BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Kinh Tì-kheo Na-tiên
Thiện Nhựt
A.- Bản Phỏng-dịch Quyển Hạ069.- Chẳng ai thắng nổi Đức Phật.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Phải chăng chẳng hề có người nào thắng nổi Đức Phật? - Dĩ nhiên, chẳng hề có ai thắng nổi Đức Phật cả. - Làm sao lại biết chẳng có ai thắng nổi Đức Phật? - Như người chưa hề ra đến biển đại-hải có biết được đại-hải là biển lớn minh-mông chăng? Có năm con sông-cái, được năm trăm ngọn sông nhỏ đổ về, cùng chảy ra đại-hải; đó là: thứ nhứt, sông Hằng; thứ hai, sông Tín-tha; thứ ba, sông Tư-tha; thứ tư, sông Tể-xoa; thứ năm, sông Thi-phi-di nhĩ. (Năm con sông-cái ở Ấn-độ là: Gange, Yamunà, Áciravati, Sarabhù, Mahi.) Năm con sông lớn đó ngày đêm chảy ra đại-hải, mà nước biển vẫn chẳng hề tăng, chẳng hề giảm. Đại-Vương có nghe nói đến chăng? - Có biết thật như vậy. - Người đã đắc-đạo và đạo-pháp cùng nói, chẳng hề có ai thắng nổi Đức Phật, cho nên tôi tin điều ấy. Vương khen: ''Lành thay!'' Vương lại hỏi Na-Tiên: - Lấy cái chi mà biết rằng chẳng hề có ai thắng nổi Đức Phật? Na-Tiên hỏi Vương: - Vị thầy trước-tác quyển sách nầy là ai vậy? - Vị ấy tên Chất. - Đại-Vương từng quen biết vị ấy chăng? - Chất chết đã lâu, nên chẳng từng trông thấy được. - Đại-Vương chưa từng thấy ông Chất, cớ sao lại biết ông ấy đã tạo nên quyển sách? - Nhờ đọc các sách xưa có truyền dạy lại mà Ta biết được tên ông là Chất. - Cũng vì lẽ đó mà sa-môn chúng tôi khi thấy được Kinh Phật và Giới-luật, thì cũng như thấy được Đức Phật, chẳng khác. Chánh-đạo và Kinh, Giới do Đức Phật thuyết-giảng ra vô-cùng thâm-diệu và sảng-khoái, được truyền dạy lại về sau; vì lẽ đó mà tôi biết rằng, chẳng hề có ai thắng nổi Đức Phật cả. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Tự mình thấy Kinh Phật truyền dạy, có thể thực-hành theo về lâu về dài chăng? - Lời Phật dạy trong Kinh-kệ và điều răn-cấm trong Giới-Luật thật là vô cùng sướng-khoái, cho nên phải phụng-hành cho đến lúc tuổi già. Vương khen: ''Lành thay!'' * 070.- Khi tái-sanh, con người thọ thân mới. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Con người chết đi, phải chăng thân nầy chẳng sanh trở lại ở đời sau? - Con người chết đi về sau được thọ thân mới, thân cũ chẳng cùng theo ở đời sau. Ví như nơi cây đèn, tim đèn cũ được tim đèn mới nối theo mà tiếp-tục cháy sáng. Thân người cũng lại như thế, thân cũ chẳng đi theo, mà được thọ thân mới. Na-Tiền liền hỏi Vương: - Đại-Vương lúc nhỏ có theo thầy học sách, đọc Kinh chăng? - Dĩ nhiên là có; Ta vẫn còn nhớ điều đó. - Đại-Vương được thầy truyền dạy hết cả Kinh sách, và vị thầy đã truyền dạy rồi, có còn nhớ biết lại các Kinh sách cũ đó chăng? - Nhớ chớ, vị thầy vẫn tiếp-tục nhớ biết các bản Kinh sách cũ. - Thân người cũng như thế đó, bỏ đi thân cũ liền thọ thân mới. Vương khen: ''Lành thay!'' * 071.- Thân mới mang theo nghiệp của thân cũ. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Xét cho kỹ, có trí hay chẳng có trí? - Trí chẳng có. Thí-dụ như có người trộm trái dưa, người ấy có tội chăng? - Có tội chớ! - Lúc trồng, dưa chẳng có trái; cớ gì nay lấy trộm trái dưa mà lại có tội? - Giá như chẳng trồng dưa, cớ gì lại có trái được; cho nên kẻ trộm chẳng thể nào bào-chữa được. - Con người cũng lại như vậy, vì đời nay làm điều thiện-ác, nên sanh ra ở đời sau liền thọ thân mới. - Con người vì thân cũ nầy làm hành-động thiện-ác, lại được thân mới, thì thiện-ác đi về đâu? - Các điều thiện-ác của một người đi theo người ấy như bóng theo thân-hình; người tuy chết, chỉ có thân mất, chớ các hành-động đã làm thì chẳng mất. Ví như ban đêm đốt đèn viết thơ, đèn tắt nhưng chữ vẫn còn đó; khi đèn sáng trở lại thì chữ hiện lên. Đời nầy, con người làm chỗ thiện-ác còn đó, thành đến đời sau thì phải thọ lấy như thế. Vương khen: ''Lành thay!'' * 072.