự Trượng Phu vì Ngài rèn luyện, un đúc, khép vào khuôn khổ kỷ luật, những chúng sanh cần được huấn luyện, và đưa những chúng sanh ấy đến trạng thái giới đức trong sạch, trí tuệ tuyệt hảo. Như người trưởng toán của một đoàn xe biết điều động khôn khéo, đưa tất cả về đến nơi đến chốn an toàn, xuyên qua những khu rừng hiểm nguy, không có xóm làng, không vật thực, không nước uống, có nhiều giặc cướp, thú dữ và ma quái. Vị ấy đưa thẳng qua, qua trọn vẹn, đầy đủ và thích nghi, đến vùng đất an lành. Cùng thế ấy, Ðức Thế Tôn là người lãnh đạo trí tuệ, điều động đoàn chúng sanh xuyên qua khu rừng sanh-tử, tử-sanh vô cùng hiểm nguy và đầy hoạn nạn.

Ðó là một vài đức tánh của vị hiền nhân giàu lòng từ ái trong câu chuyện.

Giữa khu rừng rậm mênh mông của những kiếp sinh tồn trong vòng luân hồi, giữa cảnh đôn đáo chạy tới chạy lui của chúng sanh để tìm con đường thoát ra khỏi những hiểm họa rùng rợn, Ðức Phật đã gia công hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn kiếp sống, để vạch ra con đường và trong kiếp sống cuối cùng, khi đã đến mức cùng tột của Con Ðường, Ngài không quản ngại công lao, suốt bốn mươi lăm năm trường, hoằng pháp độ sinh.

* * *

Ta lại tự hỏi, "Nay Ðức Phật đã nhập diệt, ắt chúng ta không còn duyên lành được chỉ dạy. Trong bài kinh Ðại Niết Bàn (Mahāparinibbāna Sutta) của bộ Trường A Hàm (Dīgha Nikāya) Ðức Phật dạy Ðức Ānanda:

"Nầy Ānanda, có thể con nói rằng Giáo Huấn Tối Cao không còn Thầy giảng dạy, chúng con không còn Ðạo Sư. Không nên, Ānanda, con không nên suy tư như thế. Giáo Pháp và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy và quảng bá rộng rãi. Nầy Ānanda, khi Như Lai nhập diệt rồi thì Giáo Pháp và Giới Luật ấy sẽ là Thầy của chúng con."

Lời dạy rất rõ ràng minh bạch: Khi Ðức Phật tịch diệt rồi hàng Phật tử -- xuất gia và tại gia cư sĩ -- hãy xem Giáo Pháp và Giới Luật là Thầy.

Ðức Bổn Sư là người khám phá ra và chỉ vạch Con Ðường. Giáo Pháp, những lời dạy của Ngài là Con Ðường. Chư Tăng là những vị đã noi theo bước chân của Ðức Bổn Sư và sẵn sàng dẫn dắt những ai vui lòng đi theo.

Trong câu chuyện kể trên, anh chàng đang lạc lối giữa rừng lễ độ khước từ, để trọn vẹn thọ hưởng hương vị ngọt ngào của giọt mật.

Còn ta thì sao?

-ooOoo-

[06]

VẬT CHẤT HAY TINH THẦN?

Bài viết đăng trong Bản Tin Cổ Lâm, số 13, tháng 12, năm 1985

Phần lớn các dân tộc Phương Ðông chú trọng về đời sống tinh thần hơn là vật chất. Người Tây Phương có phần thiên về vật chất hơn tinh thần.

Người Việt chúng ta từ ngàn xưa, vẫn đặt trọng tâm vào giá trị tinh thần, mặc dầu phải trải qua cả một thế kỷ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây Phương. Thế rồi, vì hoàn cảnh đất nước, một số chúng ta đành phải chịu gởi thân nơi đất khách quê người, và hội nhập vào một xã hội mà đời sống vật chất được xem là đứng hàng đầu trên thế giới. Do sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, đôi khi chúng ta ngỡ ngàng, không biết chọn đường lối nào cho thích hợp.

Bài nầy nhằm trình bày quan điểm của Phật Giáo về kiếp nhân sinh, và tìm một đường hướng cho cuộc sống.

*

Có người kia, hôm nọ đi lỡ đàng mà túi rỗng không, đành ghé lại nằm dưới một cội cây để nghỉ qua đêm. Trời càng khuya càng lạnh. Bụng thì nghe đói, trên đầu muỗi mồng ve vãn, dưới lưng mặt đất ghồ ghề, thỉnh thoảng kiến, mối bò rạo rạc. Mặc dầu đã quá mệt mỏi và buồn ngủ, anh chàng không thể nào ngon giấc.

Người nọ, giàu có sang trọng, nhà cao cửa rộng, giường ấm nệm êm, phòng trang bị máy điều hòa không khí và đầy đủ mọi tiện nghi tân tiến. Nhưng chiều hôm ấy anh nhận được tin buồn. Mẹ anh ở phương xa vừa thất lộc. Trong tình trạng không thể về lo việc nhà, lòng nhớ mẹ nay đã ra người thiên cổ, thương cha già quạnh quẽ hẩm hiu mà phải đảm đang mọi việc, nghĩ lại hoàn cảnh mình không thể làm gì để giúp đỡ cha mẹ, anh buồn rầu, thao thức suốt đêm.

Hai trường hợp. Một đàng thiếu vật chất. Ðàng khác thiếu tinh thần. Cả hai đều cảm nghe đau khổ, phiền não, kém thoải mái, bất toại nguyện, bất ổn định, bất an toàn.

Con người gồm hai thành phần, vật chất và tinh thần, nhà Phật gọi là "sắc" và "danh", hay nói cách khác, phần cơ thể vật chất và phần tâm linh. Hai phần nầy liên quan với nhau rất mật thiết và cần phải được gìn giữ điều hòa. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, khi vật chất bị đau đớn thì tinh thần nghe phiền muộn. Khi tinh thần bị đau khổ thì vật chất mất thoải mái. Trái lại, khi cơ thể vật chất có đầy đủ tiện nghi thì tâm thần thoải mái dễ chịu, và khi tâm được an vui hạnh phúc thân cũng cảm nghe khoan khoái, Vì lẽ ấy cả hai phần đều quan trọng và ta không thể chỉ chú trọng vào riêng một phần nào mà quên lãng phần kia.

Vài người cố tình không nhìn xa hơn kiếp sống. Ðối với họ, mỗi người chỉ sống một kiếp, và tất cả mọi năng lực -- tinh thần cũng như vật chất -- đều chấm dứt khi đời sống nầy chấm dứt. Trước khi được sanh ra là hư vô, không có gì, và chết là hết. Sau khi chết con người bỏ lại tất cả mọi năng lực phát nguyên trong đời sống và trở thành hư vô, hoàn toàn tiêu diệt, và bất luận hành động nào cũng không đem lại hậu quả gì. Không nhân, không quả, không nghiệp báo, không tái sanh.

Vì quan niệm như vậy về kiếp nhân sinh, lý tưởng của họ là cứ ăn, uống, và tận hưởng mọi lạc thú trên đời, vì cái chết sẽ đến với tất cả mọi người. Họ thấy không cần phải kiểm soát khát vọng, không cần phải chế ngự thú tánh, không ích lợi gì phải thu thúc lục căn, vì hưởng thụ dục lạc hầu như là phần di sản thiên nhiên của con người. Họ chủ trương rằng chỉ có khoái lạc vật chất là thực tiễn. Ðời sống đạo đức thanh cao chẳng qua là một thác loạn tinh thần, một ảo tưởng. Họ ngờ vực tất cả những gì tốt đẹp, cao cả, trong sạch, và bi mẫn, cho đó là vô ích.

Ðó là những người chạy theo đời sống vật chất mà không quan tâm đến giá trị tinh thần.

Cũng có những người chỉ chú trọng vào đời sống tinh thần mà không màng để ý đến phần vật chất, chỉ lo trau giồi đức hạnh mà không chút lưu tâm đến việc chăm sóc thân. Họ chủ trương rằng chỉ lối sống khắc khe khổ hạnh mới có thể đưa con người đến mục tiêu giải thoát. Càng ép xác, càng hành hạ thân thể, thì càng dễ dàng phát triển cao đẹp tâm tánh, vì họ quan niệm rằng nhục dục ngũ trần làm cho con người trở nên ô nhiễm, và chỉ có lối sống khắc kỷ thuần túy đạo đức, mới có thể gội rửa mọi bợn nhơ tinh thần và làm cho tâm trí trở nên thanh tịnh.

Hai hạng người. Hai quan niệm về kiếp nhân sinh. Hai lối sống.

Chính Ðức Phật xưa kia đã trải qua cả hai lối sống ấy đến mức độ cùng tột và kinh nghiệm rằng cả hai đều không đem lại lợi ích nào.

Là một hoàng tử của một quốc gia cường thạnh, Ngài đã trải qua cuộc đời cùng xa cực xỉ trên nhung lụa của cung vàng điện ngọc. Ðến khi ra đi sống đời tu sĩ, trong cuộc chiến đấu phi thường để thành đạt Ðạo Quả kéo dài sáu năm trường, Ngài tự khép mình vào nếp sống cực kỳ kham khổ. Ðến một ngày kia, thân hình tráng kiện của Ngài thuở xưa chỉ còn da bộc xương.

Ngài mô tả lối sống lợi dưỡng (kāma-sukh'allika anuyoga, sự liên tục luyến ái theo nhục dục ngũ trần) là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân và vô bổ, và lối tu khổ hạnh (atta-kilamatha anuyoga, hạnh kiên trì chuyên cần trong lối tu khổ hạnh) là phương pháp đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân và vô bổ. Hai lối sống, một làm trở ngại tiến bộ tinh thần đạo đức, và một làm suy nhược thân thể và do đó giảm mất khả năng trí thức.

Ngày kia có người từ làng xa trở về hầu Phật. Vì rất nóng lòng muốn nghe Giáo Pháp nên chưa kịp ăn uống, ông vội vã đến chờ nghe Ðức Phật thuyết giảng. Trước khi bắt đầu thời Pháp, Ðức Thế Tôn bảo đưa ông ấy vào trai đường, dọn cho ông ăn uống đầy đủ rồi sẽ ra nghe giảng bởi vì, Ngài dạy, người bụng đói không thể lãnh hội đầy đủ Giáo Pháp.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của hai thành phần -- tinh thần và vật chất -- trong con người, phải được nhận định đúng mức, và phải được giữ thăng bằng. Phần tâm linh ví như chiếc thuyền, phần vật chất như nước. Thuyền phải nhờ nước nâng đỡ, và nếu không có nước thuyền sẽ trở thành vô dụng. Cùng thế ấy, phần tâm linh phải nương tựa nơi cơ thể vật chất, như thuyền phải nhờ nước nâng đỡ. Nhưng nếu để nước tràn ngập vào thuyền thì thuyền sẽ chìm đắm giữa dòng. Nước phải ở ngoài thì thuyền mới hữu dụng. Cùng thế ấy, chúng ta cần phải dưỡng nuôi thân thể để được khoẻ mạnh, và nhờ thân hình khoẻ mạnh, tâm trí mới nương vào đó để phát triển. Nhưng không nên để cho đời sống vật chất lấn áp, tràn ngập vào đời sống tinh thần.

Không nên lầm lẫn hiểu rằng Ðức Phật muốn cho tất cả hàng tín đồ phải từ bỏ mọi lạc thú trần gian và rút vào rừng sâu vắng vẻ mà không thọ hưởng đời sống. Ngài chỉ nhắc nhở rằng thú vui vật chất quả thật là ngắn ngủi và tạm bợ, chớ nên để mình đắm chìm trong dục lạc.

Trong sách Milinda Pañha, Milinda Vấn Ðạo, có đoạn như sau:

"Vua Milinda hỏi Ðại Ðức Nagasena:

-- Kính Bạch Ðại Ðức, đối với bậc xuất gia, cơ thể vật chất nầy có được quý chuộng không?

-- Tâu Ðại Vương, thân nầy không được người tu hành quý chuộng.

-- Như vậy, Bạch Ðại Ðức, tại sao các Ngài còn dưỡng nuôi chăm sóc nó?

-- Tâu Ðại Vương, khi lâm trận, thỉnh thoảng Ngài hay các binh sĩ Ngài có từng bị thương không?

-- Bạch Ngài, có.

-- Tâu Ðại Vương, lúc bị thương như vậy, Ngài có chăm sóc, xức thuốc, thoa dầu, rồi dùng vải mịn băng bó vết thương lại không?

-- Ðúng vậy, khi bị thương thì chúng tôi làm như vậy.

-- Như thế, Tâu Ðại Vương, cái vết thương ấy có được Ngài hay binh sĩ Ngài quý chuộng không, khi quý vị chăm sóc, xức thuốc, thoa dầu và dùng vải mịn băng bó nó lại?

-- Kính Bạch Ðại Ðức, chúng tôi không quý chuộng vết thương ấy. Sở dĩ chúng tôi chăm sóc, xức thuốc, thoa dầu, và dùng vải mịn băng bó nó lại là để cho da thịt sớm mọc lên và làm lành vết thương.

-- Cùng thế ấy, Tâu Ðại Vương, hàng xuất gia chúng tôi cũng không quý chuộng tấm thân nầy. Tuy nhiên, mặc dầu không luyến ái, bám níu, và tâng tiu quý trọng thân, chúng tôi vẫn chăm sóc, nuôi dưỡng nó, và nương nhờ nơi nó để trau giồi nếp sống thanh cao đạo hạnh.

Lại nữa, Tâu Ðại Vương, Ðức Thế Tôn hằng so sánh thân nầy như cái ung nhọt. Vì lẽ ấy, người đã xuất gia để thực hành Giáo Pháp mà Ngài truyền dạy không còn bám níu, luyến ái, thân nầy.

Và sau đây, Tâu Ðại Vương, chính là lời dạy của Ðức Bổn Sư:

"Cơ thể của chúng sanh -- được một lớp da mềm mại bao bọc -- có chín cái cửa gọi là cửu khiếu (tức hai mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, miệng, và hai đường, đại và tiểu tiện) một ung nhọt to lớn từ trong đó tiết ra đủ mùi hôi thúi, đủ thứ nhơ bẩn."

Kinh Pháp Cú có những câu:

"Hãy nhìn cái thân đẹp đẽ nầy, một khối đau đớn, một đống bệnh tật, được người ta bận tâm đến nhiều, nhưng không chứa đựng gì bền vững, không có gì tồn tại lâu dài." (Câu 147)

"Những que xương trắng bạc, giống như trái mướp nhăn da khô héo mà người ta vứt đi thì có gì thích thú mà nhìn nó." (Câu 149)

Vào thời Ðức Phật có một bà ni-cô rất đẹp tên Rupānandā, và rất hãnh diện với sắc đẹp của bà. Ni-cô không thích đến nghe Ðức Phật thuyết giảng Giáo Pháp vì Ngài luôn luôn nhắc nhở đến tánh cách vô thường của vạn pháp mà không hề tán dương sắc đẹp của hình thể vật chất.

Ngày nọ duyên lành đưa đẩy bà vào giảng đường, nhưng lòng vẫn bảo lòng hãy lẫn lộn trong đám đông ni chúng, không để cho Ðức Phật trông thấy. Ðức Phật biết như vậy. Vì lợi ích của bà tỳ-khưu-ni, Ngài tạo ra hình ảnh một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, đứng sau lưng Ngài, cầm quạt quạt, và chỉ có Ni-cô Rupānandā nhìn thấy. Bà mãi mê nhìn, say đắm vẻ đẹp của thiếu nữ, và hết lòng ước muốn cũng được như vậy.

Khi ấy Ðức Phật làm cho bà thấy cô gái xinh đẹp kia trưởng thành dần dần đến cỡ trung niên, rồi già cỗi. Bà Rupānandā theo dõi từng giai đoạn của tiến trình biến đổi, thấy hết vẻ đẹp nầy đến vẻ đẹp khác của thiếu nữ nối tiếp nhau tàn tạ. Bây giờ thiếu nữ xinh đẹp bao nhiêu lúc nãy chỉ còn là một bà lão lụm cụm, tóc bạc, răng long, xương nhô, gầy yếu, lưng còm gối mỏi, tay chân rung rẩy lập cập. Rồi Ðức Phật cho bà thấy lão bà bị một cơn bệnh đau siết, rên la thảm thiết và té ngã lăn xuống đất. Rồi bà lão chết. Rồi thi thể sình lên. Rồi nước vàng từ cửu khiếu tuông chảy ra. Rồi giòi tửa trào ra, loi nhoi, lóc nhóc v.v...

Trước cảnh tượng ghê tởm ấy, Chân Lý bừng sáng đến Ni-cô. Sự biến đổi -- phản ảnh cảnh tàn phá của tuổi già và cái chết trên cơ thể vô cùng đẹp đẽ thời nào -- làm cho Ni-cô Rupānandā suy gẫm, "Chính tại nơi đây thiếu nữ trẻ đẹp kia đã nhanh chóng đi vào trạng thái già nua, bệnh hoạn, và hoại diệt. Cùng thế ấy, thân hình mỹ miều của ta sẽ không thể tránh khỏi con đường đau khổ đáng chán, đáng ghê sợ ấy."

