Tạng Luật Đại Phẩm Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch
TẠNG LUẬT - ĐẠI PHẨM TẬP MỘT ***** Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri! I. CHƯƠNG TRỌNG YẾU (MAHĀKHANDHAKAṂ): [1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā (Ni Liên Thiền) nơi cội cây bồ đề và vừa mới hoàn toàn giác ngộ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã ngồi với thế kiết già ở cội cây bồ đề trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát. Khi ấy vào canh một của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện (paṭiccasamuppāda) thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.” Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này: Quả vậy, vào thời điểm [2] Sau đó vào canh giữa của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.” Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này: Quả vậy, vào thời điểm [3] Sau đó vào canh cuối của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.” Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này: Quả vậy, vào thời điểm Dứt phần nói về sự Giác Ngộ. [4] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ cội cây Bồ Đề đã đi đến bên cội cây si của những người chăn dê, [1] sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây si của những người chăn dê trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát. Khi ấy, có vị bà-la-môn nọ thuộc nhóm chuyên luyện về âm “hum, hum” đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, vị bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này ngài Gotama, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là bà-la-môn? Việc trở thành bà-la-môn có bao nhiêu điều kiện? Sau khi hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này: Vị bà-la-môn nào Dứt phần nói về cội cây si của những người chăn dê. [5] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây si của những người chăn dê đã đi đến cội cây Mucalinda, sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây Mucalinda trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát. Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa xuất hiện. Trong bảy ngày, trời mưa có gió lạnh và đầy mây. Khi ấy, rồng chúa Mucalinda đã rời khỏi chỗ ngụ của mình dùng đuôi quấn quanh cơ thể của đức Thế Tôn bảy vòng và phồng lớn mang (che) phía trên đầu của đức Thế Tôn rồi giữ nguyên tư thế (nghĩ rằng): “Chớ để đức Thế Tôn bị lạnh, chớ để đức Thế Tôn bị nóng, chớ để đức Thế Tôn bị xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát.” Sau đó khi bảy ngày trôi qua, rồng chúa Mucalinda sau khi biết rằng bầu trời đã trở nên trong sáng và mây đã tan nên đã nới lỏng thân khỏi cơ thể của đức Thế Tôn, rồi thay đổi hình dạng của chính bản thân và biến thành hình dạng của người thanh niên đứng ở phía trước đức Thế Tôn, chắp tay, bày tỏ thái độ cung kính đến đức Thế Tôn. Sau khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này: Vị có được an lạc, Dứt phần nói về cội cây Mucalinda. [6] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây Mucalinda đã đi đến cội cây Rājāyatana, sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây Rājāyatana trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát. Vào lúc bấy giờ, có các thương buôn Tapussa và Bhallika đang đi đường xa đến khu vực ấy. Khi ấy, vị thiên thần là thân quyến cùng huyết thống của các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với các thương buôn Tapussa và Bhallika điều này: - Này các bác, đức Thế Tôn này đang ngự ở gốc cây Rājāyatana là vị vừa mới hoàn toàn giác ngộ. Hãy đi và bày tỏ lòng thành kính đến đức Thế Tôn ấy với bánh bột gạo và mật viên, điều ấy sẽ đem lại cho các bác sự lợi ích và sự an vui lâu dài. Khi ấy, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã mang theo bánh bột gạo và mật viên đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên của chúng tôi, điều ấy sẽ đem lại cho chúng tôi sự lợi ích và sự an vui lâu dài. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Các đức Như Lai không thọ nhận ở trong (hai) tay, vậy ta nên thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên bằng vật gì?” Khi ấy, bốn vị Đại Thiên Vương dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã dâng lên đức Thế Tôn bốn cái bình bát làm bằng đá từ ở bốn phương (nói rằng): - Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên ở đây. Đức Thế Tôn đã thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên trong bình bát mới[2] làm bằng đá, và sau khi thọ lãnh đã thọ dụng. Sau đó, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn và Giáo Pháp. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Và họ đã trở thành những nam cư sĩ chỉ đọc hai câu (dvevācikā)[3] đầu tiên ở thế gian. Dứt phần nói về cội cây Rājāyatana. [7] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây Rājāyatana đã đi đến bên cội cây si của những người chăn dê. Ở nơi ấy, đức Thế Tôn ngụ tại gốc cây si của những người chăn dê. Sau đó, trong khi đức Thế Tôn đang thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Pháp này đã được ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, khó lĩnh hội, khó nhận thức, thanh tịnh, cao quý, vượt trên lý luận, tinh tế, nên được hiểu biết bởi các bậc trí. Hơn nữa, chúng sanh đời này có sự thỏa thích trong ngũ dục, được thỏa thích trong ngũ dục, được vui sướng trong ngũ dục, đối với chúng sanh có sự thỏa thích trong ngũ dục, được thỏa thích trong ngũ dục, được vui sướng trong ngũ dục thì vấn đề này khó lĩnh hội tức là quy luật nhân quả và sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện (idappaccayatāpaṭiccasamuppāda); có vấn đề này còn khó lĩnh hội hơn nữa tức là sự yên lặng của tất cả các Hành (sabbasaṅkhāra), sự dứt bỏ tất cả gốc rễ của sự tái sanh (sabbūpadhi), sự diệt tận ái (taṇhā), sự không còn dục tình (virāgo), sự tịch diệt, Niết Bàn. Nếu ta thuyết giảng Pháp và những người khác không hiểu được ta, điều ấy sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến đức Thế Tôn: Khó khăn ta chứng ngộ Trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy, tâm của đức Thế Tôn thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. [8] Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã khởi ý điều này: “Như thế này thì thế gian bị tiêu diệt! Như thế này thì thế gian bị hủy hoại! Bởi vì tâm của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.” Sau đó, cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế vị Phạm thiên Sahampati đã biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra ở phía trước đức Thế Tôn. Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati đã đắp thượng y một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, rồi chắp tay hướng về đức Thế Tôn và đã nói điều này: - Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, xin đấng Thiện Thệ hãy thuyết giảng Giáo Pháp. Có những hạng người sanh lên bị ít ô nhiễm[4] sẽ là những người hiểu được Giáo Pháp, (nhưng) do việc không nghe Giáo Pháp sẽ bị thoái hóa. Phạm thiên Sahampati đã nói điều ấy, sau khi nói điều ấy còn nói thêm điều khác nữa: Đã xuất hiện trước đây Xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, sẽ có nhiều người hiểu được. [5](Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với Phạm thiên Sahampati điều này: - Này Phạm thiên, ta đã khởi ý điều này: “Pháp này đã dược ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, ...(như trên)... sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Này Phạm thiên, rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến ta: “Khó khăn ta chứng ngộ ...(như trên)... không thể nào lĩnh hội.” Này Phạm thiên, trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy tâm ta thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Đến lần thứ nhì, Phạm thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, ...(như trên)... sẽ có nhiều người hiểu được. Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với Phạm thiên Sahampati điều này: - Này Phạm thiên, ta đã khởi ý điều này: “Pháp này đã dược ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, ...(như trên)... sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Này Phạm thiên, rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến ta: “Khó khăn ta chứng ngộ ...(như trên)... không thể nào lĩnh hội.” Này Phạm thiên, trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy tâm ta thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Đến lần thứ ba, Phạm thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, ...