BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Đôi bạn Citta-Sambhùta
(498. Tiền thân
Citta-Sambhùta)


Chóng chầy thiện nghiệp đều mang quả...

Chuyện này Bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về hai người bạn đồng tu của Tôn giả Mahà Kassapa (Đại Ca Diếp) sống rất hòa hợp với nhau.

Chuyện kể rằng đôi bạn này vô cùng thân thiết, đã phân chia mọi thứ cùng nhau hết sức công bình: ngay cả khi khất thực, hai vị cũng cùng đi ra và cùng trở về với nhau, hai vị không hề chịu rời nhau.

Trong Chánh pháp đường, Tăng chúng đang ngồi tán thán tình bằng hữu ấy thì Bậc Đạo Sư bước vào, hỏi các vị đang bàn luận chuyện gì khi ngồi tại đó. Tăng chúng trình với Ngài. Ngài đáp:

- Này các Tỷ kheo, tình bạn này chỉ trong một đời sống chẳng có gì kỳ lạ cả, vì các bậc trí nhân ngày xưa đã giữ được tình bằng hữu vững bền suốt qua cả ba bốn đời sống.

Nói vậy xong, Ngài kể cho Tăng chúng nghe một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, trong quốc độ Avanti, tại kinh thành Ujjeni, có vị đại vương trị vì mệnh danh là vua Avanti. Thuở ấy một làng Candàla (Chiên đà la: vô loại, hạ đẳng) ở ngoại thành Ujjeni là nơi Bậc Đại sĩ ra đời. Một người khác sinh làm con trai của bà dì ngài. Một cậu bé tên là Citta, cậu kia tên Sambhùta.

Khi hai cậu bé lên và đã học được nghề quét bằng chổi trong dòng họ Chiên đà la rồi, liền nghĩ rằng hai cậu sẽ đi trình diễn nghề này tại cổng thành. Vì thế một cậu biểu diễn tại Bắc môn, một cậu tại Đông môn. Bấy giờ trong kinh thành này có hai phụ nữ giỏi nghề xem tướng, một cô là con gái một thương nhân, và cô kia là con một tế sư. Hai cô gái ấy đi vui chơi trong công viên, sau khi bảo gia nhân đem theo thực phẩm đủ loại cứng, loại mềm, vòng hoa hương liệu, thì ngẫu nhiên một cô đi ra cổng Bắc, và một cô ra cổng phía Đông. Khi thấy hai thanh niên Chiên đà la đang biểu diễn tay nghề, hai cô hỏi:

- Chúng là ai đây?

Rồi hai cô được cho biết đó là hai kẻ Chiên đà la. Hai cô bảo:

- Thấy điềm này xui xẻo lắm.

Và sau khi rửa mắt bằng nước hương thơm, cả hai đều đi về. Sau đó, đám dân chúng la lớn:

- Này bọn hạ đẳng tồi tàn kia, chúng bây đã làm chúng ta mất phần cơm rượu đáng lẽ được hưởng miễn phí đấy!

Chúng đánh đập hai anh cùng họ ấy một trận nhừ tử, làm cả hai đau đớn ê chề. Khi hai người tỉnh dậy liền đi tìm nhau và kể cho nhau nghe tai họa đã đến cho mình ra sao, rồi lại than khóc kêu gào và cố nghĩ cách xem phải làm gì đây. Cả hai suy nghĩ: "Tất cả việc khốn nạn này đã giáng xuống chúng ta chỉ vì dòng giống ta sinh ra. Ta sẽ chẳng bao giờ làm kẻ Chiên đà la nữa, mà ta phải giấu tung tích dòng họ để rồi đi tới Takkasilà, giả dạng các nam tử Bà la môn và học tập tại đó".

