BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Chú
Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la
- Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh
Quyển
thứ mười một -ooOoo- Tôi sẽ nói về bốn trường hợp về dê (elaka - dê): 1- Thấy dê đang ngủ ở chỗ nọ, một Tỳ kheo nghĩ rằng tối đến ta sẽ giết dê này. (Sau đó) dê ấy đi ngủ chỗ khác mà tại chỗ dê đã nằm có cha, mẹ hoặc A-la-hán đến và trùm y phục nằm ngủ. Ðến nơi vì trời tối, Tỳ kheo không biết ấy là người nên bảo là dê và dùng dao chém. Làm chết cha, mẹ hay A-la-hán thì bị nghịch tội Ba-la-di. Vì ban đầu có tâm giết dê nhưng khi chém dao xuống lại sinh ý nghĩ rằng bất luận là dê hay người nào, ta phải giết cho chết. Do đó người này bị nghịch tội Ba-la-di. Có một Tỳ kheo đến nằm ngủ vào chỗ dê ở. Người giết nói hãy giết người (ngủ) này thì người giết bị phạm Ba-la-di chứ không phạm nghịch tội. Dạ xoa, quỉ thần đến chen vào chỗ dê ở. Người giết nói hãy giết (kẻ ở) chỗ này thì phạm Thu-lan-dá, không bị tội ngũ nghịch. Nếu giết dê thì bị tội Ba-dạ-đề. Nếu có tâm muốn giết cha, mẹ hay A-la-hán thì tuần tự bị phạm nghịch tội Ba-la-di. Biết rõ cha đang ở trong đội quân ấy mà nhắm vào đội ấy bắn, nếu cha bị trúng chết thì phạm nghịch tội Ba-la-di. Nếu người chết không phải là cha thì người bắn chỉ bị tội Ba-la-di. Bảo giết người cao mà họ giết người thấp, bảo giết người áo đỏ mà họ giết người áo trắng, người bảo không bị tội trọng (Ba-la-di), người giết bị Ba-la-di. Nếu người sai (giết) nói rằng gặp ai giết nấy thì bất kỳ ai chết, người sai đều bị Ba-la-di. Người sai bảo giết trong hôm nay, người nhận lời lại giết vào ngày sau. Người sai bảo giết ngày sau, người nhận lại giết ngay trong ngày ấy. Người sai bảo giết vào buổi sáng, người giết lại giết vào buổi chiều. Người giết bị tội Ba-la-di, người sai thoát tội trọng. Nếu người sai bảo giết lúc nào cũng được thì khi giết xong, người sai bị tội trọng. Người sai bảo rằng nếu có người đến chỗ này, ông hãy giết nó. Khi người kia chưa đến, người sai lại đi đến đấy, người nhận lời không biết phân biệt (là ai) nên giết nhầm (người sai) thì phạm tội Ba-la-di. Tuy chết, nhưng người sai bị tội Ðột-cát-la vào lúc sai (người khác giết). Tỳ kheo này sai Tỳ kheo khác (giết người). Tỳ kheo nhận lời (lại) suy nghĩ rằng ta nên giết người gần trước. Khi chém dao xuống giết đúng người (muốn giết), người giết và người sai đều phạm tội trọng. Nếu giết do sai chuyền nhau thì phạm như trước đã nói, đúng lúc hay không đúng lúc cũng như ở trước. Nếu Tỳ kheo sai Tỳ kheo giết Tỳ kheo. Khi sai thì người bị giết chưa đắc đạo nhưng khi sắp giết thì vị ấy chứng quả A-la-hán. Người sai và người giết đều phạm nghịch tội Ba-la-di. Không vắng cho là vắng, nghĩa là mắt không chú ý nên không thấy (nên) cho là vắng. Khi cúng dường mà có Tỳ kheo thù oán ở trong số Tỳ kheo đến dự, lại bị các vị ngồi trước che khuất nên không biết vị ấy có đến, lại nói lớn lên rằng người tên... tại sao không bị giặc giết đi, tại sao không bị rắn độc cắn đi, tại sao không bị nguời dùng thuốc độc giết đi, ý tôi rất vui khi kẻ ấy bị chết. Nói như vậy gọi là không vắng mà nói như là vắng. Vắng mà nói là không vắng nghĩa là Tỳ kheo này đến ngồi nơi cúng dường. Tỳ kheo vừa rồi bị trù rủa biết có Tỳ kheo này đến. Khi Tỳ kheo này đi rồi (mà Tỳ kheo kia) không biết nên cho rằng vẫn còn đang có mặt và trù rủa Tỳ kheo ấy. Ðây gọi là vắng mặt mà nói như là không vắng mặt. (Ai) nói những lời trù rủa cho họ chết như