BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Đại vương Bhallàtiya
(504. Tiền thân Bhallàtiya)


"Ngày xưa có đại đế Bhallà ...",

Câu chuyện này Bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana (Kỳ Viên) về hoàng hậu Mallikà (Mạt Lợi) tức Nương tử Vũ Quý Hoa.

Một buổi kia, chuyện kể rằng có việc xích mích giữa hoàng hậu và vua Pasenadi của xứ Kosala, về quyền lợi trong đời sống nội cung, vua nổi giận và không muốn nhìn mặt bà. Bà suy nghĩ: "Ta chắc Đức Như Lai không biết đức vua đang giận hờn ta".

Khi Bậc Đạo Sư biết chuyện ấy, ngày hôm sau, Ngài đi vào khất thực tại Ba La Nại có Tăng chúng theo hầu, rồi đến tận cung môn. Vua bước ra đón Ngài và cầm lấy bình bát của Ngài, vừa rước Ngài lên thượng lầu, mời Tăng chúng ngồi theo thứ tự thích hợp, rồi dâng nước chào mừng cùng thực phẩm thượng vị. Sau buổi thọ thực, vua ngồi xuống một bên. Bậc Đạo Sư hỏi:

- Tại sao hoàng hậu Mallikà không đến?

Vua đáp:

- Chỉ vì lòng kiêu mạn ngu si về cảnh vinh quang của bà ta đấy.

Bậc Đạo Sư bảo:

- Này Đại vương, xưa kia, đã lâu lắm rồi, khi Đại vương còn là một tiên nam, Đại vương rời xa bạn đời của mình chỉ một đêm thôi, mà về sau cứ mãi thương tiếc cả bảy trăm năm đó.

Rồi theo lời thỉnh cầu của vua, Ngài kể một chuyện quá khứ.

* * *

Một thuở nọ có một vị vua tên là Bhallàtiya trị vì tại Ba La Nại. Do nỗi say mê món thịt nai rừng bốc khói trên hỏa lò lôi cuốn, ngại giao phó vương quốc cho các đại thần, rồi trang bị đủ năm thứ vũ khí cùng một bầy chó săn thông minh tinh luyện, ngài lên xa giá rời kinh tiến về vùng Tuyết Sơn. Ngài cứ du hành dọc theo sông Hằng mãi tận nơi không còn lên cao được nữa, bèn đi theo một phụ lưu thêm vài đoạn đường, vừa giết nai, lợn rừng vừa thưởng thức món thịt nướng kia, cho đến khi ngài trèo tận một đỉnh cao.

Nơi đó có một con suối đầy thi vị chảy xuống khắp vùng, nước cao lên tận ngực, song vào các mùa khô ráo chỉ gần đến đầu gối. Lúc ấy các đàn cá rùa, đủ loại tung tăng, dải cát dưới nước sáng loáng như bạc, cây cối hai bên bờ rũ xuống nặng trĩu hoa trái, chim chóc, ong bướm say sưa hút nước trái chín và mật ong, bay lượn dưới bóng cây râm mát, nơi đây từng đàn hươu nai đủ loại vẫn lai vãng luôn. Bấy giờ trên bờ suối xinh đẹp này có đôi tiên đang ôm chặt nhau, âu yếm vuốt ve nhau rồi bỗng cất tiếng khóc than rền rĩ vô cùng thảm khiết (1).

Trong lúc vua trèo lên đỉnh Gandhamàdana (Hương Sơn) men theo dòng suối này, ngài chợt nhận thấy đôi tiên kia. "Tại sao họ cứ khóc than rền rĩ như thế này?", ngài suy nghĩ, "Ta muốn hỏi xem sao". Ngài chỉ cần liếc bầy chó săn và búng ngón tay, bầy chó thuần chủng thấy dấu hiệu này là hiểu ngay phần việc của chúng, liền bò vào dưới bụi rậm và nằm sát đất. Vừa khi ngài thấy chúng đã khuất dạng, ngài đặt cung tên cùng các vũ khí kia cạnh gốc cây gần đó và rón rén đi nhẹ nhàng đến gần đôi tiên để khỏi ai nghe lọt bước chân, rồi ngài cất tiếng hỏi:

- Tại sao các ngươi than khóc?

