BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Trích giảng Tiểu Bộ Kinh
Nguyên Tâm Trần Phương Lan
Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân Chuyện
Kiều nữ Sulasà "Này đây là chiếc vòng vàng..." Bậc đạo sư kể chuyên này trong lúc trú tại kì viên, về một nữ tì của ông Cấp Cô Độc. Chuyện kể rằng vào một ngày lễ hội, khi nàng sắp đi cùng đám gia nhân đến một lạc viên, nàng xin nữ chủ nhân Phước Tướng cho nàng một món nữ trang để đeo. Bà chủ cho nàng một món nữ trang của bà trị giá một trăm ngàn đồng tiền. Nàng đeo vào cổ và cùng đám gia nhân đi đến chỗ vui chơi. Một tên trộm thèm món nữ trang kia, với dự định giết nàng để đoạt của, hắn lân la đến nói chuyện với nàng tại khu vườn kia. Hắn cho nàng ăn cá thịt và uống rượu mạnh. Nàng suy nghĩ: "Ta chắc chàng làm vậy vì thích ta". Vào buổi chiều tối khi mọi người nằm xuống nghỉ ngơi sau các cuộc vui chơi, nàng đứng dậy đi tìn hắn. Hắn bảo: -Này cô nương, chỗ này không kín đáo, ta hãy đi xa hơn một chút. Nàng suy nghĩ: "Bất cứ việc gì thầm kín đều có thể xảy ra nơi tại này, chắc chắn anh chàng muốn giết ta và đoạt món nữ trang ta đang đeo. Vậy ta sẽ dạy cho chàng ta một bài học". Vì thế nàng bảo: -Thưa tôn ông, thiếp đang khát nước khô cổ họng vì uống rượu mạnh. Xin hãy kiếm cho thiếp một ít nước. Rồi đưa hắn đến giếng, nàng vừa bảo hắn kéo nước vừa chỉ cho hắn sợi dây thừng và chiếc gàu. Tên trộm thả gàu xuống. Rồi ngay khi hắn cúi mình để kéo nước lên, cô nữ tì vốn rất lực lưỡng liền đẩy mạnh hắn với đôi bàn tay và hất hắn xuống giếng. Nàng bảo: -Mi chẳng chết vì cách này đâu. Rồi nàng ném một cục gạch lớn trên đầu hắn. Hắn chết liền tại chỗ. Khi nàng trở về thành và trả lại bà chủ món nữ trang, Nàng bảo: -Con suýt bị giết hôm nay vì món nữ trang ấy. Rồi nàng kể lại toàn thể câu chuyện. Bà chủ bèn kể chuyện lại với ông Cấp Cô Độc và ông trình báo với đức Như Lai. Bậc đạo sư bảo: -Này gia chủ, đây không phải lần đầu tiên nữ tì ấy có trí thông minh phát xuất kịp thời, mà ngày xưa cũng vậy. Đây không phải lần đầu nàng giết kẻ ấy, mà trước kia cũng đã từng giết kẻ ấy. Và theo lời ông Cấp Cô Độc, Ngài kể một chuyện quá khứ. * Ngày xưa khi vua Bramadatta trị vì tại Ba la nại, có một kiều nữ của kinh thành tên gọi la Sulasà, làm chủ một đoàn năm trăm kĩ nữ sang trọng, giá mỗi đêm hưởng lạc ở đó là một ngàn đồng tiền. Cũng trong kinh thành này có một tướng cướp tên là Sattuka, khoẻ mạnh như voi, vẫn thường đột nhập vào các nhà giàu ban đêm để cướp của thoả thích. Dân trong thành tụ tập lại cáo trạng tâu với vua. Vua ra lệnh canh đóng rải rác khắp nơi để bắt tướng cướp và xử trảm. Họ trói tay hắn ra sau và vừa dẫn hắn đến pháp trường vừa đánh roi khắp minh mẩy. Lúc ấy nàng Sulasà đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, thấy tướng cướp bỗng nhiên đâm ra si tình hắn và suy nghĩ: "Nếu ta có thể giải nguy cho chàng chiến sĩ lực lưỡng này, ta sẽ từ bỏ cuộc đời xấu xa hiện nay của ta và sống chân chánh với chàng". Nàng lấy lại tự do cho hắn bằng cách gửi một ngàn đồng tiền vàng