(như trên)... sẽ có nhiều người hiểu được.) [9] Khi ấy, sau khi hiểu được yêu cầu của vị Phạm thiên, đức Thế Tôn thuận theo lòng thương tưởng chúng sanh đã dùng Phật nhãn quán xét thế gian. Trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian, đức Thế Tôn đã nhìn thấy những chúng sanh bị ít ô nhiễm và bị nhiều ô nhiễm, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, (và nhìn thấy được) một số ít chúng sanh trong khi sống thấy được sự tội lỗi và sợ hãi trong sự (tái sanh) vào những đời sống khác. Cũng giống như trong hồ sen xanh hoặc trong hồ sen hồng hoặc trong hồ sen trắng, có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, không vươn ra khỏi nước, và được nuôi dưỡng chìm bên dưới (mặt nước); có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, sống ngang bằng mặt nước; và có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, vươn lên ra khỏi nước, và tồn tại không bị thấm nước; tương tợ như thế, đức Thế Tôn trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian đã nhìn thấy những chúng sanh bị ít ô nhiễm và bị nhiều ô nhiễm, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, (và nhìn thấy được) một số ít chúng sanh trong khi sống thấy được sự tội lỗi và sợ hãi trong sự (tái sanh) vào những đời sống khác; sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã nói với vị Phạm thiên Sahampati bằng bài kệ này: Nghĩ về việc tổn hại, Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati (nghĩ rằng): “Yêu cầu của ta về việc thuyết giảng Giáo Pháp đã được đức Thế Tôn chấp thuận” nên đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và đã biến mất ngay tại chỗ ấy. Dứt phần nói về việc thỉnh cầu của vị Phạm thiên. [10] Sau đó, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên? Ai sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng?” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Āḷāra Kālāma này là vị thông thái, kinh nghiệm, sáng suốt, đã lâu nay bản thể bị ít ô nhiễm, hay là ta nên nên thuyết giảng Giáo Pháp đến Āḷāra Kālāma trước tiên? Vị ấy sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng.” Khi ấy, có vị thiên thần không hiện hình đã thông báo đến đức Thế Tôn rằng: - Bạch ngài, vị Āḷāra Kālāma đã từ trần được bảy ngày rồi. Và trí tuệ của đức Thế Tôn cũng đã khởi lên rằng: “Vị Āḷāra Kālāma đã từ trần được bảy ngày rồi.” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Āḷāra Kālāma thuộc hạng người cao cả, bởi vì nếu nghe được Giáo Pháp này vị ấy có thể hiểu được một cách thật nhanh chóng.” Sau đó, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên? Ai sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng?” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Uddaka Rāmaputta này là vị thông thái, kinh nghiệm, sáng suốt, đã lâu nay bản thể bị ít ô nhiễm, hay là ta nên nên thuyết giảng Giáo Pháp đến Uddaka Rāmaputta trước tiên? Vị ấy sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng.” Khi ấy, có vị thiên thần không hiện hình đã thông báo đến đức Thế Tôn rằng: - Bạch ngài, vị Uddaka Rāmaputta đã từ trần vào đêm qua. Và trí tuệ của đức Thế Tôn cũng đã khởi lên rằng: “Vị Uddaka Rāmaputta đã từ trần vào đêm qua.” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Uddaka Rāmaputta thuộc hạng người cao cả, bởi vì nếu nghe được Giáo Pháp này vị ấy có thể hiểu được một cách thật nhanh chóng.” Sau đó, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên? Ai sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng?” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Các tỳ khưu nhóm năm vị có nhiều công đức đối với ta, các vị này đã phục vụ ta trong khi bản thân ta nỗ lực tinh tấn,[6] hay là ta nên nên thuyết giảng Giáo Pháp đến các tỳ khưu nhóm năm vị trước tiên?” Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Giờ đây, các tỳ khưu nhóm năm vị này trú ngụ ở nơi nào?” Với thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, đức Thế Tôn đã nhìn thấy các tỳ khưu nhóm năm vị đang trú ngụ tại thành Bārāṇasī (Ba La Nại), ở Isipatana, nơi vườn nai. Sau đó, khi đã ngự tại Uruvelā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bārāṇasī. [11] Đạo sĩ lõa thể Upaka đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang đi bộ đường xa ở khoảng giữa Gayā và cội bồ đề, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này đạo hữu (āvuso), các giác quan của đạo hữu được trầm tĩnh, màu da được thanh tịnh và trong sáng. Này đạo hữu, nhờ ai mà đạo hữu đã xuất gia? Ai là thầy của đạo hữu? Đạo hữu hoan hỷ với pháp của vị nào? Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ lõa thể Upaka bằng những lời kệ này: Ta vượt trên tất cả - Này đạo hữu, theo như đạo hữu cho biết thì đạo hữu xứng đáng là vị Jina (Chiến Thắng) vô biên. (Đức Phật đáp lại rằng): - Này Upaka, Khi được nói như thế, đạo sĩ lõa thể Upaka đã nói rằng: - Này đạo hữu, có thể là như vậy. Rồi đã gục gặc cái đầu, rẽ sang con đường khác, và bỏ đi. [12] Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Bārāṇasī, Isipatana, nơi vườn nai và đã đi đến gặp các tỳ khưu nhóm năm vị. Các tỳ khưu nhóm năm vị đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy các vị đã bàn bạc với nhau rằng: - Này các vị, Sa-môn Gotama ấy đang đi đến. Ông ta là kẻ lợi dưỡng, đã bỏ dở dang việc nỗ lực và quay trở lại cuộc sống sung túc. Ông ta không đáng để đảnh lễ, không đáng để đứng dậy chào, y bát của ông ta không đáng để đón nhận, và chỗ ngồi cũng không cần đặt thêm, nếu ông ta muốn thì ông ta cứ việc ngồi. Nhưng khi đức Thế Tôn càng đi đến gần thì các tỳ khưu nhóm năm vị ấy không còn tuân theo điều bàn bạc của họ nữa và đã đi ra tiếp đón đức Thế Tôn, một vị đã nhận lấy y bát của đức Thế Tôn, một vị đã sắp đặt chỗ ngồi, một vị đã đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã rửa hai chân. Tuy nhiên, các vị vẫn xưng hô với đức Thế Tôn bằng tên và bằng tiếng gọi “Đạo hữu” (āvuso). Khi được xưng hô như thế, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị điều này: - Này các tỳ khưu, chớ có xưng hô với đức Như Lai bằng tên và bằng tiếng gọi “Đạo hữu.” Này các tỳ khưu, đức Như Lai là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe, ta sẽ chỉ dạy pháp Bất Tử đã đạt được, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi thực hành theo như đã được chỉ dạy thì chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này, các vị nhờ vào thắng trí sẽ tự mình thực chứng, đạt đến, và an trú vào điểm tối thượng ấy là đích cuối cùng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Khi được nói như thế, các tỳ khưu nhóm năm vị đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này đạo hữu Gotama, bằng hạnh kiểm ấy, bằng sự thực hành ấy, bằng việc theo đuổi khổ hạnh ấy còn không đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh, còn giờ đây là kẻ lợi dưỡng, đã bỏ dở dang việc nỗ lực, và quay trở lại cuộc sống sung túc, làm thế nào đạo hữư lại đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh? Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị điều này: - Này các tỳ khưu, đức Như Lai không phải là kẻ lợi dưỡng, không bỏ dở dang việc nỗ lực, và không quay trở lại cuộc sống sung túc. Này các tỳ khưu, đức Như Lai là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe, ta sẽ chỉ dạy pháp Bất Tử đã đạt được, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi thực hành theo như đã được chỉ dạy thì chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này, các vị nhờ vào thắng trí sẽ tự mình thực chứng, đạt đến, và an trú vào điểm tối thượng ấy là đích cuối cùng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Đến lần thứ nhì, các tỳ khưu nhóm năm vị đã nói với đức Thế Tôn điều này: ...(như trên)... Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị điều này: ...(như trên)... Đến lần thứ ba, các tỳ khưu nhóm năm vị đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này đạo hữu Gotama, bằng hạnh kiểm ấy, bằng sự thực hành ấy, bằng việc theo đuổi khổ hạnh ấy còn không đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh, còn giờ đây là kẻ lợi dưỡng, đã bỏ dở dang việc nỗ lực, và quay trở lại cuộc sống sung túc, làm thế nào đạo hữư lại đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh? Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị rằng: - Này các tỳ khưu, các vị có nhận ra rằng điều này đã không được ta nói ra trước đây hay không? - Bạch ngài, điều này không có (được nói). - Này các tỳ khưu, đức Như Lai là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe, ta sẽ chỉ dạy pháp Bất Tử đã đạt được, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi thực hành theo như đã được chỉ dạy thì chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này, các vị nhờ vào thắng trí sẽ tự mình thực chứng, đạt đến, và an trú vào điểm tối thượng ấy là đích cuối cùng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Đức Thế Tôn đã có thể thuyết phục các tỳ khưu nhóm năm vị. Sau đó, các tỳ khưu nhóm năm vị đã lắng nghe, đã lắng tai, đã phục vụ bằng tâm ý khác. [13] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu nhóm năm vị rằng: - Này các tỳ khưu, đây là hai cực đoan mà bậc xuất gia không nên thực hành: Đây là sự say đắm về dục lạc trong các dục, kém cỏi, thô thiển, tầm thường, không cao thượng, không đem lại lợi ích, và đây là sự gắn bó với việc hành hạ bản thân, đau khổ, không cao thượng, không đem lại lợi ích. Này các tỳ khưu, sau khi không tiếp cận cả hai cực đoan ấy, lối thực hành trung hòa đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn. Này các tỳ khưu, lối thực hành trung hòa ấy đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn là thế nào? Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần tức là sự hiểu biết chân chánh, suy nghĩ chân chánh, nói lời chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nuôi mạng chân chánh, tinh tấn chân chánh, ghi nhớ chân chánh, định tâm chân chánh.[7] Này các tỳ khưu, lối thực hành trung hòa ấy đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn. [14] Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sự gắn bó với những gì không ưa thích là khổ, sự chia lìa với những gì ưa thích là khổ, không đạt được điều ước muốn là khổ, một cách tóm tắt năm thủ uẩn là khổ. Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ. Điều ấy chính là Ái đưa đến tái sanh, liên kết với khoái lạc và say đắm, có sự thỏa thích ở nơi này nơi khác tức là: Dục Ái, Hữu Ái, Phi Hữu Ái. Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ. Điều ấy là sự dứt bỏ, sự dứt ra khỏi, sự giải thoát, sự không còn chỗ nương tựa, sự diệt tận và dứt bỏ lòng say đắm không còn dư sót của chính Ái ấy. Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ. Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần tức là sự hiểu biết chân chánh, ...(như trên)..., định tâm chân chánh. [15] Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ cần được hiểu rõ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ đã được hiểu rõ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ cần được dứt bỏ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ đã được dứt bỏ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ cần được chứng ngộ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ đã được chứng ngộ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ cần được tu tập.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ đã được tu tập.” [16] Này các tỳ khưu, và cho đến khi nào tri kiến thấy đúng thực chất của ta về ba Luân (ba vòng xoay tròn) và mười hai Thể (tính chất) trong Bốn Chân Lý Cao Thượng này chưa được thực sự thanh tịnh; này các tỳ khưu, cho đến khi ấy ta chưa công bố về sự tối thượng Chánh Đẳng Giác: “Ta đã hoàn toàn giác ngộ” ở trong thế gian tính luôn cõi của chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Và này các tỳ khưu, bởi vì tri kiến thấy đúng thực chất của ta về ba Luân và mười hai Thể trong Bốn Chân Lý Cao Thượng này đã được thực sự thanh tịnh; này các tỳ khưu, khi ấy ta đã công bố về sự tối thượng Chánh Đẳng Giác: “Ta đã hoàn toàn giác ngộ” ở trong thế gian tính luôn cõi của chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Hơn nữa, trí tuệ và sự thấy biết của ta đã sanh khởi: “Sự giải thoát của ta không thể thay đổi, đây là lần sanh cuối cùng, từ nay không có việc tái sanh nữa.” Trong khi bài kinh này được thuyết giảng, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Koṇḍañña: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” [17] Khi bánh xe Pháp được chuyển vận bởi đức Thế Tôn, chư thiên ở địa cầu đã đồn đãi lời rằng: “Bánh xe Pháp tối thượng ấy đã được đức Thế Tôn chuyển vận ở Bārāṇasī, tại Isipatana, nơi vườn nai không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi sa-môn, bà-la-môn, Thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời.” Sau khi nghe được tiếng đồn của chư thiên ở địa cầu, chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương đã đồn đãi lời rằng: ...(như trên)... Sau khi nghe được tiếng đồn của chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương, chư thiên ở cõi Đạo Lợi đã đồn đãi lời rằng: ...(như trên)... chư thiên ở cõi Dạ Ma ...(như trên)... chư thiên ở cõi Đẩu Suất ...(như trên)... chư thiên ở cõi Hóa Lạc Thiên ...(như trên)... chư thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại ...(như trên)... chư thiên thuộc hàng Phạm thiên đã đồn đãi lời rằng: “Bánh xe Pháp tối thượng ấy đã được đức Thế Tôn chuyển vận ở Bārāṇasī, tại Isipatana, nơi vườn nai không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi sa-môn, bà-la-môn, thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời.” Vào thời khắc ấy, vào giây phút ấy, lời đồn đãi ấy đã đi đến các cõi trời Phạm thiên. Và mười ngàn thế giới này đã bị lay chuyển, rung động, chấn động. Và ánh sáng tuyệt vời không thể đo lường đã hiện ra ở thế gian, vượt quá hào quang siêu phàm của chư thiên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng rằng: “Koṇḍañña đã hiểu được! Koṇḍañña đã hiểu được!” Do đó, đại đức Koṇḍañña đã có tên là “Aññākoṇḍañña.”[8] [18] Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, đại đức Aññākoṇḍañña đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của đại đức ấy. [19] Sau đó, đức Thế Tôn đã giáo huấn, đã chỉ dạy các vị tỳ khưu còn lại bằng bài Pháp thoại. Khi ấy, trong khi đang được giáo huấn, chỉ dạy bởi đức Thế Tôn bằng bài Pháp thoại, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Vappa và đại đức Bhaddiya: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy. Sau đó, với bữa ăn đã được mang lại, đức Thế Tôn đã giáo huấn, đã chỉ dạy các vị tỳ khưu còn lại bằng bài Pháp thoại. Nhóm sáu vị sống bằng vật mà ba vị tỳ khưu đã đi khất thực và mang về. Khi ấy, trong khi đang được giáo huấn, chỉ dạy bởi đức Thế Tôn bằng bài Pháp thoại, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Mahānāma và đại đức Assaji: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy. [20] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu nhóm năm vị rằng: - Này các tỳ khưu, Sắc là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Sắc này là Ngã thì Sắc này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Sắc (theo ý muốn) rằng: “Sắc của ta hãy là như vầy, Sắc của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Sắc là Vô Ngã do đó Sắc đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Sắc (theo ý muốn) rằng: “Sắc của ta hãy là như vầy, Sắc của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, Thọ là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Thọ này là Ngã thì Thọ này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Thọ (theo ý muốn) rằng: “Thọ của ta hãy là như vầy, Thọ của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Thọ là Vô Ngã do đó Thọ đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Thọ (theo ý muốn) rằng: “Thọ của ta hãy là như vầy, Thọ của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, Tưởng là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Tưởng này là Ngã thì Tưởng này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Tưởng (theo ý muốn) rằng: “Tưởng của ta hãy là như vầy, Tưởng của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Tưởng là Vô Ngã do đó Tưởng đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Tưởng (theo ý muốn) rằng: “Tưởng của ta hãy là như vầy, Tưởng của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, các Hành là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu các Hành này là Ngã thì các Hành này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở các Hành (theo ý muốn) rằng: “Các Hành của ta hãy là như vầy, các Hành của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì các Hành là Vô Ngã do đó các Hành đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở các Hành (theo ý muốn) rằng: “Các Hành của ta hãy là như vầy, các Hành của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, Thức là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Thức này là Ngã thì Thức này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Thức (theo ý muốn) rằng: “Thức của ta hãy là như vầy, Thức của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Thức là Vô Ngã do đó Thức đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Thức (theo ý muốn) rằng: “Thức của ta hãy là như vầy, Thức của ta đừng trở thành như vầy.” [21] Này các tỳ khưu, các vị nghĩ gì về Sắc ấy, là thường hay vô thường? - Bạch ngài, là vô thường. - Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc? - Bạch ngài, là khổ. - Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”? - Bạch ngài, điều ấy không đúng. Này các tỳ khưu, Thọ là thường hay vô thường? - Bạch ngài, là vô thường. - Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc? - Bạch ngài, là khổ. - Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”? - Bạch ngài, điều ấy không đúng. Này các tỳ khưu, Tưởng là thường hay vô thường? - Bạch ngài, là vô thường. - Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc? - Bạch ngài, là khổ. - Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”? - Bạch ngài, điều ấy không đúng. Này các tỳ khưu, các Hành là thường hay vô thường? - Bạch ngài, là vô thường. - Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc? - Bạch ngài, là khổ. - Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”? - Bạch ngài, điều ấy không đúng. Này các tỳ khưu, Thức là thường hay vô thường? - Bạch ngài, là vô thường. - Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc? - Bạch ngài, là khổ. - Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”? - Bạch ngài, điều ấy không đúng. [22] Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Sắc nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Sắc ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.” Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Thọ nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Thọ ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.” Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Tưởng nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Tưởng ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.” Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ các Hành nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ các Hành ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.” Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Thức nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Thức ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.” [23] Này các tỳ khưu, khi đã thấy được như thế, vị Thinh Văn Thánh đệ tử không còn hứng thú trong Sắc, không còn hứng thú trong Thọ, không còn hứng thú trong Tưởng, không còn hứng thú trong các Hành, không còn hứng thú trong Thức; khi đã không còn hứng thú, vị ấy không còn say đắm; do không còn say đắm vị ấy được giải thoát; trong khi được giải thoát, trí khởi lên rằng: “Đã được giải thoát.” Vị ấy biết được rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa.” [24] Đức Thế Tôn đã giảng về điều ấy. Các tỳ khưu nhóm năm vị đã hoan hỷ thâu nhận lời dạy của đức Thế Tôn. Và trong khi bài kinh này được thuyết giảng, các tâm của các tỳ khưu nhóm năm vị đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có sáu vị A-la-hán. Tụng phẩm thứ nhất. [25] Vào lúc bấy giờ, ở Bārāṇasī có người con trai gia đình danh giá tên Yasa. Yasa là con trai nhà đại phú và có vóc dáng mảnh mai. Chàng trai có ba tòa lâu đài: một dành cho mùa lạnh, một dành cho mùa nóng, và một dành cho mùa mưa. Vào bốn tháng mùa mưa ở trong tòa lâu đài, chàng luôn được vây quanh bởi các nữ công tấu nhạc và không bước xuống phía dưới của tòa lâu đài. Khi ấy, trong lúc được phú cho, được thừa hưởng, được phục vụ bởi năm phần dục lạc,[9] người con trai gia đình danh giá Yasa đã nằm xuống ngủ trước rồi sau đó đám hầu thiếp mới nằm xuống ngủ. Và cây đèn dầu thường được đốt thâu đêm. Khi ấy, người con trai gia đình danh giá Yasa sau khi thức dậy trước đã nhìn thấy đám hầu thiếp của mình đang ngủ, cây đàn ở khuỷu tay của nàng nọ, cái trống con ở cổ của nàng kia, cái trống ở đùi của nàng khác, nàng nọ có (đầu tóc) xổ ra, nàng kia nhễu nước dãi, các nàng khác thì nói lảm nhảm, chàng nghĩ rằng bãi tha ma như đang ở đâu đây.[10] Sau khi nhìn thấy, chàng trai đã khởi lên sự chán nản và đã lập tâm từ bỏ. Khi ấy, người con trai gia đình danh giá Yasa đã thốt lên lời cảm thán rằng: “Thật là chán nản! Thật là khổ sở!” Sau đó, người con trai gia đình danh giá Yasa đã mang vào đôi hài bằng vàng và đi đến cánh cửa lớn của dinh thự. Các phi nhân đã mở cánh cửa ra (nghĩ rằng): “Chớ có ai gây trở ngại đến việc rời nhà xuất gia sống không nhà của người con trai gia đình danh giá Yasa.” Sau đó, người con trai gia đình danh giá Yasa đã đi đến cổng thành phố. Các phi nhân đã mở cánh cửa ra (nghĩ rằng): “Chớ có ai gây trở ngại đến việc rời nhà xuất gia sống không nhà của người con trai gia đình danh giá Yasa.” Sau đó, người con trai gia đình danh giá Yasa đã đi đến Isipatana, chỗ vườn nai. [26] Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm đang đi kinh hành ở ngoài trời. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã rời đường kinh hành và ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, ở không xa đức Thế Tôn lắm người con trai gia đình danh giá Yasa đã thốt lên lời cảm thán rằng: “Thật là chán nản! Thật là khổ sở!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với người con trai gia đình danh giá Yasa điều này: - Này Yasa, việc này không chán nản, việc này không khổ sở. Này Yasa, hãy đến và ngồi xuống. Ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp cho ngươi. Khi ấy, người con trai gia đình danh giá Yasa (nghĩ rằng): “Nghe nói việc này không chán nản, việc này không khổ sở” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã cởi ra đôi hài bằng vàng và đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi một bên. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của người con trai gia đình danh giá Yasa đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến người con trai gia đình danh giá Yasa: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” [27] Sau đó, mẹ của người con trai gia đình danh giá Yasa đã đi lên tòa lâu đài và không thấy người con trai gia đình danh giá Yasa nên đã đi đến gặp người gia chủ đại phú, sau khi đến đã nói với người gia chủ đại phú điều này: - Gia chủ ơi, không có nhìn thấy con trai ông là Yasa. Khi ấy, người gia chủ đại phú đã phân công cho các sứ giả phi ngựa bốn phương còn chính bản thân đã đi đến Isipatana, chỗ vườn nai. Người gia chủ đại phú đã nhìn thấy dấu vết in (xuống đất) của đôi hài bằng vàng nên đã đi theo dấu vết ấy. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người gia chủ đại phú từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên thực hiện thần thông để cho người gia chủ đại phú ngồi ở đây không thể nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi ở đây.” Rồi đức Thế Tôn đã thực hiện thần thông như thế ấy. Sau đó, người gia chủ đại phú đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, vậy chớ đức Thế Tôn có thể nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa không? - Này gia chủ, như thế thì ông hãy ngồi xuống đi. Có lẽ khi ông ngồi xuống ở đây, ông có thể nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi ở đây. Khi ấy, người gia chủ đại phú (nghĩ rằng): “Nghe nói khi ta ngồi xuống ở chính nơi đây, ta sẽ nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi ở đây” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến người gia chủ đại phú đang ngồi một bên. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của người gia chủ đại phú đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến người gia chủ đại phú: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, người gia chủ đại phú đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Và ông ta đã trở thành vị nam cư sĩ đọc ba câu (tevāciko)[11] đầu tiên ở thế gian. [28] Sau đó, khi đang được giảng giải Giáo Pháp và trong khi quán sát bản chất như đã được thấy như đã được biết, tâm của người cha của người con trai gia đình danh giá Yasa đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Khi đang được giảng giải Giáo Pháp và trong khi quán sát bản chất như đã được thấy như đã được biết, tâm của người cha của người con trai gia đình danh giá Yasa đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Còn người con trai gia đình danh giá Yasa không thể nào quay lui đời sống thấp kém để thọ hưởng các dục lạc giống như trước đây khi còn ở tại gia, hay là ta nên thu hồi sự thể hiện thần thông ấy?” Sau đó, đức Thế Tôn đã thu hồi sự thể hiện thần thông ấy. Người gia chủ đại phú đã nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi, sau khi nhìn thấy đã nói với người con trai gia đình danh giá Yasa điều này: - Này Yasa yêu quý, mẹ của con bị sầu khổ đã than vãn. Hãy đem lại cho mẹ cuộc sống. Khi ấy, người con trai gia đình danh giá Yasa đã nhìn lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với người gia chủ đại phú điều này: - Này gia chủ, ngươi nghĩ gì về việc ấy đối với người con trai gia đình danh giá Yasa? Cũng giống như việc ngươi đã nhìn thấy Pháp bằng trí của vị hữu học, bằng sự hiểu biết của vị hữu học, chàng trai ấy trong khi quán sát bản chất như đã được thấy như đã được biết, tâm đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Này gia chủ, có thể nào Yasa quay lui đời sống thấp kém để thọ hưởng các dục lạc giống như trước đây khi còn ở tại gia hay không? - Bạch ngài, điều ấy không thể nào. - Này gia chủ, đối với người con trai gia đình danh giá Yasa cũng giống như việc ngươi đã nhìn thấy Pháp bằng trí của vị hữu học bằng sự hiểu biết của vị hữu học, chàng trai ấy trong khi quán sát bản chất như đã được thấy như đã được biết, tâm đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Này gia chủ, Yasa không thể nào quay lui đời sống thấp kém để thọ hưởng các dục lạc giống như trước đây khi còn ở tại gia. - Bạch ngài, thật là lợi ích cho người con trai gia đình danh giá Yasa! Thật khéo thành tựu cho người con trai gia đình danh giá Yasa! Như là việc tâm của người con trai gia đình danh giá Yasa đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa thọ trai ngày mai cùng với người con trai gia đình danh giá Yasa làm sa-môn thị giả. Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người gia chủ đại phú hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi người gia chủ đại phú ra đi không lâu, người con trai gia đình danh giá Yasa đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của đại đức ấy. Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có bảy vị A-la-hán. Dứt sự xuất gia của Yasa. [29] Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến tư gia của người gia chủ đại phú cùng với đại đức Yasa làm sa-môn thị giả, sau khi đến đã ngồi xuống chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, người mẹ và người vợ cũ thứ nhì của đại đức Yasa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến các người nữ ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của các người nữ ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến các người nữ ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các người nữ ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các nữ cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Và các người nữ ấy đã trở thành những nữ cư sĩ đọc ba câu (tevācikā) đầu tiên ở thế gian. Sau đó, khi đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm, đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, người mẹ người cha và người vợ cũ thứ nhì của đại đức Yasa đã ngồi xuống ở một bên Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người mẹ người cha và người vợ cũ thứ nhì của đại đức Yasa bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi. [30] Bốn người bạn tại gia của đại đức Yasa (tên) Vimala, Subāhu, Puṇṇaji, Gavampati là những người con trai của các gia đình đại phú và khá giả ở thành Bārāṇasī đã nghe được rằng: “Nghe nói người con trai gia đình danh giá Yasa đã cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, và rời nhà xuất gia sống không nhà.” Sau khi nghe, các người ấy đã khởi ý điều này: “Pháp và Luật ấy chắc chắn không phải là tầm thường! Việc xuất gia ấy không phải là tầm thường khi mà người con trai gia đình danh giá Yasa đã cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, và rời nhà xuất gia sống không nhà!” Các người ấy đã đi đến gặp đại đức Yasa, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Yasa rồi đứng ở một bên. Khi ấy, đại đức Yasa đã dẫn bốn người bạn tại gia ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Yasa đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, bốn người bạn tại gia này của con (tên) Vimala, Subāhu, Puṇṇaji, Gavampati là những người con trai của các gia đình đại phú và khá giả ở thành Bārāṇasī. Xin đức Thế Tôn hãy giáo huấn và chỉ dạy cho những người này. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến những người ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, những người ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy. Sau đó, đức Thế Tôn đã giáo huấn và chỉ dạy cho các vị tỳ khưu ấy bằng bài Pháp thoại. Trong khi được đức Thế Tôn giáo huấn và chỉ dạy bằng bài Pháp thoại, tâm của các vị ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có mười một vị A-la-hán. Dứt sự xuất gia của bốn người bạn tại gia. [31] Những người bạn tại gia của đại đức Yasa có số lượng năm mươi (người) là những người con trai của các gia đình đầu tiên hoặc kế tục trong xứ sở đã nghe được rằng: “Nghe nói người con trai gia đình danh giá Yasa đã cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, và rời nhà xuất gia sống không nhà.” Sau khi nghe, các người ấy đã khởi ý điều này: “Pháp và Luật ấy chắc chắn không phải là tầm thường! Việc xuất gia ấy không phải là tầm thường khi mà người con trai gia đình danh giá Yasa đã cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, và rời nhà xuất gia sống không nhà!” Các người ấy đã đi đến gặp đại đức Yasa, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Yasa rồi đứng ở một bên. Khi ấy, đại đức Yasa đã dẫn các người bạn tại gia có số lượng là năm mươi (người) ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Yasa đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, những người bạn tại gia này của con có số lượng năm mươi (người) là những người con trai của các gia đình đầu tiên hoặc kế tục trong xứ sở. Xin đức Thế Tôn hãy giáo huấn và chỉ dạy cho những người này. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến những người ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, những người ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy. Sau đó, đức Thế Tôn đã giáo huấn và chỉ dạy cho các vị tỳ khưu ấy bằng bài Pháp thoại. Trong khi được đức Thế Tôn giáo huấn và chỉ dạy bằng bài Pháp thoại, tâm của các vị ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có sáu mươi mốt vị A-la-hán. [32] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: - Này các tỳ khưu, ta đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các tỳ khưu, các ngươi cũng đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các tỳ khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường). Này các tỳ khưu, hãy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Có những hạng người sanh lên bị ít ô nhiễm sẽ là những người hiểu được Giáo Pháp, (nhưng) do việc không nghe Giáo Pháp sẽ bị thoái hóa. Này các tỳ khưu, ta cũng sẽ đi đến ngôi làng của Senāni ở Uruvelā cho việc thuyết giảng Giáo Pháp. [33] Sau đó, Ma Vương đầy tội lỗi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn bằng những lời kệ này: - Các cạm bẫy trời người (Đức Thế Tôn đáp lại rằng): - Các cạm bẫy trời người, Khi ấy, Ma Vương đầy tội lỗi (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã nhận ra ta rồi! Đấng Thiện Thệ đã nhận ra ta rồi!” nên xấu hổ, bực bội, rồi đã biến mất ngay tại chỗ ấy. Dứt phần nói về Ma Vương. [34] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu thuộc nhiều phương khác nhau, thuộc nhiều xứ sở khác nhau đã dẫn di theo những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn sẽ cho họ xuất gia và sẽ cho tu lên bậc trên.” Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu luôn cả những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên đều mệt nhọc. Khi ấy, trong lúc đức Thế Tôn thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hiện nay, các vị tỳ khưu thuộc nhiều phương khác nhau, thuộc nhiều xứ sở khác nhau đã dẫn di theo những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn sẽ cho họ xuất gia và sẽ cho tu lên bậc trên.’ Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu luôn cả những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên đều mệt nhọc; hay là ta nên cho phép các vị tỳ khưu rằng: ‘Này các tỳ khưu, kể từ nay ở trong mọi phương ở trong mọi xứ sở, chính các ngươi hãy cho xuất gia, hãy cho tu lên bậc trên’?” Sau đó vào lúc chiều tối, đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh rồi nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại, đã thuyết Pháp thoại, và đã bảo các vị tỳ khưu rằng: - Này các tỳ khưu, ở đây trong lúc ta thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hiện nay, các vị tỳ khưu thuộc nhiều phương khác nhau, thuộc nhiều xứ sở khác nhau đã dẫn di theo những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn sẽ cho họ xuất gia và sẽ cho tu lên bậc trên.’ Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu luôn cả những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên đều mệt nhọc; hay là ta nên cho phép các vị tỳ khưu rằng: ‘Này các tỳ khưu, kể từ nay ở trong mọi phương ở trong mọi xứ sở, chính các ngươi hãy cho xuất gia, hãy cho tu lên bậc trên’?” Này các tỳ khưu, ta cho phép kể từ nay ở trong mọi phương ở trong mọi xứ sở, chính các ngươi hãy cho xuất gia, hãy cho tu lên bậc trên. Và này các tỳ khưu, nên cho xuất gia như vầy, nên cho tu lên bậc trên như vầy: Trước tiên, nên bảo cạo bỏ râu tóc, bảo khoác lên các tấm vải màu ca-sa, bảo đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các vị tỳ khưu, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và nên bảo rằng: “Ngươi hãy nói như vầy: Tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ (Tôi xin
quy y Phật). Lần thứ nhì, tôi đến với đức Phật là nơi nương
nhờ. Lần thứ ba, tôi đến với đức Phật là nơi nương
nhờ. Này các tỳ khưu, ta cho phép sự xuất gia, sự tu lên bậc trên bằng Tam Quy (ba sự đi đến nương nhờ) này. Dứt phần nói về sự tu lên bậc trên bằng Tam Quy. [35] Sau đó, khi đã sống qua mùa mưa, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: - Này các tỳ khưu, ta có sự tác ý đúng đắn, có sự tinh tấn chân chánh đúng đắn, đã đạt đến sự giải thoát tối thượng, đã chứng ngộ sự giải thoát tối thượng. Này các tỳ khưu, các ngươi cũng có sự tác ý đúng đắn, có sự tinh tấn chân chánh đúng đắn, (các ngươi) hãy đạt đến sự giải thoát tối thượng, hãy chứng ngộ sự giải thoát tối thượng. Sau đó, Ma Vương đầy tội lỗi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn bằng bài kệ này: - Các cạm bẫy Ma Vương (Đức Thế Tôn đáp lại rằng): - Các cạm bẫy Ma Vương Khi ấy, Ma Vương đầy tội lỗi (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã nhận ra ta rồi! Đấng Thiện Thệ đã nhận ra ta rồi!” nên xấu hổ, bực bội, rồi đã biến mất ngay tại chỗ ấy. [36] Sau đó, khi đã ngự tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Uruvelā. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời đường lộ đi đến khu rừng rậm nọ, sau khi đến đã đi sâu vào trong khu rừng rậm ấy và đã ngồi xuống ở gốc cây nọ. Vào lúc bấy giờ, những người bạn thuộc nhóm các vương tử có số lượng ba mươi (người) cùng với những người vợ đang du ngoạn ở trong khu rừng rậm ấy. Một người không có vợ. Cô gái điếm đã được dẫn đến cho nhu cầu của vị ấy. Rồi trong khi những người ấy đang lơ đễnh du ngoạn, cô gái điếm ấy đã cầm lấy gói đồ rồi tẩu thoát. Sau đó, những người bạn ấy trong lúc giúp đỡ bạn bè và trong lúc tìm kiếm người đàn bà ấy, đã lang thang đi đến khu rừng rậm ấy và đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang ngồi ở gốc cây nọ, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, vậy chớ đức Thế Tôn có nhìn thấy người đàn bà không? - Này các vương tử, các vị có điều gì với người đàn bà? - Bạch ngài, trường hợp chúng tôi là những người bạn thuộc nhóm các vương tử có số lượng ba mươi (người) đã cùng với những người vợ du ngoạn ở trong khu rừng rậm này. Một người không có vợ. Cô gái điếm đã được dẫn đến cho nhu cầu của vị ấy. Bạch ngài, rồi trong khi chúng tôi đang lơ đễnh du ngoạn, cô gái điếm ấy đã cầm lấy gói đồ rồi tẩu thoát. Bạch ngài, vì thế trong lúc giúp đỡ bạn bè và trong lúc tìm kiếm người đàn bà ấy chúng tôi đã lang thang đi đến khu rừng rậm này. - Này các vương tử, các vị nghĩ thế nào về việc các vị nên tìm kiếm người đàn bà và việc các vị nên tìm kiếm lấy chính mình, đối với các vị việc nào quan trọng hơn? - Bạch ngài, đối với chúng tôi việc quan trọng hơn là việc chúng tôi nên tìm kiếm lấy chính mình. - Này các vương tử, chính vì việc ấy các vị hãy ngồi xuống, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp cho các vị. - Bạch ngài, xin vâng. Rồi những người bạn thuộc nhóm các vương tử ấy đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến các vị ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của các vị ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến các vị ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy. Dứt câu chuyện về những người bạn thuộc nhóm các vương tử. Tụng phẩm thứ nhì. [37] Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Uruvelā. Vào lúc bấy giờ, có ba vị đạo sĩ bện tóc đang cư trú ở Uruvelā là Uruvelakassapa, Nadīkassapa, và Gayākassapa. Trong số các vị ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của năm trăm đạo sĩ bện tóc. Đạo sĩ bện tóc Nadīkassapa là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của ba trăm đạo sĩ bện tóc. Đạo sĩ bện tóc Gayākassapa là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của hai trăm đạo sĩ bện tóc. Khi ấy, đức Thế Tôn đã đi đến khu ẩn cư của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa, sau khi đến đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì chúng ta[13] có thể ngụ một đêm trong nhà thờ lửa. - Này vị đại sa-môn, không trở ngại cho tôi, tuy nhiên có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được. Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì chúng ta có thể ngụ một đêm trong nhà thờ lửa. - Này vị đại sa-môn, không trở ngại cho tôi, tuy nhiên có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được. Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì chúng ta có thể ngụ một đêm trong nhà thờ lửa. - Này vị đại sa-môn, không trở ngại cho tôi, tuy nhiên có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được. - Biết đâu nó có thể không hại tôi. Này Kassapa, ngươi hãy cho phép (ta cư ngụ) nhà thờ lửa đi. - Này vị đại sa-môn, vậy thì hãy cư ngụ một cách thoải mái. Sau đó, đức Thế Tôn đã đi vào nhà thờ lửa, sắp đặt tấm thảm trải bằng cỏ, rồi ngồi xuống, xếp (chân) thế kiết già, giữ thân thẳng, tập trung niệm ở phía trước. [38] Khi ấy, con rồng ấy đã nhìn thấy đức Thế Tôn đi vào, sau khi nhìn thấy trở nên không vui, bực bội, nên đã phun khói. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Có lẽ ta không nên làm thương tổn đến lớp vỏ, làn da, thịt, gân, xương, tủy của con rồng này mà chỉ nên dùng lửa (của ta) làm cho lửa (của nó) bị kiệt quệ thôi.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thực hiện phép thần thông có hình thức tương tợ và đã phun khói. Khi ấy, con rồng không còn đè nén được cơn giận nên đã phun ra lửa. Đức Thế Tôn cũng đã nhập thiền đề mục lửa và đã phun ra lửa. Trong khi cả hai bên đều ở trong trạng thái rực sáng, ngôi nhà thờ lửa cũng ở trong trạng thái rực sáng như đang bị đốt cháy sáng rực vậy. Khi ấy, những đạo sĩ bện tóc ấy đã vây xung quanh nhà thờ lửa và nói như vầy: - Quả thật vị đại sa-môn có vóc dáng xinh đẹp đã bị con rồng hãm hại! Sau đó, khi trải qua đêm ấy đức Thế Tôn đã không làm thương tổn đến lớp vỏ, làn da, thịt, gân, xương, tủy của con rồng này mà đã dùng lửa (của ngài) làm cho lửa (của nó) bị kiệt quệ, rồi bỏ vào trong bình bát, và đưa cho đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa xem (nói rằng): - Này Kassapa, đây là con rồng của ngươi. Lửa của nó đã bị lửa (của ta) làm cho kiệt quệ. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị ấy đã dùng lửa (của vị ấy) làm cho lửa của con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp bị kiệt quệ nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” [39] Ở Nerañjarā Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa vô cùng hoan hỷ với sự kỳ diệu của thần thông này của đức Thế Tôn nên đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, hãy cư ngụ ngay tại đây, tôi có thức ăn trường kỳ cho ngài. Điều kỳ diệu thứ nhất. [40] Sau đó, đức Thế Tôn đã cư ngụ trong khu rừng rậm nọ không xa chỗ ẩn cư của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa. Khi ấy vào lúc đêm khuya, bốn vị Đại Thiên Vương với hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở bốn phương giống như là những khối lửa khổng lồ. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, trong lúc đêm khuya những ai có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp ngài, sau khi đến đã đảnh lễ ngài rồi đứng ở bốn phương giống như là những khối lửa khổng lồ vậy? - Này Kassapa, những vị ấy là bốn vị Đại Thiên Vương đã đi đến gặp ta để nghe Pháp. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả bốn vị Đại Thiên Vương còn đi đến gặp để nghe Pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy. Điều kỳ diệu thứ nhì. [41] Sau đó, trong lúc đêm khuya vị chúa của chư thiên Sakka với hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, trong lúc đêm khuya ai có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp ngài, sau khi đến đã đảnh lễ ngài rồi đứng ở một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa vậy? - Này Kassapa, vị ấy là chúa của chư thiên Sakka đã đi đến gặp ta để nghe Pháp. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả chúa của chư thiên Sakka còn đi đến gặp để nghe Pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy. Điều kỳ diệu thứ ba. [42] Sau đó, trong lúc đêm khuya vị Phạm thiên Sahampati với hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, trong lúc đêm khuya ai có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp ngài, sau khi đến đã đảnh lễ ngài rồi đứng ở một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa vậy? - Này Kassapa, vị ấy là Phạm thiên Sahampati đã đi đến gặp ta để nghe Pháp. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị Phạm thiên Sahampati còn đi đến gặp để nghe Pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy. Điều kỳ diệu thứ tư. [43] Vào lúc bấy giờ, buổi đại lễ cúng tế của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đến. Toàn bộ dân chúng ở Aṅga và Magadha đem lại nhiều thức ăn loại cứng loại mềm có ý muốn tham dự. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Lúc này đây buổi đại lễ cúng tế của ta đã đến, toàn bộ dân chúng ở Aṅga và Magadha sẽ đem lại nhiều thức ăn loại cứng loại mềm và tham dự, nếu vị đại sa-môn thực hiện sự kỳ diệu của thần thông trước đám đông thì lợi lộc và cung kỉnh sẽ tăng trưởng cho vị đại sa-môn còn lợi lộc và cung kỉnh của ta sẽ bị giảm đi; vậy thì vị đại sa-môn không nên đi đến vào ngày mai.” Khi ấy, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa nên đã đi đến xứ Kuru ở phương Bắc, rồi đem đồ ăn khất thực ở nơi ấy đến hồ Anotatta, sau khi thọ thực xong đã trú ngay tại nơi ấy trọn ngày. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, việc gì khiến ngài đã không đi đến ngày hôm qua? Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nhớ đến ngài rằng: “Việc gì khiến vị đại sa-môn không đi đến?” và phần san sẽ về thức ăn đã được để dành cho ngài. - Này Kassapa, thế không phải ngươi đã khởi ý điều này: “Lúc này đây buổi đại lễ cúng tế của ta đã đến, toàn bộ dân chúng ở Aṅga và Magadha sẽ đem lại nhiều thức ăn loại cứng loại mềm và tham dự, nếu vị đại sa-môn thực hiện sự kỳ diệu của thần thông trước đám đông thì lợi lộc và cung kỉnh sẽ tăng trưởng cho vị đại sa-môn còn lợi lộc và cung kỉnh của ta sẽ bị giảm đi, vậy thì vị đại sa-môn không nên đi đến vào ngày mai.” Này Kassapa, ta đây dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ngươi nên đã đi đến xứ Kuru ở phương Bắc, rồi đem đồ ăn khất thực ở nơi ấy đến hồ Anotatta, sau khi thọ thực xong đã trú ngay tại nơi ấy trọn ngày. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị ấy còn biết được tâm bằng tâm, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy. Điều kỳ diệu thứ năm. [44] Vào lúc bấy giờ, có vải paṃsukūla[15] đã phát sanh đến đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Ta có thể giặt vải paṃsukūla ở đâu?