BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ năm

-ooOoo-

Về câu: Từ bỏ khổ và lạc.

Hỏi: - Từ bỏ khổ và lạc nghĩa là gì?

Ðáp: - Trong tứ thiền, không còn tâm khổ và lạc, còn gọi là vứt bỏ cả tên khổ và lạc.

Hỏi: - Trong tứ thiền, khi nào không còn tâm khổ và lạc?

Ðáp: - Ngay khi bắt đầu bước vào tứ thiền là không còn.

Hỏi: - Ở đâu không còn khổ về thân?

Ðáp: - Như trong kinh nói: Phật bảo các Tỳ-kheo, ly dục được thanh tịnh rồi, thì vào sơ thiền, ở đây khổ bị diệt hết.

Hỏi: - Ở đâu diệt sạch cả tâm khổ và lạc?

Ðáp: - Trong sự tu tập viên mãn.

Phật bảo các Tỳ-kheo: Trong tứ thiền, khổ lạc hoàn toàn bị diệt hết; ngay khi bắt đầu bước vào đệ tứ thiền thì hỷ hoàn toàn bị diệt không còn gì. Trong sơ thiền, niệm và tư chưa hết nên có tâm khổ. Khi diệt hết niệm và tư thì khổ không còn. Cũng vậy, trong nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, tuần tự diệt các chi, bắt đầu là niệm. Hỷ được diệt tận khi bắt đầu vào tứ thiền. Lạc trong thiền thứ tư, vì an trú vào xả (thanh tịnh hoàn toàn nhờ xả) nên lạc không thể phát sinh được nữa. Do đó, trong thiền thứ tư, khổ bị diệt tận không còn, nên gọi là không khổ, không lạc. Pháp xả này rất vi tế, không thể dùng ý mà nắm bắt được. Vì sao? Như có con bò dữ, người chăn bò không thể bắt giữ được, nên phải làm chuồng và lùa cả bầy vào trong, rồi cho từng con đi ra, tuần tự đến con bò dữ này thì bắt giữ được nó. Phật cũng như vậy, trước tiên giữ lấy lạc để có tất cả các pháp, sau đó tuần tự loại trừ đi, (và chỉ ra) đây là không khổ, không lạc, không tâm khổ, không tâm lạc và đây là cảm thọ không khổ không lạc.

Hỏi: - Không khổ không lạc này có giữ được không?

Ðáp: - Không thể giữ được.

Hỏi: - Nhưng theo như câu ở trên thì tại sao nói giữ được?

Ðáp: - Nhờ tên mà biết được tướng, cũng như bắt giữ được vậy; tướng trên ngôn ngữ như vậy, hãy tự biết lấy. Như trong kinh văn nói có bốn duyên mà vị trưởng lão nhờ đó đạt đến giải thoát do không khổ không lạc. Ðó là nhờ định (nên loại bỏ hỷ và ưu ở thiền thứ ba) và hoàn toàn không còn khổ, lạc thì trú thiền thứ tư. Trưởng lão, đây là bốn duyên không khổ không lạc được gọi là giải thoát nhờ vào định. Cũng như, ngay khi ở đạo lộ thứ ba (đưa đến tam thiền), tà kiến... là các pháp đã diệt từ đầu, đó là sự khen ngợi về đạo lộ thứ ba; sự việc ở trên cũng như vậy.

Hỏi: - Các pháp ấy như thế nào?

Ðáp: - Ðứng đầu là sân nhuế, ngu si... tuần tự biết theo như vậy. Cũng như trong tứ thiền, bắt đầu bằng tâm khổ lạc, từ lạc sinh ra dục; từ khổ sinh ra sân nhuế. Khi sân nhuế sinh ra thì tiêu diệt tâm lạc. Thiền thứ tư đã quá xa chúng nên gọi là không khổ không lạc.

Hỏi: - Tướng trạng của không khổ không lạc như thế nào?

Ðáp: - Là trạng thái hoàn toàn không còn lạc và khổ.

Hỏi: - Vị của nó như thế nào?

Ðáp: - Không còn vị đắng của khổ và vị ngọt của lạc, còn gọi là không có đáp ứng.

Về câu: Xả niệm (thức) thanh tịnh.

Hỏi: - Xả niệm thanh tịnh là gì?

Ðáp: - Xả nghĩa là khiến cho thức được thanh tịnh. Ðây là trong thiền thứ tư, niệm hoàn toàn thanh tịnh. Niệm đã thanh tịnh là xả hết ba niệm đã có, hoàn toàn nhờ vào tác dụng của xả chứ không phải nhờ vào pháp nào cả. Thế nên, trong luật này nói về xả niệm thanh tịnh ví như trăng bị mây che nên ánh sáng không tỏ rạng. Sau khi mây tan hết, ánh trăng chiếu trong sáng. Ở đây, tư lạc cũng vậy, xả hết tư và lạc thì niệm liền thanh tịnh.

Hỏi: - Trong ba thiền ở trước đó (xả niệm thanh tịnh) không?

Ðáp: - Có.

Hỏi: - Vì sao không thoát khỏi niệm?

Ðáp: - Vì ở trước bị tư che lấp nên không thoát được. Lại nữa, xả trong tứ thiền thì niệm như ban đêm, xả như mặt trăng tròn, khi chúng họp nhau thì mặt trăng sáng tỏ.

Như vậy, sơ thiền có năm chi, tứ thiền có ba chi là xả, niệm, nhất tâm. Nói rộng có ba, tóm lại có hai, như trong kinh đã nói.

Hỏi: - Hai chi (xả và nhất tâm ) phát sinh khi nào?

Ðáp: - Hai chi này phát sinh trong thiền thứ tư.

Hết phần đệ tứ thiền.

Trong Tứ thiền này, có người muốn thực hiện quán địa, có người muốn nhất tâm, có người muốn thông địa, có người muốn diệt-đế-địa, có người muốn nhập sinh. Nhập vào ái-tận nghĩa là cầu nhất tâm.