Để giải thích việc này, Bậc Đạo Sư ngâm ba vần kệ:

1. Ngày xưa có đại đế Bhallà,
Ngài vẫn đi săn bắn thật xa,
Trèo tận Hương Sơn và chợt thấy
Đầy hoa nở rộ với yêu ma.

2. Ngài truyền bầy chó thảy nằm yên
Đặt các cung tên xuống đất liền
Tiến bước để đưa lời ướm hỏi
Chốn kia vừa thấy cặp thần tiên:

3. "Đông đã qua, sao lại trở về
Hàn huyên tâm sự cạnh sơn khê?
Các ngươi sao giống phàm nhân quá,
Người gọi loài gì, nói trẫm nghe".

Nghe vua hỏi, vị tiên nam không nói gì, nhưng tiên nữ đáp lại như sau:

4. Tam đính, Hoàng Sơn, núi Mã Lai (2),
Chúng thần men suối mát, băng qua,
Thú rừng cứ tưởng là người thật,
Song bọn đi săn gọi quỷ ma.

Kế đó vua ngâm ba vần kệ:

5. Các ngươi âu yếm tựa tình nhân,
Song lại khóc than thật não nùng,
Tiên chúng giống như người thế tục,
Cớ sao than khóc, hãy phân trần!

6. Các ngươi mơn trớn tựa uyên ương,
Song khóc đầy ai oán thảm thương,
Đôi lứa khác nào người thế tục,
Sao sầu đau thế? Nói cho tường!

7. Như các tình nhân, cứ vuốt ve,
Song lời than khóc thật lê thê,
Các ngươi trông giống người trần tục,
Sao quá bi ai? Nói trẫm nghe!

Các vần kệ sau là do đôi bên đối đáp nhau:

Tiên nữ:

8. Chàng, thiếp một đêm cách biệt nhau,
Không tình ân ái, nặng u sầu,
Tương tư, song chẳng bao giờ có
Đêm ấy trở về được nữa đâu.

Quân vương:

9. Sao nằm đêm ấy quá cô đơn
Đã khiến người rền rĩ tiếc thương?
Đôi trẻ giống như người thế tục,
Mất tiền, hay lão phụ từ trần?

Tiên nữ:

10. Đằng kia, bóng mát, suối tuôn ra
Giữa đá, rồi cơn bão thổi qua,
Vì quá lo âu tìm kiếm thiếp
Nên tình quân đã lội qua bờ.

11. Trong lúc đôi chân thiếp rộn ràng,
Thiếp đi tìm cỏ nội hoa ngàn
Làm vòng đeo, tặng chàng yêu dấu
Và thiếp, vừa khi gặp lại chàng.

12. Kết bó chuông vàng, đồng thảo xanh,
Thủy tiên trắng mát đượm sương lành
Cho chàng yêu dấu vòng hoa cổ
Cùng thiếp, vừa khi gặp bạn tình.

13. Rồi sau thiếp hái bó hoa hồng
Là thứ hoa xinh đẹp nhất vùng,
Để kết liền cho chàng với thiếp
Vòng hoa đeo cổ, lúc tương phùng.

14. Kế hoa là lá, thiếp đi tìm
Về trải đầy trên mặt đất mềm,
Nơi suốt đêm trường chung gối mộng,
Uyên ương thiêm thiếp giấc nồng êm.

15. Gỗ quế, trầm hương kế tiếp liền,
Đặt trên hòn đá, thiếp đâm nghiền,
Làm hương tẩm khắp chàng yêu dấu
Và thiếp, mùi hương cực diệu huyền!

16. Đứng bên bờ suối chảy tuôn dòng,
Thiếp hái hoa sen mãi đến cùng:
Chiều xuống, suối kia tràn khắp chốn,
Muốn sang bờ nọ, hết chờ mong!

