BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


HỌC KINH PHẬT (I)

TRƯỜNG-BỘ KINH

Thiện Nhựt Huỳnh Hữu Hồng

Tìm Hiểu và Học Tập
2006


III. PHẨM BA-LÊ-TỬ

24. KINH BA-LÊ

115. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH BA-LÊ.

Vào một thời kia, đức Phật ngụ gần thành A-dật-di (Anupiya), thuộc bộ-lạc Mạt-La (Malla). Sáng hôm ấy, đức Phật đi khất-thực, thấy còn sớm nên ghé qua tịnh-xá của du-sĩ Bhaggava. Tại đây, du-sĩ nầy nhắc lại lời nói của vương-tử Thiện-Tịnh (Sunnakkhatta) thuộc bộ-lạc Ly-xa (Licchavi), khi từ bỏ chẳng tu-tập dưới sự chỉ-dẫn của Thế-Tôn nữa, vì Thế-Tôn chẳng khiến cho ông ta chứng được các pháp thần-thông và giải-thích sự khởi-nguyên của thế-giới.

Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh Ba-lê-tử (Pàtikaputta) cho Bhaggava nghe. Về phương-diện thần-thông, Ngài đã chỉ cho Thiện-Tịnh thấy rõ Ngài biết trước sự tái-sanh của tu-sĩ loã-thể Korakkhattiya tu theo hạnh con chó; việc loã-thể Potikaputta thảm-bại khi đòi thi đua thần-thông với Thế-Tôn. Về phương-diện khởi-nguyên của thế-giới, Thế-Tôn kể rõ có bốn truyền-thống giải-thích sự chuyển thành của thế-giới nầy: chư Thiên từ cõi Quang-Âm đến, hoặc từ cõi Khiddàpadosikà (bị nhiễm dục-lạc), hoặc từ cõi Mano-padosikà (tâm-trí bị nhiễm), hoặc từ cõi Vô-tưởng hữu-tình đến, sanh qua cõi Phạm-Thiên rồi đoạ-lạc xuống cõi nhơn-gian. Đức Phật kết-kuận, Giáo-pháp của Ngài nhằm mục-đích giúp chúng-sanh thoát khỏi vĩnh-viễn Khổ-đau, chớ chẳng quá chú-trọng đến các thần-thông hoặc chấp-trước về sự khởi-nguyên của thế-giới.

116. NỘI-DUNG KINH BA-LÊ.

Kinh Ba-Lê lấy tên tu-sĩ loã-thể Patikaputta, kẻ đã nói khoác là muốn thi-đua thần-thông với đức Phật.

A.- Ý Chánh: Hai vấn-đề thần-thông khởi-nguyên thế-giới chẳng liên-hệ chi đến mục-đích chánh của Giáo-Pháp đức Phật là nhằm tận-trừ mọi Khổ-đau

B.- Phân-đoạn: Kinh có thể chia ra ba phần:

1. Phần I: Tu-sĩ Bhaggava nghe đức Phật nói lý-do vì sao Thiện-Tịnh (Sunnakkhatta) đã từ-bỏ Chánh-pháp.

- Thiện-Tịnh đến gặp đức Phật và nói lý-do ông ta rời bỏ việc tu-tập theo Thế-Tôn vì Ngài chẳng cho ông thấy các thần-thông và chẳng giải-thích việc khởi-nguyên của thế-giới. Đức Phật nói mục-đích của Chánh-pháp đâu phải là hai vấn-đề đó, mà là dạy cách tận-diệt vĩnh-viễn mọi Khổ-đau cho chúng-sanh.

- Thần-thông của đức Phật biểu-hiện ra việc tiên-đoán loã-thể Korakkhattiya, tu theo hạnh con chó bò bốn chơn, bảy ngày nữa sẽ bị trúng-thực chết và thác-sanh vào loài A-tu-la. Thiện-Tịnh cũng xác-nhận lời tiên-đoán của đức Phật đã đúng với sự-thật xảy ra.

- Đức Phật lại tiên-đoán sự hoàn-tục của loã-thể Kandaramasuka, người mà Thiện-Tịnh cho là bực A-la- hán giữ đúng bảy giới-hạnh, và nghĩ sằng rằng Thế-Tôn đang ganh-tị với người nầy. Thiện-Tịnh cũng xác-nhận việc Kandaramasuka về sau chết mất cả danh-dự.

2. Phần II: Loã-thể Ba-lê-tử thách đức Phật thi đua thần-thông:

- loã-thể Patikaputta (Ba-lê-tử) tuyên-bố khoác-lác với dân Bạt-kỳ rằng y có thể thực-hiện pháp thần-thông bằng hai lần đức Phật.

- Khi đức Phật đến, loã-thể Ba-lê hoảng-sợ, chẳng thể đứng lên, mông bị dính chặt dưới ghế, mặc dầu có nhiều người tới nhắc việc ông ta đã thách thi-đua thần-thông với đức Phật.

- Thiện-Tịnh đến gặp Thế-Tôn và xác-nhận sự thảm-bại của loã-thể Ba-lê trong việc nầy.

3. Phần III: Vấn-đề khởi-nguyên của Thế-giới: Đức Phật bảo Ngài biết có bốn truyền-thống giải-thích về sự khởi-nguyên của Thế-giới, nhưng Ngài chẳng chấp-trước vào truyền-thống nào cả.

Khi thế-giới từ giai-đoạn chuyển-hoại bước sang giai-đoạn chuyển thành, trên cõi Trời Đại-Phạm, cung Phạm-Thiên bỏ trống, có một vị Thiên thác-sanh đến trước, tự-nhận là Đại-Phạm Thiên-vương, sắc-tướng đẹp, tuổi-thọ dài lâu, tự xem mình là Tổ-phụ của các vị đến sau. Lần-lượt về sau có chư Thiên cõi khác đến:

- theo truyền-thống 1, thì có chư Thiên từ cõi Quang-âm đến, sau khi hết phước thác-sanh xuống cõi nhơn-gian.

- theo truyền-thống 2, thì có chư Thiên từ cõi Khiddàpadosikà đến, chư Thiên nầy bị nhiễm dục-lạc, nên sau thác-sanh xuống cõi nhơn-gian

- theo truyền-thống 3, thì có chư Thiên từ cõi Manopadosikà đến, vì tâm-trí bị ô-nhiễm ganh-ghét lẫn nhau, nên sau thác-sanh xuống cõi nhơn-gian;

- theo truyền thống 4, thì có chư Thiên cõi Vô-tưởng hữu-tình thiên đến, và khi một tưởng-niệm khởi lên nơi họ thì họ bị thác-sanh xuống cõi nhơn-gian.

Đức Phật kết-luận: Giáo-pháp của Ngài, chẳng chú-trọng đến thần-thông, hay khởi-nguyên thế-giới, mà nhằm giúp chúng-sanh tận-trừ vĩnh-viễn mọi Khổ.

117. HỌC KINH BA-LÊ, NÊN CHÚ-Ý ĐẾN ĐIỂM NÀO?

1. Thiện-Tịnh, vương-tử thuộc dòng Ly-xa, nguyên là Tỳ-kheo theo tu-tập bên cạnh đức Phật trong ba năm, sau bỏ theo ngoại-đạo cũng vì quá ham-muốn đắc thần-thông và tin theo các tà-thuyết mê-tín. Đức Phật thường nhắc-nhở các đệ-tử, mục-đích của Chánh-Pháp là sự giải-thoát khỏi mọi Khổ-đau trong kiếp sống Luân-hồi; một khi chứng được các quả-vị thì tự-nhiên các thần-thông sẽ đến, chẳng cần phải nôn-nóng.

2. Sự giải-thích về nguồn-gốc của đời sống tại thế-gian nầy được đức Phật trình-bày qua bốn truyền-thống, nhưng Ngài bảo thêm: ''Ta biết như vậy, (nhưng) Ta không có chấp-trước. Vì không có chấp-trước, Ta tự-thân thấu hiểu được sự an-tịnh. Chính nhờ chứng-ngộ sự an-tịnh nầy mà Như-Lai không rơi vào lầm-lỗi.''

(TN. Mtl, 2006-03-14).

-ooOoo-

25. KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA SƯ-TỬ HỐNG

118. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA SƯ-TỬ HỐNG?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ ở núi Kỳ-xà-quật (Gijjhakùta), gần thành Vương-xá (Ràjagaha). Vào một buổi chiều, có gia-chủ Tán-đà-na (Sandhana) đến vườn hoa của nữ-hoàng Ưu-đàm-bà-la (Udumbarika) gặp du-sĩ Ni-câu-đà (Nigrodha), cùng với các du-sĩ ngoại-đạo khác đang bàn chuyện phiếm rất ồn-ào. Chặp sau, thấy Thế-Tôn đi đến, hội-trường im-lặng lại, và du-sĩ Ni-câu-đà mời đức Phật trả lời câu hỏi mà họ đang bàn-luận: ''Pháp nào được Thế-Tôn dạy cho các đệ-tử được tịnh-lạc và xem là căn-bản phạm-hạnh?''.

Nhơn đó, đức Phật trước vạch cho họ thấy các lối tu khổ-hạnh của ngoại-đạo chỉ đem lại sự ô-uế; rồi sau đó, Ngài giảng rõ các pháp-tu như: (1) dẹp năm triền-cái, (2) tu-tập bốn tâm vô-lượng, (3) hướng tâm đến Túc-mạng-minh, Thiên-nhãn thuần-tịnh; được đem chỉ-dạy cho các đệ-tử để làm căn-bản phạm-hạnh.

Bấy giờ, khi nghe gia-chủ Tán-đà-na nhắc lại lời du-sĩ Ni-câu-đà trước đây có chỉ-trích đức Phật không đủ sức thuyết-pháp, vị du-sĩ nầy liền xin thú-tội và được Thế-Tôn chấp-nhận. Đức Phật lại bảo, ai tin theo và tu-tập Chánh-Pháp của Ngài, chỉ trong vòng bảy ngày là có thể hưởng được quả-báo an-lành. Nhưng tiếc thay, các du-sĩ ngoại-đạo cứ ngồi ủ-rũ, im-lặng, tâm-tư còn bị tà-kiến đè nặng, chẳng biết nghe lời khuyến-cáo. Đức Phật liền rống tiếng rống con sư-tử tại vườn Ưu-đàm, rồi ra về.

119. NỘI-DUNG KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA SƯ-TỬ HỐNG.

Tên Kinh Ưu-Đàm-Bà-La Sư-Tử Hống dịch từ chữ Pali, Umdumbarika Sihanàda Suttanta, nên nghe lạ tai. Udumbarika là tên vị nữ-hoàng chủ ngôi vườn; Sihanàda là tiếng sư-tử rống (hống= rống); Suttanta là Kinh.

A.- Ý Chánh: Lời giảng Chánh-Pháp của đức Phật như tiếng rống của con sư-tử; tiếc thay bọn ngoại-đạo mắc tà-kiến nặng-nề nên chẳng biết tin theo.

B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra bốn phần:

1. Phần I: Các du-sĩ ngoại-đạo bàn-luận ồn-ào trong vườn Ưu-đàm-bà-la:

- Gia-chủ Tản-đà-na đến gặp du-sĩ Ni-câu-đà;

- Lời chỉ-trích của Ni-câu-đà rằng đức Phật chẳng biết thuyết-pháp;

- Ni-câu-đà thỉnh Phật giảng: Pháp nào là Pháp được dạy cho đệ-tử làm căn-bản phạm-hạnh.

2. Phần II: Đức Phật vạch rõ chỗ sai-lầm trong lối tu khổ-hạnh của ngoại-đạo.

- Trước hết, đức Phật chỉ-trích lối tu khổ-hạnh ép-xác của ngoại-đạo: luôn luôn đứng, hoặc ngồi chò-hỏ, hoặc bò lết như chó, liếm tay cho sạch chẳng rửa, v.v... (xin xem thêm chi-tiết ở bản Kinh số 7: Kassapa)

- Lối tu khổ-hạnh ngoại-đạo đưa đến nhiều cấu-uế: hoan-hỷ và tự-mãn, chê người, mong có nhiều đồ-đệ, mong được cúng-dường hậu-hĩ, hay tức-giận, và oán-thù, mang nhiều tà-kiến...

3. Phần III: Đức Phật giảng Chánh-Pháp

- bốn pháp chế-ngự (về Luật): chẳng sát-sanh, chẳbg trộm-cắp, chẳng tà-hành, chẳng nói dối.

- diệt năm triền-cái: tham, sân, hôn-trầm thụy-miên, trạo hối và nghi;

- tu-tập bốn tâm vô-lượng: từ, bi, hỷ, xả;

- hướng tâm đến Túc-mạng-minh và Thiên-nhãn thuần-tịnh.

4. Phần IV: Gia-chủ Tán-đà-na nhắc lại lời Ni-câu-đà đã chỉ-trích đức Phật chẳng biết thuyết-pháp.

- Ni-câu-đà xin thú-tội vì đã chỉ trích sai-lầm; đức Phật chấp-nhận lời chịu tội nầy.

- Đức Phật bảo, ai biết tin và tu-tập theo Chánh-Pháp, trong vòng bảy ngày, sẽ hưởng được quả-báo an-lành.

- Trước cảnh-tượng các du-sĩ ngoại-đạo chỉ ngồi ủ-rũ, câm-lặng, mang nặng tà-kiến, đức Phật rống lên tiếng rống sư-tử, rồi ra về.

120. TRÍCH-ĐOẠN: LỜI CHỈ TRÍCH ĐỨC PHẬT CỦA DU-SĨ NI-CÂU-ĐÀ VÀ XIN THÚ-TỘI.

... Nầy Tôn-giả Nigrodha, có nói,... ''Sa-môn Gotama luận-đàm với ai? Đối-thoại với ai?... Trí-tuệ của Sa-môn Gotama bị hư-hoại vì sống với không-xứ. Sa-môn Gotama không giỏi để điểu-khiển một hội-chúng, không đủ sức để đối-thoại, chỉ đề-cập đến những vấn-đề ngoại-biên. Cũng như con bò một mắt, đi vòng tròn và chỉ đi phía bên ngoài ... Nếu Sa-môn Gotama đến tại hội-chúng nầy, chỉ có một câu hỏi, chúng tôi có thể chận đứng ngay... có thể lăn tròn Sa-môn Gotama như lăn tròn một cái bình không.'' Nay Thế-Tôn đã đến đây, Tôn-giả hãy chứng tỏ... làm cho Thế-Tôn ... lăn tròn như một cái bình không.

Khi nghe nói vậy, du-sĩ Nigrodha ngồi im-lặng, ủ rũ, vai sụp xuống, gục đầu, ưu-tư ...

- Bạch Thế-Tôn, con đã phạm tội một cách ngu-si, mờ-ám, bất-thiện, khi con nói về Thế-Tôn như vậy, ... mong Thế-Tôn chấp-nhận cho tội ấy là phạm tội, để con ngăn-ngừa về sau.

- Nầy Nigrodha, ... Ta chấp-nhận tội của Ngươi ... ai thấy phạm tội là phạm tội và phát-lộ đúng với hành-động, thời tương-lai sẽ được ngăn-ngừa.

121. HỌC KINH ƯU-ĐÀM-BÀ-LA, CHÚ Ý ĐIỂM NÀO?

1. Các điểm quan-trọng trong Kinh nầy đều đã có nơi các Kinh số 2: Sa-Môn Quả, Kinh số 7: Kassapa.

2. Với tên Kinh Ưu-đàm-bà-la Sư-tử Hống, Kinh nầy ví lời thuyết-pháp hùng-hồn của đức Phật giữa đám ngoại-đạo còn mắc tà-kiến khiến họ phải run-sợ, câm miệng, với tiếng rống của con sư-tử giữa bầy thú rừng kinh-khiếp trước chúa sơn lâm, đáng làm cho ta phải suy-gẫm mà sớm vứt bỏ ngay các ý-kiến cố-chấp.

(TN. Mtl, 2006-03-15).

-ooOoo-

26. KINH CHUYỂN-LUÂN THÁNH-VƯƠNG SƯ-TỬ HỐNG .

122. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH CHUYỂN-LUÂN THÁNH-VƯƠNG SƯ-TỬ HỐNG?

Vào một thời kia, đức Phật trú gần thành Ma-du-la (Matulà), nước Ma-kiệt-đà (Magadha), cùng với chư Tỳ-kheo. Lúc bấy giờ, Thế-Tôn gọi các Tỳ-kheo lại và bảo rằng: ''Nầy các Tỳ-kheo, hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương-tựa mình, không nương-tựa một ai khác, lấy Chánh-pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh-pháp làm nơi nương-tựa, không nương-tựa một gì khác !''