Vào thiền định như thế nào để được nhất tâm? (Ai với ý muốn) ta an trú trong an lạc suốt một ngày, nên tu tập bằng ca-tư-na (krtsna-kasina-biến xứ - Hán-nhất thiết nhập) thì sẽ phát sinh tám loại định. Người nào ra khỏi định rồi mà vẫn nhất tâm với tuệ quán như trước (trong đối tượng quán của mình), đây gọi là quán địa. Lại có người thành tựu tám loại định rồi, đi vào sự thông suốt các thiền địa, sau khi xuất định có thể biến hiện các thần thông từ một thân hóa ra ngàn vạn thân... được biết theo thứ tự như vậy; nên gọi là nhờ thiền nên đạt thông địa. Lại có người sau khi có tám loại định, an trú vào diệt tận định. Thời gian bảy ngày trong diệt tận định này, theo thế gian gọi là Niết-bàn. Ta cho rằng giữ sự an lạc trong bảy ngày này chính là diệt-đế-địa. Có người đắc tám loại định nhưng không thích thú về thiền định này, với ý nghĩ rằng ta muốn sinh lên cõi Phạm thiên; đây gọi là vào sinh địa. Dưới cây Bồ đề, đức Phật nhập vào định của thiền thứ tư, xuất khỏi định này, quán địa này của Như Lai cũng được gọi là thông địa, cũng gọi là nhập vào diệt-đế-địa, thể nhập vào tất cả pháp thế gian và pháp thánh lợi.

Pháp sư nói: - Lược nói như vậy, về thứ tự của thiền thứ tư tự biết lấy. Với pháp này, vào định của thiền thứ tư, bằng định nhất tâm hoàn toàn nên gọi là tịnh; như trong luật có nói: Xả niệm thanh tịnh.

Hỏi: - Thế nào là tịnh?

Ðáp: - Trắng tinh không còn đen, cũng gọi là quang minh, nhờ vào lạc ly dục, thoát ly hoàn toàn các phiền não, tâm trở nên thanh tịnh trong sáng và tùy thuận sự điều phục. Vì sao? Vì đã được huấn luyện đến mức độ cực kỳ mềm dẻo. Như trong kinh có nói: Nếu tâm đã mềm dẻo thì tùy thuận theo sự điều phục. Ví như vàng nguội được tuần tự luyện cho mềm dẻo thì có thể tùy theo ý muốn mà làm các loại trang sức, đập không bị rạn nứt. Tâm cũng như vậy, tùy thuận sự điều phục. Trong kinh nói rằng Phật bảo các Tỳ-kheo, ta không thấy một pháp nào như tâm, phải huấn luyện nhiều lần mới mềm dẻo, tùy thuận sự sai khiến đạt đến chỗ cực tịnh như vậy gọi là bất động, tinh tấn không còn giải đãi, luôn luôn nhất tâm không còn trạo cử, có trí tuệ kiên cố không bị vô minh che lấp, thường xuyên chánh niệm không bị thất niệm làm nhơ bẩn, quang minh sáng suốt không bị phiền não ngăn che. Ðược pháp này bảo vệ thì không bị loạn động. Tâm này đi vào tám chi thì theo sự tiếp thu mà phân biệt rõ các pháp. Nhờ bốn định của bốn thiền mà được nhất tâm, đưa đến xa lìa các triền cái, tâm không còn cấu trược. Vượt qua niệm tư, tâm được thanh tịnh, phát sinh trí tuệ. Do đó, các triền cái không thể che lấp được tâm. Do không còn niệm nên đạt đến bất động. Khử sạch phiền não cũng gọi là bất động. Ðoạn này được nói trong kinh, hãy tự xem lấy.

Túc-mạng-trí được phát sinh từ thông địa. Túc nghĩa là ấm của đời quá khứ. Trú nghĩa là ở nhà này nhà kia, chết ở nhà này nhà kia, rồi lại sinh vào nhà này nhà kia, rời khỏi nhà này sinh vào nhà kia. Bằng trí tuệ của mình mà biết rõ tất cả từng giai đoạn đời trước; gọi là tự biết túc mạng đời quá khứ. Như trong luật văn có nói: Biết (phân biệt) túc mạng trí nghĩa là nhờ phân biệt mà biết chỗ ở của các thân mạng trong quá khứ, biết sự thọ sinh hoặc một đời, hai đời, luân chuyển như vậy, nhờ tâm biết nên phân biệt. Như Phật đã đến bờ bên kia (pàrami), không còn phải điều phục tâm mà phân biệt rõ hết. Kẻ mới học thì làm rồi mới phân biệt được. Tôi sẽ nói sơ lược, muốn biết rõ xin đọc (Thanh) Tịnh-đạo Tỳ-bà-sa (Visuddhimagga), ở đây nói theo trong luật.

Hỏi: - Thế nào là một đời?

Ðáp: - Một quá trình từ khi (hữu tình) vào thai đến khi chết, gọi là một đời. Tuần tự như vậy cho đến vô số đời.Tam-bạt-kiếp (samvattakappa), Hán dịch kiếp-hoại-diệt.

Hỏi: - Thế nào là vô số kiếp-hoại-diệt?

Ðáp: - (Kiếp) tuần tự bị diệt dần gọi là kiếp-hoại-diệt.

[Tỳ-bạt-di (vivatta) kiếp, Hán dịch là kiếp thành -- người dịch]

Hỏi: - Thế nào là Tỳ-bạt-sất-di-kiếp (vivattatthàyi-kiếp trụ).

Ðáp: - Tuần tự sinh trưởng, gọi là kiếp trụ.

Kiếp hoại được thuộc vào kiếp không (tam-bạt-xoa-di-kiếp-samvattatthàyi), lấy từ kiếp không, thì kiếp thành được thuộc vào kiếp trụ. Với những kiếp này, tâm đều phân biệt rõ. Như trong kinh văn nói: Phật bảo các Tỳ-kheo rằng có bốn a-tăng-kỳ kiếp. Ðó là tam-bạt-trá, tam-bạt-xoa-di, tỳ-bạt-trá, tỳ-bạt-xoa-di [samvatta (hoại), samvattathàyi (không), vivatta (thành), vivattathàyi (trụ)]. Kiếp hoại là gì? Có ba kiếp hoại, đó là hỏa hoại, thủy hoại, phong hoại. Có ba cõi bị hoại là A-ba-sa-la-thiên (Quang âm), Tu-bà-khẩn-na-thiên (Thiểu tịnh), Ty-hiếp-phá-la-thiên (Quảng quả) (Abhassarà, Subhakinhà, Vehapphalà).

Khi hỏa kiếp hoại xuất hiện, từ cõi Quang âm trở xuống bị lửa cháy hết. Khi thủy kiếp hoại xuất hiện, từ cõi Tiểu tịnh trở xuống bị chìm mất trong nước lớn. Khi phong kiếp hoại xuất hiện, từ cõi Tỳ-hiếp-phá-la-thiên trở xuống bị tàn phá bay sạch. Rộng cho đến một cảnh giới của Phật.

Pháp sư hỏi: - Cảnh giới của Phật là gì?