đến tặng ngài thị trưởng rồi sau đó sống hạnh phúc hoà hợp với hắn. Sau chừng ba bốn tháng, tướng cướp suy nghĩ: "Ta sẽ chẳng bao giờ có thể ở một nơi như vầy, song ta không thể ra đi tay không. Nữ trang của Sulasà trị giá một trăm ngàn đồng tiền. Ta muốn giết nàng và lấy của". Vì vậy một hôm hắn bảo nàng: - Ái nương ơi! Khi ta đang bị quân lính của nhà vua kéo đi, ta hứa cúng lễ vật cho một thần cây trên đỉnh núi, nay vị ấy đang đe doạ ta vì không trả lễ. Vậy chúng ta hãy đi dâng lễ thần. - Thưa lang quân! tốt lắm, chúng ta hãy chuẩn bị lễ vật gửi đi cúng thần. - Này ái nương! gửi lễ vật cúng thần không công hiệu gì đâu. Chúng ta hãy cùng đi dâng lễ mang theo mọi món tư trang và đám hầu cận. - Thưa lang quân! được rồi, chúng ta cùng làm vậy. Hắn bảo nàng chuẩn bị lễ vật và khi họ đến chân núi, hắn bảo: -Này ái nương, vị thần này thấy đông người sẽ không nhận lễ vật, vậy hai ta cùng đi lên núi dâng lễ. Nàng thoả thuận và hắn bảo nàng mang chiếc bình. Phần hắn đã chuẩn bị hết sức chu đáo. Khi cả hai đến đỉnh núi, hắn đặt lễ vật xuống gốc cây mọc cạnh bờ vực cao gấp trăm lần một người thường và bảo: -Này ái nương, ta không đến đây để dâng lễ vật, mà đến đây với ý định giết nàng rồi trốn đi với mọi tư trang của nàng, vậy hãy cởi ra hết và góp thành một bó trong áo khoác của nàng kia. -Này lang quân, tại sao chàng muốn giết thiếp? -Vì tiền của nàng đấy. -Lang quân ơi, hãy nhớ lại mọi việc tốt lành mà thiếp đã làm cho chàng: Khi chàng bị xiềng tay chân và kéo đi xử trảm, thiếp đã bỏ một anh chàng nhà giàu chỉ vì chàng và trả một số tiền lớn để cứu chuộc chàng. Dù thiếp có thể kiếm một ngàn đồng tiền mỗi ngày, thiếp cũng không nhìn đến một nam nhân nào khác. Thiếp đã làm ân nhân của chàng như vậy. Xin chàng đừng giết thiếp. Thiếp nguyện trao cho chàng thật nhiều tiền và làm nô tì cho chàng. Cùng với những lời khẩn cầu này, nàng ngâm vần kệ đầu:
Khi ấy Sattuka ngâm vàn kệ thứ hai phù hợp với mục đích của hắn, đó là:
Trí khôn của Sulasà xuất hiện kịp thời, nàng suy nghĩ: "Tên cướp này không muốn cho ta sống, vậy ta sẽ đoạt mạng hắn trước bằng cách ném hắn xuống vực sâu”, và nàng ngâm hai vần kệ tiếp:
Sattuka không thể hiểu được mục đích của nàng, liền nói: -Tốt lắm, này ái nương hãy đến ôm ta trong tay nàng. Sulasà đi vòng quanh hắn cung kính đảnh lễ ba lần, vừa hôn hắn vừa bảo: -Này lang quân, bây giờ thiếp đảnh lễ chàng từ phía. Nàng đặt đầu nàng lên chân hắn, đảnh lễ hai bên, xong đi vòng ra phía sau hắn như thế sắp đảnh lễ hắn tại đó; rồi với sức mạnh như voi, nàng nắm hai cẳng hắn ném hắn lộn ngược đầu xuống vực thẳm của tử thần cao gấp trăm lần một người thường. hắn tan thân và chết tại chỗ. Thấy việc này, vị thần trên đỉnh núi ngâm các vần kệ sau:
