BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Trí giả Suppàraka
(463. Tiền thân Suppàraka)


"Những người kia mũi nhọn như dao..."

Chuyện này Bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về sự viên mãn của Trí tuệ Tối thắng.

Một ngày nọ, chúng ta nghe kể rằng, về buổi chiều tối, các Tỷ kheo đang đợi Đức Như Lai đến thuyết pháp cho Tăng chúng, và trong lúc ngồi tại Chánh pháp đường, các vị nói với nhau:

- Này Tỷ kheo, quả thật Bậc Đạo Sư có trí tuệ vĩ đại! Trí tuệ quảng bác! Trí tuệ mẫn tiệp, Trí tuệ linh hoạt! Trí tuệ tinh xảo! Trí tuệ uyên thâm! Trí tuệ Ngài đáp ứng đúng nơi đúng lúc! Trí bao la như thế giới, như đại dương vô tận, như bầu trời trải rộng mênh mông: khắp cả xứ Diêm phù đề [1] không một bậc trí nhân nào có thể sánh bằng Đấng Thập Lực [2], như một đợt sóng nổi lên trên đại dương không thể chạm đến bờ được, hay nếu chạm vào bờ, sóng kia sẽ vỡ tan. Cũng vậy, không một người nào có thể đạt trí tuệ bằng Đấng Thập Lực, hoặc nếu kẻ ấy đến chân Bậc Đạo Sư thì sẽ vỡ tan.

Bằng những lời ấy, Tăng chúng tán thán Tối thắng trí của Đấng Thập Lực. Bậc Đạo Sư bước vào, và hỏi:

- Này các Tỷ kheo, các ông đang nói gì trong khi ngồi đây?

Tăng chúng thưa với Ngài. Ngài bảo:

- Không phải chỉ bây giờ Như Lai mới đầy đủ trí tuệ. Ngày xưa ngay khi trí tuệ chưa viên thành Chánh giác, Ngài cũng đã sáng suốt thông minh. Mặc dù mù lòa, Ngài cũng biết qua các dấu hiệu của mỗi đại dương là ở trong đại dương ấy có các loại châu ngọc này nọ ẩn mình.

Sau đó Ngài kể một chuyện quá khứ.

* * *

Một thuở nọ một vị vua mệnh danh Bharu trị vì trong quốc độ Bharu. Có một thị trấn bên hải cảng được đặt tên là Bharukacha hay là Đầm Bharu. Vào thời ấy, Bồ tát sinh ra trong gia đình một thuyền trưởng ở tại đó, ngài rất khả ái, với làn da màu vàng nâu. Cha mẹ đặt tên ngài là Suppàraka - Kumàra.

Ngài lớn lên với năng lực xuất sắc khác thường, và ngay khi chỉ mới được mười sáu tuổi, ngài đã hoàn toàn tinh thông nghệ thuật hàng hải. Sau đó khi thân phụ mất, ngài cầm đầu đám thủy thủ và miệt mài với nghề hàng hải, ngài thật thông minh sáng suốt, khi ngài lên tàu rồi thì không hề có chiếc tàu nào đến làm hại được.

Theo thời gian, ngài bị thương vì nước mặn nên đôi mắt ngài mất cả thị giác. Sau chuyện ấy, dù ngài là thuyền trưởng của đám thủy thủ, ngài không còn đeo đuổi sự nghiệp thương mãi nữa, mà quyết định về phục vụ vua. Ngài đến yết kiến vua với mục đích ấy, và vua phong cho ngài chức hội thẩm đánh giá các báu vật. Từ đó ngài định giá trị các voi báu, ngọc báu và châu báu.

Một hôm, một con voi được đem trình lên vua, da voi màu đá đen, nên có thể được làm vương tượng. Vua liếc nhìn voi rồi ra lệnh đem nó đi đến trình diện với bậc trí giả. Quân hầu dẫn con vật đến gặp ngài. Ngài sờ tay lên khắp mình voi và bảo:

- Con voi này không xứng đáng làm quốc tượng. Nó có đặc tính của một con vật bị dị tật ở phía sau. Khi voi mẹ sinh ra nó, đã không đủ sức mang nó lên vai, nên để nó ngồi xuống đất, vì vậy nó bị tật nguyền ở chân sau.

Họ chất vấn những người đem voi đến, và bọn ấy trả lời rằng bậc trí giả đã nói đúng sự thật. Khi vua nghe nói chuyện kia, lòng rất hoan hỷ và ra lệnh ban cho bậc trí giả tám đồng tiền vàng.

Một ngày khác, người ta đem một con ngựa dâng lên để làm vương mã. Con vật này cũng được dẫn đến bậc trí giả. Ngài lấy tay sờ khắp mình ngựa rồi nói:

- Con vật này không thích hợp để làm vương mã cho đức vua ngự. Vào ngày nó sinh ra, ngựa mẹ chết đi, nên do thiếu sữa mẹ, nó không lớn lên đầy đủ.