- Chỗ đã làm thiện-ác trước, nay ở vào đâu?Vương lại hỏi Na-Tiên: - Chỗ đã làm thiện-ác nay có thể phân-biệt chỉ rõ chỗ ấy hiện ở đâu chăng? - Chẳng thể phân-biệt để chỉ rõ chỗ đã làm điều thiện-ác ở vào chỗ nào. Na-Tiên liền hỏi Vương: - Cây-cối còn chưa trỗ trái, có thể nào phân-biệt chỉ rõ nói nhánh nầy có hay chẳng có trái; biết trước như vậy được chăng? - Chẳng thể biết trước được. - Người chưa đắc-đạo chẳng thể biết trước thiện-ác ở vào đâu. Vương khen: ''Lành thay!'' * 073.- Người phải tái-sanh, tự biết điều đó.Vương lại hỏi: - Người phải sanh lại ở đời sau, tự mình có biết được điều đó chăng? - Người phải sanh lại ở đời sau thì tự biết. - Dùng cách nào để biết? - Ví như người làm ruộng trồng lúa, thấy nắng mưa thời-tiết điều-hoà, có thể dự biết trước sẽ được mùa chăng? - Dĩ nhiên, người ấy biết trước sẽ được nhiều thóc lúa. - Con người cũng thế, kẻ phải sanh lại ở đời sau cũng dự biết trước điều đó. Vương khen: ''Lành thay!'' * 074.- Có Niết-bàn ch ăng?Vương lại hỏi Na-Tiên: - Nghĩ cho kỹ, có Nê-Hoàn (= Niết-bàn) chăng? - Xét cho kỹ thì có Niết-bàn. - Na-Tiên có thể chỉ cho Ta thấy Đức Phật (nơi Niết-bàn) ở tại xứ-sở nào chăng? - Chẳng thể chỉ cho thấy Đức Phật ở tại xứ-sở nào được, Đức Phật đã nhập Bát-Niết-bàn (Pali: Parinibbàna) rồi, thì chẳng thể nào chỉ cho thấy ở xứ-sở được. Ví như có người đốt lửa to lên, rồi dập tắt, có thể nào chỉ rõ ánh lửa sáng hiện ở vào chỗ nào chăng? - Chẳng thể biết được. - Đức Phật đã nhập Bát-Niết-bàn, chẳng thể biết được xứ-sở. Vương khen: ''Lành thay!'' * 075.- Sa-môn giữ-gìn thân, chớ chẳng mến-thương thân. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Sa-môn có mến-thương thân-thể của mình chăng? - Sa-môn chẳng tự thương mến thân mình. - Sa-môn đã chẳng mến-thương thân mình, cớ sao khi nghỉ-ngơi lại muốn nằm nơi êm-ả, khi ăn-uống lại muốn vật ngon của đẹp, tự săn-sóc mình như thế? Na-Tiên hỏi lại Vương: - Đại-Vương có từng ra ngoài trận chiến-đấu chăng? - Dĩ nhiên, Ta đã từng ra trận chiến-đấu. - Tại trận chiến-đấu, Đại-Vương có từng bị đao, kiếm chém, hay tên bắn trúng chăng? - Ta nhiều lần bị trúng đao kiếm. - Khi bị đao, kiếm, tên, móc-câu gây ra thương-tích, Đại-Vương làm gì? - Ta dùng thuốc, dùng cao, dùng bông gòn băng-bó lại. - Đại-Vương vì mến-thương vết thương mà dùng thuốc, dùng cao và bông băng-bó vết thương chăng? - Ta đâu có mến-thương vết thương. - Chẳng mến-thương, sao lại dùng cao, dùng bông băng lại? - Ta chỉ mong muốn vết thương mau lành, chớ đâu có mến-thương nó. - Sa-môn cũng lại như vậy, chẳng mến-thương thân mình; tuy ăn-uống, tâm chẳng vui-khoái, chẳng muốn làm đẹp, chẳng muốn làm tốt, chẳng muốn da thịt sắc hồng-hào, mà chỉ muốn cho thân-thể khoẻ mạnh để có thể phụng-hành giới-luật, Kinh-kệ của Phật. Kinh Phật có giảng: ''Thân người có chín lỗ hổng, tựa như chín vết đâm của mâu-thương, từ nơi chín lỗ đó chảy ra chất dơ hôi-thúi.'' Vương khen: ''Lành thay!'' * 076.- Thân-tướng trang-nghiêm của Đức Phật.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Đức Phật thật có ba mươi hai tướng trang-nghiêm, tám mươi vẻ đẹp tùy-hình, thân màu vàng ròng tỏa ánh hào-quang chăng? - Đức Phật thật có ba mươi hai tướng trang-nghiêm, tám mươi vẻ đẹp tùy-hình, thân màu vàng ròng tỏa ánh hào-quang. - Cha mẹ của Đức Phật cũng có đủ các tướng đẹp đó chăng? - Cha mẹ của Đức Phật chẳng có các tướng đẹp đó. - Đời người sống chết hình-tướng đều giống theo chủng loại của mình. Cha mẹ của Đức Phật đã chẳng có ba mươi hai tướng trang-nghiêm, tám mươi vẻ đẹp tùy-hình, thân màu vàng ròng tỏa ánh hào-quang, xét kỹ Đức Phật nhứt-định chẳng có đủ các tướng ấy. Na-Tiên liền hỏi Vương: - Đại-Vương từng thấy hoa sen chớ? - Ta từng thấy. - Hoa sen sanh nơi bùn, lớn lên trong nước bùn, mà màu sắc đẹp-đẽ, huơng thơm ngào-ngạt, cũng lại giống hình-tướng với chủng-loại mình ư? - Chẳng giống với bùn đen, nước đục. - Tuy cha mẹ của Đức Phật chẳng có các tướng tốt, nhưng xét kỹ ra, Đức Phật lại có đủ các tướng đẹp. Đức Phật sanh ra ở thế-gian, lớn lên ở thế-gian, mà chẳng giống theo sự-đời ở thế-gian. Vương khen: ''Lành thay!'' * 077.