17. Đành đứng cả hai ở mỗi bờ,
Nhìn nhau tha thiết, ngóng ngang qua,
Ôi, bao tiếng khóc cười đôi ngả,
Đêm ấy cùng đau đớn xót xa!

18. Sáng lại, vừng đông đã mọc cao,
Khi nhìn con suối cạn khô mau,
Thiếp, chàng vội bước, ôm nhau chặt,
Lập tức cùng cười, khóc với nhau!

19. Gần bảy trăm năm chỉ thiếu ba,
Từ khi chàng, thiếp phải chia xa,
Tim yêu tan nát sầu ly biệt
Dằng dặc tưởng chừng trọn kiếp qua!

Quân vương:

20. Đời ngươi kỳ hạn đến bao giờ?
Nếu chuyện này truyền lại thuở xưa,
Hoặc giả theo lời nhiều trưởng lão,
Thì đừng sợ hãi, nói cùng ta.

Tiên nữ:

21. Một ngàn mùa hạ thắm, an khương,
Chẳng chịu nhiều đau khổ đoạn trường,
Ít gặp ưu sầu, đầy cực lạc,
Suốt đời ngập hạnh phúc yêu đương!

Khi vua nghe vậy, ngài suy nghĩ: "Các sinh vật này thấp kém còn hơn loài người, thế mà vẫn khóc than mãi suốt bảy trăm năm ròng chỉ vì một đêm xa cách nhau, huống hồ ta đây, chúa tể cả một quốc độ rộng ba trăm dặm, lại đành bỏ hết cảnh vinh quang huy hoàng ấy đằng sau để phiêu bạt trong chốn núi rừng hoang dã. Thật là một sai lầm nghiêm trọng".

Ngài liền quay về ngay lập tức. Khi đến thành Ba La Nại, triều thần hỏi ngài có thấy việc gì hy hữu ở vùng Tuyết Sơn chăng, ngài kể cho hội chúng nghe toàn thể câu chuyện kỳ dị kia, rồi từ đó về sau ngài thực hành bố thí và an hưởng cảnh vinh hoa của mình.

Để giải thích việc này, Bậc Đạo Sư ngâm vần kệ sau:

22. Nhờ được đôi tiên khuyến bảo vậy,
Đại vương trở lại bước đường ngay,
Bỏ săn, cấp dưỡng người nghèo túng,
An hưởng tháng ngày lướt nhẹ bay.

Và Ngài ngâm thêm hai vần kệ nữa:

23. Rút ra bài học của tiên kia,
Đừng cãi nhau, mà sửa thói lề,
Kẻo các ngài sầu như bọn chúng
Suốt đời, vì chính bởi lầm mê.

24. Lấy ngay bài học tự đôi tiên,
Đừng khẩu tranh, mà sửa thói quen,
Kẻo chịu đau buồn như bọn chúng
Suốt đời, vì chính lỗi lầm riêng.

Bấy giờ hoàng hậu Mallikà đứng dậy từ bảo tọa khi bà nghe Đức Như Lai thuyết giáo, rồi bà chắp hai tay đảnh lễ Ngài rất cung kính, trong lúc bà ngâm vần kệ cuối cùng:

25. Giờ đây kính bạch Thánh nhân,
Với lòng nhu thuận phục tuân sẵn sàng,
Con nghe được các lời vàng
Tràn đầy thiện ý, chứa chan nhân từ,
Muôn vàn phước đức Tôn Sư!
Ngài vừa khuyến nhủ, ưu tư trút liền!

Từ đó về sau, vua xứ Kosala chung sống sắt cầm hòa hợp với hoàng hậu mãi mãi.

* * *

Khi Pháp thoại này chấm dứt, Bậc Đạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, vua xứ Kosala là vị tiên nam, hoàng hậu Mallikà là tiên nữ và Ta chính là vua Bhallàtiya.


Nhận xét:

Đời sống hòa hợp giữa mọi người trong gia đình và ngoài xã hội là một trong những đề tài quan trọng của bộ Chuyện Tiền thân Đức Phật.