Nhơn đó, đức Phật giảng Kinh Chuyển-Luân Thánh-Vương Sư-Tử Hống nầy, kể lại sự-tích các vị Vua Chuyển-Luân Thánh-Vương đã cai-trị theo Chánh-pháp, chẳng hề dùng dao, gậy, kiếm, mà quốc-độ được hùng-cường, nhân-dân được an-cư lạc nghiệp.

123. NỘI-DUNG KINH CHUYỂN-LUÂN THÁNH-VƯƠNG SƯ-TỬ HỐNG .

Cũng như Kinh Ưu-Đàm-Bà-La Sư-Tử-Hống, Kinh Chuyển-Luân Thánh-Vương Sư-Tử-Hống, với ba chữ Sư-Tử-Hống, tiếng rống của con sư-tử, tượng-trưng cho lời nói của một vị Pháp-vương về Chánh-pháp, hùng-hồn, oai-dõng, tựa như tiếng gầm của chúa sơn-lâm.

A.- Ý Chánh: Các vị vua Chuyển-luân được tôn-xưng là bực Thánh-vương vì biết cai-trị quốc-độ đúng theo Chánh-Pháp.

B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra 5 phần:

1. Phần I: Đức Phật dạy Tỳ-kheo lấy Chánh-Pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương-tựa.

- Tự mình làm nơi nương-tựa cho chính mình, lấy Chánh-pháp làm ngọn đèn, chẳng dựa vào gì khác.

- Thế nào là lấy Chánh-Pháp làm nơi nương-tựa?

. sống quán-niệm theo Pháp Đại-Niệm-xứ;

. khép mình trong giới-hạn được phép của mình, và trong giới-hạn do Tổ-phụ truyền lại.

2. Phần II: Cuộc đời gương-mẫu của Vua Chuyển-luân Thánh-vương Kiên-Cố-Niệm (Dalhanemi):

- Vua Kiên-Cố-Niệm có đầy-đủ bảy món báu: xe báu, voi báu, ngưạ báu, châu-báu, nữ-nhơn báu, gia-chủ báu, và tướng-quân báu;

- Nhơn lễ Bố-tát, vua cởi xe báu Thiên-luân đi chinh-phục bốn phương và dạy Chánh-pháp cho thần-dân; nhờ đó quốc-độ được hùng-cường.

- Sau khi đặt Thái-tử lên vương-vị, vua Kiên-Cố-Niệm xuất-gia đi tu ẩn-cư.

3. Phần III: Cảnh rối-loạn trong nước dưới thời vị vua Quán-đảnh Sát-đế-lợi chẳng theo Chánh-pháp:

- Dân chúng vì nghèo đói sanh ra trộm cướp, giết-hại lẫn nhau, gây ra cảnh hỗn-loạn trong nước;

- Hình-phạt quá nghiêm-khắc của chánh-quyền chẳng đem lại sự trị-an cho đất nước;

- Đời sống cơ-cực, đạo-đức suy-đồi cho nên tuổi thọ bị giảm xuống.

4. Phần IV: Cảnh thạnh-trị dưới thời vua Sankha:

- Chán-ghét cảnh hỗn-loạn, một só người lánh xa đến nơi hoang-vắng, từ bỏ việc sát-sanh, sống theo đạo-đức, nên tuổi thọ lần lần tăng lên.

- Vua Chuyển_luân Thánh-Vương Sankha ra đời, đem Chánh-Pháp trị nước, quốc-độ càng ngày càng cường-thịnh, tuổi thọ nhơn-loại lên đến tám vạn năm.

- Đức Di-Lặc (Metteyya) ra đời tuyên-giảng Chánh-Pháp, chỉ-dạy đời sống phạm-hạnh hoàn-toàn đầy-đủ thanh-tịnh.

5. Phần V: Đức Phật nhắc lại việc lấy Chánh-Pháp làm ngọn đèn, làm nơi nương-tựa cho chính mình:

- Dùng pháp Đại Niệm-xứ để giữ chánh-niệm và diệt-trừ tham-ái;

- Giữ theo giới-hạn của mình được cho phép, và theo giới-hạn của Tổ-phụ để lại, để tuổi thọ, sắc đẹp, an-lạc, tài-sản, và thế-lực được tăng-thịnh;

- Thế nào là Tỳ-kheo được tăng thêm về:

. tuổi thọ: tu-tập bốn Thần-túc;

. sắc-đẹp: tuân theo Giới-bổn (Patimokkha)

. an-lạc: tu chứng bốn cấp Thiền-định;

. tài-sản: tu tập bốn vô-lượng tâm;

. thế-lực: diệt-tận các lậu-hoặc khiến Ma-vương chẳng còn cám-dỗ được nữa.

Đó là ngọn đèn Chánh-Pháp mà Tỳ-kheo phải nên nương-tựa, và chỉ nương-tựa vào đó mà thôi.

124 . TRÍCH-ĐOẠN: THÁNH-VƯƠNG CHÁNH-PHÁP.

... Tâu Đại-vương, thế nào là Thánh-vương Chánh-pháp?

- Nầy Thái-tử thân-yêu, con y-cứ vào Pháp, kính-trọng Pháp ... , tự con trở thành Pháp-tràng, ... xem Pháp là thầy, tự trở thành người bảo-vệ hợp-pháp cho thứ-dân, cho quân-đội, cho Sát-đế-lợi, cho quần-thần, cho gia-chủ, cho thị-dân, thôn-dân..., cho các loài thú và loài chim. Chớ có làm gì phi-pháp trong quốc-độ của con... Nếu có người không có tiền-của, hãy đem tiền cho người ấy... Có những Sa-môn, Bà-la-môn từ bỏ dục-vọng, không phóng-dật, thực-hành nhẫn-nhục, từ-ái, nhiếp-phục tự-kỷ... con hãy nghe họ và ngăn-chận (các người khác) khỏi sự bất-thiện và khuyến-khích làm điều thiện. Nầy con thân-yêu, như vậy là Thánh-vương Chánh-pháp.

125. TRÍCH-ĐOẠN: DO ĐÂU TUỔI THỌ BỊ GIẢM?

...Nầy các Tỳ-kheo, ... vì không cho tiền-của những người nghèo, nghèo đói tăng-thịnh; vì nghèo đói tăng-thịnh nên trộm-cắp tăng-thịnh; vì trộm-cắp tăng-thịnh nên đao kiếm tăng-thịnh; vì đao-kiếm tăng-thịnh nên sát-sanh tăng-thịnh; vì sát-sanh tăng-thịnh nên nói láo tăng-thịnh; vì nói láo tăng-thịnh nên nói xấu tăng-thịnh; vì nói xấu tăng-thịnh nên tà-hạnh tăng-thịnh; vì tà-hạnh tăng-thịnh nên ác-khẩu và lời nói phù-phiềm tăng-thịnh, ... nên tham, sân tăng-thịnh, ... tà-kiến..., phi-pháp-dục, phi-lý-tham, tăng-thịnh...

Vì ba pháp nầy tăng-thịnh, nên các sự hiếu-kính đối với cha-mẹ (bị) giảm-thiểu, ... tuổi thọ , sắc đẹp của loài Người bị giảm thiểu (lần lần) ... cho đến chỉ còn sống đến mười tuổi....

126. TRÍCH-ĐOẠN: THẾ NÀO LÀ TỲ-KHEO ĐƯỢC TUỔI THỌ, SẮC ĐẸP, AN-LẠC, TÀI-SẢN, THẾ-LỰC TĂNG THÊM?

- Nầy các Tỳ-kheo, như thế nào là vị Tỳ-kheo tuổi thọ được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo tu-tập ... đầy-đủ (bốn Như-ý-túc): Dục thiền-định, Tinh-tấn thiền-định, Tâm-định thiền-định, Tư-duy thiền-định,... một cách tinh-cần, nếu muốn sống kéo dài một kiếp hay (những) năm còn lại của một kiếp; như vậy Ta nói vị Tỳ-kheo tuổi thọ được tăng-thịnh.

- Thế nào là vị Tỳ-kheo sắc đẹp được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo sống giữ giới-luật, chế-ngự với sự chế-ngự của Giới-Bổn (Patimokkha), đầy-đủ oai-nghi chánh-hạnh, thấy sự nguy-hiểm trong những lỗi nhỏ-nhặt, thọ lãnh và tu-học trong giới-pháp...

- Thế nào là vị Tỳ-kheo an-lạc được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo ly dục, ly ác-pháp, chứng và trú Thiền thứ nhứt, một trạng-thái an-lạc do ly dục sanh..., ... Thiền thứ hai, ...Thiền thứ ba,... Thiền thứ tư...

- Thế nào là vị Tỳ-kheo tài-sản được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo an-trú biến mãn bốn phương với tâm từ,... tâm bi..., tâm hỷ... tâm xả, qưảng-đại, vô-biên, không hận, không sân....

- Thế nào là vị Tỳ-kheo thế-lực được tăng-thịnh? ... vị Tỳ-kheo với sự diệt-tận các lậu-hoặc, tự mình biết và chứng, đạt đến và an-trú ngay trong hiện-tại tâm giải-thoát, tuệ giải-thoát, không còn các lậu-hoặc. Nầy các Tỳ-kheo, như vậy là vị Tỳ-kheo thế-lực được tăng-thịnh...

127. HỌC KINH CHUYỂN-LUÂN THÁNH-VƯƠNG SƯ-TỬ HỐNG, NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

Kinh Chuyển-Luân Thánh-Vương Sư-Tử Hống phần lớn nội-dung thuật lại sự-tích các vị Chuyển-Luân Thánh-Vương, nhưng đó chẳng phải là phần quan-trọng nhứt. Người học Kinh nên chú-ý đến:

1. Lời dạy của đức Phật: ''Nầy các Tỳ-kheo, hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương-tựa mình, không nương-tựa một ai khác, lấy Chánh-Pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh-Pháp làm nơi nương-tựa, không nương-tựa một gì khác...'' Đó là lời phó-chúc của đức Phật trước khi Ngài nhập Niết-Bàn.

2. Phần V của Kinh nhấn mạnh đến sự tu-tập của các vị Tỳ-kheo theo đúng Chánh-Pháp, để được tăng tuổi thọ, sắc đẹp, an-lạc, tài-sảm và thế-lực. Tăng tuổi thọ bằng cách tu-tập bốn Như-ý-túc. Tăng sắc đẹp bằng cách giữ giới và các oai-nghi theo chánh-hạnh. Tăng an-lạc bằng cách tu-tập bốn cấp Thiền-định. Tăng tài-sản bằng cách tu-tập bốn tâm vô-lượng: từ, bi, hỷ, xả quảng-đại, vô-biên. Tăng thế-lực bằng cách diệt-tận lậu-hoặc để tâm và tuệ đều được giải-thoát, đủ sức ngăn-ngừa mọi cám-dỗ của Ma-vương.

(TN. Mtl, 2006-03-18).

-ooOoo-

27. KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN

128. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại nước Xá-Vệ (Savatthi), nơi giảng-đường Lộc-Mẫu (Migàtamàtu) trong vườn Thành-Tín viên-lâm (Pubhàràma). Lúc bấy giờ vào buổi chiều, sau khi thiền-tịnh, Thế-Tôn đang đi đến giảng-đường, thì có hai tân Tỳ-kheo là Vàsettha (Bà-tất-tra) và Bhàradvàja (Bà-la-đoạ) đến thưa-thỉnh.

Nhơn nói về các Bà-la-môn tự-hào cho rằng giai-cấp của họ là cao-qúi nhứt, sanh ra từ cửa miệng của đấng Phạm-Thiên và chê-bai các giai-cấp khác sanh ra từ bàn chơn của vị nầy, đức Phật mới thuyết Kinh Khởi Thế Nhân Bổn để giảng rõ sự chuyển-thành của thế-giới nầy từ lúc sơ-nguyên cho tới khi phân-chia ra thành các giai-cấp trong xã-hội. Ngài nói: ''Trong bốn giai-cấp, vị Tỳ-kheo là bậc A-la-hán, lậu-hoặc đã diệt-tận, đạt tới chánh-trí giải-thoát. Vị ấy được gọi là tối-thượng trong tất cả giai-cấp.''

129. NỘI-DUNG KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN.

A.- Ý Chánh: Các hữu-tình từ cõi Quang-Âm thiên đến thế-giới nầy, lần lần bị các ác-pháp làm ô-nhiễm, phân ra bốn giai-cấp. Trái với quan-niệm tự-tôn của giai-cấp Bà-la-môn, chỉ có các bực Sa-môn đắc quả A-la-hán mới là tối-thượng.

B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia ra ba phần:

1. Phần I: Bà-la-môn chỉ trích việc Vàsettha đi tu:

- Thế-Tôn hỏi Vàsettha, vốn thuộc gia-tộc Bà-la-môn xuất-gia, đã bị các Bà-la-môn chỉ-trích việc đi tu theo giai-cấp Sa-môn như thế nào?

- Vàsettha nói quan-niệm tự-tôn về giai-cấp của Bà-la-môn cho rằng họ sanh từ cửa miệng đấng Phạm-Thiên, còn các giai-cấp khác sanh từ bàn chơn vị nầy.

- Đức Phật bảo, Bà-la-môn do thai-sanh, sao lại bảo là sanh ra từ cửa miệng của Phạm-Thiên;

- Trong bốn giai-cấp: Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá và Thủ-đà-la, giai-cấp nào cũng có người thiện, kẻ ác; chỉ có vị Tỳ-kheo đắc A-la-hán mới là tối-thượng.

- Vua Ba-tư-nặc kính-trọng Như-Lai, đó là vì vua biết kính-trọng Pháp tối-thượng.

2. Phần II: Thế-giới nầy ở giai-đoạn chuyển-thành:

- Có nhiều chúng-sanh hữu-tình từ cõi Quang-Âm-thiên thác-sanh qua thế-giới nầy. Họ tự có hào-quang, nuôi sống bằng hỷ, phi hành trên không;

- Sau nhiều ngàn năm, loài hữu-tình đó nếm vị đất thấy ngon, ăn vào, từ đó ánh hào-quang của họ bị mất đi, và mặt trời hiện ra, có ngày đêm và thời-tiết;

- Sau nhiều ngàn năm, hương vị đất biến mất, có nấm đất nổi lên, rồi lần-lượt các loại cây leo, sau đến các loại lúa. Vì nuôi sống bằng các chất đó, thân-thể họ trở nên cứng-rắn, sắc đẹp có sai-biệt nhau, có nam-tánh, nữ-tánh rồi sanh ra các hạnh dâm.

- Lần lần các ác-pháp xuất-hiện: tích-trữ thực-phẩm, trộm cắp và tranh-đấu bằng gậy, đá...

Có nhiều hữu-tình họp nhau lại, chọn người đứng-đắn, được tôn-trọng nhứt, để ủy-nhiệm ra cầm đầu họ. Do đó xuất-hiện các danh-từ Mahà-Sammato (Mahà= lớn; sammato=ủy-nhiệm), Khattiya (Sát-đế-lợi= chủ ruộng vườn) Ràja (Vua= bực làm cho người khác hoan-hỉ với Pháp). Từ đó danh-từ Khattiya, Sát-đế-lợi, trở thành giai-cấp cao nhứt trong xã-hội xưa.

- Có nhiều hữu-tình loại-bỏ các ác-pháp, cất chòi lá trong rừng để tu thiền. Họ được gọi là Bà-la-môn (Bràhmana) và danh-từ Jhàyakà, tu Thiền, xuất hiện. Có người trong hạng nầy không tu Thiền, đi xuống thị-xã để làm sách (ghi thành các tập Kinh Vệ-đà). Từ đó danh-từ Bràhmana, Bà-la-môn, trở thành giai-cấp thứ hai trong xã-hội, hoặc họ tu Thiền, hoặc họ phúng-tụng Kinh-sách Vệ-đà.

- Một số hữu-tình làm các nghề-nghiệp khác như săn bắn hoặc các nghề hèn-mọn. Do đó hai danh-từ Vessà (Phệ-xá= các nghề sai-khác) và Suddà (Thủ-đà-la =các nghề hèn-mọn) trở thành hai giai-cấp thấp nhứt trong xã hội xưa.