Ðáp: - Là cảnh giới sinh, cảnh giới uy lực, cảnh giới được biết đến (Jàtikkhetta, Anakkhetta, Visayakheta).

Hỏi: - Cảnh giới sinh... là gì?

Cảnh giới sinh là trong mười ngàn thế giới, nếu khi có đức Phật giáng sinh thì cả mười ngàn thế giới đều chấn động. Cảnh giới uy lực là uy đức của Phật bao trùm đến trăm ức thế giới. Trong này, nếu Phật thuyết các kinh bảo hộ như kinh Tam bảo, Kinh Tụ, kinh Ngọn cờ, kinh Cầu an, kinh Khổng tước (Ratanaparitta, Khandhaparitta, Dhajaggaparitta, Atànàtiyaparitta, Moraparitta), (phi nhân nào) nghe mà không phục tùng thì bị gió dữ thổi bay ra tận ngoài trăm ức thế giới. Cảnh giới được biết đến là Ngài biết rất rộng không thể đo lường được. Do đó khi một ba cảnh giới của Phật là cảnh giới uy lực bị diệt thì cảnh giới sinh cũng bị băng hoại. Và khi thế giới ấy được hình thành thì cảnh giới kia cũng được thành lập. Trong thanh tịnh đạo có nói rõ, hãy tự xem biết.

Như vậy, dưới cây Bồ đề, Phật chứng Nhất thiết trí, biết rõ không phải chỉ một kiếp, hai kiếp, mà biết rõ tận đến kiếp hoại.

Hỏi: - Thuận theo chỗ sinh là gì?

Ðáp: - Khi kiếp hoại xảy ra, hữu tình hoặc sinh lên trời hoặc sinh cõi người bằng hóa sinh, thai sinh hoặc thấp sinh. Theo thứ tự như vậy, Ngài đều biết rõ đây là họ của Ta, tên cha mẹ của Ta, tên Ta, thuộc họ Ca-Diếp, họ Bà-la-môn, hoặc Sát-đế-lỵ với khổ vui như vậy, hình sắc trắng đen như vậy, ăn uống với các loại ngũ cốc như vậy, các loại trái cây với vị ngọt hương thơm như vậy, với hành động của thân miệng ý tạo nghiệp như vậy, tuổi thọ dài ngắn như vậy, từ cõi người đến thiên giới thứ nhất, lên tận Phạm thiên. Tuần tự luân chuyển thọ sinh như vậy, cho đến sinh lên cõi trời Ðâu-suất (Tusitabhavana) với địa vị nhất sinh bổ xứ, Ta đồng họ với chư Thiên tại cõi Ðâu-suất thiên, tên là Tư-Ða-Khai-Ða (setaketu - Hán dịch Bạch-kỳ-thiên - Vị trời tên cờ trắng), thân màu hoàng kim, ăn uống cam lộ, hưởng thụ khoái lạc chư thiên, sống lâu đến 57 ức 6 vạn tuổi thế gian. Từ thiên cung, ta giáng hạ thác sinh vào thai Ma-da trong cung vua Bạch-tịnh-phạn. Ta biết rõ tất cả nơi sinh ở các đời sống trong quá khứ với những tên họ, hình dáng xấu đẹp, sang hèn giàu nghèo.

Pháp sư hỏi: - Chỉ có Phật hay người khác cũng biết?

Ðáp: - Cả người khác, Bích-Chi-Phật, Thanh-văn, ngoại đạo, phạm chí, đều có thể phân biệt được. Ngoại đạo, phạm chí chỉ biết trong phạm vi bốn mươi kiếp, vì trí tuệ của họ cạn hẹp nên không thể biết xa hơn, chỉ biết sự thọ sinh mà thôi, không biết tất cả các việc khác. Vì sao? Vì trí tuệ yếu kém. Có 80 bậc đại A-la-hán biết được 10 ngàn kiếp. Có hai thượng thủ A-la-hán biết được một A-tăng-kỳ kiếp và 10 ngàn kiếp. Bích-Chi-Phật biết một A-tăng-kỳ kiếp và 10 ngàn kiếp. Những vị này chỉ biết tùy theo năng lực của mình. Ðức Phật thì biết vô cùng tận. Ngoại đạo phạm chí chỉ biết theo sự tiếp nối các uẩn, nếu muốn biết vượt giai đoạn thì không thể được. Ví như người mù, khi đi phải theo từng bước, không thể có trường hợp đi vượt bước. Thanh-văn biết được cả hai đầu (sinh và kết sinh); Ðộc giác cũng vậy. Chư Phật biết theo ý muốn, biết hết sự lên xuống qua lại trong vô số kiếp. Này Bà-la-môn! Ðây là sự biết của Ta.

Phật bảo Bà-la-môn: - Dưới cây Bồ đề, Ta chứng đắc trí tuệ vô thượng, biết được vô số kiếp trong quá khứ. Nhờ đâu mà Ta diệt sạch vô minh, được trí tuệ sáng suốt như hiện nay? Tất cả đều nhờ vào sự tinh tấn không tiếc thân mạng mà đạt được; như gà con dùng mỏ phá vỏ trứng.

Phật bảo Bà-la-môn: Trí túc mạng của Ta là mỏ, vô minh che phủ nhiều đời là vỏ. Ta dùng mỏ trí này phá tan vỏ vô minh mà thoát ra ngoài nên Ta được gọi là Vô-thượng-trí. Bằng trí túc mạng, Ta cũng biết đời sống của (hữu tình) khác, bằng trí tuệ biết sự đọa sinh của chúng sinh, nên gọi là biết về đọa sinh. Với thiên nhãn, Như Lai vừa quán sát chúng sinh là biết ngay vì đã viên mãn Balamật. Người khác muốn biết như vậy, cần phải tu tập. Ðây là nói lược, muốn biết hãy xem ở Thanh tịnh đạo Tỳ-bà-sa.

Hỏi: - Thánh nghĩa là gì?

Ðáp: - Vị thấy bằng mắt thịt nhưng không khác mắt thánh, nhờ thực hành các thiện pháp mà thiên nhân thành tựu mắt này, không lệ thuộc mắt thịt, sạch các trần cấu, thấy được rất xa. Thế nên, trong luật có nói rằng quán sát bằng thánh nhãn. Tuệ nhãn đạt được do tinh tấn, cũng nhu thánh nhãn không khác. Vì sao? Vì sau khi chứng thánh mới đạt được nên gọi tuệ nhãn là thánh nhãn. Vì sao? Vì tự thân sống theo thánh, được quang minh của bậc thánh. Tâm được sáng suốt nên quan sát rất xa, xuyên qua đá vách như (nhìn) qua ánh sáng trong suốt. Thế nên, với tuệ nhãn thanh tịnh thấy rõ chúng sinh chết đi, thọ sinh. Ngoại đạo, phạm chí vì thấy chết mà không thấy sinh nên sinh ra đoạn kiến. Lại có ngoại đạo thấy sinh mà không thấy chết nên sinh ra thường kiến (yo hi cutimattam eva passati na upapàtam so ucchdaditthin ganhàti) với chín cõi chứng sinh cư trú, đức Phật thấy rõ cả thường kiến lẫn đoạn kiến nên trong luật có nói rằng dùng tuệ nhãn thấy chúng sinh chết và sinh.

