Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tạng Luật
Vinaya Pitaka

Tiểu Phẩm
Cullavagga

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


X. CHƯƠNG TỲ KHƯU NI
(BHIKKHUNĪKHANDHAKAṂ)

[513] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự trong lãnh thổ của dòng Sākya (Thích Ca) ở thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), tu viện Nigrodha. Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Gotamī, thôi đi! Bà chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Đến lần thứ nhì, …(như trên)…

Đến lần thứ ba, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Gotamī, thôi đi! Bà chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố” nên khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, vừa khóc lóc, vừa đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

[514] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã ngự tại thành Kapilavatthu theo như ý thích đã ra đi du hành đi về phía thành Vesālī. Trong khi tuần du hành, ngài đã ngự đến thành Vesālī. Tại nơi đó, trong thành Vesālī, đức Thế Tôn ngự tại Mahāvana (Đại Lâm), giảng đường Kūṭāgāra.

Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nhờ người cạo tóc, khoác y phục màu ca-sa cùng với nhiều người nữ dòng Sākya đã ra đi về hướng thành Vesālī, tuần tự đã đi đến thành Vesālī, Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cổng ra vào. Đại đức Ānanda đã nhìn thấy bà Mahāpajāpati Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cổng ra vào, sau khi nhìn thấy đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī điều này:

- Này bà Gotamī, tại sao bà lại có hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đứng khóc lóc ở bên ngoài cổng ra vào vậy?

- Thưa ngài Ānanda, như thế này bởi vì đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này bà Gotamī, nếu vì chuyện đó thì bà hãy ở ngay tại đây trong chốc lát để tôi cầu xin đức Thế Tôn việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

[515] Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī này với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cổng ra vào (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.” Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Đến lần thứ nhì, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Đến lần thứ ba, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Khi ấy, đại đức Ānanda (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố; có lẽ ta nên cầu xin đức Thế Tôn việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố bằng một phương thức khác?” Sau đó, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, người nữ có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, hoặc quả vị Nhất Lai, hoặc quả vị Bất Lai, hoặc quả vị A-la-hán hay không?

- Này Ānanda, sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, nữ nhân có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, luôn cả quả vị A-la-hán.

- Bạch ngài, nếu sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, người nữ có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, luôn cả quả vị A-la-hán nữa; bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī có nhiều công đức đối với đức Thế Tôn, là dì ruột, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng, là người cho sữa, bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa khi người mẹ ruột qua đời. Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

[516] - Này Ānanda, nếu bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, hãy xem chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà:

Tỳ khưu ni đã tu lên bậc trên được một trăm năm nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến vị tỳ khưu vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vào mỗi nửa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng tỳ khưu là việc hỏi ngày lễ Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni đã trải qua mùa (an cư) mưa nên yêu cầu [1] ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vi phạm tội nghiêm trọng nên thực hành hành phạt mānatta nửa tháng ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Cô ni tu tập sự (sikkhamānā) đã thực hành sự học tập về sáu pháp trong hai năm nên tầm cầu sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép mắng chửi nói xấu tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các tỳ khưu ni đến các tỳ khưu bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các tỳ khưu đến các tỳ khưu ni không bị ngăn cấm. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Này Ānanda, nếu bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, hãy xem chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà.

[517] Sau đó, đại đức Ānanda đã học tám Trọng Pháp từ đức Thế Tôn rồi đã đi đến gặp bà Mahāpajāpati Gotamī, sau khi đến đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī điều này:

- Này bà Gotamī, nếu bà có thể thọ nhận tám Trọng Pháp thì chính điều ấy sẽ là sự tu lên bậc trên đối với bà:

Tỳ khưu ni đã tu lên bậc trên được một trăm năm nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến vị tỳ khưu vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vào mỗi nửa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng tỳ khưu là việc hỏi ngày lễ Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni đã trải qua mùa (an cư) mưa nên yêu cầu ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vi phạm tội nghiêm trọng nên thực hành hành phạt mānatta nửa tháng ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Cô ni tu tập sự (sikkhamānā) đã thực hành sự học tập về sáu pháp trong hai năm nên tầm cầu sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép mắng chửi nói xấu tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các tỳ khưu ni đến các tỳ khưu bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các tỳ khưu đến các tỳ khưu ni không bị ngăn cấm. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Này bà Gotamī, nếu bà có thể thọ nhận tám Trọng Pháp này thì chính điều ấy sẽ là sự tu lên bậc trên đối với bà.

- Thưa đại đức Ānanda, cũng giống như người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu sau khi nhận được tràng hoa sen, hoặc tràng hoa nhài, hoặc tràng hoa đủ loại nên thọ lãnh bằng hai tay rồi đặt lên ở đỉnh đầu; thưa đại đức Ānanda, cũng tương tợ như vậy, tôi thọ nhận tám Trọng Pháp này cho đến trọn đời không vi phạm.

[518] Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã thọ nhận tám Trọng Pháp. Người dì của đức Thế Tôn đã được tu lên bậc trên.

- Này Ānanda, nếu nữ nhân không đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, Phạm hạnh có thể sẽ được tồn tại lâu dài, Thánh Pháp (saddhamma) có thể tồn tại một ngàn năm.[2] Này Ānanda, bởi vì nữ nhân đã xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, giờ đây Phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài, này Ānanda, giờ đây Thánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.

Này Ānanda, cũng giống như những gia đình có nhiều người nữ, ít người nam thường dễ bị các kẻ cướp, các kẻ trộm đột nhập; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, trong Pháp và Luật nào nữ nhân đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như trong thửa ruộng lúa đang phát triển, có loại bệnh gọi là mốc trắng xuất hiện, như thế ruộng lúa ấy không tồn tại lâu dài; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, trong Pháp và Luật nào nữ nhân đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như trong ruộng mía đường đang phát triển, có loại bệnh gọi là rệp cây xuất hiện, như thế ruộng mía ấy không tồn tại lâu dài; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, trong Pháp và Luật nào nữ nhân đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như người đàn ông chính vì phòng xa nên củng cố bờ đê của cái hồ lớn để không có sự tràn ra của nước; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, tám Trọng Pháp do ta chính vì phòng xa đã quy định cho các tỳ khưu ni cho đến trọn đời không được vi phạm.

Dứt Tám Trọng Pháp của các tỳ khưu ni.

[519] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã ở đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con thực hành như thế nào đối với các người nữ dòng Sākya này?

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpati Gotamī bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni được tu lên bậc trên với các tỳ khưu.

[520] Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī điều này:

- Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: “Các tỳ khưu ni được tu lên bậc trên với các tỳ khưu.”

Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Thưa đại đức Ānanda, các tỳ khưu ni này đã nói với tôi như vầy: “Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: Các tỳ khưu ni được tu lên bậc trên với các tỳ khưu.’”

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói như vầy: “Thưa đại đức Ānanda, các tỳ khưu ni này đã nói với tôi như vầy: ‘Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: Các tỳ khưu ni được tu lên bậc trên với các tỳ khưu.’”

- Này Ānanda, kể từ lúc bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, chính việc ấy là đã được tu lên bậc trên đối với bà.

[521] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Thưa đại đức Ānanda, con cầu xin đức Thế Tôn một điều ước muốn. Thưa đại đức, tốt đẹp thay đức Thế Tôn có thể cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp là tính theo thâm niên (yathāvuḍḍhaṃ) đối với các tỳ khưu và các tỳ khưu ni.

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói như vầy: “Thưa đại đức Ānanda, con cầu xin đức Thế Tôn một điều ước muốn. Thưa đại đức, tốt đẹp thay đức Thế Tôn có thể cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp là tính theo thâm niên đối với các tỳ khưu và các tỳ khưu ni.”

- Này Ānanda, việc đức Như Lai có thể cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến nữ nhân là điều không có cơ sở và không hợp lý. Này Ānanda, bởi vì các ngoại đạo này có kỷ luật không nghiêm khắc còn không thực hành sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến nữ nhân; vậy điều gì khiến Như Lai lại cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến nữ nhân?

Sau đó, đức Thế tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến nữ nhân; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[522] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có những điều học của các tỳ khưu ni tương đương với các tỳ khưu, bạch ngài, chúng con thực hành những điều học ấy như thế nào?

- Này Gotamī, có những điều học của các tỳ khưu ni tương đương với các tỳ khưu, các tỳ khưu học tập thế nào các ngươi hãy học tập những điều học ấy như thế.

- Bạch ngài, có những điều học của các tỳ khưu ni không tương đương với các tỳ khưu, bạch ngài, chúng con thực hành những điều học ấy như thế nào?

- Này Gotamī, có những điều học của các tỳ khưu ni không tương đương với các tỳ khưu, các ngươi hãy học tập những điều học ấy như đã được quy định.

[523] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, lành thay xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Pháp một cách vắn tắt để con sau khi nghe Pháp của đức Thế Tôn có thể sống một mình, cách ly, không biếng nhác, tinh tấn, có sự quyết tâm.

- Này Gotamī, bà nên biết rằng các Pháp nào (có đặc tính như vầy): Các pháp này đưa đến tham ái mà không đưa đến ly tham ái, đưa đến sự ràng buộc mà không đưa đến sự thoát khỏi ràng buộc, đưa đến sự tích lũy mà không đưa đến sự không tích lũy, đưa đến sự ham muốn nhiều mà không đưa đến sự ham muốn ít, đưa đến sự bực bội mà không đưa đến sự hoan hỷ, đưa đến sự tụ hội mà không đưa đến sự đơn độc, đưa đến sự biếng nhác mà không đưa đến sự khởi công tinh tấn, đưa đến sự khó nuôi dưỡng mà không đưa đến sự dễ nuôi dưỡng; này Gotamī, bà nên xác định dứt khoát rằng: “Điều này không phải là Pháp, điều này không phải là Luật, điều này không phải là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư.

Này Gotamī, bà nên biết rằng các Pháp nào (có đặc tính như vầy): Các pháp này đưa đến ly tham ái mà không đưa đến tham ái, đưa đến sự thoát khỏi ràng buộc mà không đưa đến sự ràng buộc, đưa đến sự không tích lũy mà không đưa đến sự tích lũy, đưa đến sự ham muốn ít mà không đưa đến sự ham muốn nhiều, đưa đến sự hoan hỷ mà không đưa đến sự bực bội, đưa đến sự đơn độc mà không đưa đến sự tụ hội, đưa đến sự khởi công tinh tấn mà không đưa đến sự biếng nhác, đưa đến sự dễ nuôi dưỡng mà không đưa đến sự khó nuôi dưỡng; này Gotamī, bà nên xác định dứt khoát rằng: “Điều này là Pháp, điều này là Luật, điều này là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư.

[524] Vào lúc bấy giờ, giới bổn Pātimokkha không được đọc tụng cho các tỳ khưu ni. …(như trên)… Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn, …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai sẽ đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni.

[525] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đi đến chỗ ngụ của các tỳ khưu ni và đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này sẽ hưởng lạc với những bà này.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu ni không biết: “Giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng như vầy.” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: “Các vị nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha như vầy.

[526] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không sám hối tội. ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên không sám hối tội; vị ni nào không sám hối thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Các tỳ khưu ni không biết: “Tội nên được sám hối như vầy.” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: “Các vị nên sám hối tội như vầy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai sẽ ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni?” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni.

[527] Vào lúc bấy giờ, khi nhìn thấy vị tỳ khưu trên đường đi, ở ngõ cụt, nơi giao lộ, các tỳ khưu ni để xuống bình bát trên mặt đất, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi sám hối tội. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Hồi hôm họ đã gây gỗ nên giờ xin lỗi.

...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu không nên ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni; vị nào ghi nhận thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu ni không biết: “Tội sẽ được ghi nhận như vầy.” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: “Các vị nên ghi nhận tội như vầy.

[528] Vào lúc bấy giờ, hành sự cho các tỳ khưu ni đã không được thực thi. ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai sẽ thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni.

[529] Vào lúc bấy giờ, khi gặp vị tỳ khưu trên đường đi, ở ngõ cụt, nơi giao lộ, các tỳ khưu ni có hành sự đã được hoàn tất để xuống bình bát trên mặt đất, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, bày tỏ sự hối lỗi, trong khi nghĩ rằng: “Chắc là nên được thực hiện như vầy.” Cũng y như thế, dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Hồi hôm họ đã gây gỗ nên giờ xin lỗi.

Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu không nên thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni; vị nào thực thi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu ni không biết: “Hành sự sẽ được thực thi như vầy.” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: “Các vị nên thực thi hành sự như vầy.

[530] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni sinh hoạt trong hội chúng đã nảy sinh ra xung đột, đã nảy sinh ra gây gỗ, đã đưa đến tranh cãi, trong khi làm tổn thương lẫn nhau bằng các vũ khí mồm miệng, họ không thể làm lắng dịu sự tranh tụng ấy. ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu làm lắng dịu sự tranh tụng của các tỳ khưu ni.

[531] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu làm lắng dịu sự tranh tụng của các tỳ khưu ni. Trong khi sự tranh tụng ấy đang được xét xử, các vị được biết rằng các tỳ khưu ni cần thiết cho hành sự cũng có vi phạm tội. Các tỳ khưu ni đã nói như vầy:

- Thưa các đại đức, tốt lành thay chính các ngài đại đức hãy thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni, chính các ngài đại đức hãy ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Các tỳ khưu nên làm lắng dịu sự tranh tụng của các tỳ khưu ni.”

Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu xác định hành sự của các tỳ khưu ni rồi bàn giao lại cho các tỳ khưu ni, và các tỳ khưu ni được thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni; (cho phép) các tỳ khưu xác định tội của các tỳ khưu ni rồi bàn giao lại cho các tỳ khưu ni, và các tỳ khưu ni được ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni.

[532] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni học trò của tỳ khưu ni Uppalavanṇṇā trong khi học tập về Luật đã theo đức Thế tôn bảy năm. Cô ấy có trí nhớ bị lộn xộn nên càng học càng quên. Rồi vị tỳ khưu ni ấy đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn có ý định đi đến thành Sāvatthi.” Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Trong khi học tập về Luật, ta đã theo đức Thế Tôn bảy năm. Ta có trí nhớ bị lộn xộn nên càng học càng quên. Thật khó khăn cho người nữ để đi theo bậc Đạo Sư cho đến trọn đời; vậy ta nên thực hành như thế nào?” Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu giảng về Luật cho các tỳ khưu ni.

Dứt tụng phẩm thứ nhất.

[533] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã đã ngự tại Vesāli theo như ý thích đã lên đường du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó trong thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư rắc nước bùn lên các tỳ khưu ni (nghĩ rằng): “Để các ni có thể chú ý đến chúng ta.” ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu không nên rắc nước bùn lên các tỳ khưu ni; vị nào rắc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị tỳ khưu ấy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực thi?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, hội chúng tỳ khưu ni không cần thực hiện việc đảnh lễ đối với vị tỳ khưu ấy.

[534] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư vén hở thân rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, vén hở đùi rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, vén hở chỗ kín rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, trò chuyện với các tỳ khưu ni, giao lưu với các tỳ khưu ni (nghĩ rằng): “Để các ni có thể chú ý đến chúng ta.” ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu không nên vén hở thân rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, không nên vén hở đùi rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, không nên vén hở chỗ kín rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, không nên trò chuyện với các tỳ khưu ni, không nên giao lưu với các tỳ khưu ni; vị nào giao lưu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị tỳ khưu ấy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực thi?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, hội chúng tỳ khưu ni không cần thực hiện việc đảnh lễ đối với vị tỳ khưu ấy.