3. Phần III: Các vị xuất-gia làm Sa-môn:

- Trong bốn giai-cấp: Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà-la, giai-cấp nào cũng có người từ bỏ gia-đình, xuất-gia làm Sa-môn;

- Họ theo Chánh-Pháp tu-tập, giữ gìn chánh-hạnh, khi chết được sanh lên cõi Trời.

- Trong bốn giai-cấp nầy, có vị Tỳ-kheo tu-tập Bảy Giác-chi, diệt-trừ hoàn-toàn các ác-pháp, ngay trong cõi đời nầy, chứng quả-vi A-la-hán, được gọi là tối-thượng trong tất cả các giai-cấp.

Đức Phật kết thúc bài Kinh bằng cách đọc lên bài Kệ được vua Trời Đại-Phạm tuyên-thuyết:

Chúng-sanh tin giai-cấp

Sát-đế-lợi tối-thắng.

Ai đủ cả Trí, Đức,

Tối-thắng giữa Nhơn, Thiên.

130. TRÍCH-ĐOẠN: THẾ-GIỚI TỪ SƠ-NGUYÊN ĐẾN KHI PHÂN-CHIA THÀNH CÁC GIAI-CẤP.

... Nầy Vàsettha, các loại hữu-tình ấy hội-họp lại và than phiền: Nầy các bạn, các ác-pháp đã hiện ra giữa các loài hữu-tình. Chúng ta trước kia (từ cõi Quang-âm-thiên đến đây) do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào-quang, phi-hành trên hư-không, sống trong sự quang-vinh và sống như vậy trong một thời-gian khá dài... Sau (đó) vị của đất hiện ra, ... có sắc, có hương và có vị. Chúng ta bắt đầu bẻ đất từng cục bằng tay để ăn. Vì bẻ đất bằng tay từng cục để ăn, nên hào-quang biến mất; ... mặt trời, mặt trăng hiện ra, các chùm sao hiện ra..., nên ngày, đêm hiện ra, ... nên thời-tiết và năm hiện ra. Chúng ta thưởng-thức vị đất, lấy đất làm món ăn trong một thời-gian khá dài. Khi các ác-pháp khởi lên giữa chúng ta, vị đất biến mất, nấm đất hiện ra. Nấm đất nầy có sắc, có hương, có vị. Chúng ta bắt đầu thưởng-thức nấm đất ấy,... trong một thời-gian khá dài. Vì các ác-pháp khởi lên giữa chúng ta nên nấm đất biến mất;... có cây leo hiện ra, ... biến mất nên lúa mọc tại khoảng trống hiện ra, không có cám, không có vỏ, có mùi thơm và hột trơn nhẵn... những hữu-tình ấy... lấy lúa làm chất ăn, trong một thời-gian khá dài, ... thân-hình họ trở nên cứng-rắn hơn và sắc đẹp của họ lại càng sai-biệt. Về phái nữ, nữ-tánh xuất hiện, về phái nam, nam-tánh xuất hiện... Do sự kuyến-ái, họ làm các hạnh dâm...

... Có vị hữu-tình bản-tánh biếng-nhác, giữ gìn phần của mình, đánh cắp phần của người khác, và thưởng-thức phần ấy. Người ta bắt người ấy, quở-trách ... đập anh ta bằng tay, ... bằng đá, bằng gậy. Nầy Vàsettha, bắt đầu như vậy, lấy của không cho xuất hiện, quở trách xuất hiện, nói láo xuất-hiện, hình-phạt đập đánh xuất hiện...

... Nầy Vàsettha, các loại hữu-tình ấy hội-họp lại (và bàn-tính): Chúng ta hãy đề-cử một người có sắc đẹp nhứt, được ái-mộ nhứt, (đứng ra) khiển-trách khi đáng khiển-trách, hay tẩn-xuất khi đáng tẩn-xuất. Chúng ta sẽ dành cho Người một phần lúa của chúng ta... Do đó người được lựa chọn là Mahà-sammato, bực đại-diện được ủy-nhiệm và danh-từ Khattiya, Sát-đế-lợi, (chủ ruộng vườn) được khởi lên. (Sau đó), có các vị cất chòi trong rừng để tu Thiền..., đó là các Bràhmana, Bà-la-môn, và danh-từ nầy khởi lên từ đó. (Về sau nữa) các hữu-tình chọn các nghề-nghiệp khác, nên danh-từ Vessà, Phệ-xá, xuất-hiện; và các người làm nghề hạ-tiện nên danh-từ, Suddà, Thủ-đà-la được xuất-hiện... Trong bốn giai-cấp nầy, chỉ có các vị Tỳ-kheo tu-tập theo Pháp, sống chế-ngự thân, miệng, ý, tu-tập Bảy Giác-chi, đắc quả A-la-hán, diệt-tận các lậu-hoặc, nên được gọi là tối-thượng trong tất cả giai-cấp ...

131. HỌC KINH KHỞI THẾ NHÂN BỔN NÊN CHÚ-Ý ĐẾN ĐIỂM NÀO?

1. Cũng như Kinh Ba-Lê, (kinh số 23 trong Trường-Bộ Kinh), Kinh Khởi-Thế Nhân Bổn bàn về thời-kỳ sơ-nguyên của thế-giới nầy, nhưng chú-trọng nhiều hơn đến lối sinh-hoạt và sự phân-chia giai-cấp của các chúng-sanh. Đây là bản Kinh quan-trọng, được xem như là bản trần-thuyết chánh-thức của đức Phật về nguồn-gốc của thế-giới nầy. Tuy nhiên, như đức Phật thường nhắc đi nhắc lại, Ngài biết các tri-kiến nầy và nói ra cho các vị Tỳ-kheo để biết mà thôi, chớ Ngài không hề chấp-trước vào các tri-kiến ấy; và nhờ chẳng chấp-trước nên tâm Ngài mới được hoàn-toàn an-tịnh.

2. Kinh nầy nhằm đả-phá quan-niệm tự-tôn của giai-cấp Bà-la-môn, nghĩ sằng rằng họ từ cửa miệng đấng Đại-Phạm Thiên sanh ra, còn các giai-cấp khác sanh từ nơi bàn chơn của vị ấy. Sao họ lại chẳng biết sự thai-sanh của loài người, từ bụng mẹ sanh ra?

3. Điểm son chói-lọi nhứt trong lịch-sử nhơn-loại là Phật-giáo đã đi tiền-phong trong vấn-đề xoá bỏ giai-cấp xã-hội. Trong Giáo-hội của đức Phật, vị đệ-tử thọ-giới Tỳ-kheo trước được coi cao hơn kẻ thọ-giới sau. Trong hàng đệ-tử, có đủ bốn hạng giai-cấp, như các vị hoàng-tử vừa mới xuất-gia vẫn phải kính-lễ người thợ cạo cũ của họ đã thọ-giới Tỳ-kheo trước họ.

(TN. Mtl, 2006-03-18).

-ooOoo-

28. KINH TỰ HOAN-HỶ.

132. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH TỰ HOAN-HỶ?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại làng Na-lan-đà (Nàlanda), trong khu rừng Pàvàrikambavana. Lúc bấy giờ, tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta) đến bạch với Thế-Tôn: ''Bạch Thế-Tôn, con tin-tưởng Thế-Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, trong quá-khứ, hay tương-lai cũng như ngay trong hiện-tại, chẳng thể có một vị Sa-môn, Bà-la-môn nào vĩ-đại hơn Thế-Tôn về phương-diện giác-ngộ.'' Đức Phật quở tôn-giả đã ''đại-ngôn'', trong khi còn chưa biết được tâm-tư của chư vị Thế-Tôn, lại quá gan-dạ ''rống lên tiếng rống của con sư-tử '' !

Trong bản Kinh nầy, bằng lời-lẽ chơn-thành, với tấm lòng ngưỡng-mộ sâu-xa vào đức Bổn-sư, tôn-giả Xá-lợi-phất đã lần-lượt trình-bày các điều mình nhận-xét về truyền-thống Chánh-Pháp mà Thế-Tôn đã khéo thuyết-giảng cho các Tỳ-kheo khéo hành-trì: các thiện-pháp trong 37 phẩm trợ-đạo, các vấn-đề nhập thai, ký-tâm, kiến-định, tinh-tấn trong đạo-hạnh, giới-hạnh, phương-pháp giảng-dạy, thường-trú-luận, túc-mạng-trí, sanh-tử-trí, các loại thần-thông, v.v... Vì thấy rõ và biết chắc Thế-Tôn đã chứng-đạt tất cả các pháp Ngài giảng-dạy, và nếu muốn, Ngài có thể''đạt được đầy-đủ và dễ-dàng sự an-lạc hạnh-phúc ngay trong hiện-tại, do bốn cấp Thiền-định mang lại.'', nên Tôn-giả mới dám nói lên lời nói ''đại-ngôn'' ở trên: chẳng có ai vượt thắng Ngài nỗi, kể từ xưa cho đến nay và cả trong tương-lai nữa. Đức Phật lắng nghe và khen Tôn-giả đã trả lời Ngài một cách thuận pháp và đúng pháp.

Do đó, Kinh nầy mới mang tên Tự Hoan-Hỷ, để nói lên lòng hoan-hỷ của tôn-giả Xá-lợi-phất đối với Thế-Tôn.

133. NỘI-DUNG KINH TỰ HOAN-HỶ.

A.- Ý Chánh: Lòng hoan-hỷ của Tôn-giả Xá-lợi-phất đã nói lên sự ngưỡng-mộ chơn-thành đối với Thế-Tôn và Chánh-pháp giác-ngộ và giải-thoát mà Ngài đã truyền-dạy cho đời.

B.- Phân đoạn: Kinh có thể phân ra ba phần:

1. Phần I: Đức Phật quở Tôn-giả Xá-lợi-phất đã ''đại-ngôn.''

- Đức Phật: Còn chưa biết được tâm-tư của chư Phật, sao dám nói chẳng có ai hơn được Thế-Tôn?

- Tôn-giả Xá-lợi-phất: Tuy con chưa biết tâm-tư chư Phật, nhưng con biết truyền-thống về Chánh-Pháp, nên đặt trọn vẹn lòng tin vào giáo-pháp của Thế-Tôn.

2. Phần II: Tôn-giả Xá-lợi-phất trình-bày Giáo-pháp của Đức Phật:

- Truyền-thống về Chánh-Pháp: tất cả các bậc Thế-Tôn trong thời quá-khứ hay vị-lai đều diệt-trừ năm Triền-cái, an-trú vào bốn Niệm-xứ, thành-tựu bảy Giác-chi và chứng-ngộ Vô-thượng Chánh-đẳng-giác.

Thế-Tón đã khéo thuyết-giảng:

- các thiện-pháp và 37 Phẩm Trợ-Đạo: bốn Niệm-xứ, bốn Chánh-cần, bốn Như-ý-túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác-chi và thánh-đạo Tám ngành;

- 12 nhập-xứ: mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp;

- bốn loại nhập-thai: (1)không biết mình nhập vào bụng mẹ; (2)không biết mình an-trú trong bụng mẹ, (3) không biết mình ra khỏi bụng mẹ (4) biết tất cả ba giai-đoạn của sự nhập thai.

- bốn loại ký-tâm: (1) tỏ lộ ra hình-tướng, (2) qua tiếng nói, (3) do suy-tầm tư-duy; (4) do nhập-định;

- bốn loại kiến-định: (1) quán thân, biết 32 phần trong thân-thể; (2) quán thân biết các chỗ bất-tịnh trên và trong thân; (3) quán dòng tâm-tư không gián-đoạn như đang an-trú; (4) quán dòng tâm-tư không gián-đoạn như đang không an-trú.

- Bảy Giác-chi (1) niệm, (2) trạch-pháp, (3) tinh-tấn, (4) hỷ, (5) khinh-an, (6) định, (7)xả;

- bốn tiến-bộ trong việc tu-hành: (1) hành-trì khổ, chứng ngộ chậm; (2) hành trì khổ, chứng ngộ mau, (3) hành-trì lạc, chứng ngộ chậm, (4) hành-trì lạc, chứng ngộ mau.

- chánh-hạnh trong lời nói: lời nói từ-hoà, sáng-suốt, đáng được giữ-gìn, đúng thời.

- giới-hạnh của con người: thành-tín, không lừa gạt, không lấy lợi cầu lợi, hộ-trì các căn, ăn uống tiết-độ, hành-động ôn-hoà, luôn giữ chánh-niệm, tỉnh-giác, chịu đựng , không tham-dục.

- đường-lối giảng-pháp tùy căn-cơ của đệ-tử, dạy bốn đạo-quả: (1) Dự-lưu, (3) Nhứt-lai, (3) Bất-lai, (4) A-lahán và Niết-bàn;

- vấn-đề Thường-trú luận: biết bản-ngã và thế-giới thường-trụ vào (1) nhiều đời; (2) nhiều kiếp (3) nhiều thành-kiếp và hoại-kiếp;

- vấn-đề thần-thông: túc-mạng-trí, sanh-tử-trí, và hai loại thần-túc-thông hữu-lậu và vô-lậu.

3. Phần III: Tôn-giả Xá-lợi-phất giải-bày lòng hoan-hỉ về sự tin-tưởng vào Thế-Tôn và Giáo-pháp của Ngài.

- Xá-lợi-phất: Không có một ai có thể chứng biết hơn Thế-Tôn về các pháp và các vấn-đề trên.

- Tôn-giả Udàyi: Kỳ-diệu thay ! Như-Lai có đại-thần-lực nghiêm-túc như vậy, mà không tự mình nói ra.

- Thế-Tôn: Nầy Xá-lợi-phất, nếu có kẻ ngu nào còn nghi-ngờ đối với Như-Lai, Ngươi nên nói các pháp phân-biệt nầy, thì sự nghi-ngờ của họ sẽ được trừ-diệt.

- Như vậy, Tôn-giả Xá-lợi-phất nói lên lòng HOAN-HỶ của mình đối với Thế-Tôn.

134. TRÍCH-ĐOẠN: NIỀM KÍNH-TÍN ĐỐI VỚI TÔN-SƯ

- Bạch Thế-Tôn, những gì có thể đạt được bởi một thiện-nam-tử có lòng tin, có tinh-tấn, có kiên-trì... đều được Thế-Tôn chứng-đạt... Thế-Tôn không có đam-mê các dục-lạc... đê-tiện, hèn-hạ, thuộc phàm-phu, không xứng bực Thánh, không có lợi-ích. Thế-Tôn cũng không đam-mê tu-hành khổ-hạnh, ... không xứng bực Thánh, không có lợi-ích. Thế-Tôn có thể đạt được, nếu Ngài muốn, một cách dễ-dàng, một cách đầy-đủ, sự hạnh-phúc ngay trong hiện-tại, do bốn Thiền-định đem lại.

Bạch Thế-Tôn, nếu có ai hỏi con: ''Nầy Hiền-giả Sariputta, trong thời quá-khứ, ... trong thời vị-lai, có vị Sa-môn, Bà-la-môn nào còn lớn hơn, còn sáng-suốt hơn Thế-Tôn về sự giác-ngộ?'' Được hỏi như vậy, con trả lời: Không ! Bạch Thế-Tôn, nếu có ai hỏi con... trong thời quá-khứ, ... trong thời vị lai, có vị Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể bằng Thế-Tôn về vấn-đề giác-ngộ, con trả lời: Có ! Bạch Thế-Tôn, nếu có ai hỏi, trong thời hiện-tại, có vị Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể bằng Thế-Tôn về vấn-đề giác-ngộ không, ... con trả lời: Không !

Bạch Thế-Tôn, nếu có ai hỏi con: ''Vì sao Tôn-giả Sariputta một mặt xác-nhận là có, một mặt lại xác-nhận là không có?'' ...con sẽ trả lời: ''Nầy Hiền-giả, trước mặt Thế-Tôn, tôi có nghe nói, từ nơi Ngài tôi có ghi nhận: ''Trong thời quá-khứ..., trong thời vị-lai, có các vị A-la-hán Chánh-đẳng-giác bằng Ta về phương-diện giác-ngộ. ... (và)... Không có trường-hợp, không có sự-kiện, trong một thế-giới, hai vị A-la-hán Chánh-đẳng-giác cùng xuất-hiện ở đời, không trước, không sau. Sự-kiện như vậy không thể xảy ra.''

Bạch Thế-Tôn, có phải khi được hỏi và trả lời như vậy, con đã nói lên đúng ý với Thế-Tôn, không có sai-lạc, không có hiểu-lầm Thế-Tôn? Có phải con đã trả lời thuận pháp, đúng pháp? Có phải không một đối-phương hợp-pháp nào có thể tìm ra lý-do để chỉ-trích phê-bình?