- Đức Phật đâu phải là đệ-tử cuả Đại-Phạm-thiên.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Đức Phật, xét kỹ ra, phạm-hạnh cũng giống như phạm-hạnh của đấng Đại-Phạm Thiên-vương ở cõi Trời thứ bảy, tức là chẳng giao-hội với phụ-nữ chăng? - Dĩ nhiên, lià xa phụ-nữ, nên rất tịnh-khiết, chẳng chỗ nào uế-trược cả. - Nếu Đức Phật làm giống với phạm-hạnh của đệ-tử đấng Đại-Phạm Thiên-Vương ở cõi Trời thứ bảy, thì Đức Phật là đệ-tử của Đại-Phạm Thiên-Vương chớ gì? Na-Tiên liền hỏi Vương: - Đệ-tử của đấng Đại-Phạm Thiên-vương có niệm hay chẳng có niệm? - Đệ-tử của đấng Đại-Phạm Thiên-Vương vẫn còn có niệm. - Như thế thì đệ-tử của đấng Đại-Phạm Thiên-vương và các bực Trời khác cũng đều là đệ-tử của Đức Phật cả. Na-Tiên lại hỏi Vương: - Chim hót, tiếng hót giống loài nào? - Chim hót tiếng giống như tiếng chim nhạn. - Như thế, chim là đệ-tử của nhạn chăng? Mỗi loài đều khác loại nhau. Đức Phật lại cũng như thế, đâu phải là đệ-tử của đấng Đại-Phạm Thiên-Vương. Vương khen: ''Lành thay!'' * 078.- Đức Phật tự biết lấy Kinh-kệ và Giới-luật.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Đức Phật có học biết và phụng-hành tất cả Kinh-kệ và Giới-luật chăng? - Đức Phật học biết và phụng-hành hết cả Kinh-kệ và Giới-luật. - Đức Phật theo bực thầy nào mà học biết như thế? - Đức Phật chẳng có thầy. Khi đắc-đạo, Đức Phật tự mình hiểu biết hết tất cả các Kinh-kệ và Giới-luật. Đức Phật chẳng phải như các vị đệ-tử có học rồi mới biết. Những điều khuyến-dạy của Đức Phật cho các đệ-tử là để được phụng-hành cho đến tuổi già. Vương khen: ''Lành thay!'' * 079.- Khóc cha mẹ chết và khóc khi nghe Kinh Phật. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Có kẻ khi cha mẹ chết thì than-khóc, lệ tràn; lại có người vì nghe Kinh Phật mà ứa lệ, hai lần chảy nước mắt có khác nhau chăng? - Kẻ vì cha mẹ chết mà khóc là do thương-cảm, tâm-niệm ưu-sầu, đau-khổ; các sự ưu-sầu đó tức là ưu-sầu của sự ngu-si. Còn người ứa lệ vì nghe được Kinh Phật là do tâm-niệm từ-ái, nghĩ đến thế-gian khổ-nhọc, nên mới khóc, như thế được phước rất to-lớn. Vương khen: ''Lành thay!'' * 080.- Bực đắc đạo và kẻ chưa đắc đạo, khác nhau.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Bực đã đắc-đạo và người chưa đắc-đạo khác nhau ra sao? - Kẻ chưa đắc-đạo còn tâm ham-muốn; còn bực đã đắc-đạo thì hết tham-tâm, chỉ cần ăn để nuôi mạng sống. - Ta thấy con người ở thế-gian đều muốn khoái thân, ham được món ngon, chẳng hề biết đủ. - Người chưa đắc-đạo ăn thời muốn món ngon vật tốt; còn người đã đắc độ-thoát rồi thì tuy ăn nhưng chẳng vì khoái-lạc hay ngon ngọt, mà chỉ hướng về sự nuôi sống thân-mạng thôi. Vương khen: ''Lành thay!'' * 081.- Trí-nhớ của con người. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Con người có khả-năng nào để nhớ lại được các sự-vìệc đã xảy ra thật lâu-xa chăng? - Người ta lúc ưu-sầu hay nhớ đến các sự-việc xảy từ lâu-xa. - Dùng cách chi mà nhớ lại được, dùng trí-nhớ hay là dùng sự suy-nghĩ. - Đại-Vương từng có chỗ đã học biết rồi, về sau nhớ lại chăng? - Dĩ nhiên là ta có chỗ đã học biết rồi, về sau lại mau quên đi. - Ngay bây giờ, Đại-Vương có quên, hay chẳng quên điều đó? - Ngay bây giờ, Ta có nhớ lại, nhưng chẳng (giống) đúng. - Có thể là chẳng đúng, bởi vì Đại-Vương đã tưởng-tượng (thêm) ra. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Người có điều đã làm nay nhớ lại như vừa mới làm, và điều hiện đang làm, cũng nhớ lại. Cả hai đều dùng trí-nhớ để nhớ lại chăng? - Các điều đã làm qua rồi và các điều hiện đang làm, cũng đều dùng trí-nhớ mà nhớ lại được cả. - Như thế, con người chỉ nhớ lại các việc đã qua, mà chẳng dùng trí-nhớ để nhớ các việc mới chăng? - Giả thiết như việc mới có chỗ làm chẳng thể nhớ-nghĩ được, thì cũng lại như thế. - Người mới học trong sách vở và các kỹ-thuật khéo-léo khác có bị vụt quên đi mất chăng? - Người (dạy) học điều mới thì viết vẽ ra để (dễ) nhớ, khiến cho kẻ đệ-tử có sự hiểu-biết, do đó mà có trí nhớ lại. Vương khen: ''Lành thay!'' * 082.