Cực tịnh nghĩa là Như Lai không còn 11 phiền não nên gọi là cực tịnh. Như trong kinh có nói: Phật dạy A-Nậu-Lâu-Ðà (Anuruddha) rằng nghi ngờ là tâm phiền não dùng trí tuệ mà khử đi. Tâm không được hộ trì là phiền não. Tâm thùy và tâm miên là phiền não, tâm mừng sợ, tâm kiêu căng, tâm quá tinh tấn, tâm quá mềm yếu, tâm nhiều lời, tâm không biết phân biệt, tâm cực quán sắc... Với các tâm phiền não như vậy, này A-Nậu-Lâu-Ðà, đây là 11 phiền não. Với hết sức tinh tấn, Như Lai đã viễn ly các phiền não này. Nếu Ta chỉ thấy sắc thì không thấy sáng, thấy sáng thì không thấy sắc. Với bước đầu như vậy, Như Lai đã vượt qua 11 phiền não, nên vượt qua mắt người. Thế nên, trong luật có nói: Bằng mắt thánh thanh tịnh siêu việt mắt thịt thế gian để quán sát chúng sinh cũng như thấy bằng mắt thịt, thấy rõ sự chết và sinh của chúng sinh.

Pháp sư nói: - Phật thấy rõ từ khi mới sinh đến khi chết của chúng sinh không?

Ðáp: - Thấy từ khi sinh đến khi chết, không thấy có trung gian [(giữa hai đời) không có trung ấm -- người dịch]. Trong luật cũng thuyết minh như vậy.

Hỏi: - Hạ tiện là gì?

Ðáp: - Vì ngu si hành động theo pháp ác; lại nữa sống bần cùng cũng là tiện và bị người khinh ghét.

Hỏi: - Quý trọng là gì?

Ðáp: - Thọ sinh bằng tâm tuệ, nên gọi là quý trọng.

Tướng mạo xinh đẹp do không sân hận, tướng xấu xí do sân hận mà có.

Thiện đạo (sugata) là sinh vào cảnh giới thiện; nơi nhiều vàng bạc châu báu cũng gọi là đường thiện.

Ác đạo (duggata): do tham lam keo kiệt mà sinh vào cảnh giới bần cùng hạ tiện, còn gọi là đường ác.

Hạ tiện (Hina) là hằng ngày sự ăn uống bị thiếu thốn, không được cung cấp.

Như Lai biết rõ các hoạt động của chúng sinh tùy theo nghiệp của chúng. Quán sát chúng sinh chịu các khổ sở trong địa ngục, Như Lai suy nghĩ: Các chúng sinh này trồng cái gốc tội gì mà chịu khổ suốt ngày đêm ở địa ngục như vậy. Ngài biết rằng chúng sinh này vì gây ác nghiệp nên chịu quả khổ ấy.

Quán sát lên cõi trời, thấy chư thiên du ngoạn vui chơi trong vườn Ly-đà (Nandavana), My-sa (Myssakavana), Ba-lưu-sa-ka (Phàrusakavana), Như Lai suy nghĩ: Những chúng sinh này làm những phước nghiệp gì mà sinh đến cõi ấy hưởng thụ phước lạc cõi thiên. Ngài biết chúng do tạo các thiện nghiệp nên được phước báo này.

Ðây là sự biết rõ nghiệp trong hiện tại và biết rõ quả báo tương ứng trong tương lai. Ðắc đại thần thông, Như Lai biết rõ với thánh nhãn.

Về câu: Gây nghiệp ác về thân (Kàyaduccarita).

Hỏi: - Gây ác nghiệp về thân là gì?

Ðáp: - Ác là tạp uế bất tịnh, với thân là nghiệp ác như vậy, Như Lai đều biết rõ.

Miệng, ý gây ác nghiệp cũng như vậy.

Về câu: Hủy báng người thiện.

Hỏi: - Người thiện là gì?

Ðáp: - Phật, Bích-Chi-Phật, Thanh-văn cho đến kẻ thế tục áo trắng (gihi) chứng quả Tu-đà-hoàn đều gọi là người thiện.

Hỏi: - Hủy báng là gì?

Ðáp: - Mắng chửi hủy diệt các thiện pháp, gọi là lời hủy báng. Lại nữa, nếu nói rằng Phật, Bích-Chi-Phật, Thanh-văn đều là pháp ác trái với chánh pháp, không có thiền định, không có pháp Niết-bàn, không có đạo và quả của pháp. Với lời nói hủy báng như vậy, kẻ biết hay không biết mà nói, đều là kẻ hủy báng người thiện. Những kẻ tạo nghiệp nặng này, thì cửa trời đóng lại và cửa địa ngục mở đón họ.

Pháp sư nói: - Tôi sẽ chứng minh việc này. Trú xứ nọ có hai Tỳ-kheo; một lớn tuổi (thera), một nhỏ tuổi (Daharabhikkhu). Cùng đi vào làng, đến nhà kia, vị lớn được một phần cháo nóng lỏng (ulunkamatta unhàyagu) nên suy nghĩ: Bụng ta bị trúng phong, cháo nàycon nóng, nếu ăn vào ngay thì hết bệnh ấy.

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo lớn tuổi ngồi húp cháo nóng trên khúc gỗ làm ngạch cửa (ummàra) của ai đó vứt bên đường. Thấy vị kia ngồi trên khúc gỗ, húp cạn cháo, vị Tỳ-kheo nhỏ tuổi mắng: - Ông già ngu độn (mahallaka) làm tôi xấu hổ quá.

Sau khi dùng cháo, trở về chùa, vị lớn tuổi hỏi vị nhỏ: - Trưỡng lão! Trong Phật pháp này, thầy có đạt được gì không?

Ðáp: - Có, con chứng Tu-đà-hoàn đạo.

Lão Tỳ-kheo nói: - Nếu vậy, đừng mong cầu đạo quả gì khác được. Vì sao? Vì thầy phỉ báng vị Tỳ-kheo ái-tận (lậu tận).