- Nầy Sariputta, được hỏi và trả lời như vậy, Ngươi đã nói lên đúng ý với Ta, không có sai-lạc, không có hiểu-lầm. Ngươi đã trả lời thuận pháp và đúng pháp. Không một đối-phương hợp-pháp nào có thể tìm ra lý-do để chỉ-trích phê-bình. (...)

135. HỌC KINH TỰ HOAN-HỶ, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

1. Một đệ-tử quá sùng-tín vị bổn-sư thường hay đề-cao vị thầy của mình. Tôn-giả Xá-lợi-phất khi bộc-lộ lòng hoan-hỷ của mình được tu-hành với một bậc đạo-sư chẳng có ai có thể vĩ-đại hơn được, đã nói lên với lời-lẽ chơn-thành các sự-thật về giác-ngộ và chứng-đắc của vị Thầy mà mình mến-phục. Thái-độ nầy đáng cho ta suy-gẫm và noi theo, khi còn nhiều kẻ khác chẳng ngượng-mồm khoe-khoang ''thành-tích tưởng-tượng'' mà vị sư-phụ họ đã lôi kéo họ vào ''đạo'' của ông ta.

2. Tôn-giả Udàyi khen đức Phật đại-thần-lực như vậy mà không tự mình tỏ lộ ra, trong khi đó nếu có một du-sĩ ngoại-đạo nào, tự mình chứng được dầu chỉ có một pháp, họ đã giương cờ gióng trống lên rồi ! Tôn-giả thật biết cách khen thầy mình !

3. Sự vĩ-đại của đức Phật, được chứng-minh qua Giáo-Pháp của Ngài đã thực-hành và giảng-dạy, đâu cần gì bày-vẽ thêm nhìều việc nhiệm-mầu, huyền-bí để ''lóa mắt'' thiên-hạ. Đừng tưởng coi Ngài như một bực thần-linh mà được Ngài sẽ ''độ cho''. Không đâu ! Làm thế, chỉ khiến thanh-danh Ngài bị suy-giảm mà thôi, hàng Phật-tử chúng ta nên ghi nhớ lấy điều ấy.

(TN. Mtl, 2006-03-20).

-ooOoo-

29. KINH THANH-TỊNH.

136. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH THANH-TỊNH?

Vào môt thời kia, đức Phật ngụ tại vườn xoài của ông Vedhannà, thuộc bộ-tộc Sakya (Thích-ca). Lúc bấy giờ có vị Sa-di Cunda (Thuần-đà) cùng đi với Tôn-giả A-nan (Ananda) đến yết-kiến đức Phật, để báo tin vị Sư-trưởng ngoại-đạo loã-thể Nigantha Nàthaputta ( Ni-kiền-tử) đã từ-trần và giáo-phái của ông ta bị chia-rẽ trầm-trọng.

Nhơn đó, đức Phật mới giảng Kinh Thanh-Tịnh nầy, nêu rõ lý-do thất-bại của giáo-phái loã-thể là vì giáo-lý và pháp-luật đã ''trình-bày, tuyên-bố một cách vụng-về, không có hiệu-năng hướng-dẫn, không đưa đến an-tịnh, không do một vị Chánh-Đẳng-Giác tuyên-thuyết.'' Kế đó, Ngài giải-thích trong giáo-lý của Ngài, các Tỳ-kheo sống đúng theo phạm-hạnh đầy-đủ, tu-tập bốn pháp Niệm-xứ, bốn pháp Thiền-định, nhờ đó mọi tà-kiến về quá-khứ, về tương-lai, về bản-ngã, đều được vẹt qua một bên, cùng hướng về an-tịnh và giải-thoát.

137. NỘI-DUNG KINH THANH-TỊNH.

A.- Ý Chánh: Phái loã-thể bị tan-rã sau khi vị sư-trưởng từ-trần, vì giáo-lý được truyền-dạy vụng-về, chẳng đưa đến an-tịnh. Trái-lại, Chánh-Pháp của đức Phật, do bực Chánh-Đẳng-Giác tuyên-thuyết, có đầy-đủ phạm-hạnh, được các đệ-tử khéo hành-trì, đưa đến sự thanh-tịnh và giải-thoát.

B.- Phân đoạn: Kinh có thể chia làm hai phần:

1. Phần I: Các lý-do đưa đến sự tan-rã của phái loã-thể khi vị sư-trưởng ngoại-đạo Ni-kiền-tử từ-trần.

- Cunda trình-bày sự thảm-bại của phái loã-thể, chia-rẽ thành hai nhóm, chống-đối nhau bằng miệng và binh-khí, sau khi đạo-sĩ Ni-kiền-tử từ-trần;

- Đức Phật giải-thích sự thất-bại đó, do: (1) vị đạo-sư chưa đắc Chánh-Đẳng-Giác, (2) thuyết pháp vụng-về, chẳng đưa đến an-tịnh; (3) chẳng có đệ-tử hay tín-đồ nào sống đúng theo chánh-hạnh.

2. Phần II: Đức Phật nêu sự thanh-tịnh của Giáo-Pháp hướng đến an-tịnh, giác-ngộ và giải-thoát:

- Trước hết, đức Phật nêu ra hai trường-hợp về tình-trạng của giáo-phái khi vị sư-trưởng từ-trần:

. Trường-hợp vị đạo-sư chưa đắc Chánh-Đẳng-Giác thuyết pháp vụng-về, chẳng đưa đến an-tịnh, thì khi chết, chẳng có vị đệ-tử nào sống đúng chánh-hạnh, nên giáo-phái bị chia-rẽ và tan-rã;

. Trường-hợp vị đạo-sư đã đắc Chánh-Đẳng-Giác khéo thuyết chánh-pháp, hướng đến an-tịnh, khi từ-trần đã có các đệ-tử tinh-thông giáo-lý, sống đúng phạm-hạnh đầy-đủ, khỏi phải quá ưu-tư vì bị phân-hoá.

- Sau đó, Ngài bảo, đối với hiện-tại, là bậc đạo-sư Chánh-Đẳng-Giác, Ngài khéo thuyết các pháp hướng đến an-tịnh, và các đệ-tử của Ngài tinh-thông diệu-pháp, phạm-hạnh hoàn-toàn viên-mãn:

. 37 Phẩm Trợ-đạo do Ngài tự chứng-tri và tuyên-bố cho các Tỳ-kheo, nên hội-họp lại và tụng-đọc, chớ cãi nhau, hãy so-sánh nghiã-lý và lời văn với nhau... để cho phạm-hạnh nầy được tồn-tại, an-trú lâu dài, vì hạnh-phúc cho muôn loài ở đời;

. các giới-luật mà Ngài thuyết-giảng là chỉ để ngăn chặn các lậu-hoặc ngay trong hiện-tại và trong tương-lai: y-thực, nhà cửa, dược-phẩm, là để dưỡng nuôi thân-thể, ngăn chặn sự nóng lạnh của thời-tiết, sự xúc-chạm của các loài ruồi muỗi, chống các bịnh-tật...

. Thích-tử chẳng sống đam-mê các dục-lạc thấp kém (như khi sát-sanh, trộm-cắp, tà-dâm, nói dối) mà tầm-cầu hỷ-lạc (đưa đến yếm-ly) của bốn cấp Thiền với bốn quả-vị: Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-lai, A-la-hán khi tâm và tuệ được hoàn-toàn giải-thoát.

- Đối với tương-lai, Như-Lai có trí do tuệ sanh: ''Đây là đời sống cuối cùng, nay không còn đời sống nào khác.'' Nếu những gì thuộc vị-lai là hư-vọng, không thật, không lợi-ích, thì Như-Lai không trả lời ...

- Đối với các pháp quá-khứ, vị-lai, hiện-tại, Như-Lai là vị nói phải thời, nói chơn-chánh, nói như thật, nói có lợi-ích, nói đứng Pháp, nói đúng Luật.

- Trong thế-giới nầy, những gì được thấy, nghe, tìm cầu, suy-đạt với ý, tất cả đều được Như-Lai biết rõ. Nhưng Ngài chẳng nói về các vấn-đề không có liên-hệ đến Pháp, đến căn-bản phạm-hạnh, không hướng đến an-tịnh, giác-ngộ và Niết-bàn.-- ''Đây là Khổ, Khổ-Tập, Khổ-diệt, con đường đưa đến Khổ-diệt,'' đó mới là các điều được Thế-Tôn nói đến.

- Phật bảo: ''Nầy Cunda, với mục-đích đoạn-trừ và vượt qua những biện-luận về các tà-kiến liên-hệ đến quá-khứ tối-sơ, đến tương-lai nầy, mà bốn pháp Niệm-xứ được Ta tuyên-thuyết, trình-bày.''

- Lúc bấy giờ, Tôn-giả Upavàna đang quạt hầu Thế-Tôn, thốt lên: ''Kỳ-diệu thay ! Pháp-thoại nầy thật là thanh-tịnh ! '' Do đó, Kinh nầy được Phật đặt tên là Kinh Thanh-Tịnh.

138. TRÍCH-ĐOẠN: ''THẤY MÀ KHÔNG THẤY''.

- Nầy Cunda, Uddaka, con của Ràma thường nói: ''Thấy mà không thấy''. Thấy cái gì mà không thấy? Với một con dao sắc-bén, chỉ thấy lưỡi dao, không thấy khiá cạnh sắc-bén của dao. Nầy Cunda, ở đây Uddaka, con của Ràma, đề-cập đến một vật đê-tiện, hạ-liệt, thuộc về phàm-phu, không xứng bậc Thánh, không có lợi-ích, nói về con dao. Nầy Cunda, nếu nói đúng-đắn câu ''Thấy mà không thấy'', thời phải nói như sau: ''Thấy mà không thấy'', vị ấy thấy cái gì mà không thấy? Một phạm-hạnh, thành-tựu hết thảy tướng, đầy-đủ hết thảy tướng, không thiếu-sót, không quá đáng, được khéo tuyên-bố một cách viên-mãn, được khéo trình-bày. Chính vị ấy thấy phạm-hạnh nầy. Nếu vị ấy trừ bớt một phương-diện nào tại một chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ-ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Nếu vị ấy thêm vào một phương-diện nào tại chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy sẽ được rõ-ràng hơn, vị ấy sẽ không thấy. Nếu vị ấy thêm vào một phương-diện nào tại một chỗ nào, nghĩ rằng làm vậy được viên-mãn hơn, vị ấy sẽ không thấy gì. Như vậy gọi là ''Thấy mà không thấy' ...

139. TRÍCH-ĐOẠN: ''DO VẬY, MỚI GỌI LÀ NHƯ-LAI''

... Nầy Cunda, đối với các pháp quá-khứ, vị-lai, hiện-tại, Như-Lai là vị nói phải thời, nói chơn-chánh, nói như thật, nói có lợi-ích, nói đúng Pháp, nói đúng Luật. Do vậy mới gọi là Như-Lai ...

... Trong thế-giới nầy, ... với chư Thiên và loài Người, những gì được thấy, được nghe, được cảm-giác, được phân-biệt, được đạt đến, được tìm cầu, được suy-đạt với ý, tất cả đều được Như-Lai biết rõ. Do vậy mới gọi là Như-Lai.

Này Cunda, trong thời-gian giữa đêm Như-Lai chứng-ngộ Vô-thượng Chánh-Đẳmh-Giác và đêm Như-Lai nhập Vô-dư-y Niết-bàn giới, trong thời-gian ấy những gì Như-Lai nói trong khi thuyết-giảng, nói chuyện hay trình-bày, tất cả là như vậy, chớ không gì khác. Do vậy mới gọi là Như-Lai.

Nầy Cunda, Như-Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy, nên được gọi là Như-Lai ...

Đối với thế-giới, với chư Thiên và loài Người, Như-Lai là bậc Toàn-Thắng, không ai có thể thắng nổi, bậc Toàn-Kiến, bậc Tự-Tại.

140. TRÍCH-ĐOẠN: PHẠM-HẠNH ĐÃ THÀNH .

...Nầy Cunda, các du-sĩ ngoại-đạo có thể nói: ''Các Sa-môn Thích-tử sống không giữ vững lập-trường.'' Họ cần được trả lời như sau: ''Nầy Hiền-giả, Thế-Tôn, vị đã biết, đã thấy, là bậc A-la-hán Chánh-Đẳng-Giác đã thuyết, đã trình-bày những pháp cho các đệ-tử cho đến trọn đời ... Nầy Hiền-giả, một vị Tỳ-kheo là bậc A-la-hán, đã diệt-trừ các lậu-hoặc, phạm-hạnh đã thành, các việc phải làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục-tiêu đã đạt, hữu-kết-sử đã diệt-trừ, chánh-trí giải-thoát, không thể làm chín việc sau đây: không thể tước-đoạt sanh-mạng của loài hữu-tình,... không thể lấy của không cho, ... không thể hành dâm, ... không thế biết mà nói láo, ... không thể cất chứa tiền-của để hưởng-thọ dục-lạc, như khi còn tại-gia,... không thể đi con đường hành tham, ... hành sân,... hành si,... không thể đi con đường hành theo sợ-hãi ...

141. HỌC KINH THANH-TỊNH, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

Trọng-điểm của Kinh Thanh-Tịnh nầy dạy ta ý-nghiã của câu: ''Thấy mà không thấy.'' Thấy một con dao sắc-bén, mà chỉ thấy có con dao, chưa nhận thấy chỗ sắc-bén của con dao, đó là còn chưa thấy được gì. Thấy chư vị Tỳ-kheo giữ giới đầy-đủ, mà chưa nhận ra giới-hạnh ngăn-ngừa các tội-ác, khiến cho thân-tâm được thanh-tịnh, đó là còn chưa thấy được gì. Học Kinh Thanh-Tịnh phải ''thấy'' sự thanh-tịnh của các Pháp do Thế-Tôn giảng-dạy, đều đưa đến an-tịnh và giải-thoát.

(TN. Mtl, 2006-03-21).

-ooOoo-

30. KINH TƯỚNG .

142. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH TƯỚNG?

Vào một thời kia, đức Phật trú tại tịnh-xá Kỳ-viên (Jetavana), trong khu vườn ông Cấp-cô-độc (Anathapindika), nước Xá-vệ (Savatthi). Lúc bấy giờ, Thế-Tôn cho gọi các vị Tỳ-kheo lại để nghe Ngài giảng về Ba mươi hai tướng Đại-Trượng-phu.

Trong Kinh nầy, đức Phật cho biết, ai có đủ 32 tướng Đại-Trượng-phu sẽ chọn giữa hai con đường nầy: (1) nếu ở tại-gia, sẽ trở thành vị Chuyển-luân Thánh-vương cai trị bốn phương theo Chánh-Pháp; (2) nếu xuất-gia, tu-hành sẽ chứng-đắc A-la-hán Chánh-Đẳng-Giác, vén lui màn vô-minh cho nhơn-loại. Ngài chỉ rõ, do tích-lũy việc làm lành trong nhiều đời kiếp mà khi tái-sanh mới có được 32 tướng qúi nầy.

143. NỘI-DUNG KINH TƯỚNG .

A.- Ý Chánh: Sở dĩ có được 32 tướng Đại-Trượng-phu là do sự tích-lũy công-đức làm điều thiện từ nhiều đời kiếp trước.

B.- Phân đoạn: Tuy trong chánh-văn, bản Kinh được phân làm hai phần, nhưng xét về mặt nội-dung, có thể xem toàn-bộ bản Kinh chỉ có một phần mà thôi; sau mỗi đoạn đức Phật giảng về một tướng, có kèm theo một bài Kệ.