- Mười sáu cách để nhớ lại việc cũ.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Con người dùng mấy cách mà nhớ lại được việc cũ? - Người ta dùng mười sáu cách để nhớ lại: việc đã làm xa-xưa khiến nhớ lại; Thứ hai, việc mới học khiến nhớ lại; Thứ ba, nếu có đại-sự (= việc lớn, quan-trọng) thì nhớ lại; Thứ tư, nghĩ đến việc lành thì nhớ lại; Thứ năm, từng chịu sự khổ-sở thì nhớ lại; Thứ sáu, tự mình suy-nghĩ thì nhớ lại; Thứ bảy, từng làm nhiều việc khác nhau thì nhớ lại; Thứ tám, vì có người nhắc đến thì nhớ lại; Thứ chín, do hình-tượng mà nhớ lại; Thứ mười, từng có chỗ đã quên khiến nhớ lại; Thứ mười-một, do nguyên-nhân của sự biết nên nhớ lại; Thứ mười-hai, do tính-toán mà nhớ lại; Thứ mười-ba, do mắc nợ-nần mà nhớ lại; Thứ mười-bốn, do nhứt-tâm (= chú-ý) mà nhớ lại; Thứ mười-lăm, do đọc sách mà nhớ lại; Thứ mười-sáu, nhờ có ghi-chép mà nhớ lại. Đó l à mười sáu việc khiến ta nhớ lại được.Vương lại hỏi Na-tiên: - Thứ nhứt, thế nào là nhớ lại việc xa-xưa? - Các đệ-tử của Đức Phật như Ngài A-nan (Pali: Ananda), ưu-bà-di Cưu-thù-thiền-bãi (Pali: Khujjuttarà) và các vị đạo-nhơn khác, đều nhớ lại được các đời kiếp trước, và các sự-việc đương-thời. - Thứ hai, thế nào là việc mới học khiến nhớ lại? - Thí dụ như các người đã học tính-toán sau quên đi, nay thấy kẻ khác tính-toán thì liền nhớ lại. - Thứ ba, thế nào là do các đại-sự mà nhớ lại? - Thí-dụ như Thái-tử lúc lên ngôi làm Vua, nghĩ rằng ngôi Vua là tôn-quí, đó là một đại-sự, cho nên nhớ lại. - Thứ tư, thế nào là nghĩ đến điều lành thì nhớ lại? - Thí dụ như vì được kẻ khác đối-xử (tử-tế), mời-mọc bằng lời-lẽ cực-kỳ thiện-lành, người ấy liền nghĩ đến lời nói thiện-lành ngày hôm ấy, đó là vì nghĩ đến điều lành mà nhớ lại. - Thứ năm, thế nào vì chịu khổ-sở mà nhớ lại? - Thí dụ như từng bị người đánh đập, giam nhốt trong khám, ngục, đó là vì chịu khổ-sở mà nhớ lại. - Thứ sáu, thế nào là tự mình suy-nghĩ mà nhớ lại? - Thí dụ như thấy có chỗ giống nhau với nhà cửa, họ-hàng, hoặc gia-súc (của mình); đó là vì tự suy-nghĩ mà nhớ lại. - Thứ bảy, thế nào là từng làm nhiều việc khác nhau mà nhớ lại? - Thí dụ như gọi tên của vạn vật, màu-sắc, thơm thúi, ngọt đắng, nghĩ đến các lời nói để chỉ đến tất cả các sự-vật ấy, đó là vì làm nhiều việc khác nhau mà nhớ lại. - Thứ tám, thế nào là nhờ được nhắc mà nhớ lại? - Như kẻ có tánh hay quên, nghe người khác nhắc lại, nên nhớ. - Thứ chín, thế nào là do hình-tượng mà nhớ lại? - Con người, trâu, ngựa, mỗi mỗi đều có hình-tượng của chủng-loại riêng, đó là do hình-tượng chủng-loại mà nhớ lại được. - Thứ mười, thế nào là từng có chỗ đã quên khiến nhớ lại? - Thí dụ như một người rốt cuộc có chỗ quên, đã nhiều lần chuyên nghĩ đến chỗ ấy, đó là vì từng có chỗ quên mà nhớ lại được. -Thứ mười-một, thế nào là vì nguyên-nhân của sự biết mà nhớ? - (Thí dụ như) học sách thì cầu biết mặt chữ trong sách, đó là vì nguyên-nhân của sự biết mà nhớ lại. - Thứ mười-hai, thế nào là vì tính-toán mà nhớ lại? - Như người cùng học tính-toán chung mà thành-công thì thế nào cũng biết rõ đường-lối, cách-thức, đó là vì tính-toán mà nhớ lại. - Thứ mười-ba, thế nào vì mắc nợ-nần mà nhớ lại? - Thí dụ như thấy bị thúc-dục phải hoàn lại chỗ đã vay mượn, đó là do nợ-nần mà nhớ lại. - Thứ mười-bốn, thế nào là vì nhứt-tâm (= chú-ý) mà nhớ lại? - Sa-môn một lòng chú-ý tự nghĩ đến việc đời từ ngàn muôn kiếp trước đến nay, đó là vì nhứt-tâm mà nhớ lại. - Thứ mười-lăm, thế nào là vì đọc sách mà nhớ lại? - Bực đế-vương có các quyển sách cổ ghi chép các thời-đại trị-vì, đó là vì đọc sách mà nhớ lại. - Thứ mười-sáu, thế nào vì đã từng ghi chép mà nhớ lại? - Nếu người nào có ghi chép, về sau đọc lại thấy nên nhớ, đó là vì ghi chép mà nhớ lại. Vương khen: ''Lành thay!'' * 083.