[535] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư rắc nước bùn lên các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Để các vị có thể chú ý đến chúng ta.” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên rắc nước bùn lên các tỳ khưu; vị ni nào rắc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với tỳ khưu ni ấy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực thi?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi việc ngăn cấm (đi vào trú xứ của tỳ khưu).

Khi việc ngăn cấm được thực thi, họ không chấp hành. Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đình chỉ việc giáo giới.

[536] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư vén hở thân rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, vén hở ngực rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, vén hở đùi rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, vén hở chổ kín rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, trò chuyện với các tỳ khưu, giao lưu với các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Để các vị có thể chú ý đến chúng ta.” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên vén hở thân rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, không nên vén hở ngực rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, không nên vén hở đùi rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, không nên vén hở chổ kín rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, không nên trò chuyện với các tỳ khưu, không nên giao lưu với các tỳ khưu; vị ni nào giao lưu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị tỳ khưu ni ấy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực thi?” Các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi việc ngăn cấm (đi vào trú xứ của tỳ khưu).

Khi việc ngăn cấm được thực thi, họ không chấp hành. Các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đình chỉ việc giáo giới.

[537] Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Lễ Uposatha được phép thực hiện với tỳ khưu ni bị đình chỉ giáo giới hay không được phép?” Các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, lễ Uposatha không nên thực hiện với tỳ khưu ni bị đình chỉ giáo giới cho đến khi nào sự tranh tụng ấy chưa được giải quyết.

[538] Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi sau khi đình chỉ việc giáo giới đã ra đi du hành. Các tỳ khưu ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao ngài đại đức Udāyi sau khi đình chỉ việc giáo giới lại ra đi du hành?

...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, sau khi đình chỉ việc giáo giới rồi không nên ra đi du hành; vị nào ra đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[539] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ngu dốt không có kinh nghiệm đình chỉ việc giáo giới. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, việc giáo giới không nên bị đình chỉ bởi vị ngu dốt, không có kinh nghiệm; vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[540] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đình chỉ việc giáo giới không có sự việc, không có nguyên do. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, việc giáo giới không nên bị đình chỉ không có sự việc, không có nguyên do; vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[541] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sau khi đình chỉ việc giáo giới không tuyên bố quyết định. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, sau khi đình chỉ việc giáo giới, không nên không tuyên bố quyết định; vị nào không tuyên bố thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[542] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không đi (để nghe) giáo giới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên không đi (để nghe) giáo giới; vị ni nào không đi nên được hành xử theo Pháp.[3]

[543] Vào lúc bấy giờ, toàn bộ hội chúng tỳ khưu ni đều đi (để nghe) giáo giới. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này sẽ hưởng lạc với những bà này.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đi (để nghe) giáo giới toàn bộ hội chúng tỳ khưu ni. Nếu đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép đi (để nghe) giáo giới bốn hay năm tỳ khưu ni.

[544] Vào lúc bấy giờ, bốn hay năm tỳ khưu ni đi (để nghe) giáo giới. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai y như thế:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này này sẽ hưởng lạc với những bà này.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đi (để nghe) giáo giới bốn hay năm tỳ khưu ni. Nếu đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép đi (để nghe) giáo giới hai hay ba tỳ khưu ni.

Nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi nên nói như vầy: “Thưa ngài đại đức, hội chúng tỳ khưu ni đảnh lễ ở chân của hội chúng tỳ khưu và cầu xin việc đến gần (để nghe) giáo giới. Thưa ngài, xin ban cho hội chúng tỳ khưu ni việc đến gần (để nghe) giáo giới.”

Vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha và nên nói như vầy: “Thưa ngài, hội chúng tỳ khưu ni đảnh lễ ở chân của hội chúng tỳ khưu và cầu xin việc đến gần (để nghe) giáo giới. Thưa ngài, xin ban cho hội chúng tỳ khưu ni việc đến gần (để nghe) giáo giới.”

Vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: “Có vị tỳ khưu nào đó đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni?” Nếu có vị tỳ khưu nào đó đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: “Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, hội chúng tỳ khưu ni hãy đi đến gặp vị ấy.” Nếu không có vị tỳ khưu nào đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: “Vị đại đức nào đủ khả năng để giáo giới tỳ khưu ni?” Nếu có vị nào đó đủ khả năng để giáo giới tỳ khưu ni và vị ấy hội đủ tám điều kiện, sau khi chỉ định xong nên nói rằng: “Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, hội chúng tỳ khưu ni hãy đi đến gặp vị ấy.” Nếu không có vị nào đủ khả năng để giáo giới tỳ khưu ni, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: “Không có tỳ khưu nào được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, mong rằng hội chúng tỳ khưu ni có được sự hoan hỷ.

[545] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu không nhận lãnh việc giáo giới. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, không thể không nhận lãnh việc giáo giới; vị nào không nhận lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[546] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là ngu dốt. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này:

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Này các chị gái, bởi vì tôi ngu dốt, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Các tỳ khưu nên nhận lãnh việc giáo giới cho các tỳ khưu ni.”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.

[547] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này:

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Này các chị gái, bởi vì tôi bị bệnh, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Trừ ra vị ngu dốt, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới.”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.

[548] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là vị xuất hành. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này:

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Này các chị gái, bởi vì tôi là vị xuất hành, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới.”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, trừ ra vị xuất hành, các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.

[549] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ cư ngụ ở trong rừng. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này:

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Này các chị gái, bởi tôi cư ngụ ở trong rừng, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, trừ ra vị xuất hành, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới.”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu là vị ngụ ở rừng nhận lãnh việc giáo giới và (cho phép) quy định điểm hẹn: “Tôi sẽ thực hiện ở chỗ này.

[550] Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh việc giáo giới các tỳ khưu không thông báo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, không thể không thông báo việc giáo giới; vị nào không thông báo thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[551] Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh việc giáo giới các tỳ khưu không thực hiện (paccāharati). ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, việc giáo giới không thể không thực hiện; vị nào không thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[552] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không đi đến điểm hẹn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không thể không đi đến điểm hẹn; vị ni nào không đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[553] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni mang dây buộc thân loại dài và buộc thành dải tua với chúng. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên mang dây buộc thân loại dài; vị ni nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni (sử dụng) dây buộc thân được thực hiện một vòng, và không nên buộc thành dải tua với nó; vị ni nào buộc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[554] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni buộc (dây thắt lưng) thành dải tua bằng sợi tre chẻ mỏng, buộc thành dải tua bằng sợi da thú, buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt, buộc thành dải tua bằng vải dệt tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng vải dệt thắt bím, buộc thành dải tua bằng sợi vải coḷa, buộc thành dải tua bằng vải coḷa tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng vải coḷa thắt bím, buộc thành dải tua bằng chỉ tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng chỉ thắt bím. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên buộc (dây thắt lưng) thành dải tua bằng sợi tre chẻ mỏng, không nên buộc thành dải tua bằng sợi da thú, không nên buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt, không nên buộc thành dải tua bằng vải dệt tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng vải dệt thắt bím, không nên buộc thành dải tua bằng sợi vải coḷa, không nên buộc thành dải tua bằng vải coḷa tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng vải coḷa thắt bím, không nên buộc thành dải tua bằng chỉ tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng chỉ thắt bím; vị ni nào buộc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[555] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni bảo chà xát vùng hông với khúc xương đùi, bảo xoa bóp vùng hông với xương hàm con bò, bảo xoa bóp bàn tay, bảo xoa bóp mu bàn tay, bảo xoa bóp bàn chân, bảo xoa bóp mu bàn chân, bảo xoa bóp đùi, bảo xoa bóp mặt, bảo xoa bóp nướu răng.

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên bảo chà xát vùng hông với khúc xương đùi, không nên bảo xoa bóp vùng hông với xương hàm con bò, không nên bảo xoa bóp bàn tay, không nên bảo xoa bóp mu bàn tay, không nên bảo xoa bóp bàn chân, không nên bảo xoa bóp mu bàn chân, không nên bảo xoa bóp đùi, không nên bảo xoa bóp mặt, không nên bảo xoa bóp nướu răng; vị ni nào bảo xoa bóp thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[556] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư thoa dầu ở mặt, chà xát mặt, đánh phấn ở mặt, đắp mặt bằng phấn đỏ, tô màu ở cơ thể, tô màu ở mặt, tô màu ở mặt và ở cơ thể. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên thoa dầu ở mặt, không nên chà xát mặt, không nên đánh phấn ở mặt, không nên đắp mặt bằng phấn đỏ, không nên tô màu ở cơ thể, không nên tô màu ở mặt, không nên tô màu ở mặt và ở cơ thể; vị ni nào làm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[557] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư kẻ mí mắt, làm dấu ở trán, nhìn qua cửa sổ (xuống đường phố), đứng tựa cửa lớn (khoe phần thân trên), bảo nhảy múa, hỗ trợ gái điếm, lập quán bán rượu, lập tiệm bán thịt, trưng bày cửa hiệu, tiến hành việc cho vay lấy lãi, tiến hành việc thương mãi, nuôi tôi trai, nuôi tớ gái, nuôi trai làm mướn, nuôi gái làm thuê, nuôi thú vật, buôn bán rau xanh, mang mảnh da mài dao cạo. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên kẻ mí mắt, không nên làm dấu ở trán, không nên nhìn qua cửa sổ (xuống đường phố), không nên đứng tựa cửa lớn (khoe phần thân trên), không nên bảo nhảy múa, không nên hỗ trợ gái điếm, không nên lập quán bán rượu, không nên lập tiệm bán thịt, không nên trưng bày cửa hiệu, không nên tiến hành việc cho vay lấy lãi, không nên tiến hành việc thương mãi, không nên nuôi tôi trai, không nên nuôi tớ gái, không nên nuôi trai làm mướn, không nên nuôi gái làm thuê, không nên nuôi thú vật, không nên buôn bán rau xanh, không nên mang mảnh da mài dao cạo; vị ni nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[558] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư mặc các y toàn màu xanh đậm, mặc các y toàn màu vàng, mặc các y toàn màu đỏ, mặc các y toàn màu đỏ sậm, mặc các y toàn màu đen, mặc các y nhuộm toàn màu nổi bật (mahāraṅga), mặc các y nhuộm toàn màu sáng chói (mahānāma),[4] mặc các y không cắt đường viền, mặc các y có đường viền rộng, mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, mặc các y có đường viền có vẽ trái cây, mặc áo choàng, mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên mặc các y toàn màu xanh đậm, không nên mặc các y toàn màu vàng, không nên mặc các y toàn màu đỏ, không nên mặc các y toàn màu đỏ sậm, không nên mặc các y toàn màu đen, không nên mặc các y nhuộm toàn màu nổi bật, không nên mặc các y nhuộm toàn màu sáng chói, không nên mặc các y không cắt đường viền, không nên mặc các y có đường viền rộng, không nên mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, không nên mặc các y có đường viền có vẽ trái cây, không nên mặc áo choàng ngắn, không nên mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây; vị ni nào mặc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[559] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ trong khi lâm chung đã nói như vầy:

- Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng.

Ở nơi ấy, các tỳ khưu và các tỳ khưu ni tranh cãi rằng:

- Thuộc về chúng tôi, thuộc về chúng tôi.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ni trong trong khi lâm chung nói như vầy: “Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,” trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỳ khưu ni.

Này các tỳ khưu, nếu vị tu ni tập sự (sikkhamānā), …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu vị sa di ni trong khi lâm chung nói như vầy: “Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,” trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỳ khưu ni.

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu trong khi lâm chung nói như vầy: “Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,” trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu ni không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỳ khưu.

Này các tỳ khưu, nếu vị sa di, …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu nam cư sĩ, …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu người nữ cư sĩ, …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu người nào khác trong khi lâm chung nói như vầy: “Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,” trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu ni không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỳ khưu.

[560] Vào lúc bấy giờ, có phụ nữ nọ trước đây là người xứ Malla đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Cô ni ấy sau khi gặp vị tỳ khưu yếu đuối trên đường đã cho cái thúc bằng bả vai khiến cho té nhào. Các tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao tỳ khưu ni lại cho vị tỳ khưu cái thúc?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên cho vị tỳ khưu cái thúc; vị ni nào cho thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni bước sang (một bên) nhường lối đi khi nhìn thấy vị tỳ khưu, ngay khi (vị ấy) còn ở đàng xa.

[561] Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ khi chồng đi vắng bị có thai với tình nhân. Cô ấy đã làm cho sẩy thai rồi đã nói với vị tỳ khưu ni quen thuộc điều này:

- Thưa ni sư, xin hãy dùng bình bát mang đi cái bào thai này.

Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã bỏ cái bào thai ấy vào trong bình bát, che kín bằng y hai lớp, rồi ra đi. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đi khất thực đã lập dự tính rằng: “Khi phần vật thực ta thọ lãnh đầu tiên chưa được dâng đến vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni thì ta chưa thọ thực.” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã nhìn thấy vị tỳ khưu ni ấy và đã nói điều này:

- Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.

- Thưa ngài, thôi đi.

Đến lần thứ nhì, vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này:

- Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.

- Thưa ngài, thôi đi.

Đến lần thứ ba, vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này:

- Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.

- Thưa ngài, thôi đi.

- Này chị gái, tôi đã lập dự tính rằng: “Khi phần vật thực ta thọ lãnh đầu tiên chưa được dâng đến vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni thì ta chưa thọ thực.” Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.

Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy trong lúc bị quấy rầy bởi vị tỳ khưu ấy đã đưa bình bát ra cho thấy:

- Thưa ngài, hãy xem cái bào thai trong bình bát nè, nhưng đừng có nói với ai cả.

Khi ấy, vị tỳ khưu ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao tỳ khưu ni lại dùng bình bát mang đi cái bào thai vậy?

Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao tỳ khưu ni lại dùng bình bát mang đi cái bào thai vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên dùng bình bát mang đi bào thai; vị ni nào mang đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni khi gặp vị tỳ khưu thì lấy ra đưa cho xem bình bát.

[562] Vào lúc bấy giờ, khi gặp vị tỳ khưu các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lật úp (bình bát) lại và cho xem phần dưới của bình bát. Các tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao khi gặp vị tỳ khưu các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lật úp (bình bát) lại và cho xem phần dưới của bình bát?

Sau đó, các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, khi gặp vị tỳ khưu tỳ khưu ni không nên lật úp (bình bát) lại và cho xem phần dưới của bình bát; vị nào cho xem thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, khi gặp vị tỳ khưu ta cho phép tỳ khưu ni lật ngửa bình bát rồi đưa cho xem. Và vật thực nào có trong bình bát, nên thỉnh mời vị tỳ khưu bằng vật ấy.

[563] Vào lúc bấy giờ, trên đường phố ở thành Sāvatthi có vật biểu tượng nam tánh bị quăng bỏ. Các tỳ khưu ni đã nhìn chăm chú vào vật ấy. Dân chúng đã cười rộ lên. Các tỳ khưu ni ấy đã bị xấu hổ. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến ni viện và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu ni lại nhìn chăm chú vào vật biểu tượng nam tánh?

Sau đó, các vị tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. …(như trên)… Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên nhìn chăm chú vào vật biểu tượng nam tánh; vị nào nhìn chăm chú thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[564] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thường dâng vật thực cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu cho đến các tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các ngài đại đức lại cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân, không lẽ chúng tôi không biết cho vật thí hay sao?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân; vị nào cho thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[565] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu có được vật thực dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cúng dường đến hội chúng.

Sự dồi dào lại còn nhiều hơn trước nữa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bố thí ngay cả vật dành riêng cho cá nhân.

