BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Sàla, Cổ thụ cát tường
(465. Tiền thân Bhadda - Sàla)


"Ngài là ai đứng giữa không gian..."

Chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana (Kỳ Viên) về việc làm thiện sự đối với quyến thuộc của mình.

Thời ấy vua Vidudabha vừa kế vị vua cha là Pasenadi ở Kosala, đã quyết định đem quân sĩ đi sát hại dòng họ Thích Ca để trả mối thù cũ đối với ngoại tộc. Đức Phật hay tin liền đi đến thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) để ngăn cản nhà vua tiến quân vào đó.

Vào ngày bậc Đạo Sư ra đi lần thứ ba đã trở về, sau khi du hành khất thực, và đã thọ thực xong, Ngài đang nằm nghỉ trong Hương phòng, Tăng chúng từ mọi nơi tụ tập trong Chánh pháp đường. Khi ngồi lại với nhau, Tăng chúng bắt đầu nói đến công hạnh của bậc Đạo Sư.

- Này các Hiền giả, bậc Đạo Sư chỉ cần xuất hiện và khiến cho vua lui về, là giải quyết cho thân tộc Ngài khỏi nỗi sợ chết. Bậc Đạo Sư thật là một người bạn lành, hay cứu giúp gia tộc.

Bậc Đạo Sư đi vào, hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì trong khi ngồi tại đó. Tăng chúng thưa lại với Ngài. Sau đó, Ngài bảo:

- Này các Tỷ kheo, không phải chỉ bây giờ Như Lai mới hành động vì lợi ích của các người thân tộc, mà ngày xưa Như Lai cũng đã làm như thế.

Cùng với lời này, Ngài kể một chuyện quá khứ.

* * *

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba La Nại, và thực hành Thập vương pháp (Mười đức tính của vua hiền), ngài nghĩ thầm: "Khắp cõi Diêm phù đề này, vua chúa đều sống trong các cung điện có nhiều cột trụ chống đỡ. Vậy một cung điện được nhiều cột trụ chống đỡ chẳng kỳ diệu gì, song nếu ta xây một cung điện chỉ có một trụ chống đỡ thì sao?... Lúc ấy ta sẽ thành vị đế vương bậc nhất giữa các vị vua!". Do vậy ngài triệu tập các nhà kiến trúc lại, bảo họ xây cất cho ngài một cung điện nguy nga chỉ dựng trên một cột trụ thôi. Họ thưa:

- Xin tuân lệnh

Rồi họ đi sâu vào rừng.

Tại đó, họ ngắm nghía nhiều cây thẳng tắp, cao lớn xứng đáng làm cây cột trụ duy nhất của một cung điện sang trọng như thế. Họ bảo nhau:

- Đây có đủ các cây loại này, song đường sá gồ ghề, ta chẳng bao giờ chở chúng theo được, vậy ta phải thỉnh ý đức vua về chuyện đó.

Khi họ tâu như vậy, vua đáp:

- Hãy dùng cái móc hay neo mà kéo chúng về, thế càng nhanh nữa.

Song họ thưa:

- Chẳng cái móc nào làm được việc này cả.

Vua phán:

- Vậy thì hãy tìm một cây trong thượng uyển của trẫm.

Các nhà xây dựng đi vào vườn ngự, tại đó họ nhìn thấy một cây Sàla dáng vương giả cao quý, thẳng tắp, cành lá xum xuê, vẫn được dân làng, thị trấn tôn sùng, ngay cả hoàng tộc cũng thường đến chiêm bái, và dâng lễ vật. Họ liền tâu lại với vua. Ngại phán:

- Trong vườn ngự của trẫm kia, các khanh đã tìm ra cho trẫm một cây đại thụ, ồ tốt lắm, vậy hãy đi đẵn nó xuống ngay.

Họ đáp:

- Xin tuân lệnh.

Họ đến khu vườn ngự, đôi tay cầm đầy các tràng hoa thơm và các hương liệu khác, sau đó treo lên cây một tràng hoa năm chùm, cuộn quanh thân cây một sợi dây thừng, buộc vào đó một bó hoa thơm, rồi vừa thắp hương đèn, vừa chiêm bái vừa khấn rõ:

- Từ nay đến bảy ngày nữa, chúng tôi sẽ đẵn cây xuống theo lệnh vua truyền. Cầu xin các Thần cư ngụ trên cây này hãy đi nơi khác, và đó không phải lỗi chúng tôi.