Sau khi quyết định như vậy, cả hai đến chỗ đó, theo đòi học tập với một giáo sư danh tiếng lẫy lừng. Thiên hạ đồn vang khắp cõi Diêm Phù Đề (Ấn Độ) rằng có hai nam tử Chiên đà la đang làm thư sinh và giấu diếm tung tích gia tộc mình. Bậc Trí nhân Citta học tập thành công, song chàng Sambhùta thì không được như thế.

Một ngày kia có người dân làng mời vị giáo sư ấy với ý định cúng dường thực phẩm cho các Bà la môn. Bấy giờ do ngẫu nhiên mưa suốt đêm ấy làm ngập lụt mọi hang hốc trên đường đi. Sáng sớm hôm sau, vị thầy giáo gọi Trí giả Citta vào và bảo:

- Này con, hôm nay thầy không đi được, vậy con đi cùng các nam tử kia, rồi làm lễ chúc phước lành và khi con ăn thực phẩm của mình xong, hãy mang về những món để dành cho thầy.

Do đó, ngài đem các thanh niên Bà la môn khác cùng lên đường. Trong khi các thanh niên tắm rửa và súc miệng, dân chúng dọn món cháo gạo đã chuẩn bị sẵn sàng để mời khách quý và bảo:

- Để cho nó nguội đi.

Trước khi cháo nguội, đám thanh niên đã đến ngồi xuống. Dân chúng dâng nước cúng dường, rồi đặt các bát cháo trước mặt họ. Trí óc Sambhùta có hơi trì độn, nên tưởng cháo đã nguội, liền múc một hớp bỏ vào miệng, song nó làm chàng nóng bỏng như cục sắt nóng đỏ. Trong lúc đau đớn, chàng quên mất vai trò của mình, liền liếc qua bậc Hiền trí Citta và nói bằng ngôn ngữ của dân Chiên đà la:

- Cháo nóng quá phải chăng?

Chàng kia cũng quên mất bản thân mình, nên đáp lại theo ngôn ngữ của họ:

- Nhổ ra, nhổ ra mau!

Nghe thế, đám thanh niên nhìn nhau bảo:

- Loại ngôn ngữ gì thế này?

Lúc ấy bậc Trí Citta nói lời chúc lành cho tất cả.

Khi các chàng trai kia về nhà, họ tụ tập thành tụm năm tụm ba và ngồi bàn luận về những từ ngữ đã được dùng kia. Khi nhận ra đó là ngôn ngữ của bọn Chiên đà la, họ kêu to:

- Quân hạ đẳng tồi tàn kia! Chúng bây đã lừa dối cả bọn ta lâu nay, cứ giả dạng làm Bà la môn!.

Rồi họ đánh đập hai vị ấy. Có một người tốt bụng xua đuổi hai vị ra và nói:

- Đi ngay! Vết nhục nằm trong huyết thống kia. Phải đi ngay! Đến đâu đó mà làm ẩn sĩ khổ hạnh!

Rồi các thanh niên Bà la môn trình với thầy giáo rằng đấy là hai kẻ Chiên đà la giả dạng.

Hai chàng đi vào rừng sống đời khổ hạnh tại đó, sau một thời gian chết đi, tái sinh làm hai chú nai con bên bờ sông Neranjarà (Ni Liên Thuyền). Từ lúc sinh ra, chúng luôn luôn ở bên nhau. Một ngày kia, sau khi chúng ăn xong, một người thợ săn chợt thấy chúng dưới một gốc cây đang ngồi nhai lại, âu yếm vuốt ve nhau rất hạnh phúc, đầu sát đầu, mõm kề mõm, sừng bên sừng. Gã liền phóng lao tới, giết trọn luôn cả hai bằng nhát lao ấy.

Sau đó chúng tái sinh làm con của chim ưng biển trên bờ Nerbudda (Niết Bút). Cũng tại đó, chúng lớn lên, sau khi ăn xong lại ôm ấp đầu sát đầu, mỏ kề mỏ. Một kẻ bẫy chim trông thấy, bắt cả hai và giết đi.