trên, đều bị tội Ðột-cát-la. Pháp sư nói về khen ngợi sự chết: Ðem thân ra để khen ngợi nghĩa là tùy theo sự hiểu biết của người kia, hoặc đưa dao, gậy, thuốc độc hoặc dây... hoặc bảo nhảy xuống ghềnh đá, với cái chết như vậy, chết rồi sẽ được vật chất, hoặc được (tái sinh) với tài sản vô cùng, hoặc được sinh lên trời. Ðây là đem thân ra khuyên bảo, hoặc (bằng cách) vẫy tay, hoặc rung chân, hoặc đảo mắt. Gọi lên nghĩa là mở miệng nói ra lời dạy người khuyến khích theo ý mình để họ chết. Khi người này biết người kia khen ngợi sự chết thì người khen bị tội Ðột-cát-la. Người làm theo lời khuyên tự tử bị rất đau đớn nhưng không chết, người kia bị tội Thu-lan-dá. Nếu người nghe chết thì người khen bị tội Ba-la-di. Nếu người này không hiểu lời khen (chết) mà người khác lại hiểu nên nói rằng ta chết phải được sinh lên trời. Và do đó người kia chọn lấy cái chết thì người khen vô tội. Nếu người khen cho cả hai người, ai chết thì họ cũng bị tội Ba-la-di. Nếu tâm không nhắm vào ai mà chỉ khen ngợi chung (với mọi người) về sự chết, nếu có người vì thế mà chết, bị tội Ba-la-di. Nếu sai người đến khen ngợi khuyến khích người A chết, vừa nói ra thì bị tội Ðột-cát-la, đến nơi nói xong làm người kia (làm theo mà) chịu đau khổ thì bị tội Thu-lan-dá, người kia bị chết thì bị tội Ba-la-di. Sứ giả nghe khen ngợi rằng chết được sinh thiên mà không nói với người kia, lại nói với bạn bè thân tộc. Nếu có người vì vậy mà chết, sứ giả bị tội Ba-la-di, người dạy bị tội Ðột-cát-la. Nếu sứ giả nghe nói được sinh thiên nên tự sát, người dạy bị tội Ðột-cát-la. Nếu viết thư đưa sứ giả mang đi, sứ giả không biết nội dung thư mà người nhận thư chết, người sai phạm tội Ba-la-di, sứ giả vô tội. Nếu viết thư nhưng không chỉ cụ thể cho ai, mà làm cho người nhận thư chết, nếu người chết là cha thì người giết phạm nghịch tội Ba-la-di. Nếu có tâm giết, tự giả tạo các loại kinh sách để khen ngợi cái chết, có người đọc kinh sách này, thấy trong kinh khen ngợi chết được sinh thiên, người kia làm theo các cách chết trong sách kinh ấy hướng dẫn và bị chết, người viết sách bị tội Ba-la-di. Nếu cha mẹ bị chết thì người viết bị nghịch tội Ba-la-di. Nếu sau đó hối hận, đốt kinh sách ấy (khi chưa làm cho ai chết) thì chỉ bị tội Ðột-cát-la (vì viết kinh ấy). Nếu nhiều Tỳ kheo cùng nhau viết sách kinh khen ngợi việc chết, mà có người đọc kinh ấy nên chết, các Tỳ kheo đều phạm tội Ba-la-di, nếu làm cho cha mẹ chết thì phạm nghịch tội Ba-la-di. Nếu viết kinh khen ngợi việc chết, có người trộm lấy đọc nhân đó mà chết, Tỳ kheo viết sách bị tội Ba-la-di. Nếu gặp bùn trơn bị rơi (sách) có người nhặt được kinh sách bị rơi ấy và làm theo nên bị chết, Tỳ kheo soạn kinh bị tội Ba-la-di. Pháp sư nói: - Sẽ trình bày về việc thứ nhất của sự giết chết mạng sống. Tỳ kheo nào có cố ý giết, đào đất làm hầm để cho người A rơi xuống chết, đang đào đất thì bị phạm tội Ðột-cát-la; nếu họ bị rơi xuống hầm chịu đau đớn thì phạm Thu-lan-dá; nếu họ bị chết thì phạm tội Ba-la-di; nếu người khác rơi xuống chết, Tỳ kheo kia vô tội. Làm hầm hại mọi người, bất kỳ ai chết, Tỳ kheo ấy đều phạm Ba-la-di. Nếu làm cho cha mẹ chết, Tỳ kheo ấy phạm nghịch tội Ba-la-di. Nếu hầm sâu, người mang lương thực bị rơi vào hầm nhưng không chết ngay, sau đó ăn hết lương thực chắc phải chết (đói) không thể nào thoát ra được. Khi họ vừa rơi vào hầm, người đào hầm đã phạm Ba-la-di. Làm hầm với dự tính giết người, người không đến mà chính mình bị rơi vào hầm và chết, khi