Vị thần sống trên cây nghe nói vậy, nghĩ thầm: "Những người xây dựng này quyết đốn cây xuống và phá hoại chỗ cư ngụ của ta. Nay đời ta chỉ kéo dài bao lâu còn nơi cư trú này. Tất cả các cây Sàla non ở chung quanh cây này, có các thần quyến thuộc của ta cư truỏ thật đông, cũng sẽ bị phá hủy. Sự hủy hoại thân ta không quan trọng bằng sự tiêu diệt đám con cháu ta. Vậy ta phải bảo vệ sinh mạng chúng".

Thế là vào lúc nửa đêm, với trang phục huy hoàng, uy nghi, vị Thần cây bước vào cung thất lộng lẫy của vua, chiếu sáng rực rỡ khắp phòng và đứng khóc cạnh chiếc gối của vua. Ngài rất kinh hãi khi thấy vị thần, liền thốt lên vần kệ đầu:

1. Ngài là ai, đứng giữa không gian,
Mình khoác xiêm y tựa thánh thần,
Sao nỗi kinh hoàng kia phát khởi,
Mắt ngài sao đẫm lệ tuôn tràn?

Nghe vậy, vị chúa tể Thần cây ngâm hai vần kệ:

2. Ở trong quốc độ, hỡi quân vương,
Người biết danh cây: Đại Cát Tường,
Đã sáu mươi ngàn năm vẫn đứng,
Toàn dân đều cúng bái ta luôn.

3. Dù chúng dựng xây lắm thị thành,
Lâu đài vương xá, các cung đình,
Tuy nhiên, chúng chẳng hề phiền nhiễu,
Cũng chẳng gây tai hại đến mình,
Vì chúng tôn sùng ta đến thế,
Xin ngài, Chúa thượng cũng tôn vinh!

Tiếp theo, vua ngâm hai vần kệ khác:

4. Song một thân cây vĩ đại này,
Trẫm chưa hề thấy tự xưa nay,
Chu vi đẹp cả chiều cao nữa,
Hùng mạnh, một cây vững chắc thay.

5. Trẫm muốn xây nên mỹ lệ cung,
Chỉ cần độc nhất trụ làm chân,
Trẫm muốn đặt ngài vào chỗ đó,
Đời ngài không ngắn ngủi đâu thần.

Nghe vậy, vị Thần chúa ngâm hai vần kệ:

6. Vì ngài mong muốn đẵn cây thần,
Xin hãy chặt ta nhỏ mỗi phần,
Và xẻ thân này từng mảnh một,
Hoặc đừng gì cả, tấu Anh quân.

7. Hãy chặt trước tiên lấy đỉnh đầu,
Kế là phần giữa, gốc về sau,
Nếu ngài đốn được ta như thế,
Cái chết chẳng còn tạo khổ sầu.

Sau đó, vua lại ngâm hai vần kệ:

8. Trước hết chân tay, kế mũi tai,
Khi người lâm nạn chửa tàn hơi,
Cuối cùng thủ cấp này rơi xuống,
Cái chết này đau đớn rụng rời.

9. Cát Tường cổ thụ! Chúa sơn lâm!
Lạc thú gì ngài cảm thấy chăng?
Sao, lý do gì ngài ước muốn
Thân cây được xẻ nhỏ từng phần?

Đại thụ Cát Tường liền đáp lời qua hai vần kệ:

10. Vì lý do này cao cả thay,
Cớ sao ta muốn xẻ thân này,
Phân ra từng mảnh, tâu Hoàng thượng,
Xin lắng nghe lời ta nói đây.

11. Quanh ta phồn thịnh đám thân bằng,
Sinh trưởng nhờ nơi trú vẹn toàn,
Nếu ta ngã mạnh, đè tan chúng,
Nỗi đớn đau kia sẽ ngập tràn.

Vua nghe vậy xong, lòng đầy hoan hỷ: "Vị Thần này thật cao cả thay, ngài không muốn quyến thuộc mình phải mất nơi trú ẩn do việc ngài mất chốn cư ngụ của riêng ngài. Thế là ngài hành động vì lợi ích của thân tộc mình".

Và vua ngâm kệ cuối cùng:

12. Cát Tường cổ thụ, Chúa rừng xanh!
Tư tưởng ngài cao cả thật tình,
Ngài muốn giúp thân bằng quyến thuộc,
Vậy trẫm cho ngài thoát hãi kinh.