Như vậy Sulasà đã giết tên cướp nọ. Khi nàng xuống núi và đứng giữa đám hầu cận, hỏi chồng nàng đâu. Nàng bảo: -Đừng hỏi ta nữa! Rồi leo lên xe, nàng đi thẳng đến kinh thành. * Khi pháp thoại chấm dứt, bậc Đạo sư nhận diện tiền thân: thời ấy hai kẻ đó chính là hai người bây giờ, và vị thần núi chính là Ta. -ooOoo- Nhận xét: Hai chuyện tiền thân này đâu liên hệ đến hai người thiếu phụ gặp tiếng sét ái tình với hai tướng cướp hung ác, những kẻ lãng tử giang hồ trong bước đường cùng mà hai nàng muốn cứu mạng để chung sống về sau. Nhưng cả hai nàng đều phải trả giá rất đắt cho hành động phiêu lưu mạo hiểm của mình dù mỗi người ở một hoàn cảnh, địa vị khác nhau. Vợ chàng Tiểu xạ thủ vốn là một cô gái nề nếp gia phong được cha nàng là một vị giáo sư danh tiếng lẫy lừng khắp thiên hạ dạy bảo từ nhỏ trong khuôn khổ lễ giáo để nàng trở thành người vợ hiền, và sau đó ông chọn chồng cho con gái là người học trò xứng đáng nhất trong đám môn đồ của ông. Nhưng tính tình của nàng lại chóng thay đổi bất thường với nỗi khổ đam mê mãnh lịêt mù quáng, quên mất đạo lý làm vợ, đã tàn nhẫn lập mưu giết chồng nàng để thoả mãn dục vọng nhất thời. Và nàng đã gặt hái kết quả tai hại do hành động khờ dại ấy ngay sau đó. Tuy thế, nàng vẫn không thấy được lỗi lầm của nàng trong cách xử thế và dự định tiếp tục sống theo tà hạnh, nên Sakka Thiên chủ, hiện thân của Bồ Tát, phải giả dạng xuống trần gian diễn một màn bi hài kịch để giáo hoá nàng cho nàng biết ăn năn tội lỗi và sửa mình về sau. Còn nàng Sulasà trong chuyện này là một kỹ nữ thượng lưu vốn theo nếp sống buông thả dục tình, nhưng bất chợt nàng đem lòng say mê một tướng cướp mang tử tội và nàng tìm đủ mọi cách cứu y thoát chết để có thể chung sống với y từ giã nghề nghiệp xấu xa của nàng. Nhưng tướng cướp kia vốn quen sống đời giang hồ phiêu bạt đó đây nên không thể gò bó mình vào cuộc sống bình thường trong gia đình mãi được. Rồi bản tính hung bạo cũ nổi lên khiến y quên cả người vợ ấy, chính là ân nhân đã cứu mạng y không lâu trước đó. Và vì thế , y lập mưu giết nàng để đoạt tài sản trước khi cất bước phong trần một lần nữa. Ngay cả khi nàng hết lời van xin y tha mạng và sẵn sàng dâng hết tài sản của nàng cùng làm nô lệ cho y, y vẫn không từ bỏ ý định phản bội kia. Đối với một kẻ tán tận lương tâm không hề biết đã phải như thế, nàng Sulasà chỉ còn cách duy nhất để tự cứu mình là giết y. Trí thông minh xuất hiện giúp nàng nghĩ ra mưu kế đánh lừa y để tránh được tai hoạ cho mình. Hành động khôn ngoan và can đảm kịp thời của nàng để trừ gian diệt bạo và tự giải thoát tình thế hiểm nghèo ấy đã được Bồ tát thời ấy là vị thần núi chứng kiến câu chuyện ngâm các câu kệ cảm hứng ca ngợi. Cũng như trong chuyện tiền thân con báo trước kia, đối với nhừng loài hung ác, không hề biểt lẽ phải, Đức Phật cũng đã khen ngợi những người hay vật đầy đủ trí khôn và lòng can đảm chống cự lại chúng để tự bảo vệ mình. Như vậy, nói chung, trong những trường hợp gian nguy gặp kẻ hung ác ỷ mạnh hiếp yếu để thỏa mãn cuồng vọng của chúng, Đức Phật vẫn khen ngợi cách xử thế khôn ngoan của những ai có đủ trí thông minh và can đảm để chống cự chúng và tự bảo vệ mình, nếu không họ sẽ bị những kẻ thù tàn bạo tiêu diệt ngay lập tức. (Trích Nguyệt san Giác Ngộ số 69, 12-2001) -ooOoo- |
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 24-09-2002