BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Trích giảng Tiểu Bộ Kinh
Nguyên Tâm Trần Phương Lan
Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân
Chuyện vua Dalha-dhamma "Chính con khuân vác tự ngày xanh..." Bậc đạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại rừng Ghosita (Cù-sư-la) gần Kosambi (Kiều thưởng di), về Bhaddavatika, con voi cái của vua Udena. * Bấy giờ cách con voi này được trang điểm vàng ngọc và chuyện dòng họ vua Udena sẽ được nêu ra trong Tiền thân Màtanga (số 497). Một hôm con voi này ra ngoại thành sáng sớm gặp Đức Phật được Thánh chúng vây quanh, trong vẻ oai nghi tối thượng của một bậc Giác ngộ, đang vào thành khất thực, nó quỳ xuống chân Đức Như Lai, than khóc và cầu khẩn Ngài : -Bạch Thế Tôn, bậc toàn tri kiến, vị cứu khổ toàn thế giới , khi con còn trẻ và có khả năng làm việc, vua Udena, một vị minh quân đã thương yêu con và bảo: "Đời sống của ta cùng vương quốc và hoàng hậu đều nhờ nó tất cả." Rồi ngài ban cho con đại vinh hiển bằng cách trang điểm mọi thư vàng ngọc, ngài truyền trát chuồng voi với đất trộn hương liệu, treo các đồ vật có màu sắc rực rỡ chung quanh, thắp đèn với dầu thơm, đặt đĩa trầm xông tại đó, ngài lại truyền đặt một chậu bằng vàng tại chỗ con đại tiện, cho con đứng trên thảm màu và cho con ăn toàn cao lương thượng vị của vua. Nay con đã già và không làm việc được nữa, nên ngài tước bỏ mọi đặc ân ấy, con sống bơ vơ khốn khổ không ai bảo vệ chăm sóc, chỉ ăn toàn quả ketaka trong rừng, con chẳng có nơi nương tựa nào nữa. Xin Thế tôn nói cho vua Udena nghĩ lại các công đức của con và phục hồi mọi vinh quang cũ cho con. Bậc đạo sư bảo : -Ngươi hãy đi về, rồi ta sẽ nói với nhà vua phục hồi mọi vinh quang cũ cho ngươi. Sau đó Ngài đi đến cửa hoàng cung. Nhà vua mời Đức Phật vào, thiết đãi trọng thể tất cả hội chúng theo hầu Đức Phật. Khi buổi thọ thực đã xong, bậc Đạo Sư nói lời tùy hỷ công đức và hỏi : -Thưa Đại vương, con voi Bhaddavatikà đâu rồi? -Bạch Thế Tôn, Trẫm không biết. -Thưa Đại vương, sau khi đã ban vinh hiển cho đám nô tỳ, ngài tước bỏ mọi ân huệ lúc chúng già yếu là không phải đạo, vậy cần tỏ lòng biết ân chúng mới hợp lý. Bhaddavatikà nay đã già, mòn mỏi vì tuổi tác và không được ai bảo vệ, chỉ sống bằng trái cây Ketaka trong rừng. Đại vương để cho nó bơ vơ như vậy lúc già yếu là không hợp lý. Rồi kể các công đức của con voi Bhaddavatikà, ngài bảo: -Đại vương hãy phục hồi mọi vinh quang cũ của nó. Xong Ngài ra đi. Nhà vua làm theo lời ngài. cả kinh thành truyền tin rằng vinh quang cũ ấy đã được phục hồi nhờ đức Phật kể lại mọi công đức của nó. Việc này được Tăng chúng biết chư vị bàn luận trong lúc hội họp. bậc Đạo sư bước vào và nghe đây là đề tài của chư vị, Ngài bảo: -Này các Tì kheo, đây không phải là lần đầu Như Lai làm cho nó được phục hồi mọi vinh quang cũ bằng cách kể chuyện công đức của nó. Và Ngài kể một chuyện quá khứ. * Ngày xưa có một vị vua mệnh danh là Dalhadhamma cai trị tai Ba la nại. thời ấy Bồ tát được sanh vào gia đình một đại thần quan trọng nhất trong triều. vua có một con voi cái rất dũng mãnh, lực lưỡng. Nó đi một trăm dặm một ngày, làm mọi phận sự sứ thần của vua, khi ra trận nó chiến đấu oanh liệt, dẫm nát quân thù. Vua thường bảo: -Con voi này thật hữu ích đối với ta. Rồi vua ban cho nó mọi đồ vật trang điểm và vinh quang giống như vua Udena ban cho Bhaddavatikà ngày nay. Sau đó khi nó già yếu, vua tước hết mọi đặc ân trên. Từ đó nó không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng các thứ cỏ lá trong rừng. Một hôm, các loại đồ gốm sứ trong cung điện vua không đủ dùng, vua truyền thợ gốm lại