đào thì phạm tội Ðột-cát-la. Có người rơi vào hầm bị gãy tay chân nhưng không chết ngay và thoát ra được nhưng sau đó vì thế mà chết, người làm hầm phạm tội Ba-la-di. Nếu họ chết vì lý do khác thì không phạm. Pháp sư nói: - Bảo người khác làm hầm, phạm tội không phạm như trước đã nói. Nếu làm hầm bắt quỷ thần, khi vừa làm hầm và khi quỷ thần bị rơi vào chịu đau khổ, người làm bị tội Ðột-cát-la, nếu chết thì bị tội Thu-lan-dá. Nếu người và súc sinh rơi vào chết thì không phạm. Nếu sau đó hối hận, lấp hầm lại mà họ bị hại vì lý do khác thì người làm hầm không phạm tội. Nếu làm những dụng cụ để gây cho người chết, phạm tội không phạm tội như ở trước đã nói. Nếu không cố ý làm, hoặc làm hầm vì lý do khác mà người khác rơi xuống thì không phạm. Nếu giảng thuyết về khổ, vô thường, quán bất tịnh, có người nghe nên tự sát thì không phạm. Phần trên nói rộng về luật bản, và về nhân duyên giới sát. Nếu hành động phát sinh từ thân với tâm hoặc từ miệng với tâm thì bị tội, hoặc cả thân, tâm và miệng cũng bị tội. Ðây là tánh tội. Thân nghiệp và khẩu nghiệp có (câu hữu với) tâm hại nên chịu khổ. Từ bi, nghĩa là thấy có một Tỳ kheo bị bệnh nặng, các Tỳ kheo với tâm từ bi nói rằng: - Trưởng lão, ngài giữ giới đầy đủ, vì sợ chết nên phải chịu khổ thế này. Nếu ngài chết thì sao lại không được sinh thiên? Nghe nói như vậy, với ý nghĩ các Tỳ kheo đều khen ta giữ giới đầy đủ, chết chắc chắn sinh thiên, nên Tỳ kheo bệnh tuyệt thực mà chết. Người khen chết bị tội Ba-la-di. Thế nên, Tỳ kheo có trí tuệ đến thăm Tỳ kheo bệnh, cẩn thận chớ khen ngợi sự chết mà có thể nói rằng: Trưởng lão giữ giới đầy đủ, chớ nên luyến tiếc trú xứ và các y phục, vật dụng, người quen biết, bạn bè... chỉ nên niệm Tam Bảo và niệm thân bất tịnh, sống trong ba cõi này chớ nên biếng nhác, dù mạng sống ngắn hay dài. Nếu nghe khen như vậy mà Tỳ kheo bệnh qua đời tức là do nghe thuyết pháp mà chết, Tỳ kheo nói không có tội. Khi muốn ngồi, các Tỳ kheo nên đặt tay lên chỗ ngồi trước rồi sau đó mới ngồi. Pháp sư nói: - Chỗ ngồi nào phải đặt tay lên mới ngồi, chỗ ngồi nào không phải đặt tay mà được ngồi? Ðáp: - Nếu trên đơn có trải chiếu thì không cần đặt tay trước. Nếu (trên đơn) có nệm bằng lông, nỉ, len... thì phải đặt tay lên trước rồi mới ngồi. Nếu Tỳ kheo đến trước, sau đó thí chủ mới trải tấm nệm nỉ len... thì không cần phải đặt tay nữa. Nếu thí chủ nói rằng chỗ pháp sư ngồi đây thì Tỳ kheo được ngồi vào mà không cần đặt tay trước. Nếu đã có Tỳ kheo ngồi sẵn thì Tỳ kheo đến sau được ngồi mà không cần phải đặt tay trước. Câu cối đá (udukkhalavatthu) nghĩa là trong vườn cối đá (vườn đá tảng hay cối đá?) Không cố ý làm nghĩa là không có tâm cố giết. Câu cối đá ý nghĩa dễ hiểu không cần giải thích. Xuất gia già cả (Buddhapabba-jitavatthu) có ba câu: Câu thứ nhất: con nói với cha: - Ðừng để chúng tăng chờ đợi, hãy mau mau đi đến. Và cậu ta đẩy tới (làm cho cha) ngã xuống đất mà chết. Do đó vô tội. Câu thứ hai: - Tại sao mong cho cha chết? Vì ngay giữa tăng, chúng tăng hỏi rằng con ai? Ðáp: - Ðây là con của ông già (Ma-hallaka). Nghe nói như vậy nên xấu hổ, người con ông già liền cố hất cha rơi xuống nên chết. Do đó bị tội trọng. Câu thứ ba: Ðúng là bị tội Thu-lan-dá. Từ đây lại có ba câu, dễ hiểu, không cần giải thích. Trong phần khất thực có ba câu. Một: Tỳ kheo khất thực này lấy pháp làm trọng, thế nên khi được thức ăn liền chia cho bạn đồng học trước, không có tâm giết hại (mà họ bị chết) nên vô tội. Từ thượng tọa cho