Sau đây là 32 tướng, kể từ gót chơn lên đỉnh đầu:

1. lòng bàn chơn bằng phẳng: do nhiều đời trước đã kiên-trì, chẳng dao-động đối với thiện-pháp;

2. dưới bàn chơn có hình bánh xe ngàn tăm: do... trừ-diệt mọi sợ-hãi, che-chở, hộ-trì đúng Pháp;

3. ba tướng: gót chơn thon dài; ngón tay, ngón chơn dài; tay chơn mềm-mại: do... từ bỏ sát-sanh và có lòng Từ;

4. bảy chỗ tròn đầy ở hai tay, hai chơn, hai vai và thân-hình: do... siêng bố-thí các món ăn;

5. giữa các ngón tay, ngón chơn, có lưới da mỏng: do ... siêng tu Bốn Nhiếp-pháp là bố-thí, ái-ngữ, lợi-hành và đồng-sự;

6. hai tướng: mắt-cá tròn như con sò, lông mọc xoáy thẳng lên: do ... nói lời liên-hệ đến lợi-ích chúng-sanh, đúng Pháp, đúng chánh-hạnh;

7. ống chân giống như con dê rừng: do... siêng-năng học-hỏi nghề-nghiệp;

8. da trơn mịn, bụi chẳng bám được: do ... siêng thưa hỏi về thiện-pháp với các bực tu-hành;

9. da màu hoàng-kim, sáng chói: do ... siêng bố-thí các loại vải-vóc giúp kẻ khác che-chở thân-thể;

10. tướng mã-âm-tàng: do ... nói lời hoà-hợp, giúp sự sum-họp;

11. thân như cây bàng (Nigrodha), tay dài có thể sờ đầu gối mà chẳng khòm lưng: do ... quán-sát đại-chúng, biết mình, biết người, và hành-động đúng-đắn tùy theo sự sai-biệt;

12. nửa thân trên như thân sư-tử: do ... giúp kẻ khác tăng thêm lòng tin, giữ giới, đa-văn, trí-tuệ;

13. cảm-vị rất bén-nhạy: do ... không hề làm tổn-hại ai;

14. hai tướng: đôi mắt thật xanh, lông mi như con bò cái: do ... có thói quen không ngó liếc, không nhìn trộm, tâm chánh-trực;

15. nhục-kế trên đỉnh đầu: do ... lãnh-đạo đại-chúng sống theo thiện-pháp, thiện-nghiệp;

16. tướng bạch-hào (lông trắng mềm giữa hai lông-mày): do ... tránh xa nói láo;

17. có 40 răng, răng không kẽ hở: do ... tránh xa lời nói lưỡi hai chiều, lời nói đâm-thọc;

18. hai tướng: lưỡi rộng dài, giọng nói tuyệt-diệu như chim Ca-lăng-tần-già (Karavika): do ... siêng nói lời êm-ái, dễ thương, đẹp tai;

19. hàm như quai-hàm sư-tử: do ... từ bỏ lời nói ỷ-ngữ (nịnh-nọt), nói lời chân-thật về Chánh-pháp;

20. răng đều-đặn và sáng chói: do ... từ bỏ các tà-mạng, các nghề bất-chánh, tránh xa sự gian-lận.

144 . HỌC KINH TƯỚNG, NÊN CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

được thân-tướng trang-nghiêm, đủ các vẻ đẹp tùy hình, đó là điều qúi-báu. Nhưng, như đức Phật đã dạy, có được 32 tướng Đại-Trượng-phu là do sự tích-luỹ công-đức làm điều thiện từ nhiều đời kiếp trước, nên nay tái-sanh lại mới có. Học Kinh Tướng nầy, tưởng nên chú-ý đến các điều thiện đã làm nguyên-nhân cho sự thủ-đắc các tướng qúi đó.

(TN. Mtl, 2006-03-22).

-ooOoo-

31. KINH GIÁO THỌ THI-CA-LA-VIỆT .

145. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH GIÁO THỌ THI-CA-LA-VIỆT

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-Lâm (Veluvana), gần thành Vương-xá (Ràjagaha), nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Lúc bấy giờ, vào sáng sớm, có thanh-niên tên Thi-ca-la-việt (Singàlaka), áo đẵm hơi sương, đang đảnh lễ sáu phương, thì gặp đức Phật đi khất-thực. Ngài dừng lại và hỏi ý-nghiã của sự đảnh lễ sáu phương nầy. Thi-ca-la-việt thưa mình chỉ biết theo lời trối của cha mà làm lễ như thế.

Nhơn đó đức Phật mới giảng cho thanh-niên nầy nghe ý-nghiã của sự lễ-bái sáu phương đúng theo luật-pháp của bực Thánh. Đây là bản Kinh giảng đầy-đủ về các bổn-phận của người cư-sĩ tại-gia.

146. NỘI-DUNG KINH GIÁO THỌ THI-CA-LA-VIỆT .

A.- Ý Chánh: Cư-sĩ tại-gia biết tránh các ác-pháp gây ra phiền-não và phung-phí tài-sản, trở thành vị che-chở sáu phương; các phương nầy tượng-trưng cho các bổn-phận đối với cha-mẹ, sư-trưởng, vợ-con, bạn-bè, tôi-tớ, và các vị xuất-gia.

B.- Phân đoạn: Kinh được chia ra hai phần:

1. Phần I: Các bổn-phận căn-bản của người cư-sĩ:

- tránh bốn nghiệp gây phiền-não: sát-sanh, trộm-cắp, tà-dâm, nói dối;

- không làm ác-nghiệp với bốn lý-do: tham, sân, si và sợ-hãi;

- tránh sáu lối phung-phí tài-sản: uống rượu, đi chơi phi-thời, la-cà đình-đám, ham-mê cờ-bạc, giao-du với bạn ác, quen thói lười-biếng.

- tránh bốn hạng bạn-bè xấu: bạn tham vật gì cũng lấy, chỉ biết nói giỏi, khéo nịnh-hót, ăn tiêu xa-xí.

- thân-cận với bốn hạng bạn-bè chơn-thật: bạn hay giúp-đỡ, bạn chung-thủy, bạn khuyên điều lợi-ích, bạn biết thương-tưởng.

2. Phần II: Sáu phương tượng-trưng cho các bổn-phận người cư-sĩ trong gia-đình và ngoài xã-hội.

- Phương Đông: giữa con cái và cha-mẹ,

- Phương Nam: giữa đệ-tử và sư-trưởng,

- Phương Tây: giữa vợ, chồng;

- Phương Bắc: giữa bạn-bè;

- Phương Dưới: giữa tôi-tớ và chủ nhơn;

- Phương Trên: giữa Sa-môn và tín-chủ.

Kinh kết-thúc bằng lời xin quy-y Tam-Bảo của thanh-niên Thi-ca-la-việt.

147. TRÍCH ĐOẠN: BỐN HẠNG BẠN-BÈ CHƠN-THẬT.

Nầy Gia-chủ-tử, bốn loại bạn nầy phải được xem là bạn chơn-thật:

(1) người bạn giúp đỡ: che-chở cho bạn khi bạn phóng-dật, che-chở cho con cáí bạn, là chỗ nương-tựa khi bạn sợ-hãi, khi có công-việc sẽ giúp đỡ của-cải gấp hai lần những gì bạn thiếu;

(2) người bạn chung-thủy: nói cho bạn biết điều bí-mật của mình, giữ kín điều bí-mật của bạn, không bỏ bạn khi bạn gặp khó-khăn, dám hy-sinh thân-mạng vì bạn, chung-thủy trong khổ cũng như trong vui;

(3) người bạn khuyên điều lợi-ích: ngăn-chận bạn làm điều ác, khuyến-khích bạn làm điều thiện, nói cho bạn nghe điều bạn chưa nghe, chỉ cho bạn biết con đường lên chư Thiên;

(4) người bạn thương-tưởng: không hoan-hỷ khi bạn gặp hoạn-nạn, hoan-hỷ khi bạn gặp may-mắn, ngăn-chận những ai nói xấu bạn, khuyến-khích những ai tán-thán bạn.

148. TRÍCH ĐOẠN: PHƯƠNG ĐÔNG, BỔN-PHẬN CỦA CHA-ME, VÀ CỦA CON CÁI.

Nầy Gia-chủ-tử, có năm trường-hợp, người con phải phụng-dưỡng cha mẹ như phương Đông: ''Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm tròn bổn-phận đối với cha mẹ; tôi sẽ giữ-gìn gia-đình và truyền-thống; tôi bảo-vệ tài-sản thừa-tự; tôi sẽ làm tang-lễ khi cha mẹ qua đời.'' Nầy Gia-chủ-tử, được con phụng-dưỡng như phương Đông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: ngăn chận con làm điều ác, khuyến-khích con làm điều thiện, dạy con nghề-nghiệp, cưới vợ xứng-đáng cho con, đúng thời trao của thừa-tự cho con.

149. TRÍCH ĐOẠN: PHƯƠNG TÂY, BỔN-PHẬN GIỮA VỢ CHỒNG .

Nầy Gia-chủ-tử, có năm cách người chồng phải đối-xử với vợ như phương Tây: kính-trọng vợ, trung-thành với vợ, giao quyền-hành cho vợ, sắm nữ-trang cho vợ. Nầy Gia-chủ-tử, được chồng đối-xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương-tưởng chồng theo năm cách: thi-hành tốt đẹp bổn-phận của mình, khéo tiếp đón bà-con, trung-thành với chồng, khéo giữ-gìn tài-sản của chồng, khéo-léo và nhanh-nhẹn làm mọi công-việc... Như vậy, phương Tây được che-chở, được trở thành an-ổn và thoát khỏi sự sợ-hãi ...

150. TRÍCH ĐOẠN: PHƯƠNG DƯỚI, BỔN-PHẬN GIỮA CHỦ TỚ.

Nầy Gia-chủ-tử, có năm cách vị chủ nhơn đối-xử với hạng nô-bộc như phương Dưới: giao việc đúng theo sức của họ, lo cho họ ăn uống và tiền lương, điều-trị cho họ khi bịnh-hoạn, chia-xẻ các mỹ-vị đặc-biệt cho họ, thỉnh-thoảng cho họ nghỉ phép. Nầy Gia-chủ-tử, các hàng nô-bộc được chủ đối-xử như phương Dưới như thế, có bổn-phận: dậy trước khi chủ dậy, đi ngủ sau chủ, tự bằng lòng với các vật đã cho, khéo làm các công việc, đem danh-tiếng tốt đẹp cho chủ ...

151. TRÍCH-ĐOẠN: BÀI KỆ SÁU PHƯƠNG.

Cha mẹ là phương Đông,

Sư-trưởng là phương Nam,

Vợ chồng là phương Tây,

Bạn-bè là phương Bắc,

Nô-bộc là phương Dưới,

Sa-môn, Bà-la-môn

Có nghiã là phương Trên.

Cư-sĩ vì gia-đình,

Đảnh lễ phương-hướng ấy.

Kẻ trí giữ Giới, Luật,

Từ-tốn và biện-tài,

Khiêm-nhường và nhu-thuận,

Nhờ vậy được danh-xưng. (...)

152. HỌC KINH THI-CA-LA-VIỆT, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

Kinh Thi-ca-la-việt quan-trọng đối với hàng tu tại-gia, cũng như Kinh Sa-môn Quả đối với hàng xuất-gia. Chỗ quan-trọng và cần-thiết là sự thực-hành theo đúng các lời dạy trong Kinh, cho chu-đáo và đầy-đủ. Sáu phương tượng-trưng cho sáu mối liên-hệ của cá-nhơn sống trong gia-đình và ngoài xã-hội. Mọi người nếu biết chu-toàn các bổn-phận, hạnh-phước sẽ đến cho bổn-thân và tất cả người xung-quanh.

(TN. Mtl, 2006-03-23).

-ooOoo-

32. KINH A-SÁ-NANG-CHI .

153. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO ĐỨC PHẬT GIẢNG KINH A-SÁ-NANG-CHI?

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại núi Linh-thứu (Gijjhakùta) gần thành Vương-xá (Ràjagaha), nước Ma-kiệt-đà (Magadha). Lúc bấy giờ, trong đêm tối mịt, có bốn vị Thiên-Vương, với bốn đại-quân đông-đảo đến yết-kiến Thế-Tôn và xin đọc bài A-sá-nang-chi (Atànàtiya) Hộ-Kinh, nhằm giúp chư Tăng-ni tu-tập ở các nơi hẻo-lánh, khỏi bị các quỷ Dạ-xoa khuấy-phá. Đức Phật im-lặng nhận lời. Sau khi đọc xong, bốn vị Thiên-Vương đảnh lễ Thế-Tôn rồi biến mất.

Sáng hôm đó, Đức Phật đọc là bài Hộ-Kinh cho các Tỳ-kheo nghe, và dặn chư Tăng-ni và cư-sĩ hãy học thuộc lòng, để được hộ-trì, chẳng ai làm hại được.

(Bài Hộ-Kinh rất dài, liệt-kê tôn-danh các đức Phật thời quá-khứ, các đại-vương Dạ-xoa, bằng tiếng Pali rất khó nhớ, xin miễn ghi lại đây).

(TN. Mtl, 2006-03-23).

-ooOoo-

33. KINH PHÚNG-TỤNG .

154. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO, KINH PHÚNG-TỤNG ĐƯỢC THUYẾT-GIẢNG?

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại vườn xoài của người thợ rèn Thuần-đà (Cunda), gần thành Pàvà, thuộc bộ-lạc Mallà. Thể theo lời mời của dân Mallà, Ngài đến khai-trương hội-trường mới của họ. Đến tối, Ngài hơi mệt, nên bảo Tôn-giả Xá-lợi-phất thay-thế Ngài giảng kinh cho các Tỳ-kheo nghe. Do đó Kinh nầy được Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta) thuyết-giảng, có sự chứng-minh của Thế-Tôn đang nằm nghỉ bên cạnh.

Tôn-giả Xá-lợi-phất nhắc đến sự từ-trần của vị đạo-sư phái loã-thể Ni-kiền-tử đã đưa đến sự tan-rả của giáo-phái nầy, chỉ vì giáo-lý đã được thuyết-giảng vụng-về bởi một người chưa đắc Chánh-Đẳng-Giác, khiến hàng đệ-tử mất nơi y-chỉ, tranh-cãi nhau, chống-đối nhau. Nhưng đối với chư Tăng-ni, Chánh-Pháp đã được Thế-Tôn khéo giảng-dạy, có hiệu-năng hướng đến đến an-tịnh và giải-thoát. Vì thế, nay Tôn-giả tuyên-thuyết lại tất cả các pháp, xếp thành mười loại, từ loại một pháp cho đến loại mười pháp, với mục-đích để các Tỳ-kheo khéo đọc-tụng lại, cùng nhau tìm hiểu nghiã-lý sâu-xa, chẳng nên cãi-cọ, để phạm-hạnh nầy được trường-tồn dài lâu.

Do đó, Kinh nầy mang tên Kinh Phúng-Tụng, (Kinh để đọc-tụng) được vị đại-đệ-tử bực nhứt của đức Phật thuyết-giảng, dưới sự chứng-minh của Ngài.

155. NỘI-DUNG KINH PHÚNG-TỤNG .

Mặc dầu trong nguyên-bản, Kinh được chia ra làm ba phần, nhưng theo nội-dung toàn bản kinh thì đây chỉ là một bản liệt-kê tất cả các Pháp, sắp xếp lại theo 10 loại, từ loại một pháp đến loại mười pháp.

Sau đây là bản liệt-kê mười loại pháp:

1. Loại một pháp: ''Tất cả loài hữu-tình do các món ăn (àhàra) và các hành (samkhàrà) mà an-trú.''

2. Loại hai pháp: có tất cả 33 loại, kể ra:

- Danh và Sắc;
- Vô-minh và Hữu-ái;
- Hữu-kiến và Vô-hữu-kiến;
- Vô-tàm và Vô-quý;
- Tàm và Quý;
- Ác-ngôn và Ác-hữu;
- Thiện-ngôn và Thiện-hữu;
- Nhập tội thiện-xảo và Xuất tội thiện-xảo;
- Đẳng-chí thiện-xảo và Xuất-khởi đẳng-chí thiện-xảo;
- Giới thiện-xảo và Tác-ý thiện-xảo;
- Xứ thiện-xảo và Duyên-khởi thiện-xảo;
- Thiện-xảo về Xứ và Thiện-xảo về Phi-xứ;
- Chơn-trực và Tàm-quý;
- Kham-nhẫn và Nhu-hoà;
- Lời nói nhu-thuần và Tiếp-đón thân-tình;
- Vô-hại và Từ-ái;
- Thất-niệm và Bất-chánh-tri;
- Chánh-niệm và Tỉnh-giác;
- Các Căn không được chế-ngự và Ăn-uống không tiết-độ;
- Các Căn được chế-ngự và Ăn-uống có tiết-độ;
- Tư-duy-lực và Tu-tập-lực;
- Niệm-lực và Định-lực;
- Chỉ và Quán;
- Chỉ-tướng và Tinh-cần-tướng;
- Tinh-cần và Không dao-động;
- Giới thành-tựu và Kiến thành-tựu;
- Giới suy-khuyết và Kiến suy-khuyết;
- Giới thanh-tịnh và Kiến thanh-tịnh;
- Kiến thanh-tịnh và Tinh-cần theo tri-kiến ấy;
- Dao-động đối với các pháp bị dao-động và Chánh-tinh-cần của người bị dao-động ấy;
- Không Tri-túc với các thiện-pháp và Không thoái-thất trong Tinh-cần;
- Minh-trí và Giải-thoát;
- Tận tri và Vô-sanh-trí.