Trong kinh Singalovada (Giáo giới Thi Ca La Việt) của Trường Bộ, Đức Phật đã nêu rõ những tiêu chuẩn đạo đức dành cho một người chân chính ở thế gian qua ảnh dụ lễ bái sáu phương trong luật của bậc Thánh.

Bài kinh này nêu rõ sự quan tâm của Đức Phật đối với đời sống tại gia. Ngài khuyên dạy mọi người sống tiết độ đối với bản thân và giữ mối liên hệ thân ái hòa hợp tôn trọng lẫn nhau giữa thầy - trò, cha mẹ - con cái, vợ - chồng, bạn - hữu, chủ - tớ, gia chủ và giới tu sĩ.

Đây là bài kinh đề xướng những đặc tính đạo hạnh của nếp sống tại gia. Và những đặc tính này được triển khai qua nhiều hình thức phong phú sinh động trong bộ Chuyện Tiền thân này. Tất cả các sợi dây thân ái kết hợp mọi người trong gia đình và ngoài xã hội đều được tán dương. Đặc biệt tình cảm hòa hợp trong cuộc sống lứa đôi cũng được Đức Phật khuyến giáo qua nhiều chuyện Tiền thân như: số 223: chuyện Thức ăn đi đường, số 320: chuyện Dễ cho, số 333: chuyện Con tắc kè, số 489: chuyện Hoàng hậu Suruci, và 519: chuyện Hoàng hậu Sambulà... dành cho đủ hạng người từ bình dân đến hàng vua chúa.

Trong trường hợp này, Đức Phật hòa giải sự tranh chấp giữa vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) và hoàng hậu Mallikà (Mạt Lợi) bằng cách kể chuyện vua Bhallàtiya, một vị vua quá thờ ơ đối với việc nước lẫn việc nhà, nên đã bỏ triều đình và mải mê rong chơi với thú săn bắn trong rừng già cho đến một hôm tình cờ vua gặp một đôi tiên vốn là loài đa tình luôn sống bên nhau, nên chỉ xa cách một đêm, họ đã than khóc khổ đau trọn đời sống kéo dài cả ngàn năm!

Sự gặp gỡ kỳ dị này đã khiến vua nhận ra lỗi lầm của mình khi xao lãng việc triều chính là quốc gia đại sự cùng với đại gia đình ở nội cung ngày đêm mong đợi ngài trở về làm tròn phận sự của vị vua đối với muôn dân.

Từ đó, vua thực hành nếp sống chân chính phù hợp với vị quốc vương, trị nước đúng pháp, bố thí cúng dường và cấp dưỡng người nghèo khó, nên được hạnh phúc an lạc suốt đời.

Để kết luận, Đức Phật còn khuyên răn vua Pasenadi và hoàng hậu Mallikà bỏ thói tranh cãi gây tổn thương cho nhau và học thói nhường nhịn đem lại an lạc cho mình và mọi người chung quanh. Rồi đôi vợ chồng vương giả này đã bày tỏ sự ăn năn của mình bằng cách thực hành nếp sống hòa hợp đúng với phương ngôn tự ngàn xưa:

"Một sự nhịn bằng chín sự lành".

Như vậy chúng ta có thể thấy ngoài nguyên tắc Lục hòa mà Đức Phật dạy Tăng chúng phải luôn thực hành trong đời phạm hạnh, bài kinh Singalovada và những chuyện Tiền thân đầy tình người và hương đạo đề cao sự quan tâm sâu sắc của Đức Phật đối với đời sống trong gia đình và ngoài xã hội, khác hẳn với những quan niệm sai lầm cho rằng đạo Phật chủ trương xa lìa thế tục và xem nhẹ cuộc sống đời thường với tất cả các vấn đề trọng yếu của nó.

Ghi chú:

(1) Kinnara (Khẩn na la): một loài thần tiên ở miền núi rừng, nổi tiếng đa tình luôn quấn quít bên nhau trong cuộc sống.

(2) Mallangiri, Tikùta, Pandaraka: tên ba ngọn núi ở dãy Hymalaya (Tuyết Sơn).

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 80, 11-2002)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 17-02-2003