đến hạ tọa đều chết hết. Các câu khác dễ hiểu. Câu thứ hai: Nếu khất thực được thức ăn từ nhà ngoại đạo, gặp thức ăn quá tinh khiết thơm ngon thì đừng nhận. Nếu đã nhận rồi thì không được đem cho hay tự ăn mà âm thầm vứt bỏ đi, cũng không đem cho súc sinh. Người làm thử thì phạm Thu-lan-dá. Vì sao? Vì chỉ muốn thử. Nếu biết rõ (đối tượng) phải bị chết mà vẫn cứ làm thì bị tội trọng. Ba câu tiếp theo sau dễ hiểu. Trong câu dâm dục làm loạn tâm nghĩa là suốt bảy ngày đêm luôn suy nghĩ cách chế ngự tâm dục của mình nhưng không diệt được, Tỳ kheo này suy nghĩ rằng ta đã giữ giới đầy đủ, lẽ nào lại xả giới hoàn tục vậy ta nên tự tử. Do đó, vị này lên bờ đá ở núi Kỳ-xà-quật và nhảy xuống tự sát. Khi ấy, dưới núi có người đang chặt cây, Tỳ kheo rơi xuống, đập vào và làm chết người đang chặt cây, vì không có tâm giết nên vô tội. Phật bảo các Tỳ kheo: Không nên tự sát, người tự sát cho đến tuyệt thực đều phạm tội Ðột-cát-la. Nếu Tỳ kheo bệnh nặng, thấy chúng tăng và Tỳ kheo nuôi bệnh chăm sóc cho mình quá cực khổ, nên suy nghĩ rằng: các vị này chỉ vì ta mà khổ cực đến như vậy. Nếu vị ấy tự quán sát mạng sống không còn bao lâu nên không ăn, không uống thuốc nữa thì được. Lại có Tỳ kheo (nghĩ rằng) ta bệnh quá khổ cực, mạng sống của ta cũng hết, ta đã biết rõ đạo tích như (thấy) trong bàn tay. Nếu thấy như vậy mà vị ấy tuyệt thực cho chết thì vô tội. Tỳ kheo nào nhập thiền định muốn được đắc đạo nên không đi vào làng khất thực, nên không nhịn ăn (vì không có thức ăn) thì cũng được. Trong câu về đá, Tỳ kheo không được đào đá, không chỉ là đá mà cho đến đối với cỏ, cây, đất cũng vậy. Nếu vì xây tường chùa tháp, phải đào phá đá thì được, cho đến sửa sang phòng ở (mà phá đá) cũng được. Sau bữa ăn (trưa) ném thức ăn lên cho chim (ăn) cũng được. Nếu có thú dữ đến muốn hại, nên dùng đá đất ném cho chúng đi chỗ khác thì được. Câu nói về thông dâm thì có ý nghĩa dễ hiểu. Có thai do gian dâm ; Chồng của cô này đi xa, vợ thông dâm với người khác nên có thai. Khi thai lớn ra, cô ta đến Tỳ kheo để xin thuốc trục thai. Câu cùng với người vợ, dễ hiểu. Theo câu này thì người đàn bà ấy nói với Tỳ kheo rằng làm sao phá được thai? Tỳ kheo đáp: - Cô hãy bóp vào thì thai tự chết và ra ngoài. Theo lời Tỳ kheo thì bóp chết nhưng cô ta lại dùng hơi nóng để trục thai nên Tỳ kheo vô tội. Tỳ kheo bảo tự bóp chết mà cô ta nhờ người khác bóp chết, Tỳ kheo vô tội. Nếu Tỳ kheo dạy người bóp vào thai cho chết thì họ tự bóp hay bảo người khác bóp cho thai chết, Tỳ kheo đều bị tội trọng. Câu cô gái không con: Tất cả người nữ đều phải thọ thai vậy sao gọi là không có con? Khi bắt đầu thọ thai, nếu người nữ nào có gây nghiệp tội thì chúng sinh vào thai trong chốc lát sẽ bị chết ngay, nên không có con. Nếu người nữ mà bốn đại không điều hòa, bị phong động (thai liền chết) hoặc thai ở chỗ có trùng ăn nên chết mất, vì vậy gọi là không con. Tỳ kheo này không biết như vậy nên cho thuốc để giữ thai nhi lại. Cô ta uống thuốc ấy vào thì chết. Tỳ kheo bị tội Ðột-cát-la. Thế nên, trong tương lai các Tỳ kheo không được làm thầy thuốc. Ai làm thầy thuốc bị tội Ðột-cát-la. Nếu làm thuốc cho người xuất gia như Tỳ kheo, Tỳ kheo ny, thức xoa ma na, sa di, sa di ny thì vô tội. Ðược pha chế cho bạn đồng học đã có thuốc sẵn, họ không có thuốc thì cho. Nếu mình không có thì có thể đến xin ở nhà thí chủ. Nếu xin thuốc ở đó không có thì xin ở nhà khác. Lại có năm nơi có thể cho thuốc là: cha, mẹ, người nuôi dưỡng cha mẹ, tịnh nhân