[566] Vào lúc bấy giờ, vật thực được làm để tích trữ của các tỳ khưu được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỷ kheo, các tỳ khưu ni nhận lãnh vật tích trữ của các tỳ khưu rồi thọ dụng.

[567] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thường dâng vật thực cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni cho đến các tỳ khưu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu ni lại cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân? Không lẽ chúng tôi không biết cho vật thí hay sao?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân; vị ni nào cho thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[568] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni có được vật thực dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cúng dường đến hội chúng.

Sự dồi dào lại còn nhiều hơn trước nữa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bố thí ngay cả vật dành riêng cho cá nhân.

[569] Vào lúc bấy giờ, vật thực được làm để tích trữ của các tỳ khưu ni được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu, các tỳ khưu ni thọ lãnh vật tích trữ của các tỳ khưu ni rồi thọ dụng.

[570] Vào lúc bấy giờ, sàng tọa của các tỳ khưu thì dồi dào, sàng tọa của các tỳ khưu ni thì không có. Các tỳ khưu ni đã gởi sứ giả đến gặp các tỳ khưu:

- Thưa các ngài, lành thay các ngài hãy trao sàng tọa cho chúng tôi trong một thời gian.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trao sàng tọa cho các tỳ khưu ni trong một thời gian.

[571] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni có kinh nguyệt ngồi và nằm trên giường được bọc nệm, trên ghế được bọc nệm. Chỗ nằm ngồi bị lấm lem bởi máu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên ngồi hoặc nằm trên giường được bọc nệm, trên ghế được bọc nệm; vị ni nào ngồi hoặc nằm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) y nội trợ (āvasathacīvaraṃ).

Y nội trợ bị lấm lem bởi máu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) kim gài và mảnh vải (āṇicol,akaṃ).

Mảnh vải bị rơi xuống Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép khâu lại bằng chỉ và buộc ở đùi.

Chỉ bị đứt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) khố (saṃvelliyaṃ) là băng vải buộc ở hông (kaṭisuttakaṃ).

[572] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư mang băng vải buộc ở hông một cách thường xuyên. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- ...(như trên)... giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên mang băng vải buộc ở hông một cách thường xuyên; vị ni nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) băng vải buộc ở hông đối với vị ni có kinh nguyệt.

Dứt tụng phẩm thứ hai.

[573] Vào lúc bấy giờ, các người nữ đã tu lên bậc trên có dáng vẻ: không có hiện tướng (người nữ), không có đủ hiện tướng (người nữ), không có kinh nguyệt (alohitā), bị băng huyết (dhuvalohitā), thường xuyên mang vải lót (dhuvacoḷā), bị rong kinh (paggharantī), bị dị căn (sikhariṇī), người nữ vô căn (itthipaṇḍakā), bị lại đực (vepurisikā), tiêu tiểu chung một khiếu (sambhinnā), người nữ lưỡng căn (ubhatobyañjanā). ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hỏi hai mươi bốn pháp chướng ngại trong khi cho tu lên bậc trên. Và này các tỳ khưu, nên hỏi như vầy: “Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có đủ hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có kinh nguyệt? Cô không phải là người bị băng huyết? Cô không phải là người thường xuyên mang vải lót? Cô không phải là người bị rong kinh? Cô không phải là người bị dị căn? Cô không phải là người nữ vô căn? Cô không phải là người bị lại đực? Cô không phải là người tiêu tiểu chung một khiếu? Cô không phải là người nữ lưỡng căn? Cô có bị các bệnh như thế này hay không: bệnh cùi (kuṭṭhaṃ)? bệnh mụt nhọt (gaṇḍo)? bệnh chàm (kilāso)? bệnh lao phổi (soso)? bệnh động kinh (apamāro)? Cô là loài người? Cô là người nữ? Cô là người được tự do (không phải nô lệ)? Cô không bị thiếu nợ? Cô không phải là lính của vua? Cô đã được cho phép bởi cha mẹ, bởi người chồng? Cô đã tròn hai mươi tuổi? Cô có đầy đủ y bát không? Cô tên gì? Ni sư tế độ (pavattinī) tên gì?”

[574] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu hỏi các pháp chướng ngại của các tỳ khưu ni. Các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép người nữ tu lên bậc trên từ một phía, sau khi được trong sạch ở hội chúng tỳ khưu ni rồi được tu lên bậc trên ở hội chúng tỳ khưu.

[575] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni hỏi các pháp chướng ngại đến các cô có ý muốn tu lên bậc trên chưa được học tập. Các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng giải trước rồi hỏi các pháp chướng ngại sau.

Các vị đã giảng giải ngay tại chổ ấy, ở giữa hội chúng. Như thế ấy, các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng giải ở một góc rồi hỏi các pháp chướng ngại ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên giảng giải như vầy: Trước tiên, nên bảo chọn vị thầy tế độ. Sau khi đã bảo chọn vị thầy tế độ rồi nên chỉ y bát: “Đây là bình bát của cô, đây là y hai lớp (saṅghāṭi), đây là thượng y, đây là y nội, đây là áo lót, đây là vải choàng tắm. Hãy đi đến đứng ở chỗ trống đàng kia.”

Các vị ni ngu dốt, thiếu kinh nghiệm giảng giải. Được giảng giải tồi, các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm không nên giảng giải; vị ni nào giảng giải thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực được giảng giải.

Những vị ni chưa được chỉ định giảng giải. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị ni chưa được chỉ định không nên giảng giải; vị ni nào giảng giải thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị ni đã được chỉ định được giảng giải. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.

[576] Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ giảng giải cho cô ni tên (như vầy).”

Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.

[577] Thế nào là người khác chỉ định cho người khác? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị ni tên (như vầy) sẽ giảng giải cho cô ni tên (như vầy).”

Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.

[578] Vị tỳ khưu ni đã được chỉ định ấy nên đi đến gần cô có ý muốn tu lên bậc trên và nên nói như vầy:

- Này cô tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với cô, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: “Đúng;” nếu không đúng, nên nói: “Không đúng.” Không nên bối rối, không nên mắc cở. Các vị sẽ hỏi cô như vầy: “Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có đủ hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có kinh nguyệt? Cô không phải là người bị băng huyết? Cô không phải là người thường xuyên mang vải lót? Cô không phải là người bị rong kinh? Cô không phải là người bị dị căn? Cô không phải là người người nữ vô căn? Cô không phải là người bị lại đực? Cô không phải là người tiêu tiểu chung một khiếu? Cô không phải là người người nữ lưỡng căn? Cô có bị các bệnh như thế này hay không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Cô là loài người? Cô là người nữ? Cô là người được tự do (không phải nô lệ)? Cô không bị thiếu nợ? Cô không phải là lính của vua? Cô đã được cho phép bởi cha mẹ, bởi người chồng? Cô đã tròn hai mươi tuổi? Cô có đầy đủ y bát không? Cô tên gì? Ni sư tế độ tên gì?

Họ đi đến chung (cùng một lúc). ...(như trên)...

- ...(như trên)... Không nên đi đến chung (cùng một lúc). Vị ni giảng giải nên đi đến trước và thông báo đến hội chúng:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã giảng giải cho cô ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, cô tên (như vầy) nên đi đến.

Và nên nói rằng: “Cô hãy đi đến.

(Cô ấy) nên đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu ni, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên cầu xin sự tu lên bậc trên:

Bạch chư đại đức ni, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch chư đại đức ni, lần thứ nhì tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch chư đại đức ni, lần thứ ba tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.”

Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi các pháp chướng ngại của cô ni tên (như vầy).”

Này cô tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với cô, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: ‘Đúng;’ nếu không đúng, nên nói: ‘Không đúng.’ Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có đủ hiện tướng (người nữ)? …(như trên)… Cô tên gì? Ni sư tế độ tên gì?

Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô ta có đầy đủ y bát. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô ta có đầy đủ y bát. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức ni nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô ta có đầy đủ y bát. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức ni nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[579] Ngay sau khi hoàn tất việc ấy, (cô ni ấy) nên đi đến hội chúng tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên cầu xin sự tu lên bậc trên:

Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.

Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, lần thứ nhì tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.

Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, lần thứ ba tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.

[580] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[581] Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, các tỳ khưu ni nên được nói rằng:

- Nên chỉ dạy cô ni này ba điều nương nhờ[5] và tám điều không nên làm.[6]

[582] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi xác định chỗ ngồi trong nhà ăn đã bị quá giờ (thọ thực). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (chỗ ngồi) của tám tỳ khưu ni tính theo thâm niên, (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến.

[583] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép (chỗ ngồi) của tám tỳ khưu ni tính theo thâm niên, (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến” nên ở khắp mọi nơi chừa lại đúng tám chỗ cho các tỳ khưu ni tính theo thâm niên, các chỗ còn lại thì theo thứ tự đi đến. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trong nhà ăn (chỗ ngồi của) tám tỳ khưu ni tính theo thâm niên và (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến, còn ở những nơi khác không nên chừa lại theo thứ tự thâm niên; vị nào chừa lại thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[584] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không hành lễ Pavāraṇā (Tự Tứ). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên không hành lễ Pavāraṇā; vị ni nào không hành lễ Pavāraṇā nên được hành xử theo Pháp.[7]

[585] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni sau khi hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu ni rồi không hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni sau khi hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu ni rồi không nên không hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu; vị ni nào không hành lễ Pavāraṇā nên được hành xử theo Pháp.

[586] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi hành lễ Pavāraṇā chỉ một phía với các tỳ khưu đã tạo nên sự xáo trộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên hành lễ Pavāraṇā chỉ một phía với các tỳ khưu; vị ni nào hành lễ Pavāraṇā (chỉ một phía) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[587] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi hành lễ Pavāraṇā trước bữa thọ trai nên đã bị quá giờ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni hành lễ Pavāraṇā sau bữa thọ trai.

Sau bữa thọ trai, các vị trong khi còn hành lễ Pavāraṇā đã bị trời tối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu ni ngày hôm nay và hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu vào ngày kế.

[588] Vào lúc bấy giờ, toàn bộ hội chúng tỳ khưu ni trong lúc hành lễ Pavāraṇā đã gây nên sự lộn xộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định một vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm đủ năng lực để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu ni nên được yêu cầu; sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Đại đức ni nào đồng ý việc chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[589] Vị tỳ khưu ni đã được chỉ định ấy nên đưa hội chúng tỳ khưu ni đi đến gặp hội chúng tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

Bạch các ngài, hội chúng tỳ khưu ni xin thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu. Bạch các ngài, do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ, bởi lòng thương xót đối với hội chúng tỳ khưu ni xin hội chúng tỳ khưu hãy nói lên; khi thấy (lỗi) rồi sẽ sửa đổi.

Đến lần thứ nhì, bạch các ngài …(như trên)…

Đến lần thứ ba, bạch các ngài, hội chúng tỳ khưu ni xin thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu. Bạch các ngài, do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ, bởi lòng thương xót đối với hội chúng tỳ khưu ni xin hội chúng tỳ khưu hãy nói lên; khi thấy (lỗi) rồi sẽ sửa đổi.”

[590] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni đình chỉ lễ Uposatha, đình chỉ lễ Pavāraṇā, ban hành mệnh lệnh, thiết lập quyền hạn, thỉnh ý (để buộc tội), quở trách, nhắc nhở đối với các tỳ khưu. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên đình chỉ lễ Uposatha của tỳ khưu, dầu đã bị đình chỉ cũng như không bị đình chỉ; vị ni đình chỉ phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên đình chỉ lễ Pavāraṇā, dầu đã bị đình chỉ cũng như không bị đình chỉ; vị ni đình chỉ phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên ban hành mệnh lệnh, dầu đã ban hành cũng như không ban hành; vị ni ban hành phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên thiết lập quyền hạn, dầu đã được thiết lập cũng như không được thiết lập; vị ni thiết lập phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên thỉnh ý (để buộc tội), dầu đã được thực hiện cũng như không được thực hiện, vị ni thực hiện phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên quở trách, dầu đã quở trách cũng như không quở trách, vị ni quở trách phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên nhắc nhở, dầu đã nhắc nhở cũng như không nhắc nhở, vị ni nhắc nhở phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[591] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đình chỉ lễ Uposatha đình chỉ lễ Pavāraṇā, ban hành mệnh lệnh, thiết lập quyền hạn, thỉnh ý (để buộc tội), quở trách, nhắc nhở đối với các tỳ khưu ni. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu được đình chỉ lễ Uposatha của tỳ khưu ni, khi đã được đình chỉ thì đã được đình chỉ đúng đắn; vị đình chỉ vô tội. Được đình chỉ lễ Pavāraṇā; khi đã được đình chỉ thì đã được đình chỉ đúng đắn; vị đình chỉ vô tội. Được ban hành mệnh lệnh, khi đã được ban hành thì đã được ban hành đúng đắn; vị ban hành vô tội. Được thiết lập quyền hạn, khi đã được thiết lập thì đã được thiết lập đúng đắn; vị thiết lập vô tội. Được thỉnh ý (để buộc tội), khi đã được thực hiện thì đã được thực hiện đúng đắn; vị thực hiện vô tội. Được quở trách, khi đã quở trách thì đã quở trách đúng đắn; vị quở trách vô tội. Được nhắc nhở, khi đã nhắc nhở thì đã nhắc nhở đúng đắn; vị nhắc nhở vô tội.

[592] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư di chuyển bằng xe được kéo bởi bò cái với con bò đực ở giữa, hoặc được kéo bởi bò đực với con bò cái ở giữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như lễ hội ở vùng Gaṅgā và Mahī vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên di chuyển bằng xe; vị ni nào di chuyển nên được hành xử theo Pháp.[8]

[593] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị bệnh, không thể bước đi bằng chân được. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) xe đối với vị tỳ khưu ni bị bệnh.

Khi ấy, các tỳ khưu ni đã khởi ý điều này: “Vậy được kéo bởi bò cái? Hay được kéo bởi bò đực?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) toa xe được kéo bởi bò cái hoặc được kéo bởi bò đực.

[594] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ đã bị khó chịu dữ dội vì xe bị dằn xóc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) kiệu khiêng, ghế khiêng.

[595] Vào lúc bấy giờ, cô kỷ nữ Aḍḍhakāsī đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Và cô ấy có ý định đi đến Sāvatthi: “Ta sẽ tu lên bậc trên với đức Thế Tôn.” Những kẻ bất lương đã nghe rằng: “Nghe nói kỷ nữ Aḍḍhakāsī có ý định đi đến Sāvatthi.” Bọn họ đã bao vây các ngõ đường. Cô kỷ nữ Aḍḍhakāsī đã nghe rằng: “Nghe nói những kẻ bất lương đã bao vây các ngõ đường” nên đã phái sứ giả đến gặp đức Thế Tôn (thưa rằng): “Bởi vì con có ước muốn tu lên bậc trên, con nên tiến hành như thế nào?” Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện.

Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là tỳ khưu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là tỳ khưu; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni tu tập sự (sikkhamānā) …(như trên)… Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là sa di …(như trên)… Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là sa di ni …(như trên)… Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực.

Vị tỳ khưu ni đại diện ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi nên nói như vầy:

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ cô ấy vì lòng thương xót.

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, lần thứ nhì cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ cô ấy vì lòng thương xót.

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni không đi đến chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, lần thứ ba cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ cô ấy vì lòng thương xót.

[596] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, các tỳ khưu ni nên được nói rằng:

- Hãy chỉ dạy cô ni này ba điều nương nhờ và tám điều không nên làm.