Do sự quán xét sáng suốt về tánh cách vô thường của cơ thể vật chất, ni-cô nhận thức rằng "sắc" nầy chỉ đem lại đau khổ. Lúc ấy Ðức Thế Tôn biết tâm bà đã sẵn sàng để lãnh hội Giáo Pháp nên Ngài mở lời khuyên dạy:

"Thành trì nầy được dựng lên bằng xương, có thịt và máu đắp lên và có da bọc bên ngoài, chỉ là một nơi tích trữ bệnh tật và chết chóc ..."

Ðúng theo tinh thần Phật Giáo chúng ta không nên hủy hoại hay bỏ liều thân thể, vì ta cần phải dùng nó làm phương tiện để phát huy tâm trí. Nhưng cũng không nên để tâm phải làm nô lệ cho cơ thể vật chất.

Cơ thể chúng ta có những thích thú, đòi hỏi chúng ta thỏa mãn. Mắt muốn thấy hình sắc đẹp. Tai muốn nghe âm thanh êm dịu. Mũi muốn hửi mùi thơm. Lưỡi muốn nếm món ngon vật lạ. Thân muốn có cảm giác dịu dàng. Từ lâu rồi giác quan ta đòi hỏi được thỏa mãn. Ðã lâu rồi giác quan ta được phụng sự đầy đủ, và sẽ còn được phụng sự cho đến khi ta thức tỉnh. Cái gì phụng sự giác quan? -- Chính cái tâm phải phục vụ giác quan như người nô lệ phục vụ cùng một lúc năm vị hoàng đế khó tánh, thay vì đáng lý ra tâm phải là vị hoàng đế, và năm giác quan phải phục vụ tâm như năm vị đại thần.

Trong sự thỏa mãn nhục dục chắc chắn là có hạnh phúc nhất thời khi mong chờ, khi thọ hưởng, và khi hồi nhớ lại thú vui. Tuy nhiên, cái thú vui ấy quả thật là tạm bợ và ảo huyền, không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn.

Trong bài kinh số 54 của bộ Majjhima Nikāya, Trung A Hàm, tựa đề Potaliya Sutta, Ðức Phật dạy ông Potaliya rằng khoái lạc vật chất mà phần đông người thế gian ham muốn chỉ giống như:

* Khúc xương không còn dính chút thịt mà người đồ tể vứt cho con chó đói. Chó tuy có gậm xương nhưng đói vẫn còn đói. Cùng thế ấy, chúng sanh đeo níu theo nhục dục ngũ trần nhưng không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn.

* Một miếng thịt mà những loài chim như kên kên, quạ, ó, cắn đá nhau để tranh giành miếng ăn. Nếu có một con gặm được và giành lấy một mình thì những con kia bu lại vừa mổ, vừa đá, không chết thì cũng sứt lông trầy vảy. Lòng tham dục cũng đưa chúng sanh vào những cuộc tranh chấp huynh đệ tương tàn như vậy, thật vô cùng nguy hiểm.

* Một cây đuốc cháy để phía trên gió. Nếu không thận trọng chạy tránh thì ắt bị tàn đuốc bay đến làm phỏng da. Cũng dường thế ấy, tham dục đốt cháy những ai kém thận trọng không chịu suy gẫm, cứ nhắm mắt lao mình đắm chìm trong dục lạc, tưởng chừng rằng nó sẽ đem lại hạnh phúc mong mỏi.

* Một hầm lửa đỏ. Chúng sanh tham dục như người kia bị một đám người khác kéo lôi đến hầm lửa. Nếu không mau chân chạy thoát đám người hung tợn nọ thì ắt bị xô đẩy vào lửa. Tham dục không khác nào một biển lửa khổng lồ (mahābhitaba) và nạn nhân là những ai bị lục trần lôi cuốn. Thí dụ nầy hàm ý rằng tham dục lôi cuốn chúng sanh vào bốn đường ác đạo.

* Một giấc mộng đẹp. Nằm mơ thấy phong cảnh đẹp đẽ hữu tình, lòng nghe nhẹ nhàng khoan khoái. Nhưng khi tỉnh giấc thì cảnh đẹp tan biến đâu mất. Cùng một thế ấy, tham dục là một ảo kiến ngắn ngủi không khác nào giấc mộng. Khi tỉnh giấc trở về với thực tế, với những lo âu phiền muộn thường ngày, nạn nhân lấy làm thất vọng và đau khổ.

* Một món đồ vay mượn mà người cuồng si lấy làm hãnh diện khoe khoang với hàng xóm láng giềng. Khi món đồ bị đòi lại thì người hàng xóm chỉ coi anh là người nói khoác. Tham dục là lòng ham muốn những thú vui tạm bợ ảo huyền.

Tại sao những khoái lạc vật chất chỉ là những thú vui nhất thời và không có thực chất?

-- Vì những điều kiện tạo nên các thú vui ấy luôn luôn biến đổi. Những yếu tố "nguyên nhân" đã không bền vững thì làm sao cái hạnh phúc "hậu quả" do nó tạo nên, có thể tồn tại vững bền. Tuổi trẻ tạo điều kiện cho ta được hạnh phúc. Sức khỏe, cảnh sum hợp v.v... tạo điều kiện cho ta được hạnh phúc. Nhưng có ai sống mãi mãi xuân xanh, sum hợp, và không bệnh hoạn?

Thú vui được có tài sản sự nghiệp, thú vui được lợi lộc quyền thế, thú vui được danh thơm tiếng tốt, được vinh quang phú quý, thú vui gia đình, thú vui với thân bằng quyến thuộc v.v... thật là thích thú, dễ chịu. Nhưng tất cả đều chuyển biến. Và cuối cùng, cái chết phải đến, sẽ chia rẽ tất cả. Ðặc tánh biến đổi luôn luôn tiềm tàng dính liền với mọi sự vật trên thế gian. Chừng nào mà đặc tánh nầy còn tồn tại thì những lạc thú vật chất không thể ổn định, thường còn, vững bền, và châu toàn -- tức tạm bợ nhất thời.

Người tìm hạnh phúc trong nhục dục ngũ trần luôn luôn chạy theo chụp lấy cho kỳ được, lo sợ nó mất đi. Vua chúa lo sợ cho tình trạng an toàn của ngôi vị mình. Người tư bản lo sợ cho trạng thái an toàn của cơ nghiệp mình. Người làm công, lo sợ cho sự an toàn của công ăn việc làm của mình. Nhưng bản chất thiên nhiên của đời sống là không ngừng biến chuyển. Vì lẽ ấy, thú vui vật chất không thể vĩnh cửu châu toàn.

Chẳng những sự vật tạo thú vui phải biến đổi mà chính người thọ hưởng thú vui ấy cũng luôn luôn đổi thay. Như vậy, chúng ta đang mục kích cảnh tượng buồn cười, những chúng sanh luôn luôn biến đổi cố gắng rượt theo và bám lấy những vật cũng luôn luôn biến đổi -- hình ảnh một cái bóng chạy rượt theo và cố chụp bắt cho được một cái bóng khác -- trong lúc ấy ước mong rằng mình sẽ bắt được và nắm lấy một cái gì có thực chất, một cái gì thật sự có, một cái gì vĩnh cửu trường tồn.

Ðức Phật dạy:

"Khoái lạc vật chất thật vô số kể, vừa êm dịu, vừa ngọt ngào và quyến rũ. Dưới đủ hình thức, dục lạc làm cho lòng người say đắm, Hãy nhận chân hiểm họa của nó ..." (Kinh Khaggavisana Sutta, Tiểu A Hàm)

Quan niệm như vậy về kiếp nhân sinh có phải là bi quan không? Có thể gán cho Ðức Phật nhãn hiệu yểm thế không?

Phật Giáo không phải là một giáo lý bi quan. Phật Giáo cũng không lạc quan, mà chỉ trình bày một quan điểm thực tiễn về đời sống.

Trong một ngôi nhà đang bừng cháy, người lạc quan nghĩ rằng rồi đây lửa sẽ dịu dần và tắt hẳn, mọi việc sẽ được an bày tốt đẹp. Nghĩ như vậy người ấy vui vẻ ăn uống no say rồi yên giấc, vững bụng rằng ngày mai trời lại sáng, và đâu sẽ vào đó một cách an toàn, không có gì cần phải bận tâm suy nghĩ. Người bi quan trái lại, vừa thấy lửa phát cháy đã hoảng hốt lo sợ, rồi tuyệt vọng nghĩ rằng tất cả sắp thành tro bụi, mọi người sắp bị hỏa thiêu, đời sống trở nên đen tối, và đâm ra âu sầu ủ dột, chán nản và không làm gì tích cực để thoát nạn, cho đến khi ngọn lửa thật sự thiêu đốt tất cả. Cùng trong một cảnh ngộ, người thực tiễn nhận định rằng thật sự có hiểm nguy, và tận dụng khả năng và năng lực mình, cố gắng tìm đường thoát ra khỏi nơi đó. Ðó là thái độ của người Phật Tử hiểu biết. Giáo lý của Ðức Phật là một thông điệp phát huy niềm hân hoan và hy vọng chớ không phải một triết lý bi quan chủ bại.

Nếu nhận định rằng mọi thú vui trên đời đều huyền ảo tạm bợ rồi âu sầu, phiền muộn, ngày đêm chỉ biết van vái nguyện cầu mà không tự mình cố gắng làm điều chi tích cực để vượt đến hạnh phúc thật sự thì đó là bi quan. Trái lại, nếu lờ hẳn thực tế, cố thọ hưởng lạc thú càng nhiều càng tốt, giống như trên bãi biển em bé nọ lấy cát xây cất lầu đài và vui vẻ thành thật tin tưởng là thật sự như vậy, thì đó là lạc quan. Nơi đây, nhận định rằng thỏa mãn dục vọng do cơ thể đòi hỏi không thể đem lại hạnh phúc vững bền, người Phật tử không chạy theo nó nữa mà hướng về một lối thoát, cố gắng vận dụng mọi nỗ lực vật chất và tinh thần để đạt đến hạnh phúc thật sự và trường cửu. Ðó chỉ là lối sống thực tiễn.

Kiếp sống của chúng ta quả thật là ngắn ngủi. Phật Giáo dạy chúng ta hãy sử dụng xứng đáng khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp sống nầy, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho chính mình, cho quê hương mình và cho toàn thể nhân loại.

Ðược sanh ra trong kiếp sống làm người quả thật là một diễm phúc hy hữu.

Người Phật tử hằng được nhắc nhở nên tận dụng duyên may hiếm hoi nầy, luôn luôn gia công tự trau giồi để trưởng thành trong tinh thần phục vụ vị tha bất cầu lợi, để nghiêm trì giới đức, sống đời thanh cao đạo hạnh, để phát triển tâm trí, hướng về lối sống phạm hạnh của bậc thiện trí, và để sống như một chúng sanh thật sự văn minh, trong tình thương, trong không khí thanh bình, trong sự hòa hợp và điều hòa với phần còn lại của thế gian.

Câu châm ngôn của người Phật tử là:

"Tấm thân bằng thịt bằng xương mà chúng ta mang đây là để tạo an lành và phúc lợi cho người khác."

* * *

Như cái cây mang nặng trĩu bao nhiêu trái trên cành, như dòng sông tải phù sa, đem mầu mỡ đến các vùng đất xa lạ, như những giọt sửa từ vú bò chảy ra để dưỡng nuôi nhân loại, chúng ta hãy tích cực hoạt động để phục vụ, luôn luôn làm việc, không ngừng, không biết mệt, không chán. Không phải làm việc như người nô lệ, bị bắt buộc phải làm, mà làm như một chủ nhân, làm vì muốn làm, muốn đem lợi ích cho kẻ khác, làm một cách âm thầm lặng lẽ và bình thản.

Ai biết, ai không biết, điều ấy không quan trọng. Chẳng màng được khen, không sợ bị chê, chúng ta hãy thản nhiên "như sư tử, không run sợ trước tiếng động, như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới".

Hãy vui với ý nghĩ, "Ta đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ." Chúng ta không bao giờ lãng quên lý tưởng của đời sống: "Ði từ bóng tối vượt đến ánh sáng, từ mê lầm đến giác ngộ, từ vòng sanh tử luân hồi thoát đến trạng thái Vô Sanh Bất Diệt".

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 12-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 30-12-2004

Pham Kim Khanh - Trong nhung nam xua

BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Vài Bài Viết Trong Những Năm Xưa

Phạm Kim Khánh biên soạn
Seattle, USA, 2004


Phần 1
[01] Đã một năm tròn
[02] Câu chuyện đạo nhân mùa Phật Đản
[03] Giới đức trong đạo Phật
[04] Hương thơm của Giới đức
[05] Còn ta thì sao?
[06] Vật chất hay tinh thần?

[01]

ÐÃ MỘT NĂM TRÒN

Bài viết cho báo Tha Hương, vào cuối tháng Tư, 1976

Cách đây một năm nước nhà gặp cơn tai biến. Tròn một năm, hầu hết chúng ta, những người "tha hương", đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng chao động, khủng khiếp hải hùng, và ở vào vị thế -- hơn ai hết -- dễ dàng nhận thức bản chất đổi thay nhanh chóng của đời sống. Nhà Phật gọi sự biến đổi ấy là vô thường.

Có những trường hợp vô thường vi tế, khó nhận ra, như sự biến đổi trong từng khoảnh khắc, từng phần triệu của một giây đồng hồ, của các tế bào, nguyên tử, điện tử v.v... bên trong vật chất mà giác quan phàm tục của con người không dễ gì cảm nhận. Phần tâm linh biến đổi càng nhanh chóng hơn nhiều. Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập đến bản chất vô thường hiển nhiên mà con người suy tư nào cũng có thể nhận thức.

Ông kia là triệu phú, giàu sang bá hộ, bỗng chốc chỉ còn hai bàn tay không. Ông nọ bữa trước là người cầm quyền sinh sát bao nhiêu quan quân, hôm sau đã là một công dân tầm thường như mọi thường dân khác. Ngược lại, trong một sớm một chiều nhiều người từ dưới thấp đã trồi lên cao, từ bóng tối đã vào ánh sáng. Trong biến cố vừa qua, bao nhiêu cuộc đổi thay như vậy đã xảy diễn nhan nhãn trước mắt mọi người. Ðó là cảnh vô thường hiển nhiên mà người thế gian nào cũng có thể trông thấy. Chính mắt ta đã thấy, hoặc chính bản thân ta đã kinh nghiệm một cách phũ phàng.

"Sự nghiệp nào của ta? Tài sản nào của ta? Con cái nào của ta?" Ðúng ra chính ta không phải là "của ta", thì con cái nào của ta? Tài sản sự nghiệp nào của ta?

Mới nghe qua hình như trái tai. Rõ ràng nhà cửa, ruộng đất, vòng vàng, xe cộ nầy là của ta chớ còn của ai? Còn vợ? Còn con? Tại sao không phải là của ta? Nhưng hãy ngồi lại bình tâm suy gẫm. Nhà cửa, ruộng đất, xe cộ mà nhà triệu phú nói trên đã bị mất vào tay kẻ khác, bao nhiêu sự nghiệp mà khi hối hả ra đi ta phải bỏ lại ở quê nhà, vợ, chồng, con cái mà trong cảnh loạn ly chúng ta đành bóp bụng dứt lìa, trên thực tế có còn là của ta nữa không? Chính ta, đến lúc tử thần thì thầm nói khẻ vào tai cho biết rằng thì giờ đã đến, thì dầu mạng sống hay tiền rừng bạc bể trong tay, dầu danh vọng và quyền thế như thế nào, chúng ta cũng sẽ ra đi, bỏ lại tất cả.

Xin kể lại một câu chuyện ngụ ngôn. Chuyện rằng có ông vua nọ rất yêu chuộng một vị đại thần và ngày đêm thường mơ tưởng nghỉ nhớ đến vị nầy. Một vị đại thần khác, rồi vị thứ ba cũng được vua yêu chuộng, nhưng kém hơn vị trước. Nhưng có ông quan thứ tư thì không được vua để ý. Mỗi khi có người nhắc đến tên, vua nghe qua rồi quên. Ðôi khi vua cũng nhớ thoáng qua, nhưng không bao giờ chịu mất thì giờ nhiều để suy tư về vị nầy. Ngày kia có vua xứ khác đến đánh, vua không thể kháng cự nên bị bắt cầm tù.

Lúc bấy giờ, vị quan đầu tiên mà trước kia được vua yêu chuộng nhất lại rất lạnh lùng, không màng nói năng, nhắc nhở hay biết đến vua. Vị thứ nhì thỉnh thoảng nhắc đến vua rồi thôi. Vị thứ ba tiễn chân vua đến tận cửa ngục, đứng tỏ ý thương tiếc rồi lui gót trở về. Chỉ có ông quan thứ tư mà trước kia không được vua ngó ngàng đến thì không rời vua một bước, vua đi đâu cũng đi theo. Vua vào ngục tù cũng vào ở chung, và hết lòng phụng sự vua.

Ông vua trong câu chuyện là chính ta. Vị đại thần được vua yêu chuộng nhất là tiền của, sự nghiệp. Vị thứ nhì là danh vọng, quyền thế. Vị thứ ba là thân bằng quyến thuộc. Vị thứ tư là những hành động lành, tức những nghiệp thiện. Và ông vua rất mạnh thế từ xứ khác đến đánh và bắt vua cầm tù là tử thần.