của mình, bạn đầu-ba-la-sa. Hỏi: - Bạn đầu-ba-la-sa là gì? Ðáp: - Thiện nam tử muốn cầu xuất gia nhưng chưa có y bát, muốn sống trong chùa. Nếu cha mẹ giàu có đủ thuốc tốt thì thầy thuốc không cần phải pha chế. Nếu cha mẹ (vị kia) ở địa vị vương gia, có bệnh thì không thể không pha chế thuốc (cho họ). Nếu cha mẹ nghèo hèn, khi bệnh, tùy lúc nên đưa vào chùa để chăm sóc. Khi tắm rửa cho mẹ, cẩn thận chớ xúc chạm thân thể. Khi ăn uống được tự tay đưa cho cha như sa di không khác. Rửa tay, thoa dầu (cho cha mẹ) được phép dùng tay của mình và nuôi dưỡng cho đến khi hết bệnh. Ðối với tịnh nhân, thuê người vào rừng chặt cây lấy củi, nếu họ bị bệnh mà chưa về nhà được, Tỳ kheo nên cấp thuốc men. Nếu họ đã về nhà, Tỳ kheo không nên cấp thuốc. Nếu có người thiện nam y chỉ Tỳ kheo để giúp việc họ bị bệnh thì Tỳ kheo cấp thuốc. Lại có mười hạng người mà Tỳ kheo được cho thuốc: anh, em, chị, em gái, cô, dì, chú, bác, cậu, cậu bác (anh mẹ). Những người này đã có thuốc thì Tỳ kheo pha chế cho, nếu không có thì cho mượn. Sau này, nếu họ trả lại thì tốt, không trả thì chớ đòi. Như vậy, có thể tính đến bà con trong bảy đời, Tỳ kheo có thể xin thuốc của họ, chế thuốc cho họ mà không phạm giới (tăng-tàn) gây tiếng xấu ở nhà người (ô-tha-gia). Nếu em dâu hay anh rể có bệnh, có thể đưa thuốc cho chị và em gái, bảo họ đưa cho em dâu hay anh rể. Nếu không có em trai hoặc chị, thì có thể đưa cho cháu bên ngoại (hoặc đệ tử) và bảo: Hãy đưa thuốc cho cha mẹ của ngươi. Nếu cha, mẹ của hòa thượng đang bị bệnh và ở trong chùa thì đệ tử cũng được phép làm thuốc điều trị cho những người ấy. Nếu hòa thượng không có thuốc mà cha mẹ có thuốc thì tốt. Nếu hòa thượng không có đệ tử mà cha mẹ có thuốc thì tốt. Nếu hòa thượng không có đệ tử mà cha mẹ có thuốc thì tự mình làm thuốc cho cha mẹ: hòa thượng săn sóc đệ tử cũng như vậy. Nếu người khác có bệnh, hoặc giặc, hoặc quân nhân mang vũ khí đi vào chùa (uy hiếp), Tỳ kheo nào có thân quyến thì đến xin thuốc của thân quyến mà cho họ. Nếu không có thân quyến, mà có cận sự nữ tốt thì xin thuốc rồi cho họ cũng tốt. Nếu có thí chủ cúng dường chúng tăng như cha mẹ, nhưng khi thí chủ có bệnh, chúng tăng cũng không được làm thuốc cho họ, hay cho thuốc. Lại nữa, khi thí chủ chỉ hỏi rằng: Ðại đức... có bệnh, làm sao chữa trị, chế thuốc như thế nào? Nên đáp: - Dùng thuốc này thì hết bệnh. Nếu chúng tăng trả lời như vậy thì tốt. Nếu thí chủ lại hỏi Tỳ kheo rằng: - Thưa đại đức! Mẹ con bị bệnh, xin đại đức cho toa thuốc trị bệnh thì Tỳ kheo không được cho toa thuốc. Tỳ kheo ấy nên tạo phương tiện hỏi đại đức bên cạnh rằng: Tỳ kheo... có bệnh đã điều trị bằng thuốc gì? Ðáp: - Trưởng lão ấy dùng thuốc... thì hết bệnh. Nghe hai Tỳ kheo nói như vậy rồi, thí chủ theo cách ấy mà bốc thuốc cho cha mẹ mình. Nếu Tỳ kheo nói như vậy thì không có tội. Khi ấy, hoàng hậu Bà-Sa-Bà (Vasa-bha-ràjan) bị bệnh nên sai một cung nữ đến hỏi đại đức Ma-ha Ba-Ðầu-Ma (Mahà Padumatthera). Ðại đức này im lặng không đáp nhưng tạo phương tiện bằng cách nói chuyện với Tỳ kheo bên cạnh (về cách trị liệu này). Nghe hai Tỳ kheo nói chuyện xong, cung nữ trở về làm thuốc theo như vậy và hoàng hậu hết bệnh. Sau khi hết bệnh, hoàng hậu làm tam-y và 300 đồng tiền (kahàpana - ca-lị-sa-bàn) và một bình thuốc đầy, với y phục vật dụng đem đến đặt trước đại đức và thưa rằng: Phu nhân nhờ vào thuốc này (hết bệnh) nên cúng dường đại đức chi phí về hoa hương. Ba-Ðầu-Ma suy nghĩ: Hương này thuộc phần của thầy