BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Phạm thiên Baka
(405. Tiền thân Baka Brahma)


"Chúng tôi tất cả bảy mươi hai"

Bậc Đạo sư kể chuyện này khi trú tại Kỳ Viên, về Phạm Thiên Baka.

*

Một tà kiến sinh khởi trong tâm vị Phạm Thiên này, đó là: "Cõi sinh hữu này là trường tồn, thường hằng, vĩnh cữu, bất biến; ngoài nơi này ra không có sự cứu độ hay giải thoát gì nữa...".

Trong một tiền kiếp, vị phạm Thiên này đã thực hành Thiền định, vì thế được tái sinh vào cõi Quảng Quả thiên (Vehapphala) [1]. Sau khi đã trải qua đời sống ở đó trong năm trăm kiếp (kappa), vị ấy tái sinh vào cõi Biến Tịnh thiên (Subhakinna) [2]. Sau khi đã trải qua sáu mươi bốn kiếp tại đó, vị ấy mạng chung và tái sinh vào cõi Quang Âm thiên (Àbhassara) [3], nơi đời sống kéo dài trong tám kiếp. Và chính tại đó, tà kiến này khởi lên trong tâm vị ấy.

Vị Phạm Thiên này quên rằng mình đã từng sống ở các cõi Phạm Thiên giới cao hơn và đã tái sinh vào cảnh giới này. Do nhận thức các điều trên, vị ấy chấp thủ tà kiến.

Bậc Đạo Sư thấu hiểu các tư tưởng của vị ấy và thật dễ dàng như một lực sĩ duỗi cánh tay cho thẳng ra hay cong cánh tay trở lại. Ngài biến mất ở Kỳ Viên và xuất hiện Phạm Thiên giới. Vị Phạm Thiên thấy ngài liền thưa:

-- Thiện lai Thế Tôn, xin Thế Tôn đến đây, Bạch Thế Tôn, đã lâu lắm Thế Tôn mới có dịp này đi đến đây. Bạch Thế Tôn, thế giới này là trường tồn, thường hằng, vĩnh cửu, tuyệt đối, bất biến; thế giới này không sinh, không già, không chết, không biến hoại, không tái sinh. Ngoài thế giới này, không có sự cứu độ nào cao hơn nữa.

Khi lời này được vị Phạm Thiên Baka nói ra, Đức Thế Tôn bảo:

-- Phạm Thiên Baka đã si mê, đã lầm lạc khi nói rằng một vật không thường hằng là thường hằng, một vật không vĩnh cửu là vĩnh cữu, cùng những điều tương tự, rằng ngoài thế giới này không có sự cứu độ nào cao hơn nữa trong khi vẫn có sự cứu độ khác.

Nghe lời này, vị Phạm Thiên suy nghĩ: "Thế Tôn đang khuyến giáo ta khi nhận ra chính xác những lời ta nói." Rồi giống như một kẻ trộm rụt rè sau khi bị đấm vài cái, vị ấy đáp:

-- Đệ tử đâu phải là tên trộm duy nhất? Còn nhiều vị này vị nọ cũng đều là các tên trộm khác nữa.

Rồi vị ấy nêu tên các vị Thiên cùng một hội chúng; như vậy vị Phạm Thiên lo sợ Đức Phật chất vấn, nên đã ngâm vần kệ đầu tiên nói lên các vị Thiên cùng hội chúng của mình:

1. Chúng tôi tất cả bảy mươi hai,
Chân chính và cao cả tuyệt vời,
Sinh, lão chúng tôi đã giải thoát,
Cõi này là trí tuệ nhà trời,
Không Thiên giới khác cao hơn nữa,
Nhiều vị tán đồng quan điểm tôi.

Nghe lời này, bậc Đạo Sư ngâm vần kệ thứ hai:

2. Đời ngài ngắn ngủi ở Thiên đàng,
Tưởng đời trường thọ quả sai lầm,
Một trăm ngàn kiếp trôi qua mất,
Ta biết đời ngài quá rõ ràng.

Nghe vậy, Baka ngâm vần kệ thứ ba:

3. Thế Tôn, trí đệ tử vô cùng,
Sinh, lão, sầu nằm ở dưới chân;
Xưa đã tạo nên bao thiện nghiệp,
Thế Tôn cho đệ tử hay chăng?

Sau đó, Đức Thế Tôn ngâm bốn vần kệ kể cho vị ấy nghe những chuyện quá khứ:

4. Xưa lấy nước ban phát những người [4]
Lúc đang cơn khát sắp tàn hơi,
Dưới trời hạn hán như thiêu đốt,
Thiện nghiệp ngài qua đã mấy đời,
Ta biết là ta đều nhớ rõ,
Như vừa tỉnh giấc mộng mà thôi.