Nghe nói như vậy, vị Tỳ-kheo nhỏ sám hối: - Thưa đại đức! Con đã có hành động bất thiện đối với đại đức, xin cho con sám hối.

Ðược vị kia cho sám hối, nên vị này hoan hỷ từ giã.

Pháp sư nói: - Người nào mắng chửi bậc thánh, nếu là đại Tỳ-kheo thì sám hối như sau: - Trưởng lão, tôi xin sám hối với trưởng lão, xin trưởng lão chấp nhận cho. Nếu là vị nhỏ hơn thì lạy sát đất, chắp tay thưa: - Ðại đức! Ðây là lỗi của con, xin sám hối với đại đức, mong đại đức chấp thuận cho. Nếu vị kia không chấp nhận, thì vị này phải đi ngay đến gặp các Tỳ-kheo ở chỗ khác hay chùa khác, nếu gặp vị lớn tuổi, thì đảnh lễ sát chân, chắp tay thưa: - Ðại đức, con có lỗi như vậy, xin đại đức ghi nhận cho; nếu gặp vị nhỏ tuổi, thì nói: - Trưởng lão, tôi có lỗi như vậy, tôi xin sám hối, xin trưởng lão chấp thuận cho. Nếu vị kia đã nhập Niết-bàn, thì đến sám hối nơi vị ấy nhập Niết-bàn (Parinibbutamanacatthàna). Sau khi sám hối như vậy thì cửa đường trời và cửa niết-bàn vẫn rộng mở như khi chưa phạm lỗi.

Về câu: Tà kiến (Micchàditthika)

Hỏi: - Tà kiến là gì?

Ðáp: - Kiến thức điên đảo là tà kiến, sau khi chấp nhận hành động tà kiến, lại còn truyền dạy người khác, bằng lời nói ác phỉ báng bậc thánh và ác nghiệp về ý cũng thuộc về tà kiến. Ðã chấp thuận tà kiến thì tất cả hành động ác đều theo hướng tà kiến và hành động đại ác này đưa đến tội cực nặng. Như trong kinh văn có nói: - Phật bảo Xá-Lỵ-Phất: Tỳ-kheo giữ giới trọn vẹn, có định tuệ đầy đủ, thì tự mình đạt được chánh kiến, và dạy bảo người khác cũng được như vậy. Này Xá-Lỵ-Phất, tà kiến cũng vậy, không rời thân miệng ý thì như người cầm viên đất ném đi cũng không thoát khỏi đất được, gây tà kiến ác nghiệp không thoát khỏi địanguc. Tại sao? Vì tà kiến gây tội rất nặng. Trong kinh văn cũng có nói: Phật bảo các Tỳ-kheo: Ta thấy các nghiệp ác không gì hơn tà kiến vì nó tạo ra tội lỗi đưa đến quả báo cực nặng.

Về câu: Ðưa đến thân chết (Kàyassa Bheda).

Hỏi: - Thân chết là gì?

Ðáp: - Chết là cùng với tội bị đọa địa ngục không có lúc thoát ra, cũng gọi là bốn đại tan rã, cũng gọi là sẽ tái sinh.

Pháp sư nói: - Nếu chọn lấy địa ngục thì đóng chặt con đường đến cõi trời và cửa giải thoát. Lại nữa, nếu gọi là ác đạo thì bao gồm cả ngạ quỉ, súc sinh, A-tu-la. Nói đến địa ngục (apàya) thì bắt đầu là A-tỳ (avìci), trắng hay đen thế nào hãy tự biết lấy. Nói đến thiện đạo thì loài người cũng là thiện đạo.

Hỏi: - Trời có nghĩa gì?

Ðáp: - Sắc, thanh, hương, vị hơn cõi người nên gọi là trời.

Biết rõ (Vijjà-minh) là biết bằng mắt, những phần khác hãy tự biết lấy.

Ðã nói lược xong về phẩm Thánh-nhãn.

Biết rõ vô minh che đậy túc mạng ở quá khứ, dùng mỏ túc mạng trí mổ vỡ tan vỏ vô minh che đậy, đồng thời biết rõ sự đọa lạc trong hiện tại.

Lậu tận trí là trí đạt được nhờ diệt sạch các lậu bởi A-la-hán đạo.

Quá-hạ-trí tâm (samàhita citta-tâm đẳng dẫn, thắng định) là tâm quán sát. Tâm quán này biết rõ khổ, ngay tại đây diệt tận và không còn tiếp tục, vì biết rõ hoàn toàn về tướng mạo và bản chất của khổ-đế. Lại nữa, quán khổ-đế từ tập-đế phát sinh, đây là tập-đế. Lại nữa, quán khổ diệt, đây là diệt-đế. Quán sát con đường đưa đến khổ-diệt là quán đạo-đế. Như vậy là biết rõ hoàn toàn về tướng mạo của bốn Thánh đế một cách như thật. Do đó, đức Phật nói: Ta biết bốn đế bằng thấy như thật, biết như thật.

Về dục lậu:

Từ dục lậu thoát ra, đây chỉ cho quả, căn cứ vào kết quả mà tuyên bố ta đã giải thoát rồi. Từ lâu, dục lậu che đậy tâm hiểu biết, này nhờ quán sát nên biết rõ ta không còn tái sinh nữa. Thế nên trong luật có nói: Phật bảo Bà-la-môn rằng: - Ta không còn sinh nữa.

Pháp sư hỏi: - Ðó là quá khứ không sinh, hiện tại không sinh hay tương lai không sinh? Nếu nói quá khứ sinh, thì sự sinh trong quá khứ đã diệt; nếu nói hiện tại sinh thì sự sinh trong hiện tại dã sinh; nếu nói tương lai sinh thì sự sinh trong tương lai chưa đến, vậy có gì là sinh?

Ðáp: - Ðoạn trừ cái nhân nên gọi là không sinh.

Trú (Vusita) là trú trong phạm hạnh. Phạm hạnh (Brahmacariya) là người thiện cùng cộng trú trong bảy chi học giới. Ðây là Phật chỉ cho người xuất gia.

Việc đã xong (kata karanìya) nghĩa là đối với Bốn đế, bốn-đạo đã hoàn tất. Thế nên, Phật bảo Bà-la-môn rằng: - Việc làm của Ta đã hoàn tất không còn phải làm trở lại nữa.

Hỏi: - Thế nào là không trở lại nữa?