thuốc. Tôn giả nhận lấy vật ấy với sự thanh tịnh và đem cúng dường. Pháp sư nói rằng: - Người trí tuệ như vậy có thể làm lợi ích cho chúng sinh mà mình cũng vô tội. Hành động như vậy là tốt. Nếu người bạch y nói rằng: Xin thỉnh đại đức đặt ra kệ cầu an (paritta) cho người... thì Tỳ kheo không được làm. Nếu họ thưa rằng thỉnh đại đức tụng kệ cầu an, thì được tụng. (Khi ấy) Tỳ kheo nên suy nghĩ rằng người bạch y này không biết Phật pháp, nếu ta không chú nguyện thì họ sinh ý nghĩ ác, vậy nên tụng kệ chú cho họ. Lấy dây nước để sái tịnh đưa cho họ, nếu tự làm nước sái tịnh và dây thì bị tội Ðột-cát-la (bát nước để rưới trong nhà thí chủ trong lễ cầu an và kèm sợi dây cột theo bát nước đến tay các vị Tỳ kheo hành lễ - người dịch). Nếu vua hay đại thí chủ trong làng có bệnh, sai người đến chùa thỉnh Tỳ kheo chú nguyện cho họ, thì nên tụng kinh A-thát-na-đà (Atànà-tiyasutta kinh cầu an) cho họ. Ðược phép đến chỗ người bệnh mà nói pháp hay truyền giới. Nếu thí chủ nói rằng gặp lúc đưa quốc vương..., thí chủ... đi tống táng, xin thỉnh ngài đưa đi. Tỳ kheo không được đưa đi (vì tuân theo lời họ) mà phải có ý nghĩ rằng ta nên đến nơi tống táng để quán sát vô thường và nhân đó ta sẽ được đạo quả. Nếu đi như vậy thì vô tội. Phân vệ thực là thức ăn khất thực, được phép cho và không được cho. Ðược phép cho cha mẹ mà không được cho người khác. Có thể đưa cho người khác một tiền để nuôi dưỡng cha mẹ, được đưa cho tịnh nhân, được đưa cho người chuẩn bị xuất gia (Bàn-đầu-bà-la-sa pandupa-làsa). Tỳ kheo được cho những người ấy, được đưa cho giặc cướp đến đòi. Hỏi: - Ðưa cho ai cần phải hỏi rõ, đưa cho ai không cần phải hỏi? Ðáp: - Nếu có người đến chùa, bất luận sang hèn hay giặc cướp, đến phải hỏi rõ với họ. Nếu họ có yêu cầu vật gì thì được phép cho vật riêng của mình. Nếu là vật của chúng tăng, phải thưa trước và chúng tăng hòa hợp cho phép thì được đưa. Nếu kẻ ác có sức mạnh (quyền thế) đến đòi lấy vật, người giữ vật thì muốn bảo tồn trú-xứ (chùa) thì được tùy ý cho. Sau khi họ đã cho, chúng tăng không được la trách mắng người ấy với lời lẽ như: Ðây là do ngươi tự ý đem vật giao cho kẻ ác. Vì sao? Vì họ muốn bảo vệ chùa. Pháp sư nói: Tôi sẽ chứng minh việc ấy. Bấy giờ, tạo đảo Sư tử có nước tên A-nậu-la-đà (Anuràdhapura). Trong nước có giặc A-bà-da (abhaya) gồm 500 tên. Chúng cùng nhau tụ tập chiếm cứ một nơi lập thành đồn trại và cướp bóc những khu vực chung quanh cách trại chừng một do-tuần. Câu cách lị (ngăn cách) dễ hiểu. Bị tội, ông hãy xem trong kinh Khuất-đà-ca (Khuddaka-nikàya). Hoặc nâng lên hoặc đè xuống, nhóm thập thất quần Tỳ kheo 17 vị thấùy nhóm sáu Tỳ kheo chỉ có một vị. Một vị trong nhóm (17 vị) đoạt lấy bát của vị kia và sáu vị khác cùng giở vị kia lên và ném ngã ra đất và lần lượt cùng nhau ngồi trên (vị kia). Do đó vị Tỳ kheo già (trong nhóm lục quần) bị chết. Bị kết tội như trong luật đã nói. Trị quỷ: giết quỷ dạ xoa; dạ xoa này hay bắt người, Tỳ kheo tụng kinh chú bảo nó đi nhưng nó không nghe theo. Tỳ kheo bảo rằng nếu ngươi không tuân theo thì ta sẽ giết ngươi. Dạ xoa cũng không bỏ. Do đó, Tỳ kheo dùng bột gạo hay đất sét nặn thành hình quỷ dạ xoa, rồi tụng chú làm gãy tay chân và tay chân (tượng quỷ) liền bị gãy và dạ xoa bị chết. Vì vậy, Tỳ kheo phạm tội Thu-lan-dá. Không chỉ riêng cho dạ xoa, mà giết Thiên Ðế-Thích cũng bị tội Thu-lan-dá. Câu dạ xoa ác, có một dạ xoa ác trú ngụ trong một chùa nọ. Tỳ kheo này không biết trong phòng ấy có dạ xoa ác nên