Sau đó bậc Trí Citta tái sinh tại Kosambi, làm con vị tế sư, còn bậc Trí Sambhùta tái sinh làm vương tử của vua Uttarapancala. Ngay từ ngày được đặt tên, hai hài nhi ấy đã có khả năng nhớ lại các đời trước của mình. Song Sambhùta không thể nào nhớ hết tất cả mà không bị gián đoạn, và cậu chỉ nhớ đời thứ tư hoặc đời Chiên đà la thôi, còn Citta lại nhớ đủ cả bốn đời theo thứ tự.

Khi Citta được mười sáu tuổi, chàng xuất gia làm ẩn sĩ khổ hạnh ở vùng Tuyết Sơn, tu tập làm phát khởi Thắng trí do Thiền định và an trú trong hỷ lạc Thiền định. Còn bậc Trí giả Sambhùta, sau khi phụ vương băng hà, liền được giương chiếc lọng trắng trên đầu vào ngày phong vương kia, giữa quần thần đông đảo, ngài làm một bài ca tức vị, rồi rung cảm ngâm lên hai đoạn.

Khi quần thần nghe xong, đám cung phi và nhạc công đều ca hát, bảo nhau:

- Đây là ca khúc đăng quang của Đức chúa thượng chúng ta!

Và dần dà với thời gian, dân chúng đều ca khúc hát ấy vì đó là Thánh đạo ca được đức vua yêu thích. Bậc Trí Citta đang an trú ở vùng Tuyết Sơn, tự hỏi không biết hiền đệ Sambhùta của ngài đã được giương chiếc lọng che ấy chưa. Khi nhận thấy việc đã xong, ngài suy nghĩ: "Ta chẳng bao giờ đủ sức giáo hóa một vị tân vương còn trẻ, song khi nào em ta già rồi, ta sẽ đến thăm và khuyên nhủ em ta đi làm ẩn sĩ khổ hạnh".

Suốt năm mươi năm ngài không hề đi thăm viếng, và trong thời gian ấy, vua có đông con cái lên dần. Về sau nhờ thần lực của ngài, Trí giả Citta phi hành đến vườn ngự uyển đáp xuống, ngồi trên bảo tọa dành cho nghi lễ như một bức tượng bằng vàng.

Vừa lúc ấy, một chàng trai kiếm củi, vừa làm việc, vừa hát khúc đạo ca ấy. Bậc Trí giả Citta gọi chàng trai lại gần, chàng tiến đến đảnh lễ cung kính rồi đứng chờ. Trí giả Citta bảo chàng:

- Từ sáng đến giờ, cậu chỉ hát mãi khúc đạo ca ấy, thế cậu không biết khúc nào nữa chăng?

- Thưa Tôn giả, có chứ, con biết nhiều khúc ca lắm, song đây là những lời ca được đức vua yêu chuộng, vì thế con không hát khúc nào khác.

- Thế không có ai biết hát một điệp khúc đáp lại khúc ca của đức vua chăng?

- Thưa Tôn giả, con biết hát nếu con được dạy khúc ca ấy.

- Thế thì được, hễ khi nào đức vua hát hai khúc trên, thì cậu hát khúc này làm khúc thứ ba đấy.

Rồi ngài ngâm một khúc và bảo:

- Bây giờ cậu hãy đi hát khúc này trước đức vua, ngài sẽ hài lòng và quý trọng cậu lắm.

Chàng trai vội vàng chạy về tìm mẹ, bảo mẹ mặc cho chàng y phục thật tề chỉnh rồi đến cửa cung vua, nhờ người tâu lên rằng có một chàng trai xin được yết kiến để hát một khúc ca đáp lời đức vua. Vua bảo:

- Cho nó vào.

Khi chàng trai tiến lên, đảnh lễ ngài xong, vua phán:

- Chúng tâu rằng cậu muốn hát một khúc đáp lời trẫm, có phải chăng?