3. Loại ba pháp: có tất cả 60 loại, như sau:

- ba Bất-thiện-căn: tham, sân, si;
- ba Thiện-căn: vô-tham, vô-sân, vô-si;
- ba Ác-hạnh: thân, khẩu, ý ác-hạnh;
- ba Thiện-hạnh: thân, khẩu, ý thiện-hạnh;
- ba Bất-thiện tầm: dục-tầm, sân-tầm, hại-tầm;
- ba Thiện-tầm: ly-dục-tầm, vô-sân-tầm, vô-hại-tầm;
- ba Bất-thiện tư-duy: dục tư-duy, sân tư-duy, hại tư-duy;
- ba Thiện tư-duy: ly-dục tư-duy, vô-sân tư-duy, vô-hại tư-duy;
- ba Bất-thiện tưởng: dục-tưởng, sân-tưởng, hại-tưởng;
- ba Thiện-tưởng: ly-dục tưởng, vô-sân tưởng, vô-hại tưởng;
- ba Bất-thiện giới: dục-giới, sân-giới, hại-giới;
- ba Thiện-giới: ly-dục giới, vô-sân giới, vô-hại giới;
- ba Giới khác: dục-giới, sắc-giới, vô-sắc giới;
- ba Giới khác: sắc-giới, vô-sắc-giới, diệt-giới;
- ba Giới khác: liệt-giới, trung-giới, thắng-giới;
- ba ái: dục-ái, hữu-ái, vô-hữu-ái;
- ba ái khác: dục-ái, sắc-ái, vô-sắc-ái;
- ba ái khác: sắc-ái, vô-sắc-ái, diệt-ái;
- ba kết-sử: thân-kiến, nghi, giới-cấm-thủ;
- ba lậu: dục-lậu, hữu-lậu, vô-minh-lậu;
- ba hữu: dục-hữu, sắc-hữu, vô-sắc-hữu;
- ba cầu: dục-cầu, hữu-cầu, phạm-hạnh-cầu;
- ba mạn: thắng-mạn. đẳng-mạn, ti-liệt-mạn;
- ba thời: quá-khứ, vị-lai, hiện-tại;
- ba biên: hữu thân biên, hữu thân tập-biên, hữu thân diệt-biên;
- ba thọ: lạc-thọ, khổ-thọ, phi khổ phi lạc thọ;
- ba khổ-tánh: khổ-khổ, hành-khổ, hoại-khổ;
- ba tụ: tà-định tụ, chánh-định tụ, bất-định tụ;
- ba nghi: nghi về tương-lai, quá-khứ, hiện-tại;
- ba điều toàn-thiện của Như-Lai không cần ngại kẻ khác chỉ-trích mình: về thân, về miệng, về ý;
- ba chướng: tham, sân, si;
- ba loại lửa: lửa tham, lửa sân, lửa si;
- ba loại lửa khác: lửa hiếu-kính, lửa cúng-dường, lửa người gia-chủ;
- ba loại sắc-tụ: hữu-kiến hữu đối sắc, vô-kiến hữu đối sắc, vô kiến vô đối sắc;
- ba hành: phước-hành, phi phước-hành, bất-động hành;
- ba loại người: hữu-học, vô-học, phi-hữu phi-vô học;
- ba trưởng-lão: sanh trưởng-lão, pháp trưởng-lạo, nhập-định trưởng-lão;
- ba phước-nghiệp-sự: thi-hành phước-nghiệp-sự, giới-hành phước-nghiệp-sự, tu-hành phước-nghiệp-sự;
- ba cử-tội-sự: thấy, nghe, nghi;
- ba dục-sanh: loài Người với lòng dục, bực Trời ở Hoá-lạc-Thiên, bực Trời ở Tha-há Tự-tại Thiên;
- ba loại lạc-sanh: Phạm-Chúng Thiên, Quang-Âm-thiên, Biến-Tịnh-thiên đều sanh và sống trong sự an-lạc;
- ba tuệ: hữu-học-tuệ, vô-học-tuệ, phi hữu phi vô học tuệ;
- ba loại tuệ khác: tư sanh tuệ, văn sanh tuệ, tu sanh tuệ;
- ba loại binh-khí: nghe, xả-ky, tuệ;
- ba căn: vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cũ tri căn;
- ba nhãn: nhục-nhãn, thiên-nhãn, tuệ-nhãn;
- ba học: Tăng-thượng giới-học, tăng-thượng tâm-học, tăng-thượng tuệ-học;
- ba sự tu-tập: thân-tu, tâm-tu, tuệ-tu;
- ba vô-thượng: kiến vô-thượng, hành vô-thượng, giải-thoát vô-thượng;
- ba định: định có tầm có tứ, định chẳng tầm có tứ, định chẳng tầm chẳng tứ;
- ba định khác: không-định, vô-tướng-định, vô-nguyện-định;
- ba thanh-tịnh: thân, ngữ, ý;
- ba tịch-mặc: thân, ngữ, ý;
- ba thiện-xảo: tăng-ích thiện-xảo, tổn-ích thiện-xảo, phương-tiện thiện-xảo;
- ba kiêu: vô-bịnh kiêu, niên-tráng kiêu, hoạt-mạng kiêu;
- ba tăng-thượng: ngã tăng-thượng, thế tăng-thượng, pháp tăng-thượng;
- ba luận-sự: về quá-khứ, về vị-lai, về hiện-tại;
- ba minh: túc-mạng minh, sanh-tử minh, lậu-tận minh;
- ba trú: Thiên-trú, Phạm-trú, Thánh-trú;
- ba thần-thông: thần-túc thông, tha-tâm-thông, giáo-giới-thông.

4. Loại bốn pháp: có tất cả 50 loại, kể ra:

- bốn Niệm-xứ: quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp;
- bốn chánh-cần: bất-thiện-pháp chưa sanh khiến đừng sanh, bất-thiện-pháp đã sanh cần diệt-trừ, thiện-pháp chưa sanh khiến sanh ra, thiện-pháp đã sanh làm cho tăng-trưởng;
- bốn thần-túc: dục như-ý-túc, tinh-tấn như-ý-túc, thiền-định như-ý-túc, tư-duy như-ý-túc;
- bốn thiền: sơ-thiền, nhị-thiền, tam-thiền , tứ-thiền;
- bốn tu-tập thiền-định đưa đến: lạc-trú trong hiện-tại, chứng-đắc tri-kiến, chánh-niệm tỉnh-giác, diệt-tận lậu-hoặc;
- bốn vô-lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả;
- bốn vô-sắc-định: Không vô-biên xứ, Thức vô-biên-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-tưởng phi phi-tưởng;
- bốn y-chỉ sau khi suy-nghĩ: thọ-dụng, nhẫn-thọ, viễn-ly, khiển-trừ;
- bốn Thánh-chủng: bằng lòng bất cứ loại y nào, bằng-lòng bất cứ món ăn khất-thực nào, bằng lòng bất cứ phòng-xá nào, ưa-thích tu-tập và khéo-léo tinh-cần tỉnh-giác chánh-niệm;
- bốn tinh-cần: chế-ngự tinh-cần (các căn), đoạn-trừ tinh-cần (dục-tầm, sân-tầm hại-tầm), tu-tập tinh-cần (bảy Giác-chi), hộ-trì tinh-cần (định-tưởng tốt-đẹp);
- bốn Trí: pháp-trí, loại-trí, tha-tâm trí, thế-tục trí;
- bốn loại Trí khác: Khổ-trí, Tập-trí, Diệt-trí, Đạo-trí;
- bốn chi Dự-lưu-hướng: gần bực thiện-nhơn, nghe lãnh diệu-pháp, tác-ý như lý, hành tuỳ pháp;
- bốn chi Dự-lưu-quả: lòng tin tuyệt-đối đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với giới đức chẳng tì-vết được bậc Thánh tán-thán;
- bốn quả Sa-môn Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-lai, A-la-hán;
- bốn giới: điạ, thủy, hoả, phong;
- bốn thực: đoàn-thực, xúc-thực, tư-niệm-thực, thức-thực;
- bốn Thức-trú: Thức lấy sắc, thọ, hành, tưởng làm sở-y và an-trú;
- bốn hạnh Bất-hành-xứ: tham-dục, sân, si, bố-uý bất-hành-xứ hạnh;
- bốn ái-sanh: ái khởi lên do y-phục, món ăn, phòng-xa, hữu cùng phi-hữu;
- bốn hành: hành-trì Khổ mau chứng, chậm chứng, hành-trì Lạc mau chứng;
- bốn loại hành khác: bất-kham-nhẫn hành, kham-nhẫn hành, điều-phục hành, tịch-tịnh hành;
- bốn pháp-túc: vô-tham, vô-sân, chánh-niệm, chánh-định pháp-túc;
- bốn pháp-thọ: có pháp-thọ hiện-tại khổ và vị-lai khổ, hiện-tại khổ và vị-lai lạc, hiện-tại lạc và vị-lai khổ, hiện-tại lạc và vị-lai lạc;
- bốn pháp-uẩn: giới-uẩn, định-uẩn, công-đức-uẩn, giải-thoát-uẩn;
- bốn lực: tinh-tấn-lực, niệm-lực, định-lực, tuệ-lực;
- bốn thắng-xứ (nguyện): tuệ thắng-xứ, đế thắng-xứ, xả thắng-xứ, chỉ-tức thắng-xứ;
- bốn cách đáp: dứt-khoát, phân-tách, cật-vấn, lờ bỏ qua;
- bốn nghiệp: hắc-nghiệp hắc-báo, bạch-nghiệp bạch-báo, hắc-bạch-nghiệp hắc-bạch-báo, phi-hắc phi-bạch nghiệp phi-hắc phi-bạch báo;
- bốn pháp cần chứng-ngộ: túc-mạng chứng-ngộ bởi niệm, sanh-tử chứng ngộ bởi nhãn, tám giải-thoát chứng-ngộ bởi thân, lậu-tận chứng-ngộ bởi tuệ;
- bốn bộc-lưu: dục bộc-lưu, hữu bộc-lưu, kiến bộc-lưu, vô-minh bộc-lưu;
- bốn ách: dục ách, hữu-ách, kiến-ách, vô-minh-ách;
- bốn ly ách: ly-dục ách, ly-hữu ách, ly-kiến ách, ly-vô-minh ách;
- bốn hệ-phược: tham thân hệ, sân thân hệ, giới cấm thủ thân hệ, thử thực chấp thân hệ;
- bốn thủ: dục-thủ, kiến-thủ, giới-cấm-thủ, ngã-thuyết-thủ;
- bốn sanh: noãn-sanh, thai-sanh, thấp-sanh, hoá-sanh;
- bốn nhập-thai: không tỉnh-giác khi nhập khi trú khi xuất thai mẹ, tỉnh-giác khi nhập thai nhưng chẳng tỉnh-giác khi trú và xuất thai, iỉnh-giác khi nhập và trú nhưng chẳng tỉnh-giác khi xuất thai, tỉnh-giác cả khi nhập khi trú và khi xuất thai mẹ;
- bốn phương-cách có được tự-thể mới: có tự-thể do ý-chí của mình, do ý-chí của người khác, vừa do ý-chí của mình và của người khác, không do ý-chí mình cũng không do ý-chí kẻ khác;
- bốn sự cúng-dường thanh-tịnh: kẻ cúng-dường thanh-tịnh và người nhận không thanh-tịnh, kẻ cúng-dường không thanh-tịnh và người nhận thanh-tịnh, kẻ cúng-dường và người nhận đều không thanh-tịnh, kẻ cúng-dường và người nhận đều thanh-tịnh;
- bốn nhiếp-pháp: bố-thí, ái-ngữ, lợi-hành, đồng-sự;
- bốn phi-Thánh ngôn: vọng-ngữ, lưỡngf-thiệt, ác-khẩu, ỷ-ngữ;
- bốn Thánh-ngôn: ly vọng-ngữ, lý lưỡng-thiệt, ly ác-khẩu, ly ỷ-ngữ;
- bốn phi-Thánh-ngôn khác: không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không nghĩ nói nghĩ, không biết nói biết;
- bốn Thánh-ngôn khác: không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không nghĩ nói không nghĩ, không biết nói không biết;
- bốn phi-Thánh-ngôn khác: Thấy nói không thấy, nghe nói không nghe, nghĩ nói không nghĩ, biệt nói không biết;
- bốn Thánh-ngôn khác: thấy nói thấy, nghe nói nghe, nghĩ nói nghĩ, biết nói biết;
- bốn loại Người: loại siêng làm khổ mình, siêng làm khổ kẻ khác, siêng làm khổ mình và kẻ khác, chẳng siêng làm khổ mình và kẻ khác;
- bốn loại Người khác: hạng người làm vì tự-lợi mà không vì lợi-tha, làm vì lợi-tha mà không tự-lợi, làm không vì tự-lợi cũng không vì lợi-tha, làm vì tự-lợi và cả vì lợi-tha;
- bốn loại Người khác: sống trong bóng tối và hướng đến bóng tối, sống trong bóng tối và hướng đến ánh-sáng, sống trong ánh-sáng và hướng đến bóng tối, sống trong ánh-sáng và hướng đến ánh-sáng;
- bốn loại Người khác: bất-động Sa-môn, xích liên-hoa Sa-môn, bạch liên-hoa Sa-môn, diệu-thiện liên-hoa Sa-môn.

5. Loại năm pháp: có tất cả 26 loại, như sau:

- năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức;
- năm thủ-uẩn: sắc-thủ uẩn, thọ-thủ uẩn, tưởng-thủ uẩn, hành-thủ uẩn và thức-thủ uẩn;
- năm dục công-đức: khởi lòng dục vì do mắt thấy sắc, vì do tai nghe tiếng, vì do mũi ngửi mùi, vì do lưởi nếm vị, vì do thân xúc chạm;
- năm thú (năm nẻo tái-sanh): điạ-ngục, bàng-sanh, ngạ-quỷ, Người, Trời;
- năm xan-tham: xan-tham đối với trú-xứ, với gia-đình, với các vật thu-hoạch, với sắc, với pháp;
- năm triền-cái: tham, sân, hôn-trầm thụy-miên, trạo-cử hối-quá, và nghi;
- năm hạ-phần kết-sử: thân-kiến, nghi, giới-cấm-thủ, tham, sân;
- năm thượng-phần kết-sử: sắc-tham, vô-sắc-tham, mạn, trạo-cử, vô-minh;
- năm học-xứ: không sát-sanh, không trộm-cắp, không tà-dâm, không vọng-ngôn, không uống rượu;
- năm bất-năng-xứ: vị Tỳ-khêo đã diệt-tận các lậu-hoặc không thể sát-sanh, không thể trộm-cắp, không thể cố-ý hành-dâm, không thể nói dối, không thể cất-chứa vật-dụng dùng vào thú-vui dục-lạc như hồi còn là cư-sĩ;
- năm sự tổn-thất về: thân-thuộc, tài-sản, tật-bịnh, giới, kiến tổn-thất;
- năm sự thành-tựu: thân-thuộc, tài-sản, vô-bịnh, giới và kiến thành-tựu (chỉ khi giới và kiến thành-tựu mới sanh lên cõi trời, còn ba thành-tựu trước chưa đủ được để sanh Thiên);
- năm điều nguy-hiểm khi phạm-giới: vì phạm-giới nên phóng-dật làm tài-sản bị bị thiệt-hại, tiếng xấu đồn khắp, lo-sợ khi vào hội-chúng, khi chết tâm mê-loạn, tái-sanh vào các đường ác;
- năm điều lợi-ích khi giữ vẹn giới: tài-sản sung-túc, tiếng tốt đồn xa, chẳng sợ-hãi khi vào hội-chúng, khi chết tâm-thần chẳng dao-động, sanh vào thiện-giới;
- năm pháp nội-tâm cần có, khi chỉ-trích kẻ khác: nói đúng thời, đúng sự-thật, lời từ-tốn, lời lợi-ích, có lòng Từ;
- năm cần-chỉ: tin-tưởng sự giác-ngộ của Như-Lai, thiểu bịnh thiểu não, không dối-gạt, từ bỏ ác-pháp, thành-tựu trí-tuệ;
- năm tịnh-cư: Vô-phiền thiên, Vô-nhiệt thiên, Thiện-hiện thiên, Thiện-kiến thiên, Sắc-cứu-cánh thiên;
- năm bất-hoàn: Trung-gian Bát-Niết-bàn, Sanh Bát-Niết-bàn, Vô-hành Bát-Niết-bàn, Hữu-hành Bát-Niết-bàn, Thượng-lưu thú A-ca-ni-sá;
- năm tâm hoang-vu: tâm vị Tỳ-kheo không hướng đến tinh-tấn vì do-dự và nghi-ngờ về bực Đạo-sư, về Pháp, về Tăng, về học-pháp, về các vị đồng-tu;
- năm tâm triền-phược: tâm còn ô-nhiễm đầy dục-vọng, chẳng hướng đến nỗ-lực tinh-tấn vì tham-ái về thân, về sắc, về ăn-uống, về ngủ-nghỉ, về mong-cầu được sanh lên cõi Trời;
- năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân;
- năm căn khác: lạc-căn, khổ-căn, hỷ-căn, trú-căn, xả-căn;
- năm căn khác: tín-căn, tấn-căn, niệm-căn, định-căn, tuệ-căn;
- năm xuất-ly giới: tâm giải-thoát đối với các dục-vọng, đối với sân, đối với hại-tâm, đối với sắc, đối với tự-thân;
- năm giải-thoát-xứ: tâm hoan-hỷ nhập-định vì được nghe và hiểu pháp thuyết-giảng, vì giảng pháp rộng-rãi lại cho bạn đồng-tu, vì đọc-tụng pháp một cách rõ-ràng, vì suy-tư quán-sát về pháp, vì nắm giữ được một định-tướng đối với pháp;
- năm giải-thoát thành-thục-tưởng: Vô-thường tưởng, Khổ-tưởng trong vô-thường, Vô-ngã tưởng trong khổ, Đoạn-trừ tưởng, Vô-tham tưởng.