- Đức Phật biết tất cả, sao chẳng dạy hết một lần?Vương lại hỏi Na-Tiên: - Đức Phật biết hết tất cả những sự-việc đã qua từ lúc khởi-thủy cho đến cả các việc trong tương-lai nữa chăng? - Dĩ nhiên, Đức Phật biết hết tất cả mọi sự-việc. - Giả-thiết như Đức Phật biết tất cả mọi sự-việc, tại sao Ngài lại chẳng dạy ngay hết cho các đệ-tử, mà cứ dạy từ từ thôi? Na-Tiên hỏi lại Vương: - Trong nước ta có vị thầy thuốc chăng? - Có. - Vị thầy thuốc đó có biết được hết tất cả thuốc-men trong thiên-hạ không? - Vị ấy biết được tất cả thuốc-men. - Khi trị bịnh, vị thầy thuốc cho thuốc luôn cả một lần, hay là từ từ mà cho thuốc? - Với người chưa bị bịnh chẳng thể nào cho thuốc trước, phải chờ đúng bịnh rồi mới cho thuốc chớ. - Đức Phật tuy biết tất cả mọi việc từ quá-khứ, hiện-tại cho đến vị-lai, cũng chẳng thể trong một thời mà chỉ-dạy tất cả cho thiên-hạ, nên phải từ từ dạy họ thọ Kinh-giới, khiến họ mới biết phụng-hành theo vậy. Vương khen: ''Lành thay!'' * 084.- Lỡ làm ác, biết niệm Phật, chết khỏi sa địa-ngụcVương lại hỏi Na-Tiên: - Sa-môn các khanh thường nói, con người tại thế-gian làm việc ác trong trăm năm, đến khi gần chết mà biết niệm Phật, thì được tái sanh lên trên cõi Trời. Ta chẳng thể tin lời nầy. Lại nữa, Sa-môn các khanh còn nói, giết một mạng sanh-vật, đến lúc chết sẽ sa-đọa vào địa-ngục; Ta cũng chẳng tin được lời ấy. Na-Tiên liền hỏi Vương: - Như có người cầm hòn đá để lên mặt nước, hòn đá nổi hay chìm xuống? - Chìm. - Như đem trăm hòn đá lớn đặt trên chiếc thuyền, thuyền ấy có chìm không? - Chẳng chìm. - Trăm hòn đá lớn trong thuyền chẳng làm thuyền chìm. Người tuy vốn dữ-ác, một thời niệm Phật, nhờ đó mà chẳng bị đọa địa-ngục lại được sanh lên trên cõi Trời. Một hòn đá nhỏ chìm sâu, cũng như con người làm ác mà chẳng biết Kinh Phật, chết đi phải đọa vào địa-ngục vậy. Vương khen: ''Lành thay!'' * 085.- Sa-môn học đạo vì muốn thoát mọi khổ về sau.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Các khanh vì lý-do gì mà dụng công học Đạo làm Sa-môn? - Tôi vì các nỗi khổ trong quá-khứ, nỗi khổ trong hiện-tại, nỗi khổ trong tưong-lai, muốn dẹp bỏ các nỗi khổ đó và chẳng muốn phải gánh chịu lại chúng nữa, nên mới cố tâm học Đạo làm Sa-môn. - Các nỗi khổ cũng đều ở vào đời sau, cớ sao nay lại dự-phòng trước học Đạo làm Sa-môn? Na-Tiên lại hỏi Vương: - Đại-Vương có bị các nước địch thù-oán sắp đem binh đến công-kích chăng? - Dĩ nhiên là có, có địch-quốc thù-oán thường muốn đem binh đến công-kích. - Khi Chúa địch đến nơi, Đại-Vương mới lo tác chiến, đào hào để phòng-thủ hay là nên dự-bị chiến-đấu từ trước? - Phải dự trước quân lính trừ-bị sẵn để chờ. - Vì sao lại có sẵn quân-lính trừ-bị chờ trước? - Để phòng-ngừa địch quân đến bất thình-lình. - Địch còn chưa đến, sao lại dự-bị làm chi? Na-Tiên lại hỏi Vương: - Đói mới bắt đầu trồng luá, khát mới lo đào giếng, còn kịp hay chăng? - Phải nên làm sẵn trước. - Còn chưa đói khát, cớ sao lại phải dự tính xử-trí trước? Vương khen: ''Lành thay!'' * 086.- Bực La-hán bay lên Trời nhanh như duỗi cánh tay Vương lại hỏi Na-Tiên: - Từ đây lên đến từng Trời thứ bảy của Đại-Phạm-thiên, cách xa bao nhiêu? - Thật hết sức là xa. Nếu có một hòn đá lớn bằng cung-điện nầy rơi từ cõi Đại-Phạm-thiên xuống, phải mất đến sáu tháng mới tới mặt đất nầy. - Sa-môn các khanh bảo, bực đắc A-la-hán-đạo có thể bay lên cõi Trời Đại-Phạm trong thời-gian một người co-duỗi cánh tay thôi, Ta chẳng thể tin lời ấy được, tại sao vượt qua bao nhiêu ngàn muôn ức dặm như thế mà đến được nhanh chóng vậy? Na-Tiên lại hỏi Vương: - Đại-Vương sanh tại nước nào? - Ta sanh tại nước Đại-Tần (Panjab), trong thành A-lệ-tán (Alexandrie). - Từ đây đến A-lệ-tán, cách xa mấy dặm? - Phải đi hai ngàn do-tuần (yojana = 16 dặm) và tám vạn dặm (dặm = 576m). - Đại-Vương từng có lúc nào nghĩ đến nước mình và công-việc trong nước ấy không? - Dĩ nhiên là có, Ta thường nghĩ đến bản-quốc và công-việc trong nước. - Giờ đây, xin Đại-Vương hãy nghĩ đến bản-quốc xem có công-việc chi đang làm ở đấy. - Ta đã nghĩ đến xong. - Đại-Vương đã đi qua tám vạn dặm rồi trở về đây, sao mà nhanh thế! Vương khen: ''Lành thay!'' * 087.- Chết cùng lúc thì đến nơi tái-sanh cùng một lúc.