Ðúng vậy. Trong đời, ta thường mơ tưởng nghĩ nhớ đến việc tạo nên tài sản sự nghiệp, kiếm được tiền của càng nhiều càng tốt. Hầu như suốt ngày chúng ta để hết tâm trí vào việc làm ăn sinh sống và không còn thì giờ để lo các chuyện khác. Sau tiền của và sự nghiệp, ta lo tìm danh vọng, quyền thế. Khi có tiền, ta tận lực tạo danh thơm tiếng tốt. Vợ, con, bè bạn và thân nhân cũng được ta hết lòng thương yêu nhưng không còn bao nhiêu thì giờ để lo nghĩ đến. Nhưng đến các hành động lành, những việc thiện có thể làm được -- ông quan thứ tư -- thì rất ít khi ta bận tâm rộn trí lo lắng. Ðôi khi có ai nhắc đến ta cũng biết rằng đó là điều nên làm, nhưng bao nhiêu việc gọi là "để sinh sống" được sắp ưu tiên hàng đầu, đã chiếm hết thì giờ. Rồi ta hẹn dần, hẹn dần ... mãi cho đến khi tử thần thỏ thẻ thì thầm nói khẻ vào tai, "đây là giờ phút phải ra đi".

Chừng ấy, và chỉ đến chừng ấy, ta mới sực nhớ lại rằng suốt cuộc đời ta chỉ dành rất ít thì giờ để làm việc thiện, tạo nghiệp lành. Trọn cuộc sống ta chưa sẵn sàng chuẩn bị hành trang để lên đường. Mà đây là sự ra đi không thể cưỡng, không thể trì hoãn, hứa hẹn hay khất lại một ngày khác. Một điểm quan trọng nữa là ta phải ra đi với hai bàn tay trắng. Lúc bấy giờ tiền của và sự nghiệp mà trọn đời ta để hết tâm yêu chuộng, lại không màng gì đến ta ... lạnh như đồng. Danh thơm tiếng tốt mà ta đã mất bao nhiêu công khó để gầy dựng, người đời chỉ thỉnh thoảng nhắc đến trong những lúc trà dư tửu hậu, rồi biến tan theo mây khói. Vợ, chồng, con, cháu, bạn bè thân thuộc, chỉ có thể đưa ta đến huyệt mả, khóc than mến tiếc, rồi lần lượt kéo nhau trở về, để ta ở lại một mình dưới nắm mồ. Chừng ấy chỉ có nghiệp nào mà ta đã tạo trong đời sống mới theo ta như bóng theo hình, và trong bất luận hoàn cảnh nào nghiệp lành cũng hết lòng phục vụ và nâng đỡ ta.

Trên thế gian nầy, nếu có điều nào "chắc chắn" thì điều ấy là tánh cách "không chắc chắn" của đời sống.

Từ đâu ta đến đây? -- Nào biết.

Từ đây ta sẽ đi đâu? -- Nào biết.

Chừng nào đi? -- Nào biết.

Ta chỉ biết một điều, và biết chắc như vậy, là ngày nào đây ta phải ra đi, vì trong sự sống đã có mầm chết.

Từ cành cây có nhiều trái rơi rụng. Trái non có, trái lớn có, trái già có, trái chín mùi cũng có. Cùng thế ấy, từ cuộc sống chúng ta có thể xa lìa bất luận vào lứa tuổi nào: lúc sơ sinh, lúc thiếu niên, lúc thanh niên, lúc tráng niên, hoặc khi niên cao tuổi lớn. Cũng như mọi sự kết hợp đều phải đến mức cùng tột là tan rã, mọi sự sanh ra ở đời đều phải chấm dứt bằng sự chết. Và khi lìa đời ta phải ra đi với hai bàn tay trắng, cũng như lúc bước vào chúng ta chỉ đến với hai bàn tay không. Ðến một mình, ta cũng thui thủi ra đi một mình. Chỉ có cái nghiệp đã tạo -- thiện hay bất thiện, tức hành động lành hay không lành -- sẽ theo dính liền với ta như bóng không bao giờ rời hình. Và chỉ nghiệp lành mới phục vụ và nâng đỡ ta như người bạn chí thân.

"Người đi xa nhà từ lâu, lúc trở về được thân bằng quyến thuộc đón mừng nồng hậu. Cùng thế ấy, người hành thiện đi từ thế gian nầy đến thế gian kế, được hành động thiện của mình đón rước như người thân thuộc từ phương xa trở về." (Kinh Pháp Cú, câu 219-220)

Ðời sống mặc dầu quý, quả thật là bấp bênh vô định. Cái chết trái lại, là điều không thể tránh, và nó sẽ đến, chắc như thế. Vậy chúng ta hãy cố gắng sử dụng xứng đáng khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp sống nầy, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho mình, và cho mọi người sống chung quanh mình, mọi chúng sanh, những người bạn đồng hành trong đại trùng dương gọi là đời sống của muôn loài vạn vật.

Ước mong chúng ta được có nhiều bạn lành đón mừng trong cảnh giới tái sanh sắp đến.

-ooOoo-

[02]

CÂU CHUYỆN ÐẠO NHÂN MÙA PHẬT ÐẢN

Bài thuyết trình tại Chùa Việt Nam, Seattle, và đăng trong Bản Tin Cổ Lâm, số 4, năm 1984

Kính Bạch chư tôn Thượng Tọa và Ðại Ðức,
Kính thưa Quý vị Ðạo Hữu,

Vào ngày trăng tròn tháng Vaisakha, năm 623 trước D.L., tại miền Bắc xứ Ấn Ðộ có một hoàng tử được hạ sanh mà về sau trở thành vị Giáo Chủ của một tôn giáo đứng hàng đầu các tôn giáo. Hoàng tử là Ðức Phật Thích Ca. Ngày trăng tròn tháng Vaisakha trùng với ngày Rằm tháng Tư, theo âm lịch ta.

Khi được hai mươi chín (29) tuổi, Hoàng Tử dứt khoát từ bỏ cung vàng điện ngọc và cuộc sống trên nhung lụa để ra đi, tìm Chân Lý và hạnh phúc trường cửu, và năm ba mươi lăm (35) tuổi Ngài chứng đắc Ðạo Quả Chánh Ðẳng Chánh Giác. Từ đó, trong suốt bốn mươi lăm năm trường Ngài gia công truyền bá lối sống đạo hạnh thanh cao bằng những lời vàng ngọc cũng như bằng gương lành trong sáng.

Sự ra đời của Ngài là một đại hạnh, đại phúc cho toàn thể chúng sanh. Khi gởi sáu mươi vị đệ tử đầu tiên ra đi hoằng Pháp độ sanh, Ngài có lời giáo huấn như sau:

"... Nầy hởi các Tỳ Khưu, các con hãy ra đi, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, các con hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích, và hạnh phúc đến chư Thiên và nhân loại ... Có những chúng sanh còn vướng ít nhiều cát bụi trong mắt, và nếu không được nghe Giáo Pháp, ắt sẽ bị sa đọa. Cũng có những người sẽ am hiểu Giáo Pháp. Các con hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí !" (Mahā Vagga, trang 19-20)

Chính riêng Ðức Phật cũng ra đi, gieo mầm phúc lợi cùng khắp miền Bắc xứ Ấn Ðộ. Ngài khuyến khích kẻ yếu kém, đoàn kết người chia rẽ, đem ánh sáng đến người vô minh tăm tối, dắt dẫn kẻ mê muội lầm đường, nâng đỡ người thấp kém và tăng trưởng phẩm giá người cao quý. Người nghèo, người giàu, người lương thiện, và người tội lỗi, tất cả đều quý mến Ngài như nhau. Những bậc vua chúa tàn bạo độc tài, và những vì minh quân chánh trực, những hoàng tử vinh quang hiển hách và những người sống cuộc đời tối tăm không ai biết đến, những nhà triệu phú giàu lòng quảng đại và những vị keo kiết bỏn xẻn, những học giả khiêm tốn và những người kiêu căng tự đắc, hạng gái giang hồ, hạng người hành nghề bẩn thỉu, hạng sát nhân, hạng người thường bị khinh bỉ, tất cả đều có thọ hưởng những lời khuyên dạy của Ðức Phật. Và đến nay, gương lành cao quý và những lời dạy đượm nhuần từ bi và trí tuệ ấy đã dẫn dắt một phần năm nhân loại đến quỳ dưới chân Ngài và tôn thờ Ngài là vị giáo chủ siêu việt nhất tự cổ chí kim.

Hôm nay, nhân lễ kỷ niệm ngày đản sanh của Ðức Bổn Sư, chúng ta được duyên lành tụ họp đông đủ về đây để cùng với toàn thể chư Phật tử hiện ở các nơi trên thế giới, thành tâm kính cẩn dâng lên Ðấng Cha Lành tâm ngưỡng mộ, lòng biết ơn sâu xa, thành kính quý mến vô hạn và niềm tin vững chắc của chúng ta đối với Ngài, với Giáo Pháp mà Ngài đã giáo truyền, và đối với chư vị Hội Viên trong Giáo Hội Tăng Già mà Ngài đã thành lập. Cùng lúc chúng ta hãy để hết tâm trí, chú nguyện sẽ gia công bước theo dấu chân Ngài.

Kính thưa quý liệt vị,

Thỉnh thoảng chúng ta có nghe lời phê bình rằng Giáo Lý của Ðức Phật chỉ đề cập đến các pháp siêu hình, những việc ngoài thế gian, hay những pháp tu tập quá khó khăn, phức tạp, và như vậy chỉ liên hệ đến một số ít học giả và tu sĩ mà không bổ ích gì cho người sống trong thế gian.

Nhận định như vậy có hơi quá vội vã chăng?

Ðúng rằng Phật Giáo có những giáo lý uyên thâm để cho ai muốn trau giồi giới đức và tự thanh lọc tâm trí có thể cố gắng tự khép mình vào một nếp sống kỷ cương, đạo đức thanh cao, ngõ hầu vượt lên trên phần đông đại chúng, tựa hồ như những cánh hoa sen, từ bùn nhơ nước đụt vượt đến nơi thanh khí trong lành để rồi nở tung một cách huy hoàng rực rỡ trong ánh nắng bình minh. Tuy nhiên, ngoài những giáo lý cao siêu khó lãnh hội và khó thực hành ấy, Ðạo Phật cũng có những quy tắc tu học mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày. Trong bài kinh Sigālovāda sutta của bộ Trường A Hàm, Ðức Phật dạy chàng Sigālo một cách rất tỉ mỉ về bổn phận làm con, làm cha mẹ, làm chồng, làm vợ, làm thầy, làm trò, làm bạn, bổn phận của chủ nhân trong nhà đối với người ăn kẻ ở, của người làm công đối với chủ, của người cư sĩ tại gia đối với hàng tu sĩ, của các bậc tu sĩ đối với người cư sĩ tại gia v.v...

Bộ Tăng Nhứt A Hàm (Anguttara Nikāya), phần IV, có ghi lại những lời Ðức Phật dạy bà Visakhā như sau:

"Tích cực hoạt động, luôn luôn dịu dàng chiều chuộng chồng
Dầu chồng không đem lại tất cả hạnh phúc.
Không bao giờ có lời nói bất cẩn, nghịch ý, thiếu lễ độ, l
àm chồng nổi giận.
Tôn trọng tất cả những người được chồng kính nể
V
ì nàng là người sáng suốt khôn ngoan.
Khéo léo, lanh lẹ, thức khuya dậy sớm,
Tận tâm chăm sóc sức khỏe của chồng, trong khi chồng làm việc cực nhọc
Và nhã nhặn hiền hòa. Một người vợ như vậy,
Muốn những điều chồng muốn và cố làm cho được,
Sẽ tái sanh v
ào cảnh giới của những vị Trời dễ mến."

Cũng trong bộ Tăng Nhứt A Hàm, có ghi lại những lời Ngài dạy Trưởng Giả Cấp Cô Ðộc (Anāthapindika) về bốn loại hạnh phúc của người cư sĩ tại gia.

Cho Sa Di Rāhula, lúc ấy mới bảy (7) tuổi, Ngài giảng bài kinh Ambalatthika Rāhulavāda Sutta, nhấn mạnh về tầm quan trọng của lời nói chân thật.

Vào thời bấy giờ, sanh con gái được xem là điều không lành. Khi thấy Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) không vui vì Hoàng Hậu hạ sanh công chúa, Ngài khuyên:

"Một em bé gái, Tâu Ðại Vương,
Có thể còn quý hơn đứa con trai.
Lúc trưởng th
ành
Em có thể là người trí tuệ và phẩm hạnh vẹn toàn,
Biết kính nể, tôn trọng mẹ chồng, một người vợ hiền.
Ðứa con mà sau nầy em sẽ mang vào lòng
Có thể làm nên đại sự
V
à trị vì một vương quốc vĩ đại.
Ðúng vậy, đứa con của người vợ cao thượng
Sẽ trở th
ành
Người lãnh đạo chân chánh cho cả một quốc gia."

Trên đây chỉ là một vài thí dụ trong bao nhiêu trường hợp khác nhau, cho thấy Giáo Pháp dạy người Phật tử luôn luôn đứng vững hai chân trên mặt đất, lúc nào cũng sống trong thực tế. Chẳng những Ðức Phật dạy bằng lời nói mà còn dạy bằng cách chính bản thân Ngài nêu gương lành. Và Ngài nêu gương lành, chẳng những trong kiếp sống cuối cùng, mà trong nhiều kiếp. Khi tường thuật những tiền kiếp của Ðức Phật sách Túc Sanh Truyện (Jātaka) có ghi lại chuyện tích sau đây:

Túc Sanh Truyện: "Vua Dīghati Xứ Kosala"

Vào thuở ấy Vua Dīghati xứ Kosala lâm chiến với xứ Benares và bại trận, mất cả quan quân và vương quốc. Vua cùng hoàng hậu giả dạng làm thường dân, lẫn trốn sang Benares, tá túc tại nhà một người làm đồ gốm.

Nơi đây hoàng hậu hạ sanh một hoàng nam, đặt tên là Dīghāvu. Càng lớn khôn Hoàng Tử Dīghāvu càng tỏ ra thông minh xuất chúng và khỏe mạnh phi thường. Khi hoàng tử đủ lớn khôn, vua sợ lỡ bị phát giác thì cả vua, hoàng hậu, lẫn hoàng tử đều phải bị liên lụy, nên bảo hoàng tử ra đi, trú ngụ ngoài thành để hàng ngày ôn văn luyện võ.

Lúc ấy có người, trước kia là thợ cạo của Vua Dīghiti, nay được đem về làm với Vua Brahmadatta xứ Benares. Hôm nọ, tình cờ tên thợ cạo nhận ra Vua Dīghiti, rồi về tố cáo với Vua Brahmadatta. Vua Brahmadatta hạ lệnh bắt Vua Dīghiti và hoàng hậu đem về, bảo quân lính lấy dây trói chặt tay chân cả hai và dẫn đi khắp phố thành truyền rao cho dân chúng biết. Sau đó, phân thây ra làm bốn đoạn đem bỏ ở bốn góc thành.

Hay được bạo tin, Hoàng Tử lẫn lộn trong đám đông lén đến gần vua và hoàng hậu. Thấy hoàng tử từ xa đến, vua và hoàng hậu giả vờ như không biết, ba lần nói lên:

"Chớ nên nhìn lâu, nầy hỡi con yêu dấu.
Chớ nên nhìn vội.
Hận thù không bao giờ làm suy giảm hận thù.
Chỉ có tình thương mới dập tắt lòng oán hận."

Dân chúng và lính gát nghe vậy ngỡ là vì quá sợ chết nên vua và hoàng hậu đã mất trí nên nói nhảm.

Hoàng Tử Dīghāvu tìm cách làm thân với lính canh, đêm ấy góp nhặt thi hài cha mẹ đem về mua củi thơm, chất thành giàn, làm lễ hỏa táng. Hoàng tử chấp hai tay lên ngang trán, đi ba vòng, vai mặt quay về phía giàn thiêu để tỏ lòng tôn kính. Sau khi hỏa táng cha mẹ xong, hoàng tử đến xin làm công với người chuyên luyện voi trong hoàng cung.

Một buổi sáng nọ, khi mặt trời vừa ửng hồng trên vừng mây ở phía Ðông thành, khi cảnh vật im lìm trong bầu không khí mát mẻ, những ngọn gió hiu hiu nhẹ nhàng thoảng đưa tiếng sáo lảnh lót của hoàng tử đến tai vua.

Bao nhiêu xúc cảm của người con mất cha mất mẹ, của một hoàng tử mất nước, của một con người đã mất cả tương lai, của một tâm hồn dịu hiền đức hạnh, được gói ghém trọn vẹn trong những âm thanh lúc bổng khi trầm, làm say mê nhà vua, lúc ấy vừa tỉnh giấc.

Vua truyền tìm ra người thổi sáo và cho vào giúp việc trong nội cung. Vốn thông minh khôn khéo và tài cao, không bao lâu Hoàng Tử Dīghāvu đã trở thành người hầu cận thân tín nhất của Vua Brahmadatta.

Ngày kia, vua truyền lệnh Hoàng Tử Dīghāvu bắt kế ngựa và đánh xe cho Ngài đi săn. Sau khi săn bắn mỏi mệt vua ra lệnh dừng xe và bảo hoàng tử ngồi lại bên đàng để vua gối đầu trên vế, nằm nghỉ.

Lúc ấy, giữa rừng sâu, một mình Vua Brahmadatta đang say ngủ trên vế mình, hoàng tử nghĩ rằng đây là cơ hội tốt đẹp nhất để trả thù nhà, nợ nước. Tuy nhiên, khi vừa rút gươm ra khỏi vỏ thì tiếng nói quen thuộc của người cha thân yêu thì thầm bên tai, "Chớ nên nhìn lâu, nầy hỡi con yêu dấu. Chớ nên nhìn vội."