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã dùng tay đào thành cái hồ nước rồi nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy giặt vải paṃsukūla ở đây. Sau đó, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Ta có thể nhồi vải paṃsukūla ở trên vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã mang lại tảng đá lớn rồi nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nhồi vải paṃsukūla ở đây. Sau đó, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Ta có thể nắm vào vật gì và bước lên?” Khi ấy, vị thiên thần ngụ ở cây Kakudha dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã uốn cong cành cây xuống rồi nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nắm vào đây và bước lên. Sau đó, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Ta có thể phơi khô vải paṃsukūla ở trên vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã mang lại tảng đá lớn rồi nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy phơi khô vải paṃsukūla ở đây. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, có phải trước kia ở đây không có cái hồ nước này, giờ ở đây lại có cái hồ nước này? Trước kia hòn đá này không được đem lại, do ai mà hòn đá này đã được đem lại? Trước kia cành của cây Kakudha này không bị uốn cong xuống, giờ cành cây này đã bị uốn cong xuống? - Này Kassapa, trường hợp này là có vải paṃsukūla đã phát sanh đến ta. Sau đó, ta đây đã khởi ý điều này: “Ta có thể giặt vải paṃsukūla ở đâu?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã dùng tay đào thành cái hồ nước rồi nói với ta điều này: “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy giặt vải paṃsukūla ở đây.” Chính cái hồ này đã được đào bằng tay bởi hạng không phải là người. Sau đó, ta đây đã khởi ý điều này: “Ta có thể nhồi vải paṃsukūla ở trên vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã mang lại tảng đá lớn: “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nhồi vải paṃsukūla ở đây.” Chính hòn đá này đã được đem lại bởi hạng không phải là người. Sau đó, ta đây đã khởi ý điều này: “Ta có thể nắm vào vật gì và bước lên?” Khi ấy, vị thiên thần ngụ ở cây Kakudha dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã uốn cong cành cây xuống: “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nắm vào đây và bước lên.” Chính cây Kakudha này là vật để tay nắm vào. Sau đó, ta đây đã khởi ý điều này: “Ta có thể phơi khô vải paṃsukūla ở trên vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã mang lại tảng đá lớn: “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy phơi khô vải paṃsukūla ở đây.” Chính hòn đá này đã được đem lại bởi hạng không phải là người. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị chúa của chư thiên Sakka còn phải phục vụ, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy. [45] Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. - Này Kassapa, ngươi hãy đi rồi ta theo sau. Sau khi bảo vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đi, ngài đã hái trái cây từ cây Jambu, do cây Jambu mà Jambudīpa[16] được biết tiếng, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã nhìn thấy đức Thế Tôn ngồi trong nhà thờ lửa, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, ngài đã đi đến bằng con đường nào? Tôi đã ra đi trước ngài, vậy mà ngài đây đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. - Này Kassapa, trong trường hợp này, sau khi bảo ngươi đi, ta đã hái trái cây từ cây Jambu, do cây Jambu mà Jambudīpa được biết tiếng, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Này Kassapa, trái cây Jambu này đạt được màu sắc, đạt được hương thơm, đạt được mùi vị, nếu ngươi thích thì hãy ăn đi. - Này vị đại sa-môn, thôi đi. Chính ngài đã mang nó lại thì chính ngài hãy ăn nó. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì sau khi bảo ta đi, vị ấy đã hái trái cây từ cây Jambu, do cây Jambu mà Jambudīpa được biết tiếng, rồi đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. - Này Kassapa, ngươi hãy đi rồi ta theo sau. Sau khi bảo vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đi, ngài đã hái trái xoài không xa cây Jambu lắm, do cây Jambu mà Jambudīpa được biết tiếng, ...(như trên)... trái Āmalakī không xa cây Jambu lắm, ...(như trên)... trái Harītakī không xa cây Jambu lắm, ...(như trên)... đã đi đến cõi trời Đạo Lợi hái bông hoa của cây san hô, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã nhìn thấy đức Thế Tôn ngồi trong nhà thờ lửa, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, ngài đã đi đến bằng con đường nào? Tôi đã ra đi trước ngài vậy mà ngài đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. - Này Kassapa, trong trường hợp này, sau khi bảo ngươi đi ta đã đi đến cõi trời Đạo Lợi hái bông hoa của cây san hô, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Này Kassapa, bông hoa của cây san hô này đạt được màu sắc, đạt được hương thơm, nếu ngươi thích thì hãy lấy đi. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì sau khi bảo ta đi, vị ấy đã đi đến cõi trời Đạo Lợi hái bông hoa của cây san hô, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” [46] Vào lúc bấy giờ, các vị đạo sĩ bện tóc ấy có ước nguyện chăm sóc các ngọn lửa không thể chẻ nhỏ các thanh củi được. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại sa-môn nên chúng ta không thể nào chẻ nhỏ các thanh củi được!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - Này Kassapa, hãy làm các thanh củi được chẻ nhỏ. - Này vị đại sa-môn, hãy làm các thanh củi được chẻ nhỏ. Ngay lập tức, năm trăm thanh củi đã được chẻ nhỏ. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì các thanh củi đã được chẻ nhỏ, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” [47] Vào lúc bấy giờ, các vị đạo sĩ bện tóc ấy có ước nguyện chăm sóc các ngọn lửa không thể đốt lên các ngọn lửa được. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại sa-môn nên chúng ta không thể nào đốt lên các ngọn lửa được!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - Này Kassapa, hãy làm các ngọn lửa được đốt lên. - Này vị đại sa-môn, hãy làm các ngọn lửa được đốt lên. Ngay lập tức, năm trăm ngọn lửa đã được đốt lên. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì các ngọn lửa đã được đốt lên, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” [48] Vào lúc bấy giờ, các vị đạo sĩ bện tóc ấy có ước nguyện chăm sóc các ngọn lửa không thể dập tắt các ngọn lửa được. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại sa-môn nên chúng ta không thể nào dập tắt các ngọn lửa được!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - Này Kassapa, hãy làm các ngọn lửa được dập tắt. - Này vị đại sa-môn, hãy làm các ngọn lửa được dập tắt. Ngay lập tức, năm trăm ngọn lửa đã được dập tắt. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì các ngọn lửa đã được dập tắt, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” [49] Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào những lúc tuyết rơi, các vị đạo sĩ bện tóc ấy hụp xuống và trồi lên trong giòng sông Nerañjarāđã rồi lại thực hiện những hành động trồi lên hụp xuống. Khi ấy, đức Thế Tôn đã làm hiện ra các chảo lửa có số lượng năm trăm ở tại chỗ các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã lội lên và sưởi ấm. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại sa-môn cho nên các chảo lửa này đã được hiện ra.” Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị ấy còn làm hiện ra các chảo lửa nhiều đến mức này, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” [50] Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa đã đổ mưa tạo thành trận lũ lụt lớn. Trong khu vực nào đức Thế Tôn cư ngụ thì nước không tràn đến khu vực ấy. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên đẩy nước ra xung quanh rồi đi kinh hành ở khoảng giữa trên mặt đất được phủ đầy bụi?” Sau đó, đức Thế Tôn đã đẩy nước ra xung quanh rồi đi kinh hành ở khoảng giữa trên mặt đất được phủ đầy bụi. Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa (nghĩ rằng): “Chỉ mong sao vị đại sa-môn không bị nước cuốn trôi đi!” rồi đã cùng nhiều vị đạo sĩ bện tóc đi thuyền đến khu vực đức Thế Tôn cư ngụ. Vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang đi kinh hành ở khoảng giữa trên mặt đất được phủ đầy bụi sau khi đã đẩy nước ra xung quanh, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Này vị đại sa-môn, ngài có ở đây không? - Này Kassapa, có ta đây. Rồi đức Thế Tôn đã bay lên không trung và hạ xuống đứng trên chiếc thuyền. Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì nước không cuốn trôi đi, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” [51] Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Đã lâu ngay, gã khờ dại này chỉ khởi ý rằng: ‘Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.’ Hay là ta nên làm cho vị đạo sĩ bện tóc này phải nao núng? ” Sau đó, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - Này Kassapa, ngươi chẳng phải là A-la-hán và cũng chẳng đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán. Ngay cả đường lối thực hành để ngươi có thể trở thành A-la-hán hoặc đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán ngươi cũng không có. Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Con có thể tu lên bậc trên không? - Này Kassapa, ngươi là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của năm trăm đạo sĩ bện tóc. Ngươi hãy thông báo đến các vị ấy và các vị ấy sẽ làm theo như điều các vị suy nghĩ. Sau đó, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp các đạo sĩ bện tóc ấy, sau khi đến đã nói với các đạo sĩ bện tóc ấy điều này: - Này các ông, ta muốn thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn, các ông hãy làm theo như điều các ông suy nghĩ. - Ngài ơi, chúng tôi có niềm tin với vị đại sa-môn đã lâu nay. Nếu ngài thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn, hết thảy tất cả chúng tôi sẽ thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn. Sau đó, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã quăng trôi theo giòng nước các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy. [52] Đạo sĩ tóc bện Nadīkassapa đã nhìn thấy giòng nước đang cuốn trôi đi các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa. Sau khi nhìn thấy, vị ấy đã khởi ý điều này: “Chớ có việc gì nguy hiểm đã xảy ra cho anh trai của ta!” rồi đã phái các đạo sĩ bện tóc (nói rằng): “Các vị hãy đi và tìm hiểu xem anh trai của ta thế nào!” còn bản thân cùng với ba trăm đạo sĩ bện tóc đã đi đến gặp đại đức Uruvelakassapa, sau khi đến đã nói với đại đức Uruvelakassapa điều này: - Này Kassapa, điều này là tốt hơn hay sao? - Này đệ, đúng vậy. Điều này là tốt hơn. Sau đó, các đạo sĩ bện tóc ấy đã quăng trôi theo giòng nước các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy. [53] Đạo sĩ tóc bện Gayākassapa đã nhìn thấy giòng nước đang cuốn trôi đi các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa. Sau khi nhìn thấy, vị ấy đã khởi ý điều này: “Chớ có việc gì nguy hiểm đã xảy ra cho các anh trai của ta!” rồi đã phái các đạo sĩ bện tóc (nói rằng): “Các vị hãy đi và tìm hiểu xem các anh trai của ta thế nào!” còn bản thân cùng với hai trăm đạo sĩ bện tóc đã đi đến gặp đại đức Uruvelakassapa, sau khi đến đã nói với đại đức Uruvelakassapa điều này: - Này Kassapa, điều này là tốt hơn hay sao? - Này đệ, đúng vậy. Điều này là tốt hơn. Sau đó, các đạo sĩ bện tóc ấy đã quăng trôi theo giòng nước các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: - Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không? Đức Thế Tôn đã nói rằng: - Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy. [54] Do nguyện lực của đức Thế Tôn, năm trăm thanh củi không chẻ ra được đã được chẻ ra, các ngọn lửa không đốt lên được đã được đốt lên, không dập tắt được đã được dập tắt, năm trăm chảo lửa đã được làm cho hiện ra. Theo cách thức ấy, có được ba ngàn năm trăm điều kỳ diệu. [55] Sau đó, khi đã ngự tại Uruvelā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía đỉnh Gayā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn vị tỳ khưu, hết thảy tất cả đều là đạo sĩ bện tóc trước đây. Tại nơi đó ở Gayā, đức Thế Tôn ngự tại đỉnh Gayā cùng với một ngàn vị tỳ khưu. Tại đó, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: - Này các tỳ khưu, tất cả đều bị cháy rực. Và này các tỳ khưu, cái gì là tất cả đều bị cháy rực? Này các tỳ khưu, mắt bị cháy rực, các sắc bị cháy rực, sự nhận thức của mắt bị cháy rực, sự tiếp xúc của mắt bị cháy rực, tức là sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của mắt là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc cũng đều bị cháy rực. Bị cháy rực bởi điều gì? Ta nói rằng: “Bị cháy rực bởi lửa tham, bởi lửa sân, bởi lửa si. Bị cháy rực bởi sanh, bởi già và chết, bởi buồn rầu, bởi ta thán, bởi khổ đau, bởi bất mãn, bởi thất vọng.” Tai bị cháy rực, các âm thanh bị cháy rực, ...(như trên)... Mũi bị cháy rực, các mùi bị cháy rực, ...(như trên)... Lưỡi bị cháy rực, các vị nếm bị cháy rực, ...(như trên)... Thân bị cháy rực, các sự xúc chạm bị cháy rực, ...(như trên)... Ý bị cháy rực, các đối tượng của ý (dhammā) bị cháy rực, sự nhận thức của ý bị cháy rực, sự tiếp xúc của ý bị cháy rực, tức là sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của ý là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc cũng đều bị cháy rực. Bị cháy rực bởi điều gì? Ta nói rằng: “Bị cháy rực bởi lửa tham, bởi lửa sân, bởi lửa si. Bị cháy rực bởi sanh, bởi già và chết, bởi buồn rầu, bởi ta thán, bởi khổ đau, bởi bất mãn, bởi thất vọng.” Này các tỳ khưu, trong khi thấy như thế vị Thánh đệ tử có học hỏi không còn hứng thú đến mắt, không còn hứng thú đến các sắc, không còn hứng thú đến sự nhận thức của mắt, không còn hứng thú đến sự tiếp xúc của mắt, tức là không còn hứng thú đến sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của mắt là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc, không còn hứng thú đến tai, không còn hứng thú đến các âm thanh, ...(như trên)..., không còn hứng thú đến mũi, không còn hứng thú đến các mùi, ...(như trên)..., không còn hứng thú đến lưỡi, không còn hứng thú đến các vị nếm, ...(như trên)..., không còn hứng thú đến thân, không còn hứng thú đến các sự xúc chạm, ...(như trên)..., không còn hứng thú đến ý, không còn hứng thú đến các đối tượng của ý, không còn hứng thú đến sự nhận thức của ý, không còn hứng thú đến sự tiếp xúc của ý, tức là không còn hứng thú đến sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của ý là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc; khi đã không còn hứng thú, vị ấy không còn say đắm; do không còn say đắm vị ấy được giải thoát; trong khi được giải thoát, trí khởi lên rằng: “Đã được giải thoát.” Vị ấy biết được rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa.” Và trong khi bài kinh này được thuyết giảng, các tâm của một ngàn vị tỳ khưu ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Dứt phần giảng về “Bị Cháy Rực.” Dứt tụng phẩm “Sự Kỳ Diệu ở Uruvelā” là phần thứ ba. [1] Bản dịch tiếng Anh của Rhys Davids and Hermann Oldenberg dẫn chứng tài liệu và giải thích rằng: 1. Các người chăn dê dùng bóng mát của cây si (nigrodha) để nghỉ ngơi nên được gọi là cây si của những người chăn dê. 2. Cây si đã được một đứa bé chăn dê trồng trong thời gian Bồ-tát Siddhattha hành khổ hạnh sáu năm. [2] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng đức Phật đã chú nguyện thành một bình bát mới từ bốn bình bát bằng đá ấy. [3] Chỉ tuyên bố quy y đức Thế Tôn và quy y Giáo Pháp vì Tăng Bảo chưa được hình thành. [4] Apparajakkha = appa–raja–akkha = mắt có ít bụi. [5] Phần trong ngoặc đơn cho đến hết phần [8] ở Tam Tạng của Thái Lan được ghi vào phần chú thích ở cuối trang. [6] Đức Thế Tôn đề cập đến sự phục vụ của năm vị này trong thời gian Ngài hành khổ hạnh sáu năm. Điểm cần lưu ý là đức Thế Tôn dùng từ “bhikkhu” dịch là “tỳ khưu” để gọi năm vị này dầu các vị chưa trở thành đệ tử và chưa tu tập theo Giáo Pháp của Ngài (Chú thích của người dịch). [7] Nói cho gọn hơn là Bát Chánh Đạo gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần, chánh niệm, chánh định. [8] “Aññākoṇḍañña” = Aññā + koṇḍañña nghĩa là Koṇḍañña đã hiểu. Aññā được trích từ lời nói của đức Phật là: “Aññāsi vata bho Koṇḍañño, aññāsi vata bho Koṇḍañño” rồi ghép vào phía trước tên Koṇḍañña. [9] Khoái lạc sanh lên do năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. [10] ... bãi tha ma đạt được trong tầm tay (dịch sát từ). [11] Lúc ấy trên thế gian này đã có sáu vị tỳ khưu A-la-hán đại diện cho Tăng Bảo. Và người gia chủ này quy Tam Bảo vì đọc ba câu là: “Quy y đức Thế Tôn, Quy y Giáo Pháp, và Quy y Hội chúng tỳ khưu,” không như hai người thương buôn trước đây chỉ quy y Nhị Bảo là Phật Bảo và Pháp Bảo (chú thích của người dịch). [12] Tăng (trong chữ Tăng-già) được ghi âm từ chữ “saṅgha” có ý nghĩa thông thường là hội chúng, tập thể, v.v... và được thiêng liêng hóa khi đề cập đến ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo). Điều cần lưu ý ở đây là từ saṅgha cũng được dùng cho tỳ khưu ni (bhikkhunīsaṅgha = hội chúng tỳ khưu ni, Tăng tỳ khưu ni; tương tợ như ở bhikkhusaṅgha = hội chúng tỳ khưu, Tăng tỳ khưu). Tuy nhiên, hiện nay có khuynh hướng dùng chữ “Tăng” chỉ dành riêng cho phái Nam ví dụ như: “Tứ chúng gồm có Tăng, Ni, Thiện Nam, Tín Nữ”.hoặc “Kính bạch chư đại đức Tăng Ni,” hoặc bình dân hơn như “ông Tăng bà Ni,” v.v... Chữ “Tăng” này chỉ tương đương với từ “bhikkhu = tỳ khưu” chứ không phải là “saṅgha” như ở trên. [13] vaseyyāma: ngôi thứ nhất số nhiều. [14] Ngài Buddhaghosa cho biết các bài kệ như vầy được lưu truyền về sau này. [15] Chủ yếu là vải quấn thây người chết được đem bỏ ở bãi tha ma hoặc là vải nhặt ở các đống rác (chú thích của người dịch). Ở các nơi khác, chúng tôi dịch là “vải dơ bị quăng bỏ.” [16] Jambudīpa, dịch là đảo Jambu, tức là bán đảo Ấn Độ (chú thích của người dịch). -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt-Thiên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2005)
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated: 04-06-2005