Lời nói này của ngài cũng đúng sự thật nữa. Khi nghe được việc ấy, vua rất đẹp ý, phán bảo đem tặng ngài tám đồng tiền nữa.

Vào một ngày khác, một chiếc xe được đem đến để làm vương xa. Vua cũng đưa xe này đến ngài. Ngài lấy tay rờ khắp xe và bảo:

- Chiếc xe này được làm bằng gỗ rỗng, nên không thích hợp với đức vua.

Lời nói này của ngài cũng đúng như các lời khác. Vua lại một phen hài lòng khi nghe chuyện này, nên ban thêm cho ngài tám đồng nữa. Một lần nữa có người dâng vua một tấm thảm quý có giá trị lớn, vua liền đưa nó đến ngài như lần trước. Ngài sờ khắp tấm thảm, rồi bảo:

- Ở đây có một chỗ mà con chuột đã cắn một lỗ.

Họ xem kỹ và thấy chỗ đó, liền tâu với vua. Vua đẹp ý lại bảo cho ngài tám đồng tiền nữa.

Lúc bấy giờ bậc trí giả suy nghĩ: "Chỉ được có tám đồng vàng để xem những việc kỳ diệu như thế đấy. Đây là món tiền tặng cho thợ hớt tóc, chắc hẳn vua này là cậu bé thường hớt tóc! Tại sao ta phải phụng sự một vị vua như thế chứ? Ta sẽ trở về nhà riêng của mình". Thế là ngài trở về hải cảng Bharukaccha và sống tại đó.

Lúc ấy có vài thương nhân chuẩn bị một chiếc thuyền và đang đi tìm một thuyền trưởng. Họ suy nghĩ: "Ngài Suppàraka thông minh kia là một bậc trí giả tài ba, có ngài trên tàu thì không con tàu nào đến hại nữa. Dù ngài mù lòa, bậc trí giả Suppàraka vẫn là người tuyệt hảo". Vì thế họ đi đến ngài và mời ngài làm thuyền trưởng.

- Này các Hiền hữu - Ngài đáp - ta mù rồi làm sao lái thuyền các bạn được?

- Thưa Tôn giả, quả ngài mù thật đấy - Các thương nhân bảo - song ngài là người tài giỏi nhất.

Vì họ cứ năn nỉ ngài mãi không ngớt nên cuối cùng ngài chấp thuận.

- Như các bạn đã nói với ta việc này, ngài bảo - thì ta sẽ làm thuyền trưởng của các bạn.

Sau đó, ngài bước lên chiếc thuyền của họ.

Họ lái thuyền ra giữa đại dương. Suốt bảy ngày liền, thuyền đi không gặp rủi ro nào, rồi một ngọn gió trái mùa nổi lên. Thuyền trôi dạt bốn tháng trên vùng đại dương hoang dã, cho đến lúc vào được một nơi gọi là biển Khuramàla (Bãi dao nhọn hoắt). Tại đây loài cá có thân như người với mõm nhọn hoắt như lưỡi dao, nhào lộn dưới nước. Các thương nhân quan sát loài cá này, vừa hỏi bậc Đại sĩ biển này tên gì, vừa ngâm vần kệ đầu:

1. Đám người kia mũi nhọn như dao,
Vừa nhảy lên cao lại lộn nhào
Hãy nói. Suppà, cho chúng bạn,
Biển này được biết với tên nào?

Bậc Đại sĩ nghe câu nói này, liền ôn lại trong trí các kiến thức thủy thủ của ngài, rồi đáp qua vần kệ thứ hai:

2. Này các thương nhân cảng Bharka
Đi tìm vàng bạc bán đường xa,
Đây là biển cả Khura đó,
Thuyền của các người đã lạc qua.

Lúc bấy giờ đại dương này có nhiều kim cương. Bậc Đại sĩ suy nghĩ rằng nếu ngài bảo chúng bạn đây là biển kim cương, họ sẽ làm chìm tàu vì tham hốt nhiều kim cương, vì thế ngài không nói gì cả; song sau khi đưa thuyền đến, ngài lấy một sợi dây thừng và thả lưới xuống như thể bắt cá. Với dây này ngài đã hốt được một mớ kim cương và giấu trong thuyền, rồi ngài lựa những thứ ít giá trị quăng xuống biển.

Chiếc thuyền đi qua vùng biển này, đến một biển khác tên là Aggimàla (Vùng lửa cháy). Biển này tỏa ra ánh sáng như thể một ngọn lửa đang bừng cháy, như mặt trời đúng ngọ. Các thương nhân hỏi ngài qua vần kệ này:

3. Kìa đại dương như ngọn lửa hồng,
Như vầng nhật chiếu, chúng ta trông,
Suppa, xin nói cho bè bạn,
Biển ấy tên gì có được không?