sai một Tỳ kheo vào phòng để vị ấy được ở an ổn (nên đưa đến cái chết cho vị ấy) do đó vô tội. Nếu vì tâm ác mà sai vị ấy vào phòng cho bị chết thì bị phạm tội trọng, không chết thì phạm Thu-lan-dá. Không riêng gì dạ xoa ác mà đối với nơi có rắn độc cọp sói.. cũng (xem) như dạ xoa ác, phạm tội không phạm thế nào như đã nói ở trên. Câu hiểm nạn, đối với chỗ hiểm nạn, có nhiều giặc, nhưng người sai đi không biết thì vô tội. Nếu biết rõ (tình hình nơi làm cho) người kia chết, người sai đi phạm trọng tội, không chết phạm Thu-lan-dá. Giết đúng người là câu thứ nhất. Có một Tỳ kheo cùng một Tỳ kheo có thù oán nhau. Tỳ kheo này muốn giết Tỳ kheo mà mình thù oán, nên suy nghĩ rằng ta giết kẻ kia vào ban ngày thì mọi người biết rõ, vậy đợi tối hãy giết. Với suy nghĩ như vậy, Tỳ kheo này đến xem xét chỗ ở (của vị kia) rồi trở về và khi tối đến thì đến chỗ Tỳ kheo kẻ thù. Trong lúc vị kia đang có nhiều bạn. Trong đêm tối, Tỳ kheo này tìm kiếm và nghi là kẻ thù nên giết đúng vị kia (kẻ thù) thì phạm trọng tội. Tỳ kheo nghi người này mà giết nhầm người kia: Chỗ ở của Tỳ kheo bị oán thù này có nhiều bạn bè cùng đang ngủ trong chỗ tối. Tỳ kheo kia tìm kiếm và nói rằng đây là kẻ thù và giết nhầm người khác. Có Tỳ kheo nói giết người này mà giết người kia, nói giết người kia và giết chết đúng người kia. Giết chết người với những trường hợp như vậy, đều phạm trọng tội. Câu phi nhân, câu thứ nhất: Muốn cho quỷ xuất ra, dùng gậy đánh Tỳ kheo bệnh (quỷ nhập) chẳng may vị này chết, nên vô tội. Hỏi: - Nếu muốn quỷ xuất ra thì phải làm thế nào? Ðáp: - Dùng lá cây Ða-la hay vải lụa cột tay chân giữ người bệnh lại, tụng kinh La-đa-na (Ratanasutta kinh Tam bảo) sau đó bảo với nó rằng ngươi không được quấy phá người trì giới, ngươi hãy đi đi. Ðược thuyết pháp, pháp sư nói rằng câu này dễ hiểu. Pháp sư nói: - Câu chặt cây, có những nghĩa khác nhau về chi tiết. Nếu khi bị cây này ngã đè nhưng Tỳ kheo không chết. Trong tay có cầm dao bén, nhưng Tỳ kheo này thà chết chứ không chặt cây đào đất để thoát chết. Vì nếu đào đất chặt cây thì phạm tội Ba-dạ-đề. Phạm tội Ba-dạ-đề thì gọi là vượt qua lời dạy của thánh nhân (tội vượt pháp). Do đó, người có trí tuệ thà giữ giới mà chết chứ không phạm giới để được sống. Nếu có người khác đào đất chặt cây để cứu mình thoát ra thì tốt. Nếu có phương tiện thì cũng được. Phương tiện ở đây như là có cây chết khô, các Tỳ kheo dùng để bẫy cây (đang đè) lên thì tốt. Nếu Tỳ kheo bị rơi xuống hang hố, Tỳ kheo khác được dùng dây thả xuống để kéo lên, không được tự chặt cây, được phép bảo người thế tục hay sa di chặt cho. Câu phóng hỏa, có nghĩa khác, có người đốt lửa cháy lan gần đến chùa. Vì bảo vệ chùa, Tỳ kheo được phép phát cỏ, đào đất để dập tắt lửa, không phạm tội. Câu phóng hỏa thiêu đốt, lại có nghĩa, nếu có ý nghĩ ta đốt cháy tất cả chúng sinh thì trong đám cháy ấy, có chúng sinh nào bị chết, Tỳ kheo ấy mắc các tội như ngũ nghịch, Ba-la-di, Thu-lan-dá, Ba-dạ-đề. Nếu nói: Tôi chỉ đốt cỏ, phạm Ba-dạ-đề; bảo người khác đốt, phạm Ðột-cát-la; chỉ được đốt lửa để bảo vệ trú xứ. Tại sao? Vì đức Phật cho phép. Câu: nước sửa chua nghĩa là sữa lạc, sữa lạc chua, sữa lạc chín. Hỏi: - Nước tô-tỳ-la (suviraka) là gì? Ðáp: - Trước tiên lấy (trái) A-ma-la-ha-la-lặc-tỳ-ê-lặc (haritahàmalakavibhitaka). Cốc có bảy loại, thứ nhất là cám gạo, cam tiêu tử, các loại trái cây, thịt, cá, măng, mật, đường cát, muối hạt, hòa lại với nhau, để trong vò hay bình nhỏ, đậy nắp kín và đắp bùn ở trên, để ba đến bốn năm đợi nó chín. Khi chín nó có màu như mật, dùng trị các bệnh như phong, hủi.v.v... Dùng thuốc này khi ăn uống, cần thêm vị béo, tất cả các loại thuốc khác không hơn thuốc này, rất hiệu nghiệm. Tỳ kheo nào bệnh khi dùng thuốc này được phép dùng sau bữa trưa. Nếu không bệnh thì được phép hòa với nước để dùng. Hết phần giới Ba-la-di thứ ba.