[597] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni cư ngụ ở trong rừng. Những kẻ bất lương làm hỗn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên cư ngụ ở trong rừng; vị ni nào cư ngụ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[598] Vào lúc bấy giờ, kho chứa đồ đạc đã được nam cư sĩ nọ cúng dường đến hội chúng tỳ khưu ni. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (cư ngụ ở) kho chứa đồ đạc.

Kho chứa đồ không đáp ứng (nhu cầu). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) căn nhà.

Căn nhà không đáp ứng (nhu cầu). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (xây dựng) công trình mới.

Công trình mới không đáp ứng (nhu cầu). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xây dựng theo cá nhân.

[599] Vào lúc bấy giờ, có phụ nữ mang thai nọ được xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Khi cô ấy đã xuất gia, cái thai đã chào đời. Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Ta nên thực hành như thế nào liên quan đến đứa bé trai này?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nuôi dưỡng cho đến khi đứa bé trai ấy đạt được sự hiểu biết.[9]

Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Ta không thể sống mỗi một mình, và tỳ khưu ni khác không thể sống với đứa bé trai, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định một tỳ khưu ni và cho làm người cộng sự với tỳ khưu ni kia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu ni cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đại đức ni nào đồng ý sự chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy) xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Khi ấy, tỳ khưu ni cộng sự ấy đã khởi ý điều này: “Ta nên thực hành như thế nào liên quan đến đứa bé trai này?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hành liên quan đến đứa bé trai này tương tợ như là thực hành liên quan đến người đàn ông khác ngoại trừ việc ngụ chung nhà.

[600] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị phạm tội nặng và là vị đang thực hành hành phạt mānatta. Khi ấy, tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Ta không thể sống mỗi một mình, và vị tỳ khưu ni khác không thể sống với ta, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định một tỳ khưu ni và cho làm người cộng sự với tỳ khưu ni kia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu ni cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đại đức ni nào đồng ý việc chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy) xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[601] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ đã hoàn tục khi chưa xả bỏ sự học tập. Cô ấy đã quay trở lại và cầu xin các tỳ khưu ni sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không có việc xả bỏ sự học tập đối với tỳ khưu ni; chính khi cô ta bỏ đi thì khi ấy cô ta không còn là tỳ khưu ni nữa.

[602] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ vẫn mang y ca-sa đã chuyển sang sinh hoạt trong khu vực của ngoại đạo. Cô ấy đã quay trở lại và cầu xin các tỳ khưu ni sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni nào mang y ca-sa chuyển sang sinh hoạt trong khu vực của ngoại đạo, khi cô ấy quay trở lại thì không nên cho tu lên bậc trên nữa.[10]

[603] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni do ngại ngùng nên không thừa nhận việc đảnh lễ, việc cạo tóc, việc cắt móng, việc băng bó vết thương bởi những người đàn ông. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thừa nhận (những việc ấy).

[604] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni ngồi kiết già thỏa thích với sự xúc chạm ở gót chân. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên ngồi kiết già; vị ni nào ngồi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[605] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị bệnh. Không xếp chân thế kiết già, vị ni ấy không được an lạc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thế bán già đối với tỳ khưu ni.

[606] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni đại tiện ở nhà vệ sinh. Các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư trục bào thai ngay tại chỗ ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên thực hiện việc đại tiện ở trong nhà vệ sinh; vị ni nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc đại tiện ở chỗ trống trải phần bên dưới và che kín phần bên trên.

[607] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm với bột phấn thoa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm với bột phấn thoa; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cám thô và đất sét.

[608] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm với đất sét có mùi thơm. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm với đất sét có mùi thơm; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) đất sét loại bình thường.

[609] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư trong khi tắm ở nhà tắm hơi đã gây nên sự lộn xộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở nhà tắm hơi; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[610] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm ở luồng nước chảy. Các vị ni đã thỏa thích với sự xúc chạm của giòng nước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở luồng nước chảy; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[611] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm ở chỗ không phải là bãi tắm. Những kẻ bất lương làm hỗn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở chỗ không phải là bãi tắm; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[612] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm ở bãi tắm dành cho người nam. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở bãi tắm dành cho người nam; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép tắm ở bãi tắm dành cho phụ nữ.

Dứt tụng phẩm thứ ba.

Dứt Chương Tỳ Khưu Ni là chương thứ mười.
Trong chương này có một trăm lẻ sáu sự việc.

*******

Tóm lược chương này:

[613]

Gotamī xin tu,
đấng Thiện Thệ không cho,
vị Lãnh Đạo đã rời
Kapilavatthu
đi đến Vesālī.
Bà đầy bụi, ở cửa,
Ānanda biết đến,
rồi ngài đã yêu cầu
bằng cách: “Có khả năng?”
“Là mẹ,” và “Bảo mẫu.”
Trăm năm và hôm nay,
không tỳ khưu, mong mỏi,
Tự Tứ và Trọng Pháp,
hai năm, không được mắng,
bị cấm và tám pháp,
thực hành đến trọn đời,
việc thọ trì Trọng Pháp,
chính là việc cho bà
được tu lên bậc trên.
Ngàn năm còn năm trăm,
trộm cướp, bệnh mốc trắng,
tương tợ bệnh rệp cây,
việc tổn hại Chánh Pháp.
người cần phải đắp đê,
tương tợ như là việc
tồn tại của Chánh Pháp.
Bà được tu bậc trên,
đảnh lễ theo thâm niên.
không thực hành, tại sao?
tương đương, không tương đương,
giáo giới và giới bổn,
“Ai sẽ đến chỗ ni?”
Họ không biết, chỉ dạy,
không làm với tỳ khưu,
cho phép các tỳ khưu
được phép ghi nhận tội,
bởi các tỳ khưu ni,
việc ghi nhận (được hành).
Vị ấy đã chỉ dẫn,
hành sự với tỳ khưu,
dân chúng thì phàn nàn,
hoặc do tỳ khưu ni,
được chỉ dạy, xung đột,
sau khi bàn giao lại,
Uppalavaṇṇā.
Ở thành Sāvatthi,
nước bùn, không đảnh lễ,
(khoe) thân thể và đùi,
chỗ kín, và trò chuyện,
họ giao lưu nhóm bọn,
hành phạt không đảnh lễ,
các vị tỳ khưu ni
cũng giống y như thế.
Việc ngăn cấm, giáo giới,
được phép? Vị bỏ đi,
ngu dốt, không lý lẽ,
không tuyên bố quyết định,
việc giáo giới, hội chúng,
với năm ni, hai ni,
ba ni, không thọ lãnh,
vị dốt, bệnh, ra đi,
vị ở rừng, không báo,
và họ không đi đến.
Dài, tre chẻ, da thú,
vải dệt, tết đuôi sam,
sợi vải tết đuôi sam,
chỉ sợi tết đuôi sam
và thắt bím, khúc  xương,
và xương hàm con bò,
phần mu của bàn tay,
cũng như thế ở chân,
ở đùi, mặt, nướu răng,
thoa dầu, xát, đánh phấn,
đắp mặt, tô cơ thể,
và tô màu ở mặt,
như thế ở hai nơi,
kẻ mí mắt, dấu trán,
nhìn ra, tựa cửa lớn,
và việc nhảy múa chung,
gái điếm, quán bán rượu,
tiệm bán thịt, bày hàng,
lấy lãi, làm thương mãi,
tớ trai, gái, nhân công,
gái làm thuê nuôi nấng,
thú vật, rồi buôn bán,
họ mang vải mài dao.
Màu xanh đậm, vàng, đỏ,
y đỏ sậm, màu đen,
màu nổi bật, sáng chói,
không cắt, viền quá rộng,
hoa, cây trái, áo choàng,
và mặc vải sợi cây.
Tỳ khưu ni, học nữ,
sa di ni chết đi,
để lại các vật dụng,
tỳ khưu ni là chủ.
Của tỳ khưu, sa di,
của thiện nam, tín nữ,
vật người khác để lại,
các tỳ khưu là chủ.
Cô ni người Malla,
bào thai, đáy bình bát,
dương vật, và thức ăn,
dồi dào và nhiều nữa,
vật thực để tích trữ,
của các vị tỳ khưu,
phần dưới giống như vậy,
làm tương tợ như thế
đối với tỳ khưu ni.
Chỗ ngồi, có kinh nguyệt,
bị dơ, và mảnh vải,
bị đứt, và mọi lúc,
lại không có hiện tướng,
được thấy thiếu hiện tướng,
và các kỳ kinh nguyệt,
cũng vậy, máu ứ đọng,
thường xuyên phải mang vải,
bị rong kinh, dị tướng,
vô căn, bị lại đực,
tiêu tiểu chung một đường,
và có cả hai căn.
Điều này như ở dưới,
bệnh cùi, nhọt, bệnh chàm,
lao, động kinh, là người,
là nữ, và tự do,
không nợ, không lính vua,
được phép, và hai mươi,
đủ (y bát), tên gì?                         
Ni tế độ tên gì?
Hai mươi bốn chướng ngại,
sau khi đã hỏi xong,
việc tu lên bậc trên,
các cô bị bối rối,
khi chưa được chỉ dạy,
giữa hội chúng, cũng vậy.
Chọn thầy, y hai lớp,
thượng y, và y nội.
áo lót, và vải tắm,
sau khi được chỉ dạy,
thì nên được sử dụng.
Ngu dốt, chưa chỉ định,
được làm, vị cầu xin,
hỏi các pháp chướng ngại,
cô ni đã được tu
lên bậc trên một phía,
ở hội chúng tỳ khưu
thời cũng y như thế,
bóng nắng, mùa tiết, ngày,
điều đã được kết tập,
ba vật được nương nhờ,
tám điều chẳng nên làm.
(Trễ) giờ, ở mọi nơi
đều được chừa tám chỗ,
tỳ khưu ni không hành
lễ Pavāraṇā,
và cũng y như thế
nơi hội chúng tỳ khưu.
Xáo trộn trước bữa ăn,
xáo trộn vì tối trời,
lễ Bố Tát, Tự Tứ,
mệnh lệnh và quyền hạn,
giành chỗ, trách, nhắc nhở,
Đại Ẩn Sĩ ngăn cấm,
cũng như thế tỳ khưu
đối với tỳ khưu ni,
Đại Ẩn Sĩ cho phép.
Đi xe, bệnh, buộc vào,
xe thì bị dằn xóc,
chuyện Aḍḍhakāsī,
tỳ khưu, ni tập sự,
sa di, sa di ni,
và bởi ni ngu dốt.
Trong rừng, bởi thiện nam,
kho chứa đồ, nhà ở,
công trình mới chẳng màng.
Vị ni ở một mình,
đã có thai từ trước,
chung nhà, và tội nặng,
chưa xả bỏ (điều học)
và ni ấy đến gần.
Việc đảnh lễ, cạo tóc,
cắt móng, băng vết thương.
Thế kiết già, vị bệnh,
đại tiện, và bột tắm,
tẩm hương thơm, nhà tắm,
ở nơi giòng nước chảy,
không phải là bãi tắm,
và (tắm) với người nam.
Gotamī cầu xin,
Ānanda khôn khéo,
đã có được tứ chúng.
Các vị đã xuất gia
trong Giáo Pháp của Phật,
có trí óc bén nhạy
vì lợi ích chúng sanh,
và phát triển Chánh Pháp,
giống như thuốc người bệnh,
cũng thế Phật dạy rồi.
Được hướng dẫn như thế
ở ngay trong Chánh Pháp,
các cô người nữ khác
cũng đạt đến Bất Tử,
đến được nơi ấy rồi
không còn sầu khổ nữa.


[1] Là việc tiến hành lễ Pavāraṇā (Tự Tứ) sau khi an cư mùa mưa (Chú thích của người dịch).

[2] Ngài Buddhaghosa giải thích như sau: Nói đến 1000 năm là đề cập đến sự diệt tận các lậu hoặc với sự thành đạt về bốn Tuệ Phân Tích. Từ đó về sau là 1000 năm của sự diệt tận các lậu hoặc do thuần túy Minh Sát, 1000 năm của đạo quả Bất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhập Lưu. Như vậy, Pháp Thành sẽ tồn tại 5000 năm

[3] Liên quan đến tám Trọng Pháp và tội pācittiya (ưng đối trị) 58 của tỳ khưu ni.

[4] Không tìm thấy lời giải thích của ngài Buddhaghosa về hai màu nhuộm này và cũng không tìm thấy nghĩa dịch ở từ điển. Dịch giả I. B. Horner dịch là brownish-yellow (vàng nâu) và reddish-yellow (vàng cam). Chúng tôi tạm phỏng dịch theo từ và mạch văn.

[5] Tỳ khưu ni không được ngụ ở rừng nên không có điều nương vào chỗ trú ngụ là gốc cây, trong khi tỳ khưu có bốn điều.

[6] Là tám điều pārājika (bất cộng trụ), trong khi tỳ khưu chỉ có bốn điều.

[7] Phần này và phần kế tiếp liên quan đến tám Trọng Pháp và tội pācittiya (ưng đối trị) 57 của tỳ khưu ni.

[8] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 85 của tỳ khưu ni.

[9] Ngài Buddhaghosa giải thích là cho đến khi đứa bé có thể nhai, ăn, tắm, trang phục đúng cách.

[10] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng ngay cả việc xuất gia (làm sa di ni) cũng không được.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 02 | 03a | 03b | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt-Thiên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 06-06-2005

Luat - Tieu Pham
Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tạng Luật
Vinaya Pitaka

Tiểu Phẩm
Cullavagga

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


X. CHƯƠNG TỲ KHƯU NI
(BHIKKHUNĪKHANDHAKAṂ)

[513] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự trong lãnh thổ của dòng Sākya (Thích Ca) ở thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), tu viện Nigrodha. Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Gotamī, thôi đi! Bà chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Đến lần thứ nhì, …(như trên)…

Đến lần thứ ba, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Gotamī, thôi đi! Bà chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố” nên khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, vừa khóc lóc, vừa đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

[514] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã ngự tại thành Kapilavatthu theo như ý thích đã ra đi du hành đi về phía thành Vesālī. Trong khi tuần du hành, ngài đã ngự đến thành Vesālī. Tại nơi đó, trong thành Vesālī, đức Thế Tôn ngự tại Mahāvana (Đại Lâm), giảng đường Kūṭāgāra.

Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nhờ người cạo tóc, khoác y phục màu ca-sa cùng với nhiều người nữ dòng Sākya đã ra đi về hướng thành Vesālī, tuần tự đã đi đến thành Vesālī, Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cổng ra vào. Đại đức Ānanda đã nhìn thấy bà Mahāpajāpati Gotamī với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cổng ra vào, sau khi nhìn thấy đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī điều này:

- Này bà Gotamī, tại sao bà lại có hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đứng khóc lóc ở bên ngoài cổng ra vào vậy?

- Thưa ngài Ānanda, như thế này bởi vì đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này bà Gotamī, nếu vì chuyện đó thì bà hãy ở ngay tại đây trong chốc lát để tôi cầu xin đức Thế Tôn việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

[515] Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī này với hai bàn chân sưng vù, thân hình phủ đầy bụi bặm, khổ sở, buồn rầu, mặt mày ủ dột, đang đứng khóc lóc ở bên ngoài cổng ra vào (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép người nữ việc rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.” Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Đến lần thứ nhì, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Đến lần thứ ba, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

- Này Ānanda, thôi đi! Ngươi chớ có nghĩ đến việc nữ nhân rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố nữa.

Khi ấy, đại đức Ānanda (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố; có lẽ ta nên cầu xin đức Thế Tôn việc người nữ rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố bằng một phương thức khác?” Sau đó, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, người nữ có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, hoặc quả vị Nhất Lai, hoặc quả vị Bất Lai, hoặc quả vị A-la-hán hay không?