* Vương lại hỏi Na-Tiên: - Nếu như có hai người cùng chết vào một lúc, một người tái-sanh lên cõi Trời Đại-Phạm, còn một người sanh lại tại Kế-Tân, cách đây bảy trăm hai mươi dặm, ai là người đến trước? - Cả hai đến nơi cùng một lúc. - Cùng đi xa, gần, khác nhau rất nhiều, cớ sao lại đến cùng một lúc được? - Đại-Vương thử nghĩ đến thành A-lệ-tán. - Ta đã nghĩ xong. - Giờ, xin Đại-Vương lại nghĩ đến nước Kế-tân. - Ta đã nghĩ xong. - Khi nghĩ đến hai nơi đó, nơi nào đã được nghĩ đến nhanh hơn? - Cả hai đều bằng nhau. - Hai người cùng chết một lúc, kẻ tái-sanh ở cõi Đại-Phạm-thiên, và người sanh lại tại Kế-tân, cũng đều đến nơi cùng một lúc. Na-Tiên lại hỏi Vương: - Như có một đôi chim bay đến, một con đậu trên cây đại-thọ, còn một con đáp xuống một cây nhỏ, bóng con chim nào rọi xuống đất trước? - Bóng hai con chim đều rọi trên đất cùng một lúc. - Hai người chết cùng lúc, một người tái-sanh lên cõi Trời Đại-Phạm, một kẻ sanh lại tại Kế-tân, cả hai cũng đều đến cùng một lúc. Vương khen: ''Lành thay!'' * 088.- Dùng bảy việc để học biết Đạo.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Con người dùng bao nhiêu việc để học biết Đạo? - Dùng bảy việc để học biết Đạo. - Bảy việc đó là những gì? - Thứ nhứt, phân biệt điều lành việc ác. Thứ hai, tinh-tấn. Thứ ba, vui Đạo. Thứ tư, chế-phục tâm-ý theo điều lành. Thứ năm, niệm Đạo. Thứ sáu, nhứt-tâm. Thứ bảy, gặp mọi cảnh-ngộ chẳng yêu ghét. - Con ngưòi phải dùng cả bảy việc đó để học biết Đạo chăng? - Bất tất phải dùng cả bảy việc để học biết Đạo. Kẻ trí-giả lấy trí phân-biệt điều thiện với điều ác, chỉ riêng dùng một việc nầy để biết Đạo. - Nếu chỉ dùng một việc mà biết được Đạo, thì tại sao lại nói chi đến cả bảy việc? Na-Tiên hỏi lại Vương: - Như người cầm con dao còn đựng trong hộp, có thể nào cắt chặt đứt vật chi chăng? - Chẳng thể cắt đứt được. - Lòng người tuy sáng-suốt hiểu rõ, nhưng cũng nên hội đủ sáu việc kia lại thì mới thành trí vậy. Vương khen: ''Lành thay!'' * 089.- Lỡ làm điều ác, biết hối-cãi, tội giảm đi dần.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Người làm điều thiện được phước lớn, rồi làm điều ác cũng bị tai-ương lớn chăng? - Người làm điều thiện được phước lớn, rồi làm điều ác thì bị tai-ưöng nhỏ. Người ấy làm điều ác, ngày ngày tự hối lỗi, do đó việc lỗi-lầm cũng nhỏ dần đi. Người ấy làm điều thiện, ngày ngày nhớ nghĩ trong lòng vui-vẻ, cho nên được phước lớn. Tích xưa, khi Đức Phật đi chu-du, có người kia cụt cả tay chơn đem dâng một đóa hoa sen cúng dường Phật. Đức Phật bảo chư tì-kheo, người cụt cả tay chơn nầy, trong chín mươi mốt kiếp, chẳng hề bị sa vào địa-ngục hoặc đọa vào hàng súc-sanh, rồi được sanh lên cõi Trời, sau đó trở lại cõi người. Vì lẽ đó, tôi biết kẻ tuy làm điều thiện nhỏ mà đắc được phước lớn. Làm ác, người ấy biết ngày ngày tự hối-cải, khiến tội nhỏ dần và tiêu-diệt đi; do đó tôi biết người ấy có làm điều gì lầm-lỗi cũng gặp phải tai-ương nhỏ. Vương khen: ''Lành thay!'' * 090.- Người trí, kẻ ngu cùng làm ác ai nặng tội hơn? Vương lại hỏi Na-Tiên: - Người trí-giả làm điều ác, kẻ ngu cũng làm điều ác, cả hai người ấy phải trách-nhiệm tai-ương, thì ai chịu nặng hơn? - Kẻ ngu làm ác bị tai-ương lớn, còn người trí làm ác chịu tai-ương nhỏ. Vương liền nói: - Lời Khanh nói thế chẳng đúng! Tại nước ta, đại-thần có lỗi làm ác thì mắc tội nặng, còn kẻ ngu-dân phạm lỗi ác bị trừng phạt nhẹ hơn; do đó người trí làm ác mắc tai-ương lớn, còn kẻ ngu-khờ làm ác lại bị tai-ương nhỏ. Na-Tiên liền hỏi Vương: - Thí dụ như có thanh sắt đốt nóng trên mặt đất, một người biết đó là thanh-sắt bị đốt, còn người kia thì chẳng biết, nếu cả hai người đều cầm thanh sắt ấy lên, ai là người bị phỏng cháy tay nhiều hơn? - Kẻ chẳng biết đó là thanh sắt thì bị phỏng tay nhiều hơn. - Kẻ ngu làm ác chẳng biết tự hối-cải điều lỗi, nên mắc phải tai-ương lớn. Còn bực trí-giả lỡ làm điều ác biết đó là chẳng phải, nên ngày ngày hối lỗi, do đó mà mắc tai-ương nhỏ. Vương khen: ''Lành thay!'' * 091.