Khi ấy đức Phật ở nước Tỳ-xá-ly. Ý nghĩa này đã giảng rõ ở trước, không nói lại. Sau đây xin nói đến những việc chưa nói đến. Bị bạch y (người thế tục) sai khiến: hoặc cày ruộng hay làm vườn rừng cho người bạch y (và nói rằng): Chúng tôi sẽ làm tất cả những việc ấy. Ðối với những việc ấy, Tỳ kheo không nên làm mà nên bảo người bạch y làm như trong luật đã nói. Sứ giả: Làm sứ giả cho thế tục, hành theo pháp thánh lợi là pháp vô thượng trong loài người, cũng gọi là pháp thượng nhân, cũng gọi là pháp phạm, cũng gọi là pháp Niết-bàn. Pháp này là pháp của chư Phật, Bích-Chi-Phật và A-la-hán. Bắt đầu là sự việc Tỳ kheo này đắc thiền thứ nhất. Các Tỳ kheo cùng nhau tính toán như vậy sau đó nói với người bạch y rằng: Có Tỳ kheo tên Phật-Ðà-Lặc-Khí-Ða chứng sơ thiền; Ðàm-Vô-Lặc-Khí-Ða chứng nhị thiền; Tăng-Già-Lặc-Khí-Ða chứng tam thiền. Và nói với người bạch y như vậy cho đến tứ thiền, tam đạt-trí, lậu tận A-la-hán. Dù người bạch y có hỏi hay không, các Tỳ kheo cũng tâng bốc nhau với họ. Ðược những người bạch y cúng dường, nhan sắc các Tỳ kheo tươi nhuận vui vẻ và sức lực sung mãn. Vì các Tỳ kheo này được cúng dường rồi, được ăn uống các món thơm ngon thì phóng túng chơi đùa, cũng không tọa thiền nữa. Do đó, nhan sắc của họ tươi nhuận vui vẻ. Bờ sông Bà-cầu, các Tỳ kheo an cư bên bờ sông Bà-cầu nên gọi là Tỳ kheo sông Bà-cầu. Câu: Phật hỏi các Tỳ kheo rằng: Các ông cư trú hòa hợp an lạc không? Nghĩa là Ngài hỏi các Tỳ kheo rằng thân thể (với tứ chi và chín lỗ) có an lạc, có mệt nhọc không? Sau khi an ủi, Thế Tôn chê trách các Tỳ kheo ở sông Bà-cầu rằng: - Các ông hành động như vậy chính là loại giặc cướp lớn. Nhân sự việc này, đức Phật ngăn cấm các Tỳ kheo trong tương lai không được có hành động như vậy. Do đó, trong luật có nói: Phật bảo các Tỳ kheo rằng:- Trên đời này có năm loại giặc lớn. Nhiều người tụ tập, từ một hai trăm người cho đến năm trăm nguời cùng nhau cướp bóc thành phố, làng xóm, đào tường phá vách. Ðây là giặc cướp lớn trong thế gian. Cũng như vậy, có Tỳ kheo phạm tội Ðột-cát-la, Ba-dạ-đề và tuần tự theo đó phạm Ba-la-di mà nhận sự cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, chắp tay lễ bái của người khác... Ðời này, hạng Tỳ kheo ác này từ bỏ thầy và bạn đồng tu để kinh doanh kiếm lợi dưỡng, được lợi dưỡng rồi phóng túng ăn uống, thân thể béo mạnh, khí lực sung mãn, cùng nhau chơi giỡn, hoặc nói về sự thơm ngon của thức ăn, hoặc nói về sự dâm dục, hoặc bàn luận về sự giàu sang vui sướng của đất nước làng xóm, hoặc nói về các vườn chơi với thức ăn ngon ngọt, suy nghĩ đủ các thứ, bàn luận với những lời thô tục, phóng túng tâm ý không biết chế ngự, đưa đến phá giới. (Có hạng) hưởng thụ y phục, thức ăn, thuốc thang, chỗ ở, chăn màn bàn ghế của các thí chủ có lòng tin đem cúng dường bố thí, chúng chẳng phải Thích tử chân chánh lại tự xưng là Thích tử, không có phạm hạnh lại tự xưng phạm hạnh. Những kẻ hưởng thụ của cúng dường như vậy gọi là giặc cướp lớn thứ nhất. Chú Giải Luật Thiện Kiến. - Quyển Thứ Mười Một - -ooOoo- |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)
update: 10-02-2001