Ðáp: - Các phiền não lậu hoặc không còn phát sinh đến với Ta nữa. Vì không còn phát sinh nữa nên chẳng còn tinh cần (để diệt). Như Lai đã biết rõ như vậy nên gọi là lậu-tận-trí. Vì sao? Vì Như Lai muốn khai thị cho Bà-la-môn. Ðức Phật đã đắc ba đạt-trí, trí về quá khứ, hiện tại, vị lai.

Pháp sư nói: - Có phải là chẳng nên tự xưng với lời như vậy, vì như vậy là Như Lai tự khen mình phải không?

Ðáp: - Phật vì thương mến thế gian và Bà-la-môn ... nên nói rằng Ta là thánh nhân. Ta là tối-thắng Vô-thượng-tôn, biết hết tất cả; Ta không lạy người khác.

Nghe những lời Phật giảng dạy như vậy, Bà-la-môn hoan hỷ, sám hối ngay trước Phật rằng: - Sa-môn Cù-Ðàm có những thánh lợi mỹ mãn như vậy. Con thật không biết đúng về sa-môn Cù-Ðàm là bậc đã có đầy đủ công đức.

Sau khi tự khiển trách mình và được nghe giáo pháp, Bà-la-môn khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Con được sa-môn Cù-Ðàm chỉ dạy cho pháp vị.

Pháp sư hỏi: - Vì sao khen hai lần lành thay?

Kệ nói:

Diệt được sân, vội khen,
Ân cần mừng và sợ,
Vừa tin, vừa hối hận,
Nên nói lại hai lần.

Tại sao ở đây khen ngợi? - Nghe Phật thuyết pháp, Bà-la-môn hoan hỷ, không biết lấy gì cảm tạ nên khen ngợi.

Pháp sư nói: - Bà-la-môn đang có ý nghĩ: Pháp được Phật thuyết minh có ý nghĩa sâu xa, lời lẽ hay đẹp, khéo vào thẳng lòng người và sinh đại từ bi, rất thích thú.

Do đó, Bà-la-môn thưa với Phật: - Con như bát bị úp, nay nghe được giáo pháp của Phật dạy, cho bát ngữa ra tiếp nhận cam lộ. Như châu báu bị người lấy cỏ cây che phủ, có người chỉ cho nên biết chỗ. Như kẻ lạc đường, được người nắm tay chỉ cho đường đúng. Như trong chỗ tối tăm, có người cho đèn đuốc sáng nên thấy rõ đường đi. Con cũng như vậy.

Pháp sư nói: - Tôi sẽ giải thích vì sao Bà-la-môn nói như vậy. Tâm Bà-la-môn như bát bị úp nên không tiếp nhận được cam lộ, nay được Phật chỉ dạy làm cho nhận được. Vì sao? Như bị cây cỏ che đậy, thời gian sau Phật Ca-Diếp, tà kiến như là cây cỏ che đậy chánh pháp mà không có người chỉ bày. Ngày nay, nhờ đức Phật chỉ rõ nên mới biết được.

Người lạc đường mê. Bị ngoại đạo tà kiến dẫn đường, nên trong diệu đạo mà mê hoặc mà không thấy được thiện đạo. Ðức Phật dùng giáo pháp là bàn tay chỉ dẫn làm cho thoát ra. Như kẻ ngu si bị tối tăm không thấy rõ ba cõi. Ðức Phật ban bố giáo pháp là đèn đuốc làm cho sáng rõ. Sau khi khen ngợi, với tâm thanh tịnh, Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã thưa với Thế Tôn: - Từ nay, con xin quy y sa-môn Cù-đàm.

Quy y nghĩa là tùy theo, y chỉ; biết được Phật thì diệt phiền não.

Thứ đến quy y Pháp, quy y Tăng.

Qui y Pháp nghĩa là Pháp mà Như Lai đã từng thực hành không bị đọa địa ngục, nên người nào tùy thuận thọ trì pháp này thì không bị đọa địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Pháp nghĩa là tiếp nhận sự thật, có nghĩa là thánh-đạo Niết-bàn. Ðạo nghĩa là pháp, như trong kinh nói: Phật bảo các Tỳ-kheo: Pháp vô lậu (Dhammàsankhata) có tám chi đạo lộ ở trên các pháp.

Pháp sư nói: - Tôi xin nói lược; có Bà-la-môn tên Xa-Ða-Ma-Na-Bà (Chattamànavaka-vimàna) ca vịnh khen Phật với bài kệ:

Pháp trừ dục, ly dục,
Bất động không sầu ưu
Thơm ngon, vượt thế gian,
Rất tốt, phân biệt rõ
Tối thượng trên các pháp,
Nên quy y pháp này.
Bố thí bậc Bốn hướng,
Nếu phân biệt có tám,
Tối thượng trong hàng Tăng,
Chứng đắc quả báo lớn,
Ai qui y nơi này,
Ðáng gọi Ưu-bà-tắc.

(ràgaviràgam anejam asokam dhamman asankhatam appatikùlam madhuram imam pagunam suvibhattam dhammam imam saranattham upehi, yattha ca dinnamahapphalam àhu catusu sucisu purisayugesu, attha ca puggaladhammadasè te, sangham imam saranatham upehi).

Bà-la-môn thưa: - Xin Phật biết cho, con đã thọ trì ba quy y.

Pháp sư nói: - Nếu giải thích ba quy y ở đâu thì càng phiền phức thêm ra, vị nào muốn biết rõ hãy tra cứu ở A-tỳ-đạt-ma Tỳ-bà-sa (papancasudani, majjhimatthakathà, Bhayabheravasuttavannanà, sumangalavilàsini, Dìghatthakathà).

Bà-la-môn thưa: - Xin sa-môn Cù-đàm biết con đã làm vị ưu-bà-tắc (upàsaka); xin ngài gọi con là Ưu-bà-tắc.

Hỏi: - Ưu-bà-tắc là gì? Ai là ưu-bà-tắc? Ai không phải là ưu-bà-tắc? Có giới nào là ưu-bà-tắc Có tâm nào là ưu-bà-tắc? Vì sao được gọi là ưu-bà-tắc? Vì sao không được gọi là ưu-bà-tắc?

Pháp sư nói: - Ý nghĩa này rất nhiều, không thể nói hết ở đây, hãy xem ở Tu-đà-ny Tỳ-bà-sa (papancasudani, majjhimatthakathà).

- Từ nay về sau cho đến trọn đời, con không theo vị đạo sư khác, xin Phật biết rõ cho. Nếu có người dùng dao chém đầu con để sai khiến con nói nghịch lại Phật Pháp Tăng thì con cũng không bao giờ nói như vậy dù phải bị rơi đầu xuống đất.