- Này Ānanda, sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, nữ nhân có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, luôn cả quả vị A-la-hán.

- Bạch ngài, nếu sau khi rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, người nữ có khả năng chứng đạt quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, luôn cả quả vị A-la-hán nữa; bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī có nhiều công đức đối với đức Thế Tôn, là dì ruột, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng, là người cho sữa, bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa khi người mẹ ruột qua đời. Bạch ngài, tốt đẹp thay người nữ có thể đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố.

[516] - Này Ānanda, nếu bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, hãy xem chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà:

Tỳ khưu ni đã tu lên bậc trên được một trăm năm nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến vị tỳ khưu vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vào mỗi nửa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng tỳ khưu là việc hỏi ngày lễ Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni đã trải qua mùa (an cư) mưa nên yêu cầu [1] ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vi phạm tội nghiêm trọng nên thực hành hành phạt mānatta nửa tháng ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Cô ni tu tập sự (sikkhamānā) đã thực hành sự học tập về sáu pháp trong hai năm nên tầm cầu sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép mắng chửi nói xấu tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các tỳ khưu ni đến các tỳ khưu bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các tỳ khưu đến các tỳ khưu ni không bị ngăn cấm. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Này Ānanda, nếu bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, hãy xem chính điều ấy là sự tu lên bậc trên đối với bà.

[517] Sau đó, đại đức Ānanda đã học tám Trọng Pháp từ đức Thế Tôn rồi đã đi đến gặp bà Mahāpajāpati Gotamī, sau khi đến đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī điều này:

- Này bà Gotamī, nếu bà có thể thọ nhận tám Trọng Pháp thì chính điều ấy sẽ là sự tu lên bậc trên đối với bà:

Tỳ khưu ni đã tu lên bậc trên được một trăm năm nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến vị tỳ khưu vừa tu lên bậc trên vào ngày hôm ấy. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni không nên an cư mùa mưa ở trú xứ không có tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vào mỗi nửa tháng nên mong mỏi hai việc từ hội chúng tỳ khưu là việc hỏi ngày lễ Uposatha và việc đi đến (để nghe) giáo giới. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni đã trải qua mùa (an cư) mưa nên yêu cầu ở cả hai hội chúng dựa trên ba yếu tố: do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni vi phạm tội nghiêm trọng nên thực hành hành phạt mānatta nửa tháng ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Cô ni tu tập sự (sikkhamānā) đã thực hành sự học tập về sáu pháp trong hai năm nên tầm cầu sự tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Tỳ khưu ni không vì bất cứ nguyên do gì được phép mắng chửi nói xấu tỳ khưu. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Kể từ hôm nay, việc khuyên bảo của các tỳ khưu ni đến các tỳ khưu bị ngăn cấm, việc khuyên bảo của các tỳ khưu đến các tỳ khưu ni không bị ngăn cấm. Đây cũng là pháp cần được trọng vọng, cung kỉnh, tôn kính, cúng dường, và không được vi phạm cho đến trọn đời.

Này bà Gotamī, nếu bà có thể thọ nhận tám Trọng Pháp này thì chính điều ấy sẽ là sự tu lên bậc trên đối với bà.

- Thưa đại đức Ānanda, cũng giống như người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu sau khi nhận được tràng hoa sen, hoặc tràng hoa nhài, hoặc tràng hoa đủ loại nên thọ lãnh bằng hai tay rồi đặt lên ở đỉnh đầu; thưa đại đức Ānanda, cũng tương tợ như vậy, tôi thọ nhận tám Trọng Pháp này cho đến trọn đời không vi phạm.

[518] Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã thọ nhận tám Trọng Pháp. Người dì của đức Thế Tôn đã được tu lên bậc trên.

- Này Ānanda, nếu nữ nhân không đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, Phạm hạnh có thể sẽ được tồn tại lâu dài, Thánh Pháp (saddhamma) có thể tồn tại một ngàn năm.[2] Này Ānanda, bởi vì nữ nhân đã xuất gia rời nhà sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này Ānanda, giờ đây Phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài, này Ānanda, giờ đây Thánh Pháp sẽ tồn tại chỉ còn năm trăm năm.

Này Ānanda, cũng giống như những gia đình có nhiều người nữ, ít người nam thường dễ bị các kẻ cướp, các kẻ trộm đột nhập; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, trong Pháp và Luật nào nữ nhân đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như trong thửa ruộng lúa đang phát triển, có loại bệnh gọi là mốc trắng xuất hiện, như thế ruộng lúa ấy không tồn tại lâu dài; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, trong Pháp và Luật nào nữ nhân đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như trong ruộng mía đường đang phát triển, có loại bệnh gọi là rệp cây xuất hiện, như thế ruộng mía ấy không tồn tại lâu dài; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, trong Pháp và Luật nào nữ nhân đạt được sự xuất gia rời nhà sống không nhà, Phạm hạnh ấy không được tồn tại lâu dài.

Này Ānanda, cũng giống như người đàn ông chính vì phòng xa nên củng cố bờ đê của cái hồ lớn để không có sự tràn ra của nước; này Ānanda, cũng tương tợ như thế, tám Trọng Pháp do ta chính vì phòng xa đã quy định cho các tỳ khưu ni cho đến trọn đời không được vi phạm.

Dứt Tám Trọng Pháp của các tỳ khưu ni.

[519] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã ở đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con thực hành như thế nào đối với các người nữ dòng Sākya này?

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpati Gotamī bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni được tu lên bậc trên với các tỳ khưu.

[520] Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī điều này:

- Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: “Các tỳ khưu ni được tu lên bậc trên với các tỳ khưu.”

Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Thưa đại đức Ānanda, các tỳ khưu ni này đã nói với tôi như vầy: “Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: Các tỳ khưu ni được tu lên bậc trên với các tỳ khưu.’”

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói như vầy: “Thưa đại đức Ānanda, các tỳ khưu ni này đã nói với tôi như vầy: ‘Bà chưa được tu lên bậc trên, và chúng tôi đã được tu lên bậc trên; bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như thế này: Các tỳ khưu ni được tu lên bậc trên với các tỳ khưu.’”

- Này Ānanda, kể từ lúc bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám Trọng Pháp, chính việc ấy là đã được tu lên bậc trên đối với bà.

[521] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Thưa đại đức Ānanda, con cầu xin đức Thế Tôn một điều ước muốn. Thưa đại đức, tốt đẹp thay đức Thế Tôn có thể cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp là tính theo thâm niên (yathāvuḍḍhaṃ) đối với các tỳ khưu và các tỳ khưu ni.

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói như vầy: “Thưa đại đức Ānanda, con cầu xin đức Thế Tôn một điều ước muốn. Thưa đại đức, tốt đẹp thay đức Thế Tôn có thể cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp là tính theo thâm niên đối với các tỳ khưu và các tỳ khưu ni.”

- Này Ānanda, việc đức Như Lai có thể cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến nữ nhân là điều không có cơ sở và không hợp lý. Này Ānanda, bởi vì các ngoại đạo này có kỷ luật không nghiêm khắc còn không thực hành sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến nữ nhân; vậy điều gì khiến Như Lai lại cho phép sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến nữ nhân?

Sau đó, đức Thế tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, (và) hành động thích hợp đến nữ nhân; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[522] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có những điều học của các tỳ khưu ni tương đương với các tỳ khưu, bạch ngài, chúng con thực hành những điều học ấy như thế nào?

- Này Gotamī, có những điều học của các tỳ khưu ni tương đương với các tỳ khưu, các tỳ khưu học tập thế nào các ngươi hãy học tập những điều học ấy như thế.

- Bạch ngài, có những điều học của các tỳ khưu ni không tương đương với các tỳ khưu, bạch ngài, chúng con thực hành những điều học ấy như thế nào?

- Này Gotamī, có những điều học của các tỳ khưu ni không tương đương với các tỳ khưu, các ngươi hãy học tập những điều học ấy như đã được quy định.

[523] Sau đó, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpati Gotamī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, lành thay xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Pháp một cách vắn tắt để con sau khi nghe Pháp của đức Thế Tôn có thể sống một mình, cách ly, không biếng nhác, tinh tấn, có sự quyết tâm.

- Này Gotamī, bà nên biết rằng các Pháp nào (có đặc tính như vầy): Các pháp này đưa đến tham ái mà không đưa đến ly tham ái, đưa đến sự ràng buộc mà không đưa đến sự thoát khỏi ràng buộc, đưa đến sự tích lũy mà không đưa đến sự không tích lũy, đưa đến sự ham muốn nhiều mà không đưa đến sự ham muốn ít, đưa đến sự bực bội mà không đưa đến sự hoan hỷ, đưa đến sự tụ hội mà không đưa đến sự đơn độc, đưa đến sự biếng nhác mà không đưa đến sự khởi công tinh tấn, đưa đến sự khó nuôi dưỡng mà không đưa đến sự dễ nuôi dưỡng; này Gotamī, bà nên xác định dứt khoát rằng: “Điều này không phải là Pháp, điều này không phải là Luật, điều này không phải là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư.

Này Gotamī, bà nên biết rằng các Pháp nào (có đặc tính như vầy): Các pháp này đưa đến ly tham ái mà không đưa đến tham ái, đưa đến sự thoát khỏi ràng buộc mà không đưa đến sự ràng buộc, đưa đến sự không tích lũy mà không đưa đến sự tích lũy, đưa đến sự ham muốn ít mà không đưa đến sự ham muốn nhiều, đưa đến sự hoan hỷ mà không đưa đến sự bực bội, đưa đến sự đơn độc mà không đưa đến sự tụ hội, đưa đến sự khởi công tinh tấn mà không đưa đến sự biếng nhác, đưa đến sự dễ nuôi dưỡng mà không đưa đến sự khó nuôi dưỡng; này Gotamī, bà nên xác định dứt khoát rằng: “Điều này là Pháp, điều này là Luật, điều này là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư.

[524] Vào lúc bấy giờ, giới bổn Pātimokkha không được đọc tụng cho các tỳ khưu ni. …(như trên)… Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn, …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai sẽ đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni.

[525] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đi đến chỗ ngụ của các tỳ khưu ni và đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này sẽ hưởng lạc với những bà này.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni đọc tụng giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu ni không biết: “Giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng như vầy.” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: “Các vị nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha như vầy.

[526] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không sám hối tội. ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên không sám hối tội; vị ni nào không sám hối thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Các tỳ khưu ni không biết: “Tội nên được sám hối như vầy.” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: “Các vị nên sám hối tội như vầy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai sẽ ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni?” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni.

[527] Vào lúc bấy giờ, khi nhìn thấy vị tỳ khưu trên đường đi, ở ngõ cụt, nơi giao lộ, các tỳ khưu ni để xuống bình bát trên mặt đất, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi sám hối tội. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Hồi hôm họ đã gây gỗ nên giờ xin lỗi.

...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu không nên ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni; vị nào ghi nhận thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu ni không biết: “Tội sẽ được ghi nhận như vầy.” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: “Các vị nên ghi nhận tội như vầy.

[528] Vào lúc bấy giờ, hành sự cho các tỳ khưu ni đã không được thực thi. ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai sẽ thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni.

[529] Vào lúc bấy giờ, khi gặp vị tỳ khưu trên đường đi, ở ngõ cụt, nơi giao lộ, các tỳ khưu ni có hành sự đã được hoàn tất để xuống bình bát trên mặt đất, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, bày tỏ sự hối lỗi, trong khi nghĩ rằng: “Chắc là nên được thực hiện như vầy.” Cũng y như thế, dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Hồi hôm họ đã gây gỗ nên giờ xin lỗi.

Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu không nên thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni; vị nào thực thi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu ni thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu ni không biết: “Hành sự sẽ được thực thi như vầy.” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu chỉ dẫn các tỳ khưu ni: “Các vị nên thực thi hành sự như vầy.

[530] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni sinh hoạt trong hội chúng đã nảy sinh ra xung đột, đã nảy sinh ra gây gỗ, đã đưa đến tranh cãi, trong khi làm tổn thương lẫn nhau bằng các vũ khí mồm miệng, họ không thể làm lắng dịu sự tranh tụng ấy. ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu làm lắng dịu sự tranh tụng của các tỳ khưu ni.

[531] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu làm lắng dịu sự tranh tụng của các tỳ khưu ni. Trong khi sự tranh tụng ấy đang được xét xử, các vị được biết rằng các tỳ khưu ni cần thiết cho hành sự cũng có vi phạm tội. Các tỳ khưu ni đã nói như vầy:

- Thưa các đại đức, tốt lành thay chính các ngài đại đức hãy thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni, chính các ngài đại đức hãy ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Các tỳ khưu nên làm lắng dịu sự tranh tụng của các tỳ khưu ni.”

Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu xác định hành sự của các tỳ khưu ni rồi bàn giao lại cho các tỳ khưu ni, và các tỳ khưu ni được thực thi hành sự cho các tỳ khưu ni; (cho phép) các tỳ khưu xác định tội của các tỳ khưu ni rồi bàn giao lại cho các tỳ khưu ni, và các tỳ khưu ni được ghi nhận tội cho các tỳ khưu ni.

[532] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni học trò của tỳ khưu ni Uppalavanṇṇā trong khi học tập về Luật đã theo đức Thế tôn bảy năm. Cô ấy có trí nhớ bị lộn xộn nên càng học càng quên. Rồi vị tỳ khưu ni ấy đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn có ý định đi đến thành Sāvatthi.” Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Trong khi học tập về Luật, ta đã theo đức Thế Tôn bảy năm. Ta có trí nhớ bị lộn xộn nên càng học càng quên. Thật khó khăn cho người nữ để đi theo bậc Đạo Sư cho đến trọn đời; vậy ta nên thực hành như thế nào?” Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu giảng về Luật cho các tỳ khưu ni.

Dứt tụng phẩm thứ nhất.

[533] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã đã ngự tại Vesāli theo như ý thích đã lên đường du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó trong thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư rắc nước bùn lên các tỳ khưu ni (nghĩ rằng): “Để các ni có thể chú ý đến chúng ta.” ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu không nên rắc nước bùn lên các tỳ khưu ni; vị nào rắc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị tỳ khưu ấy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực thi?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, hội chúng tỳ khưu ni không cần thực hiện việc đảnh lễ đối với vị tỳ khưu ấy.

[534] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư vén hở thân rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, vén hở đùi rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, vén hở chỗ kín rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, trò chuyện với các tỳ khưu ni, giao lưu với các tỳ khưu ni (nghĩ rằng): “Để các ni có thể chú ý đến chúng ta.” ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu không nên vén hở thân rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, không nên vén hở đùi rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, không nên vén hở chỗ kín rồi chỉ cho các tỳ khưu ni thấy, không nên trò chuyện với các tỳ khưu ni, không nên giao lưu với các tỳ khưu ni; vị nào giao lưu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị tỳ khưu ấy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực thi?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, hội chúng tỳ khưu ni không cần thực hiện việc đảnh lễ đối với vị tỳ khưu ấy.

[535] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư rắc nước bùn lên các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Để các vị có thể chú ý đến chúng ta.” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên rắc nước bùn lên các tỳ khưu; vị ni nào rắc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với tỳ khưu ni ấy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực thi?” Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi việc ngăn cấm (đi vào trú xứ của tỳ khưu).

Khi việc ngăn cấm được thực thi, họ không chấp hành. Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đình chỉ việc giáo giới.

