BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Ðại Hầu Vương
(Số 407. Tiền thân Mahàkapi)


"Chính thân ngươi đã bắc ngang cầu khỉ …."

Bậc Đạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về các thiện nghiệp đối với thân quyến. Hoàn cảnh chuyện này sẽ xuất hiện trong Tiền thân Bhaddasàla số 465.X. Tăng chúng bắt đầu bàn luận trong Chánh pháp đường, bảo nhau: "Đức Phật toàn giác đã làm nhiều thiện sự đối với thân quyến." Khi bậc Đạo Sư hỏi Tăng chúng và được trình bày đề tài trên, Ngài đáp: "Này các Tỷ kheo, đây không phải lần đầu Như Lai làm thiện nghiệp đối với thân quyến." Và Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatt trị vì ở Ba La Nại, Bồ tát nhập mẫu thai loài khỉ. Khi lớn lên, ngài có vóc dáng oai nghi lực lưỡng và cường tráng, cùng sống với một đàn tám mươi ngàn con khỉ ở Tuyết Sơn.

Gần bờ sông Hằng có một cây xoài (nhiều người khác bảo là cây đa) với nhánh chồi tỏa bóng mát và lá rậm rạp như một đỉnh núi. Trái xoài ngọt có mùi hương và vị tuyệt diệu, to bằng các bình nước. Trái từ một cành rơi xuống đất, từ một nhánh khác rơi xuống sông Hằng, từ hai nhành khác rơi vào gốc cây.

Trong lúc ăn xoài cùng với loài khỉ, Bồ tát nghĩ thầm: "Một ngày kia tai họa sẽ xảy đến cho ta do trái xoài rơi xuống nước."

Vì thế không để lại trái xoài nào trên cành cây mọc trên bờ sông, ngài bảo bọn chúng ăn hết ho8ạc ném bỏ hoa đúng mùa ngay từ khi nụ hoa mới nhú bằng hột đậu.

Tuy thế, một trái xoài chín nằm kín trong một tổ kiến, nên cả tám mươi ngàn con khỉ không trông thấy, rớt xuống dòng sông và mắc vào cái lưới ở phía trên. Vua Ba La Nại lúc ấy đang tắm sông vui đùa với một tấm lưới ở trên và một tấm ở dưới.

Khi vua đã vui đùa suốt ngày và sắp ra về lúc chiều tối, bọn người đánh cá đang kéo lưới lên, trông thấy trái cây, nhưng không biết loại gì, liền đem dâng vua. Vua hỏi:

-- Trái gì thế?

-- Tâu Đại vương, chúng thần không biết.

-- Thế ai biết?

-- Tâu Đại vương, các người kiểm lâm.

Vua truyền gọi bọn người kiểm lâm và khi nghe họ bảo đó là trái xoài, vua lấy dao cắt nó ra, rồi trước hết bảo bọn kiểm lâm ăn xoài, sau đó chính vua cũng ăn xoài. Hương vị xoài chín thấm nhuần khắp toàn thân vua. Do lòng ham muốn hương vị câu thúc, vua hỏi bọn kiểm lâm cây ấy ở đâu, va khi nghe rằng cây ấy ở trên bờ sông về hướng Tuyết Sơn, vua truyền ráp các chiếc bè lại và chèo ngược lên thượng nguồn của sông theo lộ trình được đám kiểm lâm hướng dẫn. Số ngày đi đường chính xác là bao nhiêu không được nêu ra.

Theo thời gian, họ đến nơi ấy, và nhóm kiểm lâm trình vua:

-- Tâu Đại vương, đó là cây xoài.

Vua dừng bè lại và cùng đám quần thần đông đảo đi bộ đến nơi, rồi truyền trải sàng tọa ngay dưới gốc cây, vua nằm ngủ sau khi đã ăn xoài và hưởng đủ mọi thứ hương vị tuyệt hảo. Khắp mọi phía quân lính canh gác cẩn thận và nhóm lửa lên. Khi mọi người đã ngủ yên, Bồ bát cùng bầy khỉ đến đó lúc nửa đêm.

Tám mươi ngàn con khỉ chuyền từ cành nọ sang cành kia ăn xoài. Vua tỉnh giấc thấy bầy khỉ, liền đánh thức quân hầu và gọi đám xạ thủ đến bảo:

-- Hãy bao vây loài khỉ đang ăn xoài để chúng không thoát được, rồi bắn cả đi. Ngày mai ta muốn ăn xoài với thịt khỉ.

Đám xạ thủ tuân lệnh, đồng đáp:

-- Muôn tâu, được lắm.

Rồi họ bao vây cả cây với cung tên sẵn sàng. Bầy khỉ thấy họ, sợ chết vì chúng không thể trốn được, liền nhảy đến Bồ tát và thưa:

-- Tâu Chúa công, các xạ thủ đang vây quanh cây và bảo: "Ta sẽ bắn chết loài khỉ lang thang trộm cắp này." Chúng con phải làm gì bây giờ? Chúng vừa đứng vừa run rẩy.