Hoàng tử nhè nhẹ tra gươm trở lại vào vỏ. Ba lần rút gươm ra. Ba lần lời di huấn tối hậu của cha kềm tay hoàng tử lại.

Vừa lúc ấy vua bỗng dưng giựt mình ngồi phắt dậy, nói rằng Ngài vừa chiêm bao thấy Hoàng Tử Dīghāvu đang đến sát hại mình. Hoàng tử liền đứng lên, một tay nắm chặt đầu tóc vua, một tay lẹ làng rút gươm ra khỏi vỏ, bảo cho vua biết rằng chính mình là Hoàng Tử Dīghāvu, con Vua Dīghiti xứ Kosala, bị vua ra lệnh phân thây làm bốn đoạn, và đem bỏ ở bốn góc thành.

Vua Brahmadatta hoảng sợ, xin hoàng tử tha chết. Hoàng Tử Dīghāvu liền tra gươm trở lại vào vỏ và trấn an Vua như sau:

"Tâu Bệ Hạ, tôi sẽ không làm gì phương hại đến Ngài. Nhưng tôi cũng xin Bệ Hạ một điều, là khoan hồng tha tội đáng chết cho tôi."

Rồi hoàng tử nói tiếp, "Không phải tài sản sự nghiệp, cũng không phải quyền thế hay danh vọng trên thế gian, mà chỉ có những hành động, lời nói và tư tưởng lành mới làm cho ta ra đi với tâm an tịnh trong giờ phút cuối cùng của kiếp sống."

Nói xong hoàng tử tháo gươm ra, đặt trên tay vua. Vua Brhmadatta rất ngạc nhiên trước thái độ cao cả của hoàng tử.

Với tất cả tấm lòng tri ân và cảm phục vua nói, "Nầy con, Trẩm sẽ không làm điều gì phương hại đến con. Con đã tha chết cho Trẩm, Trẩm sẽ tha chết cho con."

Và cả hai đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, lòng phấn khởi hân hoan, tay cầm tay, cùng nhau thề nguyền không bao giờ làm hại lẫn nhau. Vua cùng hoàng tử hồi cung.

Hôm sau, vua triệu tập tất cả các quan đại thần vào triều và phán hỏi: "Nếu bây giờ ta bắt được Hoàng Tử Dīghāvu, con Vua Dīghiti xứ Kosala, thì phải làm gì?" Tất cả đều đồng ý là nên giết tức khắc để tuyệt trừ hậu hoạn. Ðến đây Vua chỉ hoàng tử và nói, "Ðây chính là Hoàng Tử Dīghāvu, con Vua Dīghiti xứ Kosala. Nhưng Trẩm sẽ không làm điều gì phương hại đến hoàng tử, vì chính hoàng tử đã tha chết cho Trẩm," Rồi vua thuật lại chuyện đi săn trong rừng.

Vua lại hỏi hoàng tử tại sao đã có được cơ hội vàng ngọc để trả thù cha mẹ mà lại bỏ qua. Hoàng tử bèn thuật lại lời di chúc của cha mẹ, "Chớ nên nhìn lâu, nầy hỡi con yêu dấu, chớ nên nhìn vội." Vua truyền hoàng tử giải thích rõ hơn.

-- Tâu Bệ Hạ, khi nói, "Chớ nên nhìn lâu", ý cha tôi khuyên chớ nên nuôi dưỡng hận thù trong lòng, ngày nầy qua ngày khác, năm nọ sang năm kia. Không nên ôm ấp tâm báo oán mãi mãi, và luôn luôn lập mưu tìm kế để trả thù, mặc dầu Bệ Hạ đã cướp mất toàn thể vương quốc của cha tôi, lại còn hạ lệnh phân thây cha mẹ tôi như một khúc gỗ.

Khi nói, "Chớ nên nhìn vội", cha tôi khuyên chớ nên vội vã nóng giận và có những hành động hấp tấp. Dầu Bệ Hạ có đối xử tàn nhẫn với cha mẹ tôi, cha mẹ tôi vẫn khuyên chớ nên nhìn vội, ý nói chớ nên vội nổi sân.

Vua Brhmadatta nghe qua lấy làm đẹp dạ, và hết sức khâm phục ông cha sáng suốt và người con thông minh. Lời dạy sâu sắc của cha mẹ hiền lương đạo đức, tuy ngắn gọn và có vẻ bí hiểm nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa, đã được người con trí tuệ lãnh hội đầy đủ và thực hành thích nghi.

Vua tự nghĩ, "Quả thật tuyệt diệu! Quả thật cao thượng!"

Tất cả các vị đại thần trong triều cũng đều kính phục và cảm mến tài đức của hoàng tử.

Vua trao trả lại cho hoàng tử tất cả ngựa voi, xe cộ, quân lính, đất đai và tài sản của Vua Dīghiti, lại còn gả công chúa cho hoàng tử và phục hồi ngôi vị, đưa hoàng tử về làm vua xứ Kosala.

Bài Học Của Tích Chuyện

Trong tích chuyện trên đây, Hoàng Tử Dīghāvu là tiền thân của Ðức Phật Thích Ca, trong một kiếp xa xôi của Bồ Tát. Gương lành của Ngài là một bài học vô cùng quý giá cho tất cả mọi người, ở mọi thời đại, mọi nơi: không nên trả thù báo oán mà phải nhẫn nại luôn luôn, trong mọi trường hợp, trước mọi khiêu khích. Ðó là đức tánh kiên nhẫn chịu đựng những lỗi lầm của người khác và khoan hồng tha thứ, rộng lượng dịu hiền. Nhường nhịn không phải là ươn hèn, chịu thua, mà rõ rảng là tự khắc phục những cảm xúc của mình, tự làm chủ mình, là chiến thắng vô cùng vẻ vang, y như lời Phật dạy:

"Dầu chinh phục hằng triệu người ở chiến trường tuy nhiên, quả thật vậy, chinh phục được chính mình là chiến thắng cao quý nhất." (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 103)

Sức mạnh sẽ phải đương đầu với sức mạnh. Bom đạn sẽ gặp bom đạn, Hận thù sẽ đưa đến hận thù, không bao giờ chấm dứt. Trong cuộc oan trái giữa hai người, kẻ bại luôn luôn ấm ức, và mưu toan báo oán. Người thắng, trong khi hưởng sự đắc thắng của mình, cũng nơm nớp lo sợ bị trả thù. Kẻ căm tức, người lo sợ, cả hai đàng không ai an tâm. Ðó là cái giá phải trả của lòng thừ hận.

Ta không thể oán ghét mà không bị tổn thương, phiền não, hay mất một điều gì của mình. Người căm thù mất ăn, mất ngủ, mất lý trí, mất an vui, mất cả thì giờ và năng lực, mất một cách vô lý và ngông cuồng, mất vì người mà ta gọi là thù nghịch. Như vậy, con đường thù hận là con đường nô lệ, phiền não và đau khổ. Và không oán ghét không phải là dung thứ kẻ thù mà rõ ràng là tự dung tha chính ta, là tha cho ta cái tội phải chịu những cực hình rùng rợn do oán ghét gây ra.

"Trên thế gian nầy, sân hận không bao giờ dập tất sân hận. Duy có tình thương mới diệt tâm sân. Ðó là định luật nghìn thu." (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 5)

Người thấm nhuần đầy đủ tâm từ và tâm bi của Phật Giáo luôn luôn lấy tốt trả xấu, lấy thiện trả ác, lấy ân trả oán, và luôn luôn thành thật ước mong cho tất cả chúng sanh đều được an lành hạnh phúc. Tựa hồ như cội trầm hương, ngày đêm lặng lẽ tủa hương trầm của mình bao khắp bầu không khí chung quanh mà không có sự phân biệt nào, cũng không màn ai biết ai không biết. Dầu có bị đốn ngã đi chăng nữa, cội trầm vẫn còn ướp mùi hương của mình trên lưỡi búa đã chém mình. Cũng dường thế ấy, người thuần thục thực hành Giáo Pháp hằng ban rải tâm từ êm dịu mát mẻ của mình bao trùm toàn thể sanh linh mà không có sự phân biệt nào và không màn ai biết, ai không biết.

Kết Luận

Một giáo lý như vậy có lìa xa thực tế chăng, có vượt ra ngoài phạm vi của đời sống hằng ngày không, hay chỉ có tác dụng giúp cho con người trở nên thanh lịch hơn, cho sự giao dịch giữa người và người trở nên hòa nhã hơn, và cho kiếp sống làm người trở nên thoải mái, dễ chịu, đáng được sống hơn?

Kiếp sống của chúng ta trên thế gian quả thật là ngắn ngủi. Trong cuộc sống ngắn ngủi chung giữa chúng ta, đã gặp phải bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu phiền lụy, bao nhiêu bất toại nguyện rồi. Tưởng cũng nên loại bỏ những khổ đau mà ta có thể tránh, thay vì tạo thêm.

Trong xã hội trần tục mà ta đang sống, nếu một số đông người khứng chịu lắng nghe Giáo Pháp, khứng chịu dừng bước trong cuộc chạy đua theo đời sống để bình tâm suy gẫm về giá trị của lời dạy và cố gắng thực hành theo, thì chắc nhân loại sẽ tránh được khá nhiều phiền phức!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

-ooOoo-

[03]

GIỚI ÐỨC TRONG ÐẠO PHẬT

Bài viết vào cuối thập niên 1970

Giới đức là một phần của Con Ðường. Hai phần kia là Ðịnh và Tuệ. Giới gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. được xem như những tảng đá vững chắc cẩn trên Con Ðường Trong Sạch (Thanh Tịnh Ðạo), là nền tảng của mọi cuộc sống đạo đức.

Giới, tiếng Pāli là Sīla, có nghĩa là quy luật. Giới luật không phải là những điều răn cấm mà Ðức Phật ban hành, bắt buộc hàng tín đồ phải tuân hành, nếu không là có tội. Phật Giáo không quan niệm có sự ban thưởng diều lành hay trừng phạt điều dữ mà chỉ truyền dạy lý nghiệp báo, tức định luật nhân quả. Gieo giống nào sẽ gặt quả nấy. Gieo cam sẽ có trái cam, gieo ớt sẽ có ớt. Cây cam trổ sanh trái ngon ngọt không phải để ban thưởng, cũng như cây ớt trổ sanh trái ớt cay không phải để trừng phạt người trồng, mà đó chỉ là sự biến chuyển tự nhiên từ nhân đến quả.

Như vậy khi ta làm điều lành, hành động ấy là nhân lành, sẽ đưa đến hậu quả tốt, hành ác ta sẽ gặp điều dữ. Hoàn cảnh thuận lợi hay nghịch lòng đến với ta là hậu quả đương nhiên phát sanh từ những hành động của ta trong quá khứ, chớ không phải do sự thưởng phạt của Ðức Phật hay của vị thần linh nào, vì ta làm đúng theo lời dạy hay phạm vào một điều răn của các Ngài. Giới hay quy luật là sự hướng dẫn mà Ðức Phật khuyên dạy những ai vui lòng bước theo chân Ngài nên xem đó là các điều phài tránh để khép mình vào nếp sống kỷ cương, tạo không khí an lành, gội rửa tâm trong sạch và sau cùng phát triển trí tuệ,

Ba tháng sau khi Ðức Thế Tôn Nhập Diệt, năm trăm vị đệ tử A La Hàn kết tập lần đầu tiên tại thành Rājāgaha (Vương Xá) để nhắc lại những lời vàng ngọc của Ngài trong bốn mươi lăm năm hoằng Pháp. Về sau những lời dạy nầy được ghi chép trên lá buông và sắp xếp thành ba Tạng (Tam Tạng Kinh): Tạng Luật, Tạng Kinh, và Tạng Luận.

Riêng Tạng Luật bao gồm tất cả những giới luật mà Ðức Phật đã ban hành để cho hàng môn đệ xem đó mà tránh những điều không nên làm. Nên hiểu rằng những điều không nên làm ở đây có nghĩa là những hành động bằng thân, khẩu, hay ý có tánh cách gây chướng ngại trên con đường dẫn đến Niết Bàn. Tạng Luật nêu rõ đầy đủ nguyên do tại sao và trong trường hợp nào Ðức Phật ban hành một quy luật. Có những giới dành cho hàng xuất gia và những giới cho hàng tại gia cư sĩ.

Ðối với người tại gia cư sĩ Ðức Phật khuyên dạy nên giữ tròn năm giới là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, và không dể duôi dùng những chất say.

1. Không sát sanh. Mọi người, mọi chúng sanh, đều quý trọng mạng sống của mình. Không ai có quyền hủy hoại sự sống của kẻ khác. Ðức Phật khuyên dạy, dầu tại gia cư sĩ hay hàng xuất gia, chúng ta nên lánh xa mọi hành động có tánh cách sát hại hay gây thương tích cho bất cứ người hay thú.

Không có công lý nào bắt buộc một chúng sanh phải làm mồi cho một chúng sanh khác. Dầu để được ngon miệng hay để giải khuây, không có lý do nào để ta tự cho phép, hoặc nhờ người khác giết một chúng sanh. Nếu sát hại thú là sai lầm thì giết người còn đáng ghê tởm đến bậc nào -- dầu giết từng cá nhân hay từng đoàn, từng nhóm; dầu dùng những khí giới thô sơ tàn bạo hay những phương tiện gọi là văn minh tân tiến và nhân đạo; dầu giết để đem lại hòa bình hoặc giết vì lý do tôn giáo, hay vì một mục tiêu có vẻ tốt đẹp nào khác.

2. Không Trộm Cắp. Người Phật tử cũng được khuyên dạy nên lánh xa mọi hình thức trộm cắp, dầu là trực tiếp trộm cắp, hiển nhiên, lộ liễu, hay trộm cắp gián tiếp, vi tế, kín đáo ẩn núp dưới một lớp gì khác. Trong khi cố gắng lánh xa hành động trộm cắp người Phật tử cũng phát triển đức tánh liêm khiết, chân thật, và chánh trực.

3. Không tà dâm. Lánh xa những hành động làm giảm suy phẩm cách con người và do đó, có một cuộc sống thanh cao trong sạch.

4. Không vọng ngữ. Tránh vọng ngữ, là không nói lời giả dối, không nói đâm thọc làm cho người nầy phiền giận người kia, không nói lời thô lỗ cộc cằn, và không nói lời nhảm nhí vô ích mà chỉ nói lời chân thật, dịu hiền, những lời có thể đem lại sự hòa hợp, tình trạng an vui hạnh phúc cho kẻ khác, và những lời hữu ích.

5. Không dùng chất say. Người Phật tử không nên dùng rượu mạnh hay những món gì có thể làm cho tinh thần kém sáng suốt, trái lại nên luyện tập cho tâm an trụ, trí minh mẫn.

Chúng ta tạo nghiệp bằng thân, khẩu, ý. Ba giới đầu tiên -- không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm -- là tránh tạo thân nghiệp bất thiện. Giới thứ tư -- không vọng ngữ, tức không nói lời giả dối, không nói đâm thọc, không nói lời thô lỗ cộc cằn, và không nói lời nhảm nhí vô ích -- là tránh tạo khẩu bất thiện nghiệp. Giới thứ năm -- không dùng chất say -- nhằm giúp cho tâm không bị mê mờ, là tránh tạo ý nghiệp bất thiện.

Như vậy, nghiêm trì ngũ giới là tránh tạo bất thiện nghiệp.

Nên hiểu rằng đây chỉ là khía cạnh tiêu cực, những gì không nên làm. Tuy nhiên giới luật trong Phật Giáo cũng bao hàm ý nghĩa tích cực. Như lời dạy "không nên nói dối" cũng hàm ý là "nên" nói lởi chân thật. "Không nên nói đâm thọc" có nghĩa là "nên" nói những lời đem lại tinh thần đoàn kết, hòa hợp v.v... Khi ban hành giới luật, không phải Ðức Phật hàm ý rằng chỉ cần tránh những hành động bất thiện là đủ, mà đó là tuần tự diễn tiến một cách hợp lý để giữ thân tâm trong sạch (về điểm nầy, muốn có thêm chi tiết xin đọc quyển "Người Phật Tử và Con Ðường Tu Phật", trang 38, cùng một soạn giả). Một cái ve chai đang còn dơ, nếu muốn dùng để đựng nước uống, trước tiên ta phải rửa, sút sạch sẽ. Cùng thế ấy, trước khi phát triển những loại tâm thiện, điều cần nên làm là gội rửa các bất thiện pháp trong tâm.

Người đã giữ tròn năm giới nầy quả thật là con người thanh lịch và hữu ích, nhưng đây chưa phải là mục tiêu cứu cánh mà chỉ là phương tiện giúp đưa đến mục tiêu.

Khi đã vững vàng hướng về mục tiêu giải thoát, người Phật tử tại gia có thể cố gắng bước thêm một bước tiến nữa là trong những ngày giới, tự nguyện giữ thêm ba giới là:

6. Không ăn sái giờ, tức từ buổi ngọ cho đến sáng hôm sau không dùng vật thực cứng. Chỉ uống nước mà không ăn.

7. Không múa hát, thổi kèn, đờn, hay xem múa hát, nghe đờn kèn và trang điểm, thoa ướp nước hoa, dồi phấn và đeo tràng hoa.

8. Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp

Theo Bát Quan Trai giới, giới thứ ba trong Ngũ Giới -- không tà dâm -- trở thành không thông dâm, có nghĩa là chẳng những không lang chạ phóng túng mà trong cuộc sống giữa vợ và chồng cũng phải gìn giữ trong sạch như người hoàn toàn độc thân, trong ngày Bát Quan. Ðó là phương pháp tu tập tiến dần từ tạo thiện nghiệp của Ngũ Giới đến tâm từ khước, dứt bỏ -- trạng thái tâm làm chủ giác quan. Năm giác quan của ta có những thích thú đòi hỏi được thỏa mãn. Mắt muốn thấy hình sắc đẹp, tai muốn nghe âm thanh êm dịu, mũi muốn hửi mùi thơm, lưỡi muốn nếm món ngon vật lạ, thân muốn có những cảm xúc dễ chịu. Ðã lâu rồi giác quan ta được phụng sự đầy đủ, và sẽ còn được phụng sự cho đến khi trở thành quá đỗi khó chịu. Cài gì phụng sự giác quan? Chính cái tâm phải phục vụ giác quan như người nô lệ phục vụ cùng lúc năm vị hoàng đế khó tánh. Tâm, vị chúa tể, đã bị truất phế, và năm tên quân hầu -- năm giác quan -- đã choán ngôi. Người Phật tử chúng ta có bổn phận phải phục hồi ngôi vị cho tâm, vì tâm là nguồn lực duy nhất có thể giúp ta mở vạch con đưởng dẫn đến tự do. Tâm của người thế gian thông thường đã kiệt sức vì phải luôn luôn phụng sự giác quan, không thể có chút thì giờ để thấy rõ chân tướng của sự vật. Ðể chế ngự mọi khát vọng của cơ thể vật chất, giới luật giúp người Phật tử chân chính sống giản dị và thanh đạm vì cuộc sống xa hoa biến con người trở nên nô lệ của tham vọng.

Trên Con Ðường phát triển tâm Trong Sạch (Thanh Tịnh Ðạo) giới hạnh quả thật là yếu tố cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, tự nó, giới không phải là mức đến, mà chỉ là phương tiện đưa đến mục tiêu.

Năm giác quan đã phối hợp, chung sức làm lu mờ ngọn đèn tâm. Giới có hiệu năng lau chùi, giúp làm cho ngọn đèn tâm trở nên sáng tỏ, thấy rõ thực tướng của sự vật.

Sau đây là một đoạn trích dịch từ sách Visuddhi Magga, (Thanh Tịnh Ðạo) đề cập đến giới luật, xem như nền tảng của tất cả hạnh lành. Bà Hồ Thị Linh sắp thành văn vần.

Ðạo chính đáng cho người vững chí
Sống thanh cao, cao quý chi bằng,
N
ên trang đức hạnh ai tầng,
Mấy ai tả được uy h
ùng đến đâu.
Cũng không phải d
òng sâu lồng lộng
Của Hằng giang với ngọn Da-Ma (Yamuna)
Thủy triều reo rắc sông Sa (Sarabhu)
Sông A-Ti (Acivarati) với đại hà Ma-Hi
Mà rửa sạch những gì nhơ bợn
Và những chi bất tịnh trong lòng,
Chỉ đức hạnh, sức khôn cùng,
Gội tan ác ý, rửa dần mê tâm,
Với gấm vóc hương trầm bảo vật
Cùng trăng thu vằng vặc ánh vàng,
Nhẹ nhàng gió mát đêm trường
Cũng không xoa dịu nỗi lòng tham sân.
Chỉ đức hạnh trong ngần cao quý
L
à vững bền tiết chế lòng người.
Trầm hương bay thuận gió đời
Chỉ hương đức hạnh ngát trời gần xa.
N
ào nấc tiến cho ta tinh tấn
Ðể ta nương đến tận trời cao.
Cửa n
ào mở lối ta vào
Niết Bàn cảnh giới muôn màu cho ta.
Ðời đạo hạnh tinh hoa giới đức
Không điểm tô, trang sức chi hơn
M
à luôn sáng tỏ vô ngần,
Chỉ nơi đức hạnh rở ràng hào quang,
Nào vua chúa ngọc vàng lóng lánh
Dường mờ lu bên ánh rạng nầy.
Tâm người đạo hạnh ngày ngày
Chỉ còn thanh tịnh và đầy an vui,
Qua kinh sách l
òng người phải rõ,
Ðời thanh cao uy thế chi bằng,
Ðạo là nguồn cội phước lành,
Ðạo là tiêu diệt mọi căn mê lầm.

-ooOoo-

[04]

HƯƠNG THƠM CỦA GIỚI ÐỨC

Phạm Kim Khánh
trích dịch từ quyển "Buddhist Legends"

Chúng ta được nghe rằng sau khi hành thiền vào một buổi chiều, ý nghĩ sau đây phát sanh đến Đức Ānanda (A Nan): "Ðức Thế Tôn có đủ ba loại hương tốt nhất trên thế gian. Ðó là hương của gỗ trầm, hương của các loài rễ cây, và hương của các loài hoa. Tuy nhiên, các loại hương nầy chỉ bay theo chiều gió, gió phất về hướng nào thì mùi thơm bay về hướng đó, người đứng trên gió thì không cảm nhận được mùi. Vậy có chăng một thể chất mà mùi thơm bay ngược chiều gió. hay có chăng một thể chất mà mùi thơm vừa bay theo, vừa bay ngược chiều gió?"

Rồi Ngài tiếp tục nghĩ như sau, "Ta sẽ bạch hỏi Ðức Thế Tôn. Ngài sẽ giải đáp thỏa đáng". Nghĩ như vậy Ngài đến hầu Phật và nêu lên câu hỏi.

Do đó có tích chuyện sau đây:

"Lúc bấy giờ, vào một buổi chiều, Ðức Ānanda xuất thiền, đến gần nơi Ðức Phật ngự và bạch hỏi Ngài, "Bạch Hóa Dức Thế Tôn, có ba thề chất mà mùi thơm bay theo chiều gió, không thể bay ngược chiều. Ðó là thể chất gì? Hương của các rễ cây, hương của gỗ trầm, và hương của hoa. Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, đó là thể chất mà mùi thơm có thể bay theo chiều mà không thể bay ngược chiều gió. Nhưng, Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, có chăng một thể chất mà hương thơm có thể bay ngược chiều gió, hay có chăng một thể chất mà mùi thơm có thể vừa bay theo, vừa bay ngược chiều gió?"

Ðức Phật giải đáp:

-- Nầy Ānanda, có một thề chất mà hương thơm bay theo chiều gió, có một thề chất mà hương thơm vừa bay theo chiều gió vừa bay ngược chiều.

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, thề chất nào bay theo chiều gió và thề chất nào vừa bay theo, vừa bay ngược chiều gió?

-- Nầy Ānanda, nếu trong một xóm làng hay trong một thành phố mà có người kia, nam hay nữ, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nếu người ấy tránh xa những hành động sát sanh, những hành động trộm cắp, những hành động tà dâm, những hành động giả dối vá những lúc dể duôi dùng các chất say. Nếu người ấy có đời sống đạo hạnh, nếu người ấy sống đúng theo chánh mạng, sống với tâm bố thí trong sạch, nếu người ấy quảng đại rộng rãi, nếu người ấy sống một cách cởi mở, nếu người ấy tìm thỏa thích trong sự cúng dường những bậc khả kính, thì bất luận ở nơi nào trên thế gian, tất cả những vị tỳ khưu, tất cả những vị bà la môn, đều tán dương người ấy. Nếu trong một xóm làng hay trong một thành phố có người kia, nam hay nữ, quy y Phật v.v... nếu người ấy tìm thỏa thích trong sự cúng dường những bậc khả kính, những hành động như thế ấy, nầy Ānanda, là thể chất mà hương thơm vừa bay theo vừa bay ngược chiều gió. Dạy xong Ðức Phật đọc lên câu kệ như sau:

- "Hương thơm của hoa không thể bay ngược chiều gió. trầm hương cũng vậy, gỗ tagara và hoa lài cũng thế, nhưng hương thơm của giới đức bay ngược chiều gió. Danh thơm của người giới đức bay khắp các nơi. (Kinh Pháp Cú, câu 54)

- "Gỗ trầm, gỗ tagara, hoa sen, hoa lài - trên tất cả những loại hoa ấy, hương thơm của giới đức còn hơn nhiều" (Kinh Pháp Cú, câu 55)

-ooOoo-

[05]

CÒN TA THÌ SAO?

Một bài viết vào cuối năm, trong thập niên 80

Thêm một năm sắp đến, và chúng ta sắp bước vào những ngày đầu tiên của năm mới. Thông thường, đây là cơ hội để chúng ta ngồi lại ôn cố tri tân, kiểm điểm những việc làm trong năm qua và sắp xếp chương trình cho năm tới.

Câu chuyện dưới đây có thể là một đề tài để chúng ta suy gẫm nhằm tìm một hướng đi thích nghi.

Người kia đi quanh quẩn giữa một khu rừng mênh mông, đầy chông gai và đá nhọn.

Trong khi lang thang bất định, anh sực nhìn lại phía sau, thấy một thớt voi đang rượt theo. Giựt mình, anh vụt chạy. Voi đuổi theo. Chạy đến một cái giếng cạn, anh định nhảy xuống để tránh voi. Nhưng nhìn xuống đáy giếng anh thấy một con rắn. Thớt voi vẫn lù lù trờ tới. Hoảng hốt, anh chụp lấy một dây rừng từ cây cao lòng thòng trên miệng giếng, và vội vã leo phăng lên, bất chấp gai nhọn đầy trên sợi dây, quàu trầy cả mình mẩy và tay chân. Lúc ấy anh chàng ngẩng mặt nhìn lên, thấy một ổ ong. Bị động ổ, bầy ong bay tủa ra vây đánh anh. Phía trên nữa có hai con chuột, một trắng một đen, đang cặm cụi gậm nhắm sợi dây mà anh đang đeo trên đó.

Vào lúc ấy có một giọt mật từ ổ ong rơi xuống ngay vào miệng anh. Bấy giờ, quên cả thớt voi đang rượt, con rắn đang nằm chực hờ dưới đáy giếng, sợi dây đầy gai nhọn đang quàu trầy cả mình, bầy ong đang vây đánh, và hai con chuột đang gậm mòn sợi dây, anh mê mệt thọ hưởng giọt mật một cách thỏa thích.

Trong tình cảnh vô cùng nguy kịch của anh chàng đang lâm nạn giữa khu rừng mênh mông, có một vị hiền nhân giàu lòng từ ái xuất hiện, và anh được biết rằng vị nầy có đủ khả năng và sẵn sàng vạch lối chỉ đường cho anh thoát thân.

Nhưng anh chàng lễ độ khước từ, "Tôi biết ông là người giàu lòng bi mẫn và rất cảm tạ ông có nhã ý muốn cứu tôi. Tuy nhiên, xin ông vui lòng để cho tôi yên ổn trọn vẹn thưởng thức hương vị ngọt ngào của giọt mật ..."

Trong câu chuyện kể trên, người lang thang lạc bước giữa rừng là chúng ta. Khu rừng đầy chông gai và đá nhọn là cuộc sống trong vòng luân hồi. Thớt voi tượng trưng cho Tử Thần. Con rắn nằm dưới đáy giếng là sự già nua. Sợi dây rừng đầy gai là sự sanh. Bầy ong là những mối hiểm nguy, những nỗi sầu khổ, luôn luôn đe dọa tình trạng an lành của chúng ta. Giọt mật ong ngọt ngào hình dung một vài thú vui hiếm hoi trong đời. Hai con chuột, một trắng một đen, là ngày và đêm. Và vị hiền nhân giàu lòng từ bi sẵn sàng chỉ đường dẫn lối cho ta thoát ra khỏi khu rừng là Ðức Phật.

Ðời sống trong vòng luân hồi không giống như một vườn hoa hồng tươi đẹp, lộng lẩy màu sắc, bát ngát hương thơm, mà tựa hồ như một khu rừng đầy chông gai và đá nhọn. Hạnh phúc mà phần đông chúng ta mong tìm chỉ là sự thỏa mãn một vài ước vọng. Nhưng vừa đạt đến, ta lại ước mong điều khác, và cứ thế không ngừng. Lẽ dĩ nhiên, một ước vọng không được toại nguyện làm cho ta đau khổ. Nhưng dầu có được toại nguyện đi nữa, ta lại lo âu, bận tâm suy nghĩ đề gìn giữ, sợ nó mất đi. Vua chúa lo sợ cho tình trạng an toàn của ngôi vị mình. Người thường dân lo sợ cho trạng thái an toàn của mạng sống mình. Người tư bản lo sợ cho sự nghiệp mình. Người làm công lo sợ cho công ăn việc làm v.v... Nhưng, trong cuộc sống vô thường tạm bợ nầy, có thú vui nào tồn tại mãi mãi, có hạnh phúc nào trường tồn. Nếu mọi sự vật đều biến đổi thì không thể có thanh bình và ổn định. Và nếu không có thanh bình và ổn định tức có xáo trộn, bất ổn, và lo âu sợ sệt.

Luôn luôn chúng ta có vấn đề, và chúng ta tự tạo thêm vấn đề, những vấn đề chánh trị, kinh tế, tài chánh, xã hội, gia đình, chí đến vấn đề tôn giáo v.v... Ðã có vấn đề tức nhiên có gì không được suôn sẻ, không toại nguyện, bất mãn, phiền lòng, sầu muộn, đau khổ. Ðó là chông gai và đá nhọn của khu rừng đời sống mà chúng ta đang lạc lối trong đó. Trong thế gian huyền ảo, tạm bợ, vô thường, ngã chấp và đầy tham vọng nầy chúng ta không thể tìm được hạnh phúc thật sự, trường tồn vĩnh cửu. Ðã từ lâu, chúng ta lê bước lang thang đi hết nơi nầy đến nơi khác, xuyên qua khu rừng mênh mông của vòng luân hồi, mà không tìm được lối ra. Chết ở nơi nầy ta lại tái sanh vào chỗ khác, sanh rồi tử, tử rồi sanh, mãi mãi triền miên.

Trong câu chuyện, anh chàng lạc lối đang lang thang bất định thì bỗng nhiên sực nhìn lại phía sau, thấy một thớt voi đang rượt theo mình. Cũng dường thế ấy, hàng ngày chúng ta mãi lo sống mà lãng quên rằng cái chết lúc nào cũng theo dõi ta bén gót từ khi mới bước chân vào đời. Thật vậy, trong cuộc sống bấp bênh nầy, nếu có một điều chắc chắn thì điều ấy là chúng ta phải chết một ngày nào.

Thuở nọ Ðức Thế Tôn đến thành Ālavi. Dân chúng nơi đó thỉnh Ngài về ngự tại đền thờ Aggālava thọ lễ Trai Tăng. Sau khi thọ thực, Ngài đọc kinh phúc chúc và khuyên dạy, "Chư thiện tín nên hành thiền về đề mục 'chết', hãy tự nhủ rằng kiếp sống của ta quả thật bấp bênh vô định. Cái chết trái lại là chắc chắn. Người không suy niệm về hiện tượng chết sẽ lìa bỏ cuộc đời trong cơn hãi hùng kinh sợ, giống như người kia gặp con rắn độc mà trong tay không có gậy. Nhưng người có hành thiền về đề mục chết sẽ không sợ hãi trong giờ phút cuối củng, tựa như người gặp rắn mà trong tay sẵn có cầm gậy. Người ấy sẽ bình tĩnh dùng gậy vít con rắn ra xa. Vì cớ ấy thiện tín nên hành thiền, suy niệm về hiện tượng chết."

Trong số thính giả hôm ấy có cô gái con người thợ dệt, lúc bấy giờ mười sáu tuổi, tự nghĩ rằng, "Lời dạy của Ðức Phật quả thật là tuyệt diệu, ta phải hành thiền về đề mục chết." Và kể từ đó, ngày đêm cô gia công suy niệm về hiện tượng chết.

Ba năm về sau, ngày nọ Ðức Tôn Sư quan sát thế gian nhận thấy cô gái ấy đã sẵn sàng lãnh hội Giáo Pháp nên cùng đoàn tùy tùng trở lại Ālavi. Dân chúng trong vùng hay được tin, cung thỉnh Ngài về đền thờ Aggālava cúng dường. Cô con gái con người thợ dệt nghe được tin nầy lòng khắp khởi vui mừng, nghĩ thầm, "Ngài là người mà ta xem như cha, như Ðấng Thế Tôn, như Ðức Tôn Sư của ta. Từ ba năm nay đây là lần đầu tiên mà ta sẽ được cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan, đảnh lễ Ngài, và nghe thuyết giảng Giáo Pháp Cao Siêu đượm nhuần đạo vị."

Nhưng ngày hôm ấy, trước khi cha cô đi xưởng đệt có lời dặn, "Nầy con, có cái áo của khách hàng còn trên khung cửi vì còn một vạt chưa xong, cha phải hoàn tất cái áo hôm nay. Vậy con hãy quấn chỉ vào suốt và mau mau mang đến cho cha." Cô gái tự nghĩ, "Ta muốn đi nghe Ðức Tôn Sư thuyết Pháp nhưng cha ta sai bảo như vậy, thì giờ đây biết làm sao." Rồi cô nghĩ, " Ta hãy quấn chỉ vào suốt, mang đến cha ta trước, rồi sẽ đi nghe Pháp."