Chàng trai đáp:

- Tâu chúa thượng, đúng vậy, xin ngài triệu tập quần thần lại để cùng nghe.

Ngay khi triều đình tụ họp xong, chàng tâu:

- Tâu chúa thượng, xin chúa thượng ca khúc hát của ngài trước, rồi thần sẽ xin hát lời đối lại.

Vua liền ngâm đôi vần kệ:

1. Chóng chầy thiện nghiệp đều mang trái,
Không nghiệp gì không có quả sinh,
Chẳng có việc lành nào uổng phí:
Sam-bhù, ta thấy, lớn lên thành
Hùng cường, vĩ đại và như thế
Công đức ngài đem đến quả lành.

2. Chóng chầy thiện nghiệp đều mang trái,
Không nghiệp gì không có quả mang,
Chẳng có việc lành nào uổng phí:
Citta, ai biết, có vinh quang
Giống như phần trẫm,  tâm hiền hữu
được an vui lợi lạc chăng?

Khúc đạo ca trên vừa chấm dứt, chàng trai liền đáp vần thứ ba:

3. Thiện nghiệp chóng chầy đều đạt quả,
Nghiệp nào mà chẳng quả lai sinh,
Không gì vô ích, tâu hoàng thượng,
Xin ngắm Citta tại cổng thành,
Chẳng khác quân vương, tâm vị ấy
Đã đem hỷ lạc đến cho mình.

Nghe lời này, vua lại ngâm vần kệ thứ tư:

4. Vậy có phải chàng chính Citta,
Hay chàng nghe được chuyện ngày xưa
Từ ngài, hay một người nào khác?
Ôi ngọt ngào thay khúc Thánh ca!
Ta chẳng sợ gì; ta sẽ thưởng
Ngôi làng hay tặng vật làm quà.

Tiếp theo chàng trai ngâm vần kệ thứ năm:

5. Hạ thần nào có phải Citta,
Song chuyện ấy thần được biết qua,
Chính một hiền nhân vừa dạy bảo:
"Đi ngâm lời hát đối dâng vua,
Rồi chàng sẽ được ngài ban thưởng,
Tay của ngài ân nghĩa đậm đà!".

Nghe lời này, vua suy nghĩ: "Chắc hẳn đó là hiền huynh Citta của ta rồi, ta muốn đi tìm ngài ngay". Thế là vua ra lệnh cho quần thần qua hai vần kệ sau:

6. Các vương xa hãy thắng yên cương
Chạm trổ tinh vi, đẹp tuyệt trần,
Đem buộc cân đai v
ào bảo tượng,
Điểm trang vòng cổ sáng huy hoàng.

7. Quần thần hãy đánh trống liên hoan,
Bảo thổi tù và ốc dậy vang,
Chuẩn bị vương xa nhanh bậc nhất,
Bởi vì trẫm muốn sớm lên đàng
Hôm nay tìm thảo am cô tịch,
Yết kiến hiền nhân trước tọa sàng.

Vua nói vậy xong, liền ngự lên vương xa lộng lẫy và vội vàng đến ngay cổng ngự viên. Tại đó ngài dừng xa giá và đến gần hiền giả Citta, đảnh lễ rất cung kính rồi ngồi xuống một bên, lòng tràn ngập hân hoan, ngài ngâm vần kệ thứ tám:

8. Thật quý thay là Thánh khúc xưa,
Trẫm từng ca hát thật say sưa,
Trong khi dân chúng đông dồn dập,
Quần tụ chung quanh chật cả nhà;
Nay đến đây xin chào Thánh giả,
Hân hoan, hạnh phúc ngập tâm ta.