- Sức thần-túc. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Con người có khả-năng dùng thân-thể nầy bay lên đến từng Trời thứ bảy cõi Đại-Phạm-thiên và đến xứ Uất-thiền-việt (Uttara kuru, Bắc-câu-lư-châu) rồi trở về lại đây chăng? - Có thể được. - Làm sao mà dùng thân-thể nầy bay lên trên cõi Trời Đại-Phạm-thiên và đến xứ Uất-thiền-việt rồi trở về đây được? Na-tiên hỏi Vương: - Đại-Vương lúc còn nhỏ có khi nào nhảy chơi khỏi mặt đất được một trượng chăng? - Ngày ta còn nhỏ khi có ý muốn nhảy cao, liền nhảy cao được hơn một trượng. - Bực đắc-đạo ý muốn nhảy đến từng Trời thứ bảy cõi Đại-Phạm-thiên, rồi đến xứ Uất-thiền-việt, cũng được như ý vậy. Vương khen: ''Lành thay!'' * 092.- Có thể ngưng hơi thở ra vào ch ăng?Vương lại hỏi Na-Tiên: - Sa-môn các Khanh thường nói, có bộ xương dài đến bốn ngàn dặm, làm sao mà có được bộ xương dài như thế? - Đại-Vương có nghe nói ở ngoài biển lớn có con cá khổng-lồ tên là Chất, thân nó dài đến hai vạn tám ngàn dặm chăng? - Có, ta có nghe nói đến. - Như thế, thân nó dài hai vạn tám ngàn dặm thì xương sườn nó phải dài hơn bốn ngàn dặm chớ! Vương lấy làm quái-dị, rồi lại hỏi Na-Tiên: - Sa-môn các Khanh thường thuyết giảng rằng họ có thể chấm dứt được việc hơi thở ra vào. Biết làm sao mà chấm dứt được hơi thở ra vào? Na-Tiên liền hỏi Vương: - Đại-Vương từng nghe nói đến ý-chí chăng? - Có nghe nói đến. - Đại-Vương hãy khởi ý-chí lên trong thân-tâm đi. - Ta đã khởi ý-chí lên rồi. - Đại-Vương hãy xem người ngu-khờ chẳng thể chế-phục thân miệng mình, chẳng thể trì-giữ Kinh-giới, như thế bọn họ chẳng thể nào thấy vui-sướng với thân mình. Còn với bực học Đạo có khả-năng chế-phục thân miệng, trì-giữ Kinh-giới, do sự nhứt-tâm mà đắc được Tứ-Thiền, do đó liền ngưng được hơi thở ra vào. Vương khen: "Lành thay!'' * 093.- Biển và nước biển. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Vì sao gọi biển là biển? Phải chăng vì những việc khác nên mới gọi là biển? - Sở dĩ người ta gọi là biển, vì trong nước biển có nửa phần nước, nửa phần muối. - Tại sao nước biển lại mặn? - Sở dĩ nước biển mặn là vì nước ngọt chảy đến từ xa và các loài cá, ba-ba, côn trùng đủ loại hợp với nước trong mà thành ra mặn. Vương khen: ''Lành thay!'' * 094.- Tư-duy đến các sự-việc cao-thâm.Vương lại hỏi Na-Tiên: - Bực đã đắc Đạo có khả-năng suy-nghĩ đến tất cả các sự-việc cao-xa thâm-diệu chăng? - Dĩ nhiên, các bực đã đắc Đạo đều có đủ khả-năng tư-duy mọi việc thâm-ảo cả. Kinh Phật thật hết sức là thâm-ảo về mọi sự-việc, chẳng thể nào đo-lường nổi, tất cả mọi sự-việc ấy đều phải do trí-huệ đoán-định ra. Vương khen: ''Lành thay!'' * 095.-Tinh-thần, Trí-huệ và Tự-nhiên. Vương lại hỏi Na-Tiên: - Tinh-thần con người, trí-huệ và tự-nhiên, cả ba điều ấy đồng như nhau hay là khác với nhau? - Tinh-thần chủ về sự hiểu-biết, trí-huệ thông-hiểu được Đạo, còn tự-nhiên là hư-không chẳng có người. * 096.- Phân-tách kỹ thân-tâm ra, đó là vô-ngã chăng?Vương lại hỏi Na-Tiên: - Được làm người, cái chi làm cho ta đắc được làm người? Mắt thì thấy sắc, tai thì nghe tiếng, mũi thì ngửi mùi, miệng thì nếm vị, thân thì biết chỗ thô, chỗ nhuyễn, trí thì biết phân-biệt điều lành, điều ác, thế thì cái chi làm cho ta đắc được làm người? Na-Tiên liền hỏi lại Vương: - Thí dụ như có người khiến cho mắt nhướng lên ra khỏi đồng-tử thì có thấy được rộng xa hơn chăng, khiến cho vểnh tai to lên thì có nghe được tiếng ở thật xa chăng, khiến cho mũi hỉnh lớn lên thì có ngửi được mùi nhiều thêm chăng, khiến cho miệng mở hoác ra thì có nếm được nhiều vị chăng, khiến cho da thịt căng phồng rộng ra thì có biết thêm thô nhuyễn chăng, khiến cho trí vượt nổi lên thì có suy-niệm được nhiều thêm chăng? - Chẳng được. Na-Tiên liền nói: - Đức Phật, tại chỗ làm, Ngài đã làm đượcviệc thật khó; nơi chỗ biết, Ngài đã biết rất thâm-diệu. - Chỗ đã làm việc thật khó, chỗ đã biết rất thâm-diệu, ý-nghĩa như thế nào? - Đức Phật nói, Ngài có thể biết được các bộ-phận ở trong bụng người, giải-thích