Trong lúc ấy dân chúng tại Ālavi đến hầu Phật và dâng vật thực lên Ngài. Khi Ngài độ ngọ xong họ rước bát rồi đứng đó chờ Ngài đọc kinh phúc chúc và thuyết giảng Giáo Pháp. Ðức Thế Tôn nói, "Như Lai đi ba mươi dặm đường đến đây để độ một tín nữ trẻ tuổi. Nhưng người ấy chưa đến kịp, vậy chúng ta hãy nhẫn nại chờ, Như Lai sẽ đọc kinh phúc chúc và thuyết giảng." Rồi Ngài ngồi lặng im.

Khi cô gái con người thợ dệt quấn chỉ xong, để suốt chỉ vào rổ, ra đi đến xưởng đệt của cha. Trên đường đi, cô dừng lại ở vòng ngoài đền thờ để chiêm ngưỡng Ðức Thế Tôn. Lúc ấy Ðức Phật nhìn lên, hướng mắt về nàng. Thấy cách Ðức Phật nhìn, cô nhận biết, "Ngồi giữa đám đông trong buổi họp mà Ngài nhìn ta như thế kia chắc là có ý muốn ta đến trước mặt." Cô bèn để rổ đựng suốt chỉ xuống đất, rồi đi ngay đến trước mặt Ðức Phật [*]. Cô đảnh lễ Ngài và kính cẩn đứng qua một bên.

[*] Nhưng tại sao Ðức Phật chăm chăm nhìn, có ý muốn cô gái con người thợ đệt đến trước mặt Ngài? Theo Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú, vì lúc ấy Ðức Phật đã biết cô sắp chết, và Ngài cũng biết cô đã tiến bộ đến mức độ có thể chứng đắc Niết Bàn trong kiếp nầy. Nếu cô ấy đi luôn không ngừng lại thì sẽ chết như một người thường. Vì lẽ ấy Ngài muốn tế độ cô trước khi cô lìa đời.

Ðức Phật, lúc ấy ngồi im lặng giữa đám đông thiện tín hội họp quanh Ngài, chờ cô gái vừa đảnh lễ xong, liền hỏi:

Nầy con, từ đâu con đến đây?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, con không biết.

Rồi con sẽ đi đâu?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, con không biết.

Con không biết sao?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, dạ con biết.

Phải con biết không?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, con không biết.

Như vậy, Ðức Phật hỏi cô gái bốn câu. Dân chúng nghe cô trả lời với Ðức Phật như vậy thì lấy làm bất mãn. Họ nói với nhau, coi kìa, với bậc Toàn Giác mà con gái người thợ dệt dám nói như cô ấy đùa giởn vậy.

Ðức Phật bảo đám đông giữ im lặng, và hỏi tiếp cô gái,

"Nầy con, khi Như Lai hỏi con từ đâu đến, tại sao con trả lời là không biết?"

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, Chính Ngài cũng đã biết là con đi từ nhà cha con là người thợ dệt mà đến đây. Vậy khi Ngài hỏi từ đâu con đến đây thì con nghĩ là ý Ngài muốn hỏi, "Từ cảnh giới nào con tái sanh vào đây? và như vậy là con không biết." Ðức Phật nói, "Lành thay! Lành thay! Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.

Ðức Phật hỏi tiếp, "Khi Như Lai hỏi từ đây con sẽ đi dâu, tại sao con trả lời là không biết?

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, chính Ngài cũng biết là con sẽ đem suốt chỉ đựng trong rổ đến xưởng dệt cho cha con mà Ngài còn hỏi con sẽ đi đâu, thì con biết chắc là ý Ngài muốn hỏi, "Khi ra đi từ kiếp nầy, con sẽ tái sanh đi đâu, và như vậy thì con không biết." Ðức Phật nói, "Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai."

Ðức Thế Tôn khen cô gái lần thứ nhì. Rồi Ngài hỏi tiếp. Khi Như Lai hỏi, "Con không biết sao?" tại sao con trả lời "dạ con biết".

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, điều nầy con biết. Chắc chắn là con phải chết. Vì lẽ ấy con trả lời như vậy. Ðức Phật nói, "Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai."

Như vậy Ðức Thế Tôn ngợi khen cô gái lần thứ ba. Rồi Ngài hỏi tiếp, "Khi Như Lai hỏi con biết, phải vậy không? Tại sao con nói con không biết."

-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, con chỉ biết một điều là thế nào con cũng chết, nhưng con không biết chừng nào. Chết ban ngày hay ban đêm, vào buổi sáng hay lúc chiều, điều ấy con không biết, vì lẽ ấy con trả lời như vậy. Ðức Phật nói, "Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai."

Khi thời Pháp chấm dứt, cô gái con người thợ dệt chứng đắc Ðạo Quả Nhập Lưu.

Cô bưng cái rổ đựng suốt chỉ đến xưởng dệt của cha. Lúc ấy cha cô đang ngồi trên khung dệt mà ngủ. Cô không để ý rằng cha cô đang ngủ nên vói tay đưa rổ cho ông. Không may, cái rổ đụng vào đầu khung cửi và rơi xuống, gây một tiếng động lớn. Cha cô giựt mình thức dậy, tình cờ chụp cây cần ở đầu khung kéo mạnh xuống. Cái đầu khung quây vòng trúng ngay vào ngực cô gái. Tức thì cô chết, và tái sanh vào cảnh trời Ðâu Suất (Tusita).

Bài học của câu chuyện:

Từ đâu chúng ta đến đây? Nào ai biết. Từ đây chúng ta sẽ đi đâu? Nào biết. Chừng nào đi? Nào biết. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng chắc chắn ta phải ra đi.

Từ cành cây có nhiều trái rơi rụng, trái non có, trái lớn có, trái già có, trài chín mùa cũng có. Cùng một thế ấy, trong khu rừng của vòng luân hồi, từ cành cây đời sống chúng ta có thề rơi lìa bất luận lúc nào, kể từ khi được thọ thai đến tuổi sơ sinh, thiếu sinh, thiếu niên, tráng niên, hay lúc niên cao tuổi lớn.

Thớt voi trong câu chuyện tượng trưng cho Tử Thần, không ngừng đuổi theo ta, vì trong sự sống đã có mầm chết. Lời khuyên của Ngài Nārada Mahā Thera là:

"Ðời sống mặc dầu quý nhưng quả thật bấp bênh vô định. Cái chết trái lại, là điều không thể cưỡng, và nó sẽ đến, chắc như vậy. Vậy chúng ta hãy cố gắng sử dụng xứng đáng khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp sống nầy, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người sống quanh mình, mọi chúng sanh, những người bạn đồng hành của chúng ta trong đại trùng dương gọi là đời sống của muôn loài vạn vật."

Trong câu chuyện, con rắn tượng trưng cho sự già nua. Có sanh, có trưởng thành, tất có già. Trạng thái già nua luôn luôn sẵn sàng chực hờ ta dưới một đáy giếng nào. Sợi dây lòng thòng trên miệng giếng là sự sanh mà ở đây phải hiểu đó là sự sống. Những gai nhọn trên sợi dây là tình trạng bệnh hoạn trong đời sống. Sanh, già, bệnh, chết, là những gì mà trong đời không ai có thể tránh khỏi. Trong bài pháp đầu tiên của Ðức Phật, được gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-cakkapavattana Sutta, chuyển động bánh xe Chân Lý, hay vận chuyển bánh xe Pháp Bảo) Ngài dạy:

"Nầy các Tỳ Khưu, đây là Chân Lý Thâm Diệu (Diệu Ðế) về sự khổ (dukkha ariya sacca, Khổ Thánh Ðế): Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ..."

Khi nói sanh là khổ không phải chúng ta chỉ nghĩ đến nỗi đớn đau nguy hiểm gây nên do cảnh mang nặng đẻ đau, mà sâu xa hơn, ta nên nhận thức rằng chính cái sanh là đầu dây mối nhợ, là khởi duyên tạo điều kiện cho tình trạng đau khổ bám vào, là chỗ nương tựa của đau khổ. Nếu không sanh tức không có sống, và không sống tức không có đau khổ. Vì lẽ ấy, mục tiêu cứu cánh của người Phật tử là thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, tức thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau.

Nhưng bản chất thiên nhiên của chúng sanh là cố bám vào sự sống, giống như anh chàng bị gai quàu trầy cả mình mẩy mà vẫn đeo chặt lấy sợi dây, vì ái dục là một năng lực vô cùng hùng mạnh, luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người. Chính ái dục -- thô kịch hay vi tế -- thúc giục ta đeo níu, cố bám vào sự sống và do đó, dắt dẫn ta mãi mãi phiêu bạt trong vòng luân hồi.

Cái già làm cho thân thể hao mòn tiều tụy, răng long tóc bạc, má cóp da nhăn, mắt mờ tai điếc, tinh thần suy kém, trí não lu mờ, quên trước lộn sau v.v... và do đó, có sự đau khổ -- vật chất và tinh thần. Trạng thái già nua đến với ta từng giây, từng phút, và thâu ngắn đời sống của chúng ta trong từng chặp tư tưởng.

Bệnh hoạn là tình trạng dĩ nhiên trong đời sống. Có sanh, có sống, là có bệnh -- những chứng bệnh của cơ thể vật chất và những chứng bệnh tinh thần. Tấm thân ô trược nầy là nơi nương tựa của bao nhiêu bệnh hoạn và tật nguyền. Chúng ta hãy lắng nghe lời Ðức Bổn Sư khuyên dạy cụ già Nakulapīta trong câu chuyện sau đây:

Hôm nọ có một cụ già tên Nakulapīta đến bạch với Ðức Phật, "Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, nay con đã già yếu nhiều, thân thể gầy còm, đi đứng lụm cụm, tuổi quá cao. Con đã đến mức tận cùng của đời sống, thường bệnh hoạn và luôn luôn ươn yếu. Cuối xin Ðức Thế Tôn mở lượng từ bi khuyên dạy, an ủi thế nào để con có thể an hưởng phước báu lâu dài.

-- Ðúng vậy, nầy ông thiện nam, quả thật thân thể của ông đã yếu đuối mỏi mòn. Tuy nhiên, nầy ông thiện nam, người nào mang thân nầy mà khoe khoan rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ trong chốc lát thôi, người đó cũng là điên rồ.

Như vậy, nầy ông thiện nam, ông hãy tu tập suy niệm như sau: "Dầu thân nầy có ươn yếu, ta sẽ không để cho tâm bệnh hoạn."

Cụ già Nakulapīta nghe được lời dạy của Ðức Phật thì lòng phấn khởi, hoan hỷ đảnh lễ Ngài, rồi ra đi. Và cụ đến bạch với Ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất), xin Ngài giải thích thêm thế nào là thân thể bệnh hoạn mà tâm cũng bệnh hoạn, và thế nào là thân bệnh mà tâm không bệnh."

Ðức Sāriputta dạy:

Nơi đây (trong trường hợp nầy), nầy ông thiện nam, người không phân biện rõ ràng Giáo Pháp, không tu tập theo lời dạy của Giáo Pháp, xem thân nầy là chính mình, thấy tự ngã nằm trong thân, thân trong tự ngã. Người ấy nói, "tôi là thân nầy", thân nầy là "của tôi", và ý tưởng ấy thâm nhiễm lâu ngày nhiều kiếp như vậy. Ðến khi thân thể biến đổi, tàn tạ, và ngày càng trở nên đồi tuỵ theo định luật vô thường, bất ổn định, dính liền với mọi sự vật trong mọi kiếp sinh tồn, thì cảm nghe buồn rầu, âu sầu, đau khổ. Người ấy ta thán, than van, tuyệt vọng.

Người ấy xem thọ, tưởng, hành, thức là tự ngã, xem chính mình nằm trong thọ, tưởng, hành, thức, hoặc xem thọ, tưởng, hành, thức nằm trong chính mình và nói chính ta là ngũ uẩn, ngũ uẩn là ta, cái nầy là thọ, tưởng, hành, thức "của ta", và cứ thế, ý niệm tự đồng hóa mình với ngũ uẩn thâm nhiễm người ấy. Do đó, khi thọ, tưởng, hành, thức biến đổi -- vì bản chất của nó là bất ổn định và luôn luôn biến đổi -- thì người ấy buồn rầu, ta thán, âu sầu, và tuyệt vọng. Ðó, nầy ông thiện nam, là thân bệnh hoạn mà tâm cũng bệnh hoạn.

Và bây giờ, thế nào là thân ươn yếu bệnh hoạn mà tâm cường tráng khỏe mạnh?

Người được giáo dục đầy đủ, tu tập thuần thục trong Giáo Pháp của bậc Thánh Nhân, người ấy xem thân nầy không phải là tự ngã, và tự ngã không nằm trong thân. Người ấy không nói, "Tôi là thân nầy, thân nầy của tôi", mà cũng không bị ý niệm ấy thâm nhiễm. Như vậy, khi thân biến đổi và tàn tạ, người ấy không âu sầu, không phiền muộn v.v...

Cùng một thế, người ấy không xem thọ, tưởng, hành, thức, là chính mình, cũng không xem tự ngã mình nằm trong bốn uẩn ấy. Người ấy không bị ý niệm kia thâm nhiễm và không nói, "thọ, tưởng, hành, thức là tôi, tôi là thọ, tưởng, hành, thức. Vì không thâm nhiễm những ý niệm sai lạc ấy, khi thọ, tưởng, hành, thức, biến đổi, người ấy không âu sầu, phiền muộn v.v... - (Viết theo Samyutta Nikāya, Tạp A Hàm, phần ba, chương XX11, bài 1)

Có những bệnh hoạn của cơ thể vật chất. Cũng có những bệnh tinh thần. Tánh hung bạo tàn ác, phóng đãng hư hèn, tham lam keo kiết v.v...là những chứng bệnh thuộc về tâm linh, cần phải được chữa trị, vì cả hai, bệnh của cơ thể vật chất hay bệnh tinh thần, đều là nguyên nhân đưa đến đau khổ.

Tử biệt là một nguyên nhân khác đưa đến đau khổ mà không ai có thể tránh.

Cứng rắn như sắt đá, to lớn như hành tinh, khôn ngoan như loài người, hung dữ như ác thú, tất cả đều phải hoại diệt. Già chết, trẻ chết, nam chết, nữ chết, giàu sang chết, quyền quý chết, bần hàn chết ... cái chết không dành riêng cho một hạng người nào.

Và dưới đây là lời Ðức Bổn Sư khuyên dạy Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) xứ Kosala:

"Cũng dường như những ngọn núi khổng lồ
Cao vót lên tận trời,
Vồn vập tiến đến, cà nát nghiền ngấu
Tất cả đồng bằng ở bốn hướng
Ðông, Tây, Nam, Bắc, cùng thế ấy,
Tuổi già và sự chết lăn xả tràn ngập tất cả.
Người dòng quý tộc và bà la môn,
Người thường dân, hạng cùng đinh,
Không có ai chạy thoát,
Không ai có thể lẫn trốn hay tránh né
Triển vọng đen tối -- già và chết -
Bao trùm mọi người, và tất cả mọi người.
Nơi đây (trong trường hợp nầy)
Không có chiến tượng, chiến mã,
Chiến xa, hay chiến binh,
Cũng không có bùa phép hay thần chú
Không có kho tàng châu báu nào
Có thể ngăn chống,
Do đó, người có trí để suy tư,
Người thông minh sáng suốt,
Người có tâm lực hùng mạnh
Hãy đặt niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng,
Hành động chân chánh bằng thân, khẩu, ý.
Người ấy, nơi đây được ngợi khen
Và trong kiếp sống vị lai, được hạnh phúc.
-- (Samyutta Nikāya, Tạp A Hàm, chương 3, phần ba, bài số 5)

Ngoài ra còn bao nhiêu phiền phức và đau khổ khác -- được tượng trưng bằng bầy ong -- không ngớt ve vản để phá vỡ tình trạng an lạc của chúng ta.

Phải sống chung với những người, những vật, hay trong những hoàn cảnh mà mình không thích là khổ. Chung sống với người điên, với kẻ sát nhân, với một tên lưu manh trộm cắp tàn bạo, sống với người lang chạ buông lung, người giả dối, người có tánh đâm thọc, người thô lỗ cộc cằn, người say sưa, hư hèn mất nết v.v... đều là khổ.

Phải xa lìa người thân kẻ yêu là một nguyên nhân khác sanh đau khổ. Con xa cha mẹ, cha mẹ xa con, chồng lìa vợ, vợ lìa chồng, bạn bè xa cách, quyến thuộc chia lìa ... đều làm cho ta đau khổ. Nhưng có hợp là có tan. Ðó là lẽ tự nhiên. Cảnh sum hợp trên thế gian là tạm bợ. Và đời sống của chúng ta, gặp gỡ nhau trên thế gian, cũng chỉ là tạm thời. Chúng ta đến đây một mình. Rồi cũng một thân một mình, chúng ta ra đi. Tất cả những mối liên hệ trong gia đình, trong xã hội, như cha mẹ, anh em, chồng vợ, bạn bè, quyến thuộc v.v... tất cả đều chỉ nhất thời.

Ðiều mong muốn mà không thành tựu cũng làm cho ta đau khổ. Trái lại, những cảnh ngộ nghịch lỏng hay điều chúng ta ít mong muốn nhất lắm khi đến với ta một cách đột ngột.