Từ lúc tái ngộ Hiền giả Citta, vua hoan hỷ ra lệnh làm mọi sự cần thiết và truyền chuẩn bị bảo tọa dành cho vị hiền huynh, rồi ngài ngâm vần kệ thứ chín:

9. Tọa sàng, nước mát rửa bàn chân,
Đúng pháp là đem lễ cúng dâng
Thực phẩm dành cho nhiều khách quý,
Xin hiền huynh nhận, trẫm ân cần.

Sau lời mời gọi ngọt ngào này, vua ngâm vần kệ khác để tặng bạn hiền một nửa giang sơn của mình:

10. Bảo làm cho nhộn nhịp tưng bừng
Nơi chốn hiền huynh sẽ trú thân,
Truyền đám nữ tỳ theo phục vụ,
Ôi, ta muốn tỏ với hiền nhân
Lòng ta yêu quý ngài tha thiết,
Xin hãy cùng ta ngự trị dân
.

Khi nghe những lời này, bậc Trí Citta thuyết giáo cho vua qua sáu vần kệ:

11. Hỡi Đại vương, nhìn quả ác hành,
Thấy bao lợi lạc thiện hành sinh,
Ta mong điều ngự thân tu tập,
Con, của không lôi cuốn trí mình.

12. Trăm năm tròn cuộc sống người đời.
Năm tháng theo nhau kế tiếp trôi,
Khi đến hạn kỳ, người héo úa,
Tựa hồ lau sậy nát tan thôi.

13. Thế nghĩa gì hoan lạc, ái ân,
Nghĩa gì săn đuổi cảnh giàu sang?
Nhiều con, nghĩa lý gì? Nên biết,
Hỡi Đại vương, ta thoát buộc ràng!

14. Ta biết, vì đây chính thật chân:
Ta không qua khỏi tử ma thần,
Nghĩa gì vàng bạc và ân ái,
Khi bạn đến thời phải mạng vong?

15. Giống dòng hạ đẳng bước hai chân,
Hạ liệt Chiên đà nhất thế nhân,
Khi nghiệp chín làm phần thưởng quý,
Hai ta cùng có một tiền thân:

16. Tại A-van, bạn trẻ Chiên đà,
Là cặp nai vàng bến nước xưa,
Đôi chú chim ưng bờ Niết Bút,
Giờ đây giáo sĩ, đó làm vua.

Sau khi đã nói rõ các tiền thân hạ liệt của mình trong quá khứ như vậy, tại đây trong đời hiện tại này, ngài tuyên thuyết tính vô thường của mọi pháp hữu hình và ngâm bốn vần kệ làm khởi tinh tấn lực:

17. Đời người ngắn ngủi, chết cùng đường,
Già cả không nơi chốn náu nương;
Này hỡi Pancala, thực hiện
Những gì ta khuyến nhủ quân vương:
Tránh xa tất cả hành vi ác
Đưa đẩy vào đau khổ đoạn trường.

18. Đời người ngắn ngủi, chết sau cùng,
Già cả không nơi chốn trú thân;
Này hỡi Pancala, thực hiện
Những gì ta khuyến nhủ quân vương:
Tránh xa tất cả hành vi ác
Đưa đẩy vào trong hạ ngục tầng [1].

19. Nhân thế ngắn sao, chết cuối cùng,
Người già không chốn để nương thân;
Pancala hỡi, xin thành tựu
Những việc ta khuyên nhủ đại vương:
Xin hãy xa lìa bao vọng nghiệp
Nhiễm ô toàn ác dục tham sân.

20. Đời người ngắn ngủi, chết vong thân,
Bệnh, lão làm suy thể lực dần,
Ta chẳng làm sao ra thoát được;
Pancala, thực hiện lời răn:
Tránh xa tất cả hành không thiện
Đưa đẩy vào trong ngục hạ tầng.

Vua rất hoan hỷ khi nghe Bậc Đại sĩ khuyến giáo, liền đáp lời qua ba vần kệ:

21. Lời kia, Tôn giả, quả toàn chân,
Ngài dạy lời như bậc Thánh nhân,
Song dục tham ta đều khó bỏ,
Với người như trẫm, chúng vô cùng!