Bồ tát bảo:

-- Đừng sợ, ta sẽ cứu mạng các con.

Vừa an ủi bầy khỉ như vậy xong, ngài leo lên một cành mọc thẳng đứng, rồi đi qua một cành khác trải dài về phía sông Hằng, xong lại nhảy vọt về cuối cành ấy, vượt qua một trăm tầm cung và hạ xuống một bụi cây trên bờ.

Khi xuống đến nơi, ngài đánh dấu khoảng cách và nói: "Đó là khoảng cách ta đã vượt qua." Rồi cắt một đọt tre sát gốc, lột vỏ và nói: "Phần này sẽ được buộc vào cây ấy, và phần kia sẽ ở trên không." Khi tính hai chiều dài như vậy, ngài quên phần buộc vào thắt lưng mình. Ngài cầm đọt tre buộc một đầu vào thân cây trên bờ sông Hằng và phần kia vào thắt lưng, sau đó nhảy vọt qua khoảng cách một trăm tầm cung ấy với tốc độ của mây bay theo gió cuốn [1].

Do không tính phần tre buộc vào thân mình, ngài không thể tới tận cây ấy. Vì vậy ngài lấy hai tay nắm chặt cành cây và ra hiệu cho đàn khỉ:

-- Cầu chúc các con may mắn, qua nhanh lên, bước trên lưng ta mà đi dọc theo cây tre.

Cả tám mươi ngàn con khỉ trốn thoát được theo cách ấy, sau khi cung kính đảnh lễ Bồ tát, và xin phép ngài ra đi.

Thời ấy Devadatta (Bồ Đề Đạt Đa) là một con khỉ trong đàn kia, tự nhủ: "Đây là cơ hội để ta thanh toán kẻ thù."

Vì thế vừa trèo lên cành cây, nó nhảy vọt và ngã trên lưng Bồ tát. Tim Bồ tát vỡ nát, vô cùng đau đớn. Sau khi gây ra nỗi đau khổ thống thiết cho ngài như vậy, nó liền bỏ đi, chỉ còn Bồ tát một mình.

Lúc ấy vua tỉnh giấc thấy rõ mọi việc bầy khỉ đã làm cùng Bồ tát, vua lại nằm xuống suy nghĩ: "Con vật này không kể đến tính mạng mình, đã cứu thoát cho cả đàn bình an."

Khi trời sáng, vua hoan hỷ về Bồ tát, lại suy nghĩ: "Giết hại chúa khỉ này thật không phải đạo, ta muốn nó xuống và săn sóc nó." Vì vậy vua quay bè xuống sông Hằng và dựng một cầu cao ở đó để Bồ tát nhảy xuống nhẹ nhàng, truyền đem tấm y vàng phủ trên lưng ngài và tắm rửa ngài trên sông, cho ngài uống nước đường, lau thân thể ngài thật sạch và tẩm dầu thơm đã lọc lỹ cả ngàn lần. Sau đó vua trải một tấm da đã được thoa dầu lên sàng tọa và đặt ngài nằm ở đó, còn vua ngôồ ở một chỗ thấp hơn.

Và vua ngâm vần kệ đầu:

Chính thân ngươi đã bắc ngang cầu khỉ
Cho cả đàn trốn thoát được bình an,
Này khỉ kia, ngươi với chúng họ hàng,
Hay bọn chúng là gì ngươi đó vậy?

Nghe lời này, Bồ tát ngâm các vần kệ khuyến giáo vua:

Tâu Đại vương, tôi trông nom bọn ấy,
Là Hầu vương, tôi làm chủ cả đàn,
Kia bọn kia đầy rẫy nỗi kinh hoàng,
Vì chư vị, lòng do buồn đau đớn.

Tôi nhảy qua một trăm tầm cung lớn
Được trải dài trên vị trí nằm ngang,
Rồi khi tôi đã buộc khúc tre nan
Thật vững chắc ở quanh sườn tôi đó.

Muốn đến cây như vầng trăng bão tố,
Được cuồng phong thổi bạt cực kỳ nhanh,
Song mất đà, tôi chỉ đến đầu cành,
Cầm lấy nó, bàn tay tôi thật vững.

Khi tôi nằm trên cây treo lơ lửng,
Buộc chặt vào cành với khúc tre non,
Bầy khỉ kia đã bước cả lưng còm,
Giờ đây chúng được an toàn thoát nạn.

Tôi không sợ nỗi đau vì thiệt mạng,
Dẫu giam cầu, tôi cũng chẳng đau buồn,
Khi bình an hạnh phúc với cả đàn,
Xưa bọn chúng, tôi đã từng ngự trị.

Một ví dụ dành cho ngài, Đại Đế,
Nếu ngài mong học đạo lý chánh chân:
Niềm an vui hạnh phúc của toàn dân,
Cùng quân đội, và kinh thành chiến mã.

Đối với ngài đều thiết thân tất cả,
Nếu ngài mong trị nước thật an bình.