Những trường hợp nghịch cảnh tương tợ trở thành không thể chịu đựng, và đau khổ đến đỗi vài người yếu tánh và kém hiểu biết phải nghĩ đến tự quyên sinh, tưởng chừng như chết là giải quyết mọi vấn đề đau khổ.

Những hoàn cảnh được trình bày ở phần trên là chông gai, đá nhọn, và hiểm họa trong khu rừng đời sống. Ðó là phần đen tối của kiếp sinh tồn. Tuy nhiên, trong đời không phải chỉ có khổ đau. Thỉnh thoảng ta cũng gặp những hoa thơm cỏ lạ, hay vài giọt mật ngọt ngào. Thú vui được có tài sản sự nghiệp, thú vui được lợi lộc, thú vui được danh thơm tiếng tốt, được vinh quang phú quý, thú vui gia đình, thú vui với thân bằng quyến thuộc v.v... thật là dễ chịu, thích thú.

Chính những giọt mật hiếm hoi, hay những loại kỳ hoa dị thảo ấy làm cho ta say đắm, quên hẳn thực tại hiểm nguy sầu khổ mà ta đang ở trong đó.

Chắc chắn là có hạnh phúc cấp thời trong khi ta mơ ước, lúc ta thọ hưởng, và khi ta hồi nhớ những lạc thú ấy. Tuy nhiên, trong một thế gian huyền ảo, tạm bợ, và luôn luôn biến đổi, không thể có hạnh phúc thật sự trường tồn vĩnh cửu.

Hai con chuột, một trắng một đen, tượng trưng ngày và đêm, không ngừng gặm nhấm sợi dây đời sống. Mỗi ngày qua đưa ta đến gần cái chết một ngày. Mỗi đêm qua đưa ta đến gần cái chết một đêm. Ngày qua, rồi đêm qua. Ðêm ngày, ngày đêm, liên tục nối tiếp trôi qua, và trong từng giờ, từng phút, từng giây, từng khoảnh khắc của thời gian ấy chính ta và những sự vật quanh ta đều phải biến đổi, trở thành một cái gì mới, và tiến dần đến hoại diệt.

Ðó là bối cảnh của cuộc sống mà chúng ta đang sống. Trong tình cảnh hết sức nghặt nghèo như vậy, có một vị hiền nhân từ bi vô lượng xuất hiện, sẵn sàng chỉ đường dẫn lối cho ta thoát ra khỏi khu rừng mênh mông đầy hiểm họa ấy.

Vị hiền nhân tượng trưng Ðức Phật. Xuyên qua lịch sử, chúng ta được biết rằng khi sanh ra, Ðức Phật là một người như tất cả mọi người. Ngài sống như một người, và từ giả cuộc đời như một người. Tuy là một người, nhưng Ngài là một nhân vật phi thường, một bậc siêu nhân.

Ngài được tôn là bậc Ứng Cúng (Araham, phiên âm là A La Hán, có nghĩa là xứng đáng được lễ bái cúng dường) vì:

* Ngài có phẩm hạnh hoàn toàn trong sạch, đã tận diệt mọi ô nhiễm, đã xa lìa mọi bợn nhơ ngủ ngầm trong tâm từ vô lượng kiếp.

* Ngài đã phá tan và thoát ra khỏi vòng luân hồi, chấm dứt chuỗi dài sống-chết, chết-sống triền miên.

* Ngài là bậc chí tôn chí thánh, xứng đáng cho chư Thiên và nhân loại lễ bái cúng dường, là phúc điền vô thượng, là thửa ruộng đệ nhất phì nhiêu trong thiên hạ để chúng sanh gieo trồng phước báu.

Ngài là Ðấng Chánh Biến Tri (Sammā-Sambuddha, phiên âm là Tam Miệu Tam Bồ Ðề) bậc Toàn Giác, thông suốt các pháp một cách chân chánh, và tự mình chứng ngộ, không thầy chỉ dạy.

Không phải như chư vị Ðộc Giác Phật (Pacceka Buddha, phiên âm là Bích Chi Phật), đơn độc giác ngộ, và chỉ nêu gương đức hạnh và trí dũng mà không thể dẫn dắt người khác, Ðức Phật Thích Ca là vị Chánh Biến Tri, đã tự giác, rồi có khả năng truyền bá phổ cập Giáo Pháp, hướng dẫn chư Thiên và nhân loại đến nơi hoàn toàn trong sạch, trí tuệ tuyệt hảo, và thoát ra khỏi vòng sanh-tử, tử-sanh.

Một hồng danh khác của Ðức Phật là Vô Thượng Ðiều Ngự Trượng Phu (Anuttaro Purisadammasārathi). Anuttaro, phiên âm là A nậu đà la, có nghĩa là không ai sánh bằng, vô song, vô thượng. Purisadammasārathi, là vị hướng đạo của những người cần được huấn luyện. Có nơi chia hồng danh nầy ra làm hai: Anuttaro, Vô Thượng Sĩ, và Purisadammasārathi, Ðiều Ngự Trượng Phu. Dầu phân làm hai hay gom làm một, chỉ khác nhau ở hình thức, nội dung vẫn như nhau.

Tôn Ngài là Vô Thượng vì trong toàn thể tam giới (dục, sắc, và vô sắc giới) Ngài có nhiều đức tánh cao thượng về giới hạnh, về pháp hành thiền, về trí tuệ, về giải thoát, và về tri kiến giải thoát hơn tất cả, không ai hơn hoặc bằng Ngài.

Tôn Ngài là Ðiều Ngự Trượng Phu vì Ngài rèn luyện, un đúc, khép vào khuôn khổ kỷ luật, những chúng sanh cần được huấn luyện, và đưa những chúng sanh ấy đến trạng thái giới đức trong sạch, trí tuệ tuyệt hảo. Như người trưởng toán của một đoàn xe biết điều động khôn khéo, đưa tất cả về đến nơi đến chốn an toàn, xuyên qua những khu rừng hiểm nguy, không có xóm làng, không vật thực, không nước uống, có nhiều giặc cướp, thú dữ và ma quái. Vị ấy đưa thẳng qua, qua trọn vẹn, đầy đủ và thích nghi, đến vùng đất an lành. Cùng thế ấy, Ðức Thế Tôn là người lãnh đạo trí tuệ, điều động đoàn chúng sanh xuyên qua khu rừng sanh-tử, tử-sanh vô cùng hiểm nguy và đầy hoạn nạn.

Ðó là một vài đức tánh của vị hiền nhân giàu lòng từ ái trong câu chuyện.

Giữa khu rừng rậm mênh mông của những kiếp sinh tồn trong vòng luân hồi, giữa cảnh đôn đáo chạy tới chạy lui của chúng sanh để tìm con đường thoát ra khỏi những hiểm họa rùng rợn, Ðức Phật đã gia công hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn kiếp sống, để vạch ra con đường và trong kiếp sống cuối cùng, khi đã đến mức cùng tột của Con Ðường, Ngài không quản ngại công lao, suốt bốn mươi lăm năm trường, hoằng pháp độ sinh.

* * *

Ta lại tự hỏi, "Nay Ðức Phật đã nhập diệt, ắt chúng ta không còn duyên lành được chỉ dạy. Trong bài kinh Ðại Niết Bàn (Mahāparinibbāna Sutta) của bộ Trường A Hàm (Dīgha Nikāya) Ðức Phật dạy Ðức Ānanda:

"Nầy Ānanda, có thể con nói rằng Giáo Huấn Tối Cao không còn Thầy giảng dạy, chúng con không còn Ðạo Sư. Không nên, Ānanda, con không nên suy tư như thế. Giáo Pháp và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy và quảng bá rộng rãi. Nầy Ānanda, khi Như Lai nhập diệt rồi thì Giáo Pháp và Giới Luật ấy sẽ là Thầy của chúng con."

Lời dạy rất rõ ràng minh bạch: Khi Ðức Phật tịch diệt rồi hàng Phật tử -- xuất gia và tại gia cư sĩ -- hãy xem Giáo Pháp và Giới Luật là Thầy.

Ðức Bổn Sư là người khám phá ra và chỉ vạch Con Ðường. Giáo Pháp, những lời dạy của Ngài là Con Ðường. Chư Tăng là những vị đã noi theo bước chân của Ðức Bổn Sư và sẵn sàng dẫn dắt những ai vui lòng đi theo.

Trong câu chuyện kể trên, anh chàng đang lạc lối giữa rừng lễ độ khước từ, để trọn vẹn thọ hưởng hương vị ngọt ngào của giọt mật.

Còn ta thì sao?

-ooOoo-

[06]

VẬT CHẤT HAY TINH THẦN?

Bài viết đăng trong Bản Tin Cổ Lâm, số 13, tháng 12, năm 1985

Phần lớn các dân tộc Phương Ðông chú trọng về đời sống tinh thần hơn là vật chất. Người Tây Phương có phần thiên về vật chất hơn tinh thần.

Người Việt chúng ta từ ngàn xưa, vẫn đặt trọng tâm vào giá trị tinh thần, mặc dầu phải trải qua cả một thế kỷ chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây Phương. Thế rồi, vì hoàn cảnh đất nước, một số chúng ta đành phải chịu gởi thân nơi đất khách quê người, và hội nhập vào một xã hội mà đời sống vật chất được xem là đứng hàng đầu trên thế giới. Do sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, đôi khi chúng ta ngỡ ngàng, không biết chọn đường lối nào cho thích hợp.

Bài nầy nhằm trình bày quan điểm của Phật Giáo về kiếp nhân sinh, và tìm một đường hướng cho cuộc sống.

*

Có người kia, hôm nọ đi lỡ đàng mà túi rỗng không, đành ghé lại nằm dưới một cội cây để nghỉ qua đêm. Trời càng khuya càng lạnh. Bụng thì nghe đói, trên đầu muỗi mồng ve vãn, dưới lưng mặt đất ghồ ghề, thỉnh thoảng kiến, mối bò rạo rạc. Mặc dầu đã quá mệt mỏi và buồn ngủ, anh chàng không thể nào ngon giấc.

Người nọ, giàu có sang trọng, nhà cao cửa rộng, giường ấm nệm êm, phòng trang bị máy điều hòa không khí và đầy đủ mọi tiện nghi tân tiến. Nhưng chiều hôm ấy anh nhận được tin buồn. Mẹ anh ở phương xa vừa thất lộc. Trong tình trạng không thể về lo việc nhà, lòng nhớ mẹ nay đã ra người thiên cổ, thương cha già quạnh quẽ hẩm hiu mà phải đảm đang mọi việc, nghĩ lại hoàn cảnh mình không thể làm gì để giúp đỡ cha mẹ, anh buồn rầu, thao thức suốt đêm.

Hai trường hợp. Một đàng thiếu vật chất. Ðàng khác thiếu tinh thần. Cả hai đều cảm nghe đau khổ, phiền não, kém thoải mái, bất toại nguyện, bất ổn định, bất an toàn.

Con người gồm hai thành phần, vật chất và tinh thần, nhà Phật gọi là "sắc" và "danh", hay nói cách khác, phần cơ thể vật chất và phần tâm linh. Hai phần nầy liên quan với nhau rất mật thiết và cần phải được gìn giữ điều hòa. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, khi vật chất bị đau đớn thì tinh thần nghe phiền muộn. Khi tinh thần bị đau khổ thì vật chất mất thoải mái. Trái lại, khi cơ thể vật chất có đầy đủ tiện nghi thì tâm thần thoải mái dễ chịu, và khi tâm được an vui hạnh phúc thân cũng cảm nghe khoan khoái, Vì lẽ ấy cả hai phần đều quan trọng và ta không thể chỉ chú trọng vào riêng một phần nào mà quên lãng phần kia.

Vài người cố tình không nhìn xa hơn kiếp sống. Ðối với họ, mỗi người chỉ sống một kiếp, và tất cả mọi năng lực -- tinh thần cũng như vật chất -- đều chấm dứt khi đời sống nầy chấm dứt. Trước khi được sanh ra là hư vô, không có gì, và chết là hết. Sau khi chết con người bỏ lại tất cả mọi năng lực phát nguyên trong đời sống và trở thành hư vô, hoàn toàn tiêu diệt, và bất luận hành động nào cũng không đem lại hậu quả gì. Không nhân, không quả, không nghiệp báo, không tái sanh.

Vì quan niệm như vậy về kiếp nhân sinh, lý tưởng của họ là cứ ăn, uống, và tận hưởng mọi lạc thú trên đời, vì cái chết sẽ đến với tất cả mọi người. Họ thấy không cần phải kiểm soát khát vọng, không cần phải chế ngự thú tánh, không ích lợi gì phải thu thúc lục căn, vì hưởng thụ dục lạc hầu như là phần di sản thiên nhiên của con người. Họ chủ trương rằng chỉ có khoái lạc vật chất là thực tiễn. Ðời sống đạo đức thanh cao chẳng qua là một thác loạn tinh thần, một ảo tưởng. Họ ngờ vực tất cả những gì tốt đẹp, cao cả, trong sạch, và bi mẫn, cho đó là vô ích.

Ðó là những người chạy theo đời sống vật chất mà không quan tâm đến giá trị tinh thần.

Cũng có những người chỉ chú trọng vào đời sống tinh thần mà không màng để ý đến phần vật chất, chỉ lo trau giồi đức hạnh mà không chút lưu tâm đến việc chăm sóc thân. Họ chủ trương rằng chỉ lối sống khắc khe khổ hạnh mới có thể đưa con người đến mục tiêu giải thoát. Càng ép xác, càng hành hạ thân thể, thì càng dễ dàng phát triển cao đẹp tâm tánh, vì họ quan niệm rằng nhục dục ngũ trần làm cho con người trở nên ô nhiễm, và chỉ có lối sống khắc kỷ thuần túy đạo đức, mới có thể gội rửa mọi bợn nhơ tinh thần và làm cho tâm trí trở nên thanh tịnh.

Hai hạng người. Hai quan niệm về kiếp nhân sinh. Hai lối sống.

Chính Ðức Phật xưa kia đã trải qua cả hai lối sống ấy đến mức độ cùng tột và kinh nghiệm rằng cả hai đều không đem lại lợi ích nào.

Là một hoàng tử của một quốc gia cường thạnh, Ngài đã trải qua cuộc đời cùng xa cực xỉ trên nhung lụa của cung vàng điện ngọc. Ðến khi ra đi sống đời tu sĩ, trong cuộc chiến đấu phi thường để thành đạt Ðạo Quả kéo dài sáu năm trường, Ngài tự khép mình vào nếp sống cực kỳ kham khổ. Ðến một ngày kia, thân hình tráng kiện của Ngài thuở xưa chỉ còn da bộc xương.

Ngài mô tả lối sống lợi dưỡng (kāma-sukh'allika anuyoga, sự liên tục luyến ái theo nhục dục ngũ trần) là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân và vô bổ, và lối tu khổ hạnh (atta-kilamatha anuyoga, hạnh kiên trì chuyên cần trong lối tu khổ hạnh) là phương pháp đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bậc Thánh Nhân và vô bổ. Hai lối sống, một làm trở ngại tiến bộ tinh thần đạo đức, và một làm suy nhược thân thể và do đó giảm mất khả năng trí thức.

Ngày kia có người từ làng xa trở về hầu Phật. Vì rất nóng lòng muốn nghe Giáo Pháp nên chưa kịp ăn uống, ông vội vã đến chờ nghe Ðức Phật thuyết giảng. Trước khi bắt đầu thời Pháp, Ðức Thế Tôn bảo đưa ông ấy vào trai đường, dọn cho ông ăn uống đầy đủ rồi sẽ ra nghe giảng bởi vì, Ngài dạy, người bụng đói không thể lãnh hội đầy đủ Giáo Pháp.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của hai thành phần -- tinh thần và vật chất -- trong con người, phải được nhận định đúng mức, và phải được giữ thăng bằng. Phần tâm linh ví như chiếc thuyền, phần vật chất như nước. Thuyền phải nhờ nước nâng đỡ, và nếu không có nước thuyền sẽ trở thành vô dụng. Cùng thế ấy, phần tâm linh phải nương tựa nơi cơ thể vật chất, như thuyền phải nhờ nước nâng đỡ. Nhưng nếu để nước tràn ngập vào thuyền thì thuyền sẽ chìm đắm giữa dòng. Nước phải ở ngoài thì thuyền mới hữu dụng. Cùng thế ấy, chúng ta cần phải dưỡng nuôi thân thể để được khoẻ mạnh, và nhờ thân hình khoẻ mạnh, tâm trí mới nương vào đó để phát triển. Nhưng không nên để cho đời sống vật chất lấn áp, tràn ngập vào đời sống tinh thần.

Không nên lầm lẫn hiểu rằng Ðức Phật muốn cho tất cả hàng tín đồ phải từ bỏ mọi lạc thú trần gian và rút vào rừng sâu vắng vẻ mà không thọ hưởng đời sống. Ngài chỉ nhắc nhở rằng thú vui vật chất quả thật là ngắn ngủi và tạm bợ, chớ nên để mình đắm chìm trong dục lạc.

Trong sách Milinda Pañha, Milinda Vấn Ðạo, có đoạn như sau:

"Vua Milinda hỏi Ðại Ðức Nagasena:

-- Kính Bạch Ðại Ðức, đối với bậc xuất gia, cơ thể vật chất nầy có được quý chuộng không?

-- Tâu Ðại Vương, thân nầy không được người tu hành quý chuộng.

-- Như vậy, Bạch Ðại Ðức, tại sao các Ngài còn dưỡng nuôi chăm sóc nó?