[536] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư vén hở thân rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, vén hở ngực rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, vén hở đùi rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, vén hở chổ kín rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, trò chuyện với các tỳ khưu, giao lưu với các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Để các vị có thể chú ý đến chúng ta.” ...(như trên)... Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên vén hở thân rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, không nên vén hở ngực rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, không nên vén hở đùi rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, không nên vén hở chổ kín rồi chỉ cho các tỳ khưu thấy, không nên trò chuyện với các tỳ khưu, không nên giao lưu với các tỳ khưu; vị ni nào giao lưu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị tỳ khưu ni ấy.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực thi?” Các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi việc ngăn cấm (đi vào trú xứ của tỳ khưu).

Khi việc ngăn cấm được thực thi, họ không chấp hành. Các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đình chỉ việc giáo giới.

[537] Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Lễ Uposatha được phép thực hiện với tỳ khưu ni bị đình chỉ giáo giới hay không được phép?” Các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, lễ Uposatha không nên thực hiện với tỳ khưu ni bị đình chỉ giáo giới cho đến khi nào sự tranh tụng ấy chưa được giải quyết.

[538] Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi sau khi đình chỉ việc giáo giới đã ra đi du hành. Các tỳ khưu ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao ngài đại đức Udāyi sau khi đình chỉ việc giáo giới lại ra đi du hành?

...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, sau khi đình chỉ việc giáo giới rồi không nên ra đi du hành; vị nào ra đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[539] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ngu dốt không có kinh nghiệm đình chỉ việc giáo giới. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, việc giáo giới không nên bị đình chỉ bởi vị ngu dốt, không có kinh nghiệm; vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[540] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đình chỉ việc giáo giới không có sự việc, không có nguyên do. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, việc giáo giới không nên bị đình chỉ không có sự việc, không có nguyên do; vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[541] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sau khi đình chỉ việc giáo giới không tuyên bố quyết định. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, sau khi đình chỉ việc giáo giới, không nên không tuyên bố quyết định; vị nào không tuyên bố thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[542] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không đi (để nghe) giáo giới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên không đi (để nghe) giáo giới; vị ni nào không đi nên được hành xử theo Pháp.[3]

[543] Vào lúc bấy giờ, toàn bộ hội chúng tỳ khưu ni đều đi (để nghe) giáo giới. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này sẽ hưởng lạc với những bà này.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đi (để nghe) giáo giới toàn bộ hội chúng tỳ khưu ni. Nếu đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép đi (để nghe) giáo giới bốn hay năm tỳ khưu ni.

[544] Vào lúc bấy giờ, bốn hay năm tỳ khưu ni đi (để nghe) giáo giới. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai y như thế:

- Những bà này là vợ của những ông này, những bà này là tình nhân của những ông này. Bây giờ những ông này này sẽ hưởng lạc với những bà này.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đi (để nghe) giáo giới bốn hay năm tỳ khưu ni. Nếu đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép đi (để nghe) giáo giới hai hay ba tỳ khưu ni.

Nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi nên nói như vầy: “Thưa ngài đại đức, hội chúng tỳ khưu ni đảnh lễ ở chân của hội chúng tỳ khưu và cầu xin việc đến gần (để nghe) giáo giới. Thưa ngài, xin ban cho hội chúng tỳ khưu ni việc đến gần (để nghe) giáo giới.”

Vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha và nên nói như vầy: “Thưa ngài, hội chúng tỳ khưu ni đảnh lễ ở chân của hội chúng tỳ khưu và cầu xin việc đến gần (để nghe) giáo giới. Thưa ngài, xin ban cho hội chúng tỳ khưu ni việc đến gần (để nghe) giáo giới.”

Vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: “Có vị tỳ khưu nào đó đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni?” Nếu có vị tỳ khưu nào đó đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: “Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, hội chúng tỳ khưu ni hãy đi đến gặp vị ấy.” Nếu không có vị tỳ khưu nào đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: “Vị đại đức nào đủ khả năng để giáo giới tỳ khưu ni?” Nếu có vị nào đó đủ khả năng để giáo giới tỳ khưu ni và vị ấy hội đủ tám điều kiện, sau khi chỉ định xong nên nói rằng: “Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, hội chúng tỳ khưu ni hãy đi đến gặp vị ấy.” Nếu không có vị nào đủ khả năng để giáo giới tỳ khưu ni, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên nói rằng: “Không có tỳ khưu nào được chỉ định là vị giáo giới tỳ khưu ni, mong rằng hội chúng tỳ khưu ni có được sự hoan hỷ.

[545] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu không nhận lãnh việc giáo giới. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, không thể không nhận lãnh việc giáo giới; vị nào không nhận lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[546] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là ngu dốt. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này:

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Này các chị gái, bởi vì tôi ngu dốt, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Các tỳ khưu nên nhận lãnh việc giáo giới cho các tỳ khưu ni.”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.

[547] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này:

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Này các chị gái, bởi vì tôi bị bệnh, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Trừ ra vị ngu dốt, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới.”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.

[548] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là vị xuất hành. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này:

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Này các chị gái, bởi vì tôi là vị xuất hành, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới.”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, trừ ra vị xuất hành, các vị còn lại nhận lãnh việc giáo giới.

[549] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ cư ngụ ở trong rừng. Các tỳ khưu ni đã đi đến gặp vị ấy và đã nói điều này:

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới.

- Này các chị gái, bởi tôi cư ngụ ở trong rừng, làm sao tôi nhận lãnh việc giáo giới được?

- Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lãnh việc giáo giới, bởi vì đức Thế Tôn đã quy định như vầy: “Trừ ra vị ngu dốt, trừ ra vị bị bệnh, trừ ra vị xuất hành, các vị còn lại nên nhận lãnh việc giáo giới.”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu là vị ngụ ở rừng nhận lãnh việc giáo giới và (cho phép) quy định điểm hẹn: “Tôi sẽ thực hiện ở chỗ này.

[550] Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh việc giáo giới các tỳ khưu không thông báo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, không thể không thông báo việc giáo giới; vị nào không thông báo thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[551] Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh việc giáo giới các tỳ khưu không thực hiện (paccāharati). ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, việc giáo giới không thể không thực hiện; vị nào không thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[552] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không đi đến điểm hẹn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không thể không đi đến điểm hẹn; vị ni nào không đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[553] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni mang dây buộc thân loại dài và buộc thành dải tua với chúng. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên mang dây buộc thân loại dài; vị ni nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni (sử dụng) dây buộc thân được thực hiện một vòng, và không nên buộc thành dải tua với nó; vị ni nào buộc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[554] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni buộc (dây thắt lưng) thành dải tua bằng sợi tre chẻ mỏng, buộc thành dải tua bằng sợi da thú, buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt, buộc thành dải tua bằng vải dệt tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng vải dệt thắt bím, buộc thành dải tua bằng sợi vải coḷa, buộc thành dải tua bằng vải coḷa tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng vải coḷa thắt bím, buộc thành dải tua bằng chỉ tết đuôi sam, buộc thành dải tua bằng chỉ thắt bím. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên buộc (dây thắt lưng) thành dải tua bằng sợi tre chẻ mỏng, không nên buộc thành dải tua bằng sợi da thú, không nên buộc thành dải tua bằng sợi vải dệt, không nên buộc thành dải tua bằng vải dệt tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng vải dệt thắt bím, không nên buộc thành dải tua bằng sợi vải coḷa, không nên buộc thành dải tua bằng vải coḷa tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng vải coḷa thắt bím, không nên buộc thành dải tua bằng chỉ tết đuôi sam, không nên buộc thành dải tua bằng chỉ thắt bím; vị ni nào buộc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[555] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni bảo chà xát vùng hông với khúc xương đùi, bảo xoa bóp vùng hông với xương hàm con bò, bảo xoa bóp bàn tay, bảo xoa bóp mu bàn tay, bảo xoa bóp bàn chân, bảo xoa bóp mu bàn chân, bảo xoa bóp đùi, bảo xoa bóp mặt, bảo xoa bóp nướu răng.

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên bảo chà xát vùng hông với khúc xương đùi, không nên bảo xoa bóp vùng hông với xương hàm con bò, không nên bảo xoa bóp bàn tay, không nên bảo xoa bóp mu bàn tay, không nên bảo xoa bóp bàn chân, không nên bảo xoa bóp mu bàn chân, không nên bảo xoa bóp đùi, không nên bảo xoa bóp mặt, không nên bảo xoa bóp nướu răng; vị ni nào bảo xoa bóp thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[556] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư thoa dầu ở mặt, chà xát mặt, đánh phấn ở mặt, đắp mặt bằng phấn đỏ, tô màu ở cơ thể, tô màu ở mặt, tô màu ở mặt và ở cơ thể. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên thoa dầu ở mặt, không nên chà xát mặt, không nên đánh phấn ở mặt, không nên đắp mặt bằng phấn đỏ, không nên tô màu ở cơ thể, không nên tô màu ở mặt, không nên tô màu ở mặt và ở cơ thể; vị ni nào làm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[557] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư kẻ mí mắt, làm dấu ở trán, nhìn qua cửa sổ (xuống đường phố), đứng tựa cửa lớn (khoe phần thân trên), bảo nhảy múa, hỗ trợ gái điếm, lập quán bán rượu, lập tiệm bán thịt, trưng bày cửa hiệu, tiến hành việc cho vay lấy lãi, tiến hành việc thương mãi, nuôi tôi trai, nuôi tớ gái, nuôi trai làm mướn, nuôi gái làm thuê, nuôi thú vật, buôn bán rau xanh, mang mảnh da mài dao cạo. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên kẻ mí mắt, không nên làm dấu ở trán, không nên nhìn qua cửa sổ (xuống đường phố), không nên đứng tựa cửa lớn (khoe phần thân trên), không nên bảo nhảy múa, không nên hỗ trợ gái điếm, không nên lập quán bán rượu, không nên lập tiệm bán thịt, không nên trưng bày cửa hiệu, không nên tiến hành việc cho vay lấy lãi, không nên tiến hành việc thương mãi, không nên nuôi tôi trai, không nên nuôi tớ gái, không nên nuôi trai làm mướn, không nên nuôi gái làm thuê, không nên nuôi thú vật, không nên buôn bán rau xanh, không nên mang mảnh da mài dao cạo; vị ni nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[558] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư mặc các y toàn màu xanh đậm, mặc các y toàn màu vàng, mặc các y toàn màu đỏ, mặc các y toàn màu đỏ sậm, mặc các y toàn màu đen, mặc các y nhuộm toàn màu nổi bật (mahāraṅga), mặc các y nhuộm toàn màu sáng chói (mahānāma),[4] mặc các y không cắt đường viền, mặc các y có đường viền rộng, mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, mặc các y có đường viền có vẽ trái cây, mặc áo choàng, mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên mặc các y toàn màu xanh đậm, không nên mặc các y toàn màu vàng, không nên mặc các y toàn màu đỏ, không nên mặc các y toàn màu đỏ sậm, không nên mặc các y toàn màu đen, không nên mặc các y nhuộm toàn màu nổi bật, không nên mặc các y nhuộm toàn màu sáng chói, không nên mặc các y không cắt đường viền, không nên mặc các y có đường viền rộng, không nên mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, không nên mặc các y có đường viền có vẽ trái cây, không nên mặc áo choàng ngắn, không nên mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây; vị ni nào mặc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[559] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ trong khi lâm chung đã nói như vầy:

- Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng.

Ở nơi ấy, các tỳ khưu và các tỳ khưu ni tranh cãi rằng:

- Thuộc về chúng tôi, thuộc về chúng tôi.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ni trong trong khi lâm chung nói như vầy: “Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,” trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỳ khưu ni.

Này các tỳ khưu, nếu vị tu ni tập sự (sikkhamānā), …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu vị sa di ni trong khi lâm chung nói như vầy: “Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,” trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỳ khưu ni.

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu trong khi lâm chung nói như vầy: “Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,” trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu ni không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỳ khưu.

Này các tỳ khưu, nếu vị sa di, …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu nam cư sĩ, …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu người nữ cư sĩ, …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu người nào khác trong khi lâm chung nói như vầy: “Sau khi tôi từ trần, vật dụng của tôi hãy thuộc về hội chúng,” trong trường hợp này, hội chúng tỳ khưu ni không phải là người chủ, vật dụng ấy thuộc về hội chúng tỳ khưu.

[560] Vào lúc bấy giờ, có phụ nữ nọ trước đây là người xứ Malla đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Cô ni ấy sau khi gặp vị tỳ khưu yếu đuối trên đường đã cho cái thúc bằng bả vai khiến cho té nhào. Các tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao tỳ khưu ni lại cho vị tỳ khưu cái thúc?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên cho vị tỳ khưu cái thúc; vị ni nào cho thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni bước sang (một bên) nhường lối đi khi nhìn thấy vị tỳ khưu, ngay khi (vị ấy) còn ở đàng xa.

[561] Vào lúc bấy giờ, có người đàn bà nọ khi chồng đi vắng bị có thai với tình nhân. Cô ấy đã làm cho sẩy thai rồi đã nói với vị tỳ khưu ni quen thuộc điều này:

- Thưa ni sư, xin hãy dùng bình bát mang đi cái bào thai này.

Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã bỏ cái bào thai ấy vào trong bình bát, che kín bằng y hai lớp, rồi ra đi. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đi khất thực đã lập dự tính rằng: “Khi phần vật thực ta thọ lãnh đầu tiên chưa được dâng đến vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni thì ta chưa thọ thực.” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã nhìn thấy vị tỳ khưu ni ấy và đã nói điều này:

- Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.

- Thưa ngài, thôi đi.

Đến lần thứ nhì, vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này:

- Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.

- Thưa ngài, thôi đi.

Đến lần thứ ba, vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ni ấy điều này:

- Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.

- Thưa ngài, thôi đi.

- Này chị gái, tôi đã lập dự tính rằng: “Khi phần vật thực ta thọ lãnh đầu tiên chưa được dâng đến vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni thì ta chưa thọ thực.” Này chị gái, hãy nhận lãnh phần vật thực.

Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy trong lúc bị quấy rầy bởi vị tỳ khưu ấy đã đưa bình bát ra cho thấy:

- Thưa ngài, hãy xem cái bào thai trong bình bát nè, nhưng đừng có nói với ai cả.

Khi ấy, vị tỳ khưu ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao tỳ khưu ni lại dùng bình bát mang đi cái bào thai vậy?

Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao tỳ khưu ni lại dùng bình bát mang đi cái bào thai vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên dùng bình bát mang đi bào thai; vị ni nào mang đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni khi gặp vị tỳ khưu thì lấy ra đưa cho xem bình bát.

[562] Vào lúc bấy giờ, khi gặp vị tỳ khưu các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lật úp (bình bát) lại và cho xem phần dưới của bình bát. Các tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao khi gặp vị tỳ khưu các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lật úp (bình bát) lại và cho xem phần dưới của bình bát?

Sau đó, các vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, khi gặp vị tỳ khưu tỳ khưu ni không nên lật úp (bình bát) lại và cho xem phần dưới của bình bát; vị nào cho xem thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, khi gặp vị tỳ khưu ta cho phép tỳ khưu ni lật ngửa bình bát rồi đưa cho xem. Và vật thực nào có trong bình bát, nên thỉnh mời vị tỳ khưu bằng vật ấy.

[563] Vào lúc bấy giờ, trên đường phố ở thành Sāvatthi có vật biểu tượng nam tánh bị quăng bỏ. Các tỳ khưu ni đã nhìn chăm chú vào vật ấy. Dân chúng đã cười rộ lên. Các tỳ khưu ni ấy đã bị xấu hổ. Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã đi đến ni viện và đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu ni lại nhìn chăm chú vào vật biểu tượng nam tánh?