Vị Thần chúa, sau khi thuyết giáo vua xong, liền ra đi. Còn vua an trú vào lời khuyên nhủ của ngài, bố thí và làm nhiều thiện sự khác cho đến khi vua mạng chung, đi lên cộng trú với các hội chúng ở cõi Trời.

* * *

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Đạo Sư bảo:

- Này các Tỷ kheo, như thế là Như Lai vẫn hành động vì lợi ích của thân bằng quyến thuộc mình.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy Ànanda là vua kia, hội chúng của Đức Phật là các thần trú thân trong các cây con của cây Sàla, và Ta chính là cổ thụ Cát Tường, vị Thần chúa.


Nhận xét:

Lòng từ bi là một trong những đức tính quan trọng nhất của Đức Phật và vì thế đạo Phật được gọi là Đạo của Từ bi và Trí tuệ.

Đức Phật dạy các đệ tử tu tập lòng thương xót đối với muôn loài và giới bất sát là giới cấm đầu tiên của hàng đệ tử tại gia. Không chỉ với các loài sinh vật, Ngài còn trải rộng lòng từ đến muôn loại cỏ cây. Ngài khuyên các đệ tử không làm hại cây cối, nhất là các khu rừng, vốn là nơi trú ẩn, là bạn lành của những khất sĩ xuất gia. Ngài khuyên mọi người phải tỏ lòng biết ơn các cây cao bóng cả đã che chở họ bằng cách không chặt cành hái lá, thậm chí Ngài còn dặn các Tỷ kheo thận trọng khi đem đổ thức ăn thừa vào chỗ trống để tránh làm hại cây cỏ.

Trong một số bài kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật dạy quần chúng làm các thiện sự như xây cầu cống, đắp đường, trồng công viên, trồng rừng, đào giếng... đem lại lợi ích chung ở đời này và tái sinh cõi lành ở đời sau.

Câu chuyện Tiền thân này là một ví dụ về lòng từ của Bồ tát, tiền thân Đức Phật, khi Ngài là một vị chúa thần cây.

Vị vua trong chuyện này có tham vọng làm chủ một cung điện nguy nga độc đáo nhất thiên hạ, nên dự định chặt cây Sàla đệ nhất cổ thụ trong vườn ngự uyển. Đó là việc từ xưa đến giờ chưa một vua chúa nào nghĩ đến vì cây này vẫn được dân chúng toàn thành tôn sùng cúng bái hàng ngàn năm nên có thể đã tạo thành một mỹ quan đặc biệt ở vườn thượng uyển đem lại an lạc cho du khách mỗi khi đến viếng cảnh này.

Sự chặt ngã cây cổ thụ này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả vùng cây cỏ chung quanh. Nhưng với năng lực khiêm tốn của một vị thần cây, Bồ tát không thể làm gì để che chở quyến thuộc thân bằng của mình hơn là đến van xin nhà vua ngừng việc tàn phá tai hại ấy.

Rồi khi thấy không thể ngăn cản được ý định của vua, ngài đề nghị vua cho chặt nhỏ cây cổ thụ ra từng phần để bớt gây tổn thất cho đám cây cối chung quanh.

Trước nghĩa cử hy sinh cao đẹp của vị thần cây, vua chợt tỉnh ngộ và từ bỏ ý định đốn cây để bảo vệ khu rừng như cũ. Vạ cũng từ đó, vua theo lời khuyên của vị thần cây làm các thiện sự nên được sinh lên cõi trời.

Chưa bao giờ lời khuyên của Đức Phật về sự bảo vệ môi trường thiên nhiên lại mang tính thực tiễn và cần thiết như ở thời hiện đại, trong khi khắp nơi trên thế giới, hàng ngày vẫn diễn ra nạn phá rừng, nhất là các khu rừng nguyên sinh, gây sức tàn phá có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của muôn loài và có nguy cơ đe dọa luôn cả sự tồn tại của loài người trên hành tinh xanh này. Tất cả các sự kiện ấy đều phát xuất từ những tham vọng vị kỷ của những người không hề biết nghĩ đến ích lợi và quyền sống của người khác, nói gì đến muôn loài sinh vật.

Phải chăng đã đến lúc các tổ chức hòa bình xanh cần khuyến giáo toàn thể nhân loại phải bảo vệ môi trường sống thiên nhiên để tự cứu mình theo tinh thần vô ngã vị tha của Đức Phật từ ngàn xưa?

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 75, 06-2002)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 17-02-2003