6. Loại sáu pháp: có tất cả 22 loại nầy, kể ra:

- sáu nội-xứ: nhãn-xứ, nhĩ-xứ, tị-xứ, thiệt-xứ, thân-xứ và ý-xứ;
- sáu ngoại-xứ: sắc-xứ, thanh-xứ, hương-xứ, vị-xứ, xúc-xứ và pháp-xứ;
- sáu thức: nhãn-thức, nhĩ-thức, tị-thức, thiệt-thức, thân-thức và ý-thức;
- sáu xúc: nhãn-xúc, nhĩ-xúc, tị-xúc, thiệt-xúc, thân-xúc và ý-xúc;
- sáu thọ-thân: cảm-thọ từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý;
- sáu tưởng-thân: sắc-tưởng, thanh-tưởng, hương-tưởng, vị-tưởng, xúc-tưởng và pháp-tưởng;
- sáu tư-thân: sắc-tư, thanh-tư, hương-tư, vị-tư, xúc-tư và pháp-tư;
- sáu ái-thân: sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái và pháp-ái;
- sáu bất-kính pháp: sống không tùy-thuận cung-kính với bậc Đạo-sư, với Pháp, với Tăng, với học-pháp, phóng-dật, vô-lễ và thiếu xã-giao;
- sáu kính-pháp: sống tùy-thuận cung-kính bậc Đạo-sư, Pháp, Tăng, học-pháp, bất-phóng-dật, lễ-phép và xã-giao;
- sáu suy-tư về hỷ: suy-tư lúc hỷ khởi lên khi mắt thấy sắc, khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi mùi, khi lưỡi nếm vị, khi thân xúc chạm, khi ý nhận pháp;
- sáu suy-tư về ưu: suy-tư lúc ưu khởi lên khi mắt thấy sắc, khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi mùi, khi lưỡi nếm vị, khi thân xúc chạm, khi ý nhận-thức pháp;
- sáu suy-tư về xả: suy-tư khi xả khởi lên lúc mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận-thức pháp;
- sáu hoà-kính pháp: giữ thân-nghiệp, khẩu-nghiệp, ý-nghiệp hoà-kính, chia vật cúng dường đồng-đều, giữ giới-hạnh, giữ Chánh-kiến;
- sáu tránh-căn: tránh các cơ-hội khởi lên tranh-cãi với nhau vì uất-hận, vì che dấu, vì tật-đố, vì ác-dục, vì tà-kiến, vì chấp-trước;
- sáu giới: điạ-giới, thủy-giới, hoả-giới, phong-giới, không-giới, thức-giới;
- sáu xuất-ly giới: từ-tâm giải-thoát được sân-tâm, bi-tâm giải-thoát được hại-tâm, hỷ-tâm giải-thoát được bất-lạc-tâm, xả-tâm giải-thoát được tham-tâm, vô-tướng-tâm giải-thoát được tâm chạy theo các tướng, khước-từ ngạo-mạn giải-thoát được do-dự và nghi-ngờ;
- sáu vô-thượng: kiến vô-thượng, văn vô-thượng, lợi-đắc vô-thượng, học-giới vô-thượng, hành vô-thượng, ức-niệm vô-thượng;
- sáu hằng-trú: tâm chẳng hỷ cũng chẳng ưu lại an-trú nơi xả khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận-thức pháp;
- sáu sanh-loại: các loại người hắc-sanh và sống tạo hắc-pháp, hắc-sanh và sống tạo bạch-pháp, hắc-sanh và sống tạo Niết-bàn phi hắc phi bạch pháp, bạch-sanh và sống tạo bạch-pháp, bạch-sanh và sống tạo hắc-pháp, bạch-sanh và sống tạo Niết-bàn phi hắc phi bạch pháp;
- sáu quyết trạch phần tưởng: Vô-thường tưởng, Khổ-tưởng trên vô-thường, Vô-ngã tưởng trên khổ, Đoạn-tưởng, Vô-tham tưởng, Diệt-tưởng.

7. Loại bảy pháp: có 14 loại pháp nầy như sau:

- bảy tài-sản: tín-tài, giới-tài, tàm-tài, quý-tài, văn-tài, thí-tài, tuệ-tài;
- bảy giác-chi: niệm, trạch-pháp, tinh-tấn, hỷ, khinh-an, định, xả;
- bảy định-cụ: chánh tri-kiến, chánh tư-duy, chánh-ngữ, chánh nghiệp, chánh-mạng, chánh tinh-tấn, chánh-niệm;
- bảy phi diệu-pháp: bất-tín, vô-tàm, vô-quý, thiểu-văn, giải-đải, thất-niệm, liệt-huệ;
- bảy diệu-pháp: tín, tám, quý, đa-văn, tinh-tấn, niệm, tuệ;
- bảy thượng-nhân pháp: tri-pháp, tri-nghiã, tự-tri, tri-lượng, tri-thời, tri-chúng, tri-nhơn;
- bảy thù-diệu-sự: tha-thiết hành-trì học-pháp, quán-pháp, điều-phục dục-vọng, sống an-tịnh, sống tinh-tấn, quán-sát tự-niệm, tha-thiết với kiến-giải;
- bảy tưởng: Vô-thường tưởng, Vô-ngã tưởng, Bất-tịnh tưởng, Hoạn-nạn tưởng, Đoạn-tưởng, Ly-tham tưởng, Diệt-tuởng;
- bảy lực: tín-lực, tinh-tấn-lực, tàm-lực, quý-lực, niệm-lực, định-lực, tuệ-lực;
- bảy thức-trú: loài hữu-tình có thân sai-biệt và tưởng sai-biệt như loài Người và một số chư Thiên, có thân sai-biệt và tưởng đồng-loại như chư Phạm-chúng Thiên, có thân đồng-loại và tưởng sai-biệt như chư Quang-âm Thiên, có thân đồng-loại và tưởng đồng-loại như chư Biến-tịnh Thiên, loài hữu-tình vượt khỏi mọi sắc-tưởng chứng Không vô-biên-xứ, chứng Thức vô-biên-xứ, chứng Vô-sở-hữu-xứ;
- bảy loại người khả-kính: câu-phần giải-thoát, tuệ giải-thoát, Thân-chứng, Kiến-chí, Tín giải-thoát, Tùy-pháp-hành, Tùy-tín-hành;
- bảy tùy-miên: dục-ái tùy-miên, sân tùy-miên, nghi tùy-miên, mạn tùy-miên, hữu-tham tùy-miên, vô-minh tùy-miên;
- bảy kết-sử: ái kết-sử, sân kết-sử, kiến kết-sử, nghi kết-sử, mạn kết-sử, hữu-tham kết-sử, vô-minh kết-sử;
- bảy diệt-tránh pháp: có khả-năng trừ-diệt các tránh-pháp: ưng dữ hiện tiền tỳ ni, ưng dữ ức niệm tỳ ni, ưng dữ bất si tỳ ni, ưng dữ tự ngôn trị, đa mích tội tướng, đa nhơn mích tội, như thảo phú điạ.

8. Loại tám pháp: có tất cả 11 loại, liệt-kê ra:

- tám Tà: tà tri-kiến, tà tư-duy, tà-ngữ, tà-nghiệp, tà-mạng, tà tinh-tấn, tà-niệm, tà-định;
- tám Chánh: chánh tri-kiến, chánh tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh tinh-tấn, chánh- niệm, chánh-định;
- tám bực khả-kính: Dự-lưu-hướng, Dự-lưu-quả, Nhất-lai-hướng, Nhất-lai-quả, Bất-lai-hướng, Bất-lai-quả, A-la-hán-hướng, A-la-hán-đạo;
- tám giải-đải-sự: việc phải làm chẳng làm lại nằm xuống, việc đang làm chẳng làm tiếp lại nằm xuống, phải đi khất-thực chẳng đi lại nằm, đang đi khất-thực chẳng đi tiếp lại nằm nghỉ, bị bịnh nhẹ cũng muốn nằm nghỉ, vừa hết bịnh vẫn cứ nằm nghỉ;
- tám tinh-tấn-sự: có việc phải làm làm ngay, có việc đã làm nên cố-gắng thêm, có con đường phải đi cứ cố gắng đi, đường đã đi qua còn cố-gắng thêm nữa, khi khất-thực chẳng nhận được thức ăn vẫn cố gắng, khi khất-thực có nhận được thức ăn cũng cố-gắng mãi, bị bịnh nhẹ cũng cố gắng làm, vừa hết bịnh lại vẫn cố gắng làm;
- tám bố-thí sự: tôi bố-thí vì có người đến, vì có người cho tôi, vì có người sẽ cho tôi, vì bố-thí là việc tốt lành, vì có người chẳng có nấu-nướng, vì tiếng tốt đồn xa, vì muốn tâm tôi trang-nghiêm;
- tám thí-sanh: bố-thí vì mong được sanh vào hàng Sa-môn hay Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, chư Thiên các cõi Trời Tứ-Đại Thiên-Vương, Tam-Thập-Tam, Dạ-ma, Đâu-suất, Tha-Hoá Tự-tại, Phạm-Chúng Thiên;
- tám chúng: Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Gia-chủ, Sa-môn, Tứ-Đại Thiên-vương, Tam-thập-tam Thiên, Thiên-Ma, Phạm-Thiên;
- tám thế-pháp: đắc, bất-đắc, danh-văn, ác-văn, phỉ-báng, tán-thán, lạc và khổ;
- tám thắng-xứ: quán-tưởng nội-sắc và thấy ngoại-sắc có hạn-lượng đẹp xấu, quán-tưởng nội-sắc thấy ngoại-sắc vô hạn-lượng đẹp xấu, quán-tưởng vô-sắc ở nợi-tâm thấy ngoại-sắc có hạn-lượng đẹp xấu, quán-tưởng vô-sắc ở nội-tâm thấy các ngoại-sắc vô hạn-lượng đẹp xấu, quán-tưởng vô-sắc ở nội-tâm thấy các ngoại sắc màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng;
- tám giải-thoát: tự mình có sắc và thấy các sắc, quán nội-sắc là vô-sắc và thấy các ngoại-sắc, quán sắc là tịnh và chú-tâm trên tưởng đó, vượt khỏi sắc-tưởng và chứng Hư-không vô-biên-xứ, vượt Hư-không và chứng Thức vô-biên-xứ, vượt Thức vô-biên và chứng Vô-sở-hữu-xứ, vượt Vô-sở-hữu và chứng Phi-tưởng phi phi-tưởng xứ.

9. Loại chín pháp: có tất cả 6 loại như sau:

- chín xung-đột sự: xung-đột khởi lên khi kẻ ấy đang làm hại tôi, đã làm hại tôi, sẽ làm hại tôi, đang làm hại, đã làm hại, sẽ làm hại người thân vủa tôi, đang làm lợi, đã làm lợi, sẽ làm lợi cho kẻ thù của tôi;
- chín sự điều-phục xung-đột: ích-lợi gì đâu mà cứ nhớ nghĩ kẻ ấy đã làm hại tôi, đang làm hại tôi, sẽ làm hại tôi, đã làm hại, đang làm hại, sẽ làm hại người thân của tôi, đã làm lợi, đang làm lợi, sẽ làm lợi cho kẻ thù của tôi;
- chín chỗ an-trú của loài hữu-tình: các đoạ-xứ, Phạm-chúng Thiên, Quang-âm Thiên, Tịnh-cư Thiên, Không vô-biên-xứ, Thức vô-biên-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-tưởng phi phi-tưởng-xứ;
- chín bất thời bất tiết Phạm-hạnh trú: khi Phật ra đời có kẻ chẳng được nghe Phật-pháp, vì sanh ở điạ-ngục, bàng-sanh, ngạ-quỷ, a-tu-la, chư Thiên, vùng biên-điạ, vướng tà-kiến, các căn chẳng đầy-đủ;
- chín thứ-đệ trú: sơ-thiền, nhị-thiền, tam-thiền, tứ-thiền không vô-biên-định, Thức vô-biên-định, Vô-sở-hưũ-định, Phi-tưởng phi phi-tưởng-định, Diệt thọ-tưởng-định;
- chín thứ-đệ diệt: ở Sơ-thiền dục-tưởng bị diệt, ở Nhị-thiền tầm-tứ bị diệt, ở Tam-thiền hỷ bị diệt, ở Tứ-thiền hơi thở ra vào bị diệt, ở Không vô-biên-xứ sắc-tưởng bị diệt, ở Thức vô-biên xứ không-tưởng bị diệt, ở Vô-sở-hữu-xứ Thức-tưởng bị diệt, ở Phi-tưởng phi phi-tưởng xứ, Vô-sở-hữu tưởng bị diệt, ở Diệt-thọ-tưởng định cảm-thọ và tư-tưởng đều bị diệt.

10. Loại mười pháp: có tất cả 6 loại, kể ra:

- Mười pháp hộ-trì nhân: sống chế-ngự trong Giới-bổn (Patimokkha), đa-văn nghe nhiều Pháp thành-tựu nhờ chánh-kiến, thân-cận với thiện-hữu, lời nói nhu-hoà kham-nhẫn nhận sự chỉ-trích, khéo nhận trách-nhiệm phải làm với bạn đồng-tu, rất hoan-hỷ đối với thắng-pháp và thắng-luật, bằng lòng với vật-dụng nhận được, sống tinh-tấn chẳng phế-bỏ các thiện-pháp, có chánh-niệm và tỉnh-giác nhớ rõ lời đã nói cùng việc đã làm từ lâu, có huệ-trí và chơn-chánh diệt-trừ mội đau-khổ;
- mười biến-xứ: các biến-xứ đất, nước, gió, lửa, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư-không, thức khi biến-đổi trên dưới, ngang, bất-nhị, vô-hượng;
- mười nghiệp-đạo bất-thiện: sát-sanh, trộm-cắp, tà-dâm, vọng-ngữ, lưỡng-thiệt, ác-khẩu, ỷ-ngữ, tham, sân và tà-kiến;
- mười nghiệp-đạo thiện: chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cắp, chẳng tà-dâm, chẳng vọng-ngữ, chẳng lưỡng-thiệt, chẳng ác-khẩu, chẳng ỷ-ngữ, ly-tham, ly-sân, ly-si;
- mười Thánh-cư: Tỳ-kheo đoạn-trừ năm triền-cái, chế-ngự sáu căn, hộ-trì niệm, thực-hiện bốn y (bằng cách suy-tư, nhẫn-thọ, đoạn-trừ, tránh xa một ác-pháp), loại bỏ các giáo-điều, đoạn-tận các mong-cầu, tâm-tư không trệ-phược, thân-tâm được khinh-an, tâm khéo giải-thoát, và tuệ khéo giải-thoát;
- mười pháp vô-học: Vô-học chánh-tri-kiến, vô-học chánh-tư-duy, vô-học chánh-ngữ, vô-học chánh-nghiệp, vô-học chánh-mạng, vô-học chánh tinh-tấn, vô-học chánh-niệm, vô-học chánh-định, vô-học chánh-trí, và vô-học chánh giải-thoát.