Sau đó, các vị tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. …(như trên)… Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên nhìn chăm chú vào vật biểu tượng nam tánh; vị nào nhìn chăm chú thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[564] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thường dâng vật thực cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu cho đến các tỳ khưu ni. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các ngài đại đức lại cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân, không lẽ chúng tôi không biết cho vật thí hay sao?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân; vị nào cho thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[565] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu có được vật thực dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cúng dường đến hội chúng.

Sự dồi dào lại còn nhiều hơn trước nữa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bố thí ngay cả vật dành riêng cho cá nhân.

[566] Vào lúc bấy giờ, vật thực được làm để tích trữ của các tỳ khưu được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỷ kheo, các tỳ khưu ni nhận lãnh vật tích trữ của các tỳ khưu rồi thọ dụng.

[567] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thường dâng vật thực cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni cho đến các tỳ khưu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu ni lại cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân? Không lẽ chúng tôi không biết cho vật thí hay sao?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên cho những người khác vật thí dành để thọ dụng cho bản thân; vị ni nào cho thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[568] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni có được vật thực dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cúng dường đến hội chúng.

Sự dồi dào lại còn nhiều hơn trước nữa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bố thí ngay cả vật dành riêng cho cá nhân.

[569] Vào lúc bấy giờ, vật thực được làm để tích trữ của các tỳ khưu ni được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu, các tỳ khưu ni thọ lãnh vật tích trữ của các tỳ khưu ni rồi thọ dụng.

[570] Vào lúc bấy giờ, sàng tọa của các tỳ khưu thì dồi dào, sàng tọa của các tỳ khưu ni thì không có. Các tỳ khưu ni đã gởi sứ giả đến gặp các tỳ khưu:

- Thưa các ngài, lành thay các ngài hãy trao sàng tọa cho chúng tôi trong một thời gian.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trao sàng tọa cho các tỳ khưu ni trong một thời gian.

[571] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni có kinh nguyệt ngồi và nằm trên giường được bọc nệm, trên ghế được bọc nệm. Chỗ nằm ngồi bị lấm lem bởi máu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni không nên ngồi hoặc nằm trên giường được bọc nệm, trên ghế được bọc nệm; vị ni nào ngồi hoặc nằm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) y nội trợ (āvasathacīvaraṃ).

Y nội trợ bị lấm lem bởi máu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) kim gài và mảnh vải (āṇicol,akaṃ).

Mảnh vải bị rơi xuống Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép khâu lại bằng chỉ và buộc ở đùi.

Chỉ bị đứt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) khố (saṃvelliyaṃ) là băng vải buộc ở hông (kaṭisuttakaṃ).

[572] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư mang băng vải buộc ở hông một cách thường xuyên. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- ...(như trên)... giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên mang băng vải buộc ở hông một cách thường xuyên; vị ni nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) băng vải buộc ở hông đối với vị ni có kinh nguyệt.

Dứt tụng phẩm thứ hai.

[573] Vào lúc bấy giờ, các người nữ đã tu lên bậc trên có dáng vẻ: không có hiện tướng (người nữ), không có đủ hiện tướng (người nữ), không có kinh nguyệt (alohitā), bị băng huyết (dhuvalohitā), thường xuyên mang vải lót (dhuvacoḷā), bị rong kinh (paggharantī), bị dị căn (sikhariṇī), người nữ vô căn (itthipaṇḍakā), bị lại đực (vepurisikā), tiêu tiểu chung một khiếu (sambhinnā), người nữ lưỡng căn (ubhatobyañjanā). ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hỏi hai mươi bốn pháp chướng ngại trong khi cho tu lên bậc trên. Và này các tỳ khưu, nên hỏi như vầy: “Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có đủ hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có kinh nguyệt? Cô không phải là người bị băng huyết? Cô không phải là người thường xuyên mang vải lót? Cô không phải là người bị rong kinh? Cô không phải là người bị dị căn? Cô không phải là người nữ vô căn? Cô không phải là người bị lại đực? Cô không phải là người tiêu tiểu chung một khiếu? Cô không phải là người nữ lưỡng căn? Cô có bị các bệnh như thế này hay không: bệnh cùi (kuṭṭhaṃ)? bệnh mụt nhọt (gaṇḍo)? bệnh chàm (kilāso)? bệnh lao phổi (soso)? bệnh động kinh (apamāro)? Cô là loài người? Cô là người nữ? Cô là người được tự do (không phải nô lệ)? Cô không bị thiếu nợ? Cô không phải là lính của vua? Cô đã được cho phép bởi cha mẹ, bởi người chồng? Cô đã tròn hai mươi tuổi? Cô có đầy đủ y bát không? Cô tên gì? Ni sư tế độ (pavattinī) tên gì?”

[574] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu hỏi các pháp chướng ngại của các tỳ khưu ni. Các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép người nữ tu lên bậc trên từ một phía, sau khi được trong sạch ở hội chúng tỳ khưu ni rồi được tu lên bậc trên ở hội chúng tỳ khưu.

[575] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni hỏi các pháp chướng ngại đến các cô có ý muốn tu lên bậc trên chưa được học tập. Các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng giải trước rồi hỏi các pháp chướng ngại sau.

Các vị đã giảng giải ngay tại chổ ấy, ở giữa hội chúng. Như thế ấy, các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng giải ở một góc rồi hỏi các pháp chướng ngại ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên giảng giải như vầy: Trước tiên, nên bảo chọn vị thầy tế độ. Sau khi đã bảo chọn vị thầy tế độ rồi nên chỉ y bát: “Đây là bình bát của cô, đây là y hai lớp (saṅghāṭi), đây là thượng y, đây là y nội, đây là áo lót, đây là vải choàng tắm. Hãy đi đến đứng ở chỗ trống đàng kia.”

Các vị ni ngu dốt, thiếu kinh nghiệm giảng giải. Được giảng giải tồi, các cô có ý muốn tu lên bậc trên bị bối rối, trở nên mắc cở, không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm không nên giảng giải; vị ni nào giảng giải thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực được giảng giải.

Những vị ni chưa được chỉ định giảng giải. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị ni chưa được chỉ định không nên giảng giải; vị ni nào giảng giải thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị ni đã được chỉ định được giảng giải. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.

[576] Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ giảng giải cho cô ni tên (như vầy).”

Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.

[577] Thế nào là người khác chỉ định cho người khác? Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị ni tên (như vầy) sẽ giảng giải cho cô ni tên (như vầy).”

Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.

[578] Vị tỳ khưu ni đã được chỉ định ấy nên đi đến gần cô có ý muốn tu lên bậc trên và nên nói như vầy:

- Này cô tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với cô, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: “Đúng;” nếu không đúng, nên nói: “Không đúng.” Không nên bối rối, không nên mắc cở. Các vị sẽ hỏi cô như vầy: “Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có đủ hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có kinh nguyệt? Cô không phải là người bị băng huyết? Cô không phải là người thường xuyên mang vải lót? Cô không phải là người bị rong kinh? Cô không phải là người bị dị căn? Cô không phải là người người nữ vô căn? Cô không phải là người bị lại đực? Cô không phải là người tiêu tiểu chung một khiếu? Cô không phải là người người nữ lưỡng căn? Cô có bị các bệnh như thế này hay không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Cô là loài người? Cô là người nữ? Cô là người được tự do (không phải nô lệ)? Cô không bị thiếu nợ? Cô không phải là lính của vua? Cô đã được cho phép bởi cha mẹ, bởi người chồng? Cô đã tròn hai mươi tuổi? Cô có đầy đủ y bát không? Cô tên gì? Ni sư tế độ tên gì?

Họ đi đến chung (cùng một lúc). ...(như trên)...

- ...(như trên)... Không nên đi đến chung (cùng một lúc). Vị ni giảng giải nên đi đến trước và thông báo đến hội chúng:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã giảng giải cho cô ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, cô tên (như vầy) nên đi đến.

Và nên nói rằng: “Cô hãy đi đến.

(Cô ấy) nên đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu ni, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên cầu xin sự tu lên bậc trên:

Bạch chư đại đức ni, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch chư đại đức ni, lần thứ nhì tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót. Bạch chư đại đức ni, lần thứ ba tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.”

Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi các pháp chướng ngại của cô ni tên (như vầy).”

Này cô tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với cô, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: ‘Đúng;’ nếu không đúng, nên nói: ‘Không đúng.’ Cô không phải là người không có hiện tướng (người nữ)? Cô không phải là người không có đủ hiện tướng (người nữ)? …(như trên)… Cô tên gì? Ni sư tế độ tên gì?

Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô ta có đầy đủ y bát. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô ta có đầy đủ y bát. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức ni nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Cô ta có đầy đủ y bát. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức ni nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị đại đức ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[579] Ngay sau khi hoàn tất việc ấy, (cô ni ấy) nên đi đến hội chúng tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên cầu xin sự tu lên bậc trên:

Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.

Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, lần thứ nhì tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.

Bạch chư đại đức, tôi tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Tôi đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Bạch chư đại đức, lần thứ ba tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.

[580] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[581] Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, các tỳ khưu ni nên được nói rằng:

- Nên chỉ dạy cô ni này ba điều nương nhờ[5] và tám điều không nên làm.[6]

[582] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi xác định chỗ ngồi trong nhà ăn đã bị quá giờ (thọ thực). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (chỗ ngồi) của tám tỳ khưu ni tính theo thâm niên, (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến.

[583] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép (chỗ ngồi) của tám tỳ khưu ni tính theo thâm niên, (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến” nên ở khắp mọi nơi chừa lại đúng tám chỗ cho các tỳ khưu ni tính theo thâm niên, các chỗ còn lại thì theo thứ tự đi đến. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trong nhà ăn (chỗ ngồi của) tám tỳ khưu ni tính theo thâm niên và (chỗ ngồi) của các vị còn lại tính theo thứ tự đi đến, còn ở những nơi khác không nên chừa lại theo thứ tự thâm niên; vị nào chừa lại thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[584] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni không hành lễ Pavāraṇā (Tự Tứ). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên không hành lễ Pavāraṇā; vị ni nào không hành lễ Pavāraṇā nên được hành xử theo Pháp.[7]

[585] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni sau khi hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu ni rồi không hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni sau khi hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu ni rồi không nên không hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu; vị ni nào không hành lễ Pavāraṇā nên được hành xử theo Pháp.

[586] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi hành lễ Pavāraṇā chỉ một phía với các tỳ khưu đã tạo nên sự xáo trộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên hành lễ Pavāraṇā chỉ một phía với các tỳ khưu; vị ni nào hành lễ Pavāraṇā (chỉ một phía) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[587] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni trong khi hành lễ Pavāraṇā trước bữa thọ trai nên đã bị quá giờ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu ni hành lễ Pavāraṇā sau bữa thọ trai.

Sau bữa thọ trai, các vị trong khi còn hành lễ Pavāraṇā đã bị trời tối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu ni ngày hôm nay và hành lễ Pavāraṇā nơi hội chúng tỳ khưu vào ngày kế.

[588] Vào lúc bấy giờ, toàn bộ hội chúng tỳ khưu ni trong lúc hành lễ Pavāraṇā đã gây nên sự lộn xộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định một vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm đủ năng lực để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu ni nên được yêu cầu; sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Đại đức ni nào đồng ý việc chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định để thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu vì lợi ích của hội chúng tỳ khưu ni. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[589] Vị tỳ khưu ni đã được chỉ định ấy nên đưa hội chúng tỳ khưu ni đi đến gặp hội chúng tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

Bạch các ngài, hội chúng tỳ khưu ni xin thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu. Bạch các ngài, do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ, bởi lòng thương xót đối với hội chúng tỳ khưu ni xin hội chúng tỳ khưu hãy nói lên; khi thấy (lỗi) rồi sẽ sửa đổi.

Đến lần thứ nhì, bạch các ngài …(như trên)…

Đến lần thứ ba, bạch các ngài, hội chúng tỳ khưu ni xin thỉnh cầu hội chúng tỳ khưu. Bạch các ngài, do được thấy, hoặc do được nghe, hoặc vì nghi ngờ, bởi lòng thương xót đối với hội chúng tỳ khưu ni xin hội chúng tỳ khưu hãy nói lên; khi thấy (lỗi) rồi sẽ sửa đổi.”

[590] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni đình chỉ lễ Uposatha, đình chỉ lễ Pavāraṇā, ban hành mệnh lệnh, thiết lập quyền hạn, thỉnh ý (để buộc tội), quở trách, nhắc nhở đối với các tỳ khưu. ...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên đình chỉ lễ Uposatha của tỳ khưu, dầu đã bị đình chỉ cũng như không bị đình chỉ; vị ni đình chỉ phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên đình chỉ lễ Pavāraṇā, dầu đã bị đình chỉ cũng như không bị đình chỉ; vị ni đình chỉ phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên ban hành mệnh lệnh, dầu đã ban hành cũng như không ban hành; vị ni ban hành phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên thiết lập quyền hạn, dầu đã được thiết lập cũng như không được thiết lập; vị ni thiết lập phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên thỉnh ý (để buộc tội), dầu đã được thực hiện cũng như không được thực hiện, vị ni thực hiện phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên quở trách, dầu đã quở trách cũng như không quở trách, vị ni quở trách phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên nhắc nhở, dầu đã nhắc nhở cũng như không nhắc nhở, vị ni nhắc nhở phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[591] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đình chỉ lễ Uposatha đình chỉ lễ Pavāraṇā, ban hành mệnh lệnh, thiết lập quyền hạn, thỉnh ý (để buộc tội), quở trách, nhắc nhở đối với các tỳ khưu ni. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu được đình chỉ lễ Uposatha của tỳ khưu ni, khi đã được đình chỉ thì đã được đình chỉ đúng đắn; vị đình chỉ vô tội. Được đình chỉ lễ Pavāraṇā; khi đã được đình chỉ thì đã được đình chỉ đúng đắn; vị đình chỉ vô tội. Được ban hành mệnh lệnh, khi đã được ban hành thì đã được ban hành đúng đắn; vị ban hành vô tội. Được thiết lập quyền hạn, khi đã được thiết lập thì đã được thiết lập đúng đắn; vị thiết lập vô tội. Được thỉnh ý (để buộc tội), khi đã được thực hiện thì đã được thực hiện đúng đắn; vị thực hiện vô tội. Được quở trách, khi đã quở trách thì đã quở trách đúng đắn; vị quở trách vô tội. Được nhắc nhở, khi đã nhắc nhở thì đã nhắc nhở đúng đắn; vị nhắc nhở vô tội.

[592] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư di chuyển bằng xe được kéo bởi bò cái với con bò đực ở giữa, hoặc được kéo bởi bò đực với con bò cái ở giữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như lễ hội ở vùng Gaṅgā và Mahī vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên di chuyển bằng xe; vị ni nào di chuyển nên được hành xử theo Pháp.[8]

[593] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị bệnh, không thể bước đi bằng chân được. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) xe đối với vị tỳ khưu ni bị bệnh.

Khi ấy, các tỳ khưu ni đã khởi ý điều này: “Vậy được kéo bởi bò cái? Hay được kéo bởi bò đực?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) toa xe được kéo bởi bò cái hoặc được kéo bởi bò đực.

[594] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ đã bị khó chịu dữ dội vì xe bị dằn xóc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) kiệu khiêng, ghế khiêng.