Bậc Đại sĩ đáp lại họ qua vần kệ tiếp theo:

4. Này các thương nhân ở Bharka,
Đi tìm vàng bạc bán đường xa,
Đây là biển cả Aggi đó,
Thuyền của các người đã lạc qua.

Bấy giờ biển này chứa đầy vàng, cũng như trước, ngài lấy lên một mớ vàng và cất lên thuyền. Qua khỏi biển này con thuyền đi đến một biển cả tên là Dadhimàla (Vũng sữa đông), óng ánh như sữa tươi hay sữa đông. Các thương nhân lại hỏi tên của biển qua vần kệ:

5. Kìa biển trắng phau giống sữa tươi,
Trắng như nhìn vũng sữa đông rồi,
Suppà, xin nói cùng bè bạn,
Tên gọi là gì của biển khơi?

Bậc Đại sĩ đáp lại chúng bạn bằng vần kệ tiếp theo:

6. Này các thương nhân ở Bharka,
Đi tìm vàng bạc bán đường xa,
Đây là biển cả Dadhi đó,
Thuyền của các người đã lạc qua.

Trong biển này có rất nhiều bạc. Ngài lấy bạc theo cách như trước, rồi cất lên tàu. Chiếc thuyền đi qua biển này và đến một đại dương tên là Nilavannakusamàla (Thảm cỏ Kusa), có hình dáng một thảm cỏ kusa đen nhánh (cỏ cát tường) hay một cánh đồng lúa. Các thương nhân lại hỏi tên biển qua vần kệ:

7. Kìa, biển xanh như cỏ cát tường,
Tưởng như nhìn đám lúa nàng hương,
Suppà, hãy nói cho bè bạn,
Tên gọi là gì của đại dương?

Ngài đáp lời qua vần kệ tiếp theo:

8. Này các thương nhân xứ Bharka,
Đi tìm vàng bạc bán đường xa,
Đại dương đây chính Kusa đó,
Thuyền của các người đã lạc qua.

Bấy giờ trong biển này có rất nhiều ngọc bích quý. Cũng như trước, ngài lấy một mớ và cất trên thuyền. Qua khỏi biển này, con thuyền đi đến một biển tên gọi là Nalamàla (Bãi lau sậy), có hình dáng một bãi lau sậy hay một rừng tre. Các thương nhân hỏi tên biển qua vần kệ:

9. Kìa đại dương như một khóm lau,
Khác nào ta thấy rặng tre đâu,
Suppà, hãy nói cho bè bạn,
Biển cả này tên gọi thế nào?

Bậc Đại sĩ đáp lại qua vần kệ sau:

10. Này các thương nhân xứ Bharka,
Đi tìm vàng bạc bán đường xa,
Biển này tên gọi Nala đó,
Thuyền của các người đã lạc qua.

Bấy giờ biển này đầy san hô với màu khóm tre, ngài lại hốt một mớ và cất lên tàu. Sau khi đi qua biển Nalamala, các thương nhân đến một biển có tên là Valabhàmukha (Lòng chảo). Ở đây nước rút đi và dâng lên một phía, và như vậy nước rút đi ở mọi phía và dâng lên trên các vách đá thẳng đứng để lại một vùng như thể cái hố sâu. Một đợt sóng dâng tràn lên một phía, khác nào một bức tường: ta lại nghe một tiếng gầm thét khủng khiếp, tưởng chừng làm thủng màng tai hoặc vỡ cả tim ta. Khi thấy cảnh này, các thương nhân kinh hoảng và hỏi tên biển qua vần kệ:

11. Này nghe tiếng thét thật kinh hoàng,
Từ biển cả kia thật dị thường!
Hồ thẳm, hãy nhìn, nhiều đợt sóng
Dâng lên dốc đứng tựa sườn non,
Suppà, hãy nói cho bè bạn,
Đây gọi tên gì của đại dương?

Bồ tát đáp lại qua vần kệ:

12. Này các thương nhân xứ Bharka,
Đi tìm vàng bạc bán đường xa,
Valabhà đại dương này đó,
Thuyền của các người đã lạc qua.

Ngài nói tiếp:

- Này các Hiền hữu, một khi thuyền vào trong biển Valabhàmukha này thì không thể nào trở về được. Nếu thuyền này vào đó, nó sẽ chìm và tan nát.