5. Sông Sơn Dương, thuở nọ bên bờ [5]
Ngài thả nhiều người được tự do,
Trong lúc bị giam cầm chặt chẽ,
Việc lành ngài tạo dẫu xa xưa,
Song ta biết rõ ta còn nhớ,
Như thể chiêm bao tỉnh dậy mà.

6. Ngày xưa trên bến nước sông Hằng [6]
Ngài cứu thuyền người nọ thoát thân,
Khi bị ác xà kia chụp lấy,
Vì thèm thịt sống, khỏi tai ương,
Việc lành ngài tạo dầu xa lắc,
Ta nhớ rõ như tỉnh giấc nồng.

7. Ta chính Kappa, đệ tử ngài,
Trí đức ngài, ta biết rõ mười,
Thiện nghiệp ngài làm, ta nhớ kỹ
Như là mới tỉnh giấc mơ thôi.

Khi nghe các nghiệp quá khứ của mình do bậc Đạo sư thuyết giảng, Baka cảm tạ và ngâm vần kệ cuối cùng:

8. Thế Tôn biết mọi kiếp xưa xa,
Tuệ giác toàn tri quả Phật Đà,
Uy lực hào quang vinh hiển thực,
Sáng ngời khắp cõi Phạm Thiên ta.

Như vậy bậc Đạo Sư vừa tỏ bày uy lực của một Đức Phật, vừa thuyết pháp khai thị các Thánh đế. Lúc kết thúc Pháp thoại, tâm của mười ngàn vị Phạm Thiên được giải thoát khỏi lậu hoặc. Do đó, Thế Tôn trở thành nơi an trú của các vị Phạm Thiên, rồi trở về Kỳ Viên từ cõi Phạm Thiên, Ngài thuyết pháp như trên và nhận diện Tiền Thân: "Thời ấy Phạm Thiên Baka là nhà khổ hạnh Kesava và vị đệ tử Kappa chính là Ta."

-ooOoo-

Nhận xét:

Thường kiến là một trong những quan điểm tồn tại từ ngàn xưa đến ngày nay.

Phái Thường Kiến chủ trương có một thực thể tuyệt đối thường hằng bất biến vĩnh cữu tồn tại vượt thời gian.

Vị Đại Phạm Thiên Baka nhờ đắc thiền định đã an trú vào các cõi Thiền trong một thời gian dài và đã sinh khởi tà kiến xem cõi ấy là trường tồn và là nơi giải thoát tối cao, ngoài ra không còn có sự giải thoát nào khác. Cùng với Phạm thiên Baka, các vị khác trong Phạm Thiên chúng cũng có cùng quan điểm trên.

Bậc Đạo Sư với tri kiến của bậc Chánh đẳng giác hiểu được tâm tư vị ấy nên đã xuất hiện ở cõi Phạm Thiên để phá tan tà kiến ấy. Ngài nêu ra cho vị Phạm Thiên ấy những sinh thú và những thiện nghiệp quá khứ của vị ấy mà nay vị ấy không còn nhớ được.

Ngài còn nói rõ trong tiền kiếp ấy Ngài chính là đệ tử Kappa của vị khổ hạnh Kesava, một đệ tử được khen là thông minh trí tuệ.

Rồi ngài xác nhận là ngài đã đạt Tối thắng trí vượt hẳn các vị Phạm Thiên. Sau cùng Ngài thuyết giảng Bốn sự thật cao cả đem lại sự giải thoát giác ngộ cho toàn thể Phạm Thiên chúng, và do vậy, Đức Phật trở thành nơi an trú của các vị ấy.

Vì tầm quan trọng của một bài kinh hàng phục ngoại đạo, bài kinh này được kết tập đầy đủ các mẩu đối thoại giữa Đức Phật và vị Phạm Thiên cùng Phạm Thiên chúng ở Trung Bộ kinh số 49.

Còn trong Tương Ưng BộTiểu Bộ này, bài kinh được trình bày theo thể thi kệ xen lẫn văn xuôi dưới hình thức đơn giản hơn nhưng lại được thêm những chi tiết về các thiện nghiệp quá khứ của vị Phạm Thiên để hấp dẫn người học đạo.

Ghi chú:

[1] Quảng Quả thiên (Vehapphala): cõi trời của những vị Phạm Thiên đắc Từ thiền sắc giới.

[2] Biến Tịnh thiên (Subhakinna): cõi trời của những vị Phạm Thiên đắc Tam thiền.

[3] Quang Âm thiên(Àbhassara): cõi trời của những vị Phạm Thiên đắc Nhị thiền.

[4] Trong một đời trước, Baka là vị khổ hạnh Kesava đã dùng thần lực đưa dòng suối đến cứu đòn lữ hành sắp chết khát trên sa mạc.

[5] Trên bờ sông Sơn Dương (Eni), vị ấy cứu thoát dân làng đang bị đánh cướp và giam cầm.

[6] Trên sông Hằng (Ganggà), vị ấy cứu thuyền nhân bị ác xà (Nàga) bắt.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 72, tháng 03-2002)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 14-03-2003