[595] Vào lúc bấy giờ, cô kỷ nữ Aḍḍhakāsī đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Và cô ấy có ý định đi đến Sāvatthi: “Ta sẽ tu lên bậc trên với đức Thế Tôn.” Những kẻ bất lương đã nghe rằng: “Nghe nói kỷ nữ Aḍḍhakāsī có ý định đi đến Sāvatthi.” Bọn họ đã bao vây các ngõ đường. Cô kỷ nữ Aḍḍhakāsī đã nghe rằng: “Nghe nói những kẻ bất lương đã bao vây các ngõ đường” nên đã phái sứ giả đến gặp đức Thế Tôn (thưa rằng): “Bởi vì con có ước muốn tu lên bậc trên, con nên tiến hành như thế nào?” Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện.

Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là tỳ khưu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là tỳ khưu; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni tu tập sự (sikkhamānā) …(như trên)… Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là sa di …(như trên)… Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là sa di ni …(như trên)… Các vị cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là cô ni ngu dốt thiếu kinh nghiệm; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép cho tu lên bậc trên thông qua người đại diện là vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm, đủ năng lực.

Vị tỳ khưu ni đại diện ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, rồi nên nói như vầy:

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ cô ấy vì lòng thương xót.

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, lần thứ nhì cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ cô ấy vì lòng thương xót.

Bạch các ngài, cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ni không đi đến chính vì có sự chướng ngại. Bạch các ngài, lần thứ ba cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ cô ấy vì lòng thương xót.

[596] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch chư đại đức, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Cô ni tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy). Cô ta đã được tu lên bậc trên từ một phía ở hội chúng tỳ khưu ni, và được trong sạch. Cô ấy không đi đến chính vì có sự nguy hiểm. Cô ni tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Hội chúng cho cô ni tên (như vầy) tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của cô ni tên (như vầy) với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Cô ni tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với vị ni tên (như vầy) là ni sư tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, các tỳ khưu ni nên được nói rằng:

- Hãy chỉ dạy cô ni này ba điều nương nhờ và tám điều không nên làm.

[597] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni cư ngụ ở trong rừng. Những kẻ bất lương làm hỗn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên cư ngụ ở trong rừng; vị ni nào cư ngụ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[598] Vào lúc bấy giờ, kho chứa đồ đạc đã được nam cư sĩ nọ cúng dường đến hội chúng tỳ khưu ni. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (cư ngụ ở) kho chứa đồ đạc.

Kho chứa đồ không đáp ứng (nhu cầu). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) căn nhà.

Căn nhà không đáp ứng (nhu cầu). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (xây dựng) công trình mới.

Công trình mới không đáp ứng (nhu cầu). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xây dựng theo cá nhân.

[599] Vào lúc bấy giờ, có phụ nữ mang thai nọ được xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Khi cô ấy đã xuất gia, cái thai đã chào đời. Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Ta nên thực hành như thế nào liên quan đến đứa bé trai này?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nuôi dưỡng cho đến khi đứa bé trai ấy đạt được sự hiểu biết.[9]

Sau đó, vị tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Ta không thể sống mỗi một mình, và tỳ khưu ni khác không thể sống với đứa bé trai, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định một tỳ khưu ni và cho làm người cộng sự với tỳ khưu ni kia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu ni cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đại đức ni nào đồng ý sự chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy) xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Khi ấy, tỳ khưu ni cộng sự ấy đã khởi ý điều này: “Ta nên thực hành như thế nào liên quan đến đứa bé trai này?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hành liên quan đến đứa bé trai này tương tợ như là thực hành liên quan đến người đàn ông khác ngoại trừ việc ngụ chung nhà.

[600] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị phạm tội nặng và là vị đang thực hành hành phạt mānatta. Khi ấy, tỳ khưu ni ấy đã khởi ý điều này: “Ta không thể sống mỗi một mình, và vị tỳ khưu ni khác không thể sống với ta, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định một tỳ khưu ni và cho làm người cộng sự với tỳ khưu ni kia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước tiên, vị tỳ khưu ni cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu ni có kinh nghiệm đủ năng lực:

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch chư đại đức ni, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Đại đức ni nào đồng ý việc chỉ định tỳ khưu ni tên (như vầy) là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy) xin im lặng; vị ni nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu ni tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là người cộng sự với tỳ khưu ni tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[601] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ đã hoàn tục khi chưa xả bỏ sự học tập. Cô ấy đã quay trở lại và cầu xin các tỳ khưu ni sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không có việc xả bỏ sự học tập đối với tỳ khưu ni; chính khi cô ta bỏ đi thì khi ấy cô ta không còn là tỳ khưu ni nữa.

[602] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ vẫn mang y ca-sa đã chuyển sang sinh hoạt trong khu vực của ngoại đạo. Cô ấy đã quay trở lại và cầu xin các tỳ khưu ni sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni nào mang y ca-sa chuyển sang sinh hoạt trong khu vực của ngoại đạo, khi cô ấy quay trở lại thì không nên cho tu lên bậc trên nữa.[10]

[603] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni do ngại ngùng nên không thừa nhận việc đảnh lễ, việc cạo tóc, việc cắt móng, việc băng bó vết thương bởi những người đàn ông. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thừa nhận (những việc ấy).

[604] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni ngồi kiết già thỏa thích với sự xúc chạm ở gót chân. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên ngồi kiết già; vị ni nào ngồi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[605] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị bệnh. Không xếp chân thế kiết già, vị ni ấy không được an lạc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thế bán già đối với tỳ khưu ni.

[606] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni đại tiện ở nhà vệ sinh. Các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư trục bào thai ngay tại chỗ ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên thực hiện việc đại tiện ở trong nhà vệ sinh; vị ni nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc đại tiện ở chỗ trống trải phần bên dưới và che kín phần bên trên.

[607] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm với bột phấn thoa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm với bột phấn thoa; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cám thô và đất sét.

[608] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm với đất sét có mùi thơm. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm với đất sét có mùi thơm; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) đất sét loại bình thường.

[609] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư trong khi tắm ở nhà tắm hơi đã gây nên sự lộn xộn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở nhà tắm hơi; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[610] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm ở luồng nước chảy. Các vị ni đã thỏa thích với sự xúc chạm của giòng nước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở luồng nước chảy; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[611] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm ở chỗ không phải là bãi tắm. Những kẻ bất lương làm hỗn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở chỗ không phải là bãi tắm; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[612] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni tắm ở bãi tắm dành cho người nam. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các người nữ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, tỳ khưu ni không nên tắm ở bãi tắm dành cho người nam; vị ni nào tắm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép tắm ở bãi tắm dành cho phụ nữ.

Dứt tụng phẩm thứ ba.

Dứt Chương Tỳ Khưu Ni là chương thứ mười.
Trong chương này có một trăm lẻ sáu sự việc.

*******

Tóm lược chương này:

[613]

Gotamī xin tu,
đấng Thiện Thệ không cho,
vị Lãnh Đạo đã rời
Kapilavatthu
đi đến Vesālī.
Bà đầy bụi, ở cửa,
Ānanda biết đến,
rồi ngài đã yêu cầu
bằng cách: “Có khả năng?”
“Là mẹ,” và “Bảo mẫu.”
Trăm năm và hôm nay,
không tỳ khưu, mong mỏi,
Tự Tứ và Trọng Pháp,
hai năm, không được mắng,
bị cấm và tám pháp,
thực hành đến trọn đời,
việc thọ trì Trọng Pháp,
chính là việc cho bà
được tu lên bậc trên.
Ngàn năm còn năm trăm,
trộm cướp, bệnh mốc trắng,
tương tợ bệnh rệp cây,
việc tổn hại Chánh Pháp.
người cần phải đắp đê,
tương tợ như là việc
tồn tại của Chánh Pháp.
Bà được tu bậc trên,
đảnh lễ theo thâm niên.
không thực hành, tại sao?
tương đương, không tương đương,
giáo giới và giới bổn,
“Ai sẽ đến chỗ ni?”
Họ không biết, chỉ dạy,
không làm với tỳ khưu,
cho phép các tỳ khưu
được phép ghi nhận tội,
bởi các tỳ khưu ni,
việc ghi nhận (được hành).
Vị ấy đã chỉ dẫn,
hành sự với tỳ khưu,
dân chúng thì phàn nàn,
hoặc do tỳ khưu ni,
được chỉ dạy, xung đột,
sau khi bàn giao lại,
Uppalavaṇṇā.
Ở thành Sāvatthi,
nước bùn, không đảnh lễ,
(khoe) thân thể và đùi,
chỗ kín, và trò chuyện,
họ giao lưu nhóm bọn,
hành phạt không đảnh lễ,
các vị tỳ khưu ni
cũng giống y như thế.
Việc ngăn cấm, giáo giới,
được phép? Vị bỏ đi,
ngu dốt, không lý lẽ,
không tuyên bố quyết định,
việc giáo giới, hội chúng,
với năm ni, hai ni,
ba ni, không thọ lãnh,
vị dốt, bệnh, ra đi,
vị ở rừng, không báo,
và họ không đi đến.
Dài, tre chẻ, da thú,
vải dệt, tết đuôi sam,
sợi vải tết đuôi sam,
chỉ sợi tết đuôi sam
và thắt bím, khúc  xương,
và xương hàm con bò,
phần mu của bàn tay,
cũng như thế ở chân,
ở đùi, mặt, nướu răng,
thoa dầu, xát, đánh phấn,
đắp mặt, tô cơ thể,
và tô màu ở mặt,
như thế ở hai nơi,
kẻ mí mắt, dấu trán,
nhìn ra, tựa cửa lớn,
và việc nhảy múa chung,
gái điếm, quán bán rượu,
tiệm bán thịt, bày hàng,
lấy lãi, làm thương mãi,
tớ trai, gái, nhân công,
gái làm thuê nuôi nấng,
thú vật, rồi buôn bán,
họ mang vải mài dao.
Màu xanh đậm, vàng, đỏ,
y đỏ sậm, màu đen,
màu nổi bật, sáng chói,
không cắt, viền quá rộng,
hoa, cây trái, áo choàng,
và mặc vải sợi cây.
Tỳ khưu ni, học nữ,
sa di ni chết đi,
để lại các vật dụng,
tỳ khưu ni là chủ.
Của tỳ khưu, sa di,
của thiện nam, tín nữ,
vật người khác để lại,
các tỳ khưu là chủ.
Cô ni người Malla,
bào thai, đáy bình bát,
dương vật, và thức ăn,
dồi dào và nhiều nữa,
vật thực để tích trữ,
của các vị tỳ khưu,
phần dưới giống như vậy,
làm tương tợ như thế
đối với tỳ khưu ni.
Chỗ ngồi, có kinh nguyệt,
bị dơ, và mảnh vải,
bị đứt, và mọi lúc,
lại không có hiện tướng,
được thấy thiếu hiện tướng,
và các kỳ kinh nguyệt,
cũng vậy, máu ứ đọng,
thường xuyên phải mang vải,
bị rong kinh, dị tướng,
vô căn, bị lại đực,
tiêu tiểu chung một đường,
và có cả hai căn.
Điều này như ở dưới,
bệnh cùi, nhọt, bệnh chàm,
lao, động kinh, là người,
là nữ, và tự do,
không nợ, không lính vua,
được phép, và hai mươi,
đủ (y bát), tên gì?                         
Ni tế độ tên gì?
Hai mươi bốn chướng ngại,
sau khi đã hỏi xong,
việc tu lên bậc trên,
các cô bị bối rối,
khi chưa được chỉ dạy,
giữa hội chúng, cũng vậy.
Chọn thầy, y hai lớp,
thượng y, và y nội.
áo lót, và vải tắm,
sau khi được chỉ dạy,
thì nên được sử dụng.
Ngu dốt, chưa chỉ định,
được làm, vị cầu xin,
hỏi các pháp chướng ngại,
cô ni đã được tu
lên bậc trên một phía,
ở hội chúng tỳ khưu
thời cũng y như thế,
bóng nắng, mùa tiết, ngày,
điều đã được kết tập,
ba vật được nương nhờ,
tám điều chẳng nên làm.
(Trễ) giờ, ở mọi nơi
đều được chừa tám chỗ,
tỳ khưu ni không hành
lễ Pavāraṇā,
và cũng y như thế
nơi hội chúng tỳ khưu.
Xáo trộn trước bữa ăn,
xáo trộn vì tối trời,
lễ Bố Tát, Tự Tứ,
mệnh lệnh và quyền hạn,
giành chỗ, trách, nhắc nhở,
Đại Ẩn Sĩ ngăn cấm,
cũng như thế tỳ khưu
đối với tỳ khưu ni,
Đại Ẩn Sĩ cho phép.
Đi xe, bệnh, buộc vào,
xe thì bị dằn xóc,
chuyện Aḍḍhakāsī,
tỳ khưu, ni tập sự,
sa di, sa di ni,
và bởi ni ngu dốt.
Trong rừng, bởi thiện nam,
kho chứa đồ, nhà ở,
công trình mới chẳng màng.
Vị ni ở một mình,
đã có thai từ trước,
chung nhà, và tội nặng,
chưa xả bỏ (điều học)
và ni ấy đến gần.
Việc đảnh lễ, cạo tóc,
cắt móng, băng vết thương.
Thế kiết già, vị bệnh,
đại tiện, và bột tắm,
tẩm hương thơm, nhà tắm,
ở nơi giòng nước chảy,
không phải là bãi tắm,
và (tắm) với người nam.
Gotamī cầu xin,
Ānanda khôn khéo,
đã có được tứ chúng.
Các vị đã xuất gia
trong Giáo Pháp của Phật,
có trí óc bén nhạy
vì lợi ích chúng sanh,
và phát triển Chánh Pháp,
giống như thuốc người bệnh,
cũng thế Phật dạy rồi.
Được hướng dẫn như thế
ở ngay trong Chánh Pháp,
các cô người nữ khác
cũng đạt đến Bất Tử,
đến được nơi ấy rồi
không còn sầu khổ nữa.


[1] Là việc tiến hành lễ Pavāraṇā (Tự Tứ) sau khi an cư mùa mưa (Chú thích của người dịch).

[2] Ngài Buddhaghosa giải thích như sau: Nói đến 1000 năm là đề cập đến sự diệt tận các lậu hoặc với sự thành đạt về bốn Tuệ Phân Tích. Từ đó về sau là 1000 năm của sự diệt tận các lậu hoặc do thuần túy Minh Sát, 1000 năm của đạo quả Bất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhất Lai, 1000 năm của đạo quả Nhập Lưu. Như vậy, Pháp Thành sẽ tồn tại 5000 năm

[3] Liên quan đến tám Trọng Pháp và tội pācittiya (ưng đối trị) 58 của tỳ khưu ni.

[4] Không tìm thấy lời giải thích của ngài Buddhaghosa về hai màu nhuộm này và cũng không tìm thấy nghĩa dịch ở từ điển. Dịch giả I. B. Horner dịch là brownish-yellow (vàng nâu) và reddish-yellow (vàng cam). Chúng tôi tạm phỏng dịch theo từ và mạch văn.

[5] Tỳ khưu ni không được ngụ ở rừng nên không có điều nương vào chỗ trú ngụ là gốc cây, trong khi tỳ khưu có bốn điều.

[6] Là tám điều pārājika (bất cộng trụ), trong khi tỳ khưu chỉ có bốn điều.

[7] Phần này và phần kế tiếp liên quan đến tám Trọng Pháp và tội pācittiya (ưng đối trị) 57 của tỳ khưu ni.

[8] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 85 của tỳ khưu ni.

[9] Ngài Buddhaghosa giải thích là cho đến khi đứa bé có thể nhai, ăn, tắm, trang phục đúng cách.

[10] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng ngay cả việc xuất gia (làm sa di ni) cũng không được.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 02 | 03a | 03b | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt-Thiên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 06-06-2005