Bây giờ có cả bảy trăm mạng người trên thuyền này, họ đều sợ chết; nên họ đồng thanh thốt lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết, chẳng khác nào tiếng kêu la của những kẻ đang bị đốt cháy trong địa ngục sâu thẳm nhất. (Vô gián địa ngục). Bậc Đại sĩ nghĩ thầm: "Trừ ta ra, không ai có thể cứu mạng họ được. Ta quyết cứu họ bằng một lời thề chân lý". Rồi ngài nói lớn:

- Này các Hiền hữu, hãy mau mau tắm cho ta bằng nước hương thơm, mặc y phục mới cho ta, dọn ra một chén nước đầy và đưa ta đứng trước con thuyền.

Cả bọn vội làm như vậy. Bậc Đại sĩ cầm chén nước đầy bằng cả hai tay, vừa đứng trước mũi thuyền, thực hiện một lời nguyện cầu chân lý, vừa ngâm vần kệ cuối cùng:

13. Từ khi ta nhớ rõ về thân,
Trí tuệ đầu tiên phát khởi dần,
Không một người nào ta sát hại
Là điều ta đã biết tinh tường,
Nếu lời cầu nguyện này chân chánh,
Mong ước thuyền về chốn vạn an.

Bốn tháng qua con thuyền đã du hành trong những vùng biển xa xôi nay dường như được ban thần lực siêu phàm, nên chỉ trong một ngày nó trở lại hải cảng Bharukaccha, vào tận trên đất liền cho đến khi dừng lại trước cửa nhà của vị thuyền trưởng kia, sau khi nhảy vọt qua một khoảng chừng một ngàn một trăm cubit (1 cubit = 45cm). Bậc Đại sĩ phân phát cho đám thương nhân tất cả vàng bạc, trân châu, san hô, kim cương và bảo:

- Số châu báu này là đủ cho các bạn rồi, vậy đừng du hành đường biển nữa.

Sau đó ngài thuyết pháp cho họ và đến khi đã làm xong các việc bố thí và các thiện sự suốt đời, ngài đi lên cộng trú với hội chúng cõi trời.

* * *

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, Bậc Đạo Sư bảo:

- Này các Tỷ kheo, ngày xưa Như Lai cũng rất thông thái như bây giờ vậy.

Và Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời bấy giờ Hội chúng của Đức Phật là hội chúng thương nhân và Ta chính là Trí giả Suppàraka.

Nhận xét:

Trí tuệ viên mãn của Đức Phật là một trong những đề tài quan trọng nhất của bộ chuyện Tiền thân.

Trí tuệ siêu việt của Ngài được trình bày dưới những hình thức thật đơn giản như trong số 387 - Chuyện Cây kim, khi Bồ tát là một chàng trai bán kim nghèo khó có tài làm một cây kim tinh xảo vô song; hoặc trong số 515 - Chuyện Nam tử Sambhava, khi Ngài chỉ là một cậu bé bảy tuổi đã biết giải thích vấn đề Chân Thiện cho cả một triều đình vua quan và dân chúng. Dần dần trí tuệ của Bồ tát đạt cao độ khi ngài so tài hùng biện chân chính với một số vua chúa và trí giả ngoại đạo cho đến cuối cùng ngài giành được sự cảm phục của các đối thủ như trong các số 545 - Chuyện Trí giả Vidhura, và số 546 - Chuyện Đưòng hầm vĩ đại, đó là những chuyện dài đặc sắc nhất của bộ chuyện Tiền thân.

Riêng trong Tiền thân này, Bồ tát là một thủy thủ tinh thông nghệ thuật hàng hải, nên dù đã mù lòa, ngài vẫn được bạn hữu tín nhiệm và mời ngài làm thuyền trưởng cùng họ vượt biển tìm vàng bạc.

Sau cơn bão, thuyền họ trôi giạt vào các đại dương xa lạ đầy nguy hiểm nhưng ngài vẫn biết rõ đặc tính và tên của mỗi vùng biển cùng các loại châu báu khác nhau của mỗi vùng. Tuy vậy, lúc nào ngài cũng biết vừa đủ không muốn lấy nhiều báu vật kẻo sợ bất trắc xảy ra.

Và cuối cùng khi thuyền bị trôi vào vực xoáy tưởng chừng phải tan tành thì ngài đã đem hết uy lực của một người sống chân chính suốt đời để phát nguyện lời thề chân lý cứu nguy cho cả đoàn thủy thủ ấy.

Sau chuyến trở về bình an, ngài đã phân phát hết số tài sản cho họ và khuyên họ giải nghệ để sống cuộc đời trong gia đình thực hành các thiện sự ích lợi cho mọi người và bản thân.


Ghi chú:

[1] Jambudipa (Diêm phù đề): Xứ sở của cây Hồng Đào, tên nước Ấn Độ cổ đại.

[2] Dasabala (Thập Lực): một danh hiệu của Đức Phật, vì Ngài có mười thần thông lực.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 81, 12-2002)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 18-02-2003