-- Tâu Ðại Vương, khi lâm trận, thỉnh thoảng Ngài hay các binh sĩ Ngài có từng bị thương không?

-- Bạch Ngài, có.

-- Tâu Ðại Vương, lúc bị thương như vậy, Ngài có chăm sóc, xức thuốc, thoa dầu, rồi dùng vải mịn băng bó vết thương lại không?

-- Ðúng vậy, khi bị thương thì chúng tôi làm như vậy.

-- Như thế, Tâu Ðại Vương, cái vết thương ấy có được Ngài hay binh sĩ Ngài quý chuộng không, khi quý vị chăm sóc, xức thuốc, thoa dầu và dùng vải mịn băng bó nó lại?

-- Kính Bạch Ðại Ðức, chúng tôi không quý chuộng vết thương ấy. Sở dĩ chúng tôi chăm sóc, xức thuốc, thoa dầu, và dùng vải mịn băng bó nó lại là để cho da thịt sớm mọc lên và làm lành vết thương.

-- Cùng thế ấy, Tâu Ðại Vương, hàng xuất gia chúng tôi cũng không quý chuộng tấm thân nầy. Tuy nhiên, mặc dầu không luyến ái, bám níu, và tâng tiu quý trọng thân, chúng tôi vẫn chăm sóc, nuôi dưỡng nó, và nương nhờ nơi nó để trau giồi nếp sống thanh cao đạo hạnh.

Lại nữa, Tâu Ðại Vương, Ðức Thế Tôn hằng so sánh thân nầy như cái ung nhọt. Vì lẽ ấy, người đã xuất gia để thực hành Giáo Pháp mà Ngài truyền dạy không còn bám níu, luyến ái, thân nầy.

Và sau đây, Tâu Ðại Vương, chính là lời dạy của Ðức Bổn Sư:

"Cơ thể của chúng sanh -- được một lớp da mềm mại bao bọc -- có chín cái cửa gọi là cửu khiếu (tức hai mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, miệng, và hai đường, đại và tiểu tiện) một ung nhọt to lớn từ trong đó tiết ra đủ mùi hôi thúi, đủ thứ nhơ bẩn."

Kinh Pháp Cú có những câu:

"Hãy nhìn cái thân đẹp đẽ nầy, một khối đau đớn, một đống bệnh tật, được người ta bận tâm đến nhiều, nhưng không chứa đựng gì bền vững, không có gì tồn tại lâu dài." (Câu 147)

"Những que xương trắng bạc, giống như trái mướp nhăn da khô héo mà người ta vứt đi thì có gì thích thú mà nhìn nó." (Câu 149)

Vào thời Ðức Phật có một bà ni-cô rất đẹp tên Rupānandā, và rất hãnh diện với sắc đẹp của bà. Ni-cô không thích đến nghe Ðức Phật thuyết giảng Giáo Pháp vì Ngài luôn luôn nhắc nhở đến tánh cách vô thường của vạn pháp mà không hề tán dương sắc đẹp của hình thể vật chất.

Ngày nọ duyên lành đưa đẩy bà vào giảng đường, nhưng lòng vẫn bảo lòng hãy lẫn lộn trong đám đông ni chúng, không để cho Ðức Phật trông thấy. Ðức Phật biết như vậy. Vì lợi ích của bà tỳ-khưu-ni, Ngài tạo ra hình ảnh một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, đứng sau lưng Ngài, cầm quạt quạt, và chỉ có Ni-cô Rupānandā nhìn thấy. Bà mãi mê nhìn, say đắm vẻ đẹp của thiếu nữ, và hết lòng ước muốn cũng được như vậy.

Khi ấy Ðức Phật làm cho bà thấy cô gái xinh đẹp kia trưởng thành dần dần đến cỡ trung niên, rồi già cỗi. Bà Rupānandā theo dõi từng giai đoạn của tiến trình biến đổi, thấy hết vẻ đẹp nầy đến vẻ đẹp khác của thiếu nữ nối tiếp nhau tàn tạ. Bây giờ thiếu nữ xinh đẹp bao nhiêu lúc nãy chỉ còn là một bà lão lụm cụm, tóc bạc, răng long, xương nhô, gầy yếu, lưng còm gối mỏi, tay chân rung rẩy lập cập. Rồi Ðức Phật cho bà thấy lão bà bị một cơn bệnh đau siết, rên la thảm thiết và té ngã lăn xuống đất. Rồi bà lão chết. Rồi thi thể sình lên. Rồi nước vàng từ cửu khiếu tuông chảy ra. Rồi giòi tửa trào ra, loi nhoi, lóc nhóc v.v...

Trước cảnh tượng ghê tởm ấy, Chân Lý bừng sáng đến Ni-cô. Sự biến đổi -- phản ảnh cảnh tàn phá của tuổi già và cái chết trên cơ thể vô cùng đẹp đẽ thời nào -- làm cho Ni-cô Rupānandā suy gẫm, "Chính tại nơi đây thiếu nữ trẻ đẹp kia đã nhanh chóng đi vào trạng thái già nua, bệnh hoạn, và hoại diệt. Cùng thế ấy, thân hình mỹ miều của ta sẽ không thể tránh khỏi con đường đau khổ đáng chán, đáng ghê sợ ấy."

Do sự quán xét sáng suốt về tánh cách vô thường của cơ thể vật chất, ni-cô nhận thức rằng "sắc" nầy chỉ đem lại đau khổ. Lúc ấy Ðức Thế Tôn biết tâm bà đã sẵn sàng để lãnh hội Giáo Pháp nên Ngài mở lời khuyên dạy:

"Thành trì nầy được dựng lên bằng xương, có thịt và máu đắp lên và có da bọc bên ngoài, chỉ là một nơi tích trữ bệnh tật và chết chóc ..."

Ðúng theo tinh thần Phật Giáo chúng ta không nên hủy hoại hay bỏ liều thân thể, vì ta cần phải dùng nó làm phương tiện để phát huy tâm trí. Nhưng cũng không nên để tâm phải làm nô lệ cho cơ thể vật chất.

Cơ thể chúng ta có những thích thú, đòi hỏi chúng ta thỏa mãn. Mắt muốn thấy hình sắc đẹp. Tai muốn nghe âm thanh êm dịu. Mũi muốn hửi mùi thơm. Lưỡi muốn nếm món ngon vật lạ. Thân muốn có cảm giác dịu dàng. Từ lâu rồi giác quan ta đòi hỏi được thỏa mãn. Ðã lâu rồi giác quan ta được phụng sự đầy đủ, và sẽ còn được phụng sự cho đến khi ta thức tỉnh. Cái gì phụng sự giác quan? -- Chính cái tâm phải phục vụ giác quan như người nô lệ phục vụ cùng một lúc năm vị hoàng đế khó tánh, thay vì đáng lý ra tâm phải là vị hoàng đế, và năm giác quan phải phục vụ tâm như năm vị đại thần.

Trong sự thỏa mãn nhục dục chắc chắn là có hạnh phúc nhất thời khi mong chờ, khi thọ hưởng, và khi hồi nhớ lại thú vui. Tuy nhiên, cái thú vui ấy quả thật là tạm bợ và ảo huyền, không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn.

Trong bài kinh số 54 của bộ Majjhima Nikāya, Trung A Hàm, tựa đề Potaliya Sutta, Ðức Phật dạy ông Potaliya rằng khoái lạc vật chất mà phần đông người thế gian ham muốn chỉ giống như:

* Khúc xương không còn dính chút thịt mà người đồ tể vứt cho con chó đói. Chó tuy có gậm xương nhưng đói vẫn còn đói. Cùng thế ấy, chúng sanh đeo níu theo nhục dục ngũ trần nhưng không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn.

* Một miếng thịt mà những loài chim như kên kên, quạ, ó, cắn đá nhau để tranh giành miếng ăn. Nếu có một con gặm được và giành lấy một mình thì những con kia bu lại vừa mổ, vừa đá, không chết thì cũng sứt lông trầy vảy. Lòng tham dục cũng đưa chúng sanh vào những cuộc tranh chấp huynh đệ tương tàn như vậy, thật vô cùng nguy hiểm.

* Một cây đuốc cháy để phía trên gió. Nếu không thận trọng chạy tránh thì ắt bị tàn đuốc bay đến làm phỏng da. Cũng dường thế ấy, tham dục đốt cháy những ai kém thận trọng không chịu suy gẫm, cứ nhắm mắt lao mình đắm chìm trong dục lạc, tưởng chừng rằng nó sẽ đem lại hạnh phúc mong mỏi.

* Một hầm lửa đỏ. Chúng sanh tham dục như người kia bị một đám người khác kéo lôi đến hầm lửa. Nếu không mau chân chạy thoát đám người hung tợn nọ thì ắt bị xô đẩy vào lửa. Tham dục không khác nào một biển lửa khổng lồ (mahābhitaba) và nạn nhân là những ai bị lục trần lôi cuốn. Thí dụ nầy hàm ý rằng tham dục lôi cuốn chúng sanh vào bốn đường ác đạo.

* Một giấc mộng đẹp. Nằm mơ thấy phong cảnh đẹp đẽ hữu tình, lòng nghe nhẹ nhàng khoan khoái. Nhưng khi tỉnh giấc thì cảnh đẹp tan biến đâu mất. Cùng một thế ấy, tham dục là một ảo kiến ngắn ngủi không khác nào giấc mộng. Khi tỉnh giấc trở về với thực tế, với những lo âu phiền muộn thường ngày, nạn nhân lấy làm thất vọng và đau khổ.

* Một món đồ vay mượn mà người cuồng si lấy làm hãnh diện khoe khoang với hàng xóm láng giềng. Khi món đồ bị đòi lại thì người hàng xóm chỉ coi anh là người nói khoác. Tham dục là lòng ham muốn những thú vui tạm bợ ảo huyền.

Tại sao những khoái lạc vật chất chỉ là những thú vui nhất thời và không có thực chất?

-- Vì những điều kiện tạo nên các thú vui ấy luôn luôn biến đổi. Những yếu tố "nguyên nhân" đã không bền vững thì làm sao cái hạnh phúc "hậu quả" do nó tạo nên, có thể tồn tại vững bền. Tuổi trẻ tạo điều kiện cho ta được hạnh phúc. Sức khỏe, cảnh sum hợp v.v... tạo điều kiện cho ta được hạnh phúc. Nhưng có ai sống mãi mãi xuân xanh, sum hợp, và không bệnh hoạn?

Thú vui được có tài sản sự nghiệp, thú vui được lợi lộc quyền thế, thú vui được danh thơm tiếng tốt, được vinh quang phú quý, thú vui gia đình, thú vui với thân bằng quyến thuộc v.v... thật là thích thú, dễ chịu. Nhưng tất cả đều chuyển biến. Và cuối cùng, cái chết phải đến, sẽ chia rẽ tất cả. Ðặc tánh biến đổi luôn luôn tiềm tàng dính liền với mọi sự vật trên thế gian. Chừng nào mà đặc tánh nầy còn tồn tại thì những lạc thú vật chất không thể ổn định, thường còn, vững bền, và châu toàn -- tức tạm bợ nhất thời.

Người tìm hạnh phúc trong nhục dục ngũ trần luôn luôn chạy theo chụp lấy cho kỳ được, lo sợ nó mất đi. Vua chúa lo sợ cho tình trạng an toàn của ngôi vị mình. Người tư bản lo sợ cho trạng thái an toàn của cơ nghiệp mình. Người làm công, lo sợ cho sự an toàn của công ăn việc làm của mình. Nhưng bản chất thiên nhiên của đời sống là không ngừng biến chuyển. Vì lẽ ấy, thú vui vật chất không thể vĩnh cửu châu toàn.

Chẳng những sự vật tạo thú vui phải biến đổi mà chính người thọ hưởng thú vui ấy cũng luôn luôn đổi thay. Như vậy, chúng ta đang mục kích cảnh tượng buồn cười, những chúng sanh luôn luôn biến đổi cố gắng rượt theo và bám lấy những vật cũng luôn luôn biến đổi -- hình ảnh một cái bóng chạy rượt theo và cố chụp bắt cho được một cái bóng khác -- trong lúc ấy ước mong rằng mình sẽ bắt được và nắm lấy một cái gì có thực chất, một cái gì thật sự có, một cái gì vĩnh cửu trường tồn.

Ðức Phật dạy:

"Khoái lạc vật chất thật vô số kể, vừa êm dịu, vừa ngọt ngào và quyến rũ. Dưới đủ hình thức, dục lạc làm cho lòng người say đắm, Hãy nhận chân hiểm họa của nó ..." (Kinh Khaggavisana Sutta, Tiểu A Hàm)

Quan niệm như vậy về kiếp nhân sinh có phải là bi quan không? Có thể gán cho Ðức Phật nhãn hiệu yểm thế không?

Phật Giáo không phải là một giáo lý bi quan. Phật Giáo cũng không lạc quan, mà chỉ trình bày một quan điểm thực tiễn về đời sống.

Trong một ngôi nhà đang bừng cháy, người lạc quan nghĩ rằng rồi đây lửa sẽ dịu dần và tắt hẳn, mọi việc sẽ được an bày tốt đẹp. Nghĩ như vậy người ấy vui vẻ ăn uống no say rồi yên giấc, vững bụng rằng ngày mai trời lại sáng, và đâu sẽ vào đó một cách an toàn, không có gì cần phải bận tâm suy nghĩ. Người bi quan trái lại, vừa thấy lửa phát cháy đã hoảng hốt lo sợ, rồi tuyệt vọng nghĩ rằng tất cả sắp thành tro bụi, mọi người sắp bị hỏa thiêu, đời sống trở nên đen tối, và đâm ra âu sầu ủ dột, chán nản và không làm gì tích cực để thoát nạn, cho đến khi ngọn lửa thật sự thiêu đốt tất cả. Cùng trong một cảnh ngộ, người thực tiễn nhận định rằng thật sự có hiểm nguy, và tận dụng khả năng và năng lực mình, cố gắng tìm đường thoát ra khỏi nơi đó. Ðó là thái độ của người Phật Tử hiểu biết. Giáo lý của Ðức Phật là một thông điệp phát huy niềm hân hoan và hy vọng chớ không phải một triết lý bi quan chủ bại.

Nếu nhận định rằng mọi thú vui trên đời đều huyền ảo tạm bợ rồi âu sầu, phiền muộn, ngày đêm chỉ biết van vái nguyện cầu mà không tự mình cố gắng làm điều chi tích cực để vượt đến hạnh phúc thật sự thì đó là bi quan. Trái lại, nếu lờ hẳn thực tế, cố thọ hưởng lạc thú càng nhiều càng tốt, giống như trên bãi biển em bé nọ lấy cát xây cất lầu đài và vui vẻ thành thật tin tưởng là thật sự như vậy, thì đó là lạc quan. Nơi đây, nhận định rằng thỏa mãn dục vọng do cơ thể đòi hỏi không thể đem lại hạnh phúc vững bền, người Phật tử không chạy theo nó nữa mà hướng về một lối thoát, cố gắng vận dụng mọi nỗ lực vật chất và tinh thần để đạt đến hạnh phúc thật sự và trường cửu. Ðó chỉ là lối sống thực tiễn.

Kiếp sống của chúng ta quả thật là ngắn ngủi. Phật Giáo dạy chúng ta hãy sử dụng xứng đáng khoảng thời gian ngắn ngủi của kiếp sống nầy, cố gắng trở thành nguồn hạnh phúc cho chính mình, cho quê hương mình và cho toàn thể nhân loại.

Ðược sanh ra trong kiếp sống làm người quả thật là một diễm phúc hy hữu.

Người Phật tử hằng được nhắc nhở nên tận dụng duyên may hiếm hoi nầy, luôn luôn gia công tự trau giồi để trưởng thành trong tinh thần phục vụ vị tha bất cầu lợi, để nghiêm trì giới đức, sống đời thanh cao đạo hạnh, để phát triển tâm trí, hướng về lối sống phạm hạnh của bậc thiện trí, và để sống như một chúng sanh thật sự văn minh, trong tình thương, trong không khí thanh bình, trong sự hòa hợp và điều hòa với phần còn lại của thế gian.

Câu châm ngôn của người Phật tử là:

"Tấm thân bằng thịt bằng xương mà chúng ta mang đây là để tạo an lành và phúc lợi cho người khác."

* * *

Như cái cây mang nặng trĩu bao nhiêu trái trên cành, như dòng sông tải phù sa, đem mầu mỡ đến các vùng đất xa lạ, như những giọt sửa từ vú bò chảy ra để dưỡng nuôi nhân loại, chúng ta hãy tích cực hoạt động để phục vụ, luôn luôn làm việc, không ngừng, không biết mệt, không chán. Không phải làm việc như người nô lệ, bị bắt buộc phải làm, mà làm như một chủ nhân, làm vì muốn làm, muốn đem lợi ích cho kẻ khác, làm một cách âm thầm lặng lẽ và bình thản.

Ai biết, ai không biết, điều ấy không quan trọng. Chẳng màng được khen, không sợ bị chê, chúng ta hãy thản nhiên "như sư tử, không run sợ trước tiếng động, như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới".

Hãy vui với ý nghĩ, "Ta đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ." Chúng ta không bao giờ lãng quên lý tưởng của đời sống: "Ði từ bóng tối vượt đến ánh sáng, từ mê lầm đến giác ngộ, từ vòng sanh tử luân hồi thoát đến trạng thái Vô Sanh Bất Diệt".

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 12-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 30-12-2004