22. Như voi chìm xuống vũng bùn nhơ,
Không thể bò lên, dẫu thấy bờ,
Trẫm cũng lún sâu bùn dục lạc,
Nên không theo nổi Đạo thầy tu!

23. Như mẹ như cha dạy bảo con
Thành người sống hạnh phúc, hiền lương,
Dạy ta hạnh phúc làm sao đạt,
Xin chỉ cho ta bước đúng đường.

Sau đó Bậc Đại sĩ bảo vua:

24. Ngài không thể bỏ, hỡi quân vương,
Các dục tham đây cũng thế thường:
Vậy chớ bắt dân nhiều thuế nặng,
Trị sao dân chúng thấy công bằng.

25. Gửi sứ thần đi khắp bốn phương,
Mời người khổ hạnh, Bà la môn,
Cúng dường thực phẩm, nhà an nghỉ,
Xiêm áo và luôn mọi thứ cần.

26. Đem thức uống ăn để đãi đằng
Bà la môn, Thánh giả, Hiền nhân,
Tâm đầy thành tín, ai ban phát,
Và trị dân tài đức hết lòng,
Người ấy sẽ đi lên thượng giới
Lỗi lầm không có, lúc vong thân.

27. Song nếu vây quanh bởi má hồng,
Dục tham, ngài thấy, quá say nồng,
Trong tâm hãy nhớ vần thi kệ
Và hát hò lên giữa đám đông:

28. "Dưới trời không mái để che thân,
Bầy chó xưa cùng nó ngủ lăn,
Mẹ nó cho ăn lúc bước vội,
Mà nay làm một vị vương quân".

Đó là lời khuyến cáo của Bậc Đại sĩ. Rồi ngài lại bảo:

- Ta đã khuyên nhủ Đại vương rồi. Bây giờ Đại vương có muốn làm người tu khổ hạnh hay không là tùy ý Đại vương, song ta sẽ tiếp tục theo đúng nghiệp quả của chính ta làm.

Sau đó ngài bay vụt lên không, phủi bụi bặm trên đôi chân ngài, giã từ vua trong dáng điệu khinh thường, rồi đi về vùng Tuyết Sơn.

Còn phần vua trông thấy cảnh này, lòng vô cùng xúc động, liền giao quốc độ cho thái tử, triệu tập quân sĩ thẳng hướng tiến về vùng Tuyết Sơn. Khi Bậc Đại sĩ nghe vua đến, liền bước ra cùng đám hiền nhân đồ đệ của ngài đón tiếp vua, và truyền giới cho vua sống đời Phạm hạnh rồi dạy vua phương tiện làm phát khởi Thiền định. Vua tu tập chứng đắc Thắng trí [2] do Thiền định, vì vậy cả hai vị đều cùng được sinh lên cõi Phạm thiên.

*

Sau khi Bậc Đạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

- Như vậy này các Tỷ kheo, các bậc trí nhân ngày xưa giữ vững tình bằng hữu lâu dài qua ba bốn đời sống.

Rồi ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, Ànanda là Trí giả Sambhùta và Ta chính là Trí giả Citta.

*

Nhận xét:

Tình bạn là một trong những đề tài quan trọng của bộ chuyện Tiền thân.

Tình bạn chân chính, mối dây thân ái giữa người và người, là một trong sáu phương mà Đức Phật khuyên chàng thanh niên Singàlaka (Thi Ca La Việt) đảnh lễ trong kinh Trường Bộ, hay kinh Thiện Sanh của A Hàm.

Trong kinh này, Đức Phật nêu rõ những trường hợp phân biệt người bạn chân thật và người không phải bạn dù tự xưng là bạn.