phán: -Đồ gốm không đủ dùng. -Tâu đại vương, tiểu thần không có bò kéo xe để mang phân bò về nung đất sét. Vua nghe chuyện liền phán: -Con voi cái của ta đâu rồi? -Tâu đại vương, nó đang phiêu bạt tuỳ ý. Vua bảo đem nó cho người thợ gốm: -Từ nay ngươi buộc nó vào xe rồi đưa đi chở phân. Người thợ gốm đáp: -Tâu đại vương tốt quá. Rồi gã làm theo lời dặn. một hôm, ra ngoại thành, voi cái chợt thấy Bồ tát đi đến, liền quì xuống chân Ngài vừa than khóc vừa nói: -Thưa tể tướng, thời con còn trẻ, đức vua xem con rất hữu dụng và ban cho con đại vinh hiển, nay con già yếu, ngài tước bỏ mọi đặc ân và không còn nghĩ đến con nữa, con không được ai bảo vệ và chỉ sống bằng cỏ lá trong rừng, con gặp cảnh khốn cùng thế này, ngài lại đem con cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân; trừ tể tướng ra, con không còn nơi nương tựa nào cả, chính tể tướng đã biết mọi công lao con phục vụ đức vua, xin ngài cho con được phục hồi mọi vinh hiển đã mẩt. Rồi voi cái ngâm ba vần kệ :
Bồ tát nghe chuyện, liền an ủi nó và bảo : -Thôi đừng buồn khổ nữa, ta sẽ đi trình đức vua và phục hồi mọi vinh dự cho ngươi. Vì thế khi vào thành, ngài đi đến chầu vua sau buổi điểm tâm và bắt đầu câu chuyện, ngài bảo : -Tâu đại vương, có phải con voi cái mang tên kia đã ra trận chiến tại những nơi nọ với các vũ khí buộc đầy ngực, rồi ngày khác nó lại mang quốc thư ở cổ đi cả trăm dặm làm sứ giả cho đại vương, và đại vương đã ban cho nó nhiều vinh hiển chăng, nay nó đâu rồi? -Trẫm đã giao nó cho người thợ gốm chở phân bò. Bồ tát liền đáp : -Có hợp đạo lý chăng, tâu đại vương, khi giao nó cho người thợ gốm buộc vào xe chở phân? Rồi để khuýến giáo, ngài ngâm bốn vần kệ :
Với lời khởi đầu này, Bồ tát giáo giới toàn thể dân chúng đang tụ tập ở đó. Nghe vậy, vua liền ban cho con voi già mọi vinh hiển cũ. Và về sau được an trú vào lời dạy của Bồ tát, vua bố thí cùng thực hành nhiều thiện sự khác, nên được sanh lên cõi Thiên. * Khi pháp thoại chấm dứt, bậc đạo sư nhận diện tiền thân: "Thời ấy, voi cái là Bhaddavatikà, vị vua là Ànanda, vị đại thần chính là ta vậy". -ooOoo- Nhận xét : Lòng biết ơn là một trong những đề tài quan trọng của bộ Chuyện Tiền thân. Lòng biết ơn người hay vật đã làm công ích thiện sự cho ta được Đức Phật đề cao qua nhiều chuyện tiền thân và chuyện này là một ví dụ. Nhân chuyện vua Udena bạc đãi và bỏ rơi con voi già yếu đã từng lập nhiều công lao hiển hách đối với nhà vua suốt thời kỳ nó còn trẻ và đã được vua ban nhiều vinh hiển bổng lộc, bậc Đạo Sư khuyên vua nên cho nó được phục hồi mọi vinh quang cũ, và Ngài lại kể một chuyện quá khứ chứng minh trong tiền kiếp, Ngài đã từng làm một chuyện tương tự. Qua các chuyện này, ta thấy Đức Phật luôn ca ngợi sự đền ơn đáp nghĩa đối với bất cứ người hay vật làm công ích cho mình, ngay cả khi ta có thể bị hại vì hành vi cao đẹp ấy, như trường hợp Nai chúa Nandiyamiga muốn trả ơn vua đã cho nai ăn uống trong vườn ngự một thời gian bằng cách đem tính mạng mình ra thử thách lòng tốt của vua, chứ không muốn trốn đi để khỏi chết dưới mũi tên tàn bạo. Đức Phật không chỉ khuyên dạy các đệ tử biết ơn cha mẹ, thầy hay bạn tốt, những người có công lớn đối với đời ta mà còn phải nhớ ơn cả những gia công hầu cận hay các loài vật phục vụ ta như con voi già trong chuyện này. Hơn nữa, Ngài còn dạy các đệ tử nhớ ơn tất cả loài cỏ cây có ích lợi chung quanh. Trong nhiều chuyện tiền thân khác, Ngài dạy rằng khi ta ngồi dưới một góc cây cho ta bóng mát dù chỉ trong chốc lát, ta cũng tỏ lòng biết ơn bằng cách không bẻ cành hái lá, vì chỉ người ác mới làm hại bạn lành. Điều này được thể hiện ngay sau