Bồ tát giáo giới vua như thế xong liền từ trần. Vua gọi các đại thần đến truyền lệnh cho Hầu vương được thọ hưởng tang lễ như một quốc vương. Rồi vua truyền bảo đám phi tần:

-- Các nàng hãy đưa Hầu vương ra tận nghĩa địa với tư cách là đoàn tùy tùng của Hầu vương, mặc y đỏ, xõa tóc xuống và cầm đuốc trong tay.

Các đại thần làm giàn hỏa táng với một trăm xe củi.

Sau khi đã chuẩn bị tang lễ của Bồ tát theo nghi thức vua chúa, họ đem xương sọc của ngài đến trình vua. Vua truyền xây một đền thờ ở tại địa điểm hỏa táng Bố tát, làm lễ đốt đuốc và dâng hương hoa cúng dường. Vua lại truyền khảm vàng vào xương sọ, nâng nó lên cao trên đầu ngọn giáo và đặt tại cổng thành rồi cúng dường hương hoa khi vua đến Ba La Nại. Sau đó truyền lệnh cho cả kinh thành trang hoàng thật trang nghiêm, vua làm lễ suy tôn xá lợi suốt bảy ngày.

Khi đã nhận phần xá lợi và dựng đền thờ trong thành, vua đến đó cúng dường hương hoa suốt đời. Được an trú vào lời dạy của Bồ tát, vua chuyên tâm bố thí cùng làm nhiều thiện sự khác và cai trị chân chính, nên về sau tái sinh Thiên giới.

*

Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo Sư tuyên thuyết các Thánh đế và nhận diện Tiền thân: "Thời ấy vua là Ànanda, đàn khỉ là hội chúng này và Hầu vương chính là Ta vậy."

-ooOoo-

NHẬN XÉT:

Tình thương yêu thân quyến cũng là một đề tài thường gặp ở bộ Chuyện Tiền thân.

Tình thân thiết bảo vệ gia tộc, nói rộng ra là tình thương đồng bào, đồng loại cho đến muôn loài, phát xuất từ tâm đại bi của Bồ tát khiến ngài luôn sẵn sàng cứu khổ chúng sinh lúc cần ngay cả khi phải hy sinh tánh mạng mình như trong chuyện Tiền thân khỉ chúa này.

Như vậy trong vô số hình thức tái sinh, Bồ tát đã thực hành hạnh Bố thí Ba la mật là một trong mười công hạnh viên mãn (Dasaparamì) mà một vị Bồ tát phát nguyện hoàn thành trên con đường tu tập đưa đến giải thoát, giác ngộ qua vô lượng kiếp luân hồi.

Trong trường hợp này, bi nguyện ấy đã được thực hành trước sự chứng kiến của một vị vua ở cõi người. Vị vua này có tính ham vui chơi, thích của ngon vật lạ, nên đã cùng một đám quần thần chèo thuyền bè lên đến tận vùng Tuyết Sơn để thưởng thức món xoài quý hiếm. Do vậy vua ra lệnh giết cả 80 ngàn con khỉ đến tranh giành món mỹ vị kia. Nhưng bầy sinh vật bé nhỏ ấy lại là thần dân của Bồ tát, vì sợ chết, chúng đã cầu xin ngài che chở và ngài sẵn sàng dùng thân mình làm phương tiện giúp đồng loại trốn thoát cung tên của vua. Như vậy tất cả đàn khỉ đã đựơc ngài bảo vệ an toàn tính mạng, nhưng chỉ vì mối nghịch duyên đối với Devadatta, ngài đã phải hy sinh tánh mạng mình vào lúc hoàn thành nhiệm vụ cứu giúp đồng loại.

Sự hy sinh cao thượng của khỉ chúa đã cảm hóa vị vua ham dục lạc kia, khiến vua lập tức bày tỏ lòng kính trọng của mình đối với khỉ chúa bằng cách tận tình chăm sóc ngài trong những giờ phát cuối đời, rồi nghe ngài thuyết pháp về phận sự của vị vua hiền đức đối với thần dân, đó là đặt hạnh phúc muôn dân làm mục đích cai trị của mình.

Sau đó, vua truyền lệnh làm lễ quốc tang cho khỉ chúa và xây đền thờ xá lợi của ngài. Rồi cũng như vị vua trong tiền thân Lộc vương Hoan Hỷ, vị vua này cũng được thấm nhuần đạo lý làm vua, nên đã tuân theo lời khuyến giáo của Bồ tát thực hành Mười đức tính của một vị minh quân trị nước đứng chánh pháp để đem lại hạnh phúc chân chính cho bản thân thay vì chuyên tâm thọ hưởng dục lạc như thói thường của vua chúa ở thế gian, đồng thời đem lại hạnh phúc cho dân chúng bằng nhiều công đức thiện sự, nên sau khi từ trần, vua được tái sinh cõi trời theo đúng qui luật nhân quả của vạn vật.

-ooOoo-

Ghi chú:

[1] Một ngọn tháp ở Bharhut khắc hình khỉ chúa nhảy qua sông Hằng trong tiền thân này.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 61, 04-2001)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 09-03-2003