Ðem cả thân mạng tùy thuận Như Lai, muốn cúng dường nên Bà-la-môn thưa: - Xin đức Như Lai nhận lời mời của con, tiền an cư ba tháng mùa hạ cùng chúng Tỳ-kheo tại vùng Tỳ-lan-nhã. Con đã là vị ưu-bà-tắc, xin Như Lai thương tưởng con, nhận lời con mời an cư tại Tỳ-lan-nhã.

Như Lai im lặng nhận lời.

Pháp sư hỏi:- Vì sao Phật không đáp lời mời của Bà-la-môn.

Ðáp: - Ứng với cách trả lời bằng thân hay miệng của thế gian, Thế Tôn đáp bằng tâm chấp nhận vì lân mẫn Bà-la-môn.

Câu: Biết rõ Phật nhận lời.

Hỏi: - Thế nào là nhận lời?

Ðáp: - Nếu không nhận lời thì sẽ đáp lại bằng thân hay lời nói. Thế Tôn im lặng với nhan sắc vui vẻ nên biết rõ Ngài nhận lời.

Bà-la-môn rời chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh ba vòng, làm lễ Phật khắp bốn hướng rồi từ giã. Chắp hai tay để trên đầu, đi lùi đến khi không còn thấy Như Lai, ông ta lại làm lễ lần nữa rồi mới đi hướng về phía trước.

Khi ấy, tại vùng Tỳ-lan-nhã bị đói kém nặng đúng vào thời gian đức Phật nhận lời tiền an cư ba tháng của Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã.

Ðói kém nghĩa là thức ăn uống bị khan hiếm. Nếu người không có tín tâm rất thanh tịnh thì dù có thức ăn uống họ cũng không cho, cũng gọi là khan hiếm. Vùng Tỳ-lan-nhã không phải như vậy, vì hoa màu ngũ cốc không kết hạt.

Hỏi: - Hai nghi nghĩa là gì?

Ðáp: - Hai nghi là hai loại tâm nghi.

Hỏi: - Hai loại tâm nghi là gì?

Ðáp: - Tâm nghi nghĩa là về sự khất thực trong ba tháng hạ này, nghi ngờ chẳng biết được hay không, hoặc nghi có thể sống được hay không. Ðây là hai loại tâm nghi ngờ.

Xương trắng (setatthika) nghĩa là người bần cùng hạ tiện không xin ăn được bị chết đói nên bỏ thây ngổn ngang khắp nơi. Có nơi còn nói ngũ cốc không trổ hoa kết hạt thì bạc trắng như xương, nên gọi là xương trắng. Như cây thẻ. Khi lúa vừa trổ đòng đòng bị hạn hán thân gốc thẳng đơ như cây thẻ, nên gọi là thẻ. Có thuyết nói khác, khi đói kém dùng thẻ để mua thức ăn uống nên gọi là thẻ. Vì sao? Khi đến chợ, kẻ mạnh vào được, người yếu không chen được thì kêu la bên ngoài. Thấy những người yếu như vậy nên người bán gạo sinh tâm bình đẳng, mở cửa cho vào và để ngồi theo thứ tự, nhận chi phí (để mua của họ) trước, sau đó đưa gạo. Họ đếm bằng thẻ tùy theo số lượng người nhiều ít. Các Tỳ-kheo suy nghĩ: Trong lúc đói kém này phải tính toán bằng thẻ.

Các Tỳ-kheo đi qua bảy tám tụ lạc nhưng chỉ được cho chút ít hay không được chút lương thực nào cả.

Khi ấy, có đoàn buôn từ phương Bắc, đem theo 500 con ngựa, định đem về Nam bán vì sẽ có lãi đến hai ba lần. Ði qua các nước, tuần tự họ đến vùng Tỳ-lan-nhã và ở lại bốn tháng mùa hạ.

Hỏi: Vì sao đoàn buôn ngựa không đi tiếp mà ở lại bốn tháng?

Ðáp: - Vì trời mưa nhiều, đường ngựa đi không thông nên lập trại ngựa và làm nhà với hàng rào vây quanh ở ngoại thành.

Khi các Tỳ-kheo đến chỗ đoàn buôn để khất thực, mỗi người được năm thăng lúc ngựa.

Hỏi: - Họ cho các Tỳ-kheo lúa vì có lòng tin hay không?

Ðáp: - Vì lòng tin. Hàng ngày vào tụ lạc, người buôn ngựa thấy các Tỳ-kheo đi khất thực trở về với bát không. Thấy vậy, người buôn trở về kể lại sự việc này cho đồng bạn nghe. Họ suy nghĩ: Các Tỳ-kheo khất thực thật cực khổ nhưng không được gì cả, hãy cùng nhau tính toán xem, nếu đoàn buôn chúng ta cung cấp các vị ấy (bằng khẩu phần) hằng ngày e rằng phần ăn sáng của chúng ta bị thiếu hụt vậy nên giảm phần ăn của ngựa, mỗi con năm thăng để cho các Tỳ-kheo. Ðược phần lúa ngựa này, họ không còn mệt nhọc nữa mà ngựa của chúng ta cũng không hại gì.

Sau khi tính toán như vậy, đến gặp các Tỳ-kheo, sau khi làm lễ, các thương khách thưa: - Các đại đức! Xin nhận phần lúa ngựa của chúng con. Hàng ngày mỗi người được năm thăng và thực phẩm tạp khác, tùy ý các ngài làm thức ăn.

Do đó, trong luật có nói: - Hàng ngày, vào buổi sáng các Tỳ-kheo mặc y mang bát đi khất thực lúa.

Hỏi: - Buổi sáng là gì?

Ðáp: - Từ sáng sớm đến giữa trưa là buổi sáng.

Mặc y phục nghĩa là dùng ca-sa che thân. Ði khất thực (pindapàta) nghĩa là khất thực ở vùng Tỳ-lan-nhã không được, phải đi qua các tụ lạc nhưng không có ai đón tiếp.

Mang lúa trở về chùa (patthapatthapulakam àràmamharitvà) nghĩa là sau khi đi khất thực khắp nơi, được lúa đem về, họ phải tự bỏ vào cối giã ra để dùng. Tỳ-kheo già không có tịnh nhân, lại không có người khác làm hộ, phải đích thân giả nát ra làm cơm. Có khi tám đến mười vị cùng làm, rồi chia nhau dùng. Nhận lấy phần của Như Lai, hiền giả A-Nan chà vỏ bằng tay. Với trí tuệ của mình, A-Nan làm thức ăn rất thơm ngon, có cả chất cam lộ của chư thiên cho vào.