khi vừa thành đạo. Trong niềm hân hoan vô tận của giải thoát lạc, Ngài không ngừng chiêm ngưỡng cây cổ thụ Asattha, hay cây đa (Nigrodha), một loại cây sung, để tỏ lòng biết ơn đối với cây cao bóng cả đã cho Ngài một nơi an trú vững chắc suốt trong cuộc chiến đấu cuối cùng chống Ma Vương và Ma quân ào ạt tấn công Ngài như vũ bão trước khi Ngài trở thành bậc chiến thắng anh hùng. Theo Tôn giả Narada, một pháp sư danh tiếng trong thế giới Phật giáo, thái độ này của Đức Phật đã gián tiếp dạy cho loài người một bài học đạo đức vĩ đại. Về sau theo gương Ngài, các đệ tử Ngài cũng tôn trọng cây cổ thụ ấy cùng con cháu của nó và chúng được mệnh danh là cây Bồ đề để tưởng niệm sự giác ngộ của Ngài. Khi Đức Phật quyết định thuyết pháp độ sanh sau nhiều tuần thọ hưởng niềm an lạc của Niểt bàn bất tử, Ngài nghĩ ngay đến hai vị đạo sư Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta đã từng hướng dẫn Ngài trên con đường học đạo; rồi tiếp theo là nhóm sáu vị khổ hạnh Komdanna, bạn đồng tu, đã từng phục vụ Ngài suốt thời kỳ Ngài thực hành những pháp môn khổ hạnh đệ nhất nhưng không đem lại giác ngộ giải thoát, và họ đã rời bỏ Ngài trước khi Ngài đơn thân theo con đường mới là thực hành thiền quán dưới gốc cây Bồ đề ấy. Trong thời Ngài tại thế cũng như trong những chuyện đời xưa, Đức Phật luôn tán thành lòng biết ơn. Ngài bài bác hành động vong ân bội nghĩa, vì Ngài thấy rõ đó là ác nghiệp có thể đưa đến suy vong ở đời này và tái sanh đọa xứ, địa ngục; còn sự đền ơn đáp nghĩa là thiện nghiệp, sẽ đưa đến hưng thịnh thành công ở đời này và tái sanh cõi lành ở đời sau. Lời dạy của Đức Phâtẹ về lòng tri ân đối với các thiện sự mà ta nhận được từ người hay vật và ngay từ cỏ cây thật vô cùng cao cả và có ích lợi thực tiễn cho loài người hiện nay. Trong lịch sử, chưa bao giờ con người khắp thế giới ra sức tàn phá môi trường sống nhe trong thời hiện đại. Do lòng tham vô tận, con người tìm mọi cách làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên qua những việc đốn cây, phá rừng, làm cháy rừng... gây nên những trận lũ lụt nghiêm trọng cho từng vùng đất rộng lớn hoặc săn bắn các động vật quý hiếm để lấy lông, da, sừng, ngà, mật,... tạo nguy cơ tuyệt chủng cho một số loài vật giống như vị vua ở chuyện Đại Hầu Vương đã dự định hủy hoại môi trường sống và làm tuyệt chủng cả dòng họ của 80.000 con khỉ, chỉ vì chút lòng tham vị ngon ích kỷ của mình! Trong khi muốn thỏa mãn dục vọng không cùng của cá nhân hay tập thể, họ không hề nghĩ đến hậu qủa tai hại cho môi trường sống chung quanh cũng như cho bản thân mình ở đời này và đời sau. Phát xuất từ lòng đại bi vô lượng đối với muôn loài, đạo đức Phật giáo là lý tưởng đối với đạo đức môi trường sinh thái. Chúng ta có thể khẳng định đời sống theo Phật đạo rất thân thiết với môi trường thiên nhiên. Chưa bao giờ như hiện tại, chúng ta cần áp dụng truyền bá lời dạy của Đức Phật về lòng biết ơn sâu rộng như tren để ngày càng có nhiều người ý thức sự cần thiết bảo vệ quả đất, một hành tinh thường được ví như bà mẹ hiền cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cho muôn loài sinh vật. Nếu loài người chúng ta không biết tôn trọng và bảo vệ môi trường sống hiện tại, thì hậu quả xấu sẽ không lường đối với các thế hệ tương lai và thảm hoạ cho môi trường sinh thái là điều tất yếu không thể tránh khỏi, vì cho đến nay, quả đất mẹ vẫn là hành tinh xanh duy nhất cung cấp nguồn sống cho muôn loài sinh vật theo sự khám phá của khoa học hiện đại. (Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 63, 06-2001) -ooOoo- |
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 24-09-2002