được những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân sờ chạm, cắt nghĩa các điều thành-bại, các việc nghi-ngờ, giảng rõ các tư-tưởng, ý-niệm, các vấn-đề tâm-linh. Na-Tiên lại nói: - Như có người ngậm một ngụm nước biển mặn, có thể nào phân-biệt ra được phần nước nào là nước từ suối chảy đến, (...) phần nào từ sông chảy đến chăng? - Nước hòa chung lại thành một, làm sao biết riêng được. - Chỗ Phật đã làm một việc thật khó, là phân-biệt biết rõ hương-vị của mọi thứ nước, như nước biển mà nay Đại-Vương còn chưa thể phân-biệt được, như thần-trí con người vẫn chưa thấy được trong thân có sáu sự-việc chẳng thể thấy. Bởi thế cho nên, Đức Phật đã giải-thích, tòng theo tâm-niệm mà đến với mắt mới thấy vật, tòng theo tâm-niệm mà đến với tai mới nghe tiếng, tòng theo tâm-niệm mà đến với mũi mới ngửi mùi, tòng theo tâm-niệm đến với miệng mới nếm vị, tòng theo tâm-niệm đến với thân mới biết sướng khổ, nóng lạnh, thô cứng, tòng theo tâm-niệm đến với ý mới biết chỗ qui-hướng. Phật tất biết hết cả, phân-biệt giải-thích rõ-ràng hết cả. Vương khen: ''Lành thay!'' * 097.- Luận-bàn Giáo-Pháp, Vương và Na-Tiên đều vui .Na-Tiên nói: - Đã quá nửa đêm rồi, tôi xin ra về. Tức thì, Vương liền ra lịnh cho các quan hầu-cận mang bốn súc vải dầy có tẩm dầu mè dùng làm đuốc, để đưa Na-Tiên về, dặn phải phục-vụ Na-Tiên như đang phục-vụ cho Ta. Các vị hầu-cận đồng tâu: ''Xin tuân lịnh dạy.'' Vương nói: - Được vị thầy dạy như Na-Tiên, và có đệ-tử như Ta, chắc là mau đắc Đạo lắm. Tất cả các câu hỏi Vương nêu lên Na-tiên đều nhứt-nhứt đáp đầy-đủ hết. Vương hết sức hoan-hỉ. Vương liền cho xuất kho mười vạn bộ y thật đẹp để cúng-dường Na-Tiên. Vương nói: - Kể từ nay, xin nguyện Na-Tiên hằng ngày cùng tám trăm vị Sa-môn đến cung-điện nầy để dùng cơm, và nếu có cần dùng chi, Ta sẽ xin cung-phụng ngay. Na-Tiên thưa: - Tôi làm đạo-nhơn nên chẳng có điều chi ham-muốn. - Na-Tiên nên nhận để tự giúp cho mình và cũng nên giúp cho Ta luôn. - Thế nào là giúp tự-thân và giúp luôn cho Đại-Vương? - Sợ e người ngoài bàn-tán bảo rằng Ta keo-kiệt, Na-Tiên đã vì Vua giải hết các chỗ hồ-nghi mà Vua lại chẳng ban-thưởng gì cả; hoặc sợ e có kẻ khác bảo, Na-Tiên đã chẳng giải nổi được các chỗ Vua còn hồ-nghi, nên chẳng được Vua ban-thưởng gì cả. Na-tiên mà nhận, đó là giúp Ta được phước, mà cũng giúp cho Na-Tiên giữ được tròn danh-tiếng... Cũng như con sư-tử bị giam nhốt trong cái chuồng bằng vàng đang muốn thoát ra, tuy là Quốc-vương tại trong cung, nay Ta tỉnh ngộ, lòng chẳng được vui, muốn bỏ nước mà đi hành Đạo. Vương dứt lời, Na-Tiên liền đứng lên đi về chùa. Na-Tiên đi rồi, Vương thầm nghĩ, Ta hỏi Na-Tiên bao nhiêu việc, Na-Tiên vì Ta giải rõ bấy nhiêu việc. Các chỗ Ta hỏi, Na-Tiên chẳng hề chẳng giải rõ ý của Ta. Na-Tiên trở về chùa cũng tự nghĩ, Vương hỏi ta biết bao nhiêu sự, Ta đều đáp hết bấy nhiêu sự. Chỗ Vương đã hỏi, Ta đều giải-thích rõ. Na-Tiên lòng hoan-hỉ nghĩ như thế cho đến khi trời sáng rõ. Sáng hôm sau, Na-Tiên khoác áo cà-sa, cầm bình bát đi thẳng vào cung. Trên điện ngọc, Đức Vua liền đứng dậy thi lễ và mời Na-Tiên ngồi. Vương bạch với Na-Tiên: - Khi Na-Tiên ra về rồi, Ta tự nghĩ, đã hỏi Na-Tiên biết bao lời, Na-Tiên đều giải-đáp tất cả. Ta tự nhớ lại các chỗ đã hỏi Na-Tiên, chẳng có câu nào Na-Tiên chẳng giải rõ ý của Ta. Ta nhớ đến các lời đó, nên lòng rất là hoan-hỉ mà nằm an nghỉ cho đến sáng. Na-Tiên thưa: - Tôi quay về chùa cũng tự nghĩ, Đại-Vương đã hỏi tôi biết bao nhiêu sự-việc, tôi cũng đã vì Đại-Vương giảng-giải bấy nhiêu sự-việc. Tôi lại nghĩ, các chỗ Đại-Vương hỏi tôi, tôi đều phân-tách rõ hết. Vì thế mà lòng tôi hoan-hỉ suốt đêm cho đến sáng. Nói xong, Na-Tiên muốn ra đi. Vương liền đứng dậy làm lễ tiễn Na-Tiên. (Kinh Tỳ-kheo Na-Tiên, Quyển Hạ) HẾT -ooOoo- Ðầu trang | A1 | A2 | A3 | B | C1 | C2 | C3 | D | Giới thiệu |
Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 05-2005)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 26-05-2005