Người bạn chân thật là người luôn mong muốn an lạc hạnh phúc cho bạn, sẵn sàng giúp đỡ bạn lúc cần và luôn khuyên bạn làm điều thiện điều lợi ích cho mình cho người để được tái sinh cõi lành, khuyên bạn tránh xa đường ác để khỏi gặp khổ đau lâu dài ở đời sau.

Tất cả các tiêu chuẩn trên đều được triển khai rộng qua nhiều chuyện Tiền thân dưới nhiều hình thức phong phú và sinh động, ví dụ như chuyện Bạn - Thù (số 473) và chuyện này.

Trong nhiều chuyện Tiền thân, Đức Phật đã nói đến mối liên hệ mật thiết giữa Ngài và Tôn giả Ananda qua nhiều đời sống, từ chim thú như đôi bạn quạ, đôi bạn thiên nga, đôi bạn nai, hay đôi bạn đạo sĩ, vua quan v.v..., bao giờ hai vị cũng gắn bó tận tụy với nhau suốt đời sống ấy.

Riêng ở đây, nhân nghe chuyện đôi bạn Tỷ kheo thân thiết giúp đỡ nhau trong đời Phạm hạnh, Đức Phật kể chuyện đôi trí giả Citta và Sambhùta là tiền thân của Ngài cùng Tôn giả Ananda liên tục qua nhiều đời sống.

Hai vị ấy luôn là bạn với nhau dù làm chim muông, thú vật hay hạng người hạ đẳng chịu bao nỗi khổ nhục trong xã hội phân biệt giai cấp khắc nghiệt như cổ Ấn Độ, nhưng về sau nhờ các thiện nghiệp gieo trồng qua bao đời sống cho đến khi nghiệp quả chín muồi, hai vị đã hưởng được vinh quang theo cách riêng của mình: một vị tu hành đắc Thánh quả và hưởng Thiền lạc thoát tục, còn một vị làm vua thọ hưởng mọi dục lạc thế gian.

Tuy vậy hai vị ấy vẫn không quên nhau và cố tìm cách gặp lại nhau sau năm mươi năm xa cách.

Bậc Trí giả Citta hiểu rằng phải đợi đến lúc bạn thân đã già mới có thể khuyến giáo bạn tu hành, cho nên đúng thời, ngài xuất hiện để chỉ rõ con đường thiện mà một vị vua cần đi theo, đó là thực hành Thập vương pháp – mười đức tính của vị vua hiền – hoặc xuất gia tu tập đời thanh tịnh để đắcThánh quả.

Ngài khuyên bạn tránh xa ác nghiệp đưa đường vào khổ đau lâu dài trong địa ngục.

Trước tiên, vua thấy khó lòng rồi bỏ dục lạc thế gian mà ngài đã lún sâu vào gần hết cuộc đời, nhưng sau đó, nhận thức thái độ an nhiên tự tại của người bạn xưa trước mọi sự cám dỗ của thế gian, ngài chợt tỉnh ngộ liền lập tức truyền ngôi báu cho thái tử và xuất gia tu tập làm ẩn sĩ khổ hạnh dưới sự hướng dẫn của người bạn thân thiết ngày xưa nên được tái sinh vào cõi Phạm thiên là cõi trời dành cho các vị chuyên tu Thiền định.

Câu chuyện này là một ví dụ điển hình về mối tình bạn chân chính của hai bậc Trí giả dìu dắt nhau trên con đường đưa đến giác ngộ giải thoát, theo đúng ý nghĩa cao quý nhất của tình bạn mà Đức Phật dạy cho các đệ tử của Ngài

Ghi chú:

[1] Ngục Avici (A Tỳ hay Vô gián) là ngục thấp nhất, nơi đó tội nhân thọ quả báo của ác nghiệp phải chịu khổ đau không ngừng.

[2] Thắng trí (Abhinna): hay Thần thông, là năng lực siêu phàm do Thiền định tạo nên.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 84-85, 2003)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-05-2003