Sau khi dùng thức ăn này, đức Phật nhập chánh định và sau đó không phải khất thực nữa.

Hỏi: - Khi ấy, đại đức A-Nan có hầu Phật không?

Ðáp: - Có.

Sau khi rời khỏi gốc cây Bồ đề, trong hai mươi năm, thị giả của Phật không phải một vị. Khi thì đại đức Na-Già (Nàgasamàla), hoặc đại đức Na-Kỳ-Ða (Nàgita), hoặc đại đức Di-Kỳ-Da (Meghiya), hoặc đại đức Ưu-Bà-Già (Upavàna), hoặc đại đức Sa-Già-Ða (Sàgata), hoặc đại đức Tu-Na-Ma-Ða (Sunakkhatta Licchaviputta). Các vị đại đức này tùy ý làm thị giả, vui thì đến, không vui thì đi, có khi đi luôn.

Ðại đức A-Nan đến hầu, hỏi: - Trong nước bị đói kém, tại sao không có người nào làm công đức bằng cách chia bớt một phần thức ăn nhỏ để cúng dường chúng tăng; lại có Bà-la-môn thỉnh Thế Tôn tiền an cư ba tháng mùa hạ nhưng lại không cúng dường.

Tại sao? Vì bị thiên ma (mara) Ba-tuần che khuất trong một do-tuần, làm cho nhân dân không có chí tâm cúng dường. Sau khi che khuất, ma bỏ đi.

Hỏi: - Như Lai không biết hay sao?

Ðáp: - Lành thay! Vì Phật muốn chế giới thuyết pháp.

Phật bảo A-Nan: - Người lành các ông đã làm việc thù thắng rồi, các Tỳ-kheo trong tương lai sẽ tìm gạo trong lúa.

Pháp sư nói: - Tôi chưa hiểu được ý nghĩa này. Vậy là Như Lai nói như thế này: - Này A-Nan! Người lành các ông trong lúc đói kém, khất thực khó khăn mà biết tri túc để hộ trì chánh pháp; thế nên gọi là thắng. Trong lúc đói kém mà chế ngự được tâm tham nên gọi là thắng. Trong những tụ lạc khác ngũ cốc đầy đủ, hoa quả thơm ngon rất nhiều mà họ không đi đến. Trong chúng cũng không có người nào suy nghĩ sân hận hay nói ra lời thán oán: Tại sao phải ở đây, tại sao Thế Tôn không đi đến những nơi kia để dễ có thức ăn uống? Hoàn toàn họ không có nói lên lời này và cũng không oán hận. Vì sao Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã thỉnh chúng ta an cư ở đây mà không cúng dường? Họ lại không có tâm xấu suy nghĩ mong cầu lợi dưỡng ở nơi khác, cùng không khen ngợi nhau rằng người này đắc đạo để mọi người biết với hy vọng cúng dường bằng những lời như vậy. Họ đều im lặng bớt ăn, nhất tâm sống y chỉ theo Phật, nên gọi là thắng.

Hỏi: - Họ có biết ma ngăn che không?

Ðáp: - Biết.

Hỏi: - Vì sao Như Lai không đến an cư ở thành Vương xá hay các nước khác mà đến nơi này?

Ðáp: - Nói gì đến thành Vương xá, dù đi đến vùng Uất-đơn-việt (Uttarakuru), hay cõi trời Ðao-lỵ (Tidasapura), ma vương cũng sẽ đến ngăn che, không thể tránh né. Vì sao? Trong năm này ma ương rất tức giận, Như Lai đã quán sát khắp, chỉ có thể nhờ vào người buôn ngựa ở Tỳ-lan-nhã để an cư.

Hỏi: - Ðã ngăn che người khác được, vì sao ma vương không ngăn che người buôn ngựa để làm cho Phật và chúng tăng không có lương thực?

Ðáp: - Cũng có thể ngăn được, nhưng sau khi ma vương đi rồi, đoàn buôn ngựa mới đến, thế nên không bị ngăn.

Hỏi: - Tại sao ma vương lại không ngăn đoàn buôn ngựa?

Ðáp: - Không thể ngăn khắp hết được.

Pháp sư nói: - Có bốn trường hợp, ma không thể ngăn chận. Một, cúng dường vào buổi sáng; Hai là thuốc thang không thiếu; Ba là tuổi thọ của Như Lai; Bốn là ánh áng của Như Lai. Ánh sáng của nhật nguyệt và phạm thiên chiếu đến chổ Như Lai thì mất tác dụng. Thế nên, ma vương dùng các phương tiện nhưng không thể ngăn che được.

Lúc nọ, Phật nghe tiếng giả cối vì sau khi được lúa đem về, các Tỳ-kheo giả trong cối nên có tiếng. Biết rõ nhưng Phật cố hỏi.

Biết mà không hỏi hay biết mà cố hỏi nghĩa là khi biết có nhân duyên lợi cho chúng sinh nên Phật cố hỏi; bằng không lợi ích thì biết mà cố ý không hỏi.

Hỏi đúng lúc nghĩa là nếu cần hỏi phải hỏi đúng lúc. Không hỏi nghĩa là Như Lai biết phi thời nên không hỏi. Có nghĩa thì hỏi, không có nghĩa thì không hỏi. Hỏi có hai trường hợp: Một là vì muốn thuyết pháp; Hai là vì việc chế giới khinh hay trọng cho các đệ tử Thanh-văn.

Phật hỏi: - Này A-Nan! Tiếng động gì vậy?

Ðáp: - Ðấy là tiếng các Tỳ-kheo giả gạo.

Phật dạy: - Lành thay! Lành thay! Này A-Nan ...

Vì sao Phật khen ngợi? Vì trong tương lai các Tỳ-kheo ở trong các chùa, việc ăn uống dễ có, sinh kiêu mạn nói rằng thức ăn thô dỡ hoặc chín quá, cứng quá, nát quá, chua mặn quá. Những lời nói như vậy là muốn tìm sự ngon dỡ trong thức ăn.

Phật bảo A-Nan: - Người thiện các ông nên làm nhân duyên thiện pháp cho Tỳ-kheo trong tương lai. Nhờ vào những pháp của các ông, các Tỳ-kheo trong tương lai khi được thức ăn uống dù ngon hay dỡ cũng không có ý ham hay bỏ. Ngày xưa, khi đức Pháp vương ở đời, các bậc đại A-la-hán còn ăn lúa ngựa, huống chi nay được ăn uống thế này mà chúng ta chê bai khinh bạc.

(Xin xem tiếp Phần 5.b)

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-02-2001