Trước khi kết-thúc, Tôn-giả Xá-lợi-phất nhắc-nhở các Tỳ-kheo: ''Các pháp nầy được Thế-Tộn giảng-dạy chơn-chánh, qúi-vị đã biết, đã thấy; mọi người phải cùng nhau tụng-đọc, không có tranh-luận, để phạm-hạnh nầy được trường-tồn, vì hạnh-phúc cho chư Thiên và loài Người.'' Bấy giờ, Thế-Tôn ngồi dậy, khen-ngợi Tôn-giả đã khéo giảng Kinh nầy.

156. ĐỌC KINH PHÚNG-TỤNG, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

1. Nội-dung Kinh Phúng-Tụng là một bản tổng-kê các bài pháp quan-trọng đã được đức Phật thuyết-giảng cho các đệ-tử nghe và tu-tập. Tên bản Kinh nầy là Phúng-tụng, nghiã là để đọc-tụng, chớ chẳng phải để tranh-cãi nhau, như trong trường-hợp của giáo-phái loã-thể bị tan-rả sau khi vị sự-trưởng ngoại-đạo từ-trần.

2. Bản tổng-kê còn chưa thâu-tóm được hết tất cả các pháp-tu đức Phật đã diễn-giảng trong suốt hơn bốn mươi năm; ta thường nghe nói có đến tám vạn bốn ngàn pháp-môn ! Nhưng người học Kinh chớ ngại, học kỹ và thực-hành đúng bất cứ bản Kinh-Phật nào, cũng đem lại lợi-lạc thiết-thực cho đường-tu của mình. Tưởng cũng nên dùng bản tổng-kê nầy để tra-cứu lại các pháp-môn mình đang học-tập.

(TN. Mtl, 2006-93-25).

-ooOoo-

34. KINH THẬP THƯỢNG .

157. TRONG TRƯỜNG-HỢP NÀO, BẢN KINH THẬP THƯỢNG ĐƯỢC GIẢNG?

Vào một thời kia, đức Phật trú bên bờ hồ Già-già (Gaggara), gần thành Chiêm-bà (Campa), cùng với các vị Tỳ-kheo. Bấy giờ, vào buổi tối, Thế-Tôn mời Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta) thay-thế Ngài giảng pháp cho các vị Tỳ-kheo đang ngồi ngoài trời, chờ nghe kinh. Do đó, bản Kinh nầy được vị đại-đệ-tử bực nhứt của đức Phật thuyết-giảng.

Cũng giống như Kinh Phúng-Tụng, Kinh Thập Thượng liệt-kê một trăm pháp-tu đã được Thế-Tôn giảng-dạy từ trước, nay Tôn-giả Xá-lợi-phất sắp-xếp lại theo thứ-tự từ một pháp cho đến mười pháp.

158. NỘI-DUNG KINH THẬP THƯỢNG.

A.- Ý Chánh: Mười điểm quan-trọng (Thập Thượng) cần lưu-ý khi học-tập một bản Kinh-Phật: phải biết pháp-tu: (1) có nhiều tác-dụng, (2) cần phải tu-tập, (3) cần phải biến-tri, (4) cần được đoạn-trừ, (5) cần biết chỗ nguy-hại, (6) đưa đến sự thù-thắng, (7) khó thể-nhập, (8) cần được sanh-khởi, (9) cần được thắng-tri, (10) cần được tác-chứng.

B.- Phân đoạn: Vì Kinh nầy là bản liệt-kê các pháp-tu nên rất khó cho việc phân ra thành từng đoạn như trong một dàn-bài. Xin dựa theo mười điểm quan-trọng vừa nêu trên để sắp-xếp lại nội-dung Kinh, nhưng vẫn giữ thứ-tự từ một pháp đến mười pháp.

1. Pháp-tu có nhiều tác-dụng: (1) Bất phóng-dật; (2) Chánh-niệm và tỉnh-giác; (3) giao-thiệp với thiện-nhơn, nghe diệu-pháp, hành-trì pháp; (4) bốn bánh xe: cư-trú nơi đô-thị, gần bực thắng-nhơn, chánh-nguyện tự-thân, tạo phước trong quá-khứ; (5) năm cần-chi: tin-tưởng nơi đức-độ của Như-Lai (xem Kinh Phúng-Tụng), (6) sáu hoà-kính pháp (xem Kinh Phúng-Tụng); (7) bảy tài-sản; (8) tám nhân-duyên (ở gần bực Đạo-sư, có dịp thưa hỏi, nghe pháp thân-tâm được an-tịnh, giữ-gìn giới-bổn, đa-văn biết ghi nhớ nhiều, kiên-trì với thiện-pháp, có chánh-niệm, quán-sát sự sanh-diệt của năm thủ-uẩn); (9) chín pháp tư-duy về căn-pháp (từ tư-duy sanh ra hân-hoan-> hỷ -> tâm hoan-hỷ -> thân khinh-an -> lạc-thọ -> tâm định-tỉnh -> biết sự-việc như-thật -> yếm-ly -> ly-dục đưa đến giải-thoát); (10) mười pháp hộ-trì nhân (xem Kinh Phúng-Tụng).

2. Pháp-tu cần được tu-tập: (1) niệm thân; (2) Chỉ và Quán; (3) Ba định (có tầm có tứ, không tầm có tứ, chẳng còn tầm và tứ); (4) Bốn Niệm-xứ; (5) Năm chi của chánh-định (hỷ biến-mãn, lạc biến-mãn, tâm biến-mãn, quang biến-mãn, quán-sát tướng); (6) sáu Tùy-niệm-xứ (niệm Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên); (7) Bảy Giác-chi; (8) Bát-Chánh-Đạo; (9) Chín chi thanh-tịnh (giới, tâm, kiến, đoạn nghi, đạo phi-đạo tri-kiến, hành-trì tri-kiến, tri-kiến, tuệ, giải-thoát); (10) Mười biến-xứ (xem Kinh Phúng-Tụng).

3. Pháp-tu cần phải biến-tri: (1)xúc hữu-lậu hữu-thủ; (2) Danh và Sắc; (3) Ba loại cảm-thọ; (4) Bốn thực (đoàn-thực, xúc-thực, tư-niệm-thực, thức-thực); (5) năm thủ-uẩn; (6) Sáu nội-xứ; (7) Bảy thức-trí (xem Kinh Phúng-Tụng); (8) Tám thế-pháp (x. Kinh Phúng-Tụng); (9) Chín hữu-tình-trú (Kinh Phúng-Tụng); (10) Mười xứ: nhãn, sắc, nhĩ, thanh, tỵ, hương, thiệt, vị, thân, xúc).

4. Pháp cần được đoạn-trừ: (1) Ngã-mạn; (2) Vô-minh và hữu-ái; (3) Ba ái (dục-ái, hữu-ái và phi-hữu-ái); (4) bốn bộc-lưu (dục, hữu, kiến, vô-minh); (5) Năm triền-cái; (6) Sáu ái (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp); (7) bảy tùy-miên (xem Kinh Phúng-Tụng); (8) Tám Tà; (9) Chín ái-căn pháp (từ ái sanh ra tầm-cầu-> đắc lợi -> phân-biệt -> tham-dục -> thủ-trước -> chấp-trì ->xan-tham -> hộ-trì, đưa đến các ác-pháp); (10) Mười tà-pháp (tám tà, thêm: tà-trí và tà giải-thoát).

5. Pháp đưa tới sự tai-hại: (1) Bất-chánh tác-ý; (2) Ác-ngôn và ác-hữu; (3) Ba bất-thiện-căn (tham, sân, si); (4) bốn ách (dục-ách, hữu-ách, kiến-ách, vô-minh-ách); (5) năm Tâm hoang-vu (xem Kinh Phúng-Tụng); (6) sáu bất-cung-kính pháp (không cung-kính đối với Phật, Pháp, Tăng, học-pháp, bất-phóng-dật, tiếp-đón chẳng niềm-nỡ); (7) bảy phi-diệu-pháp (bất-tín, vô-tàm, vô-quý, thiểu-văn, giải-đãi, thất-niệm, ác-huệ); (8) Tám sự giải-đãi (xem Kinh Phúng-Tụng); (9) chín hại-tâm (xem Kinh Phúng-Tụng); (10) Mười nghiệp-đạo bất-thiện (xem Kinh Phúng-Tụng).

6. Pháp-tu hướng đến sự thù-thắng: (1) Tác-ý chơn-chánh; (2) Thiện-ngôn và thiện-hữu; (3) Ba thiện-căn (vô-tham, vô-sân, vô-si); (4) bốn ly-ách (ly-dục ách, ly-hữu ách, ly-kiến-ách, ly vô-minh ách);(5) Năm căn: tín-căn, tấn-căn, niệm-căn, định-căn, tuệ-căn); (6) Sáu cung-kính-pháp (đối với Phật, Pháp, Tăng, học-pháp, bất-phóng-dật, tiếp-đón niềm-nỡ); (7) bảy diệu-pháp (tín, tàm, quý, đa-văn, tinh-cần, niệm hiện-tiền, tuệ); (8) Tám sự tinh-tấn (xem Kinh Phúng-Tụng); (9) chín sự điều-phục hại-tâm (xem Kinh Phúng-Tụng); (10) Mười nghiệp-đạo bất-thiện (xem Kinh Phúng-Tụng).

7. Pháp-tu rất khó thể-nhập: (1) Vô-gián định-tâm; (2) Nhân và duyên làm ác-nhiễm loài hữu-tình, nhân và duyên làm thanh-tịnh loài hữu-tình; (3) Ba xuất-yếu-giới (ly-dục [xuất-ly khỏi các dục-vọng], vô-sắc [xuất-ly khỏi sắc-pháp], diệt [xuất-ly khỏi các pháp hữu-vi]); (4) bốn định (xả-phần định, chỉ-phần định, thắng-phần định, quyết-trạch-phần định); (5) Năm giới hướng đến giải-thoát (Kinh Ph.-Tụng); (6) Sáu xuất-ly-giới (Kinh Ph-Tụng); (7) bảy thượng-nhân pháp (tri pháp, tri nghiã, tri ngã, tri lượng, tri thời, tri chúng và tri nhân); (8) tám bất thời bất tiết, Phạm-hạnh trú (Kinh Phúng-Tụng, trừ sanh thân A-tu-la ra, còn tám); (9) Chín loại sai-biệt (do duyên giới sai-biệt, xúc sai-biệt sanh, do xúc -> thọ -> tưởng -> tư-duy -> dục -> nhiệt-tình -> tầm-cầu -> đắc-lợi sanh ra); (10) Mười Thánh-cư ( Kinh Ph.-Tụng).

8. Pháp-tu cần được sanh-khởi: (1) Bất-động-trí; (2) Tận-trí và vô-sanh-trí; (3)Ba Trí (Trí đối với quá-khứ, hiện-tại, vị-lai); (4) Bốn Trí (pháp-trí, loại-trí, tha-tâm-trí, thế-tục-trí); (5) Năm chánh-định-trí (trong cơn định tự khởi lên trí biết: đời nầy đời sau được an-lạc, định nầy thuộc bực Thánh xuất-thế, định nầy thuộc hàng Hiền-thiện, định nầy thanh-lương hướng đến nhứt-tâm và an-tịnh, với chánh-niệm tôi nhập và xuất định nầy); (6) Sáu hằng-trú-pháp (an-trú xả-niệm khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vi, thân xúc chạm, ý nhận-thức pháp); (7) Bảy tưởng (vô-thường tưởng, vô-ngã tưởng, bất-tịnh tưởng, quá-hoạn tưởng, đoạn- trừ tưởng, ly-tham tưởng, diệt-tưởng); (8) Tám đại-nhân tầm (pháp nầy dành cho người thiểu-dục, tri-túc, độc-cư, năng tinh-tấn, giữ niệm hiện-tiền, có định-tâm, có trí-tuệ, chẳng ưa lý-luận); (9) Chín tưởng ( bất-tịnh tưởng, tử-tưởng, thực-yểm ly tưởng, nhứt-thiết thế-gian bất-lạc tưởng, vô-thường tưởng, khổ-tâm tưởng trên vô-thường, vô-ngã tưởng trên ngã, đoạn-trừ tưởng, vô-tham tưởng); (10) Mười tưởng (như chín tưởng trên, thêm vô-ngã tưởng trên vô-thường).

9. Pháp-tu cần được thắng-tri: (1) tất cả loài hữu-tình do ăn-uống mà an-trú; (2) Hữu-vi giới và vô-vi giới; (3) Ba giới (dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới); (4) bốn Thánh-đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo); (5) Năm giải-thoát-xứ (xem Kinh Phúng-Tụng); (6) Sáu chi vô-thượng (Kiến vô-thượng, văn vô-thượng, lợi-đắc vô-thượng, giới vô-thượng, hành vô-thượng, ức-niệm vô-thượng); (7) Bảy thù-diệu-sự (xem Kinh Phúng-Tụng); (8) Tám thắng-xứ (xem Kinh Phúng-Tụng); (9) Chín thứ-đệ-trú (xem Kinh Phúng-Tụng); (10) Mười đoạn-tận sự (chánh-kiến đoạn-tận tà-kiến cùng các ác-pháp đồng thời tăng-cường thiện-pháp, chánh tư-duy đoạn-tận tà-tư-duy, chánh-ngữ đoạn-tận tà-ngữ, chánh-nghiệp đoạn-tận tà-nghiệp, chánh-mạng đoạn-tận tà-mạng, chánh-niệm đoạn-tận tà-niệm, chánh-định đoạn-tận tà-định, chánh-giải-thoát đoạn-tận tà-giải-thoát.

10. Pháp-tu cần được chứng-ngộ: (1) Bất-động tâm giải-thoát; (2)Minh và giải-thoát; (3) Ba minh (túc-mạng-minh, sanh-tử minh, lậu-tận minh); (4) Bốn quả Sa-môn ( Dự-lưu, Nhứt-lai, Bất-lai, A-la-hán); (5) Năm pháp-uẩn ( giới-uẩn, định-uẩn,tuệ-uẩn, giải-thoát uẩn, giải-thoát tri-kiến uẩn); (6) Sáu thắng-trí (thần-túc thông, thiên-nhãn, thiên-nhĩ, tha-tâm thông, túc-mạng thông, lậu-tận thông); (7) Bảy lậu-tận lực (dùng chánh-tuệ quán pháp hữu-vi vô-thường, quán các dục-vọng, tâm hướng xuất-ly, tu-tập bốn niệm an-trú, năm căn, bảy Giác-chi và Bát-Chánh-Đạo dùng làm sức mạnh để biết mình đã diệt-tận các lậu-hoặc); (8) Tám giải-thoát (Kinh Ph.-Tụng); (9) Chín thứ-đệ diệt (Kinh Ph.-Tụng); (10) Mười vô-học pháp (Kinh Phúng-Tụng).

Tôn-giả Xá-lợi-phất kết-thúc bài giảng như sau: ''Như vậy, một trăm pháp nầy là chơn-thật, như thị, ..., không phải sai-khác, đã được Như- Lai giác-ngộ.''

159. ĐỌC KINH THẬP THƯỢNG, CHÚ-Ý ĐIỂM NÀO?

Kinh Thập Thượng liệt-kê 100 bản Kinh đã được đức Phật giảng, Tôn-giả Xá-lợi-phất sắp-xếp lại theo thứ-tự từ loại một pháp cho đến loại mười pháp nhưng với đặc-điểm là các pháp được qui vào mười đề-mục từ các pháp ''có nhiều tác-dụng'' cho đến các pháp ''cần được chứng-ngộ''. Có lẽ đó là lý-do lấy hai chữ ''Thập Thượng'' (mười điều trên cao) làm tên Kinh.

(TN. Mtl, 2006-03-26).

-ooOoo-

Tham khảo: Trường Bộ Kinh, Hòa thượng Minh Châu dịch Việt.

Ðầu trang | Phần I | Phần II | Phần III

Chân thành cám ơn đạo hữu Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 09-2006).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-10-2006