BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Trích giảng Tiểu Bộ Kinh
Nguyên Tâm Trần Phương Lan
Giới thiệu Chuyện
Tiền Thân (...) Bộ Jàtaka (Chuyện Tiền Thân Ðức Phật) là bộ truyện đồ sộ nhất trong kinh tạng Pàli. Bộ nầy gồm 6 tập lớn, chia thành 22 chương, được xếp theo thứ tự tăng dần số lượng bài kệ ở các chương sau. Bộ Jàtaka được kết tập từ thời Ðức Phật tại thế, kéo dài đến vài trăm năm sau đó, và được đưa vào kinh Tiểu Bộ ở Hội đồng Kết tập Kinh tạng thứ Ba thời vua Asoka (thế kỷ III trước Tây lịch). Mỗi chuyện tiền thân gồm 3 phần: 1) Chuyện hiện tại: là phần duyên khởi, một sự kiện xảy ra liên hệ đến Phật, Pháp, Tăng hay quần chúng đã làm đề tài bàn luận của Tăng chúng tại chánh pháp đường. Nhân đó, Ðức Phật kể một chuyện quá khứ theo lời yêu cầu của các vị nầy. 2) Chuyện quá khứ: là chuyện về tiền thân Ðức Phật khi Ngài còn là Bồ tát dưới mọi hình thức tái sanh, từ thiên thần, địa tiên, người đời cho đến thú vật, chim muông, ... Dù ở hoàn cảnh nào, Bồ tát luôn thể hiện tài năng trí tuệ hay đức tính tốt đẹp phi thường, đó là mầm mống của trí tuệ vô thượng trong đời cuối cùng của Ngài trước khi thành đạo. 3) Phần kết luận: Ðức Phật kết hợp hai chuyện trên, sau đó Ngài thuyết giảng Tứ thánh đế, bốn chân lý cao thượng làm nền tảng của Phật pháp, khiến cho một số tỳ kheo hoặc giới tại gia đaắc đạo và quả. Cuối cùng, Ngài nhận diện tiền thân, tức là nêu danh tánh trùng hợp giữa các nhân vật hiện tại và quá khứ. Các chuyện tiền thân đã được kết tập dần ở vùng Bắc Ấn, tức vùng Trung Nguyên (Madhyadesa) của Ấn Ðộ cổ. Trước tiên, chuyện chỉ gồm phần thi kệ, do đó, phần thi kệ được xem là phần cổ kính nhất của bộ chuyện này. Một số bài kệ do chính Ðức Phật cảm tác và một số khác do chư Tăng sáng tạo về sau. Mỗi chuyện thường được mở đầu bằng một hàng kệ. Ở tập I và II, mỗi tập gồm 150 chuyện, với một hoặc hai bài kệ. Nhưng từ tập III trở đi, số bài kệ tăng dần. Vì thế, chuyện kể dài hơn, cho đến tập VI là Ðại Phẩm chỉ gồm 10 chuyện có hàng trăm bài kệ trong mỗi chuyện, và chấm dứt ở số 547 - Tiền thân Vessantara nổi tiếng với cả ngàn bài kệ. Như vậy, cả bộ Chuyện Tiền Thân Jàtaka có khoảng gần 5.000 bài kệ. Phần lớn các chuyện hiện tại là những sự kiện có thực đã xảy ra trong thời Ðức Phật tại thế hoặc vài trăm năm sau. Do đó, bộ chuyện này được xem như là nguồn tư liệu vô giá đối với các nhà sử học và khảo cổ học khi muốn tìm hiểu bối cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo, văn hóa hay phong tục tập quán Ấn Ðộ cổ. Nhiền luận sư học giả đã xác nhận bộ chuyện tiền thân này mở đầu một kỷ nguyên mới trong nền văn học Phật giáo để truyền bá chánh pháp rộng rãi đến mọi tầng lớp quần chúng, từ trí thức đến bình dân. Vì đây là một kho tàng văn học được kết hợp hài hòa giữa lời Phật dạy theo truyền thống kinh điển bác học với truyền thống cổ tích nhân gian phong phú đa dạng rất thịnh hành trong thời cổ của Ấn Ðộ. Nhờ vậy, bộ chuyện này đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các hoạt động sáng tác thi ca nhạc kịch, hội họa, điêu khắc ..., từ ngàn xưa cho đến nay. (...) (Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 58, 01-2001) -ooOoo- |
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 09-03-2003